Thái Y Nhất Phẩm

Chương 57

Thiếu Địa Qua

28/03/2024

Mùng ba tháng giêng triều đình tổ chức cung yến, quan viên ngũ phẩm trở lên được tham dự cùng gia quyến. Hà Thanh Đình vừa vặn mang tước quan ngũ phẩm, sáng sớm đã cùng bà cụ Hà vào cung dự tiệc.

Dư lại một bầy sắp nhỏ không thích xã giao, nhờ vậy có thể ở nhà chây lười.

Một nhà bốn người của Hà Nguyên Kiều hoà thuận vui vẻ, thầy trò Hồng Văn không muốn quấy rầy, thuận tiện ra ngoài đi dạo.

Tuy rằng phần đông đều nghỉ ăn tết, thế nhưng người chết vì tiền, có nhiều thương gia nhân dịp tết nhất muốn kiếm thêm chút đỉnh, ngoài ra vừa hết Tết là đến kỳ thi mùa xuân, cho nên trên đường vẫn rất náo nhiệt, các quầy hàng san sát nhau chào mời kéo khách, thật khiến người chóng cả mặt.

Hồng Văn nhìn một vòng, cười nói: "Làm con nhớ tới lúc nhỏ sư phụ công kênh con dạo phố."

Hồng Nhai nhìn đồ nhi đã cao đến bả mình, cười nói: "Chỉ cần con không xấu hổ, hiện tại ta vẫn có thể mang con trên vai."

Nói xong thật sự duỗi tay khom lưng, làm bộ muốn khiêng người.

Hồng Văn kinh hãi, hai thầy trò đuổi bắt ầm ĩ.

Náo loạn xong rồi, Hồng Nhai cảm khái: "Này, đồ nhi lớn lên chậm thôi nhé, vi sư vẫn còn trẻ lắm!"

Hồng Văn: "... Vâng."

Hai người liếc nhau, lại một tràng cười to.

"Ôi chao, đây không phải Hồng đại phu sao?" Đang nói chuyện, bên đường chợt có người mừng rỡ kêu to.

Hai "Hồng đại phu" cùng quay về hướng phát ra tiếng hô, Hồng Văn nheo mắt nhìn kỹ, đập tay vào nhau, cũng mừng rỡ kêu: "Ủa, là tẩu tử Lưu gia đây mà!"

Chị kia chính là người phụ nữ nhất định túm lấy Hồng Văn xin khám về vấn đề hiếm muộn hôm Hồng Văn tới chữa bệnh cho mẹ Phùng Dũng.

"Ây dà, đã sớm ly hôn rồi, hiện giờ là người độc thân, ngài hãy kêu tôi Xuân Lan là được." Xuân Lan xua xua tay, bộ dáng 'chuyện cũ không đáng nhắc lại'.

"Được, Xuân Lan tỷ," Hồng Văn nghe theo, thấy chị ta đeo tạp dề, trên đầu bọc khăn vải bố, bận rộn không ngơi tay trước quán bánh rán áp chảo, bèn hỏi, "Đây là sạp của tỷ sao?"

"Phải," Xuân Lan cười, "Không thể sống nổi với gia đình vô lại kia, nhà mẹ đẻ cũng không thể quay về, còn may trước đó nghĩ xa một chút nên tích cóp được mấy trăm văn, hiện giờ thuê một nơi để ở, số tiền còn lại mở cái sạp này, coi như vẫn có thể nuôi sống bản thân."

Khi nói chuyện, Xuân Lan đã nhanh nhẹn xúc bánh rán ra khỏi chảo, thành thạo cán một chiếc bánh mới cho vào, sau đó rút khăn vải bố trắng giắt bên hông lau bàn, nhiệt tình mời: "Xem tôi kìa, chỉ lo mừng rỡ mà cứ để hai vị phải đứng. Có duyên lắm mới gặp được, nào, hai vị mau ngồi xuống nếm thử tay nghề của tôi nhé!"

Chị ấy bị cả nhà chồng và nhà mẹ đẻ ghét bỏ, gần như cùng đường... Bất kể người phụ nữ nào gặp phải tình huống như vậy e rằng khó có thể chịu đựng, nhưng Hồng Văn thấy nụ cười của chị rất chân thành tha thiết, đôi mắt sáng long lanh, giống như thoát khỏi cỗ gông xiềng vô hình, thật khác một trời một vực so với người phụ nữ âu sầu khắc khổ ngày nọ. Hồng Văn cũng mừng cho chị tự đáy lòng, lập tức kéo Hồng Nhai ngồi xuống, hạ giọng thuật lại tình hình hôm đó.

Hồng Nhai nghe xong vô cùng giận dữ, chửi ầm đám người Lưu gia không có lương tâm.

Ai ngờ Xuân Lan nghe xong lại mỉm cười: "Đa tạ vị đại ca này thay tôi bất bình, trước đây tôi cũng mắng chửi họ ngày đêm, ngược lại khiến mình càng uất nghẹn. Nhưng sau đó ngẫm lại, thật ra đấy đâu phải hoàn toàn là chuyện xấu, nếu không nhờ bọn họ đẩy tôi một phen, tôi vốn không thể tưởng tượng được vẫn còn cách sống khác."

Người không bị bức đến đường cùng thì vĩnh viễn không biết bản thân có bao nhiêu tiềm lực.

Trước kia Xuân Lan cảm thấy phụ nữ chỉ có con đường lấy chồng sinh con, vì thế mấy năm không sinh được nhi tử, năm lần bảy lượt suýt tự sát. Sau khi chân tướng phơi bày, nhà chồng và cả nhà mẹ đẻ không một người nào đứng về phía mình, Xuân Lan lại chìm vào oán hận...

Tuy nhiên khi khoảng thời gian đó trôi qua, Xuân Lan đột nhiên cảm thấy nhẹ nhõm.

Mình có tay có chân lại chịu thương chịu khó, làm gì mà sống không nổi! Hà tất cứ ngồi một chỗ oán trời trách đất?

Vì thế Xuân Lan cầm mấy trăm văn tiền vất vả tích cóp bao năm rời nhà trốn đi, trước tiên tìm chỗ ở trong thành: Ngủ chung trên một dãy giường với rất nhiều phụ nữ và con nít, một tháng chỉ tốn một trăm văn. Dĩ nhiên đấy không phải là chỗ tiện nghi gì, nhưng mọi người đều chung mệnh khổ, có rất nhiều quả phụ tuổi còn trẻ, số còn lại là bị nhà chồng vứt bỏ vì đủ loại nguyên nhân... Hiện giờ ai cũng cùng hoàn cảnh lưu lạc bên ngoài, vì thế dễ dàng cảm thông cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau như tỷ muội.

Sau đó Xuân Lan dùng chút tiền còn sót lại đánh một cái chảo sắt, chỉ để lại hai bộ y phục thay đổi, đem tất cả đồ đạc đi cầm, mua được vài bộ bàn ghế thấp không biết chuyển qua mấy tay rồi. Tuy là đồ cũ nhưng được Xuân Lan tỉ mỉ cọ rửa mấy lần, mỗi ngày lau đến mức sáng bóng...

Sau đó, góc đường có thêm một sạp bánh rán áp chảo.

Bánh rán của Xuân Lan không phải làm từ nghề gia truyền đặc biệt xuất sắc, nhưng chị rất cần cù, có thể chịu cực, thích tìm tòi học hỏi, thực mau đã làm ra những chiếc bánh rán có hương vị độc đáo và thuần khiết.

Chị tự nghĩ ra loại bột ngũ vị hương trộn với dầu, khi cán bánh phết lên khiến chiếc bánh rán ra tầng tầng lớp lớp thơm phức không thua gì bánh ở các cửa hàng lớn.

Hơn nữa mỗi chiếc bánh chỉ bán một văn tiền, hấp dẫn rất nhiều dân lao động tới ăn.



Thầy trò Hồng Văn mỗi người cầm một chiếc nếm thử, da bánh vàng óng, vị mặn đặc trưng, mùi hương độc đáo, quả thật rất ngon.

Họ thấy ở một góc còn đặt chiếc thùng gỗ lớn, bên trong đầy tràn canh cải trắng nóng hôi hổi, tuy không phải đồ đắt tiền gì nhưng chỉ cần tới ăn bánh rán là có thể dùng miễn phí. Trong khi họ ngồi ăn bánh đã thấy có người húp ba bốn chén, Hồng Văn tò mò hỏi: "Tỷ tặng kèm canh như vậy có thể lời được không?"

"Sao lại không thể? Lá cải trắng do chú bán rau đầu phố cho, nước kéo từ giếng lên, nấu chung một bếp với bánh rán áp chảo, cùng lắm chỉ tốn vài giọt dầu, mấy hạt muối ăn." Xuân Lan cười hiền hậu, "Chủ yếu là lấy công làm lời. Tôi tính rồi, một ngày có thể lời được mười văn tiền đấy!"

Một ngày được mười văn tiền, một tháng ba trăm văn, khấu trừ một trăm văn thuê chỗ ở, còn có thể thừa hai trăm tiêu dùng!

"Trước kia tôi hầu hạ người ta như nô tài mệt sống mệt chết; thức đêm thêu đồ, đóng đế giày, may quần áo; quanh năm suốt tháng không có một ngày nghỉ ngơi," Xuân Lan kể, "Liều mạng làm việc suốt năm sáu năm mới tích cóp được mấy trăm văn tiền, đã vậy còn phải lén lút cứ như ăn trộm!"

Hiện giờ chị không có con cần nuôi, cũng không cần hiếu kính cha mẹ chồng cha mẹ đẻ và đủ loại trưởng bối, kiếm được bao nhiêu đều do mình cất giữ, thực yên tâm!

Hồng Nhai gật đầu: "Đúng là khá tốt."

"Phải đấy, tôi cũng cảm thấy khá tốt," Xuân Lan quệt mồ hôi, cười vui vẻ: "Tôi đã tính kỹ rồi, trước tiên nhân lúc còn trẻ tích cóp một ít của cải, chờ thêm vài năm nữa tôi sẽ thuê một cửa hàng làm chưởng quầy!"

Khi nói lời này, ánh mắt chị long lanh, tỏa sáng rực rỡ với những kỳ vọng về tương lai.

Hồng Văn xúc động: "Thật tốt quá, chờ khi nào tỷ làm bà chủ, chúng ta sẽ đến chúc mừng!"

Ba người đều cười rộ.

Đang ăn một nửa chợt nghe đầu phố ồn ào một trận, mơ hồ truyền đến tiếng khóc tiếng la hỗn loạn.

Thầy trò Hồng Văn theo bản năng đứng bật dậy, thăm dò nhìn ra xa: "Có chuyện gì vậy?"

Đúng lúc có một người vẻ mặt hoảng loạn chạy ngang qua, bị Hồng Văn túm lại giữ chặt: "Đằng trước sao thế?"

"Trời ơi, chuyện xấu!" Người nọ vỗ đùi sợ hãi nói, "Có chiếc xe ngựa đụng vào người đi đường, chân người nọ gần như chặt đứt, chảy máu thật nhiều, xương cốt lộ cả ra! Tết nhất, không biết..."

Anh ta còn chưa nói xong, thấy trước mặt đột nhiên có bóng người lóe qua, hai người mới vừa túm chặt mình nháy mắt chẳng thấy đâu.

"Không sao," Xuân Lan vừa lau tay vừa ra an ủi người nọ, "Đừng lo lắng, người mới nói chuyện với huynh là vị thần y đấy, nếu đến đó nhất định có thể cứu chữa."

Mọi người nghe vậy đều lẩm nhẩm niệm Phật.

Hai thầy trò Hồng Văn chạy tới hiện trường, thấy nơi đó trong ba tầng ngoài ba tầng vô cùng rối loạn, tiếng khóc trẻ con hòa lẫn tiếng la hét của người lớn, còn nghe được cả tiếng rên rỉ hô đau, ngay cả chỗ chen chân cũng không có.

"Nhường đường một chút!" Hồng Nhai dồn khí đan điền quát to, "Chúng tôi là đại phu, mau nhường đường!"

Người đằng trước còn chưa phục hồi tinh thần đã bị Hồng Nhai đẩy vẹt ra, trái lùa một đám, phải lùa một đám.

Hai người nhanh chóng đi vào chính giữa, quả nhiên thấy một chiếc xe ngựa bị lật, bên cạnh xe ngựa là một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi nằm trong vũng máu, bắp chân phải thò ra một đoạn xương trắng bệch.

Chiếc xe ngựa gây tai nạn được trang trí khá lộng lẫy, lúc này đã bị vỡ nát nửa bên, hai nam nữ thanh niên ăn mặc chỉnh tề cũng bị thương nhẹ, trên người loang lổ vết máu, ôm đầu ngồi ngơ ngác giữa đám người vây quanh, các nha hoàn và gã sai vặt xúm xít bên cạnh cuống quýt lo sợ không biết phải làm sao.

Hồng Nhai lập tức đưa ra quyết định: "Con và ta hợp lực nắn lại xương gãy của người đàn ông này trước, sau đó đi xem bên kia."

Hồng Văn thưa vâng, lập tức ngồi xổm xuống giữ chặt người đàn ông đang giãy giụa không ngừng: "Vị đại ca này đừng cử động, nếu không sau này có khỏe lại thì chân cũng bị què."

Người nọ đau đến mức mặt trắng bệch nhưng còn có thể miễn cưỡng nghe được, khổ sở van nài: "Đại phu, tôi còn trẻ, trên có cha mẹ già dưới có con nhỏ, cầu ngài mở lòng từ bi cứu giúp tôi."

Hồng Văn dùng một tay giữ chặt anh ta, tay kia bắt mạch: "Huynh đài bị xe ngựa đụng vào đâu? Còn chỗ nào đau đớn khó nhịn không?"

Người nọ mếu máo: "Chỗ nào cũng đau..."

Hồng Văn báo cho Hồng Nhai: "Sư phụ, mạch tượng vẫn còn ổn, chỉ mất máu hơi nhiều, ngũ tạng có chỗ bị bầm ứ."

"Chuyện đó chữa sau," Hồng Nhai móc trong tay áo ra túi châm, cầm kim liên tiếp đâm xuống, vết thương trên chân gãy đang chảy máu đầm đìa lập tức chậm lại với tốc độ có thể nhìn thấy bằng mắt thường, "Xương đùi bị lệch vị, ta muốn kéo ra trước rồi chỉnh lại, con nhất định đè hắn lại không được vùng vẫy."



Mọi người thấy người đàn ông ngừng chảy máu trong chớp mắt, đồng loạt tung hô thần y, ai ngờ còn chưa hô được vài tiếng, đột nhiên nghe người bị thương rú lên thảm thiết, tay chân run lẩy bẩy, sau đó hai mắt trợn trắng ngất xỉu.

"Đau đến mức hôn mê thôi," Hồng Văn đặt tay lên cổ anh ta nghe mạch, nhẹ nhàng thở phào, "Ngoài ra vẫn ổn."

Hồng Nhai gật gật đầu, thuận tay kéo ra một khúc gỗ thẳng từ đống đổ nát của xe ngựa, lưu loát xé vài mảnh vải từ trung y, cột chân người bị thương vào thanh gỗ để cố định: "Con sang xem mấy người bên kia đi, cẩn thận có nội thương."

Khi gặp va chạm, có người không bị rách da, không chảy máu, hoặc chỉ bị một chút vết thương ngoài da. Thoạt nhìn người bị tai nạn trông như không có vấn đề gì, nhưng thực tế có thể não và nội tạng bị dập nát, nếu không khám kỹ thì rất có khả năng người đó không sống được qua đêm.

Hồng Văn cũng biết tính nghiêm trọng của vấn đề, cất bước chạy sang bên kia: "Ai bị thương?"

Một đám người lập tức tản ra, ở giữa là một đôi nam nữ thiếu niên vẻ mặt có năm sáu phần tương tự: "Làm phiền ngài xem cho công tử và tiểu thư."

Hai người kia ngoại trừ y phục bị móc rách thì nhìn như không có gì trở ngại, tuy nhiên đề phòng nội thương, Hồng Văn vội nói: "Ngàn vạn lần đừng cử động!"

Nói xong lập tức ngồi xổm xuống, hai tay cùng bắt mạch ngay tại chỗ.

Mọi người thấy vậy không khỏi xầm xì: "Hai tay cùng bắt mạch, có thể làm được sao?"

"Hay là kẻ lừa đảo?"

"Người ta lao tới cứu nạn nhân, có thể lừa cái gì? Hơn nữa, cổ nhân nói trái tim có bảy ngăn, hiện giờ coi như sử dụng hai ngăn thì thế nào? Chẳng phải còn năm ngăn nữa?"

Hồng Văn chuyên chú làm hai việc một lúc vốn đã hao tâm tốn sức, không để những lời bàn tán ảnh hưởng đến mình, nhắm mắt tập trung nghe mạch: "Vị cô nương này không có gì trở ngại, vết rách trên trán bôi chút thuốc mỡ thì thậm chí không để lại sẹo, tuy nhiên vị công tử này hơi bị phiền phức."

Vừa dứt lời, thiếu nữ kia bắt đầu khóc nỉ non: "Huynh trưởng vừa rồi vì bảo vệ tôi nên va vào thành xe ngựa."

Lúc này Hồng Văn mới phát hiện hai anh em chỉ khoảng mười lăm mười sáu tuổi, bất chợt gặp tai nạn như vậy vẫn có thể chịu đựng được đã thật không dễ, bèn hỏi thiếu niên: "Có thấy đầu óc choáng váng buồn nôn hay không?"

Thiếu niên mặt mày tái nhợt, mới định quay đầu trả lời thì bỗng nhiên ọe ra.

Hồng Văn sớm có chuẩn bị, lập tức cúi xuống đẩy ra gã sai vặt đang đỡ thiếu niên, đón lấy cậu ta nhẹ nhàng đặt nằm nghiêng trên mặt đất: "Công tử bị đụng vào đầu, não bị thương nhẹ, nôn mửa là chuyện bình thường, chỉ cần chú ý đừng để mình bị sặc. Mấy ngày tới phải nằm yên một chỗ nghỉ ngơi, ngàn vạn lần không nên tùy ý hoạt động."

Thiếu nữ kia lại bật khóc: "Thương tích của ca ca tôi có nghiêm trọng không ạ?"

Trán của thiếu nữ rõ ràng vẫn đang chảy máu, thế mà vẫn biết quan tâm đến anh trai trước tiên. Tình cảm giữa hai anh em thực sự rất sâu sắc.

Hồng Văn an ủi: "Công tử trẻ tuổi, chú ý tĩnh dưỡng thì không gì đáng ngại, tuy nhiên mấy ngày tới e rằng sẽ bị chóng mặt váng đầu."

Thấy thiếu niên kia bị choáng buồn nôn vô cùng khó chịu, Hồng Văn lôi ra túi kim châm cứu vài huyệt, quả nhiên thoải mái hơn nhiều.

Thiếu nữ nghe nói anh trai không có gì đáng ngại bèn yên lòng, nhưng sau đó biết anh trai phải nằm một chỗ mấy ngày, nghĩ đến là vì bảo hộ mình mà chịu thương tổn, không kìm được lại rơi nước mắt.

Thiếu nữ cố nén tiếng khóc hỏi Hồng Văn: "Người bị chúng tôi đụng trúng thế nào ạ? Vừa rồi tôi nghe được tiếng rên la."

Hồng Văn hơi kinh ngạc, bởi vì mới lúc nãy hai thầy trò nghe được ngọn nguồn sự tình từ lời bàn tán của bá tánh vây xem:

- - -- Xe ngựa của hai anh em và người đàn ông kia vốn ai đi đường nấy, không ngờ ven lề đột nhiên lao ra một đứa nhỏ chơi cầu, xe ngựa lập tức phanh lại đế tránh đâm vào đứa nhỏ. Nhưng mùa đông mặt đường kết lớp băng mỏng, khó tránh khỏi trơn trợt, xe ngựa nặng như vậy nên đâu thể ngừng ngay tức khắc, thế là trợt sang một bên đụng ngã người đàn ông đi ngang qua, ngựa bị kinh hoảng chồm lên khiến chiếc xe lật nghiêng vỡ nát một bên...

Xét ra đây là một vụ tai bay vạ gió, bọn họ bị thương mà vẫn nghĩ đến người đi đường, có thể thấy được gia giáo không tệ.

"Về sức khỏe thì vị huynh đài kia có thể khá hơn hai người, nếu dưỡng thương thật tốt thì không có gì trở ngại. Khổ nỗi 'thương gân động cốt dưỡng trăm ngày', e rằng trong vòng nửa năm không cách gì lao động nuôi gia đình. Hơn nữa nếu muốn khôi phục như lúc đầu, có lẽ phải tốn một khoảng chi tiêu lớn..."

Người dân bình thường đâu có tiền dư dả, nếu bị bệnh tật cần điều dưỡng trường kỳ thì phí tổn hết sức xa xỉ. Hồng Văn nhìn cách ăn mặc của người đàn ông kia là biết thuộc gia đình nghèo khổ, e rằng không cách gì gánh vác chi phí dưỡng bệnh quanh năm suốt tháng.

Vừa dứt lời, thiếu niên nằm dưới đất nói ngay: "Làm phiền vị tiểu đại phu, nếu chúng tôi đâm người bị thương thì không thể nào mặc kệ, nhờ ngài hỗ trợ hỏi xem nhà người kia ở nơi nào, hiện có bao nhiêu người? Tất cả tiền thuốc thang và tổn thất sức lao động đều do chúng tôi gánh vác."

"Thiếu gia," Gã sai vặt bên người vội nhắc, "Vốn dĩ đâu phải chúng ta sai, tội gì phải bồi thường?"

"Câm mồm," Thiếu niên nhíu mày quát, "Tuy là vô tâm nhưng cũng đã đụng phải người ta, chẳng lẽ trơ mắt nhìn gia đình họ vì một chuyện ngoài ý muốn mà chết đói? Nếu ngươi thích có ý kiến ý cò thì cứ tự xin đi thôn trang, ta không dám dùng ngươi."

Lời vừa nói ra, mặt gã sai vặt tức khắc xám ngoét, liên tục xin tha lỗi.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Thái Y Nhất Phẩm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook