Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 85: Tiên Chúa di chiếu gửi Cô nhi Khổng Minh án binh cự Man Quốc

La Quán Trung

03/03/2014

Tiên Chúa đại bại chạy về Bạch Ðế Thành, kiểm điểm lại binh mã thấy mất hơn bảy vạn.

Triệu Vân cứ cố thủ, ngày đêm sai giữ các cửa thành rất ngặt.

Lúc đó Mã Lương chạy về đem hết lời Khổng Minh tâu với Tiên chúa.

Tiên chúa than :

- Phải ta sớm nghe lời Thừa Tướng thì đâu đến nỗi này. Nay trẫm còn mặt mũi nào về Thành Ðô trông thấy quần thần nữa . Bèn xuống chỉ ở luôn Bạch Ðế Thành.

Lúc ấy lại có tin : Huỳnh Quyền đầu Ngụy rồi !

Chư tướng cả giận, tâu với Tiên chúa bắt hết gia quyến Huỳnh Quyền mà xử trảm.

Tiên chúa than :

- Huỳnh Quyền đầu Ngụy là tại trẫm. Ðạo binh Bắc Giang chặn nghẹt nơi ải khẩu thì có muốn về cũng hết đường. Ðó là điều bắt đắc dĩ chớ đâu phải Quyền phụ ta !

Nói rồi bèn truyền cấp bổng lộc như cũ cho vợ con Huỳnh Quyền.

Còn Huỳnh Quyền qua đầu Ngụy, ra mắt Tào Phi.

Tào Phi hỏi :

- Khanh đến đầu trẫm có gian ý gì chăng ?

Quyền tâu :

- Tôi vốn mang ơn Tiên chúa, nay bị Lục Tốn chận nghẹt, không đường trở về Thục, song chẳng lẽ tôi đầu Ngô, nên phải đầu Bệ hạ. Nếu Bệ hạ cho đầu thì sau này tôi còn thấy mặt Thục Chúa. Ðó là đại ân, đâu có dạ nào phản phúc. Tào Phi nghe nói khen là bậc trung liệt bèn phong làm Trấn Nam tướng quân. Huỳnh Quyền từ chối.

Tào Phi bèn lập kế phao tin :

- Thục Chúa đã chém hết vợ con gia quyến Huỳnh Quyền rồi .

Huỳnh Quyền nghe tin nói :

- Tôi với Thục chúa lấy lòng tin nhau. Chắc Thục chúa không nỡ làm thế !

Tào Phi càng khâm phục.

Tào Phi lại hỏi Giả Hủ :

- Nay Trẫm muốn gồm thâu thiên hạ. Vậy phải đánh Thục trước hay Ngô trước ?

Giả Hủ tâu :

- Lưu Bị là bậc anh hùng. Khỗng Minh đa mưu. Tây Thục hiểm trở, khó đánh được. Còn Tôn Quyền rõ nẻo hư thiệt, lại có Lục Tốn đồn binh nơi hiểm yếu, khó mà đánh được .

Tào Phi mỉm cười :

- Ta đã sai ba đạo quân. Nhân dịp Ngô thắng Thục, tướng sĩ ham rượt giặc, Ðông Ngô bỏ trống. Vậy không lợi dụng cơ hội đó sao ?

Lưu Hoa tâu :

- Lục Tốn giỏi binh cơ, ắt y đề phòng kỹ .

Tào Phi nói :

- Ý ta đã quyết. Chớ bàn ngược .

Về phía Ngô có tướng Châu Huờn, ngày kia được tin Tào Nhơn đem binh tới lấy Tiện Khê, Châu Huờn đi đẹp, chỉ để ít quân ở Nhu Tu.

Xảy nghe tin Tào Nhơn sai tướng Thường Ðiêu, Gia Cát Kiền, Vương Song qua đánh Nhu Tu.

Quân sĩ cả sợ. Duy Châu Huờn bình tĩnh nói :

- Việc thắng bại là do tướng điều khiển hay dở và binh gan dạ hay nhát đởm, chớ không phải tại đông quân . Nay Ngụy binh đi xa, người ngựa mệt mỏi, ta cùng chư tướng hãy cố thủ mà lo kế đánh bại, dù cho Tào Phi đến cũng chẳng sợ chứ Tào Nhơn thì có xá gì .

Nói đoạn, truyền dẹp hết cờ trống, làm như thành trì thiếu kiên thủ để đánh lừa địch.

Còn tướng Ngụy là Thường Ðiêu thấy thành trì không đề phòng, bèn kéo quân riết tới. Khi đến gần, bỗng nghe binh Ngô la ầm, rồi Châu Huờn xông ra đánh Thường Ðiêu.

Sau vài hiệp, Thường Ðiêu bị chém bay đầu. Binh Ngụy cả loạn, bị giết vô kể. Châu Huờn cả thắng.

Ngày kia có tin báo : Bên Ðông Ngô đã đề phòng, Lục Tốn sai Lữ Phạm dẫn binh cự Tào Hưu. Gia Cát Cẩn giữ Nam Quận cự Tào Chơn, Châu Huờn ra Nhu Tu cự Tào Nhơn. Ba đạo đều không tiến được .

Lưu Hoa tâu :

- Nếu họ đã đề phòng, chớ nên tấn binh, xin Bệ hạ chớ ngự giá .

Tào Phi không nghe, cử đốc binh tới. Ra chừng vài dặm thì có quân thua các nơi về phi báo :

- Thường Ðiêu bị Châu Huờn giết chết nên lui binh. Tào Nhơn, Hầu Uyên đánh Nam Quận cũng bị Lục Tốn dẹp tan tành. Tào Hưu cũng bị Lữ Phạm sát hại rồi .

Tào Phi nghe tin cả sợ, than :

- Chỉ vì trẫm không nghe lời các Khanh nên bại binh như vậy !

Nói đoạn, Tào Phi dẫn binh về Lạc Dương.

Từ đó Ngô, Ngụy không còn hòa nữa.

Trong khi đó, Tiên chúa ở Bạch Ðế thành đã một năm, lại lâm bệnh nặng. Phần thương nhớ em , khóc đến lòa hai mắt.

Ðêm nọ, trong giấc mơ Tiên Chúa thấy có 2 người đứng hầu.

Tiên Chúa nổi giận :

- Trong mình Trẫm không an, truyền chúng bay phải lui !

Hai người không chịu lui. Xem kỹ thì ra Quan Vân Trường và Trương Phi.

Tiên Chúa bèn hỏi :

- Hai em chết rồi sao còn đến hầu anh được ?

Hai người tâu :

- Chúng em đã thác, song trời thấy khi bình sanh, hai em đều tín nghĩa, nên đã phong cho chúng em làm thần. Chẳng bao lâu nữa anh em ta sẽ gặp nhau.

Tiên Chúa khóc rống rồi giật mình thức dậy, kêu kẻ tả hữu mà nói :

- Trẫm chẳng còn sống lâu nữa !

Nói xong, sai quân về Thành Ðô thỉnh Thừa tướng và Lý Nghiêm đến Bạch Ðế thành mà lãnh di mạng .

Khổng Minh và Lý Nghiêm cùng hai con của Tiên Chúa đến Vĩnh An cung bái kiến.

Còn Thái Tử Lưu Thiện ở lại giữ Thành Ðô.



Khổng Minh thấy bệnh Tiên Chúa đã nguy, bèn quỳ xuống mà nghe dạy.

Tiên chúa truyền :

- Từ Trẫm gặp Thừa Tướng đến nay, nhờ tài ba của Thừa Tướng nên mới gây được nghiệp Ðế , nay vì không nghe Thừa Tướng nên bại binh. Bịnh tình trẫm đã kiệt nay mai ắt chết, còn Thái Tử thì nhỏ dại, nên phải phó thác việc cả cho Thừa Tướng .

Khổng Minh tâu :

- Xin bệ hạ hãy thiệu bảo long thể cho thiên hạ cậy trông .

Tiên Chúa nhìn quanh thấy em Mã Lương là Mã Tắc, bèn hỏi nhỏ Khổng Minh :

- Thừa tướng xem tài Mã Tắc thế nào ?

Khổng Minh tâu :

- Là bậc tài năng trong đời vậy !

Tiên Chúa nói :

- Không đâu. Trẫm thấy y nói nhiều mà không làm được chi !

Nói rồi liền truyền lấy bút làm tờ di chiếu trao cho Khổng Minh mà nói :

- Trẫm tuy ít học, song biết ít nhiều đại lược. Thánh nhơn thường nói : "Chim kia gần chết, tiếng kêu đáng thương . Người gần thác, tiếng nói cũng lành. Ý trẫm muốn diệt Tào tặc phò nhà Hớn , không dè nữa chừng phải lìa nhau. Thừa Tướng hãy trao di chiếu này cho Lưu Thiện. Phàm có điều chi phải nhờ Thừa Tướng.

Khổng Minh tâu :

- Tôi xin nguyện làm thân khuyển mã để đền ơn bệ hạ.

Tiên Chúa nói :

- Tuy trẫm phó thác song còn lời tâm phúc này muốn ngỏ cùng Thừa Tướng .

Khổng Minh tâu :

- Xin bệ hạ cứ dạy bảo .

Tiên chúa nói :

- Tài của khanh gấp mười lần Tào Phi, ắt sẽ an bang định quốc. Như con trẫm đáng giúp thì giúp, bằng không hãy tự làm chúa mà giữ Thành Ðô !

Khổng Minh vừa nghe nói dứt, tay chân bủn rủn, khóc rằng :

- Tôi đâu chẳng lo giữ cái tiết trung quân cho đến chết !

Nói đoạn đập đầu đến tóe máu.

Tiên chúa đỡ Khổng Minh dậy rồi nói với Lưu Vĩnh và Lưu Kỳ :

- Bây phải nhớ lời ta dặn, sau khi ta qua đời bây phải coi Thừa Tướng như cha.

Nói xong lại khiến 2 con lạy Khổng Minh.

Rồi lại phán với quần thần rằng :

- Các Khanh chớ nên khinh lờn Thừa Tướng mà phụ ý trẫm .

Lại kêu Triệu Vân dặn rằng :

- Trẫm với Khanh gian khổ có nhau từ lâu, nay phải chia rẽ. Vậy Trẫm gởi con trẫm cho Khanh, Khanh rán phò giúp để khỏi phụ lòng trẫm .

Triệu Vân tâu :

- Tôi xin làm thân trâu ngựa .

Tiên Chúa lại nói với các quan :

- Khanh đẳng chúng quân , trẫm không nói hết từng người . Xin chớ phụ lòng trẫm .

Nói rồi liền băng hà thọ 63 tuổi.

Sau đó, Khổng Minh và các quan đều phò linh cữu về Thành Ðô.

Thái tử ra ngoài thành nghinh tiếp linh cữu, làm lễ cử ai rồi dở tờ di chúc ra đọc :

" Trẫm nghe ở đời hễ 50 tuổi rồi thì không phải là chết yểu nữa. Nay trẫm đã hơn 60, chết đi cũng là lẽ thường. Song lo cho mấy anh em bây đó thôi. Vậy bây chớ thấy việc dữ nhỏ mà làm, chớ thấy việc lành nhỏ mà không làm. Chỉ có hiền, đức là làm lòng người phục mà thôi. Như cha đây, đức bạc lắm, chớ bắt chước. Sau khi ta chết, bây phải vâng lời Thừa Tướng như cha. Anh em bây phải ghi tạc lòng mà nghe theo Thừa Tướng để thực hiện ý định của cha nữa đường bị bỏ dở. Nay chiếu ! "

Ðọc chiếu xong, Khổng Minh nói :

- Trong nước không thể một ngày không Vua, phải lập Thái tử lên ngôi để lập giềng mối nhà Hớn.

Quần thần bèn ứng tiếng lập Thái tử Lưu Thiện lên ngôi Hoàng đế .

Lưu Thiện lên ngôi lấy niên hiệu Kiến Hưng nguyên niên.

Hậu Chúa phong Gia Cát Lượng làm Võ vương hầu, lãnh Ích Châu Mục.

An táng Tiên chúa nơi Huê Lăng, tôn hàm ân cha là Chiêu Liệt Hoàng đế , tôn hoàng hậu Ngô Thị làm Hoàng thái hậu, Tôn phu nhơn làm Chiêu liệt hoàng hậu, Mê phu nhơn làm hoàng hậu, thăng thưởng quần thần.

Còn Ngụy chúa hay tin Tiên Chúa đã thác thì cả mừng, nói :

- Nay Lưu Bị đã chết thì ta hết lo rồi. Vậy nên thừa cơ đánh lấy Tây Thục .

Giả Hủ can :

- Lưu Bị thác nhưng có di chúc cho Khổng Minh phải giữ gìn Hậu Chúa. Vậy chưa nên đánh !

Tư Mã Ý tâu :

- Lúc này chưa nên thì đợi lúc nào ?

Tào Phi cả mừng, nói :

- Chỉ có khanh là hiểu được ta !

Tư Mã Ý Tâu :

- Nếu chỉ cử binh nơi Trung quốc thì khó thắng. Bây giờ phải dùng 5 đạo đánh áp lại, làm Gia Cát Lượng lúng túng

thì ắt phải ngồi chịu thua.

Tà Phi nói :

- Phải dùng 5 đạo binh mã nào ?

Tư Mã ý tâu :

- Phải viết thư cho Tiêu Tử Vương quốc là Kha Tỷ Năng để mua lòng, rồi khiến y dẫn 1 đạo binh Tây Khương đánh Tây Bình Quan. Lại viết thư cho Man vương là Mạnh Hoạch khiến đem 10 vạn binh lấy Ích Châu , Vĩnh Xương, Trương Kha và Việt Huề . Lại khiến sứ qua Ðông Ngô giao hảo với Tôn Quyền, hứa cắt đất cho y rồi khiến đánh Lưỡng Xuyên, Giáp Khẩu, Bối Thành. Lại khiến Mạnh Ðạt là tướng mới đầu, dẫn binh vào phía Tây Hớn Trung ; lại khiến Tào Chơn làm đại Ðô đốc dẫn binh theo đường Kinh Triệu đánh Dương Bình Quan Tây Xuyên.Ðó là 5 đạo vậy . Tào Phi cả mừng, bèn lựa 4 viên quan tài giỏi làm sứ đi bốn nơi. Phong Tào Chơn làm đại Ðô đốc lãnh binh kéo thẳng đến Dương Bình Quan.



Còn bên Thục, từ khi Lưu Thiện lên ngôi, các tôi cựu thần già cả chết nhiều. Tất cả trào chính đều phó cho Khổng Minh. Lúc ấy Hậu chúa chưa lập hoàng hậu .

Khổng Minh bèn tâu :

- Con gái Xa kỵ tướng quân Trương Dực Ðức là người hiền hậu, trẻ tuổi, Bệ hạ nên chọn làm hoàng hậu.

Hậu chúa bèn y tấu.

Công việc trào chính vừa xong thì có tin Tào Phi cử năm đạo binh kéo thẳng tới Tây Thục.

Ðạo thứ nhất do Tào Chơn làm Ðô đốc đánh Dương Bình Quan. Ðạo thứ hai do Mạnh Ðạt đánh Hớn Trung. Ðạo thứ ba do Ðông Ngô đánh Giáp Khẩu. Ðạo thứ tư do Man Vương Mạnh Hoạch đánh Ích Châu. Ðạo năm do Kha Tỷ Năng đánh Tây Bình Quan. Tin đã báo cho Thừa Tướng.

Hậu chúa cả kinh cho mời Khổng Minh tới.

Nội thị trở về báo :

- Thừa Tướng đau không ra khách được .

Hậu chúa càng thất kinh. Qua bữa sau sai Huỳnh Môn đến tận giường Khổng Minh mà thưa việc lớn ấy. Nhưng các quan đều không vô được vì Khổng Minh đã dặn các môn lại không được cho ai đến.

Các quan than :

- Tiên chúa lúc thác đã cố lời phú thác cho Thừa Tướng . Nay Tào Phi cử binh năm đạo đến xâm lăng bờ cõi mà Thừa Tướng lấy cớ đau là ý gì ?

Giây lâu có quân môn thưa :

- Bệnh mới vừa khá. Thừa Tướng nhắn lời mời các quan cứ về mai sẽ ra đô đường nghị việc .

Sáng hôm sau các quan đều đến trước phủ Thừa Tướng mà cũng không thấy ra tiếp.

Lúc ấy, Ðỗ Quỳnh vào tâu với Hậu chúa :

- Thừa Tướng không chịu nghị việc. Vậy xin bệ hạ hãy thân chinh đến mà hối kế , Hậu chúa liền vào cung thưa mọi việc với Hoàng thái hậu.

Thái hậu thất kinh nói :

- Sao Thừa Tướng làm như vậy, chẳng phụ lòng Tiên đế sao ?

Ðồng Doãn tâu :

- Xin Hoàng thái.hậu an tâm. Chắc Thừa Tướng có kế chi đây . Vậy để chúa thượng đi trước, dẫu Thừa Tướng có ý chi thì Thái hậu sẽ hỏi sau cũng chưa muộn .

Thái hậu nghe theo.

Hậu chúa bèn ngự giá đến trướng phủ.

Kẻ môn lại thấy thánh giá bèn quì mọp mà lạy .

Hậu chúa hỏi :

- Thừa Tướng đâu ?

Kẻ môn lại thưa :

- Người ở đâu tôi thiệt không rõ. Song Thừa Tướng truyền phải ngăn các quan không cho ai vào .

Hậu chúa liền đi bộ vào thì thấy Khổng Minh đang chống gậy xem cá.

Hậu chúa bước tới sau lưng giây lâu rồi mới hỏi :

- Thừa Tướng có an vui chăng ?

Khổng Minh quay lại thấy Hậu chúa bèn quì lạy mà tâu :

- Tội tôi đáng chết .

Hậu chúa nói :

- Nay Tào Phi phân binh 5 ngả, đánh rất gấp. Sao Tướng phụ không lo việc ấy ?

Khổng Minh cười, tâu :

- Lẽ nào tôi không biết. Tôi chẳng phải xem cá. Mà đó là chỗ tôi đang lo .

Hậu chúa hỏi :

- Vậy phải liệu sao ?

Khổng Minh tâu :

- Bốn đạo binh của Kha Tỷ Năng, Mạnh Hoạch, Mạnh Ðạt và Ngụy tướng Tào Chơn tôi đã dẹp hết. Duy còn mình

phía Tôn Quyền tôi cũng đã tính ra một kế nữa rồi . Song phải có một người lời nói cho hay làm sứ đến đó. Ngặt vì chưa tìm ra .

Hậu chúa nghe nói nửa mừng, nửa sợ hỏi :

- Trẫm muốn biết kế của Tướng phụ đã dẹp các đạo binh kia thế nào ?

Khổng Minh tâu :

- Tiên chúa đã phú thác bệ hạ cho tôi. Tôi đâu dám chối. Ngặt vì cái hay của binh pháp là cơ mật, chớ tiết lộ ra. Tôi biết Khả Tỷ Năng đến Tây Bình Quan, nên đã sai Mã Siêu là người nhau rún ở Tây Lương, lại được lòng quân Tây Khương. Mã Siêu mà trấn nơi đó thì hết lo. Thế là một đạo quân đã dẹp rồi. Còn Mạnh Hoạch xâm phạm bốn quận, tôi đã sai người đem hịch văn đến cho Ngụy Diên làm kế nghi binh, ra tả vào hữu, rồi ra hữu vào tả. Man Vương thường đa nghi. Nếu thấy nghi binh chắc không dám cự , đạo quân thứ hai tôi đã dẹp xong. Còn Mạnh Ðạt đến Hớn Trung. Mạnh Ðạt với Lý Nghiêm kết nghĩa sanh tử. Nên tôi đã để Lý Nghiêm giữ Vĩnh An Cung. Tôi đã làm bức thư

giả bút tự của Lý Nghiêm gởi Mạnh Ðạt. Tất Mạnh Ðạt sẽ giả đau không ra đánh. Ðó là đạo binh thứ ba đã dẹp xong. Còn Tào Chơn đánh Dương Bình Quan, chỗ này hiểm trở nên đã sai Triệu Vân giữ chặn ải không ra đánh. Ấy là 4 đạo khỏi lo . Nhưng vì sợ sơ xuất nên sai Trương Bào và Quan Hưng đem binh phục các nơi hiểm yếu để phòng tiếp ứng cho Triệu Vân. Mỗi việc phải tức tốc báo về Thành Ðô cho tôi biết. Các việc này rất cơ mật nên triều thần không ai được biết.

Chỉ còn mệt đạo do binh Ðông Ngô thì chưa rục rịch vì còn ngóng xem bốn đạo kia có thắng thì mới đến đánh, còn như bốn đạo kia bại thì họ đâu có động binh.

Hậu chúa cả mừng. Vừa bước ra khỏi dinh, các quan đứng đón ở ngoài thấy Hậu chúa hớn hở thì mừng thầm. Trong số đó có Ðặng Chi tự Bá Miêu, giữ chức Hộ Bộ thượng thư.

Khổng Minh bèn giử Ðặng Chi lại trò chuyện.

Khổng Minh hỏi :

- Hiện Thục, Ngụy,. Ngô chia thành ba chân vạc, nếu muốn dẹp hai nước Ngô, Ngụy để thầu gồm một mối thì phải đánh nưới nào trước.

Ðặng Chi nói :

- Ngụy tuy là giặc của Hớn, nhưng binh mạnh lắm, chưa thể tính gấp. Theo tôi nên hòa với Ngô ; sau đó tính chuyện phạt Ngụy.

Khổng Minh cười lớn :

- Tôi nghĩ vậy đã lâu, song chưa kiếm được người làm sứ qua Ðông Ngô mà tính việc giao hảo. Nay ông rõ ý tôi. Ông hãy qua đó một phen .

Ðặng Chi nói :

- Tôi tài sơ, trí thiển, sợ không kham nổi việc lớn đó !

Khổng Minh nói :

- Mai tôi vào tâu với thiên tử. Bá Miêu cố đi một phen đừng chối từ !

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook