Thuận Thiên Kiếm Rồng Không Đuôi

Chương 13: Hồi năm (2)

Nghịch Tử

17/04/2018

Mặt bắc doanh trại…

Hồ Đỗ múa một đôi rìu chiến. Ấy là loại ngắn tay để giao chiến trên đất chứ không phải thứ có cán dài chuyên dùnh đánh trên lưng ngựa. Đôi mắt y trợn tròn vo, mồm quát oang oang:

“ Cái đám giang hồ các ngươi đúng là được đằng chân lại muốn lân lên đằng đầu. Mồm xưng hiệp nghĩa, thế mà lại đi bán nước giúp giặc phương bắc. Quả thật là miệng nam mô, bụng một bồ dao găm! Rặt một lũ chó cả!!! ”

Hồ Đỗ nóng tính, lại ít khi nghĩ trước khi làm. Thấy cái đám đục thuyền ngày nào nay lại dám đến phá hoại lần nữa, y lập tức thấy cáu sôi hết cả tiết lên, muốn vác rìu mà bửa cả đám ấy ra.

Lại có một tay đầu trọc, lưng xăm hình rồng ác nhảy chồm tới. Dáng người y thấp lùi, cánh tay không thô to cường tráng nhưng bắp thịt rắn chắc rõ ràng. Lùn nhưng bộ ngực lại nở vòng cung, trông khá là buồn cười. Một tay y cầm búa, tay kia xách đục xồ tới đánh với Đỗ. Búa bổ ngang quét dọc, còn dùi thì y dùng như một cây phán quan bút để đả huyệt, hoặc như một cây chuỷ thủ hơi cùn. Hồ Đỗ đang nóng máu, lại gặp kẻ thù chủ động nhảy tới thì lập tức vung rìu lên mà đánh.

Choang!!

Lực đạo của Hồ Đỗ rất lớn, sau khi phát động được thần công mà Lý Thân truyền lại thì càng thêm hùng hồn như cuồng phong bạo vũ, voi chiến Hai Bà. Mỗi rìu giáng xuống khác nào núi non sạt lở, từng cú phạt ngang mạnh tựa sóng biển vỗ bờ. Nhưng đối thủ của y cũng chẳng kém phần. Lợi dụng hình thể thấp lùn, y hết né trái lại tránh phải, liên tục dùng búa với dùi đánh vào Hồ Đỗ.

Tay này cũng là dạng nóng tính, nghe Hồ Đỗ chửi xong, y phản pháo ngay:

" Đám quan binh các người nặng sưu nặng thuế, bắt trâu trộm chó, ép buộc dân chúng tòng quân. Dân chúng bọn tao không sống nổi, mới phải vùng lên đạp đổ cái vương triều giặc cướp bọn mày xuống, phục hưng nhà Trần. ”

“ Ăn nói vớ vẩn, giặc đến nhà đàn bà phải đánh! Đã là Việt gian bán nước mà còn già mồm bao biện hả, tao phải chặt mày làm hai khúc! ”

Hồ Đỗ gầm lên, múa rìu càng thêm hăng. Song tên trọc quả thực là tay hảo thủ. Y né ngang luồn dưới, giống như một con lươn trơn tuột cứ trượt qua trượt lại ngay trước lưỡi rìu của Đỗ. Đã vậy còn thuận thế dùng dùi tấn công Hồ Đỗ tới tấp nữa. Máu đỏ tứa ra nhuốm áo, song chỉ giúp hung tính của Đỗ càng mạnh lên

Đầu trọc phát hiện Hồ Đỗ càng bị thương, lực đạo lại càng lớn thì không khỏi giật mình. Điều này là trái ngược hoàn toàn với thường thức trên giang hồ về võ thuật. Mới phân thần thôi, một rìu của Đỗ đã vụt nghiêng tới. Y không kịp vận khí, chỉ đành dâng vội búa lên đỡ, liền bị quái lực khủng khiếp của Đỗ đập cho tê rần cả hai tay.

Thì ra Hồ Đỗ sau khi thua Thạnh thì cả ngày thất thần. Y biết chỉ vì mình háo thắng mà để nguyên soái quân địch chạy thoát, lòng không khỏi thấy uất ức và hối hận lắm. Trở về, y giam mình trong soái không ra gặp ai hết, thương thế cũng không thèm chữa trị, chỉ băng bó qua loa lấy lệ.

Vốn dĩ định lấy cái chết tạ tội, ai ngờ lại khiến thần công vô danh của Đỗ chỉ nội trong một đêm tinh tiến đến tầng thứ tư. Từ đó y mang sức mạnh gấp 4 lần lúc giao đấu với Mộc Thạnh.

Hiện tại mỗi cú đánh hời hợt của Đỗ cũng đã mạnh kinh hồn, chứ đừng nố đến một phát toàn lực. Song giờ thương thế hắn chưa lành, lại chưa kịp thích nghi với sức mạnh mới nên tay đầu trọc mới chiếm thế thượng phong.

Hồ Đỗ càng bị thương thì lực đạo càng lớn. Qua trận chiến với Mộc Thạnh, y càng hiểu thêm ưu thế của bản thân, bèn bất chấp việc trúng đòn, dùng đấu pháp liều mạng với đầu trọc.

Đầu trọc là người có danh tiếng khá lớn trong giang hồ, cũng là tay cao thủ thường xuyên nếm vị máu vương trên đầu dao mũi kiếm. Thành thử kỹ thuật đơn đấu của y thành thạo hơn cả Hồ Đỗ hay Mộc Thạnh, song so khả năng ứng biến chẳng thể nào bì được với các chiến tướng đã đạp lên hàng ngàn cái xác.

Chỉ mười mấy chiêu, lối đánh: chịu đấm ăn xôi của Hồ Đỗ đã phát huy tác dụng. Y đột nhiên dùng cán rìu thúc mạnh từ hai bên, đập trúng ngay hai huyệt Nhĩ Môn của đầu trọc. Đây là hai yếu huyệt nằm ở chỗ lõm trước vành tai con người.

Đầu trọc trúng cú ấy choáng váng cả đầu, suýt rơi vũ khí. Song y cắn răng nhịn đau, vội vàng gọi đồng bọn rút lui. Cả lũ nhảy tùm xuống nước, thoắt cái đã bơi đi mất dạng. Hồ Đỗ định cởi giáp nhảy xuống sông đuổi giết bằng được, thì Hồ Xạ mới vừa chạy đến đã lên tiếng gọi.

“ Đỗ!! Bên mặt nam đang nguy, mày trúng kế người ta rồi. ”



“ Tiên sư bố nhà chúng nó chứ!! Mà Hồ Xạ, biết rồi sao còn chạy ra đây gọi tao mà không đánh chết cha chúng nó đi? Đến thằng Đỗ đần độn như con bò này còn thấy ấy là việc ngu xuẩn nữa là. ”

Hồ Xạ trợn mắt nhìn Hồ Đỗ, nói:

“ Biết là tốt. Đi! Trên đường rồi nói. ”

Hai người kéo nhau dùng khinh công trở lại khu nam của trại, nơi đang bị quần hùng châm lửa đốt phá lung tung cả lên. Hồ Xạ vừa phát tên đánh nhân sĩ võ lâm vừa kể cho Hồ Đỗ chuyện của Phạm Lục Bình, về chung trà đoạn tình cắt nghĩa. Đỗ nghe xong, cười vang:

“ Có thằng Bình ở đấy thì mày bắn thế chứ bắn giỏi nữa cũng bó tay bó chân là đúng. Mà thằng ấy trông thế mà vụng. Mấy năm rồi không được ngụm nước chè nào của nó, vậy mà không biết qua mời anh Đỗ nó một chén. Nào! Đi! Đánh cho xong còn uống chè nữa chứ. ”

Hồ Xạ thấy Đỗ không hề bất ngờ, cũng chẳng tỏ vẻ mất mát như trong tưởng tượng thì hơi ngớ ra. Y lại hỏi:

“ Đỗ, mày có bị dở người không? Bình thường mày coi tình anh em còn nặng hơn mạng kia mà, sao hôm nay lại… ”

“ Mỗi thời nó mỗi khác. Cứ đánh xong giặc Minh, thiên hạ thái bình, thì ta lại làm anh em. Khi ấy ngồi uống chè, ăn nhậu với nhau thì chả sướng à? Khổ não mà làm gì. Bã trà hãy còn trong ấm kia kìa. ”

Hồ Đỗ vung rìu chém ngang người một hảo thủ phái Hy Cương, vốn ở mạn Phú Thọ ngày nay. Dãy đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình là nơi họ hay hoạt động, nước thì lấy ở cái đầm gần xã Phù Lộc. Vì gắn liền với những quả đồi trong truyền thuyết “ trăm voi chầu đất tổ ”, nên phái này còn có tên là Bách Tượng.

Máu bắn ra, song Hồ Đỗ chỉ càng cười vang:

“ Đám giả nhân giả nghĩa, Hồ Đỗ này bổ các ngươi như bổ củi, lát còn đi uống chè. ”

Nhân sĩ võ lâm các phái chẳng hiểu y nói gì, song thấy thần lực của Hồ Đỗ kinh người thì không dám coi thường. Hồ Đỗ dựa vào dị bản của Lý Thân thần công, xông thẳng vào chỗ đông người mà chém giết. Y lấy một chống nhiều, tả xung hữu đột giữa vòng vây của quần hùng như chốn không người.

Hồ Xạ trông thấy cảnh này, chỉ biết cười khổ:

“ Hồ Đồ ơi là Hồ Đồ, thực ra mày đâu có hồ đồ đâu? ”

Đấu pháp nhìn như liều mạng ấy, đối phó với nhân sĩ võ lâm lại hiệu quả không ngờ. Vì không có kỷ luật, nên không ai dám phóng ám khí sợ đả thương người cùng phe. Còn Hồ Đỗ nào có quan tâm ba bảy hai mốt, cứ chỗ nào có người thì văng rìu vào đó. Nay lại thêm Hồ Xạ ở xa ném tên triệt hạ từng tên từng tên một, chẳng mấy chốc mà nhân sĩ võ lâm tổn hao nặng nề.

“ Đốt nhiều lương, phá nhiều súng của quân Hồ rồi. Rút mau anh em! ”

Chẳng biết là ai khởi xướng, song nhân sĩ võ lâm đang bị đánh cho vêu đầu mẻ trán thì đâu để ý được nhiều thứ như thế? Đến nhanh, rút đi càng nhanh hơn. Lúc này cái điểm lợi hại của khinh công được thể hiện ra rõ rệt. Trong võ lâm, ai mà chưa từng học qua những môn tối căn bản như Nhạn Hành công để giúp cơ thể nhẹ nhõm, Bích Hổ Du Tường để trèo tường leo vách?

Cả đám cứ theo đường cũ mà chạy, chẳng cần bao lâu đã mất tăm mỗi người một ngả. Hồ Đỗ Hồ Xạ đi kiểm tra, thống kê lại số thuốc súng và lương thảo bị cháy. Dù chỉ hao tổn mất ba phần, song ấy cũng là do họ tắc trách mà nên chuyện. Lại thêm chuyện Thái Bình thất thủ, nên hai người thấy tội mình to lắm.

Cách cửa biển năm dặm có gò đất cao giữa khoảng rừng thưa. Lúc này quần hào nước Nam vừa mới phóng hoả đốt trại Hồ, chính đang tập trung bàn tán đến



“ Phạm huynh không hổ danh là Hồng giang giao long, cháu của lão tướng quân Phạm Hữu Thế. Cái nghề lặn đã luyện đến mức muốn sao được vậy. Cũng nhờ có huynh và anh em Thập Bát Liên Trại tập kích bất ngờ mặt bắc, chúng ta mới dễ dàng nhập doanh. ”

Phạm Hách ôm quyền, nói mấy câu tỏ vẻ khiêm nhường. Nhưng ý cười trong đôi mắt thì chẳng che giấu chút nào.

Hình dáng y khá là kì lạ. Vóc người y thấp lùn, tay chân gầy gò, cũng chẳng thấy lực lưỡng gì cho cam. Song bắp thịt chắc khoẻ, xương cứng ngực nở, đủ thấy là một cao thủ nghề lặn. Tóc y húi trọc, là để xuống nước dễ bề hành động hơn.

So với tổ tiên là danh tướng Yết Kiêu xuống nước như trên đất bằng thì Phạm Hách còn kém xa, song vẫn là một tay hảo thủ trong cái nghề lặn nước đục thuyền. “ Kim Quy Tức công ” và sáu mươi bốn đường “ Yết Kiêu chuy pháp ” độc môn của nhà họ Phạm càng danh tiếng lừng thiên hạ, thành thử Phạm Hách trong chốn võ lâm cũng là nhân vật có chân tài thực học.

Thập Bát Liên Trại thực chất là mười tám trại thuỷ tặc phân bố dọc theo các nhánh chính và ở các cửa sông lớn của sông Hồng. Mười tám trại chủ tôn Phạm Hách làm đại vương, hoành hành khắp một vùng châu thổ rộng lớn. Chúng chuyên cướp bóc tàu bè lại qua, dân tình muốn được yên thân thì phải nộp phí bảo vệ cho chúng.

Song vừa rồi đánh với Hồ Đỗ lại bị y chiếm thượng phong, giáng cho một cái đau điếng vào hai huyệt Nhĩ Môn nên đến giờ Phạm Hách vẫn còn thấy đầu hơi ê ẩm. Y thầm nguyền rủa Hồ Đỗ, đồng thời cũng tự hỏi nhà Hồ có dũng tướng uy mãnh như thế từ bao giờ.

“ Lần này quần hùng tụ hội, phóng hoả đốt lương ắt sẽ gây nên một trận oanh động truyền khắp võ lâm Nam quốc. Các vị anh hùng chốn đây chắc cũng cách ngày tiếng thơm vang dội không xa nữa, Phạm mỗ xin chúc mừng trước.”

Mấy tay hiệp khách khác cũng cười cười đáp lễ, song trong lòng thì biết rõ trong chốn võ lâm mình chỉ là hạng vô danh tiểu tốt, lần này đến Muộn Hải hò hét trợ uy là chính.

Lúc này lại có một tay kiếm khách đứng ra:

“ Khách sáo rồi, bọn tiểu tốt chúng ta sao xứng với hai chữ anh hùng Phạm huynh vừa tặng. Phạm huynh không hổ là hậu duệ của bậc lương đống ngày xưa, trong chốn võ lâm hiện tại ngoại trừ bảy vị tông sư ra, e chỉ có huynh mới xứng là bậc anh hùng chân chính mà thôi. Chẳng bù cho ai đó, không nhờ hồng phúc của tổ tiên thì e rằng ngay cả tư cách đứng ở chốn này cũng chẳng có. Nếu là ta, thì sẽ tự biết thân biết phận không đến. Trước là tự cứu thể diện dòng dõi hiền thần, sau là không hạ thấp mặt mũi Phạm Hách huynh đây, mọi người thấy có đúng không? ”

Tức thì, vô số người nhao nhao hưởng ứng. Quả thực trong lần công doanh vừa rồi, Phạm Lục Bình - Long Thành Kiếm Khách - chẳng những không xuất thủ đánh người mà còn can gián mọi người đừng giết quá nhiều quân triều đình. Đánh xong, có người còn thấy y ở lại thưởng trà với thần tướng cầm hai rìu vừa đánh mọi người thất điên bát đảo.

Quần hùng có người cho hành vi ấy là hèn nhát, sợ phiền. Kẻ lại nói là vô năng chỉ biết hưởng phúc ấm tổ tiên. Thành thử không ít người đã có thành kiến sâu nặng với y. Nay lại có người kích động, tất nhiên sẽ có khá nhiều người hưởng ứng.

Lại nói từ sau khi nhà Hồ tiếm quyền, Phạm Lục Bình chỉ hoạt động ở vùng kinh đô Thăng Long. Nơi này thường xuyên có trọng binh nắm giữ chứ không lộn xộn như trên chốn giang hồ tỉnh lẻ. Không mấy khi động thủ, nên danh tiếng Phạm Lục Bình rất thấp, võ lâm các tỉnh ít ai biết tới.

Nếu không phải vì Thiên Cơ Lão Đạo tự thân mời, e là quần hùng còn chẳng biết Phạm là ai. Song cũng vì lẽ ấy, mà vô danh tiểu tốt lại càng tức Lục Bình anh ách.

Cách đó không xa, một người đột nhiên ngẩng đầu lên. Ánh mắt y như điện lôi xé trời, sắc như lưỡi đao cắt qua bóng tối. Chỉ riêng ánh mắt đã làm giật mình không ít người. Còn tưởng là sát thủ giết người không gớm tay, hoặc là độc sư sát nhân trong vô ảnh, ai ngờ nhìn kỹ té ra lại là một thư sinh.

Chỉ thấy người này mặc áo trắng phau như mây, tóc bện theo kiểu học trò. Sau lưng có đeo một cái hạp gỗ, không biết bên trong chứa thứ gì. Y nhìn về phía Phạm Hách giữa quần hùng, cười khẩy một tiếng:

“ Phạm huynh cũng cho rằng lời ấy là phải? ”

“ Lục Bình lão đệ chớ nóng nảy, mọi người chỉ bày trò nói đùa với nhau cho bớt phần căng thẳng mà thôi. ”

Phạm Hách thấy đôi mắt thư sinh đã rét lạnh như hàn sương, không khỏi ho khan một tiếng khuyên can.

*) Phạm Hữu Thế: tên thật của Yết Kiêu. Yết Kiêu thực chất là tên một loại cá lớn ngoài biển

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Thuận Thiên Kiếm Rồng Không Đuôi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook