Trở Về Năm 1994

Chương 31: Vụn vặt ngày gần tết

Người Làm Vườn

30/04/2023

Đến trưa mẹ cô mang theo một chậu thịt đầy trở về. Theo sau là chị cô cũng bưng một bát lớn tim gan lòng lợn đã được làm sạch. Vì mấy nhà chung nhau một con lợn nên phần thịt nào trên người con lợn cũng có. Mẹ cô mang thịt xuống phân loại ra để làm các món khác nhau. Thịt vụn để làm thịt đông hoặc giò xào, thịt nạc mang đi xay làm giò lụa. Xương và chân giò để nấu canh..

Trưa hôm nay Kiều Anh được ăn đến món lòng xào dưa cùng với dồi lợn. Không đến mức kinh diễm nhưng ăn cũng không tệ lắm. Đến chiều, mẹ cô mang cô xuống bà ngoại biếu quà tết. Kiều Anh bất giác nhớ tới cô trọng sinh hơn ba tháng nay còn chưa xuống bà ngoại chơi đâu. Cô có chút chột dạ, phải biết rằng cô hồi bé ở nhà bà ngoại thời gian còn nhiều hơn nhà bà nội.

Nhà bà ngoại cách nhà cô hai ngôi làng, khoảng cách này ở hiện đại chẳng tính gì. Nhưng ở thời đại mà giao thông dựa vào đôi chân và xe đạp thì lại rất xa xôi. Khác với đứa cháu vô tâm như cô, mẹ cô lại là đứa con hiếu thảo. Mẹ cô không thường xuyên xuống nhà bà ngoại nhưng mỗi lần xuống đều không tay không. Có khi là cân hoa quả, hoặc thịt cá, đôi khi chỉ mang theo vài quả cau mấy cái lá trầu xuống hiếu kính bà. Những việc này mẹ cô không giấu giếm bố cô, căn bản mẹ cô hiếu kính bà nội chỉ có hơn chứ không kém. Nên bố cô chưa bao giờ can thiệp.

Làng bà ngoại cô không đến mức nghèo túng nhưng so với làng cô thì kém xa. Cụ thể là cô đi từ đầu làng đến giờ chỉ thấy toàn nhà tranh, khó khăn lắm mới thấy có nhà ngói. Nhà bà ngoại cô cũng không ngoại lệ, nhà tranh vách đất mái rơm. Nhìn lụp xụp tối tăm hơn nhiều so với nhà bà nội cô. Bà ngoại cô năm nay bảy mươi tuổi, cơ thể bà vẫn rắn rỏi dẻo dai. Nghe tiếng mẹ con cô từ ngoài cổng bà đã chạy ra đón. Nhìn bà ngoại bước đi như bay đến trước mặt, Kiều Anh lại nhớ hơn hai mươi năm sau, bà già cả lẫn lộn không nhớ rõ ai. Tuy sống thọ nhưng sống như vậy cũng thật khổ sở. Kiều Anh thu liễm cảm xúc mỉm cười chào hỏi bà ngoại. Bà cũng không mới lạ, tiến tới kéo tay cô vào trong nhà chơi.

Bên trong nhà cũng bày biện đơn sơ, một bộ bàn ghế bằng tre, hai bên cũng đặt hai chiếc giường tre ọp ẹp. Chiếc bịch đựng thóc được tận dụng làm bàn thờ, mẹ cô mở chiếc làn ra, lấy từng món đồ đặt lên bàn thờ. Mấy cân hoa quả, một cân mứt dừa, hai chiếc bánh chưng, một cân giò lụa và một gói mứt tết. Tuy không quá nhiều nhưng mà thực dụng. Bà cô lấy ra hạt bí ngô rang và kẹo lạc cho cô ăn. Kiều Anh chỉ nhặt hạt bí ngô cắn. Mẹ cô gặp bà ngoại cô như trẻ ra hai mươi tuổi vậy, nói nói cười cười đôi khi còn làm nũng nữa. Kiều Anh không dám chen ngang chỉ ngồi bên nghe chuyện.

Kể hết chuyện nhà mình mẹ cô bắt đầu hỏi thăm đến các anh chị em trong nhà. Nhắc tới vấn đề này, Kiều Anh không thể không ngả mũ bái phục bà ngoại cô. Bà ngoại cô sinh tận chín người con, tuy sống đến trưởng thành bảy người. Nhưng thành tích này rất đáng nể.

Ông ngoại cô đã qua đời, bà đang ở cùng với cậu mợ. Hôm nay cậu mợ cũng đi biếu quà tết nên không có nhà. Nói chuyện một hồi, mẹ cô còn nhớ việc trong nhà nên không ở lâu. Bà ngoại thấy cô thích hạt bí ngô, khi về cho cô một bọc lớn.

Trên đường về mẹ cô khe khẽ thở dài. Kiều Anh tò mò hỏi: "Mẹ làm sao vậy?"

Mẹ cô vừa đạp xe về phía trước vừa nói: "Cậu con cứ lông bông thế này đến bao giờ mới có tiền xây nhà."

Kiều Anh nghĩ đến căn nhà tranh kia cũng thở dài, suy nghĩ một lúc mới nói: "Có thể bảo cậu đi theo bố lên Hà Nội làm việc. Bà ngoại ở nhà trông thằng Tuyên cho mợ đi bán hoa quả."

Tuyên là con trai của cậu mợ mới hơn một tuổi. Mẹ cô cũng không thấy phấn chấn lên bao nhiêu nói: "Cậu con thì không nói làm gì toàn nghe vợ. Mà mợ con lại ham ăn lười làm, hiện tại lại mang thai chắc không cho cậu con đi xa."

Nhắc đến việc này, Kiều Anh mới nhớ sang năm mợ cô lại sinh một đứa con trai. Cô liếc mẹ cô một cái rồi nói: "Mẹ cứ thử nói xem sao, nghe hay không đó là cậu mợ quyết định."

Mẹ cô gật gù giờ cũng chỉ có thể làm thế. Kiều Anh ngồi đằng sau bóc hạt bí ngô, lâu lâu sẽ chia sẻ với mẹ cô một ít. Cứ như vậy hai mẹ con thong thả về đến nhà.

Về nhà, việc thứ nhất là mẹ cô mang đồ vào hiếu kính bà nội. Sau đó về nhà nấu cơm tối. Ăn uống xong cả nhà cô đi ngủ, coi như kết thúc một ngày.



Sáng hôm sau, Kiều Anh tỉnh dậy đã thấy bố cô mặt mũi hốc hác ở nhà. Hỏi ra mới biết gần hai hôm nay ông không ngủ nghỉ gì mà cắm đầu vào đi đưa hàng. Sáng nay mẹ cô đi đón, bố cô ngáp ngắn ngáp dài từ chợ Huyện. Mẹ cô vội nấu cho bố cô một bát bánh đa thịt lót bụng. Ăn chưa xong mắt bố cô đã không mở ra được, mẹ cô đành kéo ông lên giường đi ngủ.

Một giấc ngủ này, bố cô ngủ đến ba giờ chiều. Lúc đấy ba mẹ con cô đang tổng vệ sinh cả nhà. Nóc nhà, bàn thờ gầm giường, gầm tủ.. đều được quét dọn sạch sẽ.

Đang dọn đến đống chai lọ vại bình, cô mới nhớ tới đám dầu dừa. Cô gom lại một đống chai lọ mang ra cho mẹ cô nói: "Mẹ ơi đây là dầu dừa mấy hôm trước làm."

Mẹ cô đang lau sàn nhà, nghe vậy nhìn qua sau đó choáng váng. Ngoan ngoãn, phải có tới hơn hai mươi chai nữa lít đựng đầy dầu dừa. Bà nuốt nước bọt một cái, ba mẹ con cô dùng đến kiếp sau cũng không hết được đống dầu dừa này. Bà ngẩng đầu lên trưng cầu ý kiến Kiều Anh: "Con định làm gì với chúng.

?"

Kiều Anh nói: "Con định bán đi. Nhưng không biết bán ở đâu?"

Lúc này bố cô đi tới cầm chai dầu dừa lên xem, sau đó quay sang bảo Kiều Anh: "Đợi ra tết bố mang lên Hà Nội hỏi xem. Nếu bán được tiền cho hai chị em con làm vốn riêng."

Nghe lời này hai chị em Kiều Anh nhìn nhau trong mắt đầy vui sướng. Không biết bán bao nhiêu tiền, nhưng có tiền cầm Kiều Anh đã vui rồi. Mẹ cô không vui, nhưng giờ đồ còn chưa bán được, tranh chấp việc ai cầm tiền còn hơi sớm.

Nhạc đệm này nhanh chóng qua đi, dọn dẹp nhà cửa xong, mẹ cô đun nước cho cả nhà tắm. Đến khi nước đun sôi, bà cho một bó rau mùi già vào nồi nước rồi đổ ra thau tắm cho cả nhà dùng. Hai chị em cô tắm trước, mẹ cô bưng một chậu nước tắm lớn vào phòng tắm. Thử độ ấm vừa phải mới thúc giục hai chị em cô tắm.

Tuy nước rau mùi không thơm như xà bông nhưng tắm xong cả người cảm giác nhẹ nhàng thoải mái. Tắm xong hai chị em cô nhường chỗ cho bố cô, hai chị em cô đi gội đầu.

Tắm gội xong ba bố con cô cầm mấy bó hương và bật lửa xuống nghĩa trang thắp hương. Không biết ở nơi khác thế nào, chứ làng cô cứ đến hai chín ba mươi tết, mọi người lại mang hương xuống nghĩa trang thắp hương mời tổ tiên về ăn tết cùng với gia đình.

Trời mùa đông âm u kết hợp với không gian nơi nghĩa trang sẽ làm người sởn tóc gáy. Nhưng hai ngày này người đến người đi nhiều nghĩa trang không quạnh quẽ như trước. Ba bố con cô xuống đến nơi, đã có mấy nhóm người đứng ở góc châm hương. Bố cô cũng cầm bật lửa ra góc khuất gió châm hương. Hương cháy bố cô chia cho chị em cô mỗi người một nắm, dẫn đầu đi đằng trước. Mỗi đến mộ của dòng họ bố cô lại dừng lại, giới thiệu cho chị em cô để ghi nhớ sang năm đến thắp hương. Đi một vòng đến ngôi mộ của ông nội cô. Ông mới qua đời ba năm nên chưa bốc mả xây mộ mới. Vẫn là mộ cũ khi ông nội cô hạ táng, giờ đã mọc đầy cỏ xanh. Trên mộ không có bia, bố cô thắp hương rồi khấn vái. Hai chị em đứng đằng sau bắt chước vái ba vái rồi thắp hương.

Đến khi thắp đến nén hương cuối cùng, ba bố con cô mới về nhà. Buổi trưa mẹ cô đã làm mâm cơm cúng tổ tiên rồi, buổi tối cả nhà chỉ hâm nóng lại đồ ăn thôi. Ăn xong bố mẹ và chị cô tất bật chuẩn bị đồ cúng giao thừa. Chỉ riêng Kiều Anh ngủ trước, cô muốn đón giao thừa năm nay.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Trở Về Năm 1994

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook