Tiên Hạc Thần Kim

Chương 55: Say mê võ học lạnh nhạt tình yêu

Lý Liên Chi

17/07/2014

Lam Hải Bình mỉm cười, nói :

- Thúy Điệp đối với ta tình yêu vẫn mặn nồng như xưa, nhưng ta còn lưỡng lự chưa biết xử sự cách nào. Trong lúc nguy cấp, thì nàng bảo ta phải đưa gấp nàng và Công chúa ra khỏi cung. Vì Hoàng hậu sinh Công chúa ra chưa đầy một tháng, đã chết đi. Từ đó Thúy Điệp nuôi Công chúa được ba năm. Nhưng Hoàng thượng tin theo thái giám Lưu Cảnh, chỉ say mê tửu sắc, không lo gì đến việc triều chính nên không muốn để Công chúa ở lại cung, sợ các thứ phi tranh nhau ngôi Hoàng hậu mà ám hại Công chúa.

Bạch Vân Phi chau mày, nói :

- Bảo mẫu nói rất đúng. Ở trong cung không có lợi gì, mà chỉ thấy toàn nhưng điều chướng mắt...

Lam Hải Bình thở dài nói :

- Ta phải ẩn trong cung ba ngày, chữa lành thương cho Thúy Điệp. Đến đêm thứ tư ta mới đưa nàng và Công chúa rời cung, cỡi bạch hạc về Bạch Vân Hiệp...

Nói đến đây lão ngửa mặt nhìn trăng, hai hàng nước mắt của lão cũng chảy ròng ròng.

Thần sắc lão chứa đầy buồn thảm.

Bạch Vân Phi biết sư phụ nàng quá đau khổ nên đứng yên lặng.

Tiểu Điệp nóng lòng hỏi tiếp :

- Thế rồi mẹ con ở đâu?

Lão “ồ” một tiếng kể tiếp :

- Mẹ con lúc đó cũng ở nơi này, sinh hoạt rất vui vẻ, ngày ngày thảnh thơi với cỏ hoa rừng rậm. Nhưng ta vẫn sợ nàng buồn, nên đem về rất nhiều chim nhỏ, nai con để nàng khuây khỏa trong cảnh ẩn dật...

Lý Thanh Loan thở dài than :

- À, Đại tỷ tỷ! Cuộc sống như vậy thì vui biết chừng nào hả tỷ? Nếu Vũ ca mà lành bệnh, thì muội thích cuộc sống như vậy...

Lam Hải Bình như không để ý đến lời nói của Thanh Loan, thản nhiên tiếp lời :

- Những đêm trăng sáng ta cùng Thúy Điệp bồng Lang Đại công chúa lên Trung Vân Hồn đỉnh thưởng thức cảnh gió trăng đầy diễm lệ...

Tiểu Điệp chau mày hỏi :

- Cha với mẹ thân mật như vậy, tại sao mẹ con không ở đây?

Lão lắc đầu nói :

- Điều đó, vì cha quá dại khờ, không hiểu được tâm sự của mẹ con. Ôi cũng do Quy Nguyên mật tập mà mẹ con bị cảnh cô độc phải ra đi!

Bạch Vân Phi thở dài hỏi :

- Sư phụ! Chắc lúc ấy, bảo mẫu rời khỏi Bạch Vân Hiệp này thì buồn nhiều lắm phải không, sư phụ?

Lam Hải Bình gật đầu nói :

- Không sai! Đêm trăng đó, nàng đùa với ta rất vui. Nhưng sau khi trở về hang, nàng nhớ đến cây Ngọc tỳ bà còn để quên lại trong cung cấm. Đó là vật thân thiết nhất của nàng.

Nhưng nàng không tỏ một tý gì luyến tiếc cây Ngọc tỳ bà cả. Chỉ vì nàng quá nặng tình thương ta, nên nàng muốn chung sống mãi trong cảnh rừng sâu núi thẳm này suốt đời, bỏ mặt tất cả nhung lụa vàng son. Ta nghe qua, nửa đêm ta lén nàng cỡi con hạc trở về cung cấm lấy Ngọc tỳ bà. Lúc vào cung phải lục kiếm hai ngày đêm ta mới lấy được Ngọc tỳ bà. Ta nghĩ là đem được Ngọc tỳ bà về Bạch Vân Hiệp thì nhất định Thúy Điệp sẽ vui mừng lắm.

Ngờ đâu ta trở về thấy nàng không một tý vui mừng, mà còn bị nàng than phiền sợ ta đơn độc mạo hiểm vào cung cấm thiệt mạng. Nàng sầu thảm mấy đêm trời không ăn không ngủ.

Lúc đó ta rất hối hận, thấy tâm sự của đàn bà thật khó hiểu! Đến giờ này ta mới thấu rõ được tình yêu cao quí của nàng, nhưng tự ta dại khờ nghĩ không ra thôi.

Tiểu Điệp thấy lão không nói nữa, nóng lòng hỏi :

- Về sau thì sao? Không lẽ chỉ vì việc này mà mẹ con rời khỏi Bạch Vân Hiệp?

Lam Hải Bình ngẩng đầu nói tiếp :

- Về sau mẹ con còn thương ta nhiều hơn nữa. Những giờ rảnh thường đàn hát cho ta nghe. Nhưng cuộc chung sống thấm thoát chưa đầy một tháng, ta lại mê say theo mấy môn võ công trong Quy Nguyên mật tập, đành phải lạnh nhạt với nàng. Rồi sau đó ta mới dùng một tảng đá to lấp cửa hang lại, để Thúy Điệp ở ngoài cho ta yên tâm tu luyện võ công.

Nàng vang khóc cầu khẩn mấy tháng trời, vì không có cách nào đẩy tảng đá ác độc đó được.

Nhưng ta chẳng hề lưu ý đến cảnh đau khổ của nàng. Đến sau cùng, khi nàng than thở là nàng đã có thai, thì ta đang bị tẩu hỏa bất tỉnh, không thể xô tảng đá nổi. Nên nàng thù ghét ta nhứt trên đời là phải!

Bạch Vân Phi, Lý Thanh Loan mặt mày đầy nước mắt. Tiểu Điệp càng khóc nức nở nhiều hơn nữa.

Lam Hải Bình vẫn tiếp nói :

- Đến một ngày ta ra khỏi hang để luyện chưởng pháp thì Thúy Điệp thừa cơ hội vào động đá lấy mất bộ vũ thư Quy Nguyên mật tập. Lúc ta trở về thì nàng đã đi mất rồi, chỉ thấy Lang Đại công chúa ngồi khóc sướt mướt trong thạch động. Linh hạc không còn. Ta tưởng nàng cỡi hạc dạo chơi, rồi sẽ trở về. Ngờ đâu ta mong đợi hai ngày đêm cũng không thấy nàng trở lại. Ta hốt hoảng cả người, sợ nàng bị xảy ra điều gì bất trắc. Còn Lang Đại công chúa thì ngày đêm gọi bảo mẫu không ngớt làm cho ta không an lòng!

Thật ra, trước kia Hoàng đế Minh Hiếu Tôn chọn Thúy Điệp cho Lam Hải Bình là một ân huệ đặc biệt. Chung sống với nhau trong cung một năm, nhưng vẫn giữ mối tình thanh bạch. Vì Lam Hải Bình chỉ say mê về võ nghệ nên không nghĩ việc thành thân với Thúy Điệp. Còn Thúy Điệp thấy Hải Bình rất đứng đắn nên nàng lại càng tha thiết yêu Hải Bình hơn.

Bất ngờ, Lam Hải Bình được Tạng Chánh đồ, trốn khỏi cung điện đi tìm Quy Nguyên mật tập. Lam Hải Bình xa hoàng cung mười năm, nhưng Thúy Điệp vẫn một lòng thủy chung nhớ Hải Bình. Thúy Điệp là một bực nữ lưu, mắt ngọc da ngà, khuôn viên đầy đặn, lại ở trong hậu cung, nhưng ngày tháng buồn bã trôi qua đã mười năm, nàng chỉ cầu nguyện cho người chồng lý tưởng được bình yên, để trở về cùng nàng. Nhưng càng trông đợi càng thấy bặt tăm.

Khổ thay, sau khi Minh Hiếu Tôn chết, Võ Tôn Chấn Đức kế ngôi. Vị Hoàng đế này ngày đêm chỉ say mê tửu sắc, không còn biết gì đến chính sự.

Thúy Điệp là một thiếu nữ nhan sắc tuyệt đẹp, lòng đã gởi trọn cho Lam Hải Bình, không thích phấn son, nhưng sắc đẹp nàng vẫn diễm kiều hơn các cung nữ khác.

Qua mấy năm, Thúy Điệp vẫn ở riêng trong lâu đài, chỗ góc vườn hoa, ít khi ra ngoài.

Cái lâu đài này, trước kia Minh Hiếu Tôn dành tặng riêng cho Lam Hải Bình và Thúy Điệp.

Lúc Hiếu Tôn chết, thái tử kế ngôi, tuy cũng là một bực minh quân nhưng vị thái giám Lưu Cảnh, Mã Vĩnh Thành, Cốc Đại Dũng, Uy Tiểu Trương Vinh, Cao Phụng, cám dỗ làm cho Hoàng đế Chấn Đức càng ngày càng sa vào đường trụy lạc.

Lúc ấy Thúy Điệp là bạn gái với Ngọc Đại, người được Hoàng đế Chấn Đức phong làm Chánh Hậu. Nhưng chỉ yêu mến Ngọc Đạ được mấy tháng, thì Hoàng đế Chấn Đức lại say mê các thứ phi, lạnh nhạt với Ngọc Đại Hoàng hậu.

Bấy giờ Ngọc Đại Hoàng hậu tuy đã có thai nhưng phải sống một hoàn cảnh u buồn trong cung vắng. Sau đó một thời gian, Hoàng hậu Ngọc Đại sinh ra một Công chúa. Vì không phải là hoàng nam, nên Hoàng đế không để ý tới, mà chỉ đặt cho Công chúa một cái tên là Lang Đại mà thôi.

Ngọc Đại Hoàng hậu sau khi sanh Lang Đại công chúa, tưởng sẽ được Võ Tôn Chấn Đức thương yêu, nào ngờ Chấn Đức lại càng lạnh nhạt hơn trước nữa. Ngọc Đại uất ức sanh bệnh nặng không chữa được, chỉ trong vòng một tháng, thì Ngọc Đại Chánh Hậu đã từ trần.

Trước khi chết, Hoàng hậu Ngọc Đại đã có nhiều lời trăn trối với Thúy Điệp, và nhờ Thúy Điệp muôi dưỡng giùm Lang Đại công chúa.

Thúy Điệp cảm mến Ngọc Đại vô cùng. Sau khi Ngọc Đại chết, Thúy Điệp thương tiếc khóc mấy tháng trời, và chỉ còn có một việc hết lòng nuôi dưỡng Lang Đại công chúa để vơi bớt nỗi sầu thảm nhớ thương Ngọc Đại.

Hoàn cảnh u sầu thắm thoát trôi theo ngày tháng. Chưa bao lâu đã hai năm. Khi Hoàng đế Chấn Đức sực nhớ đến Lang Đại công chúa thì mới hay Ngọc Đại Hoàng hậu đã chết hai năm rồi. Còn Lang Đại công chúa chỉ giao cho cung nữ nuôi dưỡng nên Chấn Đức mới thấy rõ bổn phận làm cha, lần đến biệt cung của Thúy Điệp để thăm con gái.

Oái oăm thay, Võ Tôn Chấn Đức thấy Thúy Điệp hết lòng nuôi dưỡng Lang Đại công chúa không khác gì một người mẹ hiền làm cho lòng vua cảm động. Hơn nữa Thúy Điệp lại có sắc đẹp diễm lệ nên nhà vua tỏ lòng thương yêu muốn phong Thúy Điệp vào làm Thứ Phi.

Thúy Điệp đâu dám tuân mệnh vì lòng nàng đã gởi trọn cho Lam Hải Bình. Tuy nhiên Hoàng đế Chấn Đức vẫn cố theo đuổi mãi. Chỉ vì Lang Đại công chúa quá mến thương Thúy Điệp, không rời một bước, mà Võ Tôn Chấn Đức lại thương con gái nên không dám làm phật ý Thúy Điệp.

Thời gian rắc rối ấy kéo dài một năm. Thúy Điệp vẫn giữ được lòng thanh bạch trong biệt cung của nàng.

Lòng trinh tiết của Thúy Điệp lại càng làm cho Chấn Đức thèm khát yêu đương. Sau cùng Chấn Đức phải nhờ đến mưu kế thái giám Lưu Cảnh.

Thái giám Lưu Cảnh đã hết lời khuyên bảo Thúy Điệp nên nhận lời làm Thứ Phi, nhưng nàng vẫn một lòng từ chối. Thái giám Lưu Cảnh là một tay nịnh thần ác độc, dụ dỗ không được hắn lại giở trò đánh đập để dọa nạt. May thay, hoàn cảnh đau khổ ấy lại nhầm vào lúc Lam Hải Bình tới đưa Thúy Điệp và Lang Đại công chúa ra khỏi cung cấm.

Rừng sâu núi thẳm, đêm khuya cô tịch. Thỉnh thoảng những làn gió lạnh thoáng qua, lá rừng xào xạc rơi lả tả. Hàng ngàn tiếng côn trùng rên than ảo não!

Ánh trăng vàng nhạt rọi lờ mờ qua màn sương lam bao trùm cả cảnh vắng vẻ!

Bỗng nhiên Lam Hải Bình ngẩng mặt nhìn trời, hai tay ôm ngực tự trách :

- Lam Hải Bình ơi! Lam Hải Bình! Thúy Điệp cũng vì ngươi mà phải chịu sự đánh đập thảm thương. Cũng vì ngươi đã coi thường tình yêu cao quý của Thúy Điệp mà nàng ôm hận nuốt sầu đến chết đi.



Bạch Vân Phi kinh hãi kêu lên :

- Ấy! Sư phụ! Sư phụ chớ nói như vậy? Điều đáng thù nhất là mấy tên Thái Giám đã lung lạc Phụ Hoàng con! Nhưng không biết bọn nịnh thần đó còn hại bao nhiêu người nữa?

Lam Hải Bình định thần nói :

- Phụ hoàng của Lang Đại công chúa là vị Thiên Tử. Còn chúng tôi chỉ là những kẻ bày tôi thì đâu dám than trách?

Bạch Vân Phi thở dài nói :

- Nếu phụ hoàng con còn, con xin liều chết về cung để khuyên giải. Còn tên Thái Giám ác tâm đó nếu chưa chết thì con nhất định phải chém đầu hắn.

Lam Tiểu Điệp thở dài não ruột, than :

- Cha ơi! Vì sao mẹ con bị tẩu hỏa nhập ma? Nhưng tại sao cha biết mà không cứu?

Lam Hải Bình sững một lúc mới nói được :

- “Vì lúc đó Lang Đại công chúa mới năm tuổi, cha làm sao đi tìm mẹ con được. Đến tám năm sau, khi cha truyền thụ võ nghệ cho Lang Đại xong, cha mới quyết đi tìm Thúy Điệp. Trước khi đi cha có đến trước Trung Vân Hồn thề nguyện rằng: “Phải dùng hết tâm lực đi tìm Thúy Điệp. Nếu không tìm được, thà chịu vùi thân nơi góc bể chân trời xa lạ, chứ không trở về Bạch Vân Hiệp nữa”. Nhưng khi cha cỡi linh hạc rời khỏi Bạch Vân Hiệp, lại nghĩ đến Lang Đại công chúa, lúc đó chỉ là một đứa bé mười ba tuổi. Nếu không ai chăm sóc để nàng giữa cảnh cô đơn ở trong động đá thâm u này, rủi có xảy ra điều gì nguy hại thì cha mang tôi với Hoàng hậu. Việc này còn làm cho Thúy Điệp đau lòng hơn nữa! Ta cảm thấy lưỡng lự vô cùng.

Qua một ngày suy nghĩ, ta lập tức về kinh đô, lén vào cấm cung bắt một tên lính cận vệ, cùng một cung nữ. Ta đưa họ về Bạch Vân Hiệp, nói rõ thân thế của Lang Đại công chúa để họ theo hầu hạ và lo tập luyện võ nghệ với Công chúa. Tên cận vệ này tên Thần Ưng Trần Bảo, võ công cao cường, tính tình trung hậu. Còn cung nữ là Tùng Vân rất mến thương Công chúa. Ta theo dõi điều tra hơn một tháng, thấy họ đều có lòng trung thành bảo hộ Lang Đại công chúa nên ta mới yên tâm. Ta lại để con bạch hạc ở lại hầu hạ Công chúa rồi một mình ta phi thân đi tìm Thúy Điệp.

Ta dọ dẫm khắp giang hồ, từ Giang Nam đến Giang Bắc, đâu đâu cũng để bước đến.

Thời gian thắm thoát năm năm, ta mới tìm đến Bách Hoa cốc trong một vùng rừng núi sâu...”

Nói đến đây, lão ngẩng mắt nhìn Tiểu Điệp một lúc, hai dòng lệ đặc ứa ra, tiếp lời :

- Hồi đó, con chừng mười ba mười bốn tuổi, cha mới tới ngoài Bách Hoa cốc, thấy con đang chơi đùa với bốn đứa con gái khác. Nhờ nét mặt của con giống như mẹ, nên cha núp ở đó chờ con đi trở về mà lần bước theo. Lúc vào tới nơi cha thấy mẹ con đang ngồi dưỡng thần. Vì quá mừng rỡ nên cha chạy vào van cầu, làm cho mẹ con giật mình bị tẩu hỏa nhập ma.

Bạch Vân Phi ngạc nhiên hỏi :

- Lúc đó bảo mẫu con cũng luyện theo nội công của sư phụ sao? Nhưng với cách chữa thương ghi chép trong Quy Nguyên mật tập mà sư phụ không thể cứu được bảo mẫu à?

Lam Hải Bình lắc đầu, nói :

- Khổ thay! Cách chữa thương ghi trong Quy Nguyên mật tập tuy quảng đại, nhưng lúc đó Thúy Điệp đang luyện môn Đại Ban Nhược huyền công là môn đệ nhất nguyên khí của Tam Âm thần ni. Môn này cần phải có một sức nội công thượng thặng mới luyện được, nhưng Thúy Điệp không có học võ công, chỉ nhờ có trí thông minh học thuộc cả bộ Quy Nguyên mật tập mà tu luyện đến Đại Ban Nhược huyền công. Rủi thay! Ta không biết nàng đang hành công. Chỉ vì tình thương nhớ mười mấy năm, nên lúc gặp được nàng, ta mừng quýnh lên vội ôm chầm lấy nàng và gọi tên. Nàng giật mình mở mắt nhìn thì miệng nàng phun ra những bụm máu tươi. Thân người nàng nhảy tung lên, làm ta thất kinh đứng sững vững, một hồi lâu mới tỉnh lại. Lúc đó ta mới biết nàng đang hành công, bị ta phá phách làm cho nàng bị tẩu hỏa nhập ma. Ta liền chữa thương cho nàng theo phương pháp trong Quy Nguyên mật tập nhưng không có hiệu quả.

Đến đây Lam Hải Bình thở dài, nhìn Tiểu Điệp nói :

- “Bỗng nhiên Thúy Điệp tỉnh dậy, đánh ta hai tát tai, rồi giận dữ nói: “Hừ! Ngươi sợ ta luyện thành Đại Ban Nhược huyền công thì sau này, ngươi không thể tự xưng võ công đệ nất trên thiên hạ phải chăng? À! Ra thế, hèn chi ngươi phải nhọc lòng đi khắp nơi để tìm ta...”

Chưa dứt lời, nàng đã nhảy vào người ta rồi.

Lúc đó ta đỡ Thúy Điệp nằm trên giường, rồi mới giở Quy Nguyên mật tập tìm cách chữa tẩu hỏa nhập ma. Nhưng trong vũ thư chỉ thấy những hàng chữ :

“Nếu lúc luyện công này, mà bị tẩu hỏa nhập ma thì trong một năm, kinh mạch bít lại sẽ chết ngay, chỉ có cách cứu được là dùng nội đơn của Vạn Niên Hỏa Quy. Vật bảo quý này phải tìm ở Nga Mi sơn”.

Ta xem đến đây vội vận khí giúp cho Thúy Điệp đủ sức chịu đựng nội thương. Nhưng nàng quá thù ghét ta, nên những lúc tỉnh dậy nàng đều chống lại ta, xem ta như kẻ thù. Nàng cứ bị ngất xỉu mãi. Ta không thể khuyên nàng bảo trọng lấy thân để ta đi tìm Vạn Niên Hỏa Quy được. Tình thế như vậy, ta sợ nàng có thể uất khí chết gấp, nên ta phải lén nàng ra đi.

Ta gấp chạy tới Nga Mi sơn tìm Vạn Niên Hỏa Quy Nhưng khổ thay! Nga Mi sơn vạn núi ngàn trùng điệp, ta cố tâm dọ dẫm khắp vùng núi sâu đó đến nửa năm, nhưng chẳng tìm được.

Lúc ấy ta qua thất vọng về việc đi tìm Vạn Niên Hỏa Quy nhưng lại nóng lòng trước bệnh tình của Thúy Điệp, không biết nửa năm nay bệnh nàng biến chuyển như thế nào? Ta vội trở lại Bách Hoa cốc.

Lần này ta không dám chạy gấp vào động nữa, chỉ lần mò núp trong bóng tối để dò xem thân thể nàng.

Nhưng ta núp trước động đá một ngày một đêm, mà chẳng thấy hình bóng người nào vào ra cả. Đến ngày sau, ta bước lần vào trong thạch thất, thì thấy tứ bề vắng lặng, hình bóng của Thúy Điệp mất rồi! Đầu óc ta bấn loạn như người điên, không biết Thúy Điệp chết, hay đã dời đi nơi nào khác”.

Lam Tiểu Điệp liền tiếp lời :

- Khi ấy mẹ con dời ra ngoài cốc ở giữa rừng sâu. Mẹ con bảo là kẻ mà mẹ con ghét nhất đời đã tìm ra chỗ ở, nên phải dời đi nơi khác để tránh sự quấy rối. Sau đó, mẹ con cấm không cho con đi ra ngoài rừng một bước. Ngờ đâu, người mà mẹ con ghét nhất, lại là cha của con.

Lam Hải Bình thở dài, nói :

- “Lúc đó, tuy ta bối rối, nhưng sau ta coi kỹ lại thấy trong thạch thất những đồ cần dùng đều thu dọn mất hết, ta biết mẹ con đã dời đi nơi khác. Hơn nữa theo lời ghi trong Quy Nguyên mật tập thì vẫn có thể sống được một năm, nên ta tin rằng mẹ con còn sống. Lòng ta có phần bớt lo, và hai ngày sau ta trở lại Nga Mi sơn, tiếp tục việc tìm Vạn Niên Hỏa Quy.

Nhưng tìm mãi trong nửa năm, cũng tuyệt nhiên không hề thấy một vết tích nào của Vạn Niên Hỏa Quy cả.

Lần này, ta hoàn toàn thất vọng, vì theo lời ghi của Quy Nguyên mật tập tính ra Thúy Điệp chỉ sống được một năm. Lúc đầu, ta thấy thời gian một năm thì hy vọng có thể tìm Vạn Niên Hỏa Quy kịp. nhưng sau hai cuộc hành trình trong Nga Mi sơn, ta thấy thời gian đi nhanh như ngựa qua cửa sổ”.

Bỗng Tiểu Điệp khóc nức nở, than :

- Mẹ con dời vào rừng sâu, sau chín tháng đã chết rồi. Trước giờ chết, mẹ con gọi con lại bên mình bảo: “Sau khi con lớn lên, nếu lòng con cảm thấy thích một chàng trai nào, là con phải giết hắn lập tức. Và điều thiết yếu nhất là con phải cố tâm tập luyện cho được Đại Ban Nhược huyền công, rồi đọc cho thuộc bộ vũ thư Quy Nguyên mật tập như ghi vào lòng.

Sau đó con đốt hết Quy Nguyên mật tập, rồi tìm đến Bạch Vân Hiệp để tìm lão già áo xanh báo thù cho mẹ”. Ôi!... Trời... Mẹ ơi! Mẹ ơi! Làm sao con có thể giết cha con để báo thù cho mẹ? Nhưng con cũng không thể không nghe lời của mẹ!

Tiểu Điệp đứng phắt dậy, rồi từ từ quỳ xuống đất, hai tay chắp lại trước ngực, mặt ngẩng lên đầy nước mắt, miệng lâm râm không biết nàng cầu khẩn điều gì.

Bạch Vân Phi vừa thương xót vừa lo sợ, liền bước tới bên Tiểu Điệp.

Lúc này Lam Hải Bình cũng nhắm mắt ngồi yên vận nội công, ngự lại vết thương.

Trán lão ướt đẫm mồ hôi, mặt tái ngắt, lộ rõ muôn ngàn nét đau buồn, mà Bạch Vân Phi chưa từng thấy sư phụ nàng đau khổ như vậy bao giờ.

Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng trăng khuya, giữa rừng sâu núi thẳm chỉ có mấy bóng người mặt đầy nước mắt, ủ rũ đứng ngồi trong cảnh thê lương chưa từng có!

Bỗng nhiên Tiểu Điệp khóc òa lên, gào thét :

- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ làm cách nào cho con có thể nhẫn tâm giết cha con được! Nhưng không giết thì con mang tội bất hiếu. Vậy Điệp nhi phải chết theo mẹ...

Chưa dứt lời, Tiểu Điệp đã thò vào túi, lấy ra một thanh đao nhỏ thật bén, toan đâm thẳng mũi đao lên ngực nàng.

Bạch Vân Phi đã đứng sát bên Tiểu Điệp từ lâu, nên kịp thời đưa tay nắm thanh đao lại, và hét to :

- Mau bỏ đao ra!

Tiểu Điệp giật mình, buông ngay tức khắc nói :

- À! Mẹ muội có bảo: “Bất kể Công chúa nói điều gì muội cũng phải nghe theo”.

Bạch Vân Phi giật đao ra, rồi nắm tay Tiểu Điệp, dịu giọng nói :

- Mẹ Tiểu Điệp là bảo mẫu tôi, đã nuôi nấng tôi từ lúc mới sanh, tình sâu như biển. Còn sư phụ tôi là cha Tiểu Điệp, dạy dỗ tôi cho đến ngày nay, ơn nặng tợ Thái Sơn. Tuy sư phụ tôi có nhiều lúc làm phiền bảo mẫu, nhưng cái đau khổ mười mấy năm hối hận của sư phụ tôi cũng đáng bù vào tội lỗi rồi. Nếu nay bảo mẫu tôi chưa chết, chắc có lẽ cũng thấu hiểu được sự hối hận, mà trở về Bạch Vân Hiệp cùng sống với sư phụ tôi một chỗ.

Tiểu Điệp nóng lòng, nghĩ đến trọng thương của Lam Hải Bình, quay mặt lại kêu thất thanh :

- Cha! Cha muội đâu mất rồi?

Lam Hải Bình bị thương rất nặng, nhưng nhờ sức nội công đã thâm hậu, nên còn miễn cưỡng chịu nổi. Nhưng sau một hồi điều dưỡng, lão cảm thấy thương thế có nhiều biến chuyển, lòng thầm lo :

- “Vết thương công phạt rất mau, nếu ta còn chần chờ ở đây, cái chết thê thảm sẽ làm đau lòng hai trẻ”.

Lão thừa cơ mọi người không chú ý, giở khinh công nhẹ mình đi mất. Tuy lão ngồi cách mọi người không đầy hai trượng, nhưng sức khinh công lão đến mức tinh thông, đi không có tiếng động, nên không ai hay được.

Đến lúc Tiểu Điệp kêu lên, Bạch Vân Phi cũng giật mình quay đầu lại, thì không còn thấy tăm dạng của Lam Hải Bình đâu nữa.



Bạch Vân Phi rất bình tĩnh, nhưng lúc này tâm trí nàng rối loạn vì trước mắt nàng vừa xảy ra nhiều việc trọng đại bất ngờ. Nàng quay nhìn Mã Quân Vũ đang nằm thiêm thiếp dưới bãi cỏ, bất giác nước mắt chảy ràn rụa.

Đột nhiên Bạch Vân Phi lao mình vút lên đồi, kêu to :

- Sư phụ! Sư phụ!

Nhưng chỉ nghe con linh hạc kêu oang oác từ trên đồi bay xuống bên Bạch Vân Phi, như báo tin gì.

Bạch Vân Phi đứng ngơ ngác một hồi lâu, thầm nghĩ :

- “Lý Thanh Loan tâm tình thật thà ngây thơ, sợ không cáng đáng được việc lớn, còn Tiểu Điệp từ nhỏ đến lớn, chỉ ẩn thân trong Bách Hoa cốc, chưa từng trải việc đời. Đến như Tam Thủ La Sát Phàn Tú Vỹ tuy có ít nhiều lịch duyệt nhưng phải cái tánh ác độc không thể tin cậy được. Vả lại sư phụ ta võ công tinh tường chắc không hề gì đâu! Giờ này có lẽ sư phụ đang tìm nơi yên tĩnh để dưỡng khí, nếu ta chạy theo chỉ làm kinh động cho thương thế của sư phụ mà thôi. Tốt hơn ta nên trở lại lo bịnh tình cho Mã Quân Vũ”.

Bạch Vân Phi vội xoay mình trở lại. Trong nháy mắt nàng đã tới bên Tiểu Điệp, nắm tay nói :

- Tiểu muội! Sư phụ tỷ nội công tinh thông lắm. Tuy bị thương nặng nhưng không hề gì đâu. Hiện giờ sư phụ đã tìm nơi yên tĩnh để vận khí dưỡng thương. Vậy tiểu muội vui lòng ở đây với tỷ, đừng có buồn tủi nữa. Tiểu muội là con của bảo mẫu và sư phụ, tức là muội muội của tỷ rồi. Từ nay về sau tỷ gọi t muội bằng muội và tiểu muội gọi tỷ bằng tỷ tỷ nhé.

Tiểu Điệp ngập ngừng đáp :

- Tôi là con của kẻ bề tôi, còn Lang Đại công chúa là thân phận tôn quý của Hoàng đế. Tôi đâu dám gọi Công chúa bằng tỷ tỷ.

Bạch Vân Phi thở dài, nói :

- Đừng nói vậy! Bảo mẫu và sư phụ là cha mẹ của Tiểu Điệp, đã hết lòng nuôi dưỡng tử từ nhỏ đến lớn, công ơn cao quí đó còn nặng hơn công sanh thành của cha mẹ nữa. Hiện giờ tiếng Lang Đại công chúa đã chết trong hoàng cung rồi, tỷ chỉ còn cái tên duy nhất là Bạch Vân Phi. Vậy muội muội hãy gọi tỷ bằng tỷ tỷ đi!

Tiểu Điệp chưa kịp nói lời nà thì Bạch Vân Phi đã thân mật nắm tay Tiểu Điệp dắt lại gần Mã Quân Vũ.

Tiểu Điệp ngạc nhiên trố mắt nhìn kỹ vẻ mặt QuânVũ, rồi quay lại nhìn Vân Phi, hỏi :

- Tỷ tỷ! Người này hình như tên là Mã Quân Vũ phải không?

Bạch Vân Phi giật mình, hỏi :

- Ủa! Tại sao muội muội mới thấy lần đầu tiên mà đoán được tên người?

Lam Tiểu Điệp liền kể lại :

- Lúc muội rời khỏi Bách Hoa cốc đi tới Ninh Giang, thình lình gặp hắn ở trên ghe. Võ công của hắn rất giỏi. Bốn người tỳ nữ của muội đánh không lại hắn. Sau đó, muội phải dùng tỳ bà đàn bài Mê Sảng Ly Hồn trong Quy Nguyên mật tập để cho hắn bị nội thương...

Bạch Vân Phi lấy làm lạ, hỏi :

- Muội muội đã thuộc vũ thư Quy Nguyên mật tập sao? Như vậy muội muội có thể chữa thương được không?

Lam Tiểu Điệp suy nghĩ một lúc, nói :

- Về cách chữa thương ghi trong Quy Nguyên mật tập thì rất nhiều, nhưng muội chỉ thuộc lòng mà không biết cách chữa. Các phương pháp chữa thương đó, cần người phải có nội công cao cường mới dùng được. Còn muội không có võ công làm sao đánh thông được các kinh mạch.

Bạch Vân Phi ngạc nhiên hỏi :

- Sao lạ vậy? Muội muội mà không biết võ công?

Lam Tiểu Điệp nói :

- Muội đâu dám nói dối với tỷ tỷ. Từ bảy tám tuổi tới bây giờ, mẹ muội chỉ dạy một môn pháp là ngồi điều dưỡng thôi. Trong mười mấy năm, muội chỉ biết luyện ngồi điều dưỡng, học đàn tỳ bà và đọc cho thuộc hết bộ vũ thư Quy Nguyên mật tập. Ngoài ra muội không được học qua võ công nào cả.

Bạch Vân Phi hỏi :

- Tiểu muội luyện theo nội công gì?

Tiểu Điệp nói :

- Lúc nhỏ muội thấy mẹ tập luyện cách nào thì muội làm theo cách đó. Đến sau, khi muội coi Quy Nguyên mật tập, mới biết phép tập luyện này là Đại Ban Nhược huyền công là một môn nội công tinh thông nhất.

Bạch Vân Phi nghi ngờ hỏi tiếp :

- Muội muội từ nhỏ đến lớn sống bên bảo mẫu, đã học thuộc hết Quy Nguyên mật tập mà nói không biết võ công thì ai còn tin được? Tỷ chỉ thấy cái lách mình của muội khi nãy cũng đủ kính phục rồi.

Tiểu Điệp thở dài than :

- Muội đâu dám nói dối với tỷ tỷ! Thật muội chưa hề biết võ công. Trước kia mẹ muội chỉ truyền võ công cho bốn người tỳ nữ, còn muội học thì mẹ không chịu dạy, chỉ nói : “Con tự tu luyện môn nội công đó, sau này cũng đủ trả thù cho mẹ rồi! Cứ mỗi ngày con ngồi yên tịnh bốn giờ, chừng vài năm con sẽ biết cách điều hòa chân khí”. Có một ngày muội thấy bốn tỳ nữ tập luyện võ công rất lanh lẹ, có thể chạy qua các đồi núi như bay, muội thích quá, nên theo cầu xin mẹ truyền võ công. Không ngờ, mẹ muội đã quở trách năng nề, còn buồn bã khóc lóc giận dỗi muội hơn một ngày. Từ đó trở đi muội nhứt thiết không dám nghĩ tới võ công nữa. Hằng ngày muội chỉ ngồi yên trong hang đá tĩnh trí, sau bốn giờ muội mới đọc Quy Nguyên mật tập và học đàn tỳ bà. Nhờ vậy tất cả các võ công ghi trong Quy Nguyên mật tập muội đều học thuộc làu hết.

Bạch Vân Phi nói :

- Như vậy, bảo mẫu bắt muội muội học thuộc về lý thuyết các môn võ công yếu quyết, mà lại không cho muội muội học võ nghệ, thật khó hiểu thâm ý của bảo mẫu!

Lam Tiểu Điệp thở dài, nói :

- Ôi! Tâm hồn của mẹ muội lúc ấy rất buồn thảm, nhưng lời nói rất cương quyết. Mẹ muội buộc muội hằng ngày ngồi tịnh tâm tu luyện, đến khi nào thuộc Quy Nguyên mật tập rồi mới luyện võ nghệ được. Không ngờ, mẹ lại bị cha muội phá mất nội công, đến tẩu hỏa nhập ma, chưa đầy một năm mẹ muội đã chết, nên muội chưa kịp thời học võ nghệ. Sau khi mẹ muội chết, muội mới cố tâm nghiện cứu trong Quy Nguyên mật tập thì được biết cái công phu muội đang tập luyện chính là Huyền Môn Nhất Nguyên Khí và Phật môn Ban Nhược thiền công hợp lại thành Đại Ban Nhược huyền công. Lúc muội hiểu thấu đáo như vậy, thì hai mạch đã thông. Nhưng muội phải tuân theo lời mẹ dạy, là rời Bách Hoa cốc, tìm tới Bạch Vân Hiệp để trả mối thù cho mẹ.

Lúc đi, muội không nghĩ đến việc đề phòng có kẻ cướp Quy Nguyên mật tập, nên bị bọn người lạ mặt chận đường, đánh bại bốn tỳ nữ. Muội vì không biết võ công nên chỉ đứng đó nhìn thôi. May vừa lúc ấy cha muội đi ngang qua, giúp sức đánh lùi bọn cướp. Tuy muội có đem theo bản đồ, và tấm chân dung của cha do mẹ vẽ. Nhưng khi ấy cha mang mặt nạ, thành thử muội nhìn không ra. Dọc đường muội lại thật tình kể hết câu chuyện này cho cha nghe hết.

Bạch Vân Phi mỉm cười, nói :

- Đúng rồi! Sau khi sư phụ giật được con Vạn Niên Hỏa Quy ở Phục Hổ lĩnh, liền chạy thẳng về Bách Hoa cốc để tìm mẹ của muội muội, nên dọc đường mới gặp muội muội đấy!

Lam Tiểu Điệp gật đầu, nói :

- “Tỷ tỷ đoán không sai! Lúc cha muội đang đuổi bọn cướp chạy tán loạn xong, có nói :

“Ta ở Quát Thương sơn cách Bạch Vân Hiệp không xa, vậy các ngươi đi cùng đường với ta cho tiện”. Đi dọc đường cha muội hết lòng giúp đỡ. Nhưng từ nhỏ đến lớn muội chỉ ở trong Bách Hoa cốc với tôi và bốn tỳ nữ thôi, ngoài ra không hề quen biết với một người nào khác, nên lúc được cha giúp đỡ chăm sóc cho muội mà không cho là kỳ lạ, cứ tưởng mình gặp được người khác tốt thôi.

Đến Bạch Vân Hiệp cha muội vẫn chưa cởi mặt nạ, mà còn nói dối với muội: “Bạch Vân Hiệp ở gần bên đây, để ngày mai ta đưa ngươi tới gặp người thù đã hại mẹ ngươi chết”.

Sau đó, cha lấy nội đơn của Vạn Niên Hỏa Quy lừa điểm huyệt cho muội không còn cử động được, ép muội uống nội đơn.

Nội đơn ấy vừa uống vào muội cảm thấy nóng rần cả người, rất đau đớn. Bốn tỳ nữ tưởng cha muội có ý ám hại muội, nên chúng hợp sức xông tới đánh cha muội. Tuy bốn tỳ nữ có học võ công, nhưng chỉ trong chớp mắt chúng đã bị cha muội điểm huyệt cả.

Tiếp đó muội mê man ngủ lúc nào không hay. Khi thức dậy thì thấy cha muội đã ngồi một bên rồi. Cha muội nhỏ nhẹ bảo muội đừng sợ, và nói rõ cho muội biết nội đơn của Vạn Niên Hỏa Quy là một linh vật rất quý, thiên hạ đã nhọc tâm tìm kiếm hàng ngàn năm chưa bắt được.

Đến lúc trời nhá nhem tối, cha muội nói : “Người thù đã hại chết mẹ ngươi, đêm nay ngồi dưới một hốc cây cách đây chừng mười lăm trượng, về phía Đông bắc. Ngươi ở đây chờ đến hết canh một, rồi theo hướng ta chỉ, tới đó sẽ thấy người thù của mẹ ngươi. Thôi, để ta đi về núi Quát Thương”.

Dứt lời, cha tôi bỏ đi mất...”

Bạch Vân Phi nói :

- Sư phụ đã cố tâm chịu chế để đền tội với bảo mẫu, nên không muốn để lộ tông tích cho muội muội biết rõ.

Lam Tiểu Điệp nói :

- Đến hết canh một, muội và bốn tỳ nữ đi theo hướng cha đã chỉ. Quả nhiên, tới bãi cỏ dưới gốc cây, thấy có một ông già mặc áo dài xanh. Muội liền giở tấm hình của mẹ vẽ để xem lại thì thấy mặt mày lão giống hệt trong hình vẽ. Muội không còn ngần ngại gì nữa, liền dùng Ngọc tỳ bà đàn khúc Huyền Âm Hao Tâm để hại cừu địch. Nếu tỷ tỷ không đuổi tới, thì muội đã trở thành kẻ giết cha rồi.

Bạch Vân Phi liền hỏi :

- À! Lúc nãy muội muội dùng Ngọc tỳ bà đàn mấy tiếng đến say hồn, có phải mấy khúc đàn đó ghi trong Quy Nguyên mật tập không?

Lam Tiểu Điệp gật đầu đáp :

- Tỷ tỷ đoán đúng! Những khúc đàn muội dùng Ngọc tỳ bà đều có ghi trong Quy Nguyên mật tập.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Tiên Hạc Thần Kim

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook