Tắt Đèn Kể Chuyện Ma

Chương 10: Cái chết của ma

Loan Bảo Quần

21/10/2014

Trong cuốn Luận hoành - Luận tử[1] có viết:

[1] Nghĩa là: bàn về sự cân bằng và cái chết.

Từ buổi khai thiên lập địa đến nay, kề từ khi loài người mới xuất hiện, cái chết đến tùy theo tuổi thọ. Số người chết yểu ở độ tuổi trung niên tính đến hàng vạn, hàng tỷ người. Tính ra số người đang sống hiện nay không thể nhiều bằng số người đã chết. Người chết rồi sẽ trở thành ma, và tại mỗi con đường trên trái đất, cứ một bước đi là một con ma.

Khi nói câu này, chắc chắn Vương Trọng Nhậm chưa hề đi khảo sát thực địa về môi trường sinh thái dưới âm phủ, mà chỉ đứng từ góc độ của con người để suy đoán về thế giới ma quỷ, cũng giống như loài côn trùng mùa hạ không thể bàn xét về băng, vậy chúng ta cũng chẳng cần băn khoăn thêm về những điều trống rỗng vô căn cứ ấy. Ngay như sự suy đoán “tại mỗi con đường trên trái đất, cứ một bước đi là một con ma” là hoàn toàn không phù hợp với bản chất của ma quỷ. Thứ nhất, những linh hồn ma quỷ di chuyển có thể xuyên tường xuyên khe, có hình mà không để lại vết tích, vậy thì hà tất chúng phải chen chúc trên những ngả đường của con người? Thứ hai, linh hồn ma quỷ là thứ hữu hình mà vô chất, Xích Quách chuyên lấy ác quỷ làm lương khô, sáng nuốt hết ba nghìn, chiều nuốt hết ba nghìn, chiếc bụng tròn căng đến bảy trượng - cho dù bên trong chiếc bụng đó là cả một chiếc dạ dày lớn, không hề có các cơ quan nội tạng khác, thì chắc nó cũng chỉ xấp xỉ một phòng khách rộng bốn, năm chục mét vuông là cùng - vậy mà có thể chứa được hàng nghìn con quỷ, vậy trong cái không gian của “một bước đi” chen chúc được hàng trăm con quỷ là điều hoàn toàn có thể chứ! Đương nhiên, nếu nhân gian cứ luôn là một số lượng vô tận và tăng theo cấp độ hình học, hơn nữa số lượng này được dịch chuyển từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, vậy thì hàng ngàn, hàng vạn năm sau, loài người chúng ta khó có thể trông chờ vào một kết quả lạc quan, cho dù các linh hồn ma quỷ kia không sợ đông đúc thì các bậc thần tiên trong tam giới cũng phải đau đầu khi chứng kiến cảnh tượng chật chội, chen chúc ấy. Vì vậy, cần phải có cái thứ ba, tức âm phủ có cơ quan chính phủ hoạt động hiệu quả, có những thủ thuật riêng trong việc khống chế số lượng ma quỷ.

Giới tự nhiên giản đơn nhất được áp dụng theo phép luân hồi của đất Tây phương (tức Ấn Độ, Trung Quốc có thuyết chuyển thế). Nếu như quan niệm về âm phủ của dân tộc Trung Hoa đã được luân hồi hóa, vậy thì diêm phủ của chúng ta sẽ trở thành một trạm trung chuyển khổng lồ, mọi sinh linh không ngừng đổ về nơi đây, kết thúc tất cả những món nợ, những oan nghiệt của kiếp trước, để rồi lại chia ra quay trở về với lục đạo (trời, người, tu la (vô tửu đạo), ma đói, súc vật và địa ngục), hiệu suất phân phát của nó chắc chắn chẳng thua kém hệ thống bưu điện của người trần ngày nay. Như trong Thập vương kinh có viết: “Bảy bảy bốn mươi chín ngày mới qua được bảy điện Diêm La, nếu muốn đi qua được tất cả mười điện Diêm La, thì phải đợi đến ba năm sau mới qua được.” Đó chẳng qua là những điều khoản bá vương của các ông thầy pháp sư, các vị hòa thượng, chúng dùng để bắt nạt những tang gia không hiểu biết, cố ý khiến mọi việc trở nên rề rà. Tóm lại, lúc này âm phủ đã trở thành một kho hàng chuyển phát nhanh tạm thời, vì thế không thể tồn đọng được bao nhiêu kinh hồn ở đó.

Nhưng ở thời đại Vương Sung, quan điểm về luân hồi vẫn chưa được chào đón chính thức, và quan trọng hơn đó là con người chúng ta có sự tự tin để tự mình giải quyết vấn đề, cho dù không có thánh giáo của triết học Tây phương thì con người hoàn toàn dư thừa khả năng để ứng phó với mọi sự việc. Vì thế, thủ thuật khống chế số lượng linh hồn mà chúng tôi nói tới ở đây cũng chỉ nằm trong giới hạn “hàng nội” mà thôi. Những thủ thuật này tuy không quá nhiều, hoặc có thể giảm bớt căng thẳng trong việc giúp ma quỷ chuyển đổi từ lớn sang nhỏ, hoặc có thể khiến cho việc chuyển biến thêm phần lịch liệt hơn, khiến cho quỷ chết thêm một lần nữa, sau đó được thanh lý sang một thế giới khác. Nhưng dù thế nào đi nữa, âm phủ đến nay vần là một thế giới thái bình.

Ma mới lớn, ma cũ nhỏ

Đây là câu nói xuất hiện trong chương Văn công nhị niên của Xuân Tu tà thị truyện, nguyên văn như sau:

Tháng Tám mùa thu năm Đinh Mão, trong buổi cúng tế tại đại miếu, người ta đưa bài vị của Hy Công đặt trên bài vị của Mẫn Công (Mẫn Công là cha ruột của Hy Công), đây là việc thờ cúng không theo thứ tự. Khi đó, Hạ Phụ Phất Kỵ đảm nhiệm chức Tông Bá (chuyên lo việc cúng tế của vương tộc), ông ta rất tôn sùng Hy Công, hơn nữa ông còn tuyên bố điều mình đã từng gặp: “Ta nhìn thấy ma mới lớn, ma cũ nhỏ, trước lớn sau nhỏ, âu cũng là thuận theo lẽ trời. Đưa bài vị của Thánh thượng lên trên là điều hoàn toàn sáng suốt. Sáng suốt, thuận theo thứ tự là phù hợp với quy định thờ cúng.”

Hạ Phụ Phất Kỵ là quan Tông bá của nước Lỗ, chuyên lo việc cúng tế trong vương tộc, cái “lớn” và cái “nhỏ” mà ông ta nói là chỉ tuổi tác hay thứ bậc của người đã chết, xưa nay vẫn tồn tại nhiều tranh luận. Nhưng bản thân tôi thấy rằng, Hạ Phụ Phất Kỵ còn đề cập đến cả hình thể lớn nhỏ của ma quỷ. Số lượng tổ tiên thờ cúng trong điện của các dòng họ không thể là một con số vô cùng vô hạn, ngoài thủy tổ ra, tất cả những liệt tổ liệt tông khác sẽ dần bị đào thải theo thời gian. Nói một cách cụ thể, chính là những người không phải là nam giới bên họ nội, xin mời ra khỏi điện thờ họ. Trong các cuộc tế lễ, đây chính là nghi lễ tổ tiên đời trước rời xa tổ tiên đời sau (đương nhiên là ngoại trừ thủy tổ), nếu xét theo góc độ của những hồn ma thì đây chính là nghi lễ ma cũ xa ma mới. Những tổ tiên đời trước sẽ dần bị mời rời khỏi điện thờ họ theo từng đời, tuy nhiên họ vẫn được hưởng thụ sự thờ cúng của con cháu, nhưng địa vị của họ đã khác theo từng thế hệ. Sự bất an về tâm lý của thế hệ con cháu có khả năng được xoa dịu bởi “cách nói” của văn hóa âm phủ, cái gọi là “ma mới lớn, ma cũ nhỏ” chẳng phải là sáng kiến của bản thân Hạ Phụ Phất Kỵ, mà là một loại ý thức văn hóa âm phủ của con người thời bấy giờ, câu nói này có khả năng hàm chỉ những linh hồn sẽ không ngừng nhỏ dần theo năm tháng, cho tới lúc hoàn toàn tiêu tan hết.

Dường như u Dương Tu là người đầu tiên nhìn nhận câu nói “ma mới lớn, ma cũ nhỏ” từ góc độ quỷ thần, vượt qua cả nghi lễ thờ cúng của tông pháp về mặt văn tự. Theo Đông hiên bí lục, quyển mười hai có nói, mười bảy tuổi, u Dương Tu tham gia kỳ thi huyện, đề ra bàn về từ “诬” (“vu” trong “vu cáo”) trong Tà thị truyện (tức kiểu bàn luận tự do. Có cách nói cho rằng, chữ “vu” là sự nhầm lẫn của chữ “巫” (“vu” có nghĩa là thầy cúng”)), có “thạch ngôn vu Tống, thần giáng vu sần”[2]. Thời bấy giờ, khi ai đó nói rắn ngoài thành cắn chết rắn trong thành (ở đô thành nước Trịnh), hay ma mới lớn, ma cũ nhỏ là những điều rất ‘mới lạ”. Những việc như “viên đá biết nói ở nước Tống” đều là những việc “quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ thần”, và u Dương Tu đã đưa “ma mới lớn, ma cũ nhỏ” liệt vào trong hàng ngũ đó, rõ ràng chữ “quỷ” ở đây được ông nhìn nhận thành hồn ma của người đã chết.

[2] Nghĩa là: có viên đá biết nói ở nước Tống, có thần tiên hạ giới ở huyện Tân (này là Liêu Thành, Sơn Đông).

Duyệt vi thảo đường bút ký, quyển hai có đoạn đã nói rất rõ về sự việc này:

Cái gọi là quỷ chính là chỉ dư khí của con người. Thứ khí đó sẽ dần dần tiêu tan hết, chính như “Tả truyện” có nói “ma mới lớn, ma cũ nhỏ”. Trên thế gian này, đã có người gặp ma, nhưng chưa ai từng thấy con ma nào trước hồn ma của vua Phục Hy và vua Hiên Viên, bởi dư khí của chúng đã tiêu tan hết.

Đây là sự giải thích rất hay, rất thú vị. Thời nay chúng ta nói về quỷ, dù thân phận của con ma đó có không rõ ràng, nhưng nó hoặc là mặc âu phục, đi giầy da, hoặc là mặc quần đùi áo thun, chứ rất ít thấy ma mặc áo choàng dài (trang phục đời Thanh), mũ cao áo dài (cho dù thi thoảng nằm mơ cũng chỉ là những nhân vật trên sân khấu hoặc trong phim truyền hình mà thôi), và càng không thể gặp những “con ma trước thời vua Phục Hy” chỉ mang trên người vài tấm lá che thân. Những con ma từ thời xa xưa ấy không chỉ biến đổi kích cỡ từ to sang nhỏ, mà chúng còn “tiêu tan dần theo thời gian”, cuối cùng không còn tồn tại nữa. Từ đó có thể liên tưởng rằng, Diêm La Vương ngày nay chắc cũng là những kẻ com lê, thắt cà vạt, ngồi trên chiếc ghế xoay sau chiếc bàn làm việc như các ông sếp với một chiếc bụng bia, phía sau là một loạt những quyển Lục pháp toàn thư đóng bìa cứng in chữ mạ vàng, còn những tên đầu trâu mặt ngựa chắc sẽ trở nên lệch pha nếu không đội trên đầu những chiếc mũ rộng vành.

Trong mẩu chuyện Oan hồn đòi mạng, quyển mười hai, cuốn Tử bất ngữ của Viên Mai có viết:

Vào giữa năm Mậu Dần thời vua Càn Long (năm 1758), Tiêu Tùng Bồ và Thẩm Nghị An cùng đến làm thư lại tại nha huyện Phiên Ngu, đảm nhiệm các vụ tố tụng hình sự. Nơi ở của Thẩm Nghị An cách phòng của Tiêu Tùng Bồ chỉ một bức tường. Nửa đêm, khi Tiêu Tùng Bồ đang lật xem lại các quyển án trạng, bỗng nghe bên phòng của Thẩm Nghị An có tiếng ngựa hí rất khẽ, thấy kỳ lạ liền nhòm qua khe hở trên bức vách. Từ khe hở, chỉ nhìn thấy Thẩm Nghị An đang nhoài người ra bàn viết công văn, cây bút trên tay viết không ngừng, lại có ba bốn con ma không đầu đang đứng bên cạnh Nghị An, trong tay chúng đang giữ chiếc đầu của chính mình. Và kinh hãi hơn, có một đám ma con đang quỳ xung quanh chiếc bàn mà Nghị An đang viết.

Vụ án mà Thẩm Nghị An đã xử là một vụ án giết người nghiêm trọng, trong đó có hai đối tượng tình tiết nhẹ tội hơn, có thể bị xử chết hoặc không. Những con ma đang giữ chiếc đầu của mình là những hồn ma bị hại, đương nhiên mong muốn của chúng là giết hết những kẻ đã hại chúng. Còn đám ma con quỳ quanh bàn chính là tổ tiên của hai đối tượng phạm tội trên, chúng quỳ trên đất để cầu xin cho hai tên tù nhân kia được miễn tội chết. Điều đáng chú ý là, những hồn ma là tổ tiên của hai tên tù nhân kia đều là “ma con”. Tại sao lại là ma con? Chính là bởi “ma cũ nhỏ” mà thôi.



Nói rằng “ma cũ nhỏ”, điều này tuyệt đối không thể coi là loại truyện ma quỷ được kể một cách tùy tiện, nó có ý nghĩa sâu sắc trong các lễ nghi phong tục dân gian. Không cần phải nói đến những thứ khác, nếu như những con ma cũ không nhỏ dần đi và cuối cùng là tiêu tan hết thì âm phủ sẽ đông đúc đến mức chẳng còn chỗ để đặt chân, và cũng vì thế người sống sẽ chẳng thể lo nổi công việc tảo mộ hàng năm. Hơn nữa, nếu đề cập đến những ngôi nhà mồ đơn sơ - nơi gửi gắm hình dạng của những linh hồn, thì khó có thể nói chắc chắn được rằng, xã hội loài người lúc đó có còn không gian dành cho người sống nữa hay không. Vì thế, cách nói “ma cũ nhỏ” của thế giới âm phủ chính là việc “già rồi chết” của thế giới người sống.

Nhưng sự việc đâu có giản đơn như vậy. Nếu đem lý thuyết “ma mới lớn, ma cũ nhỏ” làm kim chỉ nam cho việc sáng tác truyện ma, vậy thì sức hấp dẫn của đề tài văn học này sẽ giảm đi rất nhiều, bởi trong rất nhiều những câu chuyện ma quỷ đó, những hồn ma của thế giới âm phủ không những không nhỏ đi rồi tiêu tan mất, mà chúng còn không bị già đi theo thời gian. Trong tác phẩm U minh lục của tác giả Lưu Nghĩa Khánh, tướng quân Tư Mã Điềm cai quản vùng An Bắc thời Đông Tấn nằm mơ thấy Động Ai vẫn trong dáng vẻ của một ông lão râu tóc bạc phơ, khi bị giết, Động Ai đã ngoài bảy mươi tuổi, vì thế ông lão trong giấc mơ vẫn mang hình dáng diện mạo như khi còn sống. Trong quyển sáu, cuốn Dị uyển[3] của Lưu Kinh Thúc có viết, sau khi vào thành Lạc Dương, Ngôn Lục Cơ nằm mơ thấy hồn ma của Vương Bật vẫn trong dáng vẻ của một chàng trai trẻ. Đây là những việc xảy ra cách nhau khoảng trăm năm. Trong tác phẩm Tuyên thất chí của Trương Độc thời nhà Đường có viết, vào giữa năm Đường Nguyên Hòa (vua Hiến Tông thời Đường) có vị tiến sĩ tên Lục Kiều gặp hồn ma của Thẩm Ước, hai thời điểm cách nhau gần bốn trăm năm, nhưng Thẩm Ước vẫn “cao lớn, lượt là, thanh tú, khoan thai”. Phần Lưu môn nô trong tác phẩm Quảng Dị ký của Đới Phù có ghi, vua Đường Cao Tông gặp hồn ma của thái tử - con trai Sở Vương Mậu đời Hán, hai thời đại cách nhau đã bảy trăm năm, trong phần Triệu tá viết, vua Đường Huyền Tông gặp hồn ma của Tần Thủy Hoàng, hai thời đại cách nhau gần nghìn năm. Những hồn ma đó vẫn giữ nguyên hình dáng của họ như khi còn sống.

[3] Nghĩa là: khu vườn ma quái.

Những câu chuyện trên chẳng quan tâm tới quy luật “ma cũ nhỏ”, nhưng lại có một tình tiết bắt buộc người ta phải chú ý tới, chính là những con ma này đều là “ma nổi tiếng”, cũng giống như những người thuộc lớp những người quyền quý, đức cao vọng trọng, những nghệ nhân, danh sĩ, nhà báo, mỹ nhân, luật sư nổi tiếng trong xã hội loài người. Trong tác phẩm Thủy song xuân nghệ, u Dương Triệu Hùng, người đời Thanh đã kể lại một sự việc, tuy chủ yếu bàn về chuyện “ma cũ nhỏ”, nhưng lại liệt những con “ma nổi tiếng” ra ngoài, Trương Sán là người Tương Đàm, tính Hồ Nam, tự nói mình có thể nhìn thấy ma:

Người chết đã nhiều năm, linh hồn của họ sẽ biến nhỏ dần, nhưng hồn ma của những người giàu có, nổi tiếng thì không vậy. Có thể thấy, từ cách nói “ma mới lớn, ma cũ nhỏ” trong Tả truyện, cho đến thuyết “gạn lọc tinh hoa”, nếu ai đó không hiểu rõ về quỷ thần sẽ chẳng thế nào hiểu được cái tinh hoa trong đó.

Điều này cũng được lấy từ quan điểm về ma quỷ Tử Sản (cháu đích tôn của vua Trịnh Mục Công). Tử Sản bàn về ma quỷ có phần phóng đại, trở thành một mục lớn trong tư tưởng Trung Quốc. Quan điểm của ông có ảnh hưởng lớn tới quan niệm về quỷ thần của Nho gia Trung Quốc, sau này được giới thiệu với tư cách chuyên đề. Ở đây, chúng tôi chỉ nói một cách sơ lược, con người sau khi chết, linh hồn của họ sẽ phân tán vào hư không rồi tiêu tan hết, nhưng chúng sẽ không tan hết ngay tức khắc mà còn tùy vào từng người. Những linh hồn tiêu tan nhanh, tất nhiên sẽ không trở thành ma quỷ hay những oan hồn, còn những linh hồn tạm thời chưa tiêu tan được, tuy chúng có thể trở thành hồn ma một thời gian, nhưng cuối cùng cũng vẫn phải tiêu tan hết. Vậy tại sao có những linh hồn lang thang không thể tiêu tan ngay lập tức? Có hai điều kiện, một là đột tử, vì thế tinh lực của người đó vẫn chưa tiêu tan hết, hai là, những người thuộc gia đình quyền quý, hằng ngày được cung cấp dư thừa chất dinh dưỡng, tuy lúc đó người đã ngừng thở, nhưng thuộc loại “đầu trong đèn vẫn chưa đốt hết”. Như vậy thiết nghĩ rằng, trong những lời mà Trương Sán nói dường như được gác lên một tầng ý nghĩa nữa, những câu chuyện ma quỷ rất ít nói tới ma quỷ thời cổ đại, thi thoảng có nói tới thì cũng là hồn ma của những người nổi tiếng, đó là vì những hồn ma “giàu có, quyền thế” sẽ không bao giờ bị biến nhỏ đi. Tuy nhiên, quan điểm này cũng chưa thật xác đáng, bởi trong các câu chuyện ma, tuy thường nhắc tới những hồn ma danh tiếng ở thời cổ đại, nhưng lại không phát hiện ra rằng, đa số những hồn ma ấy thực ra chỉ là yêu tinh biến rằng. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vạn sự trong nhân gian đều vàng thau lẫn lộn, danh nhân làm ra những quảng cáo lừa phỉnh, quảng cáo lại tạo ra những danh nhân giả mạo, và muốn có được tính minh xác trong những sự việc của thế giới ma quỷ lại càng khó khăn hơn.

Nhân tiện đây cũng xin nói thêm rằng, còn có cách nói hoàn toàn đối nghịch với cách nói “ma cũ nhỏ”, đó là ma quỷ không những không nhỏ dần theo thời gian, mà ngược lại chúng còn lớn dần theo năm tháng. Nhưng cách nói này rất ít gặp, và xem chừng cũng chưa được mọi người đồng thuận. Lưu Nghĩa Khánh trong U minh lục có viết:

Lưu Đạo Tịch và em trai họ là Khương Tổ thời trẻ không tin trên đời có ma. Nhưng người anh họ là Hưng Bá từ nhỏ đã từng gặp ma, hai bên tranh cãi nhau không phân thắng bại. Cuối cùng Hưng Bá nói: “Hai đệ à, trên cây dâu ở phái đông đại sảnh nhà chúng ta có một con ma, hiện giờ con ma ấy hãy còn nhỏ, không cần phải sợ, chỉ sợ rằng sau khi lớn lên, nó không những không rời khỏi đây, mà còn tìm cách hại người.”

Nhưng tôi có cảm giác rằng, con ma được nói tới ở đây không phải là hồn ma của con người, mà là ma thuộc loại ma quái ôn dịch. Nhưng dù có là thứ gì đ chăng nữa thì ngay lúc đó nó cũng đã bị giết chết bởi giọng nói và tiếng cười của Lưu Khương Tổ.

Ma chết biến thành ni

Như tôi đã từng nói “ma không bao giờ chết vì đói”, nhưng không chết vì đói không có nghĩa là ma không thể chết, vì vậy những linh hồn vẫn tồn tại một vấn đề - đó là “cái chết”. Trong phần trước tôi đã nhắc tới Xích Quách lấy hồn ma làm cơm ăn, hồn ma bị tiêu hóa trong bụng Xích Quách, rồi biến thành thứ phân hoặc hư hoặc thực, chắc là chết rồi đấy nhỉ? Trương Tuần được mệnh danh là Trương Thiên Quân chém quỷ, Chung Quỳ là tiến sĩ vùng Chung Nam (ở phía tây nam thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) có tác phẩm Trảm quỷ truyện, viết rằng có vị thần Ngũ Xương luôn coi việc giết ma quỷ là công việc của mình, mà ma quỷ đã bị chém bị giết thì tất nhiên không thể sống sót rồi. Vì thế trong dân gian vốn đã có quan niệm ma quỷ cũng có lúc phải chết, nhưng những cái chết đó chỉ được coi là “cái chết phi chính thức”, hơn nữa có cách nói cho rằng, ma quỷ cũng chưa chắc đều là những hồn ma của con người, “cái chết tự nhiên” của ma người đại khái đều “chết” một cách mơ hồ theo thuyết “nhỏ dần theo năm tháng”.

Trong thuyết luân hồi được truyền bá từ Tây phương, linh hồn ma quỷ không bao giờ chết. Ngoài những linh hồn phạm mười tội ác lớn bị đày xuống địa ngục để chịu vô vàn những hình phạt khổ cực thì không chỉ con người, mà linh hồn của mọi sinh vật sinh con, sinh trứng, sinh sản vô tính hoặc sinh sản đột biến… đều được đưa tới lục đạo để đầu thai sang kiếp khác. Khi đó súc vật được chuyển thế làm Đế vương (như Tùy Dạng Đế là do một con chuột lớn được đầu thai), và việc các vị Đế vương được đầu thai thành súc vật cũng không phải là chuyện hiếm. Còn những linh hồn bị đày xuống địa ngục chịu nhục hình, chúng càng không bao giờ phải đối mặt với cái chết, bởi nếu như chúng có thể chết thì chẳng phải quá có lợi cho chúng sao? Một số sách kinh Phật đã miêu tả vô cùng tường tận những hình phạt khắt khe của tám khu địa ngục lớn và một trăm hai mươi tám địa ngục nhỏ, cưa mình, nghiền nát, xay nhuyễn, dẫu có nấu thành cháo thịt đi chăng nữa, chỉ cần “nghiệp phong” (con gió luân hồi tam thế giữa nghiệp thiện và ác) khẽ thổi, những linh hồn ấy lập tức trở lại nguyên hình và tiếp tục chịu đựng khổ nhục hình. Những linh hồn tội lỗi đó cầu xin cái chết mà không được, ngược lại, những đau đớn mà chúng phải chịu đựng còn được sử dụng làm ví dụ cho những người đến tham quan âm phủ. Vì thế, không phải ở bất kỳ nơi nào, chính sách “sống sót mãi mãi” đó cũng được tất cả mọi người mang ơn.

Những linh hồn ma quỷ của Trung Quốc vẫn biết đến cái chết, tuy những cái chết đó có phần hàm hồ nhưng cuối cùng vẫn luôn được phân tích rất rõ ràng. Muộn nhất là vào đời Đường, các cuốn tiểu thuyết đã phản ánh một ý kiến rằng, những linh hồn nơi âm phủ cũng giống như con người nơi dương thế, chúng đều sẽ “tự nhiên mà chết đi”. Trong tác phẩm Minh báo ký của Đường Lâm có viết, Mục Nhân Xuyến hỏi quan âm phủ Thành Cảnh rằng: “Ma quỷ có chết không?”, Thành Cảnh đáp: “Đương nhiên!” Nhân Xuyến lại hỏi: “Sau khi chết sẽ đến nơi đâu?”, đáp: “Không biết, giống như con người chỉ biết mình sinh ra lúc nào, chứ không biết khi nào mình sẽ chết đi.” Hồn ma đã chết, lại còn hỏi nơi mình sẽ đến sau khi chết, có thể thấy cái chết đó hoàn toàn không giống như Tử Sản nói những linh hồn lang thang tựa như khí tiêu tan vào không trung. Kết luận của Tử Sản là ma quỷ từ có trở thành không, còn ý kiến vừa rồi lại là ma chết thần còn. Nếu như sau khi chết ma quỷ không tiêu biến đi, vậy biết nói sao khi con người không cho chúng mảnh đất dung thân, nhằm tránh xảy ra những rối loạn trong xã hội?

Và rồi Hà đông ký của Tiết Ngư Tư đã bịa ra một “nha minh quốc - đất nước quạ kêu”, một đất nước mà “trong bán kính hàng trăm dặm không hề có ánh sáng mặt trăng cũng như mặt trời, ở đó người ta chỉ dựa vào tiếng quạ kêu để xác định ngày và đêm”.

Hỏi rằng: “Đất nước quạ kêu là một vùng đất hoang sao?” Hai người kia trả lời: “Người chết sẽ trở thành ma, ma rồi cũng phải chết, ma chết rồi, nếu không có một nơi cho chúng đến thì sẽ phải xử lý chúng ra sao?”

Ý kiến trên xem chừng rất dứt khoát, giải thích ra sẽ là, người chết biến thành ma, nếu không có âm phủ thì làm sao có thể trị yên lũ ma đó? Ma quỷ cũng phải chết, nếu không có một “đất nước quạ kêu” thuộc thế giới bóng đêm thì làm sao có thể xử lý đám vong hồn của những hồn ma đã chết? Còn về “đất nước quạ kêu”, thực ra nó chẳng phải là một cái gì đó sáng tạo. m phủ - nơi nhũng hồn ma sinh sống, há chẳng phải một nơi “không có ánh sáng mặt trăng mặt trời, tất cả đều chìm trong màn đêm u ám sao? Còn đối với những con ma kia, môi trường sinh thái sau khi chúng chết lại mang cho chúng một thứ cảm giác “quy hồi”, chỉ có điều chúng phải căn cứ vào tiếng quạ kêu để phán đoán ngày và đêm mà thôi. Còn về khu vực biên cương của đất nước này, tuy nó chẳng thể rộng lớn nhưng đã là đất hoang thì nơi đó cũng sẽ là một vùng đất rộng thoáng trong một thời gian ngắn. Vì thế, sau khi chết, ma quỷ sẽ đến “đất nước quạ kêu”. Nếu hiểu theo quan điểm hiện đại, điều này chẳng qua cũng giống như việc di dân đến một vùng đất thuộc địa. Phát hiện này quả là hết sức nông cạn.

Trong chương Lữ Vô Bệnh của Liêu trai chí dị có kể, ma nữ có tên Lữ Vô Bệnh trong một đêm bôn ba hàng nghìn dặm, cuối cùng khi tinh lực đã bị tiêu hao hết, ả “đổ sụp xuống đất mà chết”. Chồng ả đã xây cho ả một ngôi mộ mang tên “quỷ thê chi mộ”, bởi chồng ả là người trần, vì thế ngôi mộ này chỉ có thể được xây tại dương gian, nhưng đó chỉ là một ngôi mộ mai táng mũ áo mang tính tượng trưng, nó không thể chứng minh hồn ma của Lữ Vô Bệnh đang ở dương gian. Còn trong chương Chương A Đoan lại chuyên môn hơn trong việc lấy cái chết của ma quỷ để dựng thành câu chuyện, người và ma quỷ yêu nhau, kết thúc thường là việc sống lại của ma quỷ, cho dù không thể sống lại, thì giữa người và ma quỷ vẫn có thể yêu nhau. Nhưng chương này đã giành được thắng lợi đáng kinh ngạc, dùng việc chạy trốn của một ma nữ (vợ của Thích Sinh), sau đó được chuyển thế để toại nguyện cho cuộc hôn nhân giữa người và quỷ cùng với Thích Sinh, rồi lại dùng cái chết của một ma nữ khác (Đoan Nương - người tình của Thích Sinh) để tạo ra một kết cục bi thương, khiến tình yêu giữa người và quỷ của bọn họ không thành.



Đúng vào cuối năm đó, Đoan Nương bỗng nhiên bị bệnh, cả ngày u sầu ủ rũ, cảm thấy lo sợ như nhìn thấy quỷ. Vợ an ủi nói: “Đây là bệnh của ma thôi.” Thích Sinh nói: “Đoan Nương đã là ma, vậy ma thì sao mà mắc bệnh được?” Vợ nói: “Không phải thế, người chết thì sẽ thành ma, ma chết thì sẽ thành ni. Ma sợ ni, như con người sợ ma vậy.”

“Ma chết sẽ thành ni.” Ma quỷ có thể át người, vậy thì ni cũng có thể át ma, vì thế ni thực sự có thể khiến ma quỷ sợ. Thế là những “thuật sĩ”[4] trong đời trần liền “tấn công phối hợp”, “gậy ông đập lưng ông”, giả như gặp phải những chuyện ma quỷ mờ ám liền phát động ý định liên minh tới các ni, mời ni đứng ra trừng trị ma quỷ. Chúng ta đã sớm gặp chiến thuật đó trong phần trích Sưu chân ngọc kính tập ở tập bảy, Ngũ âm tập vận của Kim Hàn Đạo Chiêu, ghi rằng: “Người chết thì thành ma, người gặp ma thì sợ. Ma chết thì thành ni, ma gặp ni thì sợ. Nếu viết chữ “ni’ dưới dạng chữ triện, rồi dán lên cửa, tất cả ma quỷ sẽ tránh xa, không dám mon men đến gần.”

[4] Thuật sĩ: một trò chơi ma thuật.

Sưu chân ngọc kính thuộc loại sách viết cho thiếu nhi, chi tiết cụ thể về quyển sách này tôi không được rõ, nhưng Ngũ âm tập vận là sự kết hợp giữa quyển Quảng vận do người thời Đường biên soạn, với quyển Tập vận được biên soạn dưới thời Bắc Tống, vì thế quan niệm về ni cũng có thể xuất hiện muộn nhất vào thời Bắc Tống.

Nhưng vào đời Đường trước đó, cách giải thích về ni lại có chút khác biệt, theo những ghi chép thì chưa sách nào ghi “ma bị chết bởi ni”.

Người thời Đường thích vẽ đầu hổ lên trên cửa nhà, kèm theo là viết một chữ “ni” (聻) lên đó, có tác dụng đuổi tà ma. Nhưng “ni” ở đây là cái gì? Điều này đã làm dậy lên nhiều quan điểm khác nhau. Thứ nhất, trong tập bốn, phần tiếp quyển Tây dương tạp trở của Đoạn Thành Thức có nói “ni” (聻) là sự ghép chữ của hai chữ “thương” (沧) và “nhĩ” (耳), nguyên văn như sau:

Tục hỏa vu môn thượng họa hổ đầu, thư “Ni” tự, vị âm đao quỷ danh,, khả tức bì lại dã. Tử độc “cựu hán nghi”, thuyết ma trục dịch quỷ, hựu lập đào nhân, vĩ sách, thương nhĩ, hổ đằng. Ni vi hợp “thương nhĩ” dã.

“Cựu hán nghi” nói tới đây không biết cụ thể chỉ nghi lễ nào của người Hán, nhưng đoạn trích dẫn này lại rất giống với Độc đoạn của Thái Ung cuối thời Đông Hán, Độc đoạn viết: “Xích hoàn ngũ cốc, bá sái chi, dĩ trừ tật ương. Dĩ nhi lập đào nhân, vĩ sách, đán nha, thần đồ uất lũy dĩ chấp chi.” Rất rõ ràng, ở đây “thương nhĩ” mà Đoạn Thành Thức nói đã được viết thành “đán nha”, hình chữ gần giống nhau, trong đó chỉ sai một nét. Nhưng cái sai đó đã không còn quan trọng nữa, bởi chúng đã hợp lại thành “ni”, tạo ra một “âm đao quỷ”.

Từ “âm đao quỷ” chỉ có thể dừng lại ở đây, rất khó nhận được sự đồng tình, bởi có những quyển sách như Quảng bác vật chí đã sửa thành “ti đao quỷ”, Uyên giám loại hàm lại dựa vào quan điểm cho rằng tất cả mọi loại binh khí đều có thần linh để sửa “âm đao quỷ” thành “ti đao thần” (thực chất có một loại “thần đao”, tên của nó rất cổ quái, gọi là “lột sạch”). Nhưng tôi hoài nghi rằng “âm đao quỷ” cũng có thể là sự nhầm lẫn của “âm ti quỷ”. Nếu ni là quỷ dưới âm ti, thì nó cũng chính là con quỷ cai quản những ma quỷ khác, và đương nhiên nó chính là nỗi sợ hãi của đám ma quỷ kia rồi. Nhưng có một điểm cần phải nói rõ rằng, những con ma do “thương nhĩ” và “đán nha” bắt được ở đây là ma ôn dịch, ma tà chứ không phải loại ma là linh hồn con người sau khi chết.

Một lý giải khác về “ni” trong Tuyên thất chí của Trương Độc đời Đường:

Phùng Tiệm, người Hà Đông, thi đỗ kỳ thi Minh kinh rồi ra làm quan, sau đó tự bỏ chức. Một đạo sĩ tên Lý Quân, rất giỏi trong việc trừng trị ma quỷ, người này truyền nghề cho Phùng Tiệm. Giữa năm Đại Lịch (đời vua Đường Đại Tông), có người tên Bác Lăng Thôi Công là bạn cùng làm quan với Lý Quân, Lý Quân viết thư gửi tới Thôi Công, nói rằng: “Việc trừng trị ma quỷ bây giờ không có ai vượt qua được Phùng Tiệm.” Từ đó, tất cả mọi nhân sĩ lúc bấy giờ đều biết Phùng Tiệm có phép thuật thần thông, đến đâu cũng có người nhắc tới tên ông. Sau đó, một dân thường ở Trường An tùy tay viết chữ “Tiệm” lên cửa nhà mình, cũng từ đó, chữ “Tiệm”được dán lên cửa phổ biến như vậy.

Theo cách giải thích này, “Tiệm” là tên gọi của Phùng Tiệm, “nhĩ” chính là những lời tố tụng. “Vô quá Tiệm nhĩ” nghĩa là “trong tất cả những người trừng trị ma quỷ hiện nay, không ai có thể vượt qua được Phùng Tiệm.” Không ngờ người viết chữ quá cẩu thả hoặc người đọc chữ quá qua loa, khiến chữ “Tiệm nhĩ”(渐耳) bị nhìn nhầm thành chữ “ni” ( 聻) do hai chữ “Tiệm” (渐) và chữ “nhĩ” (耳) được nối liền nhau. Cách lý giải này tuy khá thú vị, nhưng lại thiếu tính thuyết phục. Nhưng dù là viết nhầm hay nối chữ, những chiến binh diệt ma quỷ vẫn cảm thấy việc dùng một chữ cổ quái chưa từng gặp trong tất cả các sách như vây, không những vừa có thể dọa được người, mà công hiệu dọa ma quỷ cũng tăng thêm được vài phần. Còn việc “ni” từ chỗ là “ma âm ti” dọa ma quỷ biến thành vật ám ma, tiếp đó trở thành “ma chết biến thành ni”, những tình tiết chuyển đổi trong đó tuy chúng ta không được biết, nhưng sẽ không nhầm nếu cho rằng đó là sự sáng tạo của các chiến binh diệt ma.

Những mảnh đất hoang của “đất nước quạ kêu” cũng đến lúc trở nên đông đúc, khi đó tình hình sẽ ra sao? Cũng không quá nghiêm trọng, bỏi chúng ta đã có phép biện chứng như sau: “một cây gậy ngắn một thước, cứ mỗi ngày lại lấy đi một nửa, và làm như vậy, và làm như vậy cây gậy sẽ còn đến vạn đời vạn kiếp.” Người chết sẽ thành ma, ma chết biến thành ni, ni chết lại có thể trở thành mộ thứ gì đó khác, cứ thế chuyển đổi đến vô cùng vô tận. Nhưng con người thời cổ đại vẫn chưa vô vị đến mức thấy phiền lòng về không gian cư trú của ni, vì thế sự chuyển đổi kia cũng chỉ dừng lại ở sự chuyển hóa sang ni mà thôi.

Nhưng lý thuyết về cái “vô cùng vô tận” ở đây lại để lại một chủ đề thú vị cho người ta chế giễu. Nếu như những thứ sau con người là vô cùng vô tận, vậy những thứ trước con người thì sao đây? Do đó khó tránh khỏi sẽ có người đưa ra câu hỏi rằng: “Con người chết đi thành thì thành ma, vậy con người xuất hiện nhờ sự chết đi của thứ gì? Mà “cái thứ đó” lại do thứ gì chết đi biến thành… Điền Ba nổi tiếng với tài hùng biện tại Tắc Hạ Học Cung (trường học do nhà nước lập ra thời Chiến Quốc) cảnh báo với đệ tử Cầm Hoạt Li rằng: “Bên ngoài thú lớn thú nhỏ đều có, nếu không có việc gì thì đi lung tung bên ngoài ít thôi.” Đó chính là vì ông sợ đệ tử của mình gặp phải những người thích hỏi đến cùng, để rồi mang về trường những câu hỏi cổ quái, móc ngoái như vậy.

Những kẻ không hiểu biết lại hay thích làm phiền tuy không tìm đến tận nơi mà hỏi, nhưng cũng có những câu hỏi không nên né tránh. Tỉ dụ có người hỏi: “Tuy các người đã nói rằng những linh hồn ma quỷ tồn tại vấn đề giảm dân số tự nhiên, nhưng lại bỏ qua vấn đề tăng dân số tự nhiên của chúng. Lẽ nào nam giới và nữ giới ở thế giới âm phủ đều đã làm phẫu thuật tuyệt dục?” Câu hỏi này được đặt ra hết sức hợp lý, hơn nữa quả thật đã có những tài liệu có uy tín chứng minh rằng, những linh hồn ma quỷ có khả năng sinh dục. Thế giới tự nhiên điển hình nhất có thể bắt gặp trong chương Tương quần của tác phẩm Liêu trai. Người đứng đầu gia đình họ Yên bỗng nhiên chết ở độ tuổi ngoài ba mươi, không lâu sau người vợ cũng đi theo chồng. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc ở nơi âm thế, nhưng họ cảm nhận được sự cô quạnh khi bên mình không có con cái, thế là Yên Lão Đại cưới một cô vợ bé dưới âm phủ, quả nhiên sau đó người vợ bé mang thai, sinh ra được hai người con trai. Đây không phải là ví dụ minh chứng duy nhất, trong bài viết Sự sinh trưởng của quỷ, Chu Tác Nhân cũng đã viết, ông tìm thấy trong chỗ sách cũ của mình có quyển Nhật ký bói toán, tất cả đều là ghi chép những cuộc đối thoại giữa người và ma trên các diễn đàn bói toán, trong đó có một đoạn viết rằng:

Ngày Mười chín, hỏi Hạnh Nhi: “Ông trẻ Thọ Xuân hiện còn hay mất?” Đáp rằng: “Đã mất.” “Mất mấy năm rồi?” Đáp: “Ba năm.” “Sau khi ông ấy chết có dùng quan tài mai táng không?” Đáp: “Có.” Lúc đó mới bắt đầu biết ma cũng chết. Người xưa gọi ma chết là ni, quả thực là vậy, những kẻ được sinh ra trong thế giới âm ti là do ni đầu thai mà có.

Nói rằng “ma chết biến thành ni” hoàn toàn là một cái gì đó cũ mèm, mà cái mới lạ ở đây chính là “những ma quỷ được sinh ra ở thế giới âm ti là do ni đầu thai mà có.” Những con ma được sinh ra ở thế giới âm ti chính là những đứa con trai quỷ của các cặp nam nữ sinh ra, con ma con đó lại chính là kết quả đầu thai của ni. Hồn ma mở buổi thuyết giảng trên diễn đàn bói toán này nên gọi là một là một thiên tài trong lĩnh vực tuyên truyền. Hồn ma đó có thể giao hòa hai hệ thống ma rất khó đồng hành với nhau này. Giữa “người” và “ma”, hồn ma này đã dùng một mô thức hết sức Trung Quốc, người chết thì thành ma, ma không tiếp tục chuyển kiếp nữa. Giữa “ma” và “ni” lại được sử dụng một mô thức của Tây phương, ma chết biến thành ni, ni lại chuyển thế thành ma. Quả là một sự giao lưu văn hóa hoàn hảo giữa quan niệm Trung Quốc và quan niệm Tây phương. Không chỉ vậy, căn cứ vào quyển Nhật ký diễn đàn bói toán, con người mang thai mười tháng, còn ma chỉ mang thai ba tháng là sinh, ma một năm có thể ở cữ ba bốn lần, hơn nữa chúng còn có khả năng sinh nở vô thời hạn. Thế là phiền phức lại xuất hiện, một đằng là sử dụng lý luận của Trung Quốc không cho phép ma quỷ được đầu thai thành người, một đằng lại sử dụng lý luận của Tây phương để khiến ni chuyển thế sang thế giới ma quỷ. Vậy kết quả là, thế giới loài người và thế giới của ni thắt chặt thế giới âm phủ từ hai phía, và như vậy thế giới âm phủ thực sự có khả năng xảy ra tình trạng bùng nổ dân số.

Nhưng đó cũng chỉ là lo bò trắng răng mà thôi. Thử nghĩ xem, ma sinh con trai đã không cần ni đầu thai chuyển thế, mà nguồn gốc của ni lại là từ thế giới ma, giữa ma và ni luôn có sự cân bằng về mặt số lượng. Cho dù tất cả ma nam ma nữ sinh đẻ không ngừng, thì nguồn tài nguyên của ni vẫn là hữu hạn. Hơn thế, thế giới âm phủ trong quan niệm của người Trung Quốc không phải thế giới đào nguyên (là một thế giới bình đẳng, lý tưởng, ở đó có con người sống đoàn kết, hòa thuận với nhau), mà nó cũng có quan có lại, có chính quyền hung bạo, giống như cuộc sống điền viên của Yên Lão Đại cũng chỉ là không tưởng mà thôi. Hơn nữa, thế giới loài người nếu là một thế giới thái bình thịnh trị, lão bách tính có thể sống cuộc sống no ấm, an nhàn cả đời, thì khi chết đa phần đều đã là những cụ già râu tóc bạc phơ, khi đó, cái “tuổi sinh đẻ” đã sớm qua mất rồi, e rằng đã chẳng thể sinh con được nữa. Nhưng nếu như thế giới loài người là một thế giới hỗn loạn thì sao? Tuy rằng số lượng ma trẻ tăng lên nhanh chóng, nhưng nếu nói theo cách nói của các bậc thánh hiền, chỉ sau khi có cuộc sống no đủ mới có thể nghĩ tới cái dâm dục, cứ tưởng tượng những cặp nam nữ đáng thương nơi âm thế, một năm mới có vài bữa cơm no, thì dù có muốn sinh thêm lũ ma con cũng chỉ lực bất tòng tâm.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Tắt Đèn Kể Chuyện Ma

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook