Tục Tái Sanh Duyên

Chương 2: Chương 1.2

Khuyết Danh

04/11/2017

Lại nói chuyện vua Thành Tôn ra ngự Kim Loan điện, làm lễ truyền ngôi cho thái tử. Hôm ấy trên điện cắm cờ kết hoa, trần thiết một cách trọng thể. Khi làm lễ truyền ngôi thì vua Thành Tôn cầm hộp đựng ngọc tỷ, ngoài có bọc gấm trao cho thái tử là vua Anh Tôn. Vua Anh tôn nhận lấy, đặt lên long án, rồi sụp xuống lạy ta thượng hoàng ( tức vua Thành Tôn ).

Thượng hoàng đỡ dậy mà bảo rằng:

- Ta chúc cho nhà vua con cháu phồn thịnh để giữ lấy giang sơn cơ nghiệp mà khiến cho quốc thái dân an.

Vua Anh Tôn đáp lại rằng:

- Con xin chúc thượng hoàng hưởng phúc vô vô cùng, thọ bằng trời đất, để cho con là kẻ ngây dại bất tài này được nhờ ơn huấn dụ mà cai trị thần dân.

Bấy giờ văn võ bách quan đều quì xuống lạy, trước mừng thượng hoàng sau mừng tân quân, ai nấy cùng tung hô vạn tuế. Khi triều bái xong, thượng hoàng truyền chỉ cho các quan đại thần rằng:

- Các ngươi đã hết lòng trung thành giúp ta trong bấy nhiêu năm, công ấy kể sao cho xiết. Ngày nay ta mỏi mệt cần phải thoái vị, tân quân lên ngôi, hãy còn thơ ấu, nhờ các ngươi gia công mà tả phù hữu bật cho thì danh tiếng của các ngươi sau này sẽ được lưu truyền sử sách. Chỉ buồn một nỗi ta thoái vị về ở nam nội, không được hàng ngày hội diện với các ngươi.

Các quan đại thần nghe nói đều cảm kích mà ứa nước mắt khóc, quì xuống tâu:

- Muôn tâu thượng hoàng! Thần đẳng tài hèn sức mọn, chịu ơn triều đình hai mươi năm trời, tình khuyển mã chưa biết lấy chi báo đáp, ngày nay thượng hoàng lại truyền chỉ cho như thế thần đẳng dám chẳng hết lòng. Chỉ vì thiên tử còn đang độ thanh niên, vậy trong triều đình nếu có việc gì hệ trọng thì xin hoàng thượng cũng nên lưu tâm chỉ bảo.

Thượng hoàng gật đầu, rồi lại gọi tân quân mà phán bảo:

- Các quan đại thần đều là những bậc trung lương cả. Hễ có khuyên can điều gì nhà vua phải nghe theo, chớ nghe lời sàm nịnh mà khinh rẻ các quan đại thần thì thiên hạ mới thái bình được.

Bỗng thấy Võ Hiếu Vương là Hoàng Phủ Kính quì xuống tâu:

- Muôn tâu thượng hoàng. Nhà lão thần đội ơn triều đình đã mấy đời nay, tình khuyển mã chưa chút báo đền. Nay tuổi ngoại lục tuần, chẳng những tinh thần giảm kém, mà gân sức lại suy yếu, cũng chỉ bởi khi còn trẻ tuổi, đánh đông dẹp bắc, nhiều lần bị thương. Lão thần này sở dĩ chưa dám cáo từ là vì nghĩ đến thâm ân, bội phần cảm kích. Nay thượng hoàng đã trở về nam nội thì lão thần cũng xin lui về quê nhà để trông coi phần mộ tổ tiên vậy. Tân quân lên ngôi, đã có các quan đại thần họ Lương, họ Doãn, họ Mạnh và họ Hùng cùng gia công phù tá. Vả con trai lão thần là Hoàng Phủ Thiếu Hoa xin ở lại để một lòng giúp nước, thiết tưởng tân quân cũng chẳng lo ngại nỗi chi.

Tâu xong, sụp lại dập đầu. Thượng hoàng nghe lời tâu, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi phán:

Ngày nay quốc trượng cáo bệnh xin về thì sao cho tiện! Ta sở dĩ dám nhường ngôi cho tân quân là vì trông cậy có các bậc hoàng thân nguyên tể, nay quốc trượng lại cáo trước thì tân quân há chẳng kém phần trông cậy lắm ru! Vả quốc trượng cáo về thì trong nội cung cũng có chút thương tâm, ta không thể nào mà chuẩn tấu được.

Hoàng Phủ Kính tâu rằng:

- Muôn tâu thượng hoàng! Lão thần vốn là võ tướng, ngày nay thiên hạ thái bình, không có giặc giã chi mà phải dụng võ. Vả lão thần gân sức đã suy yếu cũng không thể triều bái được, xin thượng hoàng cho lão thần về hưu. Còn con gái lão thần ở trong nội cung đã được mông ân vũ lộ, an hưởng phú quý, vợ chồng lão thần cũng chẳng cần lo ngại nỗi gì, cúi xin thượng hoàng rộng thương mà chuẩn tấu cho.

Thượng hoàng nghe lời tâu, thở dài than rằng:

- Quốc trượng đã quyết chí như vậy thì ta còn biết nói như thế nào! Thôi thì ta cũng chuẩn tấu cho quốc trượng được về nghỉ, nhưng còn các quan đại thần, ta đem tân quân mà giao phó cho, cấm không ai cáo từ cả.

Lại nói chuyện trong cung Chiêu Dương treo đèn kết hoa trần thiết một cách trọng thể. Thái hậu (7) và hoàng hậu (8) cùng những phi tần ở các cung các viện đều đến họp cả tại đấy, chỉ đợi thượng hoàng và tân quân đến thì mở tiệc khánh hạ. trong khi ngự tiệc, thượng hoàng cười mà bảo thái hậu rằng:

(7) thái hậu: Trưởng Hoa

(8) hoàng hậu: Bội Ngọc

- Ta làm vua trong hai mươi năm, chưa được cái chi lạc thú, ngày nay làm thượng hoàng mới biết mình là tôn quý vậy.

Bấy giờ các cung nữ dâng rượu, hai vị công chúa là Gia Tường công chúa và Hưng Bình công chúa ứng hầu. Thượng hoàng bỗng nói đùa với thái hậu rằng:

- Ta có một việc này muốn bàn với thái hậu. Nguyên Gia Tường công chúa con bà Ôn phi đây diện mạo đoan trang, tính hạnh thuần thục, mà trưởng điệt nhi (9 ) của thái hậu năm nay đã mười bảy tuổi, ta định kén làm phò mã, thái hậu nghĩ thế nào?

(9) điệt nhi: cháu gọi bằng cô.Trỏ Triệu Câu là con Hoàng Phủ Thiếu Hoa.

Thái hậu nghe nói, ngẫm nghĩ hồi lâu nói rằng:

- Nhà thiếp đã mấy đời chịu ơn triều đình, vinh hiển đến thế là cùng cực, nếu ngày nay điệt nhi thiếp lại làm phò mã thì e rằng phận hèn phúc bạc, con tạo lại có lòng ghen ghét chăng?

Thượng hoàng chưa kịp trả lời thì bà Ôn phi bỗng quì xuống mà tâu rằng:

- Thượng hoàng đã ban ơn mà kén con trai Trung Hiếu vương làm phò mã cho Gia Tường công chúa. Công chúa dẫu là con tôi, nhưng cũng là kim chi ngọc diệp của hoàng gia, xin thái hậu chớ lấy làm hiềm.

Thượng hoàng cười mà bảo vua Anh Tôn rằng:

- Sáng mai ra triều đường, con sẽ thương nghị việc ấy.

Bấy giờ thượng hoàng và thái hậu đã khởi giá về nam nội. Khi tới nam nội, thượng hoàng lại truyền mở tiệc. Trong khi ngự tiệc, thượng hoàng cười nói vẻ, chỉ có thái hậu ra ý buồn rầu, thỉnh thoảng lại thở dài. Thượng hoàng thấy vậy, mới dừng ly rượu mà hỏi rằng:

- Ngày nay thái tử lên ngôi đại bảo, đáng lẽ thái hậu lấy làm mừng rỡ mới phải, cớ sao lại có ý không vui, hay là còn có sự gì chưa hài lòng thì nên nói cho biết.

Thái hậu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Nào phải thiếp có sự gì chưa hài lòng đâu! Chỉ vì hôm qua thiếp xem sử, thấy chép chuyện các vua đời trước cũng nhiều nhà vì sự truyền ngôi cho con, rồi sau gặp nghịch tử hãn hậu, để đến nổi giang sơn đổ nát. Nay thượng hoàng truyền ngôi cho tân quân, nên bắt hàng ngày phải vào triều kiến để nghe lời giáo huấn, cớ sao lại định mười ngày mới triều kiến một lần, khiến cho xa cách cha mẹ, thế thì còn vui nỗi gì, không bằng những kẻ thường dân, lại còn đước cốt nhục một nhà sum họp vậy.

Thái hậu nói xong, lại ứa hai hàng nước mắt xuống. Thương hoàng cả cười mà bảo rằng:

- Sao thái hậu lại lẩn thẩn như thế? Thái hậu chỉ nghĩ sự cốt nhục sum họp một nhà, không biết rằng người ta ở đời, khác nào như một giấc mộng, trăm năm cũng phải có ngày phân ly. Từ xưa có ai làm hoàng đế nghìn năm bao giờ, chi bằng ngày nay ta truyền cho con làm hoàng đế, rồi đây trong bảy dăm nữa thái hậu sẽ có cháu ắm chơi. Bấy giờ ta đi ngao du sơn thủy, may ra tìm được chân tiên, học phép trường sinh, sau ta sẽ lên làm ngọc hoàng thượng đế. Khi đã làm ngọc hoàng thượng đế thì trên thiên cung biết bao nhiêu là tiên cơ, chỉ sợ thái hậu trông thấy, lại sinh lòng ghen tuông mà thôi...

Ta còn nhớ câu chuyện Mạnh Lệ Quân ngày nào, khiến cho thái hậu nổi tình nữ tướng quân lên mà tra khảo ta ở trong cung mãi, nghĩ đã nực cười. Thái hậu nên hiểu rằng vinh hoa phú quý cũng có khi cùng tận, thử ngẫm xem trong mười bảy bộ sử các vua đời trước, ngày nay có còn ai không?

Lại nói chuyện vua Anh Tôn ra ngự triều, truyền tuyên đọc tờ chiếu cho các quan nghe. Tờ chiếu như sau:

“Thừa thiên hưng vận, hoàng đế chiếu rằng:

Trẫm tài hèn đức bạc, tuổi còn ấu thơ, phụng mệnh phụ hoàng lên ngôi đại bảo, tôn phụ hoàng làm thượng hoàng, mẫu hậu làm thái hậu, về ở nam nội. Hoàng đế là Hán vương, Chu vương và Triệu vương cùng ở hầu thượng hoàng; Gia Tường công chúa và Hưng Bình công chúa thì cùng ở hầu thái hậu, còn trẫm đây cứ mười ngày một lần vào triều kiến.

Trẫm gia phong cho Võ Hiến vương là Hoàng Phủ Kính làm Kinh vương, Trung Hiếu vương là Hoàng Phủ Thiếu Hoa làm Tương vương, vợ là Mạnh Lệ Quân làm Trung Tĩnh chính phi, cùng với Lưu thị và Tô thị đều được thực ấp. Người con trưởng cho được lập tước và phong phò mã, người con thứ hai phong là thiên hộ tướng quân; người con thứ ba làm trung thư; con thứ tư làm cung phụng và con thứ năm làm chủ sự. Tương vương kiêm cả việc trong tư các và lục bộ.

Lương Trấn Lân thăng Bảo Hòa điện đại học sĩ kiêm binh bộ và Hộ bộ. Mạnh Gia Linh thăng Long đồ các đại học sĩ kiêm Lại bộ và Công bộ; Doãn Thượng Khanh thăng Văn Uyên các đại học sĩ kiêm Lễ bộ và Hình bộ; Bình Giang vương Hùng Hiệu và vợ là Vệ Dũng Nga vương phi đều được thực ấp. Con trưởng là Hùng Khởi Phượng làm Lễ bộ thị lang, con thứ là Hùng Khởi Thần làm Kỵ đô úy.

Lập nguyên phi là Hùng thị làm hoàng hậu, Ôn phi và Mai phi đều phong làm thái phi. Các quan văn võ đều được gia phong một cấp. Phóng thích cung nữ ba nghìn người. Những thuế tích khiếm (10) của nhân gian đều miễn tha cho cả. Lại ban yến cho các quan triều thần.”

(10) Tích khiếm: (thuế) còn thiếu lâu năm tích lũy lại. Chú NXB.

Các quan triều thần đều tung hô vạn tuế. Khi bái mạng xong, cùng nhau dự yến, rất là vui vẻ. Ngày giờ thấm thoát đã gần được ba tháng, vợ chồng Hoàng Phủ Kính sửa soạn sắp về quê nhà, Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:

- Ba người con dâu cần phải về hầu hạ cha mẹ. Chỉ có Triệu Câu là phò mã không thể về được, còn bao nhiêu con cái, xin cho theo tất cả.

Hoàng Phủ Kính nói:

- Hà tất phải như thế, chỉ đứa cháu nhỏ theo về là đủ, còn vợ chồng con đều ở tại đây.

Mạnh Lệ Quân nói:



- Con xin theo về, để cho hai chị Tô phu nhân và Lưu phu nhân ở đây.

Tô Ánh Tuyết và Lưu Yến Ngọc đồng thanh mà rằng:

- Chị không nên về, vì chị cần phải ở đây, một là để trông nom quốc chính, hai là để dạy bảo các con. Còn chúng em đây không có tài năng gì thì xin về hầu hạ cha mẹ ở quê nhà là phải!

Hoàng Phủ Kíng nghe nói,liền gật đầu mà rằng:

- Đã như vậy thì để các cháu ở đây, còn hai con theo ta về quê nhà.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa vâng mệnh. Hôm ấy vương phủ sửa soạn các đồ hành trang. Chỉ có bà thái vương phi ra ý buồn rầu, ứa nước mắt khóc:

- Từ khi Trưởng Hoa lập làm hoàng hậu, đã hai mươi năm nay không về đến nhà, dẫu thỉnh thoảng có lễ khánh hạ, mẹ con cũng được gặp mặt nhau, nhưng sao bằng một nhà sum họp là vui vẻ hơn. Ngày nay ta trở về quê nhà thì biết bao giờ cho lại được gặp mặt con gái.

Cha con Hoàng Phủ Kính đều khuyên giải:

- Người ta ở đời, bi hoan tán tụ, chẳng qua cũng có số mạng cả. Huống chi nhà ta nhà ta bấy lâu đoàn viên sum họp, mông ân vũ lộ, tưởng cũng đã nhiều. Ngày nay dẫu cáo lão trở về quê nhà, nhưng sắc thư vẫn thường tới nơi thăm hỏi. Con làm hoàng hậu như thế, chẳng hơn gả chồng cho một viên quan chức nào mà phải theo chồng đi cung chức thì mẹ con cũng chẳng bao giờ được sum họp một nhà vậy.

Thái vương phi nghe lời không nói câu nào, chỉ lấy tay gạt nước mắt.Vệ Dũng Nga vương phi cùng Doãn Thượng Khanh phu nhân và Mạnh Gia Linh phu nhân đều đến vương phủ để tiễn biệt, náo nhiệt lạ thường. Đến ngày hai mươi bốn tháng ba, thái vương phi vào cung để từ giã thái hậu, Tô Yến Tuyết và Lưu Yến Ngọc cũng theo vào. Thái hậu gạt nước mắt mà nói với thái vương phi rằng:

- Thân mẫu ơi! Ngày nay thân mẫu bỏ con mà về quê nhà, biết bao giờ con lại được trông thấy thân mẫu.

Thái vương phi nghe nói lại càng đau lòng đứt ruột, thổn thức hồi lâu rồi nói:

- Con được lập làm hoàng hậu trong hai mươi năm trời nay, mẹ luống những lo âu, chỉ sợ lòng yêu dấu của quân vương có ngày phai nhạt. Ngày nay con được làm thái hậu, thế là toàn phúc, còn mẹ đây về nơi đất cũ, di dưỡng tuổi già, ơn vũ lộ tưởng cũng đã đằm thắm lắm thay, con chớ lấy làm phiền não. Vả thân phụ con gởi lời khuyên con trên giúp đức nhân từ của thượng hoàng, dưới thể lòng hiếu kính của thiên tử, đối với hoàng thân quốc thích, phải lấy lễ mà tiếp đãi, Hùng Hiệu cần phải giữ ở lại để lo phụ chính, còn Hoàng Phủ Thiếu Hoa thì chỉ trong mấy năm nữa cũng sẽ cho cáo quan trở về nhà, thế là bảo toàn được vinh dự cho nhà ta vậy. Danh tiếng của con lưu truyền sử sách thì cha mẹ lấy làm vui lòng.

Thái vương phi nói xong, thái hậu ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi gọi Tô Ánh Tuyết và Lưu Yến Ngọc mà bảo:

- Hai em khéo vì ta mà hầu hạ cha mẹ. Khi nào cha mẹ có nghĩ ngợi đến ta thì xin hai em tìm lời khuyên giải. Thế mới biết sinh con gái thật là vô ích, công cù lao cúc dục của cha mẹ cũng uổng phí mà thôi.

Tô Ánh Tuyết và Lưu Yến Ngọc đồng thanh tâu:

- Thái hậu cứ yên lòng chờ đến kỳ “tiên thu đại khánh” này, thái vương phi sẽ lại vào yết kiến thái hậu. Vả nhà ta được tôn quý như thế này đều nhờ ơn thái hậu, cho biết rằng “dương danh hiển thân” (11) tức là đại hiếu, mà “thần hôn định tỉnh” (12) chẳng qua là một điều hiếu nhỏ mà thôi.

(11) Dương danh hiển thân: Nêu cao danh mình và khiến cha mẹ cũng được vinh hiển.

(12) Thần hôn định tỉnh:Sớm hôm thăm hỏi, nói tới bổn phận người con quan tâm tới cha mẹ. (chú NXB)

Bỗng thấy nội giám quì xuống tâu:

- Muôn tâu thái hậu! Có hoàng hậu xin vào triều kiến.

Thái hậu mừng nói rằng:

- Nếu vậy hay, nhân tiện tiếp kiến ngoại tổ mẫu và hai vị cữu mẫu một thể.

Nói xong liền truyền chỉ cho vào. Hùng hậu rón rén bước vào, gót sen yểu điệu, mình liễu thước tha, quì xuống dâng lời chúc thái hậu.

Thái vương phi cùng Tô Lưu hai phu nhân đều đứng dậy làm lễ triều kiến hoàng hậu. Hùng hậu chối từ không dám nhận. Thái hậu truyền cung nữ bày tiệc. Lưu Yến Ngọc nhìn nét mặt Hùng hậu thấy có vẻ hối ám, biết là sắp có đại nạn; lại liếc mắt nhìn thái hậu thì thấy chỗ ấn đường cũng hôn hác, nghĩ thầm: Ta trông Phi Giao quận chúa có tướng làm hoàng hậu, mai sau tất phải ứng nghiệm, vì không hiểu cớ sao mà ngày nay ta trông tướng Hùng hậu dẫu không đến nỗi chết, nhưng sẽ có đại nạn trong mười năm thì cũng chẳng khác gì là chết vậy.

Thái hậu lại truyền gọi Ôn phi và Mai phi ra để tiếp kiến thái vương phi. Chuyện trò hồi lâu, thái vương phi đứng dậy cáo từ, thái hậu nắm lấy áo mà bảo rằng:

- Thân mẫu ơi! Thân mẫu nỡ lòng nào bỏ con đây mà đi, biết năm tháng ngày nào cho con lại được sum vầy dưới gối. Ngày nay con cùng cha mẹ từ biệt, con thật như dao cắt trong lòng.

Thái vương phi cũng ôm lấy thái hậu mà khóc, hai mẹ con không thể nào chia ly cho đang. Các cung nữ thấy bóng chiều đã ngã về tây, mới quì xuống tâu với thái hậu:

- Muôn tâu thái hậu, trời đã gần tối.

Thái hậu gạt nước mắt mà đứng dậy, bảo thái vương phi:

- Thân mẫu ơi! Thân mẫu đừng khóc làm chi nữa, cũng cầm bằn như con đã chết trận từ ngày đi đánh Phiên rồi! Giọt máu đẻ rơi, từ nay thân mẫu chớ nghĩ đến con vậy.

Thái vương phi và Tô Lưu hai vị phu nhân cáo từ lui ra.

Khi thái vương phi đi khỏi, thái hậu lại vật mình than khóc. Ôn phi và Mai phi hết sức khuyên giải mãi, bấy giờ mới nguôi.

Lại nói chuyện nhà Hoàng Phủ trong mấy hôm ấy, nào sửa soạn các đồ hành lý, nào tiếp đãi các quan triều thần đến tiễn biệt, huyên náo lạ thường. Hoàn Phủ Kính dặn bảo các con rằng:

- Các con nên một lòng trung thành mà báo đáp triều đình, tức là có hiếu với cha mẹ đó. Vì cha mẹ chịu ơn vua lộc nước trong bốn mươi năm nay cáo lão trở về điền lý, chỉ cốt trông cậy ở các con.

Thái vương phi cũng nói:

- Những lời nghiêm huấn, các con nên phải ghi lòng.

Vệ Dũng Nga vương phi nói với Hoàng Phủ Kính rằng:

- Tôi có một điều tâm phúc muốn giải bày, chẳng biết người có thuận cho được hay không?

Hoàng Phủ Kính nói:

- Có việc gì vương phi cứ nói, khi nào mà vợ chồng ta lại không thuận theo.

Vệ Dũng Nga vương phi cười mà nói rằng:

- Tôi không dám xin gì cả, chỉ muốn xin Phi Loan quận chúa cho Hùng Khởi Thần.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói, mừng rỡ mà bảo rằng:

- Em có ý ấy đã lâu, chỉ sợ chị không bằng lòng, vậy nên vẫn không dám ngỏ ý, nay chị lại nói ra trước thì hai thân tôi đây khi nào chẳng vui lòng, chỉ sợ Phi Loan người xấu tài hèn, không đáng sánh đôi cùng lệnh lang mà thôi.

Vợ chồng Hoàng Phủ Kính đều mừng rỡ mà nói:

- Thân thượng gia thân, còn gì hay bằng! Các con bất tất phải khiêm tốn quá.

Tô Ánh Tuyết đứng dậy nói với Vệ Dũng Nga vương phi:

- Em xin đa tạ, chị đã có lòng đoái thương đến thì cũng là một điều may cho con Phi Loan.

Mạnh Lệ Quân vương phi cười mà bảo Tô Ánh Tuyết:



- Tôi thấy người ta vì vợ mà phải bái tạ bà mẹ vợ, chớ chưa thấy ai vì con rể mà phải bái tạ bà thân gia bao giờ.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng cười mà bảo rằng:

- Đó cũng là nhờ có công giáo hóa của Bảo Hòa công chúa (13) vậy.

(13) Mạnh Lệ Quân được mẹ vua Thành Tôn nhận làm con nuôi, đặt tên là Bảo Hòa công chúa (xem sự tích Mạnh Lệ Quân tức là bộ Tái Sanh Duyên).

Mọi người nghe nói đều cười rầm lên. Vệ Dũng Nga vương phi cũng cười mà bảo rằng;

- Đây là tôi hãy xin ngỏ lời cầu thân. Trước tạ phụ mẫu (14), sau tạ thân ông và các thân mẫu, rồi ngày mai tôi sẽ bảo phu quân tôi đến tạ thay con trai.

(14) tạ phụ mẫu: trỏ vợ chồng Hoàng Phủ Kính.

Lưu Yến Ngọc cười mà bảo rằng:

- Như thế sao được. Chưa dùng môi nhân nói trước, đã vội vàng làm lễ diện kiến.

Hoàng Phủ Kính nói:

- Phi Loan năm nay đã mười sáu tuổi, nếu định gả cho con trai Bình Giang vương (15) thì chỉ trong một vài năm, tất phải làm lễ thành hôn, vậy Tô phu nhân nên cho ở lại kinh địa mới tiện.

(15) Bình Giang vương: tức Hùng Hiệu

Mọi người nghe nói, chưa kịp trả lời thế nào thì Tô Ánh Tuyết nói:

- Đã có Mạnh vương phi, can chi phải bảo con ở lại.

Thái vương phi gật đầu, nói với Mạnh Lệ Quân rằng:

- Con trai lớn cần phải lấy vợ, con gái lớn cần phải gả chồng đó là lẽ thường. Bây giờ ta để Phi Loan lại đây cho được tiện việc.

Mạnh Lệ Quân vương phi cười rồi nói:

- Tiện thì tiện thật, nhưng nếu vậy há chẳng lợi cho Tô phu nhân lắm ru! Vì sau này bàn đến của hồi môn thì chị không phải lo chi cả.

Lưu Yến Ngọc nói:

Của hồi môn tất phải trọng hậu, chẳng biết sau này định những vật gì, nhưng ngày nay nên hỏi hỏi sẵn chị Tô phu nhân xem sao, chẳng lẽ chị nghiễm nhiên làm một bà mẹ vợ mà lại không phải chịu sự tôn thiệt.

Mọi người cùng nhau cả cười, ngoảnh lại nhìn đã không thấy Phi Loan quận chúa đâu cả. Thái vương phi cười mà bảo rằng:

- Cháu tôi thẹn mà chạy mất rồi! Bây giờ chúng ta nói vừa vừa chứ, hãy để sáng mai Bình Giang vương sang cầu thân, bấy giờ sẽ cùng nhau uống một tiệc rượu mừng thật say vậy. Con phải nhớ thế nào cũng đòi lấy mấy trăm lạng bạc, để biện một tiệc rượu ở đây.

Vệ Dũng Nga vương phi mừng rỡ nói:

- Tất phải như thế, con xin tuân lời thân mẫu. Còn của hồi môn, con không dám cầu những đồ kỳ trân dị bảo gì, chỉ xin lấy tập tranh “Bách mỹ” để sau này giữ làm của quý cho con cháu.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa cười mà bảo rằng:

- Một nhà vương phủ hoàng thân, nếu không nghìn khoảnh lương điền thì tất cũng có muốn chung thực ấp, để cho con cháu, sao lại muốn dùng đến tập tranh vẽ ấy.

Vệ Dũng Nga vương phi cười, nói:

- Đã đành rằng có, nhưng sao bằng nét bút thiên nhiên ấy là cái của vô giá ở trên đời.

Mọi người đều chuyện trò hồi lâu, rồi đều đứng dậy tan về. Mạnh Lệ Quân vương phi về đến trong phòng, đóng cửa phòng nằm nghĩ, bỗng thấy Lưu Yến Ngọc đẩy cửa bước vào, vén màn đứng ở bên cạnh giường, tủm tỉm cười mà nói rằng:

- Chị vậy, em muốn thưa một câu chuyện.

Mạnh Lệ Quân vương phi lấy làm ngạc nhiên, mặc áo đứng dậy, rồi hỏi:

- Chẳng hay việc gì, xin chị cứ nói.

Lưu Yến Ngọc liền ngồi xuống đấy, rồi khẽ nói rằng:

- Ngày hôm nay em vào cung triều kiến hoàng hậu, được biết hoàng hậu thật là người thuần thục, nhưng tính khí lại nhu nhược quá. Vả em nhìn tướng mạo có vẻ hắc ám, tất thế nào cũng sẽ có đại nạn trong mười năm trời. Còn Phi Giao quận chúa thì em thấy có tướng “hồng quang hiển hiện” chỉ trong nửa năm nữa, sẽ được hỷ tinh giáng lâm. Mà tin mừng này không phải tầm thường đâu, tất đến chiếm ngôi hoàng hậu, sau này nữ chủ cầm quyền mà có sát khí uy nghiêm vậy. Chúng em trở về quê nhà đã đành, còn chị ở đây, trong một hai năm nữa khó lòng mà tránh khỏi tai vạ. Đó là hiện tướng rõ ràng, em hơi biết như vậy nên em xin nói. Chị có đại tài thì xin chị nhớ mà đề phòng trước. Đến như việc nhà Vệ cô nương, cũng khó tránh khỏi ách vận, cơ trời huyền bí, dẫu sao cũng bởi sự tiền định tự nhiên.

Mạnh Lệ Quân vương phi giật mình kinh sợ mà hỏi rằng:

- Chị thử tính xem có thể cầu cúng cho qua tai nạn ấy được không?

Lưu Yến Ngọc lắc đầu mà bảo rằng:

- Không thể được! Phàm tướng mạo người ta, quan hệ với vận mệnh, hễ vận mệnh không hay thì trên nét mặt sẽ hiện có cái vết hắc ám. Cái vết ấy đã hiện thì tai nạn sắp tới nơi, chỉ trong năm năm là tất có ứng nghiệm vậy. Em thấy tướng mạo bọn ta hắc ám đã gần một năm nay, hôm nay trông thấy tướng mạo thái hậu và hoàng hậu, mới biết không phải là vận mệnh riêng của một người nào. Triều đình ngày nay đang trông cậy về tài xử đoán của chị, chị cũng nên phải gìn vàng giữ ngọc, chớ có lo nghĩ quá.

Mạnh Lệ Quân vương phi thở dài mà than:

- Nếu vậy thì cũng đành nhờ trời mà thôi. Nhưng chị xem tướng con Phi Giao có giống như Võ Tắc Thiên thuở xưa hay không?

Lưu Yến Ngọc nói:

- Phi Giao quận chúa có tướng mạo uy nghiêm, ai trông thấy cũng phải sợ, không chỉ bằng Võ Tắc Thiên mà thôi đâu.

Hai người trò chuyện thâu canh, rồi đều về phòng yên nghỉ. Sáng hôm sau, Bình Giang vương là Hùng Hiệu đến cầu thân, xin cho Hùng Khởi Thần kết duyên với Phi Loan quận chúa. Nhà Hoàng Phủ đều bằng lòng cả.

Đến hôm vợ chồng Hoàng Phủ Kính khởi hành, vua Anh Tôn truyền chỉ bày một tiệc rượu ở phía ngoài thành cho ba vị thân vương ra tiễn. Trong khi tiễn biệt Mạnh Lệ Quân nước mắt ròng ròng, Phi Loan quận chúa cũng nắm lấy bà sinh mẫu là Tô Ánh Tuyết mà khóc. Tô Ánh Tuyết khẽ dặn Phi Loan quận chúa rằng:

- Con ở lại đây, phải chăm chỉ hầu hạ cha mẹ, đối với anh em chị em trong nhà lại nên lấy tình thân ái mà cư xử, chớ vì sự hờn dỗi nhỏ nhặt, đã vội sinh lòng ghét bỏ lẫn nhau. Sang năm con về nhà chồng, nên kính mến cha mẹ chồng và một lòng thờ chồng cho phải đạo, để được nên người hiền phụ, khỏi phụ công giáo huấn của cha mẹ trong bấy lâu nay.

Một nhà Hoàng Phủ ai nấy đều ứa nước mắt mà thương ly tích biệt, chỉ có Phi Giao quận chúa là không hề có ý buồn rầu. Vợ chồng Hoàng Phủ Kính lên xe, ba vị thân vương cùng văn võ bách quan đều đi tiễn đông lắm. Khi đến bờ sông, vợ chồng Hoàng Phủ Kính từ giã các quan rồi xuống thuyền. Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân cùng Vệ Dũng Nga vương phi lại theo xuống dưới thuyền để bái biệt, còn văn võ bách quan đều đứng ở trên bờ sông, đợi cho đến khi thuyền quay mũi.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa dặn Tô Án Tuyết và Lưu Yến Ngọc rằng:

- Hai phu nhân về nhà, trên thờ cha mẹ, dưới khuyên dạy con, nên phải một lòng chăm chỉ. Công việc trong nhà giao phó cho Lã Xương chưởng quản. Lã Xương là nghĩa tử của Lã Trung tánh nết thực thà, lại có tài năng, đối với hắn cũng nên có lòng kính trọng.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại nói với vợ chồng Hoàng Phủ Kính rằng:

- Cha mẹ nên giữ gìn thân thể, sang năm đến kỳ “Vạn thọ” của thượng hoàng, con sẽ xin cáo quan về để phụng dưỡng cha mẹ.

Nói xong lại cùng Mạnh Lệ Quân và Vệ Dũng Nga đồng bái biệt rồi bước lên bờ. Thuyền quay mũi đi, các quan triều thần còn đứng đấy chưa về, bỗng thấy quan Lương thừa tướng ở trong thành lật đật cưỡi ngựa chạy đến, không hiểu vì cớ gì.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

Nhận xét của độc giả về truyện Tục Tái Sanh Duyên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook