Thiên Long Bát Bộ (Bản Mới)

Chương 58: Trùng Ngãi Ngưng Hàn Chưởng Tác Băng (2)

Kim Dung

11/07/2017

Ngoài điện nắng hè dường đổ lửa,

Trong nhà lạnh buốt nước thành băng.

Trùng lạ xem chừng chưa đáng sợ,

Dẫu độc sao bằng dạ sói lang.

*

* *

Y đứng nấp ở sau đống lửa, nép người lại để nếu con mãng xà phóng

tới cắn mình thì sẽ lập tức co giò chạy thoát thân, cái danh đại anh

hùng, đại hiệp sĩ cũng chẳng màng chi nữa.

Trăn quả nhiên sợ lửa, thấy lửa lem lém ở bên cạnh lập tức đang

quấn người liền lỏng ra, chui vào trong cỏ. Du Thản Chi thấy đốt lửa kiến

hiệu, trong tiếng hoan hô của phái Tinh Tú, cầm hết que củi này đến que

củi khác vứt ra. Những con rắn lập tức lúc nhúc bỏ chạy, đến những con

trăn lớn dài mấy trượng cũng không chịu nổi lửa nóng đành thả người ra

chạy mất. Chỉ trong giây lát, mấy trăm con rắn và trăn đã đi hết sạch.

Các đệ tử phái Tinh Tú lớn tiếng ca tụng:

- Minh kiến của sư phụ quả xa vạn dặm, thật là thần cơ diệu toán,

dùng hỏa công linh nghiệm biết bao.

- Sư phụ hồng phúc tề thiên, phùng hung hóa cát.

- Mọi việc đều do sư phụ tính toán mới cứu được cái mạng kiến của

chúng con.

Bao nhiêu lời ca tụng toàn là nhắm vào công đức của sư tôn Tinh Tú

Lão Quái, còn công lao đốt lửa đuổi rắn của Du Thản Chi chẳng ai nhắc

đến một câu. Du Thản Chi đứng ngơ ngẩn như trời trồng, hơi lấy làm lạ,

nghĩ thầm: Mới đây cả bọn chúng bay còn chửi sư phụ không tiếc lời,

bây giờ lại tán tụng tận mây xanh, cái tiếng đại anh hùng, đại hiệp sĩ

của ta nay thành thằng nhãi này, ấy là vì cớ gì?.

Đinh Xuân Thu vẫy tay nói:

- Thằng đầu sắt kia, lại đây, tên ngươi là gì?

Du Thản Chi bị người ta khinh khi đã quen, thấy đối phương vô lễ,

cũng chẳng để bụng nói:

- Tôi tên Du Thản Chi.

Nói xong đi tới mấy bước. Đinh Xuân Thu hỏi:

- Mấy tên ăn mày kia đã chết chưa? Ngươi thử lại sờ mũi y xem có

còn thở không nào?

Du Thản Chi đáp:

- Vâng!

Y cúi xuống sờ mũi một tên đệ tử Cái Bang, thấy tay chạm vào lạnh

ngắt, gã đó chết từ lâu rồi. Y lại thăm một gã khác thì cũng đã tắt thở bèn

nói:

- Chết cả rồi, không còn thở tí nào cả.

Chỉ thấy bọn đệ tử phái Tinh Tú mặt mày hớn hở đứa nào đứa nấy ra

chiều hạnh tai lạc họa16. Y không hiểu vì sao, lại nhắc lại lần nữa:

- Chết cả rồi, không còn thở tí nào cả.

Những gã kia khuôn mặt đang nhăn nhở ra chiều diễu cợt bỗng nhiên

biến mất, từ từ chuyển sang lạ lùng, rồi trở thành kinh hãi. Đinh Xuân

Thu nói:

- Mỗi tên ăn mày ngươi thử dò xem có đứa nào còn cứu được không?

Du Thản Chi đáp:

- Vâng!

Y bèn thăm dò hết lượt hơn chục tên ăn mày rồi lắc đầu:

- Người nào cũng chết cả rồi. Công lực của lão tiên sinh ghê gớm

thật.

Đinh Xuân Thu cười khẩy:

- Công phu kháng độc của ngươi còn ghê gớm hơn nhiều.

Du Thản Chi lạ lùng hỏi:

- Tôi...cái gì... công phu kháng độc của tôi ư?

Y hoang mang không hiểu ý tứ câu nói của Đinh Xuân Thu ra sao,

cũng chẳng biết rằng mỗi lần mình thò tay xem hơi thở của người trong

Cái Bang là một lần đến quỉ môn quan, sờ thử hơn mười người, là trải qua

hơn mười lần chết đi sống lại. Y nào có biết được rằng, Tinh Tú Lão Quái

bị trăn quấn không sao thoát thân được tất cả đều do tiểu tử này cứu

mạng, nếu như truyền ra trên giang hồ thì chẳng còn mặt mũi nào, thành

thử khi rắn trăn đi khỏi rồi lập tức nảy ra ý định giết y để bịt miệng.

Ngờ đâu trong mấy tháng qua Du Thản Chi tập luyện liên tục nên độc

chất của con băng tàm đã dung hợp trong cơ thể, những gì Đinh Xuân Thu

thổi vào xác những tên đệ tử Cái Bang kia không làm gì y nổi.

Đinh Xuân Thu nghĩ thầm: Cứ nhìn da tay và nghe giọng nói của gã

này thì xem ra còn trẻ lắm, chắc không có bản lãnh gì chân thực đâu, có

lẽ trên người y có chất gì kỵ độc như hùng hoàng châu, tịch tà kỳ hương

chẳng hạn, hay đã uống sẵn thuốc giải nên không bị chất độc xâm nhập.

Y liền nói:

- Du huynh đệ, ngươi lại đây, ta có chuyện muốn nói.

Du Thản Chi thấy y nói ra vẻ thành khẩn nhưng đã từng chứng kiến

thủ đoạn giết bọn Cái Bang thật là tàn độc, thầy trò y khi thì nịnh bợ tâng

bốc, lúc lại chửi bới nhục mạ lẫn nhau, biết hạng người này thật khó mà

đối phó, chi bằng kính nhi viễn chi là hơn bèn đáp:

- Tiểu nhân đang có chuyện cần, không thể phụng bồi, xin cáo từ.

Nói xong chắp tay chào, quay mình đi thẳng. Y mới đi được mấy

bước, đột nhiên thấy bên cạnh người có hơi một chút gió, hai cổ tay ghịt

lại thì ra đã bị nắm chặt. Du Thản Chi quay đầu nhìn, thấy người nắm tay

mình chính là một đệ tử phái Tinh Tú. Y không hiểu đối phương có dụng

ý gì nhưng thấy mặt y nở một nụ cười nham hiểm, xem ra không có hảo

ý, trong lòng kinh hãi kêu lên:

- Bỏ ta ra!

Y giằng mạnh một cái, bỗng thấy có vật gì bay vụt ngang đầu, một

thân hình to lớn từ sau lưng nhảy qua người y, bình một tiếng, giáng mạnh

vào vách đá trước mặt, đầu vỡ tan, nát ngướu thành một cục bầy nhầy.

Du Thản Chi thấy gã đó đụng mạnh như thế, không sao tin nổi, còn

đang ngạc nhiên, nhìn kỹ lại hóa ra chính là gã vừa nắm tay mình, càng

thêm kỳ quái: Gã này đang khỏe mạnh như thường, sao tự nhiên lại lao

đầu vào đá tự tử ? Không lẽ hóa điên chăng?. Y có ngờ đâu chính là vì

mình giãy một cái, một luồng kình lực đưa ra ném gã kia vào trong núi.

Quần đệ tử phái Tinh Tú ai nấy sợ hãi kêu lên, mặt mày biến sắc.

Đinh Xuân Thu thấy y ra tay quật chết đệ tử mình, thủ pháp thật là

vụng về quờ quạng, không phải công phu thượng thừa, chỉ vì sức lực

mạnh lạ lùng mà ra, nghĩ thầm người này trời cho thần lực, võ công lại

tầm thường, lập tức nhún mình một cái, giơ tay chộp vào đầu y. Du Thản

Chi không kịp đề phòng lập tức bị đè đến quì xuống đất, bèn chõi lên

định đứng dậy, nhưng đầu tưởng như đang đội một khối đá vạn cân,

không cách nào động đậy gì được vội vàng van xin:

- Xin lão tiên sinh tha cho.

Đinh Xuân Thu thấy y mở miệng xin tha nên cũng yên tâm hỏi lại:

- Sư phụ ngươi là ai? Sao ngươi dám to gan, giết đệ tử của ta?

Du Thản Chi đáp:

- Tôi... tôi không có sư phụ. Tiểu nhân chẳng bao giờ dám giết đệ tử

của lão tiên sinh.

Đinh Xuân Thu nghĩ bụng chẳng cần nhiều lời với y làm gì, giết

người diệt khẩu cho được việc, nên buông tay ra đợi Du Thản Chi vừa

đứng lên liền múa chưởng đánh vào ngực y. Du Thản Chi kinh hãi vội

vàng đưa tay gạt ra. Thế đánh của Đinh Xuân Thu thật chậm, Du Thản

Chi vừa đưa tay ra đụng ngay phải chưởng tâm của lão. Đinh Xuân Thu

vốn đã tính trước, chất độc trong người theo nội kình lòng bàn tay tống ra,

chính là công phu Hóa Công Đại Pháp thành danh mấy chục năm qua,

trong chưởng hoặc chứa kịch độc, hoặc hóa tán nội lực kẻ địch trong

khoảnh khắc, kẻ thì chết ngay tại chỗ, có kẻ đau đớn quằn quại mấy

tháng mới chết toàn do ý muốn thi triển khác nhau.

Trong đời Đinh Xuân Thu đã từng dùng pháp môn này giết không

biết bao nhiêu người, võ lâm nghe đến Hóa Công Đại Pháp ai ai cũng

căm hận chán ghét, sợ đến bủn rủn cả tay chân. Bắc Minh Thần Công

của Đoàn Dự hút nội lực người khác lấy làm của mình, khác hẳn với Hóa

Công Đại Pháp dùng chất kịch độc hóa tán nội công người khác, nhưng

người bị trúng phải thấy mình trong giây lát tiêu tán hết nội lực, chưa một

ai có kinh nghiệm của cả hai nên đều hiểu lầm. Đinh Xuân Thu thấy gã

đầu sắt sờ mũi hơn chục tử thi Cái Bang mà vẫn không trúng độc nên lập

tức thi triển bản lãnh tối đắc ý của lão ra.

Hai người song chưởng chạm nhau, thân hình Du Thản Chi lảo đảo,

lịch bịch lùi luôn sáu bảy bước, định gượng dậy nhưng cũng phải ngồi

phệt xuống, vậy mà dư lực vẫn còn đẩy y ngã ngửa, đầu va xuống đất,

lộn tùng phèo ba bốn vòng mới ngừng lại được. Y vội vàng liên tiếp khấu

đầu van xin:

- Lão tiên sinh tha mạng! Lão tiên sinh tha mạng!

Đinh Xuân Thu hai tay đụng với y thấy Du Thản Chi nội lực hùng

mạnh, kình đạo âm hàn, thật là quái dị, lại có ngầm chứa chất cực độc,

tuy bị mình đẩy ngã lăn chòng chọc thật là thê thảm, nhưng nếu so sánh

nội lực và độc kình thì không kém gì mình, vậy mà lại van xin cầu tha

mạng? Không lẽ y thực sự không biết? Lão liền tiến lên hỏi lại:

- Ngươi cầu xin ta tha mạng, đó là thực lòng hay là giả ý?

Du Thản Chi vẫn một mực rập đầu van lạy:

- Tiểu nhân một lòng thành thực, cầu xin lão tiên sinh tha mạng cho

tiểu nhân.

Đinh Xuân Thu nghĩ thầm: Gã này không biết dùng cách gì, gặp

được cơ duyên làm sao mà chất độc tích trong người còn hơn cả ta, quả là

một kỳ bảo. Ta phải tìm cách tóm lấy gã dò xem pháp môn luyện công ra

sao sau đó hút hết chất độc trong người y, lúc đó mới xử tử. Còn nếu chỉ

giết y đi thì thật uổng quá!. Ông ta giơ chưởng ấn xuống đầu Du Thản

Chi, hơi vận nội lực nói:

- Trừ phi ngươi bái ta làm thầy, nếu không ta làm sao tha mạng cho

ngươi được?

Du Thản Chi thấy chiếc lồng sắt trên đầu như bị đút vào lò lửa, nóng

đến mặt hừng hực, trong bụng hết sức sợ hãi. Y từ khi bị A Tử hành hạ

dày vò trở nên bảo sao nghe vậy, chẳng còn phân biệt thiện ác thị phi,

bao nhiêu cốt khí cứng cỏi ương ngạnh mất sạch, chỉ sao được bảo toàn

tính mạng nên lật đật nói:

- Sư phụ, đệ tử Du Thản Chi cam nguyện gia nhập môn hạ của sư

phụ, xin lão nhân gia thu nạp cho.

Đinh Xuân Thu mừng lắm, thản nhiên nói:

- Ngươi muốn bái ta làm thầy thì cũng được. Thế nhưng qui củ bản

môn thật nhiều, ngươi có tuân thủ được không? Ví thử sư phụ bảo làm gì,

ngươi có thành tâm thành ý làm hết lòng, quyết không vi kháng chăng?

Du Thản Chi đáp:

- Đệ tử nguyện tuân thủ qui củ, phục tòng mệnh lệnh của sư tôn.

Đinh Xuân Thu hỏi thêm:

- Nếu sư phụ muốn lấy mạng ngươi, ngươi có cam tâm tình nguyện

chịu chết không?

Du Thản Chi ấp úng:

- Cái đó... cái đó...

Đinh Xuân Thu nói:

- Ngươi nghĩ cho chín, cam tâm thì là cam tâm, không bằng lòng thì

nói không bằng lòng.

Du Thản Chi nghĩ thầm: Nếu ông muốn lấy mạng tôi thì dĩ nhiên

không cam tâm rồi. Nếu tới lúc đó trốn được là mình trốn ngay, còn như

chạy không xong thì dù không cam tâm cũng đành vậy chứ biết sao hơn.

Y bèn nói:

- Đệ tử cam tâm chịu chết vì sư phụ.

Đinh Xuân Thu cười ha hả nói:

- Hay lắm, hay lắm! Ngươi đem tất cả mọi chuyện trong đời nói hết

cho ta nghe.

Du Thản Chi không muốn nói rõ hết cho ông ta nghe thân thế và

những gặp gỡ trong đời, chỉ nói mình là con nhà nông bị người Liêu bắt

trong một kỳ đi gặt, đội cho y một cái lồng sắt. Đinh Xuân Thu hỏi y

độc chất vì đâu mà có, Du Thản Chi chỉ thổ lộ vì sao thấy con băng tàm

và nhà sư Tuệ Tịnh, ăn cắp con tằm ra sao rồi nói láo là sơ ý nên bị con

băng tàm trong hồ lô cắn vào tay khiến cho toàn thân đông cứng, còn con

tằm thì chết, còn chuyện A Tử tu luyện độc chưởng y bỏ qua không đề

cập tới.

Đinh Xuân Thu hỏi kỹ lưỡng hình dáng và tình trạng con băng tàm,

trên mặt không khỏi lộ vẻ thèm thuồng thán phục. Du Thản Chi nghĩ

thầm: Nếu ta nói đến cuốn sách ướt hiện hình lên y thể nào cũng cướp

mất không trả lại đâu. Đinh Xuân Thu lại gặng hỏi công phu cổ quái y

luyện thế nào nhưng y nhất quyết không hé răng.

Đinh Xuân Thu vốn dĩ đâu có biết đó là công phu Dịch Cân Kinh thấy

võ công y hết sức kém cỏi lại tưởng vì y luyện được nội kình âm hàn

hoàn toàn chỉ do con băng tàm mà có, trong bụng không khỏi chửi thầm:

Loại thần vật như thế mà lại bị tên tiểu tử này thần xui quỉ khiến làm

sao hút được vào người, thật uổng quá. Y suy nghĩ một chút bèn hỏi

thêm:

- Thế nhà sư mập bắt được con tằm đó, ngươi bảo là nghe người khác

gọi là Tuệ Tịnh ư? Là sư chùa Thiếu Lâm, chấp tác nơi chùa Mẫn Trung

ở Nam Kinh?

Du Thản Chi đáp:

- Quả đúng thế.

Đinh Xuân Thu nói:

- Gã Tuệ Tịnh đó bảo là bắt được con băng tàm ở trên đỉnh núi Côn

Lôn. Thế thì tốt lắm, ở đó đã có một con thì hẳn sẽ có hai con, ba con. Có

điều núi Côn Lôn vuông vức mấy nghìn dặm, nếu không phải người thuộc

đường đưa đi thì không phải dễ gì mà bắt được.

Lão đã đích thân nếm mùi linh nghiệm của con băng tàm, tính ra so

với Thần Mộc Vương Đỉnh còn quí hơn nhiều, thấy chuyện cần kíp trước

mắt phải làm sao ép được nhà sư Tuệ Tịnh dẫn đường đi lên núi Côn Lôn

bắt con trùng quí. Hòa thượng đó thuộc phái Thiếu Lâm, vốn cũng khó

mà động tới được, nay lại ở Nam Kinh thế thì may quá. Sau đó Du Thản

Chi làm lễ bái sư gia nhập phái Tinh Tú.

Bọn đệ tử phái Tinh Tú thấy sư phụ có chiều thương mến y cho nên

lập tức xúm lại ninh bợ, tán tụng không tiếc lời. Mới rồi cả bọn chửi bới

Tinh Tú Lão Quái, phản nghịch hàng địch nhưng lúc này Đinh Xuân Thu

đang cần người nên giả bộ làm như không nhớ đến, vả lại những chuyện

đó thì y cũng đã biết thừa nên không thấy bực tức chút nào.

Đoàn người liền chuyển qua đi về hướng đông bắc. Du Thản Chi đi

sau Đinh Xuân Thu thấy lão tay áo rộng phất phới, bộ pháp nhẹ nhàng

thật chẳng khác gì thần tiên, trong lòng tự nhiên sinh kính ngưỡng: Ta

bái một vị tài ba thế này làm sư phụ, quả đúng là kiếp trước khéo tu.

Người phái Tinh Tú đi ba ngày liền, đến xế trưa hôm đó, cả bọn ở lại

một tòa lương đình ở bên đường uống nước nghỉ ngơi, bỗng nghe phía sau

có tiếng vó ngựa, bốn kỵ sĩ từ phía đường bên kia chạy tới. Bốn con ngựa

đó chạy tới gần căn nhà mát, người đầu tiên kêu lên:

- Đại ca, nhị ca, trong đây có nước, mình ghé lại uống vài bát cho

ngựa nghỉ một chút.

Y vừa nói vừa nhảy xuống ngựa, đi vào lương đình, ba người còn lại

cũng hạ mã. Bốn người đó thấy bọn Đinh Xuân Thu, hơi gật đầu chào, đi

đến bên chum nước, cầm bát lên múc nước uống. Du Thản Chi thấy người

đi đầu mặc áo đen, bé nhỏ gầy gò, trên mép để hai chòm râu đuôi chuột

vẻ mặt ranh mãnh. Người thứ hai mặc áo bào màu hoàng thổ, cao lỏng

khỏng, hai lông mày xuôi xuống, vẻ mặt cáu kỉnh trông như người ốm dở.

Người thứ ba mặc trường bào màu đỏ cánh kiến, thân hình cao lớn, tai to

mặt vuông, dưới cằm là một bộ râu hoa râm khá rậm trông chẳng khác gì

một phú thương. Người sau cùng mặc áo xanh khăn áo theo vẻ nho sinh,

chừng trên dưới năm mươi, đôi mắt lờ đờ dường như vì đọc sách nhiều

quá nên cập kèm, không uống nước mà cầm chiếc hồ lô lên tu rượu ừng

ực.

Cũng vừa khi đó, từ phía đường trước mặt, một nhà sư xăng xái đi tới,

đến trước lương đình, chắp hai tay cung kính nói:

- Chúng vị thí chủ, tiểu tăng đi đường khát nước, xin được vào trong

đình nghỉ ngơi, uống bát nước.

Người áo đen cười đáp:

- Sư phụ chẳng phải đa lễ, ở đây ai cũng là người qua đường, tòa nhà

mát này có phải chúng tôi dựng lên đâu, xin mời vào nghỉ.

Nhà sư đáp:

- A Di Đà Phật, xin đa tạ.

Nói xong ông ta đi vào trong lương đình. Nhà sư đó tuổi chừng hai

mươi nhăm, hai mươi sáu, mắt to mày rậm, mũi to nhưng tẹt, mặt mày

không lấy gì làm đẹp trai, tăng bào tuy vá nhiều chỗ nhưng sạch sẽ. Y đợi

ba người kia uống xong lúc đó mới đến gần chum nước, dùng bát múc, hai

tay nâng lên, đôi mắt khép lại, cung kính đọc một bài kệ:

Phật quan nhất bát thủy

Bát vạn tứ thiên trùng

Nhược bất trì thử chú

Như thực chúng sinh nhục.

Ở trong lòng bát nước kia,

Phật trông thấy tám muôn tư côn trùng.

Chú này chưa tụng cho xong,

Khác gì ăn thịt một vùng chúng sinh.

Rồi y niệm:

- Am phọc thái ba la ma ni sa ha.

Niệm xong y mới bưng bát nước lên để vào miệng uống. Gã áo đen

lấy làm lạ bèn hỏi:

- Tiểu sư phụ, chú xí xa xí xố niệm chú gì đó?

Nhà sư đáp:

- Tiểu tăng niệm đó là ẩm thủy chú. Phật dạy rằng trong mỗi bát

nước đều có tám vạn bốn ngàn loại côn trùng, người xuất gia giới sát

thành ra phải niệm ẩm thủy chú xong lúc đó mới uống được.

Người áo đen cười sằng sặc nói:

- Nước trong veo, đến một con trùng cũng không có, tiểu sư phụ chỉ

giỏi nói đùa.

Nhà sư nghiêm trang đáp:

- Thí chủ có chỗ không biết. Chúng ta là bọn phàm phu nhìn vào thì

trong nước không có côn trùng nhưng đức Phật nhìn bằng thiên nhãn, thấy

trong nước tiểu trùng hàng nghìn hàng vạn con.

Người áo đen cười hỏi lại:

- Thế chú niệm ẩm thủy chú rồi uống tám vạn bốn nghìn con trùng

kia vào bụng thì tiểu trùng không chết hay sao?

Nhà sư trù trừ rồi đáp:

- Cái... cái đó... sư phụ tiểu tăng chưa dạy. Có lẽ tiểu trùng không

chết đâu.

Người áo vàng chen vào:

- Sai bét rồi, không phải vậy! Tiểu trùng cũng vẫn chết chứ. Có điều

tiểu sư phụ niệm chú rồi, tám vạn bốn nghìn con trùng kia đi thẳng lên

tây phương cực lạc thế giới, tiểu sư phụ uống một bát nước ấy là siêu độ

cho tám vạn bốn nghìn chúng sinh. Công đức thật là vô lượng! Quả thật là

vô lượng!

Nhà sư kia không biết y nói thật hay nói đùa, hai tay vẫn cầm bát

nước đứng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, mồm lẩm bẩm:

- Một lần siêu độ tám vạn bốn ngàn chúng sinh ư? Tiểu tăng làm sao

có pháp lực to lớn dường ấy?

Người áo vàng đi đến bên cạnh nhà sư, cầm lấy bát nước trong tay y,

nhìn chăm chăm miệng đếm:

- Một, hai, ba, bốn, năm, sáu... một nghìn, hai nghìn, một vạn, hai

vạn... Sai bét rồi, không phải vậy! Tiểu sư phụ ơi ơi, trong cái bát này có

cả thảy tám vạn ba nghìn chín trăm chín mươi chín con tiểu trùng, thiếu

đâu mất một con.

Nhà sư nói:

- Nam Mô A Di Đà Phật, thí chủ chắc nói đùa, thí chủ là người phàm

làm sao có thần thông thiên nhãn được?

Người áo vàng đáp:

- Thế chú có thần thông thiên nhãn không?

Nhà sư đáp:

- Tiểu tăng dĩ nhiên cũng không có.

Người áo vàng nói:

- Sai bét rồi, không phải vậy! Ta xem chú có thiên nhãn thông, nếu

không làm sao chú chỉ mới nhìn thoáng qua đã biết ngay ta là kẻ phàm

phu tục tử mà không phải là bồ tát giáng trần?

Nhà sư nhìn y, nhìn tới nhìn lui đầy vẻ hoang mang. Đại hán mặc áo

màu cánh kiến liền đi tới cầm lấy bát nước, trả lại cho nhà sư cười nói:

- Sư phụ uống nước đi! Thằng em tôi đùa chơi với chú đấy mà, đừng

có coi là thật.

Nhà sư tiếp lấy bát nước cực kỳ cung kính đáp:

- Đa tạ! Đa tạ!

Trong bụng không biết phải làm sao nên không dám uống. Đại hán

kia lại tiếp:

- Ta xem tiểu sư phụ đi đứng nhanh nhẹn chắc biết võ công. Xin hỏi

pháp danh là gì, đang xuất gia tại chùa nào?

Nhà sư liền để bát nước trên nắp chum, hơi khom lưng nói:

- Tiểu tăng là Hư Trúc, xuất gia tại chùa Thiếu Lâm.

Người áo đen kêu lên:

- Hay quá! Hay quá! Hóa ra chú là cao thủ chùa Thiếu Lâm. Ra đây,

ra đây mau! Hai đứa mình làm thử một keo nào.

Hư Trúc cuống quít xua tay nói:

- Tiểu tăng võ công kém cỏi, làm sao dám động thủ cùng thí chủ?

Người áo đen cười:

- Mấy hôm nay không đánh nhau, ngứa tay ngứa chân quá. Chúng

mình làm vài chiêu, không cần đánh thật, có gì đâu mà sợ?

Hư Trúc lùi lại hai bước nói:

- Tiểu tăng tuy có luyện võ mấy năm thật nhưng chỉ cốt để cho thân

thể khỏe mạnh chứ nào có đánh nhau được đâu?

Người áo đen nói:

- Sư chùa Thiếu Lâm ai cũng võ công cao cường, người mới học đâu

có ai được ra khỏi sơn môn. Tiểu sư phụ đã được hạ sơn hẳn là phải nhất

lưu cao thủ. Lại đây nào! Hai đứa mình chỉ trao đổi một trăm chiêu, ai

thua ai được cũng chẳng sao cả.

Hư Trúc lại thoái lui thêm hai bước nữa nói:

- Thí chủ không biết, phen này tiểu tăng xuống núi chẳng phải vì võ

công đã đủ, chỉ vì nhà chùa sai rất đông đệ tử đi đưa thư, thiếu người nên

miễn cưỡng khiến luôn cả tiểu tăng cho đủ số. Tiểu tăng cầm cả thảy

mười trương anh hùng thiếp, sư phụ dặn kỹ là đưa đủ mười cái thiếp xong



là phải về chùa ngay, giá nào cũng không được động võ với ai, hiện nay

đã đưa được bốn lá thiếp rồi, trong người còn sáu cái. Thí chủ võ công

cao cường, vậy xin nhận một trương anh hùng thiếp.

Nói xong lấy trong túi ra một chiếc bao bằng vải dầu, mở lấy ra một

phong bì đỏ chói, cung kính đưa lên nói:

- Xin hỏi cao tính đại danh của thí chủ để tiểu tăng khi về chùa bẩm

lại với sư phụ.

Hán tử áo đen không cầm tờ thiếp chỉ nói:

- Nếu như ngươi không đánh nhau với ta thì ta còn anh hùng cẩu

hùng gì nữa? Hai đứa mình sách giải vài chiêu, ta có thắng ngươi lúc đó

mới dám nhận anh hùng thiếp.

Nói xong y tiến lên hai bước, nhứ tay trái, tay phải đấm luôn vào mặt

Hư Trúc nhưng quyền sắp đến đã thu lại kêu lên:

- Trả đòn mau.

Người cao to từ khi thấy Hư Trúc nói đến ba chữ anh hùng thiếp thì

đã chú ý lắng tai nghe lúc này lên tiếng:

- Tứ đệ, không nên tỉ võ vội, trước hết xem anh hùng thiếp xem nói

những gì.

Y cầm lấy lá thiếp từ tay Hư Trúc thấy trên đó viết:

Trụ trì chùa Thiếu Lâm Huyền Từ, chắp tay cung thỉnh anh hùng

thiên hạ, vào giai tiết Trùng Dương mồng chín tháng chín, xin vui lòng

đến Tung Sơn Thiếu Lâm Tự để kết mối thiện duyên, đồng thời chứng

kiến phong phạm dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân của nhà Mộ Dung Cô

Tô.

Đại hán đó liền kêu lên một tiếng, cầm tờ thiếp giao cho nho sinh

đứng bên cạnh, nói với Hư Trúc:

- Phái Thiếu Lâm chiêu khai anh hùng đại hội, hóa ra là để gây

chuyện với Mộ Dung Cô Tô...

Hán tử áo đen liền la to:

- Hay lắm! Hay lắm! Ta tên là Nhất Trận Phong Phong Ba Ác, chính

là thủ hạ của họ Mộ Dung Cô Tô đây. Phái Thiếu Lâm muốn làm khó

Mộ Dung Cô Tô thì chẳng việc gì phải mở anh hùng đại hội, ngay bây

giờ ta xin lãnh giáo thân thủ cao chiêu của phái Thiếu Lâm.

Hư Trúc lại lùi thêm hai bước, chân trái đã bước ra khỏi lương đình

nói:

- Thì ra là Phong thí chủ. Sư phụ tiểu tăng có dặn là, tệ tự cung thỉnh

Cô Tô Mộ Dung thí chủ đến chùa, quyết không dám đắc tội. Có điều là

trên giang hồ ai ai cũng xầm xì, trong võ lâm những năm gần đây không

ít anh hùng hảo hán bỏ mình vì thần công dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân

của nhà Mộ Dung Cô Tô. Sư bá tổ của tiểu tăng là Huyền Bi đại sư viên

tịch tại chùa Thân Giới nước Đại Lý, không biết có liên can gì với họ Mộ

Dung không, tệ phái từ phương trượng đại sư giở xuống, ai ai cũng nghi

hoặc, thành ra mới...

Người áo đen liền ngắt lời:

- Chuyện đó vốn dĩ chẳng liên quan gì đến nhà Cô Tô Mộ Dung

chúng ta cả, thế nhưng chúng ta nói các ngươi nào có ai chịu tin đâu, nếu

như nói chuyện không xong thì chỉ còn nước quyền cước phân hơn thiệt.

Ví như thế, hai người mình hôm nay đánh nhau một trận, cũng như trước

khi diễn trò thì đánh phèng la chiêng trống, sắp vào vở tuồng thì nói lối

mấy câu giáo đầu, có thế mới vui. Còn đến tiết Trùng Dương mồng chín

tháng chín, Phong mỗ sẽ đến chùa Thiếu Lâm, từ dưới đánh lên, không

sót một mống, thế mới thống khoái. Có điều chỉ đánh được chừng mười

bảy mười tám mạng là Phong mỗ khắp người thương tích, không còn đánh

tiếp được nữa, muốn giao thủ với Huyền Từ lão phương trượng, chắc là

không thể nào có cơ duyên. Tiếc quá! Tiếc quá!

Y vừa nói vừa xắn tay áo dường như muốn xông lên động thủ. Hán tử

to cao nói:

- Tứ đệ, hãy khoan đã, nói năng cho minh bạch rồi đánh cũng chưa

muộn.

Người áo vàng chặn lại:

- Sai bét rồi, không phải vậy! Nói cho minh bạch xong thì đâu cần

đánh nữa. Tứ đệ, cơ hội tốt chớ để mất, nếu muốn đánh nhau thì chớ có

nói cho minh bạch.

Người đàn ông to cao kia không nhìn nhõi gì đến y quay sang nói với

Hư Trúc:

- Tại hạ là Đặng Bách Xuyên còn người này là nhị đệ Công Dã Can.

Y vừa nói vừa chỉ vào người nho sinh, rồi chỉ vào người áo vàng:

- Còn đây là tam đệ Bao Bất Đồng, chúng tôi đều là thủ hạ của Mộ

Dung công tử.

Hư Trúc liền chắp tay chào bốn người miệng nói:

- Đặng thí chủ, Công thí chủ...

Bao Bất Đồng chen vào:

- Sai bét rồi, không phải vậy! Nhị ca ta họ kép là Công Dã, ngươi lại

gọi Công thí chủ, thật sai hết chỗ nói.

Hư Trúc vội nói:

- Xin lỗi! Xin lỗi! Tiểu tăng chẳng có học vấn, xin Công Dã thí chủ

đừng trách. Bao thí chủ...

Bao Bất Đồng lại chặn ngang:

- Nhà ngươi lại cũng sai nữa rồi. Ta tuy họ Bao thật nhưng xưa nay

đã từng bố thí cho sư cho vãi bao giờ đâu, không thể nào gọi ta là Bao thí

chủ được.

Hư Trúc lật đật nói:

- Dạ! Dạ! Bao tam gia, Phong tứ gia.

Bao Bất Đồng liền đáp:

- Ngươi lại sai rồi! Phong tứ đệ của ta muốn cùng người giao đấu,

không kể ai ăn ai thua thì ngươi cũng một phen thêm lịch duyệt, võ công

ắt là trường tiến, thế chẳng phải đã bố thí cho ngươi hay sao?

Hư Trúc vội đáp:

- Vâng! Vâng! Phong thí chủ, có điều là tiểu tăng nhất quyết không

đánh nhau. Người xuất gia tu hành là gốc, học võ chỉ là ngọn, võ công

trường tiến hay không, cũng không quan hệ gì lắm.

Phong Ba Ác thở dài:

- Ngươi coi võ học xem thường như thế, võ công chắc cũng tầm

thường, thôi trận này chẳng cần đấu nữa.

Nói xong lắc đầu quầy quậy ra chiều thất vọng. Hư Trúc chẳng khác

gì trút được gánh nặng trên vai, mặt mày tươi rói nói:

- Phải lắm! Phải lắm!

Đặng Bách Xuyên nói:

- Hư Trúc sư phụ, cánh thiếp anh hùng này, chúng tôi đại diện công

tử nhận. Công tử chúng tôi mấy tháng trước đây đã từng đến bái phỏng

quí tự, không lẽ chưa tới nơi hay sao?

Hư Trúc đáp:

- Chưa thấy đến. Phương trượng đại sư vẫn mong Mộ Dung công tử

đến thăm nhưng đợi lâu quá mà không thấy, đã từng hai lần phái người

đến quí phủ bái phỏng, nghe tin Mộ Dung lão thí chủ qui tây, thiếu thí

chủ ra ngoài. Phương trượng đại sư lần này nhờ thủ tọa Đạt Ma Viện đến

tận tôn phủ ở Tô Châu đưa thư, lại sợ Mộ Dung thiếu thí chủ không có

nhà nên gửi anh hùng thiếp đến đông đảo đồng đạo giang hồ, những điều

thất lễ xin nhờ bốn vị bẩm lại Mộ Dung công tử cho minh bạch. Sang

năm Mộ Dung thí chủ giá lâm tệ tự, phương trượng đại sư sẽ đích thân tạ

tội sau.

Đặng Bách Xuyên nói:

- Tiểu sư phụ không phải khách sáo quá. Kỳ hội còn đến hơn nửa

năm, tới lúc đó công tử chúng tôi thể nào cũng đến thăm quí tự, bái kiến

phương trượng đại sư.

Hư Trúc chắp tay khom lưng chào nói:

- Mộ Dung công tử cùng các vị giá lâm Thiếu Lâm Tự, phương

trượng đại sư chúng tôi cực kỳ hoan nghênh. Hai chữ bái kiến thật

không dám nhận.

Phong Ba Ác thấy y cực kỳ chấp nê, không có chút gì khẳng khái hào

sảng của võ lâm, tuy cũng là nhà sư đấy nhưng thật chẳng có vẻ gì là

hòa thượng chùa Thiếu Lâm danh tiếng trên đời, trong lòng không lấy

gì làm vui lắm, chẳng ngó ngàng gì đến y nữa, quay sang xem xét bọn

Đinh Xuân Thu. Y thấy quần đệ tử phái Tinh Tú tay cầm binh khí, hiển

nhiên cũng là người trong võ lâm, liền tìm xem có người nào xứng đáng

là đối thủ để mời ra đánh nhau một trận.

Du Thản Chi từ khi thấy bốn người này đi vào lương đình, lập tức nấp

vào đằng sau sư phụ. Đinh Xuân Thu thân thể cao to, che khuất y nên bọn

bốn người Đặng Bách Xuyên không nhìn thấy cái đầu sắt quái dị. Phong

Ba Ác thấy Đinh Xuân Thu đồng nhan hạc phát, tiên phong đạo cốt, trông

ra vẻ thế ngoại cao nhân, trong bụng không khỏi có chiều kính ngưỡng,

thành thử chưa dám ngang nhiên tiến lên khiêu chiến liền hỏi:

- Vị lão tiền bối kia xin hỏi cao tính đại danh là gì?

Đinh Xuân Thu mỉm cười đáp:

- Ta họ Đinh.

Vừa lúc đó Hư Trúc bỗng kêu lên một tiếng nói:

- Sư thúc tổ lão nhân gia cũng đã đến rồi.

Phong Ba Ác quay đầu lại thấy trên đường cái bảy tám hòa thượng đi

tới, đi đầu là hai vị lão tăng, còn lại có hai người khiêng một chiếc cáng,

trên đó có người nằm. Hư Trúc vội vã đi ra khỏi lương đình, hành lễ với

hai nhà sư già rồi bẩm lại lai lịch của bốn người Đặng Bách Xuyên.

Nhà sư phía bên phải gật đầu, đi vào trong đình tiến đến chào bọn

Đặng Bách Xuyên rồi nói:

- Lão nạp là Huyền Nạn.

Ông chỉ về nhà sư già kia nói:

- Còn đây là sư đệ của lão nạp Huyền Thống may mắn được gặp bốn

vị đại hiền của Cô Tô Mộ Dung Trang.

Bọn Đặng Bách Xuyên từng nghe danh Huyền Nạn từ lâu, thấy ông

mặt dăn deo nhưng đôi mắt thần quang thăm thẳm, vội vàng trả lễ. Phong

Ba Ác nói:

- Đại sư phụ là thủ tọa Đạt Ma Viện của chùa Thiếu Lâm, nghe nói

thần công ghê gớm lắm, hôm nay xin được lãnh giáo.

Huyền Nạn mỉm cười đáp:

- Lão nạp và Huyền Thống sư đệ phụng pháp dụ của phương trượng

đến phủ Mộ Dung thí chủ tại Giang Nam cung trình thiếp mời, đây là lần

thứ ba chùa chúng tôi sai người đến Yến Tử Ổ. Thế nhưng may sao ngay

tại đây được cùng quí vị giải cấu tương phùng, duyên pháp quả là không

nhỏ.

Nói xong từ trong túi lấy ra một thiếp mời màu đỏ. Đặng Bách Xuyên

hai tay cầm lấy thấy trên bao thư có viết:

Cung trình Mộ Dung thí chủ ở Yến Tử Ổ đất Cô Tô

Bằng chữ lớn, liệu chừng bên trong thiếp cũng giống như cái thiếp Hư

Trúc vừa đưa cho bèn nói:

- Hai vị đại sư phụ là cao tăng đại đức của chùa Thiếu Lâm, vọng

trọng trong võ lâm mà phải thân lao đại giá đến tệ trang, quả thực Mộ

Dung Cô Tô được nở mày nở mặt quá. Mới đây vị Hư Trúc tiểu sư phụ

cũng đã đưa cho một danh thiếp anh hùng, chúng tôi đã nhận rồi, nhất

định thể nào cũng bẩm lại bề trên. Đến giai tiết Trùng Dương mồng chín

tháng chín, tệ thượng là Mộ Dung công tử thể nào cũng lên chùa lễ Phật,

đích thân cảm tạ các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm rồi trước mặt anh hùng

thiên hạ, nói rõ các chuyện hiểu lầm.

Huyền Nạn nghĩ thầm: Ngươi bảo các chuyện hiểu lầm, hóa ra

Huyền Bi sư huynh không phải do nhà Mộ Dung Cô Tô các ngươi giết

chết hay sao?. Bỗng nghe ở sau có tiếng người kêu lên:

- A, sư phụ, chính y đó!

Huyền Nạn nghiêng đầu nhìn qua, thấy một người hình thù kỳ quái

chỉ vào chiếc cáng, ghé tai một ông lão tóc bạc thì thầm. Du Thản Chi nói

với Đinh Xuân Thu:

- Gã sư mập nằm trên cáng kia chính là người bắt được con băng

tàm, không biết vì sao lại bị phái Thiếu Lâm bắt.

Đinh Xuân Thu nghe nói nhà sư đó là nguyên chủ của con băng tàm,

vui sướng không đâu cho hết, hỏi nhỏ:

- Ngươi không nhìn lầm người chứ?

Du Thản Chi đáp:

- Không đâu, tên y là Tuệ Tịnh. Sư phụ thử xem, cái bụng tròn quay

của y phồng lên thế kia.

Đinh Xuân Thu thấy bụng Tuệ Tịnh còn to hơn đàn bà chửa sắp đẻ,

nghĩ thầm một hòa thượng mập như thế, dù ai gặp y một lần thì suốt đời

không quên, bèn quay sang nói với Huyền Nạn:

- Đại sư phụ, vị hòa thượng Tuệ Tịnh kia có quen với ta, y bị bệnh gì

chăng?

Huyền Nạn chắp tay đáp:

- Cao tính đại danh thí chủ là chi? Không biết nguyên do nào mà lại

biết sư điệt của lão nạp?

Đinh Xuân Thu nghĩ thầm: Gã Tuệ Tịnh kia lại đi cùng với các hòa

thượng Thiếu Lâm, quả thực là phiền. Cũng may gặp ngay trên đường đi,

chặn lại cướp lấy thật dễ hơn vào trong chùa Thiếu Lâm mà bắt, mà lại

dễ dàng hơn nhiều. Y nghĩ đến sự linh dị thần hiệu của con băng tàm,

ngực không khỏi nóng hôi hổi nói:

- Tại hạ là Đinh Xuân Thu.

Ba tiếng Đinh Xuân Thu vừa ra khỏi cửa miệng, Huyền Nạn,

Huyền Thống, Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can, Bao Bất Đồng, Phong

Ba Ác sáu người không hẹn mà cùng kinh ngạc kêu lên một tiếng, mặt ai

nấy đều hơi biến sắc. Ác danh Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu vang

dậy thiên hạ, ai ngờ lại gặp nơi đây trông khí độ ung dung, phong thái

tiêu sái đến thế. Sáu người ai nấy lập tức đều có ý phòng bị.

Thế nhưng chỉ trong một nháy mắt Huyền Nạn đã bình tĩnh lại ngay

nói:

- Thì ra là Đinh lão tiên sinh của Tinh Tú Hải. Đã ngưỡng mộ đại

danh từ lâu, quả thực như sấm rền bên tai.

Những câu khách sáo như may mắn thay được gặp ông không nhắc

đến, nghĩ thầm: Người nào gặp phải ngươi đúng là kiếp trước vụng tu.

Đinh Xuân Thu nói:

- Không dám, môn Tụ Lý Càn Khôn của thủ tọa Đạt Ma Viện chùa

Thiếu Lâm nổi danh thiên hạ, lão phu cũng từng ngưỡng mộ lâu rồi. Vị

Tuệ Tịnh sư phụ này, ta đang muốn đi tìm đây, bây giờ gặp được nơi đây

thật là hay quá, hay thật là hay.

Huyền Nạn hơi nhíu mày nói:

- Nói ra quả thật xấu hổ, gã sư điệt Tuệ Tịnh của lão nạp đây, chỉ vì

bổn tự thiếu giáo huấn nên phạm nhiều thanh quy giới luật, hơn một năm

trước trốn ra khỏi chùa, làm nhiều điều ác. Phương trượng sư huynh của

tệ tự sai người đi khắp nơi tìm kiếm, chẳng dễ gì kiếm được y, bắt đem về

chùa. Đinh lão tiên sinh đã từng gặp y rồi ư?

Đinh Xuân Thu đáp:

- Thì ra không phải y bị bệnh mà là bị người ta đả thương, thương thế

có nặng lắm không?

Huyền Nạn không trả lời, một hồi sau mới nói:

- Y không tuân theo pháp dụ của phương trượng, ngược lại còn ra tay

đánh người nữa.

Ông nghĩ thầm: Y kết giao với những loại tà ma ngoại đạo như

ngươi, lại phá thêm một đại giới nữa. Đinh Xuân Thu nói:

- Tại hạ ở núi Côn Lôn, tốn biết bao nhiêu tâm huyết mới bắt được

một con băng tàm, là một loại cực kỳ hữu dụng, ngờ đâu lại bị gã Tuệ

Tịnh sư điệt của đại sư ăn cắp mất. Tại hạ vạn lý xa xôi từ biển Tinh Tú

tới Trung Nguyên, chẳng qua cũng chỉ để lấy lại con băng tàm...

Y nói chưa dứt lời, Tuệ Tịnh đã kêu lên:

- Con băng tàm ư? Này, có phải ngươi trông thấy con băng tàm? Con

tằm đó ta khổ sở mới kiếm thấy được trong núi Côn Lôn... ngươi... ngươi

ăn trộm của ta phải không?

Từ khi Du Thản Chi tiến ra thì thầm, Phong Ba Ác chăm chăm nhìn

cái lồng trên đầu y, mắt láo liên, những gì Huyền Nạn, Đinh Xuân Thu

và nhà sư Tuệ Tịnh đối đáp y hoàn toàn không nghe gì cả. Y đi vòng

quanh Du Thản Chi mấy bận, thấy cái mặt nạ đúc thật khít khao, cứ đeo

mãi trên đầu không bỏ xuống, toan đưa tay ra ra gõ thử, lại coi thêm một

lát mới hỏi:

- Này bồ, khỏe chứ?

Du Thản Chi ấp úng:

- Tôi... tôi khỏe.

Y thấy Phong Ba Ác lúc nào cũng lanh chanh, tay chân không yên,

trong bụng cũng khiếp. Phong Ba Ác lại hỏi:

- Cái mặt nạ của bồ làm sao đúc được vậy? Tôi đi khắp nơi nhưng

chưa bao giờ thấy cái mặt nạ nào như vầy.

Du Thản Chi cực kỳ ngượng ngập, cúi đầu xuống nói:

- Hèm, tôi... tôi bị người ta ép buộc, không... không làm sao được.

Phong Ba Ác nghe y nói thấy thật đáng thương, giận dữ hỏi dồn:

- Sao có người chơi trò gì ác ôn vậy? Họ Phong muốn biết là đứa

nào.

Nói xong y liếc mắt nhìn Đinh Xuân Thu, cho rằng đây là công trình

của lão già này. Du Thản Chi vội kêu:

- Không... không phải sư phụ tôi đâu.

Phong Ba Ác lại nói:

- Ai đời con người ta đang yên lành, nay đem nhốt trong cái mặt nạ

bằng sắt là sao? Lại đây, để ta tháo ra cho ngươi.

Y vừa nói vừa rút trong ống giày ra một con dao găm sáng quắc, đủ

biết cực kỳ sắc bén toan gỡ cái lồng sắt ra. Du Thản Chi biết rằng chiếc

mặt nạ này đã dính liền vào mặt mũi và sau đầu y, nếu cố tháo đi thì có

thể chết được vội vàng nói:

- Không, không tháo được đâu.

Phong Ba Ác đáp:

- Nhà ngươi chớ có sợ, thanh chủy thủ của ta gọt sắt như bùn, để ta

cắt cái mặt nạ, quyết không tổn thương thịt da đâu.

Du Thản Chi kêu lên:

- Không, không được.

Phong Ba Ác nói:

- Ngươi sợ người đội cho ngươi cái mũ sắt này, phải không nào? Kỳ

tới gặp lại y cứ nói là ta đây Nhất Trận Phong Phong Ba Ác tháo cho

ngươi đó, ngươi bị ta ép buộc nếu muốn gì cứ bảo ác nhân đó đi kiếm ta

là xong.

Y nói rồi liền chộp cổ tay Du Thản Chi. Du Thản Chi thấy con dao

găm trong tay y hàn quang lấp loáng, sợ quá quay đầu lại nhìn Đinh Xuân

Thu cầu cứu, kêu lên:

- Sư phụ, sư phụ!

Đinh Xuân Thu đứng ở bên cạnh chiếc cáng, đang khoái trá nhìn Tuệ

Tịnh, tiếng kêu của Du Thản Chi không nghe thấy. Phong Ba Ác giơ

chiếc dao lên toan cắt xuống chiếc mặt nạ. Du Thản Chi quýnh quáng,

tay phải đẩy đối phương ra nghe bịch một tiếng trúng ngay vai trái Phong

Ba Ác.

Phong Ba Ác đang hết sức chú tâm vào việc cắt chiếc mũ sắt, sợ lỡ

tay cắt không chuẩn, chạm vào mặt y, có ngờ đâu bất thần bị đánh một

chưởng. Thế đánh của chưởng đó vốn dĩ cực kỳ tầm thường, Phong Ba Ác

chỉ hự lên một tiếng, ngã sấp mặt xuống. Tay trái y chống xuống đất, đẩy

một cái nhảy vọt lên, ọe một tiếng thổ ra một ngụm máu tươi.

Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can, Bao Bất Đồng ba người thấy Du

Thản Chi đột nhiên hạ độc thủ khiến người em kết nghĩa của mình bị hố

to, mặt trắng bệch, ba người không khỏi lo âu. Công Dã Can vội đưa tay

bắt mạch, thấy mạch dồn dập, xem chừng có dấu hiệu trúng độc liền chỉ

mặt Du Thản Chi mắng:

- Hảo tiểu tử, môn nhân Tinh Tú Lão Quái lấy oán báo đức, vừa ra

tay đã giở thủ đoạn tàn độc hại người.

Y vội lấy trong bọc ra một cái bình nhỏ, mở nắp đổ ra một viên thuốc

giải độc nhét vào mồm Phong Ba Ác còn Đặng Bách Xuyên và Bao Bất

Đồng cùng lạng người xông ra chặn Đinh Xuân Thu và Du Thản Chi. Bao

Bất Đồng ám vận nội kình vào tay trái, năm ngón tay thành trảo toan

chộp vào ngực gã đầu sắt. Đặng Bách Xuyên kêu lên:

- Tam đệ ngừng tay.

Bao Bất Đồng rụt tay lại không đánh ra, đưa mắt nhìn đại ca, Đặng

Bách Xuyên nói:

- Chúng ta nhà Mộ Dung và phái Tinh Tú không thù không oán, tứ

đệ chỉ vì long tốt muốn giúp y tháo cái mặt nạ ra, sao người của phái Tinh

Tú lại ra tay đả thương là sao? Việc này xin Đinh lão tiên sinh chỉ giáo.

Đinh Xuân Thu thấy gã học trò mới thu chỉ một chưởng đã đánh bại

một hảo thủ của nhà Cô Tô Mộ Dung, đại hiển uy phong cho phái Tinh

Tú nên không khỏi đắc ý ngầm, càng thêm khát khao ham muốn con

băng tàm, mỉm cười nói:

- Vị Phong tứ gia kia hung hăng hiếu đấu, thích nhúng tay vào

chuyện đâu đâu. Người của phái Tinh Tú ta đội trên đầu mũ sắt hay mũ

đồng thì có liên quan gì đến nhà Mộ Dung Cô Tô nhỉ?

Lúc này Công Dã Can đã đỡ Phong Ba Ác ngồi lên, thấy y run lẩy

bẩy, răng đánh vào nhau kêu lách cách, chẳng khác gì rơi vào một hầm

băng, trong giây lát môi tím lại, sắc mặt từ trắng chuyển thành xanh. Giải

độc hoàn của Công Dã Can cực kỳ linh nghiệm nhưng Phong Ba Ác uống

rồi chỉ như hòn đá ném vào biển cả, không còn tung tích gì.

Công Dã Can nóng ruột, giơ tay thăm hơi thở y, đột nhiên một làn gió

thổi buốt thấu xương vào gan bàn tay. Công Dã Can vội vàng rụt tay về

kêu lên:

- Không xong, sao lại lạnh đến thế này?

Y nghĩ thầm hơi trong miệng thở ra đã lạnh đến thế, ắt hẳn hàn độc

trong người phải ghê gớm đến chừng nào. Trong tình thế nguy cấp làm

vậy, không kịp nói chuyện phải quấy, y đành quay sang nói với Đinh

Xuân Thu:

- Người em kết nghĩa của tôi trúng phải độc thủ của đệ tử tiên sinh,

làm ơn ban cho thuốc giải.

Độc tính Phong Ba Ác trúng phải là do nội công Dịch Cân Kinh của

Du Thản Chi dồn chất kịch độc của con băng tàm ra, chẳng nói Đinh

Xuân Thu không có thuốc giải, mà dẫu có giải dược y cũng đời nào chịu

cho? Y ngửng đầu cười ha hả, niệm lớn:

- A ô lục lỗ cộng! A ô lục lỗ cộng!

Tay áo bào phất một cái, một luồng gió xoáy tung ra. Các đệ tử phái

Tinh Tú lập tức cả bọn chạy ra khỏi lương đình, chạy bay chạy biến. Bọn

Đặng Bách Xuyên và tăng chúng Thiếu Lâm biết tay áo y có chứa độc

phấn, thấy cơn gió lốc này như chọc vào mắt, thật là khó chịu, nước mắt

nước mũi ràn rụa, mở mắt không nổi kêu thầm: Không xong rồi!.

Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can, Bao Bất Đồng không hẹn mà cùng

xông tới chặn trước mặt Phong Ba Ác, sợ rằng đối phương thừa cơ hạ độc

thủ. Huyền Nạn nhắm mắt đánh ra một chưởng, trúng ngay cây cột của



tòa lương đình, lập tức gãy đôi, lắc rắc mấy tiếng một bên căn nhà mát

liền nghiêng xuống, ngói đất đổ xuống ào ào. Đến khi mọi người mở

được mắt ra, Đinh Xuân Thu và Du Thản Chi đã chạy đâu mất.

Mấy nhà sư Thiếu Lâm kêu lên:

- Tuệ Tịnh đâu rồi? Tuệ Tịnh đâu rồi?

Thì ra nhân lúc hỗn loạn, Tuệ Tịnh đã bị Đinh Xuân Thu bắt đi mất

rồi, chiếc cáng chụp lên đầu một nhà sư. Huyền Thống giận dữ quát lớn:

- Đuổi theo!

Ông phi thân chạy ra khỏi lương đình, Đặng Bách Xuyên và Bao Bất

Đồng cũng vội theo, Huyền Nạn phất tay một cái cùng các đệ tử đi sau

tiếp viện. Công Dã Can ở lại nửa mái đình còn chưa sụp lo cho nghĩa đệ

nhưng mắt cũng đau buốt, nước mắt ràn rụa. Phong Ba Ác trán toát mồ

hôi, chỉ trong giây lát liền đóng thành sương. Công Dã Can còn đang

hoang mang bỗng nghe tiếng chân người, ngẩng lên thấy Đặng Bách

Xuyên bế Bao Bất Đồng đang rảo bước quay về. Y kinh hoảng không sao

kể xiết, kêu lên:

- Đại ca, tam đệ cũng bị thương nữa ư?

Đặng Bách Xuyên đáp:

- Lại trúng phải độc thủ của tên đầu sắt.

Kế đó Huyền Nạn cũng dẫn quần tăng trở lại lương đình. Huyền

Thống nằm phục trên lưng Huyền Từ, lạnh run cầm cập, hai hàm răng

kêu lách cách. Huyền Nạn và Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can ai nấy

bần thần. Đặng Bách Xuyên nói:

- Gã đầu sắt cùng tam đệ đối một chưởng, sau đó y lại cùng Huyền

Thống đại sư đánh một chưởng nữa. Có ngờ đâu... có ngờ đâu hàn độc

chưởng của phái Tinh Tú lại ghê gớm đến thế.

Huyền Nạn lấy trong túi ra một cái hộp gỗ nhỏ nói:

- Lục Dương Chính Khí Đơn của tệ phái có chút công hiệu khắc chế

hàn độc.

Ông mở nắp lấy ra ba viên thuốc đỏ chon chót, đưa cho Đặng Bách

Xuyên hai viên, còn viên thứ ba giao cho Huyền Thống. Sau chừng một

bữa cơm, cơn lạnh của ba người thấy đỡ. Bao Bất Đồng ngoạc mồm ra

chửi:

- Gã đầu sắt kia, con... con mẹ nó chứ, chưởng lực đó là cái gì thế?

Đặng Bách Xuyên vội khuyên:

- Tam đệ, để sau này chửi cũng không muộn, ngươi nên ngồi xuống

hành công đi.

Bao Bất Đồng đáp:

- Sai bét rồi, không phải vậy! Giờ này không chửi, đợi đến khi ô hô

ai tai rồi thì đâu còn chửi gì được nữa.

Đặng Bách Xuyên mỉm cười nói:

- Chớ có lo, không chết đâu mà sợ.

Nói xong đưa bàn tay đè vào huyệt Chí Dương ở sau lưng y, dùng nội

lực giúp y khu trừ hàn độc. Công Dã Can và Huyền Nạn cũng chia ra

giúp cho Phong Ba Ác và Huyền Thống hai người.

Huyền Nạn, Huyền Thống hai người nội lực thâm hậu, chỉ một lát,

Huyền Thống đã thở một hơi dài nói:

- Khỏe rồi!

Ông đứng lên nói tiếp:

- Lợi hại thật!

Huyền Nạn có bụng muốn giúp cho Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác hai

người trừ hàn độc có điều bên kia chưa lên tiếng yêu cầu, mình tự ý đưa

ra không khỏi coi họ nội công không đủ, trong võ lâm chuyện đó là điều

cấm kỵ.

Đột nhiên Huyền Thống lảo đảo mấy cái, hai hàm răng gõ vào nhau

kêu lách cách, vội vàng ngồi xuống hành công, nói:

- Sư... sư huynh, cái thứ... cái thứ hàn độc này... thật là quái dị...

Huyền Nạn vội vàng vận công tương trợ. Ba người liên tục hành công

nhưng thân thể chỉ dễ chịu được một chút rồi lại phát tác, cho đến khi

chiều tối, mỗi người uống ba viên Lục Dương Chính Khí Đơn mà hàn khí

không thấy bớt chút nào. Huyền Nạn chỉ mang theo mười viên đan dược,

bây giờ còn một viên, đành chia làm ba, đưa cho mỗi người một phần.

Bao Bất Đồng nhất định không uống nói:

- E rằng có uống đến một trăm viên, cũng... cũng chẳng đến đâu...

Huyền Nạn bó tay không còn cách nào khác bèn nói:

- Lời của Bao thí chủ đúng lắm, loại thuốc Lục Dương Chính Khí

Đơn này trị không đúng bệnh mà nội công của chúng ta cũng không đối

phó nổi với môn âm độc này. Lão nạp nghĩ chỉ còn một cách là đi tìm

Tiết Thần Y nhờ chữa cho, không biết bốn vị nghĩ sao?

Đặng Bách Xuyên mừng rỡ nói:

- Đã từng nghe Tiết Thần Y được người đời gọi là Diêm Vương Địch,

dù bệnh nặng cỡ nào ông ta đều có thể chữa khỏi. Đại sư có biết vị thần y

này ở đâu không?

Huyền Nạn nói:

- Tiết Thần Y nhà ở Liễu Tông Trấn, phía tây thành Lạc Dương từ

đây đến đó cũng không xa lắm. Ông ta với lão nạp có duyên gặp gỡ mấy

lần, nếu đến xin chữa trị, có lẽ không chối từ đâu.

Ông lại tiếp:

- Nhà Mộ Dung Cô Tô danh mãn thiên hạ, Tiết Thần Y xưa nay vẫn

ngưỡng mộ, nay có cơ duyên làm bạn với bốn vị anh hùng, ông ta chắc

cũng vui vẻ lắm.

Bao Bất Đồng nói:

- Sai bét rồi, không phải vậy! Tiết Thần Y thấy bọn ta đến cửa chắc

là không vui vẻ gì. Có điều trong võ lâm ai ai cũng ghét cái môn dĩ bỉ

chi đạo hoàn thi bỉ thân của công tử chúng tôi, riêng có Tiết Thần Y là

không sợ. Mai này ví thử y có... mệnh hệ gì, thì chỉ cần đến cầu công tử

gia chúng tôi dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân, thế là... thế là cái mạng

già... của y có cơ cứu được.

Mọi người ai nấy cười ha hả, lập tức đi ra khỏi đình. Đến thị trấn

trước mặt họ liền mướn ba cỗ xe cho ba người bị thương nằm dưỡng bệnh.

Đặng Bách Xuyên lấy tiền mua thêm mấy con ngựa cho những nhà sư

Thiếu Lâm cưỡi.

Đoàn người cứ đi chừng hai ba giờ thì lại ngừng để trợ giúp ba người

bị thương kháng ngự hàn độc. Đến sau Huyền Nạn không còn tị hiềm gì,

dùng Thiếu Lâm thần công tương trợ Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác. Nơi

đây tuy chỉ cách Liễu Tông Trấn vài trăm dặm đường nhưng đường núi

gập ghềnh, lại phải ngừng luôn, nên đến chiều ngày thứ tư mới đến nơi.

Tiết Thần Y ở trong núi sâu cách Liễu Tông Trấn ba mươi dặm về

phía bắc, cũng may hôm ở Tụ Hiền Trang ông ta đã chỉ vẽ cho Huyền

Nạn rõ ràng đường đi nước bước nên không mất công dò hỏi, đã đến

trước cửa nhà Tiết Thần Y.

Huyền Nạn trông thấy bên cạnh giòng sông nhỏ mấy gian nhà lớn,

tường trắng ngói đen, đằng trước là một vườn cây thuốc rộng, biết ngay là

nơi ở của Tiết Thần Y. Ông giục ngựa chạy đến gần, từ xa đã thấy trước

cửa nhà treo hai chiếc lồng đèn bằng giấy trắng, hơi kinh hãi: Nhà họ

Tiết có bệnh nhân nào trị không được hay sao?. Đi thêm vài trượng nữa,

thấy trên ngạch cửa có đóng mấy vuông vải gai, bên cạnh cửa có mấy cột

phướn chiêu hồn, quả đúng là trong nhà có người chết. Lại thấy trên đèn

lồng viết hai hàng chữ đen:

Tiết Công Mộ Hoa chi tang, hưởng niên ngũ thập ngũ tuế17

Huyền Nạn hoảng hốt: Tiết Thần Y không chữa nổi cho mình, nay

chết mất rồi, thật là bất hạnh làm sao. Nghĩ đến cố nhân nay đã qui tiên,

âm dương đôi ngả, trong lòng không khỏi thương cảm. Vừa lúc đó Đặng

Bách Xuyên và Công Dã Can cũng đã tới nơi, hai người cùng kêu lên:

- Chao ôi!

Bỗng nghe trong nhà có tiếng đàn bà khóc vang lên:

- Ông ơi là ông ơi! Ông y thuật như thần, có ngờ đâu bất ngờ bị bệnh,

bỏ chúng tôi mà đi. Ông ơi! Ông xưng là Diêm Vương Địch, vậy mà sau

cùng cũng không thắng nổi Diêm Vương, e rằng khi xuống cõi âm, Diêm

Vương thể nào cũng đòi nợ cũ, hành hạ khổ sở lắm ông ơi!

Chẳng bao lâu ba cỗ xe và sáu nhà sư Thiếu Lâm trước sau cũng đến.

Đặng Bách Xuyên nhảy xuống ngựa, lớn tiếng nói:

- Thiếu Lâm Tự Huyền Nạn đại sư cùng bè bạn, có việc đặc biệt đến

cầu Tiết Thần Y.

Tiếng của y vang vang như chuông, tiếng khóc trong nhà liền ngưng

bặt. Một lúc sau, một ông già đi ra, ăn mặc theo lối đầy tớ, trên mặt còn

hoen ngấn lệ, sụt sùi cực kỳ thương tâm, đấm ngực nói:

- Lão gia qua đời xế trưa hôm qua, các ông ... các ông không gặp

được nữa rồi.

Huyền Nạn chắp tay hỏi lại:

- Tiết tiên sinh mắc phải chứng bệnh gì mà qua đời?

Người lão bộc khóc nói:

- Cũng chẳng biết bệnh gì nữa, đột nhiên thở hắt ra rồi chết. Lão gia

xưa nay thân thể khang kiện, tuổi cũng chưa già, có ai ngờ nổi. Lão nhân

gia đi trị bệnh cho người ta, bệnh nào cũng khỏi, vậy mà ... vậy mà bệnh

chính mình ...

Huyền Nạn lại gặng thêm:

- Tiết tiên sinh trong nhà còn những ai?

Người đầy tớ già nói:

- Chẳng còn ai cả, không còn một người nào.

Công Dã Can và Đặng Bách Xuyên hai người đưa mắt nhìn nhau,

cùng ngầm thấy người lão bộc này nói mấy câu đó có phần không thành

thực, huống chi vừa mới rồi ai cũng nghe tiếng đàn bà khóc. Huyền Nạn

thở dài nói:

- Chết sống đều có mạng, nếu đã thế thì cho chúng tôi tới trước linh

vị người bạn cũ lạy một lạy.

Người lão bộc ấp úng:

- Cái đó ... cái đó ... vâng vâng!

Y dẫn mọi người vào trong cửa chính. Công Dã Can đi sau một bước

ghé tai hỏi nhỏ Đặng Bách Xuyên:

- Đại ca, tiểu đệ xem chừng có điều gì không minh bạch, tên lão bộc

này dường như ra chiều ỡm ờ.

Đặng Bách Xuyên gật đầu, đi theo tên đầy tớ tới linh đường. Linh

đường trần thiết sơ sài, mọi thứ còn chưa đầy đủ, trên linh bài có viết:

Tiết Công Mộ Hoa chi linh vị

Mấy chữ đó nét bút cứng cỏi, hiển nhiên là thủ thư của một tay túc

học, quyết không phải tên lão bộc này viết được. Công Dã Can xem

nhưng không nói gì. Mọi người hành lễ trước linh vị, Công Dã Can quay

đầu lại thấy nơi sân trong có đến mươi món quần áo phơi trên sào tre, áo

đàn bà cũng có, lại cả quần áo trẻ con nam nữ, nghĩ bụng: Tiết Thần Y

rõ ràng có thân quyến, sao lão bộc này lại bảo là chẳng còn ai?.

Huyền Nạn nói:

- Chúng tôi từ xa xôi đến đây để cầu Tiết Thần Y trị bệnh, có ngờ

đâu Tiết tiên sinh lại đã tiên du, khiến cho không khỏi đau lòng. Trời

cũng tối rồi, đêm nay cho ở lại quí phủ qua đêm.

Người lão bộc xem chừng khó xử nói:

- Cái đó ... cái đó ... thôi, cũng được! Mời chư vị ngồi nghỉ ngoài

sảnh đường, tiểu nhân đi lo cơm nước.

Huyền Nạn nói:

- Quản gia chẳng cần phải lo lắng nhiều, cơm với chút rau dưa là

được rồi.

Người lão bộc đáp:

- Vâng! Vâng! Mời quí vị ngồi nghỉ.

Y dẫn mọi người ra ngoài sảnh đường rồi quay vào trong. Một hồi

lâu, người gia nhân đó vẫn không thấy đem trà ra, Huyền Nạn nghĩ thầm:

Người lão bộc này chủ mới chết, hồn vía để đâu đâu. Ôi! Huyền Thống

sư đệ trúng phải hàn độc, không biết phải làm sao đây?. Mọi người đợi

đến hơn nửa giờ, nhưng vẫn không thấy bóng dáng người đầy tớ già đâu.

Bao Bất Đồng nóng ruột nói:

- Để ta đi kiếm chút nước uống!

Hư Trúc nói:

- Bao tiên sinh, xin ông ngồi nghỉ. Để tiểu tăng đi xuống giúp người

lão bộc nấu nước.

Y đứng lên đi vào nội đường. Công Dã Can cũng muốn quan sát động

tĩnh trong nhà họ Tiết bèn nói:

- Để ta đi với tiểu sư phụ.

Hai người đi ra phía sau nhà, phòng ốc nhà họ Tiết không phải là ít,

trước sau cả thảy năm dãy, nhưng bên trong bên ngoài không thấy một

bóng người. Hai người tìm được nhà bếp nhưng cũng không thấy người

lão bộc đâu.

Công Dã Can biết có chuyện khác thường, rảo bước quay trở về sảnh

nói:

- Nhà này xem chừng không ổn, Tiết Thần Y có thể chỉ giả chết thôi.

Huyền Nạn đứng lên lạ lùng hỏi:

- Sao thế?

Công Dã Can đáp:

- Đại sư, tại hạ nghĩ mình nên đến xem cỗ quan tài.

Y chạy vào linh đường, giơ tay toan nhắc chiếc hòm, đột nhiên chợt

nghĩ ra, rút tay về, lấy ở ngoài sân một chiếc áo dài đang phơi, lót vào

tay. Phong Ba Ác nói:

- Sợ trên quan tài có độc ư?

Công Dã Can đáp:

- Lòng người khó lường, không thể không đề phòng.

Y vận kình nhắc chiếc quan tài lên, thấy cực kỳ trầm trọng, bên trong

nhất định không phải chỉ là một xác người bèn nói:

- Tiết Thần Y quả nhiên giả chết.

Phong Ba Ác rút đơn đao nói:

- Bẩy nắp hòm ra xem sao.

Công Dã Can nói:

- Người này được gọi là thần y, hẳn cũng giỏi sử dụng thuốc độc, tứ

đệ phải cẩn thận.

Phong Ba Ác đáp:

- Tiểu đệ biết rồi.

Y luồn mũi đao vào khe quan tài ấn xuống, nghe tiếng ken két nắp

hòm từ từ bật lên. Phong Ba Ác nín thở, sợ trong quan tài có phấn độc bay

ra. Bao Bất Đồng nhảy ra sân chộp hai con gà mái đang tìm giun bắt dế ở

dưới gốc quế, đem vào linh đường, vung tay ném hai con gà qua ngang

quan tài. Hai con gà kêu quang quác, đáp xuống trước linh tòa, rồi chạy

ra ngoài thiên tỉnh nhưng chỉ được mấy bước, đột nhiên ngã chổng cẳng,

hai chân dãy mấy cái rồi nằm chết đứ đừ. Vừa lúc đó trong hiên nhà một

luồng gió lạnh thổi qua, những chiếc lông trên mình hai con gà lập tức

bay lên phơi phới. Mọi người thấy thế ai nấy kinh hãi, hai con gà vừa

trúng độc chết mà bao nhiêu lông đã rụng sạch, đủ biết độc tính mạnh là

dường nào khiến cho không ai còn dám đến gần chiếc quan tài nữa.

Huyền Nạn nói:

- Đặng thí chủ thử xem thế này là cớ gì? Tiết Thần Y quả thực trá tử

hay sao?

Ông vừa nói vừa nhún mình nhảy lên, tay trái chộp lấy xà ngang, nhìn

vào trong quan tài, thấy bên trong đầy những đá tảng, giữa những cục đá

là một bát lớn đựng đầy nước. Nước ở trong bát hiển nhiên phải là thuốc

độc. Huyền Nạn lắc đầu, buông mình nhảy xuống nói:

- Tiết thí chủ nếu không muốn trị thương, việc gì phải bố trí cơ quan

độc địa như thế này để hãm hại chúng ta. Phái Thiếu Lâm với y không

thù không oán, làm như thế không vô lý quá hay sao? Không lẽ ... không

lẽ ...

Ông ta nhắc lại hai chữ không lẽ rồi lặng thinh, trong lòng nghĩ

thầm: Không lẽ ông ta có thù oán sâu xa với họ Cô Tô Mộ Dung

chăng?. Bao Bất Đồng nói:

- Đại sư chớ có nghĩ ngợi lăng nhăng, Mộ Dung công tử và Tiết Thần

Y xưa nay chưa biết nhau, cũng không thù oán. Nếu như hai bên có

chuyện gì, bọn chúng tôi dù có phải đau đớn gấp mười chăng nữa, cũng

không bao giờ lại hạ mình đi nhờ kẻ thù chữa trị cho đâu. Đại sư coi họ

Bao, họ Phong là người hèn hạ, vô tư cách chăng?

Huyền Nạn chắp tay nói:

- Bao thí chủ nói phải lắm, lão tăng quả đoán sằng đoán bậy.

Ông ta là bậc cao tăng hữu đạo, trong bụng đã nghĩ như thế tuy chưa

nói ra lời nhưng cũng nhận là mình quấy. Đặng Bách Xuyên nói:

- Nơi đây độc khí cực thịnh, không nên rốn lại lâu, mình ra tiền sảnh

ngồi nghỉ.

Tất cả mọi người ra đến bên ngoài, người bàn thế này kẻ nói thế

khác nhưng cũng không ai đoán được tại sao Tiết Thần Y giả chết rồi bố

trí cơ quan giăng bẫy. Bao Bất Đồng nói:

- Gã Tiết Thần Y quả thật đáng ghét, mình cho một mồi lửa đốt rụi

cái tổ quỉ của lão đi.

Đặng Bách Xuyên ngăn lại:

- Ấy chết, không được đâu, dẫu sao Tiết tiên sinh cũng là một bằng

hữu của phái Thiếu Lâm, chúng ta phải nể kim diện Huyền Nạn đại sư

chớ có hồ đồ.

Lúc đó trời đã tối hoẳn, trong sảnh lại không đèn đóm gì, ai nấy vừa

đói vừa khát nhưng chẳng ai dám đụng chạm đến một ngụm nước, một ly

trà trong nhà. Huyền Nạn nói:

- Hay là chúng mình đi ra, tìm một nhà nông nào ở quanh đây xin

ngụm nước bữa cơm, Đặng thí chủ nghĩ thế nào?

Đặng Bách Xuyên đáp:

- Đúng đó. Thế nhưng chung quanh ba chục dặm tốt hơn hết không

nên ăn uống gì. Thầy lang họ Tiết này mưu kế lắm, quyết chẳng phải chỉ

sắp xếp một cỗ quan tài là xong đâu, nếu như các vị đại sư có chuyện gì,

anh em chúng tôi thật là ân hận.

Y và Công Dã Can tuy chưa biết rõ nguyên ủy ra sao nhưng cũng cho

rằng cái tiếng dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân của nhà Mộ Dung quá vang

dội, trên giang hồ kết biết bao nỗi oan cừu, có lẽ Tiết Thần Y có thân

bằng quyến thuộc bị hại, mối hận này đổ cả lên đầu nhà Cô Tô Mộ

Dung.

Mọi người đứng lên, đi ra cửa chính, đột nhiên trên bầu trời phía tây

bắc có ánh sáng lóe lên, kế đó một đốm lửa đỏ nổ tung ra, lập tức

chuyển sang màu lục thật chẳng khác gì mưa hoa đầy trời, lả tả rơi xuống

cực kỳ diễm ảo. Phong Ba Ác nói:

- Ồ, ai đốt pháo bông kìa!

Lúc đó không phải tiết Nguyên Tiêu, cũng chẳng phải Trung Thu, sao

lại có người đốt pháo bông18 nhỉ? Chẳng mấy chốc, lại có một chiếc pháo

bông màu vàng bay vút lên không, nở ra muôn vạn đóa sao băng, đụng

chạm lẫn nhau.

Công Dã Can chợt nghĩ ra, nói:

- Đây không phải pháo bông đâu, mà là tín hiệu của kẻ địch kéo đến

tấn công đó.

Phong Ba Ác kêu lên:

- Thế thì hay lắm! Đánh một trận cho sướng tay.

Đặng Bách Xuyên nói:

- Tam đệ, tứ đệ, các ngươi vào trong sảnh canh chừng, ta chặn phía

trước mặt, nhị đệ đoạn hậu. Huyền Nạn đại sư, việc này không liên quan

gì đến phái Thiếu Lâm, xin quí vị cứ dựa lưng vào tường đứng coi, miễn

là đừng giúp bên nào, nhà Mộ Dung thâm cảm đại đức.

Huyền Nạn nói:

- Đặng thí chủ sao lại nói thế? Nếu kẻ địch đến tấn công có thù oán

với chư vị thì phải trái ngay gian, chúng tôi sẽ theo công tâm mà xử,

không để cho họ thừa gió bẻ măng, cậy đông đánh ít. Nếu đúng là cùng

bọn với Tiết Thần Y, lén lút bố trí hầm bẫy để làm hại người thì các vị

với chúng tôi cũng cùng chung cừu địch, lẽ nào lại tụ thủ bàng quan? Này

các tì khưu19, chuẩn bị nghinh địch.

Bọn Tuệ Phương, Hư Trúc cùng lớn tiếng đáp lời. Huyền Thống nói:

- Đặng thí chủ, lão nạp với hai vị sư đệ của thí chủ đồng bệnh tương

lân20 lẽ dĩ nhiên phải cùng nắm tay nhau mà kháng địch.

Còn đang nói chuyện, lại có thêm hai chiếc pháo bông nữa bắn thẳng

lên trời, lần này xem chừng gần hơn. Một hồi nữa, lại có thêm hai cái

pháo bông khác, trước sau như thế là sáu cái rồi. Mỗi chiếc pháo bông

màu sắc hình dáng không giống nhau, có cái giống như một cái bút thật

lớn, có cái thì vuông vức bốn bề, tông như một bàn cờ, cái thì lại giống

hình một chiếc đại phủ, có cái lại giống như một bông hoa mẫu đơn to.

Sau đó bầu trời lại tối đen như mực.

Huyền Nạn ra lệnh cho sáu đệ tử Thiếu Lâm canh chừng bốn phía

nhưng một hồi lâu vẫn không nghe động tĩnh gì. Ai nấy ngưng thần nín

thở, lại sau chừng một bữa ăn nữa, bỗng nghe phía đông có tiếng đàn bà

hát lên rằng:

Lông mày luống tỉa đã bao nhiêu,

Phấn nhạt hoen màu lệ nhỏ tiêu.

Đong đưa biếng chải thêm hờ hững,

Ngọc lấp sao đầy nỗi tịch liêu? 21

Giọng ca dịu dàng uyển chuyển đầy vẻ u oán thê lương. Giọng người

đó vừa hát xong một khúc, lập tức chuyển qua giọng nam rằng:

- Chao ôi ái khanh đấy ư? Quả nhân đã lâu lắm không được gặp

nàng, trong lòng thương nhớ xiết bao. Đây ta ban cho nàng một đấu trân

châu, khanh gia mau nhận lấy.

Người đó nói xong, lại chuyển qua giọng nữ:

- Bệ hạ đã có Dương phi bầu bạn, đến buổi chầu sớm cũng chẳng ra,

còn hơi đâu mà nhớ đến thần thiếp con người bạc mệnh này, than ôi ....

Nói tới đây liền cất tiếng khóc thút thít. Các nhà sư Thiếu Lâm không

biết việc đời, không hiểu sao người này lúc thì là nam, lúc lại là nữ, làm

trò quỉ quái gì đây, chỉ thấy nghe rồi trong lòng cực kỳ buồn bã. Bọn

Đặng Bách Xuyên thì biết người này đang diễn tích Đường Minh Hoàng22

và Mai Phi, khi thì đóng vai Mai Phi lúc lại đóng vai Đường Minh Hoàng,

giọng điệu thanh âm giống hệt, sao lại có người khéo đến thế, ai nấy

trong lòng rộn ràng, không hiểu có dụng ý gì.

Lại nghe người đó tiếp tục:

- Ái phi chớ nên khóc lóc, mau mau dọn yến tiệc ra. Nàng thổi tiêu,

quả nhân sẽ ca một khúc để giải sầu cho ái khanh.

Người kia lại chuyển qua giọng đàn bà nói:

- Tiện thiếp ngày ngày chảy nước mắt ra rửa mặt, chỉ mong được gặp

lại đấng quân vương một lần thôi. Hôm nay được toại nguyện rồi, dẫu có

chết cũng đành nhắm mắt ... hu hu ...hu hu ...

Bao Bất Đồng lớn tiếng nhại lại:

- Cô vương là An Lộc Sơn đây. Này vua nhà Đường Lý Long Cơ ơi,

ngươi là một gã hồ đồ, mau giao Dương Ngọc Hoàn ra cho ta.

Người bên ngoài kêu A lên một tiếng dường như kinh hãi đang

khóc lập tức im bặt. Chỉ trong giây lát, chung quanh bốn bề lặng như tờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Thiên Long Bát Bộ (Bản Mới)

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook