Sông Đông Êm Đềm

Chương 226

Mikhail Sholokhov

04/07/2014

Đến lúc sắp bình minh trời hơi giá bốt. Các vũng nước phủ một váng băng mỏng màu xanh xám. Tuyết rắn lại, kêu lạo xạo. Trên lớp tuyết to hạt của vùng đất hoang, vó ngựa in những dấu tròn lờ mờ, lở xuống dần, còn ở những chỗ mà tiết trời ấm áp hôm qua đã làm tan tuyết, mặt đất bị bóc trần cùng với lớp cỏ chết từ năm ngoái ngả gục trên đó chỉ hơi lún xuống và khẽ kêu trầm trầm dưới vó ngựa.

Toán thổ phỉ của Fomin đã tập hợp bên ngoài thôn thành đội hình hành quân hàng dọc. Xa xa trên con đường đã thấy thấp thoáng sáu tên cưỡi ngựa được phái đi trước làm trinh sát tiền vệ.

- Cậu xem, đội quân của mình đấy! - Fomin cho ngựa chạy tới gần Grigori, mỉm cười nói - Với những anh em như thế nầy mà muốn bẻ sừng quỉ dữ thì cũng được!

Grigori đưa mắt nhìn cả đội hình hàng dọc, chàng buồn rầu nghĩ thầm: "Nếu mầy đem đội quân của mày chạm trán với đại đội của tao trong kỵ binh Budionnyi thì chỉ nửa giờ là bao nhiêu cái xương của mầy đều bị đập vụn hết?".

Fomin giơ roi chỉ và hỏi:

- Cậu thấy chúng nó thế nào?

- Chúng nó chém tù binh cũng cừ, lột quần áo tù binh cũng giỏi, chuyện đánh đấm như thế nào thì mình cũng chưa biết. - Grigori trả lời lạnh lùng.

Fomin quay người trên yên, lấy lưng che gió, châm thuốc hút rồi nói:

- Cậu sẽ có dịp nhìn thấy chúng nó trong chiến đấu. Các anh em trong tay mình đều đã đi lính lâu năm, chúng nó sẽ không phụ lòng tin của chúng ta đâu.

Sáu chiếc xe tải hai ngựa chở đạn và lương thực chạy tới đứng vào giữa đội hình, Fomin cho ngựa phóng lên phía trước, ra lệnh xuất phát. Lên đến trên ngọn gò, hắn lại tới gần Grigori và hỏi:

- Thế nào, cậu thấy con ngựa của mình thế nào? Có vừa ý cậu không?

- Con ngựa tốt đấy.

Hai người ngậm tăm cưỡi ngựa bên cạnh nhau, bàn đạp sát bên bàn đạp. Bỗng Grigori hỏi:

- Cậu có định tạt qua thôn Tatarsky không?

- Cậu nhớ nhà à?

- Cũng muốn về thăm một cái.

- Có thể là chúng mình sẽ tính sau. Còn bây giờ thì mình muốn rẽ sang vùng sông Tria, lắc dân Cô- dắc, cho họ động lên một chút…

Song dân chúng Cô- dắc cũng không sẵn sàng "động" lên lắm… Ngay trong khoảng vài ngày sau đó, Grigori đã có thể tin chắc như thế. Mỗi khi chiếm được một thôn hay một thị trấn nào, Fomin đều ra lệnh triệu tập dân chúng đến khai hội. Phần nhiều là chính hắn lên phát biểu, đôi khi Kaparin cũng làm thay hắn việc ấy. Chúng kêu gọi dân chúng Cô- dắc cầm lấy vũ khí, chúng nói về "những cái ách nặng nề mà Chính quyền Xô viết lồng vào cổ nông dân", "về sự phá sản hoàn toàn nhất định sẽ xảy đến với Chính quyền Xô viết không bị lật đổ". Fomin nói không được văn chương trôi chảy như Kaparin, nhưng hắn đề cập tới nhiều vấn đề rộng hơn và nói bằng những lời lẽ mà dân Cô- dắc dễ hiểu hơn. Bao giờ hắn cũng kết thúc những lời phát biểu bằng mấy câu đã thuộc lòng: "Từ ngày hôm nay chúng tôi đã giải phóng được bà con khỏi chế độ trưng thu lương thực. Bà con sẽ không chở thóc đến các địa điểm trưng thu nữa. Đã đến lúc thôi không nuôi báo cô những thằng cộng sản ăn bám nữa rồi. Chúng nó đã béo căng béo núc chờ thóc lúa của bà con, nhưng sự thống trị của những kẻ từ nơi khác đã chấm dứt rồi. Bà con là những người tự do? Bà con hãy cầm lấy vũ khí và hãy ủng hộ chính quyền của chúng tôi! Người Cô- dắc muôn năm!"

Bọn đàn ông Cô- dắc dán mắt xuống đất, âm thầm nín lặng, nhưng cánh dàn bà cứ nói cho sướng mồm. Từ những hàng người đứng sau nhau, vang lên những câu hỏi và những tiếng kêu đầy phẫn nộ:

- Chính quyền của anh tốt, thế anh sẽ chở xà phòng tới cho chúng tôi chứ?

- Cái chính quyền của anh, mang nó theo ở chỗ nào thế, ở đai yên?

- Thế chính các anh thì ăn bằng lúa mì của ai?

- Có lẽ ngay bây giờ các anh sẽ đến từng nhà để xin của bố thí đấy?



- Trong tay họ có gươm. Gà qué sẽ bị họ chém cổ đi, không cần hỏi han gì đâu!

- Không chở lương thực đi nữa là nghĩa thế nào? Hôm nay các anh còn ở đây, nhưng ngày mai xua chó đi lùng cũng chẳng thấy bóng vía các anh đâu nữa, và chúng tôi sẽ giơ đầu chịu báng phải không!

- Chúng tôi không cho chồng con đi với các anh đâu? Các anh hãy tự đi mà đánh nhau!

Bọn đàn bà gào lên nhiều lời khác nữa với một tinh thần tức tối điên cuồng vì qua những năm chiến tranh họ đã mất niềm tin vào tất cả mọi điều, họ chỉ lo lại nổ ra một cuộc chiến tranh nữa vì thế cố sống cố chết giữ chồng con ở nhà.

Họ la thét loạn lên một hồi, trong khi đó Fomin cứ phớt lạnh lắng nghe. Vốn là hắn đã biết rõ giá trị của những lời kêu gào đó.

Hắn chờ tất cả lặng đi rồi nói với bọn đàn ông Cô- dắc. Và lúc ấy bọn nầy mới trả lời rất ngắn gọn nhưng cũng rất chín chắn và cứng lý:

- Đồng chí Fomin ạ, đồng chí đừng cưỡng ép chúng tôi, chúng tôi đánh nhau mãi chán lắm rồi.

- Chúng tôi đã thử nếm mùi ấy rồi, năm Một nghìn chín trăm mười chín chúng tôi đã bạo động một lần rồi!

- Trong tay chẳng có gì để bạo động mà cũng chẳng bạo động làm gì cả? Trong lúc nầy thì không cần gì phải bạo động.

- Bây giờ đến lúc cần phải gieo hạt chứ không cần phải đánh nhau.

Và một hôm trong những hàng cuối cùng có một người nào đó gào lên:

- Bây giờ nghe anh nói thì bùi tai lắm! Nhưng năm Một nghìn chín trăm mười chín, hồi chúng tôi bạo động thì anh ở đâu hử?

- Fomin ạ, anh muốn làm mưa làm gió quá muộn đấy!

Grigori thấy Fomin biến sắc mặt nhưng vẫn cố nhẫn nhục không trả lời gì cả.

Một tuần đầu, trong các buổi họp, nói chung Fomin đã giữ được thái độ khá bình tĩnh trong khi lắng nghe mọi ý kiến phản đối của những người dân Cô- dắc cùng những lời từ chối gọn lỏn không ủng hộ cuộc bạo động của hắn. Ngay đến những tiếng gào la, chửi bới của cánh đàn bà cũng không làm hắn hoang mang bối rối. "Không hề gì rồi chúng ta sẽ thuyết phục được chúng nó thôi?" - Hắn cứ tủm tỉm cười sau hàng ria, nói rất tự tin. Nhưng sau khi nhận định chắc chắn rằng quần chúng cơ bản trong dân chúng Cô- dắc có thái độ không tán thành mình, hắn đã thay đổi hẳn thái độ đối với những người phát biểu ý kiến trong các cuộc họp. Trong khi nói hắn không còn xuống ngựa nữa và thái độ có vẻ hăm doạ hơn là thuyết phục.

Nhưng kết quả vẫn chỉ như trước kia: những người dân Cô- dắc mà hắn muốn dùng làm chỗ dựa nín lặng nghe hắn nói rồi cũng lại lầm lì bỏ về.

Ở một thôn, khi hắn nói xong, có một người đàn bà Cô- dắc đứng ra trả lời hắn. Đó là một mụ goá chồng cao lớn, đẫy đà và to xương, mụ nói bằng một giọng trầm trầm như đàn ông, và hoa tay múa chân với những cử động và mạnh cũng như đàn ông. Khuôn mặt rộng bè bè rỗ nhằng rỗ nhịt của mụ đầy vẻ tức tối và kiên quyết, cặp môi dầy cong tớn của mụ luôn luôn dành ra trong một nụ cười nhạo báng.

Mụ vừa đưa bàn tay xưng húp đỏ xỉa xói vào mặt Fomin trong khi hắn vẫn ngồi yên như phỗng trên yên, vừa như khạc ra những lời cay độc:

- Tại sao anh lại đến nơi nầy đề gây chuyện rối loạn hả? Anh muốn lôi bọn đàn ông Cô- dắc của chúng tôi đi đâu, xuống cái hố nào hử? Trong vùng chúng tôi còn ít chị em đang chịu cảnh goá bụa vì cái cuộc chiến tranh chết tiệt nầy hay sao? Còn ít trẻ con bị côi cút hay sao? Anh còn định đổ thêm tai hoạ xuống đầu chúng tôi một lần nữa phải không? Cái anh chàng dân thôn Rubezyn mò đến đây định làm một ông hoàng đế cứu tinh theo kiểu gì thế nầy? Tốt nhất anh hãy đem lại trật tự ngay trong nhà anh, chấm dứt cái cảnh đổ nát tan hoang, xong xuôi đâu đó hãy đến đây dạy chúng tôi nên sống như thế nào, nên theo chính quyền nào và không nên theo chính quyền nào! Nếu không thì ngay ở nhà anh, vợ anh cũng không chui cổ ra khỏi cái vai bò đâu, chúng tôi biết rõ là như thế! Thế mà anh lại để cho ria dài, vênh vang trên ngựa, khuấy động nhân dân. Ngay cái nhà của anh, ngay đến công việc làm ăn của anh, nếu không cố chống đỡ thì cũng đổ sụp từ đời tám hoánh nào rồi. Tự nhiên lại có một thằng dạy khôn như thế nầy! Làm gì mà câm như hến thế hử, cái thằng râu đỏ nầy, hay là gái nầy nói không đúng hử?

Trong đám người có tiếng cười rúc rích, truyền đi ràn rạt như một làn gió rồi lại lắng bặt. Bàn tay trái của Fomin đặt trên mũi yên từ từ sửa lại những chiếc dây cương. Hắn đã tức lộn ruột mà phải cố nhịn nên mặt đen sạm lại, nhưng hắn nín lặng, cố moi óc tìm một lối thoát cho tình thế trước mắt mà vẫn giữ được thể diện.

- Thế cái chính quyền của anh là chính quyền như thế nào mà anh lại kêu gọi ủng hộ nó hử? - Mẹ goá đã phát điên phát rồ vẫn tiếp tục hỏi dồn.

Mụ nghiêng người núng nính cặp mông to tầy dành từ từ tiến tới trước mặt Fomin. Những người Cô- dắc cố giấu nụ cười đưa những cặp mắt khoái trá nhìn xuống, tránh ra cho mụ đi… Họ xô đẩy nhau, lui dần ra, làm thành một vòng tròn như để khiêu vũ…

- Anh đi rồi thì cái chính quyền của anh cũng không còn lại được trên mặt đất nầy đâu. - Mụ goá nói bằng một giọng rất trầm. - Nó cứ bị kéo lê sau đít anh và không ở yên một chỗ nào được quá một giờ đâu? "Hôm nay vênh vang trên ngựa, ngày mai chết rữa dưới bùn". Con người của anh là như thế, và cái chính quyền của anh thì nó cũng như thế thôi?

Fomin kẹp mạnh hai chân vào sườn ngựa, thúc nó xông tới đám người. Dân chúng chạy tán loạn ra tứ phía. Chỉ còn lại một mình mụ goá đứng giữa cái vòng rất rộng. Mụ đã nếm đủ mùi đời, vì thế vẫn bình tĩnh nhìn cái mõm con ngựa của Fomin đang nhe răng nhe lợi và khuôn mặt của gã cưỡi ngựa trắng bệch ra trong cơn tức điên.



Fomin giơ cao ngọn roi, thúc con ngựa xông thẳng tới chỗ mụ.

- Câm cái mồm, cái con thối thây mặt rỗ nầy? Mày dùng chỗ nầy để tuyên truyền những gì hử?

Con ngựa nhe răng, vươn thẳng cái mõm của nó ở ngay trên đầu người đàn bà Cô- dắc không biết sợ. Từ cái hàm thiếc, một đám nước bọt ngựa màu xanh lá cây nhạt chảy ra, rơi xuống chiếc khăn tang đen bịt đầu của người đàn bà goá, rồi từ cái khăn chảy xuống má mụ. Mụ goá đưa tay lên chùi và lùi một bước.

- Chỉ có mầy được nói, còn tao thì không à? - Mụ kêu lên, nhìn Fomin bằng cặp mắt trợn tròn, long lanh trong cơn tức giận.

Fomin không đánh mụ. Hắn vung cái roi ngựa, quát to:

- Đồ vi trùng Bolsevich? Tao sẽ đánh cho bật cái ngu xuẩn ra khỏi xác mày! Tao sẽ ra lệnh tốc váy mầy lên, cho mầy một trận que thông nòng, rồi mầy sẽ thông minh ra ngay!

Người đàn bà goá lùi thêm hai bước, nhưng bất thình lình mụ quay lưng về phía Fomin, rồi cúi đầu xuống rất thấp, chổng mông tốc vạt váy lên.

- Mầy đã trông thấy cái nầy chưa, thằng dũng sĩ Anhica nầy? - Mụ kêu to, rồi đứng thẳng dậy nhanh nhẹn một cách lạ lùng và lại quay về phía Fomin. - Đánh ấy à? Đánh tao đấy à? Cái thớ mầy không làm nổi trò ấy đâu?

Fomin nhổ toẹt bãi nước bọt một cách hung hãn và cứ phải kéo chặt dây cương giữ con ngựa đang lùi lại.

- Câm cái mồm, con ngựa cái không sinh con đẻ cái được nầy!

- Mầy lắm thịt quá, nứng lên rồi phải không? - Fomin cố giữ vẻ mặt nghiêm khắc nói to, và cho con ngựa quay đi.

Những tiếng cười rộ cố ghìm nén vang lên trầm trầm trong đám người. Một tên lâu la của Fomin muốn gỡ nhục cho chủ tướng bèn chạy đến trước mặt người đàn bà goá, vung cái báng của khẩu súng trường kỵ binh lên, nhưng một anh chàng Cô- dắc to lớn khoẻ mạnh, cao hơn tên kia hẳn hai đầu người, đã đưa một bên vai rất rộng che cho người đàn bà, và nói bằng một giọng rất khẽ nhưng đầy hứa hẹn:

- Đừng có động vào?

Còn thêm ba người dân trong thôn nữa chạy vội đến đẩy người đàn bà goá ra phía sau. Một người còn trẻ, đề bờm tóc xoã trước trán, khẽ bảo tên thổ phỉ của Fomin:

- Tại sao anh lại định đánh người ta thế hử? Đánh một người đàn bà thì có gì là khó? Cái can trường của anh, anh hãy mang ra ngoài kia, lên ngọn gò ấy mà phơi bày, nếu không, ở gần nhà thì tất cả chúng ta đều là anh hùng hảo hán…

Fomin cho ngựa lùi từng bước ra tới dãy hàng rào rồi dướn người trên bàn đạp.

- Bà con Cô- dắc! Bà con hãy nghĩ lại cho kỹ! - Hắn quát to với đám người đang từ từ bỏ về nhà. - Bây giờ chúng tôi còn dùng lời hay lẽ phải mà đề nghị, chứ một tuần nữa chúng tôi quay trở lại thì câu chuyện sẽ nói bằng một giọng khác đấy?

Không hiểu sao hắn bỗng cảm thấy trong lòng vui vui, bèn vừa cười vừa giữ con ngựa đang nhảy cỡn tại chỗ và kêu lên:

- Chúng tôi không phải là những thằng nhát gan đâu? Đem những cái (tiếp theo là vài tiếng hết sức tục tĩu) ấy của đàn bà ra mà doạ chúng tôi thì không nổi đâu? Chúng tôi đã trông thấy cả những mụ rỗ hoa và những mụ đủ mọi kiểu khác rồi! Chúng tôi sẽ quay trở lại và nếu trong số bà con không có ai tự nguyện ghi tên vào đại đội chúng tôi thì chúng tôi sẽ động viên cưỡng bức tất cả các Cô- dắc trẻ tuổi Các người hãy rõ là sẽ như thế? Chúng tôi không có đâu thì giờ để mà vuốt ve mơn trớn các người?

Đám người đứng lại chừng một phút. Từ chỗ đó vẳng tới tiếng cười và những tiếng chuyện trò sôi nổi. Fomin ra lệnh với nụ cười vẫn còn chưa tắt trên môi:

- Lên ngư… ựa.

Grigori phi ngựa về với trung đội của chàng, mặt đỏ dừ vì buồn cười mà phải cố nhịn.

Trong một đội hình kéo dài trên con đường lầy lội, chi đội của Fomin đã kéo nhau lên đến ngọn gò và con mắt của chúng không còn trông thấy cái thôn thiếu mến khách ấy nữa. Nhưng thỉnh thoảng Grigori vẫn còn mỉm cười, chàng nghĩ thầm: "Cũng may mà dân Cô- dắc chúng mình là những con người vui nhộn. Kể ra câu đùa vẫn còn đến chúng ta nhiều hơn những sự đau buồn. Nếu Chúa bắt chúng ta làm tất cả mọi việc một cách nghiêm trang thì với một cuộc sống như thế từ lâu đã có thể treo cổ tự tử được rồi đấy!" Chàng vẫn còn giữ được rất lâu cái tâm trạng vui vẻ ấy, và mãi đến lúc nghỉ chân chàng mới lo lắng và chua chát nghĩ rằng việc khuấy cho dân Cô- dắc nổi dậy chắc hẳn không thể làm được và toàn bộ mưu đồ của Fomin sẽ không thể nào thoát khỏi tan vỡ hoàn toàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Sông Đông Êm Đềm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook