Tôi - Hà Yết & Nguyễn Khai Quốc

Chương 1: Cái xóm lều chợ nhỏ của tôi

Nguyễn Khai Quốc & Hà Yết

28/06/2017

Trong không gian tĩnh lặng của buổi trưa hè tháng sáu, tôi nằm gối đầu lên cánh tay thon nhỏ của mẹ. Chiếc quạt Liên Xô chạy phành phạch như tiếng máy cày ngoài cánh đồng chẳng thể xua tan đi cái nắng sắc ngọt của mùa hạ vùng Bắc Bộ. Nằm trên võng đung đưa, tôi thấy cánh tay mẹ như chưa bao giờ ê mỏi, mẹ cất lời nỉ non:

“À á à ời, à á à ơi

Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mặt mũi ai đưa cò về

Cò về thăm quán cùng quê

Thăm cha thăm mẹ, cò về thăm anh”

Mẹ tôi trở về nơi làng quê yêu dấu sau gần hai mươi năm bôn ba ngoài cuộc sống với niềm vui khôn xiết là đón chào một đứa trẻ sắp ra đời, đó là tôi. Mẹ con tôi đùm bọc nhau dưới túp nhà tranh mái lá đơn sơ, trước sân là gốc bưởi già cỗi mà mẹ kể ông bà tôi đã trồng nó từ rất lâu. Cây to lắm! Nó trùm bóng mát, che chở cho cuộc sống của hai mẹ con tôi. Ấy cũng là nơi những trò chơi con trẻ diễn ra trong sự chứng kiến một cách tò mò và đầy mê hoặc của đứa bé như tôi…

Nhà bác tôi ở đằng sau túp tranh vách đất của hai mẹ con tôi cùng với cái quán cóc của anh chị con bác ở bên cạnh cũng được bóng cây bưởi cũng trùm sang nửa mái nhà. Xung quanh tôi là những vườn cây, ao cá và cả những xóm giềng thân thuộc, những con người hết đỗi chất phác và hết mực yêu thương lẫn nhau.

Tôi chẳng thể nhớ trong đầu tôi từ khi nào tôi nghe được mọi người gọi làng tôi là làng Nội, bác tôi kể rằng ngày xưa vùng này vua chúa về đây lạnh nạn thì khu vực làng tôi ấy là cho quan nội thần và các hầu cận vua ở nên mới gọi là Nội, xung quanh còn có các làng Chúa, làng Vế, làng Sâm, lại còn có những nơi gọi là Mã Xa, Mã Cả, Đường Giáng cũng từ cái tích ấy mà ra.

Làng tôi thật là to, và nó cũng thật là rộng. Bọn trẻ con chúng tôi đi có cả ngày trời cùng chắc cũng chỉ ghé được một nửa các nhà trong làng tôi ấy thôi.

Anh hàng xóm cạnh nhà tôi tên Huỳnh lớn hơn tôi bốn tuổi kể cho tụi nhóc chúng tôi rằng: “Làng mình to nhất xã đấy. Hôm nào tao dẫn bọn bay đi mấy ngày cho biết. Đứa nào muốn đi thì tao đi xe đạp chở từng đứa đi một nhưng mỗi đứa phải cho tao hai trăm tao mới dắt đi.”

Tôi về xin mẹ hai trăm đồng nói dối để đi mua kẹo vừng, và hôm sau ấy tôi được anh ấy dẫn đi. Đường ngoài xóm thì đá lộc khộc. Đầu làng, trong xóm thì đường đất còn hằn vết chân lội bùn đã cứng lại sau mấy ngày trời mưa. Anh ấy người nhoai nhoai như con nhái bén trên chiếc khung xe đạp nữ, cố rướn về đằng trước rồi giới thiệu cho tôi nào là trên đồng, dưới chợ, Ngõ Trước, Ngõ Đông, Ngõ Nai, miếu Đậu, ao Cốc, chùa làng, đình làng… Cũng may là tôi còm nhom nên hai trăm của tôi cho anh cũng gọi là hời. Anh còn kể cho tôi rằng: “Mình là thôn Đồng Thái, có chợ, có đường, có trường học, là trung tâm của cái xã Cộng Hòa này, bọn làng khác đi học chả đứa nào dám thụi mình đâu.”

Trẻ con trong xóm, một lũ một lĩ đứa nào cũng chạc chạc tuổi tôi, cứ đi theo anh Huỳnh là cảm thấy yên tâm lắm, chẳng sợ gì cả. Thằng Đụn, thực ra tôi cũng chẳng biết tên thật của nó, bọn trẻ con xóm tôi quen gọi thế rồi, lên lớp cô có gọi tên nó thì cũng chỉ biết là thằng Đụn, hôm trước bị một thằng ở xóm trong làng bắt nạt, cô giáo bắt phạt nó, xong bọn tôi về kể cho anh Huỳnh, hôm sau nó bị anh Huỳnh đấm cho mấy thụi, từ bấy là bọn nó sợ bọn trẻ con xóm tôi lắm, cứ hễ nhắc đến mấy thằng nhóc ở chợ Nội là bọn nó là e dè.

Xóm tôi là xóm ngoài chợ, mẹ kể là xóm Thái Học, xóm trên là Trên Đồng, ấy nên khi hợp lại làm tổ sản xuất hợp tác xã thì gọi chung là Đội Đồng Thái, quen gọi là thôn Đồng Thái. Mẹ tôi làm công tác phụ nữ, cựu chiến binh nên tôi cũng thuộc cái dạng nổi tiếng trong làng, cơ mà chỉ cái tội là còi. Đi đâu ai cũng gọi là Đông Ngà, hai chữ chứ không gọi một chữ là Ngà như những đứa trẻ con trong làng. Xóm tôi thằng nào cũng có biệt danh riêng, ấy chỉ riêng tôi là chẳng có tên gọi ở nhà.

Thằng Tuấn Anh con ông Hoan thì gọi là Thoát, lúc nhỏ xíu ấy thì gọi nó là Tồ, mấy đứa em nó toàn gọi là anh Tuấn Tồ, chắc cũng tại cái vẻ ngờ nghệch của nó. Chị ruột nó xinh xắn lắm mà cũng bị gọi là Tẹt. Xóm tôi vẫn có bài hát rằng:

“Tuấn tồ chị Tẹt, Tuấn ăn bù lẹt, Tuẩn ỉa ra giun, Tuấn đùn ra ghế, Tuấn bế người yêu”.

Cứ đọc xong cái bài ca ấy là bọn trẻ chúng tôi lại lăn ra cười hả hê với nhau khoái chí lắm, nó thì mặt cứ xị ra như ngậm hạt thị vậy. Có lần nó xửng cồ lên với bọn chúng tôi vì bị trêu xong rồi lại tiếp tục bị trêu cho đến phát khóc, về mách mẹ. Nhưng nó dễ tính mà lại hám chơi nên cuộc đi chơi nào của chúng tôi cũng đều có nó.

Em con chú với thằng Tuấn Anh là chị em cái Thủy con nhà Ban, Lụa cạnh nhà tôi này. Nhà nó cách đường là cái máng, đi vào nhà nó thật là khó khăn khi chỉ có hai thanh bê tông bắc qua máng bập bềnh, bập bềnh. Bố mẹ nó toàn phải vác xe đạp qua hai thanh bê tông dày dừng mươi phân, rộng có chừng hai mươi phân mỗi tấm. Chả biết lý do sao mà người lớn cứ gọi bố bọn nó là Toét, nên chúng tôi cũng gọi luôn chúng nó là Toét. Nhà nó thì cũng như bao nhà nông dân khác, lợn gà cám bã sáng sớm chiều hôm, mùa vụ thì tối mắt tối mũi, có mỗi thằng em trai được chiều chuộng thì ngô ngố, hiền hiền toàn bị bọn trẻ con bắt nạt. Nhưng trong các trò chơi thì chị em nó lại là thành phần không thể thiếu cũng là vì khu vực nhà nó là địa điểm lý tưởng cho bọn nhóc quậy phá.

Cạnh nhà tôi nữa còn là thằng Tám, con chú Tá, mẹ nó cũng là chị em với hai nhà kia luôn. Nó chẳng thấp bé gì với ai đâu nhưng mọi người ai cũng gọi là Tám Lùn, khi ấy nhà nó con một, hai chị gái nó đảm đương hết việc nhà nên cũng là một thành phần không bao giờ vắng mặt trong các trò nghịch ngợm.

Cạnh nhà nó là anh em thằng Đụn, nhà đông anh em, sống khổ sở đói khát, thấy tội cho bọn nó lắm nhưng ai cũng nghèo chả biết phải làm gì, chị lớn và anh lớn bọn nó nghỉ học sớm đi làm thợ ở xa cũng chẳng đủ giải cái cơn đói ấy của nhà chúng nó. Có những khi, cám bọc ngô rồi hấp trên vung xoong cơm nhỏ xíu bọn nó cũng chia bốn, chia lăm, nào là mẹ, nào là bố, rồi anh rồi em, cả thảy cũng đã là sáu người rồi. Anh lớn nhà nó gọi là Cu, anh thứ hai gọi là Lác, tiếp nữa là Xí, thằng Đụn và Kịn là em út.

Còn có cả thằng Tự con nhà chú Phụng thịt lợn, thằng Việt Hít con nhà chú Mạnh nữa, mấy chị em nhà cái Linh, cái Bích, và anh em anh Huỳnh cạnh nhà tôi ấy, hết thảy ra cũng được hơn chục đứa, còn chưa kể loanh quanh cũng dăm bảy đứa thỉnh thoảng kết giao với bọn tôi nữa. Dong duổi nhau từ đầu làng đến cuối chợ, xóm chúng tôi nổi tiếng nghịch ngợm nhất do phần vì đông trẻ, phần vì nhiều chỗ chơi, cũng phần nữa là nhiều nhà con một nên được chiều chuộng hơn, suốt ngày cả xóm long nhong ngoài đường. Nhà thằng Đụn thì mấy anh em thay nhau nấu cơm, cám bã nên cũng góp được ít nhất hai người chơi cùng.

Trong thôn tôi, trẻ con bọn tôi thì đông hơn nữa, cái loạt tuổi tôi với trên tôi một tuổi thì chắc cũng phải nửa trăm đứa, trên bọn tôi thì cũng hai ba chục người. Nhà bọn nó nghèo, lại phải lo lợn gà cám bã, đến mùa vụ thì còn đồng áng, phần vì xóm rộng nên cũng chỉ được có vài đứa trẻ con chơi với nhau. Mà hầu hết là những đứa nhà cạnh tôi, bố mẹ nó buôn bán ở chợ, làm ăn cũng gọi là đỡ nghèo hơn những đứa khác. Nên cái xóm nhỏ xíu giữa chợ bọn tôi là bọn nghịch ngợm, đầu trò nhất. Nhưng tôi lại được mọi người khen là ngoan nhất làng.

Trong xóm có khoảng trăm hộ gia đình thì có nhà nào tôi không biết đâu. Đầu làng là ngõ ông Giáng, cuối làng là nhà Thị, nhà Chấn, giữa làng có ngõ ông Liệt, dốc Trạm Xá…

Xóm chợ nhưng lèo tèo vài hàng quán, mấy bà bán tạp phẩm có cụ Nhang, bà Nhất, bà Quế. Bọn chúng tôi thì hay mua hàng của bà Quế hơn cả do bà luôn bán mùa gì thức ấy mà lại rẻ hơn cả.

Từ trên đồng xuống dưới chợ, lác đác mấy nhà lợp ngói đỏ, đất nung đã bạc màu vì nắng mưa, còn lại là nhà vách đất lợp dạ. Cây cối trong xóm um tùm, vườn tược chả có rào, dậu gì cả nên chúng tôi tha hồ chơi bời. Dọc đường lại có cái mương nước, người lớn xóm tôi gọi là máng nước đổ ải cho làng tôi và làng dưới. Nhà tôi ở phía đối diện cái máng nước ấy, mà phần nhiều là hàng xóm tôi cũng ở phía bên nhà tôi, bên kia nối nhau liên tiếp toàn là ao chuông, đằng sau là cánh đồng và một cái nhà trẻ.

Đi hết cái cánh đồng ấy là con sông. Thằng Xí anh thằng Đụn kể với bọn tôi là nó có bác ở ngoài sông ấy. Có lần nó dắt bọn tôi ra đấy, bác nó bảo đấy là sông xã người ta đào thôi, sông to thì phải qua con đê kia cơ. Chúng tôi nhìn theo hướng chỉ tay của bác ấy, có một bức tường bằng đất, mọc đầy cỏ lấp ló là rặng tre cao vút ở phía xa xa, bức tường ấy tôi khoe với mấy đứa trong xóm chưa đi bao giờ là nó cao cỡ hai cái nhà tôi.

Tò mò nhưng bọn tôi chả đứa nào dám ra đấy, phần vì xa, phần vì sợ bọn trẻ con ở làng khác đánh và nghe đồn ở ngoài ấy có Tiêm la.

Đầu làng tôi có gốc đa già và trạm bơm nước to đùng, người lớn dọa bọn chúng tôi là ở đấy buổi trưa có ma mà phải đi qua nghĩa địa nên chẳng bao giờ bọn tôi lên đến đấy. Khu vui chơi của bọn trẻ con chúng tôi là các nếp nhà tranh, vườn cây, ngõ dốc của các nhà xóm chợ chúng tôi. Ai cũng nghèo, ai cũng khổ nên chẳng ai ghét bọn trẻ con chúng tôi, ai cũng cho chơi, ai cũng cho leo trèo nghịch ngợm…

Xóm tuy nghèo nhưng mọi người hòa thuận, quấn quýt lắm. Trong xóm chỉ mấy nhà có vô tuyến thôi nên lúc nào mấy nhà ấy cũng kín đặc người, đến khuya thì ai lại về nhà nấy. Bình minh ló rạng, mọi người lại hối hả ra đồng nom lúa, bọn trẻ con thì sắp hết nghỉ hè, đứa nào đứa ấy tận dụng khoảng thời gian tối đa để chơi nốt những ngày hè cuối cùng năm ấy.

***

Thơ đề:

Mẹ ru con

“Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về

Cò về thăm quán cùng quê

Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh”

Đong đưa tiếng hát nhà tranh

Kẽo cà kẽo kẹt năm canh mẹ ngồi

Đèn dầu nóng đỏ mồ hôi

Một tay phe phẩy những lời ru con

Tay kia ẵm cục máu tròn

Ê a mấy tiếng nỉ non ơi à



Trên trời lấp lánh sao xa

Sáng như đôi mắt ông bà dõi theo

Đường làng đêm tối vắng teo

Đây thôn xóm nhỏ trăng treo ngoài đồng

Ruộng chiêm nước ngập mênh mông

Tiếng ai nổ máy đêm không giấc tròn

Cò ơi có lấy măng non

Mà sao lặn lội đàn con ngóng chờ

Ếch kêu ồm ộp đầu bờ

Nhà bị cày nát biết giờ ở đâu

Có ông lão vác cần câu

Hông đeo giỏ cá, trên đầu mũ nan

Đi qua ao cá ven làng

Đôi chân bước vội qua hàng tre cao

Gió đông khẽ thổi rì rào

La đà mặt nước cánh đào lướt trôi

Cún con nhấp nhổm đứng ngồi

Nhà bên mổ lợn chờ vài miếng xương.

Tiếng xe lọc cọc ngoài đường

Đầu không chiếc nón tóc sương đồi mồi

Thúng rau hai nửa chia đôi

Nửa rau cải bẹ, nửa nhồi rau lang



Chợ phiên tấp nập xóm làng

Trẻ con dậy sớm ngồi hàng bún riêu

Vài đứa thôi, cũng chẳng nhiều

Loanh quanh góc chợ toàn điều hay ho

Góc đông là tiệm hàn gò

Ngoài sân quang gánh, giá vo, chiếu mành

Góc tây củ quả rau hành

Có cô hàng xén đỏ xanh chỉ màu

Góc nam cá thịt bò trâu

Đen đen nền đất nâu nâu vũng bùn

Phía bắc quần thụng áo thun

Thiên đường màu sắc, phập phùng gió bay

Một vòng quanh chợ nửa ngày



Chợ đông rã đám, sân đầy cỏ rau



Nắng lên mặt nước ngả màu

Sắc xanh nay đã vàng nâu sắc trời

Cái ngõ nhỏ chỗ vui chơi

Tiếng khăng, tiếng đáo, nụ cười ấu thơ

Xóm nghèo nhưng chẳng nhuốc nhơ

Dăm ba bảy hộ một bờ ao chung

Giữa xóm Huỳnh lớn lạnh lùng

Thói quen khó bỏ là dùng tay chân

Bạn bè Huỳnh lớn xa gần

Đi qua xóm ấy đôi chân bước chùn

Cạnh nhà là Tuấn Anh lùn

Ba hoa nhất xóm, cũng trùm đầu têu

Tôi thì còi nhỏ lều khều

Gấc, bi, nịt, đáo bao điều cùng nhau

Hai đứa chắng thích càu nhàu

Đánh nhau một trân thật đau rồi hòa

Có nhà cô Thảo cạnh nhà

Con tên là Tám, cũng là cô Anh

Làm em nên được dỗ dành

Biết làm diều sáo, lại rành trèo cây

Bên tôi sớm tối đêm ngày

Quậy tung xóm nhỏ, bố hay đánh đòn

Nhà bên năm đứa lon ton

Đếm đi đếm lại vẫn còn chị hai

Đứa quần đụp, thằng vá vai

Mẹ đong chén gạo thêm vài hạt ngô

Cơm chưa chín bắp chưa khô

Ba thằng em út vội vồ nhau ăn

Chị hai chẳng nói chẳng rằng

Hai anh lớn đói cằn nhằn húp canh

Cơm thêm ít muối ngon lành

Canh không mắm mỡ vẫn thành món ngon

Hai vợ chồng sáu đứa con

Đếm chân mẹ mới an lòng đặt lưng

Đông con nhiều ruộng cũng mừng

Tủi vì một nỗi chưa từng bữa no

Anh đầu nhỏ nhắn gày gò

Anh ba mắt cận hay lo chuyện nhà

Thằng tư cám bã lợn gà

Thằng năm trốn học là cà suốt hôm

Thằng út cũng biết thổi cơm

Bé nhưng chăm chỉ nghĩ hơn mọi người

Xóm nghèo nên ít kẻ lười

Nhà Ban hai đứa cũng người siêng năng

Chị cả nhà ấy ai bằng

Lo toan cơm nước, lại chăm ruộng đồng

Em Tuân, chị Thủy nom trông

Mải chơi chị để em mông đầy bùn

Xóm có thằng Sĩ tính cùn

Bày trò nghịch dại, người lùn thiệt thân

Trêu ong bị đốt vài lần

Tròng bạn té ngã gãy chân vỡ đầu

Bên nhà có một cây dâu

Là nhà bà Cát giãi dầu nắng mưa

Cháu hư bà đánh cho chừa

Thằng Tùng, thằng Việt te tua mấy lần

Trước nhà là một cái sân

Quanh năm bị nhốt thò chân ra ngoài

Nhà tôi có một chiếc đài

Ngày mang cho nó ghé tai nghe cùng

Thằng Tùng rám nắng da hung

Bố mẹ đi vắng, ở chung với bà

Tính tôi rất thích la cà

Trưa sang nằm ngủ mấy nhà xung quanh

Nhà thằng Tùng đến thằng Anh

Phản to, chiếu rộng, cửa mành phẳng phiu

Trước nhà quán nhỏ liêu xiêu

Lốp xăm vành đũa lại nhiều bi viên

Nhà sinh ba chị em hiền

Chị Linh là cả, Bích liền thứ hai

Nhà hai con gái thở dài

Sinh thêm Minh béo giống hai chị đầu

Cha mẹ lại thêm phiền sầu

Tám năm mới được thằng đầu tên Lam

Chị Linh lam lũ đầu đàn

Bích thì chịu khó siêng làm nông gia



Minh còn bé quá ê a

Chị Linh cắp nách ngân nga ru hời

Chim khôn cao vút bầu trời

Cá khôn cá lặn biển khơi sóng hờn

Vườn cam cỏ mọc xanh rờn

Sâu trong ngõ lội chí hơn bao người

Thấy tôi sang rủ đi chơi

Dở dang trang sách miệng cười không đi

Ấy là em út anh Huy (Huỳnh)

Tên Huyền nên cũng ly kỳ như tên

Người con con tính hiền hiền

Nhỏ thì dai khóc thật phiền chị hai

Lớn thì chăm chỉ vở bài

Lo toan cơm nước chăm hai chuồng gà

Sáng thịt lợn, chiều việc nhà

Hiên cao, sân rộng, sạch ba mảnh vườn

Bàn mổ sạch sẽ tinh tươm

Dao bầu sáng loáng, róc sườn xẻ vai

Cờ vua cũng đáng anh tài

Ấy tên là Tự cây hài xóm tôi

Nấu nồi cám lợn cơm ôi

Bèo rau lẫn lộn bày mời heo ăn

Sớm mai khênh lợn lên nằm

Dội thau nước mát dùng khăn lau người

Chăm lo chu đáo lợn cười

Móc hàm treo giá thịt tươi đỏ hồng

Chăm lo cơm nước ruộng đồng

Quản chi vất vả những dòng mồ hôi

Có thằng cu Quyết ham chơi

Mẹ cha lo lắng một thời nhốt con

Bọn trẻ nghịch ngợm lon ton

Giàn nho xanh chát khen ngon nó cười

Dọa rằng chúng mày cứ chơi

Tao về mách bố lũ lười trộm nho

Tổ ong bò vẽ o o

Sĩ lùn chòng ghẹo đốt cho hả lòng

Thằng Quyết chạy ở nhà trong

Chạy đâu cho hết đàn ong trong nhà

Từ bấy xin mẹ xin cha

Xong xuôi cám bã lợn gà mới chơi

Đàn trẻ xóm nhỏ đủ người

Làng trên khu dưới khóc cười kêu la

Mỗi ngày ghé đến một nhà

Hỏi thăm cây bưởi, cây na, cây hồng

Nhà ai có đám trầu không

Cau cao dừa thẳng nom trông kỹ càng

Có nhà mới chuyển về làng

Nhà to nhất xóm đàng hoàng năm gian

Tôi đây mới đến hỏi han

Tên gọi là Tấn ở làng bên qua

Có thằng em nhỏ lê la

Ẵm tay Tấn bảo nó là “Hải điên”

Tấn thì vốn tính hòa hiền

Thông minh, lanh lợi lại siêng việc nhà

Tôi, Anh với Tấn bộ ba

Phá thuyền phá đảo xông pha tuyến đầu

Qua ngày qua tháng cùng nhau

Bao nhiêu sương gió giãi dầu làng quê



Xa xa có một triền đê

Con sông uốn lượn đổ về nơi đâu

Trời cao mây trắng nhuộm đầu

Đất cằn phủ áo phai màu xanh tươi

Hàng tre canh giữ đất trời

Mạ non mơn mởn những lời gió reo

Thời gian thấm thoắt trôi vèo

Én bay phương bắc trông theo cánh diều

Mái nhà lụp xụp liêu xiêu

Cá tung tăng lượn buổi chiều đón mưa

Cánh cò tránh kịp cơn trưa

Đàn con ríu rít vẫn chờ miếng ăn

Chẳng có chiếu, cũng không chăn

Cành khô rễ mục cò đan tổ mềm

Cò con nằm ấm ngủ êm

Mái nhà ấm áp mẹ hiền chở che

Đã qua rồi những ngày hè

Thu sang man mác mắt nhòe cay cay

Mặt trời lấp ló rặng cây

Tiếng ve rã đám những ngày hoan ca

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện ngôn tình
tuyết ưng lĩnh chủ

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Tôi - Hà Yết & Nguyễn Khai Quốc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook