Sông Đông Êm Đềm

Chương 91

Mikhail Sholokhov

04/07/2014

Tháng giêng năm 1917, Grigori Melekhov được đề bạt thiếu uý do những biểu hiện xuất sắc trong chiến đấu, và được cử làm trung đội trưởng ở trung đoàn hậu bị số 2.

Đến tháng chín, sau khi bị viêm phổi, chàng được nghỉ phép. Chàng về sống ở nhà một tháng rưỡi, rồi đến khi đã lại người, chàng qua Uỷ ban quân y của quân khu kiểm tra và lại được cho về trung đoàn cũ. Sau cuộc chính biến tháng mười, Grigori được đề bạt làm đại đội trưởng. Thời kỳ nầy có thể ăn khớp với sự chuyển biến trong tâm tư của chàng. Chuyển biến nầy là hậu quả của những sự kiện nổ ra chung quanh, và một phần cũng do ảnh hưởng của việc đi lại với một sĩ quan cùng trung đoàn: viên trung uý Cô- dắc Efilm Itvarin Grigori đã làm quen với Itvarin ngay hôm mới hết phép trở về đơn vị. Sau những lần va chạm thường xuyên với hắn trong công tác cũng như ngoài công tác, dần dần Grigori đã chịu ảnh hưởng của hắn lúc nào không biết.

Efilm Itvarin là con một gia đình Cô- dắc khá giả ở trấn Gundrorovskaia. Hắn được đào tạo ở trường Yunke ở Novocherkask, tốt nghiệp xong được phái ra mặt trận, tới trung đoàn Cô- dắc sông Đông số 10, công tác ở đấy chừng một năm, và như lời hắn nói, hắn đã nhận được một huân chương thánh Gioóc của sĩ quan trên ngực cùng với mười bốn mảnh lựu đạn khắp người, ở những chỗ tiện nói ra cũng như những chỗ không tiện nói ra và cuối cùng hắn rơi vào trung đoàn hậu bị số 2 để sống nốt cuộc đời nhà binh chẳng lâu dài lắm của hắn.

Itvarin là một con người có nhiều khả năng xuất sắc, rõ ràng hắn có tài trình độ học vấn vượt xa nhiều mức bình thường mà bọn sĩ quan Cô- dắc thường có thể đạt tới. Itvarin là một phần tử nhiệt liệt chủ trương dành quyền tự trị cho dân Cô- dắc. Cách mạng tháng Hai đã làm hắn bị chấn động và đem lại cho hắn khả năng biểu hiện tài năng. Hắn liên lạc với các giới Cô- dắc có xu hướng độc lập, vận động khéo léo cho thuyết Quân khu sông Đông hoàn toàn tự trị, lập lại cái chính thể đã sẵn có trên vùng sông Đông từ hồi dân Cô- dắc còn chưa bị chế độ chuyên chế nô dịch. Hắn rất thuộc lịch sử, tính tình sôi nổi, nhưng đầu óc lại thông minh tỉnh táo. Hắn vẽ lên bức tranh rất đẹp, đầy sức thuyết phục về cuộc sống tự do tương lai trên sông Đông yêu dấu, khi nào chính quyền thuộc về Cơ- rúc 1 nắm đầy đủ quyền hành, khi nào trong địa giới tỉnh nầy không còn một người Nga nào nữa, khi nào dân Cô- dắc đặt những đồn biên cảnh trên các biên giới quốc gia của mình, sẽ nói năng với Ukraina và Đại Nga một cách bình đẳng, không phải xun xoe quị lụy, và buôn bán trao đổi với họ. Itvarin đã làm mê mẩn đầu óc những tên Cô- dắc ngây thơ chất phác và cả bọn sĩ quan ít học. Ngay đến Grigori cũng chịu ảnh hưởng của hắn. Đầu tiên giữa hai người còn nổ ra những cuộc tranh cãi sôi nổi, nhưng Grigori vốn là một anh chàng không có mấy chữ nghĩa, vì thế so với đối phương, chàng chỉ là một kẻ tay không tấc sắt và Itvarin đã dễ dàng đánh cho Grigori đại bại trong các trận khẩu chiến. Hai người thường tranh cãi với nhau trong một góc trại lính, và cảm tình của những người nghe bao giờ cũng ngả về phía Itvarin. Hắn đã làm cho bọn Cô- dắc phải thán phục với những lý lẽ hắn trình bày, hắn phác ra bức toàn cảnh về cuộc sống độc lập tương lai, làm rung động những tình cảm thầm kín và sâu sắc nhất của phần lớn giới Cô- dắc có của ăn của để ở vùng hạ du.

- Không có nước Nga, chúng ta sẽ làm thế nào sống được, một khi ngoài lúa mì, chúng ta chẳng có gì khác? - Grigori hỏi.

Itvarin kiên nhẫn giải thích:

- Ý tôi không muốn nói một vùng sông Đông tự lập và tồn tại cô lập. Trên cơ sở liên bang, tức là trên cơ sở liên hợp, chúng ta sẽ chung sống với vùng Kuban, vùng Cherek và các thổ dân miền núi ở Kavkaz. Kavkaz giàu về các thứ khoáng sản, ở đấy chúng ta có thể kiếm được mọi thứ.

- Thế còn than đá?

- Ngay dưới tay ta có vùng mỏ Done đấy.

- Nhưng vùng mỏ Done thuộc về nước Nga cơ mà?

- Vùng nầy thuộc về ai mà nằm trên lãnh thổ nào thì chuyện đó còn là một vấn đề phải tranh luận. Nhưng ngay trong trường hợp vùng mỏ Done bị cắt cho nước Nga, chúng ta cũng chẳng mất gì mấy. Liên bang của chúng ta sẽ không dựa trên cơ sở công nghiệp. Bản chất vùng chúng ta là một vùng nông nghiệp. Muốn có than để cung cấp cho nền công nghiệp nhỏ bé của chúng ta, chúng ta sẽ mua của nước Nga. Không riêng than, mà nhiều thứ khác nữa cũng sẽ phải mua của nước Nga: gỗ, những sản phẩm công nghiệp, kim khí. Vân vân… Để đổi lại, chúng ta sẽ cung cấp cho họ lúa mì thượng hảo hạng, dầu lửa.

- Nhưng chúng ta tách khỏi nước Nga thì có lợi gì?

- Lợi hẳn đi chứ? Trước hết sẽ thoát khỏi quyền giám hộ chính trị, sẽ khôi phục lại cái chế độ cũ đã bị các vua Nga thủ tiêu, chúng ta sẽ tống cổ tất cả những tên ngụ cư ở ngoài đến. Khoảng mười năm nữa, chúng ta sẽ phát triền nền kinh tế của chúng ta, sẽ giàu ụ lên gấp mười lần bây giờ bằng cách nhập máy móc từ nước ngoài. Đất nầy là đất của chúng ta, đã được tưới bằng máu của tổ tiên chúng ta, đã được bón bằng xương cốt tổ tiên chúng ta, nhưng chúng ta lại bị nước Nga chinh phục và bốn trăm năm nay đã đi bảo vệ quyền lợi cho nước Nga mà chẳng nghĩ gì đến mình. Chúng ta có những đường ra biển. Chúng ta sẽ có một quân đội hết sức hùng mạnh, hết sức có khả năng chiến đấu. Không nói gì đến Ukraina, ngay nước Nga cũng sẽ không dám động đến quyền độc lập của chúng ta.

Với thân hình tầm thước, cân đối, rộng vai, Itvarin là một gã Cô- dắc điển hình: bộ tóc xoăn, vàng vàng mầu lúa kiều mạch chưa chín hẳn, nước da bánh mật, cái trán trắng xuôi xuôi, nắng chỉ làm rám hai bên má, in lại một đường hằn ở ngang hai hàng lông mày trắng phếch. Hắn nói bằng một giọng nam cao rất dễ thương, và trong khi nói, hắn có cái tật cứ giương gãy hàng lông mày bên trái và động đậy một cách rất đặc biệt cãi mũi gãy sống không to lắm. Vì thế người ta có cảm tưởng như bao giờ hắn cũng đánh hơi một cái gì. Bước đi của hắn cương nghị, vẻ tự tin trong dáng người cũng như trong cặp mắt mầu hạt dẻ nhìn rất thẳng thắn, làm hắn khác hẳn những tên sĩ quan khác trong trung đoàn. Các binh sĩ Cô- dắc rất kính trọng hắn, có lẽ còn kính trọng hắn hơn cả viên trung đoàn trưởng.

Itvarin chuyện trò với Grigori ngày nọ qua ngày kia và dần dần Grigori cảm thấy rằng chỗ dựa chân của mình gần đây còn chắc chắn thế mà nay lại lung lay rồi. Cảm giác của chàng hồi nầy đại khái cũng giống như hồi ở Moskva, qua những cuộc tiếp xúc với Garangia ở bệnh viện mắt.

Cuộc chính biến tháng Mười nổ ra không được bao lâu thì giữa Grigori và Itvarin đã có cuộc chuyện trò dưới đây.

Grigori đang bị những mối mâu thuẫn trong lòng làm tình làm tội bèn hỏi dò một cách thận trọng về người Bolsevich:

- Anh Efilm Itvarin nầy, anh thử bảo theo anh thì bọn Bolsevich, cách suy nghĩ của họ đúng hay sai?

Itvarin cười khà khà, giương gãy hẳn một bên lông mày, cái mũi nhăn lại rất buồn cười:

- Cách suy nghĩ của chúng nó ấy à? Khà- khà… Anh bạn thân mến của tôi ạ, anh cứ như một thằng bé mới lọt lòng mẹ ấy… Bọn bolsevich, chúng nó có cương lĩnh chính trị, các mục đích và ước mong của chúng nó. Bọn Bolsevich đúng theo quan điểm của chúng nó, còn chúng ta thì đúng theo quan điểm của chúng ta. Thế anh có biết đảng của bọn Bolsevich có cái tên cúng cơm là gì không? Không biết à? Sao lại không biết nhỉ? Là Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga? Anh hiểu chưa? Công nhân! Bây giờ thì chúng nó ve vãn cả nông dân lẫn người Cô- dắc, nhưng cơ sở của chúng nó vẫn là giai cấp công nhân. Chúng nó đem lại cho giai cấp nầy sự giải phóng, còn nông dân thì chúng nó đem lại cho họ một sự nô dịch mới, mà lần nầy có lẽ còn tệ hại hơn trước kia là khác. Trên đời nầy thường không phải tất cả mọi người đều được sống như nhau. Nếu bọn Bolsevich chiếm phần thắng thì công nhân sẽ sung sướng còn các thành phần khác phải chịu khổ. Nếu chế dộ quân chủ được phục hồi thì bọn địa chủ cùng một số người khác sẽ sung sướng, ngoài ra đều phải chịu khổ. Cả bọn Bolsevich lẫn chế độ quân chủ, chúng ta đều không cần. Chúng ta chỉ cần cái gì của chúng ta, và trước hết là sự giải thoát khỏi mọi quyền giám hộ, dù là của Kornilov, Kerensky hay Lenin. Không có các vị ấy, chúng ta vẫn sống được như thường trên đồng ruộng của chúng ta. Lạy Chúa tôi, xin người hãy giải thoát chúng con khỏi những người bạn, còn với các kẻ thù thì chúng con sẽ có thể tự tay đối phó.

- Nhưng phần lớn anh em Cô- dắc đều ngả theo bọn Bolsevich… anh có biết thế không?

- Griska, anh bạn thân mến ạ, anh phải nhớ lấy điều nầy, một điều căn bản đấy: trong tình thế trước mắt, Cô- dắc, nông dân và Bolsevich đều đi cùng một đường. Anh có biết vì sao không?

- Vậy thì vì sao?

- Vì rằng… - Itvarin vặn vẹo cái mũi, nắn cho tròn lại rồi phá lên cười - Vì rằng bọn Bolsevich chủ trương hoà bình, hoà bình ngay lập tức, còn dân Cô- dắc thì đang bị chiến tranh ngồi chồm chỗm lên chỗ nầy nầy.

Hắn tự tay phát đánh đét vào cái gáy rám nắng to đần đẫn, hạ bằng bên lông mày từ nãy giương cao như ngạc nhiên, rồi quát lên:



- Vì thế dân Cô- dắc mới nặc mùi Bolsevich, mới dóng bước theo Bolsevich như thế. Hễ chiến tranh kết thúc, hễ bọn Bolsevich vươn tay đòi chiếm đất đai của dân Cô- dắc là con đường của dân Cô- dắc và của bọn Bolsevich sẽ tách ra hai ngả? Chuyện đó hoàn toàn có cơ sở và không thể tránh khỏi trong quá trình lịch sử. Giữa nếp sống Cô- dắc hiện nay và chủ nghĩa xã hội tức là kết quả của cách mạng Bolsevich có một cái hố không thể nào vượt qua…

- Tôi thú thật là… Grigori lầu bầu, giọng âm thầm, - chẳng hiểu gì cả… Trong vấn đề nầy tôi tìm hiểu khó khăn quá… Cứ dò dẫm như trong cơn bão tuyết giữa đồng cỏ…

- Anh sẽ không lẩn tránh được vấn đề ấy đâu? Cuộc sống sẽ bắt anh phải tìm hiểu cho ra, và không những chỉ bắt buộc mà còn cưỡng bức anh, xô anh sang một phía nào đó.

Câu chuyện trên đây, hai người đã nói với nhau vào một ngày cuối tháng Mười. Nhưng đến tháng Mười một, Grigori đã ngẫu nhiên được gặp một người Cô- dắc khác, người nầy sẽ đóng một vai trò không nhỏ trong lịch sử cuộc cách mạng ở vùng sông Đông.

Grigori đã được gặp Fedor Pochenkov và sau một thời gian dao động ngắn ngủi, cái chân lý trước kia lại chiếm phần thắng trong tâm hồn chàng.

Hôm ấy mưa lất phất từ giữa trưa. Lúc sắp hoàng hôn, trởi quang dần. Grigori quyết định sang thăm nhà Drodov, một người cùng trấn, làm chuẩn uý ở trung đoàn 28. Mười lăm phút sau chàng đã chùi ủng lên tấm thảm đặt ở hành lang, gõ cửa phòng Drodov.

Trong phòng đầy những quả vả héo gầy, đồ đạc đều cũ kỹ. Ngoài chủ nhân còn có một người Cô- dắc khoẻ mạnh người chắc nịch, đeo lon quản pháo binh ngự lâm ngồi quay lưng ra cửa sổ, trên chiếc giường gập của sĩ quan. Người ấy gù gù cái lưng, dạng rộng hai chân trong cái quần đi ngựa ống rộng bằng dạ đen, hai bàn tay đầy lông đỏ to như hai cái bàn và đặt trên hai đầu gối vừa tròn vừa to. Chiếc áo quân phục bó chặt lấy cái lưng cánh phản, nhăn nhúm ở hai bên nách có vẻ như sắp bục ra đến nơi trên bộ ngực nở nang, căng tròn.

Nghe tiếng cánh cửa cọt kẹt, người ấy quay cái cổ ngắn chùn chũn đầy sức sống, lãnh đạm nhìn qua Grigori rồi lại chôn sâu cái ánh lạnh như tiền của cặp đồng tử trong hai kẽ mắt ti hí giữa những mí mắt húp híp.

- Các cậu làm quen với nhau đi. Đây là Griska, gần như láng giềng của mình, còn đây là Pochenkov, ở Ust- Khopeskaia.

Grigori và Pochenkov lặng lẽ bắt tay nhau. Grigori vừa ngồi xuống, vừa mỉm cười nói với chủ nhà.

- Mình làm bẩn cả sàn nhà, cậu không la mình chứ?

- Đừng lo, đừng lo. Bà chủ nhà sẽ lau… Uống trà nhé?

Chủ nhà là một người nhỏ bé, luôn luôn động chân động tay như con chạch. Anh ta gõ những móng tay ám khói thuốc lá vàng khè lên chiếc samova, than phiền:

- Phải uống trà nguội đây.

- Mình không uống đâu? Cậu đừng bận tâm.

Grigori mời Pochenkov hút thuốc lá. Pochenkov đưa mấy ngón tay chuối mắn đỏ tía ra cố lấy một trong những điếu thuốc lá trắng muốt xếp thành hàng rất chặt nhưng mãi không lấy được. Anh ta ngượng ngùng đỏ mặt, nói giọng bực bội:

- Chà điếu thuốc chết tiệt! Chẳng làm thế nào lôi cổ mày lên được.

Nhưng cuối cùng Pochenkov cũng đẩy được một điếu lên nắp hộp thuốc, rồi tươi cười nheo mắt ngước nhìn Grigori, hai con mắt cười nom càng ti hí hơn. Grigori cảm thấy thích cái vẻ xuề xoà thoải mái của Pochenkov bèn hỏi:

- Ngài ở thôn nào thế?

- Tôi vốn chôn rau cắt rốn ở thôn Krutovsky - Pochenkov vui vẻ trả lời - Tôi đã ở đấy cho đến khi khôn lớn, nhưng thời gian gần đây tôi sống ở thôn Ust- Kalinovsky. Ngài có biết thôn Krutovsky không, chắc hẳn cũng có nghe nói chứ? Đại khái nằm sát bên cạnh trấn Elanskaia đấy. Thế anh có biết thon Plesakovsky không? Phải, đi qua thôn nầy là sang ngay thôn Madveev đấy, còn ngang với nó đã là thôn Chiukonosky của trấn chúng tôi, và nếu đi quá nửa thì tới hai thôn của chúng tôi: Thượng và Hạ Krutovsky.

Suốt cuộc nói chuyện Pochenkov cứ gọi Grigori khi là "anh", khi là "ngài", giọng rất tự nhiên, và thậm chí, lúc đã quen hơn, có lần anh còn đặt bàn tay nặng chịch lên vai Grigori. Pochenkov có khuôn mặt rất to, hơi rỗ hoa, cạo nhẵn nhụi; hàng ria bóng nhẫy được xoắn lên rất cẩn thận, làn tóc ướt ướt chải mượt ra đến sát hai vành tai nho nhỏ thì bồng lên, món tóc mai bên trái hơi xoăn. Khuôn mặt ấy có lẽ cũng gây ấn tượng dễ chịu nếu không có cái mũi gồ rất to và cặp mắt. Thoạt nhìn thì hai con mắt Pochenkov cũng chẳng có gì đặc biệt, nhưng sau khi nhìn kỹ, Grigori hầu như cảm thấy một sức nặng như chì trong đó. Nhỏ như hai viên đạn ghém, hai con mát ấy long lanh trong hai kẽ mắt hẹp như hai lỗ châu mai, áp đảo những con mắt nó bắt gặp và cứ nặng nề dán mãi vào một điểm.

Grigori tò mò ngắm Pochenkov, nhận thấy anh ta có một nét đặc biệt là hầu như không nháy mắt bao giờ. Trong khi nói chuyện, hai con mắt không vui của Pochenkov cứ dồn ép đối phương, đồng thời chuyền từ vật nầy sang vật khác, nhưng hai hàng mi cháy nắng ngắn cũn lúc nào cũng hạ xuống và không động đậy. Thỉnh thoảng Pochenkov lại hạ hai mí mắt mọng mọng rồi lại bất thần ngước lên, và hai con mắt nom như hai viên đạn ghém lại quét lên mọi vật chung quanh.

- Thú vị thật, hai người anh em ạ - Grigori bắt đầu nói với chủ nhà và Pochenkov - chiến tranh chấm dứt, chúng ta sẽ sống theo cách khác. Rada 2 cầm quyền ở Ukraina, còn ở vùng chúng ta thì có Cơ- rúc quân khu.

- Ataman Kaledin, - Pochenkov khẽ chữa lại.

- Đằng nào cũng thế thôi. Có gì khác đâu?

- Kể ra cũng chẳng có gì khác, - Pochenkov đồng ý.



- Bây giờ thì chúng ta rạp đầu làm cái lễ vĩnh biệt nước mẹ Nga.

Grigori tiếp tục nhắc lại các luận điệu của Itvarin, cố dò xem Drodov và anh quản đại đội pháo ngự lâm nầy có thái độ như thế nào đối với những chuyện đó.

- Chính quyền của chúng mình, trật tự của chúng mình. Tống cổ hết bọn khô- khon 3 ra khỏi các vùng đất Cô- dắc, chúng ta sẽ vạch rõ biên giới và đừng có kẻ nào bén mảng tới? Chúng ta sẽ sống như tổ tiên chúng ta trước kia đã sống. Tôi thấy cách mạng đang giúp chúng ta một tay, cậu thấy thế nào, Drodov?

Chủ nhà ngọ nguậy vài cái rất nhanh, mỉm cười:

- Tất nhiên, rồi sẽ tốt đẹp hơn thôi? Bọn mu- gích đã làm chúng ta mất hết sức lực. Vì chúng nó, chúng ta không thể sống được nữa. Cái kiểu quỷ quái gì mà tất cả những thằng ataman nhiệm mệnh 4 đều là những thằng cha căng chú kiết nào dó người Đức: hết Phôn Taoke lại Phôn Grapbe cùng những đứa đại loại như thế cả! Có bao nhiêu ruộng đất đều đem cắt hết cho những thằng sĩ quan cao cấp ấy. Bây giờ chỉ mong thở được một chút.

- Thế nước Nga sẽ chịu để như vậy hay sao? - Pochenkov khẽ hỏi nhưng không rõ anh ta nói với ai.

- Có lẽ cũng đến phải chịu thôi, - Grigori nói chắc.

- Và rồi cũng sẽ chẳng có gì đổi khác… Vẫn cùng một thứ súp bắp cải, chỉ có phần loãng hơn một chút.

- Sao lại như thế được?

- Nhưng đúng là như thế đấy - Pochenkov đảo nhanh hai con mắt xuyên thấu như đạn ghém rồi nặng nề nhìn thẳng vào Grigori. - Bọn ataman sẽ lại làm nhục nhân dân, làm nhục người lao động như xưa. Anh sẽ lại phải đứng nghiêm cứng người trước mặt mọi hạng quan lớn quan bé, và chúng nó sẽ lại quát vào mặt anh. Cũng vẫn như thế thôi… Cả một cuộc sống tuyệt đẹp… Đeo lấy tảng đá vào cổ rồi đứng trên bờ sông mà nhào đầu xuống còn hơn?

Grigori đứng dậy. Chàng bước những bước dài trong căn phòng chật hẹp, vài lần chạm cả vào hai đầu gối dạng rộng của Pochenkov.

Cuối cùng chàng đứng lại trước mặt anh ta và hỏi:

- Vậy thì làm thế nào bây giờ?

- Làm đến cùng thôi.

- Đến chỗ tận cùng nào?

- Đã bắt đầu cày thì phải đi cho hết luống. Một khi đã lật đổ vua Nga và bè lũ phản cách mạng rồi thì phải cố hết sức trao chính quyền cho nhân dân. Còn chuyện anh vừa nói thì chỉ là những điều hoang đường, chỉ là trò dỗ trẻ. Xưa kia bọn vua Nga đã bóp nghẹt chúng ta, bây giờ không còn vua Nga nữa thì lại có những kẻ áp bức, mà còn tồi tệ hơn nữa là khác.

- Thế ý anh là phải như thế nào, Pochenkov?

Hai con mắt đạn ghém nặng như khóc ngước lên lại nhìn quanh nhìn quẩn trong căn phòng chật hẹp, cố kiếm một chỗ thoáng.

- Chính quyền nhân dân… chính quyền được bầu ra. Hễ lọt vào tay bọn tướng tá là lại có chiến tranh, mà chúng ta thì chẳng cần đến chiến tranh làm gì. Làm thế nào cho khắp mọi nơi trên thế giới đều thiết lập được những chính quyền như thế, để nhân dân khỏi bị áp bức bóc lột, khỏi bị xua đi đánh nhau? Nếu không thì sẽ thế nào? Cái quần đã bục đũng rồi thì lộn mặt trái, nó vẫn cứ là cái quần bục đũng. - Pochenkov vỗ đánh bộp hai bàn tay xuống đầu gối, hé hai hàm răng chuột sát sin sít, mỉm cười chua chát. - Đối với thời cổ xưa, chúng ta liệu mà "kính nhi viễn chi", nếu không sẽ bị lôi cổ vào cái tròng còn tệ hại hơn cả thời vua Nga cho mà xem.

- Thế ai sẽ cai trị chúng ta?

- Chúng ta cai trị chúng ta - Pochenkov sôi nổi. - Chúng ta sẽ dành lấy chính quyền vào tay mình, phải như thế mới được. Chỉ cần cái dây đai thắng vào chúng ta được nới ra một chút, còn chuyện tống cổ bọn Kaledin thì chúng ta có thể làm được!

Grigori đứng lại trước khung cửa sổ lấm tấm những giọt nước như đổ mồ hôi. Chàng nhìn ra phố, xem một đám trẻ nhỏ đang chơi một trò gì rắc rối lắm, rồi lại nhìn cái mái ướt đẫm của mấy ngôi nhà trước mặt và những cành màu xám nhạt của vài cây dương đen trong vườn hoa. Tai chàng không còn nghe thấy Drodov và Pochenkov tranh cãi với nhau những gì nữa. Chàng đang đau khổ cố gỡ cả một mớ những ý nghĩ rối như bòng bong, để nghĩ cho ra một điều gì đó, để quyết định sẽ làm như thế nào.

Chàng đứng như thế chừng mươi phút và lặng lẽ vẽ lên khung kính hai chữ đầu tên mình và tên bố lồng vào nhau. Bên ngoài cửa sổ, trên mái một căn nhà thấp lè tè, vầng mặt trời héo hon của ngày sắp sang đông đang âm ỉ tắt dần trong giờ phút hoàng hôn, nom như bị đặt đứng trên đường sống mái hoen rỉ với màu đỏ rực ướt át, và có cảm tưởng như nó sắp sửa mất thăng bằng và lăn lóc cóc xuống bên nầy hoặc bên kia mái nhà. Trong công viên thành phố, lá cây bị mưa đập rụng loạt soạt, và những làn gió mỗi lúc một hung dữ ập tới từ Ukraina từ Lugansk cứ lồng lộn hoành hành trong trấn.

--------------------------------

1Hình thức chính quyền cũ của vùng sông Đông, do dân Cô- dắc tự bầu ra, nhưng chỉ đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp địa chủ quý tộc, phú nông và tư sản (ND).2Cơ quan cầm quyền của các phần tử tư sản phản Cách mạng, dân tộc chủ nghĩa ở Ukraina, thành lập ngày 2 (tức 15- lịch mới) tháng ba năm 1917, đến cuối tháng giêng năm 1918 bị công nhân và nông dân khởi nghĩa tống cổ đi, nhưng sau lại quay trở về dựa vào các lực lượng vũ trang nước ngoài chiếm lĩnh Ukraina, cuối cùng, đến 9- 4- 1918 lại bị chính bọn phản cách mạng thủ tiêu, vì chúng cần có một chính quyền mạnh hơn.3Tên người Cô- dắc dùng để gọi một cách khinh miệt những người Ukraina đến ở vùng sông Đông (ND).4Tức là các ataman được chỉ định đứng đầu từng quân khu Cô- dắc. Ataman của tất cả các quân khu là đông cung thái tử (ND).

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Sông Đông Êm Đềm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook