Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Chương 112: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Đức Thái Thượng Lão Quân- Dịch-Giảng Lão Pháp Sư Tịnh Không

26/07/2021

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Trên bàn có một số câu hỏi của các đồng học, chúng tôi trả lời đơn giản như sau:

Câu hỏi đầu tiên, đồng học hỏi là: “Lìa bốn tướng, siêu vượt lục đạo, phá bốn kiến, nhập nhất chân pháp giới, chúng ta dùng phương pháp niệm Phật nhập nhất chân pháp giới thì còn phải niệm Phật nữa không? Nếu vẫn niệm Phật thì có gọi là chấp trước không? Nếu có chấp trước thì không phải là nhất chân pháp giới, nếu không chấp trước thì niệm Phật có phải là vô tưởng định, đoạn diệt hay không?”. Tôi nghĩ nhiều người cũng có vấn đề này, không chỉ là một người. “Lìa bốn tướng, siêu vượt lục đạo, phá bốn kiến, nhập nhất chân pháp giới”, trong điều này có sự khác biệt của công phu sâu hay cạn. Công phu cạn mà phá bốn tướng, nhưng vẫn chưa thoát khỏi lục đạo, làm thế nào có thể biết điều đó? Chúng ta căn cứ vào Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, quả vị Tu-đà-hoàn đã phá bốn tướng nhưng vẫn chưa xuất tam giới, họ vẫn phải sanh lên cõi trời rồi sinh xuống nhân gian bảy lần mới có thể ra khỏi lục đạo. Có thể thấy phá bốn tướng có trình độ công phu sâu hay cạn không như nhau, phá bốn kiến đương nhiên cũng như vậy. Trong tứ Thánh pháp giới chính là phá bốn kiến, bốn kiến mà phá được sâu thì nhập nhất chân pháp giới, nếu chỉ phá được cạn thì vẫn là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật, điều này chúng ta nhất định phải hiểu. Nhập nhất chân pháp giới có cần phải niệm Phật không? Bạn đi hỏi Phổ Hiền Bồ-tát, hỏi Văn Thù Bồ-tát, Văn Thù Bồ-tát và Phổ Hiền Bồ-tát đều niệm A Di Đà Phật. Bạn không niệm A Di Đà Phật đương nhiên cũng có thể được. Nói cách khác nhập nhất chân pháp giới vẫn phải cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Điều này từ trước đến nay khi tôi giảng kinh đã nói rất nhiều lần rồi. Bản thân tôi hướng tâm về Tịnh Độ chính là khi đọc Kinh Hoa Nghiêm, cái tâm này mới phát khởi ra được, mới hiểu rõ. Văn Thù Bồ-tát và Phổ Hiền Bồ-tát là đẳng giác Bồ-tát của thế giới Hoa Tạng, vì sao các Ngài lại muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc? Các Ngài vãng sanh thế giới Cực Lạc là thật, không phải biểu diễn. Chúng ta đọc trong kinh Phật, trong thế giới Hoa Tạng, từ sơ trụ Bồ-tát muốn tu đến viên mãn thành Phật cần phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Ba đại A-tăng-kỳ kiếp là bắt đầu tính từ Viên giáo sơ trụ, thời gian trước khi chưa chứng đắc Viên giáo sơ trụ thì không được tính, phải cần thời gian dài đến như vậy. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thành tựu rất nhanh. Hay nói cách khác là rút ngắn thời gian thành tựu của bạn lại rất nhiều, cho nên Văn Thù Bồ-tát và Phổ Hiền Bồ-tát đều muốn vãng sanh, không những muốn vãng sanh mà còn khuyên bảo tất cả bốn mươi mốt địa vị pháp thân đại sĩ cầu sanh Tịnh Độ, đến bên đó thành tựu nhanh chóng, “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Niệm Phật có gọi là chấp trước không? Việc này còn tùy bản thân bạn, chấp trước có thể niệm Phật, không chấp trước cũng có thể niệm Phật. Trong kinh thường nói: “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, đó là không có chấp trước, không có chấp trước vậy có niệm hay không? Vẫn là niệm, Phật hiệu chưa từng ngưng nghỉ. Nếu bạn có thể không niệm, không niệm mà tâm của bạn là thanh tịnh, bạn nói xem bạn liệu có thể biến thành vô tưởng định, đoạn diệt không hay không? Đó là khi bạn không niệm Phật, tâm của bạn là vô minh. Đó chính là vô tưởng định, đoạn diệt không. Nếu trong tâm của bạn là trí huệ, đối với thế xuất thế gian, quá khứ hiện tại tương lai, hết thảy đều thông đạt minh liễu thì bạn sanh trí huệ, bạn không phải là đoạn diệt định, bạn không phải là ác thủ không (ác thủ không chỉ người theo Không Kiến ngoại đạo, chối bỏ luật nhân quả, phủ nhận lý nhân quả, cho rằng cái này cái kia đều là không). Vì vậy cần phải phân biệt giữa minh và vô minh. Nếu chúng ta là vô minh mà bạn không niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì làm thế nào đây? Cảnh giới quá cao, phàm phu chúng ta không làm được. Nếu bạn thật sự nhập vào cảnh giới này, không cần nói là công phu sâu, chỉ là công phu rất cạn thôi, nếu bạn có thể phá một chút tứ tướng tứ kiến thì hôm nay vừa mở kinh Phật ra bạn đều có thể thông đạt, bạn nhất định không có chướng ngại. Khi vừa mở quyển Kinh ra mà bạn vẫn chưa hiểu, vẫn không nói ra được thì bạn vẫn chưa phá được mảy may tứ tướng tứ kiến nào cả. Bạn không niệm Phật cầu đới nghiệp vãng sanh thì bạn có hy vọng gì chứ? Nhất định tạo lục đạo luân hồi, điều này chúng ta nhất định phải hiểu được, so sánh lợi hại được mất thì khác biệt quá lớn. Người thế nào mới thật sự có phước vậy? Là người tự biết chính mình thì người đó là người có phước. Chúng ta ngày nay không cần phải so sánh với các cao nhân thời xưa, so sánh với người cận đại thì cũng không phải là cao lắm rồi, so sánh với người trung thượng căn, chúng ta đều thua kém họ. Bạn thử xem đầu năm Dân Quốc cư sĩ tại gia Dương Nhân Sơn, Đinh Phúc Bảo, chúng ta xem trong truyện ký, các Ngài thật sự là đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường, học nhiều nghe nhiều, chúng ta làm sao mà so sánh với các Ngài được chứ. Chúng ta ngày nay đọc được bao nhiêu sách? Chúng ta có thể biết được bao nhiêu sự việc, khi vừa so sánh liền biết bản thân vẫn chưa được, biết chính mình còn kém quá xa. Những học giả đầu năm Dân Quốc này thế xuất thế pháp đều thông đạt, không chỉ thông đạt kiến thức về Trung Quốc mà kiến thức của nước ngoài họ cũng đều thông đạt. Họ đi du lịch nước ngoài, đi châu Âu, đi Nhật Bản, chúng ta ngày nay xem thường họ, không thèm để ý đến họ, tự cho mình là đúng, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp mà chính mình không hay biết. Tùy thuận tập khí phiền não, thực sự là do cái tâm mưu lợi đang hoành hành tác quái.

Trước đây tôi ở nước Mỹ, bạn đồng tu ở đó nói với tôi, có một Pháp sư, tôi biết rất rõ ông ấy, chuyên đi phê bình những Pháp sư, những Đại đức có thân phận, có danh vọng, có khi ông mời họ đến, có khi ông đến nước Mỹ để thăm hỏi họ rồi trước mặt đệ tử của mình trách mắng, nhục mạ họ, mục đích là gì? Để cho đệ tử của ông biết sư phụ của mình rất giỏi, các người xem những Pháp sư này đều là nổi tiếng trên thế giới mà khi gặp sư phụ tôi, bị sư phụ tôi mắng thành ra như thế này, sư phụ tôi là số một trên thế giới này. Sự việc thế này không phải là hiện tại mới có mà thời xưa đã có rồi. Cho nên tôi đối với những Đại đức như thế thì kính trọng nhưng không gần gũi. Họ cũng đã từng tìm gặp tôi, tôi cũng biết là nhất định sẽ bị mắng cho một trận, bị dạy dỗ một trận. Ông ấy hẹn tôi ngày hôm sau đến đạo tràng lớn của ông ấy, sau khi tôi trở về thì gọi điện thoại báo là ngày mai tôi có việc bận nên không thể đi được, ông rất tức giận, ông không có cách nào mắng tôi trực diện được rồi. Thủ đoạn này là phá giới, phạm tội, sau khi chết rồi đều đọa lạc, được một chút vui vẻ nhất thời, tranh danh đoạt lợi nhất thời mà không biết hậu quả là không tưởng tượng nổi, con người vì sao lại muốn tạo tội nghiệp này chứ? Bạn xem chư Phật Bồ-tát đối với bất kỳ người nào cũng đều khiêm tốn nhẫn nhường, đối với người tạo tác tội nghiệp cực nặng cũng rất là kính trọng, cũng không sỉ nhục họ. Khi khuyên bảo họ thì dùng lời nói nhẹ nhàng gương mặt vui vẻ, khiến cho họ cảm ơn đội đức, sửa lỗi làm mới, đây là thực sự dạy người, thật sự yêu thương và bảo vệ cho người. Vì sao những Tổ Sư Đại Đức thời xưa khi xây dựng đạo tràng thì đặt tôn tượng Bố Đại Hòa Thượng ở cửa chùa, có ý nghĩa gì vậy? Điều này chúng ta cần phải ghi nhớ, Phật dạy chúng ta dùng vẻ mặt tươi vui khi tiếp người. Phật dạy chúng ta “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, cần có thể bao dung, bao dung những điều thiện và cả những điều ác. Trong kinh không biết Phật đã nói bao nhiêu lần rồi “Không ghét người ác”, bổn tánh của họ không ác. Ngay đến thế gian pháp, câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Tánh tương cận, tập tương viễn”. Vì sao họ lại trở thành ác như vậy? Là do nhất thời hồ đồ, nhất thời mê hoặc. Mã Minh Bồ-tát trong Khởi Tín Luận nói rất rõ ràng: “Bổn giác vốn có, bất giác vốn không”, cái nhất thời hồ đồ đó vốn dĩ không có. Họ vốn dĩ là một vị Phật, khi nào họ tỉnh ngộ trở lại thì họ là một vị Phật bình thường, hiện nay họ là một vị Phật hồ đồ không bình thường, họ vẫn là Phật. Cho nên chư Phật Như Lai nhìn chúng sanh thập pháp giới đều là Phật, nhìn chúng sanh trong địa ngục cũng đều là Phật, như vậy bạn có thể thành Phật được. Bạn vẫn còn phân biệt thế gian này có thiện có ác, có tốt có xấu thì bạn là phàm phu, bạn rơi vào trong vọng tưởng phân biệt chấp trước rồi. Điều này được nói rất nhiều, nói rất chi tiết trong kinh luận Đại Thừa. Chúng ta lìa xa hết thảy chấp trước, cái gì cũng không chấp trước nữa thì bạn liền siêu vượt lục đạo. Hết thảy đều không phân biệt nữa, thế xuất thế gian cũng đều không phân biệt nữa thì mới có thể siêu vượt thập pháp giới. Hết thảy đều không chấp trước là phá tướng, hết thảy đều không phân biệt là phá kiến. Nếu phá tướng, chúng ta vãng sanh đến thế giới Cực Lạc là ở Phương Tiện Hữu Dư Độ. Nếu phá kiến, sanh đến thế giới Cực Lạc là ở Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Đây là tứ độ của thế giới Cực Lạc. Chúng ta cần phải hiểu là trong một đời ngắn ngủi ở thế gian này hãy tranh thủ nắm chắc phần vãng sanh về Tịnh Độ, đó là thông minh nhất. Dựa vào tự lực thì khó, chúng ta ngày nay hoàn toàn dựa vào Phật lực, dựa vào sự gia trì oai thần bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta đều chưa đoạn, chỉ cần nhất tâm niệm Phật, công phu niệm Phật này có thể đè phục phân biệt chấp trước. Phân biệt chấp trước quả thật là chưa đoạn, thế nhưng nó không khởi tác dụng. Tôi chỉ chấp trước A Di Đà Phật, tôi chỉ phân biệt A Di Đà Phật, còn lại những điều khác tôi đều không chấp trước, đều không phân biệt. Điều này gọi là đới nghiệp vãng sanh, sẽ sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Ở đây là thay đổi đối tượng, tôi vẫn còn có phân biệt, còn có chấp trước, thế xuất thế pháp tôi đều không phân biệt, không chấp trước nữa, mà chỉ chuyên chấp trước A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu. Điều này chúng ta có thể nắm chắc. Cho nên có câu “Vạn người tu vạn người đi”, một người cũng không sót, chúng ta cần phải hiểu rõ đại đạo lý này.

Bản hội tập của chúng ta đã được lưu thông mười mấy năm rồi, gặp phải đại kiếp nạn này, có rất nhiều người hủy báng, phê bình, không cần phải lo. Kiếp nạn này cư sĩ Hạ Liên Cư từng nói, đến khi nào thì kiếp nạn này được giải trừ? Hạ Lão cư sĩ nói là đến năm con khỉ tiếp theo, năm Thân tiếp theo là năm hai ngàn không trăm lẻ bốn, khi Ngài sắp vãng sanh, Ngài đã nói với lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ và những học trò túc trực bên cạnh Ngài, năm con khỉ trước đây là năm Nhâm Thân, đến năm Thân kế tiếp thì trong mười hai năm này thế lực của tà ma ngoại đạo đạt đến cực điểm, pháp nhược ma cường, Phật [pháp] cần dùng tư thế thấp nhất để bảo toàn cho chính mình, chờ đến khi vận may của chúng hết rồi thì chúng cũng bị suy, phong thủy luân phiên lưu chuyển mà thôi, hiện nay là chuyển qua bên chúng. Sau khi khí vận của chúng suy rồi thì tương lai chánh pháp còn phải cứu vớt chúng sanh khổ nạn trong chín ngàn năm thời mạt pháp. Tuy là lời nói của Ngài không nói rõ ràng nhưng bên trong đã có ám thị, trong thời kỳ này có đại kiếp nạn, điều Ngài nói chính là thời gian này. Bạn thấy cùng với những điều nói trong Thánh Kinh Mật Mã, cùng với những điều nói trong Những Lời Tiên Tri Cổ Xưa Phương Tây, đích thật là tình cờ trùng hợp về thời gian. Vì vậy chúng ta hiện nay cần phải đề cao cảnh giác, có tai nạn rất lớn, thế nhưng cũng không nên lo sợ tại nạn, nhất định là không sợ chết, vấn đề là sau khi chết sẽ đi về đâu? Điều này mới quan trọng. Người học Phật chúng ta, đại khái trên cơ bản đều khẳng định nhất định có luân hồi, nhất định có ba đời, vì vậy sanh tử, xả thân thọ thân giống như thay quần áo, cởi bỏ quần áo vậy. Khi ra đi, bất luận là đi bằng cách nào, bất luận là đi trong tình trạng như thế nào thì đều phải hoan hỉ vui vẻ mà ra đi. Nếu hoan hỉ mà đi thì nơi bạn đến nhất định là tốt, nếu vô cùng đau khổ mà ra đi thì tiền đồ của bạn sẽ không tốt, sẽ phải đi vào tam ác đạo. Đi trong hoan hỉ vui vẻ thì nhất định là đến tam thiện đạo. Thế nhưng chúng ta đều không mong cầu tam thiện đạo, chúng ta nhất định mong cầu thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có chắc chắn đi được không? Nhất định chắc chắn sẽ được đi, vạn người tu vạn người đi, vấn đề là bạn có ý nguyện muốn đi hay không mà thôi. Bạn thật sự muốn đi thì bạn cần tuân thủ giáo huấn của Thế Tôn, về nền tảng tu học thì điều này rất quan trọng.

Vì sao có rất nhiều người niệm Phật, niệm rất chăm chỉ nhưng đều không thể vãng sanh? Vì họ niệm không như Pháp, không phải nói niệm không như pháp mà là tâm hạnh của họ không như pháp. Cho nên chúng ta nhất định phải nhớ kỹ trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Thế Tôn đã dạy Tịnh Nghiệp Tam Phước cho phu nhân Vi-đề-hy. Đó chính là nền tảng, nền tảng này là gì? Vì đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Tuy chúng ta niệm Phật nhưng cần phải là thượng thiện, chúng ta không phải là người thiện thì khi đến đó các Ngài không hoan nghênh. A Di Đà Phật từ bi hoan nghênh bạn nhưng đại chúng ở đó không hoan nghênh bạn, đại chúng đều là thượng thiện, muốn là thượng thiện thì bạn nhất định phải tu tịnh nghiệp tam phước. Điều đầu tiên của tịnh nghiệp tam phước là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, đó không phải là thượng thiện mà là hạ thiện. Điều tiếp theo là “Thọ trì tam quy, giữ gìn các giới, không phạm oai nghi” là trung thiện. Điều tiếp theo nữa là: “Phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, đây là thượng thiện. Cho nên chúng ta phải tận lực cầu thượng thiện, niệm Phật như vậy vãng sanh thì phẩm vị của chúng ta sẽ rất cao.

Tâm lượng của chúng ta phải lớn, nhất định là phải có thể bao dung. Bạn xem nữ tu Hứa Triết ở Singapore, bà đều có thể làm được “Không nhìn lỗi thế gian”. Lục Tổ trong Đàn Kinh nói: “Nếu thật sự là người tu hành thì không thấy lỗi thế gian”, bà đã làm được rồi, một trăm lẻ một tuổi mà vẫn giống một người trẻ tuổi, giống như người ba mươi, bốn mươi tuổi vậy. Bạn xem thể lực của bà, ngoài việc tóc của bà đã trắng, răng đã rụng một cái, còn lại đều không có bệnh tật gì, bà có thể trèo lên bàn rồi nhảy xuống đều không sao, là nguyên nhân gì? Đó là không nhìn thấy lỗi thế gian, cả đời chưa từng nổi giận, cả đời chưa từng ghét hận bất kỳ người nào. Người khác không thể chung sống với bà, bà quay đầu lại tự kiểm điểm là do chính mình làm chưa tốt, khiến cho người khác không được vui, bà chưa từng nói người khác không tốt bao giờ. Cho nên bà tin tưởng ông Trời sẽ bảo vệ cho bà, đúng như vậy! Cho nên một người có thể hiếu thuận với cha mẹ, hiếu thuận với tổ tiên thì bạn sẽ được tổ tiên bảo hộ, lịch đại tổ tông bảo hộ bạn. Bạn có thể hiếu kính Tam Bảo, y giáo phụng hành thì chư Phật Bồ-tát, long thiên thiện thần bảo vệ bạn, đạo lý nhất định là như vậy rồi. Tôi một chút nghi ngờ cũng không có, hết thảy những người mà tôi gặp đều là ân nhân của tôi, đối với tôi đều có ân đức, tiêu trừ tai nạn thay cho tôi, nên tôi cảm ơn đội đức. Chính vì vậy tôi đối với những người hủy báng tôi, sỉ nhục tôi, hãm hại tôi, tôi đều cảm ơn đội đức, công đức tu học của tôi đều hồi hướng cho họ, họ tiêu tai miễn nạn thay cho tôi, khiến tôi được nâng cao không ngừng, trí huệ và đức hạnh đều được nâng cao. Các đồng tu thân cận với tôi đều có thể quan sát được. Những điều tôi làm, những điều tôi nghĩ, những điều tôi giảng cho các bạn, nếu các bạn quan sát tinh tế thì thấy hiện tại hầu như là tháng này không giống như tháng trước, như vậy rất có tiến bộ. Năm này không giống năm trước là tiến bộ chậm, tháng này không giống tháng trước thì sự tiến bộ này tương đối nhanh. Sanh tâm hoan hỉ, vì sao thường sanh tâm hoan hỉ? Là vì tâm địa thanh tịnh, vì vậy phải cảm ơn đội đức, không có ai là oan gia đối đầu, họ làm oan gia đối đầu với tôi, tôi biết là họ nhất thời mê hoặc, có thể thông cảm tha thứ. Họ là người tốt, bổn tính của họ vốn là thiện, họ là Phật Bồ-tát thị hiện, đến để giúp đỡ chúng ta tu học, điều này chúng ta nhất định phải hiểu.

Đồng tu này hỏi: “Do tâm của chính mình chưa đủ thanh tịnh, sợ rằng chúng sanh không được lợi ích nên không dám thí thực, vậy làm thế nào mới có thể khiến chúng sanh hưởng được lợi ích chân thật?”. Khi bạn thí thực, tâm của bạn thanh tịnh là được rồi, thông thường tâm không thể thanh tịnh thì tu tâm thanh tịnh trong một phút, lúc này bạn có thể thí thực, khi thí thực một vọng niệm cũng không sanh, điều này là đạo lý nhất định. Bạn thấy người vẽ bùa trước đây, khi bút của họ vừa đặt xuống liền vẽ xong một lá bùa, không có một vọng tưởng thì lá bùa này sẽ linh nghiệm, nếu có vọng tưởng thì sẽ không linh. Lúc bình thời tâm không thanh tịnh, còn lúc này tập trung toàn bộ tinh thần, tâm địa thanh tịnh thì lá bùa sẽ linh nghiệm. Đạo lý không phải là như vậy hay sao? Niệm chú cũng như vậy, vì sao chú linh nghiệm, niệm chú Đại Bi, chú Đại Bi Thủy Sám rất linh, niệm chú Đại Bi từ đầu đến cuối không có một vọng tưởng thì chú Đại Bi này linh rồi, vọng tưởng xen tạp vào thì không linh nữa. Cho nên, lúc này ý chí tinh thần cần phải tập trung, trong khoảng thời gian ngắn thì có thể làm được. Do vậy người xưa nói tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật, bởi vì Phật hiệu ngắn nhất, càng ngắn thì không xen tạp vọng tưởng, rất dễ dàng, dài quá thì khó rồi, tập khí phàm phu của chúng ta liền sanh khởi. Bạn hiểu rõ đạo lý này thì bạn sẽ yên tâm mà thí thực, thời gian thí thực này khoảng hai đến ba phút nhất định không nên có vọng tưởng phân biệt chấp trước, tâm của bạn liền thanh tịnh, quỷ thần đều được hưởng lợi ích. Nếu khi thí thực, vừa niệm chú vừa khởi vọng tưởng vậy thì chúng sanh không được hưởng lợi ích. Vì vậy hiểu rõ đạo lý này thì sẽ tốt.

**********

Xin chào các vị đồng tu!

Câu hỏi đầu tiên là của một vị tên là Hoài Chi đến từ Đài Loan, không biết vị này là xuất gia hay tại gia. Câu hỏi mà người này hỏi liên quan đến việc không biết xử trí thế nào về việc ăn thịt chúng sanh. Vì người này từng nghe Pháp sư Ngộ Phong giảng kinh, ông nói có người ăn chay niệm Phật chuyển sang học Mật Tông, sau khi học Mật Tông thì bắt đầu ăn thịt, nói ăn thịt súc sinh tức là siêu độ cho nó, giúp nó sớm được lìa khổ. Câu nói này nói không sai, thế nhưng vấn đề là bạn đã có bản lãnh thật sự để siêu độ cho nó hay chưa? Nếu bạn chưa có bản lãnh thật sự để siêu độ cho nó, vậy thì tương lai vẫn là “Ăn nó nửa cân phải trả nó tám lạng”. Nếu bạn thật sự có bản lãnh, hay nói cách khác, bản lãnh này chính là bạn siêu độ được cho chính mình trước thì bạn mới có thể siêu độ cho người khác. Nếu chính mình còn chưa thể siêu độ mà nói là có thể siêu độ người khác thì đây là điều Phật thường nói trong kinh là “không có việc như vậy”, không có đạo lý này. Nếu nói là không ăn thịt bổ sung chất dinh dưỡng thì con người sẽ sanh bệnh, điều này tôi không tin tưởng. Ở khu vực này chúng ta có cư sĩ Hứa Triết, năm nay bà đã một trăm lẻ một tuổi, bà ăn chay từ trong bụng mẹ, bà đã ăn chay một trăm lẻ một năm rồi, thân thể của bà giống như người mới ba mươi, bốn mươi tuổi, không có ai có thể so sánh được với bà, có thể thấy đây là một minh chứng rất tốt cho việc ăn chay mạnh khỏe sống lâu. Chúng tôi làm một băng ghi hình về cư sĩ Hứa Triết, hiện nay băng ghi hình này đang lưu thông tại Đài Loan, bạn có thể tìm lấy để xem, có phải là nhất định phải ăn thịt thì thân thể mới khỏe mạnh hay không? Câu hỏi này, tôi xin trả lời đến đây, ăn thịt độ chúng sanh là chính mình phải có bản lãnh thật sự, nếu chính mình vẫn chưa chứng quả, bạn nói ăn thịt để độ chúng sanh thì đó là lừa mình gạt người. Chính mình nhất định phải chứng Thánh quả trước, điều này phàm phu khó có thể làm được.



Ngoài ra có một vị Pháp sư tên là Diệu Kiến, trong thư ông ký tên là Thích Diệu Kiến, ông nói là: “Đệ tử có một đứa con nhỏ, thân mang trọng bệnh.” Người xuất gia làm sao lại có con nhỏ? Có phải ông xuất gia sau tuổi trung niên, có phải là ông trước khi xuất gia thì có con nhỏ? Ông muốn sám hối nghiệp chướng cho đứa trẻ này. “Cầu mong Pháp sư từ bi chỉ dạy cho đệ tử làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng, để trọng bệnh được khỏi.” Việc này đã có thí dụ từ Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, nếu ông có thể giống như Bà-la-môn nữ và cô Quang Mục trong kinh điển này, sự sám hối chân thành này nhất định có hiệu quả. Nếu sự thành kính của bản thân không đạt đến được như Bà-la-môn nữ và Quang Mục nữ thì hiệu quả sẽ nhỏ, có thể thật sự đạt đến cảnh giới đó thì sẽ có hiệu quả thù thắng vô cùng. Được rồi, câu hỏi này tôi xin trả lời đến đây.

Hôm nay chúng ta tiếp tục xem đoạn thứ 100 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên.

“Tâm độc mạo từ. Uế thực ủy nhân. Tả đạo hoặc chúng.” (Lòng dạ thâm độc, ra vẻ hiền lành. Cho người khác ăn thực phẩm dơ. Bàng môn tả đạo dối đời)

“Lòng dạ thâm độc, ra vẻ hiền lành. Cho người khác ăn thực phẩm dơ”. Hai câu này cảnh giới vô cùng rộng lớn, vô cùng sâu rộng, chúng ta cần phải tỉ mỉ thể hội. Phàm là dùng tâm ô nhiễm để đối đãi người khác, lừa gạt người khác nhằm đạt được lợi ích, dục vọng, thọ dụng cho chính mình thì đều thuộc về phạm vi này. Tội lỗi này sâu nặng vô cùng.

Câu cuối cùng là: “Bàng môn tả đạo dối đời”, việc này trong xã hội hiện nay có quá nhiều, cũng chính là điều trong kinh Phật nói: “Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng”. Nếu chúng ta nhẹ dạ cả tin lời dèm pha, cả tin lời đồn nhảm thì nhân duyên thù thắng của Phật pháp mà bạn gặp được trong đời này sẽ bị đánh mất vô cùng đáng tiếc. Bạn không thể trách người khác, chỉ trách bản thân mình lòng tin không kiên định. Vì sao bạn không tin Phật? Vì sao không tin Tổ sư Đại đức? Thời Đường Đại sư Thiện Đạo chú giải Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, tên gọi của chú giải là Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, chúng tôi trước đây đã từng giảng qua vài lần rồi. Trong đó chương “Thượng Phẩm Thượng Sanh” được đặc biệt nêu ra để giảng riêng biệt, chúng tôi đã lưu thông quyển sách nhỏ đó. Thiện Đạo Đại sư khuyên chúng ta phải nên nghe lời dạy của Phật, lời dạy của Phật ở đâu? Ở trong kinh điển. Bất luận người nào đến nói với chúng ta mà không tương ưng với lời dạy cửa Phật thì chúng ta nhất định không nghe. Người chứng được quả A-la-hán, người có đại thần thông đến nói mà không tương ưng với Phật thì làm thế nào? Chúng ta cũng không nghe. Bồ-tát đến giảng cho bạn, Địa thượng Bồ-tát đến giảng cho bạn, Đẳng giác Bồ-tát đến giảng cho bạn mà giảng không tương ưng với lời dạy của Phật thì đều không được nghe, đó nhất định là tà đạo, không phải chánh pháp. Đến sau cùng, nếu là Phật đến nói thì sao? Phật Phật đạo đồng, những lời Phật nói và những lời trong kinh nói nhất định giống nhau, nếu không giống nhau thì đó là Phật giả, không phải là Phật thật, Phật thật nhất định là đồng đạo, Phật với Phật là đồng đạo, Phật không có hai cách nói khác nhau. Đại sư Thiện Đạo nói vô cùng khẩn thiết, kinh văn rất dài, là vì điều gì? Là vì thời kỳ mạt pháp tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng, pháp giống như thật mà lại là giả tràn ngập trên thế gian này. Phàm phu sát đất như chúng ta có năng lực gì để phân biệt? Người thật sự có phước đức, người có thiện căn thì sẽ nương tựa vào lão sư, lão sư sẽ không lừa dối chúng ta. Tôi thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm, Ngài vô cùng khiêm tốn, không dám tự nhận mình là lão sư, chúng tôi tôn kính Ngài là lão sư nhưng Ngài đối xử với chúng tôi giống như bạn đồng học. Ngài dạy chúng tôi lấy Ấn Quang Đại sư làm thầy. Ấn Quang Đại sư là thầy của Ngài, còn chúng tôi làm bạn đồng học, Ngài khiêm tốn đến mức độ như vậy. Đây thật sự là vị đại thiện tri thức ở thời kỳ cận đại của đồng tu Tịnh Tông chúng ta. Chúng ta biết Ấn Quang Đại sư là Đại Thế Chí Bồ-tát của thế giới Tây Phương Cực Lạc tái lai. Xã hội hiện nay, người tự xưng là Phật tái lai hay Bồ-tát nào đó tái lai rất nhiều. Hôm qua tôi còn xem được một bức thư, gửi đến từ tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, người đó nói anh ấy là Đại Thế Chí Bồ-tát. Thời xưa có một thí dụ: nếu nói rõ bản thân người ấy là thân phận thế nào thì người đó sẽ lập tức nhập đại Niết-bàn, như vậy mới thật sự là Đại Thế Chí Bồ-tát. Nếu sau khi anh nói rồi mà vẫn chưa đi, vẫn còn muốn gặp tôi thì anh không phải là Đại Thế Chí Bồ-tát, anh là giả, không phải thật.

Bạn xem trong lịch sử Trung Quốc, khi vừa bộc lộ thân phận thì lập tức đi ngay, nhất định sẽ không dùng tà thuyết mê hoặc quần chúng, điều này là sự thật. Nếu nói rồi mà không đi, lại còn đi khắp nơi tuyên truyền, còn tạo danh văn lợi dưỡng thì người này nhất định không phải, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng. Không nên cho rằng họ thể hiện một chút thần thông, yêu ma quỷ quái đều có thể hiện thần thông. Cho nên Phật không dùng thần thông làm Phật sự. Khi tiếp dẫn chúng sanh nhất định kiêng kỵ cảm ứng thần thông, cảm ứng thần thông nhất định là có nhưng trong Phật pháp nhất định không dùng điều đó. Nếu dùng cảm ứng thần thông thì rất khó để phân biệt Phật và ma. Cho nên Phật nhất quyết không dùng cảm ứng thần thông mà Phật chỉ dùng dạy học chính quy, giáo học ba nghiệp “Thân, Khẩu, Ý”, như vậy chúng ta mới có thể phân biệt được, không bị người khác lừa. Chúng ta học Phật, khi nhập Phật môn liền tiếp nhận tam quy y: “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Nếu tin vào lời đồn nhảm thì tam quy y của chúng ta lập tức bị phá hỏng rồi. Tin vào lời đồn nhảm thì bạn đã quy y với người đồn nhảm kia rồi, bạn lập tức xa lìa Tam Bảo rồi, bạn không phải là đệ tử của Tam Bảo mà là đệ tử của yêu ma quỷ quái, điều này nông cạn và dễ nhìn ra, chẳng lẽ không hiểu hay sao?

Tam quy y vô cùng quan trọng, sau khi Phật diệt độ thì trung tâm của tam quy y là Pháp bảo, chúng ta cần phải quy y Pháp. Hiện nay có người phá hoại Phật pháp, trong các thời kỳ trước việc phá hoại Phật pháp đều có, nên không lấy làm lạ kỳ, là hiện tượng bình thường. Người nào phá hoại Phật pháp vậy? Là ma phá hoại Phật pháp. Bạn nói Pháp sư đó rất có tu hành, không sai, Pháp sư rất có tu hành là ma không phải là Phật. Điều này trong kinh Phật đều có căn cứ, khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, ma vương Ba-tuần nói với Phật là: Vào thời kỳ mạt pháp của Phật, con người không có trí huệ, không có phước báo, căn tánh rất kém, ma Ba-tuần sẽ cho con cháu của mình đi xuất gia, đắp lên áo cà-sa, cũng rất có tu hành, phản đối Phật pháp. Phật nghe lời nói này xong thì rơi nước mắt, không nói một câu nào. Người xưa có câu: “Ví như trùng trên thân sư tử ăn thịt sư tử”. Dùng thuật ngữ ngày nay để nói là ma đã thâm nhập vào trong nhà Phật. Cho nên không nên nhìn thấy hình tướng xuất gia mà cho là đại diện thật sự của Phật, mà phải xem tâm hành của họ, quan sát tỉ mỉ họ dùng tâm gì, họ nói những gì, họ làm những gì, rồi đối chiếu với kinh điển xem có tương ưng không. Nếu tương ưng thì đó là đệ tử Phật, nếu không tương ưng thì đó là đệ tử của ma. Chúng ta cần phải hiểu rõ, cần phải minh bạch mới không đến nỗi bỏ lỡ cơ duyên thù thắng của cả đời này.

Đoạn chú giải này giải thích rất hay, tôi đọc một lượt cho các vị nghe: “Phật giáo tam quy viết”. Câu này có thể đọc thành “Phật dạy tam quy” cũng được, hoặc “Phật dạy chúng ta tam quy” cũng được. “Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Trong đó, khẩn yếu nhất chính là Phật pháp. Thuở đức Phật còn tại thế, Ngài dùng pháp ấy để dạy dỗ, hóa độ chúng sanh. Sau khi Phật diệt độ, lưu lại giáo pháp để độ chúng sanh. Phật thuyết pháp, Tăng truyền pháp. Nếu chẳng quy y Tăng thì từ nơi nào mà nghe pháp? Nếu chẳng có pháp thì nhờ đâu mà tu hành? Như vậy nương vào Phật pháp để tự tu, nương vào Phật pháp để dạy người khác. Lấy “thoát sanh tử, chứng Bồ-đề làm bản hoài” thì chính là Tăng. Điều này chúng ta phải nhớ kỹ. Nói cách khác, người khuyên bạn, dạy bạn đoạn ác tu thiện, người này có phải là Tăng hay không? Không nhất định, người tốt trên thế gian cũng khuyên người đoạn ác tu thiện, thậm chí là yêu ma quỷ quái cũng khuyên người đoạn ác tu thiện. Khuyên bạn phá mê khai ngộ, có phải là Phật không? Cũng chưa chắc, vì sao vậy? Là vì yêu ma quỷ quái cũng có tu hành, đạo của họ cũng rất cao, trí huệ của họ lớn hơn so với chúng ta, họ cũng nói là phá mê khai ngộ nhưng họ có giới hạn, không phải là cứu cánh, không phải là viên mãn, cho nên vẫn chưa phải là Phật. Phật là gì? Phật nhất định là liễu sanh tử xuất tam giới, siêu phàm nhập Thánh, đây mới gọi là Phật, mới thật sự là Tăng. Nói như vậy thì ngày nay chúng ta tu hành, có mấy người có thể siêu phàm nhập Thánh? Siêu phàm nhập Thánh cần phải đoạn phiền não, phải phá trần sa vô minh, không phải là chuyện dễ. Cho nên chín ngàn năm thời mạt pháp, phải quyết tâm cầu sanh Tịnh Độ, buông xuống vạn duyên thì đây chính là Tăng. Ấn Quang Đại sư thị hiện như vậy cho chúng ta, làm tấm gương cho chúng ta, bất cứ thứ gì Ngài cũng buông xuống. Cho nên dạy người đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, đây mới thực sự là Tăng của nhà Phật. Nếu có một chút tơ hào tâm cầu danh văn lợi dưỡng thì đó là Tăng giả không phải là Tăng thật. Có một chút tâm ham muốn hưởng thụ thì bộ mặt này liền bị lộ ra rồi, đó là Tăng giả, không phải Tăng thật. Có một chút tơ hào tâm không tôn trọng người khác thì đó là Tăng giả, không phải là thật. Người làm Tăng thật sự thì nhất định là lễ kính chư Phật, nếu còn khinh mạn người khác thì đó cũng không phải là Tăng thật. Tăng thật không những nhìn thấy người xuất gia, tứ chúng đồng tu nhà Phật không có một mảy may tâm khinh mạn, mà nhìn thấy hết thảy chúng sanh của những tôn giáo khác cũng đều không có tâm khinh mạn. Đây chính là Tăng, họ thật sự là y giáo phụng hành.

Các bạn đồng học Tịnh Tông chúng ta dựa vào năm khoa mục để tu hành, nếu tương ưng với năm khoa mục thì là Tăng. “Cương lĩnh tu học Tịnh Tông” là: Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Phổ Hiền Thập Nguyện. Đồng học xuất gia chúng ta không thể xa rời, hằng ngày cần lấy ra xem, đó như là một tấm gương để tự soi xem mình có giống một vị Tăng hay không? Nếu không giống thì chúng ta chính là đang buôn bán Như Lai, hình dáng thì giống như người xuất gia nhưng trên thực tế là con cháu của ma. Điều này người xưa gọi là “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”, mình là một trong những người đó. Cho nên chúng tôi trích lục những đoạn kinh văn quan trọng nhất từ giáo huấn trong kinh điển. Những đoạn kinh văn này không nhiều, văn tự rất ít, chúng ta đều có thể học thuộc lòng, làm khóa tụng sáng tối, thử hỏi xem có thể có được hiệu quả hay không. Nếu tâm hạnh của chúng ta tương ưng với năm khoa mục này thì khóa tụng sáng tối là công đức. Nếu tâm hạnh của chúng ta trái ngược với năm khoa mục này thì công khóa sáng tối là tạo nghiệp. Buổi sáng gạt Phật một lần, buổi tối lại gạt Phật một lần nữa. Ba trăm sáu mươi ngày trong một năm đã lừa Phật hết sáu trăm lần, tội lỗi của bạn rất nặng, bạn không đọa địa ngục thì ai đọa đây? Lão cư sĩ Hạ Liên Cư dạy chúng ta phải “thật làm”. Cuộc đời này chúng ta nhất định liễu sanh tử xuất tam giới, không được phép lấy Phật pháp để lừa người, không được phép mưu cầu lợi ích trong Phật pháp, quả báo sẽ rất thảm khốc. Trên thế gian, những người trung niên trở lên đều có cảm xúc rõ ràng thế gian là giả, không có điều gì là thật. Bản thân chúng ta nghĩ xem cuộc đời này của chúng ta, mấy mươi năm nay, sản nghiệp của chúng ta để ở chỗ này, căn hộ này là của tôi, mấy hôm sau lại chuyển nhà, lại bán cho người khác rồi, chuyển đến một chỗ mới, ở không được bao lâu lại chuyển đi nơi khác. Bạn nghĩ xem cuộc đời này của chúng ta chuyển nhà bao nhiêu lần rồi? Ngôi nhà nào là của bạn đây? Chuyển đến cuối cùng, cái thân thể này nếu chết đi cũng đều không mang theo được, tất cả đều là giả. Phật dạy chúng ta: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”, thứ có thể mang đi được là nghiệp mà bạn tạo, bạn sẽ mang đi. Bạn tạo nghiệp thiện sẽ được quả báo thiện, tạo ác nghiệp sẽ chịu ác báo. Tịnh nghiệp của niệm Phật là vãng sanh Tịnh Độ, điều này có thể mang theo, ngoài điều này ra thì một thứ gì cũng không mang theo được. Ngay đến thân thể cũng không mang đi được, đó là giả, tất cả đều là giả, vì sao lại phải tạo tội nghiệp chứ? Vì sao phải tự tư tự lợi? Phật Bồ-tát không giống như hết thảy chúng sanh, Phật Bồ-tát khởi tâm động niệm đều là vì chúng sanh, vì sự trường tồn của chánh pháp, vì lợi ích cho chúng sanh, không vì chính mình. Bạn thật sự hiểu rõ rồi, Phật Bồ-tát thị hiện trong thập pháp giới là làm khách chứ không làm chủ, là đến du lịch, không phải làm chủ nhà, du hóa mười phương, đâu có cư trú. Chúng ta xem thấy trong kinh Phật, mỗi một bộ kinh đều thấy Phật ở tại một nơi nào đó chứ không thấy nói Phật trụ tại một nơi nào. “Ở tại” có nghĩa là tạm thời, “trụ” nghĩa là dài lâu, “ở” là ý nói tạm thời, đi du lịch “ở” chỗ nào đó. Bạn thấy ý nghĩa của chữ này rất sâu sắc, rất đáng để nghiền ngẫm, đều là khiến chúng ta giác ngộ.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook