Tục Tái Sanh Duyên

Chương 55

Khuyết Danh

14/11/2017

Hùng vương nói xong lại khanh khách cười. Vệ Dũng Nga vương phi cũng có ý vui vẻ. Vợ chồng Hùng vương và mọi người lại rót rượu uống, rồi cùng nhau kể lể các nông nổi sau khi tương biệt. Mỗi khi nói đến những sự thương tâm thì lại đều thở ngắn than dài. Hùng Khởi Phượng và Hùng Khởi Thần đi ra phòng ngoài yên nghỉ, cùng nhau nói chuyện nàng Hạng Ngọc Thanh và nàng Văn Cơ. Hai anh em suốt đêm hôm ấy không ngủ. Sáng hôm sau dậy sớm, lại vào hỏi thăm cha mẹ, Lương Cẩm Hà phu nhân cũng ẵm tiểu công tử vào. Hùng vương nghoảnh nhìn các con, rồi cả cười mà rằng:

- Ta đây cũng là một kẻ tài hèn sức mọn, chịu ơn triều đình mũ cao áo dài trong bấy nhiêu năm, chưa có chút chi đền báo. Vẫn tưởng rằng chết già trong ngục thất, ai ngờ còn gặp thánh quân hiền chúa, chẳng những toàn gia ân xá, mà lại được ân thưởng tôn vinh phú quý này. Bây giờ vợ chồng đoàn viên con cháu vui vẻ, thế thì ơn sâu của triều đình, ta cũng phải nghĩ thế nào. Các con ơi! Các con nên hết sức tận trung với triều đình, tức là tận hiếu cùng cha mẹ đó.

Bỗng thấy phò mã Triệu Câu đến. Hùng Khởi Phượng nói:

- Thân phụ tôi vừa định sang thăm phò mã, không ngờ phò mã lại tới đây!

Phò mã Triệu Câu cười mà đáp rằng:

- Số là nghe có tin mừng cho nên chúng tôi phải sang đây để báo tin với cô phụ.

Hùng vương nói:

- Phò mã nói khôi hài cho vui chuyện đó mà thôi, chứ ta đây còn có tin gì đáng mừng nữa!

Bấy giờ nữ tỳ bày tiệc, mọi người cùng ngồi uống rượu. Trong khi uống rượu, lại nói đến những việc mười năm về trước. Vệ Dũng Nga vương phi chỉ tấm tắc khen ngợi nàng Hạng Ngọc Thanh.

Vệ Dũng Nga vương phi nói:

- Con ta không được kết duyên cùng nàng Hạng Ngọc Thanh cũng là một điều đáng tiếc. Vì ai để lụy đến nàng, khiến nàng uống phí một đời xuân xanh, quyết chí tu hành, không thiết chi đến đường gia thất. Hôm nào ta còn phải tâu thái hậu cho con ta được vào yết kiến nàng. Ta có thuật chuyện Nam Kim nữ chủ cho nàng nghe thì nàng tất lấy làm cảm kích. Nàng cảm kích cái ơn con ta bảo toàn danh dự cho cô mẫu nàng, lại bảo Cao Ly quốc vương lập người con gái Nam Kim nữ chủ lên làm hoàng hậu, thế là khiến cho họ Hạng cũng được toàn thủy toàn chung vậy.

Vệ Dũng Nga vương phi lại thở dài rồi nói:

- Hạng Ngọc Thanh cũng là một người kỳ nữ mà sao biết giữ toàn được cái lòng tiết nghĩa như thế! Chỉ đáng thương cho nhà họ Vệ ta, ai ngờ ngày nay lại nảy ra một đứa con gái dâm đảng như con Văn Cơ này.

Vệ Dũng Nga vương phi nói xong, lại cau mày nghiến răng, tỏ ra ý căm tức. Hùng vương chỉ rót rượu ngồi uống. Phò mã Triệu Câu cũng phàn nàn mà rằng:

- Hai thân tôi ngày nay cũng lấy việc Phi Giao làm hổ thẹn, chẳng còn mặt mũi nào trông thấy các quan triều thần. Thân mẫu tôi về thăm quê nhà mà thân phụ tôi khi nào nghĩ đến Phi Giao cũng vẫn căm tức. Ngày hôm nay tôi vào triều kiến thánh thượng, thì thánh thượng đã truyền xá tội cho nàng Văn Cơ, vì nàng đã có công trong việc nội ứng. Bấy giờ nàng không biết về đâu cho tiện, vậy xin cô phụ hỏi nhị hiền đệ xem, nếu có ước hẹn với nàng thì tôi thiết tưởng cũng nên chứ sao!

Hùng Khởi Thần không đợi cho Hùng vương nói tức khắc đứng dậy mà thưa rằng:

- Phò mã ơi! Tôi xin thuật hết đầu đuôi việc nàng Văn Cơ cho phò mã nghe.

Nói xong, liền đem những lời Hùng vương dặn bảo khi trước mà kể cho phò mã Triệu Câu nghe và lại bảo rằng:



- Tôi vâng mệnh thân phụ bất đắc dĩ mà phải ước hẹn với nàng, chẳng lẽ ngày nay lại “Lộng giả thành chân” hay sao! Phò mã ơi! Tôi dẫu không dám sánh như phò mã là một bậc kỳ nam tử, nhưng cũng có đôi chút liêm sỉ, nếu bây giờ bắt tôi phải y lời ước hẹn thì năm xưa tôi còn phải cự tuyệt nàng làm chi.

Phò mã Triệu Câu gật đầu khen phải. Vệ Dũng Nga vương phi đỏ mặt tía tai, trỏ Hùng Khởi Thần mắng rằng:

- Mày thật là một đứa con bất hiếu! Không tuân lời nghiêm huấn, dám nhắm mắt đi liều. Nếu năm xưa mày cứ đi thẳng đường về nhà họ Mạnh thì khi nào đến nỗi gặp con Văn Cơ!

Bỗng thấy Lương Cẩm Hà phu nhân đến trước mặt vợ chồng Hùng vương, khép áo sụp lạy. Vợ chồng Hùng vương đều kinh ngạc mà hỏi rằng:

- Có việc chi thế, con!

Lương Cẩm Hà phu nhân khóc mà thưa rằng:

- Dám thưa vương phi! Chỉ vì năm xưa con nghĩ lầm một chút mà để đến nỗi nàng Hạng Ngọc Thanh không được sum họp cùng phu quân con. Nay nàng quyết chí tu hành, đều là bởi con làm hại nàng đó. Bấy lâu con vẫn lấy điều ấy làm hối hận, chỉ vì còn phải đợi phu quân con về đây. May mà nhờ lòng trung nghĩa của hai thân cảm động đến trời, ngày nay lại được cốt nhục đoàn viên, một nhà sum họp. Con nghĩ công lao của nàng Hạng Ngọc Thanh ở trong ngục thất, vậy có nói với phu quân con, xin đem ngôi chính thất mà nhường cho nàng. Nào ngờ đâu rằng phu quân con không nghe, lại hầm hầm nổi giận, mắng con là đứa nói càn. Nay vương gia đã về đây, chẳng bao lâu nữa biểu muội (trỏ Phi Loan) con cũng về, việc nội chính đã có người trông coi, con xin phép trở về quê nhà để hầu hạ thân mẫu. Vả từ khi thân phụ con tạ thế, con cũng chưa về thăm quê nhà lần nào.

Lương Cẩm Hà phu nhân nói chưa dứt lời thì Hùng Khởi Phượng đứng dậy nói với vợ chồng Hùng vương rằng:

- Dám bẩm thân phụ và thân mẫu! Nội nhân con không hiểu chí khí của kẻ trượng phu, vẫn ngờ con là một người say đắm về nhi nữ tư tình vậy. Ngày nay con về đây, há con lại không biết nghĩ cong lao của nàng Hạng Ngọc Thanh hay sao! Nhưng từ khi con gặp mặt nàng, đã biết nàng là một con người có tấm lòng băng tuyết. Vả nàng đã chán nơi trần tục thì ngày nay ta để cho nàng được nương cảnh thanh tĩnh, cũng là một cách báo ơn. Nội nhân con không hiểu ý, lại bảo con có tính vu chấp, ngày nay muốn trở về quê nhà, há chẳng nực cười lắm ru.

Khi Hùng Khởi Phượng nói xong, Hùng vương nín lặng không bảo thế nào. Vệ Dũng Nga vương phi lại nói:

- Con ta nói có lẽ phải! Nàng Hạng Ngọc Thanh nguyên có tiên phong đạo cốt, không phải là người trần tục. Hồi trước Lưu Yến Ngọc phu nhân cũng đã nói cho ta biết rằng nàng là một vị du tiên, phải đày xuống cõi trần, bao giờ trọn vẹn kiếp tu, bấy giờ sẽ lại trở về tiên phủ. Thế thì ta cũng nên để nàng được toàn chí nguyện, chớ khiến nàng phải vương víu trần duyên. Vừa mới tháng trước đây, có tin ở quê nhà đến thì lệnh từ và hai công tử đều được bình yên cả. Hai công tử vì cớ lệnh từ tuổi già sức yếu, cho nên không muốn ra làm quan. Ngày nay con ta đi sứ Cao Ly, kể hàng mười năm với về, hai ta cũng chịu bao nhiêu nỗi khổ sở ở trong ngục thất, bấy giờ mới về đây. Thế thì con cũng hãy nên yên lòng trong một vài năm để cho ta được trông thấy cảnh đoàn viên vui vẻ, rồi sau ta sẽ đưa con về quê nhà thăm thân mẫu, bấy giờ tình kia nghĩa nọ, há chẳng trọn vẹn cả đôi đường.

Vệ Dũng Nga vương phi nói xong, lại giơ tay đỡ Lương Cẩm Hà phu nhân dậy. Hùng vương cười mà bảo rằng:

- Ta nghe mấy lời của thân mẫu con phân trần, thật là một người mẹ hiền, các con chớ nên trái ý!

Nói chưa dứt lời thì bỗng nghe báo có thánh chỉ đến. Cha con Hùng vương vội vàng đội mũ mặc áo và bày hương án để nghênh tiếp. Nội giám Lăng Mậu tuyên đọc tờ thánh chỉ như sau này:

“Thừa thiên hưng vận, hoàng đế chiếu rằng:

- Bình Giang vương Hùng Hiệu và vợ là Vệ Dũng Nga từ xưa chịu ơn triều đình vẫn một lòng tận trung báo quốc, dẫu được dự hàng ngoại thích mà cũng không hề có ý kiêu căng.Không ngờ thượng hoàng bỏ đi, tiểu tử này bất đức, để đến nỗi lão thần xuất sứ, lương tướng liều mình, gây nên bao nhiêu sự sầu thảm.

Ngày nay mây mù quét sạch, ánh sáng mặt trời lại rực rỡ như xưa. trẫm gia phong cho Hùng Hiệu làm Trương vương để đền lại lòng trung nghĩa. Trưởng tử là Hùng Khởi Phượng đi sứ nước ngoài, một lòng thủ tiết, lại cho được tập tước, chưởng quản cấm binh. Thứ tử là Hùng Khởi Thần thiên tính chí hiếu, mà gặp nhiều khổ sở, nghĩ thật đáng thương. Lại có công thu phục thành Kim Lăng, vậy phong làm Kỳ Anh Hầu, kiêm lĩnh Lễ bộ. Vợ Hùng Khởi Thần là Hoàng Phủ Phi Loan, tiết liệt đáng khen, cũng phong làm nhất phẩm phu nhân hiếu nghĩa quận chúa.



Cao Ly quốc vương mới đem cống dâng các đồ kim ngân cẩm bạch, vậy nay trích ra một trăm tấm gấm, mười nghìn lạng vàng, để làm liêm trang cho Phi Loan quận chúa. Lại phải mau mau chọn ngày làm lễ cưới khiến cho thái hậu được yên lòng. Các tướng có công trong việc thu phục Kim Lăng như Trương Vĩnh và Sĩ Quí đều được gia phong, lại theo lời xin của phò mã Triệu Câu, cho hai tên cung nữ để cùng hai tướng đẹp duyên cầm sắt. Văn Cơ dẫu là người bất chính, nhưng đã có công nội ứng, cũng được tha tội. Các quan văn võ đều được thăng tám cấp, Trương Long và Triệu Hổ phong làm chỉ huy sứ, Tô Thành làm chức thiên hộ, Trương Thuận được thưởng kim bạch. Khâm tai.”

Nội giám Lăng Mậu tuyên đọc xong, cha con Hùng vương đều cúi đầu lạy tạ thánh chỉ. Nội giám Lăng Mậu lại nói mấy lời chúc mừng. Hùng vương cầm một bản tâu trao cho Lăng Mậu mà bảo rằng:

- Nội giám Lăng Mậu ơi! Tôi có một bản tâu nhờ nhà ngươi đệ trình thánh thượng. Số là Hùng Hiệu này đã hết sức khuyển mã. Vả gần đây lại bỗng sinh đa bệnh mà vẫn chưa dám từ quan. Nay xin thánh thượng giáng chỉ cho tôi được theo hầu thượng hoàng thì thật là một cái ân đặc biệt. Hai con tôi xin để hầu hạ thánh thượng mà đừng cho chưởng quản binh quyền. Binh quyền nên giao cho phò mã Triệu Câu, phò mã thật là người có tài “kinh thiên vĩ địa” vậy.

Nội giám Lăng Mậu vâng dạ rồi nói:

- Mấy lời vương gia tâu xin, tất thế nào thánh thượng cũng phê chuẩn, nhưng còn một việc giao binh quyền cho Hoàng Phủ phò mã thì thái hậu vị tất đã ưng. Số là toi thấy Hoàng Phủ phò mã cũng đã mấy lần từ chối, nay vương gia lại tâu xin như thế thì chẳng lẽ binh quyền biết giao cho ai. Bảng tâu này tôi xin vâng lĩnh đem về dâng thánh thượng, nhưng trong hai việc ấy tôi chắc chỉ làm được một việc mà thôi.

Hùng vương lại đem một nghìn lạng bạc đưa tặng nội giám Lăng Mậu. Nội giám Lăng Mậu thở dài mà thưa rằng:

- Vương gia ban thưởng, tôi không dám từ chối, nhưng tôi thiết nghĩ một thân vò võ, cầu được nhiều của để làm chi! Kìa như nội giám Mã Thuận, trong nhà biết bao nhiêu châu bảo vàng bạc, ngày mai ra chốn pháp trường phỏng có đem theo được vật gì không! Bởi vậy mỗi khi thánh thượng và các vị vương hầu thưởng tứ cho tôi, tôi đem về đều phân phát cho thân thích họ hàng. Thân thích họ hàng tôi, ai nghèo thì tôi giúp tiền, chứ không giúp cho ai làm quan cả, còn như thân thích họ hàng Mã Thuận, bao nhiêu người làm quan, ngày nay lại cùng chịu cái nỗi đoạn trường ấy, khổ sở biết là dường nào!

Nội giám Lăng Mậu nói xong, cáo từ lui ra. Bấy giờ nhà họ Hùng cùng nhà Hoàng Phủ hai nhà đều nhiệt náo sửa soạn nghi tiết cho Hùng Khởi Thần là lệ thành hôn cùng Phi Loan quận chúa.

Lại nói chuyện nàng Văn Cơ từ khi về tới Bắc Kinh, vào ở trong ngục thất, đêm ngày ngẫm nghĩ, như dại như ngây. Nàng nghĩ thầm: “Ta đã đem thân vào đến chốn này thật là chỉ còn đợi ngày xử tử.” Nàng run sợ mà ngã lăn ra. Bấy giờ có các phụ nữ cùng bị giam ở đấy chạy đến khuyên giải rồi bảo nàng rằng:

- Chốn này là nơi khổ hải, chúng ta ở đây thật đã trăm cay nghìn đắng, chẳng hay nàng có tội tình gì mà con người ngọc cũng phải đi đến chốn này vậy.

Nói chưa dứt lời thì bỗng nghe mặt ngoài có tiếng người gọi mở cửa, để mau mau giải bọn phản nghịch đem ra pháp trường. Các phụ nữ dắt nàng Văn Cơ đứng nấp ra một bên để xem. Bấy giờ thấy có hai người đàn ông đầu bù tóc rối, mình mặc áo trắng, tay chân đều đeo xiềng sắt cả, ở trong ngục tối thẳng lối đi ra. Phía sau lưng hai người đàn ông đó lại có một bọn đi theo, vừa nam vừa nữ, ả thảy hàng mấy trăm người, đều bưng đầu khóc than, ai trông thấy cũng phải thương xót. Các phụ nữ lại bảo nàng Văn Cơ rằng:

- Hai người đàn ông kia tức là Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục đó! Còn một bọn theo sau là đồ đảng của hai người. Bây giờ giải ra pháp trường để xử quyết.

Nàng Văn Cơ nghe nói kinh hồn khiếp vía, nét mặt tái mét, mồ hôi toát ra đầm đìa, ngất người đi mà ngã lăn ra. Các phụ nữ vội vàng đỡ dậy, ngồi lặng hồi lâu, bấy giờ tinh thần mới lại hồi phục. Nàng Văn Cơ thở dài mà than rằng:

- Hùng công tử ơi! Nếu ta không nhờ công tử cứu cho thì có lẽ hôm nay cũng phải giải đi xử quyết rồi! Nhưng cái thân chết dở sống thừa này,chẳng biết mai sau rồi ra thế nào.

Nói xong, lại kéo vạt áo bưng mặt mà nức nở khóc. Từ đó nàng Văn Cơ thường suốt đêm không ngủ, năm canh vơ vẩn chỉ những nghĩ lo quanh: Hồi tưởng năm nào động phòng hoa chúc, một đôi trai tài gái sắc, vẫn tưởng rằng duyên ưa đẹp phận cùng nhau trọn ước trăm năm, ai ngờ trâm gãy bình rơi, để đến nỗi nên cơ hội này. Lại hồi tưởng đến khi gặp Hùng công tử. Thấy chàng, ta cũng đeo đai, không ngờ cánh hoa nguyên hữu ý mà dòng nước vẫn vô tình, khiến cho ta luống những bẻ bàng hờn duyên tủi phận. Lại hồi tưởng đến khi đem thân về với Định Quốc, chỉ vì ta quá nghe lời thân mẫu mà đến nỗi tan cửa nát nhà. Tội phản nghịch kia, nay đã cam chịu một lưỡi gươm oan nghiệt. Thế mới biết bốn chữ “Hồng nhan bạc mệnh”, cổ kim há có riêng ai. Chiếc thân chết dở sống thừa, không ngờ ngày nay thành ra một người tù tội. Nếu không được Hùng công tử đền ơn báo nghĩa thì tấm thân này còn gì.

Nàng Văn Cơ càng nghĩ lại càng oán giận Lã di nương, vì nỗi dầu ghét bỏ Hùng công tử mặc lòng, cớ sao lại buộc cho Từ di nương tiếng xấu xa nhơ nhuốc. Ngày nay Từ di nương oan tình đã giải, mà thm ta cũng hồn về chín suối, chẳng biết khi cùng nhau gặp gỡ thì mặt nào mà trông thấy nhau. Nàng Văn Cơ khóc than kể lể, các phụ nữ xúm lại mà nghe. Cách mấy hôm sau, bỗng thấy tên ngục tốt mở cửa chạy vào bảo nàng Văn Cơ rằng:

- Có một người lão ẩu nói là phụng mệnh Hùng vương đem kiệu tới đón tiểu thư đó. Kiệu hoa đã đợi ở ngoài cửa, mời tiểu thư mau mau đi ra.

Nàng Văn Cơ gạt nước mắt từ biệt các phụ nữ ở trong ngục rồi bước lên kiệu.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

Nhận xét của độc giả về truyện Tục Tái Sanh Duyên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook