Tiếu Ngạo Trung Hoa

Chương 1: Trung Thu Nam Hải cuồng phong khởi - Thủy thượng ba đào hữu mỹ nhân

Ưu Đàm Hoa

21/05/2013

Miền duyên hải phía Nam và Đông Trung Hoa có mùa mưa bão kéo dài từ tháng năm đến tận tháng mười một, nhưng dữ dội nhất là ba tháng bảy, tám, chín.

Những cơn bão nhiệt đới này xuất phát ở Nam Hải, di chuyển theo hướng Tây và Bắc vì vậy, ảnh hưởng từ Quảng Châu cho tới vịnh Liêu Đông.

Tất nhiên, địa phương đầu tiên gặp bảo chính là đảo Hải Nam, vùng đất cực Nam Trung Hoa.

Tiết Trung Thu vừa rồi, một cơn cuồng phong mãnh liệt đã thổi bay mấy chục mái lá đơn sơ trong thôn chài Dương Sa ở mạn chính Đông Hải Nam. Một trong số những nạn nhân ấy là chàng trai già Nam Cung Bột.

Nam Cung Bột nổi tiếng khắp thôn Dương Sa vì nhiều lý do. Thứ nhất là bởi gã có thân hình vạm vỡ, sức khỏe phi thường, tài bơi lội thuộc hàng thượng thặng.

Thứ hai, gã là người nghèo nhất thôn chài.

Do vậy, dẫu đã ba mươi tám tuổi rồi, Nam Cung Bột vẫn phòng không chiếc bóng!

Phải nói thêm rằng Nam Cung Bột có hai tật xấu nho nhỏ. Là uống rượu như hũ chìm và sức ăn gấp năm, gấp bảy người thường. Suốt đời gã làm không đủ ăn thì còn nuôi nổi ai nữa?

Các nữ nhân chưa chồng trong thôn luôn rạo rực dán mắt vào những bắp thịt cuồn cuộn trên cơ thể Nam Cung Bột, nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện lấy gã!

Chàng trai già của chúng ta cũng biết phận mình nên chỉ nheo mắt đưa tình, hay nhoẻn miệng cười duyên chứ không dám tán tình ai cả!

Thực ra, Nam Cung Bột không hoàn toàn cô đơn vì trong thôn có khá nhiều quả phụ.

Năm nào cũng có một hai ngư dân bỏ mạng ngoài biển khởi, để lại người vợ và bầy con nheo nhóc.

Thỉnh thoảng, Nam Cung Bột đến thắp hương cho những người bạn xấu số và an ủi thê tử của họ.

Tấm lòng tốt của gã đã khiến góa phụ cảm kích đến nỗi lôi xộc Nam Cung Bột vào buồng!

Tuy nhiên, ngay cả những người đàn bà không chỗ nương tựa cũng chẳng dám lấy gã, vì sợ bầy con của mình sẽ chết đói! Tật tham ăn của gã khiến mọi người chán ngán!

Nghề biển không giống với nghề nông vì chẳng thể dựa vào sức lực mà cày sâu cuốc bẫm, gia tăng huê lợi. Ngư dân dong buồm ra khơi, trông đợi khá nhiều vào vận may, đôi khi phải trở về với vài ba con cá chép, chẳng đủ nhét kẻ răng! Thế cho nên, Nam Cung Bột có khỏe như Hạng Võ cũng bằng thừa! Gã chưa chết đói cũng là may lắm rồi!

Vậy vì sao một đáng trượng phu sức vóc như Nam Cung Bột mà lại chịu chôn vùi cuộc đời ở vùng đất cằn cỗi, nghèo nàn này? Vì sao gã không đi nơi khác mà lập nghiệp?

Xin thưa rằng thôn Dương Sa là nơi chôn nhau cắt rốn của Nam Cung Bột, và mười tám năm trước gã đã từng vác đao đi tìm chút công danh.

Chàng trai đảo Hải Nam đã lần đến kinh đô Ưng Thiên Phủ, tức Nam Kinh bấy giờ. Hải Nam cách xa Trung Nguyên là một huyện của Quảng Đông và có nhiều dân cư thuộc các bộ tộc thiểu số Lê, Miêu, Hồi!.. nên văn hóa kém cỏi, bị coi là man di, mọi rợ.

Do đó Nam Cung Bột không được người Đế đô xem trọng, kể cả bọn kỹ nữ!

Lòng tự ái bị tổn thương, Nam Cung Bột liền đại náo Kim Lăng đại kỹ viện, đánh nhau cả với bọn Cẩm Y thị vệ. Mãnh hổ nan địch quần hồ, thế là gã bị bắt.

May thay, quan Vệ Úy Lưu Chân cũng là người Hải Nam nên đã không bắt tội mà còn thu nạp Nam Cung Bột vào làm thị vệ.

Vài năm sau, Yên Vương Chu Lệ cướp ngôi Huệ Đế. Nam Cung Bột phò tá vua cũ chạy trốn, nhưng nửa đường thì lạc mất.

Thế là, Nam Cung Bột phải trở lại quê cũ là thôn Dương Sa, sống cuộc đời ngư phủ nghèo mạt rệp ngày ngày mượn men rượu để tưởng nhớ đến giai đoạn hoàng kim!

Song thân gã đã chết cả, để lại một mái nhà tranh và chiếc thuyền chài! Nam Cung bột đã dời nhà vào cánh rừng dương để được gần gũi mộ phần pha mẹ, dù gã chẳng bao giờ có tiền mua nhang!

Trận bão tháng tám đã thổi tốc mái lá, khiến Nam Cung Bột phải sửa hết ba ngày. May mà gã có thói quen vác thuyền về nhà nên phương tiện mưu sinh vẫn còn nguyên vẹn!

Hôm nay là ngày rằm tháng chín, Nam Cung Bột ra khơi. Gã chèo một mạch tám chín dặm, định đến vùng nước dồi dào tôm cá, thì nhận ra một đoàn chiến thuyền mười mấy chiếc căng buồm tiến lên hướng Bắc, đây là thuyền của quân nhà Minh đi chinh phạt An Nam trở về.

Nam Cung Bột bực bội chửi vang vì đoàn thuyền kia đang đi ngang ngư trường của gã, và vì gã không ưa vị vua hiện tại là Minh Thành Tổ Chu Lệ. Chính lão ta đã khiến Nam Cung Bột phải thất nghiệp, rơi vào cảnh khốn cùng!

Nam Cung Bột biết đàn cá nơi ấy đã chuồn mất nên không đi tiếp, buông chài tại chỗ và chỉ kiếm được vài con. Gã chán nản trở về, sáng hôm sau mới trở lại vùng biển quen thuộc!

Lần này, Nam Cung Bột xa bờ được bốn dặm thì nhận thấy một xác người đang trôi nổi trên sóng nước. Gã mừng rỡ chèo về hướng ấy, may ra tìm được chút vàng bạc hay vật trang sức của nạn nhân.

Năm ngoái, lão Trương Cẩn trong thôn đã từng gặp may, vớ được mười lượng bạc trong xác chết trôi. Lão ta chỉ tốn có năm phân để chôn cất, và lời chín lượng rưỡi.

Đến nơi, Nam Cung Bột cau mày vì nhận ra nạn nhân là một nữ lang mặc áo vải thô, chẳng hề đeo trang sức.

Tuy hơi thất vọng nhưng gã vẫn nhảy xuống đem xác lên thuyền.

Lúc cởi thắt lưng, Nam Cung Bột kinh hãi vì phát hiện nàng ta vẫn còn sống, dù hơi thở rất mỏng manh.

Gã gật đầu lẩm bẩm :

- Cô ả này thân hình nhỏ nhắn chắc ăn chẳng bao nhiêu, ta chỉ bớt vài chén là nuôi được! Thường thì ân biến thành tình, phen này ta đã có vợ đẹp rồi!

Quả thực là nữ lang này rất kiều diễm. Tuy da nhợt nhạt, tái mét vì ngâm nước quá lâu, nhưng sống mũi nàng thanh tú, mày liễu xanh đen và đôi môi nhỏ xinh xinh kia vẫn biểu hiện một nhan sắc mặn mà!

Nam Cung Bột đắc ý thổi vào miệng mỹ nhân những luồng sinh khí.

Môi nàng lạnh giá và mặn chát mà sao gã cứ muốn chạm vào mãi!

Gã là ngư phủ nên thông thạo việc cấp cứu. Chỉ một lát sau đã tống hết số nước biển trong bụng nạn nhân ra. Động tác kế tiếp là phải làm nóng sưởi ấm cơ thể nữ lang, nhưng trên thuyền chẳng hề có lửa hay chăn bông.

Ngay bản thân Nam Cung Bột cũng chỉ có một chiếc quần dài cũ rách vá chằng vá chịt. Gã gãi đầu suy nghĩ tự nhủ cứu người là trọng nên cởi sạch y phục ướt át của nữ nhân rồi nằm ôm lấy, dùng sức nóng trong thân xác mình mà sưởi ấm kẻ bị nạn.

Đáy thuyền chài thường sâu hơn thuyền câu, lòng thuyền lót vạt tre ngang mạn, phía dưới sạp tre là chỗ để chứa cá tôm. Che chở cho sạp là một vòm mui sườn tre, căng bằng vải buồm khá là kín đáo.

Nam Cung Bột yên tâm ôm ấp thân hình thon thả và mịn màng ấy, mặc cho sóng biển nhồi lắc con thuyền!

Đây là lần đầu tiên được kề cận một nàng trinh nữ nên chàng trai già họ Nam Cung nghe lòng bồi hồi, xao xuyến sướng như được lên tiên!

Gã không động dục nhưng lại khao khát được vuốt ve đôi nhũ phong nhỏ nhắn, săn chắc kia. Chúng mơn mởn, thanh tân, đẹp hơn tất cả những bầu vú mềm nhão hay chảy xệ của các mụ quả phụ và bọn kỹ nữ!

Nam Cung Bột liếc gương mặt đẹp trang nghiêm của nữ lang, lòng hơi ái ngại và tự trấn an :

- Quái gì phải sợ! Đã ôm ấp thân mật thế này thì có thất lễ thêm một chút cũng chẳng sao!

Và gã run rẩy đặt bàn tay thô tháp, to như nải chuối của mình lên ngực trái mỹ nhân. Cảm giác quả là tuyệt diệu phi thường, nhưng Nam Cung Bột còn chút khí chất trượng phu nên chẳng dám kéo dài, ngượng ngùng rút tay về.

Nữ lang chưa tỉnh lại nhưng thân thể đã ấm hơn, hơi thở điều hòa.

Nam Cung Bột gật gù, ngồi lên, thò tay lấy bộ y phục treo ở kèo mui đã sắp khô nhờ gió biển, phủ lên người nữ lang.

Gã bước ra mũi thuyền, định chèo vào bờ thì phát hiện chung quanh là một đàn cá thu đông dặc. Chúng vây chặt thuyền, cứ như bị hấp dẫn bởi một sức mạnh nào đó!

Nam Cung Bột mừng rỡ quăng chài, chỉ gần khắc đã khẳm một thuyền đầy cá!

Gã mỉm cười tự nhủ :

- Cô ả này đã mang vận may đến cho ta! Làm gì có chuyện cá thu vây lấy thuyền bao giờ?

Gã phấn khởi chèo một mạch về đến bãi biển Dương Sạ Đoạn này rất vắng vẻ vì chỉ có mỗi một nhà của Nam Cung Bột, cách xa xóm chài hơn nửa dặm.

Gã nhảy xuống nước, căng bắp thịt đẩy thuyền lên bãi cát và phăng phăng kéo nó về hướng rừng dương. Thần lực này quả là đáng khâm phục.

Nam Cung Bột bồng nữ lang vào nhà, đặt lên chiếc giường tre cũ kỹ, và chẳng có lấy một manh chiếu hay tấm đệm bông.

Gã nhăn mặt tự cằn nhằn :

- Nhà cửa thế này thì chắc cô vợ đẹp sẽ chuồn sớm! Ta phải bán cá mua thêm ít vật dụng mới được!

Bỗng gã nghe có tiếng thở dài và nữ lang mở mắt ra, nói bằng tiếng Quảng Đông :

- Các hạ hãy ra ngoài để ta mặc lại y phục!

Nam Cung Bột định nói rằng mình đã thấy hết, nàng chẳng cần phải hổ thẹn làm gì. Nhưng khi chạm phải ánh mắt u buồn và nghiêm lạnh, gã chột dạ bước ra khỏi nhà, sẵn dịp xúc cá trong thuyền vào mảnh lưới cũ, mang vào trong thôn bán!

Tổng cộng có đến gần ba trăm cân cá đè nặng lên đôi vai lực lưỡng.

Người trong thôn kinh ngạc trước lượng thu hoạch quá lớn này, cao giọng khen ngợi vì chắc mẩm rằng lát nữa sẽ được mời nhậu.

Bản tính Nam Cung Bột rất phóng khoáng nên bạn bè rất đông đúc.

Song hôm nay, gã vừa rời vựa cá là đến ngay tiệm tạp hóa, mua đủ thứ vật dụng và tất tả trở về nhà chứ không ghé quán rượu.

Nữ lang áo vải xanh kia đã nấu xong cơm, còn có cả một tô canh cá thơm phức.

Nam Cung Bột đã chừa lại chục con, trong lu sành sau nhà, để làm thực phẩm.

Chén đũa mới mua đã có dịp sử dụng ngay.

Hai người lặng lẽ ăn mà chẳng nói tiếng nào.

Nam Cung Bột càng ngắm nghía, lòng càng ngây ngất trước vẻ đẹp của nữ lang.

Gã ấp úng nói :

- Tại hạ là Nam Cung Bột, ba mươi tám tuổi. Dám hỏi phương danh của cô nương?

Gã từng làm thị vệ suốt bốn năm ở Kim Lăng nên ngôn từ không đến nỗi quê mùa, thô kệch.

Nữ lang hờ hững đáp :

- Ta tên gọi Đặng Trinh Tâm, hai mươi lăm tuổi!

Nam Cung Bột có đà hỏi tiếp :

- Chẳng hay Đặng cô nương nguyên quán chốn nào, và vì sao lại rơi xuống biển?

Đôi mắt nữ nhân đang hiền hòa bỗng loé lên tia oán hận và chứa đầy sát khí, mặt nàng lạnh lùng như phủ sương mờ!

Nam Cung Bột chẳng biết sợ trời cao đất dày, vậy mà lại thấy ngán nữ nhân này!

May thay, sắc diện này đã dịu xuống.

Trinh Tâm bình thản nói :

- Sau này các hạ sẽ biết!

Nam Cung Bột cũng chẳng dám hỏi tới, buông đũa đi ra phía sau súc miệng.

Nhận thấy đống củi đã gần hết, gã trở vào nhà lấy thanh đao giấu dưới gầm giường, kỷ vật duy nhất của cuộc đời làm thị vệ!



Nam Cung Bột đi một vòng, chặt những cành dương khô, mang về chất đống sau hè! Gã làm việc cần mẫn, trên môi điểm nụ cười hạnh phúc, và hình bóng Trinh Tâm thấp thoáng trong hồn và trước mắt!

Xế chiều, con sâu rượu trong bụng bắt đầu ngọ ngoạy.

Nam Cung Bột bối rối suy nghĩ :

- Nay nhà đã có thêm một miệng ăn, ta phải bớt uống mới xong! Vả lại cô ả họ Đặng này tính tình khó chịu, thấy ta bê tha tất sẽ không ưng ý! Thôi thì ráng nhịn vài ngày, chờ ván đóng thuyền cái đã!

Gã khoan khoái vì ý tưởng tinh ranh này, tiếp tục công việc dọn dẹp quanh nhà và dựng thêm một buồng tắm kín đáo bằng mảnh vải buồm cũ.

Trước đây, Nam Cung Bột thường trần truồng tắm táp dưới giòng suối nhỏ trong rừng, nhưng giờ đây gã không muốn ai nhìn thấy cơ thể trắng trẻo mịn màng của cô vợ tương lai!

Trinh Tâm cũng cặm cúi làm việc trong nhà, quét mạng nhện, bụi bặm, xếp đặt mọi vật cho ngăn nắp. Và khi Nam Cung Bột làm xong phòng tắm đơn sơ thì nàng cũng đã nấu xong bữa tối.

Gã hoan hỉ định sà vào mâm thì bị người đẹp chỉnh ngay :

- Thân thể có sạch sẽ thì ăn cơm mới ngon được!

Nam Cung Bột sượng sùng mở rương lấy quần sạch ra suối tắm gội.

Trinh Tâm cũng đã khai trương phòng tắm mới vì người nàng nhớp nhúa bởi nước biển. Nữ nhân không có y phục nên đã thay bằng bộ quần áo cũ của mẹ Nam Cung Bột, trông rất buồn cười!

Chờ gã ăn xong Trinh Tâm nghiêm giọng :

- Các hạ tướng mạo đôn hậu thiện lương nhưng tính tình nông nổi, bồng bột, phóng túng, không phải là chỗ dựa tốt cho đời một nữ nhân! Ta sẽ ở lại đây vài ngày xem chàng có khả năng sửa đổi hay không, rồi mới quyết định việc gá nghĩa phu thê!

Nam Cung Bột nghe, tự ái sôi sục nhưng nghĩ lại rằng đối phương nói quá đúng, đành ngượng ngùng đáp :

- Tại hạ biết mình lắm tật xấu, xin cố hoàn thiện để cô nương khỏi thất vọng!

Nói xong, gã mỉm cười chua chát.

Trinh Tâm nói ngay :

- Chắc các hạ đang nghĩ đến cái ơn cứu mạng ta phải trả phải không? Ta có thể hiến thân cho các hạ để đền ơn, nhưng sẽ dứt áo đi ngay khi thấy các hạ không xứng đáng là bậc trượng phu!

Nam Cung Bột giật mình, không ngờ nữ lang lại nhìn thấu tâm can mình như vậy! Gã bối rối biện minh :

- Cô nương. chớ xem thường tại hạ như vậy! Bột này vốn là kẻ thi ân bất cầu báo!

Gã giả đò bực bội, rời chõng tre bỏ ra thuyền mà ngồi. Gã vừa giận lại vừa thẹn, lẩm bẩm chửi đổng :

- Mẹ kiếp! Ả La Sát này quả là lợi hại! Xem ra Bột ta đã gặp khắc tinh rồi! Thân chết trôi mà kiêu kỳ, khó chịu còn hơn công chúa nữa! Bột ta thà ở vậy chứ chẳng thèm hạ mình cầu cạnh!

Nhưng dung nhan xinh đẹp và thân thể nõn nà lại ám ảnh mãi và đánh đổ câu nói hùng hổ lúc đầu!

Nam Công Bột suy nghĩ :

- Ả này kiều diễm như tiên, ăn nói mực thước, đầu óc thông tuệ, chắc xuất thân từ chốn quyền quí, có kênh kiệu một chút cũng là phải! Nếu ta không chịu nhượng bộ thì đến chết cũng chẳng có nỗi một mụ vợ đẹp như thế. Hơn nữa, họ Nam Cung nhà ta vận chưa có người nối dõi, song thân dưới suối vàng sẽ chẳng vui lòng!

Gã nghĩ ngợi vẩn vơ, nằm mơ tưởng đến người ngọc. Lát sau ngủ vùi vì một ngày làm việc mệt nhọc.

Cuối canh tư, theo thói quen, gã giật mình thức giác, phát hiện trên người mình có tấm chăn đơn mới mua hồi trưa. Vậy là Trinh Tâm đã ra đây đắp cho gã.

Nam Cung Bột xúc động và hài lòng :

- Cô ả này trông dữ dằn nhưng đáng mặt vợ hiền!

Thấy bếp có ánh lửa, gã ôm mền đi về phía ấy, nhận ra cơm canh đã sẵn sàng!

Trong suốt tháng trời, ngày nào Nam Cung Bột cũng đánh được rất nhiều tôm cá. Gã càng tin rằng Trinh Tâm là vận đỏ của mình, càng nể sợ nàng hơn, và không dám uống một giọt rượu nào.

Thấy Nam Cung Bột mua sắm cả vải vóc, người trong thôn đoán ngay là rằng gã sắp cưới vợ.

Đám bạn rượu chặn đường níu kéo, hết lời trách móc và dọa sẽ đến nhà xem mặt người đàn bà đã chiếm mất tay nhậu của họ!

Nam Cung Bột đã được Trinh Tâm dặn dò nên lạnh lùng cảnh cáo :

- Bọn ngươi mà mò đến phá hỏng mối lương duyên của ta thì đừng trách. Bột này tàn nhẫn! Đúng ngày Đại cát, ta sẽ có bữa tiệc ra mắt!

Nam Cung Bột rất có uy nên đám bằng hữu riu ríu nghe lời.

Quả nhiên hôm sau Trinh Tâm nói với Nam Cung Bột :

- Thời gian qua các hạ đã chứng tỏ mình là người có ý chí, dám vì hạnh phúc gia đình mà hi sinh sở thích của mình. Ta bằng lòng kết tóc xe tơ với các hạ, nhưng sau này, nếu các hạ quay lại tật xấu cũ, ta sẽ bỏ đi ngay!

Nàng thở dài, dịu giọng :

- Thực ra, nam nhân có uống vài chén cũng được! Song nếu lạm dụng thì con cái sẽ ngu ngốc, trì độn, chẳng đáng thương lắm sao?

Nam Cung Bột mừng rỡ cười hề hề :

- Nàng dạy chí phải! Con cháu họ Nam Cung mà xuẩn ngốc thì coi sao được! Ta hứa từ nay chỉ uống mỗi ngày nửa cân mà thôi!

Trinh Tâm quắc mắt :

- Không được! Cho đến lúc ta thụ thai, các hạ không được uống một giọt nào cả?

Nam Cung Bột xụ mặt :

- Chẳng lẽ trong ngày cưới cũng không được uống hay sao?

Trinh Tâm mỉm cười :

- Hôm ấy thì cho phép uống ba chung, nếu quá thì một tháng sau mới động phòng!

Nam Cung Bột nhịn thèm đã lâu, liền cười nhăn nhó :

- Ba chung cũng được! Đợi thêm một tháng chắc ta chết mất!

Hiểu ý gã, Trinh Tâm đỏ mặt, càng bội phần quyến rũ!

Mấy hôm rày biển động, thuyền chài không thể ra khơi, hai người quyết định nhân dịp này mà dựng nhà mới.

Nam Cung Bột đã đốn được rất nhiều cây gỗ thẳng thớm, trong khu rừng già dưới chân núi Lam Sơn gần đấy!

Mỗi ngày, bán cá xong là gã chạy ù về nhà, vào rừng tìm vật liệu, nhờ vậy mà trong một tháng đã đủ số.

Chính Trinh Tâm là người vẽ kiểu nhà, và tự tay cưa cắt, đục đẻo những thân cây, trong lúc Nam Cung Bột đi đánh cá!

Tối mười tám tháng mười, nàng bảo Nam Cung Bột :

- Ngày mai chúng ta sẽ dựng nhà, khoảng vài ngày sẽ xong. Sau đó, các hạ có thể mời những bằng hữu thân thiết nhất đến dự tiệc ra mắt vào ngày hai mươi sáu!

Nam Cung Bột phân vân :

- Mình ta với nàng làm sao kịp trong ba ngày? Hay là để ta rủ thêm vài gã trong thôn đến giúp?

Trinh Tâm lắc đầu :

- Không cần đâu! Ta với các hạ là đủ rồi!

Nam Cung Bột nhăn mặt :

- Sắp lấy nhau mà nàng còn xưng hô lạnh nhạt như thế được sao?

Trinh Tâm thẹn thùng cúi mặt, dịu giọng đáp :

- Tướng công đừng giận thiếp!

Nam Cung Bột khoan khoái cười ha hả :

- Có thế chứ!

Sáng hôm sau, ăn uống no nê xong, hai người bắt tay dựng nhà trên mảnh đất trống mé tả nhà cũ.

Nhìn Trinh Tâm vác cây cột gỗ dài hơn trượng, thân to một vòng tay, bước đi thoăn thoắt, Nam Cung Bột mới biết nàng rất khoẻ, và bộ pháp kia là của một người đã dầy công luyện võ!

Gã tự ái, ra sức đào cật lực những lỗ cột, lòng tự hỏi rằng nếu vợ chồng đánh nhau thì ai thắng, ai bại?

Đến chiều thì bốn dàn cột, gồm mười hai thân cây còn nguyên võ, đã được dựng lên sừng sững. Căn nhà này có ba gian chính, bếp và nhà tắm sẽ làm sau.

Nam Cung Bột ngơ ngác hỏi :

- Không có thang thì làm sao lên nóc mà bắc đòn dông?

Trinh Tâm mỉm cười, nhún chân bay vút lên, đứng vắt vẻo trên đỉnh cột cái, và nói vọng xuống :

- Tướng công hãy đưa một đầu đòn dông lên cho thiếp!

Nam Cung Bột tròn mắt sửng sốt trước tài nghệ khinh công quán thế của nữ nhân. Gã ấp úng nói :

- Té ra nàng là một cao thủ trong làng võ, chẳng hay nàng xuất thân từ môn phái nào vậy?

Trinh Tâm không đáp, xẵng giọng bảo :

- Đừng nói nhiều, trời sắp tối rồi!

Nam Cung Bột bắt đầu thấy sợ, mau mắn đưa đầu gỗ lên.

Trinh Tâm nắm lấy một đầu, vung cước đá mạnh thân đòn, khiến nó bị hất ngược, vượt qua dàn cột kế cận và ngoan ngoãn nằm đúng vào vị trí.

Động tác này chứng tỏ sức mạnh của chân và quyền lực của mỹ nhân.

Cố định xong đầu bên này bằng lạt mây, Trinh Tâm đi trên đòn mà sang bên kia.

Chỉ bốn ngày sau căn nhà đã hoàn thành, tuy đơn giản nhưng rất kiên cố, vách chung quanh được ghép bằng những thân cây to cỡ bắp chân.

Sáng hai mươi ba, Nam Cung Bột chỉnh tề trong bộ y phục vải mới màu xanh nhạt, râu ria nhẵn nhụi, đi vào thôn Dương Sa tìm bằng hữu, mời họ đến dự tiệc cưới.



Người nghèo đảo Hải Nam ít khi tổ chức hôn lễ rình rang, nhất là trong trường hợp cô dâu chú rể đều mồ côi, không họ hàng thân thích. Chỉ một bữa tiệc nhỏ, mời vài bô lão cao niên và bạn bè là đủ lễ!

Nhưng việc Nam Cung Bột bỏ rượu cưới một cô gái lạ mặt đã kích động óc hiếu kỳ của mọi người trong thôn. Cả những người không nhận được thiếp hồng cũng tuyên bố là sẽ đến dự, bất chấp ý kiến của chú rể!

Tổng cộng số khách lên đến hơn trăm người khiến Nam Cung Bột choáng váng, chạy về báo cáo với Trinh Tâm!

Nàng tư lự tính toán :

- Nay chúng ta làm nhà, mua sắm đồ đạc đã cạn tiền, nhưng chẳng thể để người trong thôn chê cười được! Thiếp sẽ thay đổi thực đơn, không mua gà vịt nữa mà sẽ đãi bằng món khác!

Nam Cung Bột rầu rĩ :

- Không gà vịt thì chăng lẽ cho họ ăn cá? Dân chài sợ hải sản đến mọc ốc, họ sẽ chửi cho đấy!

Trinh Tâm mỉm cười :

- Tướng công cứ đi theo thiếp. Món này thì khách không thể chê được!

Sáng hai mươi sáu, người trong thôn Dương Sa lũ lượt kéo đến nhà Nam Cung Bột. Họ hết lời trầm trồ khen người cơ ngơi mới của gã.

Mùi thơm phưng phức từ bếp bay lên, xộc vào mũi khách, thấu tận đến ruột gan.

Tần Khải, bạn chí thân của Nam Cung Bột, hít hà nuốt nước miếng ừng ực, tò mò hỏi :

- Chẳng hay Nam Cung huynh đãi bọn ta món gì mà hương vị độc đáo thế kia?

Nam Cung Bột đắc ý đáp :

- Ấy là món thịt dê núi rất bình thường, nhưng nhờ tài nghệ của chuyết thê nên mới thơm nức mũi như vậy?

Tần Khải trợn mắt kinh ngạc :

- Ái chà! Chẳng lẽ huynh đài lại khổ công lặn lội đến đỉnh núi Lam Sơn mà bắt chúng về đấy sao?

Mọi người tấm tắc khen ngợi bản lãnh của Nam Cung Bột. Họ quên rằng bọn Sơn Dương sống trên những vách đá cheo leo, nhanh nhẹn phi thường, trừ phi Nam Cung Bột mọc cánh, hóa thành đại bàng mới mong bắt nổi!

Chẳng qua gã nổi tiếng thực thà nên ai cũng tin!

Đám khách nữ nhân đã ào vào bếp mượn cớ giúp đỡ chủ nhà để biết mặt cô dâu.

Trinh Tâm đang tất bật cạnh năm chiếc nồi lớn, mặt mũi lem luốc nhễ nhại mồ hôi nhưng cũng đủ xinh đẹp để các bà ghen tỵ.

Nàng nở nụ cười hòa ái, thân thiện, nói lời cảm tạ bằng một giọng ngọt ngào như mía lùi, chinh phục được ngay những mụ ngư dân chất phác.

Trinh Tâm ít khi cười nhưng nụ cười của nàng lại có mị lực vô song, ai thấy cũng phải xuyến xao và sinh lòng ái mộ. Thế là đám nữ khách xăng xái phụ hợ, luôn miệng khen cô dâu hiền lành giỏi giang xinh đẹp!

Vợ Tần Khải cao giọng :

- Đại tẩu nhu mì thế này mà lão Tần Khải nhà em cứ bảo rằng đại tẩu dữ như cọp, chưa cưới đã bắt Nam Cung huynh phải bỏ rượu và bằng hữu!

Trinh Tâm cười đáp :

- Chuyến phu trước đây uống rượu quá nhiều nên phủ tạng bị tổn thương. Chư vị không thấy tròng mắt y hơi vàng và túi dưới mắt chảy xệ đấy sao? Nếu y không bớt nhậu, chỉ ít năm nữa là đoản mệnh!

Vợ Tần Khải sợ hãi bật thốt :

- Chết cha! Lão chết tiệt nhà em cũng có triệu chứng ấy, phen này phải bắt lão ta cai rượu mới xong!

Mụ góa Hồ thị vốn từng ăn nằm với Nam Cung Bột nên cay cú xen vào bằng giọng mỉa mai :

- Đại tẩu cứ làm như mình là lang y vậy?

Trinh Tâm thản nhiên đáp :

- Tiểu muội học nghề thuốc từ năm lên tám, trừ chứng nan y thì không dám nhận kỳ dư đều có thể trị được! Ví dụ như bệnh hôi nách cua Hồ thư, tiểu muội chỉ cho ba thang là tuyệt căn!

Hồ thị từ lâu vẫn khổ tâm vì cái mùi đáng sợ của cơ thể mình. Người trong thôn luôn diễu cợt mụ, và có kẻ độc miệng còn bảo rằng :

- Lão Hồ Tứ không thể chết trong bão tố, chẳng qua vì quá khiếp sợ mùi hôi nách của vợ nên đã chèo thẳng vào lục địa mà lánh nạn!

Nay nghe Trinh Tâm nói với giọng tự tin như vậy, Hồ thị cố nén thẹn thùng, hạ giọng khẩn nài :

- Nếu quả Nam Cung đại tẩu có tài y thuật cao siêu như vậy. Xin hãy ra tay chữa trị cho tiểu muội!

Hồ thị đã ba mươi sáu, nhưng theo vai vế tuổi tác của Nam Cung Bột nên phải xưng là em!

Trinh Tâm gật đầu :

- Ngày mai Hồ thư hãy đến đây, tiểu muội sẽ giúp cho!

Thôn Dương Sa chỉ có một lão lang trung già nua, chậm chạp, lại không tinh thông các bệnh đàn bà nên đám nữ nhân phải cắn răng chịu đựng bệnh tật. Giờ thì họ nhao nhao khai hết với Trinh Tâm, nhờ nàng ra tay Biển Thước.

Trinh Tâm vừa làm vừa lắng nghe và khẳng định rằng mình có đủ khả năng chữa trị.

Thế là các bà, các cỗ xem nàng như nữ Bồ Tát giáng phàm, từ bỏ vai khách, trở thành người nhà để phục vụ đám tiệc cưới.

Trong lúc nhà bếp rộn ràng tiếng dao thớt, chén bát khua vang, thì nhà trên cũng đã được bày đủ mười bộ bàn tròn, phủ vải đỏ hẳn hoi.

Hơn bốn ngàn cân cá đã đem lại cho Nam Cung Bột số bạc gần trăm lượng, một tài sản khá lớn đối với cuộc đời dân chài. Làm nhà xong gã còn hai chục lượng, do không phải mua thực phẩm nên có dư để mướn chén bát bàn ghế.

Đám nam nhân vặn vẹo hỏi han đủ chuyện, từ lai lịch cô dâu đến nhúng mẻ cá dồi dào đều dặn, và cả việc ai đã giúp gã dựng nên ngôi nhà đồ sộ dài sáu trượng, rộng hai trượng nầy?

Nam Cung Bột chỉ cười khà khà chứ không trả lời!

Giữa giờ tỵ, chén đũa và thức ăn đã được bọn nữ nhân dọn ra. Tuy chỉ có một loại thịt nấu thành năm món gồm: ba đĩa và hai tô kèm theo một đĩa rau thơm gừng, chanh, ớt, giềng!

Chẳng ai biết tên của năm món này, chỉ nhận ra đĩa dồi lòng, đĩa thịt nướng, đĩa thịt luộc và một tô thịt nấu với măng!

Mùi thơm từ hai tô nghi ngút bốc khói kia khiến trưởng thôn là Tô lão đại rút ngắn thủ tục.

Ông nuốt nước miếng, hắng giọng tuyên bố :

- Lão phu đại diện bà con trong thôn Dương Sa, chứng nhận cho Nam Cung Bột ba mươi tám tuổi và Đặng Trinh Tâm hai mươi lăm tuổi nên duyên phu phụ. Chúc hai người sống đến lúc răng long đầu bạc!

Rồi lão bảo tân lang và tân nương vái lạy bàn thờ tổ tiên, lạy lẫn nhau.

Tô lão làm nhanh đến nỗi thức ăn vẫn còn nóng hổi!

Hải Nam kém phần giáo hóa nên lễ nghi đơn giản chứ không rườm rà như Trung Nguyên. Lê thứ ở đây cũng chất phác thật thà và thô lậu. Họ Ồn ào thét lên lời chúc tụng cho đủ lễ rồi ngồi ngay vào bàn.

Nam Cung Bột cao giọng mời khách cạn chung, động đũa.

Bọn Tần Khải nhao nhao mời lại chú rể.

Nam Cung Bột tiếp tân nương rồi uống một chung.

Hôm nay, chàng trai già họ Nam Cung chững chạc trong chiếc trường bào lụa xanh màu nước biển, thắt lưng hồng. Trinh Tâm cắt rất khéo nên áo bào vừa vặn, làm nổi bật thân hình rắn chắc, cường tráng của tân lang!

Nam Cung Bột vốn dĩ chẳng phải là người xấu trai, có điều mũi hơi tẹt, mắt một mí và miệng không rộng! Giờ đây, niềm hạnh phúc to lớn đã làm rạng rỡ gương mặt gã bằng những nụ cười bất tận khiến gã dễ coi hơn!

Tuy nhiên, dù gã có đẹp hơn vài phần nữa cũng chẳng thể xứng với một cô dâu trẻ măng và xinh đẹp tuyệt trần như Trinh Tâm!

Nàng thướt tha trong tấm áo hồng, cùng chồng đi các bàn để nhận tiền mừng của khách!

Thôn Dương Sa có một tục lệ rất lý thú là cho khách dự hôn lễ được thiếu nợ. Ai sẵn tiền thì đưa ngay trong bàn tiệc, ai túng thiếu thì vẫn có quyền sang sảng tuyên bố, và sau này sẽ trả hoặc cấn trừ khi con nợ kết hôn.

Ví dụ như trường hợp của Tần Khải. Mười năm trước gã cưới vợ, Nam Cung Bột không có tiền mừng nên mắc nợ một lượng bạc, đến nay vẫn chưa trả, lần này Tần Khải cười khanh khách nói :

- Tiểu đệ xin dâng lễ mừng đại huynh và đại tẩu hai lượng bạch ngân, trừ đi một lượng hôm đám cưới tiểu đệ, còn lại một lượng xin cho thiếu!

Xem ra, Nam Cung Bột mắc nợ đám cưới khắp lượt quan khách nên Trinh Tâm hầu như chẳng thu được xu nào!

Nàng tủm tỉm cười, thầm công nhận tập quán này tuy kỳ quái nhưng rất hay. Nó giúp mọi người ung dung vui vẻ đến chung vui với bạn bè mà chẳng hề mặc cảm. Phong tục này có lẽ xuất phát từ việc thu nhập thất thường của nghề ngư phủ. Có người hàng tháng không gặp may và cũng có người liên tiếp bội thu.

Thực khách hết lời tán tụng năm món ăn do cô dâu chế biến từ thịt Sơn Dương. Cho rằng trên đời này không có sơn hào hải vị nào ngon hơn được.

Do vậy họ bỏ qua việc Nam Cung Bột chỉ nhấp môi lấy lệ chứ không uống ừng ực như xưa.

Tô Trưởng Thôn vui vẻ hỏi :

- Chẳng hãy Tân Nương quê quán ở đâu mà lại biết cách nấu món thịt dê núi tuyệt diệu thế này?

Trinh Tâm thoáng đỏ mắt, ánh mắt có vẻ gì ranh mãnh và bí ẩn :

- Bẩm Tô lão bá! Tiểu nữ quê ở Hóa Châu!

Tô trưởng thôn ngơ ngác :

- Hóa Châu ở phủ nào nhỉ?

Tần Khải cười rộ, khoe khoang kiến văn :

- Lão quả là ngớ-ngẩn, Hóa Châu thuộc Quảng Đông chứ đâu nữa? Lão không thấy cô dâu nói tiếng gì sao?

Mọi người gật đầu khen phải và không ngờ rằng Hóa Châu là đất của An Nam, một nước nhỏ ở phía Tây đảo Hải Nam, vừa bị nhà Minh thôn tính!

Đám nữ nhân, sau khi đem thức ăn ra cũng đã ngồi vào bàn, ăn ngấu nghiến.

Đời ngư phủ nghèo nàn, thường chỉ được ăn tôm cá, nay gặp món lạ họ vô cùng khoái khẩu, tuy không ghiền rượu như đám nam nhân nhưng việc uống vài chung là chuyện thường.

Hồ thị ngà say, bốc trong đám rau thơm một lá nhỏ hơn bàn tay, hai mặt đầy lông tơ mượt như nhung, cười khúc khích bảo :

- Loại lá Trung Tiện Diệp này trong rừng Lam Sơn có rất nhiều, nó hôi nên chẳng ai dám ăn cả! Không ngờ khi ăn chung với thịt Sơn Dương lại ngon đến như vậy!

Hải Nam ở cùng vĩ độ với đất An Nam, chỉ cách xa hơn ngàn dặm nên hệ thực vật cũng tương tự! Trung Tiện Diệp chính là lá mơ!

Quá trưa thực khách lảo đảo cáo từ và trên bàn không còn một miếng thịt nào!

Vài ngày sau, người trong thôn Dương Sa loáng thoáng nghe tin thôn Ngư Hải kế cận bị mất mười hai con chó trong một đêm. Vụ án này khiến mọi người ngơ ngác, chẳng hiểu nguyên nhân, vì dân Hải Nam không ăn thịt chó bao giờ!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
Nguyên Tôn

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Tiếu Ngạo Trung Hoa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook