[Quyển 4] Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện - Nuôi Ong Tay Áo

Chương 61: Thống nhất thiên hạ

Vuongminhthy

27/07/2022

Một thời gian nữa trôi qua, con đường hầm bên dưới Tị Thử sơn trang cuối cùng cũng được hoàn chỉnh, trong lòng Khang Hi vô cùng hoan hỉ. Vừa lúc đó, Ung công công lại chạy vào cung Càn Thanh bẩm báo quân đoàn Chính Bạch Kỳ do Tế Độ thống lĩnh đánh quân Cát Nhĩ Đan tơi bời, làm cho quân Cát Nhĩ Đan chạy Đông trốn Tây như đàn ong vỡ tổ. Khang Hi đứng bật dậy khỏi long án, biết thời cơ mà mình chờ đợi trong suốt bao năm cuối cùng đã tới.

Vào năm Khang Hi thứ mười ba kinh thành xảy ra chính biến, quân Thượng Tam Kỳ, Tương Hồng Kỳ, Tương Bạch Kỳ và Tương Lam Kỳ trở về bằng đường hầm bên dưới Tị Thử sơn trang, đao thương sáng ngời xông vào cửa thành phía Đông.

Cùng lúc đó quân thiết giáp của đoàn quân Chính Bạch Kỳ cũng đánh vào cửa thành phía Tây. Trương Anh, Đồ Ngạn Đột, Mộc Khả Hỷ, Ngạch Đức bấy giờ phục sẵn trong hoàng cung bảo vệ Khang Hi. Đông Quốc Duy thì ở ngoài Ngọ môn chờ đợi tiếp ứng.

Ngao Bái đang ở trong phủ chợt hay tin cổng thành phía Đông sắp bị phá vỡ, bèn sai tướng của mình là Chu Thức mang quân đến tiếp viện, nhưng chỉ trong nửa canh giờ quân Thượng Tam Kỳ, Tương Hồng Kỳ, Tương Bạch Kỳ và Tương Lam Kỳ đã đánh thốc qua cửa thành phía Đông. Ngao Bái bèn sai một viên tướng khác là Lương Trình Anh đem quân đi bắt giữ Khang Hi làm con tin, nhưng Đông Quốc Duy trấn giữ Ngọ môn, chỉ đạo quân từ bên trong Ngọ môn đánh ra, ép Lương Trình Anh vào giữa.

Ngao Bái lâm cảnh bế tắc, chợt nghĩ đến lá bài hộ mệnh của mình vẫn còn trong phủ bộ hộ, bèn sai Vương Đăng Liên tới đó bắt người nhưng khi Vương Đăng Liên tới phủ bộ hộ, tất cả các Huyết Trích Tử được Ngao Bái cài vào phủ đều bị giết chết, ngoài Uyển Thanh và Tuệ Dung mất hẳn tung tích thì xác nằm la liệt trên đất.

Dân chúng kinh thành hôm đó hoảng hồn bạt vía, người trốn kịp vào nhà, người không trốn kịp, ở ngoài đường kêu khóc như ri, kinh thành thoáng chốc đã trở thành một bãi chiến trường đẫm máu, cảnh tượng hỗn loạn xảy ra khủng khiếp chưa từng thấy. Tại cửa thành phía Tây do tướng của Ngao Bái là Đường Văn Kính trấn giữ, đang bị quân thiết giáp và bộ binh Chính Bạch Kỳ tiến đánh, Đường Văn Kính và quân đội liều chết chống cự, nhưng được một lúc thì cổng phía Tây cũng bị phá vỡ.

Sau khi phá tung cổng thành phía Tây, Tế Độ và Trương Dũng liền chỉ đạo cho quân ồ vào, tiếp tục đánh qua hai tướng khác của Ngao Bái là Lý Vinh Bảo và Thạch Hoà Lâm, thẳng vào Ngao phủ. Ngao Bái từ phía trong phủ ra hiệu cho Vương Kiệt Thư đánh ra, tuy nhiên một hồi sau Vương Kiệt Thư đành phải vừa đánh vừa lùi, Ngao Bái bèn cùng Vương Đăng Liên chạy tới đằng sau hoa viên thoát ra ngoài phủ.

Chỉ còn cửa thành phía Nam là chưa bị bao vây, Ngao Bái và Vương Đăng Liên bèn dẫn một số binh lính chạy tới cửa Nam nhưng lại bị Nhạc Thăng Long, Triệu Phật Tiêu, Chu Xương Tô và Ngụy Tượng Xu điều động một đội quân từ Phong Đài đến bao vây cửa Nam.

Ngao Bái bỏ lại Vương Đăng Liên, chạy tới cửa Bắc, nhưng nửa đường đã bị một toán binh sĩ Chính Bạch Kỳ bọc hậu. Ngao Bái bèn lệnh cho quân lính của mình hò reo xông tới đánh. Gần cửa thành Bắc tiếng hò hét kêu la vang vọng một mảnh trời chiều ảm đạm, máu chảy lênh láng cả mặt đất.

Đường sá bấy giờ đầy rẫy các thi thể. Quân của Ngao Bái ở ba cửa thành Đông, Tây, Nam đi dần vào đất chết, bị truy sát một trận, toàn bộ lực lượng vũ trang đều bị tiêu diệt, thây chết ngổn ngang.



Cuối cùng Ngao Bái cũng bị bắt giữ ở gần cổng thành Bắc, bị trói ké hết tay chân. Số binh lính còn lại của Ngao Bái ở thành Bắc cũng bị trói nốt lại, đưa tới nha môn Cửu Môn đề đốc để chờ thẩm vấn.

Tối hôm đó Cửu Dương dẫn một đoàn quân về phủ bộ hộ. Uyển Thanh chạy ùa ra đón chàng xuống ngựa. Chàng đã an toàn trở về khiến nàng vô cùng mừng rỡ. Uyển Thanh nhìn chàng chăm chú, vẫn thân hình khôi vĩ như trước, chiến y trên người khiến chàng trông càng oai vệ, một tay cầm trường kiếm, tuy nhiên toàn thân vấy máu.

Uyển Thanh quên cả chuyện vào hậu viên báo tin cho Nữ Thần Y và Tuệ Dung hay, vội đỡ lấy trường kiếm trên tay Cửu Dương, đoạn Uyển Thanh xoay người chạy trước vào sảnh. Uyển Thanh đặt thanh kiếm lên chiếc bàn đặt ở giữa sảnh rồi rót một tách trà mang lại định mời Cửu Dương uống trà. Khi này Cửu Dương đang đi vào sảnh, vừa đi, chàng vừa đưa tay áo lau qua mặt, gạt bớt mồ hôi và máu, đến giữa sảnh tự dưng hai mắt tối sầm lại, không báo trước mà ngã ngửa ra sau. Chàng đã dùng hết cả sức lực trong cuộc chính biến này. Thêm vào trước đó chàng chiến đấu với bầy sói lang đã bị thương không nhẹ, nên khi chàng ngã người xuống như một con diều đã bị đứt dây. Mấy ngày này chàng chỉ dựa vào nội tức mà chống cự, giờ được thanh thản rồi, chàng vừa buông lỏng người là không vận khí được nữa nên mới ngất xỉu ngay tại đó.

Nửa tháng sau, Khang Hi chính thức nắm quyền điều hành triều chính. Để củng cố quyền lực, việc đầu tiên Khang Hi làm là lệnh cho Nhạc Thăng Long mang những người tướng của Ngao Bái trong cuộc chính biến vừa rồi và cửu tộc một loạt đem ra chính pháp. Hơn một ngàn cái đầu bị chặt đứt, máu chảy lênh láng trên đất. Phố xá kinh thành hôm đó vắng tanh vắng ngắt, dân chúng đóng kín mít cửa, hoảng hồn bạt vía, gần như không dám hít thở.

Qua ngày hôm sau một đạo dụ nữa ban xuống, Khang Hi chỉnh sửa hệ thống hành chính của nhà Thanh, đế chế được củng cố dựa trên hệ thống trước đó của nhà Minh nhưng lập thêm sáu bộ, mỗi bộ do hai thượng thư đứng đầu và được hỗ trợ bởi bốn thị lang. Khang Hi phong Tế Độ thành Trịnh thân vương, ban cho toàn quyền lãnh đạo Quân Cơ Xứ, chuyên phụ trách các vấn đề quân sự và tình báo, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát mọi bộ của chính phủ. Sáu vị quan quản lý Quân Cơ Xứ dưới quyền Tế Độ là Sách Ni, Trương Anh, Ngạch Đức, Đồ Ngạn Đột, Đông Quốc Duy và Triệu Phật Tiêu.

Cửu Dương nắm giữ vai trò Lĩnh thị vệ Nội đại thần, được chỉ định làm người đứng đầu Thị vệ xứ.

Sách Ngạch Đồ thành Điện các đại học sĩ.

Các người tướng khác cũng có công bảo vệ hoàng cung là Nhạc Thăng Long, Mã Tề, Trương Dũng, Ngụy Tượng Xu, Chu Xương Tô, Tạ Đồ Hãn, Mục Nhĩ Trại được Khang Hi tiền phong Tán trật đại thần.

Tiếp theo đó Khang Hi hạ chỉ tưởng thưởng cho binh sĩ Thượng Tam Kỳ, Tương Hồng Kỳ, Tương Bạch Kỳ, Tương Lam Kỳ và Chính Bạch Kỳ đã hy sinh trong cuộc nội chiến, ban tước võ quan cửu phẩm, chiếu theo lệ võ quan trận vong tế lễ, lại cho thêm thân quyến của họ một vạn lạng bạc.

Về phần Ngao Bái, Khang Hi tịch thu gia sản của Ngao Bái đem nạp vào bảo khố, sau đó tuyên Ngao Bái tội mật mưu làm phản, tích trữ binh khí, lương thảo và tài vật chuẩn bị khởi sự. Còn lại gia quyến của Ngao Bái, Khang Hi phán thành thường dân. Quan viên hồi trước theo tam mệnh đại thần mặc dù không nhúng tay vào cuộc chính biến cũng bị cách chức.

Chiều thu năm 1673, Khang Hi đi thăm Ngao Bái trong đại lao. Bấy giờ đầu tóc Ngao Bái rối bù, mặt mày nhợt nhạt. Khang Hi trông thấy thảm trạng của Ngao Bái bèn nghĩ năm xưa người này đã từng là cố mệnh đại thần có công lập quốc, nên đã không xử tội chết. Từ đó Ngao Bái bị giam trong ngục, không lâu sau vì ấm ức sinh bệnh, cả ngày thần trí mơ hồ, bọn lính cai ngục nói Ngao Bái không ngừng chửi bới Cửu Dương. Quả thật Ngao Bái không thể nào ngờ người mà mình tin dùng bấy lâu lại có năng lực man thiên quá hải, dối trời lừa biển đến như vậy! Trước khi Cửu Dương đi Hắc Long Giang, Ngao Bái cứ tưởng binh quyền kia giao cho Cửu Dương nắm giữ sớm muộn cũng sẽ thu về. Bọn lính cai ngục nói hằng ngày Ngao Bái chửi bới Cửu Dương không tiếc lời, và sau khi chửi rồi Ngao Bái bật cười những tràng dài, tiếng cười bi lãnh của một người đã đến bước cùng đồ mạt lộ!



Nửa năm sau khi chiến thắng trong cuộc giành giật ngôi vị, Khang Hi xác lập được địa vị thống trị tuyệt đối, thực hiện cuộc cải cách về mặt quân sự, chế định Bát Kỳ chặt chẽ, các giai cấp trong quân đội được phân chia một cách rõ ràng, đồng thời các vị trí chỉ huy chủ chốt trong tám kỳ cũng được san định lại theo hướng bổ nhiệm các nhân vật thân tín, tâm phúc vào vị trí các kỳ chủ. Không những vậy, Khang Hi còn tích cực kết tội những quan viên tham nhũng trên toàn đất nước, cũng như tích cực tiết kiệm trong vấn đề ăn mặc, ăn uống, hạn chế lãng phí một cách tối đa, để cải cách hành chính kinh tế một cách triệt để.

Mùa thu năm sau, vào một buổi sáng trong đại điện, các quan xếp thành hai hàng dài thẳng tắp như thường lệ. Khang Hi bước lên bục cấp ngồi xuống bảo điện, các quan quỳ xuống đồng loạt hô lớn:

- Chúng thần bái kiến hoàng thượng, chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Khang Hi ngồi đặt tay lên tay ngai, cho mọi người miễn lễ.

Các quan đồng loạt khấu đầu hô:

- Tạ ơn hoàng thượng!

Khang Hi chờ các quan đứng lên, gật gù, khẽ nhịp mấy ngón tay lên tay ngai, nói:

- Các vị đại thần, bây giờ quốc khố của triều ta so với các triều đại trước đã lớn hơn rất nhiều, thiên uy của triều ta, tứ hải nghe đến cũng phải khiếp vía, đó chính là nhờ các khanh đoàn kết nhất trí, muôn người như một. Dĩ nhiên, thượng thế của triều ta muốn được thiên thu vạn tuế thế này, rất cần có thêm những người như các khanh phụng sự cho trẫm. Cho nên về sau, bất kỳ là ai, không cần biết chủng tộc nào, nếu có thể dốc hết toàn lực giúp trẫm hoàn thành đại nghiệp, tiếp tục nâng cao đời sống của bá tánh, khiến cho bá tánh an cư lạc nghiệp, quốc thái dân an, thì bất luận là Mãn, Hán, Mông, Hồi, Tạng trẫm cũng sẽ đều trọng dụng cả, luận theo tài bổ nhậm, luận công ban thưởng.

Khang Hi dứt lời từ trong điện Thái Hòa lập tức vang ra tiếng hô hào:

-Đại Thanh quốc cửu! Thiên thu vạn tuế! Hoàng thượng anh minh!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện [Quyển 4] Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện - Nuôi Ong Tay Áo

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook