Thái Y Nhất Phẩm

Chương 73

Thiếu Địa Qua

28/03/2024

Ở khu vực biên giới giữa Đại Lộc, Sa Hoàng và Mông Cổ, có một nhóm dân tị nạn sống dựa vào buôn bán ở các khu chợ. Hầu hết những người đó đều là nạn nhân bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh, thiên tai... và phần lớn là người “tạp mao” thuộc nhiều chủng tộc. Họ mất hết đất đai, tài sản, không có nguồn thu nhập ổn định, họ kiếm sống bằng nghề đánh cá và săn bắn để trao đổi hàng tiêu dùng hoặc bán cho các thương nhân từ nhiều quốc gia khác nhau.

Vùng đất này không có nhiều cửa hàng cố định, đương nhiên không có đại phu nào chịu ở lại lâu. Người bị bệnh thì phải cố chịu đựng, nếu may mắn có thể gặp được một đại phu lang thang đi ngang qua, nếu không may mắn thì chỉ có thể nằm chờ chết.

Nhưng năm nay khác rồi.

Nghe nói dạo này cứ cách năm ngày sẽ có đại phu cao minh từ Trung Nguyên tới chữa bệnh từ thiện, không những không thu tiền khám mà thậm chí còn giúp liên lạc với thương nhân mua bán dược liệu đến từ Trung Nguyên, hứa giúp mọi người bốc thuốc với giá phải chăng, dẫn tới rất nhiều người mộ danh mà đến.

Mới tờ mờ sáng, một đôi cha con hối hả đi vào khu chợ, mồ hôi ướt trán.

“Làm phiền cho hỏi một chút, nghe nói có đại phu chữa bệnh từ thiện...” Người cha cười cầu tài hỏi chủ quán đang bày hàng.

Chủ quán quét mắt nhìn bọn họ: “Sao không tới sớm? Lúc này người xếp hàng không biết dài tới độ nào, buổi sáng chưa chắc theo kịp. Ngươi cứ đi vào sâu nữa, thấy chỗ nào có nhiều người xếp hàng là đúng rồi.”

Người cha nghe vậy, giơ tay phát vài cái vào mông con trai: “Ai biểu ngươi cứ chậm chạp! Giống con lừa lười cứt đái nhiều, ông đây là vì ai? Thật sự đời trước thiếu nợ ngươi...”

Đứa bé òa khóc, bị cha mình cầm tay kéo đi, quát to: “Ở bên ngoài đừng nhõng nhẽo, còn không đi mau chút!”

Hai cha con dần dần đi xa.

Quả nhiên đúng như lời chủ quán, hai cha con mới tìm tới đã phát hiện một đoàn người đứng san sát nhau, có nhiều người cõng bệnh nhân.

Người cha vừa thấy, biết tất nhiên là tới xem đại phu, trong lòng sốt ruột, đơn giản công kênh con trai lên vai co giò chạy như điên.

Chờ tới tận nơi nhìn quanh, trời thần ơi, khắp chốn đều là đầu người đen kịt không thấy biên giới.

Cũng không biết vì sao nơi này chả ai quản lý mà rất trật tự rành mạch, mọi người tuy đều vô cùng nôn nóng, nhón mũi chân cố vươn người lên cao quan sát, nhưng không một ai dám chen hàng.

Người cha lau mồ hôi, thấy có người bưng nước tới rao, cổ vốn khát khô càng thêm thiêu cháy. Gã theo bản năng nuốt nước miếng, lôi ra túi nước cho con trai nhấp một ngụm, trơ mặt hỏi thăm: “Huynh đài, đằng trước còn bao nhiêu người?”

Gã bán nước dạo này kiếm lời không ít, tâm tình không tệ, nghe vậy cười đáp: “Lần đầu đến đây phải không? Chậm chạp như ngươi chưa chắc có cơ hội được khám hôm nay. Bệnh gì? Sao không tới sớm?”

Người cha nói: “Nhà ở xa, hôm qua mới nghe ông bạn già bắt cá cùng một chỗ ngẫu nhiên nhắc tới, vì thế đi bộ suốt đêm tới đây.”

Gã bán nước thờ ơ, chỉ chỉ mấy người phía trước cõng đệm chăn: “Nhìn kìa, đều tới xin khám đấy, họ phải trèo đèo lội suối, trải đệm chăn nằm chờ chỗ này cả đêm!”

Người cha không khỏi líu lưỡi.

Vừa lúc có người không chịu nổi khát khô cổ tới mua nước, gã bán nước nói nhiều thêm vài lời: “Cũng không biết Bồ Tát chuyển thế từ nơi nào, đã khám bệnh còn không lấy một xu, loại chuyện tốt này mấy khi được gặp? Chỉ cần còn hơi thở là bệnh nhân đều lết tới đây.”

Quá trình chờ đợi vô cùng dày vò, lúc này có người khơi đề tài, mọi người lập tức mồm năm miệng mười góp chuyện.

Có người hỏi tới từ lúc nào, có người hỏi là bệnh gì, có người chỉ nghe đồn nên tới xếp hàng, còn thắc mắc chẳng biết y thuật của đại phu có cao minh hay không.

Có một ông cụ được con trai cõng trên lưng, nghe vậy bèn thều thào mắng: “Thằng này sao ngu quá, được cho ăn mà còn kén cá chọn canh, bất kỳ đại phu nào chả được, chẳng phải tốt hơn so với nằm chờ chết?”



Mọi người đều thầm đồng ý, chợt nghe tít đằng trước có một bà thím nhịn không được xen mồm: “Nói thế thì tệ quá, tháng trước tôi đã từng tới đây, đừng thấy đại phu tuổi không lớn nhưng y thuật thật sự cao minh đấy nhé! Ông nhà tôi ho mãi không dứt, thế mà chỉ uống hai thang thuốc là khỏi, đến bây giờ vẫn không hề tái phát, tổng cộng chỉ tốn mấy văn tiền. Hôm nay tôi đưa biểu muội tới...”

Người đàn ông dẫn con trai tới xem bệnh nghe vậy trong lòng vô cùng yên tâm, xoa đầu thằng bé: “Nghe chưa, bệnh của ngươi có hy vọng được khỏi rồi.”

Mọi người thấy bà thím kia có vẻ rất hiểu biết bèn tranh nhau đặt câu hỏi. Bà thím chỉ đưa người đến, đứng chờ lâu quá đang chán muốn chết, định buôn chuyện để giết thời gian, mọi người đặt câu hỏi thực sự gãi đúng chỗ ngứa, lập tức nói liên thanh nước miếng bay tứ tung:

“Kể ra cũng là ông trời mở mắt mới có đoạn duyên phận này. Tháng trước tôi và ông nhà tới bán da, vừa vặn thấy một đôi trông như cha con căng sạp ở đó chữa bệnh từ thiện. Cậu trẻ kia không có gì đáng nói, da thịt mềm mịn như thư sinh; thế nhưng người đàn ông thật hiếm có một thân hình quá ngon lành. Ôi chu choa, các ngươi không thấy đâu, trời rét buốt đến thế mà ông ta chỉ mặc một áo cánh mỏng, bắp tay và ngực đều căng phình, phía dưới tất cả đều là cơ bắp...”

Mọi người nghe bà thím càng nói càng lạc đề, ồn ào ngắt lời: “Thôi đi thôi đi, mụ chạy đến đâu rồi!”

Có người trêu đùa: “Đây đúng là đang ăn trong chén mà mắt đã nhìn trong nồi, rõ ràng đã có đàn ông trong nhà mà còn muốn ra ngoài nhìn chằm chằm cơ bắp của người ta.”

Mọi người cười vang.

Bà thím kia cũng không e lệ, quay sang lườm người nọ: “Bà đây thích ngắm thì sao nào? Các ngươi có bản lĩnh cũng mọc ra một thân cơ bắp, bà đây cũng ngắm cho xem!”

Người nọ nghe vậy mặt đỏ tai hồng, rụt người trốn vào đám đông không dám lên tiếng.

Người dân vùng biên quan vốn thô lỗ, lại coi trọng những công việc tốn sức như đánh cá và săn bắn, dĩ nhiên vô cùng chuộc võ lực. Mọi người đều dùng tiêu chuẩn vai u thịt bắp để đánh giá cái đẹp, còn bộ dạng công tử tao nhã của Trung Nguyên sẽ bị chê bai.

Gầy như cây gậy trúc thì có thể làm gì? Vô tích sự!

Bà thím kia vẫn đang nhớ tới những cơ bắp cuồn cuộn, chưa đã thèm nói tiếp: “Sau này tôi mới biết hóa ra họ không phải cha con, mà là hai sư đồ!”

Sau đó lại tiếc nuối thêm vào: “Không biết vì sao sau này vị sư phụ kia ít xuất hiện, chỉ có đồ đệ và một người khác tới chữa bệnh mà thôi...”

Mọi người nghe đã ghiền, không khỏi nảy sinh rất nhiều thắc mắc:

Thí dụ như vì sao đột nhiên có đại phu tới đây, hơn nữa một lúc còn tới vài vị? Đâu giống như con thỏ ấp trứng, chẳng lẽ đại phu cũng xuất hiện thành đàn?

Còn nữa, bọn họ rốt cuộc có lai lịch thế nào, tại sao không cần tiền...

Tuy nhiên đối với dân bản xứ mà nói, chữa bệnh là chuyện quan trọng nhất, vấn đề còn lại cứ mặc kệ họ!

Mặt trời dần dần lên cao, tiếng vó ngựa cuối cùng cũng vang lên từ cổng chợ, những người có kinh nghiệm đều nói “Tới, tới rồi”, còn người thiếu kinh nghiệm thì cố gắng ngóng nhìn, hy vọng tận mắt thấy được những con người nhân từ vĩ đại này.

Hai cha con kia cũng túm tụm trong đám đông, thấy một đoàn bảy tám người đi tới, dẫn đầu là một nam một nữ, đều xinh đẹp trắng nõn, khoảng chừng mười tám đôi mươi.

Vị nữ lang mỹ lệ mặc bộ kỵ trang đỏ rực như lửa, cưỡi con ngựa cao to uy phong lẫm liệt, toàn thân toát ra vẻ quý phái không giống người phàm, khiến người không dám nhìn sỗ sàng.

Dân chúng đều ngắm đến ngơ ngẩn, người cha ngây ngốc hỏi: “Nữ lang kia cũng là đại phu?”

Thiên hạ sao có đại phu đẹp như vậy?



Trong đám người chỉ có bà thím thích ngắm cơ bắp là đến đây nhiều lần nhất, thấy thế cũng kinh ngạc thốt lên: “Ôi chu choa, đây là tiên nữ giáng trần hay sao? Tôi chưa từng gặp qua!”

Hồng Văn đưa Trình Bân tới chữa bệnh từ thiện theo thường lệ, Trưởng công chúa Gia Chân tò mò đi theo, thấy trong chợ tràn ngập người dị tộc “tạp mao”, diện mạo hoàn toàn khác hẳn với bá tánh Đại Lộc, không khỏi chấn động.

Có chủ quán quen biết tranh nhau tiến lên chào hỏi, còn ân cần dâng lên trà nóng, mứt quả và thịt khô, đã phá bỏ hoàn toàn ấn tượng mà Trưởng công chúa Gia Chân học được từ những quyển du ký.

Nàng cũng từng chính mắt gặp qua bá tánh vùng biên cương trong thời chiến, bất cứ ai đều tràn ngập lòng cảnh giác đối với người ngoài, đâu bao giờ có tình cảnh vui vẻ hoà thuận như vậy?

“Không ai không muốn sống,” thấy trong mắt nàng đầy vẻ kinh ngạc, Hồng Văn chủ động giải thích, “Cho nên dẫu chúng ta chỉ làm một chút việc nhỏ không đáng kể, bọn họ lại mong có thể cung phụng chúng ta tối đa...”

Đang nói chuyện thì có một cô bé tóc vàng mắt to da trắng mỉm cười bước tới gần, gom hai tay đựng đầy quả dại màu đỏ tươi đưa đến trước mặt Hồng Văn, huyên thuyên nói một tràng gì đó.

Trưởng công chúa Gia Chân nhìn đôi mắt màu lam trong suốt như hồ nước của cô bé, đột nhiên không thốt ra được lời nào, thật lâu sau mới cảm khái: “Bé thật xinh đẹp!”

Cô bé nghe không hiểu, nghiêng đầu liếc nhìn nàng, bỗng nhiên toét miệng cười lộ ra hai chiếc răng sún.

Trưởng công chúa Gia Chân không nhịn được giơ tay vuốt ve mái tóc vàng óng của cô bé, cảm giác lành lạnh, trơn bóng, mượt mà.

Nàng thấy Hồng Văn cười tiếp nhận nắm quả dại, tò mò hỏi: “Con bé nói gì thế?”

Hồng Văn chớp chớp mắt, thản nhiên đáp: “Nghe không hiểu.”

Trưởng công chúa Gia Chân cứng họng: “... Vậy hai người...”. Truyện Trinh Thám

“Chúng ta làm thế nào để giao lưu có phải không?” Hồng Văn đưa quả dại cho nàng, “Có đôi khi không nhất định phải nói chuyện. Nào, nếm thử nhé, quả này rất ngọt!”

Thanh Nhạn lo lắng nhắc: “Công chúa, cái này...”

Thứ nhất, không sạch sẽ, thứ hai, ai biết cô bé kia là loại người nào?

“Không sao.”

Trưởng công chúa Gia Chân xua tay, thấy quả dại chỉ to cỡ hạt đậu nành, từng viên tròn xoe trông rất dễ thương, có màu sáng trong dưới ánh mặt trời, làn da hơi mỏng như đang bao bọc ngọn lửa bập bùng, xinh đẹp không hề thua viên đá quý được mài giũa tỉ mỉ. Nàng cảm thấy thích thú cầm không muốn buông tay, thưởng thức hồi lâu mới cho một viên vào miệng.

Hàm răng chỉ nhẹ nhàng chạm vào, vỏ quả căng mọng lập tức vỡ ra, thịt quả chua ngọt nháy mắt tràn ngập khoang miệng, hơi thở tràn ngập vị thơm mát.

“Thật ngon!” Trưởng công chúa Gia Chân vui vẻ khen.

Cô bé kia cười tươi hơn nữa, ôm chân một người phụ nữ béo tròn bên cạnh mà khúc kha khúc khích, chợt ríu rít tuôn ra một tràng.

Trưởng công chúa Gia Chân theo bản năng nhìn về phía Hồng Văn, lúc này Hồng Văn thật ra nghe hiểu: “Con bé hỏi nàng có phải là tiên nữ trong rừng hay không?”

Trưởng công chúa Gia Chân sửng sốt, trái tim mềm nhũn, khom lưng vuốt ve gương mặt cô bé: “Ta không phải, nhưng bé chính là.”

Cô bé nghe không hiểu, song có thể từ giọng nói của nàng cảm nhận được thiện ý, đôi mắt màu xanh thẳm lấp lánh tia sáng vui sướng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Thái Y Nhất Phẩm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook