Võ Lâm Phong Thần Bảng

Chương 5: Máu Chan Lệ Thảm

Tuần Thảo

23/12/2013

Trương Thanh cõng Quan Sơn Nguyệt nơi lưng, vượt đoạn đường dài hướng về Côn Lôn Sơn.

Bạn đường là một người dở sống dở chết, không cử động, không nói năng, nói là bạn đường bởi đó là một con người, song thực ra thì có khác nào một gánh nặng?

Hành trang là số vốn nghị lực với một niềm tin nơi thiêng liêng.

Gánh nặng không làm cho nàng nản chí, hành trang tinh thần bù lại là nguồn khuyến khích lớn lao.

Đi như thế, Trương Thanh phải mất bao nhiêu ngày đường mới đến cái đích hành trình?

Thời gian dài ngắn, đối với người thường không quan trọng lắm, song đối với Quan Sơn Nguyệt, mỗi một phút giây qua là mỗi một hơi thở tiêu mòn, mỗi một giọt máu khô cạn. Mà lọ thuốc Băng Xạ Toàn Mạng Tán của vo thành hoàn của Trương Văn Trúc bất quá chỉ dùng chi trì mạng sống của Quan Sơn Nguyệt trong vòng năm mươi hôm, trong khoảng thời gian đó nàng đến được Côn Lôn chưa?

Nếu lọ thuốc hết rồi mà nàng chưa đến nơi thì phải làm sao?

Mặc, việc gì sẽ đến cứ đến. Nàng kiên tâm, trì chí, nàng khấn nguyện ơn trên phù hộ và nàng cứ đi, đi mãi, kết cuộc như thế nào, mặc cho định số sắp bày.

Thiếu ăn, thiếu ngủ, tắm nắng, dầm sương, Trương Thanh đã đi được bốn mươi ngày đường.

Đã không được chữa trị, lại vất vả suốt con đường dài, Quan Sơn Nguyệt mỗi một ngày trôi qua là mỗi một bước đi lần vào nguy cảnh. Đến ngày thứ bốn mươi, tình trạng của chàng bi đát quá độ.

Thời gian lúc đó nhằm tiết Đông Thiên, khí lạnh bao trùm vạn vật, song không làm dịu nổi nhiệt độ trong người chàng càng lúc càng dâng cao.

Cõng một người nóng như lửa đốt trên lưng, kể ra cũng khó chịu cho Trương Thanh lắm. Đó cũng là một sự khổ, cộng thêm với những cái khổ của hành trình.

Rồi một hôm, nàng cũng đến được Côn Lôn Sơn.

Nàng đến Côn Lôn Sơn là Quan Sơn Nguyệt chẳng mệnh hệ nào, bởi nếu chàng đã chết dọc đường thì nàng đến ngọn núi này làm chi nữa?

Quan Sơn Nguyệt không chết là lọ thuốc Băng Xạ Toàn Mạng Tán chưa dùng hết, là nàng chưa vượt quá giới hạn năm mươi ngày.

Nhưng, đến nơi rồi, nàng chẳng thấy một bóng người.

Một nơi hoang vắng cô tịch, làm gì nàng tìm được bóng người dễ dàng như giữa chợ đời nhộn nhịp thế nhân xu lợi bôn danh?

Dù hoang sơn là nuôi sống thợ săn, tiều phu, song chẳng phải nơi nào cũng có thợ săn, nơi nào cũng có tiều phu. Săn thú, cũng có khu vực riêng biệt, đốn củi cũng có nơi riêng biệt, do đó sự có mặt của hạng người vì sanh kế mà có mặt tại rừng sâu, núi hoang cũng tùy thời, tùy nơi mà có.

Thợ săn, tiều phu là hạng người không ở ẩn nàng còn không gặp một ai thì nói chi đến người mà nàng đang tìm?

Quanh quẩn mãi trong vùng hoang sơn, chung quy nàng vẫn chưa gặp được người nàng muốn gặp. Nàng phải tìm chỗ ngồi nghỉ mệt.

Nàng nhìn Quan Sơn Nguyệt, nàng khóc, khóc đến cạn lệ, khóc đến máu tươi.

Bỗng, nàng ngửi phải một mùi kỳ dị. Bất giác, nàng giật mình, vội đặt Quan Sơn Nguyệt xuống mặt tuyết, đoạn đảo mắt nhìn quanh.

Trời! Sau lưng nàng, một con beo trắng to lớn phi thường, loại beo chẳng phải là loài thú lớn xác, song con beo trắng này to bằng con trâu mộng. Nó đứng lặng nhìn Trương Thanh, đôi mắt nó sáng rực, đôi mắt xanh rời chớp chớp gieo cái lạnh nơi lòng nàng, cái lạnh đó thấp độ hơn cái lạnh của mặt tuyết giá ...

Đương nhiên, Trương Thanh phải sợ. Dù nàng có vũ công cao, trải qua một cuộc hành trình hơn bốn mươi ngày vất vả, công lực của nàng phải tiêu hao thì làm gì nàng chế ngự nổi một con mãnh thú?

Song nàng không chế ngự nổi nó, nó sẽ vồ nàng, nó ăn tươi nhai sống nàng.

Làm sao? Nàng phải làm sao? Nàng phải chết vì mãnh thú?

Nàng chết, Quan Sơn Nguyệt cũng phải chết!

Nghĩ đến cái chết của Quan Sơn Nguyệt, bất giác nàng phấn động tinh thần.

Nàng không muốn Quan Sơn Nguyệt chết. Nàng muốn chàng sống, bằng mọi cách, nàng bất chấp cách nào, miễn sao Quan Sơn Nguyệt được sống.

Bằng cớ, nàng nghi ngờ y thuật của cha, không dám giao sinh mạng Quan Sơn Nguyệt cho cha, vượt đoạn đường dài, tìm về Côn Lôn. Bằng cớ, nàng dám trái ý cha, tìm một người mà cha nàng không thuận nhãn, yêu cầu người đó cứu sống Quan Sơn Nguyệt. Thì hôm nay, đã đến tận cái đích của cuộc hành trình, khi nào nàng để cho Quan Sơn Nguyệt chết vì mãnh thú?

Không nói đến cái việc nàng có thể hạ mãnh thú hay chăng, cứ biết là nàng quyết tâm đối phó với bất cứ cái gì đe dọa sinh mạng Quan Sơn Nguyệt. Trừ ra, khi nàng ngã gục xuống rồi ai muốn làm gì chàng cứ làm.

Ai muốn chạm đến Quan Sơn Nguyệt phải đi qua xác chết của nàng. Mãnh thú cũng thế, nó là con vật, nó không thể nghe giảng lý, nàng phải lấy sức mạnh thay cho đạo lý. Nàng không hạ con thú, thú sẽ vập, sẽ vồ!

Nàng lại nhìn Quan Sơn Nguyệt, như mượn mãnh lực ái tình tiếp trợ sinh lực cho nàng, nàng rít lên:

- Quan đại ca! Tiểu muội phải hạ sát con thú ác độc kia, ăn thịt nó, uống máu nó cho mạnh mẽ hơn lên, cho tiểu muội còn vững tinh thần, để phát huy tình yêu trước phút giậy tuyệt vọng của chúng ta!

Trong mình, Trương Thanh chẳng có một tấc thép. Trong mình, nàng chỉ có mấy đường dây, loại dây ràng buộc cho y phục bớt hở hang. Đó là vật duy nhất mà nàng có thể xử dụng, nếu thực sự những vật đó có hữu dụng cho nàng.

Cũng may, tại sa mạc nàng từng học cách xe dây nơi bọn du mục, tập quăng dây để bắt những con ngựa chạy hoang.

Ngựa cũng là thú, beo cũng là thú, nàng có thể dùng dây chế ngự beo như du mục chế ngự ngựa hoang.

Lập tức nàng tháo tất cả những đường dây trong mình, đánh thòng lọng rồi, sau đó bốc tuyết nắn thành một quả cầu.

Dây trong mình chẳng có bao nhiêu, dây đánh lại tất phải ngắn.

Dây ngắn, không thể dùng trong khoảng cách khá xa, trước tiên, nàng phải khích nộ con beo trắng. Cốt làm sao cho nó bằng lòng nhảy tới gần nàng, như vậy nàng mới có thể quăng dây tròng cổ nó, tròng chân nó ...

Con beo trắng cào cào đôi chân trước trên mặt tuyết, rồi nó hạ thấp mình xuống, bụng nó sát với mặt tuyết. Nó chuẩn bị vọt tới.

Tại sa mạc, Trương Thanh từng tham dự nhiều cuộc săn thú, nàng đã biết đặc tính từng loài thú một, lúc bị thương, lúc tấn công, lúc tẩu thoát, chúng có những động tác như thế nào. Cho nên, nàng không nao núng dù biết rằng loài beo trắng rất hung dữ, chúng hung dữ trên mãnh sư hay ác hổ.

Nàng cầm quả tuyết cầu, nhắm ngay trán con thú, lao vút tới.

Trong trường hợp đó, con thú hoặc né tránh nếu không thì cũng phải nhảy tới. Nhưng, con beo trắng này chẳng có những phản ứng như vậy. Nó không né tránh, nó không nhảy tới.

Điều đó làm cho Trương Thanh hết sức kinh ngạc. Nhưng, chẳng lẽ nó đưa trán ra đó hứng quả tuyết cầu do nàng bắn đi, với ít nhiều cô lực? Dù nàng trung quả tuyết cầu là để nhử nó, song tuyết cầu chạm trúng trán, trán nó vẫn xây xát như thường.

Không vỡ sọ nó cũng phải đau đớn. Nó bất động, như một cao thủ bình tĩnh chờ thế công của địch đến vừa tầm tay. Rồi nó ung dung đưa chân trước lên hất quả tuyết cầu xẹt qua một bên.

Tuyết cầu chẳng phải là một vật thể cứng hoặc liền lạc nên vừa chạm chân con thú quả cầu bằng tuyết rả ra liền. Những mảnh tuyết vụn bắn ra bay về phía hậu của nó.

Đến lúc đó, nó mới rống lên một tiếng, còng lưng lên, mình co rúm lại, bốn chân thẳng đứng. Nó sẵn sàng ở trong tư thế vọt tới.

Trương Thanh biết ngay gặp phải một con vật phi thường. đương nhiên, nàng khiếp sợ, song vẫn bình tĩnh. Nàng quát:

- Súc sanh dám quật cường với ta à?

Nó biết gì mà nàng quát tháo?

Nàng chụp nhanh tay xuống mặt tuyết, hốt một nắm, rồi tung sang con beo trắng. Lần này, nàng dùng thủ pháp bắn ám khí quăng quả tuyết cầu. Quả tuyết cầu thay vì lao vút thẳng đường, lại uốn vòng cầu vẽ thành một đường cung, xẹt nhanh xuống con beo.

Con beo vẫn đứng nguyên tại chỗ, ngẩng đầu lên há rộng miệng hứng quả tuyết cầu.

Nhưng lần này thú thua người, vì trong quả cầu có sự lạ. Vật lạ đó, điều khiển quả cầu thay vì rơi ngay miệng con thú, lại trịch qua lên trên một chút, đánh xuống mắt tả của nó.

Vật lạ đó, bất quả chỉ là một viên sỏi, độ nửa quả tuyết, Trương Thanh gắn liền với tuyết, nàng tính toán làm sao khi quả tuyết cầu trút xuống thì tuyết và sỏi rời ra, tuyết rơi vào mồm con thú, còn sỏi thì trịch lên bên trán, đánh vào mắt nó.

Người không hiệu vũ công thì cho là lạ. Chứ thật ra, đó là một thủ pháp phóng ám khí.

Viên sỏi không lớn lắm, chẳng làm hỏng mắt con thú được, song vẫn chạm đau nó như thường. nó gầm lên một tiếng lớn, phóng mình tới.

Trương Thanh chỉ chờ có thế. Lập tức, nàng vung tay, đường dây bay ra, chiếc thòng lọng nơi đầu dây sắp sửa tròng vào đâu con thú.

Giống dân Duy Ngô trong thành phần du mục tại sa mạc cách quăng dây bắt ngựa đi hoang, lòng lọng tròng vào đầu rồi, con ngựa đứng yên thì còn đỡ, nếu càng vùng vẫy, thòng lọng càng rút chặt, cuối cùng nghẹt thở phải bất động chờ người bước tới, giải tỏa cho.

Trương Thanh sinh và trưởng tại sa mạc, đương nhiên có học cách quăng dây đó, thủ pháp của nàng rất thuần thục. Hơn nữa, nàng lại tập luyện võ công nên tay vung ra là rất chuẩn. Đừng mong một con thú nào thoát khỏi đường dây của nàng, trừ ra con thú đó ở ngoài xa tầm dây.

Nhưng con beo trắng này không giống những con thú khác. Có thể nó biết đường dây đó lợi hại như thế nào, nên vừa thấy nàng chớp tay lên, nó cấp tốc ngoẻo đầu sang một bên tránh cho thòng lọng trượt bên ngoài, và nó cứ lướt tới.

Nó không lướt thẳng vào người Trương Thanh, nó lại vọt đến Quan Sơn Nguyệt.

Bằng mọi giá, Trương Thanh chỉ mong muốn con vật chống đối với nàng hơn là vồ chụp xuống Quan Sơn Nguyệt. Do đó, hụt thòng lọng rồi, lập tức nàng hoành tay, dùng đường dây làm nhuyễn tiên, quật ngược trở lại. Cái đích của nàng là chân sau của con thú. Dường dây quấn quanh một chân sau của nó.

Trong khi chân trước của nó vừa chạm vào ngực Quan Sơn Nguyệt thì Trương Thanh giật mạnh đường dây. Con thú bị kéo hất về phía sau, chân trước của nó đương nhiên phải rời ngực Quan Sơn Nguyệt.

Con thú chừng như có linh giác, biết điểm nhược yếu của đối phương và nhược điểm yếu ở đây là con người bất lực. Cho nên, Trương Thanh đã mấy lần tiến công nó, nó chẳng màng đến nàng, trái lại nó quyết hạ cho kỳ được Quan Sơn Nguyệt.

Bị giật lùi lại, nó quắc đôi mắt bắn hung quang nhìn Quan Sơn Nguyệt chứ không hề nhìn Trương Thanh. Bất thình lình, nó nhào tới.

Trương Thanh sợ hãi, vội nhún mình nhảy vọt tới trước mặt Quan Sơn Nguyệt. Nhưng nàng ức độ tốc lực, không thể đến nơi kịp lúc chận ngăn con thú chụp xuống Quan Sơn Nguyệt. Thay vì nhảy thẳng đến trước Quan Sơn Nguyệt, nàng rẽ nhanh sang con đường tiến của con thú. Đồng thời, nàng co chân đá mạnh.

Con thú trúng phải cái đá đó, bị bắn lộn mình trở lại, nhào đi mấy vòng. Có lẽ đau quá, nó rống lên mấy tiếng.

Trong khi đó, Trương Thanh đảo bộ bước đến cạnh Quan Sơn Nguyệt, áng ngữ trước y.

Con thú đã đứng lên, bốn chân chồm chồm, đuôi chong thẳng, mắt lườm lườm. Đôi mắt của nó kéo đỏ những đường gân máu, chứng tỏ nó sôi giận cực độ.

Lần nầy, nó không nhìn Quan Sơn Nguyệt mà lại chuyển mục tiêu sang Trương Thanh. Nó thay đổi chiến pháp. Nó nghĩ hạ được Trương Thanh rồi, Quan Sơn Nguyệt sẽ là mồi dễ dàng của nó.

Nó nhìn nàng trừng trừng.

Nàng cũng nhìn nó lom lom.

Bỗng, nó đập duôi xuống đất kêu một tiếng «bịch», rồi bốn chân hỏng đất, thân hình lao vút tới.

Trong tay không có một tấc sắt, gia dĩ nàng không thể bỏ Quan Sơn Nguyệt, nhảy tránh cái vồ của con thú. Nàng liều lĩnh đứng nguyên tại chỗ.

Nàng đứng lặng, nhưng con thú không đứng lặng, bởi nó đã vọt sang. Nó vọt rất nhanh. Hai chân trước của nó sắp chụp xuống hai đầu vai của nàng. Đồng thời, nó há rộng miệng ra, bày răng bén nhọn, như chực ngoạm đầu nàng.

Miệng con thú gần mặt Trương Thanh quá, mùi hôi bốc ra nồng nặc làm nàng buồn nôn.

Miệng thú há rộng, răng bày chơm chởm, nếu miệng nó phập lại thì trọn chiếc đầu của Trương Thanh bị tiện lìa, đừng nói là một phần bị táp mất.

Trương Thanh hoảng hốt, không còn làm sao hơn là liều lĩnh thọc một cánh tay vào miệng thú.

Thọc một cánh tay vào miệng thú, nàng có hai chủ ý. Một là cánh tay đó sẽ quậy trong miệng thú, gây thương tích cho nó. Hai là thú nào cũng mê mồi, ngoạm được rồi thì không còn nghĩ đến miếng mồi kế cận. Miếng mồi kế cận là Quan Sơn Nguyệt, nàng cốt làm sao dời sự chú ý của con thú về nàng, nàng sẵn sàng chịu đựng mọi hiểm nguy để cho Quan Sơn Nguyệt được an toàn. Nàng có ngu dại gì chẳng biết cánh tay thọc vào miệng beo là cánh tay bỏ đi, beo ngậm miệng lại là cánh tay bị tiện lìa.

Con beo trắng khép miệng lại. Song, chẳng rõ tại sao nó không khép mạnh.

Nhờ vậy, cánh tay của nàng không bị tiện, bất quá mấy chiếc răng con beo cắm vào da thịt nàng thôi.

Hai chân trước của nó xuống sát đầu vai nàng, thay vì nó ấn mạnh chân xuống, thì nó lại rút về, qua cái rút đó, nó vuốt đôi chân đầy móng nhọn trên ngực nàng. Mảng áo ngực rách bươm, da rách, thịt rách, máu tươm ra liền.

Tại sao nó không giết nàng? Nàng đứng áng trước Quan Sơn Nguyệt, giương tròn mắt nhìn con thú.

Thương tích trên mình nàng không nặng lắm, bất quá chỉ là những vết xây xát, máu chỉ rướm ra một lúc rồi ngưng đọng.

Bỗng, nàng nhớ lại một việc. Ngày trước, phụ thân nàng có nhổ một cái răng của nàng thay vào đó bằng một chiếc răng giả. Tong chiếc răng giả có chứa chất độc.

Bây giờ, nàng cắn vỡ chiếc răng đó, phun độc sang con thú thì nó phải chết, nhưng làm vậy nàng cũng phải chết luôn vì chất độc đó hại được nàng như hại đối phương.

Bất quá, phụ thân nàng làm cái việc đó là để cho nàng tự vệ, bảo toàn danh tiết nếu gặp trường hợp bị cưỡng hiếp, tuy nàng không sống được, mà kẻ bạo cũng đi đời, danh tiết nàng được gìn giữ trong trắng.

Nàng đã quyết tâm bảo vệ sinh mạng cho Quan Sơn Nguyệt sẵn sàng tiếp nhận mọi hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh thì có chết cũng là một việc đương nhiên, miễn sao con thú đừng làm hại Quan Sơn Nguyệt là được.

Nhưng, nàng lại nghĩ, giải pháp đó cũng không ổn. Bởi Quan Sơn Nguyệt thì hôn mê trầm trầm, đã chắc gì sau khi nàng hy sinh, yđược cứu? Trong khi y nằm thoi thóp tại đây, chờ đợi một bất trắc hoặc một nhiệm mầu, nếu có một con beo thứ hai xuất hiện thì sao?

Nàng nhìn con beo, beo nhìn nàng, song phương một người một thú ghìm nhau, như hai kẻ tử thù.



Con beo tiến tới.

Một bước, rồi hai bước, rồi ba bước ...

Khoảng cách giữa người và thú còn độ bốn năm thước. Khoảng cách đó chẳng ra gì, nếu một bên vọt tới là tới ngay bên kia.

Bỗng, con beo nhún chân vọt lên cao, qua khỏi đầu nàng đáp xuống phía hậu, ngay trên mình Quan Sơn Nguyệt. Con beo không ngoạm nát thân thể y, không dùng chân cào cấu trên mình y.

Mà Trương Thanh cũng chẳng còn cắn vỡ chiếc răng phun độc kịp.

Con beo há miệng, cắn ngực áo của Quan Sơn Nguyệt, nhấc bổng y lên, rồi phóng chân chạy đi như bay.

Trương Thanh xanh mặt, cấp tốc phóng chân đuổi theo. Nàng chẳng rõ tại sao bỗng nhiên nàng có sinh lực dồi dào, đuổi theo con thú như chẳng hề trải qua mệt nhọc trong những ngày dài trên con đường nghìn dặm, cộng thêm cuộc giao đấu vừa qua.

Động tác của nàng nhanh quá, con beo vừa phóng đi, nàng đã tới sát phía bên nó. Nàng vươn tay, chụp trúng đuôi nó, rồi trụ bộ trì đuôi nó giữ lại. Nàng dụng lực quá mạnh, vừa kéo đuôi con beo, vừa bóp mạnh tay.

Con beo đau quá, rống lên một tiếng kinh hồn. Nó rống lên, mồm há ra, Quan Sơn Nguyệt rơi xuống đất.

Đuôi bị Trương Thanh nắm chặt, nó uốn cong mình qua một bên, há miệng táp vào tay nàng.

Nàng đảo bộ tràn theo đà xoay của con thú, thành ra người và thú xoay tròn tròn, đà xoay rất nhanh, trông hết sức ngoạn mục.

Người và thú xoay quanh như vậy được một lúc, Trương Thanh cảm thấy choáng váng, suýt hôn mê mấy lượt.

Hơn nữa, tuy con beo không gây thương tích nặng nề trên mình nàng, dù sao cũng là thương tích, tét da, rách thịt, máu chảy. Máu nơi các vết thương đã khô, bây giờ nàng cử động mạnh trở lại, máu khô tróc ra, máu tươi lại rịn.

Nàng càng xoay nhanh người, máu càng bị động, chảy nhiều hơn. Máu rơi đỏ lốm đốm trên mặt tuyết.

Nàng vừa đau đớn, vừa mệt, cố gắng tri trì với con beo một lúc nữa, cuối cùng, đuối sức, nàng buông lỏng tay thì con beo sẽ nhào tới Quan Sơn Nguyệt ...

Đo đó, nàng càng cố đeo cứng vào đuôi con beo và chừng như lúc này nàng không còn kéo giật con thú nữa, mà chính là nó hăng say quay cuồng, lôi cuốn nàng theo vòng tròn với nó.

Làm mọi cách không làm sao cho nàng buông tay được, con thú nổi dã tính lên, nó rống một tiếng, chuyển động cả vùng núi hoang vắng, thay vì nó cứ chạy vòng vòng, nó lại tung mình lên không, cao hơn một trượng. Đương nhiên, nó lôi Trương Thanh theo lủng lẳng dưới đuôi nó. Rồi nó đáp xuống liền.

«Bình!» Nó đáp như vậy, chính Trương Thanh phải chạm mình vào tuyết trước nó. Nàng nghe đau nhói toàn thân, song vẫn còn bám tay nơi đuôi nó.

Nó lại tung mình lên không lượt nữa, định dùng cách nhảy lên đáp xuống, bức bách Trương Thanh phải buông tay.

Trương Thanh kinh hãi, nghĩ nếu để nó hạ xuống lần nữa, nàng bị chạm tuyết hẳn không thể chịu đựng nổi cái đau, nếu nàng không chịu nổi cơn đau, hẳn phải buông tay và như vậy là con beo được tự do, nó sẽ chụp Quan Sơn Nguyệt.

Không còn do dự được nữa, nàng thấy cần phải cắn bể chiếc răng giả có chứa thuốc độc, hạ ngay con beo, dù nàng có bị hại cũng đành.

Nhưng nàng chưa kịp cắn bể chiếc răng độc, bỗng nàng nghe tiếng gió rít lên, rồi một mũi cương xoa, chẳng rõ phát xuất từ đâu bay đến nhắm đúng lưng con beo mà lao vào.

Lúc đó, con beo chưa lên cao lắm, nó hoảng sợ, vội nhào xuống, nhờ khoảng cách không xa nên Trương Thanh chẳng đau đớn như lần trước.

Vừa lúc đó, một bóng người xuất hiện, đồng thời cao giọng mắng con thú:

- Súc sanh! Ngươi lại động dã tánh, muốn hại người phải không?

Đúng lúc người đó xuất hiện, Trương Thanh cảm thấy điểm khí lực cuối cùng còn lại nơi nàng tiêu tan mất. Tự nhiên nàng lỏng bàn tay.

Vì dù nàng có quyết nắm chặt nữa, còn đủ khí lực nắm chặt nữa, nàng cũng không kềm giữ con báo lại nổi.

Con báo tận dụng tất cả sức lực của nó, phóng mình chạy như bay thoáng đã mất dạng.

Bây giờ Trương Thanh lưu ý nhận xét người vừa xuất hiện.

Người đó, là một trung niên thiếu phụ, có thân vóc cao lớn.

Nàng chỉ nhận xét được bao nhiêu đó thôi, bỗng cảm thấy hôn mê liền.

Các diễn tiến vừa qua khích động nàng mãnh liệt, điểm lý trí cuối cùng đã ly khai nàng, nàng chìm trong hôn mê nhanh chóng sau khi không còn vận dụng bản năng tự vệ chi trì với con beo trắng nữa.

Khi nàng tỉnh lại, nàng nghe bao nhiêu đau đớn, nhọc mệt trong người tan biến mất, tinh thần phấn chấn trở lại như lúc bình thường.

Nàng đang nằm, vùng ngồi dậy nhìn quanh. Thì ra nàng được đưa về một sơn động trên bốn bức vách chung quanh có rất nhiều da thú.

Lý trí trở lại với nàng, điều lo ngại nhất cho nàng chẳng phải là trường hợp của nàng, chẳng phải cái khung cảnh hiện tại bao quanh nàng. Vừa tỉnh lại là nàng nghĩ ngay đến Quan Sơn Nguyệt.

Nàng tự hỏi:

“Quan đại ca chết rồi hay còn sống? Nếu còn sống, hiện giờ đại ca ở đâu?”.

Khoảng động quanh nàng không rộng lắm! Bất quá là một diện tích độ vài trượng vuông, trong không gian vài trượng vuông đó, chỉ có mấy vật dụng thông thường.

Chẳng có một bóng người thấp thoáng lai vãng. Như vậy còn biết hỏi ai?

Như vậy, làm sao biết được sự tình?

Nàng cấp tốc hất chăn, vẹt màn, nhảy xuống giường định bước ra ngoài quan sát địa điềm. Nhưng chân nàng vừa chạm nền động, nàng nghe lạnh mình.

Cái lạnh không do một niềm sợ hãi, cái lạnh không do khung cảnh, mà chính do nàng.

Không một mảnh vải nào trên thân mình! Nàng hoàn toàn trần truồng, như con nhộng!

Tuy trong lòng động chẳng có một bóng người, song nàng vẫn nóng mặt. Y phục của nàng đâu? Tại sao nàng trần truồng? Bây giờ lấy gì để che thân thể lõa lồ?

Nàng hoành tay vớ lấy chiếc chăn trên giường đá, quấn vội quanh mình.

Nàng vừa làm cái việc đó, vừa tự hỏi:

“Nơi đây là đâu? Ai đưa ta về đây? Tại sao lại cởi y phục của ta đi? Tại sao lại giấu mất y phục của ta? Ít nhất cũng phải để trên giường cạnh chỗ ta nằm chứ?”.

Tuy nhiên, mất y phục nàng không quan tâm lắm, dù sao thì cũng có chiếc chăn quấn đó, tạm che giấu thân mình được rồi, điều mà nàng quan tâm nhất là tình trạng của Quan Sơn Nguyệt.

Thân thể không lõa lồ nữa, nàng lại định bước ra khỏi khoảng động.

Bên ngoài cửa là một gian thạch thất, tương đối rộng hơn gian của nàng. Nơi đó chất chứa vô số vật dụng hỗn tạp.

Tại một góc, bộ y phục của nàng còn đó, song rách tơi tả trông thảm vô cùng. Giả như chẳng có chiếc chăn, chắc chắn nàng không thể mặc bộ y phục đó trở lại. Bởi mặc y phục đó vào rồi, có khác nào nàng trần truồng? Bộ y phục chẳng còn một khoảng vải nào đủ che chở một bộ phận kín trong người nàng thì làm sao nàng dám mặc? Mà mặc để làm gì, bởi mặc cũng như trần truồng?

Trông thấy bộ y phục, nàng chực nhớ lại cái cảnh đã trải qua trước đó. Con beo trắng đang vấu nàng. Rồi một thiếu phụ xuất hiện, quát đuổi con beo, nàng bất tỉnh luôn.

Nàng chẳng biết mình nữa thì làm sao biết được Quan Sơn Nguyệt an nguy như thế nào? Có thể là thiếu phụ đưa nàng về đây. Còn Quan Sơn Nguyệt?

Thiếu phụ bỏ lại đó, hay cũng đưa chàng về đây? Hay lại an trí chàng một nơi nào khác? Hoặc giả, chàng đã chết rồi và thiếu phụ vì lòng nhân đạo, mai táng chàng ở đâu đó?

Trăm ngàn nghi vấn hiện lên trong tâm tư, Trương Thanh thừ người đứng lặng.

Chẳng biết nàng sảng sốt được bao lâu, bỗng một bóng người hiện ra nơi khung cửa. Thiếu phụ bước vào.

Dù trong cơn thảng thốt, gặp thiếu phụ rồi mê luôn, Trương Thanh vẫn còn nhớ rõ con người đã cứu nạn nàng.

Thiếu phụ vác trên vai một con nai. Thấy Trương Thanh, thiếu phụ nở một nụ cười hiền dịu, gương mặt lộ vẻ từ hòa. Bà cất tiếng:

- Tiểu cô nương! Tiểu cô nương đã tỉnh lại rồi phải chăng? Trời nào có phải dễ dàng đâu, cô nương! Hơn mười mấy hơm rồi đó! Ngày nầy qua ngày khác, ta lo sợ cho cô nương biết bao! Khí lực của cô nương quá kiệt quệ! Ta nhìn máu đổ chung quanh chỗ gặp cô nương phải lắc đầu kinh hãi. Mất máu như vậy mà cô nương còn tri trì được với con thú, cô nương có thể hồi sinh! Thật trên chỗ tưởng tượng của ta!

Trương Thanh hấp tấp hỏi:

- Bà nói sao? Tôi đã hôn mê hơn mười hôm rồi à?

Thiếu phụ mỉm cười:

- Phải đó, hơn mười hôm rồi, cô nương ơi! Trong thời gian đó, cô nương mê man, nếu ngực không còn thoi thóp nhẹ, thì có khác nào người chết?

Rồi thiếu phụ trầm giọng:

- Theo tôi nghĩ, ít nhất cô nương cũng phải tịnh dưỡng ba tháng sau thời gian đó cô nương mới có hy vọng khôi phục nguyên trạng. Sống lại được đây, kể ra cô nương có chân lực hơn người ...

Trương Thanh hấp tấp hỏi:

- Còn Quan đại ca của tôi?

Thiếu phụ lại cười:

- Cô nương hỏi về tiểu tử đó à? Kỳ quái thật! Hắn chẳng có một vết thương nào trên cơ thể, thế mà hắn không cử động được. Tôi chẳng biết làm sao hơn, đành đưa hắn đến Tuyết Lão Thái Thái!

Trương Thanh giật mình:

- Tuyết Lão Thái Thái là ai? Tại sao bà lại đưa Quan đại ca đến thái thái?

Thiếu phụ điềm nhiên:

- Tuyết Lão Thái Thái là một thần y, một thánh thủ đương thời, tiểu tử có chứng bịnh kỳ quái như vậy, ngoài Thái Thái ra, còn ai biết căn nguyên như thế nào mà chữa trị cho hắn? Bên trong, hắn có bịnh gì đó, tôi chẳng biết được đã đành, nhưng bên ngoài, hắn mang nhiều dấu vết do móng beo để lại, cũng đáng ngại lắm.

Rồi, bà tiếp:

- Riêng về tôi, tôi cũng khá rành về y thuật, cho nên, trên mình cô nương có nhiều dấu móng beo, tôi vẫn trị lành được như thường, bây giờ chẳng còn một vết sẹo nào cả, cô nương hãy kiểm soát lại xem thì biết rõ.

Trương Thanh hết sức nghi hoặc. Một thần y tại Côn Lôn Sơn!

Tại Côn Lôn Sơn có bao nhiêu thần y? Nếu chỉ có một người thì người đó chính là người có sự bất hòa với gia gia nàng. Và, Tuyết Lão Thái Thái hẳn nhiên là người đó! Nếu đúng là Tuyết Lão Thái Thái thì tịa sao gia gia nàng lại bất hòa với bà ấy?

Nàng trầm ngâm một lúc, đoạn hỏi:

- Tuyết Lão Thái Thái ở đâu? Tôi muốn đến đó xem cho biết Quan đại ca của tôi ra sao hiện giờ.

Thiếu phụ khoát tay:

- Đừng đến đó, cô nương! Tuyết Lão Thái Thái có đến đâ nhìn qua cô nương một lần, bà có dặn tôi, tuyệt đối không thể để cho cô nương đi đâu, dù là đi gặp bà. Cho nên tôi mới giữ cô nương lại đây, săn sóc cho cô nương. Nơi đây, chỗ hẹp, người ít, bất quá chỉ dung chứa một người tạm trú mà thôi, do đó tôi giữ cô nương lại, còn tiểu tử thì đưa về chỗ ở của Thái thái. Khi nào có lệnh của Thái thái, tôi mới có thể để cho cô nương đi.

Trương Thanh lấy làm lạ:

- Tại sao Tuyết Lão Thái Thái không muốn cho tôi gặp bà?

Thiếu phụ lắc đầu:

- Tôi làm sao hiểu được ý tứ của Thái thái? Con beo trắng đó là gia súc của Thái thái, từ lâu nó không hề hại người, chẳng hiểu tại sao hôm đó nó lại chống cự với cô nương, còn Thái thái thì tôi cũng chẳng biết có thành kiến gì đối với cô nương, người không thích cô nương lắm. Tôi phải khẩn cầu tha thiết, nhưng người vẫn không chịu ra tay chữa trị, tôi không nỡ bỏ cô nương với tình trạng đó đành phải tận dụng sở năng, may thay cô nương lại hồi tỉnh!

Rồi, bà hỏi:

- Cô nương có mối thù chi với Thái thái không?

Trương Thanh lắc đầu:

- làm gì có thù? Bình sanh tôi đâu biết mặt Thái thái!

Thiếu phụ gật đầu:



- Phải! Phải! Cô nương chưa được hai mươi tuổi, trong vòng hai mươi năm qua, Tuyết Lão Thái Thái không hề rời khỏi sơn động đi đâu thì làm gì cô nương gạp bà mà biết mặt?

Bà trầm ngâm một lúc, đoạn lẩm bẩm:

- Lạ thật! Lạ thật! Tôi suy nghĩ mãi, chẳng hiểu tại sao Tuyết Lão Thái Thái lại không thích cô nương!

Thiếu phụ không biết, Trương Thanh đã biết rồi. Bây giờ thì nàng không còn nghi hoặc nữa.

Nàng giống cha, ai có quen biết với gia đình nàng, nhìn qua nàng là có thể nhận ra nàng là con gái của gia gia nàng ngay. Tuyết Lão Thái Thái nào đó, có biết gia gia nàng nên nhận ra nàng dễ dàng. Rồi nhân có thù với gia gia nàng, sanh hận luôn nàng, mặc dù nàng là kẽ vô tội, không liên quan gì đến mối hiềm khích xa xôi.

Thiếu phụ suy nghĩ một lúc lâu, đoạn hỏi:

- Cô nương đưa tiểu tử đó đến Côn Lôn Sơn làm gì?

Bỗng, bà kêu lên:

- Đúng rồi! Cô nương có quen biết Tuyết Lão Thái Thái! Cho nên cô nương đưa tiểu tử đó đến đây nhờ Tuyết Lão Thái Thái chữa trị chứng bịnh cho hắn!

Rồi, bà gằn giọng:

- Có đúng vậy không cô nương?

Trương Thanh lắc đầu:

- Từ bao giờ, tôi chưa hề gặp Thái thái lần nào! Chỉ vì Quan đại ca tôi trúng phải một chất độc cực kỳ lợi hại, những người biết ít nhiều việc giang hồ bảo rằng tại Côn Lôn Sơn có một vị cao nhân mai danh ẩn tích qua nhiều năm, tinh thông y thuật, có tải cải tử hoàn sanh, do đó tôi chẳng quản đường xa, đưa Quan đại ca đến đây, nhờ vị cao nhân đó chữa trị. Thật sự tôi cũng chẳng biết vị cao nhân đó danh hiệu là chi, ở tại khu vực nào trên đỉnh Côn Lôn Sơn này.

Nàng thở ra, tiếp nối như tự nói với mình:

- Chẳng hay Tuyết Lão Thái Thái có phải là vị cao nhân đó chăng?

Thiếu phụ điểm một nụ cười:

- Chính là Lão Thái Thái đó. Bởi tại Côn Lôn Sơn, người ẩn tích mai danh không nhiều, mà trong số người ẩn tích đó, am tường y thuật chung quy chỉ có mỗi một mình Tuyết Lão Thái Thái mà thôi. Thảo nào mà người chẳng hận cô nương?

Bà giả thích:

- Tuyết Lão Thái Thái ưa nhàn tịnh, không chịu bị ai quấy nhiễu. Cô nương đưa người đến nhờ Thái Thái chữa trị, tức nhiên cô nương gây phiền phức cho bà đấy!

Trương Thanh kinh hãi:

- Thế à?

Thiếu phụ gật đầu:

- Thái Thái có tánh rất quái dị. Bà từng cho tôi biết, trên thế gian này, bà chỉ có cừu nhân chứ tuyệt nhiên không có một người bằng hữu. Đương nhiên, cô nương còn ter quá, chắc chắn không phải là cừu nhân của bà rồi. Song biết đâu, cái người chỉ dẫn cô nương đến đây lại không là một cừu nhân của Thái Thái?

Thái Thái có cần gì xét đến ủy khúc của sự tình? Cho nên bà cứ xem cô nương như một cừu nhân, hoặc có liên hệ với một cừu nhân. Bà không thích cô nương là thế đó!

Thiếu phụ kết luận:

- Nếu bà lầm cô nương thì sự lầm lạc đó cũng có lý do, cũng hợp lý lắm!

Trương Thanh thán phục lập luận của thiếu phụ. Và con người có lập luận như vậy hẳn phải giàu kinh nghiệm trường đời.

Tuy nhiên, nàng làm sao đem trường hợp của phụ thân nàng nói hết cho thiếu phụ nghe? Bất quá, nàng chỉ biết là giữa phụ Thái thái và Gia gia nàng có sự bất hòa, còn như tại sao song phương sanh mối bất hòa đó thì nàng hoàn toàn chẳng hiểu chi cả. Dù bây giờ nàng muốn nói lắm, cho thiếu phụ nghe, nàng cũng chẳng biết phải nói làm sao. Nếu như thiếu phụ đi sâu vào chi tiết, nàng lại thêm khó khăn.

Nàng từ từ chuyển câu chuyện quanh ra ngoài vấn đề đó và đổi lối xưng hô luôn:

- Dám hỏi danh tánh đại nương là gì? Tại sao sống đơn độc tại vùng hoang vắng cô tịch như thế này?

Thiếu phụ thở dài:

- Nói đến danh tánh tôi làm chi? Năm xưa, thực sự thì ... cũng có lúc tôi tung hoành ngang dọc trên khắp sông hồ ... Chỉ vì ... Thôi, bỏ qua việc đó đi!

Bà dừng lại một chút, lại tiếp:

- Tôi họ Bành, cô nương cứ gọi tôi là Bành đại nương cũng được rồi. Còn cái tên, có cần chi cô nương phải biết? Hai mươi lăm năm trước, tôi thọ thương.

Tôi bị cừu nhân bức đuổi, chạy đến chân núi Côn Lôn, may mắn gặp Tuyết Lão Thái Thái. Thái Thái đánh đuổi kẻ thù của tôi, chữa trị thương thế cho tôi. Từ ngày đó, tôi lưu lại ngọn núi nầy, tuy có phần cô quạnh, song được cái an nhàn bù lại.

Lâu dần thành tánh, tôi thích thanh tịnh nên quên mất sự nhiệt náo trên giang hồ.

Bởi thế, tôi chấp nhận luôn kiếp sống ẩn dật này, như các bậc chân tu, như các vị tiền bối chưa gần tiên nhưng đã xa tục.

Vốn chưa từng giẫm bước trên giang hồ, Trương Thanh đương nhiên không thể có sự nhận xét thích đáng về mỗi người mà nàng gặp gỡ trên những đoạn đường qua, cho nên về quá khứ của thiếu phụ này, nàng không hề có một ấn tượng rõ rệt.

Vả lại, hiện giờ nàng đâu còn tâm tư nghĩ đến việc gì ngoài sự an nguy của Quan Sơn Nguyệt? Cho nên, thiếu phụ nói sao về bà, nàng cứ nghe vậy, nghe để giữ tròn lễ độ đối với người cứu mạng, chứ không thích thú nghe. Nàng không hỏi han chi cả, khi thấy thiếu phụ ngưng thốt, nàng liền hỏi:

- Tuyết Lão Thái Thái có thể chữa trị cho Quan đại ca tôi lành mạnh chăng?

Nếu có thể chữa trị, thái thái có ưng thuận ra tay tế độ chăng? Đành rằng Thái Thái không thích thấy mặt tôi, song tôi thì dù sao cũng cần gặp bà, gặp để biết tình trạng của Quan đại ca tôi như thế nào, gặp để van cầu bà chữa trị cho Quan đại ca tôi, nếu bà có ý từ khước ...

Bành đại nương khẽ thở dài:

- Từ lúc tôi đưa tiểu tử đến Tuyết Thần Cốc cho lão Thái Thái, đến nay tôi chưa gặp lại bà ngoài cái lần bà dên đây nhìn qua cô nương! Tôi cũng có đến đó mấy phen, song lần nào đến tôi cũng bị Linh Linh cản trở, không để cho tôi vào gặp mặt lão Thái Thái. Như vậy, tôi làm sao biết được tiểu tử hiện giờ như thế nào?

Trương Thanh giật mình:

- Linh Linh là ai?

Bành đại nương «hừ» một tiếng:

- Đồ đệ của Tuyết Lão Thái Thái! Con liễu đầu đó cái tật quá nặng, tật của nàng còn nặng hơn tật của lão Thái Thái! Gặp bất kỳ ai cũng cảm thấy bực tức, bởi chẳng ai chịu nổi cái tật của nàng. Nàng chẳng bao giờ nghe ai giảng lý, nàng cố chấp đến độ có thành kiến quái dị đối với bất cứ ai, bất cứ việc gì trên đời này.

Thực ra, vì tôi nể Tuyết Lão Thái Thái, bởi bà có cái ơn tái tạo đối với tôi, chứ như con liễu đầu Linh Linh đó, tôi nào có xem ra gì? Phi Thiên Dạ Xoa này từ ngày xuất hiện trên giang hồ, chưa hề biết ngán sợ ai, dù là Lạc Hồn Cốc cũng chẳng có giá trị gì trước con mắt của tôi!

Trương Thanh kinh hãi, kêu lên thất thanh:

- Lạc Hồn Cốc? Linh Linh? Linh Linh là con gái của Khổng Văn Thông sao đại nương?

Đến lượt Bành đại nương giật mình, song bà lấy ngay bình tĩnh, điểm nụ cười lạnh, hỏi:

- Cô nương cũng biết cái lão Khổng Văn Thông nữa à?

Bà có vẻ bất mãn rõ rệt. Bà đã tự tiết lộ thân thế của bà là Phi Thiên Dạ Xoa, từng gây chấn động trên giang hồ một thuở, bà tiết lộ cho Trương Thanh rõ, đáng lẽ Trương Thanh phải trố mắt, phải hãi hùng, phải thán phục và phải hỏi nhiều, hỏi gấp về những thành tích của bà. Nhưng, nàng lờ đi, như nghe nói đến một chiếc lá vàng rơi rụng bên cạnh đường qua. Chẳng những nàng lờ về sự việc của bà, nàng lại hấp tấp hỏi về Khổng Văn Thông! Chính bà đã tỏ rõ cái ý khinh thường Cốc chủ Lạc Hồn Cốc còn nàng lại chú ý một cách đặc biệt, thế ra Khổng Văn Thông là nhân vật quan trọng hơn bà sao?

Trương Thanh đã hiểu Linh Linh là con gái của Khổng Văn Thông, Linh Linh hiện đang ở cạnh Tuyết Lão Thái Thái, mà Quan Sơn Nguyệt thì lại ở trong tay lão Thái Thái, hiểu được điều đó, tự nhiên nàng phải lo lắng phi thường. nàng còn nghĩ gì đến những việc khác? Chẳng trách nàng không quan tâm đến sự tiết lộ thân thế của đại nương! Và nàng làm sao nhận thấy kịp cái vẻ bất mãn nơi gương mặt của đại nương?

Nàng khẩn trương rõ rệt, thốt gấp:

- Vô luận làm sao, tôi phải đến Tuyết Thần Cốc, gặp Quan đại ca tôi mới được! Nếu không thì ...

Nàng kêu lên:

- Nguy lắm, đại nương ơi!

Bành đại nương kinh dị, trố mắt hỏi:

- Tại sao? Cái gì nguy cấp mà cô nương khẩn trương cực độ như thế? Cái gì làm cho cô nương biến đổi lạ lùng thế?

Trương Thanh lấp vấp thốt, vì nàng mất cả bình tĩnh:

- Đừng hỏi gì hết, đại nương! Tôi phải đến đó, đến gấp! Nếu Khổng Linh Linh biết được thân thế Quan đại ca tôi thì cầm như hỏng, hỏng tất cả! Quan đại ca tôi phải táng mạng nơi tay nàng, đại nương ơi!

Bành đại nương hết sức lạ lùng, trố mắt hỏi:

- Tại sao? Cô nương sợ cô bé Linh Linh đó ăn tươi nuốt sống tiểu tử họ Quan ấy à? Thực sự thì, quỷ liễu đầu Linh Linh đã học chân truyền của Tuyết Lão Thái Thái, song tôi thì tôi chẳng hề xem nó ra quái gì. Nếu không nể mặt lão Thái Thái, tôi đã băm xác nó ra thành ngàn vạn mảnh tử lâu! Cô nương không việc gì phải sợ nó. Có điều chi cứ tỏ cho tôi biết, tôi sẵn sàng tiếp trợ cô nương.

Chứ hành động loạn lên, chỉ có hại mà không lợi mảy may nào. Vả lại, không chắc gì chúng ta lọt vào Tuyết Thần Cốc, gặp lão Thái Thái đâu! Quỷ liễu đầu đó sẽ ngăn trở chúng ta là cái chắc!

Trương Thanh biết đại nương nói thật chứ không tìm cách dọa khiếp nàng.

Dù sao thì nàng cũng thấy là còn có cái may, bởi Bành đại nương bất mãn Linh Linh, tức nhiên hận Linh Linh, nếu có cuộc xô xát với Linh Linh, nàng sẵn có một viện thủ. Giả như Tuyết Lão Thái Thái có quở trách nàng thì Bành đại nương sẽ hết lòng biện hộ.

Bây giờ, nàng có nói thật sự tình cũng chẳng sao. Nàng thốt:

- Quan đại ca tôi, tên thật là Quan Sơn Nguyệt, sau này đổi tên Nguyệt thành tên Minh, điều đổi tên đó rồi sau tôi sẽ giải thích cho đại nương hiểu một ngày nào đó, chứ hiện giờ thì không cầ n thiết lắm. Quan đại ca tôi là đồ đệ duy nhất của Độc Cô Minh ...

Bành đại nương kinh hãi:

- Sao? Ngươi nói sao? Tiểu tử là đồ đệ của Độc Cô Minh có ý tứ gì? Bình sanh lão ấy có bao giờ chịu thu nhận đồ đệ?

Trương Thanh hấp tấp giải thích:

- Đại nương đừng nghi ngờ! Độc Cô tiền bối đã chết rồi! Sự thật thì Độc Cô tiền bối có thu nhận một đồ đệ duy nhất và người đồ đệ đó chính là Quan đại ca tôi.

Bành đại nương lộ vẻ thê thảm ra mặt, thốt qua mơ màng:

- Chết rồi! Một con người chết dễ, chết nhanh như thế được sao?

Bà hỏi:

- Lão ấy chết trong trường hợp nào?

Trương Thanh đáp:

- Tôi cũng chẳng biết rõ nữa đại nương! Để sau này, Quan đại ca sẽ nói cho đại nương hiểu.

Bành đại nương lấy lại bình tĩnh, hỏi tiếp:

- Được rồi. Bây giờ ta muốn biết sự việc của tiểu tử. Hắn làm sao mà cô nương lo lắng thế?

Trương Thanh thốt:

- Quan đại ca trúng độc của Khổng Văn Thông. Bù lại, đại ca tôi đã sát hại lão ấy rồi. Nếu sự việc này thấu tai Khổng Linh Linh, nhất định nàng sẽ báo thù ...

Bành đại nương giật mình, biến hẳn sắc mặt!

- Nguy! Nguy lắm!

Bà suy nghĩ một chút rồi tiếp:

- Tuy vậy, cũng chẳng cần gì phải vội. Khổng Linh Linh theo Tuyết Lão Thái Thái từ thuở nhỏ, chính phụ thân nó cũng chẳng biết nó ở đâu. Dù có biến cố lớn lao như vậy, chưa chắc gì tin tức đến với nó sớm!

Nhưng Trương Thanh làm sao yên tâm được? Nàng hấp tấp thốt:

- Nếu Quan đại ca vô tình tiết lộ thì làm sao?

Bành đại nương lại giật mình:

- Nếu thế thì đáng lo lắm! Mình không thể không đi gấp được! Cô nương ở đây chờ tôi nhé, tôi đi lấy y phục cho, thay đổi xong rồi, mình đi liền ...

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Võ Lâm Phong Thần Bảng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook