Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Chương 52: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Đức Thái Thượng Lão Quân- Dịch-Giảng Lão Pháp Sư Tịnh Không

26/07/2021

Các vị đồng học xin chào mọi người.

Phần sau cùng của "Vựng Biên" có mấy đoạn giáo huấn của Đại đức xưa rất hay. Hoàng Lỗ Trực có một bài kệ:

" Ta ăn thịt chúng sanh.

Danh khác, Thể chẳng khác!

Vốn cùng một chủng tánh,

Chỉ là khác hình hài.

Khổ não chúng đành chịu,

Ngon béo ta hưởng riêng.

Đừng để Diêm Vương xử,

Hãy tự nghĩ xem sao?".

Người và cầm thú tuy tên gọi không như nhau, nhưng nhục thể linh tánh là như nhau. Linh tánh của động vật, chỉ cần tâm tỉ mỉ một chút thì bạn liền có thể thấy được rất rõ ràng, chúng không khác gì với người, cũng là tham sống sợ chết. Mạnh được yếu thua, đây là hiện tượng của sinh thái. Nếu như chúng ta từ ngay chỗ này mà kiến lập nên quan niệm lý luận thì sai rồi. Con người không bằng cầm thú. Hổ, báo, sư tử sau khi ăn no, những động vật nhỏ vây quanh bên cạnh chúng, chúng không thèm để ý đến, quyết không có ý tổn hại, thế nhưng con người không như vậy, không ăn cũng muốn giết chúng. Con người nếu như không nhận qua giáo dục, không biết được nghĩa lý, người xưa có câu rằng: "Nhân dữ cầm thú cơ hi?", ý nói là “người cùng cầm thú có gì khác biệt đâu?”. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Chúng ta giết chúng sanh, ăn thịt chúng sanh, tiên sinh Hoàng nói không cần phải đợi Diêm La Vương đến xử án, chính mình nghĩ xem phải nên xử lý thế nào. Lữ Động Tân (thời triều Đường) nói rất hay: “Nếu bạn muốn trường thọ, bạn cần phải phóng sanh. Đây là chân lý của tuần hoàn. Khi chúng chết, bạn đi cứu chúng, đến khi bạn chết thì trời sẽ cứu bạn”. Người thế gian luôn cầu trường thọ, cầu nhiều con cái. Có phương pháp hay không? Có! Giới sát phóng sanh mà thôi. Đây là Lữ Động Tân nói. Những người này đều là người chân thật có trí tuệ, chân thật có đức hạnh, đối với sự lý nhân quả, họ thấy được rõ ràng, thấy được thấu triệt. Chúng ta phải tin sâu không nghi.

Nhà Phật thường nói, làm Phật, làm Bồ-tát hay đọa ba đường, biến thành súc sanh thảy đều là ở chính mình, không liên quan gì với người khác. Chúng ta chính mình phải nên sâu sắc phản tỉnh, tự cầu đa phước, không nên tự đâm đầu vào chỗ chết. Kết luận sau cùng của thiên này dẫn dùng thiên văn chương của Kì Khê Độ. Đoạn văn chương này của ông được phân thành mấy đoạn, viết được rất hay. Chúng ta vừa xem thì biết con người này là đệ tử của nhà Phật, vì ông nói ra toàn là giáo huấn của Phật Bồ-tát. Mở đầu ông nói: "Mỗi Thể đều là cái Thể vốn trọn đủ các Thể, chúng sanh sanh ngay trong tâm ta". Đây là cảnh giới của Phật và đại Bồ-tát, biết được hư không pháp giới là một thể, chúng ta thường nói là cùng đồng một thể sinh mạng, cho nên tất cả chúng sanh là chính mình. Ông nói, việc ăn uống của người thế gian là "bát Trân bày la liệt trước mặt, toàn là kêu gào oán nghiệp". Việc này chúng ta thường hay xem thấy. Khi yến tiệc, trên bàn bày rượu thịt, những gà vịt cá thịt này chân thật là oan nghiệp. Chúng bị giết, không phải chúng cam tâm tình nguyện cúng dường bạn, mà sức mạnh của chúng không thể chống lại bạn. Chúng bị giết rồi, bạn ăn chúng, có thể ngay khi bạn đang ăn, những oan hồn này đều đang bao vây xung quanh bạn, đều đang ở sau lưng bạn. Hiện tại bạn còn đang may mắn, khí vượng của bạn chưa suy nên chúng không dám hại bạn. Khi khí vượng của bạn vừa suy thì những oan gia đối đầu này liền tìm đến.

Ở Đài Loan, trong Phật môn chúng ta có một vị Pháp sư Quảng Hóa (có rất nhiều người biết ông, ông cũng là bạn của tôi), trước khi ông chưa xuất gia, ông là quân nhân, quản quân nhu (quân nhu là quản lý tài vật), cho nên ông dùng tiền rất thuận tiện. Ông nói với tôi, khi ông làm việc ở trong quân đội, mỗi ngày ông ăn một con gà, không biết là đã ăn bao nhiêu con. Sau khi học Phật thì ông xuất gia (ông xuất gia sớm hơn tôi hai năm). Ông là người xuất gia không tệ, trì giới rất nghiêm, là một vị pháp sư tốt, rất khó được. Khi ở Đài Trung, ông dạy tại Phật học viện. Vốn Hán học của ông rất tốt, có thể viết văn chương, có thể làm câu đối. Ông nói, có một hôm khi ông đang tắm, ông thấy trong phòng tắm đầy gà, chúng bay nhảy tứ tung, ông liền né tránh thì bị té ngã, chân bị gãy lìa, cho nên ông bị tàn phế. Về sau ông phải chống gậy, đến sau cùng thì phải dùng xe lăn. Ông nói với tôi, đây là tội nặng báo nhẹ, đây là nhân quả báo ứng do ngày trước ông đã ăn gà quá nhiều. Ông đi đứng rất là khó khăn. Khi bệnh nặng, ông tìm tôi, vì ông muốn đem đạo tràng tặng cho tôi. Tôi đi thăm ông, ông đã không còn cách nào nói chuyện được, ngồi trên xe lăn miệng chảy nước dãi, rất là đáng thương. Tôi và Hàn Quán trưởng cùng đi thăm ông. Xem thấy bên cạnh ông còn có một số đệ tử, cho nên tôi liền cảm tạ ông, nhưng tôi không tiếp nhận.



Chúng ta xem đoạn văn chương này, một chút cũng không giả. Những món ăn này bày lên trên bàn, oan gia du hồn, người sáng mắt vừa nhìn làm sao dám nuốt? Nhà Phật là "đồng thể đại bi", thấy tất cả chúng sanh đều là "cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai", phổ độ, cứu giúp chúng sanh còn không kịp thì làm sao có thể giết hại chúng, làm sao có thể ăn thịt chúng sanh? Chỉ cần chúng ta vừa chuyển đổi ý niệm thì liền giác ngộ rồi, loại tập khí ăn thịt này không khó đoạn trừ, động cơ giết hại chúng sanh cũng có thể đoạn trừ, hồi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, đó chính là tự cầu đa phước. Không những không thể giết hại chúng sanh, mà khiến chúng sanh sanh phiền não là chúng ta đã có tội lỗi rồi.

Ngạn ngữ thường nói: "Con người ở đời, việc không vừa ý thường đến tám, chín phần mười". Tại vì sao việc không vừa ý nhiều đến như vậy? Quả báo! Ngày trước ta không đối đãi tốt với người khác, ngày nay gặp phải loại quả báo này. Nếu như chúng ta có thể dùng thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh để đối đãi tất cả người việc và vật, thì chúng ta ngay đời này mọi việc liền như ý; mọi lúc, mọi nơi, tự nhiên liền được quý nhân giúp đỡ. Chúng ta chịu giúp đỡ người khác, tự nhiên liền được người khác giúp đỡ. Nghiệp nhân quả báo không hề sai chạy. Chúng ta kính người khác, người khác kính chúng ta. Chúng ta có thể yêu tất cả động vật, thiên địa quỷ thần cũng yêu thương chúng ta. Chúng ta khinh mạn người khác, người khác nhất định khinh mạn chúng ta, đúng như đã nói "tự làm tự chịu", không phải có thiên thần quỷ thần gì đó đến an bài. Tất cả pháp thế xuất thế gian chính là nhân duyên quả báo mà thôi. Phật pháp cũng không ngoại lệ.

Học Phật, mục đích ở đâu? Là phải vì chứng đắc pháp thân thanh tịnh. Nếu bạn muốn chứng được pháp thân thanh tịnh, một chút ô nhiễm cũng đều không thể có, đến lúc nào bạn có thể đem phải quấy nhân ngã, tham sân si mạn, những phiền não tập khí này đoạn trừ hết. Phương pháp lý luận để đoạn trừ thì Thánh Hiền thế xuất thế gian đã nói rất nhiều, chúng ta phải tỉ mỉ mà đọc tụng, phải tỉ mỉ mà nghiên cứu thảo luận, làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, y giáo phụng hành, vậy mới được cứu. Nếu như không thể tín thọ phụng hành, không cách nào làm đến tín-giải-hành-chứng, thì luân hồi, khổ báo chắc chắn không cách nào tránh được.

Sanh tử có nghiệp nhân. Chúng ta hiện tiền thân thể khỏe mạnh trường thọ hay là nhiều bệnh, nhiều phiền não, đoản mạng, không có thứ nào không phải là nghiệp báo. Chúng ta phải tin tưởng giáo huấn chân thật của Phật Bồ-tát. Trồng nhân thiện chắc chắn được quả thiện. Nhân thiện phải từ nơi tâm địa mà kiến lập. Hạnh thiện, khẩu thiện, ngôn thiện mà tâm không thiện thì không thể chuyển được y báo. Tâm thiện thì không có thứ nào mà không thiện, ngôn ngữ, hành vi có làm ác thì cũng là thiện. Nếu như tâm không thiện, ngôn thiện, thân thiện thì là giả thôi, không phải thật. Họ nói lời hay với bạn, giúp bạn làm việc tốt, họ có mục đích, có ý đồ, đó là bất thiện. Người có tâm thiện, lời nói ra không dễ nghe, làm việc rất khó coi, thế nhưng lại là thiện, quả báo là thiện. Họ là lợi ích chúng sanh, lợi ích cho bạn, họ không hại bạn. Tâm không thiện, ngôn ngữ dễ nghe thì chỉ là thêu dệt.

Thế gian có một số người không có trí tuệ, luôn luôn bị lừa, luôn luôn bị gạt. Bị gạt bị nhiều rồi dần dần sẽ giác ngộ, vậy vẫn xem là không tệ. Có người bị gạt chịu thiệt, cả đời cũng không giác ngộ, đó là ngu muội đến tột đỉnh. Cho nên, học Phật nếu muốn được phước báo, điều thứ nhất chắc chắn không nên kết oán với tất cả chúng sanh, "oan gia nên giải không nên kết". Oan nghiệp luôn phải hóa trừ, nợ mạng thì phải trả mạng, thiếu tiền thì phải trả tiền.

Chúng ta cam tâm tình nguyện, bất luận gặp phải nghiệp duyên gì cũng không oán trời, không trách người. Biết được đó là nghiệp báo của chính mình đã hiện tiền, muốn hóa giải những ác báo này thì từ ngay trong tâm địa phải làm một cuộc chuyển biến, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, thì cho dù có định nghiệp, quả báo cũng sẽ giảm nhẹ. Ý niệm của chúng ta chuyển rồi, cho nên nói trọng báo chuyển thành khi báo, báo nhẹ thì đã hóa giải rồi. Sự việc này, quan trọng nhất chính là một niệm tâm chân thành. Tâm chân thành có thể cảm ứng tương thông với Phật Bồ-tát, chân thành có thể cảm động thiên địa quỷ thần. Cho nên, chúng ta ngày trước tạo tác tội nghiệp, làm sai sự việc cũng không sợ, sợ là bạn không hồi đầu, sợ là bạn không giác ngộ.

Người xưa nói rất hay: "Con người không phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi?". Ngày trước không đọc sách Thánh Hiền, không hiểu giáo huấn của Thánh Hiền, cha mẹ ở nhà không dạy bảo chúng ta, đi học thầy giáo không dạy bảo chúng ta, chúng ta tạo tác ác nghiệp, vậy thì có thể lượng thứ, trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói "không đáng trách vậy". Thế nhưng ngày nay chúng ta đọc được sách Thánh Hiền, nghe được Phật pháp, nhất định phải hối cải, nhất định phải giác ngộ. Nếu như đọc sách Thánh Hiền, nghe Phật Bồ-tát giảng Kinh mà vẫn không chịu quay đầu, còn tiếp tục tạo ác nghiệp, vậy thì bạn hết cứu, bạn là tội chồng thêm tội. Nhất là người xuất gia, chúng ta chính mình khoác lên cái hình tướng này, nếu làm được không giống thì tội lỗi càng nặng, ở trong xã hội này so với bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều nghiêm trọng hơn, bởi vì sự thành tựu là thù thắng không gì bằng, cho nên đắc tội thì cũng nghiêm trọng không gì bằng. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, phải hiểu rõ chân tướng sự thật, cần phải đoạn ác được sạch sẽ, tu thiện, luôn hy vọng thiện tâm này có thể viên mãn, chúng ta mới xứng đáng được với Phật, xứng được với Bồ-tát, xứng được với những thiện tri thức truyền pháp nhiều đời. Niệm niệm chúng ta phải giữ tâm báo ân. Làm thế nào để báo ân? "Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói", vậy mới chân thật thực tiễn "trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường", chân thật báo ân. Chúng ta học không tốt, làm không giống thì đắc tội. Chính mình luôn phải nên biết, vạn nhất không nên sơ suất, chân thật như câu nói mà thế tục thường nói: "Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều". Nếu như chúng ta là một phần tử ở trong đó thì sai rồi, đặc biệt sai lầm.

****************

"Âm tặc lương thiện, ám vũ quân thân" (Ngầm hại người lương thiện, ngầm khinh vua và cha mẹ)

Đây là đoạn thứ bốn mươi của Cảm Ứng Thiên. Đoạn này chỉ có hai câu: "Âm tặc lương thiện, ám vũ quân thân" (Ngầm hại người lương thiện, ngầm khinh vua và cha mẹ) . Đây đều là nói đại ác nghiêm trọng. "Âm tặc" chính là âm mưu hãm hại. Có câu rằng: "Tên lén bắn người, khó mà phòng tránh". Âm thầm tính toán người khác, tổn hại người khác, người khác vẫn còn không biết bạn tổn hại họ, thì thuộc về cái tội này. Giữ cái tâm này rất là tàn nhẫn, rất là thâm độc. Đối phó với người thông thường đã là tội lỗi nghiêm trọng rồi, nếu như đối với người thiện, tội lỗi đó càng lớn. Trong tội ngũ nghịch, giết cha, giết mẹ là chắc chắn đọa A-tỳ Địa Ngục. Cha mẹ có ân dưỡng dục đối với con cái, bạn không thể báo đáp cha mẹ, hiếu dưỡng cha mẹ, bạn còn muốn hãm hại cha mẹ, đây là đại nghịch bất đạo, tội lỗi cực nặng. Phật cũng nói, giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng, những tội này cũng đều giống như giết cha giết mẹ, thậm chí còn nặng hơn tội giết cha giết mẹ. Đây là đạo lý gì vậy? Chúng ta phải hiểu được, Phật Bồ-tát, A-la-hán, Tăng đoàn là người thiện của thế gian, hành vi tạo tác của họ ở trong xã hội là sự nghiệp từ thiện bậc nhất của thế gian, loại sự nghiệp từ thiện này phải lớn hơn rất nhiều so với cứu tế bần khổ thông thường, thù thắng hơn nhiều. Hành vi tạo tác của họ là giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, là giáo hóa chúng sanh đoạn ác tu thiện, hơn nữa, làm ra tấm gương tốt nhất cho xã hội. Trong xã hội có loại người này tồn tại là phước báo của tất cả đại chúng, ngưỡng vọng của tất cả đại chúng, chỗ nương tựa của tất cả đại chúng, cho nên nếu như âm mưu hãm hại những người thiện này thì quả báo đều ở A-tỳ Địa Ngục, tội còn nặng hơn so với giết cha mẹ, thời gian đọa vào địa ngục phải dài hơn. Chúng ta phải tường tận đạo lý này. Kết tội này không phải kết tội đối với những người thiện đó, mà là kết tội với hết thảy chúng sanh, phải xem mặt ảnh hưởng của người thiện này bao lớn, thời gian ảnh hưởng bao lâu. Nếu như mặt ảnh hưởng của họ càng lớn, thời gian ảnh hưởng càng lâu, bạn âm mưu hãm hại họ thì tội của bạn càng nặng. Tại vì sao có thể khởi lên loại ác niệm tổn hại người thiện này chứ? Chúng ta nghĩ, nhân tố thứ nhất chính là sân hận đố kỵ, tâm lượng rất nhỏ hẹp, không thể dung nạp sở trường của người, không thể dung nạp việc tốt của người, lại không biết quả báo là rất nặng, quá khổ, quá đáng sợ, cho nên mới tạo tác tội nghiệp như vậy. Nếu như ý niệm của bạn có thể chuyển đổi lại, không những không đố kỵ, mà còn hoan hỉ tán thán, toàn tâm toàn lực hiệp trợ họ, “thành nhân chi mỹ” (thành tựu việc tốt cho người), thì công đức phước báo của bạn cũng lớn như người thiện này vậy. Thiện hạnh của họ làm sao thành tựu? Nhất định nhờ vào đại chúng đồng tâm hợp lực mà thành tựu. Huống hồ ở trong Kinh, Phật đã đem những đạo lý căn bản này nói ra cho chúng ta nghe rồi.

Tạo quả báo thiện ác lớn hay nhỏ đều tùy theo tâm niệm. Tâm lượng lớn thì phước liền lớn, tâm lượng nhỏ thì phước nhỏ. Cũng đồng tạo ra một việc thiện, nhưng được phước, quả báo không như nhau. Cho nên, chư Phật Bồ-tát dù tạo phước nhỏ nhất, quả báo cũng đều là tận hư không khắp pháp giới. Vì sao vậy? Vì tâm lượng của các Ngài lớn. Người thế gian tạo phước có lớn bao nhiêu đi nữa, thế nhưng quả báo có được lại không lớn, do nguyên nhân gì? Tâm lượng quá nhỏ. Tâm lượng nhỏ hẹp chướng ngại phước báo của bạn, bạn tu phước luôn không thể nào vượt hơn tâm lượng của bạn. Chư Phật Bồ-tát "tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới", cho nên các Ngài trồng thiện nhỏ mà được vô lượng phước. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Nếu như đem tâm lượng của chính mình mở rộng ra thì ác niệm sẽ không có. Niệm ác mà còn không sanh thì làm gì có hành vi ác? Đây là điều chúng ta phải hiểu.

Một câu phía sau: "Ám vũ quân thân". Vũ là sỉ nhục, cũng là trong âm thầm, cũng chính là nói người ta không thấy được, không hề nghe được chính mình đang ức hiếp quân thân (quân là tôn trưởng của chúng ta, không nhất định là đế vương). Ở trong xã hội, người hiện tại gọi là người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Chúng ta đứng ở địa vị bị lãnh đạo, người lãnh đạo chính là quân, người thông thường gọi là cấp trên. Bạn làm việc ở trong một công ty xí nghiệp, ông chủ của bạn, giám đốc của bạn, chủ tịch công ty của bạn chính là quân. Người đi học thì rõ lý, biết phải tôn kính thì làm sao có thể sỉ nhục được? Cho dù những cấp trên này làm việc không hợp lý, cách làm không như ý nhưng cũng phải tôn kính. Vì sao vậy? Có nhiều cách làm của họ chúng ta tuyệt nhiên không hiểu rõ, họ suy nghĩ là nhiều mặt, họ quan tâm đến là lợi ích của tất cả, chúng ta là viên chức nhỏ, chúng ta chỉ xem thấy lợi ích cục bộ, không thấy được toàn diện. Lợi ích của cả thảy, có lúc cần phải hy sinh cục bộ để đạt được một sự hoàn chỉnh. Cho nên sự cân nhắc của họ, cách làm của họ, kế hoạch của họ chắc chắn là có đạo lý, chúng ta làm sao có thể bàn luận, làm sao có thể âm thầm lừa dối họ chứ?



Âm thầm sỉ nhục họ, chúng ta đối với cấp trên, đối với lãnh đạo không nên có loại tâm trạng hành vi này. Đối với người thân của chính mình cũng không nên như vậy. Chữ thân ở chỗ này chính là cha mẹ, trưởng bối. Người xưa nói: “Quân thân ân đồng trời đất”. Lời nói này rất có đạo lý. Chúng ta làm việc, chúng ta giữ tâm, không dám để quân thân biết. Đây chính là “ám vũ”, chính là lừa gạt ức hiếp. Chúng ta xem, vào thời xưa, người quân tử đi học, Bồ-tát học Phật, tâm địa thản nhiên, không có việc gì mà không dám nói với người. Bạn nói xem, tâm của người này tự tại dường bao, thật quang minh lỗi lạc, làm gì có việc gì không dám nói với người khác chứ? Không thể nói với tôn trưởng của mình, không thể nói với cha mẹ của mình, chính là bạn lừa dối tôn trưởng, lừa dối cha mẹ, bạn chính là đại ác. Ác như vậy mà bạn cũng dám làm, bạn còn có việc xấu nào mà không dám làm? Thái Thượng ở chỗ này nêu ra mấy thí dụ quan trọng nói về tạo đại ác.

Chúng ta cung kính cúng dường đối với cha mẹ. Cha mẹ tuổi già rồi, thể lực yếu, mỗi giờ mỗi phút phải quan tâm chăm sóc. Nếu như chúng ta không kiệt tận lòng chân thành của chúng ta, hoặc là biểu hiện phục tùng mà âm thầm chống trái, đây cũng là ám vũ thân nhân. Những sự việc này của xã hội ngày nay, chúng ta tai nghe mắt thấy quá nhiều, cho nên xã hội không an định, thiên hạ đại loạn, buổi tối không dám ra khỏi cửa. Chúng ta nghĩ xem, vào thời xưa, an ninh trật tự, phong tục thuần hậu, buổi tối không cần đóng cửa, không cần nói ban ngày, buổi tối cửa lớn mở to cũng không có người xấu đến nhiễu loạn, người người đều giữ lễ, người người đều giữ pháp. Họ trải qua là ngày tháng như thế nào, còn chúng ta ngày nay trải qua ngày tháng như thế nào?

Ngày nay chúng ta bất luận là nhà người giàu có hay nhà người nghèo khó, nơi ở đều là đề phòng kẻ gian một cách nghiêm mật, chỉ sợ kẻ trộm thừa cơ mà vào, cửa sổ còn phải thêm khung sắt. Ngày trước khung sắt là dùng để làm nhà tù. Hiện tại chúng ta xem thấy chỗ ở của mỗi nhà giống như nhà tù, mỗi mỗi đều bị giam ở trong lồng sắt, bạn nói xem, có đáng thương không? Đây là văn hóa gì, là văn minh gì? Chúng ta tai nghe mắt thấy, làm sao mà không đau lòng? Truy cứu căn nguyên của nó, vì sao mà tạo thành? Lỗi là do không đọc sách Thánh Hiền, chưa có nhận qua giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, cho nên mới có thể có hiện tượng này. Người giác ngộ, người sáng suốt cũng sinh sống trong xã hội này, có cần phải có sự đề phòng tội phạm này không? Không cần thiết! Có thể có người đến nhiễu loạn, đến làm hại cũng không cần phải đề phòng. Vì sao vậy? Người rõ lý biết "một miếng ăn, một ngụm nước đều là do tiền định". Họ có oán thù với bạn, cho dù bạn đề phòng, họ vẫn là đến xâm phạm, đến báo thù bạn. Bạn không oán không thù với họ, dù không phòng ngừa, cũng không có người đến xâm phạm bạn.

Nhà Phật có một câu chuyện, vào thời Tùy Đường, Hòa Thượng Đỗ Thuận (đây là Tổ sư đầu tiên của Tông Hoa Nghiêm) ở nơi đồng trống che một chòi tranh để tu hành. Khu vực Ngài ở đó có rất nhiều kẻ trộm. Có một tín đồ cúng dường lão Hòa thượng một đôi hài mới. Kẻ trộm xem thấy Lão Hòa thượng đang ngồi ở nơi đó nhập định, cũng không dám làm nhiễu loạn Ngài, bèn đem đôi hài treo ở bên ngoài cửa. Qua một năm, người đó lại có cơ hội đi qua nơi đó, lại đến để bái Lão Hòa thượng, xem thấy đôi hài vẫn treo ở bên ngoài. Người đó bước vào bái Lão Hòa thượng và nói: “Lão hòa thượng! Con cúng dường Ngài một đôi hài treo ở bên ngoài cửa, Ngài có thấy hay không?”.

- "Ta thấy rồi".

- “Vì sao Ngài vẫn treo ở nơi đó? Ở chỗ này nhiều kẻ trộm đến như vậy, không có người nào lấy sao?”.

Lão Hòa thượng nói: “Ta đời trước không có thiếu nợ họ, đồ của ta để ở ngay trước mặt họ, họ cũng sẽ không động tâm”.

Đời trước thiếu nợ họ, bạn giấu ở chỗ nào cũng sẽ bị người ta tìm được, cũng sẽ bị người ta lấy đi. Đây là nói rõ "miếng ăn, ngụm nước đều do tiền định". Đã là tiền định thì bạn phòng họ làm gì? Họ muốn lấy đi. Tốt rồi, vậy nợ này trả rồi, món nợ này đã trả sạch rồi. Không cần phải đề phòng kẻ gian. Đời trước không có cái nợ này, họ sẽ không khởi tâm động niệm. Thiếu nợ phải trả nợ, thiếu mạng phải trả mạng. Phật nói rất hay, thế pháp sáu cõi luân hồi hình thành như thế nào? Chẳng qua là hoàn trả nghiệp báo mà thôi. Chúng ta đến thế gian này không có việc gì khác, chính là báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, chính là do vậy mà đến. Giác ngộ rồi, ân phải báo, nợ phải trả, oán thì xóa vậy. Người khác thiếu ta thì không cần trả. Bạn trả hết, không còn món nợ nào nữa, bạn liền được đại tự tại, đời sau không làm sự việc này nữa. Cho nên, người giác ngộ ở thế gian này chỉ có báo ân, chỉ có trả nợ, là làm hai sự việc này. Người mê hoặc thì làm bốn sự việc, vậy thì vĩnh viễn làm không xong, không hề kết thúc.

Chú giải phía sau có mấy câu nói: "Bất trung bất hiếu, hại giáo phản đạo". Giáo hóa của Thánh Hiền, cổ đức có thí dụ: "Nhân thiên nhãn mục, hắc ám đăng minh" (con mắt của trời người, đèn sáng của bóng đêm). Bạn muốn chướng ngại, tội lỗi này lớn. Bạn hại một người thiện, nhất là hãm hại một người làm công tác giáo dục xã hội, hại người giáo hóa tất cả chúng sanh, tội lỗi không kết ở người bị hại mà kết tội là ở tất cả những chúng sanh sẽ được tiếp nhận giáo dục trong xã hội, vì bạn đã đoạn mất đi pháp thân huệ mạng của tất cả chúng sanh, đoạn mất cơ duyên học Phật của tất cả chúng sanh. Cái tội này nặng hơn so với giết người.

Trong Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, vừa mở đầu, đoạn thứ nhất các vị xem thấy, có hai vị pháp sư giảng Kinh nói pháp, giáo hóa rất nhiều chúng sanh. Một số người xem thấy vị pháp sư này dường như là đạt được danh vọng lợi dưỡng, trong lòng họ khó chịu, đố kỵ, chướng ngại, nghĩ hết cách để phá hoại pháp sư, khiến cho người theo học tập với các Ngài hiểu lầm, mất lòng tin đối với pháp sư, cơ hội tiếp nhận giáo học của Phật pháp hoàn toàn bị mất đi. Phá hoại rồi, tội lỗi đọa A-tỳ Địa Ngục. Đọa lạc địa ngục bao nhiêu năm? Một ngàn tám trăm vạn năm. Đây là nói theo thời gian của nhân gian chúng ta. Họ ở trong địa ngục cảm thấy thời gian là vô lượng kiếp. Địa ngục và nhân gian khác biệt, không như nhau. Một tâm niệm ác kết thành sai lầm lớn. Đoạn pháp thân huệ mạng của tất cả chúng sanh, cái ác này còn gì bằng? Hai pháp sư này, thành thật mà nói, với họ không có ảnh hưởng gì lớn, người bị hại là vô lượng chúng sanh; tuy bạn hại hai người, thế nhưng liên lụy vô lượng chúng sanh, bởi vì họ không thể được lợi ích của Phật pháp.

Trong lễ xưa chúng ta đã đọc qua, ta với người này có cái thù giết cha, mối thù không đội trời chung, thế nhưng hiện tại người này đang làm quan, ta có được báo thù hay không? Không thể báo thù! Làm quan là vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân tạo phước. Hiện tại họ là vì đại chúng xã hội mà làm việc tốt, ta tuy là có thù, nhưng ta không thể báo. Họ làm việc tốt, không những ta không thể báo thù, mà ta còn phải giúp đỡ họ, thành tựu việc thiện của họ. Đây là người đi học hiểu rõ lý. Đến lúc nào mới báo thù? Đợi họ mãn nhiệm, họ không còn làm công việc này nữa. Họ đang làm công việc lợi ích chúng sanh, ta không những không thể báo thù, mà còn phải giúp đỡ họ làm việc tốt. Người hiểu rõ lý lẽ, ân oán phân minh, rõ ràng tường tận. Hiện tại họ đang làm việc thật vì xã hội, thật vì chúng sanh, vậy chúng ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, thành tựu công đức của họ, còn tư thù của cá nhân, đợi họ không còn làm công việc này nữa, ta lại đến báo thù. Bạn giết họ, hại họ lúc này thì được. Cho nên, người không thể không đọc sách, không thể không rõ lý, không nên chướng ngại phước thiện của đại chúng xã hội, không nên phá hoại hạnh phúc và lợi ích của xã hội đại chúng. Ngày nay có mấy người hiểu được đạo lý này? Tại vì sao không hiểu? Lỗi do không đọc sách Thánh Hiền. Tôi nghe nói, quỷ thần của Thiên Mục Sơn đều yêu cầu thời gian nghe Kinh nhiều hơn một chút. Người không bằng quỷ thần. Quỷ thần có cái tâm hiếu học, có nguyện vọng nghe pháp. Việc này đáng để chúng ta suy nghĩ, đáng để chúng ta phản tỉnh.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

A Di Đà Phật.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook