Phế Đô

Chương 22

Giả Bình Ao

18/10/2016

Ăn xong cơm trưa, Trang Chi Điệp nằm trong buồng ngủ, nhưng trong đầu lại nghĩ đến lời Mạnh Vân Phòng nói lúc nãy. Thì ra ít nhiều cũng đang oán Đường Uyển Nhi mấy ngày nay người không đến, điện thoại cũng không gọi, bây giờ mới biết cô em cũng bị ốm.

Đường Uyển Nhi bị bệnh gì, tại sao lại ốm, có phải hôm ấy không tìm thấy mình ở khách sạn Cô Đô lại gọi điện về đây không được, đâm ra suy nghĩ lung tung mà lăn ra ốm chăng? Khi đau yếu, con người nhiều tâm tư suy nghĩ lắm, cũng không biết con người nóng hôi hổi ấy, ốm nằm trên giường nghĩ về ta như thế nào? Bất giác Trang Chi Điệp nhớ lại mọi chi tiết trong khách sạn Cô Đô, bỗng thấy rạo rực cả tâm hồn và thể xác.

Liễu Nguyệt giặt quần đùi trong bể nước, phát hiện có những vết lốm đốm khô cứng màu trắng, biết ngay đó là cái gì, chỉ cảm thấy bối rối mờ nhoà con mắt. Cô nghĩ, chị Thanh trưa nay không về, anh ấy trong lòng nghĩ đến ai? Hay là lại gặp trong mơ? Hôm mình hát bài “Dắt tay nhau”, anh ấy đã kéo mình lên người, nếu mình hơi thả lỏng một chút, đã trở thành thân gái có chồng. Lúc ấy Liễu Nguyệt đã nẩy thêm một ý nghĩ, không biết chủ nhân thật lòng yêu mình, hay là chỉ rung động nhất thời mà chơi mình. Trang Chi Điệp là danh nhân đã từng gặp nhiều chuyện nhiều người, nếu thật lòng với mình, với độ tuổi này, biết đâu sau này mình cũng sẽ làm bà chủ ở đây. Cho dù không thành, thì anh ấy cũng không để mình thiệt, sau này có lẽ sẽ giới thiệu tìm được một công việc nghiêm chỉnh ở Tây Kinh, hoặc giới thiệu lấy một ai đó. Nhưng nếu anh ấy là danh nhân, nhiều người chiều anh ấy, tìm đàn bà dễ dàng thì anh ấy sẽ không yêu quý mình, vậy thì người chịu thiệt chỉ là mình. Bây giờ nhìn chiếc quần phải giặt, tuy không dám nói chắc anh ấy vì mình, song mình đã nhìn thấu tim gan vị danh nhân mà trước đây mình sùng bái, không nể sợ nữa, cũng không cảm thấy sợ hãi nữa.

Giặt xong quần, phơi trên dây trong sân, Liễu Nguyệt trở về buồng, đứng trước gương mặc quần áo ngắm nghía mình kỹ lưỡng, cũng ngạc nhiên bởi mình xinh đẹp hơn trước. Liễu Nguyệt vô cùng đắc ý, kéo kéo áo sơ mi trước ngực, cặp vú không đeo xu chiêng liền rung rung động đậy. Nhớ mấy hôm trước cùng phu nhân đi tắm ở nhà tắm trên phố, bầu ngực của phu nhân đã nhão xệ xuống như quả thị treo chín nũn. Bây giờ hễ nghĩ đến cái dáng ấy, Liễu Nguyệt liền cảm thấy vui sướng một cách hết sức lạ lùng. Đang mỉm cười tươi tắn với chính mình, thì có ai đó gõ cửa. Mới đầu còn gõ nhẹ, Liễu Nguyệt cứ tưởng là gió thổi, sau đó lại gõ tiếp bước đến gần chiếc dây buộc cửa trước, sau đó khe khẽ mở cửa, người đứng bên ngoài là Triệu Kinh Ngũ. Triệu Kinh Ngũ nháy nháy mắt phải, định bước vào, nhưng sợi dây buộc cửa chỉ làm cho cánh cửa mở thành một khe rộng ba tấc, một chân Triệu Kinh Ngũ đã bước vào đành phải rụt lại. Liễu Nguyệt nói:

– Anh cứ từ từ, gõ cửa thì văn minh, lịch sự thế, mà vào cửa thì lại như thổ phỉ!

Bạn đang đọc truyện tại

Triệu Kinh Ngũ hỏi:

– Thầy giáo có nhà không?

Liễu Nguyệt đáp:

– Nghỉ chưa dậy. Anh cứ ngồi đi nào.

Triệu Kinh Ngũ liền nói nhỏ:

– Liễu Nguyệt, mới đến được mấy hôm, đã trắng trẻo hẳn ra, ăn diện đẹp thế này.

Liễu Nguyệt đáp:

– Đến được hai hôm thì chị cả trả tiền công tháng này. Em đi sắm luôn. Đến đây đều là khách sang, em mặc cũ quá để mất mặt thầy giáo à!

Triệu Kinh Ngũ thốt lên:

– Ối trời, lại còn đeo vòng hoa cúc nữa à!

Liễu Nguyệt nói:

– Anh đừng có động vào.

Triệu Kinh Ngũ bảo:

– Leo lên cành cao rồi, thì phớt bơ người giới thiệu phải không?

Liễu Nguyệt đáp:

– Đương nhiên em cảm ơn anh chứ.

Triệu Kinh Ngũ hỏi:

– Cám ơn bằng cách nào đây? Lấy cái gì để cám ơn?

Liễu Nguyệt liền đánh vào bàn tay ngứa ngáy không yên của Triệu Kinh Ngũ, cứ cười hì hì mãi.

Trang Chi Điệp thấy hai người cười cười nói nói, liền hỏi ai đến thế. Triệu Kinh Ngũ vội đáp:

– Em ạ!

Soi vào gương, vuốt lại mái tóc, Trang Chi Điệp bảo:

– Kinh Ngũ ơi, cậu sang đây nói chuyện.

Triệu Kinh Ngũ vào buồng ngủ, Trang Chi Điệp vẫn nằm trên giường, không ngồi dậy, Triệu Kinh Ngũ hỏi:

– Anh đau chân à, bây giờ thế nào rồi? Trước khi ăn cơm em gặp thầy giáo Phòng trên phố mới được biết. Em biết chân đau, ngồi một chỗ, lòng lại buồn, khó chịu lắm, nên đến nói chuyện với anh cho vui, còn mang đến cho anh mấy thứ giải buồn.

Nói rồi móc túi áo lấy ra một cái quạt và một túi nhựa, trong túi đựng bức tranh được gấp lại. Đầu tiên đưa cho Trang Chi Điệp cái quạt. Trang Chi Điệp cầm xem, cái quạt đẹp lắm, nếp nhỏ và đều mặt giấy hơi vàng có chấm hoa óng ánh, cán quạt hình quả bầu nho nhỏ gắn nối lại. Mặt chính quạt là bức tranh sơn thuỷ, phóng theo Bát đại sơn nhân, như thế cũng thường thôi, nhưng ở mặt sau viết chi chít những chữ nhỏ chân phương bằng đầu con ruồi trông rất đẹp, đọc lướt qua, thì nội dung không phải là thơ Đường thơ Tống thường thấy, mà là nghị quyết đường lối chung, phương châm chung Xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên dưới ký tên “Khang Sinh”, lại còn đóng hai con dấy nhỏ của Khang Sinh. Trang Chi Điệp lập tức ngồi dậy hỏi:

– Là quạt giấy cho Khang Sinh tự tay viết à?

Triệu Kinh Ngũ nói:

– Biết anh thích bình cổ, em gửi thư cho anh bạn. Anh bạn viết thư trả lời sẵn sàng đồng ý tặng anh và bảo cuối tháng này sẽ đến Tây Kinh. Nào ngờ, tuần trước xảy ra chuyện rắc rối, bỏ ra sáu vạn đồng mua hai tượng Phật nhỏ đã bị tịch thu. Thật chẳng biết đó là tượng Phật gì mà đáng giá như vậy. Hàng chuyển từ Hán Trung về Tây Kinh, thuê một chuyến xe, nhưng đến Bảo Kê, có hai xe công an đuổi theo chặn lại, bắt cả người lẫn tượng. Hôm trước người nhà anh bạn đến tìm em, bảo Cục Công an ra điều kiện, tượng Phật thì tịch thu, còn người, nếu xử thì bảy năm tù giam, nếu chịu phạt thì mười vạn, chọn cách nào thì chọn, ba hôm sau trả lời. Gia đình anh ấy đương nhiên chịu phạt tiền. Anh đóan xem, người ta sẵn tiền thế đấy, bỏ ra một lúc mười sáu vạn một lúc! Người nhà anh ấy không đêm xỉa đến tiền, còn sợ phạt mười vạn không tha người, nhờ em tìm cửa lo lót, liền tặng em cái quạt này, bảo quạt tuy không phải đồ cổ, song cũng coi như một vật trong cung đình hiện đại, người cũng đã chết. Được coi là một vật có giá trị. Quạt này Khang Sinh tặng Lưu Thiếu Kỳ trước hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám, trước kia ông ta phản đối Lưu Thiếu Kỳ, sau đó thấy địa vị của Lưu Thiếu Kỳ sắp nâng cao, lại bám theo, liền đích thân viết quạt này đem biếu lấy lòng.

Trang Chi Điệp nói:

– Quả thật đây là một vật tốt, chữ này của Khang Sinh đẹp đấy chứ?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

– Đương nhiên rồi, trong lĩnh vực thư pháp, ông ta cũng coi như một tài năng. Anh cũng thích thư pháp, em tặng lại để anh cất giữ.

Trang Chi Điệp nói:

– Kinh Ngũ này, có đi có lại, cậu thích cái gì ở đây thì cứ lấy một thứ.

Triệu Kinh Ngũ đáp:

– Không lấy gì cả, anh cho em mấy tờ bản thảo là được.

Trang Chi Điệp nói:

– Mình cũng chẳng phải nhà văn được giải Nobel, bản thảo viết tay này, mình cho cậu một bó cũng xong.

Triệu Kinh Ngũ nói:

– Chỉ cần anh cho em bản thảo viết tay. Anh xem này, em còn tặng anh thứ này bảo đảm anh cũng thích.

Triệu Kinh Ngũ mở túi ny lông ra, một tờ tranh thuỷ mạc rộng bốn thước, chính là bức “Tây Nhạc đăng cao đồ” của Thạch Lỗ, phác hoạ hoang dã, quái lạ, nét bút ngông cuồng, khí thế dữ dội, ngang ngược. Trang Chi Điệp vừa nhìn vào đã biết ngay đây là tác phẩm của Thạch Lỗ sau khi bị điên vào những năm cuối đời, gật gù khen rối rít lại cúi sát gần đọc hàng chữ nhỏ ở bên cạnh “Dục cùng thiên mục, cánh thượng nhất tằng lầu”, liền bảo:

– Chữ của người điên Thạch Lỗ này, vị đá vàng đậm lắm, nhưng viết thơ cổ thế này có lẽ không đúng. Thơ trong “Đăng quán tước lâu”, Vương Chi Hoán viết là “Dục cùng thên lý mục, cánh thượng nhất tằng lâu” (muốn nhìn hết tâm mắt, lên thêm một tầng lầu), ông ấy viết thiếu chữ “lý” và một một chữ “tằng”, mạch văn không thông suốt.

Triệu Kinh Ngũ nói:

– Ông ấy là hoạ sĩ không phải nhà văn, có thể bỏ sót chữ “lý” trước, viết thêm một chữ bên cạnh không đẹp, vậy thì cũng bỏ luôn chữ “tằng” ở phía sau. Viết như vậy trái lại càng thể hiện được máu điên của ông ấy lúc đó. Bức tranh này rẻ lắm, em mua ba trăm đồng từ tay một người phụ nữ ở Lâm Đồng, đưa đến Quảng Châu ít nhất cũng bốn năm vạn.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Đáng giá thế cơ à?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

– Em đã tìm hiểu tình hình thị trường này hiện nay ở miền nam, tranh của Thạch Lỗ giá bán cao nhất, ở nước ngoài phải tới mười hai vạn đồng nhân dân tệ. Uông Hy Miên phất lên nhờ vào đấy. Ông ấy ngấm ngầm làm những thứ phỏng chế của Thạch Lỗ để đánh lừa bọn người nước ngoài đến du lịch ở Tây Kinh. Em có một người quen cũng làm cái nghề này. Trước kia có liên hệ với Uông Hy Miên, anh ta chuyên bán tranh giả trên thị trường. Gần đã bất hoà với Uông Hy Miên, đến tìm em định cùng nhau tổ chức một cửa hàng trưng bày tranh ảnh gì đó. Trong cửa hàng treo những bức tranh của một số người có tên tuổi và không có tên tuổi chỉ dựa vào bán những thứ ấy, chẳng kiếm được bao nhiêu đâu, mấu chốt là kiếm được ở món hàng giả đàng sau nó, hàng giả sẽ do anh ta thuê người vẽ ở chỗ khác, mình đưa về, anh viết lời tựa hay lời bạt lên, buôn bán kiểu này chắc chắn lãi to.

Trang Chi Điệp nói:

– Đấy rành rành là hàng giả, người ta tra hỏi ra, trên đó có lời tựa bạt của mình, thì có mà mất mặt.

Triệu Kinh Ngũ nói:

– Thế thì anh nhầm rồi, họ tra hỏi thì mình cũng bảo chúng tôi bị mắc lừa, cứ tưởng thật cơ! Nếu biết là hàng giả đánh lừa người mua, thì tại sao yêu thế, viết lời tựa lời bạt làm gì? Chỉ cần vì tiền tiêu mới đem ra bán. Chà, bây giờ các vụ án giết người đốt nhà, cứ mười vụ mới phá được hai ba vụ, còn mình đây, là cái việc gì, đâu có dễ dàng tra hỏi ra được? Nếu là người có con mắt tinh đời thật sự, biết rõ ràng là hàng giả, anh ta mới mua. Tại sao ư? Hàng giả tuy chẳng bằng hàng thật, nhưng cũng có giá trị của hàng giả, huống hồ anh là danh nhân, chữ viết cũng đẹp, càng có giá trị lưu trữ. Bạc trắng xoá chảy vào, mà anh lại không lấy, cứ ngồi ở đây viết viết xoá xoa!

Trang Chi Điệp nói:

– Cậu nói thì dễ ợt, nhưng mình thấy chẳng có gì để đảm bảo. Đây chẳng phải là chuyện nói xong bỏ đấy, làm cửa hàng trưng bày tranh ở đâu? Trong cửa hàng trưng bày tranh cũng phải treo tranh chữ của các nhà thư pháp nổi tiếng cho hợp cảnh, mà ở đây mình có được mấy bức đâu?

Triệu Kinh Ngũ nói:

– Em đã điều tra rồi, ở ngay cạnh hiệu sách của mình có hai gian mặt phố để không, mình mua luôn, làm cửa hàng trưng bày tranh, vừa vặn với hiệu sách tạo thành một khối hỗ trợ cho nhau. Còn tranh chữ nổi tiếng, ở đây anh không có nhiều, nhưng chỗ em cũng có, sắp tới đây có thể còn kiếm được một số. Anh biết không? Trong thành Tây Kinh hiện giờ có một tác phẩm lớn chưa ra đời đâu nhé!

Trang Chi Điệp hỏi:

– Tác phẩm lớn gì vậy?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

– Người nhà của bạn em bảo người tặng anh ấy chiếc quạt này, ba tháng trước đến Tây Kinh xin Cung Tịnh Nguyên viết cho ông nội anh ta một văn bia, sau khi viết xong văn bia, để tạ ơn Cung Tịnh Nguyên, đã đem đến một quyển “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị do Mao Trạch Đông tự tay viết, không viết hết cả bài thơ, chỉ có một trăm bốn mươi tám chữ, mỗi chữ to bằng miệng bát. Đưa đến nhà Cung Tịnh Nguyên, con trai ông ta là Cung Tiểu Ất đã nhận, lấy cắp của bố cậu ta bốn bức tranh để biếu lại. Anh chàng Cung Tiểu Ất này hư hỏng, đi vào con đường nghiện hút. Hắn ta định ỉm đi, bán lấy cục tiền to, mua thuốc phiện. Quyển tranh chữ này hiện giờ có thể chưa bán cho ai, em có cách xoay xở được, lại không tạo dựng nổi một mặt phố hay sao?

Trang Chi Điệp nói:

– Con ma phe phẩy lớn Triệu Kinh Ngũ này, việc cậu nói tốt thì tốt đấy, nhưng mình không lao động được đâu. Cậu đi bàn với Hồng Giang xem.

Triệu Kinh Ngũ đáp:

– Ai bắt anh lao động, chỉ cần anh nói một tiếng là được. Hồng Giang tháo vát, thì tháo vát đấy song là kẻ liều lĩnh, em biết cách trị hắn, anh cứ yên tâm đi.

Cuối cùng Trang Chi Điệp bảo Liễu Nguyệt tiễn Triệu Kinh Ngũ ra về. Tiễn đến ngoài cổng, Liễu Nguyệt hỏi:

– Kinh Ngũ ơi, anh và thầy giáo Điệp nói chuyện gì mà mặt mày hớn hở thế?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

– Định làm một cửa hàng trưng bày tranh, Liễu Nguyệt này, em phải tốt với anh, tương lai em sẽ ra cửa hàng tranh làm Tiểu thư lễ tân, chẳng việc gì phải coi nhà giữ trẻ, nấu cơm, giặt quần áo nữa.

Liễu Nguyệt nói:

– Em có gì không tốt với anh? Cửa hàng tranh, chữ bát không biết viết nét phẩy trước, thì làm được việc gì, gây khó dễ cho người ta. Nếu anh là thầy giáo Điệp, chẳng biết sẽ coi em là nô lệ da đem sai khiến thế nào đây!

Triệu Kinh Ngũ liền đấm Liễu Nguyệt một quả, Liễu Nguyệt cũng đấm trả lại một quả, cứ thế đấm qua đấm lại bốn năm lần, cuối cùng Liễu Nguyệt đá vào mông Triệu Kinh Ngũ một cái, hỏi:

– Em bỏ đi, gia đình kia có chửi em không?

Triệu Kinh Ngũ đáp:

– Chửi luôn cả anh ấy chứ, nói lung tung khắp nơi, em coi trẻ con đã ngấm ngầm cho uống thuốc ngủ để được rỗi rãi. Em làm thế thật à?

Liễu Nguyệt đáp:

– Đứa con nhà ấy kiếp trước là con ma hờ khóc mà chết hay soa ấy, cứ tỉnh dậy là khóc! Anh chớ có nói em ở đây nhé! Ngộ nhỡ họ đến đây làm ầm ĩ lên thì hại em đấy!

Triệu Kinh Ngũ nói:

– Anh không nói, nhưng con người là vật sống, chứ đâu phải một thứ chết, em suốt ngày đi ra đi vào, nào đi phố, nào mua sắm thức ăn, liệu có giữ nổi những người trong khu nhà ấy không nhìn thấy em không? Nhìn thấy thì liệu có báo với họ không? Nếu họ đến tìm anh, thì anh có phải là công an đâu mà quản được người ta.

Liễu Nguyệt ỉu xìu nét mặt, nói:

– Thường ngày anh chả leo lẻo bốc phét anh quen nhiều bọn đỏ bọn đen là gì, sao anh không sai bọn đen đến doạ họ một trận. Việc này em nhờ anh. Nếu anh chỉ nói mồm dối em, thì từ nay trở đi đừng có vác mặt đến nhà thầy Điệp nữa!

Triệu Kinh Ngũ bảo:

– Em định dựa thế nạt anh đấy hả?

Tiễn Triệu Kinh Ngũ đi rồi, Liễu Nguyệt còn đứng ở đầu ngõ một lúc, thì Ngưu Nguyệt Thanh về. Thấy Liễu Nguyệt cắn ngón tay đứng thẫn thờ ở đó, hỏi đứng đây làm gì? Liễu Nguyệt đáp, thầy giáo sai tiễn Triệu Kinh Ngũ, cũng đang định về.

Ngưu Nguyệt Thanh liền nhắc nhở, con gái không có việc không được ra đầu ngõ ngáo ngơ. Hai người đang nói thì Chu Mẫn và Đường Uyển Nhi, mỗi người một xe đạp rẽ vào ngõ. Ngưu Nguyệt Thanh liền hỏi luôn:

– Hai anh chị trai vàng gái ngọc, son rỗi thoải mái tự do, dạo khắp thế giới, bây giờ lại định đi nhảy tiệm nào thế?

Đường Uyển Nhi đã xuống xe, nói:

– Chúng em đang định đến nhà thầy cô đây. Trưa nay, thầy giáo Phòng cho biết thầy Điệp bị đau chân, em hoảng quá định đi ngay, nhưng Chu Mẫn bảo chờ anh ấy hết giờ làm việc cùng đến một thể. Vết thương của thầy có nặng không?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

– Mồm Đường Uyển Nhi ngon ngọt thật. Gặp chị thì bảo đến nhà chị, còn không gặp chị thì đi tiệm nhảy chứ gì. Nếu không, ban tối đến nhà chị còn diện đẹp thế này kia ư?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Cô ơi, oan cho em quá! Thầy giáo bị đau chân, người khác không sốt ruột, chúng em cũng không sốt ruột hay sao? chẳng cần nói đến nhà anh chị, dù đến bất cứ gia đình nào, em cũng phải ăn mặc gọn gàng tử tế, ăn mặc gọn gàng tử tế cũng là tôn trọng người ta mà!

Nói rồi ôm Liễu Nguyệt. chị chị em em rối rít. Liễu Nguyệt liền để ý đến mái tóc của chị ta, quả nhiên là sấy kiểu vạn năng, tóc dài chấm vai. Ngưu Nguyệt Thanh nghe Đường Uyển Nhi nói như vậy liền tươi cười bảo:

– Vậy thì oan cho các em thật rồi, mau mau vào nhà đi. Chị và Liễu Nguyệt sẽ làm một bữa bánh quấn thừng ăn tối.

Chu Mẫn nói:

– Cơm chúng em ăn rồi, vừa rồi em và Uyển Nhi tiếp tổng biên tập tạp chí Chung Duy Hiền một bữa sủi cảo thịt dê với canh chua ở phố rồi. Cô Thanh và Liễu Nguyệt cứ về trước đi, chúng em sẽ đến ngay. Ăn uống xong, tổng biên tập về nhà lấy một thứ. Chúng em đã hẹn trước chờ ông ấy ở đây, ông ấy không biết lối vào nhà cô Thanh.

Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt về đến nhà, Liễu Nguyệt đi xuống bếp làm cơm. Ngưu Nguyệt Thanh bảo với Trang Chi Điệp bọn Chu Mẫn sắp đến, có cả Chung Duy Hiền, ông Hiền chưa đến nhà mình bao giờ. Nếu là chuyện đặt bài trước đây, ông ấy thường liên hệ bằng điện thoại, nếu đến hỏi thăm vết thương của anh, ông ấy và anh quan hệ không thân tình lắm, cứ bảo Chu Mẫn chuyển lời hỏi thăm cũng được, tại sao trơì tối rồi ông già còn đích thân đến nhà mình làm gì nhỉ? Trang Chi Điệp nói:

– Chắc là Chu Mẫn động viên đấy, chẳng phải là chuyện bài văn kia hay sao? Chu Mẫn là người biết suy nghĩ, hắn e nói anh không nghe, nên cố tình đưa ông Hiền tổng biên tập đến để anh coi trọng đấy mà!

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Anh ta thông minh, thì có thông minh, nhưng cách làm này ít nhiều cũng là cách của người ở huyện lỵ nhỏ.

Nói xong lấy trái cây xuống bếp rửa. chẳng mấy chốc ba người của Chu Mẫn đã đến trước cổng. Trang Chi Điệp chống gậy ra cửa đón. Đường Uyển Nhi vội vàng dìu anh ngồi xuống ghế xa lông, lại còn lấy một chiếc ghế con đỡ chân đau để duỗi thẳng ra, cởi vải màn ra xem, cổ chân vẫn còn sưng tấy và hỏi một tiếng “Còn đau không?” hai mắt đỏ hoe, rơm rớm nước mắt. Trang Chi Điệp thấy chị ta thất sắc, khi ngăn tay Đường Uyển Nhi, năm ngón tay dã ngấm ngầm véo mạnh một cái vào chỗ khuỷu tay của Đường Uyển Nhi rồi vứt cho chị ta một cái khăn tay để lau nước mắt, ngẩng đầu lên nói với Chung Duy Hiền:

– Anh đã có tuổi rồi, còn đến thăm tôi. Tôi thấy khó xử quá! Cái cậu Chu Mẫn này, cậu đến thì cứ đến, việc gì phải phiền phức tới tổng biên tập chứ?

Chung Duy Hiền nói:

– Cho dù anh không bảo tôi đến, thì sớm muộn gì, khi đã biết cùng phải đến. Số dầu tiên, anh đã đồng ý bài văn của Chu Mẫn, từ này về sau còn cấn có tác phẩm lớn của anh. Làm biên tập, một là dựa vào nhà văn, hai là dựa vào bạn đọc, có anh ủng hộ thì cái chức Tổng biên tập này mới ngồi vững.

Trang Chi Điệp thấy ông Hiền nhắc đến bài văn của Chu Mẫn trước, cũng không hỏi thăm những chuyện khác, mà bập ngay vào chủ đề chính nói:

– Tôi đi họp mười ngày, chân lại đau, cũng không đến thăm toà soạn tạp chí được. Hiện nay tình hình đến đâu rồi, Chu Mẫn cũng không cho tôi biết kịp thời.

Chu Mẫn nói:

– Em đã từng đến, nhưng thầy giáo đi họp vắng, đành phải nộp bản tuyên bố cho Sở để chuyển lên ban tuyên truyền xét duyệt.

Chung Duy Hiền nói:

– Sự việc cũng đã tới mức này, Cảnh Tuyết Ấm nhất định đòi thêm một dòng “Sai sự thật nghiêm trọng, có ác ý chửi bới”, vào trong lời tuyên bố. Tôi không đồng ý thêm vào! Tôi nói với giám đốc Sở tôi đã làm phái hữu hai mươi năm, sau khi sửa sai, đã làm người phụ trách tạp chí ba năm rồi lại bị Vũ Khôn lật đổ lên thay. Bây giờ coi như là một tổng biên tập thực sự, tôi báu gì cơ chứ? Không trụ được thì tôi lại đổ, lai là phái hữu nữa chứ sao! Không giữ vững nguyên tắc xử lý người một cách dễ dãi, đăng tuyên bố lên, ngoài xã hội bạn đọc sẽ đánh giá t. ap chí đổi mới này như thế nào? Tạp chí còn gì là uy tín? Thể hiện như thế nào để bảo vệ quyền lợi của tác giả?

Chung Duy Hiền xưa nay nhút nhát thận trọng, nào ngờ khi xúc động, thì khẩu khí lại mạnh mẽ cứng rắn. Điều này làm cho Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh đều cảm động. Chu Mẫn ở bên cạnh nói luôn:

– Tổng biên tập ngày đêm lo nghĩ về chuyện này, không có ông chống chọi cho, thì không biết ở bên ngoài họ chê cười em và cũng chê cười luôn cả thầy giáo Điệp như thế nào! Đối với em quần có ướt thì cũng không sợ đứng tiểu tiện, chỉ sợ tổn hại đến thanh danh của thầy giáo Điệp.

Trang Chi Điệp không tiếp lời Chu Mẫn, gọi Liễu Nguyệt rót thêm nước cho Chung Duy Hiền.

Liễu Nguyệt và Đường Uyển Nhi đang trao đổi với nhau kinh nghiệm chải đầu trong phòng sách, cười hì hì hà hà, Liễu Nguyệt đi ra rót trà xong lại rủ Ngưu Nguyệt Thanh cùng sang nói chuyện.

Chung Duy Hiền nói:

– Lời tuyên bố hiện giờ vẫn ở Ban tuyên truyền, ba hôm liền tôi gọi điện thoại thúc giục họ, đồng thời yêu cầu gởi văn bản hoặc lời phê xuống. Ban tuyên truyền bảo, còn phải chờ ông phó tỉnh trưởng phụ trách văn hoá xem đã, nhưng ông phó tỉnh trưởng mấy hôm nay bận nhiều việc lắm, song sẽ phê duyệt rất nhanh. Nhưng tôi cũng lo ngại, nếu ông phó tỉnh trưởng đồng ý với lời tuyên bố mình viết, thì tuyệt vời, nếu ông phó tỉnh trưởng tin theo lời Cảnh Tuyết Ấm, cứ theo đòi hỏi của Cảnh Tuyết Ấm, cho thêm những chữ ấy vào rồi phê chuẩn, thì tấm da trâu của tôi có thể chọi được Sở chứ chọi sao được ông phó tỉnh trưởng?

Trang Chi Điệp cúi đầu im lặng một lúc lâu rồi nói:

– Thế này nhé, có anh chống đỡ ở chỗ toà sọan tạp chí, thì tôi yên tâm. Tôi có thể đi tìm lãnh đạo tỉnh. Chu Mẫn này, lát nữa mình viết một bức thư cho ông bí thư trưởng của thị uỷ, ông này và ông phó tỉnh trưởng phụ trách văn hóa là thông gia với nhau, cậu cầm thư đi gặp ông ấy, mình yêu cầu ông ấy nói chuyện với phó tỉnh trưởng. Mình không hy vọng lãnh đạo phải đứng về phe mình, chỉ mong lãnh đạo công bằng vô tư, không thiên vị bên nào.

Chu Mẫn mừng quýnh đến nỗi quả táo cầm trên tay cũng không ăn, nói:

– Thầy giáo còn có mối quan hệ này, nếu dùng sớm hơn thì cái mụ họ Cảnh ấy còn bậy bạ sao được?



Chung Duy Hiền nói:

– Thép tốt phải dùng đàng lưỡi, mối quan hệ quan trọng, vạn bất đắc dĩ mới phải đem ra sử dụng.

Trang Chi Điệp không nói gì, lấy một đíếu thuốc châm vào mẩu thuốc sắp hút hết, tiếp tục hút. Khói thuốc từ hai má chui vào mái tóc dài. Mái tóc dài giống như đang bốc cháy.

Trang Chi Điệp hút xong thuốc, gọi Ngưu Nguyệt Thanh ra tiếp chuyện Chung Duy Hiền rồi vào phòng đọc sách viết thư. Trong phòng sách Đường Uyển Nhi và Liễu Nguyệt vẫn đang ríu ra ríu rít nói chuyện, vừa thấy Trang Chi Điệp bước vào, Đường Uyển Nhi đã bỏ mặc Liễu Nguyệt hỏi tại sao bị trẹo chân, bị ngã ở chỗ nào? Bảo mấy đêm liền đêm nào cũng nằm mơ, mơ thấy thầy giáo phóng xe “Mộc Lan” đi trên phố lớn, chị ta gọi thế nào, thầy giáo cũng tỉnh bơ, trong lòng cứ nghĩ sao thầy giáo phóng nhanh thế. Nào ngờ giấc mơ ấy hoá ngược, thầy giáo lại ngã trẹo chân.

Trang Chi Điệp nói:

– Đúng là chạy nhanh lắm, bị vướng một số việc của thị trưởng, không thể ngồi ở trong phòng, chân bị trẹo, em bảo có tiếc không? Tối hôm ấy vốn đã hẹn một người đến đó nói chuyện về nghệ thuật cơ đấy, làm cho người ta bị hẫng, có lẽ bây giờ còn thầm chửi là đằng khác.

Nói rồi đưa mắt nhìn Đường Uyển Nhi, Đường Uyển Nhi liếc Liễu Nguyệt một cái, nói:

– Thầy giáo là danh nhân lớn, hẹn không chuẩn thì có sao đâu, người ta không nói chuyện được với thầy về nghệ thuật, đó là người ta không có phúc, thầy cứ để mặc người ta chờ đợi ở đấy đến chảy máu mắt ra ư?

Trang Chi Điệp cười đáp:

– Người ta chửi thì cứ việc chửi, dù sao thì cũng là chỗ quen biết, chửi là thân, đánh là yêu, lần sau gặp lại người ta, để người ta gặm của mình một miếng thịt.

Liễu Nguyệt nghe nói chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao nói:

– Vì chuyện của người khác mà tốn nhiều lời thế không biết!

Trang Chi Điệp nói:

– Không nói nữa, Đường Uyển Nhi này, nghe nói em cũng ốm phải không?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Đau tim!

Hai mắt sáng long lanh, Trang Chi Điệp hỏi:

– Ồ, thế bây giờ còn đau không?

Đường Uyển Nhi đáp:

– Bây giờ khỏi rồi.

Trang Chi Điệp nói:

– Khỏi rồi cũng phải chú ý. Liễu Nguyệt ơi, em sang buồng bà lấy lọ vitamin E trong ngăn kéo sang đây cho chị Đường Uyển Nhi.

Liễu Nguyệt nói:

– Chị Uyển Nhi bị ốm, anh quan tâm đến thế, đêm qua em bị đau đầu song chẳng có ai hỏi em được một câu.

Trang Chi Điệp nói:

– Em nói điêu vừa chứ, cả đêm em ngáy sòng sọc, em ốm ở chỗ nào? Người ta ốm em cũng ghen đỏ cả mắt lên, để ngày mai em ốm to một trận thật xem nào!

Đường Uyển Nhi hỏi:

– Liễu Nguyệt, người ta ngủ mà thầy cả đêm nghe thấy tiếng ngáy cơ à?

Liễu Nguyệt liền cười một cái rất tươi đi ra cửa. Liễu Nguyệt vừa ra khỏi cửa, Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi gần như cùng một lúc gục đầu vào nhau, lưỡi thò ra như lưỡi rắn đánh hơi, cứ liếm qua liếm lại. Đường Uyển Nhi lại sà đến ôm chặt Trang Chi Điệp, cái miệng thì mút thật mạnh, nước mắt lại chảy ròng ròng, Trang Chi Điệp căng thẳng đến nỗi cố cho lưỡi ra ngoài, song không cho ra được, liền cấu vào cánh tay Đường Uyển Nhi. Hai người vừa tách ra thì Liễu Nguyệt đem lọ thuốc vào. Đường Uyển Nhi liền ngồi ngay lên trên ghế xa lông trong bóng đen, bảo trong giầy có cát, khi tháo giày đã lau nước mắt. Sau đó nhìn lọ thuốc và nói:

– Thầy giáo Điệp, thầy chỉ cho em uống thuốc không ư?

Liễu Nguyệt nói:

– Chẳng có lương tâm gì hết, thuốc này có đắng đâu kia chứ?

Đường Uyển Nhi nói:

– Không đắng đi nữa, thì cũng là thuốc, mười phần thuốc, thì cũng ba phần độc.

Liễu Nguyệt giục:

– Thầy giáo còn phải viết, mình không được quấy rầy.

Cứ khăng khăng kéo bằng được Đường Uyển Nhi đi ra.

Trang Chi Điệp viết xong thư, suy nghĩ đã lâu lắm không gặp Đường Uyển Nhi, buổi tối đến lại đông người thế này, cũng không có dịp nói chuyện. Định hẹn Đường Uyển Nhi hôm khác đến. Cố tình tách được Liễu Nguyệt ra, Đường Uyển Nhi đã tranh thủ thời gian hôn lấy hôn để, làm cho cái miệng không thể làm hai việc cùng một lúc, liền vội vàng viết một mẩu giấy, tìm khe hở nhét cho Đường Uyển Nhi. Sau đó cầm bức thư đã viết xong đem ra đưa cho Chung Duy Hiền xem rồi bảo Chu Mẫn nhận thư. Lại uống thêm mấy chén nước, thì nồi nước trên bếp đã sôi. Liễu Nguyệt gọi bảo mời cơm, Trang Chi Điệp giữ ba người cùng ăn. Chung Duy Hiền đã từ chối, mắt mũi kèm nhèm, về muộn quá đạp xe không thuận lợi, liền đứng dậy định đi. Chu Mẫn cũng định đi, Đường Uyển Nhi đành phải nói mấy câu căn dặn Trang Chi Điệp yên tâm chữa vết thương rồi đi theo ra cửa. Ngưu Nguyệt Thanh liền gọi Đường Uyển Nhi lại bảo, chỗ cá em chắc chẳng có mấy thứ nhà chị có một ít đậu xanh, đem về nấu cháo mà ăn. Đường Uyển Nhi không lấy, Ngưu Nguyệt Thanh cứ bắt phải đem theo, chị bảo ăn đậu xanh mát, mùa hè nóng nực ăn cháo đậu xanh đỡ nhiệt, hai người thân mật đưa đẩy nhau. Trang Chi Điệp tiễn Chung Duy Hiền và Chu Mẫn ra cổng, quay đầu nhìn Đường Uyển Nhi, Đường Uyển Nhi vẫn đang nói chuyện với Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt liền nghĩ bụng đợi Đường Uyển Nhi ra, thì thế nào Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt cũng tiễn ra, không còn dịp nào mà đưa mẩu giấy hẹn. Nhưng khi Chung Duy Hiền và Chu Mẫn mở khoá xe đạp, Trang Chi Điệp liền nẩy ra một kế, tay vê mẩu giấy trong túi thành một cái que nhỏ, nhét vào ổ khóa xe đạp màu đỏ của Đường Uyển Nhi. Một lát sau quả nhiên Đường Uyển Nhi, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt đi ra, Trang Chi Điệp đang nói chuyện với Chung Duy Hiền ở cổng, liền gọi Ngưu Nguyệt Thanh đến chia tay với Chung Duy Hiền. Ngưu Nguyệt Thanh ra cổng, Đường Uyển Nhi ra mở khoá xe đạp, vừa cầm chìa khoá định xỏ vào ổ khóa chợt phát hiện ra trong ổ khóa có mẩu giấy, lập tức hiểu ra ngay, vội vàng nhấc ra luôn, giở phẳng trong túi áo, sau đó cúi xuống, vừa mở khoá, vừa đọc dưới ánh điện ở cổng chiếu tới. Nhưng trên giấy viết gọn lỏn mấy chữ “Trưa ngày kia đến”. Đọc xong vò lại trong lòng bàn tay, hớn hở dắt xe ra. Ba người lần lượt bắt tay chủ nhà ở cổng, đến lượt Đường Uyển Nhi bắt tay Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp đã cảm thấy có cục giấy trong bàn tay Đường Uyển Nhi, hơn nữa một ngón tay còn cào vào lòng bàn tay của Trang Chi Điệp. Hai người nhìn nhau cười.

Tất cả mọi động tác, Ngưu Nguyệt Thanh không biết gì, nhưng đứng trong bóng tối lờ mờ của đèn điện, Liễu Nguyệt đã nhìn thấy rất rõ.

Để mở rộng nhà sách, Triệu Kinh Ngũ và Hồng Giang đã tất bật khắp nơi, mò đến cả gia đình anh thứ hai và anh thứ tư trong “bốn cậu ác lớn”, đã làm xong thủ tục mua lại ngôi nhà bên cạnh và giấy phép kinh doanh. Công việc cũng đã hòm hòm, mấy ngày tiếp theo lại bận mải chắp nối quan hệ, kết bạn với những người ở Cục công thương, Cục thuế vụ, Cục điện nước, Cục bảo vệ môi trường, Cục công an và văn phòng đường phố sở tại, ăn một bữa vịt quay ở nhà hàng Tây Kinh, lạ làm một chầu canh dương vật của bò, lừa và chó ở khách sạn Đức Lai Thuận, rồi chơi bài mạt chược với bọn họ suốt đêm, cố ý được ít thua nhiều. Cứ thế đi đi lại lại, gần như quen thân, cứ gọi phứa là ông anh, thằng em. Hồng Giang chịu trách nhiệm dự trù số tiền mở cửa hàng, cuốn tiểu thuyết chưởng của Toàn Dung cả vốn lẫn lãi thu được mười hai vạn, cầm phiếu thu chi, đưa cho Ngưu Nguyệt Thanh trước tám vạn, trả nợ cho vợ Uông Hy Miên. Ngưu Nguyệt Thanh lại đưa cho Hồng Giang bốn vạn, dặn dò bàn với Triệu Kinh Ngũ bố trí chuyện cửa hàng tranh. Hồng Giang bảo bên ngoài còn một khoản một vạn bốn ngàn đồng, nhưng đêu do người ở các điểm bán lẻ của huyện bạn dây dưa, có lẽ khó có thể đòi ngay trong một lúc. Bởi mỗi nơi nợ một tít không lớn, nếu đích thân đi đòi thì tiền xe, tiền ăn tiền ngủ cũng gần ngang với tiền đòi được, cho nên chỉ có thể gửi thư thúc nợ, cũng chẳng cần phải chuẩn bị gì cả về mặt tâm lý. Ngưu Nguyệt Thanh nghe cậu ta nói cũng không biết cụ thể, chỉ mắng đôi câu lòng người bạc bẽo, thói đời hư đốn, liền rút ra mấy tờ một trăm đồng trả tiền lương tháng cho Hồng Giang. Nhưng Hồng Giang bảo trả nhiều quá, cứ nhất quyết trả lại bằng được bốn năm mươi đồng. Thật ra một vạn bốn ngàn đồng này đã tiền trao cháo múc từ đời nảo đời nào, Hồng Giang đem số tiền ấy ngấm ngầm giao cho một người họ hàng xa mở một cửa hàng thu mua phế phẩm trong ngõ Vương Gia ở cửa Đông thành phố, chuyên làm nghê buôn bán ở chợ âm dương.

Dưới chân thành cửa Đông thành phố là một chợ âm dương nổi tiếng của Tây Kinh. Buổi chiều sau khi lặn mặt trời, buổi sớm trước khi trời sáng, các cuộc buôn bán đồ cũ toàn thành phố được tiến hành ở đây. Điều thú vị là cái tên chợ âm dương, hay chợ ma, quả thật cũng có chút hơi ma. Địa thế vùng cửa Đông thành phố thấp trũng, con sông bảo vệ thành phố ở chỗ cổng thành lại là đoạn sâu nhất, rộng nhất, cây cối rậm rạp nhất của toàn bộ con sông bảo vệ thành phố, xưa nay buổi sáng buổi tối đều có sương mù, đèn đường ở đây cũng mờ ảo, những người buôn bán cũng không ai nói to, áo quần cũ rách, mặt nhọ tóc rối, cử chỉ hành động mải móng hấp tấp, đèn đường chiếu bóng họ lên tường thành đầy rêu xám ngoét, cứ nhảy nhót lúc to lúc nhỏ, đen đen sì sì, nom rất sợ. Đầu tiên, chợ ma này là nơi tụ họp của những người thu mua nhặt nhạnh đồ cũ nát, rất nhiều gia đình có cái xe đạp thiếu một chiếc bàn đạp, một cái xích, cái bếp than thiếu một cái ghi, cái móc, hoặc mấy cái đinh bằng xi măng, cái cánh cửa hỏng cần phải sửa, một đoạn ống nước, vòi nước, những thanh gỗ cũ để sửa chân ghế, chân giưỡng, những tấm gỗ dán, chổi quét sơn quét vôi tường nhà, ống cong lắp lò sưởi, lò xo ghế xa lông tự chế, tấm bao đay…Phàm là những thứ cần kíp trong đời sống thường ngày, mà cửa hàng nhà nước và tư nhân không có hoặc rẻ hơn cửa hàng quốc doanh và cá thể, đều có thể tìm mua ở đây. Nhưng đi đôi với sự ngày càng mở rộng của chợ âm dương, những người đến chơi chợ, không chỉ còn là những dân nhà quê áo quần rách rưới vào thành phố gom nhặt đồ cũ nát, hoặc những giáo viên, nhân viên cơ quan bao giờ cũng mặc áo bốn túi, để đầu bù hay cắt cua, mà dần dần có cả những người mặc áo rộng quần rộng, hoặc áo chật quần chật, hoặc áo rộng quần chật, hoặc áo chật quần rộng. Họ đã làm tăng màu sắc sáng sủa cho nơi đây, trong nói năng giao tiếp cũng đem tới ít nhiều tiếng lóng chẳng ai nghe hiểu. Họ cũng bày bán quán này một cô mắt xanh môi đỏ, lều kia một mụ mông móp ngực nở. Những liền anh liền chị theo mốt thì luôn thay đổi hình tượng. Hôm nay đi giày da gót sau cao bốn đốt ngón tay to bằng đầu đũa, ngày mai trong dép lê lại là bàn chân đế trần với những ngón chân trắng mũm mĩm, móng nhuộm đỏ loè, người đàn ông kia, lúc sáng còn tóc vàng xoã vai, buổi chiều đã gọt trọc lóc, thường thường khoe nhau ở đây những mốt ăn diện nổi tiếng từ chân đến đầu. Những chủ bán chủ mua cũ của chợ Ma cho rằng, có những người ấy ra nhập hàng ngũ của họ đã có giá trị nâng cao địa vị của họ trong thành phố này, cảm thấy vinh dự lắm. Nhưng chẳng bao lâu đã phát hiện ra những người này, đều là những kẻ lười biếng, vô công rồi nghề, lang thang, bậy bạ, ăn cắp, móc túi, những thứ chúng bán rẻ gồm xe đạp, xe đẩy, xe cải tiến còn mới nguyên, chúng bán những thứ mà họ chưa nhìn thấy bao giờ như bê tông cốt thép, thỏi nhôm, que đồng, các loại kìm, cờ lê, dây thép dây cáp điện, thậm chí cả nắp gang ở cửa ra của đường ống ngầm tuy đã băm nát nhưng vẫn nhận ra chữ “Xây dựng đô thị”. Thế là đã xuất hiện mấy cửa hàng thu mua đồ cũ nát ở trong ngõ Vương Gia rất chật hẹp cách chợ âm dương không xa. Cửa hàng mà Hồng Giang mới thuê người tổ chức tuy khai trương chưa được bao lâu, nhưng lãi lắm, bán lại những thứ đã thu mua được cho trạm thu mua phế phẩm quốc doanh, hoặc trực tiếp bán cho các xưởng nhỏ, đường phố và các xi nghiệp xã trấn ở các huyện ngoại thành, đã kiếm được lãi khá to. Đương nhiên Ngưu Nguyệt Thanh biết sao được việc này, Trang Chi Điệp cũng không biết, ngay đến ba cô gái thuê mướn phục vụ ở hiệu sách cũng không biết. Dự định mở rộng hiệu sách và mở cửa hàng tranh cần một khoản tiền lớn, bốn vạn đồng Ngưu Nguyệt Thanh đưa cho đâu có đủ. Cộng thêm tích góp trước đây của hiệu sách thì vẫn còn thiếu nhiều. Hồng Giang liền nảy ra ý định thành lập hội đồng quản trị cửa hàng tranh, nêu rõ sau khi khai trương cửa hàng tranh, mỗi uỷ viên Hội động quản trị có thể làm quảng cáo cho cá xí nghiệp quanh năm ở cửa hàng tranh, lại đồng ý hàng năm có thể tặng mỗi uỷ viên hội đồng quản trị hai tờ tranh chữ nổi tiếng, xí nghiệp có hoạt động gì cũng bảo đảm triệu tập một loạt hoạ sĩ có tên tuổi đến cổ vũ động viên, có nghĩa vụ vẽ tranh viết chữ. Trên thực tế là xin xí nghiệp trợ giúp một số tiền, nói thẳng ra là xin tiền của người ta. Hồng Giang liền bàn với Triệu Kinh Ngũ, rồi tự đi tìm giám đốc Hoàng của nhà máy thuốc bảo vệ thực vật 101.

Hoàng không biết về Hồng Giang, Hồng Giang giới thiệu tường tận về mình, rồi lại nói sản phẩm của nhà máy 101 chất lượng tốt có tín nhiệm lớn như thế nào, nhìn thấy giám đốc Hoàng đã cảm thấy giám đốc Hoàng có phong thái và khí phách của một nhà doanh nghiệp hiện đại ra sao. Giám đốc Hoàng đang bị cảm cúm, một giọt nước mũi trong veo ở lỗ mũi cứ muốn rơi ra mà chưa rơi được, ông hỏi:

– Anh đến xin tài trợ hả? Bao nhiêu tiền?

Hồng Giang hỏi lại:

– Có nhiều người đến xin tài trợ không ạ?

Giám đốc Hoàng đáp:

– Nhiều như cào cào châu chấu ấy. Bọn họ làm sao biết tôi có tiền mà đến nói vòng nói vèo, thò tay ra xin không biết?

Hồng Giang liền cười đáp:

– Đó là bởi vì, một là sản phẩm của giám đốc có tín nhiệm, hai là Trang Chi Điệp viết bài cho giám đốc có ảnh hưởng lớn thế đấy! Nhưng xin giám đốc hết sức nâng cao cảnh giác, chớ để họ túm tóc mình. Tôi đến tìm giám đốc, một là nghe đại danh của giám đốc, chưa biết người thật, đến để mở rộng tầm mắt, làm quen một người bạn, hai là thay mặt Trang Chi Điệp, định lấy cửa hàng tranh mới mở, tuyên truyền thêm cho quý nhà máy.

Nói xong liền đưa ra một bản chương trình nói về tính chất, chức vụ, quyền lợi của hội đồng quản trị và điều kiện gia nhập hội đồng quản trị. Giám đốc Hoàng sung sướng đọc từng câu từng chữ như học sinh tiểu học đang đọc một bài tập làm văn:

– “Hội viên cần nộp năm ngàn đồng trở lên, mở ngoặc, năm ngàn đồng, đóng ngoặc. Nếu có thể giao một vạn đồng, sẽ xem xét là phó chủ tịch hội đồng quản trị, số lượng phó hội đồng quản trị không hạn chế. Chủ tịch hội đồng quản trị do nhà văn có tiếng tăm Trang Chi Điệp đảm nhiệm”.

Giám đốc Hoàng đọc xong, ngẩng đầu, há mồm, lâu lắm không nói gì. Cậu con trai nhà họ Hoàng đang làm bài tập trong sân, cầm quyển vở đến hỏi bố.

– Bố ơi chữ này là gì hả bố?

Giám đốc Hoàng nhìn rồi hỏi:

– Một chữ “Hải” cũng không biết à? Bố dạy con ba lần con phải nhớ nhé!

Cậu bé đáp:

– Vâng ạ.

Giám đốc Hoàng liền dạy con:

– Hải, Hải, dương của hai chữ hải dương (giám đốc Hoàng đáng lẽ ra phải dạy là Hải, hải, hải của hai chữ Hải Dương mới đúng).

Cậu bé đọc lại:

– Hải, hải của hai chữ Hải Dương.

Hồng Giang bảo:

– Hải, hải, hải của hai chữ Hải Dương chứ! không phải là Hải, hải, dương của hai chữ Hải Dương đâu!

Giám đốc Hoàng liền quát con:

– Đi đi, xéo ra đằng kia, trong lớp không chăm chú nghe thầy giáo giảng, về nhà lại làm bố lẫn lộn nốt – rồi nói với Hồng Giang – chương trình có thế này thôi ư?

Hồng Giang đáp:

– Ngồi cùng một ghế với danh nhân văn hoá, đó là loại người như thế nào. Mình làm nhà doanh nghiệp lẽ nào cứ mãi mãi là nhà doanh nghiệp nông dân. Tại sao không xoá bỏ chữ nông dân đi?

Giám đốc Hoàng liền cười hì hì, giục:

– Vào trong nhà ngồi đã!

Mời Hồng Giang vào trong nhà, rồi đưa rượu ngon trà ngon ra chiêu đãi, song hỏi kỹ Trang Chi Điệp gần đây đã dọn nhà chưa? Mẹ vợ Trang Chi Điệp nằm viện đã khỏi bệnh chưa? Cái nốt ruồi ở cằm của Trang Chi Điệp bảo là dùng tia la de tẩy đi, không biết dã mất hay vẫn còn?

Hồng Giang cười, trả lời:

– Giám đốc Hoàng này, giám đốc đừng nói những lời như tra khảo tôi như thế. Đòn này của giám đốc ghê gớm đấy, nếu đến đây là tên bịp bợm sẽ phải trả lời theo câu hỏi của giám đốc, vậy thì con cáo đóng giả bà già sẽ lòi đuôi ra! Giám đốc nhìn cái này, xem có giống với con dấu trên bức tranh chữ Trang Chi Điệp viết cho giám đốc treo trên tường kia không?

Hồng Giang liền lấy ra một con dấu bảng đá màu tiết gà. Giám đốc Hoàng nhìn con dấu, lại đóng lên giấy một cái, giống y hệt như trên bức tranh. Hồng Giang nói:

– Con dấu này, Trang Chi Điệp giao cho hiệu sách quản lý. Thầy Điệp vốn định bán sách ký tên, nhưng sau đó phải đi họp Hội đồng nhân dân, chân lại bị trẹo, mới bảo tôi cầm dấu đóng vào bìa phụ của cuốn sách bán ra, so với trước tốc độ bán sách nhanh hơn nhiều. Nay thầy giáo vốn định đi cơ, nhưng chân còn đau chưa đi được, nên tôi mới cầm con dấu này đến làm chứng để giám đốc nhìn thấy con dấu như nhìn thấy chính thầy giáo Điệp.

Giám đốc Hoàng nói:

– Tôi đâu phải không tin anh? Tôi cũng chẳng cần xem con dấu kỹ làm gì. Nếu đã không tin anh, thì tôi có thể tin một con dấu hay sao? Cục công an chẳng phải thường bắt một số người khắc dấu trộm đó sao?

Nhưng lại hỏi:

– Ông Điệp tại sao bị trẹo chân? Vết thương có nặng không?

Hồng Giang đáp:

– Lâu lắm rồi chưa thấy khỏi, thị trưởng cũng quan tâm, đích thân gọi điện thoại cho giáo sư bệnh viện thuộc Viện y học đi pha chế thuốc, nhưng cũng chưa thấy hiệu quả rõ rệt.

Giám đốc Hoàng nói:

– Phương thuốc dân gian làm danh y tức lên mà chết đấy, giá nói sớm với tôi, thì có lẽ vết thương đã khỏi từ lâu rồi. Tôi có quen một người, gia đình có nhiều phương thuốc dân gian và bí mật gia truyền, chuyên trị vết thương do ngã và đánh đập, chỉ một liều thuốc cao là khỏi liền.

Hồng Giang nói:

– Vậy thì hay quá, chúng ta đi mời thầy thuốc đến chữa bệnh và giám đốc cũng sẽ yên tâm tôi là thật hay giả.

Ngay tức thì hai người đạp xe đến nhà thầy thuốc, lại cùng thầy thuốc vẫy xe ô tô chở thuê đi đến Song Nhân Phủ. Thầy thuốc tháo băng trên chân Trang Chi Điệp, lấy tay ấn vào thịt cạnh cổ chân, thịt lõm xuống thành một hõm nhỏ, lâu lắm mới dần dần mất đi. Giám đốc Hoàng tức giận bảo:

– Thế mà cũng coi là giáo sư của viện y học, giáo sư, giáo sư ăn không của chế độ. Anh chờ đấy, thầy lang Tống dán cao cho anh, sáng sớm ngày mai anh có thể lên tường thành đi bộ và nhẩy tâng tâng được cho mà xem.

Người thầy lang kia nói:

– Anh Hoàng ơi, đừng gọi tôi là thầy lang này thầy lang kia nữa, tôi có phải là thầy lang đâu!

Giám đốc Hoàng nói:

– Anh cũng bảo thủ lắm cơ, chết đến đít còn không đi cầu xin, tay bưng bát vàng, nhưng lại đòi đi ăn mày, làm đếch gì trong cái trường trung học ấy, mỗi ngày chẳng kiếm nổi ba đồng. Thật chẳng thà xin từ chức, lập ra một phòng khám bệnh tư nhân có phải ăn thơm uống cay không nào? Anh cứ chịu khó chữa khỏi cho ông Điệp đi, chữa khỏi rồi, ông Điệp là danh nhân lại không giúp anh kiếm được giấy phép hành nghề hay sao?

Trang Chi Điệp liền hỏi tại sao không phải là thầy thuốc?. Giám đốc Hoàng nói anh ấy luôn luôn chưa được cấp giấy phép làm nghề y, hiện nay vẫn làm quản lý bếp ăn ở một trường phổ thông cơ sở, chỉ dâm dúi pha chế thuốc cho người bệnh. Trang Chi Điệp cảm động lắm, liền bảo:

– Anh có tay nghề nổi trội, đúng là nên tự phát huy thế mạnh của mình. Đương nhiên là giấy phép hành nghề y phải được Cục y tế xét cấp. Tôi không có người thân quen ở Cục y tế, nhưng cũng biết chủ nhiệm Vương ở văn phòng uỷ ban đường phố Đại lộ Thượng Hiền. Anh họ ông Vương làm Cục trưởng Cục y tế.

Giám đốc Hoàng nói:

– Thầy lang Tống , anh nghe thấy chưa? Thế nào là danh nhân? Danh nhân có khác phải không nào? Chúng mình chớp thời cơ, rèn sắt đang lúc còn đỏ, hôm nay mời thầy Điệp tiên sinh dẫn anh và tôi đi gặp ông chủ nhiệm Vương cái đã, cứ chấp nối với Cục y tế trước. Sư phụ dẫn vào cửa, tu hành ở cá nhân, sau này không phiền tóai đến Điệp tiên sinh nữa, anh trực tiếp đi bám ông Cục trưởng.

Thầy lang Tống nghe xong cũng phấn khởi vô cùng, song lại nói:

– Liệu có được không? Hôm nay làm sao Điệp tiên sinh đi được?

Thấy giám đốc Hoàng tiện cột trèo cao, đặt vấn đề đi tìm chủ nhiệm Vương như vậy, Trang Chi Điệp không vui vẻ lắm, nhưng thấy thầy lang Tống nét mặt lúng túng khó xử, lại cảm thấy con người này thật thà. Anh nghĩ, ở bệnh viện hiện nay, nói chung thầy thuốc tây y thấy bệnh chỉ đưa đẩy, thầy thuốc đông y thấy bệnh lại chỉ nói bốc. Còn anh Tống này, thấy chân đau không nói anh có chữa được hay không, Trang Chi Điệp liền biết ngay anh ấy có tấm lòng chạy chữa. Sở dĩ có tay nghề như thế này mà không có giấy phép hành nghề, có lẽ là do anh ấy vụng về trong giao tiếp liền nhận lời có thể đi được. Thầy lang Tống liền đứng lên bảo là định đi đại tiện. Trang Chi Điệp bảo trong nhà có cầu tiêu, ngồi bô thoải mái hơn ngồi xổm ở nhà xí công cộng. Thấy lang Tống nói:

– Chính là tôi ngại ngồi bô không quen.

Liễu Nguyệt liền dẫn anh Tống ra cổng, chỉ hướng để anh ấy đi. Lâu lắm không thấy anh Tống về, giám đốc Hoàng liền nói đến tình hình sản xuất của nhà máy 101, cứ cảm ơn rối rít bài viết của Trang Chi Điệp. Tự nhiên Hồng Giang nêu ra chuyện hội đồng quản trị cửa hàng tranh. Trang Chi Điệp vẫn bảo việc này cậu cứ bàn với Triệu Kinh Ngũ. Giám đốc Hoàng định nói câu gì, thì Hồng Giang đã vội vàng giục:

– Giám đốc Hoàng này, người giám đốc mồ hôi mồ kê nhẽ nhãi, giám đốc đi rửa cái mặt cho mát.

Giám đốc Hoàng kéo vạt áo lên ngửi. Dường như có phần nào ngường ngượng, nói:

– Tôi béo, không chịu được nóng nực mà!

Nói xong ra bể nước rửa mặt mũi chân tay. Hồng Giang bước lại khẽ bảo:

– Giám đốc đừng nhắc đến chuyện hội đồng quản trị trước mặt thầy giáo Điệp. giám đốc cũng vừa nghe rồi đó, thầy giáo Điệp giao cho tôi toàn quyền thay mặt thầy giáo làm việc này, hiện giờ thầy giáo đau yếu, đang buồn, lại nói ra trước mặt, thầy giáo sẽ trách tôi có chút việc cỏn con cũng không làm được.

Giám đốc Hoàng nói:

– Vậy thì anh đưa cho tôi bản chương trình. Tháng này kinh phí hơi căng, tháng sau tôi đem tiền đến tìm anh bàn tiếp.

Hồng Giang liền giao cho giám đốc Hoàng bản chương trình, lại đưa cả tấm danh thiếp của mình. Lúc này, thầy lang Tống đã trở về, tay xách hẳn một túi ny lông to đùng, bên trong có hai túi thuốc lá thơm núi tháp đỏ, hai chai rượu trắng Hồng Tây Phượng, một gói đường hoa liễu, một gói kẹo vừng. Trang Chi Điệp hoảng quá vội nói:

– Cứ tưởng anh đi đại tiện, ai ngờ đi tiêu ngần này tiền? Anh đã đến chữa chân cho tôi, lại còn mua quà cho tôi, tôi làm sao mà nhận được?

Thầy lang Tống đỏ mặt đáp:

– Lần đầu tiên được gặp tiên sinh, hai tay không khó coi quá, huống hồ tiên sinh đã đồng ý đi gặp chủ nhiệm Vương. Đâu phải chỉ có một chút quà nhỏ mọn này mà cắt đặt được chuyện đó!

Giám đốc Hoàng bảo:

– Tiên sinh cứ phải nhận mới được, khi nào phòng khám được khai trương, thầy lang Tống sẽ là ông chủ có tiền.

Trang Chi Điệp nói:

– Vậy thì được rồi, bây giờ chúng ta đi, mang theo những quà này cho chủ nhiệm Vương.

Anh Tống cứ nhất quyết không, hai bên tranh chấp mãi. Trang Chi Điệp đã nhận lại một túi thuốc. Anh Tống vẫy một chiếc xe con, giám đốc Hoàng và Hồng Giang dìu Trang Chi Điệp ra đầu ngõ, bốn người đáp xe đến phố Thượng Hiền. Vừa vào văn phòng uỷ ban đường phố, may sao Vương chủ nhiệm có nhà, đang tiếp khách, nên đã mời họ ngồi sang một bên uống nước. Ngồi nói chuyện với chủ nhiệm Vương là một người con gái đeo kính trắng, ngồi tại chỗ, hai chân bắt chéo để dưới ghế, hai tay ôm khư khư cái túi da nhỏ để trên đầu gối nói:

– Thưa chủ nhiệm Vương, em vô cùng cảm ơn chủ nhiệm đã quan tâm và tín nhiệm đối với em, giao nhiệm vụ này cho em, em xúc động lắm, ba giờ đêm hôm qua vẫn không ngủ được, chị em vẫn cứ tưởng em có…

Chủ nhiệm Vương ngắt lời:

– Tưởng sao cơ?

Người con gái đáp:

– Nói thế nào được nhỉ? Chị ấy thường quan tâm đến chuyện hôn nhân của em, tưởng em đã có bạn trai rồi.

Chủ nhiệm Vương nói:

– Nghe giám đốc các cô nói, cô vẫn chưa tìm hiểu ai, hiện nah có rồi chứ?

Người con gái đáp:

– Hôm tốt nghiệp em đã thề, không làm nên sự nghiệp em không xây dựng gia đình. Thưa chủ nhiệm Vương, chính vì vậy mà em vô cùng coi trọng cơ hội này. Đêm qua ba giờ bò dậy, đã nghĩ ra nhiều phương án, làm theo kiến trúc Đại Đường Trung Quốc, hay theo kiến trúc Minh, Thanh? Em định tiếp thu một số phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây, liệu có thể vừa giống một loại điêu khắc và nặn tượng của thành phố, vừa là một nơi sử dụng công cộng được không?

Chủ nhiệm Vương đáp:

– Chuyện ấy cứ từ từ, đừng nóng vội, chắc chắn cô sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Khi bàn chọn người, tôi vừa nhắc đến cô người ta đã không đồng ý, tôi trước sau vẫn giữ vững. Bây giờ xem ra tôi đã chọn đúng người phải không nào, mắt còn tinh phải biết. Nhưng tôi phải nhắc nhở cô phải giải quyết vấn đề hôn nhân của mình, người xinh đẹp như thế này đến bây giờ vẫn chưa có một đối tượng , quả thật khiến người ta khó tin. Chắc là cô còn kén chọn tiêu chuẩn cao quá phải không?

Người con gái đáp:



– Em đã từng nói với chủ nhiệm, chưa làm nên công chuyện gì, em chưa lấy chồng.

Chủ nhiệm Vương liền chau mày giơ tay lên đấm một quả thật mạnh vào bao cát treo trên tường sau bàn. Cạnh bao cát còn treo một đôi găng đánh bốc. Người con gái có phần ngạc nhiên, giữ cặp kính hỏi:

– Chủ nhiệm là người yêu thích quyền Anh ư?

Vương chủ nhiệm đáp:

– Tôi làm thế để trút nỗi buồn giận mà thôi. Năm năm trước tôi đã là chủ nhiệm ở đây, năm năm rồi vẫn là ở đây làm chủ nhiệm. Cô bảo tôi không chán sao được? Nhưng buồn chán để đi đánh người ư? Giết người ư? Anh có thể đánh ai giết ai mới được? Ở nhà có bà vợ mặt xanh xao canh giữ hễ anh nói to một tiếng là bà ta cứ ca cẩm, làu bàu dai như đỉa đói, tôi đành phải mua đôi găng đánh bốc, đành phải đấm bao cát này để bõ tức.

Nói rồi bước đến lấy đôi găng và cũng đấm thật lực mấy quả vào bao cát. Người con gái thấy chủ nhiệm Vương và khách nói đến chuyện đánh bốc, tỏ ra lúng túng khó xử, liền đứng lên. Chủ nhiệm Vương nói:

– Cô đừng đi, chờ lát nữa tôi còn định nói chuyện với cô đấy.

Người con gái hỏi:

– Em ra nhà vệ sinh một lát, nhà vệ sinh ở đâu ạ?

Chủ nhiệm Vương đáp:

– Ngõ này không có, sân đàng sau phòng làm việc có một cửa hậu, đi qua cửa hậu là đường Thượng Lễ, cách một bức tường, sát bên trái nhà vệ sinh. Cô đi qua cửa sau, ở đấy ruồi hàng đàn, cô cứ đi theo ruồi là đến.

Người con gái mỉm cười với bọn Trang Chi Điệp, đã đi ra rồi lại quay về, cầm túi da nhỏ trên bàn. Chủ nhiệm Vương lại bảo:

– Ra khỏi cửa sau, nhìn thấy có đống gạch vỡ, cô phải cầm một hòn đệm chân, ở đấy nước bẩn lênh láng.

Người con gái vừa đi khỏi, Hồng Giang đã khẽ nói với Trang Chi Điệp:

– Cô gái này, nhìn một cái biết ngay là loại sẵn tiền!

Trang Chi Điệp đáp:

– Không phải đâu, đừng có nhìn cái túi sang trọng, bên trong chỉ có giấy lộn.

Hồng Giang nói:

– Cô ấy xinh đẹp thế, kiếm đâu chẳng ra một anh chàng túi tiền rủng rỉnh kia chứ!

Chủ nhiệm Vương nghe thấy liền bảo:

– Xinh đẹp hả? Xinh đẹp lắm đấy! Xưởng nến hơn ba trăm công nhân, cô ấy nổi hơn cả. Anh nhìn khuôn mặt mà xem, nước da trắng hồng như quả trứng gà bóc vỏ lăn trong hộp son!

Trang Chi Điệp nói:

– Hình như cô ấy chẳng phải công nhân, các anh đang làm kiến trúc gì vậy?

Vương chủ nhiệm đáp:

– Nhà văn tinh thật. Cô ấy là thiết kế học trung cấp xây dựng, tốt nghiệp ra trường không phân phối về đâu được, sinh viên chính hiệu của trường thiết kế tỉnh và thành phố còn chơi dài dài kia kìa, chẳng vào đâu được, đành phải bố trí vào xưởng nến. Hiện nay toàn thành phố có bốn mươi ngõ phố không có nhà vệ sinh công cộng. Sau khi họp hội đồng nhân dân, thị trưởng nêu ra phải làm mấy việc tốt cho dân phố, xây nhà vệ sinh là một trong mấy việc tốt ấy. Tôi giao cho cô ấy nhiệm vụ thiết kế nhà vệ sinh của ngõ này. Nhà văn lớn ơi, lâu lắm không gặp anh, lại viết được rồi? Lúc nào cũng nên viết một bài về văn phòng đại diện đường phố này của chúng tôi chứ!

Trang Chi Điệp nói:

– Được thôi, chỉ cần anh chủ nhiệm bằng lòng hôm nào tôi sẽ đến tìm hiểu tình hình thực tế. Nhưng hôm nay đến có việc nhờ anh đây!

Rồi nói luôn tình hình của thầy lang Tống nhờ anh Vương nói chuyện tình cảm với anh của anh Vương giúp cho. Chủ nhiệm Vương nói:

– Đã có một câu của nhà văn lớn như thế, đâu có từ chối được? Anh Tống này, coi như chúng ta đã quen nhau, hôm nào anh đến đây nhé, viết tình hình thành một tài liệu, tôi sẽ dẫn anh đi gặp ông anh họ tôi.

Thầy lang Tống gật đầu lia lịa như gà mổ thóc. Lúc này người con gái đã về đến cửa, cứ giẫm chân thật mạnh ở vỉa hè.

Chủ nhiệm Vương bảo:

– Tôi đã bảo cô cầm theo cục gạch, cô có đem không?

Cô gái đáp:

– Em có đem, nhưng ở đó người xếp hàng, xếp lâu quá em chê hòn gạch nặng quá đã vứt đi. May mà là giày cao gót, chứ nếu là giày thường, thì không biết sẽ ướt đến chừng nào!

Chủ nhiệm Vương nói:

– Lúc này còn ít người đấy, chứ buổi tối sau khi xem xong tivi, hoặc lúc dậy buổi sáng, thì người xếp hàng cứ gọi là rồng rắn, nhiều ông chồng xếp hàng cho vợ, vợ xếp hàng cho chồng, người ở bên cạnh cứ tưởng đàn ông đàn bà dùng chung một nhà vệ sinh. Điều thú vị hơn nữa là khách qua đường lại thường thường cho là có mặt hàng gì tăng giá, bắt đầu tranh nhau mua cũng hối hả đứng vào hàng.

Mọi người cùng cười rộ lên. Cô gái nói:

– Văn phòng đây còn có một cửa hậu, chứ dân phố thì phải đi vòng đi vèo bao nhiêu là đường! Ra một lần nhà vệ sinh, em càng cảm thấy nhiệm vụ em đảm nhận quan trọng biết chừng nào! Thưa chủ nhiệm Vương, một việc nữa em quên chưa xin ý kiến của chủ nhiệm, đó là vấn đề địa điểm của nhà vệ sinh công cộng. Sáng nay em đã đi xem ngõ này, đầu phía bắc là khách sạn, nhà vệ sinh không thể ở đối diện, đầu phía nam có một cửa hàng, nhưng ở đây còn có một vòi nước công cộng, nhà vệ sinh thường không thể ở cùng một chỗ với nguồn nước sinh hoạt. Chỗ thích hợp duy nhất là ở đoạn giữa, nhưng ở đấy có một hiệu cắt tóc. Ông chủ hiệu nghe nói xây nhà vệ sinh công cộng, ông ấy phàn nàn nhà ông ấy dựa vào cửa hiệu bé nhỏ này để kiếm ăn, đứa nào chiếm chỗ này của gia đình, ông sẽ liều mạng với kẻ đó.

Chủ nhiệm Vương nói:

– Ông ấy có mấy cái mạng cỏn con hả?

Cô gái không nói gì. Trang Chi Điệp nhìn cô gái còn đặc sệt tính khí học sinh, liền cảm thấy rất có cảm tình, bèn hỏi:

– Nghe giọng nói, em vốn không phải là người Tây Kinh phải không?

Cô gái đáp:

– Em là người tỉnh An Huy.

Chủ nhiệm Vương bảo:

– Lan này, đây là bạn cũ của tôi, Trang Chi Điệp là nhà văn viết sách.

Cô gái lập tức kêu lên một tiếng, nhưng lại đực mặt xấu hổ vì sự luống cuống của mình, cô nói:

– Thầy vừa bước vào, em đã cảm thấy người này sao quen thế, song không nhớ ra ngay được đã gặp ở đâu. Chủ nhiệm với giới thiệu một cái, em đã nhớ ra ngay, em đã nhìn thấy thầy trên tivi.

Trang Chi Điệp cười, lảng sang chuyện khác hỏi:

– Em người An Huy, ở nơi nào của An Huy?

Cô Lan đáp:

– Túc Châu. Thầy giáo Điệp đã đến đó chưa?

Trang Chi Điệp đáp:

– Nói đến Túc Châu, tôi lại nghĩ đến một người không biết em có biết không. Một sinh viên của những năm năm mươi, sau bị quy sai là phái hữu, nghe nói tháo vát lắm, lại rất xinh, hiện nay chỉ biết sống goá bụa ở Túc Châu, song không biết ở đơn vị nào của Túc Châu?

Hồng Giang hỏi:

– Có phải là người bạn học cũ yêu mến của tổng biên tập Chung Duy Hiền?

Trang Chi Điệp hỏi:

– Cậu cũng biết hả?

Hồng Giang đáp:

– Em đã nghe Chu Mẫn nói về cái tật quái gở của ông già này, già cốc đế rồi mà còn theo đuổi thư tình cứ từng lá từng lá gởi đi tơi tới, đầu trọc long lóc như cái bình vôi mà còn say tương tư.

Trang Chi Điệp nói:

– Cậu không hiểu tình hình thực tế, đừng nói xấu ông ấy – lại hỏi – Lan em có biết không? Có nghe kể bao giờ chưa?

Cô Lan suy nghĩ một lát rồi khe khẽ lắc đầu. Trang Chi Điệp hỏi:

– Em xa Túc Châu đã lâu chưa?

Cô Lan đáp:

– Xa đã bảy tám năm rồi. Mỗi năm về thăm cũng không ở nhà được bao lâu. Bởi không phải người cùng thế hệ, nên biết rất ít.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Ở Túc Châu em vẫn có người nhà chứ?

Cô Lan đáp:

– Em có ba chị em gái, chị hai và em ở Tây Kinh, chị cả ở Cục bưu điện ở Túc Châu, thầy định hỏi thăm người này, em sẽ bảo chị em dò hỏi cho.

Trang Chi Điệp đáp:

– Khỏi cần dò hỏi, có lẽ người a chẳng phải Túc Châu, người ta đã nói nhầm, có lẽ người này đã từ lâu không có trên đời. Nhưng nếu em chịu giúp tôi, tôi sẽ có việc nhờ em đấy!

Cô Lan hỏi:

– Việc gì ạ thưa thầy? Giúp đỡ được thầy giáo Điệp em cũng vinh dự ạ!

Trang Chi Điệp liền đưa cho A Lan tấm danh thiếp của mình. A Lan bảo cô không có danh thiếp trao đổi. Ở cổng nhà máy của các cô có điện thoại, nhưng họ không chuyển tới công nhân, nếu có việc thì gọi điện công cộng tới nhà chị hai của cô. Năm nay nhà máy của các cô đã di chuyển nhà ở tập thể, nên cô về ở nhà chị hai. Cô liền ghi rõ địa chỉ, họ tên và số điện thoại của nhà chị hai vào một tờ giấy, Trang Chi Điệp cám ơn và nói:

– Tới lúc đó tôi sẽ tìm em.

Chủ nhiệm Vương thấy Trang Chi Điệp và A Lan nói chuyện lâu quá, tỏ ra khó chịu, liền đấm tay vào bao cát. Trang Chi Điệp nhận ra điều đó, liền nói với mấy người cùng đi:

– Thôi thế nhé, anh Tống này. Chủ nhiệm Vương đã nhận lời giúp đỡ, hôm nào anh bố trí thời gian đến đây để chủ nhiệm dẫn đi gặp Cục trưởng. Hôm nay chủ nhiệm bận việc, chúng ta không quấy rầy nữa.

Mọi người liền đứng dậy. Chủ nhiệm Vương nói:

– Không ngồi lâu nữa hả? Vậy thì khi nào thư thả đến nhé? Nếu bao giờ trên chiếu bài có ba thiếu một, thì anh điện gọi tôi, tôi cũng sẵn sàng đến ngay.

Tiễn khách ra đến cửa, cô Lan còn mở sổ nhật ký ra, xin chữ ký của Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp hỏi:

– Ký cái tên có tác dụng gì đâu?

Nhưng vẫn ký. A Lan vui sướng đến mức tiễn Trang Chi Điệp ra khỏi cửa, hai chân từ bậc thềm trượt một cái, ngã chỏng chơ. Mọi người sấn lại hỏi:

– Có bị trẹo chân không?

Chân không trẹo, song gót sau của một cái giày rơi ra, A Lan ngượng chín mặt. Chủ nhiệm Vương nói:

– Xem kìa, xem kìa, cô làm cái gì thế?

A Lan đáp:

– Em xấu mặt quá! Đôi giày này vừa mới mua được vài hôm, sao chóng hỏng thế không biết?

Nói xong cô đứng lên, tập tễnh đi không nổi. Chủ nhiệm Vương định ra cửa hiệu giày dép ở đầu phố mua một đôi mới, thì A Lan vội vàng nói:

– Thôi thôi, chủ nhiệm ạ, đã rơi, thì cứ để rơi một thể, anh rể em sửa được giày mà!

Nói xong cô nhặt một hòn gạch đập luôn gót sau của chiếc giày còn nguyên, đập một cái rơi ngay, cô bỏ luôn hai gót sau vào trong túi xách tay, nhìn bọn người của Trang Chi Điệp nói một câu:

– Tạm biệt.

Mặt cô vẫn chưa hết ngượng còn đỏ ửng. Chiếc xe thuê đưa Trang Chi Điệp về nhà trước. Qua đêm ấy, vết thương ở chân, tuy giẫm vẫn còn cồm cộm, song không phải chống gậy nữa, cả nhà mừng lắm. Bà mẹ vợ cứ bảo nhờ cái bùa.

Lại trong đêm thứ hai, Liễu Nguyệt đang nằm ngủ mơ màng, thì nghe thấy bà già nói:

– Trị được quỷ dữ rồi, thì anh lại tuỳ tiện bừa bãi, trong nhà còn có một người ở, để gái tân người ta chê cười cho à?

Liễu Nguyệt tưởng có ai đến, lúc mở mắt ra, ánh trăng ở ngoài cửa sổ mờ mờ ảo ảo, đang là canh ba nửa đêm, liền hỏi:

– Bà ơi, bà lại lẩn thẩn rồi phải không?

Bà già ngồi dậy trong cái quan tài nói:

– Cô dậy rồi à? Vừa mới tỉnh hay tỉnh từ lâu rồi?

Bà lại quở trách người nào đó, đồng thời cầm cái dép nhỏ trong lòng ném đi, cười khanh khách. Bà già có một thói quen, khi ngủ thường tháo đôi dép ra ôm vào lòng, nói:

– Ôm dép ngủ không mất hồn. Con người ta hễ nhắm mắt ngủ là y như người chết. Nhưng đấy không phải là chết thật, hồn vía rời khỏi thân, nhưng vẫn quanh quẩn trên đầu. Mơ là hồn vía đấy! Nếu không ôm giày dép, sẽ không nằm mơ nữa, không nằm mơ sẽ không có hồn vía, người sẽ sắp chết thật.

Liễu Nguyệt không tin lời bà song cũng không dám động đến dép của bà. Thường thường buổi tối xem tivi, xem được một lúc bà ngủ luôn, trong lòng vẫn ôm đôi dép. Liễu Nguyệt không thể gọi bà, chỉ lấy tay hươ hươ trước mắt bà, xem bà có phản ứng gì không, rồi bế cả bà lẫn dép lên giường quan tài ngủ. Thỉnh thoảng có lúc bà vẫn chưa ngủ, Liễu Nguyệt hươ tay trước mắt, bà bảo:

– Ta chưa ngủ đâu! Nhớ đấy, nếu ta ngủ thì dép phải ở trong lòng.

Bây giờ thấy bà ném dép đi, Liễu Nguyệt vội hỏi tại sao, bà đáp:

– Lão bá cô đã về đây, ông ấy vừa đứng ở bên tường, ta đã đánh ông ấy.

Liễu Nguyệt tóat hết mồ hôi, vội bật đèn. Cạnh tường không có ai, chỉ có cái que gỗ cô đóng treo quần áo lúc chiều nay vẫn còn ở trên tường.

Bà già bước tới cứ sờ mó cái que gỗ mãi và bảo đây là cái số ta của lão bá, tại sao lại biến thành que gỗ như thế không biết? Bà chửi:

– Cái đồ chết rẫm này, sao nó cứng thế nhỉ?

Bà nhổ cái que đi, vứt ra ngoài cửa sổ, lẩm bẩm một mình cho chó nó tha đi, sẽ không hại được người nữa.

Trời sáng, một mình Trang Chi Điệp ra cổng uống sữa bò, lại ngồi nghe một lúc tiếng huyên của Chu Mẫn thổi trên tường thành. Bởi lâu ngày bị giam hãm một chỗ, hôm nay chân đã đi được, nên cũng vui vẻ đi ra chân tường thành, song Chu Mẫn đã ra về, thế là nhìn thấy mặt trời mới mọc đang gậm nhấm một mảng tường gạch, đỏ tươi trông rất đẹp. Trở về nhà, anh hỏi Liễu Nguyệt:

– Có ai đến đây không?

Liễu Nguyệt đáp:

– Không.

Lại hỏi:

– Cũng không ai gọi điện thoại chứ?

Liễu Nguyệt đáp:

– Cũng không có điện thoại.

Trang Chi Điệp liền lẩm bẩm:

– Tại sao cô ấy không đến nhỉ?

Liễu Nguyệt sinh nghi, nhớ tới cử chỉ của anh chủ với Đường Uyển Nhi hôm trước, liền suy nghĩ, chắc là họ hẹn nhau hôm nay đến, bèn hỏi dò:

– Có phải thầy giáo nói Đường Uyển Nhi không ạ?

Trang Chi Điệp hỏi:

– Sao em biết? Chu Mẫn đi tìm bí thư trưởng, không biết tình hình thế nào? Chu Mẫn không đến, cũng không báo Đường Uyển Nhi đến nói một tiếng.

Liễu Nguyệt thầm nghĩ, quả nhiên chờ Đường Uyển Nhi, cô nói:

– Em nghĩ Đường Uyển Nhi sẽ đến.

Lại ngồi một lúc, vẫn không thấy đâu, Trang Chi Điệp trở vào phòng sách trước, viết một bức thư dài.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Phế Đô

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook