Vấp Ngã Tuổi Hai Mươi

Chương 3: Chuyến tàu Bắc – Nam và “cơn nghiện đi xe buýt”

Lâm Phương Lam

13/01/2014

Mẹ tiễn tôi ra tận ga tàu Nam Định, dặn dò thêm nhiều chuyện. Mẹ bảo thỉnh thoảng điện thoại về nhờ bác hàng xóm nói mẹ qua nghe máy. Tôi dạ vâng rồi luống cuống chân tay giúp bố kéo vali và hành lý lên tàu. Cô nhân viên ga tàu thì nói liến thoắng:” Quý khách vui lòng lên tàu và ổn định chỗ ngồi. Đoàn tàu chỉ dừng lại ở ga Nam Định hai phút. Đề nghị quý khách nhanh chóng và khẩn trương…”.

Bố và tôi đã tìm thấy số ghế và ngồi ổn định vào vị trí, tàu bắt đầu lăn bánh chầm chậm, cánh tay mẹ đưa cao lên vẫy vẫy, dáng mẹ với chiếc áo màu nâu sờn, tần tảo, gầy hao dần xa mãi.

Hơn một ngày trên tàu là bấy nhiêu thời gian tôi nhớ nhà quay quắt. Bố vô tư xem tivi, rồi ăn uống. Ngày đó, bố cũng chưa có di động để tôi gọi về cho mẹ. Nhớ lắm.

Chuyến tàu thống nhất vẫn ngày đêm băng qua bao tỉnh thành. Từ những cánh đồng lúa bạt ngàn đượm nắng vàng như tấm thảm, chuẩn bị cho một mùa bội thu vụ thu-đông. Đến những mảnh đất cằn khô chỉ thấy sỏi đá với cát trắng khô bụi bay mù, làm không khí bên ngoài như vẩn đục, vài cây thông mọc chỏng chơ như kẻ phạm tội bị đi lưu đày giữa cồn cát. Có lúc đi vào hầm núi tối như mực khi trời đang còn là giữa buổi trưa. Có lúc tôi đi qua những vườn trồng thanh long rộng mênh mông, xanh đậm và lớn ngổng như đám xương rồng. Rồi có khi, tôi thấy đường ray tàu đi sát cận kề với biển, nước xanh, những con sóng đập mạnh, xô vách núi rồi lại lăn tăn gợn tràn vào mặt bờ cát trắng tinh và đẹp như tranh sơn dầu. Lúc đấy, bố vui sướng:”Sắp vào Sài Gòn rồi, Đan ơi. Từ cái ngày Sài Gòn giải phóng, giờ bố mày mới có dịp được quay lại đây”. Tôi thấy nét mặt bố hân hoan như đêm hôm trước, ánh mắt rạo rực như cười thầm, những vết nhăn, vết chân chim xếp lại theo hàng phía cuối đuôi mắt, bố khịt khịt mũi. Bố đang xúc động mạnh khi nghĩ về thời chiến oanh liệt năm nào.

Một đứa như tôi có thể cho là ngốc nghếch, khờ khạo khi chân bước chân ráo lên thành phố học đại học. Bố theo địa chỉ bác cả đưa, dẫn tôi vào chỗ chị Linh ở. Linh bằng tuổi tôi, nhưng vì bố là em thứ nên phải gọi “chị”cho phải phép khi nói chuyện trước mặt người lớn, chứ ở quê đi ra đồng với nhau thỉnh thoảng vẫn toàn xưng hô mày-tao, rồi cười ha hả. Dù cùng trúng tuyển vào một trường đại học nhưng Linh nhận được giấy thông báo trước tôi cả tháng. Phòng trọ có mười sáu mét vuông, có nhà vệ sinh riêng và có cả gác xép, hai chị em ở cũng vừa đủ một khoảng để học tập và sinh hoạt. Xung quanh có khoảng chục phòng trọ nữa, đa phần là sinh viên tỉnh và công nhân hoặc phụ hồ. Nghe Linh kể sơ qua thì cô chủ trọ là người gốc Sài Gòn, môi săm màu đỏ như trên tivi hay quảng cáo những dịch vụ phẫu thuật thẩm mĩ với giá cá phải chăng, tóc làm xoăn và bối cao, tính tình cũng khá dễ chịu.

Bố dặn, hai chị em bảo ban nhau mà học, đứa nào hư hay nghịch ngợm gì thì cứ điện thoại về quê, bố tôi vào tận nơi lôi cổ về nhà cho lấy chồng, không có học hành gì hết. Tôi và Linh bịt miệng cười tủm, vì xưa nay, chị em tôi chăm học có tiếng rồi cơ mà.

Chúng tôi ở quận Thủ Đức, nghe mấy chị học trong Sài Gòn về quê đều bảo Thủ Đức còn nghèo và khổ lắm, nhưng tôi chẳng biết nghèo gì mà so với làng tôi thì đúng là một “con ếch” với một “con bò”. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đi một chặng đường cũng khá dài từ ga tàu về tới phòng trọ. Một cảm giác lạ xộc thẳng lên mũi, tôi ngẩng đầu lên mà nước mắt vẫn từ từ chảy xuống mặt.



Bố đi với tôi bằng xe buýt lên trường ngay chiều hôm đấy. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn sợ hãi. Xe buýt không như tấm quảng cáo mà xưa nay tôi vẫn nghe:” Văn minh, lịch sự ”. Xe buýt dồn người đến mức, tôi co một chân lên vì quá nhức mỏi, vài giây sau thì phải đứng bằng một chân còn lại luôn. Vài gã thanh niên ăn mặc vẻ bụi bặm, mắt nhìn rất gian trá, đảo qua đảo lại. Bác tài xế nhắc nhở rất to:” Cẩn thận kẻ gian lợi dụng trong lúc xe đông người mà thực hiện những hành vi xấu như: móc túi hay sàm sỡ”. Tôi nghe xong mà sợ hãi, bậu chặt tay mình vào áo của bố.

Xe buýt làm tôi nao nao cổ họng, mặt mày xanh xẩm khiến bố tưởng tôi bị trúng gió. Bố lo lắng quá đành đưa tôi xuống trạm xe buýt gần đó nhất, rồi hai bố con đi xe ôm tới trường. Một chị sinh viên mặc áo màu xanh đậm, tự giới thiệu là người bên Đoàn khoa tới hướng dẫn tận tình cho tôi về việc mua một tập vé xe buýt đi hàng tháng đề tiết kiệm chi phí hơn. Tôi nhìn bố đầy sợ hãi rồi lắc đầu:” Con sợ lắm”.

Và ngay sau buổi lên trường làm thủ tục nhập học, tôi còn chưa kịp ngó nghiêng xem khuôn viên trường lớp thế nào thì đã phải nằm ở phòng trọ hai ngày liền. Đó là hai ngày sốt cao, vã mồ hôi, và ăn cháo loãng. Thế mới biết Sài Gòn có cái “hay” vốn có mà xưa nay hầu như sinh viên nữ nghèo nào ở quê lên cũng đều được nếm mùi cả. Linh bảo tôi đi vài bữa sẽ quen, mà không chịu nổi thì đi xe đạp. Tôi ngẫm bụng, nếu không có xe đạp, tôi cũng thà chạy bộ còn hơn.

Trong khi đó, Linh vẫn tập đi xe buýt hàng ngày tới trường. Mỗi lần đi học, Linh dùng đến bốn cái khẩu trang và trưa về thì thở dốc rồi ngủ mê mệt đến tận chiều tối. Tôi khuyên hai chị em nên đi chung xe đạp với nhau mà Linh còn đùa:” Mày nặng cân hơn tao, tao đèo mày thì người tao sụt cân mất”.

Một tuần sau, Linh dõng dạc tuyên bố:” Đan ơi, bây giờ tao “nghiện” đi xe buýt mất rồi. Bắt đầu từ tuần sau, thay vì bốn chiếc khẩu trang trong một ngày, sẽ chuyển thành sáu chiếc khẩu trang trong vòng một buổi sáng”. Tôi cười nhăn nhó trước “cơn nghiện” đi xe buýt của Linh. Hôm sau, Linh thì thào:” Mày đèo tao nhé, tao ngồi sau. Tao hứa không cù vào lưng, ngược lại, tao sẽ đạp chung xe với mày nữa…”.

Bố ở lại thêm ba hôm gặp đồng đội cũ rồi đi xe ô tô khách về quê. Bố cười bảo, đi xe khách người ta mở cửa sổ, gió mát lồng lộng, giá cả lại rẻ, có khi còn khỏe cả người. Bố dè chừng bảo tôi và Linh thêm lần nữa, hễ mà nghe thấy điều tiếng không hay, làm bố mẹ mất mặt với hàng xóm thì đừng có mà vác mặt về làng. Tôi mím môi, gật đầu. Lần này, thì tôi nghe lời cảnh cáo của bố một cách nghiêm túc.

Tôi và Linh chơi với nhau từ ngày còn trong cái trứng nên hiểu tính hiểu nết của nhau lắm. Hai đứa bắt đầu chia công việc, tiền nộp nhà, nộp tiền điện, tiền điện nước hàng tháng. Ngày chẵn thì tôi nấu cơm, Linh giặt đồ; ngày lẻ thì ngược lại; còn chủ nhật thì chia đôi và chuyển luân phiên theo tuần. Con gái là hay để bụng, nên phải phân bua rạch ròi, kể cả là chị em trong gia đình đi chăng nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện ngôn tình full
tuyết ưng lĩnh chủ

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Vấp Ngã Tuổi Hai Mươi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook