Tầng Đầu Địa Ngục

Chương 32

Aleksandr Solzhenitsyn

30/03/2016

Một cuộc gặp mặt khác

Gerasimovich hôn vợ.

Người canh chừng họ là một gã trẻ tuổi, ít nói và có vẻ hơi đần. Gã không coi chuyện vợ chồng tù nhân hôn nhau là quan trọng. Gã còn bối rối vì gã thấy gã xen vào cuộc gặp gỡ của vợ chồng người ta, gã muốn ngồi quay mặt vào tường trong suốt nửa tiếng đồng hồ nhưng không thể được, Trung tá Klimentiev đã ra lệnh là không một giây nào gã rời mắt nhìn tù nhân và cửa vào bảy phòng thẩm vấn phải mở rộng để ông có thể đi lại ngoài hành lang và nhìn được vào phòng để kiểm soát.

Thực ra, Trung tá Klimentiev cũng không coi việc vợ chồng tù nhân hôn nhau hay nắm tay nhau là quan trọng và cần phải cấm đoán. Y biết rằng những bí mật quốc gia không thể nào truyền đạt từ người này qua người khác nhờ những chiếc hôn nhưng mệnh lệnh của thượng cấp, y phải thi hành. Và y còn phải đề phòng cả những thuộc viên dưới quyền y, cả những tên tù, trong bọn này có những tên làm chỉ điểm cho thượng cấp và có thể báo cáo cả về y.

Gerasimovich và vợ hôn nhau nhưng đây không phải là chiếc hôn làm cho người hôn xúc động như thời họ còn trẻ mạnh. Chiếc hôn vụng trộm, ăn cắp từ những người có quyền, từ định mệnh không có màu sắc, không hương vị, không có mùi - đó là chiếc hôn xanh xám mà người ta thường trao đổi với một người thân đã chết ở trong giấc mơ.

Rồi vợ chồng họ ngồi xuống, ngăn cách bởi mặt bàn vẫn dùng để hỏi cung tù nhân.

Cái bàn nhỏ này có thể có một tiểu sử nhiều chi tiết hơn nhiều cuộc đời loài người. Trong nhiều năm, không biết bao nhiêu người đã ngồi cạnh nó, đã khóc, đã rùng mình vì kinh sợ, đã cố gắng chống cự mặc dù tuyệt vọng với cơn buồn ngủ rã rượi, đã nói lên những lời hào hùng, kiêu ngạo hoặc giận dữ, hoặc líu ríu cầm lấy bút ký lên những bản tố cáo những người thân của họ. Những người ấy không có bút chì hay bút mực, họ chỉ được cầm bút những khi họ phải ký hoặc trong vài trường hợp họ phải viết, nhưng họ vẫn để lại được trên mặt bàn này những vết tích của họ.

Gerasimovich nhìn vào mặt vợ.

Ý nghĩ đầu tiên của anh là vợ anh đã trở thành quá xấu xí. Hai mắt nàng nhỏ lại. Có nhiều vết nhăn ở hai đuôi mắt và quanh miệng nàng. Làn da mặt nàng nhão, chảy xuống và Natasha như người lâu rồi không còn biết trang điểm là gì. Chiếc áo ngoài của nàng ra đời từ trước thời chiến tranh và cần được lộn mặt trong ra ngoài từ lâu. Những sợi lông thú trên cổ áo xác xơ và dính bết vào nhau, chiếc khăn choàng trên tóc nàng phải già đến cả mấy chục năm. Gerasimovich nhìn chiếc khăn choàng cũ kỹ ấy và anh lờ mờ nhớ rằng dường như anh đã mua cho vợ chiếc khăn choàng này bằng một phiếu trưng thu và vợ anh từng đội nó trong thời gian thành phố Leningrad bị quân Đức bao vây những khi nàng đi ra sông Neva lấy nước.

Gerasimovich cố ngăn chặn ý nghĩ chính nổi lên từ trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn anh. Đó là ý nghĩ vợ anh trước kia trông hấp dẫn và gợi tình đến chừng nào. Trước mặt anh bây giờ là một người đàn bà, người đàn bà duy nhất trên đời này là một phân nửa của anh. Trước mặt anh bây giờ là người đàn bà chia sẻ những ký ức của anh. Những người thiếu nữ tươi trẻ nhưng hoàn toàn xa lạ với anh, những người có những kỷ niệm riêng, những ghi nhớ riêng, làm sao có thể có giá trị với anh bằng người đàn bà này?

Natasha chỉ mới bắt đầu bước vào tuổi mười tám khi họ gặp nhau lần đầu tiên trong một căn nhà ở Srednaya Podyacheskaya, gần cầu Livniny. Ngày đó là đầu năm 1930. Chỉ còn sáu ngày nữa là đúng hai mươi năm.

Năm Natasha mười chín tuổi, anh bị bắt lần đầu vì tội phá hoại.

Gerasimovich bắt đầu làm việc như là một kỹ sư trong một giai đoạn mà danh từ "kỹ sư" được coi là đồng nghĩa với danh từ "kẻ thù". Và trong giai đoạn ấy người ta sẵn sàng nghi cho những kỹ sư làm công tác phá hoại. Ngày đó Gerasimovich vừa mới tốt nghiệp, anh mang kiếng trắng vì mắt kém và cặp kiếng trắng này làm cho anh giống hệt với hình vẽ những tên trí thức làm gián điệp cho địch in trên những tờ bích chương dán khắp nơi trong những năm 30. Anh gật đầu chào tất cả mọi người, kể cả những người anh không cần phải chào, và anh luôn miệng nói: "Tôi xin lỗi" bằng một giọng dịu dàng, lễ độ. Trong những cuộc mít-tinh, anh hoàn toàn im lặng và ngồi như con chuột. Anh không hiểu cả rằng anh làm cho người ta khó chịu đến là chừng nào.

Nhưng dù họ có chuẩn bị buộc tội anh kỹ càng đến thế nào đi nữa, họ cũng chỉ có thể ghép anh vào tội phá hoại mơ hồ và kết án anh ba năm tù. Khi anh đi đến sông Amur, anh được sống tự do không bị kiểm soát. Vợ chưa cưới của anh theo anh đến đó và họ trở thành vợ chồng.

Trong thời gian họ sống ở bên sông Amur, gần như là không đêm nào hai vợ chồng không mơ thấy thành phố Leningrad. Họ bắt đầu chuẩn bị để trở về Leningrad vào năm 1935, nhưng cũng đúng năm ấy, nhiều làn sóng tù nhân mới đổ dồn về phía họ.

Natasha Pavlona cũng quan sát chồng nàng rất kỹ. Từng có thời gian nàng trông thấy khuôn mặt chồng nàng có đổi khác. Nàng từng thấy đôi môi Gerasimovich trở thành cứng rắn, đôi mắt anh trở thành lạnh lùng, gần như tàn ác, sau làn kiếng trắng. Illarion Pavlovich thôi không còn chào người lạ nữa, thôi không nói: "Tôi xin lỗi" nữa. Anh luôn luôn bị người ta chê bỏ vì quá khứ của anh. Anh bị người ta cho nghỉ việc liên tiếp và sau đó, anh bị người ta trao cho làm những việc không xứng đáng với tài năng và học thức của anh. Vợ chồng họ lang thang, phiêu bạt khắp nơi, sống đói khổ và nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Họ chết mất đứa con gái, rồi con trai họ cũng chết. Cuối cùng, họ đánh nước liều: đằng nào cũng chết, họ trở về Leningrad. Họ về tới đó vào tháng sáu năm 1941.

Ở đó họ lại càng khó sống, những bản khai lý lịch làm cho Gerasimovich không sao tìm được việc làm trong những cơ xưởng, những phòng thí nghiệm. Anh phải làm những việc lao động chân tay để sống. Suốt một mùa thu năm ấy anh đào chiến hào, giao thông hào và hầm hố quanh Leningrad. Chiến sự lan đến. Khi những bóng tuyết đầu tiên của mùa đông rơi xuống, anh trở thành phu đào huyệt chôn người chết.

Trong thành phố bị bao vây, nghề phu đào huyệt là nghề cần đến nhiều nhân công nhất và cũng là nghề kiếm ăn dễ nhất. Để đền ơn cho những kẻ chôn những người bạn của mình, những chiến sĩ chưa chết đưa cho những người đào huyệt những phần bánh mì của họ.

Người ta không thể không xúc động đến run rẩy khi ăn những mẩu bánh ấy, xong Gerasimovich tìm được một lý do để tự bào chữa, anh nói: "Người ta thương hại mình nhưng mình không cần ai thương hại hết".

Và vợ chồng họ sống sót. Nhưng trước khi thành phố được giải tỏa hoàn toàn, Gerasimovich đã bị bắt lại vì tội mưu toan phản quốc. Năm đó ở Leningrad, rất nhiều người bị bắt vì tội mưu toan như thế.

Natasha Pavlovna nhìn kỹ lên khuôn mặt chồng nàng, nàng ngạc nhiên khi không tìm thấy trên khuôn mặt ấy những dấu vết của cuộc sống tù tội. Đôi mắt anh vẫn biểu lộ sự thông minh bình thản sau làn kiếng trắng. Hai má anh không nhăn, mặt anh không có một vết nhăn. Bộ y phục anh mang trên người là một bộ đắt tiền. Chiếc cravatte anh thắt trên cổ áo thẳng và gọn.

Người ta có thể nghĩ trong hai vợ chồng, người vợ là người ở tù chứ không phải là người chồng.



Và ý nghĩ không đại lượng đầu tiên hiện lên trong óc Natasha là chồng nàng thực sự sống sung sướng trong cái nhà tù đặc biệt ấy. Anh không bị hành hạ, anh bận rộn với công tác khoa học mà anh thích làm và anh không bận tâm gì đến người vợ sống khổ sở bên ngoài.

Nàng cố đè nén ý nghĩ oán trách đó.

Nàng hỏi bằng một giọng yếu ớt:

"Mình sống trong đó ra sao?"

Như là nàng đã chờ đợi mười hai tháng để được gặp mặt chồng, đã nghĩ đến người chồng trong 360 đêm dài nằm lạnh trên chiếc giường nhỏ kê bên khung cửa sổ bám đầy băng tuyết chỉ để hỏi chồng: "Mình sống trong đó ra sao?".

Và Gerasimovich, người mà cuộc đời chỉ là một chuỗi ngày tù đày dài và liên tiếp, bình thản trả lời:

"Không đến nỗi nào…"

Họ chỉ có ba mươi phút đồng hồ để ngồi trước mặt nhau. Những giây phút đó đang trôi qua. Họ có cả trăm câu hỏi để hỏi nhau, cả ngàn ao ước và than thở để thổ lộ với nhau. Và Natalya Pavlovna hỏi chồng:

"Mình biết cuộc gặp này từ bao giờ?"

"Cách đây hai ngày. Còn em?

"Hôm thứ ba. Ông Trung tá hồi nãy còn hỏi em là có phải em là em gái của mình không".

"Bởi vì chính mình trùng tên thánh?"

Natalya gật đầu.

Khi họ bắt đầu hứa hôn với nhau, và nhất là trong thời gian họ sống với nhau trên sông Amur, mọi người đều tưởng rằng họ là anh em. Họ có cái vẻ bên ngoài sung sướng, hồn nhiên và sự giống nhau trong tâm hồn làm cho họ gần nhau hơn cả vợ chồng.

"Còn em sao? Có khổ sở lắm không?"

"Sao anh lại hỏi em thế?" - Nàng lo âu hỏi lại - "Anh biết ư?"

"Biết gì?"

Anh biết, nhưng anh không biết rõ, không biết hết. Anh biết rằng ở bên ngoài, cuộc đời những người vợ tù khổ sở ghê gớm. Họ bị hành hạ, họ bị tẩy chay vì chồng họ là tù.

Nhưng làm sao anh có thể biết rằng trong ngày thứ tư vừa qua vợ anh đã bị đuổi khỏi sở làm vì nàng là vợ anh? Và từ ba ngày nay, sau khi nhận được giấy gọi đi thăm chồng, nàng đã ngừng không còn đi tìm việc nữa. Nàng chờ đợi cuộc gặp mặt này như nó sẽ gây ra một phép lạ, và nó sẽ đem ánh sáng đến chan hòa đời nàng, chỉ cho nàng biết nàng phải làm gì.

Xong làm sao chồng nàng có thể khuyên được nàng nên làm gì, vì chồng nàng là người đã ở tù quá nhiều năm, chồng nàng hoàn toàn không còn quen thuộc gì với những cách sống của người thường.

Natalya phải chọn một quyết định: ly dị chồng hay không.

Trong căn phòng lạnh, xám và trơ trụi mà ánh sáng chỉ yếu đuối len vào được qua khung cửa sổ có chấn song sắt, cuộc gặp mặt và hy vọng ở một phép lạ của nàng đã trôi đi.

Natalya Pavlovna, trong nửa tiếng đồng hồ ngắn ngủi này, hiểu rằng nàng không thể diễn tả được sự cô đơn và đau khổ của nàng với chồng nàng. Nàng thấy rõ chồng nàng đi theo một dòng đời riêng, sống một cuộc đời riêng. Đằng nào chồng nàng cũng không thể hiểu, làm cho chồng nàng hoảng loạn nào có ích lợi gì?



Người gác đi tới gần tường và đứng chắp hai tay sau lưng nhìn ngắm màu vôi quét trên đó.

"Nói cho anh biết em sống ra sao đi…"

Illarion Pavlovich nắm bàn tay vợ trên mặt bàn. Ánh mắt anh sáng lên niềm trìu mến từng an ủi nàng nhiều trong thời gian đôi vợ chồng sống cực khổ trong thành phố bị bao vây.

"Larik… Mình có thể… Mình có cách nào ra khỏi đó sớm hơn không?"

Nàng muốn hỏi chồng về những biện pháp để có thể sớm ra khỏi tù. Trước đây, hồi sống trong trại tập trung bên sông Amur, anh đã làm việc mỗi ngày nhiều bằng hai người và nhờ vậy, hạn tù của anh đã được giảm đi.

Illarion lắc đầu:

"Không có cách nào thâu ngắn hạn tù cả. Công việc ở đây không giống như việc anh làm trước kia. Ở đây người ta phải phát minh ra được một cái gì lớn, quan trọng mới hy vọng được ra sớm. Nhưng có điều đáng nói là ở đây" - anh liếc nhìn người gác - "…không ai muốn phát minh gì hết".

Anh không còn có thể nói được rõ hơn.

Anh đưa bàn tay vợ lên áp vào má anh.

Ở trong thành phố Leningrad băng giá năm xưa anh có thể nhận những mẩu bánh mì của những người sắp chết trong ngày mai. Nhưng ở đây anh không thể…

"Em có cô đơn lắm không? Em có buồn lắm không?"

"Buồn?"

Trái tim Natalya se thắt lại vì giờ đây cuộc gặp mặt đã gần chấm dứt và nàng sắp phải đi một mình trên những đường phố vắng của khu Lefortovo, tâm hồn không được thêm một điều gì mới, không một khuyến khích, một an ủi, nàng sẽ lại trở về với cô đơn. Về với cuộc sống không mục đích, vô nghĩa, cuộc sống như bông xám.

"Natalochka…! Em nên nghĩ đến chuyện hạn tù của anh đã qua được nhiều rồi. Chỉ còn ba năm nữa. Ba năm nữa thôi…"

"Chỉ còn ba năm…"

Natalya ngắt lời chồng, giọng nàng run lên và nàng biết nàng không sao còn tự chế ngự được nữa:

"Chỉ còn ba năm? Với anh… thì đúng là chỉ còn ba năm. Người ta có cho anh ra ngay bây giờ anh cũng không muốn. Anh sống với những người bạn của anh, sống với công việc anh thích. Anh không bị ai xô đuổi… Còn em… Em đã mất sở làm, em không còn gì bám víu để sống. Em hết sức rồi, em không còn chịu đựng được nữa. Em chết ngay đi còn hơn. Bọn sống cùng một nhà với em hành hạ em đủ cách. Họ liệng rương của em ra sân, họ phá đồ đạc trong phòng em. Họ biết em không dám nói nửa tiếng. Họ biết họ có thể đuổi em ra khỏi Mạc Tư Khoa. Em không còn đi lại với các em của em, với dì Zhenya. Họ bảo em là con ngu. Họ khuyên em ly dị và làm lại cuộc đời. Bao giờ thì em hết khổ? Anh thấy em tàn tạ như thế nào không? Em mới có ba mươi bảy tuổi nhưng ba năm nữa em sẽ là bà già. Em về nhà nhưng em không còn sức nấu ăn cho em, em không còn sức dọn dẹp trong phòng. Em nằm xuống và em không còn dậy nổi. Larik… anh yêu… nếu còn thương em, anh hãy nghĩ cách làm sao mau ra khỏi đó. Anh có thể nghĩ được cách nếu anh muốn. Hãy sáng chế cái gì cho họ đi. Cứu em với. Cứu em!"

Nàng không muốn nói như thế nhưng nàng đã nói. Tim nàng như vỡ trong ngực nàng. Nàng run lên vì những tiếng nấc nghẹn và nàng hôn lên bàn tay chồng. Rồi nàng gục đầu xuống mặt bàn, nơi từng hứng không biết bao nhiêu giọt lệ.

"Xin đừng làm ồn…"

Người gác nói như chính y là người có lỗi, y lấm lét nhìn ra cửa.

Nét mặt Gerasimovich sắt đanh lại. Những tiếng nức nở nghe không êm tai, không đẹp chút nào vang ra tận hành lang. Bóng dáng Klimentiev hiện ra giữa khung cửa. Y trợn mắt nhìn vào lưng người đàn bà đang khóc. Y muốn bước vào nhưng lại do dự. Sau cùng, y đưa tay ra với cánh cửa, đóng lại.

Trong những điều cấm không có điều nào cấm khóc. Tuy nhiên nếu những cuộc gặp gỡ này không có nước mắt vẫn tốt hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Tầng Đầu Địa Ngục

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook