Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng
Chương 7
Võ Nguyên Giáp
10/06/2014
TRẬN SÀI GÒN BẮT ĐẦUNhững tấm lá chắn của địch ở phía Bắc đã bị phá toang. Con đường chiến thắng dẫn tới sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn đang mở rộng.
Ngay trước khi giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, chiều 29-3-1975, đồng chí Bí thư thứ nhất gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam: "Tình hình biến chuyển mau lẹ.
Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây" 1 .
Chiến thắng lớn, dồn dập, như một phản ứng dây chuyền, nhanh chóng lan ra, càng làm suy yếu bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền từ trung ương đến cơ sở. Bài toán thời gian lúc này không dừng lại ở đáp số tính bằng tháng, mà phải tính bằng ngày. Thế trận chiến tranh nhân dân, với lực lượng bố trí sẵn tại chỗ trên từng chiến trường, từng khu vực, tỏ rõ khả năng chủ động tiến công của quân ta, còn nhanh hơn cả "trực thăng vận" và "cầu hàng không" của Mỹ. Địch ở đâu cũng bị đánh, bị bao vây chia cắt. Chiến lược tổng hợp của ta kết hợp đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận, căng địch ra mà tiêu diệt và đánh rã.
Sáng 31-3, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.
Không khí phấn khởi tràn ngập "Nhà con rồng". Những nét mặt rạng rỡ, những ánh mắt sáng ngời, những cái bắt tay hứa hẹn.
Bắt đầu cuộc họp, anh Ba nêu những vấn đề cần bàn.
Thay mặt Quân uỷ Trung ương, tôi báo cáo tổng quát tình hình chiến trường một tháng qua, đặc biệt nêu rõ diễn biến chiến sự trong hạ tuần tháng 3. Từ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đến cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn chủ lực mạnh của quân nguỵ và khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá huỷ trên 40% cơ sở vật chất và hậu cần của chúng; giải phóng địa bàn hai quân khu gồm 12 tỉnh và gần một nửa số dân ở miền Nam. Âm mưu co cụm chiến lược của địch đã bị phá sản. Chúng đang lâm vào tình trạng hoang mang, bế tắc. Tuy vậy, địch vẫn ngoan cố lập tuyến phòng ngự từ xa, từ Phan Rang trở vào. Chúng hy vọng ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tiến công của ta, giữ thế cầm cự cho tớị mùa mưa, sau đó sẽ củng cố những lực lượng còn lại, phản công tái chiếm các vùng đã mất.
Địch tập trung ở Phan Rang một lực lượng khoảng hai sư đoàn gồm Sư đoàn 2 bộ binh vừa được khôi phục. Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn 31 biệt động quân, có Sư đoàn 6 không quân đóng ở sân bay Thành Sơn yểm trợ. Đồng thời, chúng tập trung mọi cố gắng thu thập tàn quân, chấn chỉnh các đơn vị còn lại, điều chỉnh thế bố trí nhằm tăng cường phòng thủ khu vực Sài Gòn - Gia Định và đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía ta, với trận Huế - Đà Nẵng, ta đã bắt đầu chuyển sang Tổng tiến công chiến lược. Quân ta đang trong thế thừa thắng xông lên. Ta hoàn toàn có khả năng tập trung lực lượng cả nước đến mức cao nhất, áp đảo địch trên chiến trường trọng điểm là Sài Gòn. Thời cơ lớn đã xuất hiện. Chắc chắn ta sẽ giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này. Tôi đề nghị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, thực hiện bao vây chiến lược ở phía đông và phía tây Sài Gòn - Gia Định, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch. Đánh một trận là thắng. Phương châm là "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng!".
Các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị phát biểu ý kiến, đồng ý với đề nghị của Quân uỷ Trung ương. Anh Trường Chinh tâm đắc với phương án thọc sâu mà anh gọi là "percée stratégique" (thọc sâu chiến lược).
Hội nghị nhất trí nhận định những nhân tố mới đã xuất hiện rõ nét trong trận Đà Nẵng. Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn nguỵ sụp đổ.
Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khới nghĩa trong thời gian sớm nhất.
Phương thức tác chiến chiến lược của ta là phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược (chủ lực, nông thôn và thành thị), từ ngoài đánh vào, kết hợp với lực lượng tại chỗ từ trong đánh ra, lấy chủ lực từ ngoài đánh vào là quyết định, tập trung lực lượng tiến công địch, nhanh chóng lợi dụng thời cơ, dồn dập phát triển thắng lợi.
Về bố trí lực lượng chiến lược, Bộ Chính trị chủ trương gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, chia cắt và bao vây chiến lược ở hướng tây nam, triệt đường số 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long. Các lực lượng phía đông đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, bao vây Sài Gòn từ hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Quả đấm chu lực phải thật mạnh, kể cả binh khí kỹ thuật, sẵn sàng đánh thẳng vào các mục tiêu hiểm yếu và quan trọng nhất của địch ở trung tâm Sài Gòn khi thời cơ xuất hiện. Ở đồng bằng sông Cửu Long, các lực lượng quân sự, chính trị hoạt động mạnh, giải phóng các địa phương, phối hợp với mặt trận trọng điếm.
Ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch hành động với lực lượng sẵn có trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Các lực lượng của ta ở Tây Nguyên cần nhanh chóng tiên vào chiến trường trọng điểm. Bộ Tổng Tham mưu đôn đốc cho Quân đoàn I khẩn trương vào kịp thời gian.
Cuộc họp kết thúc.
Đồng chí Bí thư thứ nhất điện ngay vào chiến trường:
"Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm". Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất.
Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ", phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc" 2 .
Từ cuộc họp ngày 31-3-1975, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt. Quyết tâm của Bộ Chính trị cổ vũ mạnh mẽ nhiệt tình cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Tất cả cho ngày toàn thắng.
Chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, chuẩn bị đón thời cơ lịch sử. Trên các trục đường chiến lược, các cánh quân lớn thần tốc đổ vào chiến trường trọng điểm. Từ núi rừng Tây Nguyên vừa giải phóng, Quân đoàn III cùng các binh khí kỹ thuật tiến về hướng Sài Gòn với khí thế chiến thắng. Từ hậu phương lớn miền Bắc, Quân đoàn I tiến vào miền Nam không kể ngày đêm. Cánh quân phía đông mới được thành lập, ngoài dự kiến ban đầu, khẩn trương tiến dọc miền duyên hải theo đường số 1. Hậu phương, lớn huy động tối đa sức người, sức của, chi viện tiền tuyến. Các cơ quan Tổng hành dinh luôn mắt luôn tay, khẩn trương, phấn khởi. Lúc này, ai cũng thấm thía về giá trị của thời gian. Kim đồng hồ như chạy nhanh hơn.
Ngày tháng như ngắn lại.
Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị, tôi suy nghĩ nhiều về trận chiến đấu sẽ diễn ra trên chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với Tổng Tham mưu phó Cao Văn Khánh và Cục trưởng Tác chiến Lê Hữu Đức, ngày 1-4, tôi điện vào B2:
"Đúng như Bộ Chính trị đã nhận định, chiến tranh cách mạng ở miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Hiện nay ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều.
Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ,, tranh thủ vào trung tuần tháng 4 thì bắt đầu cuộc tiến công quy mô lớn vào Sài Gòn. Làm được như vậy thì thuận lợi nhất, bảo đảm thắng lợi giòn giã nhất. Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng lớn nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh Sài Gòn nhưng chúng cho rằng ta cần chuẩn bị một - hai tháng. Vì vậy, bất ngờ hiện nay chủ yếu là ở khâu thời gian. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi tập trung lực lượng đông đủ mới làm ăn. Chính theo ý nghĩa đó mà Bộ Chính trị đã khẳng định từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược Sài Gòn đã bắt đầu.
Giữa hai phương án cơ bản, một là bao vây dài ngày tạo điều kiện rồi dứt điểm, hai là tiến công táo bạo từ đầu, đánh nhanh, dứt điểm nhanh, thì nay nên chọn phương án 2, tức là làm thật nhanh, thật táo bạo; đồng thời có sự chuẩn bị trong điều kiện nào đó nếu cần thì chủ động chuyển sang phương án 1 cũng nhằm giành thắng lợi cuối cùng trong một thời gian ngắn. Với lực lượng sẵn có, cần hành động kịp thời để lợi dụng mọi thời cơ cụ thể do địch hoang mang và lúng túng đưa lại, tiến công liên tiếp, giành thắng lợi liên tiếp, làm đảo lộn mọi mưu đồ chấn chỉnh lực lượng hoặc tăng cường viện trợ của Mỹ.
Thời gian hiện nay phải tính từng ngày. Phải "thần tốc thần tốc, toàn thắng, nhất định toàn thắng".
Ngày 2-4, trong buổi giao ban, trên cơ sở phân tích tình hình các mặt trận, Quân uỷ Trung ương điện khẩn cho Quân uỷ Miền và Bộ Tư lệnh B2: "Trong lúc chuẩn bị kế hoạch lớn, ta cần có kế hoạch tức khắc tập trung pháo lớn, phần nào xe tăng và bộ binh nhân lúc địch hoang mang diệt bọn bại binh mới chạy về, tiêu diệt một bộ phận F18, đánh chiếm Xuân Lộc, áp sát Biên Hoà. Khống chế được sân bay Biên Hoà thì không quân mất tác dụng, địch ở Sài Gòn sẽ hoang mang to".
Ngoài các nguồn tin kỹ thuật của Cục Quân báo, tin tức công khai do các phóng viên nước ngoài ở miền Nam đánh đi từ Sài Gòn mà Thông tấn xã Việt Nam thu được cung cấp thêm nhiều tình hình sốt dẻo.
Quân uỷ Trung ương điện tiếp cho anh Phạm Hùng, đồng điện cho anh Văn Tiến Dũng và anh Trần Văn Trà:
"… 2. Sài Gòn hiện bắt đầu hoảng loạn, có thể xảy ra biến động chính trị trong nội bộ địch. Mặt trận Cam Ranh - Phan Rang vỡ, bọn tàn quân chạy về sẽ gây rối lớn.
3. Theo tinh thần hành động táo bạo, kịp thời của Bộ Chính trị, chúng tôi có ý kiến Trung ương Cục và Quân uỷ Miền cần có một kế hoạch hành động ngay với lực lượng sẵn có, dựa vào kế hoạch bước 1 của anh Tư 3 , nhưng nay làm nhanh và mạnh, không điều động xáo trộn.
4. Cụ thể:
a) Phía đông tập trung lực lượng tăng, pháo thật mạnh đánh ngay bọn F18, tiêu diệt Xuân Lộc, áp sát Biên Hoà, triển khai ngay pháo nặng khống chế sân bay Biên Hoà, có điều kiện tốt hay lực lượng mới sẽ đánh chiếm Ô Cấp 4 , cắt sông Lòng Tàu, b) Phía tây, với lực lượng hiện có, nên giao bộ đội địa phương bao vây Mộc Hoá, còn chủ lực Miền và khu thì tập trung đánh xuống đường số 4 nhanh hơn, thực hiện nhanh chia cắt và bao vây chiến lược. Nghiên cứu kế hoạch tăng lực lượng tiếp, c) Hiện nay, tình hình có thể chuyển biến mau lẹ. F9 cần nằm trong tay Trung ương Cục, sẵn sàng hành động khi có thời cơ, chưa nên điều đi hướng khác trong khi lực lượng mới chưa vào.
5. Trong lúc đó, tiếp tục nghiên cứu kế hoạch hành động tiếp với lực lượng và binh khí kỹ thuật được tăng thêm".
Biết các anh ở Miền đang rất cần thêm lực lượng cho chiến trường trọng điểm, tôi thông báo cho anh Trà biết Quân uỷ Trung ương đã điện cho anh Văn Tiến Dũng tranh thủ thời gian đưa lực lượng từ Tây Nguyên xuống càng nhanh càng tốt; Quân đoàn I và các đơn vị kỹ thuật cũng đang khẩn trương tiến vào tăng cường cho B2.
***
Các nguồn tin cho biết:
Trong khi quân ta thần tốc từ các hướng tiến về Sài Gòn, thì Bộ Tổng Tham mưu nguỵ tính toán: đối phương chỉ có khả năng tăng cường cho miền Đông Nam Bộ nhiều nhất là một quân đoàn, và muốn đưa lực lượng ấy vào tới chiến trường, phải mất ít nhất là hai tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Sơlétxinhgiơ thì coi việc mất Đà Nẵng là "một trận chiến chính, nhưng tương đối nhỏ".
Còn Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho sau này đã viết hồi ký về thời đó: "Mọi người đều biết rằng những vấn đề ở Nam Việt Nam rất nghiêm trọng, nhưng dường như không ai biết được nguy kịch đến mức nào!".
Kiểm lại lực lượng, Thiệu chủ trương giữ toàn bộ Quân khu III và Quân khu IV, lập tuyến phòng thủ từ Phan Rang trở vào, giữ chặt Tây Ninh, lấy Tây Ninh làm hướng phòng thủ chính ngăn chặn quân ta thọc vào Sài Gòn, giữ trục đường 13, giữ thị trấn Xuân Lộc, ngăn không để "Việt cộng" áp sát đường 15, Nhơn Trạch để pháo kích vào Sài Gòn.
Ngày 2-4, Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân nguỵ hò hét: "Cố thủ từ Phan Rang trở lại". Viên tướng phụ trách hậu cần Đồng Văn Khuyên hùng hổ tuyên bố. "Bằng bất cứ giá nào, phải cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng đánh xả láng tại đó!".
Thiệu cử Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III ra trấn giữ Phan Rang, đồng thời ra lệnh gấp rút khôi phục một số tàn quân từ phía bắc chạy vào, củng cố tuyến phòng ngự chung quanh Sài Gòn. Trong khi đó, Thiệu bí mật chở vàng bạc, đá quý sang Đài Loan và Canada. Toàn lại chỉ thị cho Nguyễn Vĩnh Nghi thành lập sở chỉ huy tiền phương ở Phan Rang, còn mình lui về phía sau, nói là "để tăng cường cho Xuân Lộc"(!)
Tổng thống Mỹ cử Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ đến Sài Gòn để nắm tình hình, mang theo một liều thuốc an thần cuối cùng gồm một số súng cỡ lớn được bốc dỡ ở sân bay Tân Sơn Nhất trước ống kính camera giữa thanh thiên bạch nhật, và chiếu ngay lên màn ảnh truyền hình.
Thế nhưng lần này, trò lừa mị vụng về xem ra không còn tác dụng, vì con bệnh đang hấp hối đã quen thuốc mất rồi! Thật ra, quân nguỵ lúc này cần đạn hơn cần súng. Và các khẩu pháo đâu có thể thay được việc ném bom bằng B52 như Thiệu đã van xin? Phrêđêrích Uâyen, viên tướng bốn sao đã phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam tháng 3-1973, không thể làm gì hơn trước sự thất vọng của Thiệu. Ông ta chỉ có nhiệm vụ "xem xét những khả năng mà Mỹ có thể làm để ủng hộ Nam Việt Nam", và sẽ trở về Mỹ tường trình với Tổng thống Pho lúc này đang còn đi nghỉ mát!
***
Trở lại với chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ.
Từ khi mở màn chiến dịch Tây Nguyên, nhất là sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, tình hình phát triển rất nhanh.
Báo cáo của Quân uỷ Miền và Bộ Tư lệnh B2 cho biết:
- Thực hiện kế hoạch đợt hai mùa khô 1974-1975 của Bộ Tư lệnh Miền đã được Trung ương Cục thông qua, từ đêm 9 rạng ngày 10-3-1975, phối hợp với các chiến trường toàn miền Nam, quân và dân ta từ núi rừng Khu 6 đến đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy, đồng loạt xông lên diệt địch, giành thắng lợi giòn giã.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân Quân khu IX tiêu diệt phân chi khu Hựu Thành, vây lấn yếu khu Thầy Phó, diệt gọn hai tiểu đoàn địch đến tăng viện, giải phóng chi khu Thuận Thới, đồn Cầu Sắt. Trước sức tiến công của ta, quân địch ở yếu khu Thầy Phó tháo chạy. Ta tiếp tục tiến công lên hướng Tam Bình, diệt phân chi khu Ba Kè, làm chủ đoạn sông Mang Thít, tiếp đó phát triển tiến công diệt 50 đồn địch, làm chủ đường 16, uy hiếp đường 4, áp sát Vĩnh Long. Được quân chủ lực hỗ trợ, bộ đội và du kích Vĩnh Trà tiến công giải phóng Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Kè. Tỉnh uỷ và tỉnh đội Trà Vinh lập thêm được ba tiểu đoàn tập trung, tổ chức lực lượng chính trị, binh vận, đưa vũ khí và cán bộ vào thị xã phát động quần chúng chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền. Ngày 12-3, quân ta đánh chiếm chi khu Bình Minh, diệt phân chi khu Mỹ Thuận, giải phóng vùng bắc sông Hậu, đặt pháo 105mm ở bắc Cái Vồn bắn vào sở chỉ huy Quân đoàn IV nguỵ và sân bay Trà Nóc. Sư đoàn 4 diệt đồn ông Tháp, đánh chiếm căn cứ Bà Đầm, vây ép Ô Nai, Ô Môn, chuẩn bị tiến công Cần Thơ. Ở Quân khu 8, quân ta diệt hai tiểu đoàn địch ở căn cứ Ngã Sáu, phá vỡ hệ thống đồn bốt địch ở khu vực kênh mới và kênh Nguyễn Văn Tiếp B, mở vùng giải phóng rộng lớn từ huyện Cái Bè (Mỹ Tho) đến Mỹ An, Kiên Văn (Sa Đéc), diệt địch ở bắc Cai Lậy, cắt đường 12, vây ép Mỹ Tho.
Trên hướng Kiến Tường - Long An, quân ta tiến công đánh thông hành lang Tây Ninh xuống Đồng Tháp Mười, làm chủ một vùng rộng lớn ở bờ tây sông Vàm Cỏ Đông, cắt đứt đường 4, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng tây. Đoàn 232 được anh Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền trực tiếp chỉ huy, chuẩn bị tiến công Sài Gòn từ hướng tây và hướng nam.
Ở miền Đông Nam Bộ, các đội biệt động, đội công tác bí mật và bộ đội đặc công áp sát các vị trí xung yếu xung quanh thành phố Sài Gòn, diệt địch ở Phú Hoà Đông, bốt đường 8, Tân Thạnh Tây, Tổng Thôn, Thới Mỹ, sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở Tân Túc, bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt dọc hành lang vào nội đô, tiêu huỷ kho chứa chất độc hoá học ở Thủ Đức, kho xăng Vũng Bèo. Sư đoàn 9 tăng cường tiến công chi khu quân sụ Tri Tâm, giải phóng quận Dầu Tiếng, Bến Củi, diệt cứ điểm Suối ông Hùng, đánh chiếm Cầu Khởi, diệt và làm bị thương trên 3.000 tên địch, phá huỷ và thu 61 xe quân sự, 6 khẩu pháo, 1.000 súng các loại, giải phóng Dầu Tiếng, thị xã An Lộc và toàn tỉnh Bình Long, tạo địa bàn đứng chân cho quân ta tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch từ hướng tây bắc. Miền Đông Nam Bộ đã mở được một vùng giải phóng kéo dài từ bắc Tây Ninh qua Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Chơn Thành, từ Mỏ Vẹt đến La Ngà qua Hoài Đức, Tánh Linh, từ đường số 1 đến nam đường số 2, Bà Rịa.
Như vậy là trong vòng một tháng, quân và dân Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ tích cực phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Trị - Thiên - Huế, Quảng Đà đã tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Quân khu 6, hình thành bao vây, tạo thế cho các cánh quân trên các hướng tiến công Sài Gòn - Gia Định.
Các hoạt động chống phá "bình định" của đồng bào và chiến sĩ phát triển nhanh chóng. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận lên mạnh. Khắp miền sông Tiền, sông Hậu, liên tiếp nổ ra hàng nghìn cuộc đấu tranh trực diện với địch. Đồng bào nổi dậy tố cáo tội ác của địch, trừng trị bọn ác ôn có nhiều nợ máu. Nhân dân đắp cản, ngăn sông, chặn tàu chiến địch, cắt đứt những con đường thuỷ huyết mạch hhư kênh Mang Thít ở Vĩnh Long, kênh Xáng Xẻo Rô ở nam Rạch Giá. Thanh niên hăng hái tòng quân, lực lượng vũ trang ở đồng bằng phát triển rất nhanh. Đông đảo quần chúng phục vụ bộ đội, tham gia các tổ chức cách mạng ở địa phương.
Trên cơ sở tình hình chung do Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương thông báo, căn cứ vào các bức điện chỉ đạo của đồng chí Bí thư thứ nhất, của Quân uỷ Trung ương và tình hình thực tế của chiến trường trọng điểm, ngày 29-3-1975, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết 15-TWC nêu rõ: "Cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam không những đã bước vào thời kỳ phát triển nhảy vọt mà thời cơ chuẩn bị để tiến hành cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch cũng đã chín muồi. Tù giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà". Nghị quyết nêu rõ cần tăng cường lãnh đạo đòn nổi dậy của quần chúng làm hậu thuẫn cho đòn tiến công quân sự và nhấn mạnh:
"Phải thật tập trung từng giờ, từng ngày, từng tháng, từ đầu tháng 4-1975 này". Đây là một Nghị quyết phù hợp với tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, chứng tỏ sự sáng suốt, nhạy bén của các đồng chí lãnh đạo B2, được các địa phương chấp hành tích cực và có hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền vạch kế hoạch tiến công Sài Gòn với lực lượng bản thân hiện có. Kế hoạch dự kiến tiến công vào nội đô trên năm hướng: hướng đông do Quân đoàn IV đảm nhiệm; hướng tây bắc do Sư đoàn 9 và các Trung đoàn 16, 271B; hướng tây do Đoàn 232 gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3/B2 và các lữ đoàn binh chủng; hướng nam do Trung đoàn 88 và 21 của Quân khu 8 phụ trách; hướng bắc được giao cho Trung đoàn Gla Định, sẽ được tăng cường thêm lực lượng đặc công, biệt động và lực lượng của Trung ương điều vào, nếu có. Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền chủ trương tiến công diệt địch ở Xuân Lộc, áp sát Biên Hoà, Đoàn 232 chuẩn bị chiếm Mộc Hoá, đưa lực lượng xuống cắt đường số 4 kết hợp với chủ lực Quân khu 8 diệt Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 nguỵ.
Thực hiện thắng lợi bước này, sẽ gây biến động lón về quân sự, chính trị trong nguỵ quân, nguỵ quyền. Nắm lấy thời cơ ấy, sẽ phát động nhân dân nổi dậy, kết hợp công kích quân sự với khởi nghĩa của quần chúng, trong đánh ra ngoài đánh vào, nhằm năm mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và dinh Độc Lập. Kế hoạch được Trung ương Cục nhất trí và báo cáo ra Trung ương.
***
Hạ tuần tháng 3-1975.
Ngay sau chiến thắng Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị chủ lực thừa thắng phát triển tiến công về hướng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ theo các trục đường số 19, số 7 và số 21. Sư đoàn 10 tiến theo đường 21, tiêu diệt lữ đoàn dù trên đèo Phượng Hoàng, giải phóng quận lỵ Khánh Dương.
Sư đoàn 320 sau khi giải phóng Củng Sơn, theo đường số 7 tiến xuống Tuy Hoà. Sư đoàn 3 Quân khu 5 tiêu diệt căn cứ địch ở An Khê, sau đó phối hợp với Sư đoàn 968 tiêu diệt phần lớn Sư đoàn 22 nguỵ trong một trận từ Phú Phong đến sân bay Gò Quánh. Bọn tàn quân của Sư đoàn 22 bị quân và dân Bình Định tiến công làm tan rã hoàn toàn.
Ngày 27-3, tại cuộc họp với Bộ Tư lệnh Tây Nguyên, trong không khí phấn khởi, quyết tâm, anh Văn Tiến Dũng công bố thành lập Quân đoàn III gồm các Sư đoàn 10, 320 và 316 theo quyết định của Bộ Tổng tư lệnh. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới, càng đánh càng mạnh của quân đội ta trong quá trình cuộc tiến công chiến lược.
Với khí thế tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, quân và dân ta đã tích cực đánh địch trên khắp các tỉnh ven biển miền Trung, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch còn lại, liên tiếp giải phóng các tỉnh, thành phố thuộc vùng Quân khu II nguỵ. Ngày 1-4, hai tỉnh Bình Định, Phú Yên với thành phố Quy Nhơn và thị xã Tuy Hoà được giải phóng. Từ ngày 2 đến ngày 3-4, tỉnh Khánh Hoà với thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh được giải phóng. Trước đó, ngày 24-3, tỉnh Quảng Đức với thị xã Gia Nghĩa được giải phóng.
Lúc này có một sự kiện đáng ghi nhớ. Đó là việc điều động sử dụng Sư đoàn 10 của Quân đoàn III. Như trên đã nói, sau ngày giải phóng Đà Nẵng, chủ trương của Quân uỷ Trung ương được sự nhất trí của Bộ Chính trị là tập trung toàn bộ lực lượng ở nam Tây Nguyên nhanh chóng tiến thẳng xuống, miền Đông Nam Bộ.
Trên đường vào B2, anh Lê Đức Thọ cũng đã phổ biến cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên về chủ trương này. Nhưng trước đó, trong tình hình bộ đội ta đang truy kích tiêu diệt địch, anh Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh Tây Nguyên đã lệnh cho Sư đoàn 10 tiến ra hướng biển, xuống Nha Trang, Cam Ranh. Khi biết chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các anh băn khoăn đến mất ngủ, lo lắng, như vậy có trái với ý định của cấp trên hay không. Cuối cùng các anh xác định là báo cáo lên Trung ương và chịu trách nhiệm. Ngay sau đó anh Văn Tiến Dũng điện ngay cho tôi trình bày về vấn đề này, nói rõ cuộc tiến quân đang phát triển thuận lợi, Nha Trang, Cam Ranh là hai mục tiêu chiến lược quan trọng, tính toán thời gian sư đoàn có thể hoàn thành nhiệm vụ giải phóng hai nơi này, sau đó quay lên đường 11 rồi theo đường 20 tiến xuống vị trí tập kết ở miền Đông, thời gian cũng không chậm là bao.
Nhận điện của anh Dũng, lại có tin ta đã giải phóng Quy Nhơn, địch đang rút khỏi Tuy Hoà, chuẩn bị bỏ Nha Trang, Cam Ranh, tôi lập tức trả lời bằng bức điện số 940 ngày 20-3-1975: "Chúng tôi bàn với anh Ba nhất trí cho rằng ta cần có chủ trương thật linh hoạt để lợi dụng thời cơ cụ thể này, tức là tập trung Sư đoàn 10 nhanh chóng tiêu diệt quân dù và bọn địch còn lại, đánh chiếm Nha Trang, Cam Ranh rồi tiến về phía nam".
Bức điện làm cho các anh rất yên lòng. 8 giờ sáng ngày 31-3, anh Dũng điện ngay cho tôi: "Tôi mừng quá. Thật là tâm đầu ý hợp giữa lãnh đạo và người ở chiến trường".
Thực tế đã cho thấy việc điều động và sử dụng Sư đoàn 10 như vậy là đúng. Sau khi giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, sư đoàn đã từ Ba Ngòi nhanh chóng xuyên qua căn cứ Bác ái sang đường 11, lên Tuyên Đức rồi theo đường 20 tiến về vị trí tập kết của Quân đoàn III trên hướng Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong khi Quân đoàn III tiến công địch trong hành tiến, ào ạt tiến quân vào chiến trường trọng điểm, thì Quân đoàn I từ miền Bắc theo đường số 1 rồi theo tuyến Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn và đường 14, khắc phục mọi khó khăn về cầu đường, thời tiết, thần tốc tiến như một dòng thác mạnh đổ xuống phía nam. Trên đường tiến quân, quân đoàn tổ chức thành từng khối, hành quân bằng cơ giới, có pháo cao xạ bảo vệ. Núi rừng Trường Sơn sôi động. Các đoàn xe, pháo nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm, quyết tâm đến vị trí tập kết ở Đồng Xoài đúng thời gian vào trung tuần tháng 4, kịp tham gia chiến đấu. Binh đoàn dự bị chiến lược ra quân với khí thế hào hùng, phấn khởi mang theo cả mềm tin quyết thắng của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, tăng cường thêm một "quả đấm thép" cho chiến trường trọng điểm trong trận quyết chiến cuối cùng.
Trong thời gian này, Sư đoàn 7 cùng một bộ phận Sư đoàn 341 và lực lượng địa phương đánh chiếm chi khu quân sự Định Quán, diệt yếu khu Gia Ray, khống chế đường 20. Ngày 28-3, sư đoàn dùng xe cơ giới theo đường 20, phối hợp với các lực lượng ém sẵn, tiến công giải phóng thị xã Lâm Đồng, sau đó cùng bộ đội Khu 6 đánh chiếm cao nguyên Di Linh, ngày 4-4 phát triển lên đánh chiếm thành phố Đà Lạt. Trung đoàn 812 truy kích địch từ Đà Lạt đến sân bay Thành Sơn, tạo điều kiện cho Sư đoàn 10 từ Cam Ranh xuyên qua Bác ái theo đường 11 và đường 20 tiến vào miền Đông Nam Bộ.
Ở hướng Bình Tuy, Long Khánh, Sư đoàn 6 cùng bộ đội địa phương và du kích tiến công giải phóng đường số 4, phát triển tiến công địch trên đường số 1 từ Suối Cát đến Rừng Lá (Bình Tuy).
Đến lúc này, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn, hai quân khu mạnh của địch, giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung, Tây Nguyên, nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, hình thành thế bao vây Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 3-4, anh Văn Tiến Dũng cùng Đoàn A.75 vào đến Sở chỉ huy Miền. Anh Đinh Đức Thiện đến liền sau đó. Mấy hôm sau, anh Lê Đức Thọ cũng vào đến nơi. Với tinh thần tích cực, khẩn trương, ngày 7-4-1975, Trung ương Cục duyệt kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định.
Tư liệu sau này cho biết: anh Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục chủ trì cuộc họp. Kế hoạch tác chiến chiến dịch do anh Lê Ngọc Hiền trình bày gồm hai bước:
Trước mắt, từ ngày 8-4 tiến công chia cắt chiến lược và bao vây đánh trận "rúng động", đánh vùng ven và 8 mục tiêu trong nội thành, chuẩn bị cho tổng tiến công. Nếu thuận lợi địch tan rã, thì phát triển thọc sâu ngay, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm thành phố.
Bước hai dự kiến từ ngày 15 đến 20-4, thực hiện đột kích Sài Gòn trên năm hướng. Lực lượng sử dụng từ ba đến năm sư đoàn chủ lực, bảy đoàn đặc công, 60 tổ biệt động, cùng với lực lượng du kích và khoảng 50 ngàn quần chúng nổi dậy tại chỗ. Anh Trần Văn Trà báo cáo thêm về địa hình vùng phụ cận Sài Gòn, về bố trí của địch trong nội thành, lực lượng không quân và hải quân nguỵ, và nêu rõ tiêu diệt được Sư đoàn 18 nguỵ, thực hành bao vây cô lập Sài Gòn, sẽ làm "rúng động" toàn bộ và nảy ra thời cơ mới. Nếu địch co cụm thì chuẩn bị thêm lực lượng, nhưng phải giải quyết xong trong tháng 4.
Các anh Ba Trần 5 , Trần Lương, Hai Xô 6 , Hai Văn 7 , Đồng Văn Cống, Lê Văn Tưởng, Đinh Đức Thiện biểu thị nhất trí với kế hoạch, đề nghị cần tranh thủ bất ngờ, bảo đảm hậu cần, đẩy mạnh binh vận, chú trọng tổ chức quân quản thành phố. Anh Võ Văn Kiệt tin tưởng nhất định thắng, nhấn mạnh cần đưa ngay chủ lực vào sâu trong thành phố, vận động quần chúng bung ra, giành thắng lợi thật nhanh, thật kịp thời, đỡ vất vả. Anh Nguyễn Văn Linh thấy cần tiến công liên tục, không nên có khoảng cách, làm cho địch không kịp trở tay.
Hào hứng, phấn khởi, đầy trách nhiệm, các anh phân tích sâu sắc tình hình, đề ra nhiều ý kiến đi sâu vào từng khía cạnh cụ thể.
Kết luận hội nghị, anh Phạm Hùng nêu rõ sự nhất trí, phấn khởi đối với kế hoạch tiến công. Nếu cắt được đường số 4 và diệt được Sư đoàn 18 thì đột kích ngay, không chờ lực lượng vào đủ. Cần tổ chức hiệp đồng, tập trung lãnh đạo bảo đảm các mặt để giành chiến thắng.
Về tổ chức chỉ huy, sẽ bàn thêm với anh Lê Đức Thọ.
Anh Văn Tiến Dũng thay mặt cơ quan tiền phương Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phát biểu ý kiến. Rất mừng trước việc Trung ương Cục, Quân uỷ Miền biểu thị sự nhất trí về kế hoạch tiến công Sài Gòn, anh nhấn mạnh ta có ưu thế về lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, cần dứt điểm càng nhanh càng tốt. Anh nói đã điện ra đề nghị Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đốc thúc tăng cường lực lượng vào chiến trường trọng điểm.
Ngày hôm sau, trong buổi làm việc với Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, anh Lê Đức Thọ phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình chiến sự, âm mưu của địch, chủ trương của ta, công bố quyết định ngày 6-4 của Bộ Chính trị thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định: Anh Văn Tiến Dũng là Tư lệnh; anh Phạm Hùng, Chính uỷ; các anh Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh; anh Lê Quang Hoà, Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị; anh Lê Ngọc Hiền, quyền Tham mưu trưởng. Anh Lê Đức Thọ tham gia Trung ương Cục và Đảng uỷ mặt trận. Trong dịp này, Trung ương Cục phân công anh Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục, đặc trách phong trào nổi dậy của quần chúng, nhất là ở Sài Gòn. Anh Võ Văn Kiệt, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục, chỉ đạo việc tiếp quản thành phố.
Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch khẩn trương bắt tay vào việc. Đầu tiên, các anh nhất trí điện ra Trung ương đề nghị đặt tên của Bác Hồ kính yêu cho chiến dịch quyết định sắp diễn ra.
Ngày 14-4-1975, thể theo đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong bức điện số 37 TK, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời ý nguyện thiết tha và thiêng liêng ấy: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh ".
Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm được vinh dự mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
***
Theo kế hoạch đã định, ngày 9-4, những trận đánh cắt đường số 4 ở phía tây Sài Gòn và trận tiến công Xuân Lộc bắt đầu.
Sư đoàn 5 tiến công địch ở thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An không thành công. Tuy vậy, sư đoàn đã đánh thiệt hại nặng một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 7 nguỵ và một trung đoàn thiết giáp, diệt 80 đồn bốt lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng, uy hiếp đường số 4. Lực lượng vũ trang Quân khu 8 tiến công làm chủ từng thời gian đường Tân Hiệp - Cái Bè (Mỹ Tho). Các lực lượng vũ trang Quân khu IX tiến công địch ở Cái Vồn, Ba Càng (Vĩnh Long).
Trên hướng đông, Quân đoàn IV dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của các anh Hoàng Cầm, Tư lệnh và Hoàng Thế Thiện, Chính uỷ, mở cuộc tiến công vào Xuân Lộc, "cánh cửa thép" trên tuyến phòng ngự Sài Gòn và Vùng III chiến thuật. Nơi đây, địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm Sư đoàn 18 và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng Phrêđêrích Uâyen cho rằng: "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 hò hét "tử thủ" bằng mọi giá.
Trận đánh diễn ra quyết liệt và phức tạp.
Theo báo cáo, trong đêm 9 rạng ngày 10-4, bằng nhiều mũi tiến công, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự thị xã, chiếm được nhiều mục tiêu, cắm cờ cách mạng lên dinh tỉnh trưởng nguỵ. Tuy bị thiệt hại nặng, địch vẫn cố thủ. Ngày 10-4, chúng dùng trực thăng đổ bộ một lữ đoàn dù xuống ven thị xã, tiếp đó, tăng viện thêm hai lữ đoàn thuỷ quân lục chiến, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 5, tám tiểu đoàn pháo binh và hai chiến đoàn xe tăng, thiết giáp. Dựa vào quân tăng viện và sự chi viện của không quân, địch điên cuồng phản kích, gây cho ta nhiều tổn thất. Nhiều vị trí ta đã chiếm được phải lần lượt rút bỏ, hoặc thay đổi chủ nhiều lần. Chúng đã dùng đến các loại bom có sức sát thương và huỷ diệt lớn.
Trận đánh chưa dứt điểm.
Tình hình hết sức khẩn trương.
Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, anh Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, bay ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.
Trong buổi giao ban sáng ngày 2-4, Bộ Tổng Tham mưu báo cáo: Địch hoang mang cực độ. Chiến sự ở ven biển Nam Trung Bộ diễn biến rất nhanh, rất có lợi cho ta.
Anh Tấn nêu ý kiến cần hình thành cánh quân ven biển, gồm các lực lượng vừa giải phóng Đà Nẵng, nhanh chóng tiến quân đánh địch trong hành tiến, tiêu diệt địch và làm chủ các địa bàn chiến lược từ Nha Trang trở vào, không cho địch co cụm về Sài Gòn. Đây cũng là ý kiến đề nghị của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân đoàn II vừa lập chiến công ở Đà Nẵng.
Tôi tán thành đề nghị này và cử ngay anh Tấn sang trình bày với anh Ba. Sau khi trao đổi thêm với tôi, anh Ba hoàn toàn đồng ý.
Ngay lập tức, Thường trực Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lập cánh quân phía đông, gồm Quân đoàn II (thiếu Sư đoàn 324 ở lại Huế). Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh. Nhiệm vụ là vừa đánh địch, vừa mở đường với tốc độ thật nhanh, khẩn trương đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Anh Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh. Ban cán sự Đảng lâm thời do anh Lê Quang Hoà làm Bí thư. Khi vào đến miền Đông Nam Bộ, cánh quân này sẽ thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh mặt trận Sài Gòn; đồng thời thường xuyên báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh.
Trước khi anh Tấn lên đường, thay mặt Thường trực Quân uỷ Trung ương, tôi giao nhiệm vụ cho cánh quân phía đông nhanh chóng tiến theo đường số 1 chọc thủng phòng tuyến địch ở Phan Rang, tiếp đó cùng với các lực lượng B2 đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khống chế sông Lòng Tàu, đặt pháo tầm xa ở Nhơn Trạch hoặc Thành Tuy Hạ chế áp các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn, có phương án vượt sông thọc sâu vào trung tâm thành phố.
Vì đường dài, cần tổ chức hành quân tốt, cho đơn vị nhẹ đi trước, bảo đảm đi thật nhanh, dọc đường chú ý phòng tránh pháo trên tàu chiến của địch. Bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, lãnh đạo bộ đội giữ kỷ luật dân vận, đối xử nhân đạo với tù, hàng binh. Vào đến nơi bắt liên lạc ngay với anh Dũng.
Cuộc tiến quân lịch sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4-4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn II đang hành quân: "Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bât ngờ, chắc thắng".
Ngày 6-4-75, điện của Quân uỷ Trung ương gửi Bộ Tư lệnh Đoàn 559 nêu rõ: "Cần chú trọng coi công tác bảo đảm chi viện và bảo đảm cơ động lực lượng ta vào B2 là công tác trung tâm số 1. V vậy, cần có kế hoạch tổ chức thật tốt công tác này, nhất là bảo đảm việc hành quân của các đơn vị, binh khí kỹ thuật và các nhu cầu đạn dược theo đúng thời gian đã định". Tôi chỉ thị cho anh Đồng Sĩ Nguyên bố trí sở chỉ huy ở Quy Nhơn và anh Hoàng Minh Thảo ở Nha Trang, tổ chức bảo đảm, đôn đốc các đơn vị hành quân theo đường số 1, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến việc bảo đảm hậu cần cho các đơn vị đang tiến quân.
Bức điện của Quân uỷ Trung ương gửi anh Đồng Sĩ Nguyên và Thường vụ Đảng uỷ 559, đánh đi hồi 22 giờ ngày hôm ấy lại nhấn mạnh: "… yêu cầu của mặt trận hết sức gấp, từng ngày, từng giờ. Thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh. Các đồng chí dùng mọi biện pháp tổ chức và đôn đốc các đơn vị hành quân hết sức nhanh, chi viện hết sức gấp, hoàn thành xuất sắc chiến dịch chi viện thần tốc này".
Trên hai trục chính là đường số 1 và đường Trường Sơn, với sự tổ chức khẩn trương của Đoàn 559, sự hỗ trợ tích cực của Quân khu 5, bằng đôi chân vạn dặm và mọi phương tiện có thể có được, các đơn vị khắc phục khó khăn đánh địch mà đi, mở đường mà tiến. Đường sụt lở thì nhân dân quanh vùng ra góp công sửa chữa. Cầu bị địch phá thì ngoài cầu, phà tự hành của công binh, còn có thuyền bè lớn nhỏ của dân. Xe hỏng thì tìm mọi cách sửa chữa, cứu kéo.
Ngày 7-4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường:
"Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nũả. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.
2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ".
Tốc độ hành quân nâng lên không ngừng. Tuy vậy, vẫn còn thấy chậm! Công tác bảo đảm hậu cần hầu như không gặp khó khăn. Đoàn 559 có kế hoạch chu đáo, lại có thêm gạo, đạn, xăng, dầu chiếm được của địch. Quân no, xe pháo đủ nhiên liệu, đạn dược, bộ đội được nhân dân ven đường động viên, giúp đỡ, tốc độ hành quân lại càng tăng.
Ngày 10-4, điện của cánh quân phía đông báo cáo:
- Các anh Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hoà đã đến Nha Trang, đang chuẩn bị đánh Phan Rang.
Phan Rang, nơi cắt rốn chôn rau của Nguyễn Văn Thiệu, là thị xã của tỉnh Ninh Thuận, cách Sài Gòn 315 km về phía bắc. Ở đây có hai hải cảng Tân Thành và Ninh Chữ, có sân bay Thành Sơn với lực lượng một sư đoàn không quân. Đường số 1 và đường sắt chạy qua thị xã, nối hền Sài Gòn với các tỉnh miền Trung vừa được giải phóng. Theo sự đạo diễn của Uâyen, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, địch điều lực lượng dự bị chiến lược ra lập ở đây tuyến phòng thủ từ xa: Phan Rang - Xuân Lộc Tây Ninh. Với hơn một vạn quân tổ chức phòng ngự trên địa hình có lợi, được sự chi viện của cả hải quân và không quân, chúng hy vọng ngăn chặn, cầm chân các binh đoàn chủ lực của ta ở đây cho đến mùa mưa; lúc đó, thời tiết sẽ khó khăn, ta không thể tổ chức đánh lớn ở Sài Gòn và Nam Bộ ít nhất là trong sáu tháng nữa.
Ngày 11-4, có tin địch tăng cường lực lượng cho Phan Rang. Bộ Tổng Tham mưu điện cho anh Tấn hết sức chú ý đến tốc độ tiến quân, nếu thấy đánh Phan Rang không thuận lợi, lại mất thời gian, thì chỉ để một lực lượng bao vây thị xã, còn đại bộ phận tìm cách vòng qua, khắc phục khó khăn về hậu cần và đường sá, tiến nhanh vào miền Đông Nam Bộ.
Ngày 13-4, anh Tấn điện ra báo cáo về hướng phát triển và kế hoạch tác chiến của cánh quân phía đông, về tình hình hậu cần của bộ đội đang tiến quân. Dự kiến giải quyết xong Phan Rang thì phát triển đánh chiếm Bà Rịa, Vũng Tàu, cắt đường Biên Hoà - Vũng Tàu, khống chế sông Lòng Tàu, nhanh chóng đưa pháo 130mm vào Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Nếu địch co cụm về phòng thủ Biên Hoà thì tuỳ tình hình cụ thể, có thể tiến công vòng về đông và đông nam Sài Gòn, vượt sông đột phá vào trọng điểm.
Sáng 14-4, quân ta nổ súng đánh Phan Rang. Trận tiến công diễn ra quyết liệt. Với ý thức sâu sắc về giá trị của thời gian, bộ đội ta nêu cao tinh thần quyết thắng, dũng mãnh xung phong đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Quân địch được phi pháo yểm hộ, dựa vào hệ thống công sự và địa hình có lợi, ngoan cố chống cự.
Hai ngày đầu, ta chỉ mới chiếm được một số mục tiêu ở ngoại vi Phan Rang. Sáng ngày 16-4, Tư lệnh Quân đoàn II Nguyễn Hữu An đưa Sư đoàn 325 bước vào chiến đấu. Phương án tác chiến là tổ chức một đội hình thọc sâu mạnh, dùng xe bánh hơi kết hợp với xe tăng vận chuyển lực lượng, đánh thẳng theo đường số 1 vào chiếm thị xã Phan Rang rồi toả ra tiến sang phía đông chiếm cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, vít chặt đường biển; đồng thời theo đường số 11 đánh ngược lên phía tây bắc, vu hồi vào sườn phía tây của địch, chiếm sân bay Thành Sơn, khoá nốt đường bộ, phối hợp cùng quân và dân địa phương nhanh chóng bao vây, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch.
Kết quả, ta đã đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang, tiêu diệt Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu III nguỵ, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh, Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn biệt động 3 1, một trung đoàn của sư đoàn mới khôi phục, toàn bộ lực lượng của tiểu khu Ninh Thuận, làm chủ cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, chiếm sân bay Thành Sơn, thu gần 40 máy bay còn nguyên vẹn. Bọn chỉ huy đầu sỏ và hàng nghìn sĩ quan, binh lính bị bắt sống trong đó có viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và viên Chuẩn tướng không quân Phạm Ngọc Sang. Quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận.
Được tin chiến thắng, Quân uỷ Trung ương điện gửi lời chào quyết thắng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên Quân đoàn II, Quân khu 5, thăm hỏi đồng bào vùng mới giải phóng, kêu gọi tiếp tục anh dũng tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử. Bộ chỉ thị dùng máy bay đưa ngay Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang ra Hà Nội.
Tin chiến thắng từ mặt trận dồn dập báo về: Các đơn vị thuộc Quân đoàn II đánh chiếm quận lỵ Tuy Phong, vừa đánh chiếm tàu địch, bắn rơi máy bay địch, vừa tác chiến tiêu diệt bộ binh địch, giải phóng các vùng đất trên đường tiến quân, trong đó có các quận lỵ Phan Rí, Hoà Đa và Sông Mao. Thừa thắng, bộ binh và xe tăng của quân đoàn chia thành nhiều mũi xông thẳng vào trung tâm thị xã Phan Thiết, đánh chiếm Sở chỉ huy tiểu khu Bình Thuận, giải phóng quận lỵ Hàm Tân.
Sáng ngày 20-4, bộ phận đầu tiên của cánh quân phía đông gồm Sư đoàn 325 và binh khí, kỹ thuật vào đến Rừng Lá, gần Xuân Lộc. Anh Tấn và anh Hoà cũng đến hền sau đó, và nhanh chóng bắt liên lạc với Bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn. Với tư cách Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Tấn quyết định tăng cường cho Quân đoàn IV Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và pháo, đạn thu được của địch để tiến công dứt điểm Xuân Lộc.
Cuộc tiến quân thần tốc của cánh quân phía đông với hơn 32.000 quân và 2.276 xe, pháo, tăng, thiết giáp qua gần một nghìn kilômét, vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, đánh địch trong hành tiến, là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời, tạo bất ngờ lớn cho quân địch, đập tan ý định co cụm lớn của chúng trên dọc miền duyên hải, đánh thông tuyến đường số 1 từ miền Bắc vào tận cửa ngõ phía đông và đông bắc Sài Gòn, mở thêm một đường tiếp tế hậu cần chiến lược, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, tạo điều kiện hết sức quan trọng và một thế chiến lược rất thuận lợi cho cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Trước tình hình quân địch ở Xuân Lộc còn ngoan cố chống cự, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Miền chỉ thị cho Quân đoàn IV rút kinh nghiệm. Anh Trần Văn Trà đến trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Xuất phát từ nhận định Xuân Lộc chỉ có thể cố thủ khi được nối liền với Biên Hoà, Bộ chỉ huy Miền quyết định thay đổi cách đánh: từ tiến công thẳng vào thị xã chuyển sang đánh các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hoà, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hoà, Trảng Bom lên phản kích.
Thực hiện quyết tâm mới, Quân đoàn IV vừa được tăng cường lực lượng bộ binh và pháo cỡ lớn, tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 nguỵ và một chi đoàn thiết giáp, đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 từ Xuân Lộc đến Bàu Cá, làm chủ đoạn cuối cùng của đường 20 từ Túc Trung đến Dầu Giây, chiếm Núi Thị, Túc Trưng, Kiệm Tân, tiêu diệt quân địch phản kích từ Trảng Bom ra. Hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18 nguỵ cùng với Lữ đoàn 3 thiết giáp bị đánh thiệt hại nặng. Bộ đội địa phương và du kích diệt và bức rút một số đồn địch trên các trục đường giao thông và ven thị xã Không chiếm lại được ngã ba Dầu Giây, lực lượng bị tổn thất nặng, trước nguy cơ bị bao vây, bị tiêu diệt và sức uy hiếp của cánh quân lớn từ phía đông mới tới, ngày 20-4, địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc.
Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyên toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần của quân nguỵ càng thêm suy sụp.
***
Tin chiến thắng làm nức lòng nhân dân cả nước.
Ngày 6-4, trong khí thế chiến thắng, 98,26% trong số mấy chục triệu cử tri trên hậu phương lớn phấn khởi đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khoá V, củng cố thêm vững chắc chế độ dân chủ cộng hoà. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trúng cử với tỷ lệ phiếu cao nhất.
Tất cả cho tiền tuyến.
Cả nước vào trận cuối cùng với mềm tin tất thắng.
Hậu phương lớn tổng động viên nhân, tài, vật lực chi viện cho tiền tuyến lớn. Hầu như toàn bộ lực lượng vận tải trên miền Bắc đều được huy động trong một chiến dịch chi viện lớn nhất từ trước đến nay. Anh Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện miền Nam ngày đêm lo lắng cùng các ngành, các địa phương điều động hàng chục ngàn xe vận tải, hàng trăm toa xe lửa, hơn 30 tàu biển, hàng trăm lần chiếc máy bay vận tải đưa cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật cùng hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện vào chiến trường.
Từ Hà Nội, Nam Định, từng đoàn xe lửa chở đầy bộ đội và vũ khí, đạn dược, hối hả chạy thăng vào Vinh. Từ đây bằng các phương tiện ô tô, tàu thuỷ, người và súng đạn được chuyển tiếp vào miền Đông Nam Bộ.
Các cảng sông, cảng biển ở miền Bắc khẩn trương nhộn nhịp. Tàu thuyền của hải quân, của ngành giao thông vận tải liên tục chở xe tăng, pháo lớn và bộ đội vào Đà Nẵng, từ đó cơ động bằng đường bộ theo đường số 1 vào địa điểm tập kết của hậu cần Miền ở khu vực Dầu Giây.
Các loại máy bay vận tải, máy bay lên thẳng cũng được huy động để chở quân, chở đạn vào chiến trường trọng điểm.
Tại Tổng hành dinh, anh Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, theo dõi lực lượng ở chiến trường, nắm chắc đến từng kho đạn, kho xăng dầu, kho lương thực, chỉ đạo chặt chẽ và ráo riết việc tổ chức hành quân và bao đảm hậu cần.
Trên các trục đường vào Nam, các anh Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Minh Thảo đêm ngày lo đủ đạn dược, nhiên liệu, lương thực, thuốc men cho bộ đội hành quân.
Anh Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng, luôn có mặt trên các đỉnh đèo Tây Nguyên, đôn đốc bộ đội đi nhanh, đến đủ.
Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1975, Đoàn vận tải Trường Sơn vận chuyển vào Nam Bộ 11 vạn 5 nghìn quân và 9 vạn tấn hàng (trong đó có 37.000 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu). Riêng trong những ngày "chuẩn bị nước rút" từ ngày 5 đến 26-4, vừa khai thác vừa vận chuyển, ta đã đưa vào chiến trường 10.100 tấn đạn, 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, 2.600 tấn xăng dầu. Nhiều trạm sửa chữa ôtô, sửa chữa pháo và tăng được bố trí dọc đường, phục vụ cơ động của chiến dịch.
Ở Khu 5, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh quân khu dưới sự lãnh đạo của anh Võ Chí Công và anh Chu Huy Mân, mặc dù đang phải tiếp quản các tỉnh, thành phố, ổn định đời sống cho hàng triệu nhân dân vùng mới giải phóng, vẫn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho phía trước. Một đoàn xe vận tải hơn một trăm chiếc do anh Võ Thứ, Phó Tư lệnh quân khu trực tiếp chỉ huy, mang đạn pháo 130mm hành quân không nghỉ vào tới B2.
Bảo đảm hậu cần để thực hiện phương châm "thần tốc" trong điều kiện của ta lúc này không phải là chuyện dễ. Đường sá sụt lở, cầu cống bị phá hỏng, địch ở dọc, đường, địch ngoài biển ra sức ngăn chặn, thời tiết khắc nghiệt, mưa gió đầu mùa. Phải vượt qua tất cả, bằng sức mạnh của chiến tranh toàn dân, của lòng dũng cảm và trí thông minh, sáng tạo. Nhân dân vùng mới giải phóng ủng hộ hết mình. Chỉ cần một mảnh giấy có chữ ký và con dấu đỏ của Uỷ ban quân quản là có thể huy động được hàng chục, hàng trăm xe tải và cả lái xe chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược ra phía trước.
Trên đường hành quân, có đơn vị do không nắm được tình hình, đã báo cáo về Bộ Tổng tư lệnh là bộ đội thiếu gạo. Lo lắng tốc độ hành quân có thể bị ảnh hưởng, Thường trực Quân uỷ Trung ương dành gần một ngày bàn cách giải quyết. Sau khi kiểm tra lại, anh Hoàng Văn Thái báo cáo gạo không thiếu, các kho đã được bố trí ở dọc đường và điện ngay cho các đơn vị hành quân, nói rõ ở Cam Ranh đã có từ hai đến ba nghìn tấn gạo, xăng dầu cũng đã có ở Quy Nhơn, Nha Trang và Cam Ranh.
Trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh, nổi lên tác dụng to lớn của hậu cần tại chỗ. Ở miền Nam, được sự hỗ trợ tích cực của anh Đinh Đức Thiện, hậu cần Miền do anh Bùi Phùng chỉ huy đã huy động mọi lực lượng vận chuyển vũ khí vào các kho, trạm của chiến dịch, tập trung sửa chữa xe máy, mở đường, bắc cầu. Trục đường 14 từ Đồng Xoài đi Cây Gáo, Bến Bầu được gấp rút thi công. Các đoàn quân hậu cần ở các hướng củng cố và mở rộng tuyến đường chiến dịch với tổng chiều dài hơn 3.000 km. Đặc biệt, trong những ngày hạ tuần tháng 4, hậu cần Miền đã đưa 10.000 cán bộ, chiến sĩ từ tuyến sau lên thành lập 8 tiểu đoàn cơ động, huy động gần 4.000 xe vận tải, hơn 600 thuyền máy, ca nô, hàng nghìn xe đạp thồ và hơn 60 nghìn dân công hoả tuyến, lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với tổng số 10 nghìn giường, phục vụ bộ đội tiến công Sài Gòn - Gia Định.
Lúc này, việc vận chuyển đạn dược và xăng dầu đến ngay các cửa ngõ vào Sài Gòn còn là một vấn đề lớn.
Ngày 20-4, Quân uỷ Trung ương điện khẩn cho Bộ Tư lệnh 559: "Ưu tiên vận chuyển đạn dược: đạn 130mm, 100mm, Đ74, ĐKZ 75 và ĐKZ 82, đạn cối 120mm; pháo 85mm, lựu 122mm. Ưu tiên về xăng dầu thì trước hết là madút và dầu mỡ phụ. Chậm nhất 29-4 có ở Đồng Xoài".
Mệnh lệnh được truyền đạt ngay đến từng kho tàng, binh trạm. Một khối lượng lớn đạn dược, nhiên liệu khẩn trương chuyển vào chiến trường đúng kỳ hạn.
Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng được bảo đảm hậu cần, kỹ thuật mạnh mẽ và hết sức khẩn trương.
--------------------------------
1Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà xuất bản. Sự thật, Hà Nội. 1985, tr. 383.2Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà xuất bản. Sự thật, Hà Nội. 1985, tr. 387.3Đồng chí Trần Văn Trà.4Vũng Tàu.5Đồng chí Trần Văn Danh.6Đồng chí Nguyễn Văn Xô.7Đồng chí Phan Văn Đáng.
Ngay trước khi giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, chiều 29-3-1975, đồng chí Bí thư thứ nhất gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam: "Tình hình biến chuyển mau lẹ.
Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây" 1 .
Chiến thắng lớn, dồn dập, như một phản ứng dây chuyền, nhanh chóng lan ra, càng làm suy yếu bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền từ trung ương đến cơ sở. Bài toán thời gian lúc này không dừng lại ở đáp số tính bằng tháng, mà phải tính bằng ngày. Thế trận chiến tranh nhân dân, với lực lượng bố trí sẵn tại chỗ trên từng chiến trường, từng khu vực, tỏ rõ khả năng chủ động tiến công của quân ta, còn nhanh hơn cả "trực thăng vận" và "cầu hàng không" của Mỹ. Địch ở đâu cũng bị đánh, bị bao vây chia cắt. Chiến lược tổng hợp của ta kết hợp đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận, căng địch ra mà tiêu diệt và đánh rã.
Sáng 31-3, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.
Không khí phấn khởi tràn ngập "Nhà con rồng". Những nét mặt rạng rỡ, những ánh mắt sáng ngời, những cái bắt tay hứa hẹn.
Bắt đầu cuộc họp, anh Ba nêu những vấn đề cần bàn.
Thay mặt Quân uỷ Trung ương, tôi báo cáo tổng quát tình hình chiến trường một tháng qua, đặc biệt nêu rõ diễn biến chiến sự trong hạ tuần tháng 3. Từ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đến cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn chủ lực mạnh của quân nguỵ và khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá huỷ trên 40% cơ sở vật chất và hậu cần của chúng; giải phóng địa bàn hai quân khu gồm 12 tỉnh và gần một nửa số dân ở miền Nam. Âm mưu co cụm chiến lược của địch đã bị phá sản. Chúng đang lâm vào tình trạng hoang mang, bế tắc. Tuy vậy, địch vẫn ngoan cố lập tuyến phòng ngự từ xa, từ Phan Rang trở vào. Chúng hy vọng ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tiến công của ta, giữ thế cầm cự cho tớị mùa mưa, sau đó sẽ củng cố những lực lượng còn lại, phản công tái chiếm các vùng đã mất.
Địch tập trung ở Phan Rang một lực lượng khoảng hai sư đoàn gồm Sư đoàn 2 bộ binh vừa được khôi phục. Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn 31 biệt động quân, có Sư đoàn 6 không quân đóng ở sân bay Thành Sơn yểm trợ. Đồng thời, chúng tập trung mọi cố gắng thu thập tàn quân, chấn chỉnh các đơn vị còn lại, điều chỉnh thế bố trí nhằm tăng cường phòng thủ khu vực Sài Gòn - Gia Định và đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía ta, với trận Huế - Đà Nẵng, ta đã bắt đầu chuyển sang Tổng tiến công chiến lược. Quân ta đang trong thế thừa thắng xông lên. Ta hoàn toàn có khả năng tập trung lực lượng cả nước đến mức cao nhất, áp đảo địch trên chiến trường trọng điểm là Sài Gòn. Thời cơ lớn đã xuất hiện. Chắc chắn ta sẽ giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này. Tôi đề nghị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, thực hiện bao vây chiến lược ở phía đông và phía tây Sài Gòn - Gia Định, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch. Đánh một trận là thắng. Phương châm là "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng!".
Các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị phát biểu ý kiến, đồng ý với đề nghị của Quân uỷ Trung ương. Anh Trường Chinh tâm đắc với phương án thọc sâu mà anh gọi là "percée stratégique" (thọc sâu chiến lược).
Hội nghị nhất trí nhận định những nhân tố mới đã xuất hiện rõ nét trong trận Đà Nẵng. Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn nguỵ sụp đổ.
Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khới nghĩa trong thời gian sớm nhất.
Phương thức tác chiến chiến lược của ta là phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược (chủ lực, nông thôn và thành thị), từ ngoài đánh vào, kết hợp với lực lượng tại chỗ từ trong đánh ra, lấy chủ lực từ ngoài đánh vào là quyết định, tập trung lực lượng tiến công địch, nhanh chóng lợi dụng thời cơ, dồn dập phát triển thắng lợi.
Về bố trí lực lượng chiến lược, Bộ Chính trị chủ trương gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, chia cắt và bao vây chiến lược ở hướng tây nam, triệt đường số 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long. Các lực lượng phía đông đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, bao vây Sài Gòn từ hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Quả đấm chu lực phải thật mạnh, kể cả binh khí kỹ thuật, sẵn sàng đánh thẳng vào các mục tiêu hiểm yếu và quan trọng nhất của địch ở trung tâm Sài Gòn khi thời cơ xuất hiện. Ở đồng bằng sông Cửu Long, các lực lượng quân sự, chính trị hoạt động mạnh, giải phóng các địa phương, phối hợp với mặt trận trọng điếm.
Ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch hành động với lực lượng sẵn có trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Các lực lượng của ta ở Tây Nguyên cần nhanh chóng tiên vào chiến trường trọng điểm. Bộ Tổng Tham mưu đôn đốc cho Quân đoàn I khẩn trương vào kịp thời gian.
Cuộc họp kết thúc.
Đồng chí Bí thư thứ nhất điện ngay vào chiến trường:
"Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm". Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất.
Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ", phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc" 2 .
Từ cuộc họp ngày 31-3-1975, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt. Quyết tâm của Bộ Chính trị cổ vũ mạnh mẽ nhiệt tình cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Tất cả cho ngày toàn thắng.
Chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, chuẩn bị đón thời cơ lịch sử. Trên các trục đường chiến lược, các cánh quân lớn thần tốc đổ vào chiến trường trọng điểm. Từ núi rừng Tây Nguyên vừa giải phóng, Quân đoàn III cùng các binh khí kỹ thuật tiến về hướng Sài Gòn với khí thế chiến thắng. Từ hậu phương lớn miền Bắc, Quân đoàn I tiến vào miền Nam không kể ngày đêm. Cánh quân phía đông mới được thành lập, ngoài dự kiến ban đầu, khẩn trương tiến dọc miền duyên hải theo đường số 1. Hậu phương, lớn huy động tối đa sức người, sức của, chi viện tiền tuyến. Các cơ quan Tổng hành dinh luôn mắt luôn tay, khẩn trương, phấn khởi. Lúc này, ai cũng thấm thía về giá trị của thời gian. Kim đồng hồ như chạy nhanh hơn.
Ngày tháng như ngắn lại.
Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị, tôi suy nghĩ nhiều về trận chiến đấu sẽ diễn ra trên chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với Tổng Tham mưu phó Cao Văn Khánh và Cục trưởng Tác chiến Lê Hữu Đức, ngày 1-4, tôi điện vào B2:
"Đúng như Bộ Chính trị đã nhận định, chiến tranh cách mạng ở miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Hiện nay ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều.
Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ,, tranh thủ vào trung tuần tháng 4 thì bắt đầu cuộc tiến công quy mô lớn vào Sài Gòn. Làm được như vậy thì thuận lợi nhất, bảo đảm thắng lợi giòn giã nhất. Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng lớn nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh Sài Gòn nhưng chúng cho rằng ta cần chuẩn bị một - hai tháng. Vì vậy, bất ngờ hiện nay chủ yếu là ở khâu thời gian. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi tập trung lực lượng đông đủ mới làm ăn. Chính theo ý nghĩa đó mà Bộ Chính trị đã khẳng định từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược Sài Gòn đã bắt đầu.
Giữa hai phương án cơ bản, một là bao vây dài ngày tạo điều kiện rồi dứt điểm, hai là tiến công táo bạo từ đầu, đánh nhanh, dứt điểm nhanh, thì nay nên chọn phương án 2, tức là làm thật nhanh, thật táo bạo; đồng thời có sự chuẩn bị trong điều kiện nào đó nếu cần thì chủ động chuyển sang phương án 1 cũng nhằm giành thắng lợi cuối cùng trong một thời gian ngắn. Với lực lượng sẵn có, cần hành động kịp thời để lợi dụng mọi thời cơ cụ thể do địch hoang mang và lúng túng đưa lại, tiến công liên tiếp, giành thắng lợi liên tiếp, làm đảo lộn mọi mưu đồ chấn chỉnh lực lượng hoặc tăng cường viện trợ của Mỹ.
Thời gian hiện nay phải tính từng ngày. Phải "thần tốc thần tốc, toàn thắng, nhất định toàn thắng".
Ngày 2-4, trong buổi giao ban, trên cơ sở phân tích tình hình các mặt trận, Quân uỷ Trung ương điện khẩn cho Quân uỷ Miền và Bộ Tư lệnh B2: "Trong lúc chuẩn bị kế hoạch lớn, ta cần có kế hoạch tức khắc tập trung pháo lớn, phần nào xe tăng và bộ binh nhân lúc địch hoang mang diệt bọn bại binh mới chạy về, tiêu diệt một bộ phận F18, đánh chiếm Xuân Lộc, áp sát Biên Hoà. Khống chế được sân bay Biên Hoà thì không quân mất tác dụng, địch ở Sài Gòn sẽ hoang mang to".
Ngoài các nguồn tin kỹ thuật của Cục Quân báo, tin tức công khai do các phóng viên nước ngoài ở miền Nam đánh đi từ Sài Gòn mà Thông tấn xã Việt Nam thu được cung cấp thêm nhiều tình hình sốt dẻo.
Quân uỷ Trung ương điện tiếp cho anh Phạm Hùng, đồng điện cho anh Văn Tiến Dũng và anh Trần Văn Trà:
"… 2. Sài Gòn hiện bắt đầu hoảng loạn, có thể xảy ra biến động chính trị trong nội bộ địch. Mặt trận Cam Ranh - Phan Rang vỡ, bọn tàn quân chạy về sẽ gây rối lớn.
3. Theo tinh thần hành động táo bạo, kịp thời của Bộ Chính trị, chúng tôi có ý kiến Trung ương Cục và Quân uỷ Miền cần có một kế hoạch hành động ngay với lực lượng sẵn có, dựa vào kế hoạch bước 1 của anh Tư 3 , nhưng nay làm nhanh và mạnh, không điều động xáo trộn.
4. Cụ thể:
a) Phía đông tập trung lực lượng tăng, pháo thật mạnh đánh ngay bọn F18, tiêu diệt Xuân Lộc, áp sát Biên Hoà, triển khai ngay pháo nặng khống chế sân bay Biên Hoà, có điều kiện tốt hay lực lượng mới sẽ đánh chiếm Ô Cấp 4 , cắt sông Lòng Tàu, b) Phía tây, với lực lượng hiện có, nên giao bộ đội địa phương bao vây Mộc Hoá, còn chủ lực Miền và khu thì tập trung đánh xuống đường số 4 nhanh hơn, thực hiện nhanh chia cắt và bao vây chiến lược. Nghiên cứu kế hoạch tăng lực lượng tiếp, c) Hiện nay, tình hình có thể chuyển biến mau lẹ. F9 cần nằm trong tay Trung ương Cục, sẵn sàng hành động khi có thời cơ, chưa nên điều đi hướng khác trong khi lực lượng mới chưa vào.
5. Trong lúc đó, tiếp tục nghiên cứu kế hoạch hành động tiếp với lực lượng và binh khí kỹ thuật được tăng thêm".
Biết các anh ở Miền đang rất cần thêm lực lượng cho chiến trường trọng điểm, tôi thông báo cho anh Trà biết Quân uỷ Trung ương đã điện cho anh Văn Tiến Dũng tranh thủ thời gian đưa lực lượng từ Tây Nguyên xuống càng nhanh càng tốt; Quân đoàn I và các đơn vị kỹ thuật cũng đang khẩn trương tiến vào tăng cường cho B2.
***
Các nguồn tin cho biết:
Trong khi quân ta thần tốc từ các hướng tiến về Sài Gòn, thì Bộ Tổng Tham mưu nguỵ tính toán: đối phương chỉ có khả năng tăng cường cho miền Đông Nam Bộ nhiều nhất là một quân đoàn, và muốn đưa lực lượng ấy vào tới chiến trường, phải mất ít nhất là hai tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Sơlétxinhgiơ thì coi việc mất Đà Nẵng là "một trận chiến chính, nhưng tương đối nhỏ".
Còn Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho sau này đã viết hồi ký về thời đó: "Mọi người đều biết rằng những vấn đề ở Nam Việt Nam rất nghiêm trọng, nhưng dường như không ai biết được nguy kịch đến mức nào!".
Kiểm lại lực lượng, Thiệu chủ trương giữ toàn bộ Quân khu III và Quân khu IV, lập tuyến phòng thủ từ Phan Rang trở vào, giữ chặt Tây Ninh, lấy Tây Ninh làm hướng phòng thủ chính ngăn chặn quân ta thọc vào Sài Gòn, giữ trục đường 13, giữ thị trấn Xuân Lộc, ngăn không để "Việt cộng" áp sát đường 15, Nhơn Trạch để pháo kích vào Sài Gòn.
Ngày 2-4, Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân nguỵ hò hét: "Cố thủ từ Phan Rang trở lại". Viên tướng phụ trách hậu cần Đồng Văn Khuyên hùng hổ tuyên bố. "Bằng bất cứ giá nào, phải cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng đánh xả láng tại đó!".
Thiệu cử Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III ra trấn giữ Phan Rang, đồng thời ra lệnh gấp rút khôi phục một số tàn quân từ phía bắc chạy vào, củng cố tuyến phòng ngự chung quanh Sài Gòn. Trong khi đó, Thiệu bí mật chở vàng bạc, đá quý sang Đài Loan và Canada. Toàn lại chỉ thị cho Nguyễn Vĩnh Nghi thành lập sở chỉ huy tiền phương ở Phan Rang, còn mình lui về phía sau, nói là "để tăng cường cho Xuân Lộc"(!)
Tổng thống Mỹ cử Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ đến Sài Gòn để nắm tình hình, mang theo một liều thuốc an thần cuối cùng gồm một số súng cỡ lớn được bốc dỡ ở sân bay Tân Sơn Nhất trước ống kính camera giữa thanh thiên bạch nhật, và chiếu ngay lên màn ảnh truyền hình.
Thế nhưng lần này, trò lừa mị vụng về xem ra không còn tác dụng, vì con bệnh đang hấp hối đã quen thuốc mất rồi! Thật ra, quân nguỵ lúc này cần đạn hơn cần súng. Và các khẩu pháo đâu có thể thay được việc ném bom bằng B52 như Thiệu đã van xin? Phrêđêrích Uâyen, viên tướng bốn sao đã phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam tháng 3-1973, không thể làm gì hơn trước sự thất vọng của Thiệu. Ông ta chỉ có nhiệm vụ "xem xét những khả năng mà Mỹ có thể làm để ủng hộ Nam Việt Nam", và sẽ trở về Mỹ tường trình với Tổng thống Pho lúc này đang còn đi nghỉ mát!
***
Trở lại với chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ.
Từ khi mở màn chiến dịch Tây Nguyên, nhất là sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, tình hình phát triển rất nhanh.
Báo cáo của Quân uỷ Miền và Bộ Tư lệnh B2 cho biết:
- Thực hiện kế hoạch đợt hai mùa khô 1974-1975 của Bộ Tư lệnh Miền đã được Trung ương Cục thông qua, từ đêm 9 rạng ngày 10-3-1975, phối hợp với các chiến trường toàn miền Nam, quân và dân ta từ núi rừng Khu 6 đến đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy, đồng loạt xông lên diệt địch, giành thắng lợi giòn giã.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân Quân khu IX tiêu diệt phân chi khu Hựu Thành, vây lấn yếu khu Thầy Phó, diệt gọn hai tiểu đoàn địch đến tăng viện, giải phóng chi khu Thuận Thới, đồn Cầu Sắt. Trước sức tiến công của ta, quân địch ở yếu khu Thầy Phó tháo chạy. Ta tiếp tục tiến công lên hướng Tam Bình, diệt phân chi khu Ba Kè, làm chủ đoạn sông Mang Thít, tiếp đó phát triển tiến công diệt 50 đồn địch, làm chủ đường 16, uy hiếp đường 4, áp sát Vĩnh Long. Được quân chủ lực hỗ trợ, bộ đội và du kích Vĩnh Trà tiến công giải phóng Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Kè. Tỉnh uỷ và tỉnh đội Trà Vinh lập thêm được ba tiểu đoàn tập trung, tổ chức lực lượng chính trị, binh vận, đưa vũ khí và cán bộ vào thị xã phát động quần chúng chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền. Ngày 12-3, quân ta đánh chiếm chi khu Bình Minh, diệt phân chi khu Mỹ Thuận, giải phóng vùng bắc sông Hậu, đặt pháo 105mm ở bắc Cái Vồn bắn vào sở chỉ huy Quân đoàn IV nguỵ và sân bay Trà Nóc. Sư đoàn 4 diệt đồn ông Tháp, đánh chiếm căn cứ Bà Đầm, vây ép Ô Nai, Ô Môn, chuẩn bị tiến công Cần Thơ. Ở Quân khu 8, quân ta diệt hai tiểu đoàn địch ở căn cứ Ngã Sáu, phá vỡ hệ thống đồn bốt địch ở khu vực kênh mới và kênh Nguyễn Văn Tiếp B, mở vùng giải phóng rộng lớn từ huyện Cái Bè (Mỹ Tho) đến Mỹ An, Kiên Văn (Sa Đéc), diệt địch ở bắc Cai Lậy, cắt đường 12, vây ép Mỹ Tho.
Trên hướng Kiến Tường - Long An, quân ta tiến công đánh thông hành lang Tây Ninh xuống Đồng Tháp Mười, làm chủ một vùng rộng lớn ở bờ tây sông Vàm Cỏ Đông, cắt đứt đường 4, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng tây. Đoàn 232 được anh Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền trực tiếp chỉ huy, chuẩn bị tiến công Sài Gòn từ hướng tây và hướng nam.
Ở miền Đông Nam Bộ, các đội biệt động, đội công tác bí mật và bộ đội đặc công áp sát các vị trí xung yếu xung quanh thành phố Sài Gòn, diệt địch ở Phú Hoà Đông, bốt đường 8, Tân Thạnh Tây, Tổng Thôn, Thới Mỹ, sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở Tân Túc, bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt dọc hành lang vào nội đô, tiêu huỷ kho chứa chất độc hoá học ở Thủ Đức, kho xăng Vũng Bèo. Sư đoàn 9 tăng cường tiến công chi khu quân sụ Tri Tâm, giải phóng quận Dầu Tiếng, Bến Củi, diệt cứ điểm Suối ông Hùng, đánh chiếm Cầu Khởi, diệt và làm bị thương trên 3.000 tên địch, phá huỷ và thu 61 xe quân sự, 6 khẩu pháo, 1.000 súng các loại, giải phóng Dầu Tiếng, thị xã An Lộc và toàn tỉnh Bình Long, tạo địa bàn đứng chân cho quân ta tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch từ hướng tây bắc. Miền Đông Nam Bộ đã mở được một vùng giải phóng kéo dài từ bắc Tây Ninh qua Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Chơn Thành, từ Mỏ Vẹt đến La Ngà qua Hoài Đức, Tánh Linh, từ đường số 1 đến nam đường số 2, Bà Rịa.
Như vậy là trong vòng một tháng, quân và dân Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ tích cực phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Trị - Thiên - Huế, Quảng Đà đã tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Quân khu 6, hình thành bao vây, tạo thế cho các cánh quân trên các hướng tiến công Sài Gòn - Gia Định.
Các hoạt động chống phá "bình định" của đồng bào và chiến sĩ phát triển nhanh chóng. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận lên mạnh. Khắp miền sông Tiền, sông Hậu, liên tiếp nổ ra hàng nghìn cuộc đấu tranh trực diện với địch. Đồng bào nổi dậy tố cáo tội ác của địch, trừng trị bọn ác ôn có nhiều nợ máu. Nhân dân đắp cản, ngăn sông, chặn tàu chiến địch, cắt đứt những con đường thuỷ huyết mạch hhư kênh Mang Thít ở Vĩnh Long, kênh Xáng Xẻo Rô ở nam Rạch Giá. Thanh niên hăng hái tòng quân, lực lượng vũ trang ở đồng bằng phát triển rất nhanh. Đông đảo quần chúng phục vụ bộ đội, tham gia các tổ chức cách mạng ở địa phương.
Trên cơ sở tình hình chung do Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương thông báo, căn cứ vào các bức điện chỉ đạo của đồng chí Bí thư thứ nhất, của Quân uỷ Trung ương và tình hình thực tế của chiến trường trọng điểm, ngày 29-3-1975, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết 15-TWC nêu rõ: "Cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam không những đã bước vào thời kỳ phát triển nhảy vọt mà thời cơ chuẩn bị để tiến hành cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch cũng đã chín muồi. Tù giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà". Nghị quyết nêu rõ cần tăng cường lãnh đạo đòn nổi dậy của quần chúng làm hậu thuẫn cho đòn tiến công quân sự và nhấn mạnh:
"Phải thật tập trung từng giờ, từng ngày, từng tháng, từ đầu tháng 4-1975 này". Đây là một Nghị quyết phù hợp với tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, chứng tỏ sự sáng suốt, nhạy bén của các đồng chí lãnh đạo B2, được các địa phương chấp hành tích cực và có hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền vạch kế hoạch tiến công Sài Gòn với lực lượng bản thân hiện có. Kế hoạch dự kiến tiến công vào nội đô trên năm hướng: hướng đông do Quân đoàn IV đảm nhiệm; hướng tây bắc do Sư đoàn 9 và các Trung đoàn 16, 271B; hướng tây do Đoàn 232 gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3/B2 và các lữ đoàn binh chủng; hướng nam do Trung đoàn 88 và 21 của Quân khu 8 phụ trách; hướng bắc được giao cho Trung đoàn Gla Định, sẽ được tăng cường thêm lực lượng đặc công, biệt động và lực lượng của Trung ương điều vào, nếu có. Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền chủ trương tiến công diệt địch ở Xuân Lộc, áp sát Biên Hoà, Đoàn 232 chuẩn bị chiếm Mộc Hoá, đưa lực lượng xuống cắt đường số 4 kết hợp với chủ lực Quân khu 8 diệt Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 nguỵ.
Thực hiện thắng lợi bước này, sẽ gây biến động lón về quân sự, chính trị trong nguỵ quân, nguỵ quyền. Nắm lấy thời cơ ấy, sẽ phát động nhân dân nổi dậy, kết hợp công kích quân sự với khởi nghĩa của quần chúng, trong đánh ra ngoài đánh vào, nhằm năm mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và dinh Độc Lập. Kế hoạch được Trung ương Cục nhất trí và báo cáo ra Trung ương.
***
Hạ tuần tháng 3-1975.
Ngay sau chiến thắng Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị chủ lực thừa thắng phát triển tiến công về hướng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ theo các trục đường số 19, số 7 và số 21. Sư đoàn 10 tiến theo đường 21, tiêu diệt lữ đoàn dù trên đèo Phượng Hoàng, giải phóng quận lỵ Khánh Dương.
Sư đoàn 320 sau khi giải phóng Củng Sơn, theo đường số 7 tiến xuống Tuy Hoà. Sư đoàn 3 Quân khu 5 tiêu diệt căn cứ địch ở An Khê, sau đó phối hợp với Sư đoàn 968 tiêu diệt phần lớn Sư đoàn 22 nguỵ trong một trận từ Phú Phong đến sân bay Gò Quánh. Bọn tàn quân của Sư đoàn 22 bị quân và dân Bình Định tiến công làm tan rã hoàn toàn.
Ngày 27-3, tại cuộc họp với Bộ Tư lệnh Tây Nguyên, trong không khí phấn khởi, quyết tâm, anh Văn Tiến Dũng công bố thành lập Quân đoàn III gồm các Sư đoàn 10, 320 và 316 theo quyết định của Bộ Tổng tư lệnh. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới, càng đánh càng mạnh của quân đội ta trong quá trình cuộc tiến công chiến lược.
Với khí thế tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, quân và dân ta đã tích cực đánh địch trên khắp các tỉnh ven biển miền Trung, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch còn lại, liên tiếp giải phóng các tỉnh, thành phố thuộc vùng Quân khu II nguỵ. Ngày 1-4, hai tỉnh Bình Định, Phú Yên với thành phố Quy Nhơn và thị xã Tuy Hoà được giải phóng. Từ ngày 2 đến ngày 3-4, tỉnh Khánh Hoà với thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh được giải phóng. Trước đó, ngày 24-3, tỉnh Quảng Đức với thị xã Gia Nghĩa được giải phóng.
Lúc này có một sự kiện đáng ghi nhớ. Đó là việc điều động sử dụng Sư đoàn 10 của Quân đoàn III. Như trên đã nói, sau ngày giải phóng Đà Nẵng, chủ trương của Quân uỷ Trung ương được sự nhất trí của Bộ Chính trị là tập trung toàn bộ lực lượng ở nam Tây Nguyên nhanh chóng tiến thẳng xuống, miền Đông Nam Bộ.
Trên đường vào B2, anh Lê Đức Thọ cũng đã phổ biến cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên về chủ trương này. Nhưng trước đó, trong tình hình bộ đội ta đang truy kích tiêu diệt địch, anh Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh Tây Nguyên đã lệnh cho Sư đoàn 10 tiến ra hướng biển, xuống Nha Trang, Cam Ranh. Khi biết chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các anh băn khoăn đến mất ngủ, lo lắng, như vậy có trái với ý định của cấp trên hay không. Cuối cùng các anh xác định là báo cáo lên Trung ương và chịu trách nhiệm. Ngay sau đó anh Văn Tiến Dũng điện ngay cho tôi trình bày về vấn đề này, nói rõ cuộc tiến quân đang phát triển thuận lợi, Nha Trang, Cam Ranh là hai mục tiêu chiến lược quan trọng, tính toán thời gian sư đoàn có thể hoàn thành nhiệm vụ giải phóng hai nơi này, sau đó quay lên đường 11 rồi theo đường 20 tiến xuống vị trí tập kết ở miền Đông, thời gian cũng không chậm là bao.
Nhận điện của anh Dũng, lại có tin ta đã giải phóng Quy Nhơn, địch đang rút khỏi Tuy Hoà, chuẩn bị bỏ Nha Trang, Cam Ranh, tôi lập tức trả lời bằng bức điện số 940 ngày 20-3-1975: "Chúng tôi bàn với anh Ba nhất trí cho rằng ta cần có chủ trương thật linh hoạt để lợi dụng thời cơ cụ thể này, tức là tập trung Sư đoàn 10 nhanh chóng tiêu diệt quân dù và bọn địch còn lại, đánh chiếm Nha Trang, Cam Ranh rồi tiến về phía nam".
Bức điện làm cho các anh rất yên lòng. 8 giờ sáng ngày 31-3, anh Dũng điện ngay cho tôi: "Tôi mừng quá. Thật là tâm đầu ý hợp giữa lãnh đạo và người ở chiến trường".
Thực tế đã cho thấy việc điều động và sử dụng Sư đoàn 10 như vậy là đúng. Sau khi giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, sư đoàn đã từ Ba Ngòi nhanh chóng xuyên qua căn cứ Bác ái sang đường 11, lên Tuyên Đức rồi theo đường 20 tiến về vị trí tập kết của Quân đoàn III trên hướng Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong khi Quân đoàn III tiến công địch trong hành tiến, ào ạt tiến quân vào chiến trường trọng điểm, thì Quân đoàn I từ miền Bắc theo đường số 1 rồi theo tuyến Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn và đường 14, khắc phục mọi khó khăn về cầu đường, thời tiết, thần tốc tiến như một dòng thác mạnh đổ xuống phía nam. Trên đường tiến quân, quân đoàn tổ chức thành từng khối, hành quân bằng cơ giới, có pháo cao xạ bảo vệ. Núi rừng Trường Sơn sôi động. Các đoàn xe, pháo nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm, quyết tâm đến vị trí tập kết ở Đồng Xoài đúng thời gian vào trung tuần tháng 4, kịp tham gia chiến đấu. Binh đoàn dự bị chiến lược ra quân với khí thế hào hùng, phấn khởi mang theo cả mềm tin quyết thắng của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, tăng cường thêm một "quả đấm thép" cho chiến trường trọng điểm trong trận quyết chiến cuối cùng.
Trong thời gian này, Sư đoàn 7 cùng một bộ phận Sư đoàn 341 và lực lượng địa phương đánh chiếm chi khu quân sự Định Quán, diệt yếu khu Gia Ray, khống chế đường 20. Ngày 28-3, sư đoàn dùng xe cơ giới theo đường 20, phối hợp với các lực lượng ém sẵn, tiến công giải phóng thị xã Lâm Đồng, sau đó cùng bộ đội Khu 6 đánh chiếm cao nguyên Di Linh, ngày 4-4 phát triển lên đánh chiếm thành phố Đà Lạt. Trung đoàn 812 truy kích địch từ Đà Lạt đến sân bay Thành Sơn, tạo điều kiện cho Sư đoàn 10 từ Cam Ranh xuyên qua Bác ái theo đường 11 và đường 20 tiến vào miền Đông Nam Bộ.
Ở hướng Bình Tuy, Long Khánh, Sư đoàn 6 cùng bộ đội địa phương và du kích tiến công giải phóng đường số 4, phát triển tiến công địch trên đường số 1 từ Suối Cát đến Rừng Lá (Bình Tuy).
Đến lúc này, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn, hai quân khu mạnh của địch, giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung, Tây Nguyên, nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, hình thành thế bao vây Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 3-4, anh Văn Tiến Dũng cùng Đoàn A.75 vào đến Sở chỉ huy Miền. Anh Đinh Đức Thiện đến liền sau đó. Mấy hôm sau, anh Lê Đức Thọ cũng vào đến nơi. Với tinh thần tích cực, khẩn trương, ngày 7-4-1975, Trung ương Cục duyệt kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định.
Tư liệu sau này cho biết: anh Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục chủ trì cuộc họp. Kế hoạch tác chiến chiến dịch do anh Lê Ngọc Hiền trình bày gồm hai bước:
Trước mắt, từ ngày 8-4 tiến công chia cắt chiến lược và bao vây đánh trận "rúng động", đánh vùng ven và 8 mục tiêu trong nội thành, chuẩn bị cho tổng tiến công. Nếu thuận lợi địch tan rã, thì phát triển thọc sâu ngay, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm thành phố.
Bước hai dự kiến từ ngày 15 đến 20-4, thực hiện đột kích Sài Gòn trên năm hướng. Lực lượng sử dụng từ ba đến năm sư đoàn chủ lực, bảy đoàn đặc công, 60 tổ biệt động, cùng với lực lượng du kích và khoảng 50 ngàn quần chúng nổi dậy tại chỗ. Anh Trần Văn Trà báo cáo thêm về địa hình vùng phụ cận Sài Gòn, về bố trí của địch trong nội thành, lực lượng không quân và hải quân nguỵ, và nêu rõ tiêu diệt được Sư đoàn 18 nguỵ, thực hành bao vây cô lập Sài Gòn, sẽ làm "rúng động" toàn bộ và nảy ra thời cơ mới. Nếu địch co cụm thì chuẩn bị thêm lực lượng, nhưng phải giải quyết xong trong tháng 4.
Các anh Ba Trần 5 , Trần Lương, Hai Xô 6 , Hai Văn 7 , Đồng Văn Cống, Lê Văn Tưởng, Đinh Đức Thiện biểu thị nhất trí với kế hoạch, đề nghị cần tranh thủ bất ngờ, bảo đảm hậu cần, đẩy mạnh binh vận, chú trọng tổ chức quân quản thành phố. Anh Võ Văn Kiệt tin tưởng nhất định thắng, nhấn mạnh cần đưa ngay chủ lực vào sâu trong thành phố, vận động quần chúng bung ra, giành thắng lợi thật nhanh, thật kịp thời, đỡ vất vả. Anh Nguyễn Văn Linh thấy cần tiến công liên tục, không nên có khoảng cách, làm cho địch không kịp trở tay.
Hào hứng, phấn khởi, đầy trách nhiệm, các anh phân tích sâu sắc tình hình, đề ra nhiều ý kiến đi sâu vào từng khía cạnh cụ thể.
Kết luận hội nghị, anh Phạm Hùng nêu rõ sự nhất trí, phấn khởi đối với kế hoạch tiến công. Nếu cắt được đường số 4 và diệt được Sư đoàn 18 thì đột kích ngay, không chờ lực lượng vào đủ. Cần tổ chức hiệp đồng, tập trung lãnh đạo bảo đảm các mặt để giành chiến thắng.
Về tổ chức chỉ huy, sẽ bàn thêm với anh Lê Đức Thọ.
Anh Văn Tiến Dũng thay mặt cơ quan tiền phương Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phát biểu ý kiến. Rất mừng trước việc Trung ương Cục, Quân uỷ Miền biểu thị sự nhất trí về kế hoạch tiến công Sài Gòn, anh nhấn mạnh ta có ưu thế về lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, cần dứt điểm càng nhanh càng tốt. Anh nói đã điện ra đề nghị Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đốc thúc tăng cường lực lượng vào chiến trường trọng điểm.
Ngày hôm sau, trong buổi làm việc với Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, anh Lê Đức Thọ phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình chiến sự, âm mưu của địch, chủ trương của ta, công bố quyết định ngày 6-4 của Bộ Chính trị thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định: Anh Văn Tiến Dũng là Tư lệnh; anh Phạm Hùng, Chính uỷ; các anh Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh; anh Lê Quang Hoà, Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị; anh Lê Ngọc Hiền, quyền Tham mưu trưởng. Anh Lê Đức Thọ tham gia Trung ương Cục và Đảng uỷ mặt trận. Trong dịp này, Trung ương Cục phân công anh Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục, đặc trách phong trào nổi dậy của quần chúng, nhất là ở Sài Gòn. Anh Võ Văn Kiệt, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục, chỉ đạo việc tiếp quản thành phố.
Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch khẩn trương bắt tay vào việc. Đầu tiên, các anh nhất trí điện ra Trung ương đề nghị đặt tên của Bác Hồ kính yêu cho chiến dịch quyết định sắp diễn ra.
Ngày 14-4-1975, thể theo đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong bức điện số 37 TK, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời ý nguyện thiết tha và thiêng liêng ấy: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh ".
Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm được vinh dự mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
***
Theo kế hoạch đã định, ngày 9-4, những trận đánh cắt đường số 4 ở phía tây Sài Gòn và trận tiến công Xuân Lộc bắt đầu.
Sư đoàn 5 tiến công địch ở thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An không thành công. Tuy vậy, sư đoàn đã đánh thiệt hại nặng một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 7 nguỵ và một trung đoàn thiết giáp, diệt 80 đồn bốt lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng, uy hiếp đường số 4. Lực lượng vũ trang Quân khu 8 tiến công làm chủ từng thời gian đường Tân Hiệp - Cái Bè (Mỹ Tho). Các lực lượng vũ trang Quân khu IX tiến công địch ở Cái Vồn, Ba Càng (Vĩnh Long).
Trên hướng đông, Quân đoàn IV dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của các anh Hoàng Cầm, Tư lệnh và Hoàng Thế Thiện, Chính uỷ, mở cuộc tiến công vào Xuân Lộc, "cánh cửa thép" trên tuyến phòng ngự Sài Gòn và Vùng III chiến thuật. Nơi đây, địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm Sư đoàn 18 và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng Phrêđêrích Uâyen cho rằng: "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 hò hét "tử thủ" bằng mọi giá.
Trận đánh diễn ra quyết liệt và phức tạp.
Theo báo cáo, trong đêm 9 rạng ngày 10-4, bằng nhiều mũi tiến công, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự thị xã, chiếm được nhiều mục tiêu, cắm cờ cách mạng lên dinh tỉnh trưởng nguỵ. Tuy bị thiệt hại nặng, địch vẫn cố thủ. Ngày 10-4, chúng dùng trực thăng đổ bộ một lữ đoàn dù xuống ven thị xã, tiếp đó, tăng viện thêm hai lữ đoàn thuỷ quân lục chiến, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 5, tám tiểu đoàn pháo binh và hai chiến đoàn xe tăng, thiết giáp. Dựa vào quân tăng viện và sự chi viện của không quân, địch điên cuồng phản kích, gây cho ta nhiều tổn thất. Nhiều vị trí ta đã chiếm được phải lần lượt rút bỏ, hoặc thay đổi chủ nhiều lần. Chúng đã dùng đến các loại bom có sức sát thương và huỷ diệt lớn.
Trận đánh chưa dứt điểm.
Tình hình hết sức khẩn trương.
Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, anh Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, bay ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.
Trong buổi giao ban sáng ngày 2-4, Bộ Tổng Tham mưu báo cáo: Địch hoang mang cực độ. Chiến sự ở ven biển Nam Trung Bộ diễn biến rất nhanh, rất có lợi cho ta.
Anh Tấn nêu ý kiến cần hình thành cánh quân ven biển, gồm các lực lượng vừa giải phóng Đà Nẵng, nhanh chóng tiến quân đánh địch trong hành tiến, tiêu diệt địch và làm chủ các địa bàn chiến lược từ Nha Trang trở vào, không cho địch co cụm về Sài Gòn. Đây cũng là ý kiến đề nghị của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân đoàn II vừa lập chiến công ở Đà Nẵng.
Tôi tán thành đề nghị này và cử ngay anh Tấn sang trình bày với anh Ba. Sau khi trao đổi thêm với tôi, anh Ba hoàn toàn đồng ý.
Ngay lập tức, Thường trực Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lập cánh quân phía đông, gồm Quân đoàn II (thiếu Sư đoàn 324 ở lại Huế). Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh. Nhiệm vụ là vừa đánh địch, vừa mở đường với tốc độ thật nhanh, khẩn trương đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Anh Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh. Ban cán sự Đảng lâm thời do anh Lê Quang Hoà làm Bí thư. Khi vào đến miền Đông Nam Bộ, cánh quân này sẽ thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh mặt trận Sài Gòn; đồng thời thường xuyên báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh.
Trước khi anh Tấn lên đường, thay mặt Thường trực Quân uỷ Trung ương, tôi giao nhiệm vụ cho cánh quân phía đông nhanh chóng tiến theo đường số 1 chọc thủng phòng tuyến địch ở Phan Rang, tiếp đó cùng với các lực lượng B2 đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khống chế sông Lòng Tàu, đặt pháo tầm xa ở Nhơn Trạch hoặc Thành Tuy Hạ chế áp các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn, có phương án vượt sông thọc sâu vào trung tâm thành phố.
Vì đường dài, cần tổ chức hành quân tốt, cho đơn vị nhẹ đi trước, bảo đảm đi thật nhanh, dọc đường chú ý phòng tránh pháo trên tàu chiến của địch. Bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, lãnh đạo bộ đội giữ kỷ luật dân vận, đối xử nhân đạo với tù, hàng binh. Vào đến nơi bắt liên lạc ngay với anh Dũng.
Cuộc tiến quân lịch sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4-4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn II đang hành quân: "Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bât ngờ, chắc thắng".
Ngày 6-4-75, điện của Quân uỷ Trung ương gửi Bộ Tư lệnh Đoàn 559 nêu rõ: "Cần chú trọng coi công tác bảo đảm chi viện và bảo đảm cơ động lực lượng ta vào B2 là công tác trung tâm số 1. V vậy, cần có kế hoạch tổ chức thật tốt công tác này, nhất là bảo đảm việc hành quân của các đơn vị, binh khí kỹ thuật và các nhu cầu đạn dược theo đúng thời gian đã định". Tôi chỉ thị cho anh Đồng Sĩ Nguyên bố trí sở chỉ huy ở Quy Nhơn và anh Hoàng Minh Thảo ở Nha Trang, tổ chức bảo đảm, đôn đốc các đơn vị hành quân theo đường số 1, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến việc bảo đảm hậu cần cho các đơn vị đang tiến quân.
Bức điện của Quân uỷ Trung ương gửi anh Đồng Sĩ Nguyên và Thường vụ Đảng uỷ 559, đánh đi hồi 22 giờ ngày hôm ấy lại nhấn mạnh: "… yêu cầu của mặt trận hết sức gấp, từng ngày, từng giờ. Thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh. Các đồng chí dùng mọi biện pháp tổ chức và đôn đốc các đơn vị hành quân hết sức nhanh, chi viện hết sức gấp, hoàn thành xuất sắc chiến dịch chi viện thần tốc này".
Trên hai trục chính là đường số 1 và đường Trường Sơn, với sự tổ chức khẩn trương của Đoàn 559, sự hỗ trợ tích cực của Quân khu 5, bằng đôi chân vạn dặm và mọi phương tiện có thể có được, các đơn vị khắc phục khó khăn đánh địch mà đi, mở đường mà tiến. Đường sụt lở thì nhân dân quanh vùng ra góp công sửa chữa. Cầu bị địch phá thì ngoài cầu, phà tự hành của công binh, còn có thuyền bè lớn nhỏ của dân. Xe hỏng thì tìm mọi cách sửa chữa, cứu kéo.
Ngày 7-4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường:
"Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nũả. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.
2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ".
Tốc độ hành quân nâng lên không ngừng. Tuy vậy, vẫn còn thấy chậm! Công tác bảo đảm hậu cần hầu như không gặp khó khăn. Đoàn 559 có kế hoạch chu đáo, lại có thêm gạo, đạn, xăng, dầu chiếm được của địch. Quân no, xe pháo đủ nhiên liệu, đạn dược, bộ đội được nhân dân ven đường động viên, giúp đỡ, tốc độ hành quân lại càng tăng.
Ngày 10-4, điện của cánh quân phía đông báo cáo:
- Các anh Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hoà đã đến Nha Trang, đang chuẩn bị đánh Phan Rang.
Phan Rang, nơi cắt rốn chôn rau của Nguyễn Văn Thiệu, là thị xã của tỉnh Ninh Thuận, cách Sài Gòn 315 km về phía bắc. Ở đây có hai hải cảng Tân Thành và Ninh Chữ, có sân bay Thành Sơn với lực lượng một sư đoàn không quân. Đường số 1 và đường sắt chạy qua thị xã, nối hền Sài Gòn với các tỉnh miền Trung vừa được giải phóng. Theo sự đạo diễn của Uâyen, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, địch điều lực lượng dự bị chiến lược ra lập ở đây tuyến phòng thủ từ xa: Phan Rang - Xuân Lộc Tây Ninh. Với hơn một vạn quân tổ chức phòng ngự trên địa hình có lợi, được sự chi viện của cả hải quân và không quân, chúng hy vọng ngăn chặn, cầm chân các binh đoàn chủ lực của ta ở đây cho đến mùa mưa; lúc đó, thời tiết sẽ khó khăn, ta không thể tổ chức đánh lớn ở Sài Gòn và Nam Bộ ít nhất là trong sáu tháng nữa.
Ngày 11-4, có tin địch tăng cường lực lượng cho Phan Rang. Bộ Tổng Tham mưu điện cho anh Tấn hết sức chú ý đến tốc độ tiến quân, nếu thấy đánh Phan Rang không thuận lợi, lại mất thời gian, thì chỉ để một lực lượng bao vây thị xã, còn đại bộ phận tìm cách vòng qua, khắc phục khó khăn về hậu cần và đường sá, tiến nhanh vào miền Đông Nam Bộ.
Ngày 13-4, anh Tấn điện ra báo cáo về hướng phát triển và kế hoạch tác chiến của cánh quân phía đông, về tình hình hậu cần của bộ đội đang tiến quân. Dự kiến giải quyết xong Phan Rang thì phát triển đánh chiếm Bà Rịa, Vũng Tàu, cắt đường Biên Hoà - Vũng Tàu, khống chế sông Lòng Tàu, nhanh chóng đưa pháo 130mm vào Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Nếu địch co cụm về phòng thủ Biên Hoà thì tuỳ tình hình cụ thể, có thể tiến công vòng về đông và đông nam Sài Gòn, vượt sông đột phá vào trọng điểm.
Sáng 14-4, quân ta nổ súng đánh Phan Rang. Trận tiến công diễn ra quyết liệt. Với ý thức sâu sắc về giá trị của thời gian, bộ đội ta nêu cao tinh thần quyết thắng, dũng mãnh xung phong đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Quân địch được phi pháo yểm hộ, dựa vào hệ thống công sự và địa hình có lợi, ngoan cố chống cự.
Hai ngày đầu, ta chỉ mới chiếm được một số mục tiêu ở ngoại vi Phan Rang. Sáng ngày 16-4, Tư lệnh Quân đoàn II Nguyễn Hữu An đưa Sư đoàn 325 bước vào chiến đấu. Phương án tác chiến là tổ chức một đội hình thọc sâu mạnh, dùng xe bánh hơi kết hợp với xe tăng vận chuyển lực lượng, đánh thẳng theo đường số 1 vào chiếm thị xã Phan Rang rồi toả ra tiến sang phía đông chiếm cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, vít chặt đường biển; đồng thời theo đường số 11 đánh ngược lên phía tây bắc, vu hồi vào sườn phía tây của địch, chiếm sân bay Thành Sơn, khoá nốt đường bộ, phối hợp cùng quân và dân địa phương nhanh chóng bao vây, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch.
Kết quả, ta đã đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang, tiêu diệt Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu III nguỵ, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh, Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn biệt động 3 1, một trung đoàn của sư đoàn mới khôi phục, toàn bộ lực lượng của tiểu khu Ninh Thuận, làm chủ cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, chiếm sân bay Thành Sơn, thu gần 40 máy bay còn nguyên vẹn. Bọn chỉ huy đầu sỏ và hàng nghìn sĩ quan, binh lính bị bắt sống trong đó có viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và viên Chuẩn tướng không quân Phạm Ngọc Sang. Quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận.
Được tin chiến thắng, Quân uỷ Trung ương điện gửi lời chào quyết thắng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên Quân đoàn II, Quân khu 5, thăm hỏi đồng bào vùng mới giải phóng, kêu gọi tiếp tục anh dũng tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử. Bộ chỉ thị dùng máy bay đưa ngay Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang ra Hà Nội.
Tin chiến thắng từ mặt trận dồn dập báo về: Các đơn vị thuộc Quân đoàn II đánh chiếm quận lỵ Tuy Phong, vừa đánh chiếm tàu địch, bắn rơi máy bay địch, vừa tác chiến tiêu diệt bộ binh địch, giải phóng các vùng đất trên đường tiến quân, trong đó có các quận lỵ Phan Rí, Hoà Đa và Sông Mao. Thừa thắng, bộ binh và xe tăng của quân đoàn chia thành nhiều mũi xông thẳng vào trung tâm thị xã Phan Thiết, đánh chiếm Sở chỉ huy tiểu khu Bình Thuận, giải phóng quận lỵ Hàm Tân.
Sáng ngày 20-4, bộ phận đầu tiên của cánh quân phía đông gồm Sư đoàn 325 và binh khí, kỹ thuật vào đến Rừng Lá, gần Xuân Lộc. Anh Tấn và anh Hoà cũng đến hền sau đó, và nhanh chóng bắt liên lạc với Bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn. Với tư cách Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Tấn quyết định tăng cường cho Quân đoàn IV Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và pháo, đạn thu được của địch để tiến công dứt điểm Xuân Lộc.
Cuộc tiến quân thần tốc của cánh quân phía đông với hơn 32.000 quân và 2.276 xe, pháo, tăng, thiết giáp qua gần một nghìn kilômét, vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, đánh địch trong hành tiến, là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời, tạo bất ngờ lớn cho quân địch, đập tan ý định co cụm lớn của chúng trên dọc miền duyên hải, đánh thông tuyến đường số 1 từ miền Bắc vào tận cửa ngõ phía đông và đông bắc Sài Gòn, mở thêm một đường tiếp tế hậu cần chiến lược, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, tạo điều kiện hết sức quan trọng và một thế chiến lược rất thuận lợi cho cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Trước tình hình quân địch ở Xuân Lộc còn ngoan cố chống cự, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Miền chỉ thị cho Quân đoàn IV rút kinh nghiệm. Anh Trần Văn Trà đến trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Xuất phát từ nhận định Xuân Lộc chỉ có thể cố thủ khi được nối liền với Biên Hoà, Bộ chỉ huy Miền quyết định thay đổi cách đánh: từ tiến công thẳng vào thị xã chuyển sang đánh các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hoà, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hoà, Trảng Bom lên phản kích.
Thực hiện quyết tâm mới, Quân đoàn IV vừa được tăng cường lực lượng bộ binh và pháo cỡ lớn, tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 nguỵ và một chi đoàn thiết giáp, đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 từ Xuân Lộc đến Bàu Cá, làm chủ đoạn cuối cùng của đường 20 từ Túc Trung đến Dầu Giây, chiếm Núi Thị, Túc Trưng, Kiệm Tân, tiêu diệt quân địch phản kích từ Trảng Bom ra. Hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18 nguỵ cùng với Lữ đoàn 3 thiết giáp bị đánh thiệt hại nặng. Bộ đội địa phương và du kích diệt và bức rút một số đồn địch trên các trục đường giao thông và ven thị xã Không chiếm lại được ngã ba Dầu Giây, lực lượng bị tổn thất nặng, trước nguy cơ bị bao vây, bị tiêu diệt và sức uy hiếp của cánh quân lớn từ phía đông mới tới, ngày 20-4, địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc.
Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyên toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần của quân nguỵ càng thêm suy sụp.
***
Tin chiến thắng làm nức lòng nhân dân cả nước.
Ngày 6-4, trong khí thế chiến thắng, 98,26% trong số mấy chục triệu cử tri trên hậu phương lớn phấn khởi đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khoá V, củng cố thêm vững chắc chế độ dân chủ cộng hoà. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trúng cử với tỷ lệ phiếu cao nhất.
Tất cả cho tiền tuyến.
Cả nước vào trận cuối cùng với mềm tin tất thắng.
Hậu phương lớn tổng động viên nhân, tài, vật lực chi viện cho tiền tuyến lớn. Hầu như toàn bộ lực lượng vận tải trên miền Bắc đều được huy động trong một chiến dịch chi viện lớn nhất từ trước đến nay. Anh Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện miền Nam ngày đêm lo lắng cùng các ngành, các địa phương điều động hàng chục ngàn xe vận tải, hàng trăm toa xe lửa, hơn 30 tàu biển, hàng trăm lần chiếc máy bay vận tải đưa cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật cùng hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện vào chiến trường.
Từ Hà Nội, Nam Định, từng đoàn xe lửa chở đầy bộ đội và vũ khí, đạn dược, hối hả chạy thăng vào Vinh. Từ đây bằng các phương tiện ô tô, tàu thuỷ, người và súng đạn được chuyển tiếp vào miền Đông Nam Bộ.
Các cảng sông, cảng biển ở miền Bắc khẩn trương nhộn nhịp. Tàu thuyền của hải quân, của ngành giao thông vận tải liên tục chở xe tăng, pháo lớn và bộ đội vào Đà Nẵng, từ đó cơ động bằng đường bộ theo đường số 1 vào địa điểm tập kết của hậu cần Miền ở khu vực Dầu Giây.
Các loại máy bay vận tải, máy bay lên thẳng cũng được huy động để chở quân, chở đạn vào chiến trường trọng điểm.
Tại Tổng hành dinh, anh Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, theo dõi lực lượng ở chiến trường, nắm chắc đến từng kho đạn, kho xăng dầu, kho lương thực, chỉ đạo chặt chẽ và ráo riết việc tổ chức hành quân và bao đảm hậu cần.
Trên các trục đường vào Nam, các anh Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Minh Thảo đêm ngày lo đủ đạn dược, nhiên liệu, lương thực, thuốc men cho bộ đội hành quân.
Anh Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng, luôn có mặt trên các đỉnh đèo Tây Nguyên, đôn đốc bộ đội đi nhanh, đến đủ.
Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1975, Đoàn vận tải Trường Sơn vận chuyển vào Nam Bộ 11 vạn 5 nghìn quân và 9 vạn tấn hàng (trong đó có 37.000 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu). Riêng trong những ngày "chuẩn bị nước rút" từ ngày 5 đến 26-4, vừa khai thác vừa vận chuyển, ta đã đưa vào chiến trường 10.100 tấn đạn, 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, 2.600 tấn xăng dầu. Nhiều trạm sửa chữa ôtô, sửa chữa pháo và tăng được bố trí dọc đường, phục vụ cơ động của chiến dịch.
Ở Khu 5, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh quân khu dưới sự lãnh đạo của anh Võ Chí Công và anh Chu Huy Mân, mặc dù đang phải tiếp quản các tỉnh, thành phố, ổn định đời sống cho hàng triệu nhân dân vùng mới giải phóng, vẫn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho phía trước. Một đoàn xe vận tải hơn một trăm chiếc do anh Võ Thứ, Phó Tư lệnh quân khu trực tiếp chỉ huy, mang đạn pháo 130mm hành quân không nghỉ vào tới B2.
Bảo đảm hậu cần để thực hiện phương châm "thần tốc" trong điều kiện của ta lúc này không phải là chuyện dễ. Đường sá sụt lở, cầu cống bị phá hỏng, địch ở dọc, đường, địch ngoài biển ra sức ngăn chặn, thời tiết khắc nghiệt, mưa gió đầu mùa. Phải vượt qua tất cả, bằng sức mạnh của chiến tranh toàn dân, của lòng dũng cảm và trí thông minh, sáng tạo. Nhân dân vùng mới giải phóng ủng hộ hết mình. Chỉ cần một mảnh giấy có chữ ký và con dấu đỏ của Uỷ ban quân quản là có thể huy động được hàng chục, hàng trăm xe tải và cả lái xe chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược ra phía trước.
Trên đường hành quân, có đơn vị do không nắm được tình hình, đã báo cáo về Bộ Tổng tư lệnh là bộ đội thiếu gạo. Lo lắng tốc độ hành quân có thể bị ảnh hưởng, Thường trực Quân uỷ Trung ương dành gần một ngày bàn cách giải quyết. Sau khi kiểm tra lại, anh Hoàng Văn Thái báo cáo gạo không thiếu, các kho đã được bố trí ở dọc đường và điện ngay cho các đơn vị hành quân, nói rõ ở Cam Ranh đã có từ hai đến ba nghìn tấn gạo, xăng dầu cũng đã có ở Quy Nhơn, Nha Trang và Cam Ranh.
Trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh, nổi lên tác dụng to lớn của hậu cần tại chỗ. Ở miền Nam, được sự hỗ trợ tích cực của anh Đinh Đức Thiện, hậu cần Miền do anh Bùi Phùng chỉ huy đã huy động mọi lực lượng vận chuyển vũ khí vào các kho, trạm của chiến dịch, tập trung sửa chữa xe máy, mở đường, bắc cầu. Trục đường 14 từ Đồng Xoài đi Cây Gáo, Bến Bầu được gấp rút thi công. Các đoàn quân hậu cần ở các hướng củng cố và mở rộng tuyến đường chiến dịch với tổng chiều dài hơn 3.000 km. Đặc biệt, trong những ngày hạ tuần tháng 4, hậu cần Miền đã đưa 10.000 cán bộ, chiến sĩ từ tuyến sau lên thành lập 8 tiểu đoàn cơ động, huy động gần 4.000 xe vận tải, hơn 600 thuyền máy, ca nô, hàng nghìn xe đạp thồ và hơn 60 nghìn dân công hoả tuyến, lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với tổng số 10 nghìn giường, phục vụ bộ đội tiến công Sài Gòn - Gia Định.
Lúc này, việc vận chuyển đạn dược và xăng dầu đến ngay các cửa ngõ vào Sài Gòn còn là một vấn đề lớn.
Ngày 20-4, Quân uỷ Trung ương điện khẩn cho Bộ Tư lệnh 559: "Ưu tiên vận chuyển đạn dược: đạn 130mm, 100mm, Đ74, ĐKZ 75 và ĐKZ 82, đạn cối 120mm; pháo 85mm, lựu 122mm. Ưu tiên về xăng dầu thì trước hết là madút và dầu mỡ phụ. Chậm nhất 29-4 có ở Đồng Xoài".
Mệnh lệnh được truyền đạt ngay đến từng kho tàng, binh trạm. Một khối lượng lớn đạn dược, nhiên liệu khẩn trương chuyển vào chiến trường đúng kỳ hạn.
Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng được bảo đảm hậu cần, kỹ thuật mạnh mẽ và hết sức khẩn trương.
--------------------------------
1Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà xuất bản. Sự thật, Hà Nội. 1985, tr. 383.2Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà xuất bản. Sự thật, Hà Nội. 1985, tr. 387.3Đồng chí Trần Văn Trà.4Vũng Tàu.5Đồng chí Trần Văn Danh.6Đồng chí Nguyễn Văn Xô.7Đồng chí Phan Văn Đáng.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.