Thám Tử Kỳ Duyên

Chương 42

Tài Tử Kim Thiền Khánh

13/10/2015

Chương 42

---

Trải qua hai ngày nặng nề,

Khôi Nguyên lúc thì tập trung suy nghĩ về vụ án. Khi thì gọi điện thoại hỏi thăm cô muội muội của anh.

Hai ngày liền, Ngọc Trinh đến “nhà chúng tôi” chơi. Cô ấy ngồi từ lúc sáng sớm cho đến cuối giờ chiều mới chịu về. Khôi Nguyên đã rất nhiều lần khuyên cô ấy hãy ở lại với chúng tôi, nhưng, lần nào cô ấy cũng từ chối. Cô ấy vẫn giữ bộ mặt đó, lạnh lùng băng giá, hình như cô ấy không có chút cảm xúc nào. “Cô ấy là một người máy.”

Tôi lại rơi vào dằn vặt, tự trách bản thân mình nhỏ nhen, ích kỉ; khi tôi cảm thấy ghét Ngọc Trinh. Càng ghét Ngọc Trinh bao nhiêu thì tôi lại thấy mình nhỏ bé, tầm thường bấy nhiêu. Điều đó chứng tỏ tôi là người thiếu tự tin, dấu hiệu của một kẻ thất bại, đại thất bại. Nhưng, tôi không thể lừa dối chính mình, tôi muốn lờ đi tất cả, muốn tự tin ngẩn mặt lên cao, vậy mà tôi làm không được. Khi họ ngồi gần bên nhau, tôi có cảm giác mình là kẻ thứ ba, mình bị cho ra rìa, không ai thèm để ý đến mình, số phận mình vô phước… sinh ra để thất bại và cô đơn, như vậy và mãi mãi vô lượng kiếp sẽ như vậy. Tôi rơi vào mặc cảm tự ti, khí sắc trầm xuống, buồn phiền day dứt.

Tôi vò gạo nấu cơm, nén cho nước mắt và nỗi ấm ức chảy ngược vào trong. “Ngọc Diệp à! Mày không được ích kỷ, hãy cao thượng lên, hãy nấu cho họ những bữa ăn thật ngon để họ được vui vẻ, để họ có sức khỏe mà làm việc. Đừng chiếm hữu Ngọc Diệp à! Loại bỏ hai từ đó ra khỏi đầu, tình yêu là lặng thầm, cho đi chứ đừng nghĩ đến việc nhận lại. Hãy thả lỏng Ngọc Diệp ơi!”

Sang ngày thứ ba,

Nàng công chúa muội muội của Khôi Nguyên không đến nữa, hình như cô ấy đã đi đâu đó có việc.

8h sáng, anh Quốc Việt chạy đến nhà báo tin đã bắt được Bính Lù.

- Ồ, chiến công lần này thuộc về cậu rồi, Quốc Việt.

- Cậu đang dùng son môi chét lên mặt tớ đấy nhóc à! Lần này, lũ nhí lại lập công rồi, lần trước cũng thế… ôi! Chắc thằng tôi đây sắp chết đói rồi, bị bọn trẻ con dành mất chén cơm thì lấy gì mà sống.

- Thôi mà, đừng làm quá lên thế.

- Nghe lũ nhí nhố đó báo tin đã phát hiện ra Bính Lù trong một quán “cà phê casino” là tớ tới xúp đầu ngay. Lần này, tiện tay dắt dê luôn; không chỉ bắt được con chuột nhắc Bính Lù mà còn thộp cổ được một mẻ cá rô phi đang chăm bẳm “chặt hẻo” (đánh bài tiến lên).

- Chúng là một bọn với nhau cả sao? Chắc cậu đã lấy lời khai rồi.

- Cá mè một lứa đấy.

- Gã khai nhận tất cả rồi chứ? Việc gã, ông Trịnh Vỹ và đám người hoa kia có quan hệ mật thiết với nhau.

- Gã nhất định chối bỏ tất cả, cái gã này đúng là lì như bò đội nón. Gã thừa nhận mình có qua lại với ông Trịnh Vỹ, nhưng chỉ là bạn nhậu với nhau chứ cũng không thân thiết lắm, anh họ của gã (ông Ca Lạy) mới chơi thân với ông Vỹ. Về việc gã là chiếc cầu nối giữa ông Vỹ và đám người hoa, gã khai rằng, gã chỉ đi cùng đường với bọn người hoa đến nhà ông Vỹ. Thực ra, gã cũng có quen biết sơ giao với đám người này, khi đó chúng thường đến quán nước Di Cư Lèo (một sòng bạc trá hình) để đánh bạc.

- Muốn xác nhận điều này cũng dễ thôi.

- Bằng cách nào vậy Khôi Nguyên?

(...)

Khôi Nguyên đã đưa bà Hiền đến tận nơi để nhận mắt Bính Lù, xem ông ta có phải là người đàn ông mặt sẹo mà bà từng gặp tại nhà ông Trịnh Vỹ hay không. Vừa trông thấy bà Hiền, ông Bính Lù đang ngồi tại phòng tra khảo chồm chồm tới bà như con cún bị bắt lâu ngày vừa mới gặp lại chủ nhân của nó.

- A, cô Hiền, cô đến để bảo lãnh tôi đó sao?

- Ôi, chú Bính. Sao lại đến nông nổi này.

Bính Lù nắm lấy tay bà Hiền hôn lên đó, rồi áp vào má mình.

- Cô Hiền ơi! Nhìn qua là biết cô có quen biết với các sếp ấy rồi. Xin hãy cứu tôi, cứu tôi với cô Hiền, tôi sẽ mang ơn cô suốt đời. Các sếp nói tôi mà còn ngoan cố sẽ đem nhốt đến khi rục xương mới cho người nhà đem xác về mai táng đấy.

- Chú Bính cũng thật là... chú từng này tuổi rồi mà pháp luật chẳng biết tý gì cả, ai lại đi bắt chú giam cho rục xương bao giờ, nếu chú không có tội thì sẽ được thả thôi.

- Bà Hiền nói phải đấy, ông hãy khai thật đi, đừng để chúng tôi mất thời gian nữa. – Anh Quốc Việt nói.

- Sếp ơi! Tôi không biết về bọn người đó thật mà. Nếu biết thì tôi đã khai ra rồi, hơi đâu để khổ thân khổ xác thế này.

- Không có tật giật mình thế sao lại bỏ trốn? Những kẻ đã giúp ông bỏ trốn là những ai, khai ra đi!

- Sếp ơi! Sếp hiểu lầm rồi. Tôi sợ sếp bắt tôi vì tội đánh bạc và đánh người gây thương tích. Trước ngày sếp đẹp trai này – ông Bính Lù chỉ Khôi Nguyên, - đến tìm tôi, tôi đã gây ra một vụ đánh người lình xình ở trung tâm thương mại, lúc đó tôi cũng say rồi... tôi cầm một cái vá múc canh lấy từ gian hàng bày bán dụng cụ nấu bếp, tôi quất một cái cốp lên đầu thằng đầu trọc trước mặt vì cái tội dám đứng ngán đường tôi. Cú đánh mạnh quá khiến cho thằng đó ngã lăn quay ra đất, mọi người la hét ầm ĩ, tôi còn định đánh tiếp thì các chiến hữu đi cùng đã kéo tôi đi chỗ khác, họ đưa tôi ra bãi giữ xe, đẩy tôi lên rồi tẩu thoát. Hôm sau, tôi lại nhậu tiếp, rồi ngựa quen đường cũ, ma men khi đã nhập vào người, tôi lại dở chứng, ngứa ngáy tay chân. Tôi đã dùng đàn đập lên đầu các chiếc hữu của mình, họ bỏ chạy, tôi xách dao rượt theo. Ra đến cửa thì gặp sếp ấy đang đứng gần ông anh họ của tôi, thấy tướng tá sếp ấy nhỏ con tôi định hù chơi một tăng, nào ngờ...

- Đúng là không có cái dại nào như cái dại nào. Ông biết cậu ta là ai không hả? Bảy năm liền quán quân karate quốc gia đấy! Chưa lấy mạng ông là may lắm rồi, còn không biết thân biết thân biết phận... còn định bỏ trốn đến bao giờ?

- Sếp ơi! Đáng lẽ tôi không có ý định bỏ trốn đâu. Cũng tại con vợ nhà tôi mà ra cả, chuyến này về nó không yên với tôi đâu; túc tôi vừa tỉnh dậy sau khi bị sếp ấy nốc ao xong, nghe nói sếp ấy đã đi ăn cơm. Nó nói với tôi: “Ông làm gì để công an vào nhà điều tra thế hả?” “Bà nói gì, người vừa đánh tôi khi nãy là công an sao?” “Chứ còn gì nữa, anh ta cùng đồng nghiệp đi ăn cơm rồi, đợi ông tỉnh lại sẽ gông cổ lôi đi đấy.” “Chúa ơi, họa đến rồi... đến rồi... nhất định là cái thằng khốn nạn kia đã ngủm củ tỏi nên công an mới tìm đến tận nhà, không được, tôi phải trốn đi thôi. Họ có đến thì bà cứ nói thế này...” Vậy đó sếp ơi, sợ quá nên tôi mới bỏ trốn... mới bỏ trốn đó sếp.

- Ai đã ở đằng sau lưng giúp ông trong cuộc chui rúc vừa rồi hả?

- Về chuyện đó... chuyện đó...

- Hừ, giấu đầu lòi đuôi. Rõ ràng là có chuyện mờ ám nên mời vậy. Ông liệu hồn đấy, chuyến này ông sẽ rục xương với một mớ tội danh.

- Không phải đâu mà sếp, chỉ là... chỉ là...

- Chỉ là sao hả?



- Nói ra tôi cũng sẽ chết vậy, thôi thì ở trong tù còn hơn, cứ như vậy đi, tôi không thể... mong sếp hiểu cho. – Bính Lù đổ lầy.

- Được lắm, thế thì tôi sẽ cho ông được toại nguyện(...) Các đồng chí, hãy đưa ông ta trở lại phòng giam, ông ta có liên quan đến một vụ trọng án, nhất định phải canh phòng cẩn mật.

- Vâng, thưa sếp! – Một đồng chí mặc thường phục vào đưa ông Bính Lù đi.

Lúc này, Khôi Nguyên mới hỏi bà Hiền:

- Không phải người đàn ông mặt sẹo đó sao ạ?

Bà Hiền lắc đầu:

- Không phải đâu Khôi Nguyên, tên kia dữ tợn hơn nhiều. Còn chú Bính coi hung hăng vậy chứ không đến nỗi nào đâu, thấy chú ấy bị bắt như vậy bà cũng buồn lắm!

- Bà yên tâm đi. Điều tra xong vụ án, nếu ông ấy không liên quan gì chúng cháu sẽ thả ông ấy ra thôi.

- Khôi Nguyên nói vậy là bà yên tâm lắm rồi. Bà chúc cho các cháu sớm kết thúc vụ án. Thấy các cháu chạy đôn chạy đáo như vậy bà cũng thấy thương.

- Dạ cám ơn bà! Có thời gian chúng cháu, cháu và Ngọc Diệp sẽ đến thăm bà, để nghe bà kể chuyện.

- Hai cô cậu thật giống với họ (Hoàng Lan và Thế Anh) ngày xưa. – Bà Hiền mỉm cười hồn hậu.

---

2h chiều,

Chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của ông giám đốc bệnh viện Hòa Phát. Ông ấy thông báo một tin khiến chúng tôi bàng hoàng sửng sốt. Bệnh nhân Hải Ninh đột ngột qua đời hồi 12h.

Chúng tôi lập tức đến bệnh viện Hòa Phát để gặp ông Trung để hỏi xem chi tiết vụ việc.

Lúc chúng tôi đến, xác bệnh nhân Hải Ninh vừa mới được người nhà đem về.

- Vậy đó, khi sống thì chẳng thèm quan tâm, đến khi chết rồi lại bày đủ thứ lễ nghĩa. – Ông trung lắc đầu ngao ngán.

- Thưa bác sĩ! Nguyên nhân nào đã khiến anh ta chết đột ngột như vậy?

- Chiều hôm qua anh ta lên cơn sốt cao, đến 12 h trưa hôm nay thì tử vong.

- Bị sốt ư? – Khôi Nguyên không tin lắm.

- Cậu đừng nghĩ chúng tôi như vậy chứ Khôi Nguyên, dù gì chúng tôi cũng là bác sĩ, chúng tôi xem trọng mạng người hơn tất cả.

- Bác sĩ hiểu lầm rồi, rôi không nghĩ vậy đâu. Tôi muốn hỏi bác sĩ, trước khi anh ta sốt cao rồ đột tử, bác sĩ có phát hiện ra được một dấu hiệu gì đó khác thường không? Người nấu bếp mới vào làm có còn xuất hiện trước mặt Hải Ninh không, thưa bác sĩ!

- Nếu nói những dấu hiệu khác thường với bệnh nhân Hải Ninh thì tôi không thấy. Nhưng, chiều hôm qua cả bệnh viện của tôi phải tiếp đón một người rất khác thường đấy.

- Một người rất khác thường ư?

- 3 h chiều ngày hôm qua, toàn thể nhân viên bệnh viện, bao gồm cả bệnh nhân... theo chỉ thị của tổng giám đốc, chúng tôi phải tiếp đón một mạnh thường quân (người đã đầu tư rất nhiều tiền cho bệnh viện chúng tôi) Ms Thùy Dung, vốn là một bệnh nhân tâm thần phân liệt của bệnh viện, đã bình phục hoàn toàn, trở lại cuộc sống đời thường, làm ăn kinh doanh phát tài phát lộc, một niềm tự hào của bệnh viện chúng tôi, người ấy đã trở lại thăm mái trường xưa, và có đôi lời muốn nhắn gửi với “các bạn” niên khóa mới. Nhân viên của bệnh viện Hòa Phát chúng tôi thấy đó là một trò hề lố bịch, ai lại đi diễn thuyết với những con bệnh tâm thần bao giờ, nhưng đó là chỉ thị của cấp trên, chúng tôi không thể chống lại được.

- Ms Thùy Dung?

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe được tin đó.

- Ms Thùy Dung đấy Ngọc Diệp, một sai lầm tai hại của của đội ngũ y bác sĩ chúng tôi khi đưa ra kết luận: “Bệnh nhân Thùy Dung đã bình phục hoàn toàn.”, rồi cho xuất viện. Những gì xảy ra hồi chiều hôm qua đã là minh chứng hồn hồn cho sự sai lầm đó. Ms Thùy Dung vẫn còn bệnh, và bệnh đang trong giai đoạn rất nặng.

- Người đó đã lên bục diễn thuyết ư? Đúng là trò hề có một không hai trong lịch sử loài người.

- Phải đó Khôi Nguyên, chúng tôi tập trung ở sân đánh cầu lông, bệnh nhân được cho xếp hàng ngay ngắn... tất cả hướng về con người đó, Ms Thùy Dung trong nhân dạng vô tiền khoán hậu, khủng khiếp đến mức làm cho không ít bệnh nhân sợ hãi la hét. Chúng tôi lại phải một phen đổ mồ hôi để ổn định tình hình.

- Thế lúc đó bệnh nhân Hải Ninh có cho ra xếp hàng không thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân Hải Ninh thì vẫn giam trong phòng đặc biệt, ai dám cho ra chứ Khôi Nguyên.

- Buổi diễn thuyết chắc là rất thú vị đây.

- Ôi, thật là điên quá sức tưởng tượng, từ đây cho tới lúc xuống lỗ tôi mãi khắc ghi về buổi chiều hôm đó...

Anh Trung nhớ lại...

Ms Thùy Dung bước lên bục diễn thuyết trong trang phục đầm đỏ.

Ms Thùy Dung hắng giọng, cất tiếng hùng biện:



“Hỡi các con! Những phần tử bị xã hội ruồng bỏ. Các con là những con gà bị chột mắt, là con chó bị cụt chân, là con heo con bò bị lở mồm long móng... các con đến đây do sự mặc định của tạo hóa để vinh hạnh được nhân loại chà đạp. Mặc dù bị đối sử bất công, bị vi chiếm đoạt quyền con người một cách trắng trợn, nhưng các con chẳng phải vẫn được cho ăn và sống đó sao? Đó là nhờ ai? Là nhờ có mẹ. Mẹ rất thương các con, và những ai ăn hiếp tới các con là đụng tới mẹ rồi đó nhé! Mẹ sẽ gh... ồ không, mẹ sẽ trừng phạt những kẻ dám coi thường những giá trị nhân bản, mẹ sẽ kiện ra tòa oán quốc tế nếu có đứa con nào của mẹ bị khai thác trong vấn đề cấy ghép nội tạng. Mẹ thương các con lắm, nên đứa nào bị ăn hiếp phải nói lại cho mẹ biết...”

“Mẹ Dung muôn năm! Mẹ Dung muôn năm!” Đám bệnh nhân tung hô điên loạn.

“Tuýt... tuýt... tuýt...” Các bác sĩ thổi còi để ổn định tình hình.

“Giữ gìn trật tự nào...”

Đám bệnh nhân không chịu nghe lời, chuẩn bị có dấu hiệu làm loạn.

“Bốp” Ms Thùy Dung điên tiết cầm trái xoài đặt trên bục diễn thuyết chọi vào đầu một bệnh nhân, rồi rống lên:

“Tất cả nín hết cho ta...aaa...”

Tiếng hét thật có uy lực, cả đám ổn định hàng lối để nghe tiếp bài diễn thuyết.

Ms Thùy Dung chỉnh lại tóc tai, đằng hắng lấy giọng, tiếp tục chương trình:

“Các con hãy xem mẹ đây, mẹ như thế nào? Trước đây mẹ cũng giống hết các con, mẹ từng bị chà đạp. Nhưng, mẹ đã đứng lên, đã dùng nghị lực siêu phàm của mình để chống lại số phận đã an bày. Và đúng như triết lý của Na - bồ - lê – ông – hiu (Napoleon Hill), số phận không nằm trong tay thượng đế mà nằm trong tay ta, nằm trong tư duy của ta. Những kẻ tin vào số phận là những kẻ hèn mọn và luôn là kẻ thất bại. Hãy thay đổi tư duy của các con để thành công, hãy đọc những cuốn sách hay để phát triển tư duy thay vì ngồi tán dóc và viết thư tình cho chàng hoặc nàng...”

“Khúc... khúc... khúc... khúc...” Đám bệnh nhân nhe răng cười.

“Trật tự, nghe mẹ nói hết đã nào... đó chính là thông điệp mà hôm nay, mẹ muốn truyền tải đến các con của mẹ. Các con có thắt mắc gì thì hãy hỏi mẹ ngay hôm nay đi, vì công việc của mẹ rất bận, phải chạy sô thường xuyên... mẹ cũng muốn cho các con thấy được cái tinh thần dân chủ bình đẳng của mẹ. Mẹ nói được, thì các con cũng nói được, mẹ không bịt miệng đứa nào cả, có gì thì hỏi đi, mẹ sẽ trả lời. Nào! Bắt đầu giơ tay là vừa rồi đấy các con.”

“Con muốn hỏi.” Bệnh nhân có chỉ số iq cao nhất (240) của bệnh viện dơ tay phát biểu.

“Ồ, một đứa con lém lỉnh, lanh lợi, mẹ nghe mấy bác nói chỉ số iq của con rất cao.”

“Dạ cũng xấp xỉ 240 thôi ạ!”

“Woah, mẹ rất thích những người thông minh. Mẹ thấy sướng.”

“Thưa mẹ, cho con hỏi thế nào là điên?”

“Điên tức là tỉnh, tỉnh tức là điên.”

Cả đám bệnh nhân vỗ tay bồm bộp.

“Con đã hiểu thưa mẹ.”

“Còn câu hỏi nào khó hơn nữa không?”

“Dạ có. Con xin hỏi mẹ một câu hỏi liên quan đến vấn đề cơ bản của triết học, định nghĩa về vật chất và ý thức. Vật chất và ý thức cái nào có trước, cái nào có sau... cài nào quyết định cái nào...”

“Chẳng có cái nào có trước, cũng chẳng có cái nào có sao, chẳng có cái nào quyết định cái nào ở đây cả... vật chất là ý thức... ý thức là vật chất...”

“Con vẫn chưa hiểu.”

Ms Thùy Dung cầm một trái xoài lên giảng giải:

“Đây là trái gì?”

“Dạ trái xoài.”

“Đó là vật chất.”

“Dạ, nhưng mà...”

“Bốp” Ms Thùy Dung ném trái xoài trúng ngay đầu bệnh nhân iq 240.

“Bây giờ trong đầu con đang nghĩ gì?”

“Trái xoài mất dạy.”

“Lúc này trái xoài chính là ý thức, đã hiểu chưa con trai?”

“Dạ, con đã hiểu, cám ơn mẹ đã khai sáng.”

Đám bệnh nhân lại vỗ tay bồm bộp. Tiếng vỗ tay lần này kéo dài không ngớt, chỉ ít phút sau đã chuyển sang một cuộc bạo loạn. Bệnh nhân phá vỡ hàng lối, chạy đến bục diễn thuyết ôm Ms Thùy Dung khênh đi như một vị thánh. Những bệnh nhân khác thì đi đập phá lung tung khắp bệnh viện. Chúng tôi lại phải một phen “đàn áp” để ổn định trật tự “xã hội”.

- Sau đó thì sao thưa bác sĩ? Ms Thùy Dung có đi thăm bệnh nhân Hải Ninh không?

- Làm sao mà bỏ qua được phần đó Khôi Nguyên. Cũng giống như một số bệnh nhân khác khi lần đầu trông thấy nhân dạng của Ms Thùy Dung, bệnh nhân Hải Ninh hoảng sợ đến ngất đi. Chúng tôi phải cấp cứu cho bệnh nhân ấy, bệnh nhân Hải Ninh sau khi hồi tỉnh đã trở lại trạng thái bình thường, đến cuối giờ chiều thì đột nhiên lên cơn sốt... những gì xảy ra tiếp theo, thì cậu cũng biết rồi đó Khôi Nguyên.

- Vâng, thưa bác sĩ! Một buổi chiều “rất rất” khác thường đấy!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Thám Tử Kỳ Duyên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook