Thất Sơn Truyện

Chương 39: Phần 17: Dạ Xoa Pháp Chú

Monkeyness

25/11/2018

-

Thấy những dòng máu tuôn ra, tôi quay đầu định bỏ chạy nhưng nghe tiếng Thùy: “Không phải máu đâu anh ơi!” Quả vậy, suy nghĩ kỹ mới biết, nếu là máu thì màu đỏ không thể nào tươi như vừa bị cắt ra như vậy, chắc chỉ là thứ nước quỷ dị nào đó thôi. Dòng nước này tuôn không ngừng từ những kẽ gạch của hai bức tường dẫn lên cầu thang, không chạm vào nhưng có cảm giác nhớp nhúa, bốc mùi tanh như cá chết. Ngày xưa có người bạn tôi bị tai nạn xe, tôi có chở nó vào bệnh viện cấp cứu, chính xác thì mùi máu không phải mùi này, tôi tự trách mình, suýt nữa thì hành động thiếu suy nghĩ. Tuy vậy khỏi hỏi cũng biết không ai trong chúng tôi muốn chạm vào thứ nước kia để xem nó chính xác là cái gì, mười phần thì chín phần là họa rồi. Anh Hùng bảo: “Chánh điện khá rộng nên tạm thời chưa có gì phải gấp gáp, nhưng cũng không thể chần chừ được. Anh thấy thế này, hai bên đều có hành lang, dẫn đi đâu thì có gọi hồn ông Ca Lâu Vương về mới biết, cầu thang vẫn chưa ngập nước đỏ, phương án tốt nhất hiện giờ là đi lên, dù gì thì viên ngọc cũng ở tầng tháp cao nhất mà.”

Tôi phóng tầm mắt nhìn sang hai bên, hai dãy hành lang kéo dài như vô tận được thắp sáng bởi vô số ngọn đèn cầy vĩnh cửu, những cây cột to đùng chạm nổi hình chim thần, đầu chim với mõm nhọn hoắt, sắp dọc hành lang trông như một đoàn quân thần điểu đang xếp hàng chuẩn bị ra trận. Anh Hùng dẫn đầu, chúng tôi cũng nép theo sau, sắp thành một hàng đi lên phía trên, tránh né những đường nước màu đỏ đang trào ra ngày càng nhiều, nhìn xuống thì thấy chánh điện dần dần biến thành một màu đỏ thẫm, điệu này chắc khoảng ba mươi phút một tiếng sau là không còn chỗ đứng. Đi gần dòng nước, mùi hôi tanh bốc lên cay cả mắt, chúng tôi vẫn còn đeo cái băng tẩm vỏ ốc mà Tú Linh làm lúc gặp lũ Sâu Đóm, vậy mà cái mùi này vẫn còn rất hanh, thử tưởng tượng bỏ cái “khẩu trang” ra không biết còn thế nào nữa. Phía sau cầu thang là một kiến trúc kiểu mái hiên, hai lá cờ hiệu tôi thấy khi đứng dưới chánh điện hồi nãy được mắc vào hai thanh gỗ cứng cáp nằm song song với hàng rào, trải qua cả ngàn năm nhưng nhìn như mới. Chính giữa mái hiên có một cánh cổng cao chừng ba mét, rộng năm mét, phía trong là một dãy hành lang không sâu, có tổng cộng bốn cánh cổng nhỏ dẫn vào bốn căn phòng, chúng không có cửa, bước vào thì mới biết những phòng này hoàn toàn thông với nhau, cách bày trí hết sức uy nghi và tráng lệ. Kỳ lạ ở chỗ, kiến trúc bên ngoài đều có đèn cầy vĩnh cửu thắp sáng nhưng trong đây thì không, anh Hùng nói Sinh đốt đuốc rồi cả bọn bước vào.

Sinh lia ánh đuốc, tôi thấy phía cuối phòng có một cái bực được xây cao lên, trông như chiếc bàn làm bằng đá nhưng được điêu khắc cực kỳ tỉ mỉ, bên trên trưng tượng bán thân của một người đàn ông đeo mặt nạ chim thần Ca Lâu, chỉ thấy được bộ tóc dài, thân mình vạm vỡ, đôi mắt sắc lạnh, phía sau có vẽ bích họa ông ta đang đứng cạnh mười bảy người đeo mặt nạ chim thần khác, chỉ tay về phía tòa tháp cao nhất của Ca Lâu Thành. Dọc bên lối đi dẫn lên cái bực chính giữa là hai hàng tượng quân lính làm bằng đất với cái mũ chóp nhọn tam giác, bên dưới mặt y phục xà rông phủ đầu gối, tay cầm vũ khí có hình thù giống với cây đinh ba, tất cả đều đeo mặt nạ, mắt trợn, gò má phồng lên với đôi chân mày nhíu chặt, mặt nạ còn được trang trí bằng ria mép phủ lên cái miệng đang cau có. Tôi nghĩ thầm: “Sao giống Ông Địa quá…” Ánh đuốc lia tới đâu thì thấy những bức tượng đeo mặt nạ dõi theo đến đó, cặp mắt lạnh tanh nhưng có cảm giác như họ đang săm soi từng bước chân của cả đoàn khi mà chúng tôi tiến đến cái bực cuối phòng. Đến nơi mới thấy ngoài bức tượng bán thân còn có một mảnh da. Ánh mắt gã Tùng lộ rõ vẻ tò mò, suy cho cùng thì mọi thông tin về Ca Lâu Thành đều xuất phát từ những mảnh da như thế này mà, gã đưa tay nhặt lên xem thì nghe Tú Linh thở cái khịt rồi nói: “Da người đó, thằng thỏ đế như chú mày dám cầm lên chế có lời khen!” Gã Tùng nghe xong liền chầm chậm quay cái đầu lại, mắt gã trợn lên thấy rõ tròng đen tròn trĩnh, tròng trắng thì nổi gân máu đỏ quét, tựa như muốn khóc, gã nhìn xuống mảnh da rồi ném lên không trung, may sao anh Hùng đã bắt gọn, trong lúc hoảng loạn, gã la oai oái rồi trượt chân té, đầu đập vào bức tượng Ông Địa làm nó lung lay, rồi thì một tiếng “Rầm!” vang lên, bức tượng đã bị vỡ!

Cả bọn đứng lùi ra sau vài bước, Sinh chửi thề mấy tiếng rồi nạt nộ, bảo Thùy đỡ gã Tùng dậy, anh Hùng còn thận trọng vòng ra trước mặt cả bọn, dang tay ra che chở. Tôi hỏi: “Sao vậy anh?”

Anh bảo: “Mấy bức tượng ở đây có tuổi đời cực lớn, thêm được bố trí trong căn phòng như thế này, mày đâu suy nghĩ đơn giản được. Dựa vào kiến trúc, thì căn phòng này có thể là…”

Tú Linh chen ngang: “Phòng của Tư Tế.”

“Đúng vậy.”

Tư Tế chính xác là những người thầy cúng của vua, trực tiếp thực hiện những nghi lễ cúng bái, nếu theo ghi chép thì họ còn quảng cả việc bào chế thuốc trường sinh bất tử cho Ca Lâu Vương, binh lính đi theo chắc cũng không phải hạng tầm thường. Tôi lo sợ nhìn xuống bức tượng vỡ, sau khi nghe anh Hùng nói, lỡ bên trong có cả ngàn con rết bò ra thì tôi cũng không bất ngờ mấy. Chúng tôi hồi hộp, đứng chờ đợi điều sắp đến, khoảng vài phút sau vẫn chưa có gì cả thì không khí mới trở nên giãn ra một chút. Anh Hùng ra hiệu cho Sinh rồi cả hai cầm đuốc đến bên bức tượng, cái đầu của nó nằm lăn lóc, như bị chặt ra, mặt nạ Ông Địa tuy vất vưởng trên mặt đất, nhưng cảm giác nó vẫn đang nhìn trừng trừng vào chúng tôi, từ nãy đến giờ chỉ thấy lớp đất bị bong ra, che mất cả, không biết bên trong rỗng hay đặc, ẩn chứa hung hay cát nữa. Anh Hùng ngồi bằng một đầu gối, không quên móc cây rìu chạm khắc rồng phượng, anh dùng cán rìu lùa từng lớp đất, chúng tôi ai nấy đều nín thở đứng phía sau lưng anh, thứ lộ ra bên trong làm tôi một phen thất kinh, là một xác người cụt đầu, bị lột da.

Quái lạ, Ca Lâu Thành hai ngàn năm, nếu có người chết thì cái xác đâu thể nào còn như mới thế này được. Vẻ mặt anh Hùng nhìn Tú Linh cho thấy điều tôi nói hoàn toàn có cơ sở khoa học, nhưng suy đi nghĩ lại thì có lẽ khoa học đã không còn là một bức tường để chúng tôi dựa vào từ lâu rồi. Cái xác cụt đầu không mảnh vải che thân, cả cơ thể, da bị lột ra làm lộ những đường cơ màu đỏ, đường gân màu trắng, trên đó loang lổ vết đâm. Chỗ cần cổ có vết khứa cẩu thả, thịt tuy nhìn không thấy dấu hiệu hoại tử thế nhưng lại trắng phau phau, từng thớ từng thớ xếp chồng lên nhau, chính giữa là đốt sống cổ, cái này thì lại được cắt gọn gàng, như ai đó dùng lực cực mạnh chém phăng cái đầu vậy. Dường như hiểu ra gì đó, anh Hùng soi đuốc xuống phía dưới, anh dừng lại chỗ mắt cá của cái xác, những đường cơ chỗ này có dấu hiệu cho thấy chúng bị buộc lại. Anh lẩm bẩm: “Ngạ Quỷ Nimugga à?”

Tiếng gã Tùng cất lên từ phía sau, vẫn còn run lẩy bẩy: “Anh đừng đùa em chứ…”

Tôi thắc mắc Ngạ Quỷ Nimugga là gì, Tùng ngồi phịch xuống, vò đầu bứt tai như đau khổ lắm, gã gào lên, chắc là áp lực từ đầu chuyến đi đến giờ cộng với sự thật mới nhận ra làm gã sắp nổi điên rồi. Tú Linh thở dài, cô tiến đến bên gã rồi châm hàng chục cây kim lên đầu, xong quay sang bảo Thùy trông chừng, không thôi gã lại làm chuyện gì hại cả đám nữa thì khổ. Vẻ mặt anh Hùng có vẻ trầm ngâm, anh thấy tôi bối rồi liền giải thích nhanh gọn. Cơ bản thì Ngạ Quỷ là loài xếp trên Địa Ngục và Súc Sinh, có hai mươi bốn loại tổng cộng, chúng vốn là người, lúc còn sống làm những điều sai trái khác nhau, khi chết đi sẽ biến thành quỷ. Nimugga là con Ngạ Quỷ thứ mười bảy, kiếp người của nó chuyên đi dâm dục vợ người ta, về nhà còn đè vợ con mình ra đánh đập, trong đầu tồn tại suy nghĩ dâm ô nhưng luôn che dấu thân phận giả bộ làm người lương thiện. Dựa theo truyền thuyết Ca Lâu Vương trừ tà, diệt ma thì có thể kết luận: vị tư tế được trưng tượng trong căn phòng này đã tra tấn những người mang tội dâm dục trong thành bằng cách cho họ leo lên những cây cột sắc có ghim đầy gai trong vòng bảy ngày, đến khi da cứng lại, sau đó lột da, buộc chân, trỏng ngược thân thể, dùng dao khứa xung quanh cần cổ, đợi cho máu chảy sạch hết thì một nhát kiếm chém bay đầu. Máu đó trộn với đất sét rồi đắp lên những cái xác, khiến chúng trở thành loài Ngạ Quỷ, phục tùng cho nhà vua. Khá giống với việc chú Chín Danh nhốt xác những tên đạo sĩ lên Anh Vũ Sơn tu luyện tà ma, nhưng phương thức thì tàn nhẫn hơn nhiều.

Sinh nốc miếng rượu rồi bảo: “Tàn nhẫn gì đại ca ơi, lũ này đi hiếp dâm con gái nhà lành, làm vậy còn hơi nương tay. Em bắt đầu thích ông Ca Lâu Vương này rồi đó!”

Anh Hùng cười nhẹ, không bình luận gì với câu nói của Sinh. Anh đứng lên rồi nói: “Nếu vậy thì xung quanh đây còn mười bảy căn phòng khác nữa, mỗi căn phòng trừng trị những tội khác nhau. Ca Lâu Vương có mười tám vị tư tế, thay mặt ông ta mà hành đạo.” Đoạn, anh nhìn lên bức bích họa rồi hạ giọng: “Giả thuyết là thế… Thôi, không nghĩ nhiều nữa. Tú Linh ơi, chắc phải nhờ em nữa rồi!”



Tú Linh nhận cuộn da trên tay anh Hùng rồi bắt đầu ngồi đọc. Tùng nãy giờ chắc cũng đã bình tĩnh lại, gã gãi đầu, xin tôi vài ngụm nước. Thú thật, lúc nãy mà là tôi, phát hiện được cuộn đó làm bằng da người, chắc cũng giật mình. Tú Linh thì không có chút nao núng, cô cầm cuộn da người đặt trên đùi, săm soi từng chữ mà vẻ mặt lại bình thản vô cùng. Nửa tiếng sau, cô gọi cả đám lại như thường lệ rồi nói: “Cuộn này chi tiết hơn, giọng văn thì có vẻ giống với cuộn trên đảo Bia Mộ, có thể là do Từ Khoái viết…”

Những ngày gần kề thời hạn hết tác dụng của Ngô Công Kim Thân, Ca Lâu Vương Tỳ Khâu Đạt Bà hết sức đau buồn, ông lệnh cho mười tám vị tư tế dừng hết tất cả công việc, tập trung lại, cùng ông nghĩ bước tiếp theo để cứu công chúa, phải trả giá thế nào cũng được. Trong mười tám vị tư tế đó, có một vị tên là Tỳ Giả, tuổi còn trẻ nhưng thông minh, tài giỏi hơn người nên được nhà vua hết sức trọng dụng. Y thương thầm công chúa bấy lâu nay nhưng nhà vua không hề hay biết, bởi vậy, y chính là kẻ đau buồn nhất khi công chúa lâm vào tình cảnh như hiện giờ. Sau cuối một buổi họp căng thẳng nhưng chưa nghĩ ra được cách gì, lúc này cũng đã tối, Ca Lâu Vương thấy cả thảy mười tám người tùy tùng của ông ai nấy đều đã mệt nên cho lui, riêng ông thì về phòng thăm con gái mình, nhưng chỉ nhận lại sự lạnh nhạt. Lúc đóng cửa đi ra thì thấy Tỳ Giả đã đứng sau lưng, y thật ra cũng muốn đến thăm công chúa, Tỳ Giả hành lễ, nhà vua thấy vị tư tế trẻ tuổi ở chốn này không khỏi giật mình nhưng vẫn làm ra vẻ bình thản, ông hỏi y đến đây làm gì. Tỳ Giả nói dối, thưa rằng y lo cho Ca Lâu Vương, thấy vua ngài đã khuya mà chưa đi ngủ nên cố tình đi theo. Đoạn nêu nhã ý cũng muốn vào xem tình hình công chúa như thế nào, Tỳ Khâu Đạt Bà nghe xong cũng không mảy may nghi ngờ, mở cửa cho Tỳ Giả vào trong rồi đứng đợi, tuy vậy ông hết sức bối rối khi thấy lúc Tỳ Giả đi ra lại lấy tay che mặt, nhanh chóng cúi đầu rồi biến mất sau hành lang.

Về sau, nếu không có ghi chép cũng không ai biết được sự thật, là sau đêm hôm đó, Tỳ Giả động viên mười bảy vị tư tế còn lại, họ không ăn không ngủ, ngày đêm nghiên cứu kinh văn, thư tịch, tìm mọi cách để cứu công chúa, cuối cùng cũng tìm ra cách. Hôm đó, sau buổi thiết triều, Ca Lâu Vương thấy mười tám vị tư tế đi vào, họ quỳ xuống rồi thưa lên phương thức vừa tìm được: thay pháp bảo. Nhà vua sau khi nghe xong thì trở nên căng thẳng tột độ, hỏi về lý do tại sau mười tám vị tư tế của mình lại quỳ gối như thế. Họ đồng thanh trả lời rằng hai mươi pháp bảo mà vị Quốc vương ngày xưa đặt vào đã hết tác dụng, chịu không nổi áp lực quỷ dị từ quỷ hồn của công chúa, đang dần thoái hóa, nếu không sớm thay thế, e là không lâu sau sẽ hư hoại, lúc ấy dù có thần Ca Lâu La gánh đỡ cũng không tránh khỏi họa vong quốc. Tuy nhiên, nay lại tìm ra cách dùng pháp bảo là người thật, chỉ cần có người chịu làm, vừa có thể dùng dương khí duy trì thành không sụp đổ, vừa có thể chế áp quỷ hồn công chúa, dần dần đưa cô quay trở lại làm người. Nhà vua nghe đến đó thì trầm ngâm, biết tìm người ở đâu bây giờ, tức thì mười tám vị này dập đầu, đồng thanh tâu lên rằng: “Hãy để hạ thần đảm nhận trọng trách đó!” Nhà vua hết sức kinh ngạc, không ngờ họ nguyện hy sinh tính mạng để trở thành pháp bảo thay thế, ngàn năm trấn thành cứu lấy công chúa, cứu lấy Ca Lâu Thành, chết cũng không hối tiếc.

Chúng tôi nghe xong ai nấy đều bàng hoàng, không ngờ hai mươi tòa tháp của Ca Lâu Thành thì mười tám trong số đó đã là mười tám mạng người. Tinh thần của những người tư tế đó thật sự làm tôi cảm thấy thán phục. Anh Hùng nói: “Vậy thì có thể phần nào xác định là có mười tám pháp bảo, vậy mà tổng cộng tới hai mươi tòa tháp, khả năng tòa tháp trong Ca Lâu Thành này chính là để xác của công chúa, trái tim vẫn còn quấn Ngô Công Kim Thân, nhờ mấy người tư tế hy sinh áp chế quỷ khí mà đến giờ vẫn còn Thái Dương. Tòa tháp còn lại để xác của Ca Lâu Vương.”

Tôi hỏi: “Giờ sao nữa anh?”

Anh nói: “Đi tiếp thôi, phải tìm đường lên trên mà.”

Chúng tôi ra khỏi khu vực Ngạ Quỷ Nimugga, đất bị vỡ ra bao trùm lên cái xác không đầu, tôi nhìn lại mà khẽ rợn người. Len lỏi khá lâu, leo lên những bậc thang, chúng tôi cuối cùng đến một căn phòng còn to hơn cả cái khi nãy chúng tôi đi qua. Căn phòng này tạo cho chúng tôi một cảm giác âm u rợn người khó tả, dĩ nhiên khỏi phải nói thì vai tôi vẫn còn nhói nhói, chắc là do dư âm lúc nãy. Tôi đang quan sát xung quanh bỗng nghe giọng Thùy: “Mọi người nhìn xem, trên tường có gì nè”, tôi lập tức quay qua thì suýt giật mình lùi ra mấy bước. Dãy tượng người bằng đất xếp ngay ngắn, y phục giống như tượng đeo mặt nạ Ông Địa ở dưới, cắt quãng một chỗ chừng sáu mét, ở đó vẽ hình một quái vật tóc dài, thân thể cao to, mặt đen, nanh nhọn, hai đầu, bốn tay, bốn chân đang cầm bốn loại khí giới, trông dũng mãnh nhưng rất ma quái. Bức tranh diễn tả “nó” đang chiến đấu với cả một đội quân bao vây xung quanh, người chết dưới chân như rạ, trên đầu là biểu tượng Ca Lâu La dang cánh, xung quanh chim thần là mười tám bóng đen tựa hồ như đang trợ lực cho con quái vật kia tàn sát mọi thứ. Bức tranh này đã nằm ở đây gần hai ngàn năm nhưng trông vẫn rõ nét, mọi thứ vẫn còn sạch sẽ đến đáng ngờ, giống như có ai đó lau chùi nó hàng ngày vậy. Lạ là những người lính như được đắp nổi, kích cỡ tương đương người thật, hết sức chi tiết và sinh động, chẳng biết có ướp xác bên trong như ở dưới không?

Gã Tùng nhìn bức bích họa một lúc rồi nói: “Nhìn phục sức và cách vẽ tóc, tay, có thể cho rằng hình tượng con quỷ trong tranh này là một nữ giới, có địa vị cao quý.”Tú Linh nghe vậy liền nói: “Công chúa Ca Lâu Thành?”

Anh Hùng tỏ ra đồng ý với suy nghĩ đó, anh nói: “Liên hệ tới lời nguyền của dòng họ đế vương Ca Lâu Thành thì bức tranh này chắc mô tả trạng thái quỷ hóa của công chúa, còn quỷ hóa kiểu gì mà ra hai đầu bốn tay thế thì anh thua.”

Thùy thêm vào: “Theo em thấy, người xưa khi ghi chép hoặc vẽ tranh bích họa ít nhiều thường phóng đại lên, với lại chuyện kể lúc nãy cũng có nói là mười tám vị tư tế đã hy sinh tính mạng để trấn yểm quỷ hồn của cô ta lại mà, có thể trạng thái hai đầu bốn tay kia ý nói cô ta là hai người chứ không phải một.” Tôi nghe xong thì gật đầu đồng ý.

Dưới ánh sáng mờ ảo hắt ra từ mấy cây đuốc, cả đám người chúng tôi như bị chìm đắm vào bức tranh, cảm giác như tay chân con quỷ trong đó vẫn còn cử động, vung kiếm và giáo ngang dọc, ánh mắt đầy căm hận muốn ăn tươi nuốt sống những người lính nọ. Bỗng tôi bị thu hút bởi một chi tiết khá khó hiểu bèn nói với mọi người: “Nhìn chỗ tay xem, nó có cảm giác như vẽ rời ra vậy.”

Tùng quan sát thật kỹ chỗ tôi chỉ đến, gã ta gật đầu: “Đúng là vậy thật, dù gì Ca Lâu Thành cũng có xuất xứ từ Đế quốc Kushan, các bức tranh từ thời Kushan không có cách vẽ cắt khúc ra như thế này, dù là quỷ thần hay Phật ngàn tay ngàn mắt thì đều được thể hiện chi tiết và liền mạch, ý của bức tranh này nói gì khi vẽ hai tay hai chân kia như rời ra?”

Tôi nghĩ vu vơ, nói: “Con quỷ này được may thêm tay chân vào chắc?”

Bức bích họa miêu tả nhiều tình tiết liên quan, anh Hùng cho rằng cứ tiếp tục tìm kiếm, thêm thông tin về Ca Lâu Thành thì càng tốt thôi. Còn một chi tiết đó là mười tám cái bóng đen phía trên, nếu đúng là mười tám vị tư tế hy sinh thân mình làm pháp bảo trấn thành nghe cũng đúng, nhưng vị trí vẽ họ trong bức tranh này lại giống như họ đang giúp sức cho con quỷ khổng lồ.



Đang tập trung nhìn bức tranh bỗng lưng tôi lạnh ngắt đi khi nghe một âm thanh ma quái, giống như một người bị ngộp nước khi ngoi lên cố gắng hít một hơi thật sâu, nó vang lên từ hàng tượng đất sau lưng tôi. Có lẽ không chỉ mình tôi nghe được âm thanh đó mà những người còn lại cũng vậy. Không ai nói ai, cả bọn đều quay ra sau. Ánh đuốc chập chờn soi những hàng tượng đeo mặt nạ Ông Địa đang đứng im. Xung quanh trở lại không gian im ắng lạ thường, khắp người tôi đã đổ mồ hôi lạnh, vai nhói lên cho thấy nguy hiểm gần kề, tôi quay sang ra dấu với anh Hùng nên đi tiếp, té khỏi chỗ này càng nhanh càng tốt. Anh Hùng khỏi cần tôi nói có lẽ cũng đã cảm nhận được mùi nguy hiểm đang dâng lên, ra dấu cho cả bọn di chuyển, anh đi trước rồi đến Tú Linh và Thùy, tôi với Tùng đi sau, Sinh chốt đoàn, vừa đi ngang khỏi bức tranh, tôi nghe có tiếng lộp bộp, quay ra sau nhìn thì thấy bức tranh bị tróc một mảng, rơi ra cục đất to cỡ lòng bàn tay. Căn phòng đang rất im ắng cho nên dù tiếng con muỗi đập cánh cũng nghe rõ mồn một, cục đất rơi xuống như cây đinh đóng vào tai chúng tôi. Cả bọn quay lại nhìn bức tranh đầy dè chừng, thấy có vài chỗ phù điêu đắp hình quân lính cũng có thêm vài miếng đất rơi ra. Anh Hùng tiến đến gần, lấy tay gõ nhẹ vào chỗ đắp nổi, thấy nó làm bằng đất sét, tác động vào là nứt vỡ, để lộ bên trong là thứ gì đó nhớp nhúa màu đen bốc mùi hôi thối.

Như một suy nghĩ thoáng chốc, Thùy nói: “Không hiểu sao những bức tượng nhồi xác này làm em liên tưởng tới đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng.” Nghe xong, tôi bất giác nhìn ra xung quanh, cảnh tượng trong lăng Tần Vương có lẽ cũng na ná thế này mà thôi: những bức tượng đeo mặt nạ xếp ngay ngắn, có rất nhiều hàng phía sau mà tôi không tài nào đoán được chúng kéo dài đến đâu.

Tùng bảo: “Chuyện vua chúa khi chết đem quân đội làm vật tùy táng nghe qua rất nhiều, nhưng công phu đến độ chặt đầu lột da người ta ra rồi đắp đất lên thì có lẽ chỉ ở Ca Lâu Thành này có mà thôi.”

Anh Hùng nói những kẻ ở đây là những tử tù, phải chịu hình phạt lột da, trở thành đội cận vệ của Ca Lâu Vương ở thế giới bên kia, chứ ở quy mô nhỏ như Ca Lâu Thành mà có đến cả trăm, cả ngàn lính tuẫn táng theo thế này thì quả thật có hơi khó tưởng tượng. Đám chúng tôi không ai bảo ai, khi thấy thứ đen đen bên trong bức bích họa thì đều liên tưởng đến những bức tượng cụt đầu lúc nãy, có thể tấm phù điêu bích họa này là những con người thật được đắp đất sét lên rồi tô vẽ. Nghĩ đến cảnh chặt đầu người, lột da rồi đắp đất sét lên, gắn một cái đầu giả thì lại thấy sởn cả gai ốc, anh Hùng tiện tay gỡ đất thêm ra để xem có đúng vậy không thì một bàn tay lòi xương còn dính những thứ nhầy nhụa màu đen hiện ra. Tôi nghĩ trong đầu, nếu như những người này là cận vệ của Ca Lâu Vương ở thế giới bên kia, thì hẳn đội quân miễu biết hát bằng đất nung này phải rất ghê gớm. Lúc này, từ những chỗ đắp nổi, cứ mỗi một miếng đất rơi xuống thì bên trong lại rỉ ra một chất lỏng màu đen, chỗ nứt ngày càng nhiều, chỉ một loáng, cả bức tranh đã đầy những đường thẳng màu đen chảy dài xuống.

Đinh ninh mười phần thì đủ mười sắp gặp miễu biết hát, Sinh lên tiếng: “Nó chứ còn gì nữa, tránh voi chẳng xấu mặt nào, anh em rút lẹ đi, chần chừ gì nữa!” Thằng Sinh vừa dứt lời, âm thanh quỷ dị lúc nãy lại vang lên. Anh Hùng dẫn đầu, mọi người theo sau nhanh chóng tiến về trước. Cảm giác đi kế bên những hàng tượng đất sét nhồi người thật bên trong phải nói ám ảnh vô cùng, những cặp mắt lồi, cái miệng mếu xuống, đôi mắt trợn trừng trên gò má phúng phính, có cảm giác cứ sau mỗi bước chạy qua một cái tượng, những cái mặt nạ không đầu đều quay sang nhìn theo, nhờ có ánh sáng của đuốc mà những cái mặt nạ này trông sống động như thật. Đang chạy bỗng Tùng kêu lên, chúng tôi quay sang nhìn theo hướng gã đang chỉ: giữa hàng tượng đất xếp ngay ngắn, có một cái không nằm trong hàng, nó đứng quay lưng lại với chúng tôi, cách hàng tượng chừng một hai bước chân. Thú thật mặc dù lúc ấy chỉ muốn chạy nhanh khỏi chỗ này nhưng bản tính tò mò của chúng tôi lại trỗi dậy, ai cũng đều chậm lại để xem hướng ấy có gì không.

Từ chỗ chúng tôi đến bức tượng đó cách chừng tám mét, với khoảng cách như vậy ánh đuốc không thể nào soi rõ được, cứ mờ mờ ảo ảo làm tôi có cảm giác cái tay của bức tượng đang cử động. Bỗng một trận âm phong xộc tới, như một điềm báo của miễu biết hát, chúng tôi nghe tiếng rên “hờ hờ” vang lên, cái đầu bức tượng quay lưng bỗng như bị ai đó bẻ đột ngột ngay đốt sống thắt lưng, gập cả thân người phía trên xuống, nhìn chòng chọc vào chúng tôi. Ngọn đuốc như sáng hơn, soi rõ con mắt lồi ra và cái miệng vốn đã rộng nay còn ngoác tới mang tai, răng nanh lởm chởm. Tức thì, như một cơn bão ập đến, tiếng đất rơi vỡ đồng loạt vang lên tứ phía. Từ bức bích họa, những cái xác đen cụt đầu nhớp nhúa rơi ra và giống hệt những con rối, tay chân chúng cứ như có ai đó đang điều khiển, co quắp lại, bò tới phía bọn tôi như những con thằn lằn. Lúc này tình huống hết sức khẩn cấp, cả bọn đành nghĩ ba mươi sáu kế, chạy vẫn là hay nhất, chẳng dại gì mà dây dưa với đám miễu biết hát này làm gì. Đất sét trên thân các bức tượng còn lại cũng nứt toác, rơi vỡ nghe như một trận lở đá, ầm ầm tưởng sát bên tai. Mỗi bức tượng vỡ ra thì bên trong một cái xác cụt đầu ngã oạch ra đất rồi cũng như những bọn rơi ra từ phù điêu, chúng bò như điên về phía bọn tôi bằng tư thế vặn vẹo khó coi, khác ở chỗ những cái xác không đầu trên phù điêu có màu đen, bọn trong tượng đất sét thì thịt vẫn còn tươi mới.

Anh Hùng bảo phải tăng tốc, anh đã thấy hành lang dẫn lên trên, còn chừng trăm mét nữa nên chúng tôi dồn hết sức bình sinh mà chạy. Phía sau vẫn là những cơn sóng xác cụt đầu đánh tới, chúng bò đầy khắp nơi, leo cả lên tường, cột, trần nhà. Tú Linh vừa chạy vừa nói: “Mẹ nó, thằng cha Ca Lâu Vương này ghê thật, hẳn căn phòng này như bức tường phòng vệ cho ổng ở thế giới bên kia, nhưng nếu pháp lực ông ta mà điều khiển được cả đội quân như thế này, không sợ chuyện diệt quỷ của ổng là bịa, chỉ sợ chuyện ổng làm quỷ thật, khi đó lấy ngọc rết trở ra được thì đúng là khó hơn lên trời!”

Lúc này, Sinh đang chốt đoàn chửi thề gì đó, đoạn nó cởi áo ra, giắt vào thắt lưng, rồi nó hét lên với anh Hùng: “Anh dẫn mọi người chạy lên trước đi, em chốt cái cửa này lại cho!” Anh Hùng vừa nghe thấy vậy liền hiểu ra nó định làm gì, vội kêu Tú Linh dẫn đầu, tôi đi cuối, anh rút mọi người vào cửa rồi cũng lôi thằng Sinh đến gần, nói: “Mày làm được chưa?”

Sinh đứng dang tay ra, mặt điềm tĩnh bảo: “Em mới thử một lần thôi, nhưng lần đó chưa bộc phát toàn chú, lần này thử mới biết!”

Anh Hùng gật đầu, nói: “Mày làm đi, anh hỗ trợ!”

Nói xong, anh quay sang bảo Tú Linh dẫn chúng tôi lên trước, nhưng đời nào Tú Linh làm vậy được, mặc dù cô chưa hiểu Sinh định thi triển thứ gì nhưng nghe Hùng bảo lên trước thì xem như bỏ ngoài tai, lấy túi kim ra sẵn sàng. Thùy và Tùng chỉ còn mong chờ vào tôi, tôi nghĩ thầm Thiên Hổ khi có khi không nhưng vẫn bắt hai ngón tay, sẵn sàng vuốt lên trán, hai người thấy vậy liền đứng nép vào. Anh Hùng nhìn Sinh, nó gật đầu, anh cũng bắt ấn Đại Hắc Thiên, bước đầu tạo ra áp lực cản bước những cái xác gần bò đến, khiến chúng bò thối lui lại. Lúc này, Sinh gồng tay, khom người xuống lầm bầm thứ gì đó mà tôi nghe Tú Linh thốt lên: “Tiếng Phạn… Không lẽ thằng này tính khai Dạ Xoa Tàn Diệt Chú?”

Tôi soi ánh đuốc lên hình xăm Dạ Xoa trên lưng thằng Sinh, nó phập phồng như muốn bò ra, cái miệng trên hình trông như đang nhe nanh, thè lưỡi, liếm một vòng quanh lưng rồi khi thằng Sinh hét lớn lên một tiếng: “Khai!”

Tức thì từ lưng nó, một bóng đen lan ra khắp nơi, nuốt trọn mọi thứ, kể cả đám xác cụt đầu giờ đã bò đến sát bên.

-

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Thất Sơn Truyện

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook