Tam Luân

Chương 89: Tránh vỏ dưa...

Thuần Khương

17/12/2022

Thương đội của Đáp Chi đã chất đủ hàng lên các xe nên không dừng lại mua bán, cứ như vậy ngày đi đêm nghỉ, hướng thẳng tới cổng phụ bên hông thành Huỳnh Tương. Toàn bộ quãng đường từ Sát Đài thôn đến chân thành Huỳnh Tương thương đội đi mất hơn hai ngày. Trong thời gian đó, Đằng Nguyên nghe ngóng, thăm dò được rất nhiều chuyện.

Nô lệ trong thương đội quá nửa là do Đáp Chi mua dọc đường tới Huỳnh Tương, tiếp tục mua khi đi gom hàng quanh đại địa này. Bốn nô lệ ngơ ngác rách rưới đi cùng Đằng Nguyên mới toanh giống như hắn, không biết chuyện gì cả. Hàng hoá mà Đáp Chi buôn chuyến này không phải trà mà là thảo dược, cỏ thơm và sợi tang.

Người Vạn Tư quốc dùng sợi tang để dệt thảm trải trong nhà. Loại sợi này ở Huỳnh Tương rất nhiều nhưng miền bắc hầu như không có, các thương đội tới Huỳnh Tương đều thu mua sợi tang, mang tới những nơi thiếu để bán. Dù lời lãi không bằng buôn thảo dược và trà nhưng còn hơn để xe và nô lệ đi không.

Bảo tiêu Vạn Tư quốc không được nói chuyện với nô lệ, bọn họ như những khúc gỗ hình người, chỉ trao đổi với nhau và với Đáp Chi. Rất ít khi thấy họ chủ động lên tiếng trừ lúc thúc giục nô lệ đi nhanh để theo kịp tốc độ cưỡi ngựa của Đáp Chi. Đương nhiên bảo tiêu không dùng roi da đánh nô lệ, cùng lắm họ chỉ dùng chuôi loan đao thúc vài phát vào lưng.

Đồ ăn của nô lệ kéo xe cho thương đội này cũng giống với nô lệ trong Oát gia trang, là các loại bánh nướng mà người Vạn Tư quốc thường ăn. Buổi tối nếu kịp tới các dịch trạm, nô lệ sẽ được ngồi bàn, ăn uống như con người, dù không có thịt và sữa dê nhưng được chia đủ bánh và các món rau xào, canh, đồ chay để ăn no. Nô lệ sẽ bị dồn hết vào các thạch phòng phía sau của dịch trạm, đêm ngủ tập trung một chỗ, điều kiện hơn đứt nô lệ ở mỏ Dạ Cổ.

Đằng Nguyên theo chân thương đội hai ngày, thấm thía rằng nô lệ dù ở đâu cũng như trâu như ngựa nhưng không nơi nào khắc nghiệt bằng mỏ Dạ Cổ. Sau khi trải qua mấy tháng sống, lao động khổ sai, ăn uống không khác súc sinh trong mỏ, những bất công và khổ cực bên ngoài trở nên hết sức bình thường thậm chí còn nhân đạo.

Nực cười thay!

Quả là tư tưởng của kẻ bần tiện, tiểu nhân.

Suy cho cùng, nô lệ cũng không phải món hàng miễn phí vứt từ tay chủ này đến chủ khác. Chúng phải bỏ tiền ra mua nên nếu không thật sự cần thiết sẽ không đánh đập ác ôn, giữ cho “hàng” mới và tốt, sử dụng được lâu dài. Dù có chướng mắt bán đi cũng ít sứt mẻ, được giá.

Đằng Nguyên thì thầm trò chuyện cùng mấy nô lệ mới, biết bọn họ có giá từ mười đến hai mươi lượng bạc, tuỳ sức vóc từng người. Giá này khi ở Sa Lục Châu hắn cũng từng nghe nói. Như vậy Đằng Nguyên được bán đi với giá gấp năm – mười lần giá thông thường. Mỉa mai thay!

Ngày đầu tiên, mỗi lần đi qua các trạm gác, trông thấy Bình binh hoặc lính Bạch Đà quân, Đằng Nguyên lại căng thẳng đổ mồ hôi. Ký ức trên đài hành hình còn quá rõ nét, xương chân hắn có ảo giác ẩn ẩn đau, tâm lý vô cùng nặng nề và ám ảnh. Tuy nhiên Bình binh chỉ xem giấy thông hành của cả thương đội, không kiểm tra hàng, vỗ vỗ bên ngoài mấy cái rồi cho đi. Thậm chí chúng còn không thèm kiểm tra thẻ thông hành của nô lệ, chỉ nhìn xem có kẻ nào không đeo vòng cổ không.

Đằng Nguyên từ từ bớt căng thẳng.

Các nô lệ đi một mình qua trạm dịch không đời nào thoát khỏi một màn tra xét, đối chiếu thẻ bài, hỏi tường tận đi đâu, làm gì. Đằng Nguyên rình rập nhiều tháng quanh các thôn làng trong đại địa này đã thấy qua rất nhiều, thật không ngờ đi cùng thương đội lại chẳng hề bị xét gì. Quản lý thế này có thể coi là lỏng lẻo không?

Hèn gì Âu Linh Hà dễ dàng cứu Oát Cai giấu mấy chục năm, vừa rồi lại cướp hắn từ đài hành hình xuống, ngang nhiên để hắn sống trong chính thành Huỳnh Tương. Giờ chỉ cần tạo một thân phận giả, làm nô tịch, thẻ thông hành là hắn có thể đường hoàng đi qua dịch trạm mà không lo sợ bất cứ điều gì.

Biết rõ mọi chuyện, khi đến chân thành Huỳnh Tương, nhìn thấy cả hàng dài lính thủ thành và Bạch Đà quân, Đằng Nguyên cũng không còn căng thẳng bao nhiêu. Thương đội của Đáp Chi không vào bên trong thành Huỳnh Tương, chỉ đi ngang qua nên họ không tới cổng chính hôm họ Đằng Nguyên bị đưa tới mà đi cổng phụ bên hông thành.

— QUẢNG CÁO —

Lính thủ thành đứng nhìn đám Bình binh kiểm tra giấy thông hành, kiểm sơ sơ hàng hoá xem có đúng với số lượng và chủng loại kê khai không, nhìn một lượt thẻ thông hành của nô lệ. Xong xuôi, bọn chúng cho thương đội qua.

Biểu tình trên mặt Đằng Nguyên rất bình thường nhưng khi đi qua cổng, đám Bình binh và lính thủ thành đã ở sau lưng, hắn lén thở phào nhẹ nhõm.

Thế là thoát!

Qua khỏi cổng phụ không phải khu dân cư tấp nập người qua lại mà là một con đường đất đỏ chạy dài đến tít tận chân trời, cắt ngang qua một cánh đồng cằn cỗi rộng mênh mông. Đằng Nguyên nhìn lại thành Huỳnh Tương, thực sự chưa từng được vào thành nhìn qua một cái nhưng không hề hối tiếc. Hắn sẽ sớm quay lại, san bằng tất cả doanh trại Bạch Đà quân, treo đầu Hàm Tang và Tôn Đức Khương lên tường thành.





Đằng Nguyên theo chân thương đội một tháng, ý định bỏ trốn ban đầu từ từ bị dập tắt. Hắn đã tìm hiểu luật nô lệ của Vạn Tư quốc, biết rằng dù lỏng lẻo nhưng bọn quan lại liên tục trám vào những lỗ hổng sơ hở của luật khiến nô lệ không thể bỏ trốn. Nếu hắn trốn đi, Đáp Chi chỉ cần báo quan, huỷ thẻ thông hành của hắn, liệt hắn vào danh sách nô lệ bỏ trốn bị truy lùng là sự tự do của Đằng Nguyên sẽ chấm dứt.

Không thể tự do qua lại dịch trạm, cổng thành cũng chẳng sao, Đằng Nguyên có thể ẩn thân đi qua, nhưng ẩn thân xong sẽ chỉ có thể tiến hành ám sát Tôn Đức Khương và Hàm Tang, không có khả năng một mình tiêu diệt hàng ngàn hàng vạn lính Bạch Đà quân. Huống hồ những điều hắn nghe lỏm được từ cuộc nói chuyện của Đáp Chi với Lăng chưởng quỹ khiến hắn rơi vào hoang mang, biết được hệ thống quan lại của Huỳnh Tương không hề đơn thuần. Mệnh lệnh tấn công Sa Lục Châu đúng là từ Tôn Đức Khương mà ra nhưng đằng sau hắn có cả tá những con rắn độc ủng hộ, xúi giục. Hắn muốn đào sạch, chém sạch lũ đó, không để sót bất cứ tên nào.

Thương đội đi suốt một tháng trời, sang đến tháng chín thì qua khỏi địa phận Quảng Cữu, tức là đi hết Lộ Dư Uyển, chính thức đặt chân đến thành Đồng Tỳ - Lộ Âu Lăng. Sở dĩ thời gian di chuyển nhanh như vậy là vì đất Vũ Thần và Quảng Cữu rộng nhưng không dài, đường thẳng băng, giao thương thuận lợi. Đáp Chi không dừng lại để buôn bán, chỉ thỉnh thoảng gặp các thương đội xuôi ngược, có món nào kỳ lạ hiếm thấy thì mua đôi ba món làm quà.

Càng lên phía bắc, khí hậu và địa hình càng thay đổi. Đất đai đỡ cằn cỗi, đồng ruộng trải dài, thôn làng đông đúc trù phú, khí hậu lạnh hơn. Nô lệ được phát giày mới, áo ấm và mũ, đãi ngộ tốt hơn mỏ Dạ Cổ rất nhiều. Dù thái độ của Đáp Chi rất hà khắc nhưng những thứ phục vụ sinh tồn tối thiểu lão cũng không keo kiệt với nô lệ. Đằng Nguyên nghe nô lệ so sánh lão với chủ cũ của bọn họ, biết Đáp Chi được coi là một người chủ tốt và hào phóng.

Hắn không giao lưu nhiều với nô lệ Vạn Tư quốc vì họ không phải người Sa Lục Châu, khi buộc phải nói chuyện, Đằng Nguyên luôn bắt chước khẩu âm của người Vạn Tư quốc, không kẻ nào trong đám nô lệ và bảo tiêu biết hắn là người Sa Lục Châu.

Vào đến địa phận thành Đồng Ty, Đáp Chi cho thương đội dừng bên ngoài trấn Thù Đổng để bán thảo dược, cỏ thơm và sợi tang. Đằng Nguyên hết sức kinh ngạc khi lão rao bán cả nô lệ.

Hắn ngồi thu lu ở khu chợ nô lệ bên ngoài trấn Thồ Đổng, nhìn Đáp Chi cò kè bớt một thêm hai với mấy tên phú hộ rồi bán ba nô lệ thiếu niên với giá hai mươi ba lượng một người, lòng lạnh ngắt. Mỗi nô lệ lão lãi ít nhất năm đến tám lượng bạc. Với thôn dân đó là con số cực lớn nhưng với thương nhân, con số này chẳng đáng gì. Đáp Chi cò kè như vậy thực giống tiểu thương nhỏ không tiền đồ. Đằng Nguyên đi theo lão không biết có được tích sự gì hay chỉ tốn thời gian.

Hắn muốn biết Đáp Chi sẽ bán món hàng đắt đỏ là hắn cho kẻ nào.

Hắn có thể chế giải dược, nếu bán cho y quán trong thành Đồng Tỳ, không chừng kiếm được kha khá tiền lãi. Vào thành Đồng Tỳ rồi Đằng Nguyên sẽ tìm cách tiếp cận Huyền Trác quân.

— QUẢNG CÁO —

Địa phận Đồng Tỳ rộng, dài, trù phú, bá tánh đông đúc no đủ. Huyền Trác quân đông nghịt cưỡi ngựa đi thành đoàn hoặc đóng trong những quân doanh hùng tráng bên ngoài các trấn khiến Đằng Nguyên được mở mang tầm mắt. Bọn họ không lưa thưa và hung hãn như Bạch Đà quân, kỵ binh Huyền Trác quân qua lại rất từ tốn, kẻ nào kẻ nấy mặt mày lãnh đạm, lưng hùm eo gấu. Dù không có ý doạ nạt bất luận kẻ nào nhưng khí thế lãnh khốc của họ quả thực doạ người, khiến Đằng Nguyên nảy sinh khao khát được thống lĩnh một đội quân tương tự.

- Khụ khụ…

Một tên phú hộ tiến tới chỗ Đáp Chi, ho khúng khoắng mấy tiếng, chỉ vào Đằng Nguyên, cặp mắt ti hí loé sáng:

- Huynh đệ, nô lệ này của ngươi bao nhiêu?

- Không bán. – Đáp Chi lia mắt đánh giá phú hộ, buông độc hai tiếng cộc cằn.

Đoạn lão vẫy Đằng Nguyên đứng lên theo lão. Đáp Chi mang theo bốn nô lệ kể cả Đằng Nguyên, tiến vào chợ thì lập tức bán đi ba kẻ, giờ còn mình hắn với bốn bảo tiêu.

Đằng Nguyên lập tức đứng dậy đi theo.

Tên phú hộ mới nhìn hắn ngồi đó, giờ hắn đứng lên, cao vượt hơn cả Đáp Chi lẫn phú hộ nửa cái đầu, khí thế lấn lướt. Lão phú hộ trò mắt nhìn, chặn đường Đáp Chi, hạ giọng kỳ kèo:



- Lão huynh, hàng hoá không phải để bán hay sao? Nếu không bán, mang theo tới chợ làm gì? Thú thật với huynh, ta đang tìm một nô lệ khoẻ mạnh về làm hộ vệ. Huynh nói giá đi, ta nhất định…

- Một nghìn lượng. – Giọng Đáp Chi không nhỏ.

Lão phú hộ sửng sốt mà những kẻ xung quanh nghe thấy cũng ngơ ngác quay lại nhìn.

Đúng là gian thương!

Lão mua Đằng Nguyên với giá một trăm lượng bạc, giờ hét lên một nghìn lượng là định hút máu người sao?

Hàng chục con mắt đánh giá đổ lên người Đằng Nguyên. Hắn lạnh lùng nhìn thẳng về phía lão phú hộ xem lão phản ứng thế nào.

— QUẢNG CÁO —

Sau một thoáng sốc giá, lão phú hộ ho một tràng, cao giọng mắng:

- Huynh đệ, ngươi thật biết đuổi người. Nô lệ gì mà tới một nghìn lượng bạc?

- Ta có nói một nghìn lượng bạc sao? – Đáp Chi nhướn mày. – Một nghìn lượng vàng. Không kém một phân…

Những kẻ xung quanh không nhịn được bắt đầu nhao nhao nghị luận:

- Tên kia điên rồi. Nói xằng nói bậy…

- Chắc phiền quá muốn đuổi người nên nói bậy chọc tức khách mua.

- Này, lão huynh, ta cũng có mấy nô lệ khoẻ mạnh, lão huynh tới nhìn đi. Đừng phí lời với một kẻ điên vọng tưởng.

- Nô lệ chứ có phải ngọc bội đâu… Phi…

Lão phú hộ trừng trừng nhìn Đáp Chi một hồi, bị ánh mắt khinh thường làm cho tức điên, chỉ chỉ vào mặt Đáp Chi rồi quay ngoắt người, hừ lạnh cắp đít bỏ đi. Lão còn ho thêm một tràng giải đen.

Đằng Nguyên liếc nhìn những tiểu thương hằm hằm bất thiện soi bọn họ, lại nhìn tới đám nô lệ đứng đừng ngồi ngồi lố nhố đang nhỏng cổ hóng chuyện, cảm thán khả năng kéo phiền toái của Đáp Chi. Nô lệ trong chợ này hầu hết đều nhỏ gầy, xanh xao như thiếu ăn, biểu tình u uất, ánh mắt mờ đục bệnh hoạn, chẳng trách lão phú hộ vừa nhìn đã đòi mua Đằng Nguyên. Không may cho lão, gặp ngay phải kẻ miệng lưỡi độc địa như Đáp Chi, vừa hét giá đã khiến người khác tức ói máu.

Không còn kẻ nào tiến tới chặn đường, Đáp Chi nghênh ngang đi ra khỏi khu chợ nô lệ. Đằng Nguyên và bốn bảo tiêu theo sát sau lưng. Lão lượn dọc các đoàn xe của những thương đội đến trước, tìm mua mấy bao thảo dược. Đằng Nguyên cõng một bao sau lưng, cắp hai bao hai bên đi theo lão lượn vòng vòng chán chê đến quá trưa mới trở về chỗ thương đội mình.

Sau khi trao đổi với Lăng chưởng quỹ, Đáp Chi cho thương đội tiếp tục lên đường, không vào bên trong trấn.

Họ theo đường lớn đi về phía tây bắc, hướng tới trấn Phụ Dung.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Tam Luân

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook