Chương 6: Mô Tả Ðịnh - Nhận Một Ðề Mục Quán
Ns. Trí Hải
04/10/2021
Phần Thứ Hai : Ðịnh
Chương III : Mô Tả Ðịnh - Nhận Một Ðề Mục Quán
(Nghiệp xứ: Kammatthàna - gahana - niddesa)
1. Ðịnh được nói đến dưới danh từ tâm trong câu "tu tập tâm và tuệ" (Ch. I, 1). Ðịnh nên được tu tập bởi một người đã đứng vững trên đất giới được thanh tịnh nhờ những đức ít muốn, biết đủ... Và được viên mãn nhờ các khổ hạnh. Nhưng định ấy chỉ mới được nữa là tu tập. Do vậy, còn có loạt vấn đề sau đây mà mục đích là nêu rõ chi tiết về phương pháp tu tập định:
(i) Ðịnh là gì?
(ii) Ðịnh có nghĩa thế nào?
(iii) Đặc tính, bản chất, tướng trạng và nhân gần của định? (iv) Có bao nhiêu loại định?
(v) Gì là cấu uế của định?
(vi) Gì làm định thanh tịnh?
(vii) Làm sao tu tập định?
(viii) Lợi ích tu tập định?
2. (i) Ðịnh là gì?
Ðịnh có nhiều thứ và nhiều phương diện. Một giải đáp nhằm bao quát mọi phương diện của định thì không thể nào hoàn tất được ý định nó mà cũng không chu toàn được mục đích của nó mà cũng không chu toàn được mục đích của nó và lại còn đưa đến sự tán loạn. Bởi thế, chúng ta tự giới hạn trong loại định ở đây gọi là sự nhứt tâm có lợi ích.
3. (ii) Ðịnh có những nghĩa như thế nào?
Nó được gọi là định, samàdhi với nghĩa tập trung (samàdhàna). Tập trung là gì? Ðó là sự xoay quanh (àdhàna) của tâm và tâm sở một cách đều đặn (samam) và chánh đáng (sammà) vào một đối tượng duy nhất. Bởi vậy, đấy là trạng thái nhờ đó tâm và tâm sở ở trong tình trạng quân bình, chánh đáng, và đặt để hết vào một đối tượng duy nhứt, không phân tán hay xao lãng.
4. (iii) Ðặc tính của Định là không phân tán. Bản chất hay nhiệm vụ nó là loại trừ phân tán. Tướng của nó là không tán loạn. Nhân gần của nó là lạc, do câu "Nhờ lạc, tâm vị ấy được định" (D. i, 73).
5. (iv) Có bao nhiêu loại Định?
1. Trước hết, nó thuộc một loại, với đặc tính không phân tán.
Hai loại
2. Định cận hành (upcàra) và định an chỉ (appanà).
3. Định thế gian và xuất thế gian.
4. Ðịnh có hỉ và câu hữu xã.
5. Ðịnh câu hữu lạc và câu hữu xã.
Ba loại
6. Ðịnh hạ, trung và thượng.
7. Có tầm, tứ v.v...
8. Ðịnh câu hữu lạc v.v...
9. Ðịnh có giới hạn, đại hành và vô lượng.
Ðịnh bốn loại
10. Định khó tiến và tuệ chậm...
11. Định có giới hạn với đối tượng hữu hạn...
12. Ðịnh phân loại theo các thiền chi.
13. Theo thối giảm, tù đọng...
14. Theo cõi.
15. Theo bốn như y túc.
16. Ðịnh có 5 loại, theo năm thiền.
6.
1) Ðịnh một loại, ý nghĩa đã nói.
2) Ðịnh 2 loại: Cận hành định là sự nhứt tâm đạt được nhờ các phương pháp: 6 tưởng niệm, tử tưởng, quán sự bình an, quán bất tịnh của đoàn thực, phân tích tứ đại; và sự nhứt tâm có trước định an chỉ. Ðịnh an chỉ là sự nhứt tâm theo liền sau công việc chuẩn bị, như luận nói: chuẩn bị cho sơ thiền là 1 duyên, kể như vô gián duyên, cho sơ thiền".
7. 3). Ðịnh thế gian là sự nhứt tâm có tánh thiện ở ba cõi dục, sắc, vô sắc. Xuất thế gian là định thuộc thánh đạo.
8. 4). Ðịnh câu hữu hỉ là sự nhứt tâm ở hai thiền đầu trong bốn thiền hoặc ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh không hỉ là sự nhứt tâm trong hai thiền cuối. Nhưng cận hành định thì có thể có hỉ hoặc không hỉ.
9. 5). Ðịnh câu hữu lạc là sự nhứt tâm ở hai thiền đầu trong bốn thiền và ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh câu hữu xả là định trong một thiền còn lại (ở cả hai hệ thống 4 và 5 thiền). Ðịnh cận hành có thể câu hữu lạc hoặc câu hữu xả.
10. 6). Ðịnh ba loại thứ nhứt, định mới đạt được là thấp, chưa được phát triển là trung bình, đã thuần thục đến mức chủ là cao.
11. 7). Thứ 2, định có tầm, tứ là định ở sơ thiền, và định cận hành. Không tầm có tứ là định ở nhị thiền trong năm thiền. Vì khi môït người thấy nguy hiểm trong tứ thì chỉ mong bỏ tầm khi vượt qua sơ thiền và bởi thế đạt đến định không tầm có tứ. Ðịnh không tầm, tứ là sự nhứt tâm ở ba thiền còn lại khỏi từ nhị thiền trong bốn thiền và tam thiền trong năm thiền. (Xem D. ii, 219)
12. 8). Thứ ba, định câu hữu hỉ: Ðịnh ở hai thiền đầu trong bốn thiền hay ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh câu hữu lạc là định ở các thiền vừa kể, và định ở tam thiền trong hệ thống bốn thiền và tứ thiền trong hệ thống năm thiền. Ðịnh câu hữu xả là định ở thiền cuối cùng trong cả hai hệ thống. Ðịnh cận hành có thể câu hữu với hỉ, lạc; có thể câu hữu xả.
13. 9). Thứ tư, định có giới hạn là sự nhứt tâm trong cận hành định. Ðịnh đại hành là sự nhứt tâm trong thiện tâm thuộc sắc giới và vô sắc giới. Ðịnh vô lượng sự nhứt tâm liên hệ đến 8 thánh đạo.
14. 10). Ðịnh bốn loại là:
- khó tiến, lâu đắc,
- khó tiến, mau đắc, - dễ tiến, lâu đắc, và
- dễ tiến mau đắc.
15. Sự phát triển mức tập trung kể từ phản ứng tâm ý đầu tiên đến khi phát sinh cận hành, gọi là tiến và tuệ phát sinh từ cận hành đến an chỉ, gọi là đắc. Sự tiển triển này khó khăn đối với một số người, dễ bởi sự phản kháng dai dẳng của những pháp đối nghịch, những triền cái, v.v... Ðối với một số khác thì dễ, vì không gặp những khó khăn trên, sự chứng đắc cũng vậy.
16. Khi một người tu tập những pháp không thích hợp, thì khó tiến lâu đắc. Khi tu pháp thích hợp, thì dễ tiến mau đắc. Nhưng nếu lúc đầu tu pháp không thích hợp, sau tu pháp thích hợp, hoặc ngược lại, thì như vậy là hỗn hợp. (Về các pháp thích hợp, không thích hợp sẽ nói ở Ch. IV đoạn 35 trở đi). Nếu khởi sự tu khi chưa làm công việc chuẩn bị, là trừ khử các chướng ngại, v.v..., thì khó tiến, ngược lại thì dễ tiến. (Ch. IV 20) Nếu không hoàn tất thiện xảo về định an chỉ thì lâu đắc, và ngược lại thì mau. (thiện xảo về định an chỉ, sẽ nói ở Ch. IV. 42).
17. Ngoài ra bốn loại định này còn kể theo tham và si, và tùy theo hành giả đã lập chỉ và quán hay chưa. Nếu hành giả nặng tham dục, thì rất khó tiến, nếu không nặng, thì dễ tiến. Nếu hành giả nặng về si, thì tuệ lâu đắc, ngược lại thì mau đắc. Nếu không tập tịnh chỉ thì khó tiến, đã thực tập tịnh chỉ thì dễ tiến. Nếu không tập tuệ quán thì lâu đắc, đã tập thì mau đắc.
18. Lại còn phân theo cấu uế và các căn. Nếu cấu uế sắc mạnh, căn chậm lụt thì khó tiến và lâu đắc; nếu căn linh lợi thì mau đắc. Nếu cấu uế yếu, căn cũng cùn nhụt, thì dễ tiến và lâu đắc, nhưng nếu căn linh lợi thì mau đắc.
19. Bởi vậy về phương diện tiến triển, chứng đắc này, khi một người đạt đến định với sự tiển triển khó khăn và tuệ (thắng trí) chậm lụt, thì định ấy gọi là Ðịnh khó tiến lâu đắc. Tương tự với ba trường hợp kia.
20. 11). Thứ hai, bốn loại là định giới hạn với một đối tượng hữu hạn, định có hạn với một đối tượng vô hạn, định vô hạn với một đối tượng hữu hạn, và định vô hạn với một đối tượng vô hạn. Hữu hạn là định không quen thuộc và không thể là điều kiện cho một thiền cao hơn. Có đối tượng không nới rộng, là định với đối tượng hữu hạn. (Ch. IV, 126). Khi định có tính cách quen thuộc, khéo tu tập, và làm điều kiện cho một thiền cao hơn thì gọi là định vô hạn. Ðịnh phát sinh với một đối tượng nới rộng, gọi là định với đối tượng vô hạn.
21. 12). Ðịnh bốn loại thứ ba: đó là sơ thiền gồm năm thiền chi là tầm, tứ, hỉ, lạc, định, đạt đến sau khi trừ bỏ năm triền cái. Nhị thiền còn ba thiền chi, bỏ tầm và tứ. Tam thiền còn hai thiền chi, bỏ hỉ. Tứ thiền bỏ lạc, còn hai yếu tố là định và xả.
22. 13). Ðịnh bốn loại thứ tư, là định dự phần vào thối giảm, dự phần vào tù đọng, dự phần vào phân tích (vissesa), và dự phần vào thể nhập (nibbedha). Dự phần vào thối giảm là có thể đưa đến sự ngược lại (tán loạn). Dự phần vào tù đọng là sự dừng lại (trú) của niệm tương ưng với định ấy. Dự phần vào phần tích là đạt đến sự phân biệt cao hơn. Dự phần vào thể nhập là có thể đạt đến tưởng và tác ý câu hữu với ly dục. "Khi một người đắc sơ thiền mà có thể tưởng và tác ý câu hữu với dục, thì tuệ của vị ấy dự phần vào thối giảm. Khi niệm tương ưng với định ấy đứng lại, thì tuệ dự phần vào tù đọng. Khi vị ấy có thể tưởng và tác ý không câu hữu với tầm, thì tuệ vị ấy dự phần vào thẳng giải? (Visesa). Khi vị ấy có thể tưởng và tác ý câu hữu với vô dục, hướng đến ly tham, thì tuệ vị ấy dự phần vào thể nhập (nibbedha)". (Vbh. 330). Những định liên hệ đến bốn thứ tuệ này cũng có bốn.
23. 14). Ðịnh bốn loại thứ năm: định dục giới, sắc giới, vô sắc giới, và định liên hệ tám thánh đạo. Ðịnh dục giới là tất cả loại định cận hành. Ba loại kia là sự nhứt tâm thuộc thiện tương ưng với thiền sắc giới, vô sắc và thiền thuộc đạo lộ.
24. 15). Bốn loại thứ sáu: là định đạt được nhờ tinh cần nhiều, nhờ nhứt tâm, tinh tiến hay trạch pháp nhiều.
25. 16) Ðịnh năm loại: theo năm thiền khi phân nhị thiền làm hai, là thiền không tầm có tứ, và không tầm không tứ (gọi là nhị thiền và tam thiền ở hệ thống năm thiền).
26. (v) Cái gì làm ô nhiễm Ðịnh? (vi) Cái gì làm nó thanh tịnh? Vibhanga nói là cấu uế là trạng thái dự phần vào thối giảm, thanh tịnh là trạng thái dự phần vào thắng giải (visesa). Thối giảm là "Khi một người đắc sơ thiền, mà có thể tưởng là tác ý câu hữu với dục, tuệ vị ấy dự phần vào thối giảm". Và trạng thái dự phần vào thẳng giải là "Khi vị ấy có thể tác lý và tưởng không câu hữu với tầm".
27. (vii) Làm thế nào tu tập Ðịnh?
A. Tóm tắt:
Phương pháp tu tập loại định liên hệ tám thánh đạo (xuất thế) bao gồm trong phương pháp tu tập tuệ (Ch. XXII), vì trong khi tu tuệ, định cũng được phát triển. Bởi thế ở đây ta không bàn đến sự tu tập định xuất thế.
28. Nhưng định thế gian phải được tu tập bởi một người đã đứng vững trên đất giới có giới hoàn toàn thanh tịnh như đã mô tả. Vị ấy phải đoạn trừ mười chướng ngại, gần gũi thiện tri thức, người cho một đề tài thiền quán, phải nắm lấy một trong bốn mươi đề tài, cái nào thích hợp với cả tính hành giả. Sau đó phải tránh ngôi chùa không thuận lợi, đến sống tại một thuận lợi cho sự tập định. Rồi phải trừ khử các chướng ngại phụ thuộc và không bỏ qua bất cứ một chỉ dẫn nào.
B. Khai triển chi tiết:
29. Mười chướng ngại. Ðó là: trú xứ, gia đình, lợi dưỡng, đồ chúng, việc xây cất, du lịch, quyến thuộc, ưu não, sách vỡ, thần thông.
30. 1) Trú xứ: Có thể là một phòng nhỏ trong nhà, một cái chòi, một tu viện. Ðây không phải là một chướng ngại cho tất cả mọi người. Nó chỉ là một chướng ngại cho người bận tâm việc xây cất đang tiến hành ở đấy, hoặc có nhiều đồ đạc ở đấy, hoặc bận rộn vì một công việc liên hệ đến chỗ ấy.
31. Có câu chuyện như sau. Hai thiện nam tử rời khỏi Anuradhapura để xuất gia tại tu viện Thùpàtàma. Một người học hai tạng Pháp và Luật, sau khi mãn năm tuổi hạn, dự lễ tự tứ rồi đến một nơi tên nơi Pàcìnakhandaràjà. Vị kia ở nguyên tại chỗ. Khi người ra đi đến Pacìna lưu lại một thời gian lâu, trơ thành một trưởng lão, vị ấy nghĩ: "Chỗ này an cư rất tốt. Ta sẽ đi mời bạn". Bởi thế vị ấy ra đi đến Thùpàràma. Khi đến nơi, một trưởng lão đồng hàng ra đón, cầm bát và thi lễ.
32. Vị khách tăng đi vào chỗ trú dành cho mình. Ông nghĩ: "Chắc bạn ta sẽ đem cho ta ít bơ hoặc nước ngọt, hay cái cái gì để uống. Vị ấy ở đây đã lâu". Ðêm ấy, ông không được một thứ gì. Buổi sáng, trưởng lão lại nghĩ: "Bạn sẽ gởi đến cho ta cháo và thức ăn nhận được từ nh?ng ngoại hộ cư sĩ". Khi không có ai mang gì đến, trưởng lão nghĩ: "Không có ai mang đến. Có lẽ họ sẽ cúng khi chúng ta đi vào thành". Sáng sớm, các đại đức cùng vào thành. Khi họ đã đi hết một con đường phố và chỉ được muỗng cháo, họ ngồi tại một nhà mát để uống cháo ấy.
33. Vị khách tăng nghĩ: "Có lẽ không có sự bố thí từng người. Khi đến giờ ăn, chắc người ta sẽ cho món ăn đặc biệt". Khi đến giờ, họ cũng chỉ ăn cái gì đã xin được trong khi đi khất thực. Khách tăng hỏi: "Bạch đai đức, tại sao vậy? Ngài sống kiểu đó suốt năm sao? - "Vâng, hiền giả". -"Bạch đại đức, Pàcìnakhandaràjà rất tiện nghi, chúng ta hãy đến đấy". Khi trưởng lão khách tăng rời khỏi đô thị bằng cửa nam, thì, gặp bạn đang đi trên đường. Trưởng lão hỏi: "Bạch đại đức, đi đâu vậy?"- "Thế không phải hiền giả đã khuyên tôi đi Pacìnà sao? - "Nhưng, sao lại như thế? Ðại đức không có một vật dụng nào cả, tại một nơi đã ở lâu đến thế?" - "Ðúng thế, hiền giả. Giường và ghế thuộc của tu viện, đã được để lại đúng chỗ của nó.. Không có vật gì khác". "Nhưng bạch đại đức, tôi đã quên lại đấy chiếc gậy chai dầu, và túi đựng dép. "- "Hiền giả đã tích trử nhiều đến thế, chỉ mới ở một ngày?" "Vâng thưa đại đức".
34. Vị trưởng lão khách rất hài lòng tán thán: "Ðối với những người như hiền giả, thì các nơi đều là trú xứ ở rừng. Tu viện Thùpàràma là nơi xá lợi của bốn đức Phật được tôn thờ, có sự nghe Pháp thích đáng trong điện Brazen có Ðại diện để chiêm ngưỡng, và có thể thăm viếng các trưỡng lão. Nó giống như thời Phật tại thế. Chính ở đấy, bạn nên sống". Hôm sau, trưởng lão ôm y bát ra đi một mình. Trú xứ không là một chướng ngại cho một người như vậy.
35. 2). Gia đình gồm những quyến thuộc hoặc những cư sĩ ngoại hộ. Bởi vì, ngay cả gia đình thí chủ cũng là một chướng ngại cho những người nào sống liên hệ mật thiết với họ theo kiểu mà kinh mô tả: "Vị ấy, vui khi chúng vui". (S. ii, 11), một người không đi đến một tu viện để nghe Pháp nếu không có những người trong gia đình thí chủ đi theo. Nhưng ngay cả cha mẹ cũng không là chướng ngại cho một người như tỷ kheo trẻ cháu của một trưởng lão ở tu viện Korandaka.
36. Ðại đức đến Rohana để học. Chị của trưởng lão luôn luôn hỏi tin tức con trai. Bởi thế, một ngày kia, trưởng lão đi Rohana để đưa cháu về.
37. Vị đại đức Tỳ kheo trẻ cũng nghĩ "Ta ở đây đã lâu, bây giờ ta có thể đi thăm y chỉ sư của ta và thăm bà tín nữ ra sao". Rồi đại đức rời Rohana. Hai thầy trò gặp gỡ trên bờ sông Mahaveli đại đức hầu trưởng lão dưới gốc cây. Khi được hỏi: "Con đi đâu? Ðại đức nói ra ý định của mình. Trưỡng lão nói: "Con làm phải đấy. Bà tín nữ cứ hỏi thăm con hoài nên ta phải đến đây. Con đi đi, ta sẽ ở lại chỗ này an cư mùa mưa". Và trưởng lão bảo tỷ kheo ra đi. Ðại đức đến tu viện vào đúng ngày để an cư mùa mưa. Trú xứ dành cho đại đức tình cờ lại là trú xứ của phụ thân đại đức đã nhận trách nhiệm cúng dường.
38. Hôm sau, thân phụ đại đức đến nơi hỏi: "Bạch chư đại đức trú xứ chúng tôi cúng rơi vào tay người nào vậy?" Khi ông được biết nó rơi vào một khách tăng trẻ, ông đến bên vị ấy đảnh lễ và thưa: "Bạch đại đức, có một tục lệ bắt buộc đối với vị nào an cư tại trú xứ chúng tôi". -"Lệ ấy như thế nào?"- " Ðó là, chỉ nhận đồ ăn khất thực tại nhà chúng tôi suốt ba tháng mùa mưa, và cho chúng tôi được biết ngày nào sẽ ra đi, sau lễ Tự tứ". Ðại đức im lặng nhận lời. Cư sĩ trở về bảo vợ: "Có một đại đức khách tăng đã ở trong trú xứ của chúng ta để an cư mùa mưa. Bà hãy săn sóc vị ấy chu đáo". Bà vâng lời, sửa soạn những thức ăn loại cứng và loại mền cho tỷ kheo. Mặc dù đại đức đi đến nhà cha mẹ, vào giờ ăn, mà không ai nhận ra.
39. Sau khi đã khất thực ở đấy ba tháng mùa mưa, đại đức báo tin sắp ra đi. Bà con bảo: "Bạch đại đức, xin hãy lưu lại đến mai". Hôm sau, họ mời đại đức, cúng một tảng đường và chín mét vải, và để đại đức ra đi. Ðại đức chúc lành cho họ, rồi trở về Rohana.
40. Y chỉ sư của đại đức đã xong lễ Tự tứ, đang trên đường về. Họ gặp nhau tại chỗ trước kia. Ðại đức làm những bổn phận của người đệ tử dưới gốc cây. Vị trưởng lão hỏi: "Con có gặp bà tín nữ không?" -"Bạch, có". Và kể cho trưởng lão nghe những gì đã xảy ra. Rồi đại đức thoa dầu vào chân thầy, làm một thứ nước đường cho ngài, và cúng dường ngài chín mét vải. Sau khi đảnh lễ trưởng lão, đại đức bạch: "Chỉ có Rohana là thích hợp cho con", và ra đi. Trưởng lão cũng trở về tu viện của ngài, và hôm sau đi vào làng Korandaka
41. Chị của trưởng lão đứng ngóng trên đường mà nghĩ: "Em ta sẽ đến cùng với con ta". Khi bà thấy trưởng lão đến có một mình, mới nghĩ: "Ôi chắc con ta chết rồi". Và ngã lăn ra dưới chân trưởng lão, khóc than kể lễ.. Nghĩ rằng vì hạnh thiểu dục mà tỳ kheo trẻ đã ra đi không loan báo, trưởng lão an ủi bà tín nữ và kể cho bà nghe những gì đã xảy ra, rồi rút tấm vải kia cho bà xem.
42. Bà mẹ an lòng, quỳ gối hướng về con đường mà con bà đang đi, và bảo: "Chắc hẳn, Thế Tôn đã chỉ dạy con đường của các thánh tài, biết đủ đối với bốn vật dụng và ham thích tu tập, khiến cho một tỳ kheo như con ta đã trở thành một bậc Thân chứng. Bởi thế mặc dù vị ấy ăn trong nhà cha mẹ suốt ba tháng, mà không bao giờ nói, con là con của mẹ, hay mẹ là mẹ của con! Ôi thật là một con người kỳ diệu". Ngay cả cha mẹ cũng không là chướng ngại, đối với một người như vậy, nói gì đến thí chủ.
43. 3). Lợi dưỡng: là bốn vật dụng. Làm sao chúng thành chướng ngại? Bất cứ một tỷ kheo xứng đáng đi đâu, người ta cũng cúng dường th?t nhiều vật dụng. Vì cứ phải chúc lành cho họ, nói pháp cho họ vị ấy không có dịp nào để làm các việc của nhà khổ hạnh. Từ sáng sớm đến tối mịt, vị ấy không có lúc nào gián đoạn sự tiếp xúc với bổn đạo. Lại nữa, mới vừa tảng sáng, những người khất thực ưa béo mập đã đến bảo, "Bạch Ðại đức, nam cư sĩ X, nữ cư sĩ Y... đạo hữu nọ, con gái đạo hữu kia, muốn gặp đại đức", và vì sẵn sàng để ra đi, nên vị ấy nói: "Hãy đem y bát, hiền giả,". Cứ thế, vị ấy luôn luôn trong trình trạng khẩn trương. Như thế, tứ sự cúng dường trở thành một chướng ngại cho vị ấy. Vị ấy nên rời đoàn nhóm mà ra đi một mình, đến một chỗ nào không ai biết, đấy là cách chấm dứt trở ngại.
44. 4). Ðồ chúng là một nhóm học trò kinh hay luận. Nếu vị dạy dỗ, trả lời những câu hỏi của đám này, mà không có thì giờ thì hành sa môn hạnh, thì đồ chúng ấy trở thành một chướng ngại. Vị ấy nên trừ chướng ngại ấy bằng cách sau. Nếu những tỷ kheo đã học xong phần chính chỉ còn một ít, thì nên dạy cho xong mà đi vào rừng. Nếu chỉ mới học một ít, còn lại nhiều, thì vị ấy nên đi đến một giáo thọ sư khác ở cách không quá một lý và nhờ dạy tiếp. Nếu không tìm ra vị nào thay, thì nên giã từ lớp học để làm phận sự mình.
45. 5). Xây cất: là làm nhà mới. Người lo việc này phải biết rõ vật liệu đã mua, chưa mua, phải trông coi cái gì đã làm xong, chưa xong, cho nên công việc này luôn luôn bận rộn. Nên trừ chướng ngại bằng cách, nếu còn lại ít thì nên làm cho xong; nếu còn nhiều, nên giao lại cho chúng tăng khi đó là cơ sở chung, còn nếu là của riêng, thì nên giao cho người tín cẩn, hoặc bỏ lại cho tăng đoàn mà đi.
46. 6). Du lịch là đi xa. Nếu có người xin thọ giới xuất gia ở một nơi khác, hay nếu tại đấy có một vật dụng không thể thiếu, thì nó sẽ thành một chướng ngại nếu vị ấy đi vào rừng tu trong khi chưa làm chuyến du hành đến chỗ ấy. Vị ấy sẽ khó xua đuổi ý nghĩ về cuộc hành trình, do đó nên làm xong cuộc hành trình ấy trước khi vào rừng.
47. 7). Quyến thuộc: ở tu viện, thì đó có nghĩa là vị giáo thọ sư, y chỉ sư, đồng trú, đệ tử, đồng giáo thọ sư, đồng y chỉ sư. Ở nhà, thì đó là cha mẹ, anh em v.v... Khi những người này lâm bệnh thì đó là một chướng ngại cho tỷ kheo. Bởi thế, chướng ngại này cần trừ bằng cách chữa lành người bệnh.
48. Khi y chỉ dư lâm bệnh, tỷ kheo phải suốt đời trông nom nếu bệnh không chống khỏi. Cũng thế, đối với vị thầy lúc xuất gia, lúc thọ giới, vị đồng trú, những đệ tử mà vị ấy đã thâu nhận xuất gia, và đối với đồng y chỉ sư. Nhưng đối với giáo thọ sư, đối với học trò mà ta dạy giáo lý, và đối với những người đồng học (đồng học thọ sự) thì mên săn sóc họ bao lâu lớp học còn tiếp tục, và nếu có thể, thì cứ tiếp tục săn sóc sau đó.
Mẹ và cha cần đối như y chỉ sư. Nếu cha mẹ ở trong thành, và cần sự giúp đỡ, thì phải giúp. Nếu các vị không có thuốc men phải cung cấp thuốc của mình. Nếu không có, hãy đi xin để cung cấp. Nhưng nếu anh chị em bệnh, chỉ nên để họ dùng cái gì của họ. Nếu họ không có, thì nên đem của riêng tạm cho dùng, sau lấy lại. Nếu không lấy lại được cũng không nên phàn nàn. Không được cho hay chế thuốc cho chồng của em gái hoặc chị, nhưng có thể đưa cho em gái, chị mà bảo "Hãy đưa cho chồng của em (hay chị) dùng". Ðối với vợ của anh hoặc vợ của em trai cũng vậy, nhưng với cháu thì tỷ kheo được phép cho thuốc, chế thuốc, vì chúng có liên hệ máu mủ.
50. 8). Ưu não là bất cứ loại bệnh nào, khi đau đớn thực sự là một chướng ngại, nên thuốc men. Nếu bệnh vẫn không khỏi sau khi chữa thuốc vài ngày thì hãy làm phận sự của nhà khổ hạnh sau khi nói với cơ thế: "Ta không phải là đầy tớ của ngươi. Ta đã chịu đau khổ vì bảo trì người qua cái vòng tử sinh bất tận.
51. 9). Sách vở là trách nhiệm đối với kinh điển. Ðây chỉ là chướng ngại với người luôn bận đọc tụng mà thôi. Về điểm này, có câu chuyện sau. Khi trưởng lão Revata ? xứ Ðồi được đại đức Revata người tụng đọc Trung bộ kinh là một trách nhiệm nặng nề, hiền giả. Khi một người đang học thuộc lòng 50 kinh đầu tiên, vị ấy còn trước mặt 50 kinh chặn giữa, khi đang học 50 kinh sau cùng. Làm sao hiền giả có thể khởi sự một đề tài thiền định?". - "Bạch đại đức, khi tôi đã nhận một đề tài, thì tôi sẽ không dành lại kinh điển nữa". Vị ấy nhận đề mục thiền và trong 19 năm không tụng đọc, đã chứng quả La hán vào năm thứ 20. Ông bảo những tỷ kheo đến tụng đọc "Chư hiền, ta đã không nhìn đến kinh điển 20 năm nay, nhưng vẫn quen thuộc. Chư hiền cứ khởi sự". Và từ đầu đến cuối, trưởng lão tụng đọc không bị vấp một âm nào.
52. Trưởng lão Mahà -Nàga ở Karuliliyari cũng vậy, để kinh qua một bên 18 năm trời, sau đó ông tụng Dhàtukathà cho các tỷ kheo nghe không sai một chữ.
53. Trong đại tu viện, trưởng lão Abhaya bảo đánh trống tuyên bố: "Tôi sẽ trình bày Ba tạng trong vòng những vị tinh thông Năm bộ kinh" và việc này xảy ra trước khi ông học luận sớ. Chúng tỷ kheo bảo: "Ðó là giáo lý của những bậc thầy nào? Trừ phi ngài đưa ra giáo lý của những bậc thấy, chúng tôi không để ngài nói". Vị y chỉ sư của trưởng lão cũng hỏi: "Hiền giả, đã cho đánh trống chưa?" -"Bạch, đã" -"Vì lý do nào?" -"Bạch, con sẽ giảng kinh" -"Hiền giả, các bậc thầy giải thích đoạn này thế nào"" -"Như thế này, bạch đại đức". Vị y chỉ sư không bằng lòng, hùm một cái. Ba lần "hùm". Rồi ông bảo: "Hiền giả, giải thích đầu tiên của ông là cách giảng của những bậc thầy, nhưng vì ông đã không thật sự nghe nó từ miệng một bậc Thầy, nên đã không thể giữ vững lập trường, rằng những bậc Thầy nói như vậy. Hãy đi học với những bậc Thầy đi". -"Bạch đại đức con sẽ đi đâu?" -"Có một trưởng lão tên Mahà Dhammara (Ðại Pháp hộ) ở tu viện Tulàdhàra -pabbata xứ Rohana bên kia sông Mahaveli. Vị ấy biết rõ tất cả kinh điển. Hãy đến vị ấy". Trưởng lão Abhaya vâng lịnh ra đi. Ðến nơi, sau khi làm lễ, ông trình bày lý do. Trưởng lão Ðại pháp Hộ bảo: "Tôi đã không xem kinh điển ba chục năm nay. Nhưng hiền giả hãy đọc lại buổi tối, và sáng ngày ta sẽ giảng. Abhaya vâng lời.
54. Những cư dân trong làng dựng một lều trại lớn trước trú xứ của ngài, ngày ngày chúng đến nghe pháp. Ban ngày, vị trưởng lão giảng những gì ngài đã nghe đọc về đêm, cho đến cuối cùng, hoàn tất việc giảng dạy. Rồi ngài trải một chiếc chiếu trước mặt Abhaya, ngồi xuống mà bảo: "Hiền giả hãy giảng cho tôi một đề tài thiền định". -"Ðại đức nói gì? Chẳng phải tôi đã học mọi sự từ nơi ngài, hay sao? Tôi có thể nói một điều gì cho ngài, mà ngài không biết rồi?" Vị trưởng lão nói: "Con đường này khác, đối với một người đã thực sự du hành trên đó. Abhaya lúc đó dường như là một bậc Dự lưu.
55. Khi trưởng lão Abahya đã cho thầy của ông một đề tài, ông trở về Anuràdhapura. Về sau, trong khi đang giảng pháp trong điện Brazen, ngài nghe tin vị trưởng lão đã nhập niết bàn. Ngài liền bão: "Chư hiền, A-la-hán đạo thích hợp cho vị thầy của chúng ta. Ngài thật là một bậc chân trị thức. Ngài ngồi giữa chiếu, trước mặt chính học trò của mình và bảo: hãy giảng cho tôi một đề tài thiền quán. Chư hiền, A-la-hán đạo thích hợp của vị Thầy chúng ta". Ðối với những bậc ấy, sách vở không là một chướng ngại.
10). Thần thông là phép lạ của phàm phu, rất khó duy trì như một đứa trẻ còn nằm ngửa hay một con thỏ con, 1 vật nhỏ cũng làm nó tan vỡ được. Nhưng đó là một chướng ngại cho tuệ chứ không phải cho định, vì nhờ định mà có thần thông. Bởi thế, phép lạ hay thần thông là những chướng ngại mà người tầm cầu tuệ phải trừ khử, còn các chướng ngại khác là những thứ mà người tầm cầu định phải trừ.
Trên đây là giải thích chi tiết về các chướng ngại.
57. Gần gũi thiện tri thức, người cho một đề tài (đ. 28): những đề tài thuộc hai loại, đó là đề tài có lợi ích chung và đề tài đặc biệt.
Quán tâm trừ, và niệm về cái chết là những phép quán có lợi ích phổ quát. Có thể kể thêm quán bất tịnh.
58. Khi một tỷ kheo nắm lấy một đề tài thiền quán, trước hết vị ấy phải phát triển từ tâm đối với tăng đoàn trong giới vức, ban đầu trưởng đến các tỷ kheo trong chùa như sau: "Mong các tỷ kheo được an vui, thoát khổ". Rồi nên trải tâm ấy rộng ra đến tất cả chư thiên ở trong giới vức, đến những cư dân trong làng, nơi vị ấy thường khất thực, rồi đến tất cả mọi người ở đấy và tất cả chúng sinh phụ thuộc. Với tâm từ đối với chúng tỷ kheo, vị ấy phát sinh lòng tự ái với những người đồng trú, trở nên dễ sống chung. Với tâm từ đối với chư thiên trong giới vức, vị ấy được thiên thần hộ trì bằng những người vị ấy lui tới khất thực, vị ấy được họ giúp đở tứ sự một cách hợp pháp. Với tâm từ đối với mọi người quanh đấy, vị ấy đi đâu cũng không bị chán ghét, vì được người ta tin tưởng. Với tâm từ đối với tất cả chúng sinh, vị ấy có thể đi ta bà khắp nơi không bị cản trở.
Với tử tưởng, nghĩ rằng "Ta sẽ chết" vị ấy từ bỏ sự tầm cầu bất đáng và ý thức tỉnh giác tăng thạnh, vị ấy sống không ràng buộc.
Khi tâm vị ấy thường quán bất tịnh, thì cả đến những đối tượng ở cõi trời cũng không cám dỗ được vị ấy khởi tham.
59. Những quán tưởng trên, như vậy, có ích lợi phổ quát. Chúng được gọi là những đề tài thiền định vì cần tu tập thường xuyên, chúng rất đáng muốn do bởi lợi ích lớn lao của chúng.
60. "Ðề mục thiền đặc biệt" là 40 đề tài thích hợp với cá tính từng người. Nó "đặc biệt" (pàrihàriya) vì vị ấy phải mang (pariharitabbattà) nó luôn theo mình, và vì nó là nhân gần cho một giai đoạn tu tập cao hơn. Người cho một đề tài thuộc hai loại nói trên, là người cho đề tài thiền.
61. Thiện tri thức là người có những đức tính:
Ðược kính trọng yêu mến
Biết nói và chịu nghe
Lời thốt ra sâu sắc
Không vô cớ buộc ràng (A. iv, 32)
Người ấy hoàn toàn quan tâm đến sự an lạc và thích tiến bộ.
62. Do câu: "Này Ananda, nhờ Ta làm thiện tri thức cho chúng, mà những hữu tình bị sinh tử được thoát ly sinh tử" (S. i, 88), ta thấy chỉ có Ðức Phật, đấng Toàn Giác, mới có được tất cả điều kiện của một bậc thiện tri thức. Bởi thế khi Ngài còn ở đời, chỉ có một đề mục thiền được nhận trước mặt Thế Tôn, mới là một đề mục được nhận một cách tốt đẹp. Sau khi Ngài nhập niết bàn có thể nhận từ một vị Thánh đệ tử còn sống. Khi những vị này cũng không còn, hãy nhận từ một vị đã sạch lậu hoặc, một vị nhờ đề mục đặc biệt ấy đã chứng bốn thiền, năm thiền đã đạt đến lậu tận bằng cách tăng trưởng trí huệ có thiền làm nhân.
63. Nhưng làm thế nào một vị đã đoạn tận lậu hoặc tuyên bố: "Ta là người đã đoạn tận lậu hoặc?" Tại sao không? Vị ấy tuyên bố như vậy khi biết chắc rằng những chỉ giáo của ông sẽ được thi hành. Như trưởng lão Assagutta đã trải chiếu ngồi kiết già giữa hư không để giảng một đề tài thiền quán cho một tỷ kheo khởi sự tu tập đề tài ấy, vì biết vị này sẽ làm theo lời dạy của ông.
64. Vậy, nếu có một vị đã đoạn tận lậu hoặc thì tốt. Nếu không, thì hãy nhận đề tài nơi một vị Bất hoàn, một vị Nhất lai, một vị Dự lưu, một người thường nhưng đã đắc thiền, một người thông ba tạng, hai tạng, một tạng, một người thông năm bộ Nikàya, một Nikàya cùng với sớ giải, hoặc một người cẩn trọng. Vì một bậc thầy cẩn trọng thì biết rõ kinh điển, giữ gìn gia tài Phật Pháp, bảo trì truyền thống, vị ấy sẽ theo quan điểm của bậc Thầy hơn là theo ý riêng. Do vậy, cổ đức đã nói lên ba lần: "Một người cẩn trọng sẽ giữ gìn kho báu".
65. Những người nói trên, khởi từ vị đã đoạn tân lậu hoặc, chỉ nói đến con đường mà chính họ đã đạt đến. Nhưng với một vị đa văn, thì những chỉ dạy và giải đáp được thanh lọc nhờ đã đến gần nhiều bậc Thầy, và bởi thế, vị nầy sẽ giải thích một đề tài thiền quán bằng cách nêu rõ một lối đi rộng, như một thớt voi lớn đi qua một dãi rừng. Vị ấy sẽ chọn lọc những bản kinh, những lý lẽ chỗ này chỗ khác, kèm thêm giải thích cái gì nên theo cái gì không. Do vậy, một đề tài thiền quán cần được chọn bằng cách đến gần một Thiện Tri Thức như thế, người cho một đề tài, và khi đến gần, hãy làm những bổn phận của một môn sinh.
66. Nếu vị ấy ở cùng một tu viện, thì tốt. Nếu không, hành giả nên đi đến chỗ vị ấy cư trú. Khi một tỷ kheo đi đến thiện tri thức, thì không nên đi với chân thoa dầu, mang giầy, đi dù, có đệ tử đoanh vây đem theo tư cụ. Vị ấy nên du hành như một tỷ kheo du phương, tự mạng y bát, làm tất cả bổn phận trong mỗi ngôi chùa trên đường đi, mạng theo rất ít và sống với hạnh viễn ly cao độ. Khi vào đến tự viện có bậc thiện tri thức ấy, vị tỷ kheo không được mong mỏi cái gì, phải tự túc đến cả một cái tăm xỉa răng. Vị ấy cũng không nên vào một phòng, nhà nào trong tự viện, nghĩ, ta sẽ ở đấy nghỉ ngơi, tắm rửa, bôi dầu vào thân, rồi hãy đi đến bậc thầy.
67. Tại sao thế? Vì nếu ở đây có các tỷ kheo không ưa bậc thầy, họ sẽ hỏi mục đích viếng thăm của khách, rồi chê bai bằng cách nói: "Nếu bạn tới ông đó thì bạn rồi đời". Những vị này có thể làm cho người mới đến hối hận đã đến, và bèn quay trở về. Do đó, chỉ nên hỏi trú xứ rồi đến thẳng bậc thầy.
68. Nếu bậc thầy là hạ toạ tỷ kheo, vị thâm học cũng không được để cho ông ta đỡ lấy y bát của mình v.v... Nếu là một thượng toạ tỷ kheo, thì nên thí lễ rồi đứng. Khi thầy bảo, "Hiền giả, hãy đặt y bát xuống" mới được đặt. Khi thầy mời uống nước, nếu khát nên uống. Khi thầy bảo rữa chân, không nên rửa ngay, vì nếu nước ấy do chính thầy mang tới thì không phải phép. Nhưng nếu thầy bảo, "Hiền giả, nước ấy không phải tôi mang đến. Hãy rửa đi" thì được rửa, bằng cách ngồi tại một chỗ khuất mắt thầy, hoặc ở ngoài chỗ trống phía một bên nhà.
69. Nếu thầy mang đến một ống dầu, tỷ kheo hãy đứng dậy cẩn thận đở lấy với cả hai tay. Nếu tỷ kheo không nhận, vị kia có thể ngạc nhiên tự nhủ, tỷ kheo này chưa gì đã ghét xài chung như vậy sao? Nhưng khi nhận xong, tỷ kheo không nên thoa vào chân ngay. Vì nếu đó là dầu để thoa chân thầy, thì không được dùng mà thoa chân mình. Bởi thế, tỷ kheo nên thoa lên đầu, vai..., nhưng nếu thầy bảo "Hiền giả, dầu này để thoa chân tất cả mọi người, hãy thoa chân", thì vị ấy nên thoa một ít lên đầu, rồi thoa chân. Xong đâu đấy, đưa lại cho thầy mà thưa: "Bạch đại đức, xin gởi lại chai dầu".
70. Vị tỷ kheo không nên nói: "Bạch đại đức, giảng cho tôi một đề tài thiền quán" ngay hôm mới đến. Nhưng khởi từ hôm sau, nên xin làm phận sự của một người hầu. Nếu thầy không cho, thì nên làm phận sự ấy khi có dịp. Khi làm, thì phải mang cho thầy ba cái tăm xỉa răng cỡ nhỏ, vừa và lớn, hai loại nước súc miệng cũng như nước tắm, là nóng, lạnh. Trong ba ngày đầu, để ý thầy dùng thứ nào trong các thứ ấy thì sau đó hãy mang đến thứ đó. Nếu thầy dùng thứ nào cũng được, thì sau gặp thứ gì đem thứ ấy.
71. Tại sao phải nói nhiều? Vì tất cả phải được thì hành như lời Thế Tôn dạy trong các kiền độ (khandhakas) xem như những phận sự của đệ tử: "Này các tỷ kheo; một đệ tử cần phải thi hành những bổn phận đối với thầy cho đúng cách. Ở đây, sự thi hành bổn phận đúng cách là như sau. Ðệ tử nên dậy sớm, bỏ dép sửa y, đem tăm và nước súc miệng, trải toạ cụ cho thầy. Nếu có cháo, hãy rửa dĩa và mang cháo". (Vin. i, 61)
72. Ðệ tử nên đến vấn an thầy vào mỗi chiều, nếu thầy bảo lui ra thì hãy lui. Nếu thầy hỏi đến làm gì, nên nói lý do. Nếu thầy không hỏi, mà để cho làm các bổn phận, thì sau 10 ngày hoặc nữa tháng, nên tìm một dịp ở nán lại sau khi thầy bảo lui, và trình bày lý do mình đến. Hoặc đến thầy vào một một lúc bất thường, chờ khi thầy hỏi đến làm gì, hãy trình bày lý do.
73. Nếu thầy nói mai trở lại, hãy y lời. Nhưng nếu vào đúng lúc ấy mà bị đau bụng hay một thứ bệnh gì khác, thì nên thưa thầy rõ và đề nghị một giờ khác thích hợp cho mình. Bởi vì nếu một đề tài thiền quán được giải thích vào lúc bất tiện, thì ta không thể chú tâm nghe kỹ. Trên đây là giải thích câu "đến gần thiện tri thức, người cho một đề tài thiền quán".
74. Một đề tài thích hợp với cá tính (đoạn 28): Có 6 loại cá tính, là cá tính nặng về tham, sân, si, tín, tuệ và tư duy. Có người cho con số cá tính lên đến 14 loại, bằng cách phối hợp những cá tính trên. Nhưng nếu chấp nhận lối này thì sẽ có nhiều loại cá tính hơn nữa, cho nên chỉ cần hiểu là có 6 loại cá tính. Theo đó chỉ có 6 hạng người, là hạng nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, hạng thiên về đức tin thiên về trí tuệ, thiên về tư duy.
75. Ở đây, hạng thiên về đức tin đi đôi với hạng nặng về tham, vì đặc tính của đức tin rất gần với đặc tính của tham. Vì, về khía cạnh bất thiện thì tham nặng tình cảm, không khắc chế, cũng vậy khía cạnh thiện thì đức tin nặng tình cảm. Tham tầm cầu khoái lạc giác quan, còn đức tin tầm cầu công đức như giới, thí v.v... Tham không từ bỏ cái gì có hại, còn đức tin thì không bỏ cái gì có lợi.
76. Một người thiên về trí tuệ thường đi đôi với tánh sân, vì tuệ mạn khi mà thiện nghiệp phát sinh nơi một người nhiều sân, do bởi đặc tính của tuệ gần với những đặc tính của sân. Vì, về khía cánh bất thiện, thì sân không tình cảm không bám vúi đối tượng của nó, về khía cạnh thiện cũng thế, trí tuệ cũng không tình cảm và cũng không bám víu. Sân tánh thì chỉ tìm cho ra những lỗi không thật có, trong khi tuệ chỉ tìm những lỗi thật. Và sân sinh khởi trong cách buộc tội chúng sinh, trong khi tuệ sinh khởi bằng cách buộc tội các hành.
77. Một người thiên về tư duy đi đôi với tánh si, vì những chướng ngại Tầm sinh khởi nơi một người nhiều si khi nó cố làm phát sinh những thiện pháp chưa sinh. Ðặc tính của Tầm gần với đặc tính của si, vì cũng như si không được an do bối rối, tầm cũng thế, không an là do suy nghĩ nhiều. Và vì si bị lay chuyển do nông cạn, cũng thế tầm bị di chuyển do dễ đoán mò.
78. Có người cho rằng còn có ba loại tánh khác, là dục, mạn và kiến. Ở đây dục chỉ là tham và mạn cũng liên hệ. Bởi thế, dục và mạn không ra ngoài tham. Còn kiến (chấp) thì có gốc từ si, nên tánh tà kiến có gốc từ tánh si.
79. Cái gì là nguồn gốc của những tánh nói trên? Và làm sao biết được một người thuộc tánh nào? pháp tu nào thích hợp cho hạng nào?
80. Như vài người (trưởng lão Upatissa trong Vimutimagga) nói, trước hết ba đặt tánh đều có nguồn gốc ở tập khí về trước, và do bẩm chất tánh tình hiện tại un đúc. Có lẽ một người nhiều tham trước kia đã từng làm nhiều việc mà họ khoái thích, hoặc họ đã tái sinh ở cõi này sau khi mệnh chung ở một thiên giới. Và một người nhiều sân, trước kia có lẽ đã từng có những việc làm đâm chém, tra tấn tàn bạo, hoặc đã tái sinh ở cõi này sau khi mệnh chung tại một cói địa ngục hay rắn rồng. Còn một ngời nhiều si, có lẽ trước kia đã từng uống nhiều rượu, ít chú ý đến học vấn, hoặc tái sinh cõi này sau khi chết ở trong loài súc sinh. Ðó là nguồn gốc kiếp trước, người ta bảo.
81. Và một người tánh si là vì có hai đại tăng thịnh, hoả và địa đại. Người có nhiều sân là vì thuỷ và phong đại tăng thịnh. Nhưng người tham nhiều là vì bốn đại quân bình. Về khí chất kẻ nặng về tham thì dư đàm, người nặng về si dư phong. Hoặc nặng về si dư đàm, nặng tham dư phong. Bởi thế nguồn gốc tánh tình còn do bốn đại và khí chất, người ta bảo.
82. Ta có thể cãi rằng, không phải tất cả những người đã từng có những việc làm thích ý, hoặc đã tái sinh từ cõi trời, đều có tánh tham cả. Hai tánh sân, si cũng vậy. Và không có luật nào về sự tăng thịnh của các đại như thế (Xem Ch. XIV, 43...) mà luật về khí chất nói trên chỉ có hai tánh tham và si được đề cập, sông laị mâu thuẫn liền, và không đả động đến cội nguồn của tánh nhiều đức tin. Do đó định nghĩa này không nhất thiết đúng.
83. Sau đây là trình bày theo quan điểm những luận sư đã giải thích về sự tăng thịnh. Sự kiện những hữu tình này có tham tăng thịnh, là do căn nguyên đời trước. Vì khi ở nơi một người, vào lúc nghiệp tích luỹ (tức nghiệp đi đầu thai) có tham mạnh, vô tham yếu, vô si mạnh, sân và si yếu, khi ấy tánh vô tham yếu ớt của nó không thể thắng tham, nhưng vì vô sân vô si mạn có thể lướt sân, si cho nên lúc tái sinh người ấy có tham dục, vui tính, không sân giận, và có tuệ. Mau hiểu biết như chớp.
84. "Khi, vào lúc nghiệp tích luỹ của một người khác, tham sân mạnh, vô tham vô sân yếu, nhưng vô si mạnh và si yếu, thì như cách đã nói, người ấy có tham, sân, nhưng lại có tuệ mau hiểu. Như Trưởng lão Datta Abhaya Khi, vào lúc nghiệp tích luỹ của một người, tham, vô sân và si mạnh, thì như cách đã nói, người ấy tham, đần độn song lại vui tính, không giận hờn, như đại đức Bahula". "Cũng thế, nếu vào lúc nghiệp tích luỹ, cả ba thứ tham, sân, si đều mạnh, những thứ khác yếu thì người ấy vừa tham sân lại vừa ngu si"
85. Khi, vào lúc nghiệp tích luỹ, vô tham vô sân và vô si mạnh, các thứ khác yếu, thì người ấy không tham lam thù hận, tánh tình vui vẻ nhưng lại chậm hiểu. "Cũng vậy, nếu vào lúc nghiệp tích luỹ, vô tham, sân và vô si mạnh, các thứ khác yếu, thì người ấy không tham, có trí tuệ nhưng lại sân, dễ nổi xùng". "Cũng vậy, nếu vào lúc nghiệp tích luỹ cả ba tánh vô sân vô si mạnh, các thứ khác yếu, thì người ấy không tham, không sân, mà lại có trí tuệ, như trưởng lão Mahà Sangharakkhita.
86. Ở đây, khi nói một người "có nhiều tham" có nghĩa là người thuộc tánh tham. Tương Tự với sân và si. Có trí tuệ nghĩa là thuộc tánh tuệ. Người không tham không sân thuộc về tánh tín, vì những người này tự nhiên dễ tin tưởng, hoặc cũng như một người tái sinh do nghiệp câu hữu với vô si là tánh tuệ, một người tái sinh do nghiệp câu hữu với tín, thuộc tánh tín. Một kẻ tái sinh do nghiệp câu hữu với những dục tưởng, thuộc tánh tư duy, còn một người tái sinh do nghiệp câu hữu với tham v.v... Lần lộn, thuộc tánh hổn hợp. Vậy, chính nghiệp dẫn đến tái sinh, câu hữu bởi một trong những yếu tố tham, v.v... Cần được hiểu là nguồn gốc tánh tình.
87. Nhưng nếu hỏi làm sao biết được một người thuộc tánh gì? Trả lời:
Do tướng đi, hành động, Do cách ăn, cách nhìn...
Do trạng thái sinh
Tánh tình được nhận biết.
88. Do cách đi: người tánh tham, khi đi tự nhiên, có bước đi cẩn thận, đặt chân xuống từ từ, khoan thai, nhấc chân lên khoan thai, bước đi như lò xo bật.
Người có tánh sân bước di như thể đào đất bằng những đầu ngón chân, đặt chân xuống rất nhanh, dở lên nhanh, bước đi kéo lê thê.
Người si đi với dáng bối rối, để chân xuống một cách do dự, nhấc lên cũng do dự bước chân nhấn xuống đột ngột.
89. Dáng đi của một người tham có vẻ chắc chắn, nhịp nhàng, của người sân, thì cứng cỏi, của người si thì rối ren. Ngồi cũng thế, Và một người tham trải giường một cách thong dong, không vội vàng, từ từ đặt lưng xuống, sắp đặt tay chân cho ngay, và ngủ một cách an ổn. Khi thức dậy, thay vì đứng dậy ngay người này phản ứng từ từ, như thể còn hoài nghi chưa quyết định. Người sân trải giường vội vàng, thế nào cũng xong, gieo mình xuống ngủ với một gương mặt nhăn nhó. Khi dậy, thì đứng lên một cách mau lẹ, và trả lời người ta như thể rất bực mình. Người si trải giường lệch lạc và phần nhiều ngủ úp mặt, thân thể bò dài ra. Khi dậy, từ từ đứng lên, "hùm" một cái.
90. Vì những người thuộc tánh tín v.v... đi đối với tham v.v... Cho nên những tư cách cũng giống như đã tả. Trên đây là cách nhận ra tính tình qua dáng điệu.
91. Qua hành động: Trong quét sân, người tham cầm cái chổi một cách chắc chắn, quét sạch đều đặn, không vội vàng, không tung đất cát lên, trông như đang rắc hoa. Người sân nắm chổi thật chặt, quét không sạch, không đều, gây tiếng động chát chúa, hấp tấp tung đất cát lên hai bên. Người si cầm chổi lỏng lẻo, quét không sạch cũng không đều, trộn lẫn đất cát vãi ra tứ tung.
92. Cũng như quét dọn, mọi việc khác như giặt giữ, nhuộm y, v.v... Cũng thế. Người tham làm việc một cách khéo léo, từ tốn đều đặn, cẩn thận. Người sân làm việc một cách căng thẳng, cứng cỏi không đều. Người si làm việc vụng về, như thể đang bối rối, không đều và không quyết định. Người tham mặc y không quá chật, không quá lỏng, cẩn thận ngay ngắn, quấn y quanh mình. Người sân mặc y quá chật, và không sửa quanh thân. Người si mặc thật lỏng, và một cách hoang mang. Người tín v.v... Nên hiểu theo cách đã tả, vì những tính này sóng đôi với tham v.v...
Trên đây là cách nhận ra tính tình qua hành động.
93. Qua cách ăn: người tham thích ăn thực phẩm ngọt ngào, béo bổ. Khi ăn, nó ăn từng miếng không quá lớn, và ăn không vội vàng, thưởng thức vị ngon. Nó khoái ăn ngon. Người sân thích ăn đồ dai và chua. Khi ăn, nó làm từng miếng lớn đầy cả miệng, và ăn một cách hấp tấp không thưởng thức mùi vị món ăn. Nó buồn rầu khi ăn nhằm cái gì không ngon. Người si không có chọn lựa nhất định. Khi ăn, nó làm thức ăn thành từng miếng nhỏ không tròn, và làm rớt đồ ăn vụn trên đĩa, làm lấm mặt, tâm trí phiêu lưu nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác. Những người thuộc tánh tín v.v... Cũng thế, giống như tham v.v...
94. Qua cách nhìn v.v..: Khi người tham nhìn thấy, dù chỉ một sắc pháp hơi thích ý, cũng ngắm thật lâu, như thể ngạc nhiên, nắm lấy những đức tính vụn vặt, mà không kể những khuyết điểm. Khi từ giả, nó đi một cách tiếc nuối, như không muốn rời. Khi người sân trông thấy một sắc pháp hơi khó ưa, nó cũng tránh nhìn lâu, như thể chán lắm, xoi mói các khuyết điểm nhỏ, bỏ qua những đức tính thực. Khi từ giả, nó ra đi không tiếc nuối, như thể muốn đi cho khuất. Khi người si nhìn bất cứ sắc pháp nào, nó bắt chước thái độ người khác: nếu nó nghe người ta chê, thì nó chê, nghe người ta khen thì nó khen, mà thật sự trong tâm nó vẫn bình thản, sự bình thản của người vô trí. Ðối với âm thanh cũng vậy.
Người có tín v.v... Cũng như tham v.v... qua cách nhìn tương tự .
95. Qua những loại tâm trạng: nơi một người tham, thường có những tâm trạng như lừa dối, gian lận, kiêu mạn, ác dục, đa dục, bất mãn, làm dỏm, khoe khoang. Nơi người sân, thường có những tâm trạng giận dữ thù hằn, phỉ báng, thống trị, ganh tị, biến lận. Nơi một người si, thường có những tâm trạng như đờ đẫn, lừ đừ, dao động, lo âu, bất định, bám víu dai, không chịu xả bỏ.
Nơi một người tín tâm: thường có những tâm trạng rộng rãi, mong muốn gặp những bậc thánh, mong nghe diệu pháp, vui vẻ, hồn nhiên, thành thục, tin tưởng những gì gợi niềm tin. Nơi người tánh tuệ, có những tâm trạng như dễ nói (với), có bạn tốt, biết vừa đủ trong ẩm thực, chánh niệm tỉnh giác, ưa sự thức tỉnh, có ý thức nghiêm trọng đối với những gì gợi lên ý thức nghiêm trọng, nỗ lực đúng hướng. Nơi người tánh tư duy, thường có những tâm trạng như nói nhiều, dễ hoà mình, chán ghét sự hy sinh cho điều thiện, không hoàn tất được những công việc đã làm; "ban đêm phun khói ban ngày chiếu sáng" (M. i, 144) - có nghĩa ấp ủ những kế hoạch ban đêm, và thi hành ngay vào hôm sau. Tâm thức chạy lăng xăng khắp (Ud. 47)
96. Tuy nhiên, những chỉ dẫn trên về sự nhận dạng tính tình đã không được hoàn toàn lưu truyền trong kinh hay luận, mà chỉ được diễn tả theo quan điểm của những bậc thầy, do đó, không thể xem là chân thật hoàn toàn, vì ngay cả một người có tánh sân cũng có thể biểu lộ những dáng đi v.v... được gán cho tánh tham, nếu cần tinh cần cố gắng. Vả lại, những dáng đi, v.v... Không bao giờ phát sinh với những đặc tính rõ rệt nơi một con người có tính tình hỗn hợp. Chỉ có những chỉ dẫn để nhận ra tính tình được ghi trong tập sở đáng xem là chân thật, vì trong ấy nói: "Một bậc thầy đã đạt được sự đi sâu vào các loại tâm, sẽ biết rõ tính tình, và giải thích một đề tài thiền quán thích hợp. Còn người không thể đi sâu vào tâm người thì nên hỏi ngay đương sự. Bởi thế, nhờ đi sâu vào tâm, hoặc nhờ phỏng vấn đương sự, mà có thể biết người ấy thuộc vào loại cá tính nào.
97. Cái gì thích hợp cho mỗi loại tính? Một chỗ thích hợp cho người tham, là cái nhà với ngưỡng cửa không lau rửa, nền ngang mặt đất, đó có thể một tảng đá treo lơ lửng không có ống máng (Ch. II), một lều cỏ, một nhà lá v.v... Nó phải có đầy rác rưới và dơ, tơi tả, quá cao, hoặc quá thấp, một vùng phụ cận trơ trọi, vắng vẻ, bị đe doạ bởi cọp beo v.v..., với một con đường mòn gập ghềnh, ngay cả giường, và ghế cũng đầy bọ hung, chỗ ở, xấu xí, không có gì đẹp mắt, nhìn là thấy ghét. Y phục thích hợp cho vị ấy là những thứ rách biên, sút chỉ lòng thòng khắp, như một cái bánh tổ chim, vải thì thô như gai, bẩn, nặng và khó mặc. Bình bát thích hợp là một cái bát bằng đất nung xấu xí dị hình, với những chỗ vá, nối, hoặc một cái bát bằng sắt nặng nề khó coi, không gợi thèm chút nào cả, giống như một cái sọ người. Loại đường đi thích hợp cho vị ấy để đi khất thực là một con đường khó chịu, không có làng mạc ở gần, và không bằng phẳng. Khu làng thích hợp cho vị ấy khất thực là một nơi mà người ta đi nghênh ngang không để ý gì đến vị ấy, một nơi mà, khi vị ấy sắp bỏ đi chỗ khác, vì không xin được chút gì, người ta sẽ gọi ông lại vào trong phòng bố thí và bảo "Này đại đức" rồi cho cơm cháo, mà tỉnh bơ như bỏ một con bò vào chuồng bò. Những người thích hợp để hầu cận vị ấy là những nô tỳ, thợ thuyền không đẹp mắt, bất hạnh, y phục dơ dáy, hôi hám, buồn nôn, những người cúng dường cơm cháo mà như ném vào ông một cách thô lỗ. Loại cháo và cơm thích hợp là gạo, v.v... Bơ lạt, cháo chua, cà ri bằng cải úa, hay bất cứ vật gì chỉ cốt làm cho đầy bụng. Trong bốn oai nghi, uy nghi thích hợp là đứng hoặc đi bách bộ. Ðối tượng quán thích hợp là bất cứ màu nào khởi từ xanh nhưng không được thuần tịnh.
98. Một trú xứ thích hợp cho người sân là không quá cao hay thấp, có sẵn bóng mát và nước, có những bức tường cân đối, cột và bực cấp, chạm trổ sáng sủa với nhiều bức hoạ, nền bằng phẳng, êm dịu, được trang trí bằng hoa, trên có một tàn che bằng vải nhiều màu như cung trời Ðại phạm. Giường ghế có nệm sạch sẽ xinh đẹp thơm mùi các thứ hoa, làm cho người ta chỉ nhìn cũng đủ sung sướng.
99. Loại đường thích hợp cho vị ấy đi đến chỗ trú, phải là một con đường không có nguy hiểm nào, đất sạch và bằng phẳng đã được soạn sẳn. Nhà phải đừng quá nhiều bàn ghế tủ giường, để khỏi làm chổ ẩn náu cho côn trùng, bọ hung, rắn chuột, chỉ nên để một giường một ghế. Loại vải thích hợp cho vị này là làm y phục trong và ngoài, là hạng tốt nhất, như hàng Trung Quốc, hàng Somàra, lụa, phin mỏng, vải mỏng, chỉ một hay hai lớp thật nhẹ, màu sắc thuần tịnh thích hợp với nhà khổ tu. Loại bát thích hợp làm bằng sắt, hình dáng thanh tú như một bóng nước, láng như ngọc, không tì vết, có màu thuần tịnh thích hợp với ẩn sĩ. Con đường thích hợp để đi khất thực phải tránh mọi hiểm nguy, bằng phẳng, dễ chịu, không quá gần làng cũng không quá xa. Khu làng thích hợp để vị ấy khất thực, là nơi mà mọi người soạn sẵn chỗ ngồi rãi hoa, quét dọn sạch sẽ, nghĩ rằng: "Vị đại đức của chúng ta sắp tới". Và đi ra đón ông, cầm bát của ông đưa vào nhà, mời ngồi trên chỗ đã soạn, và tự tay hầu hạ chu đáo.
100. Những người thích hợp để hầu vị ấy phải đẹp trai, dễ ưa, tắm rữa sạch sẽ, bôi dầu láng xức nước hoa mùi trầm, trang sức bằng vải nhuộm đủ màu sạch và đẹp. Người ấy làm việc một cách cẩn thận, loại cơm cháo thích hợp, cho vị ấy phải đủ sắc, hương, vị bổ dưỡng, đáng thèm, thượng hạng về mọi mặt, và đủ cho nhu cầu vị ấy. Uy nghi thích hợp là nằm hay ngồi. Ðối tượng quán là bất cứ màu nào từ xanh, màu phải thuần tịnh.
101. Chỗ ở thích hợp cho 1 người si phải khoáng đạt, không bị ngăn bít, để vị ấy có thể thấy cả bốn phương khi ngồi đấy. Về các tư thế, thì đi là thích hợp. Ðối tượng quán thích hợp là một vật không nhỏ quá, nghĩa là phải cỡ bằng cỡ cái rổ, hay cái soong, vì tâm trí vị ấy trở nên rối ren hơn nếu bị giới hạn trong một không gian nhỏ hẹp. Những gì còn lại cũng như đối với tánh sân.
102. Với người tánh tín, tất cả những chỉ dẫn cho người tánh sân đều thích hợp. Về đối tượng quán, có thể quán một trong sáu niệm. Với người tánh tuệ, không có gì là không thích hợp về chỗ ở v.v...
Với người tánh tư duy, thì một chỗ ở khoáng đạt có phong cảnh dễ nhìn, ở đấy những vườn, đồng, ao, hồ, viễn tượng đẹp, quang cảnh những khu làng, đô thị, vùng quê nhìn thấy khi ngồi ở đấy, một khung cảnh như vậy không thích hợp vì tạo điều kiện cho tầm tư duy của vị ấy chạy lăng xăng khắp nơi.
Bởi thế, vị ấy nên sống tại một nơi như một hang sâu có rừng rậm ngăn che, như núi đá Bụng Voi (Hatthkucchiphabbàra), hay hang của Mahinda. Cũng thế, một đối tượng quán quá lớn không thích hợp vị này, vì làm cho tầm tư duy chạy lăng xăng. Một đối tượng nhỏ thích hợp. Những yếu tố khác cũng như với người tham.
103. Tuy nhiên, đề tài quán tưởng hợp với tính tình chưa được bàn rõ trong mọi chi tiết. Ðiều này tự nhiên sẽ rõ khi bàn chi tiết như sau. Như trên đã nói, "Và vị ấy nên chọn trong 40 đề mục, cái nào thích hợp với cá tính" (D. 28). Ở đây, sự trình bày về đề tài quán tưởng trươc hết cần được hiểu theo 10 cách sau: (1) số lượng, (2) cái nào đem lại định cận hành, cái nào đem lại định an chỉ; (3) các loại thiền; (4) về sự vượt qua, (5) về sự trải rộng, không trải rộng, (6) về đối tượng. (7) các cõi, (8) cách hiểu, (9) điều kiện (duyên),
(10) về sự hợp với cá tính.
104. 1). Về số lượng: tức 40 đề mục như sau: Mười biến xứ, mười bất tịnh, mười chỗ tưởng niệm, bốn phạm trú, bốn vô sắc xứ, một tưởng, một phân tích.
105. Mười biến xứ: là đất, nước, lửa, hư không, xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, khoảng không có hạn. Mười bất tịnh là: thây phình trứng, thây bầm xanh, thây thú ăn, thây phân lìa, thây rả rời, thây chảy máu, thây sâu đục, bộ xương. Mười tưởng niệm là: niệm Phật, pháp, Tăng, Thí, Thiên, niệm chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm diệt. Bốn phạm trú là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn vô sắc: là Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu, Phi tưởng phi phi tưởng. Một tưởng là tưởng đồ ăn bất tịnh. Một phân tích là sự phân tích tứ đại.
106. 2) Cái nào đem lại định cận hành (upacàra), cái nào đem lại định an chỉ (appanà)? Tám niệm, tức 10 tưởng niệm, trừ thân hành niệm và niệm hơi thở, quán đồ ăn bất tịnh, và phân tích tứ đại, là mười đề mục chỉ đem lại định cận hành, còn những cái khác đem lại định an chỉ.
107. 3) Về các loại thiền: Trong những pháp quán đem lại định an chỉ, thì 10 biến xứ (Kasinas) cùng với niệm hơi thở đem lại tất cả 4 thiền; 10 quán bất tịnh và thân hành niệm đem lại sơ thiền. Ba phạm trù đầu (từ, bi, hỉ), đem lại ba thiền đầu trong 4; phạm trù thứ tư (xả) và quán 4 sắc giới đem lại tứ thiền.
108. 4) Về sự vượt qua: có hai thứ vượt qua: vượt qua các thiền chi, và qua đối tượng. Có sự vượt qua các thiền chi trong những đề mục đem lại tam thiền, tứ thiền, vì nhị thiền v.v... Phải được đạt trong cùng 1 đối tượng, bằng cách vượt qua những thiền chi, tầm, từ. Cũng thế, trong trường hợp phạm trú thứ tư vì phải đạt đến xả bằng cách vượt qua lạc trong cùng một đối tượng như của tâm từ v.v... Nhưng trong trường hợp bốn vô sắc, thì có sự vượt qua đối tượng quán, vì Không vô biên xứ phải đạt do vượt qua biến xứ, và Thức vô biên xứ phải đạt bằng cách vượt qua Không vô biên xứ v.v... Ðối với những cái còn lại thì không có sự vượt qua.
109. 5) Về sự nói rộng và không nói rộng: Chỉ có 10 biến xứ là cần được nới rộng, vì chỉ trong phạm vi cùng một không gian của biến xứ đã định, mà ta có thể nghe tiếng, với thiên nhĩ thấy sắc với thiên nhãn, và biết tâm của các chúng sanh bằng tâm của mình
110. Thân hành niệm và 10 bất tịnh quán không cần nói rộng, vì sao? Vì những thứ này có 1 định xứ nhất định, và vì không ích lợi gì để nới rộng thêm. Tính cách nhất định của nơi chốn chúng sẽ trở nên rõ rệt hơn, khi giải thích phương pháp tu tập (Chương VIII, đ. 83 -138, và Chương VI, đ. 4179). Nếu bất tịnh quán được nới rộng, thì chỉ là một số lượng thi thể được trải ra, vậy không ích gì. Và điều này được nói để trả lời câu hỏi của Sopàka: " Bạch Thế Tôn, tưởng về sắc thật rõ, còn tưởng về bộ xương thì không rõ". Ở đây tưởng về sắc được gọi là "rõ" trong ý nghĩa "tưởng được nới rộng, trong khi tưởng về xương thì "không rõ", nghĩa là tướng nó không nới rộng.
111. Nhưng câu nói sau đây " Ta chú tâm trên toàn thế gian này với tưởng về 1 bộ xương" (Thag. 18) là nói về cách xuất hiện các tướng đối với người đã đạt đến cái tưởng về xương, vì, cũng như vào thời vua Dhammàsoka, con chim Karavìka hót lên tiếng êm dịu khi nó trông thấy bóng nó trong những tấm gương ở 4 vách tường, và thấy mọi hướng đều có những con chim Karavìka.
112. Nếu thế thì phải khi gọi vô lượng của đối tượng quán được phát sinh trong quán bất tịnh là một lời nói mâu thuẩn? Nó không mâu thuẩn. Vì có người thì thấy được tướng bất tịnh nơi một thi thể phình trướng hay một bộ xương lớn, người thì thấy tướng ấy nơi một thi thể nhỏ. Trong sách ấy, thiền của vị thứ nhứt có một đối tượng hữu hạn, người thứ hai vô hạn. Hoặc "với một đối tượng vô hạn" là nói về một đối tượng quán mà người quán tưởng nới rộng ra vì không thấy có hại gì khi làm như vậy. Nhưng nó không cần nới rộng, vì nó không đưa đến ích lợi nào.
113. Những cái gì còn lại cũng thế, không cần nới rộng. Vì, khi một người nới rộng tướng hơi thở, thì chỉ có một số lượng hơi được nới rộng, và nó có một đinh xứ rõ rệt là chót mũi. Vì vậy, nó không cần được nởi rộng, vì chỗ bất lợi ấy, và vì tính cách nhất định của nơi chốn (chót mũi). Và những phạm trú thì có các hữu tình làm đối tượng, Khi một người nới rộng tướng những đối tượng này, thì chỉ có lượng hữu tình được nới rộng, và làm như vậy cũng không nhằm mục đích gì. Bởi thế, cái này cũng không cần nới rộng.
114. Khi nói "Vị ấy biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ", điều ấy được nói lên vì sự bao quát của tâm, và khi một người phát triển tâm bao quát dần dần, kể từ sự bao quát chúng sinh trong một phương với một nhà, với hai nhà, v.v..., khi ấy ta gọi người ấy là "biến mãn một phương", chứ không phải khi người ấy nới rộng tướng, mà cũng không có tướng ở đây để nới rộng. Cũng thế, tình trạng có một đối tượng hữu hạn hay vô hạn ở đây có thể hiểu là "bao quát" hay biến mãn.
115. Về đối tượng những cõi vô sắc thì không gian không cần được nới rộng, vì nó chỉ là sự dời bỏ sắc (biến xứ), bởi vì vô sacé chỉ có thể được quán như là sự biến mất của sắc pháp. Nếu nới rộng vô sắc, thì không có gì khác xảy ra cả. Và tâm thức cũng không cần nới rộng, vì đó là một trạng thái vốn là một "tự tính" và không thế nới rộng một tự tính. Sự biến mất của Thức không cần nới rộng, vì chỉ là sự phi hữu của thức, và phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng không cần nới rộng vì đó cũng là một tự tính.
116. Những cái còn lại không cần nới rộng vì chúng không có tướng, vì chỉ có một tướng có ở bên ngoài mới có thể nới rộng. Ðối tượng của niệm Phật v.v... Không phải là tướng có ở bên ngoài, cho nên không cần có sự nới rộng ở đây.
117. 6)Về đối tượng: Trong 42 đề mục thiền, có 22 đối tượng có tướng ở ngoài đó là 10 biến xứ, 10 bất tịnh của tử thi, niệm hơi thở và thân hành niệm. Những cái khác không có tướng bên ngoài làm đối tượng thiền đinhl Mặt khác, 12 đề mục có những tự tính làm đối tượng, đó là 8 trong 10 tưởng niệm, trừ niệm hơi thở và thân hành niệm. Tưởng đoàn thực bất tịnh, phân tích tứ đại, Th?c vô biên xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ; (22 cái có tướng bên ngoài làm đối tượng là: 10 biến xứ... Thân hành niệm) 6 còn lại là những đối tượng không thể phân loại như thế. Mặt khác, tám đối tượng có tính cách di động giai đọan đầu, mặc dù chỉ là những đối tượng cố định: sự nung mủ, sự chảy maú, sự đục khoét của dòi bọ, niệm hơi thở, biến xứ nước, lửa gió và trong trường hợp biến xứ ánh sáng, thì đối tượng gồm một vòng ánh sáng mặt trời v.v... Những đề mục còn lại đều có những đối tượng bất động. Ðây là về đối tượng quán.
118. 7) Về cõi: 12 đề mục: 10 đề mục bất tịnh, thân hành niệm, và tưởng bất tịnh trong đoàn thực, là 12 đề mục không có ở các cõi trời, 12 đề mục này, và đề mục quán hơi thở không có ở Phạm thiên giới. Nhưng ở cõi vô sắc, thì không có đ? mục nào trừ 4 vô sắc. Còn ở cõi người, thì có đủ tất cả đề mục.
119. 8) Về cách hiểu: Sự trình bày cần được hiểu theo sự thấy, sờ và nghe; 19 đề mục (10 bất tịnh, 9 biến xứ trừ không gian) là những đề mục cần hiểu bằng mắt thấy. Có nghĩa là trong giai đoạn đầu tướng của những đề mục này phải được hiểu bằng cách nhìn với con mắt, một cách kiên trì. Trong thân hành niệm, 5 phần đầu "tóc, lông, móng, răng, da" cần được hiểu bằng mắt thấy, những thứ còn lại được hiểu do nghe nói. Bởi thế, đối tượng của pháp niệm thân là được hiểu bằng mắt thấy và nghe nói. Niệm hơi thở được hiểu bằng xúc giác, biến xứ "gió" bằng thị giác và xúc giác, 18 thứ còn lại do nghe nói. Phạm trú "xả" trong 4 phạm trú, và bốn vô sắc giới, người sơ cơ không thể hiểu được, nhưng 35 cái còn lại thì được.
120. 9) Về điều kiện: Trong những đề mục này, 9 biến xứ trừ biến xứ hư không là những duyên (điều kiện) để chứng vô sắc xứ. 10 biến xứ là duyên để chứng các loại thắng trí (thần thông). Ba phạm trú đầu là điều kiện để chứng phạm trú thứ tu. Mỗi vô sắc cấp dưới là điều kiện cho vô sắc trên nó một bực. Phi tưởng phi phi tưởng xứ là điều kiện để chứng diệt thọ tưởng định. Tất cả là điều kiện cho sự sống trong hỉ lạc, cho tuệ, và cho những sanh thú tốt đẹp.
121. 10) Về sự thích hợp: 10 quán Bất tịnh của thây chết, và thân hành niệm là 11 đề mục thích hợp cho người nặng tham dục. Bốn phạm trú và 4 biến xứ về màu sắc là 8 đề mục thích hợp cho 1 người tánh si, và người tánh tư duy. Sáu niệm đầu trong 10 tưởng niệm thích hợp cho những người tánh tín. Niệm chết, niệm diệt, phân tích bốn đại, tưởng đoàn thực bất tịnh là 4 đề mục thích hợp cho những người tánh tuệ. Những biến xứ còn lại và những vô sắc thích hợp cho mọi loài tính tình. Và bất cứ biến xứ nào cũng nên có giới hạnh cho một người tánh tư duy và vô hạn cho người tánh si.
122. Tất cả điều trên được nói theo thể thức đối chọi trực tiếp và hoàn toàn thích hợp, nhưng kỳ thực, không có pháp tu nào mà không trừ bỏ được tham
v.v.... Hỗ trợ tín v.v... Kinh Meghiya nói: "Thêm nữa, cần tu tập 4 thứ sau đây: tu bất tịnh quán để trừ tham dục, tu từ bi để từ bỏ sân nhuế, niệm hơi thở để trừ bỏ tầm tư duy, tưởng vô thường để từ bỏ mạn" (A. iv 358). Cũng vậy, trong kinh Rahula đoạn "Hãy tu tập từ, này Ràhula (M. i, 424), có 7 đề mục quán tưởng được đề ra cho một loại tính tình duy nhất.
123. Bây giờ, câu "Và vị ấy nên hiểu" được giải thích như sau. Sau khi đến gần thiện tri thứ thuộc loại đã nói phần giải thích câu "rồi đến gần thiện tri thức, người cho một đề tài thiền quán" (đ. 28) và thiền tiả cần phải hầu hạ đấng Thế Tôn, đấng Giác ngộ, hay một bậc thầy, và nên xin một đề mục quán tưởng với một tâm ý chân thành, quyết định.
124. Vị ấy nên hầu hạ đức Thế Tôn, Ðấng Giác ngộ với cách như sau: "Bạch đức Thế Tôn, con xin xả bỏ thân mạng nầy của con để hầu hạ Ngài. "Bởi vì nếu không quy phục hết cả thân mạng của mình như thế, thì khi sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh, vị ấy không thể kiên cố khi gặp một vật đáng sợ xuất hiện và vị ấy có thể trở lại một trú xứ ở làng mạc, giao thiệp với thế tục, tầm cầu bất đáng và đi đến tàn mạt. Nhưng khi hành giả đã quy phục toàn thể tánh mạng như vậy thì không còn nỗi sợ hãi nào khởi lên trong vị ấy, nếu một đối tượng khủng khiếp xuất hiện. Quả vậy, chi có niềm hoan lạc khởi lên nơi hành giả khi nghĩ rằng: "Há ta đã không quy phục toàn thể tánh mạng nơi đức Thế tôn hay sao?"
125. Giả sử có một người có tấm vải tốt bằng lụa Kàsi, nó sẽ buồn sầu nếu tấm vải bị chuột hay gián gặm. Nhưng nếu nó đem cúng dường cho một tỷ kheo đang cần, nó sẽ cảm thấy vui khi thấy vị ấy xé vải ra để vá y, Cũng vậy, trong khi quy phục tánh mạng.
126. Khi quy phục tánh mạng cho một bậc thầy, người ấy nên nói: "Bạch đại đức, con xin quy phục tánh mạng nơi đại đức". Bởi vì một người chưa quy phục, thì trơ lì không chịu sưả đổi, khó dạy, không nghe l?i khuyên can, đi bất cứ chỗ nào nó muốn, mà không hỏi ý vị thầy. Do đó, vị thầy không giúp đỡ nó bằng tài thí hoặc pháp thí, không huấn luyện cho nó về thiền đạo. Vì không tìm được hai thứ giúp đỡ này, nên nó không có chân đứng trong giáo pháp, và chẳng bao lâu nó sẽ xuống đến độ làm quấy hoặc hoàn tục. Nhưng nếu nó đã quy phục tánh mạng, thì nó không bất động trước sự chỉ dạy, không đi chỗ nào tùy thích, trở thành dễ dạy và chỉ sống tùy thuộc vào vị thầy. Nó được hai thứ giúp đỡ từ vị thầy, và được lớn manh, được tăng trưởng và thành tựu ở trong Giáo pháp, như những đệ tử của trưởng lão Cùla- Pindapàtika- Tissa.
127. Có ba tỷ kheo đến nơi trưởng lão, một người nói: "Bạch đại đức, con sẳn sàng leo lên 1 lõm đá cao bằng một trăm người đứng chồng lên nhau, nếu đại đức muốn". Một trò khác nói: "Bạch đại đức, con sẳn sàng nghiền nát thân này trên tảng đá nếu thầy muốn". Người thứ ba nói: "Bạch đại đức, con sẳn sàng nhịn thở và chết nếu thầy cần". Trưởng lão nghĩ, "những người này chắc chắn có thể tiến bộ trong giáo pháp; và giải thích cho họ một đề mục thiền. Theo lời dạy, cả ba đều chứng quả A-la-hán. Ðấy là lợi lạc trong sự quy phục. Do vậy, ở trên nói: "Quy phục tánh mạng cho đức Thế Tôn", đấng Giác ngộ hoặc một bậc thầy.
128. Với tâm ý chân thành, quyết định: (đoạn 123): tâm ý của thiền giả phải chân thành theo sáu cách khởi từ vô tham. Vì chính một người chân thành theo sáu cách ấy, mới đạt được một trong ba loại tuệ giác như kinh nói: "Có 6 ý hướng dẫn đến giác ngộ của bồ tát. Với ý hướng vô tham, bồ tát thấy lỗi lầm trong tham dục. Với ý hướng vô sân, bồ tát thấy lỗi lầm trong sân hận. Với ý vô si, bồ tát thấy lỗi lầm trong si mê. Với ý hướng xuất gia, bồ tát thấy lỗi lầm trong đời sống tại gia. Với ý hướng viễn ly, bồ tát thấy lỗi lầm trong sự quần tụ đông đảo. Với ý hướng từ bỏ, bồ tát thấy lỗi lầm trong mọi sự tái sinh và sanh thú. "Vì những bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán lậu tận, Ðộc giác, và những đấng toàn giác quá khứ, hiện tại hay vị lai, tất cả đều đã đạt địa vị nhờ những ý hướng này.
129. Hành giả cần nhất tâm quyết định về việc ấy.
Nghĩa là, phải quyết định đối với thiền, tôn trọng thiền, khuynh hướng về thiền; quyết định đối với niết bàn, tôn trọng niết bàn, khuynh hướng về niết bàn.
130. Khi, với sự chân thành của ý hướng và sự hoàn toàn quyết tâm như vậy, hành giả xin một đề mục, thì bậc thầy, người đi sâu vào tâm người khác có thể biết được tính tình hành giả, bằng cách quan sát cung cách y. Nếu chưa đắc tha tâm thông, thì thầy có thể hỏi. "Tính tình của người thế nào?" hoặc "Người ưa nghĩ những chuyện gì? hoặc "Người ưa đề mục nào?" để biết. Khi đã biết, vị thầy có thể giải thích một đề mục thiền quán thích hợp với tính tình hành giả. Và khi làm như vậy vị thầy có thể làm theo ba cách: đề mục có thể cho bằng cách bảo đệ tử đọc lại một hai lần, nếu người ấy đã học đề mục kia. Hoặc giảng cho y mỗi khi đến, nếu cùng ở một trú xứ. Ðối với người muốn học đề mục rồi đi nơi khác, thì có thể giảng không quá ngắn cũng không quá dài.
131. Ðầu tiên, khi giảng về biến xứ đất, có chín khía cạnh cần giải thích. Ðó là: 4 lỗi của biến xứ, cách làm Kasina (biến xứ), cách tu biến xứ sau khi làm xong, hai loại tưởng, hai loại định, bảy thứ thích hợp và không thích hợp, 10 thiện xảo về an chỉ định, sự đều đặn quân bình của tinh tiến, và những chỉ dẫn về định. Về những đề mục khác, mỗi đề mục cần giải thích nghi. Tất cả điều này sẽ được đề cập trong phần chỉ dẫn tu tập. Khi đề mục được giải thích, hành giả cần nắm lấy Tướng trong lúc lắng nghe.
132. Hiểu rõ Tướng là vị ấy phải liên kết từng khía cạnh như sau: "đây là mệnh đề đầu, đây là mệnh đề sau, đây là ý nghĩa, đây là ý định, đây là ví dụ". Khi vị ấy lắng nghe chăm chú, hiểu rõ tướng như vậy, thì đề mục trở nên rõ ràng. Nhờ vậy, hành giả đạt đến thẳng giải (visesa) một cách mỹ mãn, không bằng cách nào khác.
133. Ðến đây, câu "đến gần thiện tri thức, mgười cho một đề mục thiền, và vị ấy phải hiểu rõ một đề mục trong 40 đề mục, cái nào thích hợp với tính của mình" (đoạn 28) đã giải thích xong.
Chương thứ ba "Chọn đề mục thiền quán" trong Thanh tịnh đạo, được soạn thảo vì mục đích làm cho người lành được hoan hỉ.
Chương III : Mô Tả Ðịnh - Nhận Một Ðề Mục Quán
(Nghiệp xứ: Kammatthàna - gahana - niddesa)
1. Ðịnh được nói đến dưới danh từ tâm trong câu "tu tập tâm và tuệ" (Ch. I, 1). Ðịnh nên được tu tập bởi một người đã đứng vững trên đất giới được thanh tịnh nhờ những đức ít muốn, biết đủ... Và được viên mãn nhờ các khổ hạnh. Nhưng định ấy chỉ mới được nữa là tu tập. Do vậy, còn có loạt vấn đề sau đây mà mục đích là nêu rõ chi tiết về phương pháp tu tập định:
(i) Ðịnh là gì?
(ii) Ðịnh có nghĩa thế nào?
(iii) Đặc tính, bản chất, tướng trạng và nhân gần của định? (iv) Có bao nhiêu loại định?
(v) Gì là cấu uế của định?
(vi) Gì làm định thanh tịnh?
(vii) Làm sao tu tập định?
(viii) Lợi ích tu tập định?
2. (i) Ðịnh là gì?
Ðịnh có nhiều thứ và nhiều phương diện. Một giải đáp nhằm bao quát mọi phương diện của định thì không thể nào hoàn tất được ý định nó mà cũng không chu toàn được mục đích của nó mà cũng không chu toàn được mục đích của nó và lại còn đưa đến sự tán loạn. Bởi thế, chúng ta tự giới hạn trong loại định ở đây gọi là sự nhứt tâm có lợi ích.
3. (ii) Ðịnh có những nghĩa như thế nào?
Nó được gọi là định, samàdhi với nghĩa tập trung (samàdhàna). Tập trung là gì? Ðó là sự xoay quanh (àdhàna) của tâm và tâm sở một cách đều đặn (samam) và chánh đáng (sammà) vào một đối tượng duy nhất. Bởi vậy, đấy là trạng thái nhờ đó tâm và tâm sở ở trong tình trạng quân bình, chánh đáng, và đặt để hết vào một đối tượng duy nhứt, không phân tán hay xao lãng.
4. (iii) Ðặc tính của Định là không phân tán. Bản chất hay nhiệm vụ nó là loại trừ phân tán. Tướng của nó là không tán loạn. Nhân gần của nó là lạc, do câu "Nhờ lạc, tâm vị ấy được định" (D. i, 73).
5. (iv) Có bao nhiêu loại Định?
1. Trước hết, nó thuộc một loại, với đặc tính không phân tán.
Hai loại
2. Định cận hành (upcàra) và định an chỉ (appanà).
3. Định thế gian và xuất thế gian.
4. Ðịnh có hỉ và câu hữu xã.
5. Ðịnh câu hữu lạc và câu hữu xã.
Ba loại
6. Ðịnh hạ, trung và thượng.
7. Có tầm, tứ v.v...
8. Ðịnh câu hữu lạc v.v...
9. Ðịnh có giới hạn, đại hành và vô lượng.
Ðịnh bốn loại
10. Định khó tiến và tuệ chậm...
11. Định có giới hạn với đối tượng hữu hạn...
12. Ðịnh phân loại theo các thiền chi.
13. Theo thối giảm, tù đọng...
14. Theo cõi.
15. Theo bốn như y túc.
16. Ðịnh có 5 loại, theo năm thiền.
6.
1) Ðịnh một loại, ý nghĩa đã nói.
2) Ðịnh 2 loại: Cận hành định là sự nhứt tâm đạt được nhờ các phương pháp: 6 tưởng niệm, tử tưởng, quán sự bình an, quán bất tịnh của đoàn thực, phân tích tứ đại; và sự nhứt tâm có trước định an chỉ. Ðịnh an chỉ là sự nhứt tâm theo liền sau công việc chuẩn bị, như luận nói: chuẩn bị cho sơ thiền là 1 duyên, kể như vô gián duyên, cho sơ thiền".
7. 3). Ðịnh thế gian là sự nhứt tâm có tánh thiện ở ba cõi dục, sắc, vô sắc. Xuất thế gian là định thuộc thánh đạo.
8. 4). Ðịnh câu hữu hỉ là sự nhứt tâm ở hai thiền đầu trong bốn thiền hoặc ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh không hỉ là sự nhứt tâm trong hai thiền cuối. Nhưng cận hành định thì có thể có hỉ hoặc không hỉ.
9. 5). Ðịnh câu hữu lạc là sự nhứt tâm ở hai thiền đầu trong bốn thiền và ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh câu hữu xả là định trong một thiền còn lại (ở cả hai hệ thống 4 và 5 thiền). Ðịnh cận hành có thể câu hữu lạc hoặc câu hữu xả.
10. 6). Ðịnh ba loại thứ nhứt, định mới đạt được là thấp, chưa được phát triển là trung bình, đã thuần thục đến mức chủ là cao.
11. 7). Thứ 2, định có tầm, tứ là định ở sơ thiền, và định cận hành. Không tầm có tứ là định ở nhị thiền trong năm thiền. Vì khi môït người thấy nguy hiểm trong tứ thì chỉ mong bỏ tầm khi vượt qua sơ thiền và bởi thế đạt đến định không tầm có tứ. Ðịnh không tầm, tứ là sự nhứt tâm ở ba thiền còn lại khỏi từ nhị thiền trong bốn thiền và tam thiền trong năm thiền. (Xem D. ii, 219)
12. 8). Thứ ba, định câu hữu hỉ: Ðịnh ở hai thiền đầu trong bốn thiền hay ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh câu hữu lạc là định ở các thiền vừa kể, và định ở tam thiền trong hệ thống bốn thiền và tứ thiền trong hệ thống năm thiền. Ðịnh câu hữu xả là định ở thiền cuối cùng trong cả hai hệ thống. Ðịnh cận hành có thể câu hữu với hỉ, lạc; có thể câu hữu xả.
13. 9). Thứ tư, định có giới hạn là sự nhứt tâm trong cận hành định. Ðịnh đại hành là sự nhứt tâm trong thiện tâm thuộc sắc giới và vô sắc giới. Ðịnh vô lượng sự nhứt tâm liên hệ đến 8 thánh đạo.
14. 10). Ðịnh bốn loại là:
- khó tiến, lâu đắc,
- khó tiến, mau đắc, - dễ tiến, lâu đắc, và
- dễ tiến mau đắc.
15. Sự phát triển mức tập trung kể từ phản ứng tâm ý đầu tiên đến khi phát sinh cận hành, gọi là tiến và tuệ phát sinh từ cận hành đến an chỉ, gọi là đắc. Sự tiển triển này khó khăn đối với một số người, dễ bởi sự phản kháng dai dẳng của những pháp đối nghịch, những triền cái, v.v... Ðối với một số khác thì dễ, vì không gặp những khó khăn trên, sự chứng đắc cũng vậy.
16. Khi một người tu tập những pháp không thích hợp, thì khó tiến lâu đắc. Khi tu pháp thích hợp, thì dễ tiến mau đắc. Nhưng nếu lúc đầu tu pháp không thích hợp, sau tu pháp thích hợp, hoặc ngược lại, thì như vậy là hỗn hợp. (Về các pháp thích hợp, không thích hợp sẽ nói ở Ch. IV đoạn 35 trở đi). Nếu khởi sự tu khi chưa làm công việc chuẩn bị, là trừ khử các chướng ngại, v.v..., thì khó tiến, ngược lại thì dễ tiến. (Ch. IV 20) Nếu không hoàn tất thiện xảo về định an chỉ thì lâu đắc, và ngược lại thì mau. (thiện xảo về định an chỉ, sẽ nói ở Ch. IV. 42).
17. Ngoài ra bốn loại định này còn kể theo tham và si, và tùy theo hành giả đã lập chỉ và quán hay chưa. Nếu hành giả nặng tham dục, thì rất khó tiến, nếu không nặng, thì dễ tiến. Nếu hành giả nặng về si, thì tuệ lâu đắc, ngược lại thì mau đắc. Nếu không tập tịnh chỉ thì khó tiến, đã thực tập tịnh chỉ thì dễ tiến. Nếu không tập tuệ quán thì lâu đắc, đã tập thì mau đắc.
18. Lại còn phân theo cấu uế và các căn. Nếu cấu uế sắc mạnh, căn chậm lụt thì khó tiến và lâu đắc; nếu căn linh lợi thì mau đắc. Nếu cấu uế yếu, căn cũng cùn nhụt, thì dễ tiến và lâu đắc, nhưng nếu căn linh lợi thì mau đắc.
19. Bởi vậy về phương diện tiến triển, chứng đắc này, khi một người đạt đến định với sự tiển triển khó khăn và tuệ (thắng trí) chậm lụt, thì định ấy gọi là Ðịnh khó tiến lâu đắc. Tương tự với ba trường hợp kia.
20. 11). Thứ hai, bốn loại là định giới hạn với một đối tượng hữu hạn, định có hạn với một đối tượng vô hạn, định vô hạn với một đối tượng hữu hạn, và định vô hạn với một đối tượng vô hạn. Hữu hạn là định không quen thuộc và không thể là điều kiện cho một thiền cao hơn. Có đối tượng không nới rộng, là định với đối tượng hữu hạn. (Ch. IV, 126). Khi định có tính cách quen thuộc, khéo tu tập, và làm điều kiện cho một thiền cao hơn thì gọi là định vô hạn. Ðịnh phát sinh với một đối tượng nới rộng, gọi là định với đối tượng vô hạn.
21. 12). Ðịnh bốn loại thứ ba: đó là sơ thiền gồm năm thiền chi là tầm, tứ, hỉ, lạc, định, đạt đến sau khi trừ bỏ năm triền cái. Nhị thiền còn ba thiền chi, bỏ tầm và tứ. Tam thiền còn hai thiền chi, bỏ hỉ. Tứ thiền bỏ lạc, còn hai yếu tố là định và xả.
22. 13). Ðịnh bốn loại thứ tư, là định dự phần vào thối giảm, dự phần vào tù đọng, dự phần vào phân tích (vissesa), và dự phần vào thể nhập (nibbedha). Dự phần vào thối giảm là có thể đưa đến sự ngược lại (tán loạn). Dự phần vào tù đọng là sự dừng lại (trú) của niệm tương ưng với định ấy. Dự phần vào phần tích là đạt đến sự phân biệt cao hơn. Dự phần vào thể nhập là có thể đạt đến tưởng và tác ý câu hữu với ly dục. "Khi một người đắc sơ thiền mà có thể tưởng và tác ý câu hữu với dục, thì tuệ của vị ấy dự phần vào thối giảm. Khi niệm tương ưng với định ấy đứng lại, thì tuệ dự phần vào tù đọng. Khi vị ấy có thể tưởng và tác ý không câu hữu với tầm, thì tuệ vị ấy dự phần vào thẳng giải? (Visesa). Khi vị ấy có thể tưởng và tác ý câu hữu với vô dục, hướng đến ly tham, thì tuệ vị ấy dự phần vào thể nhập (nibbedha)". (Vbh. 330). Những định liên hệ đến bốn thứ tuệ này cũng có bốn.
23. 14). Ðịnh bốn loại thứ năm: định dục giới, sắc giới, vô sắc giới, và định liên hệ tám thánh đạo. Ðịnh dục giới là tất cả loại định cận hành. Ba loại kia là sự nhứt tâm thuộc thiện tương ưng với thiền sắc giới, vô sắc và thiền thuộc đạo lộ.
24. 15). Bốn loại thứ sáu: là định đạt được nhờ tinh cần nhiều, nhờ nhứt tâm, tinh tiến hay trạch pháp nhiều.
25. 16) Ðịnh năm loại: theo năm thiền khi phân nhị thiền làm hai, là thiền không tầm có tứ, và không tầm không tứ (gọi là nhị thiền và tam thiền ở hệ thống năm thiền).
26. (v) Cái gì làm ô nhiễm Ðịnh? (vi) Cái gì làm nó thanh tịnh? Vibhanga nói là cấu uế là trạng thái dự phần vào thối giảm, thanh tịnh là trạng thái dự phần vào thắng giải (visesa). Thối giảm là "Khi một người đắc sơ thiền, mà có thể tưởng là tác ý câu hữu với dục, tuệ vị ấy dự phần vào thối giảm". Và trạng thái dự phần vào thẳng giải là "Khi vị ấy có thể tác lý và tưởng không câu hữu với tầm".
27. (vii) Làm thế nào tu tập Ðịnh?
A. Tóm tắt:
Phương pháp tu tập loại định liên hệ tám thánh đạo (xuất thế) bao gồm trong phương pháp tu tập tuệ (Ch. XXII), vì trong khi tu tuệ, định cũng được phát triển. Bởi thế ở đây ta không bàn đến sự tu tập định xuất thế.
28. Nhưng định thế gian phải được tu tập bởi một người đã đứng vững trên đất giới có giới hoàn toàn thanh tịnh như đã mô tả. Vị ấy phải đoạn trừ mười chướng ngại, gần gũi thiện tri thức, người cho một đề tài thiền quán, phải nắm lấy một trong bốn mươi đề tài, cái nào thích hợp với cả tính hành giả. Sau đó phải tránh ngôi chùa không thuận lợi, đến sống tại một thuận lợi cho sự tập định. Rồi phải trừ khử các chướng ngại phụ thuộc và không bỏ qua bất cứ một chỉ dẫn nào.
B. Khai triển chi tiết:
29. Mười chướng ngại. Ðó là: trú xứ, gia đình, lợi dưỡng, đồ chúng, việc xây cất, du lịch, quyến thuộc, ưu não, sách vỡ, thần thông.
30. 1) Trú xứ: Có thể là một phòng nhỏ trong nhà, một cái chòi, một tu viện. Ðây không phải là một chướng ngại cho tất cả mọi người. Nó chỉ là một chướng ngại cho người bận tâm việc xây cất đang tiến hành ở đấy, hoặc có nhiều đồ đạc ở đấy, hoặc bận rộn vì một công việc liên hệ đến chỗ ấy.
31. Có câu chuyện như sau. Hai thiện nam tử rời khỏi Anuradhapura để xuất gia tại tu viện Thùpàtàma. Một người học hai tạng Pháp và Luật, sau khi mãn năm tuổi hạn, dự lễ tự tứ rồi đến một nơi tên nơi Pàcìnakhandaràjà. Vị kia ở nguyên tại chỗ. Khi người ra đi đến Pacìna lưu lại một thời gian lâu, trơ thành một trưởng lão, vị ấy nghĩ: "Chỗ này an cư rất tốt. Ta sẽ đi mời bạn". Bởi thế vị ấy ra đi đến Thùpàràma. Khi đến nơi, một trưởng lão đồng hàng ra đón, cầm bát và thi lễ.
32. Vị khách tăng đi vào chỗ trú dành cho mình. Ông nghĩ: "Chắc bạn ta sẽ đem cho ta ít bơ hoặc nước ngọt, hay cái cái gì để uống. Vị ấy ở đây đã lâu". Ðêm ấy, ông không được một thứ gì. Buổi sáng, trưởng lão lại nghĩ: "Bạn sẽ gởi đến cho ta cháo và thức ăn nhận được từ nh?ng ngoại hộ cư sĩ". Khi không có ai mang gì đến, trưởng lão nghĩ: "Không có ai mang đến. Có lẽ họ sẽ cúng khi chúng ta đi vào thành". Sáng sớm, các đại đức cùng vào thành. Khi họ đã đi hết một con đường phố và chỉ được muỗng cháo, họ ngồi tại một nhà mát để uống cháo ấy.
33. Vị khách tăng nghĩ: "Có lẽ không có sự bố thí từng người. Khi đến giờ ăn, chắc người ta sẽ cho món ăn đặc biệt". Khi đến giờ, họ cũng chỉ ăn cái gì đã xin được trong khi đi khất thực. Khách tăng hỏi: "Bạch đai đức, tại sao vậy? Ngài sống kiểu đó suốt năm sao? - "Vâng, hiền giả". -"Bạch đại đức, Pàcìnakhandaràjà rất tiện nghi, chúng ta hãy đến đấy". Khi trưởng lão khách tăng rời khỏi đô thị bằng cửa nam, thì, gặp bạn đang đi trên đường. Trưởng lão hỏi: "Bạch đại đức, đi đâu vậy?"- "Thế không phải hiền giả đã khuyên tôi đi Pacìnà sao? - "Nhưng, sao lại như thế? Ðại đức không có một vật dụng nào cả, tại một nơi đã ở lâu đến thế?" - "Ðúng thế, hiền giả. Giường và ghế thuộc của tu viện, đã được để lại đúng chỗ của nó.. Không có vật gì khác". "Nhưng bạch đại đức, tôi đã quên lại đấy chiếc gậy chai dầu, và túi đựng dép. "- "Hiền giả đã tích trử nhiều đến thế, chỉ mới ở một ngày?" "Vâng thưa đại đức".
34. Vị trưởng lão khách rất hài lòng tán thán: "Ðối với những người như hiền giả, thì các nơi đều là trú xứ ở rừng. Tu viện Thùpàràma là nơi xá lợi của bốn đức Phật được tôn thờ, có sự nghe Pháp thích đáng trong điện Brazen có Ðại diện để chiêm ngưỡng, và có thể thăm viếng các trưỡng lão. Nó giống như thời Phật tại thế. Chính ở đấy, bạn nên sống". Hôm sau, trưởng lão ôm y bát ra đi một mình. Trú xứ không là một chướng ngại cho một người như vậy.
35. 2). Gia đình gồm những quyến thuộc hoặc những cư sĩ ngoại hộ. Bởi vì, ngay cả gia đình thí chủ cũng là một chướng ngại cho những người nào sống liên hệ mật thiết với họ theo kiểu mà kinh mô tả: "Vị ấy, vui khi chúng vui". (S. ii, 11), một người không đi đến một tu viện để nghe Pháp nếu không có những người trong gia đình thí chủ đi theo. Nhưng ngay cả cha mẹ cũng không là chướng ngại cho một người như tỷ kheo trẻ cháu của một trưởng lão ở tu viện Korandaka.
36. Ðại đức đến Rohana để học. Chị của trưởng lão luôn luôn hỏi tin tức con trai. Bởi thế, một ngày kia, trưởng lão đi Rohana để đưa cháu về.
37. Vị đại đức Tỳ kheo trẻ cũng nghĩ "Ta ở đây đã lâu, bây giờ ta có thể đi thăm y chỉ sư của ta và thăm bà tín nữ ra sao". Rồi đại đức rời Rohana. Hai thầy trò gặp gỡ trên bờ sông Mahaveli đại đức hầu trưởng lão dưới gốc cây. Khi được hỏi: "Con đi đâu? Ðại đức nói ra ý định của mình. Trưỡng lão nói: "Con làm phải đấy. Bà tín nữ cứ hỏi thăm con hoài nên ta phải đến đây. Con đi đi, ta sẽ ở lại chỗ này an cư mùa mưa". Và trưởng lão bảo tỷ kheo ra đi. Ðại đức đến tu viện vào đúng ngày để an cư mùa mưa. Trú xứ dành cho đại đức tình cờ lại là trú xứ của phụ thân đại đức đã nhận trách nhiệm cúng dường.
38. Hôm sau, thân phụ đại đức đến nơi hỏi: "Bạch chư đại đức trú xứ chúng tôi cúng rơi vào tay người nào vậy?" Khi ông được biết nó rơi vào một khách tăng trẻ, ông đến bên vị ấy đảnh lễ và thưa: "Bạch đại đức, có một tục lệ bắt buộc đối với vị nào an cư tại trú xứ chúng tôi". -"Lệ ấy như thế nào?"- " Ðó là, chỉ nhận đồ ăn khất thực tại nhà chúng tôi suốt ba tháng mùa mưa, và cho chúng tôi được biết ngày nào sẽ ra đi, sau lễ Tự tứ". Ðại đức im lặng nhận lời. Cư sĩ trở về bảo vợ: "Có một đại đức khách tăng đã ở trong trú xứ của chúng ta để an cư mùa mưa. Bà hãy săn sóc vị ấy chu đáo". Bà vâng lời, sửa soạn những thức ăn loại cứng và loại mền cho tỷ kheo. Mặc dù đại đức đi đến nhà cha mẹ, vào giờ ăn, mà không ai nhận ra.
39. Sau khi đã khất thực ở đấy ba tháng mùa mưa, đại đức báo tin sắp ra đi. Bà con bảo: "Bạch đại đức, xin hãy lưu lại đến mai". Hôm sau, họ mời đại đức, cúng một tảng đường và chín mét vải, và để đại đức ra đi. Ðại đức chúc lành cho họ, rồi trở về Rohana.
40. Y chỉ sư của đại đức đã xong lễ Tự tứ, đang trên đường về. Họ gặp nhau tại chỗ trước kia. Ðại đức làm những bổn phận của người đệ tử dưới gốc cây. Vị trưởng lão hỏi: "Con có gặp bà tín nữ không?" -"Bạch, có". Và kể cho trưởng lão nghe những gì đã xảy ra. Rồi đại đức thoa dầu vào chân thầy, làm một thứ nước đường cho ngài, và cúng dường ngài chín mét vải. Sau khi đảnh lễ trưởng lão, đại đức bạch: "Chỉ có Rohana là thích hợp cho con", và ra đi. Trưởng lão cũng trở về tu viện của ngài, và hôm sau đi vào làng Korandaka
41. Chị của trưởng lão đứng ngóng trên đường mà nghĩ: "Em ta sẽ đến cùng với con ta". Khi bà thấy trưởng lão đến có một mình, mới nghĩ: "Ôi chắc con ta chết rồi". Và ngã lăn ra dưới chân trưởng lão, khóc than kể lễ.. Nghĩ rằng vì hạnh thiểu dục mà tỳ kheo trẻ đã ra đi không loan báo, trưởng lão an ủi bà tín nữ và kể cho bà nghe những gì đã xảy ra, rồi rút tấm vải kia cho bà xem.
42. Bà mẹ an lòng, quỳ gối hướng về con đường mà con bà đang đi, và bảo: "Chắc hẳn, Thế Tôn đã chỉ dạy con đường của các thánh tài, biết đủ đối với bốn vật dụng và ham thích tu tập, khiến cho một tỳ kheo như con ta đã trở thành một bậc Thân chứng. Bởi thế mặc dù vị ấy ăn trong nhà cha mẹ suốt ba tháng, mà không bao giờ nói, con là con của mẹ, hay mẹ là mẹ của con! Ôi thật là một con người kỳ diệu". Ngay cả cha mẹ cũng không là chướng ngại, đối với một người như vậy, nói gì đến thí chủ.
43. 3). Lợi dưỡng: là bốn vật dụng. Làm sao chúng thành chướng ngại? Bất cứ một tỷ kheo xứng đáng đi đâu, người ta cũng cúng dường th?t nhiều vật dụng. Vì cứ phải chúc lành cho họ, nói pháp cho họ vị ấy không có dịp nào để làm các việc của nhà khổ hạnh. Từ sáng sớm đến tối mịt, vị ấy không có lúc nào gián đoạn sự tiếp xúc với bổn đạo. Lại nữa, mới vừa tảng sáng, những người khất thực ưa béo mập đã đến bảo, "Bạch Ðại đức, nam cư sĩ X, nữ cư sĩ Y... đạo hữu nọ, con gái đạo hữu kia, muốn gặp đại đức", và vì sẵn sàng để ra đi, nên vị ấy nói: "Hãy đem y bát, hiền giả,". Cứ thế, vị ấy luôn luôn trong trình trạng khẩn trương. Như thế, tứ sự cúng dường trở thành một chướng ngại cho vị ấy. Vị ấy nên rời đoàn nhóm mà ra đi một mình, đến một chỗ nào không ai biết, đấy là cách chấm dứt trở ngại.
44. 4). Ðồ chúng là một nhóm học trò kinh hay luận. Nếu vị dạy dỗ, trả lời những câu hỏi của đám này, mà không có thì giờ thì hành sa môn hạnh, thì đồ chúng ấy trở thành một chướng ngại. Vị ấy nên trừ chướng ngại ấy bằng cách sau. Nếu những tỷ kheo đã học xong phần chính chỉ còn một ít, thì nên dạy cho xong mà đi vào rừng. Nếu chỉ mới học một ít, còn lại nhiều, thì vị ấy nên đi đến một giáo thọ sư khác ở cách không quá một lý và nhờ dạy tiếp. Nếu không tìm ra vị nào thay, thì nên giã từ lớp học để làm phận sự mình.
45. 5). Xây cất: là làm nhà mới. Người lo việc này phải biết rõ vật liệu đã mua, chưa mua, phải trông coi cái gì đã làm xong, chưa xong, cho nên công việc này luôn luôn bận rộn. Nên trừ chướng ngại bằng cách, nếu còn lại ít thì nên làm cho xong; nếu còn nhiều, nên giao lại cho chúng tăng khi đó là cơ sở chung, còn nếu là của riêng, thì nên giao cho người tín cẩn, hoặc bỏ lại cho tăng đoàn mà đi.
46. 6). Du lịch là đi xa. Nếu có người xin thọ giới xuất gia ở một nơi khác, hay nếu tại đấy có một vật dụng không thể thiếu, thì nó sẽ thành một chướng ngại nếu vị ấy đi vào rừng tu trong khi chưa làm chuyến du hành đến chỗ ấy. Vị ấy sẽ khó xua đuổi ý nghĩ về cuộc hành trình, do đó nên làm xong cuộc hành trình ấy trước khi vào rừng.
47. 7). Quyến thuộc: ở tu viện, thì đó có nghĩa là vị giáo thọ sư, y chỉ sư, đồng trú, đệ tử, đồng giáo thọ sư, đồng y chỉ sư. Ở nhà, thì đó là cha mẹ, anh em v.v... Khi những người này lâm bệnh thì đó là một chướng ngại cho tỷ kheo. Bởi thế, chướng ngại này cần trừ bằng cách chữa lành người bệnh.
48. Khi y chỉ dư lâm bệnh, tỷ kheo phải suốt đời trông nom nếu bệnh không chống khỏi. Cũng thế, đối với vị thầy lúc xuất gia, lúc thọ giới, vị đồng trú, những đệ tử mà vị ấy đã thâu nhận xuất gia, và đối với đồng y chỉ sư. Nhưng đối với giáo thọ sư, đối với học trò mà ta dạy giáo lý, và đối với những người đồng học (đồng học thọ sự) thì mên săn sóc họ bao lâu lớp học còn tiếp tục, và nếu có thể, thì cứ tiếp tục săn sóc sau đó.
Mẹ và cha cần đối như y chỉ sư. Nếu cha mẹ ở trong thành, và cần sự giúp đỡ, thì phải giúp. Nếu các vị không có thuốc men phải cung cấp thuốc của mình. Nếu không có, hãy đi xin để cung cấp. Nhưng nếu anh chị em bệnh, chỉ nên để họ dùng cái gì của họ. Nếu họ không có, thì nên đem của riêng tạm cho dùng, sau lấy lại. Nếu không lấy lại được cũng không nên phàn nàn. Không được cho hay chế thuốc cho chồng của em gái hoặc chị, nhưng có thể đưa cho em gái, chị mà bảo "Hãy đưa cho chồng của em (hay chị) dùng". Ðối với vợ của anh hoặc vợ của em trai cũng vậy, nhưng với cháu thì tỷ kheo được phép cho thuốc, chế thuốc, vì chúng có liên hệ máu mủ.
50. 8). Ưu não là bất cứ loại bệnh nào, khi đau đớn thực sự là một chướng ngại, nên thuốc men. Nếu bệnh vẫn không khỏi sau khi chữa thuốc vài ngày thì hãy làm phận sự của nhà khổ hạnh sau khi nói với cơ thế: "Ta không phải là đầy tớ của ngươi. Ta đã chịu đau khổ vì bảo trì người qua cái vòng tử sinh bất tận.
51. 9). Sách vở là trách nhiệm đối với kinh điển. Ðây chỉ là chướng ngại với người luôn bận đọc tụng mà thôi. Về điểm này, có câu chuyện sau. Khi trưởng lão Revata ? xứ Ðồi được đại đức Revata người tụng đọc Trung bộ kinh là một trách nhiệm nặng nề, hiền giả. Khi một người đang học thuộc lòng 50 kinh đầu tiên, vị ấy còn trước mặt 50 kinh chặn giữa, khi đang học 50 kinh sau cùng. Làm sao hiền giả có thể khởi sự một đề tài thiền định?". - "Bạch đại đức, khi tôi đã nhận một đề tài, thì tôi sẽ không dành lại kinh điển nữa". Vị ấy nhận đề mục thiền và trong 19 năm không tụng đọc, đã chứng quả La hán vào năm thứ 20. Ông bảo những tỷ kheo đến tụng đọc "Chư hiền, ta đã không nhìn đến kinh điển 20 năm nay, nhưng vẫn quen thuộc. Chư hiền cứ khởi sự". Và từ đầu đến cuối, trưởng lão tụng đọc không bị vấp một âm nào.
52. Trưởng lão Mahà -Nàga ở Karuliliyari cũng vậy, để kinh qua một bên 18 năm trời, sau đó ông tụng Dhàtukathà cho các tỷ kheo nghe không sai một chữ.
53. Trong đại tu viện, trưởng lão Abhaya bảo đánh trống tuyên bố: "Tôi sẽ trình bày Ba tạng trong vòng những vị tinh thông Năm bộ kinh" và việc này xảy ra trước khi ông học luận sớ. Chúng tỷ kheo bảo: "Ðó là giáo lý của những bậc thầy nào? Trừ phi ngài đưa ra giáo lý của những bậc thấy, chúng tôi không để ngài nói". Vị y chỉ sư của trưởng lão cũng hỏi: "Hiền giả, đã cho đánh trống chưa?" -"Bạch, đã" -"Vì lý do nào?" -"Bạch, con sẽ giảng kinh" -"Hiền giả, các bậc thầy giải thích đoạn này thế nào"" -"Như thế này, bạch đại đức". Vị y chỉ sư không bằng lòng, hùm một cái. Ba lần "hùm". Rồi ông bảo: "Hiền giả, giải thích đầu tiên của ông là cách giảng của những bậc thầy, nhưng vì ông đã không thật sự nghe nó từ miệng một bậc Thầy, nên đã không thể giữ vững lập trường, rằng những bậc Thầy nói như vậy. Hãy đi học với những bậc Thầy đi". -"Bạch đại đức con sẽ đi đâu?" -"Có một trưởng lão tên Mahà Dhammara (Ðại Pháp hộ) ở tu viện Tulàdhàra -pabbata xứ Rohana bên kia sông Mahaveli. Vị ấy biết rõ tất cả kinh điển. Hãy đến vị ấy". Trưởng lão Abhaya vâng lịnh ra đi. Ðến nơi, sau khi làm lễ, ông trình bày lý do. Trưởng lão Ðại pháp Hộ bảo: "Tôi đã không xem kinh điển ba chục năm nay. Nhưng hiền giả hãy đọc lại buổi tối, và sáng ngày ta sẽ giảng. Abhaya vâng lời.
54. Những cư dân trong làng dựng một lều trại lớn trước trú xứ của ngài, ngày ngày chúng đến nghe pháp. Ban ngày, vị trưởng lão giảng những gì ngài đã nghe đọc về đêm, cho đến cuối cùng, hoàn tất việc giảng dạy. Rồi ngài trải một chiếc chiếu trước mặt Abhaya, ngồi xuống mà bảo: "Hiền giả hãy giảng cho tôi một đề tài thiền định". -"Ðại đức nói gì? Chẳng phải tôi đã học mọi sự từ nơi ngài, hay sao? Tôi có thể nói một điều gì cho ngài, mà ngài không biết rồi?" Vị trưởng lão nói: "Con đường này khác, đối với một người đã thực sự du hành trên đó. Abhaya lúc đó dường như là một bậc Dự lưu.
55. Khi trưởng lão Abahya đã cho thầy của ông một đề tài, ông trở về Anuràdhapura. Về sau, trong khi đang giảng pháp trong điện Brazen, ngài nghe tin vị trưởng lão đã nhập niết bàn. Ngài liền bão: "Chư hiền, A-la-hán đạo thích hợp cho vị thầy của chúng ta. Ngài thật là một bậc chân trị thức. Ngài ngồi giữa chiếu, trước mặt chính học trò của mình và bảo: hãy giảng cho tôi một đề tài thiền quán. Chư hiền, A-la-hán đạo thích hợp của vị Thầy chúng ta". Ðối với những bậc ấy, sách vở không là một chướng ngại.
10). Thần thông là phép lạ của phàm phu, rất khó duy trì như một đứa trẻ còn nằm ngửa hay một con thỏ con, 1 vật nhỏ cũng làm nó tan vỡ được. Nhưng đó là một chướng ngại cho tuệ chứ không phải cho định, vì nhờ định mà có thần thông. Bởi thế, phép lạ hay thần thông là những chướng ngại mà người tầm cầu tuệ phải trừ khử, còn các chướng ngại khác là những thứ mà người tầm cầu định phải trừ.
Trên đây là giải thích chi tiết về các chướng ngại.
57. Gần gũi thiện tri thức, người cho một đề tài (đ. 28): những đề tài thuộc hai loại, đó là đề tài có lợi ích chung và đề tài đặc biệt.
Quán tâm trừ, và niệm về cái chết là những phép quán có lợi ích phổ quát. Có thể kể thêm quán bất tịnh.
58. Khi một tỷ kheo nắm lấy một đề tài thiền quán, trước hết vị ấy phải phát triển từ tâm đối với tăng đoàn trong giới vức, ban đầu trưởng đến các tỷ kheo trong chùa như sau: "Mong các tỷ kheo được an vui, thoát khổ". Rồi nên trải tâm ấy rộng ra đến tất cả chư thiên ở trong giới vức, đến những cư dân trong làng, nơi vị ấy thường khất thực, rồi đến tất cả mọi người ở đấy và tất cả chúng sinh phụ thuộc. Với tâm từ đối với chúng tỷ kheo, vị ấy phát sinh lòng tự ái với những người đồng trú, trở nên dễ sống chung. Với tâm từ đối với chư thiên trong giới vức, vị ấy được thiên thần hộ trì bằng những người vị ấy lui tới khất thực, vị ấy được họ giúp đở tứ sự một cách hợp pháp. Với tâm từ đối với mọi người quanh đấy, vị ấy đi đâu cũng không bị chán ghét, vì được người ta tin tưởng. Với tâm từ đối với tất cả chúng sinh, vị ấy có thể đi ta bà khắp nơi không bị cản trở.
Với tử tưởng, nghĩ rằng "Ta sẽ chết" vị ấy từ bỏ sự tầm cầu bất đáng và ý thức tỉnh giác tăng thạnh, vị ấy sống không ràng buộc.
Khi tâm vị ấy thường quán bất tịnh, thì cả đến những đối tượng ở cõi trời cũng không cám dỗ được vị ấy khởi tham.
59. Những quán tưởng trên, như vậy, có ích lợi phổ quát. Chúng được gọi là những đề tài thiền định vì cần tu tập thường xuyên, chúng rất đáng muốn do bởi lợi ích lớn lao của chúng.
60. "Ðề mục thiền đặc biệt" là 40 đề tài thích hợp với cá tính từng người. Nó "đặc biệt" (pàrihàriya) vì vị ấy phải mang (pariharitabbattà) nó luôn theo mình, và vì nó là nhân gần cho một giai đoạn tu tập cao hơn. Người cho một đề tài thuộc hai loại nói trên, là người cho đề tài thiền.
61. Thiện tri thức là người có những đức tính:
Ðược kính trọng yêu mến
Biết nói và chịu nghe
Lời thốt ra sâu sắc
Không vô cớ buộc ràng (A. iv, 32)
Người ấy hoàn toàn quan tâm đến sự an lạc và thích tiến bộ.
62. Do câu: "Này Ananda, nhờ Ta làm thiện tri thức cho chúng, mà những hữu tình bị sinh tử được thoát ly sinh tử" (S. i, 88), ta thấy chỉ có Ðức Phật, đấng Toàn Giác, mới có được tất cả điều kiện của một bậc thiện tri thức. Bởi thế khi Ngài còn ở đời, chỉ có một đề mục thiền được nhận trước mặt Thế Tôn, mới là một đề mục được nhận một cách tốt đẹp. Sau khi Ngài nhập niết bàn có thể nhận từ một vị Thánh đệ tử còn sống. Khi những vị này cũng không còn, hãy nhận từ một vị đã sạch lậu hoặc, một vị nhờ đề mục đặc biệt ấy đã chứng bốn thiền, năm thiền đã đạt đến lậu tận bằng cách tăng trưởng trí huệ có thiền làm nhân.
63. Nhưng làm thế nào một vị đã đoạn tận lậu hoặc tuyên bố: "Ta là người đã đoạn tận lậu hoặc?" Tại sao không? Vị ấy tuyên bố như vậy khi biết chắc rằng những chỉ giáo của ông sẽ được thi hành. Như trưởng lão Assagutta đã trải chiếu ngồi kiết già giữa hư không để giảng một đề tài thiền quán cho một tỷ kheo khởi sự tu tập đề tài ấy, vì biết vị này sẽ làm theo lời dạy của ông.
64. Vậy, nếu có một vị đã đoạn tận lậu hoặc thì tốt. Nếu không, thì hãy nhận đề tài nơi một vị Bất hoàn, một vị Nhất lai, một vị Dự lưu, một người thường nhưng đã đắc thiền, một người thông ba tạng, hai tạng, một tạng, một người thông năm bộ Nikàya, một Nikàya cùng với sớ giải, hoặc một người cẩn trọng. Vì một bậc thầy cẩn trọng thì biết rõ kinh điển, giữ gìn gia tài Phật Pháp, bảo trì truyền thống, vị ấy sẽ theo quan điểm của bậc Thầy hơn là theo ý riêng. Do vậy, cổ đức đã nói lên ba lần: "Một người cẩn trọng sẽ giữ gìn kho báu".
65. Những người nói trên, khởi từ vị đã đoạn tân lậu hoặc, chỉ nói đến con đường mà chính họ đã đạt đến. Nhưng với một vị đa văn, thì những chỉ dạy và giải đáp được thanh lọc nhờ đã đến gần nhiều bậc Thầy, và bởi thế, vị nầy sẽ giải thích một đề tài thiền quán bằng cách nêu rõ một lối đi rộng, như một thớt voi lớn đi qua một dãi rừng. Vị ấy sẽ chọn lọc những bản kinh, những lý lẽ chỗ này chỗ khác, kèm thêm giải thích cái gì nên theo cái gì không. Do vậy, một đề tài thiền quán cần được chọn bằng cách đến gần một Thiện Tri Thức như thế, người cho một đề tài, và khi đến gần, hãy làm những bổn phận của một môn sinh.
66. Nếu vị ấy ở cùng một tu viện, thì tốt. Nếu không, hành giả nên đi đến chỗ vị ấy cư trú. Khi một tỷ kheo đi đến thiện tri thức, thì không nên đi với chân thoa dầu, mang giầy, đi dù, có đệ tử đoanh vây đem theo tư cụ. Vị ấy nên du hành như một tỷ kheo du phương, tự mạng y bát, làm tất cả bổn phận trong mỗi ngôi chùa trên đường đi, mạng theo rất ít và sống với hạnh viễn ly cao độ. Khi vào đến tự viện có bậc thiện tri thức ấy, vị tỷ kheo không được mong mỏi cái gì, phải tự túc đến cả một cái tăm xỉa răng. Vị ấy cũng không nên vào một phòng, nhà nào trong tự viện, nghĩ, ta sẽ ở đấy nghỉ ngơi, tắm rửa, bôi dầu vào thân, rồi hãy đi đến bậc thầy.
67. Tại sao thế? Vì nếu ở đây có các tỷ kheo không ưa bậc thầy, họ sẽ hỏi mục đích viếng thăm của khách, rồi chê bai bằng cách nói: "Nếu bạn tới ông đó thì bạn rồi đời". Những vị này có thể làm cho người mới đến hối hận đã đến, và bèn quay trở về. Do đó, chỉ nên hỏi trú xứ rồi đến thẳng bậc thầy.
68. Nếu bậc thầy là hạ toạ tỷ kheo, vị thâm học cũng không được để cho ông ta đỡ lấy y bát của mình v.v... Nếu là một thượng toạ tỷ kheo, thì nên thí lễ rồi đứng. Khi thầy bảo, "Hiền giả, hãy đặt y bát xuống" mới được đặt. Khi thầy mời uống nước, nếu khát nên uống. Khi thầy bảo rữa chân, không nên rửa ngay, vì nếu nước ấy do chính thầy mang tới thì không phải phép. Nhưng nếu thầy bảo, "Hiền giả, nước ấy không phải tôi mang đến. Hãy rửa đi" thì được rửa, bằng cách ngồi tại một chỗ khuất mắt thầy, hoặc ở ngoài chỗ trống phía một bên nhà.
69. Nếu thầy mang đến một ống dầu, tỷ kheo hãy đứng dậy cẩn thận đở lấy với cả hai tay. Nếu tỷ kheo không nhận, vị kia có thể ngạc nhiên tự nhủ, tỷ kheo này chưa gì đã ghét xài chung như vậy sao? Nhưng khi nhận xong, tỷ kheo không nên thoa vào chân ngay. Vì nếu đó là dầu để thoa chân thầy, thì không được dùng mà thoa chân mình. Bởi thế, tỷ kheo nên thoa lên đầu, vai..., nhưng nếu thầy bảo "Hiền giả, dầu này để thoa chân tất cả mọi người, hãy thoa chân", thì vị ấy nên thoa một ít lên đầu, rồi thoa chân. Xong đâu đấy, đưa lại cho thầy mà thưa: "Bạch đại đức, xin gởi lại chai dầu".
70. Vị tỷ kheo không nên nói: "Bạch đại đức, giảng cho tôi một đề tài thiền quán" ngay hôm mới đến. Nhưng khởi từ hôm sau, nên xin làm phận sự của một người hầu. Nếu thầy không cho, thì nên làm phận sự ấy khi có dịp. Khi làm, thì phải mang cho thầy ba cái tăm xỉa răng cỡ nhỏ, vừa và lớn, hai loại nước súc miệng cũng như nước tắm, là nóng, lạnh. Trong ba ngày đầu, để ý thầy dùng thứ nào trong các thứ ấy thì sau đó hãy mang đến thứ đó. Nếu thầy dùng thứ nào cũng được, thì sau gặp thứ gì đem thứ ấy.
71. Tại sao phải nói nhiều? Vì tất cả phải được thì hành như lời Thế Tôn dạy trong các kiền độ (khandhakas) xem như những phận sự của đệ tử: "Này các tỷ kheo; một đệ tử cần phải thi hành những bổn phận đối với thầy cho đúng cách. Ở đây, sự thi hành bổn phận đúng cách là như sau. Ðệ tử nên dậy sớm, bỏ dép sửa y, đem tăm và nước súc miệng, trải toạ cụ cho thầy. Nếu có cháo, hãy rửa dĩa và mang cháo". (Vin. i, 61)
72. Ðệ tử nên đến vấn an thầy vào mỗi chiều, nếu thầy bảo lui ra thì hãy lui. Nếu thầy hỏi đến làm gì, nên nói lý do. Nếu thầy không hỏi, mà để cho làm các bổn phận, thì sau 10 ngày hoặc nữa tháng, nên tìm một dịp ở nán lại sau khi thầy bảo lui, và trình bày lý do mình đến. Hoặc đến thầy vào một một lúc bất thường, chờ khi thầy hỏi đến làm gì, hãy trình bày lý do.
73. Nếu thầy nói mai trở lại, hãy y lời. Nhưng nếu vào đúng lúc ấy mà bị đau bụng hay một thứ bệnh gì khác, thì nên thưa thầy rõ và đề nghị một giờ khác thích hợp cho mình. Bởi vì nếu một đề tài thiền quán được giải thích vào lúc bất tiện, thì ta không thể chú tâm nghe kỹ. Trên đây là giải thích câu "đến gần thiện tri thức, người cho một đề tài thiền quán".
74. Một đề tài thích hợp với cá tính (đoạn 28): Có 6 loại cá tính, là cá tính nặng về tham, sân, si, tín, tuệ và tư duy. Có người cho con số cá tính lên đến 14 loại, bằng cách phối hợp những cá tính trên. Nhưng nếu chấp nhận lối này thì sẽ có nhiều loại cá tính hơn nữa, cho nên chỉ cần hiểu là có 6 loại cá tính. Theo đó chỉ có 6 hạng người, là hạng nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, hạng thiên về đức tin thiên về trí tuệ, thiên về tư duy.
75. Ở đây, hạng thiên về đức tin đi đôi với hạng nặng về tham, vì đặc tính của đức tin rất gần với đặc tính của tham. Vì, về khía cạnh bất thiện thì tham nặng tình cảm, không khắc chế, cũng vậy khía cạnh thiện thì đức tin nặng tình cảm. Tham tầm cầu khoái lạc giác quan, còn đức tin tầm cầu công đức như giới, thí v.v... Tham không từ bỏ cái gì có hại, còn đức tin thì không bỏ cái gì có lợi.
76. Một người thiên về trí tuệ thường đi đôi với tánh sân, vì tuệ mạn khi mà thiện nghiệp phát sinh nơi một người nhiều sân, do bởi đặc tính của tuệ gần với những đặc tính của sân. Vì, về khía cánh bất thiện, thì sân không tình cảm không bám vúi đối tượng của nó, về khía cạnh thiện cũng thế, trí tuệ cũng không tình cảm và cũng không bám víu. Sân tánh thì chỉ tìm cho ra những lỗi không thật có, trong khi tuệ chỉ tìm những lỗi thật. Và sân sinh khởi trong cách buộc tội chúng sinh, trong khi tuệ sinh khởi bằng cách buộc tội các hành.
77. Một người thiên về tư duy đi đôi với tánh si, vì những chướng ngại Tầm sinh khởi nơi một người nhiều si khi nó cố làm phát sinh những thiện pháp chưa sinh. Ðặc tính của Tầm gần với đặc tính của si, vì cũng như si không được an do bối rối, tầm cũng thế, không an là do suy nghĩ nhiều. Và vì si bị lay chuyển do nông cạn, cũng thế tầm bị di chuyển do dễ đoán mò.
78. Có người cho rằng còn có ba loại tánh khác, là dục, mạn và kiến. Ở đây dục chỉ là tham và mạn cũng liên hệ. Bởi thế, dục và mạn không ra ngoài tham. Còn kiến (chấp) thì có gốc từ si, nên tánh tà kiến có gốc từ tánh si.
79. Cái gì là nguồn gốc của những tánh nói trên? Và làm sao biết được một người thuộc tánh nào? pháp tu nào thích hợp cho hạng nào?
80. Như vài người (trưởng lão Upatissa trong Vimutimagga) nói, trước hết ba đặt tánh đều có nguồn gốc ở tập khí về trước, và do bẩm chất tánh tình hiện tại un đúc. Có lẽ một người nhiều tham trước kia đã từng làm nhiều việc mà họ khoái thích, hoặc họ đã tái sinh ở cõi này sau khi mệnh chung ở một thiên giới. Và một người nhiều sân, trước kia có lẽ đã từng có những việc làm đâm chém, tra tấn tàn bạo, hoặc đã tái sinh ở cõi này sau khi mệnh chung tại một cói địa ngục hay rắn rồng. Còn một ngời nhiều si, có lẽ trước kia đã từng uống nhiều rượu, ít chú ý đến học vấn, hoặc tái sinh cõi này sau khi chết ở trong loài súc sinh. Ðó là nguồn gốc kiếp trước, người ta bảo.
81. Và một người tánh si là vì có hai đại tăng thịnh, hoả và địa đại. Người có nhiều sân là vì thuỷ và phong đại tăng thịnh. Nhưng người tham nhiều là vì bốn đại quân bình. Về khí chất kẻ nặng về tham thì dư đàm, người nặng về si dư phong. Hoặc nặng về si dư đàm, nặng tham dư phong. Bởi thế nguồn gốc tánh tình còn do bốn đại và khí chất, người ta bảo.
82. Ta có thể cãi rằng, không phải tất cả những người đã từng có những việc làm thích ý, hoặc đã tái sinh từ cõi trời, đều có tánh tham cả. Hai tánh sân, si cũng vậy. Và không có luật nào về sự tăng thịnh của các đại như thế (Xem Ch. XIV, 43...) mà luật về khí chất nói trên chỉ có hai tánh tham và si được đề cập, sông laị mâu thuẫn liền, và không đả động đến cội nguồn của tánh nhiều đức tin. Do đó định nghĩa này không nhất thiết đúng.
83. Sau đây là trình bày theo quan điểm những luận sư đã giải thích về sự tăng thịnh. Sự kiện những hữu tình này có tham tăng thịnh, là do căn nguyên đời trước. Vì khi ở nơi một người, vào lúc nghiệp tích luỹ (tức nghiệp đi đầu thai) có tham mạnh, vô tham yếu, vô si mạnh, sân và si yếu, khi ấy tánh vô tham yếu ớt của nó không thể thắng tham, nhưng vì vô sân vô si mạn có thể lướt sân, si cho nên lúc tái sinh người ấy có tham dục, vui tính, không sân giận, và có tuệ. Mau hiểu biết như chớp.
84. "Khi, vào lúc nghiệp tích luỹ của một người khác, tham sân mạnh, vô tham vô sân yếu, nhưng vô si mạnh và si yếu, thì như cách đã nói, người ấy có tham, sân, nhưng lại có tuệ mau hiểu. Như Trưởng lão Datta Abhaya Khi, vào lúc nghiệp tích luỹ của một người, tham, vô sân và si mạnh, thì như cách đã nói, người ấy tham, đần độn song lại vui tính, không giận hờn, như đại đức Bahula". "Cũng thế, nếu vào lúc nghiệp tích luỹ, cả ba thứ tham, sân, si đều mạnh, những thứ khác yếu thì người ấy vừa tham sân lại vừa ngu si"
85. Khi, vào lúc nghiệp tích luỹ, vô tham vô sân và vô si mạnh, các thứ khác yếu, thì người ấy không tham lam thù hận, tánh tình vui vẻ nhưng lại chậm hiểu. "Cũng vậy, nếu vào lúc nghiệp tích luỹ, vô tham, sân và vô si mạnh, các thứ khác yếu, thì người ấy không tham, có trí tuệ nhưng lại sân, dễ nổi xùng". "Cũng vậy, nếu vào lúc nghiệp tích luỹ cả ba tánh vô sân vô si mạnh, các thứ khác yếu, thì người ấy không tham, không sân, mà lại có trí tuệ, như trưởng lão Mahà Sangharakkhita.
86. Ở đây, khi nói một người "có nhiều tham" có nghĩa là người thuộc tánh tham. Tương Tự với sân và si. Có trí tuệ nghĩa là thuộc tánh tuệ. Người không tham không sân thuộc về tánh tín, vì những người này tự nhiên dễ tin tưởng, hoặc cũng như một người tái sinh do nghiệp câu hữu với vô si là tánh tuệ, một người tái sinh do nghiệp câu hữu với tín, thuộc tánh tín. Một kẻ tái sinh do nghiệp câu hữu với những dục tưởng, thuộc tánh tư duy, còn một người tái sinh do nghiệp câu hữu với tham v.v... Lần lộn, thuộc tánh hổn hợp. Vậy, chính nghiệp dẫn đến tái sinh, câu hữu bởi một trong những yếu tố tham, v.v... Cần được hiểu là nguồn gốc tánh tình.
87. Nhưng nếu hỏi làm sao biết được một người thuộc tánh gì? Trả lời:
Do tướng đi, hành động, Do cách ăn, cách nhìn...
Do trạng thái sinh
Tánh tình được nhận biết.
88. Do cách đi: người tánh tham, khi đi tự nhiên, có bước đi cẩn thận, đặt chân xuống từ từ, khoan thai, nhấc chân lên khoan thai, bước đi như lò xo bật.
Người có tánh sân bước di như thể đào đất bằng những đầu ngón chân, đặt chân xuống rất nhanh, dở lên nhanh, bước đi kéo lê thê.
Người si đi với dáng bối rối, để chân xuống một cách do dự, nhấc lên cũng do dự bước chân nhấn xuống đột ngột.
89. Dáng đi của một người tham có vẻ chắc chắn, nhịp nhàng, của người sân, thì cứng cỏi, của người si thì rối ren. Ngồi cũng thế, Và một người tham trải giường một cách thong dong, không vội vàng, từ từ đặt lưng xuống, sắp đặt tay chân cho ngay, và ngủ một cách an ổn. Khi thức dậy, thay vì đứng dậy ngay người này phản ứng từ từ, như thể còn hoài nghi chưa quyết định. Người sân trải giường vội vàng, thế nào cũng xong, gieo mình xuống ngủ với một gương mặt nhăn nhó. Khi dậy, thì đứng lên một cách mau lẹ, và trả lời người ta như thể rất bực mình. Người si trải giường lệch lạc và phần nhiều ngủ úp mặt, thân thể bò dài ra. Khi dậy, từ từ đứng lên, "hùm" một cái.
90. Vì những người thuộc tánh tín v.v... đi đối với tham v.v... Cho nên những tư cách cũng giống như đã tả. Trên đây là cách nhận ra tính tình qua dáng điệu.
91. Qua hành động: Trong quét sân, người tham cầm cái chổi một cách chắc chắn, quét sạch đều đặn, không vội vàng, không tung đất cát lên, trông như đang rắc hoa. Người sân nắm chổi thật chặt, quét không sạch, không đều, gây tiếng động chát chúa, hấp tấp tung đất cát lên hai bên. Người si cầm chổi lỏng lẻo, quét không sạch cũng không đều, trộn lẫn đất cát vãi ra tứ tung.
92. Cũng như quét dọn, mọi việc khác như giặt giữ, nhuộm y, v.v... Cũng thế. Người tham làm việc một cách khéo léo, từ tốn đều đặn, cẩn thận. Người sân làm việc một cách căng thẳng, cứng cỏi không đều. Người si làm việc vụng về, như thể đang bối rối, không đều và không quyết định. Người tham mặc y không quá chật, không quá lỏng, cẩn thận ngay ngắn, quấn y quanh mình. Người sân mặc y quá chật, và không sửa quanh thân. Người si mặc thật lỏng, và một cách hoang mang. Người tín v.v... Nên hiểu theo cách đã tả, vì những tính này sóng đôi với tham v.v...
Trên đây là cách nhận ra tính tình qua hành động.
93. Qua cách ăn: người tham thích ăn thực phẩm ngọt ngào, béo bổ. Khi ăn, nó ăn từng miếng không quá lớn, và ăn không vội vàng, thưởng thức vị ngon. Nó khoái ăn ngon. Người sân thích ăn đồ dai và chua. Khi ăn, nó làm từng miếng lớn đầy cả miệng, và ăn một cách hấp tấp không thưởng thức mùi vị món ăn. Nó buồn rầu khi ăn nhằm cái gì không ngon. Người si không có chọn lựa nhất định. Khi ăn, nó làm thức ăn thành từng miếng nhỏ không tròn, và làm rớt đồ ăn vụn trên đĩa, làm lấm mặt, tâm trí phiêu lưu nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác. Những người thuộc tánh tín v.v... Cũng thế, giống như tham v.v...
94. Qua cách nhìn v.v..: Khi người tham nhìn thấy, dù chỉ một sắc pháp hơi thích ý, cũng ngắm thật lâu, như thể ngạc nhiên, nắm lấy những đức tính vụn vặt, mà không kể những khuyết điểm. Khi từ giả, nó đi một cách tiếc nuối, như không muốn rời. Khi người sân trông thấy một sắc pháp hơi khó ưa, nó cũng tránh nhìn lâu, như thể chán lắm, xoi mói các khuyết điểm nhỏ, bỏ qua những đức tính thực. Khi từ giả, nó ra đi không tiếc nuối, như thể muốn đi cho khuất. Khi người si nhìn bất cứ sắc pháp nào, nó bắt chước thái độ người khác: nếu nó nghe người ta chê, thì nó chê, nghe người ta khen thì nó khen, mà thật sự trong tâm nó vẫn bình thản, sự bình thản của người vô trí. Ðối với âm thanh cũng vậy.
Người có tín v.v... Cũng như tham v.v... qua cách nhìn tương tự .
95. Qua những loại tâm trạng: nơi một người tham, thường có những tâm trạng như lừa dối, gian lận, kiêu mạn, ác dục, đa dục, bất mãn, làm dỏm, khoe khoang. Nơi người sân, thường có những tâm trạng giận dữ thù hằn, phỉ báng, thống trị, ganh tị, biến lận. Nơi một người si, thường có những tâm trạng như đờ đẫn, lừ đừ, dao động, lo âu, bất định, bám víu dai, không chịu xả bỏ.
Nơi một người tín tâm: thường có những tâm trạng rộng rãi, mong muốn gặp những bậc thánh, mong nghe diệu pháp, vui vẻ, hồn nhiên, thành thục, tin tưởng những gì gợi niềm tin. Nơi người tánh tuệ, có những tâm trạng như dễ nói (với), có bạn tốt, biết vừa đủ trong ẩm thực, chánh niệm tỉnh giác, ưa sự thức tỉnh, có ý thức nghiêm trọng đối với những gì gợi lên ý thức nghiêm trọng, nỗ lực đúng hướng. Nơi người tánh tư duy, thường có những tâm trạng như nói nhiều, dễ hoà mình, chán ghét sự hy sinh cho điều thiện, không hoàn tất được những công việc đã làm; "ban đêm phun khói ban ngày chiếu sáng" (M. i, 144) - có nghĩa ấp ủ những kế hoạch ban đêm, và thi hành ngay vào hôm sau. Tâm thức chạy lăng xăng khắp (Ud. 47)
96. Tuy nhiên, những chỉ dẫn trên về sự nhận dạng tính tình đã không được hoàn toàn lưu truyền trong kinh hay luận, mà chỉ được diễn tả theo quan điểm của những bậc thầy, do đó, không thể xem là chân thật hoàn toàn, vì ngay cả một người có tánh sân cũng có thể biểu lộ những dáng đi v.v... được gán cho tánh tham, nếu cần tinh cần cố gắng. Vả lại, những dáng đi, v.v... Không bao giờ phát sinh với những đặc tính rõ rệt nơi một con người có tính tình hỗn hợp. Chỉ có những chỉ dẫn để nhận ra tính tình được ghi trong tập sở đáng xem là chân thật, vì trong ấy nói: "Một bậc thầy đã đạt được sự đi sâu vào các loại tâm, sẽ biết rõ tính tình, và giải thích một đề tài thiền quán thích hợp. Còn người không thể đi sâu vào tâm người thì nên hỏi ngay đương sự. Bởi thế, nhờ đi sâu vào tâm, hoặc nhờ phỏng vấn đương sự, mà có thể biết người ấy thuộc vào loại cá tính nào.
97. Cái gì thích hợp cho mỗi loại tính? Một chỗ thích hợp cho người tham, là cái nhà với ngưỡng cửa không lau rửa, nền ngang mặt đất, đó có thể một tảng đá treo lơ lửng không có ống máng (Ch. II), một lều cỏ, một nhà lá v.v... Nó phải có đầy rác rưới và dơ, tơi tả, quá cao, hoặc quá thấp, một vùng phụ cận trơ trọi, vắng vẻ, bị đe doạ bởi cọp beo v.v..., với một con đường mòn gập ghềnh, ngay cả giường, và ghế cũng đầy bọ hung, chỗ ở, xấu xí, không có gì đẹp mắt, nhìn là thấy ghét. Y phục thích hợp cho vị ấy là những thứ rách biên, sút chỉ lòng thòng khắp, như một cái bánh tổ chim, vải thì thô như gai, bẩn, nặng và khó mặc. Bình bát thích hợp là một cái bát bằng đất nung xấu xí dị hình, với những chỗ vá, nối, hoặc một cái bát bằng sắt nặng nề khó coi, không gợi thèm chút nào cả, giống như một cái sọ người. Loại đường đi thích hợp cho vị ấy để đi khất thực là một con đường khó chịu, không có làng mạc ở gần, và không bằng phẳng. Khu làng thích hợp cho vị ấy khất thực là một nơi mà người ta đi nghênh ngang không để ý gì đến vị ấy, một nơi mà, khi vị ấy sắp bỏ đi chỗ khác, vì không xin được chút gì, người ta sẽ gọi ông lại vào trong phòng bố thí và bảo "Này đại đức" rồi cho cơm cháo, mà tỉnh bơ như bỏ một con bò vào chuồng bò. Những người thích hợp để hầu cận vị ấy là những nô tỳ, thợ thuyền không đẹp mắt, bất hạnh, y phục dơ dáy, hôi hám, buồn nôn, những người cúng dường cơm cháo mà như ném vào ông một cách thô lỗ. Loại cháo và cơm thích hợp là gạo, v.v... Bơ lạt, cháo chua, cà ri bằng cải úa, hay bất cứ vật gì chỉ cốt làm cho đầy bụng. Trong bốn oai nghi, uy nghi thích hợp là đứng hoặc đi bách bộ. Ðối tượng quán thích hợp là bất cứ màu nào khởi từ xanh nhưng không được thuần tịnh.
98. Một trú xứ thích hợp cho người sân là không quá cao hay thấp, có sẵn bóng mát và nước, có những bức tường cân đối, cột và bực cấp, chạm trổ sáng sủa với nhiều bức hoạ, nền bằng phẳng, êm dịu, được trang trí bằng hoa, trên có một tàn che bằng vải nhiều màu như cung trời Ðại phạm. Giường ghế có nệm sạch sẽ xinh đẹp thơm mùi các thứ hoa, làm cho người ta chỉ nhìn cũng đủ sung sướng.
99. Loại đường thích hợp cho vị ấy đi đến chỗ trú, phải là một con đường không có nguy hiểm nào, đất sạch và bằng phẳng đã được soạn sẳn. Nhà phải đừng quá nhiều bàn ghế tủ giường, để khỏi làm chổ ẩn náu cho côn trùng, bọ hung, rắn chuột, chỉ nên để một giường một ghế. Loại vải thích hợp cho vị này là làm y phục trong và ngoài, là hạng tốt nhất, như hàng Trung Quốc, hàng Somàra, lụa, phin mỏng, vải mỏng, chỉ một hay hai lớp thật nhẹ, màu sắc thuần tịnh thích hợp với nhà khổ tu. Loại bát thích hợp làm bằng sắt, hình dáng thanh tú như một bóng nước, láng như ngọc, không tì vết, có màu thuần tịnh thích hợp với ẩn sĩ. Con đường thích hợp để đi khất thực phải tránh mọi hiểm nguy, bằng phẳng, dễ chịu, không quá gần làng cũng không quá xa. Khu làng thích hợp để vị ấy khất thực, là nơi mà mọi người soạn sẵn chỗ ngồi rãi hoa, quét dọn sạch sẽ, nghĩ rằng: "Vị đại đức của chúng ta sắp tới". Và đi ra đón ông, cầm bát của ông đưa vào nhà, mời ngồi trên chỗ đã soạn, và tự tay hầu hạ chu đáo.
100. Những người thích hợp để hầu vị ấy phải đẹp trai, dễ ưa, tắm rữa sạch sẽ, bôi dầu láng xức nước hoa mùi trầm, trang sức bằng vải nhuộm đủ màu sạch và đẹp. Người ấy làm việc một cách cẩn thận, loại cơm cháo thích hợp, cho vị ấy phải đủ sắc, hương, vị bổ dưỡng, đáng thèm, thượng hạng về mọi mặt, và đủ cho nhu cầu vị ấy. Uy nghi thích hợp là nằm hay ngồi. Ðối tượng quán là bất cứ màu nào từ xanh, màu phải thuần tịnh.
101. Chỗ ở thích hợp cho 1 người si phải khoáng đạt, không bị ngăn bít, để vị ấy có thể thấy cả bốn phương khi ngồi đấy. Về các tư thế, thì đi là thích hợp. Ðối tượng quán thích hợp là một vật không nhỏ quá, nghĩa là phải cỡ bằng cỡ cái rổ, hay cái soong, vì tâm trí vị ấy trở nên rối ren hơn nếu bị giới hạn trong một không gian nhỏ hẹp. Những gì còn lại cũng như đối với tánh sân.
102. Với người tánh tín, tất cả những chỉ dẫn cho người tánh sân đều thích hợp. Về đối tượng quán, có thể quán một trong sáu niệm. Với người tánh tuệ, không có gì là không thích hợp về chỗ ở v.v...
Với người tánh tư duy, thì một chỗ ở khoáng đạt có phong cảnh dễ nhìn, ở đấy những vườn, đồng, ao, hồ, viễn tượng đẹp, quang cảnh những khu làng, đô thị, vùng quê nhìn thấy khi ngồi ở đấy, một khung cảnh như vậy không thích hợp vì tạo điều kiện cho tầm tư duy của vị ấy chạy lăng xăng khắp nơi.
Bởi thế, vị ấy nên sống tại một nơi như một hang sâu có rừng rậm ngăn che, như núi đá Bụng Voi (Hatthkucchiphabbàra), hay hang của Mahinda. Cũng thế, một đối tượng quán quá lớn không thích hợp vị này, vì làm cho tầm tư duy chạy lăng xăng. Một đối tượng nhỏ thích hợp. Những yếu tố khác cũng như với người tham.
103. Tuy nhiên, đề tài quán tưởng hợp với tính tình chưa được bàn rõ trong mọi chi tiết. Ðiều này tự nhiên sẽ rõ khi bàn chi tiết như sau. Như trên đã nói, "Và vị ấy nên chọn trong 40 đề mục, cái nào thích hợp với cá tính" (D. 28). Ở đây, sự trình bày về đề tài quán tưởng trươc hết cần được hiểu theo 10 cách sau: (1) số lượng, (2) cái nào đem lại định cận hành, cái nào đem lại định an chỉ; (3) các loại thiền; (4) về sự vượt qua, (5) về sự trải rộng, không trải rộng, (6) về đối tượng. (7) các cõi, (8) cách hiểu, (9) điều kiện (duyên),
(10) về sự hợp với cá tính.
104. 1). Về số lượng: tức 40 đề mục như sau: Mười biến xứ, mười bất tịnh, mười chỗ tưởng niệm, bốn phạm trú, bốn vô sắc xứ, một tưởng, một phân tích.
105. Mười biến xứ: là đất, nước, lửa, hư không, xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, khoảng không có hạn. Mười bất tịnh là: thây phình trứng, thây bầm xanh, thây thú ăn, thây phân lìa, thây rả rời, thây chảy máu, thây sâu đục, bộ xương. Mười tưởng niệm là: niệm Phật, pháp, Tăng, Thí, Thiên, niệm chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm diệt. Bốn phạm trú là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn vô sắc: là Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu, Phi tưởng phi phi tưởng. Một tưởng là tưởng đồ ăn bất tịnh. Một phân tích là sự phân tích tứ đại.
106. 2) Cái nào đem lại định cận hành (upacàra), cái nào đem lại định an chỉ (appanà)? Tám niệm, tức 10 tưởng niệm, trừ thân hành niệm và niệm hơi thở, quán đồ ăn bất tịnh, và phân tích tứ đại, là mười đề mục chỉ đem lại định cận hành, còn những cái khác đem lại định an chỉ.
107. 3) Về các loại thiền: Trong những pháp quán đem lại định an chỉ, thì 10 biến xứ (Kasinas) cùng với niệm hơi thở đem lại tất cả 4 thiền; 10 quán bất tịnh và thân hành niệm đem lại sơ thiền. Ba phạm trù đầu (từ, bi, hỉ), đem lại ba thiền đầu trong 4; phạm trù thứ tư (xả) và quán 4 sắc giới đem lại tứ thiền.
108. 4) Về sự vượt qua: có hai thứ vượt qua: vượt qua các thiền chi, và qua đối tượng. Có sự vượt qua các thiền chi trong những đề mục đem lại tam thiền, tứ thiền, vì nhị thiền v.v... Phải được đạt trong cùng 1 đối tượng, bằng cách vượt qua những thiền chi, tầm, từ. Cũng thế, trong trường hợp phạm trú thứ tư vì phải đạt đến xả bằng cách vượt qua lạc trong cùng một đối tượng như của tâm từ v.v... Nhưng trong trường hợp bốn vô sắc, thì có sự vượt qua đối tượng quán, vì Không vô biên xứ phải đạt do vượt qua biến xứ, và Thức vô biên xứ phải đạt bằng cách vượt qua Không vô biên xứ v.v... Ðối với những cái còn lại thì không có sự vượt qua.
109. 5) Về sự nói rộng và không nói rộng: Chỉ có 10 biến xứ là cần được nới rộng, vì chỉ trong phạm vi cùng một không gian của biến xứ đã định, mà ta có thể nghe tiếng, với thiên nhĩ thấy sắc với thiên nhãn, và biết tâm của các chúng sanh bằng tâm của mình
110. Thân hành niệm và 10 bất tịnh quán không cần nói rộng, vì sao? Vì những thứ này có 1 định xứ nhất định, và vì không ích lợi gì để nới rộng thêm. Tính cách nhất định của nơi chốn chúng sẽ trở nên rõ rệt hơn, khi giải thích phương pháp tu tập (Chương VIII, đ. 83 -138, và Chương VI, đ. 4179). Nếu bất tịnh quán được nới rộng, thì chỉ là một số lượng thi thể được trải ra, vậy không ích gì. Và điều này được nói để trả lời câu hỏi của Sopàka: " Bạch Thế Tôn, tưởng về sắc thật rõ, còn tưởng về bộ xương thì không rõ". Ở đây tưởng về sắc được gọi là "rõ" trong ý nghĩa "tưởng được nới rộng, trong khi tưởng về xương thì "không rõ", nghĩa là tướng nó không nới rộng.
111. Nhưng câu nói sau đây " Ta chú tâm trên toàn thế gian này với tưởng về 1 bộ xương" (Thag. 18) là nói về cách xuất hiện các tướng đối với người đã đạt đến cái tưởng về xương, vì, cũng như vào thời vua Dhammàsoka, con chim Karavìka hót lên tiếng êm dịu khi nó trông thấy bóng nó trong những tấm gương ở 4 vách tường, và thấy mọi hướng đều có những con chim Karavìka.
112. Nếu thế thì phải khi gọi vô lượng của đối tượng quán được phát sinh trong quán bất tịnh là một lời nói mâu thuẩn? Nó không mâu thuẩn. Vì có người thì thấy được tướng bất tịnh nơi một thi thể phình trướng hay một bộ xương lớn, người thì thấy tướng ấy nơi một thi thể nhỏ. Trong sách ấy, thiền của vị thứ nhứt có một đối tượng hữu hạn, người thứ hai vô hạn. Hoặc "với một đối tượng vô hạn" là nói về một đối tượng quán mà người quán tưởng nới rộng ra vì không thấy có hại gì khi làm như vậy. Nhưng nó không cần nới rộng, vì nó không đưa đến ích lợi nào.
113. Những cái gì còn lại cũng thế, không cần nới rộng. Vì, khi một người nới rộng tướng hơi thở, thì chỉ có một số lượng hơi được nới rộng, và nó có một đinh xứ rõ rệt là chót mũi. Vì vậy, nó không cần được nởi rộng, vì chỗ bất lợi ấy, và vì tính cách nhất định của nơi chốn (chót mũi). Và những phạm trú thì có các hữu tình làm đối tượng, Khi một người nới rộng tướng những đối tượng này, thì chỉ có lượng hữu tình được nới rộng, và làm như vậy cũng không nhằm mục đích gì. Bởi thế, cái này cũng không cần nới rộng.
114. Khi nói "Vị ấy biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ", điều ấy được nói lên vì sự bao quát của tâm, và khi một người phát triển tâm bao quát dần dần, kể từ sự bao quát chúng sinh trong một phương với một nhà, với hai nhà, v.v..., khi ấy ta gọi người ấy là "biến mãn một phương", chứ không phải khi người ấy nới rộng tướng, mà cũng không có tướng ở đây để nới rộng. Cũng thế, tình trạng có một đối tượng hữu hạn hay vô hạn ở đây có thể hiểu là "bao quát" hay biến mãn.
115. Về đối tượng những cõi vô sắc thì không gian không cần được nới rộng, vì nó chỉ là sự dời bỏ sắc (biến xứ), bởi vì vô sacé chỉ có thể được quán như là sự biến mất của sắc pháp. Nếu nới rộng vô sắc, thì không có gì khác xảy ra cả. Và tâm thức cũng không cần nới rộng, vì đó là một trạng thái vốn là một "tự tính" và không thế nới rộng một tự tính. Sự biến mất của Thức không cần nới rộng, vì chỉ là sự phi hữu của thức, và phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng không cần nới rộng vì đó cũng là một tự tính.
116. Những cái còn lại không cần nới rộng vì chúng không có tướng, vì chỉ có một tướng có ở bên ngoài mới có thể nới rộng. Ðối tượng của niệm Phật v.v... Không phải là tướng có ở bên ngoài, cho nên không cần có sự nới rộng ở đây.
117. 6)Về đối tượng: Trong 42 đề mục thiền, có 22 đối tượng có tướng ở ngoài đó là 10 biến xứ, 10 bất tịnh của tử thi, niệm hơi thở và thân hành niệm. Những cái khác không có tướng bên ngoài làm đối tượng thiền đinhl Mặt khác, 12 đề mục có những tự tính làm đối tượng, đó là 8 trong 10 tưởng niệm, trừ niệm hơi thở và thân hành niệm. Tưởng đoàn thực bất tịnh, phân tích tứ đại, Th?c vô biên xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ; (22 cái có tướng bên ngoài làm đối tượng là: 10 biến xứ... Thân hành niệm) 6 còn lại là những đối tượng không thể phân loại như thế. Mặt khác, tám đối tượng có tính cách di động giai đọan đầu, mặc dù chỉ là những đối tượng cố định: sự nung mủ, sự chảy maú, sự đục khoét của dòi bọ, niệm hơi thở, biến xứ nước, lửa gió và trong trường hợp biến xứ ánh sáng, thì đối tượng gồm một vòng ánh sáng mặt trời v.v... Những đề mục còn lại đều có những đối tượng bất động. Ðây là về đối tượng quán.
118. 7) Về cõi: 12 đề mục: 10 đề mục bất tịnh, thân hành niệm, và tưởng bất tịnh trong đoàn thực, là 12 đề mục không có ở các cõi trời, 12 đề mục này, và đề mục quán hơi thở không có ở Phạm thiên giới. Nhưng ở cõi vô sắc, thì không có đ? mục nào trừ 4 vô sắc. Còn ở cõi người, thì có đủ tất cả đề mục.
119. 8) Về cách hiểu: Sự trình bày cần được hiểu theo sự thấy, sờ và nghe; 19 đề mục (10 bất tịnh, 9 biến xứ trừ không gian) là những đề mục cần hiểu bằng mắt thấy. Có nghĩa là trong giai đoạn đầu tướng của những đề mục này phải được hiểu bằng cách nhìn với con mắt, một cách kiên trì. Trong thân hành niệm, 5 phần đầu "tóc, lông, móng, răng, da" cần được hiểu bằng mắt thấy, những thứ còn lại được hiểu do nghe nói. Bởi thế, đối tượng của pháp niệm thân là được hiểu bằng mắt thấy và nghe nói. Niệm hơi thở được hiểu bằng xúc giác, biến xứ "gió" bằng thị giác và xúc giác, 18 thứ còn lại do nghe nói. Phạm trú "xả" trong 4 phạm trú, và bốn vô sắc giới, người sơ cơ không thể hiểu được, nhưng 35 cái còn lại thì được.
120. 9) Về điều kiện: Trong những đề mục này, 9 biến xứ trừ biến xứ hư không là những duyên (điều kiện) để chứng vô sắc xứ. 10 biến xứ là duyên để chứng các loại thắng trí (thần thông). Ba phạm trú đầu là điều kiện để chứng phạm trú thứ tu. Mỗi vô sắc cấp dưới là điều kiện cho vô sắc trên nó một bực. Phi tưởng phi phi tưởng xứ là điều kiện để chứng diệt thọ tưởng định. Tất cả là điều kiện cho sự sống trong hỉ lạc, cho tuệ, và cho những sanh thú tốt đẹp.
121. 10) Về sự thích hợp: 10 quán Bất tịnh của thây chết, và thân hành niệm là 11 đề mục thích hợp cho người nặng tham dục. Bốn phạm trú và 4 biến xứ về màu sắc là 8 đề mục thích hợp cho 1 người tánh si, và người tánh tư duy. Sáu niệm đầu trong 10 tưởng niệm thích hợp cho những người tánh tín. Niệm chết, niệm diệt, phân tích bốn đại, tưởng đoàn thực bất tịnh là 4 đề mục thích hợp cho những người tánh tuệ. Những biến xứ còn lại và những vô sắc thích hợp cho mọi loài tính tình. Và bất cứ biến xứ nào cũng nên có giới hạnh cho một người tánh tư duy và vô hạn cho người tánh si.
122. Tất cả điều trên được nói theo thể thức đối chọi trực tiếp và hoàn toàn thích hợp, nhưng kỳ thực, không có pháp tu nào mà không trừ bỏ được tham
v.v.... Hỗ trợ tín v.v... Kinh Meghiya nói: "Thêm nữa, cần tu tập 4 thứ sau đây: tu bất tịnh quán để trừ tham dục, tu từ bi để từ bỏ sân nhuế, niệm hơi thở để trừ bỏ tầm tư duy, tưởng vô thường để từ bỏ mạn" (A. iv 358). Cũng vậy, trong kinh Rahula đoạn "Hãy tu tập từ, này Ràhula (M. i, 424), có 7 đề mục quán tưởng được đề ra cho một loại tính tình duy nhất.
123. Bây giờ, câu "Và vị ấy nên hiểu" được giải thích như sau. Sau khi đến gần thiện tri thứ thuộc loại đã nói phần giải thích câu "rồi đến gần thiện tri thức, người cho một đề tài thiền quán" (đ. 28) và thiền tiả cần phải hầu hạ đấng Thế Tôn, đấng Giác ngộ, hay một bậc thầy, và nên xin một đề mục quán tưởng với một tâm ý chân thành, quyết định.
124. Vị ấy nên hầu hạ đức Thế Tôn, Ðấng Giác ngộ với cách như sau: "Bạch đức Thế Tôn, con xin xả bỏ thân mạng nầy của con để hầu hạ Ngài. "Bởi vì nếu không quy phục hết cả thân mạng của mình như thế, thì khi sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh, vị ấy không thể kiên cố khi gặp một vật đáng sợ xuất hiện và vị ấy có thể trở lại một trú xứ ở làng mạc, giao thiệp với thế tục, tầm cầu bất đáng và đi đến tàn mạt. Nhưng khi hành giả đã quy phục toàn thể tánh mạng như vậy thì không còn nỗi sợ hãi nào khởi lên trong vị ấy, nếu một đối tượng khủng khiếp xuất hiện. Quả vậy, chi có niềm hoan lạc khởi lên nơi hành giả khi nghĩ rằng: "Há ta đã không quy phục toàn thể tánh mạng nơi đức Thế tôn hay sao?"
125. Giả sử có một người có tấm vải tốt bằng lụa Kàsi, nó sẽ buồn sầu nếu tấm vải bị chuột hay gián gặm. Nhưng nếu nó đem cúng dường cho một tỷ kheo đang cần, nó sẽ cảm thấy vui khi thấy vị ấy xé vải ra để vá y, Cũng vậy, trong khi quy phục tánh mạng.
126. Khi quy phục tánh mạng cho một bậc thầy, người ấy nên nói: "Bạch đại đức, con xin quy phục tánh mạng nơi đại đức". Bởi vì một người chưa quy phục, thì trơ lì không chịu sưả đổi, khó dạy, không nghe l?i khuyên can, đi bất cứ chỗ nào nó muốn, mà không hỏi ý vị thầy. Do đó, vị thầy không giúp đỡ nó bằng tài thí hoặc pháp thí, không huấn luyện cho nó về thiền đạo. Vì không tìm được hai thứ giúp đỡ này, nên nó không có chân đứng trong giáo pháp, và chẳng bao lâu nó sẽ xuống đến độ làm quấy hoặc hoàn tục. Nhưng nếu nó đã quy phục tánh mạng, thì nó không bất động trước sự chỉ dạy, không đi chỗ nào tùy thích, trở thành dễ dạy và chỉ sống tùy thuộc vào vị thầy. Nó được hai thứ giúp đỡ từ vị thầy, và được lớn manh, được tăng trưởng và thành tựu ở trong Giáo pháp, như những đệ tử của trưởng lão Cùla- Pindapàtika- Tissa.
127. Có ba tỷ kheo đến nơi trưởng lão, một người nói: "Bạch đại đức, con sẳn sàng leo lên 1 lõm đá cao bằng một trăm người đứng chồng lên nhau, nếu đại đức muốn". Một trò khác nói: "Bạch đại đức, con sẳn sàng nghiền nát thân này trên tảng đá nếu thầy muốn". Người thứ ba nói: "Bạch đại đức, con sẳn sàng nhịn thở và chết nếu thầy cần". Trưởng lão nghĩ, "những người này chắc chắn có thể tiến bộ trong giáo pháp; và giải thích cho họ một đề mục thiền. Theo lời dạy, cả ba đều chứng quả A-la-hán. Ðấy là lợi lạc trong sự quy phục. Do vậy, ở trên nói: "Quy phục tánh mạng cho đức Thế Tôn", đấng Giác ngộ hoặc một bậc thầy.
128. Với tâm ý chân thành, quyết định: (đoạn 123): tâm ý của thiền giả phải chân thành theo sáu cách khởi từ vô tham. Vì chính một người chân thành theo sáu cách ấy, mới đạt được một trong ba loại tuệ giác như kinh nói: "Có 6 ý hướng dẫn đến giác ngộ của bồ tát. Với ý hướng vô tham, bồ tát thấy lỗi lầm trong tham dục. Với ý hướng vô sân, bồ tát thấy lỗi lầm trong sân hận. Với ý vô si, bồ tát thấy lỗi lầm trong si mê. Với ý hướng xuất gia, bồ tát thấy lỗi lầm trong đời sống tại gia. Với ý hướng viễn ly, bồ tát thấy lỗi lầm trong sự quần tụ đông đảo. Với ý hướng từ bỏ, bồ tát thấy lỗi lầm trong mọi sự tái sinh và sanh thú. "Vì những bậc Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán lậu tận, Ðộc giác, và những đấng toàn giác quá khứ, hiện tại hay vị lai, tất cả đều đã đạt địa vị nhờ những ý hướng này.
129. Hành giả cần nhất tâm quyết định về việc ấy.
Nghĩa là, phải quyết định đối với thiền, tôn trọng thiền, khuynh hướng về thiền; quyết định đối với niết bàn, tôn trọng niết bàn, khuynh hướng về niết bàn.
130. Khi, với sự chân thành của ý hướng và sự hoàn toàn quyết tâm như vậy, hành giả xin một đề mục, thì bậc thầy, người đi sâu vào tâm người khác có thể biết được tính tình hành giả, bằng cách quan sát cung cách y. Nếu chưa đắc tha tâm thông, thì thầy có thể hỏi. "Tính tình của người thế nào?" hoặc "Người ưa nghĩ những chuyện gì? hoặc "Người ưa đề mục nào?" để biết. Khi đã biết, vị thầy có thể giải thích một đề mục thiền quán thích hợp với tính tình hành giả. Và khi làm như vậy vị thầy có thể làm theo ba cách: đề mục có thể cho bằng cách bảo đệ tử đọc lại một hai lần, nếu người ấy đã học đề mục kia. Hoặc giảng cho y mỗi khi đến, nếu cùng ở một trú xứ. Ðối với người muốn học đề mục rồi đi nơi khác, thì có thể giảng không quá ngắn cũng không quá dài.
131. Ðầu tiên, khi giảng về biến xứ đất, có chín khía cạnh cần giải thích. Ðó là: 4 lỗi của biến xứ, cách làm Kasina (biến xứ), cách tu biến xứ sau khi làm xong, hai loại tưởng, hai loại định, bảy thứ thích hợp và không thích hợp, 10 thiện xảo về an chỉ định, sự đều đặn quân bình của tinh tiến, và những chỉ dẫn về định. Về những đề mục khác, mỗi đề mục cần giải thích nghi. Tất cả điều này sẽ được đề cập trong phần chỉ dẫn tu tập. Khi đề mục được giải thích, hành giả cần nắm lấy Tướng trong lúc lắng nghe.
132. Hiểu rõ Tướng là vị ấy phải liên kết từng khía cạnh như sau: "đây là mệnh đề đầu, đây là mệnh đề sau, đây là ý nghĩa, đây là ý định, đây là ví dụ". Khi vị ấy lắng nghe chăm chú, hiểu rõ tướng như vậy, thì đề mục trở nên rõ ràng. Nhờ vậy, hành giả đạt đến thẳng giải (visesa) một cách mỹ mãn, không bằng cách nào khác.
133. Ðến đây, câu "đến gần thiện tri thức, mgười cho một đề mục thiền, và vị ấy phải hiểu rõ một đề mục trong 40 đề mục, cái nào thích hợp với tính của mình" (đoạn 28) đã giải thích xong.
Chương thứ ba "Chọn đề mục thiền quán" trong Thanh tịnh đạo, được soạn thảo vì mục đích làm cho người lành được hoan hỉ.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.