Xuyên Qua Ngàn Năm

Chương 34: Em Tư

MNĐ

18/12/2020

Buổi trưa ăn cơm xong, ông Ba và Mạc Lâm đều đi làm việc, riêng mẹ nuôi mới nhậm chức thì ở lại bám gót Ngọc Mai, bà vừa mới có thêm cô con gái, tất nhiên là phải dành thời gian để củng cố và nuôi dưỡng mối quan hệ này thêm bền chặt.

Bà hỏi Ngọc Mai đang định làm gì, cô nói đánh rửa mấy cái hũ sành rồi kiếm chỗ rộng rãi, nắng đẹp, xa mọi người để ủ mắm, bà cũng không hiểu cô nói ủ cái gì nhưng vẫn muốn phụ làm với cô, bà đi lòng vòng tìm chỗ để hũ sành Ngọc Mai nói nhưng tìm mãi vẫn không thấy cái hũ nào chỉ thấy toàn là khạp.

Quái lạ! Bà lại quay ra chỗ Ngọc Mai đang ngồi cột rơm rạ chất đống lại cho gọn lên tiếng: “Ngọc Mai à! mẹ không thấy cái hũ sành nào hết, chỉ có mấy cái khạp thôi, con để chỗ nào vậy?”

Ngọc Mai chưng hửng, quên mất là cách gọi mỗi nơi mỗi khác, nhiều khi cô gọi sai cũng không chừng, hèn chi mà lúc đứng mua hũ sành này, người bán hàng cứ loay hoay cầm trên tay mấy cái hũ nhỏ, khi thấy cô sà đến chỗ để khạp, người đó cứ nhìn cô khó hiểu, giờ Ngọc Mai mới nhận ra.

Nhìn vẻ mặt Ngọc Mai bà biết là cô gọi nhầm, bèn chỉ vào mấy cái khạp rồi cười nói: “Mấy cái này không gọi là hũ mà ở đây gọi là khạp, to hơn xíu thì gọi là cái lu.”

Hai mẹ con vui vẻ cười cười nói nói, cùng nhau đem khạp ra để bên giếng nước ngồi cọ rửa sạch sẽ, xong xuôi thì đem để phía bên ngoài cách chái nhà vài bước chân, tìm mấy cục gạch đang bị bỏ nằm lăn lóc dưới đất, lót chêm bên dưới để kê khạp lên cho chắc chắn. Cũng may giếng nước không xa chái nhà này lắm, nếu ở xa phải gánh nước rất tốn công.

Vừa vịn những cái khạp để Ngọc Mai kê gạch bà vừa lên tiếng hỏi: “Khi nào thì con làm mắm?”

“Dạ, con phải chờ có cá nhỏ đặt mua chỗ người quen đem đến, lúc đó con mới làm được.”

Nhìn Ngọc Mai đang loay hoay, bà vô cùng tò mò rất muốn xem con gái làm mắm như thế nào, định lát nữa ra về dặn dò Bá An để ý khi nào con gái làm mắm thì kêu bà qua, nhưng chợt nhớ lại ông Ba nói là Ngọc Mai muốn làm để bán nên bà cũng hơi e ngại. Không muốn con gái thấy bà đon đả nhiệt tình quá, lại nghĩ bà muốn dòm lén hay học lỏm nên thôi, chỉ dặn dò vài câu giữ gìn sức khỏe, ngồi chơi với Ngọc Mai đến khi trời tắt nắng bà mới đứng dậy ra về.

Buổi tối trước khi đi ngủ, Ngọc Mai qua gõ cửa phòng Baba nói bản thân muốn cùng ông tâm sự, ông Ba cứ nghĩ Ngọc Mai muốn nói đến mẹ nuôi của cô, đang định khuyên nhủ vài câu, không nghĩ đến Ngọc Mai đem đến tin tức làm ông thập phần kinh ngạc.

“Gì?”

Ngọc Mai rất chắc chắn là mình không nhận nhầm người nhắc lại: “Đúng vậy Baba à! sáng nay con thấy ba nhỏ.”

Ông Ba vô cùng hoang mang, ông cảm thấy sự nhận thức về thế giới quan như bị đảo lộn. Từ lúc ông đặt chân đến mảnh đất này, ông không còn là người theo chủ nghĩa duy vật, ông sâu sắc nhận ra tư duy của bản thân không theo kịp sự biến đổi của thế giới, chỉ có thể tóm gọn một câu thôi: ếch ngồi đáy giếng.

Mỗi ngày của ông đều trôi qua vô cùng đặc sắc, cuộc sống ở nơi này cứ như một cuốn sách phiêu lưu kỳ bí, mỗi sáng khi thức giấc sẽ là một câu chuyện hoàn toàn mới. Dù ông có dành cả đời để đọc, vẫn không đọc hết những câu chuyện mới trong cuốn sách đó.



Hiện tại ngay lúc này, điều ông Ba cảm khái nhất chính là biết tin người em kết nghĩa của mình vẫn còn sống, và đang lưu lạc giống như ông ở nơi đây. Em ấy tên Huy Toàn, nhỏ hơn ông năm tuổi, thường ông hay gọi là em Tư vì ông thứ ba nên gọi em ấy là thứ tư. Cái duyên để hai người kết nghĩa làm anh em cũng rất kịch tính, ông Ba lim dim hồi tưởng lại.

Trong một lần lấy thuốc bắc từ nhà cung ứng quen thuộc, không nghĩ đến nhà cung ứng đó thay đổi nơi nhập thuốc, vô tình bị lừa nhập lậu dược liệu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc mà không hay. Lô thuốc đang bị công an theo dõi, nên các cửa hàng dược liệu y học cổ truyền như của ông Ba đang được cung ứng đều bị khám xét và tịch thu.

Trong quá trình điều tra tốn rất nhiều thời gian, công sức, chạy đi chạy lại để công an lấy lời khai, tiệm thuốc thì bị đóng cửa ngừng hoạt động, để không gián đoạn những bệnh nhân đang được điều trị ông phải chạy đến từng nhà để thăm khám. Việc không liên quan gì đến ông, nhưng cũng làm ông sứt đầu mẻ trán một thời gian khá dài.

Cũng nhờ có em Tư chính là người đang tiếp nhận và thụ lý vụ án này, trong một lần ông đến cung cấp lời khai, khi ra về vô ý bị quẹt xe, ngay lúc em ấy cũng hết ca trực chạy ngang qua, thấy vậy giúp đỡ đưa ông về nhà giùm. Biết được ông đang gặp khó khăn, nên em ấy đặc biệt xem xét và giải quyết vụ việc thật nhanh chóng, những đối tượng không liên quan đều được miễn trách nhiệm, tiếp tục quay lại công việc buôn bán hàng ngày.

Sau đợt đó hai người hầu như không hề liên lạc lại, nhưng vì cảm mến tính tình nên hàng năm ông đều sẽ gửi đến đơn vị cho các anh em đồng chí chút quà trà bánh ăn tết. Bẵng đi một thời gian sau đó, vào một đêm khuya lơ khuya lắc đầu hè oi bức, ông Ba bào chế xong một số loại thuốc, đang chuẩn bị đi ngủ thì bất chợt nghe có tiếng “Bịch” khá to phía sau nhà.

Tiệm thuốc của ông Ba được thiết kế rất đơn giản, phía trước ngay sát mặt tiền đường vừa làm nơi bán, chỗ bào chế kết hợp phòng khám, phía sau là ngôi nhà hai tầng có cổng riêng thông ra hẻm nhỏ yên tĩnh, cổng này ông nhớ hồi chiều đã được đóng và khóa lại hẳn hoi, tiếng động như có vật nặng rơi này không thể là mèo hoang hay chuột quậy được.

Lấy theo cái chày giã thuốc, cẩn thận bước ra nhà sau, khi mở đèn ông thiếu điều muốn đứng tim, trước mắt là một thân người máu me be bét đang nằm lù lù bất động cạnh cầu thang, có thể anh ta leo qua ban công ở tầng hai vào. Ông Ba buồn bực lầm bầm sỉ vả bản thân, qua chuyện này phải luôn luôn nhớ đóng cửa ban công trước khi trời tối.

Sau vài chục giây chần chừ lưỡng lự giữa việc chạy ra nhà trước hô hoán mọi người, hoặc gọi 115 rồi lánh nạn nhà hàng xóm để tránh rắc rối, hay bước đến xem xét lay gọi người đó dậy tìm cách giúp đỡ, cuối cùng ông vẫn chọn vế sau cùng. Khi lật khuôn mặt người đó lên xem xét ông Ba vô cùng kinh ngạc, tay chân bắt đầu luống cuống, vì người nằm bất động này thế nhưng lại là anh chàng cảnh sát đã hỗ trợ giải quyết vụ rắc rối của ông mấy năm trước.

Anh ta bị trúng hai viên đạn, một viên ghim ở cánh tay trái, một viên thì ghim phía trước ngực, nhưng hú hồn ông địa là anh ta có mặc áo chống đạn, và điều may mắn lớn nhất đã giữ lại mạng của anh ta, là được sơ cứu cầm máu trước khi đột nhập vào nhà ông, chỉ cần ông đứng chần chờ thêm chừng một đến hai phút thì anh ta sẽ ngủm ngay.

Sau khi ông Ba lấy được đầu đạn ở cánh tay ra, thì anh ta thiếu điều chỉ còn thoi thóp. Tuy viên đạn ngay ngực không xuyên người do mặc áo chống đạn, nhưng lực ảnh hưởng làm gãy của anh ta hết ba cái xương sườn, nội tạng đều bị tổn thương không ít thì nhiều, cánh tay trái tuy không bị gãy xương vì chỉ trúng phần mềm, nhưng lực ảnh hưởng thì hầu như nát bét, dù ông đã cố hết sức cứu chữa, sau này cánh tay đó có thể hoạt động được hay không vẫn còn là một ẩn số, phải đợi khi vết thương lành hẳn mới có thể biết.

Nếu có ai ý kiến ý cò so sánh: “Sao thấy hai viên đạn có vẻ nhẹ hều, phim ảnh trúng đạn ầm ầm nặng hơn cũng có thấy bị gì như anh chàng này lắm đâu, đã mặc cả áo chống đạn mà cứ như bún thiu.”

Ông Ba sẽ sửng cồ gân cổ lên cãi lại tay đôi ngay lập tức: “Đó chỉ là phim ảnh thôi mấy cha, họ chết rồi phim đâu ra cho mấy người xem, thực tế là nếu chẳng may bị trúng đạn như anh chàng này mà không cầm máu, chưa tới năm phút ngủm hết luôn rồi.”

Sang đến trưa ngày thứ ba, sau thời gian dài hôn mê thì cuối cùng anh ta cũng chịu mở mắt. Ông Ba định bụng liên hệ 115 đến chở ân nhân của mình vào bệnh viện, kiểm tra toàn diện cho an tâm, đã làm ơn thì làm ơn cho trót, nhưng anh chàng này nhất quyết không chịu. Không chịu thì thôi, ông Ba tranh thủ đút cho ăn vài miếng cháo, uống hết chén thuốc rồi mới để anh ta ngủ tiếp.

Hai ngày vừa qua, mỗi ngày ông Ba đều dùng ống tiêm bơm thức ăn và thuốc vào miệng anh ta, vì cơ thể anh chàng này có dấu hiệu phát sốt nên hầu như ông Ba phải thức trắng đêm để canh, vừa chăm sóc người bệnh vừa trông coi tiệm thuốc làm ông cảm thấy rất phê, nhiều lúc quá mệt mỏi ông sẽ tranh thủ chợp mắt, cứ lơ mơ đâu chừng tiếng hoặc hai tiếng lại phải bật dậy ngay vì có người đến mua thuốc.

Đóng cửa luôn thì ông Ba không dám, do bị ảnh hưởng từ những bộ phim tâm lý tội phạm ông hay coi trên tivi, coi riết nên đâm ra bị nhiễm hơi nặng, cứ luôn cảm thấy ông mà đóng cửa là sẽ có người để ý đến sự khác thường của ông rồi sinh nghi ngờ hỏi thăm lung tung. Biết đâu đang có rất nhiều đối tượng khả nghi ngoài kia, đang lùng sục tìm bắt anh chàng này ngày đêm, để trừ hậu hoạn những người có mục đích xấu xa để mắt đến, nên cuộc sống thường ngày diễn ra như thế nào ông đều làm y như thế đó.



Mặc dù bị thương khá nặng, nhưng dù sao cũng là người làm ngành công an, có căn cơ sức khỏe và thể lực tốt, tịnh dưỡng chưa đến hai tháng đã có thể đi đứng bình thường, cánh tay tuy không được mạnh khỏe như cũ nhưng cũng được hơn bảy mươi phần trăm, trải qua chuyện này ông Ba cũng cảm thấy tự hào lắm lắm, ông tự chấm tay nghề của bản thân đạt điểm mười cho chất lượng.

Trong thời gian ở chung nhà, có anh ta đi ra đi vô ông cảm thấy bớt cô đơn quạnh quẽ, cũng có đôi khi ông Ba tự hỏi bản thân, vì sao anh ta không quay về cơ quan hay liên lạc với gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp mà cứ ở miết nhà ông. Dù rất thắc mắc nhưng ông Ba lại chọn im lặng không hỏi đến, để tránh anh ta cảm thấy bất tiện, hoặc phạm vào điều cấm kỵ của ngành anh ta đang làm mà rước họa vào thân.

Như có thần giao cách cảm, không để ông Ba tò mò quá lâu, vào một ngày sau khi được ông thông báo anh ta không cần phải kiêng khem món gì nữa, có thể ăn uống thoải mái, ông Ba bèn đi chợ mua đồ nấu một bàn ăn thật thịnh soạn đãi anh ta. Sau khi ăn uống no nê, lúc ngồi uống trà em ấy bất ngờ tâm sự về bản thân.

Em ấy không cha không mẹ, sống ở trại trẻ mồ côi từ nhỏ, vì không có người thân nên em ấy rất phấn đấu học tập, để mong muốn có công việc tốt sau này. Vừa đủ tuổi để rời khỏi trại trẻ mồ côi em ấy liền đi nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ thì thi tuyển vào trường Cảnh sát nhân dân, sau khi tốt nghiệp được đều về Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Em ấy cố gắng phấn đấu để thi vào ngành công an là bởi vì được nhà nước nuôi, không cần tốn tiền trang trải các loại chi phí gì. Từ lúc em ấy vào ngành đến lúc gặp ông tính ra cũng ngót nghét hơn mười năm, hiện tại vẫn chưa lập gia đình nên không có sự ràng buộc, đa số em ấy thường chọn chấp hành những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, để đỡ đần các đồng chí có gia đình khác.

Tuy em ấy không nói lý do vì sao bị bắn, nhưng biết bấy nhiêu đây cũng đủ rồi, ông Ba ngại ngùng lên tiếng hỏi xem có muốn làm em kết nghĩa của mình không, không cần suy nghĩ đến hai giây em ấy đã vui vẻ nhận lời. Sau buổi nói chuyện đó, vài ngày sau em ấy xin phép quay lại đơn vị tiếp tục ngày tháng bận rộn với công việc của bản thân.

Cứ cách mười bữa nửa tháng em ấy sẽ ghé nhà thăm ông, thỉnh thoảng còn ngủ lại qua đêm, ông Ba kêu về ở luôn nhưng mãi em ấy vẫn không đồng ý. Có đợt em ấy đi công tác hơi lâu, khi trở về biết ông vừa nhận nuôi Ngọc Mai, em ấy cũng muốn làm ba con bé. Thế là từ đó Ngọc Mai có hai người ba. Con gái gọi ông là ba lớn, gọi em Tư là ba nhỏ để phân biệt.

Em Tư cũng cùng hoàn cảnh với Ngọc Mai nên rất đồng cảm, cực kỳ chìu chuộng và thương yêu con bé. Tính tình Ngọc Mai từ nhỏ đã biết nhìn sắt mặt người lớn, nên con bé rất ngoan ngoãn làm ai tiếp xúc cũng cảm thấy yêu mến. Từ lúc có Ngọc Mai, em Tư lần đầu được làm ba nhỏ cũng rất để tâm, không còn chọn những nhiệm vụ nguy hiểm hay công tác quá dài, về nhà thường xuyên hơn, nếu không đi công tác hầu như đêm nào cũng về nhà ông ngủ.

Quà cáp, bánh trái cho Ngọc Mai hầu như ngày nào em Tư cũng chuẩn bị để sẵn cho con bé, Ngọc Mai thường vui vẻ hét toáng lên: “Gặp được ba lớn và ba nhỏ là điều may mắn nhất trong cuộc đời của con.”

Khoảng thời gian đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của em Tư và con gái nhỏ của ông. Nhưng đã là số kiếp bất hạnh thì rất thường xuyên bị cuộc đời thử thách, em Tư trong một lần chấp hành nhiệm vụ đã mất tích không rõ nguyên nhân, ông cũng không biết em Tư mất ở đâu và mất như thế nào, chỉ được cơ quan em báo tin là họ đang thực hiện theo nguyện vọng và kèm theo di chúc của em Tư để lại đưa cho ông.

Lúc biết tin Ngọc Mai rất bình tĩnh không khóc không nháo, dù ai nói gì con bé cũng không cho là ba nhỏ của nó đã mất. Ngọc Mai ăn vẫn ăn, ngủ vẫn ngủ, đi học vẫn đi học, nhưng lại lầm lì ít nói hơn, có khi mấy ngày liên tiếp cũng không hé răng nói được câu nào, chỉ khi ông kiếm chuyện gì đó để hỏi thì con bé mới trả lời. Đến ngày giỗ đầu của em Tư, con gái bỗng dưng gọi ông là Baba, nhất định không chịu gọi là ba lớn nữa, ông tò mò hỏi:

“Sao vậy con gái?”

Con bé rất bình tĩnh trả lời: “Khi con gọi Baba con đang nhắc bản thân có hai người ba nuôi, con sẽ ghép hai chữ ba lớn ba nhỏ thành một tên gọi chung cho hai người từ bây giờ đến lúc con gặp lại ba nhỏ.”

Nói xong con bé cũng không chịu cúng kiếng hay đốt nhang gì, mà bỏ đi luôn một hơi. Ông Ba đứng nhìn theo chỉ biết lắc đầu thở dài, đau lòng con gái vẫn luôn trốn tránh không chịu chấp nhận sự thật, càng thương xót cho em Tư của mình phúc mỏng mệnh ngắn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Xuyên Qua Ngàn Năm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook