Trường Kiếm Tương Tư

Chương 31: Hợp tan thường tình

Trần Thanh Vân

23/04/2014

Đưa mắt nhìn quanh, thấy cả trăm thuộc hạ đều chạy trốn mất, chỉ còn lại hơn ba chục thi thể nằm ngổn ngang giữa hiện trường...

Chu Không Dực tay cầm chắc bảo kiếm bước từng bước một tới gần, rất chậm.

Bình Giang Nhất Tẩu Hải Đại Không phóng đôi mắt oán hận nhìn đối phương rồi bất thần vung trảo chộp xuống thiên linh cái mình.

Chỉ nghe bộp một tiếng, đầu tên thống lĩnh bị vỡ tan, óc não lẫn máu bắn tung ra tứ tán, nhìn mà phát kinh.

Thi thể hắn từ từ đổ xuống.

Nhân vật kiệt xuất nhất trong hắc đạo Thanh Diện Diêm Vương Hải Đại Không, kẻ cầm đầu phỉ đồ phương nam cũng là một tên đại gian thần trong triều hôn quân bạo chúa, Thống lãnh đội cấm vệ đội Thần Vũ Doanh đầy tội ác, đã tự kết liễu đời mình như thế.

Âu cũng là sự báo ứng, tiếc rằng đã quá muộn, để hắn làm hại biết bao sinh linh, làm nghiêng ngả cả một triều đình.

Trên mặt sông, bốn chiếc thuyền lớn hối hả chèo đi, còn một số tên bị thương không theo kịp, còn mắc lại trên bờ, kêu la thảm thiết.

Ánh đèn trên thuyền xa dần, cuối cùng tắt hẳn.

Gió đêm thấm lạnh.

Tuyết bắt đầu rơi. Muôn ngàn bông tuyết mịn màng phủ trắng không gian, phủ lên những bãi máu đỏ ngầu, làm dịu bớt mùi tanh.

Chu Không Dực đứng lặng như pho tượng đưa mắt đờ đẫn nhìn thi thể cừu nhân và những tử thi khác.

Hồi lâu, ông buông tiếng thở dài trên mặt biểu lộ nét cười thê lương rồi quay lại bước đến ngồi bên Khấu Anh Kiệt.

Dưới ánh đèn, Chu Không Dực thi triển Chưởng bàn không hút ba ngọn cương châm ra từ trên người Khấu Anh Kiệt.

Nhìn kỹ mới thấy thứ ám khí này còn nhỏ hơn cả lông mèo, nhưng lại có một uy lực như thế đủ thấy đáng sợ đến chừng nào?

Qua một trận huyết chiến vừa rồi vô hình trung tình cảm giữa hai người càng tăng thêm một bước.

Chu Không Dực lấy mấy viên thuốc từ trong chiếc bình sứ cho Khấu Anh Kiệt uống rồi mới ngồi kế bên chàng.

Khấu Anh Kiệt chừng như nhận ra được nội tâm của ông ta rất bấn loạn, tuy ông ta miệng nói đại thù phải báo, nhưng Khấu Anh Kiệt dám nói trong lòng ông ta không vui thú chút nào.

− Chúc mừng đại ca.

Qua đi một hồi lâu, cuối cùng Khấu Anh Kiệt mới thốt lên được một câu.

Chẳng ngờ sau câu nói ấy, Chu Không Dực bỗng nhiên nước mắt rơi lả chả.

Khấu Anh Kiệt nhìn thấy nhất thời cả kinh, miệng lắp bắp :

− Huynh thấy trong người không khỏe sao?

Chu Không Dực nước mắt càng tuôn nhiều hơn, rồi như không nén được nỗi lòng, bật khóc òa lên như một đứa trẻ.

Chu Không Dực gục đầu trên chiếc bàn đá khóc nức nở, cả thân hình ông ta run lên chao đảo dưới ánh đèn, nhìn cơ hồ như cả gian thạch thát rung rinh chao đảo theo.

Từ khi quen biết Chu Không Dực đến giờ, đây là lần đầu tiên Khấu Anh Kiệt nhìn thấy ông ta khóc một cách bi thương như thế. Đêm tối, tiếng khóc thương tâm vang lên, khiến cho cả không gian trùm lấy một mối bi ai sầu thảm, Khấu Anh Kiệt dù là một thiết hán lòng sắt chăng nữa, vẫn không khỏi chùng lòng lại ít nhiều.

Có thể nói, cơn khóc này đối với Chu Không Dực chừng như là một sự vỡ òa của những dồn nén trong lòng từ rất lâu, ông ta xưa nay nhìn đường đường là một gã thiết hán mặt lạnh như đồng, nhưng lúc này đây yếu đuối mềm nhũn trong tiếng khóc.

Đương nhiên một con người như ông ta nếu như không phải nội tâm đau thương đến cực điểm thì chẳng khi nào ông ta lại rơi nước mắt, mà lại rơi nước mắt trong trạng thái thống khổ như thế.

Khóc, chung quay là cách duy nhất nhanh chóng làm cho người ta trút được đau khổ, sầu tư trong lòng.

Chu Không Dực khóc một hồ, giờ thì tiếng khóc kèm theo tiếng nấc nghẹn, rồi đôi tay vốn mạnh mẽ nhưng giờ lại run rẩy lần giở chiếc hộp gỗ đặt trên bàn, bên trong chiếc hộp đựng một chiếc đầu người chừng như đã khô rốc.

Hai tay nâng chiếc đầu lên, đôi mắt đỏ ngầu nhạt nhòe nước mắt ngưng nhìn ngắm chiếc đầu, Chu Không Dực nước mắt lại càng tuôn trào như suối, đôi môi run run lên phát ra những âm thanh kỳ lạ như muốn nói gì với chiếc đầu lâu. Nhưng tiếng khóc, tiếng uất nghẹn làm biến dạng âm thanh của ông ta chẳng nghe rõ được ông ta muốn nói gì, chỉ tạo nên một âm thanh nghe bi ai não lòng người.

Khấu Anh Kiệt chừng như cảm nhận ra được nỗi lòng của Chu Không Dực lúc này, xúc cảnh sinh tình, bất tri bất giác hai mắt chàng cay cay rồi cuối cùng cũng không cầm được nước mắt.

Với một con người kỳ nhân dị sĩ tâm trường khái làng, bán thế tìm viu trong chốn sơn lâm như Chu Không Dực, thế mà không ngờ cũng bị lụy vì một chữ tình.

Chỉ vì một người đàn bà mà ông ta gục khóc như một đứa trẻ, quả thực khiến người ta khó hiểu, đồng thời cũng có thể hiểu được trong suốt mấy mươi năm qua ông ta chưa hề quên vị ý trung nhân của mình.

Tiếng khóc não lòng chừng như làm động cả ngọn nến, bấc nến ngã nghiêng khiến cảnh vật dật dờ thê lương, trong hoàn cảnh này cho dù một người cứng rắn đến đâu cũng không khỏi chùng lòng.

Khấu Anh Kiệt bần thần cả người ngưng mắt nhìn ông ta, mặc cho nước mắt chảy ra từ bao giờ.

Rất lâu, có thể qua cả canh giờ, Chu Không Dực giờ mới phủ phục người xuống, hai tay ôm lấy chiếc đầu người, kê đầu lên khủy tay phải chừng như đang thủ thỉ điều gì với chiếc đầu, nước mắt vẫn cứ vắn dài trên mặt.

Khấu Anh Kiệt từ từ đứng lên bước đến bên người ông ta, khẽ gọi :

− Đại ca!

Chu Không Dực nghiêng đầu liếc nhìn chàng một cái.

Khấu Anh Kiệt hỏi :

− Huynh thấy trong người như thế nào?

Chu Không Dực không thấy ư hử gì, rồi thâu ánh mắt lại như cũ.

Khấu Anh Kiệt đứng lặng người giây lát tự nhiên nhận ra cứ để cho ông ta ở một mình với bao nhiêu sầu tư trong lòng mà hay hơn, cứ để cho ông ta sống trong không khí yên tĩnh có lẽ tốt hơn nhiều. Huống gì với chuyện của Chu Không Dực hiện tại thì chàng là người ngoài cuộc, có muốn xen vào cũng chẳng giúp được gì cho ông ta.

Nghĩ thế, chàng khẽ vỗ nhẹ tay lên vai ông ta một cái, không nói thêm tiếng nào chàng quay người bước ra ngoài động.

Hốt nhiên, Chu Không Dực chộp lấy tay chàng Khấu Anh Kiệt từ từ quay người lại bất giác buột miệng la lên :

− Đại ca...

Nguyên là chàng nhận ra trong ánh mắt của Chu Không Dực toát lên một vẻ lạ thường, cơ hồ như ông ta giờ đây đã biến thành một con người hoàn toàn khác, dùng tay chỉ vào chiếc thạch đôn thị ý bảo chàng ngồi xuống.

Khấu Anh Kiệt chẳng kháng cự nửa tiếng, ngồi xuống chiếc thạch đôn, trong lòng thầm hiểu ông ta có ý gì muốn nói với mình đây.

Chu Không Dực chậm rãi mang chiếc đầu người đặt vào lại trong chiếc hộp, đậy lại cẩn thẩn, rồi hai tay vẻ trân trọng chuyển chiếc hộp gỗ sang một bên.

Những động tác này ông làm rất chậm rãi, thế nhưng với Khấu Anh Kiệt nhìn thì không khỏi xúc động.

Chu Không Dực ngồi xuống bên chiếc bàn đá, Khấu Anh Kiệt hiểu ông ta bắt đầu muốn nói chuyện với mình, liền bước nhanh đến bên cạnh.

− Vừa rồi ta nhất thời không nén được lòng...

Chu Không Dực viết nhanh lên giấy.

− Hiền đệ người chớ cười.

Khấu Anh Kiệt cười khổ nói :

− Không có, tiểu đệ rất hiểu tâm trạng trong lòng đại ca vừa rồi như thế nào.

Tiểu đệ rất thông cảm với hoàn cảnh của đại ca gặp phải thế nhưng...

Chu Không Dực thấy chàng ngừng lại, viết nhanh mấy chữ, đồng thời ánh mắt nhìn chàng như ra mệnh lệnh.

Khấu Anh Kiệt nói tiếp :

− Thế nhưng... tiểu đệ nhận thấy lẽ ra đại ca không nên giết chết bà ấy, làm thế này trong lòng đại ca chẳng những không khỏi áy náy mà thậm chí còn đau khổ hơn nữa là khác.

Chu Không Dực chậm rãi lắc đầu nói :

− Người nói như thế chỉ vì người còn chưa hiểu hết con người của ta.

Chu Không Dực lại viết tiếp lên giấy :

− Tình cảm giữa ta và nàng chỉ có hai chữ sinh và tử mới có thể giải thoát, thực tình mà nói chết xem ra còn sung sướng hơn cả sống.

Khấu Anh Kiệt ngớ người một lúc, lẩm nhẩm :

− Tôi thật không hiểu.

Chu Không Dực hít một hơi sâu, ánh mắt khác thường chuyển nhìn chiếc hộp có chứa đầu người trên khóe môi xuất hiện một nụ cười vẻ mãn nguyện.

− Từ nay về sau, nàng không bao giờ xa rời ta.

Chu Không Dực viết tiếp :

− Nàng cũng không còn thấy cô đơn, lão đệ người có biết vì sao không?

Khấu Anh Kiệt ngơ ngác hỏi :

− Vì sao?

− Chiếm hữu.

Chu Không Dực cười to một tiếng, rồi lại viết xuống giấy :

− Cuộc đời của một người đàn ông chung quy phải chiếm hữu lấy một cái gì đó...

Chừng như cảm xúc trong lòng dâng lên tay bút của Chu Không Dực càng nhanh hơn viết :

− Có người chiếm giang sơn, có người chiếm quyền lực, chiếm lấy mỹ nhân...

chí ít cũng phải chiếm hữu lấy một người đàn bà, nếu như trong cuộc sống của người mà chí ít đến một người đàn bà cũng không chiếm hữu được, thế thì cuộc đời của người quá nghèo nàn, quá vô vị.

Khấu Anh Kiệt không hề nghĩ ông ta lại có những lập luận kinh người đến thế, bất giác cả kinh, chẳng biết nói gì.

Chu Không Dực nhìn chàng mỉm cười với một nụ cười chua chát viết tiếp rằng :

− Những điều này có lẽ trước đây người còn chưa lĩnh hội hết được, thế nhưng rồi người cũng sẽ hiểu nhanh chóng mà thôi.

Khấu Anh Kiệt nhẹ gật đầu nói :

− Tôi hiểu.

Chu Không Dực ánh mắt dò xét nhìn chàng viết hỏi :

− Nhìn người chững chạc anh tuấn, xem ra không còn đồng thân, người kết hôn rồi chứ?

Khấu Anh Kiệt lắc đầu, nhưng rồi lại gật khẽ đầu, cười gượng khổ sơ giọng ấp úng nói :

− Tôi... thực tình... không muốn nói đến chuyện này.

Chu Không Dực đanh mắt nhìn chàng chừng như muốn đọc tận cùng suy nghĩ trong ánh mắt của chàng. Không trong lòng có chút bất an bước chân tới mấy bước như trốn tránh ánh mắt của ông ta.

Nhưng khi chàng quay lại nhìn thì hai ánh mắt ấy vẫn đang còn nhìn xoáy vào người chàng.

− Thôi được.

Khấu Anh Kiệt nhún vai tỏ vẻ bất đắc dĩ nói :

− Tiểu đệ sẽ nói cho đại ca nghe, có điều... Ai. Thực ra chuyện này đã...

− Nói đi.

Chu Không Dực viết nhanh như một mệnh lệnh khi thấy chàng ngập ngừng nửa chừng.

Khấu Anh Kiệt cười khổ nói :

− Chuyện này nói ra thì dài, đại ca muốn biết cũng được nhưng không biết nên bắt đầu kể từ đâu, hay là kể từ đầu...

Chu Không Dực gật đầu, chừng như ông ta cương quyết phải nghe cho bằng hết câu chuyện của chàng, rồi chỉ tay vào chiếc thạch đôn bên cạnh, ý bảo chàng ngồi xuống mà nói.

Khấu Anh Kiệt mỉm cười nói :

− Cũng được, chuyện thì dài ngồi xuống nói vẫn hay hơn, câu chuyện bắt đầu từ khi tôi quen được với tiên sư Quách Bạch Vân...

Ba tiếng Quách Bạch Vân vừa lọt vào tai chừng như khiến cho Chu Không Dực bất ngờ, vội phóng bút viết :



− Thì ra người là đồ đệ của Quách Bạch Vân... ta tuy không quen ông ấy, thế nhưng con người này thì ta đã nghe danh từ lâu, người nói đi.

Khấu Anh Kiệt gật đầu nói :

− Câu chuyện bắt đầu từ một vùng sa mạc... từ một con ngựa quý tên là Hắc Thủy Tiên...

Chỉ nhắc đến đó trong đầu chàng đã hiện lên mồn một hình ảnh con tuấn mã uy phong với bao nhiêu câu chuyện về nó mà buồn vui lẫn lộn.

Rồi chàng bắt đầu kể từ khi quen biết với Quách Bạch Vân trên sa mạc, sau đó Quách Bạch Vân lão nhân táng mạng tại Thất lý kiều, trước khi lâm chung mới đem ái nữ phó thác cho chàng, giao chiếc bình ngọc làm tin.

Nói đến cô chàng hơi ngập ngừng một chút, nhưng rồi cuối cùng quyết định nói hết ra, vì chàng nghĩ với vị lương sư thế hữu mà đã cùng chàng kết nghĩa kim lan ân sâu nghĩa nặng này quả không có gì đáng ngại mà giấu giếm.

Bấy giờ chàng đem chuyện bí mật về Kim Lý Hành Ba Đồ kể cho Chu Không Dực nghe.

Chu Không Dực vừa nghe đến đó thì trong ánh mắt lộ nét tươi vui khác thường, hiển nhiên với một nhân vật lão luyện giang hồ như ông ta tất đã biết đến pho bảo đồ của Kim long lão nhân. Ông ta không cắt ngang lời Khấu Anh Kiệt, cứ để cho chàng kể tiếp.

Khấu Anh Kiệt bấy giờ lần lượt đem hết chuyện cũ nói ra, kể cả chuyện Quách Thái Linh chết dưới tay của Vũ Nội thập nhị lệnh Tổng lệnh chủ Thiết Hải Đường, bất cứ chuyện gì chàng còn nhớ được nhất nhất đều kể cho Chu Không Dực nghe.

Bên ngoài động tuyết vẫn rơi mạnh, bầu trời và mặt đất chỉ một màu trắng xóa, nhìn lại ngọn đèn tù mù bên trong động quả là ảm đạm tối tăm.

Những cơn hàn phong của trời sắp sáng cứ từng đợt rít qua, trong thạch động không khí chừng như cũng lạnh thêm.

Không biết tự bao giờ, hai người đã thay đổi vị trí, họ ngồi gần nhau dựa lưng vào vách đá, trên người đắp một tấm da thú, họ đã hàn huyên tâm sự với nhau suốt một đêm.

Câu chuyện của Khấu Anh Kiệt đã đến hồi kết, chàng kể đến đoạn hộ tống linh cữu vào Kinh...

Lúc ấy chàng đã gặp được Quách Thái Linh như thế nào, lại làm sao vô tình tham gia cuộc đua ngựa, rồi quen biết với Trác Quân Minh Trác tiểu thái tuế ra sao, vì Quách Thái Linh quá ương bướng để rồi sự hiểu nhầm ngày càng sâu, tiếp đó là Vũ Nội thập nhị lệnh ức hiếp bức bách, may có Thiếu Tiểu Vi ngầm trợ giúp mới thoát hiểm. Sau đó Thành Ngọc Sương bịt mặt xuất hiện một cách bí ẩn, đoạt mất chiếc Phỉ Thúy Lạc Đà, đánh thụ thương Tổng quản Thiết môn Ưng Thiên Lý, nhờ thế mà chàng mới bình yên đến được Cao Trang.

Chuyện cũ thường vẫn khiến cho người ta dễ xúc động, nhất là những chuyện tìm cảm nam nữ có chút đau thương, Khấu Anh Kiệt nói thế nào cũng không giấu được tâm trạng của mình khi kể lại những chuyện này.

Những chuyện sau đó khi vào Bạch Mã sơn trang thì chàng kể càng rõ ràng hơn nữa, Chu Không Dực lắng nghe một cách hết sức chăm chú.

Khi nói đến chuyện nhị sư huynh bị bức hại, Chu Không Dực bỗng nhiên cất tiếng cười lớn, tiếng cười nghe khác thường.

Trong suốt nửa sau câu chuyện, Chu Không Dực không hề chen vào một lời, mãi cho đến khi Khấu Anh Kiệt kể hết toàn bộ mọi chi tiết.

Cuối cùng khi chàng kể chuyện lưu thư trả bình ngọc thì mới thấy ông ta gật nhẹ đầu, chừng như tỏ ý đồng tình với chàng.

− Chuyện là thế đó, sau đó tôi mới chạy tới đây.

Khấu Anh Kiệt thở hắt ra một hơi, nói tiếp :

− Chẳng biết hiện tại trong Bạch Mã sơn trang sư môn hiện tại ra sao, Thái Linh như thế nào?

Chu Không Dực gật đầu, rồi nắm một cành cây viết lên trên mặt đất :

− Cô ta sẽ chờ đợi ngươi, ngươi làm thế này thực không đúng.

Khấu Anh Kiệt nói :

− Ý đại ca chẳng lẽ...

Chu Không Dực chẳng đợi chàng hỏi hết câu viết tiếp :

− Cô ấy là của ngươi, chuyện giữa các người vẫn còn tiếp tục phát triển, trước mắt chưa thể kết luận, ta nghĩ trước đây Quách Bạch Vân tuy là trong cơn hoạn nạn gặp người mới đem nhi nữ phó thác cho người, nhưng nhất định ông ấy có tầm nhìn hơn người mới chọn ngươi, giờ nếu như người nửa đường bỏ ngang chẳng hóa ra phụ lòng ân sư?

− Đại ca nói rất đúng, có điều...

Chu Không Dực cười nhạt viết tiếp :

− Trời có mắt mới phú trọng trách cho người nào đó, thì trước hết người ấy phải dốc tận tâm trí, ra hết sức lực mới được... cứ như người trước khi có thành tựu này thì cũng trải qua một quá trình gian khổ, người không nên nửa đường bỏ ngang, cứ xem chuyện cũng biết rồi sẽ có kết quả tốt đẹp mà thôi.

Khấu Anh Kiệt chau mày hỏi :

− Ý đại ca là... chẳng lẽ tiểu đệ có thể quay đầu trở lại tìm cô ta chăng?

Chu Không Dực mỉm cười viết nhanh tám chữ :

− Không mong không cầu, cứ theo tự nhiên.

Khấu Anh Kiệt vốn mong có được một lời chỉ giáo của ông ta, nhưng không ngờ ông ta cũng không nói gì hơn, bất giác cảm thấy thất vọng.

Chu Không Dực lại viết :

− Những người mà vừa rồi người nhắc tới, ta có biết ít nhiều, như Thiết Hải Đường con người này ta cũng từng nghe nói tới, ta nghĩ với võ công của người hiện tại có thể thắng được hắn. Người nên dùng bản lĩnh của mình để làm những việc có ý nghĩa cho võ lâm, chấn hưng sư môn, đây là trách nhiệm của người không thể bàng quang.

Khấu Anh Kiệt ngớ người một lúc rồi gật đầu nói :

− Đại ca nói rất thuận đạo lý, tiểu đệ cũng từng nghĩ như thế.

Chu Không Dực viết :

− Hôm nay ta tận mắt nhìn thấy người một mình địch nhiều người, công lực sở học trác tuyệt, trong đó có nhiều chiêu thức đến ta cũng chưa từng nghe, giờ nghe người nói mới biết thì ra người được Quách Bạch Vân tặng cuốn cổ thư Kim Lý Hành Ba Đồ luyện được Ngư Long Bách Biến thân pháp. Cuốn sách đó còn trong người người chứ?

− Còn. Khấu Anh Kiệt gật đầu đáp.

Hơn một năm nay quen biết kết thân với Chu Không Dực, chàng tin tưởng ở phẩm chất tư cách của con người này, tuy việc làm này trái với lời huấn thị của ân sư năm xưa, nhưng trước lời thỉnh cầu của đối phương chàng khó lòng cự tuyệt, khi ấy mới xắn quần lên cởi cuốn cổ thư ra, hai tay trao cho Chu Không Dực.

Chu Không Dực đón lấy cuốn sách từ từ giở sách ra xem, đôi mắt ông ta chừng như bị hình ảnh của những con lý ngư sinh động tung nhảy cuốn hút chặt.

Ông ta xem qua một lượt rồi trao trả sách lại cho Khấu Anh Kiệt.

Khấu Anh Kiệt hỏi :

− Đại ca thấy thế nào?

Chu Không Dực trên nét mặt hiện một nụ cười viết nói :

− Rồng bay cá nhảy, động tĩnh hợp nhất, Kim Long lão nhân năm xưa khi vẽ những bức tranh này tất trải qua một thời gian tịnh cư, nếu không khó mà họa được như thế, người thường thực khó mà lĩnh hội được. Ta nghĩ năm xưa khi Kim Long lão nhân họa tranh khả năng ngay chính chiếc giường đá mà người và ta hiện đang ngồi đây.

Ông ta viết đến đó, chừng như quá cảm khái thở hắt ra một tiếng, rồi dùng chân xóa đi những chữ vừa viết, viết lại :

− Người làm thành bảo đồ này phải đủ thiên, địa, thời, thiếu một trong ba yếu tố này đều không thành, người tham ngộ thấu hiểu được bức đồ này cũng thế. Tiểu đệ người quả là phước trạch to lớn, may mắn lắm lắm.

Khấu Anh Kiệt trong lòng vô cùng vui mừng nói :

− Nếu như một năm qua không được đại ca chỉ bảo, tiểu đệ chắc không có được thành đạt như hôm nay. Đệ thấy thân pháp của đại ca và thân pháp Ngư Long Bách Biến chừng như đồng thanh tương ứng, thật kỳ diệu.

Chu Không Dực nghe chàng nói thế trong ánh mắt tỏ vẻ ngạc nhiên rồi gật đầu viết :

− Người nói không sai, ta luyện Lý Ngư thân pháp đã có đến mười năm, thế nhưng chỉ mới năm vừa rồi mới ngộ hiểu thấu triệt, còn người thì may mắn thành tựu nhanh chóng hơn nhiều.

Khấu Anh Kiệt nói :

− Nói sao thì vẫn nhờ đại ca một năm qua chỉ dạy, nếu không tiểu đệ thực khó mà thành tựu được. À không biết quyển Ngư Long Bách Biến đồ này có ích gì cho đại ca chăng?

Chu Không Dực đưa tay gãi nhẹ lên đầu như suy nghĩ rồi viết :

− Nếu như năm năm về trước thì cuốn bảo đồ này có ích với ta, bớt được năm năm mò mẫm như đáy biển mò kim, còn hiện tại khi ta luyện thành tựu, cuốn bảo đồ này chỉ giúp ta ấn chứng lại võ công đã luyện mà thôi, không có ích gì nữa, người nhanh cất nó đi.

Khấu Anh Kiệt biết ông ta cố làm khách khí, bấy giờ mới cất cuốn bảo đồ.

Chu Không Dực viết :

− Một năm nay tĩnh cư trong thâm sơn cùng cốc, rất có ích cho người sau này ra ngoài hành sự.

Viết đến đó ông cất tiếng thở dài, chừng như rất thương cảm, viết tiếp :

− Trăng có lúc mờ tỏ tròn khuyết, người có khi vui buồn hợp ta, người với ta kết giao thân tình hơn một năm nay xem ra cũng đến lúc chia tay, thử hỏi làm sao không khiến người ta buồn cảm?

Khấu Anh Kiệt nghe thế cả kinh vội hỏi :

− Đại ca nói thế nghĩa là sao?

Chu Không Dực cười khổ viết :

− Nơi này không thể ở thêm được nữa rồi, phải đi nơi khác càng sớm càng tốt, huống gì...

Ông ta hơi ngập ngừng một chút rồi viết tiếp :

− Võ công người đã thành tựu lớn, ta thực không mong muốn nhìn thấy người cứ ẩm mãi trong núi, năm xưa ta từng có lời giao hẹn với vị Tĩnh Hư phương trượng Quy Nguyên tự trên Hoàng Sơn, đúng năm nay gặp nhau lại trên chùa đàm đạo, cho nên người với ta không thể không chia tay.

Khấu Anh Kiệt ngẩn người một lúc rồi cúi gầm đầu lặng im không nói.

Chàng được tu dưỡng không nhỏ, nhất là một năm qua tĩnh cư nơi sơn lâm đã khiến cho chàng càng trầm tĩnh hơn, cho nên không để tình cảm làm xúc động quá mức, vả lại sự thực thì cũng đúng như lời Chu Không Dực nói, chẳng còn biết làm gì hơn.

Hai người im lặng qua đi một lúc cuối cùng Khấu Anh Kiệt ngước mặt lên cười khổ nói :

− Thực ra thì tiểu đệ cũng đã nghĩ đến rồi có một ngày này, có điều không nghĩ là nó đến nhanh như thế, không biết đại ca có tính ngày đi hay chưa?

Chu Không Dực khẽ gật đầu :

− Là ngày nào? Khấu Anh Kiệt hỏi.

− Ngày mai...

Chu Không Dực viết tiếp :

− Cho nên đêm nay ta mới giữ người lại nói chuyện.

Khấu Anh Kiệt đại kinh trong lòng nhưng vẫn gật đầu thở dài nói :

− Sau này chúng ta còn gặp lại nhau chứ?

Chu Không Dực gật đầu.

Khấu Anh Kiệt ánh mắt vui lên vội hỏi :

− Ở đâu?

Chu Không Dực lại lắc đầu.

Khấu Anh Kiệt quả thực ngồi không yên, cảm thấy không khí trở nên ngột ngạt, trong lòng thì bứt rứt khó chịu, chàng vội đứng dậy bước nhanh ra ngoài động.

Trời chừng như đã sáng.

Mấy con chim rừng thoáng thấy bóng người xuất hiện vụt bay lên từ những ngọn cây trơ cành, miệng kêu quang quác. Khấu Anh Kiệt thả bước nhẹ rồi ngừng lại bên hồ nước, ánh mắt ngưng nhìn ra xa xăm, trước mắt chàng chỉ thấy một màu trắng ngần của tuyết.

Cứ nghĩ đến giờ phút chia tay với Chu Không Dực, chàng quay trở lại với giang hồ là đầu óc chàng rối bời lên.

Vấn đề này thực ra chàng đã nghĩ đến từ lâu, có điều chàng không nghĩ sâu xa lắm, hàng ngày chàng chỉ say mê vào những điều huyền diệu uyên thâm trong võ công, giờ chàng bỗng nhiên va chạm vào hiện thực thì mới biết trong lòng trống rỗng, chưa từng có một chút chuẩn bị nào cả. Cuộc chia biệt này chẳng khác nào một độc chiêu quái thức mà chàng không biết nên chống đỡ như thế nào.

Chu Không Dực lặng lẽ đến sau lưng chàng tự lúc nào, mãi cho tới khi bàn tay ông ta đặt nhẹ lên vai thì Khấu Anh Kiệt mới giật mình sực tỉnh.

− A. Đại ca...

Khấu Anh Kiệt quay người lại, gượng cười một cách khổ sở.

Chu Không Dực gật nhẹ đầu, chỉ vào chiếc bàn đá, hai người cùng nhau bước đến đó ngồi xuống.

− Trước khi đi, đại ca có điều chi bảo tiểu đệ?

− Có.

Chu Không Dực gật đầu, dùng bút viết :

− Ta có một vật tặng cho người.

Khấu Anh Kiệt mỉm cười nói :



− Đại ca cho đệ đã quá nhiều.

Chu Không Dực buông bút xuống, nhưng lại nắm thanh trường kiếm lên.

Khấu Anh Kiệt cả kinh cứ ngỡ là có động tĩnh gì vội ngoái đầu nhìn ra ngoài nhưng chẳng ngờ Chu Không Dực dúi thanh kiếm vào tay chàng.

− Cái này...

Khấu Anh Kiệt ngớ người ra, miệng lắp bắp không thành câu.

Chu Không Dực chỉ tay vào thanh kiếm thần thái nghiêm túc viết lên giấy nói :

− Ta tặng cho người thanh kiếm mà ta yêu quý nhất, hy vọng người giữ gìn cẩn thận, người cất đi.

Khấu Anh Kiệt ngớ người nói :

− Điều này...

− Bất tất khách khí.

Chu Không Dực lại viết :

− Ta phát hiện ra người còn thiếu một thứ binh khí thích hợp, thanh kiếm này đối với ta đã mất ý nghĩa sử dụng, ngược lại đối với người thì hữu dụng vô cùng, tới đây người sẽ dùng nó diệt ác trừ bạo, có thanh kiếm này trong tay sẽ khiến cho người tăng thêm sức mạnh.

Khấu Anh Kiệt hai tay nâng niu thanh kiếm, đối với ân tứ này thực to lớn, trong lòng cảm động khó nói thành lời, chàng vái dài Chu Không Dực một cái nói :

− Đa tạ đại ca ban tứ hậu hĩnh, tiểu đệ xin bái lĩnh.

Chu Không Dực viết :

− Thanh kiếm này có tên gọi là Trường Khi, do phụ hoàng ta ban tặng. Nghe nói thanh kiếm này do Nam Ngục lão nhân luyện thành, chỉ vì từ nhỏ ta đã say mê luyện đao kiếm, trong số anh em thì ta là người có sở trường về võ nghệ, cho nên phụ hoàng mới ban tặng cho ta. Nó rất sắc bén, chém sắt như bùn, là một thanh kiếm cực quý hiếm, người chớ làm mất.

Khấu Anh Kiệt gật đầu nói :

− Đại ca xin cứ yên tâm, kiếm còn người còn, kiếm mất người mất, tiểu đệ quyết không để phụ lòng kỳ vọng của đại cả.

Chu Không Dực nghe chàng nói như thế thì tỏ ra rất vui, bấy giờ đứng lên bước tới bên vách đá, mở nắp chiếc bình sành đựng rượu ra múc hai chén đầy, Khấu Anh Kiệt vội vàng chạy đến đỡ lấy một chén, chẳng nói thêm câu nào mỗi người uống cạn một chén. Chu Không Dực cất tiếng cười lớn vẻ thỏa chí bình sanh rồi dùng lực ném manh chiếc chén.

Khấu Anh Kiệt hiểu ông ta đã sắp ra đi, quan tâm hỏi :

− Đại ca đi rồi, động phủ này sẽ như thế nào?

Chu Không Dực cười ha hả, lắc đầu.

Khấu Anh Kiệt mới nghĩ lại trong gian thạch thất động nà kỳ thực chẳng có vật gì đáng giá huống gì lại nằm trong tuyệt phong, mình hỏi câu này là đã quá thừa.

Lúc này trong đầu chàng đã bấn loạn, bao nhiêu ý nghĩ trước nay chưa từng nghĩ đến phút chốc dâng lên như sóng triều, đối với quá bằng hữu tợ ân sư này, tình thâm nghĩa nặng làm sao chàng không lưu luyến bồi hồi cho được.

Chàng vốn có rất nhiều lời muốn nói, thế nhưng chỉ nghĩ đến ly biệt thì đến một câu cũng chẳng thốt lên thành lời. Chu Không Dực ngược lại thần thái tỏ ra rất thản nhiên, tìm một chiếc túi da rồi lấy những vật dụng cần thiết bỏ vào.

Vật dụng của ông ta thực ra chỉ có một đôi ủng da, một chiếc kim bôi, một đôi đũa ngà, ngoài ra còn có một thứ quý nhất là chiếc kim lâu y và chiếc túi nhỏ bằng da dê vàng.

Chu Không Dực chừng như chợt nhớ ra điều gì, lôi chiếc túi da lại, mở sợi dây kim tuyến buộc miệng, dốc ngược túi lên, xòa một tiếng từ trong túi đổ ra một ít châu báu vàng bạc.

Khấu Anh Kiệt hơi bất ngờ nhưng liền cười nói :

− Không ngờ đại ca vẫn còn giữ được những thứ này.

Chu Không Dực ngưng mắt nhìn đống châu báu mà năm xưa còn cất giữ, thuận tay nắm lấy một chiếc vòng ngọc bích xanh biếc lên xem, bất giác hình ảnh thê tử ông năm xưa từng mang chiếc vòng này trên tay hiện ra trước mắt khiến ông ngây người sờ sững.

Khấu Anh Kiệt vội lay hỏi :

− Đại ca sao thế?

Chu Không Dực như giật mình sực tỉnh mới quay đầu lại, ông ta nhặt thêm mấy món ngọc quý và tiền vàng, rồi cùng chiếc vòng ngọc bích nhét hết vào tay Khấu Anh Kiệt.

Khấu Anh Kiệt ngớ người cười nói :

− Thế này là sao? Tiểu đệ không dám nhận những món châu báu quý giá thế này.

Chu Không Dực chẳng nói chẳng rằng, cứ nhét mạnh vào tay chàng. Khấu Anh Kiệt bất đắc dĩ đành nắm lấy, giọng cảm kích :

− Tiểu đệ hiểu đại ca sợ tiểu đệ đi ra ngoài không có tiền làm lộ phí, tiền vàng thì lấy cũng được nhưng còn chiếc vòng ngọc của phụ nữa này thì lấy làm gì chứ?

Chu Không Dực lấy tay viết lên mặt đất :

− Cái đó tặng cho vị Quách cô nương của người làm sính lễ.

− A!

Khấu Anh Kiệt há hốc mồm miệng mặt ửng đỏ ấp úng nói :

− Đại ca nghĩ gì thế?

Chu Không Dực cười cười, nhặt số châu báu tiền vàng còn lại cho vào túi, buộc kỹ dây rồi mới cất vào túi lớn.

Hành trang của ông ta xem ra cũng rất đơn giản.

− Ta đi, hẹn ngày gặp lại.

Chu Không Dực viết :

− Ở đây không còn bình yên, người cũng nhanh đi đi.

Viết xong câu này, ông ta đứng lên một tay vất chiếc túi da lên vai, tay còn lại ôm lấy chiếc hộp gỗ chứa đầu người rồi bước ra ngoài động. Khấu Anh Kiệt bước theo ông ta.

Ra đến ngoài cửa động, Chu Không Dực quay người lại, hai người mặt đối mặt, bón mắt ngưng nhìn nhau.

Cứ thế qua đi một hồi rất lâu, chừng như có bao nhiêu lời cuối cùng muốn nói, họ đã nói với nhau qua ánh mắt, Chu Không Dực giơ tay vỗ nhẹ lên vai Khấu Anh Kiệt mấy cái.

Khấu Anh Kiệt khẽ gật đầu nói :

− Đại ca bảo trọng, tạm biệt.

Chu Không Dực toét miệng cười, rồi chỉ thấy thân hình lắc nhẹ một cái, cả người như làn khói xám vút nhanh ra ngoài hòa lẫn vào trong màu tuyết.

Khấu Anh Kiệt cũng đứng ngây người ra dùng mắt tiễn Chu Không Dực, bóng ông ta cứ nhòa dần trong làn tuyết trắng, sau mươi lần nhảy thì đã mất hút sau ngọn cô phong trước mặt.

Người thân đi khuất rồi, nhưng Khấu Anh Kiệt vẫn còn đứng tần ngần một lúc nữa mới quay gót trở vào trong thạch động. Giờ chỉ còn lại một mình, nghĩ lại Chu Không Dực trong lòng chàng vô cùng cảm kích và kính phục, hốt nhiên chàng nhận ra mình đã lớn mạnh hơn nhiều, hùng tâm tráng trí trong người cũng đột khởi mạnh mẽ, khí huyết trong người sôi lên sùng sục.

Nhìn lại thanh Trường khu kiếm trong tay, trong lòng bất giác hào tình vạn trượng, đồng thời lĩnh hội được tâm huyết của Chu Không Dực khi mang thanh kiếm ông ta quý nhất trao tặng cho mình. Chừng như thâm hàm bao nhiêu ý nghĩa, chẳng thể làm cho ông ta thất vọng.

Quác! Quác!

Đột nhiên bên ngoài có tiếng động vang lên, Khấu Anh Kiệt quay đầu nhìn ra kịp thấy một con chim ưng xà xuống bằng một thế uy mãnh, nhanh như chớp cắp lấy con thỏ xám rồi bay vút lên trời hết sức nhanh chóng.

Trong cảnh đông hàn tuyết trắng này loài chim ưng chừng như đầy uy quyền tự phụ và không khuất phục.

Con người ta cũng nên như thế chăng?

Khấu Anh Kiệt cuối cùng cũng hiểu ra đạo lý này, chàng chọn lấy con ưng kiêu hãnh tự phụ kia, mà xả bỏ con thỏ xám yếu đuối.

Ngày đông giá lạnh, trích thủy thành băng.

Khách bộ hành người nào cũng hai tay xoa vào nhau, còng người đi dưới cái rét, mũ thì chụp kín nửa mặt, cứ thế mà lầm lũi đi như chạy. Gió rét từng đợt mang theo bông tuyết thổi qua đầu người, cơ hồ như trời đất đang cơn thịnh nộ muốn giáng phạt những con người ở đây.

Trong những ngày đại hàn này, kẻ không cần ra đường thì cho những con người đang đội tuyết kia là lũ điên.

Thế nhưng trên đời này kẻ điên quả là lắm. Đám khách bộ hành vẫn cứ đội tuyết chúi đầu đi nhanh về phía trước như tìm đường xuống âm phủ địa tào.

Trong trấn này, dù trời đông giá rét đến đâu, vẫn có một nơi ngày đêm mang hơi ấm ngày xuân, đó là một tửu lâu. Chỉ cách tấm rèm cửa da thú dày nặng kia không ngớt tiếng cười tiếng nói huyên náo của đám tửu khách vọng ra.

Lý Khoái Đao là tên cũ của tửu lâu này.

Thực tình thì trong một vùng Bảo Khê này, người ta có thể không biết được tên tuổi của một vị vương lang công tử thế nhưng ai ai không ai không biết đến danh hiệu Lý Khoái Đao.

Lý Khoái Đao đương nhiên là ngoại hiệu của một người dụng thanh đao nhanh đến nổi tiếng. Thế nhưng có một điều đừng nhầm người này dùng đao giết người nhanh như chớp mắt, mà chỉ dùng dao thái thịt nhanh như chớp. Người ta đồn rằng, nhân vật này dùng đao thái thịt nhanh đến nỗi đứng xem đếm theo cũng không kịp mà lát thịt ra thì mỏng như tờ giấy, tin hay không tùy bạn.

Ban đầu nơi này chỉ là một quán rượu nhỏ như lỗ mũi, lại không tên không tuổi nhưng vì tài nghệ dùng dao của chủ quán mà ngày càng đông khách, rồi cứ thế người ta gán cho nó cái tên Lý Khoái Đao làm hiệu quán.

Song về sau khi quán đông đúc, cơ ngơi khuếch trương mạnh thành một đại tửu lầu thì cái tên Lý Khoái Đao bất nhã chừng như đi vào dĩ vãng, còn đại tửu lầu này đã nghễnh nghệu với một nhãn hiệu rất gợi cảm: Đồng Tước viện.

Đồng Tước viện chỉ là cái tên gọi chung cho hệ thống kinh doanh của Lý Khoái Đao, còn đi vào bên trong thì chia ra bốn khu ăn kinh tài khác nhau, một là Đồng Tước tửu lâu, hai là Đồng Tước khách san, ba là Đồng Tước đổ trường và cuối cùng là Đồng Tước thanh lâu.

Có thể nói Đồng Tước viện là chốn tiêu tiền của vùng Bảo Khê này, ở đây không thiếu bất cứ một món khoái khẩu nào, chỉ cần khách hầu bao rủng rỉnh tiền thì có thể gọi bất cứ món gì quán cũng có thể đáp ứng được như yến sào, thai báo, môi đười ươi, u lạc đà...

Còn ở trong Đồng Tước thanh lâu thì kỹ nữ tiếp khách đều tuyển chọn từ khắp nơi về, cứ nhìn dáng hạc thướt tha, da trắng môi hồng, ánh mắt đen láy như hồ thu lúc nào cũng đưa tình khiến cho tửu khách ngà ngà hơi men có cảm giác lạc vào cảnh bồng lai rồi.

Nhưng mỏ vàng của Đồng Tước viện này vẫn chính là Đồng Tước đổ trường, một sòng bạc lớn với đủ loại hình cờ bạc, bao nhiêu con bạc say máu đỏ đen từ khắp nơi đều quy tập về đây. Khi đến thì áo mão cân đai, hầu bao xúng xính, tướng mạo oai nghi, nhưng khi ra về thì như những con thiêu thân, như những cái xác không hồn, áo quần thốc thếch, không một xu dính túi. Có kẻ thua trắng tay, tan gia bại sản đã tự tử ngay trong Đồng Tước viện này. Nhưng với Lý Khoái Đao thì chỉ mỉm cười, may lắm hắn cho một chiếc chiếu rách đem chôn như chôn một con vật không hơn không kém.

Lại nói Đồng Tước tửu lầu cả thảy hai tầng, tầng trên là nhã tọa được chia thành nhiều phòng riêng biệt, tầng dưới là tiếp khách chung.

Bấy giờ đã hết canh một, thế nhưng trong tầng khách chung vẫn còn khách ngồi hết sáu bảy phần bàn. Ngồi quanh chiếc bàn ở phía tây là người của Hoằng Phúc tiêu cục, còn khách ngồi bàn phía đông là chủ nhân của hãng dệt Lập Tường, bàn trước đặt tiệc ăn mừng sinh nhật của vị Tổng tiêu đầu Thiết dực Thịnh Vân Phi, còn bàn sau là ăn mừng đầy tháng vị tam phu nhân của lão chủ nhân Liêu Phúc Tường sinh hạ quý tử.

Chỉ cần một hai bàn tiệc đông như vậy cũng đủ khiến cho không khí trong tửu lâu huyên náo lên rồi, cứ hết lời chúc tụng này đến lời chúc tụng khác, sau mỗi lần nâng chén, chúc mãi đến giờ này mà xem ra vẫn còn chưa chán. Chả trách lão chưởng quầy Lưu Thiết Nạng mặt méo xệ, trong bụng thì rủa thầm bọn khách ngồi dai như đỉa, nhưng ngoài mặt thì lúc nào cũng phải cố cười hầu khách, đó là nghề của người kinh doanh vậy.

Lưu Thiết Nạng là người theo Lý Khoái Đao kể từ khi hắn xuất thân lập nghiệp, hiện tại thì Lý Khoái Đao đã thành một vị Lý đại đương gia, còn Lưu Thiết Nạng vẫn hoàn Lưu Thiết Nạng, nếu như không phải Lý Khoái Đao còn nể tài nghệ của hắn mà giữ hắn lại làm chưởng quầy trông coi tửu điếm này thì hắn đã sớm cuốn gói ra đi rồi.

Lưu Thiết Nạng chỉ là ngoại hiệu của hắn, hắn vốn có tên là Lưu Nhi Hưng, nhưng vì một chân hắn có tật từ nhỏ phải dùng một chiếc nạng sắt để di, cho nên người ta mới quen gọi hắn bằng cái tên Lưu Thiết Nạng.

Hắn vốn là một tay giang hồ lang bạt từ nhỏ, theo chân không lắm đại ca trong giới lục lâm nên học khá nhiều ngón nghề trở thành một gã giang hồ mạc lưu không dễ chơi chút nào.

Trong cả Đồng Tước viện này có thể nói hắn dưới một người mà trên muôn người, khi hắn buồn dùng nạng sắt đánh ai một vài nạng, chẳng ai dám hó hé hay làm gì được hắn, bởi vì ai cũng biết hắn là lão bằng hữu với Lý đại đương gia.

Lúc này Lưu Thiết Nạng từ lầu trên khập khiễng chống nạng đi xuống, mấy tên tiểu nhị thoáng thấy bóng hắn là lo kính cẩn nghiêm túc đón khách.

Lưu Thiết Nạng tuổi chừng năm mươi khuôn mặt béo đen lại để thêm vành râu quai nón, vừa mới trên lầu tiếp Lý đại đương gia mấy chén nên khuôn mặt của hắn đã đen còn thêm màu đỏ trông càng dữ dằn, nhất là đôi mắt to lồi như mắt báo ngầu đỏ khiến người yếu bóng vía không dám nhìn.

Tổng tiêu đầu Hoằng phúc tiêu cục Thiết Dực Thịnh Vân Phi đứng lên, hai ta ôm quyền thi lễ gọi :

− Nhị đương gia đi đâu nãy giờ, nhanh nhanh... đến cạn một chén.

Lưu Thiết Nạng chưa nói đã cười hắc hắc xua tay nói :

− Không không... khuya rồi. Thịnh lão tổng à. Các vị nghỉ ngơi thôi.

Thịnh Vân Phi cười ha hả, chừng như còn chưa hiểu ra hàm ý đuổi khách của Lưu Nhị Hưng.

Lưu Nhị Hưng rủa thầm trong bụng: Đồ chết băm rồi bước đến ngày giữa quán giơ chiếc nạng sắt lên gõ mạnh vào chiếc đèn lồng treo trên xà, quát bảo :

− Đến đây, nhanh lấy xuống, biết giờ này là giờ nào rồi không?

Lần này thì có ngu đến đâu cũng không thể không hiểu ý hắn.

Tổng tiêu đầu họ Thịnh nghe không khỏi nhíu mày khó chịu, chính lúc định phát nộ thì từ bàn bên kia đã nghe có tiếng người gọi tiểu nhị tính tiền, có thể Thịnh Vân Phi mới dằn cơn nộ lại trong lòng.

Nào ngờ, một tên tiểu nhị khác vừa mới bước tới cuốn tấm rèn cửa da thú nặng nề lên chuẩn bị tiễn khách, đột nhiên tiếng vó ngựa dồn dập, nháy mắt một con ngựa toàn thân đen tuyền bám đầy bụi tuyết phóng đến nhanh như bay đến ngay trước ngoài cửa.

Móng ngựa gõ mạnh trên đá xanh từng tiếng nghe rõ mồn một, trong đêm khuya vắng lặng như đêm nay thì nghe lại càng vang hơn.

Trước khí thế oai hùng của con tuấn mã, và chủ nhân của nó khiến thực khách ra về đều nán chân lại, bao nhiêu ánh mắt tập trung nhìn ra vị khách vừa đến.

Lại nói tên tiểu nhị tên Quách Thuận vừa mới thoáng thấy bóng ngựa thì ngựa đã đến ngay trước mặt, khiến hắn giật thót mình a lên một tiếng, thân hình lảo đảo về sau. Một cảnh tượng thật kinh người, cứ nhìn cơ hồ con ngựa phóng qua đầu tên tiểu nhị, khi mọi người nhìn lại thì con ngựa đã ngừng vó, người cỡi ngựa buông cương tung nhẹ người đứng xuống đất.

Ngựa là long câu, người là giai nhân.

Thực không ai tin được trên lưng con tuấn mã kia lại là một vị giai nhân tuyệt sắc, tuấn mã đen tuyền cổ có một vòng trắng như chuỗi hạt đúng là một con ngựa hiếm nhưng người lại càng đẹp cơ hồ tứ hải khó tìm.

Ai yêu ngựa thì ngưng mắt nhìn ngựa, yêu sắc thì chăm chú nhìn người.

Mấy mươi cặp mắt phút chốc như bị thôi miên bởi người và ngựa, nhưng kỳ thực thì mỹ nhân vẫn chính là mục tiêu của họ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Trường Kiếm Tương Tư

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook