Từ Đây, Hạnh Phúc Của Em Chính Là Anh

Chương 5: Quyết định quan trọng nhất

Tĩnh Du

29/07/2020

EDITOR: HANNAH

Ngay cả cãi nhau cũng thật hăng

Sẽ không có sự lạnh lùng

Vì tình yêu đích thực không có thắng thua

Chỉ có yêu thương

Lần đầu tiên tôi và thầy S cãi nhau kịch liệt nhất là vì chuyện con cái.

*****

001.

Sau khi đăng ký kết hôn, bố mẹ chồng liền thể hiện mong muốn mong cháu có cháu bế, nhưng chúng tôi không để tâm, khi đó cảm thấy vợ chồng mới cưới, hai người vừa mới sống chung, ít nhất cũng phải hòa thuận rồi mới có con.

Thực tế đã chứng minh, giai đoạn mới cưới của chúng tôi cũng chẳng hòa thuận cho lắm. Con cái không phải đồ vật, đợi sau khi có tình cảm, tự nhiên sẽ có kết tinh.

Nếu sinh con mà không thể cho con một môi trường lớn lên thật tốt, để con có thể khỏe mạnh trưởng thành thì tôi thà rằng không sinh. Tôi cho rằng đây là vấn đề trách nhiệm, sinh con rồi thì phải chăm lo cho con, cái gì mà nhà nghèo nuôi kiểu nghèo, nhà giàu nuôi kiểu giàu, quan điểm này tôi không hoàn toàn tán thành.

Thầy S bị bố mẹ giục thành ra sốt ruột, liền bàn bạc với tôi. Tôi cảm thấy mình còn trẻ, còn chưa chuẩn bị tâm lý kỹ càng. Tốt nghiệp chưa được bao lâu, thân phận của tôi đã có bước thay đổi lớn, từ học sinh của anh trở thành vợ của anh, nếu lại bắt tôi ngay lập tức phải làm mẹ, nói thật, tôi cảm thấy khó tiếp nhận. Vả lại, nhà cửa còn chưa chuẩn bị xong xuôi, chuyển nhà quá vất vả, tôi không muốn có con rồi còn phải kéo theo con di chuyển khắp nơi. Chưa kể một đống lý do linh tinh này kia nữa, dù sao quan điểm của tôi chính là, trong tương lai gần tôi sẽ không muốn có con.

Mà thầy S lại không đồng ý, anh ấy cảm thấy những điều tôi băn khoăn đều không phải vấn đề lớn: chuẩn bị tâm lý chưa kỹ càng có thể từ từ điều chỉnh trong quá trình mang thai; nhà đã mua rồi, chỉ chờ giao nhà là có thể trang trí lại, chúng tôi chỉ phải ở trong căn nhà hiện giờ nhiều nhất là đến cuối hè, đến khi trang trí xong nhà mới, chỉ phải dọn sang một lần, sẽ không cần di chuyển nhiều nữa.

Chúng tôi từ bàn bạc chuyển thành tranh cãi, hai bên cha mẹ cũng đều cho rằng kết hôn rồi thì phải sinh con. Thời gian dài, tôi đã sắp không chịu nổi áp lực, trong lòng buồn phiền muốn chết, sau đó nhìn cái gì cũng không thuận mắt. Một hôm anh vừa nhắc tới chuyện sinh con, tôi liền nổi cáu.

Chỉ cần một chút mồi lửa, đám cháy này đã lan khắp đồng cỏ. Hai người chúng tôi không ai nhường ai, cãi cọ một hồi, bao nhiêu lời nói tàn nhẫn đều lôi ra hết.

Tôi chất vấn anh: “Có phải anh kết hôn là để tìm một người sinh con không? Anh cho rằng sinh con là để hoàn thành nhiệm vụ à? Há miệng ra là xong à?”

Thầy S cãi lại: “Anh biết chuyện này cần bàn kỹ hơn, không phải anh đang bàn với em sao? Em nổi cáu như thế làm gì?”

Tôi: “Em có thể không nổi cáu à? Suốt này cứ sinh con, sinh con, sinh con! Xin lỗi nhé, bây giờ em chưa muốn sinh con, mọi người càng ép em, em càng không muốn sinh. Nếu anh cứ nhất định phải sinh con bây giờ thì ngại quá, anh tự đi tìm người khác mà sinh, em không cản anh!”

Thầy S: “Em nói cái gì? Em nhắc lại lần nữa xem!”

Tôi: “Anh đi tìm người khác đi, chúng ta ly hôn, em sẽ không cản đường anh nữa!”

Khi hai chữ “ly hôn” này bật ra khỏi miệng, tôi lập tức hối hận, thực sự hối hận. Nhưng mà, con người đang lúc tức giận lại hiếu thắng, lời ra nói ra sẽ không thể thu lại, anh bảo tôi lặp lại, vậy tôi lặp lại một lần.

Thầy S nhìn tôi, gật đầu, nói: “Được.”

Tôi vừa nghe anh nói “Được”, liền cảm thấy mối tình này kết thúc rồi, trong lòng cực kỳ khó chịu, sau đó bật khóc.

Tôi khóc một lúc lâu, thầy S cũng không tới dỗ tôi, tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc, kéo vali hành lý tới phòng khách. Thầy S ngủ trên sô-pha, nhìn thấy vali hành lý liền ngồi dậy, im lặng một lúc rồi hỏi tôi: “Em đi đâu?”

Tôi đáp: “Về nhà.” Vừa nói còn vừa khóc nức nở.

Anh thở dài, kéo tôi lại gần, nói: “Chúng ta đừng cãi nhau nữa có được không? Anh đã nghĩ kỹ rồi, em còn trẻ như vậy, còn có nhiều nơi chưa được đi, con cái sẽ dễ trói buộc bước chân của em, đối với em sẽ không công bằng. Hay là việc này chúng ta cứ hoãn lại đã. Thực ra, có rất nhiều nơi anh cũng muốn cùng em đi ngắm nhìn.”

Nước mắt tôi lại rơi lã chã.

Thầy S tiếp tục nói: “Được rồi, đừng khóc, cãi nhau nặng lời như thế cũng không phải chỉ có mình em khó chịu. Em khó chịu còn có thể khóc, còn anh thì sao? Anh già đầu rồi, không thích hợp khóc nữa.”

Tuy anh nói vậy nhưng tôi ngẩng đầu nhìn, lại thấy hai mắt anh đỏ lên.

Sau đó tôi hỏi anh, rõ ràng đã không muốn ly hôn, vì sao còn gật đầu đồng ý. Anh nói: “Cũng không thể chỉ khiến mình anh khó chịu chứ, không dạy cho em một bài học, sau này em cứ hơi tí lại lôi hai chữ kia ra dọa anh, không phải à.”

Có điều, từ đó về sau, chúng tôi thi thoảng vẫn cãi nhau nhưng đều cố gắng lý luận rạch ròi, không hề nói những lời tàn nhẫn. Còn hai chữ “ly hôn” kia, cho tới tận bây giờ, hình như chúng tôi cũng chưa từng nhắc đến.

002.

Hoãn thi lên nghiên cứu sinh, tôi quyết định ra ngoài đi làm.

Sau khi đi làm, tôi đi sớm về trễ, thường xuyên phải làm thêm giờ, đi công tác, cảm thấy việc trải qua một cuối tuần của hai người thật quá xa xỉ.

Tôi cảm thấy thầy S trong lòng rất bất mãn chỉ là ngoài miệng không nói ra. Sau đó vị trí của tôi cũng dần dần cao lên, áp lực cũng càng lúc càng lớn.

Mấy tháng bận rộn nhất qua đi, tóc tôi rụng nhiều nghiêm trọng, cân nặng cũng giảm đi không ít, ban đêm còn thường mơ thấy ác mộng. Có một đêm, tôi mơ thấy mình dẫn theo cả đội liều mạng tiến lên, thế nhưng thành tích lại rất kém cỏi, tôi sợ hãi đến mức bật khóc trong mơ.

Thầy S bật đèn đầu giường, lay tôi tỉnh dậy, sau đó tôi khóc một lúc lâu mới ngừng lại.

Thầy S dứt khoát mặc quần áo, kéo ghế dựa ngồi bên mép giường, dáng vẻ sắp sửa vào bàn đàm phán: “Ngày mai em xin thôi việc đi.”

“Vì sao?” Tôi thấy mắt mình hơi đau, ra hiệu cho anh giảm độ sáng của đèn đầu giường, “Thôi việc lại phải đi tìm công việc mới.”

“Sau khi em từ chức, hãy nghỉ ngơi một thời gian. Nếu muốn tiếp tục đi làm thì tiếp tục đi làm, nếu không muốn đi làm, không phải em muốn viết lách gì đó à? Ở nhà viết lách cũng được.” Thầy S nói.

Tôi cân nhắc vài phút rồi lắc đầu. Tôi có suy xét riêng của mình, một là tôi đã vững chân trong công ty, nếu thôi việc thì thực sự đáng tiếc; hai là tôi cảm thấy phụ nữ nên độc lập về kinh tế, không có việc làm, cái gì cũng phải ngửa tay xin thì không tốt, hơn nữa không có việc gì làm, ngày nào cũng ru rú trong nhà, cũng sẽ buồn mà phải không?

Thầy S thấy tôi lắc đầu, sắc mặt lập tức khó coi: “Tình trạng của em bây giờ rất không tốt, em nhìn em xem, không hề điều hòa được áp lực và cảm xúc, cả người lúc nào cũng trong trạng thái lo âu, ăn không ngon ngủ không yên. Còn làm việc thế này thêm mấy tháng nữa, anh sẽ phải cân nhắc xem có nên đưa em đi khám bác sĩ tâm lý hay không. Bây giờ em không cần lo lắng về vấn đề cơm no áo mặc, như vậy công việc đối với em mà nói chỉ là để thỏa mãn nhu cầu cao của em, ví dụ như làm tinh thần em vui vẻ, hoặc là tâm lý thỏa mãn, nói trắng ra, chính là em thích công việc kia, làm công việc đó khiến em thấy vui vẻ. Anh hỏi em, bây giờ em làm việc có thấy vui vẻ không?”

Tôi lắc đầu, mỗi ngày đều phải xem số liệu, hơi tí lại bị lôi ra quở trách, tôi sắp không thở nổi nữa rồi.

“Chính thế, em xin thôi việc đi, anh đưa em đi du lịch.” Thầy S dụ dỗ.

“Đi đâu?” Tôi hỏi. Anh nói không phải không có lý, nếu công việc biến thành sự tra tấn thì rốt cuộc có cần tiếp tục nữa hay không?

Đáp án của tôi, có lẽ là không.

Cuộc sống ngắn ngủi, có thể vui vẻ qua đi, cũng có thể không vui vẻ mà qua đi, vậy vì sao không khiến cho mình trải nghiệm thêm chút niềm vui, thêm chút những điều tốt đẹp? Tôi không phải kiểu người thích tự hành hạ bản thân.

“Em muốn đi đâu?” Thầy S hỏi: “Em muốn đi đâu thì mình đi nơi đó.”

“Đi biển.” Tôi đáp không cần nghĩ ngợi, thực sự tôi chỉ muốn tìm một nơi trời cao đất rộng, có thể khiến bản thân thả lỏng.

“Để anh đi chọn địa điểm, em ngủ trước đi.” Thầy S đẩy ghế ra, đứng dậy, “Ngủ thật ngon, ngày mai xin thôi việc.”

003.

Nói đến nghỉ làm đi du lịch thì không thể không nói, kết hôn chưa được bao lâu tôi đã phát hiện hình như thầy S có chứng sợ máy bay, đi đâu cũng không muốn ngồi máy bay, lý do của anh như sau:

“Tuy rằng máy bay là phương tiện giao thông có xác suất sự cố thấp nhất nhưng xác suất sống sót cũng là thấp nhất, gần như bằng không. Người đã xui xẻo thì uống nước cũng giắt răng, nếu thực sự gặp phải sự cố, bất kể em ngồi phương tiện gì cũng đều không trốn được. Cho nên tổng hợp từ hai yếu tố xác suất xảy ra sự cố và xác suất sống sót để nghiên cứu, anh cảm thấy chọn loại phương tiện giao thông nào đó vững vàng sẽ an toàn hơn, ít nhất còn có khả năng sống sót, máy bay thì…”

Nhưng anh ấy đã bắt tôi nghỉ việc rồi, sau đó hứa đưa tôi đi biển chơi. Tôi chọn Tam Á, vé máy bay so với vé tàu hỏa còn có lời hơn không ít.

Tôi bắt đầu dụ dỗ anh ngồi máy bay cùng tôi, vì thế liền có cảnh tượng dưới đây:

“Chúng mình đi máy bay được không anh?”

“Không được, tàu hỏa cũng tiện mà, dù phải chuyển xe một lần nhưng thời gian đi cũng không lâu.”

“Đi máy bay càng nhanh mà, trên máy bay có tiếp viên hàng không xinh đẹp, anh có thể mở rộng tầm mắt nhé.”

“Em còn nói hả, cũng đâu thiếu tiếp viên đẹp trai đâu, em nhìn một mình không đủ, còn muốn anh ngắm cùng em hả?”

……

“Chồng ơi, anh xem, nếu đặt vé máy bay hôm nay thì quy ra giá rẻ mà, đi du lịch tốn tiền, chúng ta phải tiết kiệm một chút.”

“Nếu đã quyết định đi du lịch thì không cần tiết kiệm, bằng không làm gì cũng không được thoải mái.”

“Anh muốn em đi tàu hỏa, không thể ngồi trên máy bay ngắm cảnh biển bao la hùng tráng, cũng không thoải mái mà.”

“Khi tàu đi qua biển cũng có thể ngắm nhìn mà.”

“Đi lúc trời tối đen thì nhìn cái gì chứ.”

“Biển trong đêm đen cũng có vẻ đẹp riêng mà.”

……

Công việc thuyết phục đây gian khổ vẫn còn tiếp tục. Có khách tới nhà chơi, là một người đồng nghiệp có quan hệ khá tốt với thầy S, thấy tôi đang xem vé máy bay liền hỏi: “Hai ngươi định đi du lịch à?”

Tôi đáp: “Đúng vậy.”

Người đồng nghiệp hỏi: “Đi đâu thế?”

Tôi đáp: “Tam Á.”

Người đồng nghiệp cười: “Thảo nào lại tra vé máy bay, đi máy bay nhanh lắm.”

Tôi vội vàng gật đầu, nói: “Đúng mà, đi máy bay chỉ mất hơn một giờ, nhưng mà thầy S không dám ngồi máy bay.”

Tôi nói xong còn cố ý thở dài buồn bực.

Người đồng nghiệp không tin nổi, nhìn thầy S, hỏi: “S, cậu nhát gan thế á?”

Thầy S lắc đầu, đi ra ngoài, nói: “Tôi đi pha trà cho cậu.”

Anh pha trà rất nhanh rồi quay lại, đưa trà cho người đồng nghiệp rồi nhìn tôi nói: “Đi máy bay thì đi máy bay, có gì mà không dám đâu, anh chỉ cảm thấy ra sân bay không tiện bằng ra nhà ga.”

Chờ đến lúc đồng nghiệp cảu anh đi rồi, tôi cũng đã đặt vé máy bay xong. Vì là đi du lịch nên chưa đặt vé máy bay chiều về, chỉ có thể ngồi tàu hỏa.

Thầy S nhìn tin báo tôi đã đặt vé thành công, chậm rãi hỏi: “Nếu đi máy bay thì có thể mua hai phần bảo hiểm được không, người được hưởng đều để tên em nhé? Nếu thực sự xảy ra chuyện, có hai phần bảo hiểm đó, cuộc sống sau này của em sẽ được đảm bảo.”

Tôi thực sự muốn tát chết anh cho rồi, hai chúng tôi đều ngồi trên một chiếc máy bay, nếu anh ấy có mệnh hệ gì thì tôi có thoát được không? Nhưng mà, hóa ra thầy S nhà tôi rất sĩ diện nha.

004.

Khi đi Tam Á, tôi vì muốn thầy S cảm nhận được ngồi máy bay không chỉ an toàn, hơn nữa phong cảnh bầu trời cũng rất đẹp, tôi đặc biệt nhường vị trí gần cửa sổ cho anh. Ngày hôm đó trời đầy mây, ngồi trong khoang máy bay cảm giác trên đầu mình sáng rực, dưới chân lại là biển mây quay cuồng…

Trong suốt lúc bay, anh ấy không có gì bất ổn, còn tôi lại ù tai nghiêm trọng, không biết có phải do dạo gần đây sức khỏe không tốt hay không, dọc đường đi tôi vẫn luôn nhắm mắt nghỉ ngơi, trong lòng thầm thấy may mắn khi về ngồi tàu hỏa.

Quãng thời gian vui vẻ luôn ngắn ngủi, chớp mắt đã qua mấy ngày, chuyến du lịch cũng kết thúc. Chúng tôi đi tàu hỏa qua biển trước, sau đó đi xe về nhà.

Thầy S xách túi hành lý, vừa đổi xe vừa nói thầm: “Phiền thế không biết, nếu lúc về cũng đi máy bay thì tốt rồi.”

Tôi cực kỳ vui vẻ vì thầy S cuối cùng cũng thông suốt, không cứ đi đâu cũng đòi đi máy bay nữa, cứ thấy phương tiện giao thông nào tiện lợi thì chọn thôi.

Nghĩ đến đây, tôi đột nhiên cảm thấy lúc trước thầy S không đi máy bay tuyệt đối có nguyên nhân, dù sao ngồi trên xe cũng buồn chán, tôi bắt đầu dò hỏi anh: “Đúng nha, nếu đi đâu khoảng cách xa thì máy bay là lựa chọn không tồi.”

“Ừ.” Thầy S cất hành lý xong, “Có đôi khi vé tàu hỏa còn khó mua hơn vé máy bay nữa.”

Đặc biệt là Tết Nguyên đán, tôi đồng ý với anh nhưng không biểu hiện ra ngoài: “Nhưng mà lúc trước anh không thích ngồi máy bay mà, có phải hồi trước anh thường xuyên vì không tranh được vé tàu hỏa mà rầu rĩ thối ruột không?”

Thầy S gật đầu: “Đúng vậy, đặc biệt là dịp Tết, căn bản đều không mua được vé, có đôi khi còn phải đổi xe vài lần.”

“Đoán chừng khi đó vé máy bay cũng không dễ mua.” Tôi nghĩ, dịp Tết mà, vé gì cũng không còn, không phải sao?

“Có, có một lần bố anh đặt cho anh vé máy bay nhưng anh bảo bố giúp anh trả vé, sau đó khó khăn lắm mới đổi được thành vé tàu hỏa.” Thầy S đáp.

“Bố không hỏi anh vì sao không muốn ngồi máy bay à?” Tôi cười, trong lòng đã tò mò muốn chết mà lại phải hỏi dò quanh co.

“Có hỏi.” Thầy S lại gật đầu, “Anh nói với bố, khi anh học học kỳ 2 năm nhất, một người bạn học của anh không báo danh đúng hạn, bị muộn mất một ngày, sau đó anh hỏi cậu ta vì sao bị muộn, cậu ta nói cậu ta đi máy bay bị bắt cóc, bay tới thành phố khác, những hành khách trên máy bay đều ăn cơm hộp xong rồi mới bay trở về, bay qua bay lại một hồi như vậy, cậu ta bị tới muộn.”

Mọi người có tin nổi lời giải thích này không? Dù sao tôi cũng không tin, sợ chết chính là sợ chết thôi, cái gì mà bắt cóc chứ, anh ấy bịa ra thôi, đây cũng chẳng phải lần đầu tiên anh ấy làm việc này.

005.

Sau khi đi du lịch về, tôi bắt đầu nghiêm túc sáng tác. Phải nói cũng may mắn, tôi tìm được một network platform* không tệ, người phụ trách biên tập cho tôi rất khách quan công chính, giao đề tài cho cả người mới. Chưa được bao lâu, sách của tôi đã được nhà xuất bản nhắm trúng, cuộc đời tôi bắt đầu rẽ sang một con đường khác.

Chuyện tôi viết lách, những người xung quanh gần như đều không biết.

Thầy S biết nhưng trước giờ lại không đọc truyện của tôi. Như vậy cũng tốt, tôi có thể tách bạch giữa cuộc sống trên internet và cuộc sống trên mạng.

Chúng tôi vẫn sống ở ký túc xá của công nhân viên, tầng trên tầng dưới đều là đồng nghiệp và người nhà của họ.

Việc tôi không đi làm, rất nhanh đã bị những người xung quanh phát hiện. Có một lần, một chị có quan hệ khá tốt nhắc nhở tôi: “Tiểu Y, sao em không đi làm nữa? Rất nhiều người nói với chị là em muốn ở nhà để chồng nuôi, như vậy không tốt đâu, phụ nữ vẫn nên độc lập một chút.”

Chị ấy có thể xuất phát từ lòng tốt nhưng tôi nghe xong vẫn thấy không thoải mái, trên mặt lại không biểu hiện gì, chỉ cười nói: “Đâu có, em vẫn làm việc mà.”

Chị ấy thấy kỳ lạ: “Công việc của em không cần ra ngoài sao?”

Tôi không đáp, hỏi ngược lại: “Chị nghe được từ ai là em không đi làm, muốn để chồng nuôi?”

Chị nghĩ nghĩ một lúc rồi vẫn nói cho tôi biết: “Là *** nói với chị.”

Người mà chị ấy nói tôi cũng quen, sống ở tầng một cùng khu nhà chúng tôi. Có mấy lần tôi cùng thầy S đi dạo trở về, xách theo túi lớn túi nhỏ đụng vào cô ấy, giờ nhớ lại ánh mắt của cô ấy nhìn tôi, thực sự không nghĩ thì thôi, ngẫm lại liền thấy rất có ý sâu xa.



Tôi thực sự rất muốn đi hỏi cô ấy, con mắt nào của cô ấy nhìn thấy tôi muốn ăn bám chồng thế. Nhưng mà nghĩ lại, cô ấy đã thích nói lung tung rồi, tôi còn so đo cái gì thật cái gì không với cô ấy làm gì?

Chờ thầy S đi làm về, vào nhà vệ sinh rửa tay, tôi đi theo anh, kể rõ chuyện này cho anh nghe.

Anh nghe xong, lau khô tay liếc nhìn tôi, hỏi: “Em tức giận lắm à?”

Tôi nghĩ nghĩ, tôi cũng không giận lắm nhưng thấy hơi bực bội, không biết phải miêu tả như thế nào nên tôi không nói gì.

“Thực ra thì,” Thầy S hạ giọng, “Thực ra thì em rất để bụng chuyện anh nuôi em à?”

Nếu thầy S có rất nhiều rất nhiều tiền để nuôi tôi thì tôi sẽ không cần tính toán sinh hoạt phí nữa, không cần hơi một tí lại phải cân nhắc tiền điện tiền nước, thường xuyên phải lên mấy trang bán đồ sinh hoạt xem có giảm giá hay không, mua đồ không cần nhìn giá… Đừng trách tôi thiếu nghị lực, chuyện tốt như thế, tôi còn so đo cái gì, tôi vui còn không kịp ấy chứ?

Tôi im lặng suy nghĩ, thầy S thấy tôi không nói gì, nở nụ cười: “Anh sẽ chờ đến khi em viết sách kiếm được thật nhiều, thật nhiều tiền, sau đó anh không cần đi làm nữa, mỗi ngày muốn ra ngoài dạo chơi mấy tiếng thì đi, người ngoài sẽ nói em nuôi anh, anh cũng sẽ vui vẻ nghe.”

Hóa ra ước mơ lớn nhất của thầy S là muốn thành thư sinh mặt trắng ăn bám ha.

Miệng là của người ta, bạn không bịt lại được, vậy đừng làm gì cả. Trong cuộc sống này, đem người khác ra để tự làm bản thân mình ngột ngạt, thực sự chẳng có lợi gì.

006.

Lại đến kỳ tốt nghiệp, sinh viên của thầy S lại gửi giấy mời tới tiệc chia tay, dùng bút máy viết thêm một dòng: “Xin thầy đưa cả cô tới cùng.”

Thầy S đưa giấy mời cho tôi xem, hỏi: “Em có đi không?”

Tôi đang bí ý tưởng viết truyện, nếu anh ấy đi, tôi sẽ ăn cơm tối một mình, cũng chẳng có gì thú vị, vậy nên tôi gật đầu nói: “Đi đi, hy vọng sinh viên của anh đừng hỏi lung tung.”

Không ngờ lời này lại thành sự thật.

Vừa ăn được nửa bữa cơm, tụi sinh viên đã bắt đầu hiện nguyên hình. So với kỷ niệm về buổi tiệc chia tay của chúng tôi năm ấy cũng không khác lắm, luận văn đã biện hộ xong, kỳ thi cuối cùng của thời đại học đã qua, không còn phải lo lắng chuyện thi cử nữa, khi đối diện với giáo viên vẫn kính trọng như trước nhưng lại không còn sợ hãi.

Có bạn nữ bắt đầu đặt câu hỏi: “Cô ơi, cô và thầy S quen nhau như thế nào à?”

Tôi bắt đầu đổ mồ hôi lạnh.

Tôi còn chưa trả lời, có bạn nam đã chen vào, nói: “Cái này em biết, em biết! Cô là học sinh của thầy, cô ơi, bọn em có thể gọi cô là đàn chị phải không ạ?”

Tôi đổ mồ hôi càng nhiều, nhìn thầy S cầu cứu.

Thầy S bắt được tín hiệu, gõ gõ ngón tay lên bàn nhắc nhở: “Này này này, các cô các cậu có thù báo thù, có oán báo oán thì cứ nhắm vào tôi, đừng làm khó dễ cô ấy nữa, cô ấy hay xấu hổ lắm.”

Các bạn đều nở nụ cười, bắt đầu ăn uống.

Tôi cho rằng mình đã thoát được một kiếp nạn, kết quả là tôi sai rồi.

Có bạn sinh viên tới mời rượu, bưng ly rượu đến trước mặt tôi, vừa nâng chén rượu vừa hỏi: “Cô ơi, em thực sự rất rất tò mò cô làm thế nào mà thu phục được thầy S. Thầy ấy nghiêm túc như vậy, khi hướng dẫn bọn em làm luận văn không nể tình chút nào. Chúng em là tổ **, chuẩn bị luận văn bị chậm, không theo kịp tiến độ, định lấy lòng thầy, để thầy thư thả cho bọn em mấy ngày. Một bạn nữ xách hai túi hoa quả lớn đi tìm thầy, kết quả thầy dứt khoát bắt bạn ý tham gia đợt bảo vệ thứ hai.”

Tôi biết đợt bảo vệ thứ hai của Đại học G, chính là lần đầu tiên bảo vệ không đạt tiêu chuẩn, sau khi sửa chữa luận văn phải bảo vệ lại một lần, nếu vẫn không thành công thì không có cách nào tốt nghiệp thuận lợi.

Thầy S lại gõ gõ mặt bàn: “Em đừng có đổ oan cho tôi, ** cũng đang ở đây đấy, tôi mà không dọa bạn ấy một trận, bạn ấy có thể viết nhanh như thế được à? Nếu bạn ấy viết không nhanh thì sao có thể kịp để bảo vệ ngay đợt đầu.”

Anh vừa nói xong liền có một cô gái đứng lên, đỏ mặt cầm chén rượu đi tới bên cạnh tôi, khẽ nói: “Cô ơi, em mời cô và thầy, cảm ơn cô đã thu phục được thầy, cũng cảm ơn thầy đã cho em một đường thoát.”

Cái này… đúng là thịnh tình không thể chối từ.

Tôi đành phải nâng cốc đứng lên, trong cốc là nước chanh, các bạn nam bắt đầu kêu ca, nhất định bắt tôi phải đổi, nói đã hứa là không say không về rồi, uống nước chanh là không được.

Có một bạn nam cầm theo bình rượu định rót cho tôi, tôi sợ tới mức vội vàng che miệng cốc của mình.

Cuối cùng thầy S lại phải ra mặt, lần này anh đứng lên luôn, tách tôi khỏi đám sinh viên, sau đó đứng trước mặt tôi, giơ tay chỉ chỉ: “Mấy đứa các em không phải lúc nào cũng bảo thầy nhanh nhanh sinh em bé à? Xem ra chỉ là nói miệng thôi nhỉ, đâu có thật lòng đâu.”

Sinh em bé? Tôi nghe xong, không kìm lòng được mà cúi xuống nhìn bụng mình, học sinh của anh cũng tự nhiên nhìn xuống bụng tôi.

Bạn nam đang định rót rượu cho tôi vỗ trán, sau đó cười nói: “Em tự phạt ba ly, tự phạt ba ly.”

Sau đó vẫn có mấy câu hỏi kỳ quặc được đặt ra, ví dụ như:

“Cô à, cô thích thầy bọn em từ khi nào thế?”

“Thầy S, thầy rung động với cô từ lúc nào?”

“Thầy ơi, thầy và cô, ai thích ai trước ạ?”

……

Sau khi tan tiệc, thầy S có uống mấy chén rượu nhưng mà không say.

Chúng tôi về nhà, khi tới tầng dưới, thầy S nhìn tôi cười, hai mắt sáng lấp lánh: “Còn không khen anh à?”

Tôi hiểu anh có ý gì, vội vàng khen: “Ừ, chồng em đúng là chàng trai vàng trong làng giải vây.”

Thầy S rất hài lòng với danh hiệu tôi mới tặng cho anh, gật gật đầu, kéo tay tôi tiếp tục đi.

Tôi muốn trêu anh, cố tình lấy câu hỏi của sinh viên khi nãy hỏi anh: “Thầy ơi, thầy rung động với cô từ khi nào thế?”

Thầy S nhíu mày, dường như đang nghiêm túc tự hỏi rồi mới đáp: “Chắc là khi cô còn đang học trong trường.”

Tôi không ngờ anh lại trả lời thật, sau một hồi kinh ngạc lại hỏi: “Vậy sao lúc em còn đang đi học anh không thổ lộ luôn? Nói không chừng em và anh còn có thể ở bên nhau sớm hơn một chút.”

Thầy S trừng mắt với tôi, nói: “Có người nói với anh, thành phố này tệ quá, sau khi cô ấy tốt nghiệp sẽ lập tức rời đi, anh biết thổ lộ thế nào đây? Cô ấy phải rời đi, anh sợ không giữ cô ấy lại được.”

Tôi: “……”

Sau đó, tôi không tài nào nhớ nổi mình có khi nào từng nói với thầy S như vậy, nhờ có anh nhắc lại, tôi mới loáng thoáng nhớ ra một chút. Đại khái hôm đó là một buổi chiều hoàng hôn khi sắp tốt nghiệp, tôi và cô bạn thân ăn no đi tản bộ, vô tình gặp thầy S ở bên ngoài sân vận động.

Anh ấy là thầy hướng dẫn luận văn của cô bạn thân, cô ấy đương nhiên sẽ tiến lên chào hỏi, sau đó lại nói chuyện vài câu.

Thầy S hỏi: “Sao không ra ngoài chơi? Đi lại trong trường còn chưa đủ nhiều à?”

Bạn tôi trả lời: “Phải đi chứ ạ, đi dạo nhiều thêm một chút, sau khi rời đi rồi có muốn quay lại cũng không dễ dàng.”

Tôi cũng đồng ý với cô bạn thân, gật đầu, còn nói thêm một câu: “Bên ngoài cũng có gì hay đâu? Cái thành phố tệ hại này, đâu đâu cũng là người, chán muốn chết. Sau khi tốt nghiệp em sẽ lập tức rời đi, trừ ngôi trường này, chẳng có chỗ nào đáng để em lưu luyến cả.”

Tôi chỉ thuận miệng nói thôi, không ngờ thầy S nghe xong lại ghi nhớ trong lòng.

Khi tôi trở về cũng từng do dự, đúng thật là thành phố này không giống với thành phố mà tôi thầm mong có thể sinh sống, không đủ hiện đại cũng không đủ mỹ lệ. Cô bạn thân nói với tôi, chúng ta lưu lại một thành phố nào đó, không phải vì thích bản thân thành phố đó mà là vì thành phố đó có người mà chúng ta yêu thích.

Khi ấy tôi còn chê cười cô bạn tôi tâm hồn ngọt ngào văn chương quá, tuy vậy tôi vẫn bị lay động.

Sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là người đó ở nơi nào.

Cũng may mà mấy năm này, thành phố này trở nên càng ngày càng đẹp, tôi cũng càng ngày càng yêu nó, sẽ không ghét nó nữa.

007.

Thời tiết đổi mùa, thầy S vinh dự bị cảm.

Lại là ho khan, lại là sốt, không muốn ăn, sắc mặt trắng bệch, tôi nhìn mà thấy hơi đau lòng. Vì thế tôi tính làm mấy món ăn ngon, để anh ấy ăn thêm một chút, cũng có thể nhanh đỡ hơn.

Quả nhiên ăn xong một bữa ngon lành, tinh thần thầy S khá lên không ít, ngồi trên sô-pha, bắt đầu chỉ huy tôi làm việc.

“Vợ ơi, trên bàn có vết mỡ, em lau đi.”

“Vợ ơi, rót cho anh cốc nước đi.”

“Vợ ơi, quả sơn tra hỗ trợ tiêu hóa ý, cho anh hai miếng.”

“Vợ ơi…”

“Vợ ơi…”

“Vợ ơi…”

Tôi vật vã lau nhà, anh ấy lại như ông lớn nằm trên sô-pha ra lệnh, dù cho anh ấy có là người bệnh, tôi bị anh ấy sai hết việc nọ đến việc kia cũng dần nổi cáu.

Nếu đã không chết trong im lặng thì phải bùng nổ trong lặng im. Đúng thế, tôi “bùng nổ” luôn. Tôi ném cây lau nhà xuống đất, quát lên: “Bà đây không làm nữa.”

Thầy S bị âm thanh của cây lau nhà tôi quăng xuống đất làm giật mình, xoay người bò dậy. Cả phòng dường như tràn ngập sự tức giận của tôi. Anh ấy không nói gì, chỉ đi vào phòng bếp rồi nói vọng ra: “Anh đi rửa bát.”

Bình thường vẫn là tôi nấu cơm, anh ấy rửa bát, hôm nay vì thấy anh ấy đang ốm, tôi ôm đồm luôn cả công việc rửa bát. Kết quả anh ấy cứ một chốc một lát lại sai tôi làm cái này cái kia, bát còn đang để trong chậu, chưa kịp rửa.

Đúng là phải bùng nổ mới có ngày tốt lành, nhìn anh ấy ngoan ngoãn rửa bát, tôi vẫn thấy không thoải mái, miệng lại cằn nhằn:

“Thấy anh ốm nên em mới chăm sóc anh việc này việc kia, anh lại được đằng chân lân đằng đầu.”

“Anh tưởng anh bị ốm thì ghê gớm lắm à, có ai chưa từng bị ốm đâu.”

“Sau này nếu anh lại ốm, em mặc kệ anh sống chết thế nào, nhường anh một thước anh lại cứ muốn tiến lên một trượng.”

……

Tôi vẫn đứng trong phòng ăn cằn nhà cằn nhằn, thầy S lại không có chút phản ứng. Thế này thật không bình thường. Lúc bình thường tôi cằn nhằn anh cái gì, anh đều sẽ cố cãi lý đến cùng, hôm nay lại yên lặng như vậy, thực sự là biết sai rồi sao?”

Tôi còn đang buồn bực, trong phòng bếp lại có tiếng vọng ra, tiếng nước chảy ào ào, tiếng bát đũa chạm vào nhau, thầy S hỏi to:

“Vợ à, em nói cái gì thế? Anh không nghe thấy.”

“Hả? Em nói gì cơ? Nói lại lần nữa đi, anh chẳng nghe thấy gì cả.”

“Anh không nghe thấy, không nghe thấy gì, hoàn toàn không nghe thấy gì hết.”

Tôi: “……”

Rõ ràng là anh chơi xấu lại không muốn nhận sai, còn giả vờ không nghe thấy gì. Thầy S như thế này, ừm, khá là đáng yêu.

008.

Có đôi lúc, tôi vẫn thường hoài nghi mình có bệnh về mắt, rõ ràng đồ vật ở ngay trước mặt mà tôi cũng không nhìn thấy được. Tìm một lúc lâu, thực sự không có cách nào, tôi đành phải hỏi thầy S.

“Chồng ơi, anh có nhìn thấy kính của em không?”

“Bên tay trái, dưới quyển tiểu thuyết.”

Nhấc quyển tiểu thuyết gần đó lên, quả nhiên là đúng.

“Chồng ơi, lược của em đâu?”

“Trong cái cốc súc miệng.”

“Chồng ơi, anh có nhìn thấy điện thoại của em không?”

“Thấy, ở bên cạnh tivi.”

……

Thời gian lâu dần thành thói quen, mỗi lần tôi không tìm thấy thứ gì thì không cần phí sức, cứ hỏi luôn thầy S. Có một đêm, tôi liên tục hỏi anh ba thứ tôi không tìm thấy, anh vẫn bình tĩnh trả lời từng câu một. Hợp đồng xuất bản của tôi, nằm trong tập tài liệu ở ngăn thứ hai; chìa khóa của tôi, dể trên tủ giày ngoài cửa; tai nghe của tôi, gấp lại để trong ngăn kéo của bàn làm việc.

Tôi ngại hỏi anh đồ vật thứ tư, nhưng cố tìm thế nào cũng không thấy, chỉ có thể nói: “Chồng ơi, nếu không tìm thấy vật gì, có thể gọi một tiếng cho nó tự nhảy ra thì tốt quá.”

Thầy S đang soạn bài giảng cho ngày hôm sau, tay gõ bàn phím, đầu cũng không ngẩng lên mà đáp “Ừ” một tiếng.

Câu trả lời quá lạnh lùng, tôi càng không có cách nào mở miệng: “Em cảm thấy em đúng là mắt mù rồi.”

Thầy S vẫn “Ừ”.

Tôi hơi tức giận. Có ý gì hả? Bình thường tôi không tìm thấy thứ gì, tôi hỏi anh anh cũng không mất kiên nhẫn, có đôi lúc biết tôi để đồ lung tung, anh còn lặng lẽ giúp tôi thu dọn. Buộc lòng phải làm những việc đó nhiều lần như vậy, chắc anh từ lâu cũng ức chế lắm rồi.

Anh thực sự cảm thấy tôi mù mà không phải nói đùa.

“Mắt em mù nên mới lấy anh.” Tôi oán hận nói.

“Ừ.” Thầy S cuối cùng cũng ngẩng đầu lên, liếc nhìn tôi, “Anh chỉ biết giúp em tìm đồ, nếu mắt em không kém như vậy thì sở trường duy nhất này của anh cũng không còn.”

Xem đi, thầy S ở cùng tôi lâu ngày, đến mấy lời âu yếm cũng nói thật trôi chảy.

009.

Mỗi lần tôi bí viết truyện đều nói với thầy S: “Chồng ơi, em bí rồi.”

Thầy S chỉ có hai kiểu phản ứng.

Kiểu thứ nhất: “À, bí rồi à, thế chúng mình ra ngoài chơi đi.”

Kiểu thứ hai: “À, bí rồi à, thế chúng mình ra ngoài ăn gì đó đi.”



Dần dà, tốc độ viết của tôi càng ngày càng chậm, nhưng mỗi lần tôi bí ý tưởng, không phải ra ngoài chơi thì lại ra ngoài ăn.

Cuối cùng, tôi phát hiện ra vấn đề, bắt đầu truy hỏi thầy S: “Chồng ơi, sau này nếu em nói với anh là em bí ý tưởng, anh có thể cổ vũ cho em được không, cứ nói là ‘Không sao đâu, viết từ từ thôi, bí thì bí, cứ kiên trì đi.’ Như vậy em sẽ tiếp tục vùi đầu vào viết mà không cùng anh chạy ra ngoài chơi, đến lúc về bí vẫn hoàn bí, sau đó lại đi chơi, sau đó lại bí, bí rất lâu.”

Thầy S căn bản không để mắt đến sự nghiêm túc của tôi, anh không thèm ngước mắt, hỏi ngược lại tôi: “Nếu anh cổ vũ cho em, em lập tức có thể viết tiếp à?”

Tôi suy nghĩ, điều này đúng là tôi không dám chắc vì thế không lắc đầu cũng không gật đầu: “Tuy rằng không thể ngay lập tức viết tiếp nhưng ít nhất có thể ở trong nhà từ từ viết tiếp, hiệu quả chắc sẽ khá hơn.”

Thầy S đại khái cũng chấp nhận quan điểm của tôi nên không nói gì nữa.

Không ngờ, ngày hôm sau tôi bị bí ý tưởng, ngồi trong phòng khách kêu rên: “Chồng ơi, em lại bí rồi.”

Thầy S cầm tờ báo nhắc nhở: “Không sao, cứ viết từ từ, bí thì bí thôi, cứ kiên trì.”

Đây không phải nguyên văn lời tôi nói hôm qua à? Được rồi, lời tự mình nói ra, giờ cũng không thể bảo mình không làm được. Tôi lại quay về phòng làm việc nhưng vừa nhìn thấy tài liệu đầu đã ong ong, viết thêm được hai đoạn, lại không hài lòng, xóa sạch. Lại viết thêm, vẫn không hài lòng, lại xóa.

Cứ như vậy, vật vã hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn không có chút tiến triển gì. Thầy S đi tới, liếc nhìn tôi hỏi: “Viết được gì không?”

Tôi lắc đầu: “Không.”

Thầy S dứt khoát giúp tôi gập máy tính xuống, nói: “Không phải mỗi lần em bí ý tưởng anh mới đưa em ra ngoài chơi, là em chỉ đến khi bí ý tưởng mới có thể bằng lòng tắt máy cùng anh ra ngoài.”

Tôi nhìn thầy S, nghe anh nói tiếp: “Anh vốn còn cho rằng sau khi em ở nhà viết lách, thời gian có thể do em tự điều chỉnh, như vậy em chắc chắn sẽ có nhiều thời gian dành cho anh hơn, kết quả lại không phải thế. Ngày nào em cũng ngồi trước máy tính viết này viết kia, chỉ đến khi bí ý tưởng em mới đồng ý cùng anh ra ngoài chơi một lúc.”

Thầy S nói nghe thật đáng thương, tôi cũng nhận thức được sai sót của mình. Sáng tác quan trọng nhưng ở bên chồng mình cũng quan trọng như vậy mà phải không? Kết quả là bí ý tưởng vẫn cứ là bí ý tưởng thôi, bí thì ra ngoài chơi, trạng thái không thay đổi nhưng tâm thái lại thay đổi, trở nên càng yên lòng thoải mái hơn. Tôi không phải vì bí ý tưởng nên mới ra ngoài chơi, tôi cùng chồng mình ra ngoài chơi.

010.

Khu chúng tôi ở mới mở một công viên, một hôm ăn cơm tối xong, thấy còn sớm, tôi và thầy S quyết định đi thong thả qua đó xem thử.

Công viên rất lớn, chúng tôi đi tới đi lui, thấy hơi mệt liền chuẩn bị quay về.

Khi ra khỏi công viên, tôi nghĩ nếu đi về còn phải mất hai mươi phút nữa nên nhất thời đổi ý, muốn đi xe về.

Cách đó không xa có một trạm xe buýt, thầy S lấy ví ra tìm tiền lẻ, nhắc tôi: “Trên người em một xu cũng không có, nhanh xin anh cho em tiền đi xe đi.”

Anh ấy nói không sai, khi ra khỏi nhà đúng là tôi không mang tiền. Vì sao không mang theo ý hả? Ra ngoài đi dạo, tôi ngại mang theo ví điện thoại linh tinh, huống chi còn có thầy S mang theo điện thoại và ví, có thể bớt một thứ thì bớt thôi.

Tôi nhìn thầy S vẻ mặt háo hức, không nỡ dập tắt hứng thú của anh, liền kéo tay anh, nói: “Ây da, chồng ơi, xin anh đấy, cho em chút tiền xe đi mà.”

Thầy S có vẻ rất hưởng thụ, cố tình xóc xóc chỗ tiền xu trong tay phát ra âm thanh: “Không cho, em nói thêm mấy câu dễ nghe nữa đi, nói không chừng anh sẽ cho em.”

Tôi giả vờ cụp mắt, dáng vẻ như bị ức hiếp khinh bỉ, tiếp tục nói: “Chồng ơi, em biết anh tốt nhất mà, cho em tiền đi, cho em tiền bắt xe đi mà.”

Thầy S có vẻ còn chưa thỏa mãn, lắc đầu: “Không cho, em muốn thì xin đi, mau xin đi, xin đến khi anh đồng ý cho em thì thôi.

Đây là được đằng chân còn muốn lân đằng đầu mà. Tôi nhìn vẻ mặt đắc ý của anh ấy, lập tức “bùng cháy”. Tôi kéo tay anh, giật lấy tiền trong tay, miệng quát: “Bà đây hầu hạ anh lâu như thế mà một xu tiền anh cũng không cho hả!”

Thầy S gian manh hỏi lại: “Em vừa nói gì cơ?”

Tôi nói: “Bà đây hầu hạ anh lâu như thế mà một xu tiền anh cũng không cho!”

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, lúc này đã đi tới trạm xe. Khi tôi lớn tiếng nhắc lại câu vừa nói xong mới phát hiện những người khác đang đứng chờ ở trạm xe đều hướng ánh nhìn về phía tôi. Có một bà cụ, miệng há hốc nhìn tôi với vẻ dò xét. Haiz, rốt cuộc họ hiểu lầm mối quan hệ giữa tôi và thầy S thành cái gì mà có vẻ mặt như thế chứ?

Vào giây phút đó, tôi thực sự muốn đào một cái hố tự chôn mình luôn cho xong.

Ừm, khi về đến nhà, tôi phát hiện trong nhà có cái ván giặt quần áo, nếu không có thì muốn trừng phạt cũng không có dụng cụ.

011.

Cứ tới cuối năm, khoa của thầy S sẽ tổ chức liên hoan. Vì muốn cổ vũ người nhà mà hai lần trước tôi đều tham gia, cơ bản là cùng ăn cơm, ăn cơm xong nếu có đồng nghiệp nào sắp xếp tiết mục thì tiếp tục chơi, không có thì ai về nhà nấy. Lần này tổ chức ngay đúng lúc có trận tuyết rơi, trời quá lạnh, tôi không muốn ra khỏi nhà liền bàn với thầy S, tôi ở nhà đợi, anh ấy đi tham gia liên hoan. Nếu sau 10 giờ anh còn chưa về thì gọi điện cho tôi, để tôi khóa trái cửa.

Anh không có ở nhà, một mình tôi càng cảm thấy an nhàn, tùy tiện ăn mấy thứ lót bụng, ăn xong lắc vòng mấy cái coi như vận động. Mở máy tính, nhập mật mã, thấy không có cảm hứng, tôi dứt khoát đi xem tivi.

10 giờ, thầy S gọi điện nói tối nay sẽ không về, bảo tôi khóa cửa đi ngủ.

Tôi cúp máy, khóa cửa lớn, bật thảm điện, lại xem thêm hai tập phim, nằm trên giường ấm áp, cuộn tròn chăn chuẩn bị ngủ.

Nếu có ai hỏi, tôi ngủ một mình không sợ sao? Tôi không sợ đâu, tầng trên tầng dưới nhà bên đều là người quen, hai tòa nhà trước sau cũng cách không xa, có việc gì thì kêu lên một tiếng là được.

Rất nhanh sau đó tôi đã bắt đầu chìm vào giấc ngủ, khi đầu óc còn đang mơ màng, tôi nghe thấy hình như có tiếng động. Tôi giật mình, lập tức tỉnh táo.

Tôi rụt vào trong chăn, tay quờ quạng một lúc, chuẩn bị tinh thần nếu lại nghe thấy tiếng động thì lập tức gọi cho thầy S.

Kết quả tôi nghe “tách” một tiếng, đèn trong phòng khách bật sáng, thầy S cởi áo khoác đi vào phòng trong hỏi: “Vợ ơi, em ngủ chưa thế?”

Tôi xốc chăn lên, giọng điệu cũng thay đổi: “Ngủ rồi nhưng lại bị anh dọa cho tỉnh rồi. Không phải anh nói sẽ không về à? Sao đã về rồi?”

“Haiz, đừng nhắc đến nữa.” Thầy S thở dài, ném áo khoác lên bệ cửa sổ.

Tôi cảm thấy tâm trạng của anh không tốt, liền hỏi: “Sao thế? Thua đến không còn cái đai quần à?”

Thầy S thường xuyên bị gọi đi cho đủ “chân” bài nhưng kỹ thuật chơi bài của anh chẳng ra sao, chơi mười lần thua đến chín, tôi đặt cho anh một biệt danh là “Tướng toàn thua”. Dù sao tôi và thầy S cũng đã quy ước rồi, đánh cược nhỏ thì vui, thua cũng không sao, thua hết tiền trong ví thì rời bàn, không được vay tiền tiếp tục chơi.

Thầy S vẫn luôn nói được làm được, tôi trước giờ cũng chưa từng vì chuyện anh ấy thua tiền mà trách anh ấy.

“Đâu có thảm như vậy.” Thầy S ngồi xuống bên mép giường, sắc mặt cũng không tốt, “Kể cho em nghe chuyện này.”

Tôi thấy vẻ mặt anh nghiêm túc, trong lòng giật thon thót, xoay người ngồi dậy.

Thầy S thấy tôi ngồi dậy, vội giúp tôi kéo chăn che lại hai vai: “Tối nay ăn cơm xong, bọn anh tới nhà thầy Z, nhà thầy Z có sân phơi rất rộng, giáo viên nữ nướng đồ BBQ, giáo viên nam đánh bài.”

Thế không phải rất tốt à? Ai cũng có việc để làm. Tôi không thấy có vấn đề chỗ nào, chỉ có thể nghe thầy S tiếp tục nói.

“Lúc 11 giờ đêm, điện thoại của anh đột nhiên có cuộc gọi, anh tưởng là em gọi mà trận bài đang lúc quan trọng, anh không dám phân tâm nên nhờ cô C giúp anh nghe điện.” Thầy S nói.

Cô C là giáo viên nữ sống ở tầng trên nhà chúng tôi. Chồng của cô C là quân nhân, bình thường đều ở trong quân doanh, đến ngày nghỉ mới về nhà. Vì cô ấy và thầy S cùng viện cùng khoa lại sống ở gần đây nên tôi và cô C thường xuyên cùng nhau ra ngoài dạo phố, uống trà, quan hệ khá thân thiết.

Khoa tổ chức liên hoan, bọn họ đi cùng nhau cũng là rất bình thường. Tới 10 giờ, thầy S gọi điện cho tôi, tôi còn nghe được bạn chơi bài cùng anh ấy đang gọi to, bảo anh ấy nhanh cúp máy ra chơi tiếp.

“Nhưng mà cú điện đó không phải em gọi tới mà là chồng của cô C gọi tới.” Thầy S vừa nói vừa nhìn tôi, đoán chừng là đang quan sát sắc mặt tôi. “Cô C vừa thấy là số điện thoại của chồng mình liền nhận điện thoại, sau đó hai người họ cãi nhau trong điện thoại.”

Tôi nghe xong hơi ngây ra, cố gắng suy nghĩ, nghĩ kỹ rồi mới thấy có điểm kỳ lạ, hỏi: “Chồng của cô C vì sao lại gọi điện cho anh?”

Thầy S giải thích: “Trên đường về, anh nghe cô C kể là lúc chiều cô ấy và chồng cãi nhau một trận, sau đó tắt điện thoại luôn. Chắc là chồng cô ấy gọi cho cô ấy mãi không được, máy bàn trong nhà cũng không ai nghe nên muốn gọi điện cho anh hỏi xem thế nào, không ngờ…”

Không ngờ đêm hôm khuya khoắt, anh ta gọi điện cho thầy S lại bị chính vợ mình nghe điện.

Tôi có thể tưởng tượng ra phản ứng của chồng cô C khi nghe được từ trong điện thoại truyền ra giọng nói của vợ mình, liền vỗ chăn phá ra cười.

Thầy S nhìn tôi chằm chằm, thấy tôi cười chảy nước mắt mời nói khẽ: “Anh còn tưởng em sẽ tức giận chứ.”

Tôi xoa bụng hỏi: “Em vì sao phải tức giận, chẳng lẽ anh cho rằng em sẽ giống như chồng cô C hoài nghi hai người…”

“Được rồi, được rồi, không nói nữa, hôm nay anh vốn dĩ đã phát huy khá tốt, thấy sắp thắng được tiền tới nơi rồi, chồng cô C lại nhất định bắt cô ấy phải về nhà dùng máy bàn gọi cho anh ta. Nhà chúng ta ở gần nhau, những thầy cô khác cứ bắt anh đưa cô ấy về, thế nên anh mới về.” Thầy S bày tỏ tiếc nuối, oán hận, “Rõ ràng đang đại sát tứ phương rồi, cơ hội tốt như thế mà lại bỏ lỡ.”

Ngày hôm sau tôi lén kiểm tra ví của thầy S, không còn tới một tờ tiền đỏ, cái gì mà “đại sát tứ phương”, chắc chắn là thua sắp mất cả đai quần rồi, nhân cơ hội chuồn đi thôi. Đúng là khoác lác mà cũng không biết đường.

012.

Thầy S thích chơi xổ số, có lần về nhà tôi, nghe anh họ tôi nói mua vé số trúng giải thưởng lớn, có vẻ động lòng rồi.

Nhưng vì gần trường không có trạm bán vé số nên anh vẫn chưa ra tay được.

Sau đó chúng tôi về quê ăn Tết, có hôm đi dạo phố, đi ngang qua một trạm bán vé số, thầy S cực kỳ hứng thú đi vào, chọn mua một hàng năm chữ số, giải thích cho tôi một cách bài bản: “Trúng giải thưởng lớn cỡ nào chỉ khác nhau một chút xíu thôi, khéo mua thì khéo trúng, em xem có mấy người tính toán từng số một đâu? Vợ à, đợi anh trúng 5 triệu tệ, anh sẽ đưa em đi du lịch thế giới.”

Tôi liên tục gật đầu, như thể tán đồng với từng lời anh nói, trong lòng lại nghĩ một phiên bản khác hoàn toàn: “Trúng 5 triệu tệ? Anh tưởng 5 triệu tệ dễ rơi xuống đầu thế à, đào đâu ra chứ. Không phải muốn chọc tức anh đâu, 5 tệ thôi đã là được rồi, 5 tệ là coi như lấy lại được một nửa tiền vé số đó.”

Chiếc vé số này sau khi mua xong liền bị tôi và thầy S lãng quên mất, cho đến khi chúng tôi lại dạo phố lần nữa, lại đi ngang qua trạm vé số kia, thầy S mới nhớ ra, vội vàng lấy ra vé số, đi vào trạm, đứng trước bức tường dán thông báo của trạm nghiêm túc so dãy số.

“Vợ ơi, trúng bốn quả cầu đỏ một quả cầu lam là có tiền thưởng phải không?” Thầy S so dãy số xong hỏi tôi.

Làm ơn đi, anh ấy mới là người mê xổ số chứ có phải tôi đâu? Ngay cả quả cầu đỏ quả cầu lam là gì tôi còn không biết. Tôi lắc đầu, trả lời: “Dù sao nếu trúng hết chắc chắn được 5 triệu, nếu anh không biết thì hỏi ông chủ đi.”

Thầy S cảm thấy tôi nói có lý, xoay người hỏi ông chủ ngồi trước quầy: “Ông chủ à, bốn quả cầu đỏ một quả cầu lam được bao nhiêu tiền?”

Ông chủ ngẩng đầu nhìn chúng tôi, hỏi: “Bốn thêm một à?”

Thầy S gật đầu.

Ông chủ đáp: “10 tệ.”

Tôi vừa nghe thấy đã vui mừng. Sao có thể không vui được? Lấy lại được vốn nha.

Thầy S lại nhíu mày, hỏi lại: “Chỉ có 10 tệ thôi á?”

Ông chủ gật đầu lia lịa.

Thầy S kéo tôi đi ra ngoài, tôi không hiểu, bị anh kéo ra xa khỏi trạm bán vé số rồi mới hỏi: “Sao thế?”

“Anh cảm thấy bốn thêm một chắc chắn không chỉ trúng 10 tệ đâu.” Thầy S nghiêm túc đáp.

“Anh nói là ông chủ lừa gạt chúng ta à?” Tôi bất ngờ hỏi, “Anh cầm điện thoại lên mạng tra quy tắc đổi thưởng là biết không phải sao?”

“Đúng vậy.” Thầy S vội vàng lấy điện thoại ra tra.

Kết quả chứng minh anh ấy đã đoán đúng, tiền thưởng cho bốn thêm một không phải là 10 tệ mà là 200 tệ.

Thầy S cực kỳ tức giận, xoay người định nói lý với ông chủ, miệng còn làu bàu: “Anh phải lý luận với ông chủ kia, dám ngang nhiên lừa gạt người mua, anh muốn khiếu nại ông ta!”

Tôi vội vàng ngăn anh ấy: “Haiz, cũng đâu đã lừa được chúng ta, anh đừng tức giận, anh xem, chúng mình trúng 200 tệ rồi, kiếm lời rồi.”

Thầy S vẫn bực mình: “Không được, hôm nay ông ta không lừa được chúng ta, nói không chừng rất nhanh sẽ lừa được người khác, không thể dễ dàng buông tha cho ông ta.”

Tôi đoán ông chủ kia nghe chúng tôi nói chuyện bằng giọng phổ thông, lại không hiểu quy tắc đổi thưởng nên mới sinh ra ý định lừa gạt chúng tôi. Nơi này tuy rằng là quê của thầy S nhưng nếu ông chủ quầy vé số này là dân anh chị trong khu, chúng tôi còn so đo nhiều, không khéo còn rước thêm rắc rồi.

Tôi ôm tay thầy S, không cho anh ấy đi: “Chồng ơi, ông ta cho rằng chúng ta là người nơi khác nên giở trò ma cũ bắt nạt ma mới, đối với người bản xứ chắc chắn sẽ không dám làm vậy. Được rồi, được rồi, chúng ta đi nơi khác đổi thưởng đi, đi nơi khác chắc chắn không có chuyện lừa gạt như thế này, mau lấy tiền rồi đưa em đi ăn một bữa thật ngon đi.”

Tôi nói xong liền kéo anh đi về phía trước, anh không bằng lòng lắm, cũng may cách trạm bán vé số này tầm hơn mười mét lại có thêm một trạm nữa. Thầy S lấy điện thoại ra không biết là tra cái gì, sau đó mới đưa tôi vào trong trạm, hỏi: “Ông chủ, bốn thêm một được bao nhiêu tiền thưởng?”

Vẫn dùng tiếng phổ thông như trước.

Ông chủ đánh giá chúng tôi một lúc, giơ bàn tay lên, đáp: “5 tệ.”

013.

Dạ dày tôi không ổn, thầy S đưa tôi đi nội soi, kết quả cho thấy tôi bị viêm dạ dày mãn tính.

Đương nhiên không thoát được phải uống thuốc.

Tối hôm đó, thầy S đưa thuốc tới tay tôi, giục: “Mau uống đi, còn ấm đấy, để nguội sẽ đắng.”

Tôi nhận lấy, uống một ngụm nhỏ, thấy nước âm ấm, rất vừa.

Nhưng mà ấm thì cũng đắng mà, tôi cau mày, uống một ngụm lớn, nuốt hết mới thấy cái cốc vẫn còn một nửa. Tôi nghĩ thầm, sinh gì cũng được chứ đừng sinh bệnh, cắn răng uống nốt chỗ còn lại, đưa cái cốc không cho thầy S.

Thầy S kiểm tra cái cốc, nói: “Vẫn còn một ngụm nhỏ, em mau uống đi.”

Tôi nhìn vào trong cốc, đúng là chỉ còn một ngụm nhỏ nhưng tôi thực sự không muốn uống, liền không để ý tới anh nữa.

Thầy S nói mấy lần, thấy tôi không chịu nghe lời liền nổi giận: “Em đừng biến lòng tốt của người ta thành lòng lang dạ thú, uống thuốc không phải vì muốn cho em nhanh khỏe à, nhanh uống bằng hết đi!”

Nói xong, chính anh cũng ngây người.

Tôi ngẫm lại lời nói của anh, cảm thấy đây chính là con người thật của thầy S.

014.

Quần áo giặt xong rồi nhưng tôi không muốn đứng dậy, vì thế lấy chân đạp thầy S, nói: “Chồng ơi, anh đi phơi quần áo đi.”

Thầy S đáp: “Không đi đâu.”

Tôi lườm anh: “Anh không đi, em cũng không đi, cứ để trong máy giặt nhé.”

Thầy S cuối cùng cũng dời mắt khỏi máy tính: “Chúng mình oẳn tù tì.”

Tôi cảm thấy cũng được, ngồi ngay ngắn, thống nhất quy tắc: “Chơi ba keo, ai thua thì phải đi phơi quần áo.”

Thầy S đồng ý: “Ba keo định thắng thua nhé, chơi.”

Kết quả thầy S chơi thua hai keo liên tiếp, tôi vui mừng hớn hở giục anh đi phơi quần áo, anh lại giảo biện: “Ba keo định thắng thua, ý anh là nói phải thắng ba keo mới được coi là thắng, chúng ta tiếp tục chơi, ai biết ván sau có lật ngược thế cờ hay không.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Từ Đây, Hạnh Phúc Của Em Chính Là Anh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook