Truy Tìm Dracula

Chương 41

Elizabeth Kostova

22/04/2016

“Khi giáo sư József cúi xuống bàn ăn của chúng ta thân thiện hỏi câu đó, trong giây lát cha đã không biết phải đáp lại thế nào. Cha phải nói chuyện với Hugh James càng sớm càng tốt, nhưng phải ở chỗ riêng tư và kín đáo chứ không phải chỗ đông người này, và chắc chắn không phải trước sự có mặt của con người mà chính Helen đã cảnh báo cha phải đề phòng - lý do? - vì hắn muốn dòm ngó công việc của cha. Cuối cùng cha cũng thì thầm được vài tiếng. ‘Chúng tôi đang chia sẻ với nhau thú đam mê sách cổ,’ cha nói. ‘Học giả nào mà chẳng phải thừa nhận điều đó, anh không nghĩ vậy sao?’

“Vào lúc đó, Helen đã kịp đến bên chúng ta, nhìn cha bằng một ánh mắt mà cha nghĩ là cảnh giác lẫn tán đồng. Cha đứng dậy kéo cho cô một chiếc ghế. Trong lúc phải giấu sự thật với Géza József, hẳn cha vẫn để lộ phần nào vẻ phấn khích ra với Helen, vì cô cứ nhìn chằm chằm dò hỏi từ cha sang Hugh. Géza có vẻ ân cần với tất cả chúng ta, nhưng cha có cảm tưởng đôi mắt một mí đẹp đẽ của anh ta khẽ nhíu lại; cha chợt nghĩ hẳn dân Hung Nô cũng từng nheo mắt nhìn ánh chiều phương Tây qua kẽ hở của mũ da như thế. Cha cố gắng không nhìn anh ta thêm một lần nữa.

“Chúng ta có thể ngồi đó, tránh nhìn vào mặt nhau cả ngày nếu giáo sư Sándor không bất ngờ xuất hiện. ‘Tốt quá,’ ông ta oang oang. ‘Tôi thấy các bạn có vẻ ngon miệng. Các bạn xong rồi chứ? Còn bây giờ, anh vui lòng đi cùng tôi, chúng tôi sẽ thu xếp để anh bắt đầu bài thuyết trình của mình.’

“Cha ngần ngại - trong vài phút cha đã thực sự quên bẵng cái cực hình đang chờ phía trước - nhưng vẫn ngoan ngoãn đứng lên. Géza kính cẩn rút lui ra phía sau giáo sư Sándor và cho cha một khoảnh khắc may mắn được nhìn Helen. Cha tự hỏi liệu thái độ của Géza như thế có quá kính cẩn chăng, nhưng rồi không nghĩ tiếp mà chỉ mở to mắt và dịch về phía Hugh James, người đã lịch sự đứng lên lúc Helen đến và giờ đang im lặng đứng yên tại bàn. Helen cau mày, bối rối, sau đó cha cảm thấy nhẹ nhõm khi giáo sư Sándor vỗ vai và dẫn Géza đi. Cha nghĩ mình đã nhận ra vẻ bực bội khó chịu trên tấm lưng đồ sộ dưới lớp áo vest của anh chàng người Hung, nhưng có lẽ là do lời cảnh báo của Helen về anh ta đã tác động quá mạnh tới cha. Dù sao chăng nữa, tạm thời chúng ta cũng đã có được một khoảnh khắc tự do.

“Hugh cũng có cuốn sách đó,’ cha thì thầm, không chút xấu hổ khi tiết lộ bí mật của anh chàng người Anh.

“Helen chăm chú nhìn, nhưng không hiểu. ‘Hugh nào?’

“Cha vội gật đầu về phía anh bạn mới của chúng ta, anh ta nhìn lại Helen và cha chằm chằm. Tiếp theo, Helen há hốc miệng vì ngạc nhiên. Đến lượt Hugh chằm chặp nhìn cô. ‘Cô ấy cũng…?’

“ ‘Không,’ cha thì thào. ‘Cô ấy đang giúp tôi. Xin giới thiệu đây là cô Helen Rossi, nhà nhân học.’

“Hugh bắt tay Helen với vẻ nhiệt tình hơi thái quá, vẫn nhìn cô đăm đăm. Giáo sư Sándor đã quay lại, tỏ ý chờ đợi và chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc đi theo ông ta. Helen và Hugh đi sát bên cạnh cha tựa như chúng ta là một bầy cừu.

“Hội trường đang dần đông người trở lại, cha chiếm một chỗ ở hàng đầu, mạnh dạn lấy tài liệu ghi chú ra khỏi cặp. Giáo sư Sándor và anh chàng sinh viên phụ tá lại đang loay hoay với chiếc micro, và cha chợt nghĩ có thể cử tọa không nghe được những gì cha phát biểu, và như vậy cha sẽ ít phải lo lắng hơn. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc micro đã hoạt động trở lại, vị giáo sư tử tế lên tiếng giới thiệu cha, thỉnh thoảng phấn khởi lắc lư mái đầu bạc trắng ở một vài điểm cần nhấn mạnh. Một lần nữa ông tóm tắt các thành tích xuất sắc của cha, mô tả uy tín trường đại học ở Hoa Kỳ mà cha đang làm việc, chúc mừng vì hội nghị đã có đặc ân hiếm hoi được nghe cha nói chuyện, lần này tất cả đều bằng tiếng Anh, có lẽ nhằm tạo thuận lợi cho cha. Bất chợt, cha nhận ra không có thông dịch viên để dịch tập ghi chú đã nhăn nheo và quăn góc của mình qua tiếng Đức trong lúc cha phát biểu, phát hiện này khiến cha cảm thấy tự tin hẳn lên khi đứng đối diện với thử thách của mình.

“ ‘Các bạn đồng nghiệp thân mến,’ cha bắt đầu, và rồi, nhận ra mình đang quá phô trương, bèn đặt tập giấy ghi chú xuống. ‘Cám ơn các bạn đã cho tôi được vinh dự nói chuyện cùng các bạn hôm nay, tôi muốn bàn với các bạn về thời kỳ đế chế Ottoman xâm nhập vào vùng Transylvania và Wallachia, hai vùng đất hiện đang thuộc Rumani mà hẳn các bạn đã rất quen thuộc.’ Những khuôn mặt đăm chiêu của đám cử tọa như dán chặt vào cha, hình như cha vừa phát hiện ra một sự căng thẳng đột ngột phủ lên hội trường. Vùng Transylvania đối với các sử gia Hungary, cũng như với nhiều người Hungary khác, vốn là một đề tài nhạy cảm. ‘Như các bạn đã biết, từ sau cuộc chinh phục thành phố Constantinople cổ kính vào năm 1453, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm giữ nhiều lãnh thổ khắp khu vực Đông Âu trong hơn năm trăm năm, điều hành chúng từ một căn cứ vững chắc. Đế quốc này đã thành công trong việc xâm lăng hơn một chục nước, nhưng một vài xứ sở không bao giờ chịu khuất phục hoàn toàn, phần lớn đó là những khu vực thuộc vùng núi non hiểm trở, ở những vùng xa xôi hẻo lánh ở Đông Âu, cả địa thế lẫn người dân bản địa đều thách thức công cuộc chinh phục của đế quốc này. Một trong số đó là xứ Transylvania.’

“Cha cứ tiếp tục như vậy, một phần đọc từ giấy, một phần từ trí nhớ, thỉnh thoảng vẫn thấy hoảng hốt vì chưa nắm vững chủ đề này, dù các bài học của Helen vẫn khắc ghi sống động trong trí óc. Sau phần giới thiệu, cha tóm tắt khái quát về những tuyến đường giao thương của người Ottoman trong khu vực, sau đó mô tả các ông hoàng và những nhà quý tộc đã cố gắng đẩy lui sự xâm lăng của người Thổ. Làm như tình cờ, cha gộp luôn Vlad Dracula vào những nhân vật đó, vì Helen và cha đã nhất trí rằng nếu hoàn toàn không nhắc gì đến hắn trong bài thuyết trình thì sẽ gây nghi ngờ đối với bất kỳ sử gia nào biết hắn từng là một kẻ chuyên tiêu diệt quân đội Ottoman. Cha đã phải trả giá nhiều hơn so với suy nghĩ khi thốt ra cái tên này trước một đám đông xa lạ, vì khi bắt đầu mô tả việc Vlad Dracula cho hành hình hai mươi ngàn tù binh Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách cho đóng cọc xuyên người, tay cha đã bất chợt vung quá trớn làm đổ ly nước.

“ ‘Ồ, xin lỗi các bạn!’ cha kêu lên, khổ sở đưa mắt nhìn những gương mặt đầy thông cảm của cử tọa - ngoại trừ hai người. Helen trông tái nhợt và căng thẳng, còn Géza József hơi nghiêng người tới trước, mặt nghiêm nghị, tựa như vô cùng quan tâm đến màn vụng về ngớ ngẩn của cha. Cả hai, anh chàng sinh viên mặc áo xanh và giáo sư Sándor cùng xông vào, dùng khăn tay giải cứu cho cha, và chỉ một lát sau cha đã có thể diễn thuyết tiếp, với toàn bộ vẻ nghiêm trang mà cha có thể tập hợp được. Cha chỉ ra rằng mặc dù người Thổ cuối cùng đã thắng được Vlad Dracula và nhiều đồng chí của ông ta - nói xong cha mới nghĩ ra là nên dùng từ đồng chí này ở chỗ khác thì hơn - nhưng những cuộc nổi dậy như vậy vẫn tiếp tục dai dẳng trong nhiều thế hệ, cho đến sau cùng, cuộc khởi nghĩa này tiếp nối cuộc khởi nghĩa khác đã lật đổ được đế chế này. Chính bản chất địa phương của những cuộc nổi dậy này, cùng với khả năng biến mất vào lãnh địa của mình sau mỗi cuộc đột kích, cuối cùng đã làm suy yếu dần cỗ máy Ottoman khổng lồ.

“Cha đã định kết thúc một cách hùng hồn hơn, nhưng hình như chỉ thế này đã làm hài lòng cử tọa. Những tràng pháo tay vang lên. Thật ngạc nhiên, cha đã làm được. Chẳng có gì kinh khủng xảy ra. Helen ngồi sụp xuống, rõ ràng đã trút được gánh nặng, còn giáo sư Sándor thì tươi cười đến bắt tay cha. Nhìn quanh cha để ý thấy bác Éva ở phía sau, cười thật tươi vỗ tay tán thưởng. Tuy nhiên có chuyện gì đó không ổn trong hội trường, và cha nhận ra ngay bóng dáng cao lớn của Géza đã biến mất. Cha không biết anh ta đã bỏ về lúc nào, có lẽ anh ta thấy phần cuối bài thuyết trình dở tệ.

“Ngay khi cha vừa bước xuống, mọi người đứng dậy và bắt đầu rì rào nói chuyện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ba hay bốn nhà sử học Hungary đến bắt tay chúc mừng cha. Giáo sư Sándor hớn hở ra mặt. ‘Tuyệt vời!’ ông ta thốt lên. ‘Tôi rất vui khi thấy lịch sử xứ sở Transylvania của chúng tôi được các bạn ở Mỹ hiểu rõ như vậy.’ Cha băn khoăn tự hỏi không biết ông ta sẽ nghĩ gì nếu biết mọi điều trong bài thuyết trình đều là do cha học được từ một trong những đồng nghiệp của ông ta, trong lúc ngồi tại một quán ăn ở Istanbul.

“Bác Éva cũng bước đến chìa tay ra cho cha. Cha không biết nên bắt tay hay hôn tay bà, nhưng cuối cùng cha quyết định bắt tay. Hôm nay, trông bà có vẻ cao hơn và ấn tượng hơn giữa đám đông những người đàn ông ăn mặc xoàng xĩnh này. Bà mặc một chiếc váy xanh đậm, đeo đôi khuyên tai lớn bằng vàng, và mái tóc uốn quăn mềm mại dưới một chiếc mũ nhỏ màu xanh lá, chỉ qua một đêm đã từ màu đỏ rực chuyển sang đen tuyền.

“Helen cũng bước đến tiếp chuyện, cha để ý họ nói chuyện với nhau một cách vô cùng trịnh trọng trong cuộc gặp mặt này; khó tin được là đêm hôm qua Helen đã lao vào vòng tay bà như thế. Helen dịch lại cho cha nghe lời khen ngợi của bà: ‘Anh làm tốt lắm, chàng trai ạ. Qua nét mặt của mọi người, tôi có thể thấy là anh đã thành công trong việc không làm mếch lòng bất kỳ ai. Có lẽ anh đã không nói nhiều quá, nhưng anh đã đứng thẳng trên bục và nhìn thẳng vào mắt cử tọa - điều đó sẽ giúp anh tiến xa.’ Bác Éva nhận xét một cách nhẹ nhàng, cùng với một nụ cười rạng rỡ, khoe hàm răng trắng đều đặn. ‘Giờ tôi phải về vì có chút việc nhà, nhưng sẽ gặp lại anh vào bữa ăn tối mai. Chúng ta có thể ăn tối tại khách sạn anh ở.’ Cha không ngờ chúng ta lại sẽ cùng ăn tối với bà, nhưng cha cảm thấy vui khi nghe câu nói đó. ‘Tôi rất tiếc không thể mời anh một bữa tối thực sự ngon lành tại nhà, mặc dù rất muốn thế,’ bà nói. ‘Tôi chắc anh sẽ hiểu được nguyên nhân khi tôi giải thích mình cũng đang phải xây dựng lại nhà như đa số người dân khác của Budapest. Tôi không thể để khách khứa nhìn thấy phòng ăn đang bừa bộn của mình.’ Nụ cười của bà rất dễ đánh lạc hướng người khác, nhưng cha cũng chắt lọc được hai thông tin từ hai câu nói này - một là tại thành phố của những căn hộ bé tí này, bà vẫn có một phòng ăn; và hai là, dù nơi đó có bừa bộn hay không, bà cũng phải rất thận trọng với việc mời một người Mỹ xa lạ đến dùng bữa tối tại nhà. ‘Tôi phải trao đổi chút việc với cháu gái mình. Helen có thể đến gặp tôi tối nay, nếu anh chưa cần đến cô ấy.’ Helen dịch chính xác toàn bộ câu nói trên với vẻ như chính cô có lỗi.

“ ‘Tất nhiên,’ cha nói, cười đáp lại nụ cười của bác Éva. ‘Tôi chắc chắn bà và cô ấy sẽ có nhiều chuyện để nói với nhau sau một thời gian dài xa cách. Tôi nghĩ mình cũng có kế hoạch ăn tối riêng.’ Ngay lúc đó, cha rảo mắt tìm chiếc áo vest vải tuýt của Hugh James trong đám đông.

“ ‘Tốt lắm,’ bà lại đưa tay cho cha, và lần này cha hôn tay bà như một người Hungary thật sự, lần đầu tiên cha hôn tay một phụ nữ, và bác Éva ra về.

“Sau giờ giải lao là một bài nói chuyện bằng tiếng Pháp về những cuộc khởi nghĩa của nông dân Pháp vào đầu thời hiện đại, và tiếp theo là những bài thuyết trình khác bằng tiếng Đức và Hungary. Cha lắng nghe họ diễn thuyết, ngồi ở phía sau, bên Helen, thích thú vì không phải chường mặt ra nữa. Khi nhà nghiên cứu người Nga với chủ đề các nhà nước vùng Baltic rời khỏi bục, Helen thì thầm với cha, vẻ quả quyết, là chúng ta đã nán lại đó đủ lâu và có thể ra về được rồi. ‘Thư viện còn mở cửa thêm một giờ nữa. Mình chuồn thôi.’

“ ‘Cho tôi một phút,’ cha nói. ‘Tôi muốn chắc chắn về cái hẹn ăn tối.’ Cha tìm lại được Hugh chẳng mấy khó khăn; rõ ràng anh ta cũng đang tìm cha. Chúng ta đồng ý gặp nhau vào lúc bảy giờ tại tiền sảnh của khách sạn trường đại học. Helen sẽ đến nhà bác Éva bằng xe buýt, và qua nét mặt cô cha nghĩ chắc hẳn cô sẽ không ngơi thắc mắc về những gì Hugh James sẽ kể với cha.

“Khi chúng ta đến nơi, những bức tường của thư viện đại học vẫn còn lấp lánh nắng chiều, một màu hổ phách vàng óng thánh thiện, và cha lại cảm thấy kinh ngạc về tốc độ tái thiết nhanh chóng của đất nước Hungary sau thảm họa chiến tranh. Thậm chí những chính quyền độc tài nhất cũng không phải là hoàn toàn tệ hại nếu đã có thể phục hồi nhiều vẻ đẹp đến vậy cho toàn thể người dân của mình trong một thời gian ngắn như thế. Nỗ lực này chắc hẳn đã được tiếp sức từ chủ nghĩa dân tộc Hungary cũng nhiều như từ nhiệt tình của những người cộng sản, cha thầm nghĩ và nhớ lại những nhận xét bóng gió của bác Éva. ‘Anh đang nghĩ gì vậy?’ Helen hỏi. Cô đã mang găng tay và khoác túi xách sẵn sàng.

“ ‘Tôi đang nghĩ về bác cô.’

“ ‘Nếu anh thích bác tôi đến vậy, có lẽ mẹ tôi sẽ không hợp với phong cách của anh,’ cô nói kèm theo một tiếng cười khiêu khích. ‘Nhưng đó là chuyện của ngày mai. Giờ thì ta phải tìm một thứ ở đây đã.’

“ ‘Thứ gì vậy? Cô đừng làm ra vẻ bí ẩn như vậy chứ.’

“Cô lờ đi, chúng ta cùng bước qua những cánh cửa nặng nề có hình chạm khắc. ‘Thời kỳ Phục hưng phải không?’ cha thì thầm hỏi, nhưng Helen lắc đầu.

“ ‘Đây chỉ là bản mô phỏng làm từ thế kỷ mười chín. Tôi nghĩ, thậm chí cho đến tận thế kỷ mười tám, bộ sưu tập cũng chưa có bản gốc ở Pest mà chỉ có ở Buda, tại trường đại học đầu tiên ở đó. Tôi nhớ một thủ thư từng kể với tôi rằng trong số những cuốn sách cổ nhất thuộc bộ sưu tập này, nhiều cuốn có được là nhờ những gia đình chạy trốn quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ trao tặng cho thư viện từ thế kỷ mười sáu. Anh thấy đó, chúng tôi nợ người Thổ một số thứ. Nếu không, đến giờ ai biết được tất cả những cuốn sách này đang lưu lạc nơi chốn nào?’

“Thật dễ chịu khi lại bước vào một thư viện; nó có mùi hương thật thân thuộc. Đây là một kho báu xây theo kiểu tân cổ điển, tất cả các thứ đồ gỗ đều được khắc chạm và có màu sậm, ban công, hành lang, các bức bích họa. Nhưng thứ lôi cuốn ánh mắt của cha là hàng hàng dãy dãy sách, hàng trăm ngàn cuốn sách xếp hàng trong khắp các phòng, từ sàn lên đến trần, những gáy sách màu nâu, đỏ hay mạ vàng xếp thành hàng tăm tắp, những bìa áo vẫn mát lạnh như cẩm thạch và những trang lót sờ vào vẫn mịn màng, phần sống sách mấp mô có màu nâu như màu xương lâu năm. Cha băn khoăn tự hỏi không biết chúng đã được cất giấu ở đâu trong suốt thời gian chiến tranh, và phải mất bao lâu để sắp xếp chúng lại trên tất cả các kệ sách vừa được đóng lại này.

“Một vài sinh viên còn đọc sách ở những chiếc bàn dài, và một người đàn ông trẻ đang sắp xếp lại những đống sách phía sau một bàn lớn. Helen dừng lại nói gì đó với anh ta, anh ta gật đầu, vẫy tay ra hiệu mời chúng ta đi theo về phía một phòng đọc lớn mà cha vừa thoáng nhìn thấy qua một cánh cửa để mở. Ở đó, anh ta tìm cho chúng ta một cuốn sách khổ đôi lớn, đặt lên bàn, rồi để chúng ta ở lại đó. Helen ngồi xuống và cởi găng tay ra. ‘Đúng rồi,’ cô ôn tồn nói. ‘Tôi nghĩ đây đúng là thứ mà tôi nhớ. Năm ngoái tôi đã xem qua cuốn sách này trước khi rời Budapest, nhưng lúc đó tôi nghĩ là nó chẳng có ý nghĩa gì quan trọng cả.’ Cô mở sách ra đến trang tựa đề, cha nhìn thấy một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Những con chữ trông quen thuộc một cách lạ lùng, tuy vậy cha chẳng đọc được một chữ nào.



“ ‘Chữ gì vậy?’ Cha gí ngón tay vào nơi mà cha nghĩ là tên sách. Đó là một trang giấy dày, tốt, in mực màu nâu.

“ ‘Đây là chữ Rumani,’ Helen trả lời.

“ ‘Cô đọc được chứ?’

“ ‘Đương nhiên.’ Cô đặt tay lên trang giấy, sát bên tay cha. Cha nhận ra bàn tay chúng ta hầu như cùng một cỡ, dù tay cô trông thanh mảnh hơn và có sơn màu trên móng. ‘Đây này,’ cô nói. ‘Anh biết tiếng Pháp chứ?’

“ ‘Có chứ,’ cha gật đầu thừa nhận. Sau đó cha hiểu ra những gì cô muốn nói và bắt đầu dịch cái tựa sách đó. ‘Những khúc tình ca vùng Carpates, 1790.’

“ ‘Tốt lắm,’ cô thốt lên. ‘Rất tốt.’

“ ‘Tôi cứ nghĩ là cô không biết nói tiếng Rumani,’ cha nói.

“ ‘Tôi nói chẳng ra gì, nhưng ít nhiều vẫn có thể đọc được thứ ngôn ngữ này. Tôi đã học tiếng Latin mười năm ở trường, ngoài ra bác tôi đã dạy tôi đọc và viết tiếng Rumani rất nhiều. Dĩ nhiên là ngược lại mong muốn của mẹ tôi. Mẹ tôi rất bướng bỉnh. Dù trong thâm tâm chưa bao giờ từ bỏ nhưng bà vẫn ít khi nhắc nhở về xứ sở Transylvania.’

“ ‘Thế cuốn này nói về cái gì?’

“Cô từ tốn lật qua trang đầu tiên, cha nhìn thấy một cột chữ dài mà thoạt nhìn qua cha không hiểu gì cả; thêm vào sự xa lạ của thứ ngôn ngữ này với cha, nhiều chữ cái Latin làm nên nó còn quá bay bướm với những dấu gạch ngang, dấu đuôi, dấu mũ và các ký hiệu khác. Đối với cha, loại chữ viết này trông có vẻ quá quyến rũ so với một ngôn ngữ Roman. ‘Tôi đã tìm được cuốn sách này khi tiến hành đợt nghiên cứu trước khi đến nước Anh. Thực ra không có nhiều tư liệu về hắn trong thư viện này. Tôi chỉ tìm được một vài tài liệu về ma cà rồng, vì Mátyás Corvinus, ông vua ham mê sách vở của chúng tôi rất hiếu kỳ về chủ đề này.’

“ ‘Hugh cũng nói như vậy,’ cha khẽ nói.

“ ‘Cái gì?’

“ ‘Tôi sẽ giải thích sau. Cô tiếp tục đi.’

“ ‘Vâng, tôi không muốn bỏ sót bất kỳ vấn đề nào ở đây, vì vậy tôi đã đọc vô số tài liệu nói về lịch sử vùng Wallachia và Transylvania. Mất đến vài tháng. Tôi còn buộc mình đọc cả những gì được viết bằng tiếng Rumani. Lẽ dĩ nhiên, qua nhiều thế kỷ bị người Hung đô hộ, nhiều tài liệu và lịch sử về vùng Transylvania được viết bằng tiếng Hungary, nhưng cũng có vài nguồn tư liệu viết bằng tiếng Rumani. Đây là một tuyển tập lời dân ca vùng Transylvania và Wallachia, được một nhà sưu tầm khuyết danh công bố. Một số trong các bài hát này còn hơn cả dân ca - chúng là các thiên sử thi hùng tráng.’

“Cha cảm thấy hơi thất vọng; cha mong cô sẽ cho thấy một tài liệu lịch sử quý hiếm, một cái gì đó nói về Dracula kìa. ‘Có bài nào đề cập đến ông bạn chúng ta không?’

“ ‘Không, tôi e rằng không. Nhưng ở đây có một bài hát mà tôi cứ nhớ mãi, và lại nghĩ đến nó khi anh kể với tôi về những gì Selim Aksoy muốn chúng ta xem tại trung tâm lưu trữ thành phố Istanbul - nhớ không, cái đoạn nói về các tu sĩ từ vùng Carpates, đi xe la vào thành phố Istanbul, anh nhớ chứ? Tôi ước lúc bấy giờ chúng ta đã nhờ Turgut ghi lại bản dịch đoạn đó.’ Lúc đó, Helen đang lật tập sách rất cẩn thận. Một vài văn bản dài được minh họa bằng những bức tranh khắc gỗ ở phía trên, phần lớn là tranh minh họa có nội dung là một cảnh tưởng tượng nào đó trong những chuyện cổ tích dân gian, nhưng cũng có một vài bức tranh sơ sài về cây cối, nhà cửa và súc vật. Chữ in rõ ràng, nhưng nói chung cuốn sách vẫn mang vẻ thô sơ của chế tác thủ công. Helen rà ngón tay dọc theo các dòng đầu của mấy bài thơ, môi mấp máy, rồi lắc đầu. ‘Có những bài buồn quá,’ cô nói. ‘Anh biết đó, tâm tư người Rumani chúng tôi khác với người Hungary.’

“ ‘Nghĩa là thế nào?’

“ ‘Chà, tục ngữ Hungary có một câu thế này, “Người Magyar đón nhận niềm vui một cách buồn bã.” Thực vậy - Hungary có rất nhiều bài hát buồn, làng quê của họ đầy rẫy chuyện bạo lực, rượu chè, tự tử. Nhưng người Rumani lại còn buồn hơn, buồn hơn nữa. Tôi nghĩ, không phải vì chúng tôi buồn do cuộc sống mà vì bản chất con người chúng tôi sinh ra đã buồn.’ Helen lại cúi đầu xuống nhìn vào quyển sách cổ, hai hàng mi như rợp cả đôi gò má. ‘Anh thử nghe bài này nhé - một bài tiêu biểu.’ Cô ngắc ngứ dịch, và kết quả cũng gần giống như bản cha trích dưới đây - bản chính thức rút ra từ một tập nhỏ các bản dịch thế kỷ mười chín hiện có trong thư viện của cha:

Cô bé đã chết vẫn xinh đẹp dịu dàng như thế.

Cô em gái nhỏ nở nụ cười giống chị.

Khẽ nói cùng mẹ: “Ôi, mẹ thương yêu,

Người chị quá cố hiền lành bảo con đừng sợ.

Bởi cuộc đời chị không thể sống, chị đã tặng cho con,

Để con có thể mang cho mẹ niềm hân hoan mới.”

Nhưng không, người mẹ vẫn chẳng thể ngẩng đầu,

Vẫn chỉ ngồi khóc than cho đứa con đã mất.

“ ‘Lạy Chúa,’ cha rùng mình thốt lên. ‘Thật là dễ hiểu vì sao một nền văn hóa sản sinh ra một bài hát như vậy có thể tin vào chuyện ma cà rồng - thậm chí còn sáng tác ra chúng.’

“ ‘Ừ,’ Helen đáp, gật đầu, nhưng lúc này cô đang lật xem tiếp nội dung quyển sách. ‘Chờ chút.’ Cô đột nhiên dừng lại. ‘Có lẽ là bài này.’ Cô chỉ tay vào một đoạn thơ ngắn, có một bức tranh khắc gỗ minh họa phía trên, có vẻ như mô tả cảnh nhà cửa và các loài vật bị mắc kẹt trong một khu rừng đầy gai góc.



“Cha ngồi một lúc lâu trong tâm trạng hồi hộp trong lúc Helen im lặng đọc, và cuối cùng cô nhìn lên. Một tia khích động hiện trên gương mặt cô; hai mắt cô sáng lên. ‘Nghe này - tôi thử cố hết sức dịch nhé.’ Ở đây, cha ghi lại cho con bản dịch nghĩa mà cha đã giữ suốt hai mươi năm nay:

Họ đánh xe đến cổng, đến tận thành phố vĩ đại.

Họ đánh xe đến thành phố vĩ đại từ vùng đất chết.

“Chúng ta là người của Chúa, người đến từ vùng Carpates.

Chúng ta là những tu sĩ thánh thiện, nhưng chỉ mang theo những

tin tức xấu xa.

Chúng ta mang đến thành phố vĩ đại này tin tức về một bệnh dịch.

Phụng sự chủ nhân, chúng ta than khóc cho cái chết của Người.”

Họ đánh xe đến tận cổng thành và thành phố khóc than cùng họ

Khi họ đi vào.

“Dù rùng mình khi nghe đoạn thơ khó hiểu này, nhưng cha vẫn phải phản bác ý tưởng của Helen rằng nó có liên quan. ‘Đoạn thơ này rất chung chung. Tuy vùng Carpates được đề cập đến ở đây, nhưng hẳn nó cũng từng xuất hiện trong hàng chục, hoặc thậm chí hàng trăm văn bản xa xưa khác. Và “thành phố vĩ đại” có thể chẳng có ý nghĩa gì. Có thể nó có nghĩa là Thành phố của Thượng đế, Nước Trời.’

“Helen lắc đầu. ‘Tôi không nghĩ vậy,’ cô nói. ‘Đối với người dân vùng Balkan và Trung Âu - dù là Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo - thành phố vĩ đại bao giờ cũng là Constantinople, trừ phi anh gộp luôn những người đã thực hiện chuyến hành hương đến Jerusalem hoặc Mecca suốt nhiều thế kỷ qua. Và phần đề cập đến một bệnh dịch và các tu sĩ - tôi thấy theo một cách nào đó đoạn thơ này có vẻ liên quan đến câu chuyện trong đoạn văn của Selim Aksoy. Phải chăng vị chủ nhân mà họ đề cập đến chính là Vlad Ţepeş?’

“ ‘Chắc vậy,’ cha trả lời, không mấy tin tưởng, ‘giá mà chúng ta có nhiều tư liệu hơn. Cô nghĩ bài hát này có từ bao giờ?’

“ ‘Việc xác định niên đại của các bài hát dân gian bao giờ cũng rất khó khăn.’ Helen trông có vẻ đăm chiêu. ‘Như anh thấy đấy, cuốn sách này được in vào năm 1790, nhưng không có tên nhà xuất bản hay tên địa điểm nào cả. Dân ca có thể tồn tại suốt hai, ba hoặc bốn trăm năm một cách dễ dàng, nên rất có thể những bài hát này đã có trước cuốn sách nhiều thế kỷ. Bài hát này có thể được sáng tác vào cuối thế kỷ mười lăm, hoặc có thể trước đó nữa, vì vậy có thể nó không đáp ứng được những mục tiêu của chúng ta.’

“ ‘Bức tranh khắc gỗ trông khá kỳ lạ,’ cha nhận xét, quan sát kỹ hơn.

“ ‘Cuốn sách này có đầy những bức tranh như vậy,’ Helen thì thầm. ‘Lần đầu nhìn thấy chúng, tôi nhớ là mình đã rất kinh ngạc. Bức hình này dường như chẳng liên quan gì đến bài thơ - anh hẳn sẽ nghĩ người ta nên minh họa nó bằng hình ảnh một tu sĩ đang cầu nguyện hoặc một thành phố có tường thành cao bao bọc, hoặc một cái gì đại loại như vậy.’

“ ‘Ừ,’ cha chậm rãi nói, ‘nhưng chúng ta hãy quan sát kỹ hơn.’ Chúng ta cúi xuống nhìn bức hình minh họa nhỏ bé kia, đầu gần như chạm vào nhau bên trên cuốn sách. ‘Phải chi chúng ta có một cái kính lúp nhỉ,’ cha nói. ‘Cô có nghĩ đó là một đám rừng - hoặc bụi cây, bất kể là gì - đang che giấu thứ gì đó không? Không có thành phố vĩ đại, nhưng nếu nhìn kỹ chỗ này cô có thể thấy một tòa nhà trông giống như một giáo đường, với một cây thập tự giá trên đỉnh mái vòm, và kế bên là…’

“ ‘Một con vật nhỏ bé.’ Cô nhíu mắt. Và rồi, ‘Lạy Chúa,’ cô thốt lên. ‘Một con rồng.’

“Cha gật đầu. Chúng ta choáng váng với hình ảnh này, gần như không thở nổi. Hình dạng nhỏ bé vô cùng quen thuộc kia - đôi cánh dang rộng, đuôi uốn lại thành một vòng nhỏ. Cha không cần lấy cuốn sách đang cất trong cặp ra để so sánh. ‘Điều này có ý nghĩa gì?’ Tim cha đập thình thịch khi nhìn thấy hình ảnh con rồng đó, dù chỉ là một hình ảnh thu nhỏ.

“ ‘Chờ đã.’ Helen chúi mũi vào bức tranh khắc gỗ, mặt cô chỉ cách trang giấy vài phân. ‘Ôi, trời ơi,’ cô kêu lên. ‘Tôi không đọc được, nhưng có một chữ ở đây này, tôi nghĩ, mỗi nơi một chữ, cách đều nhau giữa lùm cây. Chúng rất nhỏ, nhưng tôi tin chắc đây là những con chữ.’

“ ‘Chữ Drakulya?’ cha hỏi, cố giữ vẻ bình thản.

“Cô lắc đầu. ‘Không phải, nhưng có thể là một cái tên - Ivi - Ivireanu. Tôi không biết đó là gì. Tôi chưa từng nhìn thấy từ này bao giờ, nhưng “u” thông thường là chữ cuối của tên người Rumani. Chuyện quái quỷ gì ở đây vậy nhỉ?’

“Cha thở dài. ‘Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ bản năng của cô đúng - trang sách này liên quan ít nhiều đến Dracula, nếu không sẽ không có hình con rồng ở đây. Dù gì thì cũng không phải là con rồng đó.’

“Cô và cha bất lực đưa mắt nhìn nhau. Chỉ nửa giờ trước đây, căn phòng này dễ chịu và đầy hứa hẹn biết bao nhiêu, nhưng bây giờ dưới mắt cha, trông nó tăm tối như một lăng mộ tri thức bị lãng quên.

“ ‘Thủ thư không biết gì về cuốn sách này,’ Helen nói. ‘Tôi nhớ đã hỏi họ về nó, vì nó là sách rất hiếm mà.’

“ ‘Chà, vậy thì chúng ta chưa thể giải quyết vấn đề này rồi,’ cuối cùng cha nói. ‘Thôi cứ dịch rồi ghi lại đã, để biết những gì chúng ta đã nhìn thấy.’ Cha ghi lại những gì Helen đọc và phác thảo vội bức tranh khắc gỗ lên một trang giấy sổ ghi chép. Helen nhìn đồng hồ.

“ ‘Tôi phải quay về khách sạn,’ cô nói.

“ ‘Tôi cũng vậy, nếu không sẽ lỡ hẹn với Hugh James mất.’ Chúng ta thu xếp đồ đạc và đặt trả cuốn sách lên kệ, kính cẩn như với một thánh tích.

“Có lẽ đầu óc cha đã rối tung trong những hình ảnh tưởng tượng mà bài thơ và bức hình minh họa mang lại, hoặc có lẽ cha đã mỏi mệt hơn là mình nghĩ do chuyến đi, do phải thức khuya ở nhà hàng của bác Éva, do phải thuyết trình trước một đám đông xa lạ nên khi bước vào phòng, phải mất một lúc lâu cha mới ý thức được những gì mình nhìn thấy ở đó, và còn lâu hơn nữa để kết luận rằng Helen có thể cũng đang chứng kiến cùng một cảnh tượng giống như vậy trong phòng cô, cách hai tầng phía trên. Sau đó, đột nhiên cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của cô, cha phóng nhanh lên cầu thang, không cần quan sát thêm gì nữa. Phòng của cha đã bị lục soát, không chừa một ngóc ngách nào - các ngăn hộc, căn buồng nhỏ, chăn nệm và vải giường, mọi tài liệu mà cha có đều bị vứt tứ tung, bị hủy hoại, thậm chí bị xé bằng tay, một cách không chỉ vội vàng không cần suy nghĩ, mà còn đầy chủ ý và ác tâm.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Truy Tìm Dracula

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook