Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 42: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Lão Pháp Sư Tịnh Không

04/08/2021

Kinh văn: “Ly phi phạm hạnh, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, kỳ gia trực thuận, mẫu cập thê tử, vô hữu năng dĩ, dục tâm thị giả”.

Trong bộ kinh này Phật dạy bảo chúng ta, vì chúng ta khai thị, đem thập thiện thực tiễn vào trong sáu Ba La Mật của hạnh Bồ-tát. Trong sáu Ba La Mật thì bố thí là nói rộng, nói rất cặn kẽ, còn năm loại phía sau là nói sơ lược. Nghĩa rộng chúng ta hiểu được rồi, Phật chỉ nói sơ lược, chúng ta cũng có thể thông đạt hiểu rõ, đối chiếu với nghĩa rộng của đoạn phía trước. Đây gọi là “nêu một hiểu ba”. Hy vọng chúng ta có thể thực tiễn thiện hạnh này vào trong đời sống, vào trong công việc, trong đối nhân xử thế tiếp vật.

Đoạn này nói không tà dâm. Phần trước đã nói không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm thực tiễn vào bố thí. Bố thí nhất định là được giàu có, cho nên trong mỗi một câu đều có “thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt”. Đây là sự thật, người thế gian gọi là chân lý. Tu nhân chắc chắn có quả báo. Bạn muốn lìa quả báo cũng không lìa được, quả báo nhất định sẽ đi theo bạn. Hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì chúng ta muốn cầu giàu có không phải cầu không được. “Trong cửa Phật có cầu tất có ứng”. Cầu có đạo lý của nó, nhất định là dùng thập thiện nghiệp để tu bố thí Ba La Mật, tu ba loại thí này. Đây là lìa tà dâm, tức là không tà dâm hành bố thí.

Hai câu phía trước “thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt” là nói tổng quát. Phía sau có biệt báo là “kỳ gia trực thuận”, gia đình của bạn mỹ mãn, ai nấy đều chánh trực, hòa thuận. “Thuận” là hòa thuận. “Gia hòa vạn sự hưng”. Muốn gia đình mỹ mãn là phải tu thiện hạnh mới có thể cảm được. Nếu như hành vi của bạn bất thiện, cho dù bạn có thể có được tiền của nhưng trong nhà bạn vẫn không được mỹ mãn.

“Mẫu cập thê tử”. Đây là nói nữ chúng trong gia đình bạn. Khi người bên ngoài tiếp xúc với họ đều là dùng tâm tôn kính, tâm kính yêu, tuyệt đối không có ý niệm dâm dục để đối xử với họ. Từ đó cho thấy, nhân như thế nào thì sẽ cảm quả báo như thế ấy. Nghiệp nhân, quả báo không mảy may sai chạy. Nếu chúng ta muốn gia đình hòa thuận thì nhất định phải đoạn ác tu thiện mới có thể có được.

Ngày nay, xã hội này, vấn đề nghiêm trọng nhất chính là luân lý đạo đức gia đình bị hủy hoại rồi. Ai là người hủy hoại vậy? Chúng ta sau khi đọc kinh Phật mới hiểu được, không phải người khác hủy hoại mà chính mình tạo tác những ác hạnh đã hủy hoại. Bản thân chúng ta có tâm tham lam bủn xỉn, chưa buông xả, cho nên tài sản của ta mới có người xâm phạm,đoạt lấy.

Sát sanh, người có tâm sát hại chúng sanh mới bị loại quả báo này. Chúng ta thường có tâm muốn chiếm phần lợi của người khác (đây là tâm trộm), cho nên tài sản mà chúng ta có cũng sẽ thường hay bị người khác tìm cách lấy. Đối với nữ sắc chúng ta có tâm dâm dục, thì nữ thân quyến trong nhà cũng sẽ gặp rất nhiều điều thị phi, nhà của bạn sao có thể bình an, làm sao có thể có được hòa mục? Cho nên xem kỹ kinh Phật thì biết được, ngày nay vấn đề gia đình, vấn đề xã hội, vấn đề thanh thiếu niên, trai gái, tại sao nghiêm trọng đến như vậy? Chúng ta xoay trở lại thử nghĩ, bản thân chúng ta không có tu thập thiện nghiệp, đại chúng xã hội cũng lơ là điều này. Chúng ta hằng ngày niệm A Di Đà Phật vẫn không tránh khỏi tai nạn. Không phải Phật A Di Đà không linh, Phật A Di Đà dạy chúng ta bắt đầu làm từ hiếu thân tôn sư, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp, chúng ta đã làm chưa? Đây là nghiệp nhân quả báo, Phật Bồ-tát không chuyển nổi. Nhất định phải biết rằng, đây là tự làm tự chịu. Phật Bồ-tát đối với chúng ta chỉ là dạy học, chỉ bảo, là làm tăng thượng duyên cho chúng ta. Bản thân chúng ta nghe lời chỉ dạy của Phật Bồ-tát rồi phải tin được, hiểu được, hành được, thì bạn sẽ được quả báo. Bạn được quả báo tức là bạn chứng được rồi. Trước đây tư tưởng hành vi của chúng ta bất chánh, đó đã là quá khứ rồi, không cần nhắc lại nữa, chúng ta cần nên sám hối.

Cách sám hối như thế nào vậy? Trước đây, đối với vấn đề này tôi đã từng thỉnh giáo qua với đại sư Chương Gia là phải lạy mấy bộ kinh sám hối phải không? Hay cầu xin Phật Bồ-tát tha thứ? Đại sư Chương Gia lắc đầu, nói: “Không phải như vậy!”. Tôi hỏi thầy cách sám hối như thế nào? Thầy nói, thật sự sám hối là sửa đổi lỗi lầm, biết sai rồi, đem sai lầm sửa đổi lại, bắt đầu từ hôm nay ta không phạm cái lỗi lầm này nữa, đây mới là chân sám hối. Cho nên thiện tri thức chân chánh, các Ngài rõ lý, phải trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Hình thức có tác dụng gì vậy? Đại sư cũng nói với tôi rất minh bạch, hình thức là giống như diễn kịch vậy, làm cho người khác thấy, hy vọng đại chúng xã hội xem cái hình thức này rồi có thể sinh tâm sám hối. Chúng ta mới hiểu ra, mọi nghi thức của nhà Phật là diễn kịch. Đó là gì vậy? Là tiếp dẫn chúng sanh, là thuộc về tứ nhiếp pháp. Bản thân chúng ta tu hành không ở hình thức mà ở trong nội tâm phải thật sự giác ngộ. Nội tâm không giác ngộ, không quay đầu, thì hình thức làm đẹp đi nữa cũng không có ích lợi gì, không giúp được gì, không chuyển nổi nghiệp báo. Cho nên từ trong nội tâm chúng ta phải phát nguyện làm một người tốt.

Người tốt, người thiện là người đầy đủ thập thiện nghiệp. Nếu như trong tâm niệm niệm vẫn là nghĩ thập ác, đối xử tất cả chúng sanh vẫn còn có ý oán hận, vẫn còn ý niệm tổn hại là bạn bất thiện. Còn muốn chiếm phần lợi của người khác, đây là tâm trộm, là bạn bất thiện. Còn có ý niệm dâm dục khởi lên là bạn bất thiện rồi. Nếu bạn muốn được quả báo tốt, đến đâu để có được? Không những là sáu cõi, mà mười pháp giới cũng không có ngoại lệ. Nghiệp nhân quả báo đều là tự mình tạo tác, tự mình phải nhận lấy. Bạn tạo nghiệp thiện, nhất định được quả thiện, cái mà trong kinh gọi là quả báo tốt, bạn chắc chắn đạt được. Bạn tạo tác bất thiện, tuy trong kinh không có nói quả báo, nhưng trong “Tiết Yếu” của Ngẫu Ích đại sư, phần sau có giải thích thêm quả báo của mười ác. Ngược lại mười thiện chính là mười ác, bản thân chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Ngẫu Ích đại sư rất từ bi, Ngài nhắc nhở với chúng ta một cách rõ ràng.

Kinh văn: “Ly hư cuồng ngữ, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt”.

Đây là nói tổng quát.

“Ly hư cuồng ngữ” chính là không vọng ngữ. Dùng tâm chân thành đối nhân, xử thế, tiếp vật. Thành thật, hai chữ này xưa nay, trong ngoài nước thật sự là không phân quốc gia, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo đều tán thán, đều hoan hỷ. Biệt báo của nó là bốn câu sau đây:



Kinh văn: “Ly chúng hủy báng, nhiếp trì chánh pháp, như kỳ thệ nguyện, sở tác tất quả”.

Vọng ngữ, lưỡng thiệt là đại giới ở trong Phật pháp. Trước đây tôi theo thầy Lý nhiều năm, thầy Lý thường hay cảnh giác chúng tôi, xưa nay biết bao người tu hành, tu tích công đức nhưng không thể thành tựu, vì sao vậy? Vì từ trong vọng ngữ, lưỡng thiệt đã sơ xuất rồi. Phiền não (trong kinh Phật gọi là “hữu lậu”) khiến pháp tài công đức của bạn chảy hết, công đức mà bạn tu không còn nữa, chảy hết rồi. Lỗ chảy rất nhiều, lỗ chảy của vọng ngữ, lưỡng thiệt là lớn nhất. Lưỡng thiệt là xúi giục thị phi. Bạn thường hay dùng tâm không chân thành đối xử với người thì lời bạn nói không có ai tin, bạn nhất định sẽ bị người khác bàn luận, hủy báng. Bạn có thể chân thành, không vọng ngữ mà hành bố thí, thì quả báo mà bạn được là “ly chúng hủy báng”, không có ai có thể hủy báng bạn.

Trong cửa Phật chúng ta gần 100 năm nay, người được quãng đại quần chúng tán thán mà không có hủy báng có lẽ chỉ có một vị, đó là pháp sư Ấn Quang. Chúng ta không hề nghe người khác có hủy báng về Ngài, những đại đức khác đều không thể tránh khỏi. Đời này dù tu tốt đi nữa nhưng trong đời quá khứ tạo nghiệp, do đó càng có cái quả báo này thì bản thân chúng ta càng phải cảnh giác. Khi hủy báng đến là ác nghiệp trước đây báo hết rồi. Người khác hủy báng ta, chúng ta nhất định không được phép hủy báng người, nợ của chúng ta đến đây là hết rồi. Người khác làm nhục ta, chúng ta dứt khoát không được động ý niệm trả thù. Làm nhục cũng tốt, hãm hại cũng tốt, nghịch cảnh đến vui vẻ nhận, biết đây là trong quá khứ, hoặc giả là trước khi chưa học Phật, hoặc giả là sau khi học Phật rồi vẫn không rõ đạo lý nên tạo tác biết bao nhiêu là nghiệp ác, do đó cần phải tiếp nhận quả báo. Đâu có lý nào tạo ác nghiệp mà không bị ác báo được? Bạn tạo ác nghiệp mà không bị ác báo thì bạn tu thiện cũng không có thiện báo. Nghiệp nhân quả báo không mảy may sai chạy. Cho nên, bạn không được phép vọng ngữ, cứ chân thật mà tu thiện, tu bố thí, bạn liền có thể “ly chúng hủy báng”.

“Nhiếp trì chánh pháp”. Lời nói giữ chữ tín thì bạn mới có thể nhiếp thọ. Chữ nhiếp thọ này là chính mình. Trì là gìn giữ. Lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, bạn tin được, hiểu được và hành được, thì đây chính là “nhiếp trì”.

“Chánh pháp”, nghĩa hẹp là lời giáo huấn của Phật Bồ-tát. Nghĩa nhỏ hẹp nhất tức là lời chỉ dạy của Phật ở trong bản kinh, đây là chánh pháp. Nói theo nghĩa rộng là lời giáo huấn của tất cả thánh hiền thế xuất thế gian nhất định tương ưng với pháp ấn của Phật. Pháp ấn của Phật là gì? “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý”. Mười hai chữ này là pháp ấn của chư Phật Như Lai, có thể thông với tất cả thánh hiền thế xuất thế gian.

Có một năm, tôi giảng dạy ở đại học Phật giáo Đài Bắc. Tôi đã mở một môn học là “Liễu Phàm Tứ Huấn”, cũng rất được các bạn học hoan nghênh. Có một vị pháp sư, vị này là đại biểu cho một số pháp sư, đối với tôi vô cùng không hài lòng. Một hôm, tôi gặp được một vị pháp sư tuổi tác cao hơn tôi, xuất gia cũng lâu hơn tôi, tôi xem thầy như là bậc huynh trưởng. Thầy gọi tôi đến bên cạnh, đã khiển trách tôi một trận. Thầy nói: “Anh mở môn học để giảng dạy ở trong đại học Phật giáo, anh giảng Phật pháp là tốt rồi, tại sao anh muốn giảng những thứ của ngoại đạo?”. Tôi nghe xong, thấy rất kỳ lạ. Tôi nói: “Tôi không có giảng những thứ của ngoại đạo, tôi giảng Phật pháp”. Thầy nói: “Liễu Phàm Tứ Huấn không phải kinh Phật”. Tôi nói, điều tôi giảng là sự việc này. Tôi nói: “Tuy không phải kinh Phật, nhưng mà nó có Phật pháp ấn định”. Thầy ngây người, trố mắt rất giận dữ: “Pháp ấn cái gì?”. Tôi nói: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”, và hỏi: “Liễu phàm Tứ Huấn có phù hợp với pháp ấn này hay không?” Tôi vừa nói ra, thầy liền đỏ mặt, ngoảnh mặt bỏ đi. Vì vậy, nếu bạn hiểu được đạo lý này thì lòng dạ chúng ta liền rộng mở ngay. Không những có thể bao dung “Liễu Phàm Tứ Huấn”, mà tất cả mọi kinh điển tôn giáo, những điều nói bên trong đều là dạy người, vậy có tôn giáo nào không phải là Phật giáo? Có kinh điển nào không phải là kinh Phật? Vậy là đúng rồi. Nếu không thì Phật Thích Ca Mâu Ni tại sao phải truyền bốn câu nói này? Lòng dạ nhỏ hẹp, thường hay muốn đối lập, đối địch với người khác là tạo vô lượng vô biên tội nghiệp.

Ngày nay tại sao thế giới loạn như vậy? Lòng người tại sao bất an như vậy? Chính là bởi vì chúng ta luôn đối lập, không thể bao dung. Hằng ngày hô hào hòa bình nhưng ý nghĩa hai chữ “hòa bình” là gì thì không hiểu. Tôi thử đi tra tự điển, xem cách giải thích hai chữ “hòa bình” như thế nào. Sau khi tôi xem xong, thấy không hài lòng với cách giải thích của nó, cho nên tôi đưa ra cách giải thích của tôi, dùng tám chữ là “chung sống hòa mục, đối xử bình đẳng”. Nếu như tâm chúng ta không bình đẳng thì khỏi nghĩ đến hòa mục, hòa mục chắc chắn không thể thực hiện được. Trong kinh Phật nói với chúng ta quá nhiều, quá nhiều rồi. Tâm của Phật là tâm bình đẳng. Tâm bình đẳng là Phật, tâm lục độ là Bồ-tát, tâm tứ đế là Thanh Văn, tâm nhân duyên là Duyên Giác. Phật ở trong kinh nói quá nhiều, quá rõ ràng rồi. Hai chữ “bình đẳng” rất quan trọng. Chúng ta đối với tất cả chúng sanh không có tâm cao thấp, nhân tâm đến bình đẳng rồi thì nhìn tất cả người, tất cả sự, tất cả vật đều có thể dùng tâm bình đẳng. Tâm bình đẳng là gì vậy? Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là bình đẳng. Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì làm gì có bình đẳng được? Bình đẳng mới có thể chung sống hòa mục. Có vị thánh hiền nào mà không dạy người chung sống hòa mục đâu? Cho nên, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này.

“Nhiếp trì chánh pháp, như kỳ thệ nguyện, sở tác tất quả”. Sự mong cầu của mỗi người không giống nhau, có người cầu làm Phật, có người cầu phú quí trời người. Hữu cầu tất ứng, không có chuyện cầu không được. Chỉ cần bạn nghiêm túc dùng tâm chân thành tu thập thiện nghiệp đạo, thì nguyện của bạn ắt có kết quả.

Kinh văn: “Ly ly gián ngữ, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, quyến thuộc hòa mục, đồng nhất chí nhạo, hằng vô quai tranh”.

Đây là lìa lưỡng thiệt có được quả báo thù thắng. Chúng ta thấy công đức chân thật của thập thiện nghiệp đạo. Điều này đặc biệt quan trọng, chúng ta biết nền tảng của pháp thế xuất thế gian đều ở gia đình. Gia đình bất hòa thì chẳng những đạo nghiệp xuất thế gian của bạn không thể thành tựu, mà ở gia đình sự nghiệp của bạn cũng không thể thành tựu. Cho dù có thành tựu cũng thuộc loại sớm nở tối tàn, nhìn thấy dường như huy hoàng nhất thời. Đây là thiện nghiệp của bạn ở trong đời quá khứ tu tích được. Nếu như gia đình bất hòa, thì quả báo này sẽ nhanh chóng bị tiêu mất.

Gia đình tại sao bất hòa vậy? Do lưỡng thiệt tạo nên. Điều này chúng ta không thể không chú ý. “Xúi giục, ly gián”, trong bốn loại lỗi của miệng thì lấy đây làm trọng. Trong pháp xuất thế, đặc biệt là xúi giục ly gián phá hoại đạo tràng, tội nghiệp này chắc chắn là đọa địa ngục A-tỳ, không cách gì cứu nổi. Phật ở trong kinh luận Đại-Tiểu Thừa đều nói đến, đây chính là phá hòa hợp tăng. Phá hòa hợp tăng là tội nghiệp cực nặng, không có tội nào nặng hơn tội này.

Trong giới kinh nói, trộm của tăng già, tức là trộm cắp tài vật của thường trụ thì không thể sám hối. Phật nói, chính bản thân bạn tạo tội thập ác ngũ nghịch, Phật đều có thể cứu. Trộm của tăng già, trộm cắp tài vật của thường trụ, thì chư Phật mười phương cũng không có cách gì cứu bạn được. Nhưng phá hòa hợp tăng, phá hoại một tăng đoàn, tội này so với trộm của của tăng già không biết nặng gấp bao nhiêu lần, chúng ta nghĩ kỹ thì sẽ biết. Lời của Phật có đáng tin hay không? Nếu như lời của Phật là chân thật, lời của Phật đáng tin, thì cái tội này thật khủng khiếp. Chúng ta thử nghĩ kỹ lại xem Phật có nói lời vọng ngữ hay không? Ngài có dùng những lời này để hù dọa, lừa gạt chúng ta hay không? Chúng ta hãy tư duy thật kỹ, tin tưởng chắc chắn Phật không bao giờ làm như vậy. Phật độ chúng sanh, Ngài có trí tuệ phương tiện rất nhiều, việc gì phải dùng cách thức này? Nói thêm nữa là Phật độ chúng sanh rất có tâm kiên nhẫn, quyết không ở chỗ nhất thời, cho nên Phật không thể dùng vọng ngữ, giả thuyết làm cách thức để chỉ dạy chúng sanh. Những điều Phật nói, chắc chắn như trong kinh Kim Cang đã nói là “chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuồng ngữ giả, bất dị ngữ giả”, hoàn toàn đáng tin.



Không biết sao chúng ta tự mình ngu muội vô tri, không chịu tin theo lời Phật, tự mình tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp mà không biết sám hối. Nếu như đã tạo rồi có thể cứu chữa hay không? Đáp án là khẳng định. Phật không thể cứu bạn, nhưng bạn tự mình có thể cứu được mình, tự mình chân thật sám hối cải đổi tự làm mới. Thời quá khứ có Bồ-tát Thiên Thân, lúc còn trẻ tuổi vô tri. Lúc còn trẻ Ngài học Tiểu Thừa, ở trong đạo Tiểu Thừa rất có thành tựu. Ngài có trí tuệ, vì Tiểu Thừa đã làm ra 500 bộ luận. Ngài phỉ báng Đại Thừa. Về sau, Ngài tiếp nhận lời chỉ dạy của anh Ngài là Bồ-tát Vô Trước, biết được pháp Đại Thừa, Ngài tự mình hối hận lời phỉ báng trước đây, đứng trước Phật sám hối, muốn cắt lưỡi của mình. Bồ-tát Vô Trước ngăn cản lại và nói: “Đệ việc gì phải cắt lưỡi? Quá khứ đệ dùng căn lưỡi phỉ báng Đại Thừa, Ngày nay đệ sám hối, quay trở lại, tại sao đệ không dùng căn lưỡi của đệ để tán thán Đại Thừa?”. Ngài thị hiện chính là để dạy chúng ta. Dạy chúng ta quay đầu như thế nào, cách làm ra sao, trước đây làm sai rồi, hiện nay phải tán thán pháp Đại Thừa, ủng hộ pháp Đại Thừa. Chúng ta hiểu được đạo lý này, nếu như chúng ta đã làm cái việc phá hoại đạo tràng, phá hoại tăng đoàn thì ngày nay chúng ta thật sự quay đầu, thật sự sám hối, chúng ta ủng hộ tăng đoàn, giúp đỡ tăng đoàn đoàn kết, giúp đỡ việc hoằng dương Phật pháp, đây gọi là chân sám hối.

Sám hối tuyệt đối không phải ở trước Phật Bồ-tát quỳ lạy cầu xin, cái đó không có lợi ích gì, không tiêu nổi tội nghiệp. Phật Đà ở trong kinh điển luôn luôn khuyên dạy chúng ta cải tà quy chánh. Quá khứ cách nghĩ, cách nhìn của chúng ta sai lầm, làm sai, nói sai rồi, thì bây giờ quay trở lại, tư tưởng kiến giải của chúng ta tuân theo lời giáo huấn của Phật; cách nói, cách làm của chúng ta cũng nghe theo lời giáo huấn của Phật Đà thì tội nghiệp từ trước mới thật sự có thể sám trừ nổi. Không chịu quay đầu, không chịu nghiêm túc nỗ lực tu hành mà dùng loại phương pháp tiêu cực để sám hối, thì cái tội nghiệp đó không thể sám nổi. Trong quá khứ, Bồ-tát và các bậc tổ sư đại đức đã thị hiện cho chúng ta thấy.

Chúng ta thật sự nếu muốn sửa đổi, Phật ở trong kinh nói phải “phát lồ sám hối”. Phát lồ sám hối chính là nói rõ với đại chúng là “Tôi trước đây tất cả ngôn hạnh đều sai lầm, đã gây nên những sự bất hòa giữa anh em, giữa thân thuộc, giữa bạn bè, giữa đồng nghiệp của người khác, đây là lưỡng thiệt, xúi giục. Tôi bây giờ biết sai rồi, tôi nhất định nói rõ ràng cho hai bên biết, sự bất hòa của các bạn là tội lỗi do tôi tạo nên”. Cầu xin họ tha thứ, hy vọng họ hòa hảo như lúc ban đầu thì tội lỗi lưỡng thiệt của mình mới có thể sám trừ được. Những sự việc này chúng ta không cần nói kỹ thêm. Chủ yếu mọi người phải suy nghĩ thật kỹ, chúng ta đời này có làm những việc này hay không? Có lừa gạt chúng sanh hay không? Thành thật mà nói, giảng kinh thuyết pháp cũng không tránh khỏi lỗi lầm. Sự việc này không phải là việc dễ dàng, thật quá khó! Chúng ta luôn hy vọng giữa người với người có thể chung sống hòa mục, có thể hỗ trợ hợp tác lẫn nhau. Giữa đạo tràng với đạo tràng, giữa chủng tộc với chủng tộc, giữa tôn giáo với nhau, chúng ta tha thiết hy vọng mọi người tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, cùng nhau tạo dựng nên xã hội ổn định, thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc. Tuy chúng ta đang tạo, chư Phật Bồ-tát thánh thần cũng đều có cái nguyện vọng này, nhưng do chúng sanh nghiệp chướng quá nặng, tập khí phiền não quá sâu, đâu có thể trong chốc lát là chuyển đổi lại được?

Chúng tôi giảng kinh gặp được người nhiệt tâm hộ trì Phật pháp, người hoằng dương Phật pháp, chúng tôi đều ra sức tán thán. Việc tán thán này, các đồng tu nghe xong rất cảm động. Đương nhiên cách nói này của tôi có khi đã tạo nên một chút sức ảnh hưởng. Thí dụ, tôi thường hay nhắc đến, hơn hai mươi năm nay, bao giờ tôi cũng muốn xây dựng thôn Di Đà. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở bên này phát tâm, đồng tu trên toàn thế giới hưởng ứng rất nhiều, liên tiếp đem chút tiền tài mà bản thân các bạn tích góp được đều gởi vào tài khoản của Cư Sĩ Lâm. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên không phải không làm, ông cũng đang làm. Đầu tiên muốn mua tòa nhà sát tường này nhưng không thành, lần thứ nhất thất bại. Lần thứ hai bàn đến cảng Dương Thổ, thậm chí là bản vẽ kiến trúc đều vẽ xong rồi, cuối cùng người Nhật Bản không chịu bán, đây là lần thứ hai thất bại. Lần thứ ba bàn đến “Đường Thành”, thương lượng cũng gần như xong, chúng tôi cũng đi xem qua mấy lần, cuối cùng vẫn là thất bại. Thế là cái tín tâm của rất nhiều người đối với việc Cư Sĩ Lâm xây thôn Di Đà này không còn nữa. Tôi cũng nghe thấy rất nhiều lời bàn tán dị nghị. Họ nói: “Pháp sư à, thầy không gạt người, thầy bị người ta lợi dụng rồi. Người ta lợi dụng thầy để lừa đảo toàn thế giới”. Họ dặn dò tôi: “Sau này nói năng, thầy phải chú ý, phải cẩn thận!” Tôi nghe xong cũng đành á khẩu, lặng thinh. Thế nhưng họ không đến Singapore để điều tra cặn kẽ. Chúng tôi không phải không muốn làm, do duyên không đầy đủ. Duyên không đầy đủ là chúng sanh không có phước. Người tu phước như chúng ta, nếu như ôm loại tâm thái này, bạn vốn dĩ là tâm thiện tu phước nhưng hiện nay tâm thái này biến thành ác nghiệp. Bạn không những không có tu phước mà ngược lại tạo tội nghiệp rồi, các bạn thử nghĩ có đúng không? Bạn đã phát tâm thiện, số tiền này quyên gởi đi làm việc tốt là bạn có quả báo tốt. Nếu như người ta gạt bạn thì họ có quả báo của họ. Mỗi cái đều có quả báo riêng. Nếu như ý nghĩ chúng ta vừa chuyển, chuyển đổi thành niệm ác, thì quả thiện của chúng ta biến thành quả ác rồi. Đây thật quá đỗi sai lầm!

Singapore có vị pháp sư Đàm Thiền, tôi cũng thường hay nhắc đến ông, thường hay tán thán ông. Ông rất khó khăn vất vả, bày một sạp hàng nhỏ ở miếu thành hoàng, bán nhang đèn giấy tiền, kiếm một vài đồng. Tự mình trải qua đời sống vô cùng thanh bần. Nhiều năm tích góp lại được một số tiền, đến đại lục giúp đỡ Phật pháp xây chùa. Số tiền quyên góp đưa đi cũng cả một triệu đô-la. Thái độ của ông tốt, phước báo tương lai của ông bất khả tư nghị. Sau khi quyên gởi đi xong, ông nói với người: “Nhân quả sau này anh chịu, tôi không nghe, không hỏi”. Đây là công đức chân thật. Tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện chắc chắn cảm quả thiện. Thiện ác có thể chuyển biến. Ý niệm của chúng ta vừa chuyển thì thiện liền biến thành ác, thiệt thòi cho chính mình, đây là do không hiểu rõ đạo lý.

Chúng ta học Phật nhưng chưa có thật sự hiểu rõ ý mà Phật đã nói. Kệ khai kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, nói sao dễ dàng? Chúng tôi giảng kinh thuyết pháp, có khi quả thật là không thể giảng cái gì cũng được viên mãn, cũng được chu đáo như vậy. Các bạn chỉ ra rồi, tôi nhất định đem cái khiếm khuyết này bổ sung trở lại. Cái phát tâm của các bạn nhất định có phước báo của các bạn. Nếu như các bạn thật sự làm đến tam luân thể không thìcái thiện tâm này của các bạn là công đức. Công đức này còn thù thắng hơn cả phước đức.

Tôi không có cái tâm lừa gạt mọi người. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên phát tâm, tôi tin ông cũng không phải lừa gạt đại chúng. Chúng tôi đều cố gắng nỗ lực đang làm. Hiện nay không tìm ra đất xây dựng. Ông nói với tôi, từ Cư Sĩ Lâm hiện hữu hiện nay phát triển lên thêm. Tôi nhìn thấy kế hoạch của ông, ông chuẩn bị xây dựng 400 gian liêu phòng. Tôi nói như vậy cũng tốt, thực tế là không tìm được đất xây dựng. Tương lai Cư Sĩ lâm có thể có bốn trăm, năm trăm người phát tâm ở lâu dài tại đây niệm Phật, có thể dung nạp một ngàn người thì càng tốt. Cho nên lúc đang giảng kinh, tôi thường tán thán những người này, những việc này. Nếu như các bạn thật sự phát tâm, hy vọng các bạn cũng tự mình điều tra thử xem. Bởi vì có khi tôi cũng nghe tin đồn, bản thân thì không có chính mắt nhìn thấy. Ở Trung Quốc đại lục, tôi thật sự không rõ lắm, chỉ nghe nói qua, ở núi Đông Thiên Mục (đây là đạo tràng cổ của tổ sư đại đức), họ làm rất tốt, tôi chưa hề đến đó. Đồng tu bên Đông Bắc tu hành có một số việc thù thắng, như sự hộ pháp của cư sĩ Thôi, tôi cũng thường hay nói rất nhiều, nhưng tôi chưa từng đến đó. Rốt cuộc tình hình như thế nào, thì hy vọng mọi người điều tra thêm, tìm hiểu thêm, tự mình đi đến bên đó khảo sát thực địa, sau đó bạn có thể phát tâm muốn làm những việc gì để giúp đỡ họ.

Mấy năm gần đây tôi cũng đã đi đại lục rất nhiều chuyến, thời gian mỗi lần đi đều rất ngắn ngủi, từ trước đến nay chưa từng lưu lại hơn một tuần, những nơi đến viếng thăm cũng rất ít ỏi, những lỗi này cũng xin mọi người tha thứ. Ngay cả bản thân tôi, tôi cũng không cần gì cả. Hiện nay tuổi tác của tôi đã cao, 74 tuổi thì chết cũng vừa rồi, “nhân sanh thất thập cổ lai hi”. Trước đây người ta chấm tử vi cho tôi chỉ có 45 tuổi, tuổi thọ của tôi đã kéo dài rất nhiều rồi. Tôi không mong cầu trường thọ, chỉ mong cầu chánh pháp thường trụ, mong cầu thế giới hòa bình, xã hội ổn định, mọi người đều có thể chung sống hòa mục, đối xử bình đẳng. Đối với cá nhân mình, tôi chẳng mong cầu gì cả, tôi không cần gì cả, hy vọng đại chúng có thể hiểu rõ. Tôi có một chút năng lực, tôi đều hết lòng hết sức giúp đỡ mọi người.

Đoạn kinh văn này nói rất rõ ràng, cái “Thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt” này là nói tổng quát. Đây là nói riêng, không lưỡng thiệt thì “quyến thuộc hòa mục, đồng nhất chí nhạo”, gia hòa vạn sự hưng, người một nhà đồng tâm đồng đức.

“Hằng vô quái tranh”. “Quái” là không có chống trái nhau, không có tranh chấp. Người một nhà thật sự đoàn kết lại với nhau thì đâu có đạo lý nào không hưng vượng? Ở trong đạo tràng, đại chúng tại gia, xuất gia, trên dưới hòa mục thì đạo tràng sẽ hưng vượng. Nếu như có bất hòa thì đạo tràng này liền suy sụp ngay. Ở trong đạo tràng, trên dưới có ý kiến, có bất hòa thì chắc chắn suy thoái ngay.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook