Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Chương 107: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Đức Thái Thượng Lão Quân- Dịch-Giảng Lão Pháp Sư Tịnh Không

26/07/2021

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 94:

“Tham mạo ư tài, khi võng kỳ thượng. Tạo tác ác ngữ, sàm hủy bình nhân.” (Tham lam, xằng bậy đoạt tiền của, lừa dối bề trên. Nói lời ác độc, gièm chê, hủy báng người lành).

Bốn câu này, trong lần giảng trước chúng tôi đã giới thiệu qua hai câu đầu. Hôm nay chúng ta sẽ xem tiếp hai câu sau. Hai câu phía sau trong chú giải viết rất hay, sau khi chúng ta đọc xong thì biết được lỗi này rất nghiêm trọng. “Sàm ngôn” chính là “lưỡng thiệt”, là “ỷ ngữ” mà ngày nay chúng ta nói. Trong bốn loại lỗi của miệng thì hai loại này nặng hơn, đương nhiên bất kỳ một loại nào cũng có liên quan đến bốn loại lỗi lầm này. Trong chú giải đã nói với chúng ta, “Con người dẫu có lỗi, cũng sẽ quanh co che giấu”. Câu nói này rất quan trọng, Thánh Hiền thế xuất thế gian, không ai không dạy người tích công lũy đức, việc tích công lũy đức này chính là có thể tha thứ lỗi lầm của người khác, phải bắt đầu hạ thủ từ chỗ này.

Từ xưa đến nay hết thảy chúng sanh dễ phạm nhất là khẩu nghiệp, cho nên trong kinh giáo Thế Tôn đã dạy “khéo giữ ba nghiệp” thì khẩu nghiệp vẫn luôn xếp ở hàng đầu, dụng ý này chúng ta phải nên biết, phải có thể thể hội được. Tôi cũng thường khuyên bảo các đồng tu không nên tùy tiện nói lỗi của người khác, nguyên nhân là gì? Lỗi lầm của bản thân chúng ta quá nhiều, bản thân mình có lỗi vậy thì có tư cách gì nói lỗi của người khác? Đây là lý thường tình, đợi đến ngày nào đó chính mình không còn lỗi nữa, tôi sâu sắc tin tưởng lúc đó bạn nhất định cũng sẽ không nói lỗi của người khác. Không những Phật Bồ-tát dạy bảo chúng ta như vậy, mà chúng ta hãy xem Tổ sư Đại đức, hiền nhân của thế gian cũng như vậy, khi người có lỗi lầm các Ngài cũng linh hoạt uyển chuyển giúp họ che giấu. Hãy xem những lời nhà Nho, hiền nhân quân tử của thế gian đã nói, nếu người này vốn dĩ không có tội lỗi, bạn lại muốn dựng chuyện gièm pha, bịa đặt ra việc gì đó để hủy báng họ, sỉ nhục họ thì sự độc hại này thậm chí còn hơn cả đao phủ, còn hơn cả hổ sói, tạo tác này là tội nghiệp cực nặng. Người ta vốn dĩ không có tội, bạn lại ở đó đặt điều dựng chuyện, hãm hại người khác. Người nghe bạn đặt điều thị phi hơn một nửa là người ngu si, không có năng lực phân biệt đúng sai tà chánh, nên nhẹ dạ cả tin lời của bạn, tin đó là thật. Hậu quả phát sinh thật sự không thể nào tưởng tượng được.

Trong chú giải đã lấy ra một bài thơ cổ, có một đoạn như thế này: “Lời thơ xưa rằng: Cẩn thận, đừng nghe gièm, nghe rồi, họa ương kết”. Lưỡng thiệt, ỷ ngữ nguy hại mãnh liệt nhất. Ở đây đã nêu ra vài thí dụ về quân vương mà nghe [lời gièm pha] thì đại thần sẽ bị giết. Chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều thí dụ trong lịch sử, chân thật là người trung thành vì nước, nhưng một số nịnh thần ở trước mặt vua đặt điều thị phi, vua cũng không điều tra rõ ràng chân tướng sự thật, liền giết chết người đó, việc này xưa nay trong ngoài nước không có gì là lạ. “Cha nghe [lời gièm pha] thì cha con từ mặt”, anh chị em đông, vì tranh đoạt tài sản mà ở trước mặt cha mẹ đặt điều sanh chuyện, nói người con nào đó bất hiếu, thậm chí còn tìm một số người thân quyến thuộc đặt điều sanh sự, khiến cha con đoạn tuyệt nhau. Giữa vợ chồng mà nghe lời đồn thất thiệt thì tạo thành việc ly hôn. Anh chị em mà tin vào lời đồn thì từ đó không còn qua lại nữa, thân tình liền đoạn tuyệt. Bạn bè nghe lời đồn thất thiệt thì giao tình cũng đoạn dứt. Xa hơn nữa, giữa cốt nhục nếu tin vào lời đồn thất thiệt thì cốt nhục cũng chia lìa. Cho nên bài thơ này đi đến tổng kết sau cùng là: “thân mình bảy thước cao, đi nghe ba tấc lưỡi, miệng đời như gươm đao, giết người không thấy máu”.

Trong Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh chúng ta nhìn thấy sự đố kị chướng ngại nhiễu điều sanh sự, hủy báng Pháp sư giảng kinh. Dân chúng nghe lời thất thiệt nên mất đi lòng tin đối với Pháp sư, không đến nghe kinh nữa, đây là tội “phá hòa hợp tăng” trong các tội ngũ nghịch. Trong giới kinh thì tội này sẽ đọa A-tỳ địa ngục, nghiệp tội cực nặng. Họa hại của sự gièm pha đồn thổi nghiêm trọng đến như vậy chúng ta không thể không cẩn thận. Những lời đồn đại hủy báng thường xuất hiện bên tai chúng ta, chúng ta phải có trí huệ để nhận biết.

Ngày trước tôi cùng Hàn Quán Trưởng hợp tác được 30 năm, 30 năm là khoảng thời gian tương đối dài, đương nhiên cũng thường có những lời gièm pha. Hàn Quán Trưởng là một người có trí huệ minh triết, khi bà gặp phải những sự việc như vậy thì bà đi điều tra, tìm đến ngọn nguồn sự việc. Cho nên những người nói lời thị phi gièm pha lúc ở trước mặt bà đều không dám mở miệng nói. Đây là một người minh bạch, nhất định phải truy rõ ngọn ngành, điều tra chân tướng sự thật, không nên tùy tiện một mực tin nghe. Hiện nay Hàn Quán Trưởng đã vãng sanh, chúng tôi được sự hộ trì của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, những lời gièm pha phỉ báng này chỉ có tăng thêm chứ không giảm đi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên là một người minh bạch, là một người có trí huệ, là một người có định công, ông không điều tra đến đầu đuôi ngọn ngành giống như Hàn Quán Trưởng, ông tuyệt không tin tưởng, bất luận bạn nói như thế nào, ông nghe mà như không nghe. Như người xưa đã nói “lời đồn không qua được kẻ trí”, ông là người có trí huệ, người tin nghe lời đồn là ngu si, ngu si đến cùng cực. Trong kinh giáo Phật đã nói, nghiệp của ác khẩu sau khi chết sẽ đọa địa ngục đao binh cắt lưỡi. Trong Kinh Địa Tạng chúng ta thấy địa ngục có muôn vàn khổ báo, núi đao, vạc dầu, cắt lưỡi, đây đều là khẩu nghiệp chiêu cảm lấy, còn phải xem tạo tác của người đó ảnh hưởng lớn hay nhỏ, nếu sức ảnh hưởng lớn, thời gian ảnh hưởng dài, vậy thì sẽ rất thê thảm, đọa vào A-tỳ địa ngục vĩnh kiếp không thể ra khỏi.

Chúng ta học Phật, học Phật là học khai trí huệ. Tối hôm qua, chúng tôi ở nơi đây đã giảng giải về 53 lần tham vấn của Thiện Tài Đồng Tử. Trong đoạn sau cùng, chúng ta nhìn thấy Bồ-tát Văn Thù tán thán Thiện Tài Đồng Tử. Thiện Tài Đồng Tử nêu ra những lời thỉnh giáo, rất đáng để cho chúng ta học tập. Không những là đáng để học tập, mà nếu ai chân thật phát tâm, mong cầu vô thượng Bồ-đề thì nhất định phải học tập phát Bồ-đề tâm, Tu Bồ-tát hạnh. Thập ác là hành vi của ma quỷ, không phải là Bồ-tát hạnh, nghe lời đồn đại là thuận theo ma quỷ. Phải cự tuyệt đối với lời đồn, đây là tùy thuận Phật Bồ-tát. Cát hung họa phước chính là ở một niệm này, duy chỉ có trí huệ chân thật thì họ mới biết được phải chọn lựa như thế nào. Không có trí huệ chân thật, dễ dàng tin nghe lời đồn đại, bị hoàn cảnh bên ngoài xoay chuyển thì loại người này cho dù chăm chỉ nỗ lực tinh tấn tu trì, cũng không đạt được kết quả. Sự thật này từ xưa đến nay có quá nhiều rồi. Người học Phật nhiều, người thành tựu thì ít, người niệm Phật thì nhiều người vãng sanh thì ít. Không những đối với người khác, do đố kỵ mà đặt điều sanh sự, thậm chí là vì thiên kiến của môn phái mà tạo ra tội báng Pháp.

Những năm gần đây chúng tôi nghe được rất nhiều người hủy báng bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hạ Liên Cư. Họ phê bình ác ý, cái tội này nặng, thật là rất nặng. Người tin nghe lời hủy báng đều là những người có trình độ học Phật không cao. Nếu trình độ học Phật cao thì những bình luận này của bạn người ta vừa nhìn thì đã nhìn thấu rồi, chỉ có những người trình độ thấp thì mới tin nghe những lời đồn này. Chướng ngại một người vãng sanh thì cái tội này có thể nhẹ được ư? Ngày nay ở thế gian này, người tán thán bản hội tập của Hạ Liên Cư là những ai? Chúng ta có thể so sánh với họ được không? Tôi giảng kinh 41 năm rồi, Kinh Vô Lượng Thọ có 5 loại bản dịch gốc tôi đều đã xem qua. Bản hội tập của Vương Long Thư tôi đã đọc qua, chỉ có bản của Ngụy Mặc Thâm là tôi có mà chưa xem qua. Tôi nói lời thật với bạn, vì sao tôi lại chọn bản hội tập của Hạ Liên Cư để giảng, để giới thiệu với mọi người? Tôi không phải là người mù quáng, tôi cũng không phải là có cảm tình riêng, tôi chưa hề gặp mặt lão cư sĩ Hạ Liên Cư, không có giao tình qua lại, mà tôi là tùy theo việc mà suy xét. Bản hội tập của Ngài đích thực là một bản tổng hợp hoàn chỉnh của 5 loại bản dịch gốc. Lão cư sĩ Mai Quang Hy, lão Pháp sư Từ Châu, ở Đài Loan lão Pháp sư Từ Châu có hai học trò. Một người là lão hòa thượng Đạo Nguyên, ông đã vãng sanh rồi, còn một người là Pháp sư Sám Vân ở Đài Loan rất được mọi người kính ngưỡng. Học trò của Pháp sư Từ Châu, lão Hòa Thượng Huệ Minh khi đó nhìn thấy quyển hội tập này thì liền tán than. Người làm khoa phán sớm nhất cho quyển hội tập này là Pháp sư Từ Châu, tôi cũng làm một khoa phán, khoa phán của tôi là lấy khoa phán của Pháp sư Từ Châu làm nền tảng, chỉ là phân lại cho rõ ràng hơn mà thôi, trong đó có rất nhiều khoa đề của khoa phán vẫn dùng nguyên văn của Pháp sư Từ Châu. Tôi không phải là ngu si, tôi không tùy tiện để cho người ta xoay chuyển. Quyển sách này là do lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã chỉ bảo cho tôi, tôi đã xem, tỉ mỉ xem những quyển khác để so sánh, nó đích thật là có lợi ích. Cho nên chúng tôi mới phát tâm tuyên dương quyển sách này, tôi tin ngày nay rất nhiều người hủy báng quyển sách này là có ý đồ riêng, họ không sợ tạo nghiệp, họ không sợ cái khổ của địa ngục, nhưng tôi thì sợ. Trong những năm gần đây, người y theo quyển sách này mà được độ, được vãng sanh, có thoại tướng hy hữu rất nhiều, chúng tôi thường nghe thấy, thậm chí họ còn quay phim chụp hình gửi qua cho tôi xem, tôi cảm thấy rất an ủi, chúng ta ở nơi này đã có được chứng cứ rồi.

Thế nên tội vọng ngữ, lưỡng thiệt đồn thổi là vô cùng nghiêm trọng. Phá hoại gia đình người khác, li gián cốt nhục người ta, phá hoại tăng đoàn, hủy diệt Phật pháp, đoạn Pháp thân huệ mạng của người, trong Giới kinh Phật đã nói rất nhiều rồi, chúng ta hãy tỉ mỉ đọc, tỉ mỉ mà phản tỉnh, nhất định không tạo ác nghiệp này thì tiền đồ của chúng ta là một màu tươi sáng. Cho dù không tin Tịnh Độ, không niệm Phật thì nhất định sẽ được sanh lên trời hưởng thiên phước, sẽ không bị đọa lạc. Cho nên không thể vì miệng lưỡi nhất thời mà tạo ra ác nghiệp nghiêm trọng đến như vậy. Phải đặc biệt cẩn thận, đặc biệt chú ý, nhất định không truyền bá lời đồn đại, phải chân thật giống như Lý Mộc Nguyên, là người có trí, nghe rồi thì thôi, tuyệt đối không nhắc đến, tạo nghiệp hay tích đức là ở một câu này.

**********

Các vị đồng học, xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 95:



“Hủy nhân xưng trực, mạ thần xưng chính” (Hủy báng kẻ khác, tự khoe bản thân chánh trực).

Những câu trong chú giải tôi đọc qua một lần cho mọi người nghe: “Bậc sĩ quân tử lập thân, xử thế, phải nên giữ sao cho hành vi của chính mình ắt đều chánh trực, chẳng tà vạy. Đấy là Trực. Nếu bản thân chưa thể chánh trực, chỉ lo hủy báng người khác để tự khoe mình là bậc chánh trực thì lương tâm đã bị chôn vùi; há đáng gọi là “chánh trực” ư? Hơn nữa, người chánh trực cõi lòng ắt trung hậu, hễ đáng nên nói liền nói, khiến cho người khác biết sửa đổi. Cốt yếu là lòng thành có thừa mà lời lẽ chẳng đủ. Đó gọi là Trực vậy! Những kẻ hủy báng, bôi nhọ tiếng tăm của người khác hòng thỏa cơn tức giận của chính mình, mà vẫn tự xưng là “chánh trực”, há chẳng đáng thống thiết căm giận ư? Lão Tử nói: “Người thông minh, xét đoán sâu xa mà gần như lâm vào tử địa là vì thích chê bai, bàn tán kẻ khác”.

Trước tiên chúng ta xem đoạn này, đây là lỗi lầm lớn mà rất nhiều người đặc biệt là người hiện nay thường phạm phải. Hủy báng người khác, người khác có lỗi lầm thì nhất định muốn làm cho lỗi lầm đó của họ nặng thêm, muốn tăng thêm gấp nhiều lần. Người không có lỗi mà lại đem lỗi lầm gán ghép cho họ, đều tự xưng mình là chính trực. Chúng ta hãy xem cổ Đức đã dạy bảo chúng ta. Ngày trước người đọc sách rõ lý, ngày nay chúng ta là người học Phật, người học Phật thì đức hạnh học vấn còn cao hơn cả bậc sĩ quân tử. Sự việc này Ấn Quang Đại sư thường quở trách Hoàng đế Thuận Trị, vì ông phế bỏ chế độ thi cử nên tố chất của Phật môn đã xuống dốc trầm trọng. Nếu vẫn còn chế độ này của người xưa thì những người như chúng ta muốn xuất gia đều không đủ tư cách, bạn thi mà không đậu thì không thể nào được thông qua. Bạn xem trong các kinh điển người xuất gia được tán thán là “thiên nhân sư”, bạn không những là vị thầy mô phạm của người thế gian mà còn làm người thầy mô phạm cho thiên nhân của trời Dục Giới, trời Sắc Giới. Vì sao vậy? “Chánh trực vô tà” nên nhận được sự tôn kính của thiên địa quỷ thần, đại chúng trong xã hội. Tâm của bạn chân thành, ngôn từ của bạn chính trực. Nếu bản thân bạn, thân không chánh trực, tâm tà vạy thì bạn có tư cách gì để phê phán chỉ trích người khác chứ? Bạn hãy xem cư sĩ Hứa Triết 101 tuổi, chưa hề nổi giận, không chỉ trích người khác, nếu không thể chung sống với người khác thì quay đầu lại tự trách mình, do bản thân ta làm chưa tốt nên đã khiến người khác hiềm khích. Chúng ta đã nghe bà nói rồi, cả một đời không ghi nhớ lỗi lầm của người khác, cũng không nhớ ác ngôn ác hạnh của người khác, cả đời trong tâm chỉ ghi nhớ chỗ tốt chỗ thiện của người mà thôi. Bạn nghĩ xem cái tâm này thiện lương biết bao, hành vi thiện lương biết bao, cho nên bà mới sống 101 tuổi, hơn nữa tinh thần và thể lực giống như người 30-40 tuổi vậy. Thầy Ngộ Hoằng nhìn thấy liền tự trách mình không bằng bà, thầy chỉ mới 40 tuổi, tự trách mình không bằng thì vẫn chưa đủ, mà phải nỗ lực học tập, phải học tập ở bà, vẫn còn kịp.

Trong lúc giảng tôi thường nói, bạn 20 tuổi mới bắt đầu học thì bạn vĩnh viễn là 20 tuổi, bạn 30 tuổi bắt đầu học thì bạn vĩnh viễn là 30 tuổi, bạn 40 tuổi mới học thì bạn vĩnh viễn là 40 tuổi. Bạn phải chân thật chịu học, nếu tâm địa chính mình tà vạy, thân không chánh trực, hơn nữa hủy báng người khác, thể hiện ngoài mặt thì là người rất chánh trực, ở đây nói lương tâm của bạn đã mất hết rồi, bạn đã tạo tác tội nghiệp cực nặng, quả báo của bạn là ở A-tỳ địa ngục, trong kinh Phật thì gọi là địa ngục cắt lưỡi, địa ngục núi đao, địa ngục vạc dầu, đây đều là quả báo mà loại nghiệp tội này cảm ứng đến. Quả báo trong địa ngục không phải là do Diêm Vương tạo ra, mà nó chính là cảnh giới do ác tâm ác hạnh của bản thân chúng ta biến hiện ra, là tự làm tự chịu.

Ở chỗ này nói rất hay, “người chánh trực cõi lòng ắt trung hậu”, là hậu đạo, hiện nay người có tâm địa trung hậu rất ít. “Trung” nghĩa là gì? Trung là tâm chánh, không xiên lệch một chút nào, không tà vạy một chút nào, đây gọi là “Trung”. Thực tại mà nói “Trung” chính là “Thành”, “Thành” chính là “Trung”. Trong tâm của bạn có tà, có tà vạy thì bạn không trung, bạn cũng không thành, ngôn hạnh của bạn tự nhiên sẽ khắc nghiệt, không còn đôn hậu thận trọng nữa.

“Hễ đáng nên nói thì liền nói”, lời nói phải nên suy nghĩ. Trong Luận Ngữ nói: “Nghĩ ba lần trước khi nói”, muốn mở miệng nói trước tiên thì phải suy nghĩ xem những lời này có đáng nói hay không, có nên nói hay không? Trong Tứ Nhiếp pháp mà Phật dạy chúng ta có “ái ngữ”. “Ái ngữ” ý nghĩa là gì? Nhất định phải yêu thương đối phương, “ái ngữ” không phải là những ngôn từ nói cho dễ nghe, cũng không phải là những lời ton hót nịnh bợ, mà là những lời yêu thương chúng sanh, ngăn lỗi khuyến thiện, đó là ái ngữ chân thật, khiến người ta có thể sửa đổi hoàn thiện. [Thế nhưng] ngôn ngữ cũng có chỗ giới hạn, cho nên có khi là “lòng thành có thừa mà lời lẽ chẳng đủ để diễn tả”. Tâm của bạn chân thành muốn giúp đỡ người khác sửa lỗi đổi mới, tâm chân thành muốn thành tựu người khác, tâm của bạn có thừa, nhưng lời nói thì có giới hạn bày tỏ, có thể cảm hóa người, đây là Trực.

Hủy báng người, sỉ nhục người, mắng nhiếc người, ở chỗ này nói rất hay, “hòng thỏa cơn tức giận của chính mình”, mình mắng người khác rất sảng khoái, cho việc này là “chánh trực”, ở đây nói là “đáng thống thiết căm giận”. Câu phía sau của Lão Tử nói rất hay: “Người thông minh, xét đoán sâu xa mà gần như lâm vào tử địa là vì thích chê bai, bàn tán kẻ khác”. Thông minh xét đoán sâu xa trong nhà Phật gọi là “thế trí biện thông”. Xét đoán sâu xa nghĩa là gì? Là quan sát lỗi lầm của người khác, ưa thích việc nghe ngóng lỗi lầm người khác, ưa thích việc sưu tầm lỗi lầm của người khác, thích nghe lỗi lầm của người khác, loại người này là “lâm vào tử địa”, không được chết tốt lành. Tiên sinh Trình Y Xuyên nói: “Bậc quân tử đối xử với người khác, hãy nên từ chỗ lỗi lầm của họ mà tìm ra chỗ không lầm lỗi, chớ nên từ chỗ không lầm lỗi mà bươi móc lầm lỗi, còn khi xét lỗi của mình thì phải nên làm ngược lại”. Làm thế nào để đối với người? Đối với chính mình phải như thế nào? Khi đối đãi với người phải từ trong lỗi lầm của người mà quan sát tìm ra điều không có lỗi, cũng chính là quan sát chỗ tốt của họ, còn đối với chính mình thì phải làm ngược lại, trong những điều không có lỗi của mình tỉ mỉ mà kiểm điểm tìm cho bằng được lỗi lầm của chính mình. Câu kết phía sau rất hay, “Ôi! Người trong thế gian khẩu nghiệp vô cùng. Vì thế, đức Thái Thượng đôi ba lượt nghiêm ngặt răn nhắc”. Trong kinh Phật cũng như vậy, câu đầu tiên là “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Ngày ngày tạo tác tội nghiệp, đặc biệt là người xuất gia, người xuất gia tạo tội nghiệp thì nặng hơn người tại gia gấp 10 lần. Vì sao vậy? Bởi vì bạn đã khoác lên bộ y phục này, hình tượng này là bạn đang đại biểu cho Phật Bồ-tát, bạn tạo tội nghiệp thì bạn đã sỉ nhục Phật Bồ-tát. Trong kinh Phật thường gọi là “hủy báng chánh pháp, phá hòa hợp tăng”, bạn đã phá hoại hình tượng của Phật giáo, bạn khiến cho rất nhiều người trong xã hội đại chúng nhìn thấy hành vi của bạn thì không dám học Phật nữa, thế là họ cũng báng Phật báng Pháp báng Tăng. Vì sao họ phỉ báng vậy? Bởi vì họ nhìn thấy dáng vẻ của bạn cho nên mới hủy báng. Đây đều là lỗi lầm của bạn, đều là nghiệp tội của bạn, cho nên quả báo sẽ ở A-tỳ địa ngục, muốn ra khỏi thì thật sự là quá khó. Các vị có thể xem Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Kinh, hãy xem Địa Tạng Thập Luận Kinh, Di Lặc Bồ-tát Sở Vấn Kinh, trong đó đều thuyết minh một cách tường tận. Cho nên tôi nhìn thấy những người này, thật sự là họ cả gan làm càn, thật sự là to gan, không sợ đọa địa ngục, không sợ cái khổ của địa ngục, dám tạo tội nghiệp, chúng ta phải nên cảnh giác.

Câu thứ hai là “Nhục mạ thần linh, tự xưng mình là chánh đáng”. Tôi xin đọc qua phần chú giải một lần: “Thông minh chánh trực thì gọi là Thần”. Chữ “thần” này ý nghĩa gốc của nó là gì? Thông minh chánh trực. Nói rất hay, nhưng nghĩa gốc của nó thì chúng ta hãy xem cách viết của chữ “thần” này, bên trái của nó là chữ “thị”. Chữ “thị” này ý nghĩa là gì? Phía trên có một chấm và một gạch, thời xa xưa chữ này gọi là “thượng”, thượng thiên (trên trời). Phía dưới của chữ “thị” có ba gạch, đây là “thùy tượng”, dùng cách nói của chúng ta hiện nay thì gọi là “hiện tượng tự nhiên”. Người xưa nói “thượng thiên thùy tượng” (hiện tượng từ trời ban xuống). Còn bên phải chữ “thần” là chữ “thân”. “Thân” nghĩa là gì? Nghĩa là thông đạt, nếu dùng cách nói đơn giản nhất của chúng ta hiện nay là thông đạt chân tướng vũ trụ nhân sanh thì gọi là “thần”. Người có thể thông đạt được chân tướng vũ trụ nhân sanh thì chúng ta gọi người đó là thần thánh, “thánh” cũng có ý nghĩa như vậy. Cho nên chữ “thần” này là chữ hội ý. Để cho bạn khi nhìn thấy hình tượng của chữ này thì thể hội được cái ý của nó. Họ hết thảy đều thông đạt rõ ràng, người như vậy “bậc quân tử hãy nên kính sợ”, người đọc sách, thành phần trí thức đối với những người như vậy thì có ai mà không tôn kính người có học vấn có đạo đức.

“Thế mà có phường tiểu nhân chẳng biết kiêng nể, tự xưng là “chánh trực, chẳng tà vạy, có thể khuất phục quỷ thần”. Đây là tiểu nhân, không tin có quỷ thần, cho rằng chính mình rất giỏi, có thể hàng phục hết thảy quỷ thần, đâu biết được những rắp tâm trong lòng mình đã bị quỷ thần nhìn thấu từ lâu rồi. Khởi tâm động niệm của bạn quỷ thần đã nhìn thấu từ lâu rồi, đã nhìn thấu suốt từ lâu rồi, bạn còn ở đó tạo tội nghiệp. Quả báo ở thế gian này, đặc biệt là ở hiện tại, quả báo đến rất nhanh, các vị chỉ cần tỉ mỉ quan sát một chút thì sẽ nhìn rõ thôi. Bạn hãy xem những người tạo tội nghiệp, nếu bạn nhìn thấy báo cáo của cư sĩ Tề ở Đông Thiên Mục Sơn, bạn xem bà xây dựng đạo tràng, chưa được bao nhiêu năm, mới hơn 4 năm gần 5 năm, mà những kỳ tích quả báo cảm ứng được thì rất nhiều, không kể hết. Chúng ta ngày nay tạo tác những tội nghiệp này, dường như là quả báo chưa hiện tiền, nếu dựa theo kinh mà nói thì đây là nhờ vào một chút phước đức mà bạn đã tu được trong đời quá khứ, bạn vẫn chưa hưởng hết chút phước báo này, đợi đến khi bạn hưởng hết phước báo rồi thì ác báo liền hiện tiền, đến lúc đó hối hận cũng không kịp nữa.

Con người phải nên rõ lý, các vị trong đời quá khứ đã tu phước, hiện tại tạo tội nghiệp mà lại không sợ, bạn vẫn còn dư phước đang bảo hộ cho bạn, tôi thì không dám. Khi tôi còn trẻ cũng nhiều lần đi xem tướng đoán mạng, họ nói cho tôi biết đời trước tôi không có tu phước, nên thời niên thiếu đã trải qua cuộc sống vô cùng khổ cực. Tôi học Phật, có rất nhiều đồng tu đều biết, tôi đã trải qua một cuộc sống vô cùng gian nan suốt 15 năm. Một số người bạn xuất gia cũng đã nhìn thấy đời sống của tôi khi ở Đài Trung, nhìn thấy đều lắc đầu, bất kỳ ai cũng không thể chịu nổi. Tôi không có phước báo, đời trước không tu, đến nay vào những năm cuối đời, mọi người nhìn thấy tôi có đời sống cũng không tệ, đây là cuộc đời của tôi sau khi học Phật mới biết tu phước. Cho nên tôi là tu trong đời hiện tại và được báo trong đời hiện tại, các vị đều đã nhìn thấy. Các vị đều nhờ vào dư phước trong đời quá khứ, các vị nếu chịu tu phước thì đến những năm cuối đời các vị nhất định sẽ còn vượt hơn tôi rất nhiều.

Con người vì sao không biết tu phước mà đi tạo tội nghiệp? Thái Thượng đã nói với chúng ta, trong Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn đã nói với chúng ta “ngẩng đầu ba thước có thần minh”. Còn Phật nói với chúng ta, có hai vị thần mà cả một đời không rời xa chúng ta, một vị gọi là “Đồng Sanh” một vị gọi là “Đồng Danh”. Hai vị thần này sống trong thân thể chúng ta như hình với bóng không rời, chúng ta tạo thiện tạo ác, hai vị thần này lập tức lên trời báo cáo. Chúng ta khởi tâm động niệm thậm chí tự mình còn chưa biết thì họ đã biết rồi, nên con người không thể không giữ lòng thiện lành. Tôi một đời tự mình tu học, khuyên nhủ người khác giữ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, áp dụng thực tiễn vào trong cuộc sống, áp dụng vào trong công việc, áp dụng vào trong việc xã giao xử sự đối người tiếp vật. Bất luận người khác dùng tâm ý gì đối với tôi, tôi đều dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi để đối đãi với họ. Họ tạo ác, tôi cũng không ghi nhớ cái ác của họ, tôi luôn nghĩ đến chỗ tốt của người khác, người ta đối tốt với tôi một ngày, hoặc đối tốt một giờ hoặc là cực kỳ ít ỏi đi nữa, tôi đều ghi nhớ trong tâm, cảm ơn đội đức. Họ đối xử xấu ác với tôi, hủy báng tôi, sỉ nhục tôi, hãm hại tôi, hết thảy tôi đều không nhớ nghĩ đến, tu thiện tâm của chính mình chân thật viên mãn, để cả đời mình, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn sống trong cảnh giới thiện. Chúng ta học Phật Bồ-tát, chúng ta học Thánh Hiền là học những điều gì? Chính là những thứ này. Ở thế gian này một đời một kiếp, chúng ta chăm chỉ nỗ lực học tập nhìn thấu buông xuống, tự tại tùy duyên, xa lìa thị phi nhân ngã, tham sân si mạn, khiến cho phiền não của chính mình không khởi thì việc tu học của chúng ta mới có thành tựu. Nếu mỗi ngày vẫn khởi phiền não, mỗi ngày vẫn nhìn vào điểm không đúng của người khác thì chúng ta đã sai rồi, chúng ta không giống Phật, không giống Bồ-tát. Tịnh Tông Học Hội được thành lập, tôi vì muốn khuyến khích các đồng tu tu học, đã nêu ra 5 cương lĩnh của việc tu học, lại đem những giáo huấn quan trọng mà Phật nói trong Kinh Vô Lượng Thọ ghi chép lại thành hơn 60 điều. Đem giáo huấn trong Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh viết lại thành hơn 40 điều, in thành một quyển sách nhỏ, gọi là “Sổ tay tu hành của đồng học Tịnh Tông”. Quyển sách nhỏ này thuộc về hành kinh, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của chúng ta không thể đi ngược lại với nó, vậy thì chúng ta chính là chân thật học Phật, chúng ta phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ nhất định được vãng sanh. Quyển sách nhỏ này được in ra rất nhiều, phân phát cũng rất rộng, nhưng có mấy người chịu chăm chỉ tu học chứ? Có mấy người chịu chăm chỉ ngày ngày đọc xem qua một lần, đem nó ra để mà phản tỉnh lại. Phản tỉnh từng điều từng điều một, ta có làm được hay chưa. Hiện tại ở Đài Bắc, chỗ của cư sĩ Tam Trọng Liêu, đồng tu ở đó dùng Bách Quá Cách để phản tỉnh, ngày ngày phản tỉnh, đây là người tốt ở thế gian. Chúng ta phải dùng sổ tay Tịnh Tông này để phản tỉnh từng điều một mỗi ngày, vậy thì bạn chân thật là đang học Phật, bạn là đệ tử số một của Như Lai, được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Nếu như trái nghịch thì bạn là ma tử ma tôn, bạn đến để phá hoại Phật Pháp, bạn là do ma vương Ba-tuần phái đến, đến để phá hoại Phật Pháp. Phá hoại Phật Pháp không có lợi ích gì, nhưng sau khi chết còn bị đọa A-tỳ địa ngục.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, tôi xin giảng đến đây. A Di Đà Phật!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook