Sự Im Lặng Của Bầy Cừu

Chương 23: chương 23

Thomas Harris

05/09/2017

Clarice liếc nhìn qua vai. Một trong hai người cảnh sát chỉ cái gì đó trong tờ tạp chí Súng và Đạn dược.

- Ông chưa nói hết cho tôi tại Baltimore. Tôi nghĩ thông tin đó chính xác. Hãy nói cho tôi phần còn lại đi.

- Tôi đã đọc hồ sơ rồi, Clarice. Tất cả những gì cô muốn tìm hiểu đều nằm trong đó, với điều kiện cô phải chú ý hơn nữa. Ngay một thanh tra tài ba như Crawford cũng tìm được. Nói riêng nhé, cô có đọc lời tuyên bố sững sờ mà ông ta đã nói hồi năm ngoái tại Trường Cảnh sát Quốc gia không? Ông ta đã cường điệu về Marc Aurele, về nhiệm vụ, danh dự và sức mạnh tinh thần, chúng ta hãy chờ xem ông ta thuộc loại “người cương nghị” nào một khi Bella qua đời. Ông ta rút lấy triết lý cho mình trong quyển Từ điển các lời trích dẫn. Nếu ông ta thật sự hiểu Marc Aurele, ông ta đã lý giải được vụ án này rồi.

- Ông nói cho tôi biết xem bằng cách nào?

- Khi người ta có lúc tỏ ra hiểu biết về bối cảnh lịch sử một chút, nhưng tôi quên mất điều này, là thế hệ của cô không biết đọc. Vị Hoàng đế đã khuyên sự giản dị. Các khái niệm cơ bản. Với một sự việc đặc biệt nào đó, phải tự hỏi: thế trong đó là gì, bản chất thật của nó là như thế nào? Nguyên nhân của nó là như thế nào?

- Đối với tôi nó không có nghĩa cho lắm.

- Thế con người mà các người đang truy tìm, hắn đang làm gì vậy?

- Hắn giết người.

- À. - Ông thốt lên và tạm thời không nghĩ đến cái đầu không nhạy bén này. - Đó là điều thứ yếu. Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà hắn làm kìa, tại sao hắn cần phải giết người?

- Vì giận dữ, mối hận thù xã hội, sự ức chế tính dục...

- Không!

- Thế thì vì cái gì?

- Sự thèm muốn. Nói cho đúng, hắn chỉ thèm muốn có mỗi một thứ mà cô có. Đó là cách mà bản chất hắn hành động. Thế sự thèm muốn bắt đầu từ cái gì thế Clarice? Nào, chúng ta hãy điểm lại những gì chúng ta thèm muốn xem. Cố gắng trả lời đi.

- Không. Chúng ta chỉ bắt đầu…

- Chính xác là như thế. Chúng ta bắt đầu ham muốn những gì chúng ta thấy hàng ngày. Thế cô không cảm nhận được ánh mắt của những người qua đường nhìn cô sao Clarice? Điều trái ngược sẽ làm tôi ngạc nhiên đấy. Và cô cũng không để mắt vào một cái gì đó hay sao?

- Đồng ý. Vậy ông hãy nói cho tôi...

- Chính cô phải nói cho tôi, Clarice à. Cô không còn những kỳ nghỉ để tặng cho tôi gần Trung Tâm nghiên cứu bệnh dịch hạch của trâu bò nữa. Kể từ bây giờ, sẽ tuyệt đối là phương thức có qua có lại mà thôi. Phải dè chừng với cô mới được, nào thử nói xem Clarice.

- Cái gì?

- Cô nợ tôi hai chuyện. Thứ nhất là chuyện gì đã xảy ra với con ngựa của cô, thứ hai là bằng cách nào cô kiềm chế được cơn giận dữ của mình.

- Thưa bác sĩ Lecter, khi nào tôi có thời giờ rảnh...

- Chúng ta không tính thời gian một cách giống nhau, Clarice à. Đó là thứ duy nhất mà cô có được.

- Để sau này đi, ông nghe đây, tôi…

- Hiện giờ, tôi đang nghe cô đây. Hai năm sau khi cha cô chết, mẹ cô gởi cô đến người bà con tại một nông trại ở Montana. Lúc đó cô mười tuổi. Cô khám phá việc họ vỗ béo ngựa để đưa chúng vào lò sát sinh. Cô bỏ trốn với một con ngựa cái gần như mù. Rồi sao nữa?

- Đó là mùa hè và người ta có thể ngủ ngoài trời. Chúng tôi đi đến Bozeman bằng đường mòn.

- Con ngựa của cô có tên chứ?

- Có thể lắm... nhưng người ta không cần tìm hiểu khi nuôi ngựa để cho vào lò sát sinh. Tôi gọi nó là Hannah, và tôi thấy tên đó hợp với nó lắm.

- Cô dắt bằng sợi dây hay cô cưỡi nó?

- Cả hai. Để cưỡi được nó, tôi phải đưa nó đến gần một hàng rào.

- Lúc thì cưỡi ngựa, lúc thì đi bộ, các người đã đến Bozeman.

- Có một chuồng ngựa cho thuê, một kiểu trường dạy cưỡi ngựa, ngay ngoài thành phố. Tôi định đưa nó vào đấy, nhưng họ đòi hai mươi đôla một tuần cho một chuồng và bãi nhốt ngựa. Họ thấy ngay nó gần như không thấy đường. Tôi có nói: tôi có thể cho mấy đứa con nít đi dạo trên lưng nó trong lúc cha mẹ chúng tập cưỡi ngựa, và rửa chuồng ngựa nữa. Người chủ đồng ý, trong khi bà vợ điện thọại cho ông cảnh sát trưởng.

- Ông cảnh sát trưởng là một cảnh sát viên, giống như cha cô vậy.

- Lúc đầu, điều đó vẫn làm cho tôi sợ ông ta. Mặt ông ta đỏ lừ. Cuối cùng chính ông ta bỏ ra hai mươi đôla tiền trọ, trong khi chờ đợi “ông ta làm rõ mọi chuyện”. Ông ta nói không cần mướn một chuồng cho riêng nó với cái thời tiết nóng bức của lúc đó. Báo chí có đăng tải vụ này, làm khá lớn chuyện. Người chị bà con của mẹ rất muốn để cho tôi đi. Thế là tôi thấy mình vào ở trong Tổ ấm của dòng Luther tại Bozeman.

- Đó có phải là một cô nhi viện không?

- Đúng vậy.

- Còn Hannah?

- Nó cũng vào đó. Một người nông dân dòng Luther cung cấp cỏ khô, và trong cô nhi viện có một chuồng ngựa. Người ta bắt nó xới đất của khu vườn, nhưng phải dắt nó đi mới được, nếu không nó dẫm nát các luống đậu và bất cứ những gì nằm dưới chân nó. Nó còn đưa mấy đứa trẻ đi dạo trên một chiếc xe có mui nữa.

- Cuối cùng rồi nó cũng chết.

- Đương nhiên rồi...

- Kể nghe xem.

- Đó là vào năm ngoái, họ viết thư đến trường cho tôi. Người ta nghĩ nó khoảng hai mươi hai tuổi. Ngày hôm trước nó kéo chiếc xe chở đầy trẻ con và đêm đó nó đã chết trong giấc ngủ.

Bác sĩ Lecter có vẻ hoang mang.

- Điều này làm ấm lòng thật. Thế người cha nuôi của cô ở Montana có hiếp cô không, Clarice?

- Không.

- Ông ta có cố làm việc đó không?

- Không.

- Thế tại sao cô lại bỏ trốn?

- Bởi vì họ định giết Hannah.



- Cô biết được khi nào, thì?

- Cũng không thật sự, nhưng tôi cứ nghĩ đến luôn. Vì nó rất mập.

- Thế điều gì đã khởi phát mọi thứ? Điều gì đã xảy ra hôm đó?

- Tôi không biết nữa.

- Tôi chắc cô biết mà.

- Lúc nào tôi cũng sợ.

- Điều gì khiến cho cô bỏ đi vậy, Clarice? Vào lúc mấy giờ?

- Sớm lắm, trời vẫn còn tối.

- Như vậy, có một cái gì đó làm cho cô thức giấc. Điều gì đã làm cho cô thức vậy? Cô có nằm mơ không? Mơ đến điều gì vậy?

- Tôi thức giấc và nghe mấy con cừu kêu lên. Tôi mở mắt trong đêm tối và mấy con cừu cứ kêu be be.

- Họ làm thịt mấy con cừu vào mùa xuân phải không?

- Đúng.

- Thế cô đã làm gì?

- Tôi không làm được gì cho chúng cả. Tôi chỉ là...

- Thế cô đã làm gì với con ngựa cái?

- Tôi mặc đồ vào trong bóng tối và đi ra ngoài. Nó rất sợ, tất cả đàn ngựa trong chuồng đều hoảng sợ và đi lòng vòng. Tôi hà hơi vào mũi nó và nó nhận ra tôi. Nó áp mõm nó vào lòng bàn tay tôi. Đèn được bật sáng trong kho thóc và trong chuồng cừu. Các bóng đèn trần, nhiều bóng thật lớn. Chiếc xe đông lạnh đang chờ, máy vẫn nổ. Tôi dắt nó ra ngoài.

- Cô có thắng yên cho nó không?

- Không, tôi không lấy yên của họ, chỉ một bộ dây cương thôi.

- Lúc cô đi trong đêm tối, cô có nghe tiếng của đàn cừu không, tại nơi có đèn đó?

- Không nhiều, bởi vì chỉ có mười hai con thôi.

- Điều này vẫn làm cho cô thức giấc phải không? Thức giấc trong đêm tối và nghe tiếng cừu kêu be be phải không?

- Đôi khi.

- Cô có nghĩ mình sẽ bắt được Buffalo Bill không, chính cô chứ không phải những người khác, và nếu Catherine bình yên vô sự thì mấy con cừu sẽ không còn kêu la nữa, cô có nghĩ là chúng cũng có thể được cứu sống và cô sẽ không còn thức giấc trong đêm để nghe tiếng kêu la của chúng nữa, phải không Clarice?

- Đúng vậy. Tôi không chắc, có thể lắm.

- Cám ơn Clarice. - Bác sĩ Lecter tỏ ra rất yên lòng.

- Hãy nói cho tôi biết tên của hắn đi bác sĩ Lecter?

- Bác sĩ Chilton - Lecter thốt lên - Tôi nghĩ hai người đã biết nhau rồi.

Ngay lúc đó Clarice không hiểu rằng Bác sĩ Chilton đang đứng sau lưng cô. Và ông chụp lấy cùi chỏ cô.

Cô giật tay ra và hai cảnh sát viên liền đứng hai bên Bác sĩ Chilton.

- Vào thang máy ngay - ông ta nói với vẻ mặt xám xịt.

- Cô có biết Bác sĩ Chilton không có một mảnh bằng y khoa nào không? - Lecter nói - Tôi xin cô, đừng bao giờ quên điều đó.

- Nào đi thôi - Chilton nhấn mạnh.

- Ông không phải là người chỉ huy ở đây - Clarice đáp lại.

Viên cảnh sát nhỏ con tiến tới trước.

- Không, thưa cô, là tôi đây. Ông ta đã gọi cho cấp chỉ huy của cô và của tôi. Tôi rất tiếc nhưng tôi được lệnh phải buộc cô đi. Cô hãy theo tôi.

- Tạm biệt Clarice. Nếu mấy con cừu không còn khóc nữa, cô sẽ cho tôi biết chứ?

- Được.

Pembry nắm cánh tay cô. Đành phải theo hoặc đánh lại anh ta.

- Được, tôi sẽ báo cho ông.

- Hứa chắc chứ?

- Chắc mà.

- Nếu thế, sao cô không phá nốt nửa cái vòm còn lại đi. Cô hãy cầm lại hồ sơ này đi Clarice, tôi không còn cần đến nó. - Ông đưa nó qua song sắt. Cô đưa tay ra lấy. Trong một khoảnh khắc, đầu ngón trỏ của cô đụng phải ngón tay của bác sĩ Lecter. Với sự tiếp xúc này, mắt ông sáng hẳn lên.

- Cám ơn Clarice.

- Cám ơn bác sĩ Lecter.

Và vì thế mà ông luôn tồn tại trong ký ức của Clarice. Kể từ giờ phút đó, ông không hề chế giễu Clarice nữa. Đứng trong cái xà lim trắng toát, người uốn cong như một vũ công, hai bàn tay chập lại trước mặt, đầu hơi nghiêng qua một bên.

Tại phi trường, Clarice bước đi quá mau, đến mức cô đụng đầu vào người khác, vì cô phải chạy để đáp kịp chuyến bay mà Krendler buộc cô phải đi.

Pembry và Boyle là hai nhân viên canh gác đầy kinh nghiệm, được phái đặc biệt từ Nhà tù Liên bang Brushy Mountain đến đây canh giữ bác sĩ Lecter. Họ rất bình tĩnh và cảnh giác nên Bác sĩ Chilton không cần phải chỉ dạy họ phải làm gì.



Đến trước Lecter, họ đã khám xét phòng giam này, không bỏ sót bất cứ nơi nào. Khi người ta đưa tên tội phạm đến tòa án cũ này, họ cũng đã làm như thế với ông ta. Một y tá làm công việc khám xét toàn bộ thân thể trong khi ông ta vẫn đang mặc áo trói và người ta cho các đường may vào máy dò kim loại.

Pembry thì thầm thật dịu dàng trong lúc khám xét ông ta.

- Bác sĩ Lecter, chúng tôi không muốn gây khó khăn với ông. Thái độ của chúng tôi tùy thuộc vào thái độ của ông. Ông hãy tỏ ra lịch lãm và mọi việc sẽ tốt đẹp. Nhưng chúng tôi không hề sợ ông. Ông cứ thử cắn xem, ông sẽ thấy có một cái răng rụng trong miệng ông đấy. Ở đây, có vẻ mọi thứ đều tốt đẹp cho ông. Ông không nên làm rối tung lên, có được không?

Bác sĩ Lecter nhìn họ rồi thân thiện chớp mắt. Dù ông có muốn trả lời đi nữa, ông vẫn không thể nói được vì người ta đã chêm một cái chốt bằng gỗ chặn hai hàm răng để kiểm tra trong họng và dùng ngón tay được mang găng cao su, rà soát các lợi của ông.

Chiếc máy dò kim loại mà người ta đưa trên gò má ông kêu bíp bíp.

- Cái gì thế? - người y tá hỏi.

- Chì trám răng - Pembry trả lời. - Hãy kéo môi trên lên, thấy không.

- Theo ý tao, ông ta không còn gì để than phiền nữa, có phải không? - Boyle thổ lộ với Pembry, sau khi họ nhốt ông vào xà lim. - Ông ta sẽ không gây rắc rối gì nữa trừ phi hoàn toàn mất trí.

Cái xà lim này, dù cho có chắc chắn và tuyệt đối an toàn, nhưng nó không có hệ thống chuyền thức ăn. Đến giờ ăn trưa, sau cái không khí khó chịu của cuộc viếng thăm của Clarice, Bác sĩ Chilton làm cho mọi người phải bực mình khi buộc Boyle và Pembry, trước khi bước vào trong xà lim, phải mặc áo trói vào cho Bác sĩ Lecter.

Chilton không bao giờ chịu gọi Boyle và Pembry bằng tên của họ mặc dù hai người này có mang bảng tên, chỉ gọi bằng cách “Ê, anh kia”.

Sau khi biết Chilton không phải là bác sĩ, Boyle nói lời nhận xét của mình với Pembry.

- Có thể ông ta “chỉ là một tên giáo sư bẩn thỉu.”

Pembry đã cố giải thích cho Chilton biết việc chấp thuận cho Clarice viếng thăm ông ta là do người nhân viên ở dưới lầu, nhưng điều này cũng không làm cho ông nguôi cơn giận.

Trong giờ ăn tối không có mặt Chilton, nên các người canh giữ áp dụng phương pháp của riêng họ, trước sự sửng sốt tột cùng của Lecter.

- Bác sĩ Lecter, tối nay ông không cần phải mặc áo dạ hội - Pembry tuyên bố. - Tôi chỉ yêu cầu ông ngồi xuống sàn nhà và đưa hai cánh tay ông ra ngoài song sắt, đưa thật cao ra phía sau. Đúng như vậy đấy. Hãy cứng người thêm nữa, các cùi chỏ thẳng lên nữa. - Pembry còng tay ông lại bên ngoài song sắt, mỗi cánh tay ở một khe song sắt, và một thanh sắt dẹp chặn ngay giữa hai tay. - Nó hơi đau một chút, có phải không, nhưng nó chỉ mất có một phút thôi và tránh cho chúng tôi nhiều phiền phức, và cả cho ông nữa.

Với cách này, bác sĩ Lecter không thể đứng thẳng người hoặc quỳ gối, hai chân ông chỉ có thể duỗi thẳng ra phía trước và ông không thể nào dùng chân để đá được.

Chỉ khi nào ông bị bất động, Pembry mới bước lại bàn làm việc lấy chìa khóa xà lim, gài cây dùi cui vào trong thắt lưng, nhét bình xịt hơi bất tỉnh vào trong túi rồi bước tới cửa xà lim. Anh mở cửa để cho Boyle bưng cái mâm thức ăn vào. Sau khi khóa cửa lại, anh đem chìa khóa về bàn làm việc lại, rồi mở còng cho người tù nhân. Không một lúc nào anh đến gần các song sắt với cái chìa khóa xà lim trong khi ông bác sĩ tự do đi lại trong đó.

- Cũng khá hiệu nghiệm đấy chứ, có phải không? - Pembry hỏi.

- Rất tiện lợi, xin cám ơn các anh. Các anh biết không, tôi chỉ muốn sao cho thoải mái thôi.

- Chúng tôi cũng thế anh bạn.

Bác sĩ Lecter ăn qua loa trong khi viết và vẽ nguệch ngoạc trong cuốn sổ tay với một cây bút phớt. Ông đổi mặt cuốn băng trên máy. Gleen Gould biểu diễn trên dương cầm Các Biến tấu của Goldberg. Âm nhạc, mà vẻ đẹp thoát khỏi thời gian và hoàn cảnh, tràn ngập cái chuồng sáng trưng và luôn cả căn phòng mà các người canh giữ đang hiện diện.

Đối với Bác sĩ Lecter, thời gian đã đi chậm lại và trải dài giống như lúc ông ta hành động. Các nốt nhạc cách xa nhau mà không mất nhịp. Ngay những “mở đầu” hùng hồn của Bach cũng chỉ là những nốt êm dịu trong sáng, xóa đi chất thép quanh ông. Ông đứng lên, vẻ hoàn toàn bị cuốn hút, nhìn cái khăn giấy từ từ rớt xuống đất. Nó bay thật lâu trong không khí, lướt qua một chân bàn và lật ngược lại trước khi nằm hẳn trên nền kim loại. Ông không buồn nhặt nó lên, nhưng lấy cuộn giấy vệ sinh và lẩn người sau bức bình phong, ngồi trên nắp bàn cầu, nơi duy nhất không ai nhìn thấy ông được. Ông vẫn chăm chú nghe nhạc, đầu hơi cúi tới trước, cằm chống lên bàn tay, hai mắt nâu kỳ lạ hơi khép lại. Ông chỉ quan tâm đến các cấu trúc của Các Biến tấu mà thôi. Ông dùng đầu để đánh nhịp, lưỡi chạy quanh bờ môi, hết môi trên rồi đến môi dưới.

Rồi ông lại làm điều đó với các lợi, đẩy lưỡi vào khoảng trống giữa răng và gò má, chậm rãi như đôi khi người ta vẫn làm như lúc họ đang nghiền ngẫm vậy. Các lợi tươi mát hơn lưỡi của ông, còn trên hốc thì lạnh hơn. Khi lưỡi ông đụng vào ống thép nhỏ, nó dừng lại.

Vượt trên âm nhạc, ông nghe được tiếng thang máy khởi động và lên từ từ. Sau nhiều nốt nhạc, cánh cửa mở ra và một giọng ông chưa nghe bao giờ nói:

- Tôi đến lấy mâm đây.

Ông nghe tiếng người cảnh sát viên nhỏ con bước lại gần, và liếc nhìn qua khe của bức bình phong. Pembry đứng dựa vào song sắt.

- Bác sĩ Lecter, ông hãy lại ngồi xuống đây, hai tay thọc ra ngoài song sắt, như chúng ta đã làm lúc nãy.

- Mấy anh chịu khó chờ cho tôi xong đã. Tôi e cuộc du hành đã làm hỏng hệ thống tiêu hóa của tôi rồi. - Hai câu nói này kéo dài một cách kỳ lạ trong không gian.

- Đồng ý - và Pembry bỏ đi. - Chúng tôi sẽ gọi anh khi nào ông ta xong.

- Tôi có thể nhìn qua ông ta một cái được không?

- Chúng tôi sẽ báo cho anh sau.

Chiếc thang máy đi xuống và chỉ còn lại âm nhạc.

Bác sĩ Lecter lấy cái ống nhỏ ra khỏi miệng và lau khô bằng giấy vệ sinh. Tay ông không hề run, lòng bàn tay hoàn toàn khô ráo.

Trong suốt nhiều năm bị giam cầm và với tính tò mò không biết chán, đã giúp cho ông học khá nhiều mánh khóe của mấy tên tù khác. Từ khi ông tấn công người nữ y tá, tại dưỡng trí viện ở Baltimore, các biện pháp an ninh chỉ bị nới lỏng có hai lần vào dịp nghỉ phép của Barney. Một hôm, một bác sĩ tâm lý học có cho ông mượn một cây bút bi và quên lấy lại. Trước khi ông ta rời khỏi khoa, ông đã bẻ nát và bỏ cái vỏ nhựa vào trong bàn cầu. Cái ống mực bằng kim loại, ông đã lận nó vào trong đường may viền của cái nệm.

Vật duy nhất sắc bén khác trong xà lim là mép xơ của một trong các con bù lon gắn chiếc giường vào trong tường. Như thế quá đủ rồi. Sau khi mài ống kim loại này trong hai tháng liền, bác sĩ Lecter đã tạo trên đó hai đường rãnh song song, dài khoảng năm ly. Sau đó ông cắt cái ống thành hai khúc với chiều dài khoảng hai phân rưỡi, sau đó thủ tiêu hết những thứ còn lại cùng đầu bút bi. Barney không hề để ý đến các chỗ chai ở đầu các ngón tay do những đêm dài chà miệt mài cái ống đó.

Sáu tháng sau, một nhân viên gác để nguyên một cây kim kẹp lớn trong tập hồ sơ mà vị luật sư gởi cho Bác sĩ Lecter. Hai phân rưỡi bằng thép lại chui vào trong cái ống, còn những thứ khác thì biến mất trong bàn cầu. Thật quá dễ dàng để giấu kín cái ống nhỏ trơn tru đó trong đường may của bộ y phục, giữa gò má và lợi, trong hậu môn.

Ngay lúc này, ngồi sau bức bình phong bằng giấy, bác sĩ Lecter gõ nhẹ cái ống lên móng tay để lấy cái kẹp ra. Đây là dụng cụ, nhưng điều khó khăn nhất vẫn còn còn ở phía trước. Bác sĩ Lecter cho phân nửa cái kẹp vào trong cái ống nhỏ, và hết sức cẩn thận ông dùng cái ống làm đòn bẩy để uốn thẳng cái kẹp ngay nơi khe hở. Có lần cái mép khe bị cong, nhưng hết sức thận trọng, ông dùng đôi tay khỏe mạnh của mình để nắn cái đầu thép nhỏ đó cho đến khi nó tạo được góc chín mươi độ với cái ống. Đây rồi, ông đã có một chìa khóa còng.

Bác sĩ Lecter chắp hai tay sau lưng, chuyền cái khoá từ tay này qua tay kia khoảng mười lăm lần, rồi bỏ lại vào trong miệng, rửa hai tay cho thật sạch. Nhưng ông lại lấy nó ra, giấu thật kỹ giữa hai ngón của bàn tay phải, biết rằng Pembry chỉ đế ý đến bàn tay sáu ngón kỳ lạ của ông thôi.

- Tôi xong rồi, nhân viên Pembry. - Ông ngồi xuống sàn, và qua khe của song sắt đưa hai bàn tay ra bên ngoài. Cám ơn các anh đã có nhã ý chờ tôi. - Nói có vẻ như một bài diễn văn dài nhưng mang đầy âm sắc của nhạc.

Pembry ra đứng sau lưng ông. Anh ta sờ vào cả hai cổ tay xem ông có thoa xà bông vào không, xong Pembry tra còng vào. Anh đi lại cái bàn, lấy cái chìa khóa mà người lính canh đã lấy từ trong ngăn tủ ra.

Pembry trở lại kiểm tra còng một lần nữa. Bác sĩ Lecter cảm nhận được hơi thở của anh ta phía sau lưng ông. Rồi anh này mở cửa xà lim và đẩy cửa vào. Đến lúc này Boyle bước vào. Bác sĩ Lecter quay đầu ngang qua; hình ảnh của cái xà lim chuyển động có phần chậm chạp trái lại các chi tiết thì rõ vô cùng. Boyle đứng trước cái bàn, đang gom đĩa và những gì còn lại của bữa ăn, gây quá nhiều tiếng động. Máy thu băng với các cuộn băng đang quay, cái khăn giấy ở dưới sàn cạnh cái chân bàn được gắn bulon. Giữa các song sắt, Bác sĩ Lecter liếc nhìn thấy đầu gối của Pembry đang chặn cánh cửa mở, với cái dùi cui treo lủng lẳng ở dây nịt.

Bác sĩ Lecter dùng bàn tay phải để tìm lỗ khóa còng, đút chìa khóa vào và xoay. Ông cảm nhận được cái lò xo giải phóng cổ tay ông. Ông đưa chìa khóa qua bên tay trái để mở nốt cổ tay kia.

Boyle cúi xuống lượm cái khăn giấy. Nhanh như con rắn tấn công, cái còng khóa ngay cổ tay của Boyle, anh trố mắt nhìn Lecter, còn phần kia của cái còng được cài vào ngay chân bàn. Rút hai chân lại, ông phóng người tới cánh cửa trong lúc Pembry đang cố tránh nhưng vai ông đã hất cánh cửa trúng ngay người anh ta. Pembry định chụp bình xịt hơi bất tỉnh để trong túi quần nhưng cánh cửa đang đè nặng lên tay anh. Lecter chụp cây dùi cui và kéo sát Pembry về phía mình, dùng cùi chỏ đánh vào ngay cổ họng và dùng miệng cắn vào mặt anh ta. Pembry cố đánh Lecter nhưng không kết quả vì bị cắn nát cả mũi và môi trên. Người tù lắc lia lịa và giật được cây dùi cui ra khỏi thắt lưng của Pembry. Trong xà lim, Boyle ngồi dưới sàn nhà, hét inh ỏi, trong khi bàn tay tìm một cách vô vọng cái chìa khóa còng, tìm được rồi nhưng lại để rớt nó, rồi lượm nó lên. Lecter thọc thật mạnh đầu dùi cui vào ngay bụng của Pembry, rồi đến cổ họng làm anh ta té khuỵu xuống. Boyle tra được chìa khóa vào trong còng, miệng vẫn hét. Lecter bước lại gần anh ta và bằng một làn hơi bình xịt làm cho anh ta nín thinh, ho sặc sụa. Ông đánh gãy tay anh ta bằng hai cú dùi cui. Boyle cố chui xuống gầm bàn, nhưng bị mù vì hơi của bình xịt, nên bò sai hướng, dễ dàng cho Lecter kết liễu anh với vài cú đánh bồi khác.

Pembry ngồi xuống được, và cũng hét. Bác sĩ Lecter nhìn anh với ánh mắt đỏ ngầu. Tôi đã sẵn sàng rồi nếu anh cũng thế Pembry.

Cái dùi cui tạo một hình vòng cung trong tiếng rít và giáng thật mạnh ngay ót của Pembry, làm cho thân hình anh giựt liền mấy cái trước khi té nhào xuống như một con cá bị đập đầu.

Mạch của bác sĩ Lecter, nhảy vọt lên hơn một trăm trong sự vận động này, mau chóng hạ xuống mức bình thường lại. Ông tắt nhạc để nghe ngóng.

Ông bước lại gần cầu thang và lắng tai nghe nữa. Ông lấy hết đồ trong túi của Pembry ra, tìm thấy chìa khóa của bàn làm việc và mở hết các ngăn tủ ra. Trong ngăn cuối cùng có súng của hai người này, hai khẩu P 38. Hay hơn nữa, trong túi của Boyle, ông tìm thấy một con dao nhíp.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Sự Im Lặng Của Bầy Cừu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook