Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng
Chương 4
Võ Nguyên Giáp
10/06/2014
HẠ QUYẾT TÂM CHIẾN LƯỢCSau cuộc họp tháng 10-1974, Bộ Chính
trị thấy cần có thêm thời gian đánh giá tình hình kỹ hơn, thảo luận sâu
hơn, xây dựng kế hoạch đầy đủ hơn, để đi tới hạ quyết tâm chiến lược có
cơ sở khoa học, bảo đảm chắc thắng. Bộ Chính trị quyết định triệu tập
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 thông qua quyết tâm lần cuối cùng.
Đầu tháng 12, các anh Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng (Nam Bộ), Võ Chí Công, Chu Huy Mân (Khu 5) đã có mặt ở Hà Nội. Tôi và Bộ Tổng Tham mưu đã gặp và làm việc với các anh, tranh thủ thêm ý kiến của chiến trường về kế hoạch chiến lược, về hướng tiến công chiến lược, về mục tiêu tiến công. Các anh cũng đã tiếp xúc, trao đổi ý kiến với một số đồng chí trong Bộ Chính trị, chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng sắp tới.
Về kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976, mọi người đều cơ bản nhất trí. Về hướng chiến trường chính, đã có hai ý kiến: một là chọn Tây Nguyên; hai là chọn miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chỉ đánh Đức Lập để mở đường vào Đông Nam Bộ. Về mục tiêu tiến công, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa Bộ Tổng Tham mưu với đoàn cán bộ B2 xung quanh kế hoạch tác chiến mở đầu mùa khô 1974-1975 của Bộ Tư lệnh Miền. Các đồng chí ở B2, với thực tiễn và kinh nghiệm chiến đấu, nắm tình hình địch tại chỗ, chủ trương trước hết đánh Đồng Xoài, chi khu quận lỵ và là vị trí then chốt của tỉnh Phước Long. Tiếp đó tiến đánh Phước Long, giành một chiến thắng mở đầu vang dội. Các đồng chí Bộ Tổng Tham mưu, trước tình hình ta rất thiếu đạn, nhất là đạn súng lớn, chủ trương đánh Bù Đăng, Bù Na là những vị trí quan trọng hơn ở phía bắc Đồng Xoài để có thêm đạn pháo chiến lợi phẩm đánh Đồng Xoài. Cuối cùng mọi người thống nhất ý kiến về kế hoạch tiến công và mục tiêu tiến công là Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài và cả Phước Long, mặc dù lúc đầu Bộ Tổng Tham mưu không đặt ra nhiệm vụ đánh mục tiêu này.
Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cũng chấp nhận kế hoạch và mục tiêu tiến công như vậy. Kế hoạch mùa khô của B2 vì thế cũng không bị đảo lộn.
Theo tôi nghĩ, trong chỉ đạo chiến tranh, có ý kiến khác nhau là rất bình thường, miễn sao cùng có chung mục đích tìm ra phương án tối ưu để giành thắng lợi.
Những cuộc tranh luận như vậy là cần thiết để đi đến thống nhất, và là biểu hiện tốt của mối quan hệ giữa cơ quan tham mưu chiến lược với các đồng chí có trách nhiệm ở chiến trường. Vấn đề quan trọng là ở chỗ biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, bình tĩnh, sáng suốt thao luận trên tình đồng chí với tinh thần trách nhiệm cao, không chủ quan, áp đặt.
Còn nhớ rõ, trong những ngày này, tôi đưa anh Trần Văn Trà lên Sơn Tây thăm một đơn vị pháo binh. Hôm ấy, trời mưa rét, xe phải vượt qua nhiều quãng đường lầy lội, đầy những ổ gà. Các chiến sĩ "chân đồng vai sắt" đón chúng tôi rất trang nghiêm mà cũng rất thân tình.
Biết anh Trà đang cần sử dụng pháo ở B2, tôi đưa anh đi xem các khẩu pháo 76,2mm, ĐKZ 57mm, và nói:
- Chúng tôi chuẩn bị cho anh những cái này.
Anh Trà hỏi lại:
- Khẩu này nặng bao nhiêu?
- Hai tạ. Nhưng khỏi lo! Đưa đến chỗ anh, nó sẽ được tháo rời ra, cho xuống xuồng đuôi tôm rồi vác vào.
Anh Trà vui vẻ ngắm các khẩu pháo. Tôi thông cảm với đồng chí Tư lệnh B2. Anh là người hăng hái nêu ý kiến đánh Phước Long. Anh đã nhiều lần đề nghị được sử dụng pháo trong mùa khô 1974-1975. Do nhiệt tình của anh và đề nghị của đoàn B2, trong một lần gặp riêng, anh Ba và Quân uỷ đã đồng ý để B2 được sử dụng một đại đội pháo 130mm vào trận đánh Phước Long.
Tôi tranh thủ nói thêm với anh về chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cần giữ kín ý đồ chiến lược chưa cho xuất hiện xe tăng và pháo lớn ở miền Đông Nam Bộ để tận dụng yếu tố bất ngờ. Nếu dùng, phải xin ý kiến của Bộ Tổng tư lệnh. Hơn nữa, cần sử dụng tiết kiệm pháo và xe tăng, vì từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Liên Xô, Trung Quốc đều chấm dứt viện trợ các loại này cho ta. Đạn pháo 105mm và 130mm, bắn xong, ta phải đem vỏ về nạp lại để tiếp tục sử dụng.
Đây cũng là vấn đề mà các chiến trường đều thấy rõ, đặc biệt là Quân khu 5. Từ tháng 8-1974, anh Trà cũng đã báo cáo bằng điện về tình hình đạn súng lớn của B2.
Dự kiến đến cuối năm, trong các đơn vị chủ lực và kho của Miền chỉ còn 4.800 viên đạn cối 120mm, 1.190 viên đạn cối 160mm, 6.500 viên đạn pháo 130mm, 300 viên đạn lựu pháo 105mm. Anh cũng đề nghị Bộ Tơng tư lệnh đẩy mạnh vận chuyển đạn lớn vào đầu mùa khô cho B2.
Cuộc đi thăm đơn vị pháo để lại một ấn tượng tốt.
Trên đường về, tôi suy nghĩ vấn đề sử dụng pháo binh trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh. Những trang sử quân sự về vai trò của pháo binh, từ Napôlêông đến Stalin, Giucốp, Bành Đức Hoài, trở lại trong đầu. Tôi nghĩ đến bàì học kinh nghiệm sử dụng pháo binh trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Không một ai phủ nhận vai trò của pháo binh trong thời điểm quyết định. Vấn đề là khi nào sử dụng, làm sao pháo binh cơ động được vào chiến trường, và nhất là có đủ cơ số đạn cần thiết.
***
Từ Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 đến lúc này, thế và lực của cách mạng miền Nam mạnh thêm nhiều. Cùng với sự ra đời của các quân đoàn, khối chủ lực của các quân khu phát triển nhanh chóng. Bộ đội địa phương và dân quân du kích cũng được xây dựng mạnh hơn. Từ tháng 7-1974, ta mở các cuộc tiến công vào phòng tuyến vành ngoài của địch suốt từ Trị - Thiên đến Nam Bộ.
Trong vòng sáu tháng, các lực lượng vũ trang của Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn II ba lần giành thắng lợi liên tiếp trên chiến trường Trị Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Đức, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng Quảng Đà, tạo nên một bàn đạp tiến công quan trọng uy hiếp Đà Nẵng từ, hướng tây nam. Với chiến thắng La Sơn, Mỏ Tàu, ta đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 nguỵ, sư đoàn mạnh nhất của địch ở Quân khu I, mở rộng vùng giải phóng nam Thừa Thiên, tạo một bàn đạp tiến công thứ hai, uy hiếp mạnh mẽ giao thông, chiến lược của địch giữa Huế và Đà Nẵng. Với bốn tháng bảo vệ Thượng Đức, ta giữ vững khu vực bàn đạp quan trọng này, đánh tan sư đoàn dù nguỵ, "con chủ bài" của lực lượng tổng dự bị chiến lược của chúng.
Ở Tây Nguyên, quân ta đánh chiếm chi khu quân sự, quận lỵ Măng Đen và Măng Bút (Kon Tum), tiêu diệt quân chủ lực nguỵ ở Chư Nghé, Đắc Pét.
Tại miền Đông Nam Bộ, ta giải phóng một vùng rộng lớn ở phía nam đường số 7, uy hiếp thị xã Bình Dương, căn cứ Đồng Dù và sở chỉ huy Quân đoàn III nguỵ ở Biên Hoà. Ở đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu 9 đẩy mạnh tiến công địch nhằm tạo thế cho cuộc tiến công lớn trên toàn miền vào đầu năm i975, diệt và bức rút hàng trăm đồn địch, giải phóng 4.000 ấp với 80 vạn dân. Quân khu 8, sau một thời gian khó khăn, đã vươn lên đánh địch, giành lại Vùng IV Kiến Tường, mở rộng vùng giải phóng Đồng Tháp Mười, diệt nhiều đồn địch, giải phóng hơn 200 ấp.
Chấp hành Nghị quyết Hội nghị Quân uỷ Trung ương ngày 18-12-1972, hậu cần chiến lược cùng với hậu cần các chiến trường triển khai mạnh công việc chuẩn bị theo kế hoạch ba năm (1973-1975) bảo đảm cho các tình huống chiến tranh. Vùng giải phóng được xây dựng và củng cố, bước đầu thực hiện hậu cần tại chỗ. Các tuyến giao thông vận tải chiến lược được xây dựng, phát triển và hoàn thiện. Các căn cứ hậu cẩn chiến lược, chiến dịch được điều chinh bố trí. Ta đã tiêu diệt, bức rút các vị trí địch khống chế hành lang Đông Trường Sơn, mở thông tuyến vận tải chiến lược qua chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên vào tới Lộc Ninh, đưa tổng số chiều dài mạng đường vận tải quân sự chiến lược lên 16.790 km với 6 trục dọc, cả ở Đông và Tây dải Trường Sơn, tạo thuận lợi cho việc chi viện chiến trường, cơ động lực lượng. Hệ thống đường ống dẫn dầu được lắp đặt hoàn chỉnh từ miền Bắc vào tới miền Đông Nam Bộ.
Thắng lợi của quân và dân ta đã làm chuyển biến thêm một bước so sánh lực lượng trên chiến trường. Bộ Tổng Tham mưu báo cáo với Quân uỷ Trung ương một nhận định chiến lược: "Khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động của ta đã hơn hàn quân chủ lực cơ động của địch. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn, cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi. Do đó ta có thể và cần phải chuyển từ đánh nhằm tiêu diệt sinh lực địch là chính sang đánh chẳng những tiêu diệt sinh lực địch mà còn nhằm giải phóng nhân dân và giữ đất; từ chỗ quân chủ lực ta lấy tiêu diệt quân chủ lực địch trên chiến trường rừng núi là chủ yếu sang tiêu diệt địch và giải phóng nhân dân, giải phóng đất ở cả vùng giáp ranh, đồng bằng và thành phố.
Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch khôi phục và phát trỉển kinh tế hai năm 1974-1975, nhân dân ta thu được kết quả đáng kể. Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải có nhiều cố gắng. Đời sống nhân dân ổn định.
Hậu phương lớn chi viện 264.000 quân và một khối lượng lớn vật tư chiến tranh gần 50 vạn tấn gồm vũ khí, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường. Bộ đội chủ lực khẩn trương huấn luyện chiến đấu, luôn ở tư thế sẵn sàng xuất quân.
***
Sáng ngày 10-12, tôi cho gọi Cục Quân báo đến Sở chỉ huy báo cáo thêm tình hình mới nhất ở Tây Nguyên, có anh Lê Ngọc Hiền, Tổng Tham mưu phó cùng dự.
Bắt đầu làm việc, tôi dặn anh Phan Bình, Cục trưởng Cục Quân báo:
- Các anh báo cáo ngắn gọn, vì Quân uỷ không có nhiều thời gian để nghe dài. Thời gian bây giờ là lực lượng đấy.
Anh Phan Bình giới thiệu đồng chí Nguyễn Thanh, Trưởng phòng 70 1 báo cáo. Sau khi dẫn chứng những biện pháp mà Nguyễn Văn Thiệu vừa đề ra trong cuộc họp khẩn cấp với các tư lệnh quân đoàn, quân khu hồi đầu tháng hòng đối phó với các hoạt động Đông Xuân 1975 của ta, đồng chí Trưởng phòng 70 báo cáo cụ thể trên bản đồ lực lượng địch bố trí ở Tây Nguyên theo nguồn tin mới nhất: ở bắc Tây Nguyên, chúng điều Trung đoàn 47 ở đồng bằng Khu 5 và Liên đoàn 4 biệt động quân ở Sài Gòn tăng cường cho Pleiku, lập Bộ chỉ huy chiến trường Kon Tum trực tiếp chỉ huy bốn liên đoàn biệt động quân sổ 6, 21, 22, 23, lập Bộ chỉ huy Pleiku - Quảng Đức trực tiếp chỉ huy ba trung đoàn của Sư 23 và ba liên đoàn biệt động quân số 4, 24, 25. Sư đoàn 23 có nhiệm vụ giữ Plâyku là chủ yếu. Ở nam Tây Nguyên, địch chỉ để Trung đoàn 53 thuộc Sư 23 đóng ở Buôn Ma Thuột và Liên đoàn 24 biệt động quân ở Quảng Đức, do sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 chỉ huy.
Thiệu đang cho gấp rút thành lập ba lữ đoàn tổng trù bị ở Sài Gòn và tập trung toàn bộ sư dù ở Đà Nẵng, hình thành hai khối cơ động chiến lược quy mô sư đoàn trên hai hướng, sẵn sàng cơ động đối phó với ta.
Vừa nghe báo cáo, tôi vừa xem kỹ bản đồ bố trí binh lực của địch, hỏi thêm một vài điều, rồi kết luận:
- Thế là rõ. Địch bố trí binh lực rất phân tán, dàn mỏng. Lực lượng cơ động chiến lược đang gặp khó khăn vì các sư đoàn tổng trù bị đều phải gắn vào các chiến trường, mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung rất căng thẳng. Tinh thần quân nguỵ bắt đầu suy yếu, mất ổn đinh. Đặc biệt tình hình nội bộ Mỹ khủng hoảng và viện trợ Mỹ giảm nhiều đã tác động sâu sắc đến nguỵ quân, nguỵ quyền. Những nhân tố trên là lò lửa đang âm ỷ cháy trong lòng địch. Nó sẽ bùng lên thiêu cháy chúng khi thời cơ đến.
Quay sang anh Lê Ngọc Hiền, tôi nói tiếp:
- Các anh chú ý hướng Tây Nguyên rất yếu, song lại hiểm yếu. Địch tập trung nhiều ở bắc Tây Nguyên, còn nam Tây Nguyên rất yếu và sơ hở. Còn ở Mỹ thì thế lực chống chiến tranh chiếm ưu thế cả trong Quốc hội. Mỹ không dễ gì đã rút đi lại quay trở lại. Nhưng Cục 2 vẫn phải hết sức chú ý, theo dõi hoạt động của không quân và hải quân Mỹ.
Đã có thêm nhiều dữ kiện và tham số giúp cho Bộ thống soái tối cao hạ quyết tâm chiến lược.
Ngày 18-12-1974, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại Tổng hành dinh. Ngôi nhà mái bằng ẩn kín dưới những tán lá cây dày đặc, với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định.
Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng tập trung cao độ, lập kế bày mưu, hạ quyết tâm giành toàn thắng.
Dự họp, ngoài các uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, có các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, các Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến.
Hội nghị được chuẩn bị khá công phu. Các cơ quan chiến lược của Đảng, của quân đội và của Nhà nước làm việc ngày đêm, phát huy hết chức năng tham mưu chiến lược, dự thảo kế hoạch, cung cấp thông tin. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương tập trung suy nghĩ về các vấn đề đặt ra trong cuộc họp tháng 10-1974 và những vấn đề mới nảy sinh. Đại biểu các chiến trường ra họp, mang theo nhiều tình hình, nhận định, nhiều kiến nghị và yêu cầu mới.
Đồng chí Bí thư thứ nhất khai mạc hội nghị. Vẻ vui tươi lộ rõ trên nét mặt, anh Ba nêu rõ mục đích hội nghị lần này là thảo luận để đi đến hạ quyết tâm chiến lược lần cuối cùng. Anh yêu cầu mọi người báo cáo kỹ tình hình, cùng nhau bàn cho ra lẽ, để rồi về mà thực hiện cho đúng, cho tốt, không sợ mất thời gian.
Thay mặt Bộ Tổng tham mưu, anh Lê Ngọc Hiền trình bày dự kiến kế hoạch hoạt động quân sự năm 1975. Đây là bản dự thảo lần thứ tám, trên cơ sở bản kế hoạch đã được Bộ Chính trị thộng qua hồi tháng 10, có bổ sung một số điểm và điều chỉnh một số chỉ tiêu, sau khi trao đổi thống nhất với các chiến trường.
Bản báo cáo tuy đã được chuẩn bị nhiều lần, nhưng chưa thoả mãn yêu cầu của lãnh đạo. Anh Hoàng Văn Thái phát biểu bổ sung, cũng vẫn chưa đáp ứng. Các vấn đề trình bày chưa chặt. Phần tình hình còn nặng về quân sự, chưa nắm chắc được các diễn biến về chính trị, kinh tế, xã hội. Tình hình các đô thị miền Nam nắm không được kỹ. Phần kế hoạch quân sự năm 1976 chưa hình thành rõ nét. Các anh ở B2 vẫn vướng mắc vì chưa thấy nói đến việc đánh Đồng Xoài. Về hướng tiến công chiến lược, cũng có ý kiến muốn đánh Đức Lập để mở đường vào miền Đông Nam Bộ.
Thay mặt Quân uỷ Trung ương, tôi đề xuất một số ý kiến:
- Lần này bàn kếhoạch 1975-1976, chúng ta cần nắm vững yêu cầu của quyết tâm chiến lược. Tinh thần là phải thật kiên quyết, thật tập trung. Năm 1972, trên chiến trường Quảng Trị, ta đã tạo được thời cơ rất tốt. Lúc đó, thành phố Huế hỗn loạn, thế trận của địch ở Quân khu I rung động rất dữ. Thế nhưng chúng ta chỉ đưa một lực lượng không lớn lắm vượt qua sông Quảng Trị, cũng vì đường sá chưa thông, công tác bảo đảm không theo kịp. Vì thế mà địch gượng lại được, chúng đưa sư đoàn dù và sư đoàn thuỷ quân lục chiến ra phản kích chiếm lại Thành cổ.
Thời cơ lúc đầu có thể đến với mức bình thường. Nhưng nếu ta lợi dụng tốt, sẽ tạo nên thời cơ mới cao hơn và từ đó phát triển thành thời cơ đột biến. Khi nói đến lợi dụng triệt để thời cơ chiến lược là phải nói đến việc chuẩn bị sẵn lực lượng dự bị chiến lược thật mạnh, có kế hoạch tác chiến và kế hoạch bảo đảm thật đầy đủ thì mới có thể thực hiện được.
Trong kế hoạch quân sự 1975-1976, cần ghi rõ: Phải có trận tiêu diệt lớn ở nam Tây Nguyên bằng cách đánh địch đang vận động. Yêu cầu là phải diệt từ ba đến năm sư đoàn địch trong một đợt hoạt động mạnh và gọn, chứ không được kéo dài lê thê. Kế hoạch phải nêu rõ diệt địch ở Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột. Có thể sau khi ta tiêu diệt Buôn Ma Thuột, địch sẽ dao động, rối loạn, lúc đó ta phải chớp lấy thời cơ giải phóng Huế. Nếu lúc đó ta chậm chân, mỏi mệt, để mùa mưa đến thì lỡ mất thời cơ. Cho nên phải có kế hoạch bao vây chia cắt ngay từ bây giờ, không để cho địch co cụm chiến lược, rút về miền Đông Nam Bộ hay rút về phía đông dọc theo bờ biển Trung Bộ. Trong năm 1975 này, ta không nhất thiết phải cơ động Quân đoàn I. Phải tập trung nó lại mà huấn luyện cho tốt, bảo đảm luôn luôn sẵn sàng. Phải hết sức khẩn trương, hết sức tập trung. Nếu có thời cơ thì sử dụng Quân đoàn I. Nếu thời cơ chưa xuất hiện, thì ta cũng mạnh lên để đón thời cơ mới.
Chúng ta phải chủ động tạo ra thời cơ, chứ không thể bị động ngồi chờ. Khi thời cơ đến thì phảì kiên quyết, kịp thời chớp lấy thời cơ. Phải tích cực phát triển cái đúng, cái hay của ta, khoét sâu cái nhược điểm, cái sai lầm của địch thì tất yếu thời cơ sẽ xuất hiện. Hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong hai năm 1975-1976 là đúng. Nhưng kế hoạch cần đề phòng tình huống sớm hơn, trong năm 1975, và cả tình huống kéo dài qua năm 1977. Như vậy mới chủ động, vững vàng.
***
Trong phần thảo luận, hội nghị nghe anh Văn Tiến Dũng phát biểu về vấn đề sử dụng binh lực, nêu rõ việc vận đụng cách đánh phải thể hiện ngay trong bước xây dựng kế hoạch và phát triển kế hoạch. Hiện nay, trọng tâm của ta là giành thắng lợi ở đồng bằng. Để cho được vững chắc hơn, để có điều kiện xây dựng lực lượng ở đồng bằng, tác chiến quy mô lớn, nhất thiết phải có hàng lang nối liền đồng bằng với căn cứ. Chủ lực miền Đông phải phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.
Trong kế hoạch đợt hai, phải nghiên cứu cách đánh cho địch vỡ ra, mà không phải sủ dụng nhiều lực lượng.
Cần phải tính đến phản ứng của Mỹ. Cũng không loại trừ khả năng nguỵ suy sụp nhanh chóng. Khi ta đánh mạnh, phong trào đô thị lên, thời cơ sẽ xuất hiện. Chính lúc ấy lại càng phải cảnh giác.
Rành rọt từng lời, từng ý, anh Phạm Văn Đồng phân tích về phương pháp tác chiến chiến lược trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh. Anh nhấn mạnh cần vận dụng chiến lược tổng hợp, phải chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất, kỹ thuật, và cả vấn đề huấn luyện chiến sĩ mới. Anh nói: "Về ta, quan trọng nhất là một cao trào cách mạng miền Nam xảy ra. Rất mới, cả quân sự và chính trị. Bạo lực quân sự đến mức cao nhất đi đôi với bạo lực chính trị". Anh đứng lên, bước từng bước một, đi lại trong phòng rồi dừng lại phát biểu: "Lúc nào là thời điểm sụp đổ của nguỵ? Không phải chờ đến năm 1976 đâu? Có thể nhanh không phải dần dần đâu?".
Anh Trường Chihh nêu rõ đặc điểm tình hình nhiệm vụ của hai miền, phân tích cách đánh chiến lược, đồng ý với phương án của Thường trực Quân uỷ Trung ương đồng ý chọn hướng chính là Tây Nguyên, chọn mục tiêu đầu tiên là Buôn Ma Thuột. Anh nhấn mạnh: "Địch bị suy yếu nhanh chóng, không gỡ được mâu thuẫn giữa giữ đất giữ dân và cơ động tác chiến, còn ta thì mạnh lên về mọi mặt. Ta giành được quyền chủ động trên chiến trường. Năm 1974, ta đã đạt được kế hoạch. Nếu Phước Long ta diệt được nữa thì ta mạnh lên rất nhiều. Ta phải tạo điều kiện thực hiện đòn tiêu diệt chiến lược. Và không hạn chế chỉ một đòn".
Anh Lê Đức Thọ phân tích về ý đồ chiến lược của Mỹ, về thời cơ, về tương quan lực lượng giữa ta và địch, về đánh phá bình định, tiêu diệt quân chủ lực nguỵ, về xây dựng địa phương, về công tác binh vận, về cơ sở để hạ quyết tâm dứt điểm trong hai năm.
Tiếp đó, các anh Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh phát biểu ý kiến xoay quanh các vấn đề biện pháp chiến lược, yêu cầu kết hợp các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao.
***
Ngày 22-12, hội nghị nghỉ họp để tham dự một sự kiện chính trị quan trọng. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944-22-12-1974), Đảng, Nhà nước, Quốc hội quyết định tặng thưởng các lực lượng vũ trang nhân dân phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng.
Một cuộc mít tinh và biểu dương lực lượng lớn được tổ chức tại sân vận động Hà Nội, ngay giữa ban ngày. Hơn ba vạn nhân dân Thủ đô cùng đại biểu các đơn vị trong toàn quân ngồi kín các bậc, trong một rừng cờ hoa và những chùm bóng màu rực rỡ.
Đúng 8 giờ. Quốc thiều Việt Nam nổi lên giữa 21 phát đại bác nổ rền, mở đầu cuộc lễ.
Sau lời khai mạc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đọc lời tuyên dương công trạng: "30 năm qua, lớp lớp cán bộ và chiến sĩ kế tiếp nhau đánh giặc cứu nước, góp phần xây dựng nước nhà, nêu những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam".
Chủ tịch nêu rõ tấm Huân chứơng Sao Vàng là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dành cho các lực lượng vũ trang và mong rằng các lực lượng vũ trang luôn luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong không khí phấn khởi, trang nghiêm, Chủ tịch Tôn Đức Thắng trân trọng gắn Huân chương Sao Vàng lên quân kỳ Quyết thắng. Thay mặt toàn quân, tôi cùng các đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần vinh dự nhận phần thưởng cao quý. Trong lời phát biểu, tôi xúc động nói: "Dưới ngọn cờ trăm trận trăm thắng của Đảng và Hồ Chủ tịch, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trải qua 30 năm xây dựng, 30 năm chiến đấu liên tục, 30 năm thắng lợi vẻ vang, toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ghi lòng tạc dạ: "mỗi một chiến công, mỗi một thành tích của các lực lượng vũ trang đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo vô cùng đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch, từ sự thương yêu đùm bọc không bờ bến của đồng bào ta trong cả nước".
Bài phát biểu kết thúc bằng lời hứa quyết tâm: "Các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam kiên quyết giương cao lá cờ Quyết thắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho trong giai đoạn mới, xứng đáng với phần thưởng cao quý của Quốc hội và Chính phủ, xứng đáng với lòng tin cậy của toàn Đảng, toàn dân, xứng đáng với lời biểu dương của Bác Hồ: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Tiếp theo đó, trong điễn văn kỷ niệm 30 năm trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta, tôi đã ôn lại lịch sử vẻ vang của các lực lượng vũ trang anh hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi dành phần lớn bài diễn văn quan trọng này đề cập tới tình hình và nhiệm vụ trước mắt.
Về thắng lợi to lớn của nhân dân ta "đánh cho Mỹ cút" tôi nói: "Quân và dân cả nước ta đã chiến thắng quân đội xâm lược khổng lồ của tên đế quốc đầu sỏ, giáng một đòn nặng vào vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ, bác bỏ câu chuyện hoang đường về sức mạnh vô địch của đế quốc Mỹ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của nhân dân ta vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".
Về tình hình cách mạng miền Nam từ khi có Hiệp định Paris, tôi khẳng định:
"Thực tế ở miền Nam trong hai năm qua chứng tỏ sức mạnh chính nghĩa của nhân dân ta là vô địch, thắng lợi của cách mạng miền Nam là tất yếu. Chúng ta nhiệt liệt chào mừng thắng lợi to lớn của đồng bào và chiến sĩ miền Nam và tin tưởng sắt đá rằng sự nghiệp cách mạng của nhân dân miền Nam tuy còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, nhưng nhất định thắng lợi. Miền Nam nhất định sẽ hoàn toàn giải phóng; Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ thống nhất; đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Đại biểu các quân chủng, binh chủng quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề, bước chân rầm rập diễu qua lễ đài kết thúc buổi lễ. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài được vinh dự giương cao lá quân kỳ Quyết thắng lấp lánh Huân chương Sao Vàng, thay mặt các chiến sĩ đã làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không", dẫn đầu cuộc diễu binh trong tiếng nhạc hùng tráng, trong niềm tin yêu vô hạn của hàng vạn trái tim.
Bước chân hùng dũng, tự hào của các chiến sĩ ngày hôm ấy cũng chính là nhịp bước vững vàng chắc thắng của đồng bào và chiến sĩ cả nước trên chặng đường tiến tới ngày toàn thắng, dưới bàn tay vẫy gọi của Bác Hồ.
***
Ngày hôm sau, 23-12-1974, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) tiếp tục làm việc.
Lúc này, thực tiễn chiến trường phát triển có phần nhanh hơn dự kiến của kế hoạch tác chiến chiến lược mà Bộ Tổng Tham mưu trình bày ở Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974.
Trong đợt tiến công mùa khô 1974-1975, quân ta giành nhiều thắng lợi ở miền Đông Nam Bộ và Khu IX.
Tin chiến thắng dồn dập bay về, khẳng định thế đi lên của ta, thế đi xuống của địch.
Ngày 13-12-1974, quân ta tiến công chi khu quân sự Bù Đăng, yếu khu Bù Na, hệ thống đồn bốt trên đường 14, mở đầu chiến dịch đường 14-Phước Long. Sau 5 ngày chiến đấu ác liệt, ta chiếm được Bù Đăng, diệt 50 đồn bốt, giải phóng 14.000 dân, làm chủ 80 km đường 14.
Ngày 20-12, Bộ Tổng tư lệnh nhận điện báo cáo của anh Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền: "Trên đường 14, ta giai phóng hoàn toàn đoạn từ cầu 11 gần Đồng Xoài, đến khỏi Bù Đăng giáp ranh giới chi khu Kiến Đức. Ở Bù Đăng, Vĩnh Thiện, Bù Na, ta thu được 4 pháo và 7.000 đạn pháo, trên 3.000 súng các loại, bắt trên 300 tù binh. Sẽ tiếp tục truy lùng".
Nỗi lo thiếu đạn pháo từ lâu đè nặng trong đầu tôi đã vơi đi được một phần.
Chiến trường trên đà thừa thắng xông lên khuếch trương chiến quả. Ngày 27-12, Bộ Tổng tư lệnh lại nhận điện của Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV: "Tiến công chi khu Đồng Xoài lúc 5 giờ 35 phút ngày 26-12. Đến 18 giờ 30 phút, ta làm chủ hoàn toàn chi khu Đồng Xoài. Ký tên: Năm Thạch".
Năm Thạch là bí danh của đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn IV. Trong niềm vui chiến thắng, tôi nhớ rất rõ hình ảnh người cán bộ quân sự đã tỏ rõ phẩm chất và tài năng của mình ngay từ chiến dịch Trần Hưng Đạo (1951). Lúc đó, với cương vị Tiểu đoàn trưởng của Đại đoàn 312, anh đã được Bộ Tổng tư lệnh khen tặng danh hiệu "Cán bộ gương mẫu" cùng với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh của Đại đoàn 308. Trong công tác cán bộ, đây là một phát hiện chính xác, đi đôi với bồi dưỡng thành công.
Với chiến công diệt gọn chi khu Đồng Xoài, quân ta đã hình thành thế bao vây cô lập thị xã Phước Long.
Phản ứng của địch yếu ớt. Máy bay địch lên ném bom, bắn phá không có hiệu quả. Quân địch ở Phước Long hoang mang cực độ.
Trong hội nghị, các anh Phạm Hùng và Trần Văn Trà kịp thời xin ý kiến của đồng chí Bí thư thứ nhất và Quân uỷ Trung ương cho phép giải phóng luôn Phước Long, có sử dụng một đại đội xe tăng và một đại đội pháo 130 mm. Anh Ba chấp nhận. Tôi cũng đồng ý.
Ngày 31-12, Quân đoàn IV được tăng cường Trung đoàn 16 bộ binh, hai tiểu đoàn pháo cao xạ, do Tư lệnh Hoàng Cầm trực tiếp chỉ huy, mở cuộc tiến công vào thị xã Phước Long.
Bộ đội ta xung phong đánh chiếm hệ thống công sự bảo vệ vành ngoài, diệt, chi khu Phước Bình, chiếm núi Bà Rá. Địch tập trung lực lượng, ngoan cố chặn các đường tiến vào thị xã. Máy bay địch ném bom, bắn phá vào đội hình của quân ta. Quân đoàn quyết định dùng pháo bắn mạnh vào các mục tiêu trong thị xã, đồng thời dùng hoả lực phòng không đánh trả máy bay địch. Bỏ qua các ổ đề kháng vòng ngoài, các mũi thọc sâu nhanh chóng đột phá, đánh chiếlh các mục tiêu quan trọng.
Đến 19 giờ ngày 6-1-1975, toàn bộ thị xã Phước Long được giải phóng.
Trải qua 26 ngày chiến đấu liên tục, chiến dịch đường 14-Phước Long kết thúc thắng lợi. Địch phản ứng một cách tuyệt vọng. Các cánh quân nguỵ lên ứng cứu đều bị đánh lui. Nguyễn Văn Thiệu đành ôm hận kêu gọi "dành ba ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long".
Tin chiến thắng Phước Long làm nức lòng người, báo hiệu một mùa khô đầy triển vọng. Hội nghị ngừng họp.
Mọi người đi lại, vui vẻ bắt tay nhau. Trong niềm vui thấy ngày toàn thắng tới gần, mỗi cái bắt tay chứa đựng một quyết tâm, một lời hứa hẹn.
Chiến thắng Phước Long mang ý nghĩa một đòn trinh sát chiến lược rất quan trọng. Lần đầu tiên ở miền Nam, một tỉnh được hoàn toàn giải phóng. Tỉnh đó lại ở gần Sài Gòn. Vùng căn cứ quan trọng của ta ở miền Đông Nam Bộ được mở rộng. Thực tế này nói rõ hơn hết khả năng của ta. Nó cũng đánh dấu một bước suy sụp mới của quân nguỵ. Đội quân này không còn khả năng giải toả với quy mô lớn để chiếm lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng bị ta đánh chiếm, ngay cả trên tuyến phòng thủ vành ngoài Sài Gòn - Gia Định. Nó còn chứng tỏ Mỹ không có khả năng trở lại can thiệp bằng quân sự ở miền Nam, khi người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố. "Tổng thống Pho không có ý vi phạm những điều cấm chỉ (của Quốc hội) về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam".
Thực tiễn chiến trường đã chứng tỏ ý kiến của các anh ở B2 là đúng.
Sau này, trong tài liệu "Sự sụp đổ của Nam Việt Nam", người Mỹ viết: "Sự thất thủ thị trấn Phước Long đánh dấu Nam Việt Nam bắt đầu tan rã". Phạm Bá Hoa, đại tá Tham mưu trưởng Tổng cục Tiếp vận quân đội nguỵ còn nói rõ hơn: "Cái chính là thất bại Phước Long đã nói lên thế và lực của quân lực cộng hoà. Chỉ mới bị đánh một điểm mà đã không còn lực lượng đối phó, thử hỏi bị đánh mạnh nhiều nơi thì sẽ ra sao? Phước Long là sự kiện nói lên khá rõ hiệu quả chiến lược "Việt Nam hoá" thực hiện trong sáu năm qua. Có thể nói Phước Long là một đòn thử sức đôi bên và kết quả đã rõ ràng".
Cục 2 báo cáo: Trong những ngày thất thủ Phước Long, Nguyễn Văn Thiệu chủ toạ một cuộc họp khẩn cấp tại dinh Độc lập. Trước các tướng tá, Thiệu tuyên bố không tăng viện cho Phước Long hay cố gắng lấy lại tỉnh này, vì phải trả giá quá cao, quân nguỵ không đủ máy bay và quân trù bị. Nếu muốn tăng viện Phước Long, phải lấy quân từ nơi khác mà những nơi này, cũng đang bị Bắc Việt sừa soạn tiến công. Trong cuộc họp, Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn cay đắng nhận xét rằng việc để mất Phước Long là bước đầu quan trọng để cộng sản chinh phục hoàn toàn Nam Việt Nam bằng quân sự. Họ hiển nhiên không sợ bất cứ phản ứng nào của Mỹ. Không biết cộng sản còn được sự khuyến khích nào hơn?
Thái độ thờ ơ của Mỹ càng làm cho Sài Gòn thêm thất vọng, và đẩy nhanh đà suy sụp về tinh thần của quân đội nguỵ. Trong cuộc họp báo ngày 14-1-1975, Bộ trưởng Quốc phòng Sơlétxinhgiơ cố tình đánh giá thấp sự kiện Phước Long. Ông ta nói: "Bây giờ tình hình ở Nam Việt Nam cho thấy Bắc Việt không muốn tung ra một cuộc tiến công rộng khắp, quy mô. Cái mà họ đang chú tâm là làm suy yếu sự kiểm soát của chế độ Nam Việt Nam trên khắp nước, đặc biệt là làm đảo lộn chính sách bình định đang thành công. Do đó điều mà chúng tôi tiên đoán trong vài tháng tới chỉ là một số trận đánh lớn. Lúc này, tôi không tiên liệu sẽ có cuộc tiến công quy mô lớn như hồi năm 1972".
Hơn nửa tháng sau, ngày 22-1, Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho lại dội thêm một gáo nước lạnh khi tuyên bố. "Không có hành động nào khác ngoài việc bổ sung viện trợ cho Sài Gòn. Sẽ không can thiệp vào Nam Việt Nam nếu xét ra không phù hợp với hiến pháp và pháp luật".
Trả lời bức thư kêu cứu của Nguyễn Văn Thiệu, ông ta cũng chỉ có những lời hứa hẹn chung chung: "Tôi chia sẻ với ngài nỗi lo lắng về Bắc Việt không thực thi những điều khoản căn bản nhất của Hiệp định Paris và về những áp lực quân sự của Bắc Việt ở mức độ trầm trọng. Tôi muốn bảo đảm với ngài rằng chính quyền chúng tôi sẽ tiếp tục áp lực để việc thi hành Hiệp định được thật đầy đủ". Thật chẳng khác nào một cọng rơm tung xuống nước trước một kẻ sắp chết chìm.
***
Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới rất quan trọng để hội nghị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với yêu cầu cao hơn. Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là giành thắng lợi nhanh hơn, lớn hơn. Bộ Tổng Tham mưu căn cứ vào tình hình phát triển của chiến trường, đề đạt ý kiến với Bộ Chính trị bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tác chiến cho phù hợp với tình hình mới.
Càng về cuối hội nghị, các vấn đề thảo luận càng tập trung, sáng rõ. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu được xác định là nam Tây Nguyên, với mục tiêu chính là Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc tiến công lớn của bộ đội chủ lực năm 1975.
Anh Lê Thanh Nghị phát biểu về kế hoạch chiến lược và nhấn mạnh: "Đưa thêm lực lượng vào B2 là đúng, càng sớm càng tốt. Dự bị chiến lược chung và dự bị cho từng chiến trường là phải có. Dự bị chiến lược chung là một quân đoàn, làm sao có thể cơ động được vào chiến trường chủ yếu, nếu để tận ngoài xa?".
Anh Lê Đức Thọ đề cập vấn đề đấu tranh ngoại giao. Anh nói: "Năm 1975, ngoại giao chưa tạo ra vấn đề gì lớn cả. Bây giờ nếu có ngồi lại, chắc cũng là để kéo dài đàm phán, tranh thủ mở rộng mà thôi. Thế ta chưa mạnh, thì ngoại giao chẳng giải quyết được vấn đề gì. Phải chú ý đầy đủ phối hợp cả ba quả đấm (quân sự, chính trị, ngoại giao) với nhau thì mới có điều kiện hơn cho năm 1976". Ngừng một lát, anh nói tiếp: "Tôi cho rằng tình hình bây giờ có khác hồi năm ngoái. Bây giờ đã đánh là phải đánh dồn dập, diệt địch nhiều nhất, thắng lợi lớn nhất, làm cho thế của ta mạnh lên rất nhanh. Còn về mặt tuyên truyền, ta cứ giữ mức độ bình thường, không cần rùm beng làm gì. "Có miếng mà không có tiếng!".
Anh Ba đồng tình với ý kiến của các anh vừa phát biểu, và nói: "Ta đánh theo cách đánh của ta là phải chính trị, quân sự kết hợp, phải là chiến lược tổng hợp với ba quả đấm, khác đó là không thắng được".
Sáng ngày 8-1-1975, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận hội nghị.
Vui vẻ, linh hoạt, anh Ba nói:
- Cuộc họp này có đông đủ các đồng chí ở Nam Bộ và Khu 5 ra dự. Trong cuộc họp lần trước, Bộ Chính trị đã nhất trí về phương hướng chiến lược nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến toàn thắng. Lần này, chúng ta hạ quyết tâm trong hai năm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Chúng ta rất phấn khởi đạt được sự nhất trí cao, sau khi suy nghĩ bàn bạc nhiều lần, và nay lại càng nhất trí với các đồng chí chỉ huy lãnh đạo các chiến trường.
Hiện nay, ta đã giữ chủ động, giành dân và giành quyền làm chủ. Ta đã tạo ra thế chiến lược liên hoàn từ Trị - Thiên đến đồng bằng sông Cửu Long. Ta đã xây dựng được những quả đấm chủ lực rất mạnh và cơ động.
Ta đã tạo được một bàn đạp áp đảo xung quanh Sài Gòn, đó là một thế chiến lược lớn lắm. Những điều đó chứng tỏ chúng ta mạnh. Trên thế mạnh đó, ta chuẩn bị cho quyết tâm hai năm.
Rõ ràng là địch đang xuống dốc về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, do ta tiến công và do cả bản thân nó nữa. Rồi đây có thể nó còn xuống dốc rất nhanh. Do đó ta thấy rõ thời cơ, khả năng cách mạng có thể tiến lên tiến công, vừa chiến thắng quân sự, vừa chiến thắng chính trị theo những bước nhảy vọt. Lần trước cũng như lần này, Bộ Chính trị đã bàn, thấy chính xác và rất nhất trí.
Về cách đánh chiến lược, anh Ba nhắc lại cần nắm vững phương châm, phương pháp của ta là: Tiến công, nổi dậy, nổi dậy, tiến công, ba mũi giáp công, ba vùng chiến, lược, tiêu diệt, làm chủ, làm chủ, tiêu diệt, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Vẻ quyết tâm và nhiệt tình hiện rõ trên nét mặt, anh nói rất nhanh: Phải nắm vững chiến lược tổng hợp để tạo ra sức mạnh tổng hợp, luôn luôn tạo ra sức mạnh mới, thế mới, đánh liên tục và bất ngờ, tiến tới tổng phản công và nổi dậy, thắng địch tại sào huyệt quan trọng nhất của chúng là Sài Gòn để kết thúc chiến tranh. Các đòn chiến lược quân sự sẽ diễn ra trong năm 1975-1976 như thế nào, chúng ta đồng tình với kế hoạch chiến lược năm 1975 Bộ Tổng Tham mưu đã trình bày. Ở Nam Bộ, có ba nhiệm vụ quan trọng: vừa đánh đồng bằng, vừa đánh chủ lực, vừa ép đô thị. Ở Khu 5, Tây Nguyên thì đồng tình đánh mạnh ở Tây Nguyên, mở đầu từ Buôn Ma Thuột.
Cuối cùng, anh căn dặn: "Còn nhiều vấn đề phải bàn nữa. Bộ Tổng Tham mưu còn phải làm việc nhiều hơn nữa và có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết này".
Hội nghị hoàn toàn nhất trí với kết luận của đồng chí Bí thư thứ nhất. Bộ Chính trị ra Nghị quyết lịch sử:
"Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến luớc lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc".
Bộ Chính trị hạ quyết tâm: "Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền trong thời gian 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hơp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã nguỵ quân, đánh đổ nguỵ quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam".
Nghị quyết nêu rõ: Cả năm 1975 là thời cơ, đòn tiến công quân sự mạnh tạo nên thời cơ, phong trào chính trị thúc đẩy thời cơ, tình hình thế giới và nội bộ nước Mỹ là thời cơ, từ bình thường đến vừa, đến cao, đến đột biến với tốc độ "một ngày bằng 20 năm", do đó cần phải khẩn trương, phải đánh nhanh hơn, nếu đã có thời cơ mà không kịp thời phát hiện, bỏ lỡ thì có tội lớn đối với dân tộc.
Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976. Đây là một kế hoạch lớn được chuẩn bị công phu từ giữa năm 1973 qua tám lần dự thảo của Bộ Tổng Tham mưu. Ngoài kế hoạch chiến lược 1975-1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".
***
Ngay hôm sau, ngày 9-1-1975, Thường trực Quân uỷ Trung ương họp để quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cùng tham dự có các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, và Hoàng Minh Thảo. Vấn đề trọng tâm là bàn về chiến dịch Tây Nguyên, Từ khi chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi và nhiều đồng chí trong Bộ Tổng tư lệnh đã nêu vấn đề chọn Tây Nguyên làm chiến trường chủ yếu. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ.
Qua trao đổi, thảo luận, mọi người đều thấy việc chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong đó Buôn Ma Thuột là mục tiêu tiến công đầu tiên là một điều tất yếu, không thể khác. Tôi đề ra hai tình huống:
- Nếu Buôn Ma Thuột sơ hở thì đánh ngay.
- Nếu địch tăng cường lực lượng và đề phòng thì tổ chức đánh quân tiếp viện trước, cả hai phía Buôn Ma Thuột và Pleiku, sau đó tiến công vào Buôn Ma Thuột.
Chúng tôi đang họp thì anh Lê Đức Thọ đến. Biết hội nghị đang bàn về đánh Buôn Ma Thuột, anh Sáu cũng nhất trí như vậy.
Tây Nguyên là một chiến trường rừng núi hiểm trở.
Lúc này ở đây địch có một sư đoàn chủ lực, bảy liên đoàn quân biệt động và bốn thiết đoàn xe tăng và xe thiết giáp. Do đánh giá sai, phán đoán sai ý đồ của ta, chúng cho rằng năm 1975 ta chưa đủ sức đánh thị xã và thành phố, và nếu có đánh, thì cũng đánh ở phía bắc. Vì vậy địch tập trung lực lượng giữ Pleiku, Kon Tum, còn Đắc Lắc, Buôn Ma Thuột vẫn sơ hở. Lực lượng ở đây không mạnh, phần lớn là quân hậu cứ của sư đoàn và trung đoàn, càng sâu vào phía trong lực lượng địch càng mỏng. Khó khăn chính là thiếu đường cơ động. Phải tích cực khắc phục, mở đường để đưa binh khí, kỹ thuật vào.
Đánh Buôn Ma Thuột là một đòn bất ngờ đối với địch. Sẽ có nhiều khả năng phá vỡ hệ thống phòng ngự của chúng ở Vùng II chiến thuật, làm rung chuyển Tây Nguyên và toàn bộ thế trận của địch trên chiến trường, tạo ra thời cơ mới cho việc thực hiện kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976.
Kết luận cuộc họp, tôi nhắc lại quyết định của Bộ Chính trị chọn nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, mục tiêu tiến công đầu tiên là Buôn Ma Thuột, hướng phát triển tiếp theo là phía đông. Sử dụng lực lượng cũng như cách đánh phải mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, nghi binh tốt, hướng sự chú ý của địch vào bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên.
Về công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức trong chiến dịch, cần xây dựng quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất, nắm vững tư tưởng đánh tiêu diệt, coi trọng công tác binh vận, đề cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, tôn trọng kỷ luật chiến trường, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách vùng giải phóng, chính sách tù, hàng binh, chính sách chiến lợi phẩm. Công tác cán bộ cần sắp xếp, dự trữ đủ cán bộ có phẩm chất và năng lực, bảo đảm chỉ huy lãnh đạo bộ đội chiến đấu liên tục, sẵn sàng bổ sung, phát triển lực lượng.
Nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch Tây Nguyên được xác định rõ:
- Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, loại khỏi vòng chiến đấu từ bốn đến năm vạn tên, diệt từ ba đến bốn trung đoàn, liên đoàn bộ binh, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng từ một đến hai sư đoàn chủ lực địch, diệt nhiều tiểu đoàn bao an, nhiều trung đội dân vệ, làm tụt nhanh quân số của địch. Mở rộng hành lang chiến lược từ đường 14 qua Gia Nghĩa xuống đường 20 nối với miền Đông Nam Bộ và từ Tây Nguyên xuống ba tỉnh Khu 5
- Giải phóng nhân dân và phần lớn vùng đất ở nam Pleiku và Cheo Reo, xung quanh Buôn Ma Thuột, đánh bại kế hoạch "bình định", nống lấn và giải toả của địch, giữ vững, phát huy quyền làm chủ chiến trường, thực hiện chia cắt chiến lược. Tích cực phối hợp với mặt trận chống bình định ở đồng bằng. Diệt từ ba đến bốn tiểu khu, chi khu quân sự, từ một đến hai tỉnh lỵ.
- Đánh phá giao thông và hậu cứ, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, làm cho tiềm lực kinh tế của địch giảm sút trầm trọng. Khi có thời cơ, thực hiện chia cắt hẳn các đường 14, 19, 21, trọng điểm là đường 19.
Phát triển đấu tranh chính trị trong các thị xã. Ra sức xây dựng cơ sở tự vệ mật và các tổ chức biệt động, diệt ác ôn đầu sỏ, tạo thế làm chủ ở cơ sở.
- Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng vùng giải phóng, xây dựng các đường chiến lược, chiến dịch, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo.
Quyết tâm chiến lược của Đảng đã được cụ thể hoá.
Các cơ quan Tổng hành dinh theo chức trách của mình, hướng mọi nỗ lực vào chiến trường chính Tây Nguyên, hướng vào mục tiêu Buôn Ma Thuột, khẩn trương chuẩn bị ngày đêm.
Theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) được thành lập trên cơ sở Bộ chỉ huy tiền phương B2 và các lực lượng Miền, Quân khu 8 và lực lượng của Bộ mới tăng cường.
Được Phiđen và các bạn Cuba gửi cho một số xe chuyên dụng mua của Nhật và đài thọ cho cán bộ kỹ thuật của ta sang Nhật học cách sử dụng, các đoàn công binh, Thanh niên xung phong ra sức mở đường. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, kiên quyết, kịp thời của các anh Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đồng Sĩ Nguyên, mạng đường chiến lược Đông và Tây Trường Sơn được xây dựng và củng cố, đã nối liền đến Lộc Ninh, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu được hoàn chỉnh, qua Tây Nguyên, Khu 5 vào tới miền Đông Nam Bộ, sẵn sàng phục vụ đánh lớn.
Anh Lê Ngọc Hiền đi ngay vào Tây Nguyên, chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Bộ lệnh cho anh Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đến ngay Buôn Ma Thuột trực tiếp nghiên cứu chiến trường. Ngày 24-1-1975, các anh Phạm Hùng, Trần Văn Trà và đoàn cán bộ B2 cũng cấp tốc lên đường trở về mặt trận đang nóng bỏng.
***
Để hướng sự suy nghĩ và hành động của tiền tuyến và hậu phương trong thời điểm quyết định, kiên quyết đẩy mạnh các mặt đấu tranh, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, tôi dành thời gian viết một bài báo nhan đề: Sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới.
Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21, các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương năm 1973, 1974, bài báo phân tích toàn diện cuộc chiến đấu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, được đánh dấu bằng những mốc thắng lợi nổi bật là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và thắng lợi "đánh cho Mỹ cút" với Hiệp định Paris tháng 1-1973: "Thắng lợi của nhân dân ta trong 30 năm qua thật là vĩ đại". "Việc giải quyết thành công vấn đề chiến tranh chính nghĩa của dân tộc nhỏ đánh thắng kẻ thù đế quốc to trong sự phát triển đến đỉnh cao của khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân Việt Nam ngày nay là một vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nó nâng cao lòng tin tưởng sắt đá của quân và dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng ta, vào tiền đồ tất thắng của dân tộc ta. Nó cho ta nhiều kinh nghiệm rất quý báu để tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cũng như chuẩn bị cho công cuộc bảo vệ đất nước về lâu dài đánh thắng chiến tranh xâm lược của mọi kẻ thù đế quốc, dù chúng mạnh đến đâu".
Đi sâu vào nguyên nhân thắng lợi, bài báo nêu bật những yếu tố cơ bản như sự lãnh đạo đúng đắn, dũng cảm của Đảng ta, mục đích chính trị của chiến tranh nhân dân Việt Nam là độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của toàn dân đánh giặc, của chế độ xã hội mới, lực lượng vũ trang kiểu mới, phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân, điều kiện quốc tế trong thời đại mới. Vận dụng tư tưởng chiến tranh nhân dân vào tình hình và nhiệm vụ trước mắt, bài báo chỉ rõ nhiệm vụ của quân và dân ta trên cả hai miền Nam Bắc, kiên quyết tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân đăng toàn văn bài báo trên một phần trang nhất và cả trang hai.
Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng dành mấy buổi phát thanh đặc biệt truyền đi khắp mọi miền đất nước.
***
Thời gian là lực lượng. Ở thời điểm quan trọng này, ý niệm ấy sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong quân sự, tư tưởng "chắc thắng" và tư tưởng "thần tốc" thận trọng và mạnh bạo bao giờ cũng đi đôi, hài hoà, biện chứng, tùy theo từng tình huống cụ thể. Căn cứ vào đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và địch, vào thực tiễn chiến trường, vào những điều kiện chủ quan, khách quan cả trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời. Chính xác vì đã trải qua cân nhắc kỹ lưỡng, nắm bắt được trạng thái đi xuống của địch, khả năng phát triển mới của ta ngay khi trên chiến trường còn đang diễn ra giằng co quyết liệt.
Từ đầu năm 1973, trải qua hai năm khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị, những suy nghĩ, gợi ý về một kế hoạch giải phóng miền Nam phát triển thành một quyết tâm chính thức động viên và tổ chức lực lượng của cả nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam trong hai năm 1975-1976. Bên cạnh quyết tâm chiến lược cơ bản ấy, còn có kế hoạch chiến lược tranh thủ thời cơ, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, không chờ đợi.
Không những chính xác, mà quyết tâm chiến lược của Đảng còn rất kịp thời, không thể chậm hơn, mà cũng không thể sớm hơn. Tình hình ở giai đoạn cuối cùng của chiến tranh bao giờ cũng diễn rất nhanh, không loại trừ đột biến. Nỗ lực chủ quan của quân và dân ta với các mũi tiến công của chiến tranh nhân dân càng làm cho tình hình phát triển nhanh, nhiều khi nhanh hơn dự kiến. Thời cơ chiến lược thường xuất hiện trong thời gian ngắn và không bao giờ đứng lâu một chỗ. Phải kịp thời phát hiện thời cơ, nắm bắt thời cơ, "chớp" thời cơ để giành thắng lợi cao nhất. Vừa chậm lại vừa nhanh. Đó là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, là nét tài tình và độc đáo của Đảng ta trong những ngày tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975.
Quyết tâm chiến lược của Đảng dựa vững chắc trên thành quả tổng hợp của cuộc đấu tranh cách mạng 45 năm qua. Một nước nhỏ đánh "đế quốc to" phải biết giành thắng lợi từng bước. Thắng lợi trước tạo tiền đề cho thắng lợi sau. Càng về sau, thắng lợi càng to lớn.
Suy nghĩ về kết thúc chiến tranh đã được hình dung ngay từ lúc khởi đầu.
Quyết tâm chiến lược ấy còn là kết quả của sự chuẩn bị chiến lược hết sức chủ động, dũng cảm, sáng tạo, công phu, kiên trì bền bỉ cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, về con người và vũ khí, phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật, về thế trận và lòng người, sản xuất và chiến đấu, kinh tế và quốc phòng, giao thông và vận chuyển, chuẩn bị bằng tiềm lực của cả hậu phương và tiền tuyến, âm thầm và sôi động suốt bao tháng, bao năm.
Lúc này, một khi đã có quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời thì việc tổ chức thực hiện lại hết sức khẩn trương. Không thể đi bằng những bước bình thường, mà là bay, là chạy. Chạy đua với thời gian. Chạy đua với địch. Phải vượt qua những khó khăn, trở ngại trên đường tiến tới thắng lợi.
Đã "đánh cho Mỹ cút", nay là lúc giáng đòn quyết định chiến lược "đánh cho nguỵ nhào ", như tư tưởng quân sự của Bác Hồ.
Cả nước ra trận. Tất cả cho miền Nam ruột thịt.
--------------------------------
1Phòng 70 là cơ quan tập trung mọi nguồn tin của Cục Quân báo để chọn lọc, phân tích, tổng hợp, báo cáo lên cấp trên.
Đầu tháng 12, các anh Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng (Nam Bộ), Võ Chí Công, Chu Huy Mân (Khu 5) đã có mặt ở Hà Nội. Tôi và Bộ Tổng Tham mưu đã gặp và làm việc với các anh, tranh thủ thêm ý kiến của chiến trường về kế hoạch chiến lược, về hướng tiến công chiến lược, về mục tiêu tiến công. Các anh cũng đã tiếp xúc, trao đổi ý kiến với một số đồng chí trong Bộ Chính trị, chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng sắp tới.
Về kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976, mọi người đều cơ bản nhất trí. Về hướng chiến trường chính, đã có hai ý kiến: một là chọn Tây Nguyên; hai là chọn miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chỉ đánh Đức Lập để mở đường vào Đông Nam Bộ. Về mục tiêu tiến công, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa Bộ Tổng Tham mưu với đoàn cán bộ B2 xung quanh kế hoạch tác chiến mở đầu mùa khô 1974-1975 của Bộ Tư lệnh Miền. Các đồng chí ở B2, với thực tiễn và kinh nghiệm chiến đấu, nắm tình hình địch tại chỗ, chủ trương trước hết đánh Đồng Xoài, chi khu quận lỵ và là vị trí then chốt của tỉnh Phước Long. Tiếp đó tiến đánh Phước Long, giành một chiến thắng mở đầu vang dội. Các đồng chí Bộ Tổng Tham mưu, trước tình hình ta rất thiếu đạn, nhất là đạn súng lớn, chủ trương đánh Bù Đăng, Bù Na là những vị trí quan trọng hơn ở phía bắc Đồng Xoài để có thêm đạn pháo chiến lợi phẩm đánh Đồng Xoài. Cuối cùng mọi người thống nhất ý kiến về kế hoạch tiến công và mục tiêu tiến công là Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài và cả Phước Long, mặc dù lúc đầu Bộ Tổng Tham mưu không đặt ra nhiệm vụ đánh mục tiêu này.
Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cũng chấp nhận kế hoạch và mục tiêu tiến công như vậy. Kế hoạch mùa khô của B2 vì thế cũng không bị đảo lộn.
Theo tôi nghĩ, trong chỉ đạo chiến tranh, có ý kiến khác nhau là rất bình thường, miễn sao cùng có chung mục đích tìm ra phương án tối ưu để giành thắng lợi.
Những cuộc tranh luận như vậy là cần thiết để đi đến thống nhất, và là biểu hiện tốt của mối quan hệ giữa cơ quan tham mưu chiến lược với các đồng chí có trách nhiệm ở chiến trường. Vấn đề quan trọng là ở chỗ biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, bình tĩnh, sáng suốt thao luận trên tình đồng chí với tinh thần trách nhiệm cao, không chủ quan, áp đặt.
Còn nhớ rõ, trong những ngày này, tôi đưa anh Trần Văn Trà lên Sơn Tây thăm một đơn vị pháo binh. Hôm ấy, trời mưa rét, xe phải vượt qua nhiều quãng đường lầy lội, đầy những ổ gà. Các chiến sĩ "chân đồng vai sắt" đón chúng tôi rất trang nghiêm mà cũng rất thân tình.
Biết anh Trà đang cần sử dụng pháo ở B2, tôi đưa anh đi xem các khẩu pháo 76,2mm, ĐKZ 57mm, và nói:
- Chúng tôi chuẩn bị cho anh những cái này.
Anh Trà hỏi lại:
- Khẩu này nặng bao nhiêu?
- Hai tạ. Nhưng khỏi lo! Đưa đến chỗ anh, nó sẽ được tháo rời ra, cho xuống xuồng đuôi tôm rồi vác vào.
Anh Trà vui vẻ ngắm các khẩu pháo. Tôi thông cảm với đồng chí Tư lệnh B2. Anh là người hăng hái nêu ý kiến đánh Phước Long. Anh đã nhiều lần đề nghị được sử dụng pháo trong mùa khô 1974-1975. Do nhiệt tình của anh và đề nghị của đoàn B2, trong một lần gặp riêng, anh Ba và Quân uỷ đã đồng ý để B2 được sử dụng một đại đội pháo 130mm vào trận đánh Phước Long.
Tôi tranh thủ nói thêm với anh về chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cần giữ kín ý đồ chiến lược chưa cho xuất hiện xe tăng và pháo lớn ở miền Đông Nam Bộ để tận dụng yếu tố bất ngờ. Nếu dùng, phải xin ý kiến của Bộ Tổng tư lệnh. Hơn nữa, cần sử dụng tiết kiệm pháo và xe tăng, vì từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Liên Xô, Trung Quốc đều chấm dứt viện trợ các loại này cho ta. Đạn pháo 105mm và 130mm, bắn xong, ta phải đem vỏ về nạp lại để tiếp tục sử dụng.
Đây cũng là vấn đề mà các chiến trường đều thấy rõ, đặc biệt là Quân khu 5. Từ tháng 8-1974, anh Trà cũng đã báo cáo bằng điện về tình hình đạn súng lớn của B2.
Dự kiến đến cuối năm, trong các đơn vị chủ lực và kho của Miền chỉ còn 4.800 viên đạn cối 120mm, 1.190 viên đạn cối 160mm, 6.500 viên đạn pháo 130mm, 300 viên đạn lựu pháo 105mm. Anh cũng đề nghị Bộ Tơng tư lệnh đẩy mạnh vận chuyển đạn lớn vào đầu mùa khô cho B2.
Cuộc đi thăm đơn vị pháo để lại một ấn tượng tốt.
Trên đường về, tôi suy nghĩ vấn đề sử dụng pháo binh trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh. Những trang sử quân sự về vai trò của pháo binh, từ Napôlêông đến Stalin, Giucốp, Bành Đức Hoài, trở lại trong đầu. Tôi nghĩ đến bàì học kinh nghiệm sử dụng pháo binh trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Không một ai phủ nhận vai trò của pháo binh trong thời điểm quyết định. Vấn đề là khi nào sử dụng, làm sao pháo binh cơ động được vào chiến trường, và nhất là có đủ cơ số đạn cần thiết.
***
Từ Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 đến lúc này, thế và lực của cách mạng miền Nam mạnh thêm nhiều. Cùng với sự ra đời của các quân đoàn, khối chủ lực của các quân khu phát triển nhanh chóng. Bộ đội địa phương và dân quân du kích cũng được xây dựng mạnh hơn. Từ tháng 7-1974, ta mở các cuộc tiến công vào phòng tuyến vành ngoài của địch suốt từ Trị - Thiên đến Nam Bộ.
Trong vòng sáu tháng, các lực lượng vũ trang của Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn II ba lần giành thắng lợi liên tiếp trên chiến trường Trị Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Đức, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng Quảng Đà, tạo nên một bàn đạp tiến công quan trọng uy hiếp Đà Nẵng từ, hướng tây nam. Với chiến thắng La Sơn, Mỏ Tàu, ta đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 nguỵ, sư đoàn mạnh nhất của địch ở Quân khu I, mở rộng vùng giải phóng nam Thừa Thiên, tạo một bàn đạp tiến công thứ hai, uy hiếp mạnh mẽ giao thông, chiến lược của địch giữa Huế và Đà Nẵng. Với bốn tháng bảo vệ Thượng Đức, ta giữ vững khu vực bàn đạp quan trọng này, đánh tan sư đoàn dù nguỵ, "con chủ bài" của lực lượng tổng dự bị chiến lược của chúng.
Ở Tây Nguyên, quân ta đánh chiếm chi khu quân sự, quận lỵ Măng Đen và Măng Bút (Kon Tum), tiêu diệt quân chủ lực nguỵ ở Chư Nghé, Đắc Pét.
Tại miền Đông Nam Bộ, ta giải phóng một vùng rộng lớn ở phía nam đường số 7, uy hiếp thị xã Bình Dương, căn cứ Đồng Dù và sở chỉ huy Quân đoàn III nguỵ ở Biên Hoà. Ở đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu 9 đẩy mạnh tiến công địch nhằm tạo thế cho cuộc tiến công lớn trên toàn miền vào đầu năm i975, diệt và bức rút hàng trăm đồn địch, giải phóng 4.000 ấp với 80 vạn dân. Quân khu 8, sau một thời gian khó khăn, đã vươn lên đánh địch, giành lại Vùng IV Kiến Tường, mở rộng vùng giải phóng Đồng Tháp Mười, diệt nhiều đồn địch, giải phóng hơn 200 ấp.
Chấp hành Nghị quyết Hội nghị Quân uỷ Trung ương ngày 18-12-1972, hậu cần chiến lược cùng với hậu cần các chiến trường triển khai mạnh công việc chuẩn bị theo kế hoạch ba năm (1973-1975) bảo đảm cho các tình huống chiến tranh. Vùng giải phóng được xây dựng và củng cố, bước đầu thực hiện hậu cần tại chỗ. Các tuyến giao thông vận tải chiến lược được xây dựng, phát triển và hoàn thiện. Các căn cứ hậu cẩn chiến lược, chiến dịch được điều chinh bố trí. Ta đã tiêu diệt, bức rút các vị trí địch khống chế hành lang Đông Trường Sơn, mở thông tuyến vận tải chiến lược qua chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên vào tới Lộc Ninh, đưa tổng số chiều dài mạng đường vận tải quân sự chiến lược lên 16.790 km với 6 trục dọc, cả ở Đông và Tây dải Trường Sơn, tạo thuận lợi cho việc chi viện chiến trường, cơ động lực lượng. Hệ thống đường ống dẫn dầu được lắp đặt hoàn chỉnh từ miền Bắc vào tới miền Đông Nam Bộ.
Thắng lợi của quân và dân ta đã làm chuyển biến thêm một bước so sánh lực lượng trên chiến trường. Bộ Tổng Tham mưu báo cáo với Quân uỷ Trung ương một nhận định chiến lược: "Khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động của ta đã hơn hàn quân chủ lực cơ động của địch. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn, cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi. Do đó ta có thể và cần phải chuyển từ đánh nhằm tiêu diệt sinh lực địch là chính sang đánh chẳng những tiêu diệt sinh lực địch mà còn nhằm giải phóng nhân dân và giữ đất; từ chỗ quân chủ lực ta lấy tiêu diệt quân chủ lực địch trên chiến trường rừng núi là chủ yếu sang tiêu diệt địch và giải phóng nhân dân, giải phóng đất ở cả vùng giáp ranh, đồng bằng và thành phố.
Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch khôi phục và phát trỉển kinh tế hai năm 1974-1975, nhân dân ta thu được kết quả đáng kể. Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải có nhiều cố gắng. Đời sống nhân dân ổn định.
Hậu phương lớn chi viện 264.000 quân và một khối lượng lớn vật tư chiến tranh gần 50 vạn tấn gồm vũ khí, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường. Bộ đội chủ lực khẩn trương huấn luyện chiến đấu, luôn ở tư thế sẵn sàng xuất quân.
***
Sáng ngày 10-12, tôi cho gọi Cục Quân báo đến Sở chỉ huy báo cáo thêm tình hình mới nhất ở Tây Nguyên, có anh Lê Ngọc Hiền, Tổng Tham mưu phó cùng dự.
Bắt đầu làm việc, tôi dặn anh Phan Bình, Cục trưởng Cục Quân báo:
- Các anh báo cáo ngắn gọn, vì Quân uỷ không có nhiều thời gian để nghe dài. Thời gian bây giờ là lực lượng đấy.
Anh Phan Bình giới thiệu đồng chí Nguyễn Thanh, Trưởng phòng 70 1 báo cáo. Sau khi dẫn chứng những biện pháp mà Nguyễn Văn Thiệu vừa đề ra trong cuộc họp khẩn cấp với các tư lệnh quân đoàn, quân khu hồi đầu tháng hòng đối phó với các hoạt động Đông Xuân 1975 của ta, đồng chí Trưởng phòng 70 báo cáo cụ thể trên bản đồ lực lượng địch bố trí ở Tây Nguyên theo nguồn tin mới nhất: ở bắc Tây Nguyên, chúng điều Trung đoàn 47 ở đồng bằng Khu 5 và Liên đoàn 4 biệt động quân ở Sài Gòn tăng cường cho Pleiku, lập Bộ chỉ huy chiến trường Kon Tum trực tiếp chỉ huy bốn liên đoàn biệt động quân sổ 6, 21, 22, 23, lập Bộ chỉ huy Pleiku - Quảng Đức trực tiếp chỉ huy ba trung đoàn của Sư 23 và ba liên đoàn biệt động quân số 4, 24, 25. Sư đoàn 23 có nhiệm vụ giữ Plâyku là chủ yếu. Ở nam Tây Nguyên, địch chỉ để Trung đoàn 53 thuộc Sư 23 đóng ở Buôn Ma Thuột và Liên đoàn 24 biệt động quân ở Quảng Đức, do sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 chỉ huy.
Thiệu đang cho gấp rút thành lập ba lữ đoàn tổng trù bị ở Sài Gòn và tập trung toàn bộ sư dù ở Đà Nẵng, hình thành hai khối cơ động chiến lược quy mô sư đoàn trên hai hướng, sẵn sàng cơ động đối phó với ta.
Vừa nghe báo cáo, tôi vừa xem kỹ bản đồ bố trí binh lực của địch, hỏi thêm một vài điều, rồi kết luận:
- Thế là rõ. Địch bố trí binh lực rất phân tán, dàn mỏng. Lực lượng cơ động chiến lược đang gặp khó khăn vì các sư đoàn tổng trù bị đều phải gắn vào các chiến trường, mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung rất căng thẳng. Tinh thần quân nguỵ bắt đầu suy yếu, mất ổn đinh. Đặc biệt tình hình nội bộ Mỹ khủng hoảng và viện trợ Mỹ giảm nhiều đã tác động sâu sắc đến nguỵ quân, nguỵ quyền. Những nhân tố trên là lò lửa đang âm ỷ cháy trong lòng địch. Nó sẽ bùng lên thiêu cháy chúng khi thời cơ đến.
Quay sang anh Lê Ngọc Hiền, tôi nói tiếp:
- Các anh chú ý hướng Tây Nguyên rất yếu, song lại hiểm yếu. Địch tập trung nhiều ở bắc Tây Nguyên, còn nam Tây Nguyên rất yếu và sơ hở. Còn ở Mỹ thì thế lực chống chiến tranh chiếm ưu thế cả trong Quốc hội. Mỹ không dễ gì đã rút đi lại quay trở lại. Nhưng Cục 2 vẫn phải hết sức chú ý, theo dõi hoạt động của không quân và hải quân Mỹ.
Đã có thêm nhiều dữ kiện và tham số giúp cho Bộ thống soái tối cao hạ quyết tâm chiến lược.
Ngày 18-12-1974, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại Tổng hành dinh. Ngôi nhà mái bằng ẩn kín dưới những tán lá cây dày đặc, với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định.
Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng tập trung cao độ, lập kế bày mưu, hạ quyết tâm giành toàn thắng.
Dự họp, ngoài các uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, có các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, các Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến.
Hội nghị được chuẩn bị khá công phu. Các cơ quan chiến lược của Đảng, của quân đội và của Nhà nước làm việc ngày đêm, phát huy hết chức năng tham mưu chiến lược, dự thảo kế hoạch, cung cấp thông tin. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương tập trung suy nghĩ về các vấn đề đặt ra trong cuộc họp tháng 10-1974 và những vấn đề mới nảy sinh. Đại biểu các chiến trường ra họp, mang theo nhiều tình hình, nhận định, nhiều kiến nghị và yêu cầu mới.
Đồng chí Bí thư thứ nhất khai mạc hội nghị. Vẻ vui tươi lộ rõ trên nét mặt, anh Ba nêu rõ mục đích hội nghị lần này là thảo luận để đi đến hạ quyết tâm chiến lược lần cuối cùng. Anh yêu cầu mọi người báo cáo kỹ tình hình, cùng nhau bàn cho ra lẽ, để rồi về mà thực hiện cho đúng, cho tốt, không sợ mất thời gian.
Thay mặt Bộ Tổng tham mưu, anh Lê Ngọc Hiền trình bày dự kiến kế hoạch hoạt động quân sự năm 1975. Đây là bản dự thảo lần thứ tám, trên cơ sở bản kế hoạch đã được Bộ Chính trị thộng qua hồi tháng 10, có bổ sung một số điểm và điều chỉnh một số chỉ tiêu, sau khi trao đổi thống nhất với các chiến trường.
Bản báo cáo tuy đã được chuẩn bị nhiều lần, nhưng chưa thoả mãn yêu cầu của lãnh đạo. Anh Hoàng Văn Thái phát biểu bổ sung, cũng vẫn chưa đáp ứng. Các vấn đề trình bày chưa chặt. Phần tình hình còn nặng về quân sự, chưa nắm chắc được các diễn biến về chính trị, kinh tế, xã hội. Tình hình các đô thị miền Nam nắm không được kỹ. Phần kế hoạch quân sự năm 1976 chưa hình thành rõ nét. Các anh ở B2 vẫn vướng mắc vì chưa thấy nói đến việc đánh Đồng Xoài. Về hướng tiến công chiến lược, cũng có ý kiến muốn đánh Đức Lập để mở đường vào miền Đông Nam Bộ.
Thay mặt Quân uỷ Trung ương, tôi đề xuất một số ý kiến:
- Lần này bàn kếhoạch 1975-1976, chúng ta cần nắm vững yêu cầu của quyết tâm chiến lược. Tinh thần là phải thật kiên quyết, thật tập trung. Năm 1972, trên chiến trường Quảng Trị, ta đã tạo được thời cơ rất tốt. Lúc đó, thành phố Huế hỗn loạn, thế trận của địch ở Quân khu I rung động rất dữ. Thế nhưng chúng ta chỉ đưa một lực lượng không lớn lắm vượt qua sông Quảng Trị, cũng vì đường sá chưa thông, công tác bảo đảm không theo kịp. Vì thế mà địch gượng lại được, chúng đưa sư đoàn dù và sư đoàn thuỷ quân lục chiến ra phản kích chiếm lại Thành cổ.
Thời cơ lúc đầu có thể đến với mức bình thường. Nhưng nếu ta lợi dụng tốt, sẽ tạo nên thời cơ mới cao hơn và từ đó phát triển thành thời cơ đột biến. Khi nói đến lợi dụng triệt để thời cơ chiến lược là phải nói đến việc chuẩn bị sẵn lực lượng dự bị chiến lược thật mạnh, có kế hoạch tác chiến và kế hoạch bảo đảm thật đầy đủ thì mới có thể thực hiện được.
Trong kế hoạch quân sự 1975-1976, cần ghi rõ: Phải có trận tiêu diệt lớn ở nam Tây Nguyên bằng cách đánh địch đang vận động. Yêu cầu là phải diệt từ ba đến năm sư đoàn địch trong một đợt hoạt động mạnh và gọn, chứ không được kéo dài lê thê. Kế hoạch phải nêu rõ diệt địch ở Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột. Có thể sau khi ta tiêu diệt Buôn Ma Thuột, địch sẽ dao động, rối loạn, lúc đó ta phải chớp lấy thời cơ giải phóng Huế. Nếu lúc đó ta chậm chân, mỏi mệt, để mùa mưa đến thì lỡ mất thời cơ. Cho nên phải có kế hoạch bao vây chia cắt ngay từ bây giờ, không để cho địch co cụm chiến lược, rút về miền Đông Nam Bộ hay rút về phía đông dọc theo bờ biển Trung Bộ. Trong năm 1975 này, ta không nhất thiết phải cơ động Quân đoàn I. Phải tập trung nó lại mà huấn luyện cho tốt, bảo đảm luôn luôn sẵn sàng. Phải hết sức khẩn trương, hết sức tập trung. Nếu có thời cơ thì sử dụng Quân đoàn I. Nếu thời cơ chưa xuất hiện, thì ta cũng mạnh lên để đón thời cơ mới.
Chúng ta phải chủ động tạo ra thời cơ, chứ không thể bị động ngồi chờ. Khi thời cơ đến thì phảì kiên quyết, kịp thời chớp lấy thời cơ. Phải tích cực phát triển cái đúng, cái hay của ta, khoét sâu cái nhược điểm, cái sai lầm của địch thì tất yếu thời cơ sẽ xuất hiện. Hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong hai năm 1975-1976 là đúng. Nhưng kế hoạch cần đề phòng tình huống sớm hơn, trong năm 1975, và cả tình huống kéo dài qua năm 1977. Như vậy mới chủ động, vững vàng.
***
Trong phần thảo luận, hội nghị nghe anh Văn Tiến Dũng phát biểu về vấn đề sử dụng binh lực, nêu rõ việc vận đụng cách đánh phải thể hiện ngay trong bước xây dựng kế hoạch và phát triển kế hoạch. Hiện nay, trọng tâm của ta là giành thắng lợi ở đồng bằng. Để cho được vững chắc hơn, để có điều kiện xây dựng lực lượng ở đồng bằng, tác chiến quy mô lớn, nhất thiết phải có hàng lang nối liền đồng bằng với căn cứ. Chủ lực miền Đông phải phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.
Trong kế hoạch đợt hai, phải nghiên cứu cách đánh cho địch vỡ ra, mà không phải sủ dụng nhiều lực lượng.
Cần phải tính đến phản ứng của Mỹ. Cũng không loại trừ khả năng nguỵ suy sụp nhanh chóng. Khi ta đánh mạnh, phong trào đô thị lên, thời cơ sẽ xuất hiện. Chính lúc ấy lại càng phải cảnh giác.
Rành rọt từng lời, từng ý, anh Phạm Văn Đồng phân tích về phương pháp tác chiến chiến lược trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh. Anh nhấn mạnh cần vận dụng chiến lược tổng hợp, phải chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất, kỹ thuật, và cả vấn đề huấn luyện chiến sĩ mới. Anh nói: "Về ta, quan trọng nhất là một cao trào cách mạng miền Nam xảy ra. Rất mới, cả quân sự và chính trị. Bạo lực quân sự đến mức cao nhất đi đôi với bạo lực chính trị". Anh đứng lên, bước từng bước một, đi lại trong phòng rồi dừng lại phát biểu: "Lúc nào là thời điểm sụp đổ của nguỵ? Không phải chờ đến năm 1976 đâu? Có thể nhanh không phải dần dần đâu?".
Anh Trường Chihh nêu rõ đặc điểm tình hình nhiệm vụ của hai miền, phân tích cách đánh chiến lược, đồng ý với phương án của Thường trực Quân uỷ Trung ương đồng ý chọn hướng chính là Tây Nguyên, chọn mục tiêu đầu tiên là Buôn Ma Thuột. Anh nhấn mạnh: "Địch bị suy yếu nhanh chóng, không gỡ được mâu thuẫn giữa giữ đất giữ dân và cơ động tác chiến, còn ta thì mạnh lên về mọi mặt. Ta giành được quyền chủ động trên chiến trường. Năm 1974, ta đã đạt được kế hoạch. Nếu Phước Long ta diệt được nữa thì ta mạnh lên rất nhiều. Ta phải tạo điều kiện thực hiện đòn tiêu diệt chiến lược. Và không hạn chế chỉ một đòn".
Anh Lê Đức Thọ phân tích về ý đồ chiến lược của Mỹ, về thời cơ, về tương quan lực lượng giữa ta và địch, về đánh phá bình định, tiêu diệt quân chủ lực nguỵ, về xây dựng địa phương, về công tác binh vận, về cơ sở để hạ quyết tâm dứt điểm trong hai năm.
Tiếp đó, các anh Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh phát biểu ý kiến xoay quanh các vấn đề biện pháp chiến lược, yêu cầu kết hợp các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao.
***
Ngày 22-12, hội nghị nghỉ họp để tham dự một sự kiện chính trị quan trọng. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944-22-12-1974), Đảng, Nhà nước, Quốc hội quyết định tặng thưởng các lực lượng vũ trang nhân dân phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng.
Một cuộc mít tinh và biểu dương lực lượng lớn được tổ chức tại sân vận động Hà Nội, ngay giữa ban ngày. Hơn ba vạn nhân dân Thủ đô cùng đại biểu các đơn vị trong toàn quân ngồi kín các bậc, trong một rừng cờ hoa và những chùm bóng màu rực rỡ.
Đúng 8 giờ. Quốc thiều Việt Nam nổi lên giữa 21 phát đại bác nổ rền, mở đầu cuộc lễ.
Sau lời khai mạc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đọc lời tuyên dương công trạng: "30 năm qua, lớp lớp cán bộ và chiến sĩ kế tiếp nhau đánh giặc cứu nước, góp phần xây dựng nước nhà, nêu những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam".
Chủ tịch nêu rõ tấm Huân chứơng Sao Vàng là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dành cho các lực lượng vũ trang và mong rằng các lực lượng vũ trang luôn luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong không khí phấn khởi, trang nghiêm, Chủ tịch Tôn Đức Thắng trân trọng gắn Huân chương Sao Vàng lên quân kỳ Quyết thắng. Thay mặt toàn quân, tôi cùng các đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần vinh dự nhận phần thưởng cao quý. Trong lời phát biểu, tôi xúc động nói: "Dưới ngọn cờ trăm trận trăm thắng của Đảng và Hồ Chủ tịch, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trải qua 30 năm xây dựng, 30 năm chiến đấu liên tục, 30 năm thắng lợi vẻ vang, toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ghi lòng tạc dạ: "mỗi một chiến công, mỗi một thành tích của các lực lượng vũ trang đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo vô cùng đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch, từ sự thương yêu đùm bọc không bờ bến của đồng bào ta trong cả nước".
Bài phát biểu kết thúc bằng lời hứa quyết tâm: "Các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam kiên quyết giương cao lá cờ Quyết thắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho trong giai đoạn mới, xứng đáng với phần thưởng cao quý của Quốc hội và Chính phủ, xứng đáng với lòng tin cậy của toàn Đảng, toàn dân, xứng đáng với lời biểu dương của Bác Hồ: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Tiếp theo đó, trong điễn văn kỷ niệm 30 năm trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta, tôi đã ôn lại lịch sử vẻ vang của các lực lượng vũ trang anh hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi dành phần lớn bài diễn văn quan trọng này đề cập tới tình hình và nhiệm vụ trước mắt.
Về thắng lợi to lớn của nhân dân ta "đánh cho Mỹ cút" tôi nói: "Quân và dân cả nước ta đã chiến thắng quân đội xâm lược khổng lồ của tên đế quốc đầu sỏ, giáng một đòn nặng vào vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ, bác bỏ câu chuyện hoang đường về sức mạnh vô địch của đế quốc Mỹ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của nhân dân ta vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".
Về tình hình cách mạng miền Nam từ khi có Hiệp định Paris, tôi khẳng định:
"Thực tế ở miền Nam trong hai năm qua chứng tỏ sức mạnh chính nghĩa của nhân dân ta là vô địch, thắng lợi của cách mạng miền Nam là tất yếu. Chúng ta nhiệt liệt chào mừng thắng lợi to lớn của đồng bào và chiến sĩ miền Nam và tin tưởng sắt đá rằng sự nghiệp cách mạng của nhân dân miền Nam tuy còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, nhưng nhất định thắng lợi. Miền Nam nhất định sẽ hoàn toàn giải phóng; Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ thống nhất; đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Đại biểu các quân chủng, binh chủng quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề, bước chân rầm rập diễu qua lễ đài kết thúc buổi lễ. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài được vinh dự giương cao lá quân kỳ Quyết thắng lấp lánh Huân chương Sao Vàng, thay mặt các chiến sĩ đã làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không", dẫn đầu cuộc diễu binh trong tiếng nhạc hùng tráng, trong niềm tin yêu vô hạn của hàng vạn trái tim.
Bước chân hùng dũng, tự hào của các chiến sĩ ngày hôm ấy cũng chính là nhịp bước vững vàng chắc thắng của đồng bào và chiến sĩ cả nước trên chặng đường tiến tới ngày toàn thắng, dưới bàn tay vẫy gọi của Bác Hồ.
***
Ngày hôm sau, 23-12-1974, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) tiếp tục làm việc.
Lúc này, thực tiễn chiến trường phát triển có phần nhanh hơn dự kiến của kế hoạch tác chiến chiến lược mà Bộ Tổng Tham mưu trình bày ở Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974.
Trong đợt tiến công mùa khô 1974-1975, quân ta giành nhiều thắng lợi ở miền Đông Nam Bộ và Khu IX.
Tin chiến thắng dồn dập bay về, khẳng định thế đi lên của ta, thế đi xuống của địch.
Ngày 13-12-1974, quân ta tiến công chi khu quân sự Bù Đăng, yếu khu Bù Na, hệ thống đồn bốt trên đường 14, mở đầu chiến dịch đường 14-Phước Long. Sau 5 ngày chiến đấu ác liệt, ta chiếm được Bù Đăng, diệt 50 đồn bốt, giải phóng 14.000 dân, làm chủ 80 km đường 14.
Ngày 20-12, Bộ Tổng tư lệnh nhận điện báo cáo của anh Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền: "Trên đường 14, ta giai phóng hoàn toàn đoạn từ cầu 11 gần Đồng Xoài, đến khỏi Bù Đăng giáp ranh giới chi khu Kiến Đức. Ở Bù Đăng, Vĩnh Thiện, Bù Na, ta thu được 4 pháo và 7.000 đạn pháo, trên 3.000 súng các loại, bắt trên 300 tù binh. Sẽ tiếp tục truy lùng".
Nỗi lo thiếu đạn pháo từ lâu đè nặng trong đầu tôi đã vơi đi được một phần.
Chiến trường trên đà thừa thắng xông lên khuếch trương chiến quả. Ngày 27-12, Bộ Tổng tư lệnh lại nhận điện của Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV: "Tiến công chi khu Đồng Xoài lúc 5 giờ 35 phút ngày 26-12. Đến 18 giờ 30 phút, ta làm chủ hoàn toàn chi khu Đồng Xoài. Ký tên: Năm Thạch".
Năm Thạch là bí danh của đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn IV. Trong niềm vui chiến thắng, tôi nhớ rất rõ hình ảnh người cán bộ quân sự đã tỏ rõ phẩm chất và tài năng của mình ngay từ chiến dịch Trần Hưng Đạo (1951). Lúc đó, với cương vị Tiểu đoàn trưởng của Đại đoàn 312, anh đã được Bộ Tổng tư lệnh khen tặng danh hiệu "Cán bộ gương mẫu" cùng với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh của Đại đoàn 308. Trong công tác cán bộ, đây là một phát hiện chính xác, đi đôi với bồi dưỡng thành công.
Với chiến công diệt gọn chi khu Đồng Xoài, quân ta đã hình thành thế bao vây cô lập thị xã Phước Long.
Phản ứng của địch yếu ớt. Máy bay địch lên ném bom, bắn phá không có hiệu quả. Quân địch ở Phước Long hoang mang cực độ.
Trong hội nghị, các anh Phạm Hùng và Trần Văn Trà kịp thời xin ý kiến của đồng chí Bí thư thứ nhất và Quân uỷ Trung ương cho phép giải phóng luôn Phước Long, có sử dụng một đại đội xe tăng và một đại đội pháo 130 mm. Anh Ba chấp nhận. Tôi cũng đồng ý.
Ngày 31-12, Quân đoàn IV được tăng cường Trung đoàn 16 bộ binh, hai tiểu đoàn pháo cao xạ, do Tư lệnh Hoàng Cầm trực tiếp chỉ huy, mở cuộc tiến công vào thị xã Phước Long.
Bộ đội ta xung phong đánh chiếm hệ thống công sự bảo vệ vành ngoài, diệt, chi khu Phước Bình, chiếm núi Bà Rá. Địch tập trung lực lượng, ngoan cố chặn các đường tiến vào thị xã. Máy bay địch ném bom, bắn phá vào đội hình của quân ta. Quân đoàn quyết định dùng pháo bắn mạnh vào các mục tiêu trong thị xã, đồng thời dùng hoả lực phòng không đánh trả máy bay địch. Bỏ qua các ổ đề kháng vòng ngoài, các mũi thọc sâu nhanh chóng đột phá, đánh chiếlh các mục tiêu quan trọng.
Đến 19 giờ ngày 6-1-1975, toàn bộ thị xã Phước Long được giải phóng.
Trải qua 26 ngày chiến đấu liên tục, chiến dịch đường 14-Phước Long kết thúc thắng lợi. Địch phản ứng một cách tuyệt vọng. Các cánh quân nguỵ lên ứng cứu đều bị đánh lui. Nguyễn Văn Thiệu đành ôm hận kêu gọi "dành ba ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long".
Tin chiến thắng Phước Long làm nức lòng người, báo hiệu một mùa khô đầy triển vọng. Hội nghị ngừng họp.
Mọi người đi lại, vui vẻ bắt tay nhau. Trong niềm vui thấy ngày toàn thắng tới gần, mỗi cái bắt tay chứa đựng một quyết tâm, một lời hứa hẹn.
Chiến thắng Phước Long mang ý nghĩa một đòn trinh sát chiến lược rất quan trọng. Lần đầu tiên ở miền Nam, một tỉnh được hoàn toàn giải phóng. Tỉnh đó lại ở gần Sài Gòn. Vùng căn cứ quan trọng của ta ở miền Đông Nam Bộ được mở rộng. Thực tế này nói rõ hơn hết khả năng của ta. Nó cũng đánh dấu một bước suy sụp mới của quân nguỵ. Đội quân này không còn khả năng giải toả với quy mô lớn để chiếm lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng bị ta đánh chiếm, ngay cả trên tuyến phòng thủ vành ngoài Sài Gòn - Gia Định. Nó còn chứng tỏ Mỹ không có khả năng trở lại can thiệp bằng quân sự ở miền Nam, khi người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố. "Tổng thống Pho không có ý vi phạm những điều cấm chỉ (của Quốc hội) về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam".
Thực tiễn chiến trường đã chứng tỏ ý kiến của các anh ở B2 là đúng.
Sau này, trong tài liệu "Sự sụp đổ của Nam Việt Nam", người Mỹ viết: "Sự thất thủ thị trấn Phước Long đánh dấu Nam Việt Nam bắt đầu tan rã". Phạm Bá Hoa, đại tá Tham mưu trưởng Tổng cục Tiếp vận quân đội nguỵ còn nói rõ hơn: "Cái chính là thất bại Phước Long đã nói lên thế và lực của quân lực cộng hoà. Chỉ mới bị đánh một điểm mà đã không còn lực lượng đối phó, thử hỏi bị đánh mạnh nhiều nơi thì sẽ ra sao? Phước Long là sự kiện nói lên khá rõ hiệu quả chiến lược "Việt Nam hoá" thực hiện trong sáu năm qua. Có thể nói Phước Long là một đòn thử sức đôi bên và kết quả đã rõ ràng".
Cục 2 báo cáo: Trong những ngày thất thủ Phước Long, Nguyễn Văn Thiệu chủ toạ một cuộc họp khẩn cấp tại dinh Độc lập. Trước các tướng tá, Thiệu tuyên bố không tăng viện cho Phước Long hay cố gắng lấy lại tỉnh này, vì phải trả giá quá cao, quân nguỵ không đủ máy bay và quân trù bị. Nếu muốn tăng viện Phước Long, phải lấy quân từ nơi khác mà những nơi này, cũng đang bị Bắc Việt sừa soạn tiến công. Trong cuộc họp, Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn cay đắng nhận xét rằng việc để mất Phước Long là bước đầu quan trọng để cộng sản chinh phục hoàn toàn Nam Việt Nam bằng quân sự. Họ hiển nhiên không sợ bất cứ phản ứng nào của Mỹ. Không biết cộng sản còn được sự khuyến khích nào hơn?
Thái độ thờ ơ của Mỹ càng làm cho Sài Gòn thêm thất vọng, và đẩy nhanh đà suy sụp về tinh thần của quân đội nguỵ. Trong cuộc họp báo ngày 14-1-1975, Bộ trưởng Quốc phòng Sơlétxinhgiơ cố tình đánh giá thấp sự kiện Phước Long. Ông ta nói: "Bây giờ tình hình ở Nam Việt Nam cho thấy Bắc Việt không muốn tung ra một cuộc tiến công rộng khắp, quy mô. Cái mà họ đang chú tâm là làm suy yếu sự kiểm soát của chế độ Nam Việt Nam trên khắp nước, đặc biệt là làm đảo lộn chính sách bình định đang thành công. Do đó điều mà chúng tôi tiên đoán trong vài tháng tới chỉ là một số trận đánh lớn. Lúc này, tôi không tiên liệu sẽ có cuộc tiến công quy mô lớn như hồi năm 1972".
Hơn nửa tháng sau, ngày 22-1, Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho lại dội thêm một gáo nước lạnh khi tuyên bố. "Không có hành động nào khác ngoài việc bổ sung viện trợ cho Sài Gòn. Sẽ không can thiệp vào Nam Việt Nam nếu xét ra không phù hợp với hiến pháp và pháp luật".
Trả lời bức thư kêu cứu của Nguyễn Văn Thiệu, ông ta cũng chỉ có những lời hứa hẹn chung chung: "Tôi chia sẻ với ngài nỗi lo lắng về Bắc Việt không thực thi những điều khoản căn bản nhất của Hiệp định Paris và về những áp lực quân sự của Bắc Việt ở mức độ trầm trọng. Tôi muốn bảo đảm với ngài rằng chính quyền chúng tôi sẽ tiếp tục áp lực để việc thi hành Hiệp định được thật đầy đủ". Thật chẳng khác nào một cọng rơm tung xuống nước trước một kẻ sắp chết chìm.
***
Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới rất quan trọng để hội nghị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với yêu cầu cao hơn. Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là giành thắng lợi nhanh hơn, lớn hơn. Bộ Tổng Tham mưu căn cứ vào tình hình phát triển của chiến trường, đề đạt ý kiến với Bộ Chính trị bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tác chiến cho phù hợp với tình hình mới.
Càng về cuối hội nghị, các vấn đề thảo luận càng tập trung, sáng rõ. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu được xác định là nam Tây Nguyên, với mục tiêu chính là Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc tiến công lớn của bộ đội chủ lực năm 1975.
Anh Lê Thanh Nghị phát biểu về kế hoạch chiến lược và nhấn mạnh: "Đưa thêm lực lượng vào B2 là đúng, càng sớm càng tốt. Dự bị chiến lược chung và dự bị cho từng chiến trường là phải có. Dự bị chiến lược chung là một quân đoàn, làm sao có thể cơ động được vào chiến trường chủ yếu, nếu để tận ngoài xa?".
Anh Lê Đức Thọ đề cập vấn đề đấu tranh ngoại giao. Anh nói: "Năm 1975, ngoại giao chưa tạo ra vấn đề gì lớn cả. Bây giờ nếu có ngồi lại, chắc cũng là để kéo dài đàm phán, tranh thủ mở rộng mà thôi. Thế ta chưa mạnh, thì ngoại giao chẳng giải quyết được vấn đề gì. Phải chú ý đầy đủ phối hợp cả ba quả đấm (quân sự, chính trị, ngoại giao) với nhau thì mới có điều kiện hơn cho năm 1976". Ngừng một lát, anh nói tiếp: "Tôi cho rằng tình hình bây giờ có khác hồi năm ngoái. Bây giờ đã đánh là phải đánh dồn dập, diệt địch nhiều nhất, thắng lợi lớn nhất, làm cho thế của ta mạnh lên rất nhanh. Còn về mặt tuyên truyền, ta cứ giữ mức độ bình thường, không cần rùm beng làm gì. "Có miếng mà không có tiếng!".
Anh Ba đồng tình với ý kiến của các anh vừa phát biểu, và nói: "Ta đánh theo cách đánh của ta là phải chính trị, quân sự kết hợp, phải là chiến lược tổng hợp với ba quả đấm, khác đó là không thắng được".
Sáng ngày 8-1-1975, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận hội nghị.
Vui vẻ, linh hoạt, anh Ba nói:
- Cuộc họp này có đông đủ các đồng chí ở Nam Bộ và Khu 5 ra dự. Trong cuộc họp lần trước, Bộ Chính trị đã nhất trí về phương hướng chiến lược nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến toàn thắng. Lần này, chúng ta hạ quyết tâm trong hai năm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Chúng ta rất phấn khởi đạt được sự nhất trí cao, sau khi suy nghĩ bàn bạc nhiều lần, và nay lại càng nhất trí với các đồng chí chỉ huy lãnh đạo các chiến trường.
Hiện nay, ta đã giữ chủ động, giành dân và giành quyền làm chủ. Ta đã tạo ra thế chiến lược liên hoàn từ Trị - Thiên đến đồng bằng sông Cửu Long. Ta đã xây dựng được những quả đấm chủ lực rất mạnh và cơ động.
Ta đã tạo được một bàn đạp áp đảo xung quanh Sài Gòn, đó là một thế chiến lược lớn lắm. Những điều đó chứng tỏ chúng ta mạnh. Trên thế mạnh đó, ta chuẩn bị cho quyết tâm hai năm.
Rõ ràng là địch đang xuống dốc về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, do ta tiến công và do cả bản thân nó nữa. Rồi đây có thể nó còn xuống dốc rất nhanh. Do đó ta thấy rõ thời cơ, khả năng cách mạng có thể tiến lên tiến công, vừa chiến thắng quân sự, vừa chiến thắng chính trị theo những bước nhảy vọt. Lần trước cũng như lần này, Bộ Chính trị đã bàn, thấy chính xác và rất nhất trí.
Về cách đánh chiến lược, anh Ba nhắc lại cần nắm vững phương châm, phương pháp của ta là: Tiến công, nổi dậy, nổi dậy, tiến công, ba mũi giáp công, ba vùng chiến, lược, tiêu diệt, làm chủ, làm chủ, tiêu diệt, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Vẻ quyết tâm và nhiệt tình hiện rõ trên nét mặt, anh nói rất nhanh: Phải nắm vững chiến lược tổng hợp để tạo ra sức mạnh tổng hợp, luôn luôn tạo ra sức mạnh mới, thế mới, đánh liên tục và bất ngờ, tiến tới tổng phản công và nổi dậy, thắng địch tại sào huyệt quan trọng nhất của chúng là Sài Gòn để kết thúc chiến tranh. Các đòn chiến lược quân sự sẽ diễn ra trong năm 1975-1976 như thế nào, chúng ta đồng tình với kế hoạch chiến lược năm 1975 Bộ Tổng Tham mưu đã trình bày. Ở Nam Bộ, có ba nhiệm vụ quan trọng: vừa đánh đồng bằng, vừa đánh chủ lực, vừa ép đô thị. Ở Khu 5, Tây Nguyên thì đồng tình đánh mạnh ở Tây Nguyên, mở đầu từ Buôn Ma Thuột.
Cuối cùng, anh căn dặn: "Còn nhiều vấn đề phải bàn nữa. Bộ Tổng Tham mưu còn phải làm việc nhiều hơn nữa và có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết này".
Hội nghị hoàn toàn nhất trí với kết luận của đồng chí Bí thư thứ nhất. Bộ Chính trị ra Nghị quyết lịch sử:
"Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến luớc lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc".
Bộ Chính trị hạ quyết tâm: "Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền trong thời gian 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hơp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã nguỵ quân, đánh đổ nguỵ quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam".
Nghị quyết nêu rõ: Cả năm 1975 là thời cơ, đòn tiến công quân sự mạnh tạo nên thời cơ, phong trào chính trị thúc đẩy thời cơ, tình hình thế giới và nội bộ nước Mỹ là thời cơ, từ bình thường đến vừa, đến cao, đến đột biến với tốc độ "một ngày bằng 20 năm", do đó cần phải khẩn trương, phải đánh nhanh hơn, nếu đã có thời cơ mà không kịp thời phát hiện, bỏ lỡ thì có tội lớn đối với dân tộc.
Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976. Đây là một kế hoạch lớn được chuẩn bị công phu từ giữa năm 1973 qua tám lần dự thảo của Bộ Tổng Tham mưu. Ngoài kế hoạch chiến lược 1975-1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".
***
Ngay hôm sau, ngày 9-1-1975, Thường trực Quân uỷ Trung ương họp để quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cùng tham dự có các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, và Hoàng Minh Thảo. Vấn đề trọng tâm là bàn về chiến dịch Tây Nguyên, Từ khi chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi và nhiều đồng chí trong Bộ Tổng tư lệnh đã nêu vấn đề chọn Tây Nguyên làm chiến trường chủ yếu. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ.
Qua trao đổi, thảo luận, mọi người đều thấy việc chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong đó Buôn Ma Thuột là mục tiêu tiến công đầu tiên là một điều tất yếu, không thể khác. Tôi đề ra hai tình huống:
- Nếu Buôn Ma Thuột sơ hở thì đánh ngay.
- Nếu địch tăng cường lực lượng và đề phòng thì tổ chức đánh quân tiếp viện trước, cả hai phía Buôn Ma Thuột và Pleiku, sau đó tiến công vào Buôn Ma Thuột.
Chúng tôi đang họp thì anh Lê Đức Thọ đến. Biết hội nghị đang bàn về đánh Buôn Ma Thuột, anh Sáu cũng nhất trí như vậy.
Tây Nguyên là một chiến trường rừng núi hiểm trở.
Lúc này ở đây địch có một sư đoàn chủ lực, bảy liên đoàn quân biệt động và bốn thiết đoàn xe tăng và xe thiết giáp. Do đánh giá sai, phán đoán sai ý đồ của ta, chúng cho rằng năm 1975 ta chưa đủ sức đánh thị xã và thành phố, và nếu có đánh, thì cũng đánh ở phía bắc. Vì vậy địch tập trung lực lượng giữ Pleiku, Kon Tum, còn Đắc Lắc, Buôn Ma Thuột vẫn sơ hở. Lực lượng ở đây không mạnh, phần lớn là quân hậu cứ của sư đoàn và trung đoàn, càng sâu vào phía trong lực lượng địch càng mỏng. Khó khăn chính là thiếu đường cơ động. Phải tích cực khắc phục, mở đường để đưa binh khí, kỹ thuật vào.
Đánh Buôn Ma Thuột là một đòn bất ngờ đối với địch. Sẽ có nhiều khả năng phá vỡ hệ thống phòng ngự của chúng ở Vùng II chiến thuật, làm rung chuyển Tây Nguyên và toàn bộ thế trận của địch trên chiến trường, tạo ra thời cơ mới cho việc thực hiện kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976.
Kết luận cuộc họp, tôi nhắc lại quyết định của Bộ Chính trị chọn nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, mục tiêu tiến công đầu tiên là Buôn Ma Thuột, hướng phát triển tiếp theo là phía đông. Sử dụng lực lượng cũng như cách đánh phải mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, nghi binh tốt, hướng sự chú ý của địch vào bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên.
Về công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức trong chiến dịch, cần xây dựng quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất, nắm vững tư tưởng đánh tiêu diệt, coi trọng công tác binh vận, đề cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, tôn trọng kỷ luật chiến trường, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách vùng giải phóng, chính sách tù, hàng binh, chính sách chiến lợi phẩm. Công tác cán bộ cần sắp xếp, dự trữ đủ cán bộ có phẩm chất và năng lực, bảo đảm chỉ huy lãnh đạo bộ đội chiến đấu liên tục, sẵn sàng bổ sung, phát triển lực lượng.
Nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch Tây Nguyên được xác định rõ:
- Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, loại khỏi vòng chiến đấu từ bốn đến năm vạn tên, diệt từ ba đến bốn trung đoàn, liên đoàn bộ binh, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng từ một đến hai sư đoàn chủ lực địch, diệt nhiều tiểu đoàn bao an, nhiều trung đội dân vệ, làm tụt nhanh quân số của địch. Mở rộng hành lang chiến lược từ đường 14 qua Gia Nghĩa xuống đường 20 nối với miền Đông Nam Bộ và từ Tây Nguyên xuống ba tỉnh Khu 5
- Giải phóng nhân dân và phần lớn vùng đất ở nam Pleiku và Cheo Reo, xung quanh Buôn Ma Thuột, đánh bại kế hoạch "bình định", nống lấn và giải toả của địch, giữ vững, phát huy quyền làm chủ chiến trường, thực hiện chia cắt chiến lược. Tích cực phối hợp với mặt trận chống bình định ở đồng bằng. Diệt từ ba đến bốn tiểu khu, chi khu quân sự, từ một đến hai tỉnh lỵ.
- Đánh phá giao thông và hậu cứ, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, làm cho tiềm lực kinh tế của địch giảm sút trầm trọng. Khi có thời cơ, thực hiện chia cắt hẳn các đường 14, 19, 21, trọng điểm là đường 19.
Phát triển đấu tranh chính trị trong các thị xã. Ra sức xây dựng cơ sở tự vệ mật và các tổ chức biệt động, diệt ác ôn đầu sỏ, tạo thế làm chủ ở cơ sở.
- Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng vùng giải phóng, xây dựng các đường chiến lược, chiến dịch, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo.
Quyết tâm chiến lược của Đảng đã được cụ thể hoá.
Các cơ quan Tổng hành dinh theo chức trách của mình, hướng mọi nỗ lực vào chiến trường chính Tây Nguyên, hướng vào mục tiêu Buôn Ma Thuột, khẩn trương chuẩn bị ngày đêm.
Theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) được thành lập trên cơ sở Bộ chỉ huy tiền phương B2 và các lực lượng Miền, Quân khu 8 và lực lượng của Bộ mới tăng cường.
Được Phiđen và các bạn Cuba gửi cho một số xe chuyên dụng mua của Nhật và đài thọ cho cán bộ kỹ thuật của ta sang Nhật học cách sử dụng, các đoàn công binh, Thanh niên xung phong ra sức mở đường. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, kiên quyết, kịp thời của các anh Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đồng Sĩ Nguyên, mạng đường chiến lược Đông và Tây Trường Sơn được xây dựng và củng cố, đã nối liền đến Lộc Ninh, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu được hoàn chỉnh, qua Tây Nguyên, Khu 5 vào tới miền Đông Nam Bộ, sẵn sàng phục vụ đánh lớn.
Anh Lê Ngọc Hiền đi ngay vào Tây Nguyên, chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Bộ lệnh cho anh Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đến ngay Buôn Ma Thuột trực tiếp nghiên cứu chiến trường. Ngày 24-1-1975, các anh Phạm Hùng, Trần Văn Trà và đoàn cán bộ B2 cũng cấp tốc lên đường trở về mặt trận đang nóng bỏng.
***
Để hướng sự suy nghĩ và hành động của tiền tuyến và hậu phương trong thời điểm quyết định, kiên quyết đẩy mạnh các mặt đấu tranh, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, tôi dành thời gian viết một bài báo nhan đề: Sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới.
Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21, các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương năm 1973, 1974, bài báo phân tích toàn diện cuộc chiến đấu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, được đánh dấu bằng những mốc thắng lợi nổi bật là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và thắng lợi "đánh cho Mỹ cút" với Hiệp định Paris tháng 1-1973: "Thắng lợi của nhân dân ta trong 30 năm qua thật là vĩ đại". "Việc giải quyết thành công vấn đề chiến tranh chính nghĩa của dân tộc nhỏ đánh thắng kẻ thù đế quốc to trong sự phát triển đến đỉnh cao của khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân Việt Nam ngày nay là một vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nó nâng cao lòng tin tưởng sắt đá của quân và dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng ta, vào tiền đồ tất thắng của dân tộc ta. Nó cho ta nhiều kinh nghiệm rất quý báu để tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cũng như chuẩn bị cho công cuộc bảo vệ đất nước về lâu dài đánh thắng chiến tranh xâm lược của mọi kẻ thù đế quốc, dù chúng mạnh đến đâu".
Đi sâu vào nguyên nhân thắng lợi, bài báo nêu bật những yếu tố cơ bản như sự lãnh đạo đúng đắn, dũng cảm của Đảng ta, mục đích chính trị của chiến tranh nhân dân Việt Nam là độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của toàn dân đánh giặc, của chế độ xã hội mới, lực lượng vũ trang kiểu mới, phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân, điều kiện quốc tế trong thời đại mới. Vận dụng tư tưởng chiến tranh nhân dân vào tình hình và nhiệm vụ trước mắt, bài báo chỉ rõ nhiệm vụ của quân và dân ta trên cả hai miền Nam Bắc, kiên quyết tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân đăng toàn văn bài báo trên một phần trang nhất và cả trang hai.
Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng dành mấy buổi phát thanh đặc biệt truyền đi khắp mọi miền đất nước.
***
Thời gian là lực lượng. Ở thời điểm quan trọng này, ý niệm ấy sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong quân sự, tư tưởng "chắc thắng" và tư tưởng "thần tốc" thận trọng và mạnh bạo bao giờ cũng đi đôi, hài hoà, biện chứng, tùy theo từng tình huống cụ thể. Căn cứ vào đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và địch, vào thực tiễn chiến trường, vào những điều kiện chủ quan, khách quan cả trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời. Chính xác vì đã trải qua cân nhắc kỹ lưỡng, nắm bắt được trạng thái đi xuống của địch, khả năng phát triển mới của ta ngay khi trên chiến trường còn đang diễn ra giằng co quyết liệt.
Từ đầu năm 1973, trải qua hai năm khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị, những suy nghĩ, gợi ý về một kế hoạch giải phóng miền Nam phát triển thành một quyết tâm chính thức động viên và tổ chức lực lượng của cả nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam trong hai năm 1975-1976. Bên cạnh quyết tâm chiến lược cơ bản ấy, còn có kế hoạch chiến lược tranh thủ thời cơ, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, không chờ đợi.
Không những chính xác, mà quyết tâm chiến lược của Đảng còn rất kịp thời, không thể chậm hơn, mà cũng không thể sớm hơn. Tình hình ở giai đoạn cuối cùng của chiến tranh bao giờ cũng diễn rất nhanh, không loại trừ đột biến. Nỗ lực chủ quan của quân và dân ta với các mũi tiến công của chiến tranh nhân dân càng làm cho tình hình phát triển nhanh, nhiều khi nhanh hơn dự kiến. Thời cơ chiến lược thường xuất hiện trong thời gian ngắn và không bao giờ đứng lâu một chỗ. Phải kịp thời phát hiện thời cơ, nắm bắt thời cơ, "chớp" thời cơ để giành thắng lợi cao nhất. Vừa chậm lại vừa nhanh. Đó là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, là nét tài tình và độc đáo của Đảng ta trong những ngày tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975.
Quyết tâm chiến lược của Đảng dựa vững chắc trên thành quả tổng hợp của cuộc đấu tranh cách mạng 45 năm qua. Một nước nhỏ đánh "đế quốc to" phải biết giành thắng lợi từng bước. Thắng lợi trước tạo tiền đề cho thắng lợi sau. Càng về sau, thắng lợi càng to lớn.
Suy nghĩ về kết thúc chiến tranh đã được hình dung ngay từ lúc khởi đầu.
Quyết tâm chiến lược ấy còn là kết quả của sự chuẩn bị chiến lược hết sức chủ động, dũng cảm, sáng tạo, công phu, kiên trì bền bỉ cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, về con người và vũ khí, phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật, về thế trận và lòng người, sản xuất và chiến đấu, kinh tế và quốc phòng, giao thông và vận chuyển, chuẩn bị bằng tiềm lực của cả hậu phương và tiền tuyến, âm thầm và sôi động suốt bao tháng, bao năm.
Lúc này, một khi đã có quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời thì việc tổ chức thực hiện lại hết sức khẩn trương. Không thể đi bằng những bước bình thường, mà là bay, là chạy. Chạy đua với thời gian. Chạy đua với địch. Phải vượt qua những khó khăn, trở ngại trên đường tiến tới thắng lợi.
Đã "đánh cho Mỹ cút", nay là lúc giáng đòn quyết định chiến lược "đánh cho nguỵ nhào ", như tư tưởng quân sự của Bác Hồ.
Cả nước ra trận. Tất cả cho miền Nam ruột thịt.
--------------------------------
1Phòng 70 là cơ quan tập trung mọi nguồn tin của Cục Quân báo để chọn lọc, phân tích, tổng hợp, báo cáo lên cấp trên.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.