Vũ Điệu Của Thần Chết

Chương 14

Jeffery Deaver

04/05/2016

Giờ thứ 7 của 45

Đối với Percey Clay, ngôi nhà an toàn mà cô đến chẳng có vẻ gì là thực sự an toàn.

Đó là một công trình ba tầng xây bằng đá hộc màu nâu giống như rất nhiều ngôi nhà dọc khối phố này, gần thư viện Morgan.

“Đây rồi”, một đặc vụ vừa nói với cô và Brit Hale vừa hất đầu ra ngoài cửa sổ chiếc xe thùng. Họ đậu xe trong con hẻm rồi cô và Hale bị đẩy nhanh qua lối vào dưới tầng hầm. Cánh cửa sắt đóng sầm lại. Hai người nhận ra mình đang đứng trước mặt một người đàn ông xởi lởi khoảng bốn mươi tuổi, cao gầy với mái tóc màu nâu đang hói dần. Anh ta đang ngoác miệng cười.

“Xin chào”, anh ta nói và chìa ra tấm phù hiệu NYPD với hình chiếc khiên màu vàng của mình. “Tôi là Roland Bell. Kể từ bây giờ hai người gặp bất kỳ ai, kể cả với một người trông quyến rũ như tôi, hãy yêu cầu họ cho xem giấy tờ chứng minh và nhớ bảo đảm rằng ảnh dán trên đó phải giống mặt thật 100%.”

Percey chăm chú nghe cái giọng kéo dài bắn như súng liên thanh của anh ta và hỏi, “Đừng nói với tôi… anh là người Tarheel[58] đấy?”.

”Chính xác là thế”. Anh ta cười phá lên. “Trước thì sống ở Hoggston – không hề nói đùa một chút nào – cho đến khi chuyển sang Chapel Hill khoảng bốn năm. Theo tôi biết thì cô là người Richmond.”

“Trước kia thôi. Lâu lắm rồi.”

“Còn anh, anh Hale?”, Bell hỏi. “Anh cũng từ bỏ lá cờ Sao và Vạch ngang[59] à?”.

“Người Michigan”, Hale nói và bắt bàn tay cứng cáp của viên thám tử. “Gốc Ohio.”

“Ồ, đừng lo, tôi sẽ tha thứ cho các anh vì sai lầm nhỏ hồi những năm 1860 ấy”.

“Nếu là tôi có lẽ tôi đã đầu hàng rồi”, Hale nói đùa. “Hồi đó không ai hỏi ý kiến tôi cả.”

“Ha ha. Được rồi, tôi là một thám tử hình sự nhưng tôi cũng thường phụ trách những vụ bảo vệ nhân chứng loại này vì tôi có sở trường trong việc giữ gìn mạng sống cho người khác. Vậy là anh bạn thân mến Lon Sellitto đã đề nghị tôi giúp anh ta vụ này. Tôi sẽ là người trông nom quý vị một thời gian.”

Percey hỏi, “Vậy còn người thám tử kia hiện ra sao rồi?”.

“Jerry à? Theo như tôi nghe nói thì cậu ta vẫn đang ở trong phòng mổ. Chưa có thông tin gì mới cả.”

Giọng nói của người cảnh sát có vẻ hơi chậm và kéo dài nhưng đôi mắt anh ta thì vô cùng nhanh nhẹn, lướt qua cơ thể hai người như điện xẹt. Tìm kiếm gì chứ? Percey tự hỏi. Kiểm tra xem họ có mang theo vũ khí không à? Có giấu máy ghi âm trong người không à? Sau đó anh ta quan sát hành lang. Trước khi lia mắt ra ngoài cửa sổ.

“Được rồi”, Bell nói, “tôi là một người dễ tính nhưng tôi cũng có thể là một người khó chịu khi động đến việc bảo vệ những người tôi được phân công chịu trách nhiệm”. Anh khẽ mỉm cười nhìn Percey. “Trông cô cũng có vẻ là một người cứng đầu đấy, nhưng hãy nhớ là tất cả những gì tôi yêu cầu cô làm cũng đều là vì lợi ích của chính cô thôi. Được chứ? Được rồi. Mà này, tôi dám chắc chúng ta sẽ chung sống hòa thuận cho mà xem. Còn bây giờ, để tôi cho hai người thấy nơi ăn ở hạng A này của quý vị nhé.”

Khi họ đang đi lên tầng trên anh lại nói, “Có lẽ hai người đang thèm muốn chết được biết nơi này an toàn như thế nào…”.

Hale hỏi với vẻ ngơ ngác, “Xin lỗi anh vừa nói gì cơ? Thèm muốn chết?”.

“À ừ, ý tôi là nóng lòng ấy mà. Chắc tại tôi vẫn nói theo kiểu miền Nam. Mấy anh bạn ở One Police Plaza[60] – có nghĩa là ở trụ sở chính ấy mà – thỉnh thoảng vẫn lôi tôi ra trêu chọc. Họ vẫn nhắn tin thông báo là vừa tóm cổ được tên vai u thịt bắp nào đó và muốn nhờ tôi làm phiên dịch. Nhân tiện cũng khẳng định là nơi này rất tốt và an toàn. Mấy anh bạn của chúng tôi bên Bộ Tư pháp, ối chà, họ làm việc đâu vào đấy lắm. Trông rộng hơn là nhìn từ bên ngoài nhỉ?”

“Rộng hơn một chiếc cabin, nhỏ hơn một đường băng rộng”, Hale nói.

Bell cười khùng khục. “Mấy cái cửa sổ ở phía trước à? Chắc lúc mới lái xe đến đây hai người cảm thấy chúng không được chắc chắn cho lắm?”

“Đó là một chuyện…”, Percey bắt đầu.

“Chà, phòng phía trước đây rồi. Hãy thử nhìn mà xem.” Anh đẩy một cánh cửa mở hẳn ra.

Hoàn toàn không có cửa sổ nào. Những tấm thép đã được gắn chặt phủ lên chúng. “Rèm che ở phía bên kia”, Bell giải thích. “Nhìn từ ngoài phố ai cũng tưởng đây là những căn phòng tối. Tất cả các cửa sổ còn lại đều lắp kính chống đạn. Nhưng hai người không được lại gần trong bất kỳ tình huống nào. Và phải luôn nhớ kéo rèm xuống. Lối thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn và mái nhà đều được trang bị các thiết bị cảm ứng, ngoài ra chúng tôi còn lắp đặt hàng tấn máy quay bí mật xung quanh nhà. Bất kỳ ai tới gần đều bị chúng tôi phát hiện và vô hiệu hóa ngay trước khi họ kịp đặt chân tới cửa trước. Phải là một bóng ma mắc bệnh chán ăn mới có thể lọt vào đây.” Anh bước dọc theo một hành lang rộng. “Hãy theo tôi bước qua phía này một chút… Được rồi, đây là phòng của cô đấy, cô Clay.”

“Nếu như chúng ta chuẩn bị sống cùng nhau, có lẽ anh nên gọi tôi là Percey vậy.”

“Nhất trí ngay. Còn anh ở bên này, anh…”

“Brit.”

Những căn phòng đều nhỏ bé, hơi tối và vô cùng yên tĩnh – khác xa văn phòng của Percey trong góc của chiếc hangar ở Hudson Air. Cô chợt nhớ đến Ed, người chỉ thích có một văn phòng trong tòa nhà chính, bàn làm việc luôn được bài trí gọn gàng, ảnh những chiếc B-17 và P-51 treo ngay ngắn trên tường, những cục chặn giấy Lucite đặt trên mỗi chồng tài liệu. Percey thích ngửi mùi xăng máy bay, và tiếng nhạc nền cho một ngày làm việc bận rộn của cô là âm thanh đinh tai nhức óc của những chiếc cờ lê công nghiệp chạy bằng bình khí nén. Cô nhớ đến những lúc hai người còn bên nhau, anh ngồi vắt chân trên bàn làm việc của cô, cùng chia sẻ từng ngụm cà phê. Cô cố xua đưổi những ý nghĩ đó ra khỏi đầu trước khi những giọt nước mắt lại bắt đầu trào ra.

Chú thích

[58]Tarheel: Nghĩa là người quê ở bang North Carolina.

[59]Cờ Sao và Vạch ngang: Lá cờ của các bang miền Nam ly khai trong Nội chiến Mỹ (1861-1865). North Carolia và Virginia (có thủ phủ là Richmond) đều là hai bang miền Nam ly khai, còn Michigan là bang tham gia vào phe miền Bắc.

[60]One Police Plaza: Tòa nhà Lớn – Sở chỉ huy của Sở Cảnh sát New York.

Bell đang nói vào chiếc bộ đàm của anh ta. “Các nhân viên vào vị trí.” Một lát sau hai cảnh sát mặc sắc phục xuất hiện ngoài hành lang. Họ gật đầu chào rồi một người lên tiếng. “Chúng tôi sẽ đứng ở ngoài này. Suốt thời gian các vị ở đây”. Kể cũng lạ, kiểu giọng mũi đặc sệt New York của họ dường như cũng không hề khác gì giọng nói kéo dài ồm ồm của Bell.

“Như thế là tốt đấy”, Bell nói với Percey.

Cô nhướng mày.

“Thì cô vừa kiểm tra phù hiệu của anh ta còn gì. Sẽ không ai qua mặt được cô đâu.”

Cô gượng cười đáp lại.

Bell nói với Percey. “Hiện tại chúng tôi cũng đã cử hai người bảo vệ mẹ chồng cô ở New Jersey. Cô còn người thân nào trong gia đình cần được bảo vệ nữa không?”

Percey trả lời không, ít nhất thì cũng là trong khu vực này.

Anh lặp lại câu hỏi với Hale, anh ta trả lời với một nụ cười rầu rĩ, “Không có ai, trừ khi một người vợ cũ cũng vẫn được coi là người thân trong gia đình. Hừm, những người vợ thì đúng hơn.”

“Tốt rồi. Thế có mèo hay chó gì cần cho ăn không?”

“Không”, Percey nói, và Hale lắc đầu.

“Nếu vậy chúng ta có thể ung dung thư giãn được rồi. Không được gọi điện thoại di động, trong trường hợp các vị có máy. Chỉ được sử dụng đường dây điện thoại cố định đằng kia. Nhớ những gì tôi nói về cửa sổ và rèm che. Ở đằng kia có một chiếc nút báo động khẩn cấp. Trong trường hợp mọi chuyện không thể nào tồi tệ hơn được nữa, hãy bấm nút và nằm sát xuống sàn nhà. Còn bây giờ, nếu hai người cần bất kỳ điều gì, cứ việc nói với tôi một tiếng là xong.”

“Thực ra thì tôi có đấy”, Percey nói. Cô giơ cao chiếc chai bẹt của mình lên.

“Ái chà chà”, Bell kéo dài, “nếu cô muốn tôi giúp cô dốc cạn nó thì e là tôi đang trong ca trực. Nhưng dù sao cũng rất cám ơn cô đã mời. Còn nếu cô muốn tôi giúp đổ đầy nó, ok, coi như xong rồi”.

Kế hoạch của họ không xuất hiện trên bản tin năm giờ chiều.

Nhưng bù lại đã có ba lần phát sóng không gây nhiễu trên tần số sóng bộ đàm cảnh sát toàn thành phố, thông báo cho các đồn cảnh sát về Kế hoạch số 10-66 nhằm tăng cường an ninh tại Đồn Cảnh sát Hai mươi và phát thêm Kế hoạch số 10-67 về việc giải tỏa giao thông và những đoạn phố cần phong tỏa trong khu vực Upper West Side. Tất cả những đối tượng tình nghi đang bị giam giữ trong Đồn Cảnh sát Hai mươi đều phải được chuyển thẳng đến Trại Tạm giam Trung tâm hoặc Nhà giam Liên bang ở khu Hạ Manhattan. Không một ai được phép ra vào đồn mà không có sự cho phép đặc biệt của FBI hoặc của FAA – theo ý của Dellray.

Trong khi những thông tin này đang được phát đi, các đội 32-E của Bo Haumann triển khai vào vị trí xung quanh đồn cảnh sát.



Lúc này Haumann đang phụ trách chiến dịch mai phục. Fred Dellray lo việc huy động một đội giải cứu con tin liên bang trong trường hợp họ phát hiện ra danh tính của người phụ nữ nuôi mèo và căn hộ của cô ta. Rhyme, cùng với Sachs và Cooper, tiếp tục phân tích các bằng chứng được tìm thấy tại hiện trường.

Không có thêm đầu mối nào, nhưng Rhyme vẫn muốn Sahcs và Cooper kiểm tra lại những gì họ đã phát hiện được. Đây là phạm trù khoa học hình sự – bạn tìm kiếm, tìm kiếm và tìm kiếm, để rồi, khi không thể tìm kiếm thấy bất kỳ thứ gì, bạn lại tiếp tục tìm kiếm. Và ngay cả khi đâm sầm vào một bức tường gạch khác, bạn vẫn phải tiếp tục tìm kiếm.

Lúc này Rhyme đã đẩy chiếc xe lăn đến sát máy tính và đang ra lệnh cho nó phóng đại hình ảnh của thiết bị hẹn giờ được tìm thấy trong xác chiếc máy bay của Ed Carney. Bản thân chiếc đồng hồ có thể là chẳng giúp ích được gì, vì nó quá phổ biến, nhưng Rhyme vẫn băn khoăn biết đâu nó lại chẳng chứa một chút dấu vết nhỏ hoặc thậm chí là một dấu vân tay nào đó. Những thủ phạm đánh bom vẫn tin rằng dấu vân tay sẽ bị phá hủy khi quả bom phát nổ nên chúng không mấy bận tâm đến việc dùng găng tay khi chạm đến những bộ phận nhỏ li ti của thiềt bị nổ. Nhưng bản thân vụ nổ chưa chắc đã phá hủy các dấu vân tay. Lúc này Rhyme đang ra lệnh cho Cooper đặt chiếc đồng hồ vào khung SuperGlue để phun hóa chất phát hiện vân tay và sau khi phương pháp này không ăn thua, dùng Magna-Brush để quét qua bề mặt, một kỹ thuật làm nổi dấu vân tay bằng cách sử dụng bột từ tính mịn. Lần này anh cũng không phát hiện được gì.

Cuối cùng anh ra lệnh bắn phá mẫu vật này bằng nit-yag, một từ lóng để chỉ máy chiếu laser hồng ngoại, loại thiết bị hiện đại nhất dùng để phát hiện những dấu vân tay khó nhìn. Cooper đang quan sát hình ảnh này dưới ống kính hiển vi trong lúc Rhyme kiểm tra nó trên màn hình máy tính.

Rhyme bật ra một tiếng cười ngắn, nheo mắt lại, rồi lại chăm chú nhìn, phân vân không biết có phải anh đang bị thị giác của chính mình đánh lừa không.

“Có phải kia không?... Nhìn kìa. Góc dưới bên phải ấy!” Rhyme reo lên.

Nhưng cả Sachs và Cooper đều không nhìn thấy gì.

Hình ảnh phóng to trên màn hình máy tính của anh đã làm lộ ra điều gì đó mà ống kính quang học của Cooper không nhận thấy. Trên lớp vỏ kim loại bảo vệ chiếc đồng hồ hẹn giờ khỏi bị nổ tung thành từng mảnh vụn là một vệt lưỡi liềm mờ mờ gồm những đường lượn sóng đứt đoạn, những đường cắt ngang và rẽ nhánh. Chiều rộng của nó chưa đến 1/16 inch và có lẽ cũng chỉ dài khoảng nửa inch là cùng.

“Đúng là dấu vân tay rồi”, Rhyme nói.

“Không đủ để so sánh”, Cooper nói, mắt dán chặt vào màn hình máy tính của Rhyme.

Trong mỗi dấu vân tay của từng người có tất cả khoảng 150 đặc điểm đường lượn khác nhau nhưng một chuyên gia có thể xác định được dấu vân tay trùng khớp từ tám đến mười sáu đường lượn. Thật không may, mẫu dấu tay này thậm chí còn không có đến một nửa con số tối thiểu đó.

Dù sao Rhyme cũng vô cùng phấn khích. Nhà hình sự học tàn phế không đủ khả năng vặn nút điều khiển trên ống kính hiển vi điện tử lại phát hiện ra cái mà người khác không nhìn thấy. Một điều mà có lẽ anh bỏ sót nếu như anh còn là người “bình thường”.

Anh ra lệnh cho máy tính khởi động một chương trình phân tích hình ảnh, sau đó anh cho lưu dấu vân tay lại dưới dạng file đuôi .bmp, thay vì nén nó dưới dạng file đuôi .jpg, để tránh rủi ro làm biến dạng hình ảnh ban đầu. Anh in ra một bản dạng ảnh giấy bằng máy in laser của mình rồi bảo Thom dán lên lên bên cạnh tấm bảng bằng chứng hiện trường vụ nổ.

Điện thoại đổ chuông và với hệ thống mới của mình, Rhyme dễ dàng nhận cuộc gọi và bật loa ngoài lên.

Đó là cặp Sinh đôi.

Cũng còn được biết đến với danh xưng trìu mến là “Những Chàng trai Dũng cảm”, cặp thám tử trọng án hình sự này làm việc trong One Police Plaza. Họ là những chuyên gia thẩm vấn kiêm chuyên gia vận động – những cảnh sát có nhiệm vụ phỏng vấn người dân trong khu vực, nhân chứng, khách vãng lai sau mỗi vụ án – và hai anh em này, với những nét giống nhau như hai giọt nước, được coi là xuất sắc nhất trong lực lượng cảnh sát thành phố. Ngay chính Lincoln Rhyme, vốn rất hoài nghi đối với khả năng quan sát và trí nhớ của con người, cũng phải tôn trọng họ.

Bất chấp cái kiểu tranh nhau nói của họ.

“Ê, thám tử. Ê, Lincoln”, một người lên tiếng. Tên của hai anh em là Bedding và Saul. Khi gặp trực tiếp cũng khó có thể phân biệt ai là ai. Qua điện thoại, Rhyme thậm chí còn không có ý định thử đoán xem ai đang nói.

“Các anh có gì rồi?”, anh hỏi. “Tìm được cô nàng nuôi mèo chưa?”.

“Vụ này dễ ợt ấy mà. Đã gọi cho bác sĩ thú y, hai cơ sở khám chữa bệnh cho thú cưng…”

“Kiểm tra cả những cơ sở này cũng lý thú thật. Và…”

“Chúng tôi còn rà soát qua ba công ty chuyên dẫn thú cưng đi dạo. Mặc dù…”

“Chẳng có ai lại dẫn mèo đi dạo, đúng không? Nhưng họ cũng cung cấp dịch vụ cho ăn, cho uống và lau dọn chất thải khi người chủ vắng nhà. Theo tôi thì cẩn thận như vậy cũng không hại gì.”

“Ba trong số các bác sĩ thú y có đưa ra một số cái tên phỏng đoán nhưng họ cũng không chắc lắm. Vì họ có rất nhiều khách hàng mà.”

“Trong khu Upper West Side này có không biết bao nhiêu là động vật nuôi. Kiểu gì chắc các anh cũng phải ngạc nhiên. Nhưng chắc là không.”

“Và thế là chúng tôi phải gọi cho tất cả các nhân viên đang nghỉ ở nhà. Các anh biết đấy, bác sĩ, trợ lý, người tắm rửa…”

“Đó cũng là một nghề đấy. Tắm cho thú cưng. Cuối cùng, có một cô lễ tân làm việc tại cơ sở của một bác sĩ thú y trên phố Tám mươi hai cho rằng đó rất có thể là vị khách hàng có tên Sheila Horowitz. Cô ta khoảng ngoài ba mươi tuổi, tóc ngắn tối màu, người phục phịch. Có ba con mèo. Một con màu đen, một con màu vàng. Màu của con thứ ba thì không ai nhớ cả. Cô ta sống trên phố Lexington, giữa phố Bảy mươi tám và Bảy mươi chín”.

Tức là cách nhà Percey bảy khối nhà.

Rhyme cảm ơn hai người và bảo họ giữ máy, rồi anh quay ra hét toáng lên, “Gọi cho các đội của Dellray tới đó ngay! Cả cô nữa, Sachs. Dù hắn còn ở đó hay không chúng ta cũng sẽ có một hiện truờng cần kiểm tra. Tôi nghĩ là chúng ta sắp tóm được hắn rồi. Mọi người có cảm thấy thế không? Chúng ta sắp tóm được hắn rồi!”.

Percey Clay đang kể cho Roland Bell nghe về chuyến bay một mình đầu tiên của cô.

Lần đó mọi việc không hoàn toàn diễn ra như những gì cô dự tính.

Cô cất cánh từ một đường băng nhỏ phủ cỏ nằm cách Richmond khoảng bốn dặm đường, tận hưởng cảm giác khừng khực quen thuộc khi bánh của chiếc Cessna nẩy tưng tưng trên mặt đất lồi lõm trước khi cô đạt đến vận tốc V1. Rồi cô kéo giật cần lái về phía sau và chiếc Cessna 150 nhỏ xíu bay thẳng lên trời. Một buổi chiều mùa xuân ẩm ướt, cũng giống như chiều hôm nay.

“Chắc phải phiêu lưu lắm”, Bell nhận xét, với vẻ mặt ngờ vực, tò mò.

“Còn hơn thế nhiều”, Percey nói, rồi tu một hớp rượu từ cái chai bẹt.

Hai mươi phút sau khi cất cánh động cơ đột ngột ngừng hoạt động ngay lúc đang bay trên khu Hoang dã ở phía đông Virginia, một cơn ác mộng với những bụi mâm xôi và rặng thông rậm rạp. Cô cho chiếc máy bay hạ cánh xuống một con đường mòn, tự mình làm sạch đường ống dẫn nhiên liệu rồi lại cất cánh lần nữa, quay về nhà, bình yên vô sự.

Chiếc Cessna nhỏ bé không bị hề hấn gì – do vậy người chủ của nó không bao giờ phát hiện ra cuộc phiêu lưu vụng trộm. Trên thực tế, hệ quả duy nhất sau vụ này là bài thuyết giáo cô nhận từ mẹ mình bởi ông hiệu trưởng ở trường Lee gọi điện về nhà thông báo việc Percey tham gia vào một chuyến bay khác và đã đấm vỡ mũi Susan Beth Halworth rồi bỏ học sau tiết thứ năm.

“Tôi phải bỏ đến nơi khác”, Percey giải thích với Bell. “Lúc nào họ cũng lôi tôi ra làm trò cười. Tôi nhớ là hồi đó họ gọi tôi là Quỷ lùn. Rất nhiều người gọi tôi như thế.”

“Trẻ con nhiều khi cũng nhẫn tâm”, Bell nói. “Chắc tôi sẽ lột da mấy thằng con mình, nếu chúng làm bất kỳ chuyện gì giống như… Mà khoan đã, hồi đó cô bao nhiêu tuổi nhỉ?”

“Mười ba.”

“Cô có thể làm vậy thật sao? Ý tôi là chẳng phải ít nhất là đủ mười tám tuổi mới được lái máy bay à?”

“Mười sáu.”

“Ôi. Nếu thế… làm thế nào mà cô có thể bay trộm mãi được?”

“Họ không bao giờ bắt được tôi”, Percey nói. “Lý do là thế đấy.”

“Ôi trời.”

Percey và Roland Bell đang ngồi trong phòng của cô ở ngôi nhà an toàn. Anh đã đổ đầy whiskey Wild Turkey vào chiếc chai cho cô – một món quà cảm tạ của tay cơ sở cung cấp tin về bọn găngxtơ đã từng sống ở đây năm tuần liền – và lúc này họ đang ngồi trên chiếc sofa màu xanh lục, viên thám tử cẩn thận vặn nhỏ chiếc máy bộ đàm của mình. Percey ngồi ngả hẳn ra sau, Bell ngồi ngả người ra phía trước – tư thế ngồi của anh như vậy không phải vì chiếc ghế không được êm ái và thoải mái, mà do sự cảnh giác cao độ của người cảnh sát. Mắt anh không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào kề cả một con ruồi bay qua cửa, một làn gió lùa vào rèm cửa sổ và tay anh chốc chốc lại lần xuống một trong hai khẩu súng to đùng anh luông mang theo bên mình.

Trước sự háo hức lắng nghe của anh, cô tiếp tục kể câu chuyện về sự nghiệp bay của mình. Cô nhận chứng chỉ học viên phi công năm mười sáu tuổi, chứng chỉ phi công tư nhân sau đó một năm và đến tuổi mười tám, cô đã có giấy phép lái máy bay thương mại.

Trước sự bàng hoàng của bố mẹ, cô từ bỏ truyền thống kinh doanh thuốc lá của gia đình (bố cô không làm việc cho một “công ty” mà là “người trồng”, mặc dù ai cũng biết đó là một công ty lớn với doanh số lên đến sáu tỷ đô la) để theo đuổi ngành cơ khí. (“Rời bỏ trường Đại học Tổng hợp Virginia là điều khôn ngoan đầu tiên con bé từng làm”, mẹ Percey đã nói thẳng với bố cô như vậy, đó là lần duy nhất cô có thể nhớ là mẹ đã đứng về phía mình. Thậm chí bà còn nói thêm, “Với lại kiếm một tấm chồng ở trường Kỹ thuật Virginia cũng dễ dàng hơn”. Ý bà muốn nói là bọn con trai ở đó cũng không kén cá chọn canh cho lắm.)

Nhưng tiệc tùng, rồi bọn con trai hay các hội nữ sinh hoàn toàn không phải là điều cô quan tâm. Có đúng một điều và chỉ một điều duy nhất. Máy bay. Tất cả những ngày có thể phù hợp về mặt tài chính và thể lực là cô lại bay. Cô nhận được chứng chỉ hướng dẫn bay của mình và bắt đầu làm huấn luyện viên. Percey cũng không thích thú lắm với công việc này nhưng cô vẫn kiên trì thực hiện vì một lý do rất khôn ngoan: những giờ hướng dẫn bay của cô sẽ được tính vào sổ nhật ký bay như là khoảng thời gian làm phi công chỉ huy. Đây sẽ là những thông tin ấn tượng trong hồ sơ xin việc một khi cô đến gõ cửa các hãng hàng không.



Sau khi tốt nghiệp cô bắt đầu cuộc sống của một phi công thất nghiệp. Giảng dạy, triễn lãm hàng không, bay thử nghiệm, thỉnh thoảng làm phụ lái cho một công ty bay dịch vụ hoặc chuyển phát nhanh nhỏ nào đó. Taxi hàng không, thủy phi cơ, máy bay phun thuốc trừ sâu cho ngành nông nghiệp, thậm chí những cuộc trình diễn nguy hiểm, lái những chiếc Stearman và Curtis Jenny hai tầng cánh cổ lỗ sĩ vào các buổi chiều Chủ nhật tại các lễ hội bên đường.

“Thật sự là khó khăn, rất khó khăn”, cô bộc bạch với Roland Bell. “Có lẽ cũng giống như khi anh khởi đầu trong ngành bảo vệ luật pháp.”

“Chắc cũng không quá khác biệt, tôi đoán thế. Hồi đầu tôi toàn làm những việc như rình bắt người lái xe quá tốc độ hoặc vượt đèn đỏ khi còn là cảnh sát trưởng ở Hoggston. Cúng tôi có ba năm liên tiếp không có bất kỳ vụ án mạng nào, kể cả tai nạn chết người cũng không. Rồi tôi bắt đầu được thăng chức – tôi nhận được công việc ở lực lượng cảnh sát của hạt, làm việc trong bô phận Tuần tra Đường cao tốc. Nhưng công việc chủ yếu là lôi xác các nạn nhân ra khỏi những chiếc xe bẹp rúm do tai nạn trong đêm. Thế là tôi quay lại Đại học Tổng hợp North Carolina để học lấy bằng cử nhân hình sự học/xã hội học. Rồi tôi chuyển đến Winston-Salem và giành lấy cho mình một chiếc khiên vàng.”

“Một cái gì cơ?”

“À, tức là phù hiệu của một thám tử. Tất nhiên, tôi bị đánh ngất xỉu hai lần và xơi đạn ba lần rồi mới được xem xét thăng chức lần đầu tiên…Ê, này, hãy cẩn thận với những gì anh đòi hỏi, biết đâu anh sẽ nhận được đấy. Cô đã bao giờ nghe câu đó chưa?”

“Nhưng anh đang làm đúng những gì mà anh muốn mà.”

“Thì đúng là như vậy. Cô biết không, người dì đã nuôi tôi khôn lớn lúc nào cũng nói rằng, “Cháu hãy bước theo hướng mà Chúa chỉ lối”. Tôi nghĩ điều đó ít nhiều cũng có ý nghĩa. Còn bây giờ tôi rất tò mò muốn biết cô đã khởi đầu công ty riêng của mình như thế nào?”

“Ed – chồng tôi – và Ron Talbot cùng với tôi đã đứng ra thành lập công ty. Khoảng bảy, tám năm về trước. Nhưng lúc đó tôi cũng từng dừng chân ở một nơi.”

“Chuyện thế nào?”

“Tôi gia nhập quân đội.”

“Cô không đùa chứ?”

“Không hề. Hồi đó tôi khao khát được bay mà vẫn không ai chịu thuê. Anh biết đấy, trước khi có thể nhận công việc ở một công ty bay dịch vụ hoặc một hãng hàng không lớn anh phải có chứng chỉ về loại máy bay mà hãng đó đang sử dụng. Và để có chứng chỉ anh phải trả tiền huấn luyện và bay mô phỏng – bằng tiền túi của mình. Có khi phải mất cả mười nghìn đô la mới lo xong giấy phép lái một chiếc phản lực lớn. Tôi mắc kẹt không sao lấy được chứng chỉ bay máy bay động cơ phản lực vì tôi không có đủ tiền huấn luyện. Thế rồi tôi chợt nghĩ ra: Tôi có thể gia nhập quân đội và được trả lương để bay những chiếc máy bay quyến rũ nhất Trái Đất. Thế là tôi đăng ký. Vào hải quân.

“Tại sao lại là hải quân.”

“Vì những chiếc tàu sân bay. Tôi nghĩ hạ cánh xuống một đường băng đang chuyển động chắc sẽ rất vui.”

Bell nhăn mặt.

Cô cau mày không hiểu và anh bèn giải thích. “Xin nói thế này vì cô không hiểu, tôi không hề hâm mộ công việc của cô một chút nào.”

“Anh không thích các phi công à?”

“Ồ, không, tôi không có ý đó. Ý tôi là tôi không thích bay chút nào.”

“Anh thà bị bắn còn hơn là bay sao?”

Không một chút ngần ngừ, anh gật đầu một cách dứt khoát, rồi nói. “Cô đã tham gia chiến đấu bao giờ chưa?”

“Tất nhiên là rồi. Las Vegas.”

Anh nhíu mày.

“Hồi năm 1991. Khách sạn Hilton. Tầng ba.”

“Chiến đấu ư? Tôi vẫn chưa hiểu.”

Percey hỏi, “Anh đã bao giờ nghe nói đến vụ Tailhook chưa?”

“Ôi, có phải đó là hội nghị hải quân không nhỉ? Nơi mà một nhóm phi công nam giới đã uống say bét và tấn công phụ nữ. Cô cũng ở đó à?”.

“Cũng bị tóm cổ và tống giam cùng những người hung hăng nhất. Đánh ngất xỉu một gã trung úy và bẻ gãy ngón tay một gã khác, mặc dù tôi rất tiếc phải nói hắn ta say đến nỗi không hề thấy đau đớn gì cho đến tận sáng ngày hôm sau.” Cô lại nhấp thêm một ngụm whiskey.

“Vụ đó có tệ như người ta vẫn nói không?”

Sau một lát im lặng cô nói, “Anh đã quen với việc cảnh giác đề phòng một phi công Bắc Triều Tiên hoặc Iran nào đó lái chiếc MiG từ phía mặt trời mọc tới và tấn công anh. Nhưng khi những người lẽ ra cùng chiến tuyến với anh lại làm điều tồi tệ đó, anh sẽ thực sự thấy vỡ mộng. Nó khiến anh cảm thấy bẩn thỉu, như bị phản bội.”

“Chuyện gì đã xảy ra?”

“À, cả một mớ bung bét”, cô làu bàu. “Tôi không chịu nhún mình. Tôi đã vạch mặt chỉ tên và loại nhiều kẻ ra khỏi lực lượng. Một số phi công, nhưng cũng có cả những người ở cương vị cao hơn nữa. Chuyện đó gây ra không khí căng thẳng trong các phòng họp giao ban. Chắc anh cũng biết rồi đấy.”

Dù có những kỷ năng của loài khỉ hay không, bạn không thể bay với phi công yểm trợ mà bạn không tin tưởng. “Thế là tôi giải ngũ. Cũng không vấn đề gì. Tôi đã tận hưởng quãng thời gian vui vẻ với những chiếc phản lực, đã có những phi vụ nhớ đời. Nhưng rồi cũng đến lúc ra đi. Trước đó, tôi đã gặp Ed – chồng tôi – và chúng tôi quyết định thành lập công ty bay dịch vụ này. Tôi quay về hòa giải với bố – tạm gọi là như thế – rồi ông cho tôi vay phần lớn số tiền tôi cần để thành lập công ty.” Cô nhún vai. “Khoản tiền mà tôi phải trả dần cả gốc lẫn lãi với mức lãi suất 3%, tuyệt đối không được thanh toán chậm một ngày nào. Đúng là chết…”

Ý nghĩ này lại làm cô nhớ tới những ký ức về Ed. Giúp cô xoay sở lo những khoản vay. Cùng nhau đi chọn máy bay tại những công ty cho thuê nhìn hai người với vẻ nghi ngại. Rồi lại còn đi thuê mặt bằng làm hangar. Tranh cãi khi loay hoay sửa chữa bảng điều khiển tring buồng lái lúc ba giờ sáng, cố gắng chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho chuyến bay lúc sáu giờ. Những hình ảnh đó làm cô thấy đau đớn không kém gì căn bệnh thiên đầu thống dữ dội của mình. Cố gắng xua đuổi những ý nghĩ đó ra khỏi đầu, cô hỏi, “Vậy thì điều gì đã mang anh lên phía bắc này?”.

“Gia đình vợ tôi ở trên này. Ở Long Island.”

“Hóa ra anh từ bỏ North Carolina vì họ hàng bên ngoại sao?” Suýt chút nữa Percey đã buột miệng hỏi xem vợ Bell đã dắt mũi ông bằng cách nào nhưng cũng may mà cô chưa kịp hỏi. Đôi mắt màu nâu nhạt của anh bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt cô khi anh nói thủng thẳng, “Beth bị ốm rất nặng. Cô ấy qua đời cách đây mười chín tháng”.

“Ôi, tôi rất tiếc.”

“Cám ơn cô. Quan trọng là trên này có Trung tâm Sloan-Kettering[61] và cả gia đình, anh chị em cô ấy cũng ở trên này nữa. Thực tế là tôi cần có người giúp đỡ việc chăm sóc bọn trẻ. Tôi có thể cùng chúng chơi bóng đá và cũng biết làm món xốt cay nhưng chúng còn cần nhiều thứ hơn thế. Ví dụ như lần nào giặt tôi cũng làm co và nhăn nhúm hết những chiếc áo len của chúng. Đại loại là vậy. Vả lại ngay chính bản thân tôi cũng phản đối việc chuyển nhà. Tôi muốn cho bọn trẻ thấy rằng cuộc đời không chỉ là những chiếc silo[62] hoặc những chiếc máy gặt đập liên hợp.”

“Anh có ảnh của chúng ở đây không?”, Percey hỏi, rồi lại đưa chiếc chai bẹt lên miệng. Ngụm rượu nóng bỏng, thơm ngào ngạt cháy bùng lên trong một khoảnh khắc thật đê mê. Cô quyết định từ giờ sẽ bỏ rượu. Rồi lại quyết định thôi không bỏ nữa.

“Tất nhiên là có chứ.” Anh rút trong túi quần rộng thùng thình ra một chiếc ví rồi khoe ảnh bọn trẻ. Hai cậu bé tóc vàng, khoảng năm đến bảy tuổi. “Benjamin và Kevin”, Bell giới thiệu.

Percey cũng thoáng nhìn thấy một bức ảnh khác – một người phụ nữ tóc vàng xinh đẹp, từng lọn tóc ngắn rủ ngang trán.

“Hai đứa thật đáng yêu.”

“Cô có con cái gì chưa?”

“Chưa”, cô trả lời, lặng lẽ ngẫm nghĩ. Mình vẫn luôn có những lý do riêng. Lúc nào cũng năm sau hoặc năm sau nữa. Khi công ty đã làm ăn khấm khá hơn. Khi chúng ta đã thuê được chiếc 737 kia. Rồi sau khi mình đã có chứng chỉ DC-9… Cô nhìn anh với một nụ cười khắc khổ. “Các con anh thì sao? Lớn lên chúng có muốn trở thành cảnh sát không?”

“Chúng chỉ muốn làm cầu thủ bóng đá thôi. Kể ra ở New York này thì nghề đó cũng không triển vọng cho lắm. Trừ khi đội Mets vẫn tiếp tục giữ phong độ thi đấu như thời gian qua.”

Trước sự im lặng trở nên quá nặng nề, Percey chợt hỏi, “Tôi gọi về công ty một lát có được không? Tôi phải kiểm tra xem chiếc máy bay được sửa chữa đến đâu rồi”.

“Được chứ. Tôi sẽ để cô ngồi lại một mình. Chỉ nhớ là không được để lộ số điện thoại hoặc địa chỉ của chúng ta cho bất kỳ ai. Đó là điều tôi sẽ nhất định không tha thứ đâu đấy.”

Chú thích

[61]Trung tâm Sloan-Kettering: Một cơ sở nghiên cứu và điều trị ung thư nởi tiếng trên thế giới. Tên ban đầu khi thành lập năm 1884 là Bện viện Ung thư New York.

[62]Silo (tháp cao hoặc hầm ủ tươi thức ăn hoặc cỏ cho gia súc trong trang trại). North Carolina là một bang có ngành nông nghiệp phát triển.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Vũ Điệu Của Thần Chết

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook