Thanh Triều Ngoại Sử Iii

Chương 14: Tội bất khả thứ

THH

30/07/2019

- Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết, Trịnh thân vương không phụng chỉ công phạt loạn nghịch ở Giang Nam. Khi quân phạm thượng, vong ân biệt phát, tội bất khả thứ. Lệnh trảm nạp thân trước tam quân. Vị chấn cương kỷ. Khâm thử!

Ung công công vừa đọc xong thánh chỉ, trong điện Thái Hòa liền vang lên tiếng rù rì. Ung công công cuốn cuộn giấy màu vàng nhạt lại rồi nhìn Mã Tề nói:

- Mã thống lĩnh, hoàng thượng hạ chỉ cho ngài ngày đêm canh giữ đại lao, cho đến ngày hành quyết.

Mã Tề đứng trong hàng ngũ các võ quan, nghe lệnh miễn cưỡng bước ra, nhưng chưa kịp cúi mình tiếp chỉ bỗng có tiếng nói:

- Hoàng thượng, đừng, đừng! Hoàng thượng biết là không được đâu!

Thì ra người vừa nói là Sách Ngạch Đồ, khi này bước ra từ bên hàng ngũ các quan văn.

- Khởi bẩm hoàng thượng - Sách Ngạch Đồ nói - Tổ phụ của Trịnh thân vương là một trong những người lãnh đạo hoàng thổ Ái Chân, con cháu quý tộc của Bát kỳ chúng ta, lại nữa, hoàng thượng phong ngài ấy thành thân vương, nghĩa là đã là người của đại gia đình Ái Tân Giác La, thật không thể xử trảm được.

Bốp! Sách Ngạch Đồ vừa nói xong, Khang Hi đập tay lên tay ngai hừ giọng nói:

- Sách khanh, khanh thật quá hoang đường! Tại sao quý tộc hay hoàng thất của Bát kỳ thì không thể xử trảm? Quốc hữu quốc pháp, luật lệ tuyệt đối không thể nương tha cho bất kỳ người nào! Bằng không, trẫm làm sao có thể đối với muôn dân bá tánh được?

Trương Đình Ngọc thấy Sách Ngạch Đồ bị Khang Hi bắt bí, dợm chân bước ra, Khang Hi tiếp:

- Trịnh thân vương không lãnh chỉ xuất binh bắt phản tặc Hồng Hoa hội ở Giang Nam, tội đáng muôn chết, nếu trẫm vị tình, thì làm sao ổn định triều can? Nếu các khanh còn ai dám xin tội cho Trịnh thân vương nữa, trẫm sẽ xử phạt luôn thể, phạt… mỗi người tổn lộc ba năm!

Lời của Khang Hi không cản được Trương Đình Ngọc. Trương Đình Ngọc không sợ tổn lộc, lò dò bước ra nói:

- Hoàng thượng, xin thứ lỗi hạ thần nói thẳng, hoàng thượng chính thức cầm quyền điều hành triều chính chưa được bao lâu, còn chưa đủ kinh nghiệm điều binh khiển tướng, chắc hoàng thượng còn nhớ tháng trước ở biên thành có phi điểu truyền thư nói Cát Nhĩ Đan lại điều động nhân mã, trong nay mai sẽ đánh vào phía Tây Vạn Lý Trường Thành, trong tình thế lúc này thật tình chúng ta không thể mất đi Trịnh thân vương được.

Long Khoa Đa cũng bước ra ứng lời Trương Đình Ngọc:

-Phải đó hoàng thượng, ở nơi quan ngoại sắp sửa có nạn giặc giã. Chẳng những Cát Nhĩ Đan sửa sang triều cương, chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương, mà người Nga cũng ngầm sai quân tiến tới Thẩm Dương rồi. Một khi Cát Nhĩ Đan tiến đánh Nhạn Môn Quan, người Nga sẽ lợi dụng thời cơ ấy đánh lấy hai tòa thành Y Lộ và Bổ Hà của chúng ta ở mặt đông và tây Thẩm Dương.

Long Khoa Đa nói xong, Sách Ni thấy Khang Hi mấp máy môi định lên tiếng phản bác, Sách Ni liền nháy với các quan rồi bước ra quỳ nói:

- Trương đại nhân và Long đại nhân nói phải, đúng là không thể định tội chết cho Trịnh thân vương được, thật sự không được, không thể được! Mong hoàng thượng lượng tình suy xét lại, tha cho ngài ấy con đường sống!

Các quan làm theo Sách Ni, cả thảy đồng loạt quỳ nói:

-Khẩn xin hoàng thượng suy nghĩ lại!

Khang Hi ngồi chết lặng trên ngai vàng, nhìn các quan. Khang Hi nhớ hồi tối hôm qua có kín đáo vào đại lao, đứng ở đằng xa quan sát nét mặt Tiêu Phong, từ khi bước vào đại lao, Khang Hi thấy người đàn ông đó vẫn bình thản như không, trong lòng thầm ca ngợi: Chẳng trách lúc trước mọi người thường gọi Tiêu Phong là vị tướng quân sắt, mặt lạnh, quả không sai!

Khang Hi nhớ tới tháng trước quả thực đã nhận quân tình nguy ngập từ vùng biên ải cấp báo về triều. Khang Hi nhớ rõ lúc nhận hung tin đã không khỏi cảm thấy kinh hãi, chân tay run lên như bị một cơn sốt, lập tức không đợi trời sáng đã thăng điện triệu tập bá quan lớn nhỏ đến bàn tính sách lược cự địch. Triều thần khi đó người nào người nấy cũng ngây mặt nhìn nhau, vô kế khả thi, không ai có thể kham nổi trọng trách đánh Cát Nhĩ Đan vì họ vốn không hiểu rõ cũng như không có nhiều kinh nghiệm về tình hình biên phòng nơi quan ngoại.

Khang Hi nén cục tức xuống cổ, trong lòng đương nhiên biết các quan nói cũng không sai, chỉ có người đàn ông đó, là người có năng lực thống lĩnh toàn quân chống lại Cát Nhĩ Đan. Nhớ năm xưa khi Tiêu Phong còn nhậm chức Phủ Viễn tướng quân, có lần đã thống lĩnh mười tám vạn quân ùn ùn kéo ra quan ngoại. Vừa tới Sơn Hải quan, Tiêu Phong hay tin thám mã cho biết thành Liêu Ninh vừa thất thủ trong tay Cát Nhĩ Đan, đoàn quân trú phòng và hai người tướng đóng giữ nơi đó đã bỏ trốn. Quân chẳng ra quân, tướng chẳng ra tướng, Tiêu Phong bèn hạ lệnh bắt hết những kẻ đào ngũ đó về không cần thẩm vấn, tức khắc chặt đầu đưa tới khắp các doanh trại để thị chúng, làm binh sĩ ai nấy cũng đều hoảng hồn bạt vía, từ đó không người nào dám trốn trại nữa, cũng như tuân lệnh răm rắp. Sau đó chỉ trong vòng mười ngày, Tiêu Phong thúc giục đại binh tiến gấp, chiếm lại được thành Liêu Ninh. Tiếp theo đó Tiêu Phong hành quân qua miền Trấn Giang, thấy dân chúng tình cảnh thật đáng thương, nên đã một mặt huấn luyện quân sĩ, mặt khác lại chia mười tám vạn quân ra đồn trú các nơi hiểu yếu như Thanh Hà, Phủ Thuận, Sài Hà, Tam Phân, giúp dân đắp đê khoanh vùng và xây lại đường sá, nhà cửa. Năm đó Cát Nhĩ Đan cho người đi dò xét nguồn gốc Tiêu Phong, biết Tiêu Phong là hậu thân của dòng họ Tế Nhĩ Ha Lãng, tinh thông binh pháp, lại vừa là đồ đệ của Võ Ma – Long Thiên Hổ nên không dám tiến binh nữa, truyền lệnh rút quân về. Thanh triều vì vậy quân tình mới được thuận lợi, có cơ cứu vãn.

- Bẩm hoàng thượng, đối với chuyện giặc giã tại sao ngài không dĩ bất biến ứng vạn biến?

Khang Hi suy nghĩ đến đây bị tiếng của Ngạch Nhĩ Thái kéo về với thực tại. Khang Hi nhìn Ngạch Nhĩ Thái, lập luận của Ngạch Nhĩ Thái cũng không khác những người kia là bao. Khang Hi chỉ lạ là Ngạch Nhĩ Thái bấy lâu nổi tiếng rụt rè nhút nhát, cũng liều mạng đứng ra xin giảm tội cho Tiêu Phong, quả nhiên Tiêu Phong không bị lạc lõng giữa chốn quan trường.

Ngạch Nhĩ Thái nói một hồi, cũng chỉ là mấy lời nói Cát Nhĩ Đan nhân dịp Tiêu Phong bị cách chức đã tập trung lực lượng, nếu như Tiêu Phong chết, Cát Nhĩ Đan sẽ dốc hết toàn lực tấn công kinh thành, đến khi đó kinh thành chỉ có nước chìm trong biển máu. Thế là xong hết! Ngai vàng và giang san mà Khang Hi đã phải tổn hao bao nhiêu tâm huyết mới giành giật lại được!

Khang Hi suy nghĩ tới lui lời của các quan, thấy bá quan không ai là phục mình, trong lòng Khang Hi vừa lo âu vừa buồn, vừa tức tối vô cùng. Mặt Khang Hi trở nên đỏ như gấc, cuối cùng Khang Hi đập tay xuống tay ngai nghe đánh bốp thêm một cái nữa nói:

- Các khanh không cần nhiều lời! Chuyện của lần này trẫm đã quyết thế này! Mã thống lĩnh, ông còn không mau rời khỏi nơi đây, đi trông coi đại lao, ông phải chắc chắn không để Trịnh thân vương thoát khỏi đại lao, giam giữ trong đó chờ ngày hành hình! Bãi triều!



Khang Hi nói xong đứng bật dậy bước nhanh xuống bậc cấp đi vòng ra phía sau điện Thái Hòa.

- Hoàng thượng khởi giá!

Khang Hi đi nhanh đến độ Ung công công không kịp hô bãi chầu, nháy mắt một cái là bộ long bào của Khang Hi đã biến mất khỏi tấm rèm lụa của điện Thái Hòa.

- Hoàng thượng vạn tuế.

Lòng dạ các quan rối bời như nồi canh hẹ, miễn cưỡng quỳ hô bái lạy.

Tối hôm đó các quan kéo đến tụ tập trong khoảnh sân trước một thư phòng của cung Càn Thanh. Chờ khoảng một canh giờ thì Ung công công ra gọi bọn họ vào yết kiến.

- Chúng thần thỉnh an hoàng thượng.

Khang Hi ngồi sau long án, nhìn Trương Đình Ngọc bằng ánh mắt sắc bén. Khang Hi nhớ lại hồi sáng trong điện Thái Hòa, Trương Đình Ngọc đã phớt lờ đôi mắt chứa đầy lửa bừng bừng của mình, phớt lờ đôi tròng mắt trắng đã nổi đầy gân đỏ của mình nói: “Hoàng thượng à, ngài kinh nghiệm còn non kém lắm, nên khi quyết định chuyện gì, ngài hãy nhất nhất nghe lời chính nghị đại thần.” Khang Hi biết từ xưa tới giờ họ Trương vốn thẳng tính, nhưng sáu chữ “chớ nên tự mình chủ trương” đã thật sự vượt qua khỏi khuôn phép. Khang Hi nhớ tới đây, không dời mắt khỏi Trương Đình Ngọc, chép miệng:

- Các khanh đều là trọng tướng của trẫm, đều là các quân cơ đại thần mà trẫm tin dùng, nhưng đối với chuyện của Trịnh thân vương lần này lại thiên vị quá rồi đó.

Cũng Sách Ngạch Đồ là người đầu tiên bước ra tâu:

- Dạ bẩm hoàng thượng - Sách Ngạch Đồ nói - Thần không nghĩ vậy, thần cho rằng Trịnh thân vương vốn không phải là một người kiêu căng ngạo mạn, chủ quan độc đoán, cố ý làm trái thánh chỉ của hoàng thượng. Bất quá, ngài ấy cũng chỉ vì tình. Hơn nữa khi tiên đế còn tại vị đã từng phong cho ngài thành Kinh Lực đại thần vì ngài có công mang quân chinh phạt Giang Hoa, mạo hiểm tấn công Hà Tiên. Có lần binh mã đạt được thắng lợi nhưng ngài không may trọng thương, gần như mất mạng, vẫn viết thư về kinh thành thông báo tin mừng không báo tin buồn, để an định tinh thần tiên đế. Năm đó nếu thần nhớ không sai tiên đế lâm bệnh tưởng rằng không qua khỏi. Bởi vậy mới nói Trịnh thân vương đích thực là một nhân tài lương tướng. Khẩn mong hoàng thượng xét lại!

Sách Ngạch Đồ tâu xong lui về chỗ. Văn võ bá quan thấy Sách Ngạch Đồ trình bày một cách trôi chảy lưu loát, hợp tình, lý lẽ cao siêu nên chẳng ai có ý thêm thắt điều gì, chỉ chờ nghe Khang Hi đáp trả.

Khang Hi nói:

- Sách khanh nói vậy nghĩa là trách lần này trẫm hồ đồ xử lầm tướng tốt phải chăng? Sau này đối với những người không phụng theo ý chỉ của trẫm, trẫm cũng đều phải vị nể tư tình phải chăng?

Các quan nghe Khang Hi khích bác Sách Ngạch Đồ, từng lời từng lẽ lồng theo sát khí nặng nề, ai nấy chau mày.

Sách Ngạch Đồ chưa trả lời Khang Hi, Trương Đình Ngọc bước ra nói:

- Hoàng thượng, thần cũng chỉ câu nói cũ, đối với sự việc lần này tánh mạng của Trịnh thân vương thật rất quan trọng, có ảnh hưởng đến việc sinh tử quan đầu và quan hệ đến sự an nguy của xã tắc.

Ngạch Nhĩ Thái là người ít nói nhất trong đám quan thần, nay cũng tâu rằng:

-Đúng đó hoàng thượng. Chúng ta hiện thời rất cần Trịnh thân vương vì ngài ấy có bản lĩnh kiên chế biên cương, là dũng tướng tại nơi biên ải, trải dư trăm trận, không bao giờ tỏ ra sợ hãi, nản chí, nhụt tâm. Ngoài ngài ấy ra trong chúng thần thật không còn ai đủ trí tuệ và tiềm năng quyết đấu với quân địch như ngài ấy nữa, cho nên, việc thay đổi chủ tướng thần nghĩ cần phải quyết đoán theo thời.

Mộc Khả Hỷ nói:

-Bao nhiêu năm qua Trịnh thân vương giúp hoàng thượng bình định thiên hạ, cách chức không biết bao nhiêu bọn gian thần, không để bọn tham ô như tam mệnh đại thần phụ chính tại triều nữa. Chỉ bằng bấy nhiêu đó công lao cũng đã đủ để giảm đi tội lỗi của ngài ấy ngày hôm nay rồi.

-Còn nữa - Vương Diệm nói - Hạ thần làm theo lời Trịnh thân vương, sai người tới biên cương kiểm tra hộ khẩu, đo đạc đất đai, điều tra ra nhiều mối tệ về thuế má do đó trong mấy năm qua triều đình còn thu thêm được đến hơn trăm vạn lạng bạc.

Long Khoa Đa nói:

-Thần cũng làm theo lời của Trịnh thân vương, đã lấy được lòng bá tánh bằng cách giảm bớt hơn một ngàn viên quan thuế vô dụng. Tháng Giêng năm ngoái thần đã ra lệnh miễn thu hơn hai trăm vạn lạng bạc thuế thiếu, khiến trăm họ ai cũng đều cảm kích đối với triều ta, và đem hết lòng trung can để phục vụ triều ta.

Ngay cả Mã Tề cũng bỏ mặc tánh mạng con trai mình trong Đông cung, nói:

-Còn nữa hoàng thượng, Trịnh thân vương lại còn dặn dò Tô tướng quân tuyển mộ binh mã, dụng tâm huấn luyện đề phòng chiến chinh, một mặt sai Nhạc tướng quân thống lĩnh đại binh đồn trú tại biên cảnh Mông Cổ nơm nớp đề phòng, mặt khác sai Triệu tướng quân điều động những đoàn quân tinh nhuệ đóng giữ Sơn Hải quan. Trong ba năm qua, binh sĩ Bát kỳ ai nấy đều thấy ngài ấy tận tụy ái quốc như vậy, hết sức kính trọng, noi theo ngài ấy, bọn họ chẳng bao giờ dám làm việc lười nhác hay là sai quấy, lầm lẫn.

Khang Hi chờ các quan nói xong, nhịp nhịp mấy ngón tay trên mặt bàn, chậm rãi nói:

- Ở trong triều các khanh nói còn chưa đủ hay sao? Trẫm nghe mãi những lời của các khanh cũng chán lắm rồi, hồi sáng, các khanh cùng với nghị chánh đại thần, bát vương, lòng vòng cả buổi, mất hết nửa ngày chẳng phải cũng nói những lời này ư? Các khanh không còn lời nào mới mẻ hơn sao?



Khang Hi nói đoạn đứng phắt dậy khỏi ghế.

- Toàn là biện hộ! Trẫm nói cho các khanh biết, các khanh chỉ biện hộ cho Trịnh thân vương, cho rằng hắn là người quan trọng, triều đình không có thì không thể nào trụ được! Đối với tình hình thực tế, rõ ràng hắn đã tự tiện làm trái ý chỉ của trẫm, tự ý bãi binh, không triệt để tiêu diệt bọn phản đảng Hồng Hoa hội, đấy chính là sự thật! Các khanh lại không nhìn thấy điểm đó, toàn viện lí do khuyên trẫm tha cho tội chết, đúng là đối với sự quyết định của trẫm không coi ra gì, chỉ tìm cách cản trở, coi trẫm không ra gì!

Giọng Khang Hi càng nói càng đanh lại, trừng mắt nhìn các quan.

- Chúng thần không dám.

Các quan thấy Khang Hi nổi giận đùng đùng, đồng loạt quỳ nói.

Riêng Sách Ngạch Đồ đổ thêm dầu vô lửa, vừa quỳ vừa nói:

- Nhưng hoàng thượng à, lúc trước khi tiên đế còn sống, chẳng phải đã nhiều lần cùng với toàn thể đại hội nghị chánh vương ca ngợi Trịnh thân vương là người rất đáng tin cậy ư? Chẳng phải khi thái hoàng thái hậu còn sống cũng đã trao cho ngài ấy toàn quyền đưa ra rất nhiều nghị luận ư? Luôn cả việc quyết định và chấp hành quốc sách cũng do một tay ngài ấy quán xuyến, một người có công lao to lớn như thế, không thể nói phế bỏ là phế bỏ được!

Vương Diệm được dịp tiếp lời Sách Ngạch Đồ:

- Đúng rồi đó hoàng thượng, lời của Sách đại nhân chí lý, tiên đế thánh minh, thái hoàng thái hậu thánh minh, xin hoàng thượng học theo!

Trương Đình Ngọc nói:

- Mấy năm trước tam mệnh đại thần đã hà hiếp hoàng thượng, khi đó chỉ một mình Trịnh thân vương đứng ra đòi lại công bằng cho hoàng thượng, đánh dẹp bè đảng của tam mệnh đại thần, lấy lại được giang san!

Sách Ni nói:

- Trịnh thân vương đúng là đã vì hoàng thượng kiến lập rất nhiều chiến công, đó là sự thật không ai chối cãi được, xin hoàng thượng xem xét!

Khang Hi cười nhạt:

- Các khanh nói vậy là sai rồi, tổ tiên của chúng ta có câu “đại Thanh mã thượng,” tất cả những gì mà chúng ta có được hôm nay đều do các dũng sĩ của chúng ta kiêu dũng thiện chiến, hoàn toàn không phải công lao của một người làm ra.

Trương Đình Ngọc định nói gì đó, Khang Hi cắt lời:

-Trẫm cũng câu nói cũ, tội danh trẫm đã quyết định rồi, khỏi cần thương nghị nữa. Đêm cũng đã khuya, trẫm cũng mệt mỏi lắm rồi, chư khanh hãy lui đi!

Sáng ngày hôm sau các quan chờ rất lâu trong điện Thái Hòa nhưng mãi mà không thấy Khang Hi thượng triều.

Chờ thêm một hồi nữa, mọi người thấy Ung công công vén rèm bước ra:

- Các vị đại thần…

Ung công công nói tới đây ngập ngừng, hình như có điều gì khúc mắc làm cho lão băn khoăn, không nói tiếp được.

Sách Ni thấy vậy lấy làm ngạc nhiên liền hỏi Ung công công:

- Hoàng thượng bận chuyện gì à?

Trương Đình Ngọc nói vào tai Sách Ngạch Đồ:

- Bận gì chứ, chủ yếu là không muốn gặp chúng ta thôi!

Ung công công liếc mắt nhìn khắp một lượt hết thảy những người trong điện, rồi nói:

- Nô tài xin được truyền khẩu dụ của hoàng thượng, ngài long thể khiếm an, đành phải gác lại hội nghị của chánh vương đại thần hôm nay. Ngoài ra, hoàng thượng hạ lệnh, nghị chánh vương đại thần và tất cả những người có liên quan tới Trịnh thân vương không được vào đại lao thăm viếng. Khẩu dụ này, ngay lập tức có công hiệu, bãi triều!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Thanh Triều Ngoại Sử Iii

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook