Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 52: Rắp báo ơn, Thế Dân bắt cóc mẹ bạn, Tin việc nghĩa, Ninh Thị tự xa nhà mình.

Chữ Nhân Hoạch

28/03/2014

Từ rằng:

Rèm rũ, then cài cánh cửa sâu

Xa xa núi dựng, dạ em sầu

Mưa mưa, gió gió, đi rồi lại


Xao xuyến lòng ai, bởi tự đâu?

Người ơi, người ở nơi nào

Ghềnh sông hang núi, ào ào gió xuân

Bóng nguyệt, cầu tan nhịp gãy

Chồng lo xa nên xảy tai ương

Nhìn nhau người những hoang mang

Ve sầu, bọ ngựa, sẻ vàng không hay 1

Khen chim hồng bay cao lo trước

Chín đường quanh như ruột dê xoăn

Sóng kình muôn dậm sầu tuôn

Đỗ quyên ơi, hãy về nguồn quê xưa

Đời người thôi thế cùng vừa...

Theo điệu "Mãn giang hồng"

Lại nói tiếp chuyện Tần Vương cùng Lưu Văn Tĩnh, Từ Nghĩa Phù, Từ Huệ Anh, ra khỏi thành Kim Dung, đi suốt ngày đêm. Trên đường đi, Tần Vương nghĩ tới Thúc Bảo, nhân đó nói Văn Tĩnh:

- Thúc Bảo thật là người ân nghĩa trọn vẹn, chẳng mấy ai được đến như vậy, thật đúng như hai câu thơ:

Nước dầm nghìn thước Đào Hoa,

Uông Luân tình bác tiễn ta sâu nhiều. 2

Làm sao để Thúc Bảo sớm về được với ta, mới thỏa lòng mong nhớ.

Văn Tĩnh thưa:

- Thúc Bảo có nhiều điều khiến chưa thể về với nhà Đường được, không nói hiện nay thế của Ngụy Công đang mạnh, thứ nữa là anh em bên ấy, phần lớn đều cùng từ Ngõa Cương mà ra với nhau cả, thứ ba nữa là Thúc Bảo cùng Hùng Tín là anh em kết nghĩa, thề cùng sống chết, không thể nào bỏ nhau. Nay ba vị vừa rồi, đều đã có chí khác cũng bởi từ chuyện Địch Nhượng trước kia, cho nên anh em sinh mỗi người một hướng, nhưng chưa đến lúc tan nát đó thôi.

Tần Vương nghe nói, không ngăn nổi buồn rầu mà rằng:

- Nếu như thế, ta chẳng bao giờ được dùng Thúc Bảo hay sao?

Nghĩa Phù thưa:

- Xin điện hạ chẳng phải lo lắng nhiều. Thần có một cách, có thể làm cho Thúc Bảo phải bỏ Ngụy mà đầu Đường.

Tần Vương vội hỏi:

- Túc hạ có kế gì hay?

Nghĩa Phù đáp:

- Thúc Bảo tuy là võ tướng, nhưng là một người rất có hiếu. Mẫu thân tuổi đã cao, cùng với con dâu là Trương Thị, hiện đang ở Ngõa Cương.

Tần Vương tiếp:

- Tướng quân nhà Ngụy đều tập trung ở Kim Dung thành. Không hiểu gia quyến của các tướng khác có ở Ngõa Cương không? Nghĩa Phù thưa:

- Ở Kim Dung thành hiện có quý quyến Ngụy Công, còn lại đều đang ở sơn trại cả. Hiện chỉ có hai người, một là Vưu Tuấn Đạt, hai là Liên Cự Chân coi sóc ở Ngõa Cương. Chi bằng đem Tần mẫu về Đường trước đã, cung phụng thật chu đáo. Thúc Bảo hay tin, tất chẳng khác gì Từ Thứ phải quay về Tào vậy thôi.

Tần Vương đáp:

- Việc thì hay đấy, nhưng sai ai làm cho tiện?

Nghĩa Phù thưa:

- Thần trước kia đã từng làm quan ở U Châu, có biết tổng quản La Nghệ, La phu nhân chính là cô ruột Thúc Bảo, họ hàng rất gắn bó. Năm nay chính vừa dịp bảy mươi tuổi Tần mẫu, chi bằng nhờ La phu nhân, giả vờ lên châu Thái An dâng hương, đi qua Ngõa Cương, mời Tần mẫu xuống thuyền gặp gỡ, chuyện trò sau trước. Tần mẫu nghe nói thế, nhất định bằng lòng, khi đã ra khỏi sơn trại rồi, thì chẳng lo gì không tới được Trường An.

Văn Tĩnh khen:

- Nên làm thế, nhưng nhanh tay mới được, về đến Trường An là phải làm ngay!

Đi vào đầu núi Thiên Thu Lãnh, thấy phía sau có tiếng người gọi theo:

- Tiểu thư đánh rơi một chiếc hài rồi!

Tần Vương nghe thấy vội quay ngựa, thấy một chân của Huệ Anh, hài đã rơi mất, lộ rõ gót sen. Huệ Anh vẫn còn mang vẻ nhút nhát, mặt mày đỏ tía thẹn thùng.

Nghĩa Phù lên tiếng:

- Rơi một chiếc rồi, sao còn một chiếc nữa, không vứt luôn đi cho xong.

Thấy vậy Tần Vương ruổi ngựa theo đường cũ, lúc lâu quay lại thì đã tìm thấy bên đường, Tần Vương cầm hài trong tay, đưa cho Huệ Anh, cười nói:

- Đây có phải là hài của Huệ Anh chăng?

Huệ Anh vội vàng xuống ngựa, đưa hai tay nhận, đi vào cẩn thận, rồi mới lên ngựa. Từ đó, trên đường tuy chưa thật khăng khít, nhưng giữa Tần Vương với Huệ Anh đã mang tình quyến luyến, thỉnh thoảng lại nhìn nhau không nói. Đoàn người ngày đi đêm nghỉ, chẳng mấy chốc đã tới sông Bá Lăng, Tần Vương nói với Văn Tĩnh:

- Ta ngẫu nhiên đi săn chơi, không ngờ gặp phải nạn lớn, nếu không có Huệ Anh, Nghĩa Phù, cùng ba vị Tần, Ngụy, Từ đồng tâm cứu giải cho thì đến chết già trong nhà tù mất.

Văn Tĩnh thưa:

- Đấy chính là điện hạ cùng với thần có cái hạn trăm ngày, may mà Nghĩa Phù ngày đêm chu toàn cho, lại được lệnh ái thi ơn bày kế. Điện hạ lại thêm một mưu sĩ hiểu biết, cùng một bạn hiền trong buồng khuê. Chẳng phải là trong họa mà sinh phúc đó sao?

Lại thấy phía trước bụi cuốn mịt mù, một đội người ngựa tiến lại trông xa thấy cờ hiệu Đại Đường. Tần Vương lên tiếng:

- Rõ ràng là phụ hoàng đã hay chuyện ta về, nên sai người đi đón đây.

Bọn Viên Thiên Cơ, Lý Thuần Phong, Lý Tĩnh phi ngựa tới ngay trước mặt cùng thưa:

- Điện hạ, chúng thần tới nghênh giá!

Tần Vương đáp:

- Ta bởi không nghe lời can ngăn của các tiên sinh, gặp phải nạn này, thôi thì sau này công việc quân binh, ta sẽ cẩn thận hơn.

Lúc này tân khách của tây phủ lần lượt kéo tới, tất cả vào ải Đồng Quan. Tần Vương nói với Nghĩa Phù:

- Túc hạ cùng lệnh ái, xin hãy tạm ở quán dịch để ta gặp phụ hoàng, rồi sẽ sắp sẵn xa giá ra đón cho thật đàng hoàng.

Nghĩa Phù xin vâng, quay vào dịch quán nghỉ ngơi. Tần Vương cùng công khanh vào triều, yết kiến vua Đường, vào cung gặp Đậu Thái hậu, cốt nhục gặp nhau tình cùng sinh tử, nước mắt chứa chan.

Tần Vương đem chuyện bị nạn kể lể đầu đuôi. Vua Đường phán:

- Tần Thúc Bảo, Từ Mậu Công, Ngụy Huyền Thành, ba vị ân nhân, trước mắt tuy chưa thể quy Đường, trẫm phải nhớ kỹ chuyện này, con cũng nên ghi xương khắc cốt. Còn nghĩa sĩ Từ Lập Bản, lập tức ban cấp nhị phẩm cùng đủ áo mũ, lại riêng mũ phượng cho Huệ Anh, đưa vào bệ kiến.

Tần Vương liền sai tả hữu về Tây phủ lấy bốn cung nữ, chỉnh đốn hương xa, mời Huệ Anh cùng phụ thân vào triều. Vua Đường thấy mặt, càng thêm ưu ái, dùng Nghĩa Phù làm Thượng đại phu, còn Từ Huệ Anh, ban tên là Từ Huệ Phi, phong làm Nhất phẩm phu nhân, gả cho Tần Vương, cùng lo việc Tây phủ, Tham tán Tây phủ quân cơ sự vụ.

Tần Vương lại đem biểu tạ ơn của Thúc Bảo trình lên, vua Đường xem xong, phán:

- Thúc Bảo trước kia đã cùng trẫm gặp gỡ giữa đường, cả nhà đều được Thúc Bảo cứu thoát, nay Thế Dân lại được Thúc Bảo chu toàn tính mạng cho, cha con đều chịu ơn, biết đến bao giờ mời được Thúc Bảo về đây để đền ơn ít nhiều.



Tần Vương thưa:

- Không cần phụ hoàng phải nghĩ ngợi, con đã có kế hay, khiến cho Thúc Bảo sẽ quy Đường ngay.

Nói rồi tất cả lạy tạ ra khỏi điện.

Mấy ngày sau, Tần Vương cùng Lý Tĩnh, Từ Nghĩa Phù, đem hai nghìn tinh binh, lại thêm mấy cung nữ theo hầu Huệ Phi lên đường.

Chuyện khoan nói đến.

° ° °

Lại nói chuyện Ngụy Công Lý Mật, ở Yển Sư chiêu hàng được Khải Công, khao thưởng ba quân, đang định hồi triều, nhưng không lượng sức mình, lại kéo qua Hà Bắc, bị tướng của Đậu Kiến Đức là thư tướng Vương Tôn, đón đánh dưới núi Cam Tuyền. Vương Tôn bắn tên, trúng cánh tay trái Lý Mật. Thua trận buồn rầu, mất hết nhuệ khí Lý Mật lại nhận được tờ tâu của Mậu Công, trình rõ chuyện ngục quan Từ Lập Bản, giả làm quan sai trong cung, thả cho Lý Thế Dân cùng Lưu Văn Tĩnh, rồi không biết đi đâu. Ngụy Công nổi giận, ngày đêm về Kim Dung thành, Ngụy Trưng, Mậu Công, Thúc Bảo ra đón.

Ngụy Công chửi mắng ba người một trận, đổ cho không trông coi cẩn thận, thông đồng với Lập Bản trong chuyện này, nhận được hối lộ nhiều rồi tha, coi thường phép nước, định đem ba người ra chém. May được Tổ Quân Ngạn, Giả Nhuận Phủ bao lần can ngăn, mới tạm đem giam vào Nam lao, chờ lập công chuộc tội.

° ° °

Lại nói Tần mẫu cùng Trương Thị, Tần Hoài Ngọc, ở tại Ngõa Cương, tuy Thúc Bảo vẫn thường cho người thăm nom, nhưng Tần mẫu tuổi đã bảy mươi, so không còn được như hồi ở Tế Châu. Lại thêm lúc ấy, Thúc Bảo ở ngay cạnh gối, ngày đêm chăm nom gia quyến vui vẻ, nay lại vì công danh sự nghiệp mà mỗi người một nơi.

Một hôm, thấy đầy tớ vào thưa:

- La lão tướng ở U Châu, sai người đến trại, theo lệnh Tần phu nhân, mời Tần mẫu đến gặp mặt.

Tần mẫu nghe nói, bàn với Trương Thị:

- La phu nhân thật chu đáo, nhớ dạo ta sáu mươi tuổi tròn, cũng sai người tới mừng thọ. Từ ấy đến nay, âm hao cách trở, nay lại sai người đến, liệu có phải vì năm nay ta tròn bảy mươi chăng?

Trương Thị thưa:

- Đúng hay không đúng, cũng phải ra gặp La phu nhân, thì hiểu ngay thôi.

Tần mẫu liền cùng Hoài Ngọc lên nhà trên, thấy hai vị quan sai đều quỳ xuống thưa:

- Chúng quan sai là Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc, xin lạy chào Thái phu nhân. Trước tiên là dâng lễ của La phu nhân, để mừng lễ thọ. Rồi xin mời Thái phu nhân tới thuyền để cùng gặp gỡ La phu nhân.

Tần mẫu đáp:

- Cháu Tần Quỳnh, hiện đang mắc việc nước ở Kim Dung thành, không có ở đây, thật làm khó nhọc các vị, xin mời các vị ngồi tạm. Hoài Ngọc, cháu hãy tiếp các quý khách cho chu đáo.

Hoài Ngọc vâng dạ làm theo.

Tần mẫu liền cùng bốn người hầu gái, vào bên trong, cùng Trương Thị mở gói lễ vật của La phu nhân ra xem, thì đều là những kỳ trân dị ngoạn, đáng giá hàng hai ba nghìn vàng. Binh tướng trong trại, đều là xuất thân từ giặc cướp, đã bao giờ được thấy những thứ quý giá đến như thế cho nên cứ ngây mặt ra nhìn, ngay cả Vưu Tuấn Đạt cùng Liên Cự Chân cũng xuýt xoa khen:

- Nếu không phải là soái phủ La tướng quân thì làm sao có được lễ vật như thế này, không biết đến lúc làm lễ mừng thọ, thì còn những gì nữa?

Bốn người hầu gái lạy hai lạy chào Trương Thị xong, liền thưa:

- La phu nhân dâng hương qua đây, xin mời thái thái cùng công tử Hoài Ngọc xuống thuyền gặp gỡ, mong được gặp lại họ hàng thì mới đi được, dặn chúng tiện tỳ thưa lại cùng thái thái.

Trương Thị liền sai đầy tớ bày tiệc rượu khoản đãi mọi người, rồi hai mẹ con bàn nhau. Tần mẫu nói:

- Nếu chối rằng Tần Quỳnh không có nhà, lễ nhiều quá không dám nhận, thì cũng chẳng nên ra gặp La phu nhân, tình thân hai nhà coi như là hết. Nhược bằng đi báo với Tần Quỳnh, thì đường xá xa xôi, làm sao cho kịp.

Lúc này cũng may Trình mẫu ở đó, liền bàn:

- Đã là thân thích, chúng ta đã chẳng tới thăm được, nay họ La đã nghìn dặm tìm tới, lại đem theo hậu lễ để nhận nhau, thì có chuyện gì mà phải tính toán.

Trương Thị nói:

- Ngày trước cha cháu Hoài Ngọc phạm tội tới U Châu, may được gặp La Tổng quản, mới được thoát nạn. Lại thêm cách đây mười năm, chính lần mừng thọ sáu mươi của thái thái, con vẫn còn nhớ, La phu nhân sai hai viên gia tướng đeo dây tua bạc đến mừng thọ, đi lại như thế, không thể nói là xa cách. Nay cứ kiên tâm từ chối, thì chính hóa ra mình bạc tình chăng?

Trình mẫu bàn:

- Cứ như ý của bà già này, cả hai mẹ con dẫn theo cả Hoài Ngọc ra gặp Tần phu nhân một phen. Người ta ở đời, nghìn dặm đến tìm, nào có phải chuyện dễ dàng, cũng như chẳng còn lần lễ thọ bảy mươi nào nữa đâu. Mẹ con không có gan đi, thì ta sẵn sàng đi theo làm bạn với!

Tần mẫu nghe xong, lòng đã ưng thuận đi đến bảy tám phần.

Lại thấy Liên Cự Chân vào thưa:

- Hai vị quan sai họ Uất Trì này, cũng đã từng đến Lịch Thành bái thọ cách đây mười năm, nói ra cháu mới nhận được, thế bá mẫu không nhận ra sao?

Tần mẫu đáp:

- Lúc ấy trên nhà khách đông nghịt, ta làm sao mà thấy rõ ràng từng người. Nếu đã như thế, trời đã chiều rồi, hãy giữ họ ở lại sơn trại một đêm, sáng sớm ngày mai sẽ lên đường. Cự Chân cũng phải ở lại đây tiếp họ giúp Hoài Ngọc với!

Cự Chân đáp:

- Vâng, xin bá mẫu yên tâm!

Sáng hôm sau, cả nhà dậy ăn cơm sớm. Tần mẫu, Trình mẫu, Trương Thị, ăn mặc chỉnh tề, đem theo năm sáu hầu gái, cùng bốn người hầu gái của khách nữa, cộng đến mười hai mười ba người, lên kiệu. Tần Hoài Ngọc cũng đội mũ thắt đai, khoác áo hồng bào, lưng giắt bảo kiếm, cưỡi ngựa ngân tông. Liên Cự Chân cũng mặc phẩm phục, cưỡi ngựa, dẫn theo đến ba bốn chục lính, hộ tống xuống núi.

Cả đoàn người ngựa, kiệu xe, đi được khoảng mười dặm, thì thấy phía trước một tiếng pháo nổ vang, trống phách rộn ràng, nhìn xuống sông, một chiếc thuyền rất lớn, xung quanh vô số thuyền khác. Tần mẫu cùng mọi người đến gần bên thuyền, thấy bốn năm hầu gái và một phu nhân ăn mặc sang trọng, tuổi còn trẻ. Tần mẫu cùng mọi người dừng kiệu nhìn lên, nói:

- Không phải La phu nhân!

Hầu gái đi theo có người thưa:

- Đây làNhị Phu nhân của La Tổng quản.

Tần mẫu cũng không hỏi lại, cùng mọi người kéo lên thuyền. Bỗng thấy Bạch Hiển Đạo xuất hiện, nhìn nhìn, ngó ngó. Hoài Ngọc liền trừng mắt nhìn, hàm răng nghiến chặt, thét lớn một tiếng. Bạch Hiển Đạo giật mình kinh sợ, lui vào bên trong. Lý Tĩnh từ trên thuyền có gác cao trông thấy, giật mình hỏi:

- Có phải con trai Thúc Bảo chăng?

Có người thưa:

- Dạ đúng!

Lý Tĩnh nói:

- Tuổi chưa nhiều, nhưng khí tiết đã khiến người phải kinh sợ, đúng là dòng hổ tướng.

Rồi sai người mời ngay lên thuyền.

Ai nấy đã lên thuyền cả, một cung nữ đứng ra thưa:

- Đây là Tần Thái Thái, đây là Trình Thái Thái, còn đây là Trương phu nhân.

Nhị phu nhân vốn là Huệ Phi lần lượt chào hỏi, rồi nói với Tần mẫu:

- La phu nhân hiện đang ở thuyền trước, sai thiếp đem thuyền đến đón trước, may được thái thái giá lâm, thật muôn vàn trân trọng?

Rồi sai người cho phu kiệu cùng lính tráng trở về, hẹn ngày hôm sau tới đón. Tần mẫu nói:

- Tần Quỳnh bận việc quan ở Kim Dung thành, được La phu nhân đưa hậu lễ mừng thọ, lại thân tới thăm, thật là áy náy trong lòng không yên.

Tiệc rượu bày xong, Lý Tĩnh mời Hoài Ngọc tới gặp Nghĩa Phù, Lý Tĩnh kể chuyện Thúc Bảo gửi thư cho mình ra sao, rồi lấy ra cho Hoài Ngọc xem, Hoài Ngọc mới biết chính là Lý Dược Sư, thân phụ Thúc Bảo đã nhiều lần nhắc tới, rất là kính phục. Lại nghe ba tiếng pháo nổ, thuyền nhổ neo. Tần mẫu ở thuyền bên, không thấy Hoài Ngọc, trong lòng không yên, vội sai người tìm về, bắt ngồi ngay bên.

Thuyền đi đầu nhã nhạc rộn ràng, buồm kéo lên, cứ theo thứ tự mà đi cả đoàn. Liên Cự Chân thấy quang cảnh lạ lùng, trong lòng đã phân vân ngờ vực, đêm ấy ngủ trong thuyền Nghĩa Phù, Nghĩa Phù đem mọi chuyện kể lại rõ ràng, Cự Chân mấy trong lòng cũng thanh thản, nhưng chỉ ngại bây giờ đường đi đôi ngã biết tính sao cho trọn.

Về phía Huệ Phi, tối hôm ấy cũng thong thả kể thực với Trương Thị, vì thấy Trương Thị đoan trang, trung thực, vả lại giờ đã ở trên thuyền, dẫu có cánh cũng chẳng bay nổi. Trương Thị vội kể lại với Tần mẫu, Tần mẫu chỉ mới biết chuyện Thúc Bảo cứu Lý Uyên ở Tra Thụ Cương, còn chuyện cứu Lý Thế Dân ở Nam Lao thì hoàn toàn chưa biết. Cả hai được Huệ Phi kể lại tỉ mỉ, rồi tiếp:

- Nay điện hạ đây không thể quên được ơn đức ấy của Tần tướng quân, cho nên mới sai thiếp cùng thân phụ bày kế thế này để mời thái thái vậy!

Lúc này Tần mẫu cùng Trương Thị mới biết người nói chuyện với mình không phải là Nhị Phu nhân của La Tổng quản mà chính là Nhất Phẩm Phu nhân Huệ Phi của Tần Vương, lại mới cùng bái chào lại cho đúng lễ. Cũng may Trình mẫu vì uống mấy chén rượu, đã ngủ say ngay bên cạnh, Tần mẫu mới nói:

- Tần Quỳnh ngu tối, may được điện hạ để ý tới. Nhưng tại sao lại biết già này cùng La Tổng quản là họ hàng thân thiết?

Huệ Phi đáp:



- Phụ thân thiếp thời tiền triều đã từng làm biệt giá ở U Châu mấy năm, thường hay lui tới soái phủ của La Tổng quản, nên biết rất rõ.

Tần mẫu nói:

- Chỉ lạ một nỗi là hai người giả anh em Uất Trì rất giống. Còn nữa là hiện nay nhà Ngụy này chưa suy, Tần Quỳnh làm thế nào mà về nhà Đường ngay được. Phu nhân nên sai người gửi thư ngay thời mới xong.

Huệ Phi nói:

- Những điều này rồi sẽ lo liệu được cả, nhưng sợ có Trình mẫu ở đây nói ra chưa tiện.

Mọi người lên thuyền được hai ngày, sáng hôm thứ ba dậy sớm, thì thấy đội lính tiền tiêu báo:

- Phía trước có tới ba bốn chục chiếc thuyền giặc đã sắp tới gần!

Hoài Ngọc đang ngủ ở lâu thuyền bên cạnh, nghe thế liền chồm dậy khoác áo ra theo dõi. Lý Tĩnh gọi một viên tướng lại, chính là người hôm trước đóng giả Uất Trì Bắc, Lý Tĩnh lấy ngay một lệnh tiễn ở trên án đưa cho trung quân quan, viên tướng quỳ xuống nhận lệnh tiễn. Lý Tĩnh ngồi trên thuyền lệnh:

- Tiền tiêu báo có thuyền giặc sắp tới gần, ngươi hãy lãnh binh đi xem thế nào. Không nên giết hại, hãy cứ trói cả về đây cho ta.

Viên tướng nhận lệnh ra ngay.

Chẳng mấy chốc đã nghe tiếng pháo lớn rung trời, tiếng la hét vang mặt sông. Trên các thuyền nhỏ, binh lính nai nịt gọn gàng, cung trương, kiếm tuốt khỏi vỏ lao ra như chớp.

Khoảng một giờ sau, nghe tiếng chiêng thu quân, đã thấy viên tướng lúc trước về quỳ thưa:

- Thưa nguyên soái, thuyền địch đã bắt được, đầu mục của chúng đã bị bắt để trong thuyền, ngửa chờ nguyên soái định đoạt.

Lý Tĩnh thu lại lệnh tiễn, rồi hỏi:

- Thuyền địch mang cờ hiệu gì?

Viên tướng đáp:

- Treo cờ hiệu nhà Ngụy.

Lý Tĩnh chau mày nói:

- Nếu là nhà Ngụy, thì giải đầu mục lên đây!

Viên tướng vâng lệnh đứng dậy, các thuyền lớn thuyền nhỏ lúc này đã thả neo. Trên thuyền đầu, chúng tướng, cùng các đao phủ sắp hàng nghiêm trang, đầy oai phong, từ trong thuyền chiến dẫn ra một người cao lớn. Cự Chân đứng ở thuyền sau nhìn giật mình nói:

- Đúng là Giả Nhuận Phủ của chúng ta rồi, làm sao lại ở đây, mà bị trói dẫn đi như thế này?

Cự Chân vội chạy đi tìm báo cho Hoài Ngọc, nhưng vì thuyền nhiều, người đông, nên cả Nghĩa Phù cũng chẳng thấy đâu, đành phải lén theo Nhuận Phủ, xem tình trạng ra sao.

Lý Tĩnh cao giọng hỏi:

- Ngươi là người ở đâu, họ tên là gì?

Nhuận Phủ đáp:

- Ta là người nhà Ngụy, tên họ là Giả Hòa.

Lý Tĩnh nạt:

- Đã là người nhà Ngụy sao không trông thấy cờ hiệu của đại Đường mà dám xông vào đội thuyền của ta. Ta hỏi ngươi: ngươi vâng lệnh Lý Mật đi đâu, làm gì?

Nhuận Phủ đáp:

- Xin cứ nói thực: năm ngoái Vương Thế Sung đến Kim Dung thành vay hai vạn hộc lương, năm nay không ngờ nhà Ngụy chúng tôi mất mùa. Ngụy Công sai Giả Hòa này đi đòi nợ.

Lý Tĩnh nói:

- Vương Thế Sung là một kẻ tàn nhẫn, giáo trá, hằng ngày hằng giờ lúc nào cũng rắp tâm làm việc hiểm độc. Chúa công Lý Mật nhà ngươi, sao lại cho chúng vay lương, có khác gì cho Tấn mượn đường để diệt Ngu, để rồi lại tự làm nguy mình chăng? Thật là Lý Mật cũng chỉ là một kẻ phàm phu tục tử mà thôi!

Nhuận Phủ đáp:

- Thiên hạ đại loạn, chẳng thể nói hươu chết tay ai 3, sao ngài lại quả quyết thế được?

Lý Tĩnh vỗ án quát:

- Thủ hạ Lý Mật đều là một bọn tầm thường ngu dốt, cũng bởi chuyện Tần Vương cùng Lưu Văn Tĩnh bị giam ở Nam lao, ta đang định cất quân hỏi tội. Nay ngươi lại dám làm loạn ở trong quân ta sao. Tả hữu đâu, đem chém đầu thằng này cho ta!

Quân sĩ dạ vâng, lôi Nhuận Phủ, dẫn đi. Cự Chân hồn tiêu phách tán, lại vội chạy đi tìm Hoài Ngọc. Nào hay Hoài Ngọc được Nghĩa Phù nói cho biết nguyên do, nên không chịu đi ngay, khi thấy đao phủ vừa lôi Nhuận Phủ ra, thì Lý Tĩnh đã vội đứng dậy, đích thân cởi trói cho Nhuận Phủ, quát tả hữu lấy mũ áo vào, mặc cẩn thận cho Nhuận Phủ, rồi mời ngồi ghế trên. Nhuận Phủ bái tạ:

- Kẻ bất tài này vô tình phạm oai nguyên soái, xin nguyên soái tha tội, thật đội ơn lớn!

Lý Tĩnh đáp:

- Vừa rồi, chẳng qua cũng chỉ để xem khí lượng ngài ra sao. Chúng tôi vốn học theo hạ sĩ cầu hiền của Tần Vương, đâu dám khinh thường bậc hiền tài, xin gọi ra đây để ngài gặp mấy người quen biết cũ.

Nói chưa xong thì thấy Nghĩa Phù, Cự Chân, Hoài Ngọc kéo ra ngay trước mặt, Nhuận Phủ ngạc nhiên, nói với Nghĩa Phù:

- Ngài thả Tần Vương cùng Lưu Văn Tĩnh ra, rồi cũng lại đến đây sao?

Rồi hỏi Cự Chân, Hoài Ngọc:

- Các người đang ở Ngõa Cương, tại sao lại tới đây?

Nghĩa Phù kể lại ngọn ngành, Nhuận Phủ nói:

- Ngài cùng Tần Vương cao chạy xa bay, chỉ khổ cho Mậu Công, Ngụy Trưng cùng Thúc Bảo ngồi tù thay ở Nam lao!

Hoài Ngọc nghe nói thế, khóc rống lên, rồi đòi Lý Tĩnh:

- Xin bác cho cháu hai nghìn người ngựa, cháu đánh vào Kim Dung thành, cứu phụ thân!

Tần mẫu ở thuyền bên cạnh, nghe tin, cũng sai ngay người đến hỏi tỉ mỉ. Nhuận Phủ nói:

- Có cả Tần mẫu ở dây, sao không mời sang đây cùng gặp gỡ, để nghe Nhuận Phủ kể đầu đuôi luôn một thể. Xin các vị chờ cho một lát.

Lý Tĩnh sai Hoài Ngọc:

- Đúng rồi, cháu Hoài Ngọc hãy sang mời bà nội sang đây, nghe Giả đại nhân kể chuyện.

Tần mẫu sang ngay, cùng mọi người chào hỏi xong, hỏi Nhuận Phủ :

- Tần Quỳnh vì sao phải giải vào Nam lao?

Nhuận Phủ thưa:

- Ngụy Công chiêu hàng được Khải Công về, nghe nói Nghĩa Phù đây thả mất Tần Vương, Lưu Văn Tĩnh, đổ hết giận dữ vào Tần đại huynh, Ngụy Trưng, Mậu Công, rồi đem giam ba người vào Nam lao. Nhuận Phủ này cùng La Sĩ Tín khuyên giải thế nào cũng không nghe, sai ngay Nhuận Phủ này đi đòi lương, cũng bởi năm ngoái, Vương Thế Sung cho người sang vay bốn vạn hộc lương. Nhuận Phủ này biết chuyện, vội chạy đến Ngụy Công khuyên không nên cho vay, nói mãi vẫn chẳng xong. Thế Sung thiếu lương, chính là trời hại họ Trịnh sao lại còn cho nó? Huống chi nhà Ngụy tuy có dự trữ được ít nhiều, nhưng mùa mưa chưa hết, vẫn phải nghĩ tới chuyện đói kém, huống chi "thực túc binh cường", chẳng khác nào giúp sức cho kẻ cướp bậc trí giả chẳng làm như thế bao giờ. Ngụy Công vẫn chẳng chịu nghe, mở kho cho vay hai vạn hộc. Ngày mở kho, lại gặp phải ngày "giáp thân", là ngày cấm kỵ của việc mở kho. Ít lâu sau, các quân coi kho đều trình chuột bọ rất nhiều, lương thực hao hụt. Toàn là những con chuột lớn, mọc hai cánh, toàn thân có vẩy như vẩy cá, men theo tường mà bay mà chạy, như những đàn ong lớn, các kho chỉ còn lại một hai phần. Ngụy Công liền sai Trình Giảo Kim làm "Huy miêu đô úy", lệnh trong toàn nước, mỗi hộ phải nạp một con mèo cho các kho, không có mèo, phạt mười thạch lúa. Nhưng rồi chuột vẫn nhiều hơn mèo, lớn hơn mèo, mèo cùng ăn cùng ngủ, cùng hội cùng thuyền với chuột, chuột chẳng hết được. Ngụy Công càng thêm giận dữ. Gần đây, Tiêu Tiên đói kém, lại đem lính sang vay năm vạn hộc, nếu không cho vay, lại phải đánh nhau. Thế nguy không thể nào khác, Ngụy Công đành tha ba vị ở Nam lao ra, sai Tần đại huynh cùng La Sĩ Tín lãnh binh đi đánh Tiêu Tiên, Mậu Công thì đi Lê Dương, Ngụy Trưng thì coi sóc các kho lương. Trước mắt lúa má khô cằn, vụ thu hoạch sắp tới cũng chẳng trông mong gì hơn, nên mới phải sai ngay Nhuận Phủ này đi đòi nợ nhà Trịnh. Nay Tần mẫu được Lý nguyên soái theo lệnh Tần Vương mời về Trường An, thì nhất định là hơn hẳn ở Ngõa Cương rồi, xin để Nhuận Phủ này nói cho Tần đại huynh biết, rồi thế nào đại huynh cũng phải tìm cách về với nhà Đường!

Lại nói với Cự Chân:

- Liên đại ca nên quay về Ngõa Cương, gia quyến anh em ta đều ở Ngõa Cương cả, mà chỉ có mỗi mình Vưu viên ngoại ở đó, sợ có chuyện gì, lấy ai ra lo liệu. Nhuận Phủ vì việc công cấp bách, xin cáo biệt?

Lý Tĩnh thấy Nhuận Phủ khí phách hiên ngang, lý lẽ thấu đáo, nhờ Nghĩa Phù khuyên Nhuận Phủ về với nhà Đường, Nhuận Phủ đáp:

- Nhuận Phủ cũng vì ngu tối, không biết chọn chủ mà thờ. Nay thời vụ cũng đã khá rõ, nhưng cũng chưa đến lúc cùng, đem chuyện thịnh suy mà liệu đường đi ở, sợ rằng là điều chúng ta không nên làm. Rồi còn gặp nhau!

Nói rồi ra đi. Lý Tĩnh vô cùng thán phục. Cũng bởi Cự Chân cùng Thúc Bảo vốn gắn bó thân thiết, nên Cự Chân cũng phải cùng đi Trường An, chờ sự yên ổn, mới dám quay lại Ngõa Cương.

Chính là:

Phau phau lau trắng, sương hoa dãi

Bịn rịn lòng son, nghĩa khí ca.

--------------------------------

1Hàn Phi tử: Một người đi săn nhằm bắn chim sẻ, chim sẻ đang rình bọ ngựa, bọ ngựa sắp chộp ve sầu. Dưới đất, kiến đang bò đến chuẩn bị đốt người đi săn... 2Nguyên văn: Đào Hoa đàm thủy thâm thiên xích; Bất cập Uông Luân tống ngã tình. (Tản Đà dịch) 3Hươu chết tay ai: Theo "Tấn thư", Thạch Lặc nhân uống rượu say, nói với khách: Trẫm nếu gặp Hán Cao Tổ, thì xin ngoảnh mặt về bắc mà thờ Cao Tổ, chỉ cùng Hàn Tín, Bành Việt đua tài, tranh lấy hàng đầu mà thôi. Nhưng nếu gặp Lưu Quang Vũ sẽ cùng rong ruổi đua sức ở Trung Nguyên, thì chưa biết hươu chết về tay ai!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

Nhận xét của độc giả về truyện Tùy Đường Diễn Nghĩa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook