Võ Lâm Phong Thần Bảng

Chương 66: Hắc Phụng Giang Nam

Tuần Thảo

23/12/2013

Trước đó Thương Nhân và Ngô Khẩu Thiên cãi lý với nhau lời qua tiếng lại, song phương chẳng hề nhượng nhau. Bây giờ thấy vẻ phẫn nộ hiện ra nơi gương mặt của Ngô Khẩu Thiên, chẳng hiểu nghĩ sao Thương Nhân lại dằn lòng, vì lễ độ hay vì kiêng sợ chỉ có mỗi một mình y biết mà thôi.

Y cười đưa đẩy đáp:

- Phải! Phải! Hiện tại chúng ta chưa trở thành oan gia của nhau thì cứ tạm giao kết một mối tình, dù không thật lắm song ít nhất cũng giết được khoảng thời gian chờ đợi. Nào Phụng cô nương, xin ngồi xuống đi!

Thiếu phụ «hừ» lạnh một tiếng:

- Không dám đâu. Tâm trí bất đồng thì tốt hơn nên tránh những cuộc họp mặt bất đắc dĩ.

Nàng quay mình trở ra.

Thương Nhân có vẻ bất mãn, chớp chớp đôi mắt mấy lượt đoạn đưa tay vén tà áo lấy ra một bàn toán nhỏ màu đen, rồi thốt:

- Phụng cô nương. Cô nương chẳng cần phải vờ vẻ thanh cao, tuy tại hạ thuộc hắc đạo song hành động thì luôn luôn minh chánh, so với các vị, tại hạ vẫn có thể ngẩng cao mặt mà nhìn đời như thường.

Thiếu phụ nổi giận quay mình lại, quắc mắt hỏi:

- Bọn tôi thì sao?

Thương Nhân cười lạnh:

- Tự xét lấy mình mà hiểu, cô nương còn hỏi làm chi?

Thiếu phụ nặng giọng:

- Tôi chẳng hiểu gì hết, các hạ hãy nói cho rõ ràng đi!

Thương Nhân bật cười hắc hắc:

- Bất quá Thương Nhân này mang tiếng là kẻ cướp chứ chưa làm một ả điếm.

Thiếu phụ nạt một tiếng, đưa tay mó vào con phụng hoàng bằng vàng có nạm châu giắt nơi mái tóc. Một tiếng «cách» vang lên rất khẻ, từ miệng phụng một đạo thanh quang bắn ra. Đạo thanh quang đó cuốn theo vô số điểm sáng bạc như sao, vừa bay đi vừa tỏa rộng bao quanh cả ba người.

Thương Nhân vung chiếc bàn toán ngăn chận.

Ngô Khẩu Thiên thì dùng tấm bố làm bình phong.

Vì không phòng bị, Quan Sơn Nguyệt chẳng có sẵn vật gì nơi tay, chỉ có thể ngầm vận chân khí hộ vệ quanh mình rồi đưa tay áo lên che trước mặt. Chàng nghe từng loạt tiếng «tách tách» vang lên.

Khi chàng buông tay áo xuống thì nơi tay áo có vô số mũi châm bạc ghim vào, châm nhỏ bằng lông đuôi trâu.

Nơi tấm bố của Ngô Khẩu Thiên cũng có một số châm như vậy.

Chỉ một mình Thương Nhân thì chẳng có gì cả, chiếc bàn toán của y hất vẹt những mũi châm rơi xuống sàn thuyền.

Thiếu phụ thoáng giật mình, thốt:

- Thiết Toán Bàn quả nhiên danh bất hư truyền.

Ngô Khẩu Thiên trầm gương mặt quở:

- Phụng nhi! Sao con buông lung tánh khí như thế?

Thiếu phụ không hề hối hận, đáp:

- Gia gia! Họ đã theo chúng ta lên thuyền này thì sớm muộn gì cũng phải có ...

Nàng hướng sang Quan Sơn Nguyệt, nhưng lại nói tiếp với Thương Nhân:

- Thuộc hạ của ngươi cũng là tay khá đó. Hắn tên chi? Xuất thân từ môn phái nào? Con cái nhà ai?

Thương Nhân bật cười ha hả:

- Phụng cô nương ơi! Lầm to rồi đó nhé! Trong giới lục lâm của tại hạ làm gì có một nhân tài như vậy? Nếu có thì dù cho tại hạ có làm tay chân tùy sai cũng chưa xứng nữa là, sao lại có chuyện một nhân vật như thế đó mà làm thuộc viên của tại hạ được?

Thiếu phụ lại giật mình lượt nữa.

Ngô Khẩu Thiên mỉm cười thốt:

- Phụng nhi! Con lỗ mãng quá đi thôi! Không hỏi gì cho rõ ràng lại hồ đồ xuất thủ, may mà gặp Quan đại hiệp đấy, chứ gặp người nào khác thì có phải là con hại chết oan một sanh mạng chăng?

Thiếu phụ lại giật mình lượt thứ ba:

- Quan đại hiệp? Quan đại hiệp nào?

Ngô Khẩu Thiên «hừ» một tiếng:

- Quan đại hiệp là Quan đại hiệp chứ còn ai khác nữa? Chẳng lẽ có đến mấy Quan đại hiệp sao? Trong võ lâm chỉ có mỗi một người thôi!

Thiếu phụ biến sắc kêu lên thất thanh:

- Hay là Minh Đà Lịnh Chủ?

Quan Sơn Nguyệt vụt đứng lên rủ ống tay áo cho các mũi châm rơi xuống, rồi hỏi:

- Chẳng hay tại hạ đắc tội với tiểu thơ trong trường hợp nào, ở tại đâu?

Thiếu phụ càng biến sắc mặt hơn, Ngô Khẩu Thiên vội đáp thay:

- Quan đại hiệp đừng hiểu lầm. Tiểu nữ không biết tôn giá. Cũng may đại hiệp tài ba xuất chúng, không bị tổn thương.

Thương Nhân cười lạnh:

- Minh Đà Lịnh Chủ dương danh trong thiên hạ, há vì một vài mảnh thép của cô nương mà thọ hại đâu? Nếu thế thì chẳng hóa ra anh hùng hào kiệt trong đời đều là những thùng cơm trước con mắt của hai vị sao?

Thiếu phụ liếc xéo Thương Nhân không buồn lấy làm phiền về sự trào lộng của y, nàng lại hướng qua Quan Sơn Nguyệt chấp tay làm lễ, sau đó mới cất tiếng nhận lỗi:

- Quan đại hiệp! Thiếp có mắt mà không có tròng thành ra đắc tội nặng với đại hiệp.

Quan Sơn Nguyệt không làm sao phát tác được nữa, đành khiêm tốn đáp:

- Tại hạ chẳng dám nhận sự nhận tội của cô nương đâu.

Thiếu phụ cười giòn một cách duyên dáng:

- Tại vùng sa mạc, đại hiệp vừa xuất đầu lộ diện là uy danh nổi dậy như sấm rền tai, thiếp hằng mơ ước có một ngày nào đó được hân hạnh bái kiến tôn nhan.

Nàng tâng bốc chàng lên cao quá, Quan Sơn Nguyệt không rõ nàng có thâm ý gì. Trong phút giây bất ngờ, chàng không tìm được câu đáp thích nghi.

Thiếu phụ tiếp:

- Cái vật tùy thân của đại hiệp là chiếc Độc Cước Kim Thần thiên hạ anh hùng nghe danh đều hết sức khâm phục, ngoài ra cũng có Minh Đà nữa chứ. Tại sao hai vật đó giờ đây không ở bên mình đại hiệp? Chẳng lẽ vì cuộc hành trình phải theo đường thủy mà rồi ...

Ngô Khẩu Thiên vội chận:

- Nói nhảm đi, con! Bất quá tình cờ mà Quan đại hiệp ...

Thương Nhân mỉm cười chận lão:

- Minh Đà Lịnh Chủ tài ba lỗi lạc, có màng chi đến những thứ đó đâu? Giả như Lịnh Chủ có ý tứ gì thì bọn chúng ta bất tất phải lao thần phí lực ...

Lời có vẻ tâng bốc, song cũng có hàm súc ý ngăn trở Quan Sơn Nguyệt đừng bao giờ can thiệp vào việc của họ. Trong câu nói, y muốn cảnh cáo hơn là van cầu Quan Sơn Nguyệt lờ đi.

Tự nhiên Quan Sơn Nguyệt thấu đáo ý tứ thầm kín của đối phương. Cứ theo thái độ và cử động của họ thì Quan Sơn Nguyệt có thể đoán định là cả hai phe đều cùng chung mục đích, chẳng hạn chiếm đoạt một vật quý gì đó và người mang vật quý đó hiện có mặt trên thuyền này.

Riêng chàng thì chàng đâu có ý nghĩ đoạt tài cướp vật của ai. Dù vậy, hai phe đó có ý nghi kỵ chàng.

Họ là những tay hữu danh trên giang hồ, họ chịu khó theo dõi sở hữu chủ vật kia thì hẳn là vật đó phải có giá trị phi thường. Động tính hiếu kỳ, chàng muốn biết rõ ràng đó là vật chi. Chàng liền vòng tay hỏi:

- Tại hạ có mắt không ngươi, chẳng nhận ra bậc cao minh bên mình ...

Thương Nhân mỉm cười đáp:

- Thương Nhân này bất quá là một tên cường đạo, đâu xứng đáng với hai tiếng cao minh mà Quan đại hiệp vừa tặng đó. Chính hai vị kia mới thực sự là những bậc cao minh. Chắc đại hiệp có nghe đến Kiếm Môn Bốc Ẩn chứ?

Quan Sơn Nguyệt giật mình:

- Kiếm Môn Bốc Ẩn? Gia sư từng nhắc đến danh hiệu đó, có điều chưa có dịp được bái kiến thôi.

Ngô Khẩu Thiên mỉm cười:

- Cũng may là lão phu chưa bị lịnh sư tìm gặp. Chứ nếu đã bị tìm gặp rồi, thì có thể là tấm chiêu bài này lại nằm trong túi của lịnh sư rồi. Phải đợi mãi trong thời gian sau cho đại hiệp quy hoài ...



Quan Sơn Nguyệt thoáng đỏ mặt, biết rõ đối phương nhắc khéo đến việc ngày trước sư phụ chàng nhân viếng thăm qua các môn phái lấy tín phù của các Chưởng môn. Chàng thấp giọng phân trần:

- Ngày trước sở dĩ gia sư phải hành động như vậy là vì sự chẳng đặng đừng ...

Ngô Khẩu Thiên mỉm cười chận lời:

- Lão phu nói thế để đùa cho vui vậy thôi, chứ cái khổ tâm của lịnh sư là một bậc đại hiệp cô độc trong thiên hạ còn ai không biết? Và Long Hoa Hội giờ đây cũng được đại hiệp giải tán rồi, mọi người nhờ thế mà được an tâm.

Thương Nhân cười nhẹ nối lời:

- Phải đó! Chẳng những đại hiệp giải tán Long Hoa Hội mà còn dẹp tan Thiên Ma Giáo, nhờ đó đồng đạo võ lâm trong thiên hạ tránh được đại kiếp sát lục. Công đức này rất cao dày ...

Quan Sơn Nguyệt đỏ mặt:

- Các vị hiểu rành công việc tại hạ quá chừng!

Ngô Khẩu Thiên cười hì hì:

- Nào chỉ hiểu rành mà thôi. Tại hạ còn nhờ đại hiệp mà được xóa tên trên bảng.

Quan Sơn Nguyệt giật mình:

- Tiên sanh là người trong Long Hoa Hội?

Ngô Khẩu Thiên đáp:

- Tại hạ bị Tây Môn Vô Diệm lôi cuốn mà thành ra có tên trên bảng. Biết đó là điều tà, nhưng không phương pháp gì cự tuyệt được đành phải nép mình mà chờ thời cơ, tránh phiền phức tai hại đến bản thân.

Quan Sơn Nguyệt tỏ vẻ không tin:

- Lịnh ái có tài nghệ như vậy thì tiên sanh phải cao minh hơn mấy bậc là cái chắc rồi, thế tại sao lại khuất mình liệt danh trên Quỷ Bảng?

Ngô Khẩu Thiên đáp:

- Tự ước lượng tài năng của mình, tại hạ thấy rằng cũng đủ tư cách đứng tên trên Tiên Bảng, song khổ nỗi là một mình không chống cự lại quần ma nổi, do đó mà phải ẩn nhẫn cầu an cho người ta đừng lưu ý đến.

Quan Sơn Nguyệt tỉnh ngộ:

- Thì ra là thế! Nhưng vừa rồi tiên sanh đoán tướng cho tại hạ ...

Ngô Khẩu Thiên biết là chàng nghĩ lầm, vội khoát tay chận:

- Đối với đại hiệp, lão phu chỉ biết người mà thôi, ngoài ra chẳng hề biết dĩ vãng cũng như việc làm, nhất là về hành động của đại hiệp thì sự hiểu biết của lão phu không hơn chi giới giang hồ. Cho nên chẳng bao giờ có cái việc lần vách mà đoán mò đâu. Thú thật với đại hiệp, về khoa tướng số lão phu tốn lắm công phu nghiên cứu cho nên cứ nhìn tướng mà đoán tướng. Lão phu không dám vọng đoán đâu!

Thương Nhân mỉm cười, tiếp nối:

- Về khoa tướng số thì Ngô tiên sanh không kém Quản Lộ thời Tam Quốc đâu, cả đến lão Quỷ Cốc cũng ngang với tiên sanh, điều này thì tại hạ dám bảo đảm với đại hiệp vậy. Đại hiệp có thể tin những gì lão ta suy đoán cho.

Ngô Khẩu Thiên cười nhẹ:

- Thương anh hùng hẳn là không tin lão phu nói năng mù mờ, bất quá căn cứ theo khí sắc của các hạ thì hôm nay tất phải gặp sự nguy, cái nguy phát sanh từ lòng tham, vậy tốt hơn hãy bỏ đi tham niệm đó ...

Thương Nhân cười lạnh:

- Ngô tiên sanh muốn rằng tại hạ rút lui êm thấm à?

Ngô Khẩu Thiên chép miệng:

- Sanh hay tử đều do con người lựa chọn ...

Thương Nhân «hừ» lạnh:

- Thế còn tiên sanh thì sao? Các vị cải danh, đổi dạng, từ Điền Gia Trấn xuống thuyền, Phụng cô nương lại còn đi quá phận là dám giả mạo ca kỹ hết lòng chiều chuộng đối phương, những việc đó chẳng phải là do lòng tham mà làm chăng?

Ngô Khẩu Thiên chỉnh sắc mặt:

- Trời đã sanh ra một vật quý thì cái vật quý đó phải được sử dụng trong con đường ngay, theo lẽ phải, dù rằng cha con lão phu muốn có cái Phượng Hoàng bằng bích ngọc đó, thì cũng là vì thiên hạ chúng sanh chứ có phải vì niềm riêng ý tư đâu? Trời đất hẳn trông thấy gan ruột của cha con lão phu như thế nào rồi ...

Thương Nhân cười mỉa:

- Tiên sanh nói chuyện nghe xuôi quá đi thôi!

Thiếu phụ biến sắc mặt thốt:

- Này cái gã họ Thương kia, nếu ngươi nhất định can thiệp thì bổn cô nương sẽ đùa với ngươi một lúc. Phải biết cha con ta vì cái vật đó mà hao phí lắm tâm huyết đấy.

Thương Nhân lạnh lùng:

- Chứ tại hạ chẳng hao phí tâm huyết hay sao? Từ nghìn dặm xa cử binh mã trường chinh, chẳng lẽ xếp cờ dẹp trống mà âm thầm mang hai tay không trở về?

Thiếu phụ mở tròn xoe đôi mắt phụng, cực kỳ sôi giận, toan động thủ.

Những người trong thuyền đều lộ vẻ nghiêm trọng, vén vạt áo lên chuẩn bị rút vũ khí cầm tay chực giao chiến.

Quan Sơn Nguyệt khoát tay:

- Các vị hà tất phải làm như thế? Cứ dùng lời lẽ mà giải thích với nhau cũng được rồi ...

Ngô Khẩu Thiên vẫy tay sang thiếu phụ:

- Phụng nhi, đừng gây náo loạn lên, con! Vật kia nào đã về tay ai đâu mà con nóng nảy thế?

Thương Nhân cũng khuyên ngăn bọn đồng đạo:

- Các huynh đệ hãy bình tĩnh.

Đoạn y hướng qua cha con Ngô Khẩu Thiên tiếp:

- Không phải tại hạ sợ chi các vị đâu, chẳng qua thời gian động thủ chưa đến. Tìm được tung tích của Phượng Hoàng Bích Ngọc đó đâu phải là dễ. Nếu bây giờ gây náo loạn lên thì tất làm kinh động đến chủ nhân, người ta sẽ chuẩn bị ...

Nghe đối phương nói thế, thiếu phụ dịu thái độ lại ngay.

Quan Sơn Nguyệt hỏi:

- Phượng Hoàng Bích Ngọc là vật gì?

Thương Nhân đáp:

- Quan đại hiệp không phải vì vật đó mà có mặt trên thuyền này thì cũng chẳng nên tìm hiểu làm gì.

Thiếu phụ trừng mắt:

- Người ta hỏi, ngươi không chịu nói thì ta nói. Giả như vật đó về tay Quan đại hiệp thì ta cho rằng rất hợp lý!

Thương Nhân chớp chớp mắt:

- Tốt! Tốt! Trong thiên hạ còn ai chẳng biết Quan đại hiệp là bậc đại nhân đại nghĩa. Nếu quả thật đại hiệp có ý đoạt thủ vật đó thì chẳng những tại hạ không hề can thiệp, trái lại còn xuất lực tiếp trợ nữa đấy.

Thiếu phụ «hừ» một tiếng:

- Chính ngươi nói ra câu đó nhé, hãy nhớ kỹ như vậy.

Thương Nhân bật cười sang sảng:

- Tự nhiên là tại hạ nhớ lại nhớ rất kỹ đó, Phụng cô nương. Tuy là người trong hắc đạo, tại hạ luôn luôn trọng lời nói của mình, nói làm sao là giữ y như vậy. Có điều các vị nên hiểu, tại hạ tin được Quan đại hiệp chứ không thể nào tin các vị nổi đâu.

Thiếu phụ nổi giận:

- Cho ngươi biết, nếu vật đó về tay ta rồi, ta dám hứa là chẳng hề nhìn qua một thoáng nào cả mà lập tức trao cho Quan đại hiệp, xem ngươi còn nói được lời gì nữa cho biết.

Thương Nhân bật cười ha hả:

- Nếu hai vị có hảo tâm như vậy, thì tại hạ có tiếc chi cái công phu lướt vạn dặm đường dài theo dõi vật đó đến tận nơi này?

Thiếu phụ toan nói tiếp, Quan Sơn Nguyệt lại khoát tay chận:

- Thạnh tình của hai vị, tại hạ rất cảm kích song tại hạ không hề có cái tâm ...

Thiếu phụ hấp tấp thốt:

- Quan đại hiệp đừng khách khí, trong thiên hạ chỉ có mỗi một đại hiệp là xứng đáng làm chủ nhân Phượng Hoàng Bích Ngọc thôi. Huống chi đại hiệp cũng có mặt trên thuyền này, âu đó cũng là ý trời xui khiến.

Quan Sơn Nguyệt trố mắt:



- Tiểu thơ! Phượng Hoàng Bích Ngọc là cái gì? Tại hạ không hề biết.

Thiếu phụ mỉm cười:

- Quan đại hiệp đừng dùng hai tiếng tiểu thơ xưng hô với tôi nữa, thẹn chết đi. Tên tôi là Phụng, vỏn vẹn một tiếng Phụng thôi, đại hiệp cứ gọi tên là được rồi.

Thương Nhân cười phụ họa:

- Phải đó. Cái danh lớn của Phụng cô nương chỉ có chỉ có mỗi một Quan đại hiệp là xứng đáng gọi thôi, chứ người như bọn tại hạ thì khi nào dám gọi đến Hắc Phụng Hoàng?

Quan Sơn Nguyệt giật mình, lẩm nhẩm:

- Hắc Phụng Hoàng? Mường tượng ta có nghe nói đến!

Thương Nhân tiếp:

- Phàm là người trong giới giang hồ, nếu không nghe nói đến Hắc Phụng Hoàng thì quả thật là kiến thức rất hẹp vậy. Hiện tại thì cô nương vận áo trắng đó, chứ nếu vận y phục thường lệ thì ...

Quan Sơn Nguyệt hỏi:

- Trên giang hồ đồng đạo võ lâm thường nhắc đến Hắc Y nữ hiệp, chẳng hay có phải là cô nương?

Ngô Phụng thoáng đỏ mặt:

- Quan đại hiệp quá khen.

Quan Sơn Nguyệt vòng tay:

- Nữ hiệp có hành tung kỳ bí, thoạt ẩn thoạt hiện, có mặt ở muôn nơi, trượng nghĩa, chuyên trừ gian diệt bạo, vì tại hạ xuất đạo rất muộn, chỉ nghe danh thôi chứ chưa có dịp hội kiến. Mãi đến hôm nay mới có hân hạnh được đối diện với bậc anh thư!

Ngô Phụng lại đỏ mặt, muốn nói gì đó, song Ngô Khẩu Thiên dùng ánh mắt báo hiệu, rồi tất cả cùng nhìn ra chung quanh, thấy nơi khung cửa khoang thuyền có hai hán tử trung niên đứng đó.

Ngô Phụng hấp tấp đứng lên, mỉm cười thốt:

- Hai vị lão gia cũng đến khoang thuyền này nữa à?

Một hán tử có gương mặt đầy vết đen, râu lún phún, lạnh lùng đáp:

- Ngươi bỏ đi lâu quá, bọn ta không yên tâm, cứ sợ ngươi rơi xuống nước.

Ngô Phụng vẩu môi, tiếp:

- Tôi có còn là đứa trẻ lên ba lên năm nữa đâu, nhị vị lão gia. Hai vị lo xa quá! Ở đây ô tạp lắm, mình ra phía trước đi nhị vị lão gia.

Hán tử mỉm cười:

- Nào phải bọn ta lo lắng? Chính Vương lão gia bảo bọn ta đi tìm ngươi đó.

Lão gia mê ngươi cực độ, vắng ngươi một phút là bâng khuân ngay, rồi thẫn thờ như hồn rời khỏi xác ...

Ngô Phụng nguýt xéo:

- Triệu lão gia hay đùa quá chừng ...

Hán tử cười lạnh:

- Đùa mà làm gì chứ? Nếu có kẻ đùa thì chính là Vương lão gia đây. Vương lão gia nói rằng giả như bất ngờ mà Hắc Phụng Hoàng rơi sông chết đuối thì đúng là một đầu đề giai thoại cho giới giang hồ vậy. Con người có thinh danh vang động khắp bốn phương như Hắc Phụng Hoàng lại chết vô lý như thế được sao?

Hắc Phụng Hoàng biến sắc mặt, song vờ ngơ ngác hỏi:

- Triệu lão gia nói gì tôi chẳng hiểu chi cả?

Hán tử họ Triệu lại cười tiếp:

- Hồng cô nương Bạch Phụng Tiên không hiểu thì Hắc Y nữ hiệp Hắc Phụng Hoàng có thể hiểu, thật tại hạ không ngờ nữ hiệp cải trang rất khéo, đến bọn tại hạ mà cũng chẳng nhận ra.

Câu chuyện xoay chiều, y cũng đổi lối xưng hô cho hợp với quy củ giang hồ.

Ngô Phụng càng biến sắc hơn, đưa tay sờ con phụng bằng châu nơi mái tóc.

Hán tử họ Triệu vẫn cười:

- Hắc Phụng Hoàng! Đừng quên là cái thứ Mai Hoa Trâm đó cô nương đã dùng qua một lần rồi, cô nương chưa thay vào đó số trâm mới thì còn dùng nó làm sao được nữa? Thôi, cứ đi theo bọn ta là hơn, cô nương ạ!

Ngô Phụng biến sắc lượt thứ ba, lần này thì sắc diện biến đến quái dị.

Nhưng Thương Nhân và Ngô Khẩu Thiên đã đứng lên ngay lúc đó.

Tay Thương Nhân đã giữ sẵn một tư thế xuất phát chiêu công, bàn tay sắp sửa nhích động. Bỗng y đảo mắt rồi chớp chớp mấy lượt, đoạn thốt:

- Triệu lão gia! Lão gia đừng tưởng bọn này là những ngoan cụ mà lão gia muốn xử trí tùy thích. Cái chi là Bạch Phụng Hoàng, Hắc Phụng Hoàng chứ? Vị cô nương này có xứng với hai tiếng Phụng Hoàng chăng mà lão gia lại gán cho nàng?

Hán tử họ Triệu cười lạnh:

- Câu nói đó các hạ hãy dành lại để khi gặp Vương lão gia rồi sẽ nói ra là hơn.

Ngô Phụng ngang nhiên thốt:

- Được rồi, tôi sẽ đến gặp Vương lão gia ngay để nhờ lão gia phân xử cái vụ các vị khinh miệt tôi quá độ.

Nàng ngẩng cao đầu bước đi ra khỏi khoang thuyền.

Quan Sơn Nguyệt định đi theo nàng, Ngô Khẩu Thiên đưa mắt ra hiệu giữ chàng lại.

Hán tử họ Triệu lại cười lạnh:

- Cậu nhỏ ơi, muốn biết Bích Ngọc Phượng Hoàng là vật gì phải không?

Thì cứ đi theo ả điếm đó là được biết chứ gì! Có Hắc Phụng Hoàng bảo hộ mà, đừng lo ai dám làm rớt một sợi chân lông của cậu! Cậu có may mắn lắm đó nhé, tự nhiên mà Hắc Phụng Hoàng lại cam tâm tình nguyện trao vật đó cho cậu đấy.

Tuy là lời hứa chứ chưa phải là sự thật, cũng đáng mãn nguyện cho cậu.

Quan Sơn Nguyệt sôi giận, không dằn được lòng, đánh ra một chưởng nhắm đầu vai của hán tử, đồng thời hét:

- Quân khốn ở đâu dẫn xác đến đây buông lời vô lễ?

Hán tử khẻ lắc đầu vai tránh chưởng đó không khó khăn gì, rồi mỉm cười tiếp:

- Công phu đó còn kém lắm, cậu nhỏ ơi.

Y chọt nhanh tay ra điểm vào ngực Quan Sơn Nguyệt.

Bởi xuất chiêu lần đầu, Quan Sơn Nguyệt chưa biết công lực của đối phương thâm hiểm như thế nào nên không dùng toàn lực.

Bây giờ đối phương phản kích, chàng nhận ra y quả là tay hữu hạng, tuy nhiên chàng không nao núng, ngưng động chân khí chuẩn bị đối phó. Chàng vừa phong bế huyệt đạo nơi ngực đồng thời đưa tay ra điểm trả lại cánh tay hữu của đối phương.

Động tác cả hai rất nhanh, họ xuất thủ như điện chớp.

Huyệt đạo được phong bế rồi, Quan Sơn Nguyệt ưỡn ngực hứng chỉ lực của họ Triệu. Chỉ lực của y cũng khá mạnh song chàng không rời chỗ đứng, trái lại họ Triệu bị điểm trúng cánh tay phải lùi lại năm sáu bước.

Vô hình trung y lùi về phía Thương Nhân.

Thương Nhân cử chiếc bàn toán sắt lên đập vào lưng y. Những con toán toàn bằng hạt châu rất cứng rắn chạm nhau lọc cọc, cạnh bàn toán chạm trúng lưng họ Triệu, y bị dồn trở lại phía trước, máu tươi vọt từ miệng ra, đứng không vững nữa, y ngã nhào xuống sàn thuyền.

Hán tử kia biến sắc, song cười lạnh thốt:

- Hay quá! Ta không ngờ trên thuyền này lại có mai phục rất nhiều cao thủ!

Buông xong câu nói đó, hán tử nhanh chân lui ra ngoài.

Nhưng Ngô Phụng khi nào để y rút đi ung dung như vậy được, nàng đưa cả hai tay ra, một tay vung sang bên dưới bụng của đối phương, tay kia chỉa thẳng vào mắt y.

Hán tử không dám nghinh diện tiếp chiêu, giậm chân tạt mình qua một bên, chân kia đồng thời đạp vào vách thuyền, vách đổ, y thoát ra ngoài, đoạn chạy nhanh.

Ngô Phụng muốn đuổi theo song chậm mất rồi, biết có đuổi cũng chẳng kịp.

Nàng tặc lưỡi thốt:

- Hỏng mất. Chúng đã khám phá ra hành tung của mình.

Thương Nhân cười lạnh:

- Cô nương sợ cái gì chứ? Chỉ cần chúng còn ở trên thuyền này thôi, là tại hạ có cách bức chúng phải trao ra Bích Ngọc Phượng Hoàng ...

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Võ Lâm Phong Thần Bảng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook