Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 224

Kim Dung

27/06/2014

Nói xong y liền dẫn đường cho vợ chồng họ Đỗ và Trương Vô Kỵ, đi vòng ra sau núi vào chùa, đem ba gánh củi xếp vào trong kho, sau đó nhà sư trông coi hương tích trù tính toán tiền nong ra trả. Dịch Tam Nương nói:

- Chúng tôi có cải bẹ trắng thật ngon, ngày mai sai A Ngưu đem đến vài cân để cho các sư phó nếm thử, chỗ này không tính tiền.

Nhà sư đưa họ đến bèn cười:

- Từ mai trở đi, các người không được đến nữa. Giám thủ mà biết được, trách phạt chúng tôi thì chết.

Nhà sư coi sóc hương tích trù nhìn Trương Vô Kỵ đánh giá, bỗng nói:

- Vào độ trước sau tiết Trùng Dương, nhà chùa có khoảng hơn ngàn vị khách, gánh nước bổ củi xem chừng không xuể. Huynh đệ này tướng tá khỏe mạnh, lại đây giúp việc vài tháng, mỗi tháng trả cho năm tiền có chịu không?

Dịch Tam Nương mừng lắm, vội nói:

- Thế thì tốt quá rồi, A Ngưu ở nhà cũng không có việc gì quan trọng, đến chùa đây cho các sư phó sai phái các chuyện vặt, lại có thêm mấy lượng bạc để dành thì còn gì bằng.

Trương Vô Kỵ nghĩ ra không ổn: "Chùa Thiếu Lâm có nhiều người biết mặt ta, lỡ bất ngờ đến trù phòng thì hỏng cả, ở trong chùa hai ba tháng thể nào cũng có người nhận ra". Chàng bèn nói:

- Mẹ ơi, còn nhà con…

Dịch Tam Nương nghĩ đây đúng là chuyện nghìn năm một thuở, chỉ có thể may mà gặp chứ không thể cầu mà tới vội vàng nói:

- Thì vợ con cứ ở nhà, hay mày sợ mẹ mày hành hạ nó? Con cứ ở đây, nghe lời sai bảo của các sư phó, không được lười biếng, cứ vài ngày mẹ sẽ lại cùng với vợ con đến thăm một lần. Con nhà lớn đầu như thế mà xa mẹ một buổi cũng không xong, hay mày còn mong mẹ mày cho bú, xi đái mới chịu hay sao?

Bà ta vừa nói vừa giơ tay vò đầu Trương Vô Kỵ, hai mắt đầy vẻ thiết tha lưu luyến. Nhà sư trông coi nhà bếp lâu nay lo lắng, nghĩ đến chuyện trước sau đại hội Trùng Dương, thiên hạ anh hùng tụ hội, chuyện cơm ăn nước uống không phải dễ dàng. Giám thủ tuy cũng đã tăng viện thêm nhiều người đến giúp việc nhưng những hòa thượng đó nếu không chăm chỉ tham thiền thanh tu thì cũng nghiên cứu võ nghệ, những chuyện tạp nhạp nhà bếp có ai chịu làm. xem tại t_r.u.y.ệ.n.y_y

Những người bị giám thủ sai đến chẳng qua chuyện chẳng đặng đừng, thành ra xuống đến hương tích trù ai cũng ra vẻ ta đây, đứng coi thì nhiều, thò tay vào làm thì ít, lúc này thì cũng chẳng sao nhưng khi khách khứa kéo đến thể nào cũng rắc rối to. Nay vừa thấy Trương Vô Kỵ có vẻ chất phác chăm chỉ, nhà sư trông coi nhà bếp liền có ý muốn giữ chàng lại nên vội vàng lên tiếng khuyên lơn. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Ban ngày mình chỉ quanh quẩn trong bếp, chắc chẳng gặp cao thủ trong chùa đâu, đến đêm mình sẽ tìm cách thám thính xem nghĩa phụ ở chỗ nào, xem ra cũng tiện". Thế nhưng chàng vẫn cố ý ra vẻ trù trừ, đợi cho đến khi nhà sư dẫn chàng vào chùa đứng bên cạnh cũng lên tiếng nói đốc vào, chàng mới miễn cưỡng nhận lời, nói:

- Sư phụ, tốt hơn hết là mỗi tháng sư phụ trả cho tôi sáu tiền, năm tiền tôi đưa cho mẹ tôi, còn một tiền tôi cho vợ tôi mua vải hoa…

Nhà sư trông coi nhà bếp nghe thế liền cười ha hả nói:

- Được rồi, thế là hai bên ba mặt một lời, mỗi tháng sáu tiền cũng được.

Dịch Tam Nương lại dặn dò mấy câu rồi mới cùng Đỗ Bách Đương chậm rãi đi xuống núi. Trương Vô Kỵ đuổi theo gọi vói theo:

- Mẹ ơi, mẹ chăm sóc vợ con nhé!

Dịch Tam Nương đáp:

- Mẹ biết rồi, con cứ yên tâm.

Trương Vô Kỵ ở trong nhà bếp bổ củi xúc tro, nhóm lửa xách nước, toàn những việc không lấy gì làm thích thú. Khi xúc tro chàng cố ý để cho mặt mày lem luốc, đầu tóc bù xù, nhìn vào trong chum nước thấy bóng mình thật không ai còn có thể nhận ra. Đến đêm chàng cùng các hỏa công khác ngủ tại một phòng nhỏ ngay trong hương tích trù. Chàng biết chùa Thiếu Lâm là nơi ngọa hổ tàng long, rất có thể ngay trong đám đầu bếp cũng có người thân mang tuyệt kỹ thành thử việc gì cũng hết sức cẩn thận, cả đến nói chuyện cũng chẳng dám rỉ răng quá một lời.

Cứ như thế được bảy tám ngày, Dịch Tam Nương đưa Triệu Mẫn đến thăm chàng hai lần. Chàng chăm chỉ, từ sáng đến tối, việc gì xốc vác mấy cũng làm thành ra nhà sư trông coi hương tích trù hết sức hài lòng, đối với các đầu bếp khác cũng thật là hòa mục. Chàng không dám dò hỏi, chỉ lắng tai nghe những người khác nói chuyện may ra biết được chút tin tức nào chăng, trong bụng nghĩ thầm thể nào chẳng có người đưa cơm cho nghĩa phụ, nếu như gặp được người đó thì có thể hỏi được nơi giam giữ Tạ Tốn. Thế nhưng chàng cố gắng chờ đợi bao nhiêu ngày nhưng vẫn chẳng nghe được manh mối gì cả.

Đến chiều tối ngày thứ chín, chàng ngủ đến nửa đêm, bỗng nghe từ xa khoảng nửa dặm văng vẳng vọng tới tiếng người hò hét, bèn len lén trở dậy, bốn bề không ai hay biết liền thi triển khinh công, theo âm thanh mà lần tới, thấy tiếng từ khu rừng phía bên trái chùa nên tung mình nhảy lên một cây to, xem xét kỹ sau cây không có ai mai phục mới từ đó nhảy qua cây khác, dần dần tiến tới.



Khi đó trong rừng tiếng binh khí chạm nhau, dường như có mấy người đánh nhau ở một chỗ. Chàng náu mình sau tàn cây chỉ thấy đao quang tung hoành, kiếm ảnh thấp thoáng, tất cả sáu người chia thành hai bên đang đánh nhau. Ba người sử dụng kiếm chính là Thanh Hải tam kiếm, sắp xếp Chính Phản Ngũ Hành giả làm Tam Tài Trận, thủ thế thật là nghiêm mật. Phe tấn công là ba nhà sư, tất cả đều sử dụng giới đao, xông thẳng vào phá trận. Hai bên đánh được hai ba chục chiêu, nghe soẹt một tiếng, một người trong Thanh Hải tam kiếm bị trúng đao ngã lăn ra. Giả Tam Tài Trận bị vỡ một mặt, hai người kia không còn cách gì chống đỡ, chỉ thêm vài chiêu, một người khác "Ối" lên một tiếng thảm thiết, bị chém chết ngay, nghe giọng thì là gã lùn mập Mã Pháp Thông. Người còn lại tay phải cũng bị thương nhưng vẫn nhất quyết tử chiến. Một nhà sư quát khẽ:

- Ngừng tay!

Ba thanh giới đao vây y lại nhưng không tiếp tục tấn công. Một giọng già nua gay gắt hỏi:

- Các ngươi Tây Lương Ngọc Chân Quan và chùa Thiếu Lâm chúng ta không thù không oán, sao nửa đêm đến đây xâm phạm là sao?

Người còn lại trong ba người của phái Tây Lương là Thiệu Hạc, buồn bã nói:

- Ba sư huynh đệ bọn ta đã thua rồi, chỉ oán mình học nghệ chưa tinh, còn hỏi han làm gì?

Người giọng già nua kia cười khẩy:

- Các ngươi vì Tạ Tốn mà đến đây, chắc muốn lấy thanh đao Đồ Long chứ gì? Ha ha, ta chưa từng nghe Tạ Tốn giết ai trong Ngọc Chân Quan, thì hẳn là vì bảo đao mà đến. Với tài nghệ như trẻ con thế mà cũng xông vào chùa Thiếu Lâm ư? Phái Thiếu Lâm là lãnh tụ võ lâm đã hơn nghìn năm nay, không ngờ lại bị người ta coi thường đến thế.

Thiệu Hạc lợi dụng khi y đang cao hứng liền đâm vụt ra một kiếm. Nhà sư kia vội vàng tránh qua nhưng vẫn chậm mất một chút, kiếm đâm ngay vào vai bên trái. Hai tăng nhân ở hai bên liền vung đao chém xuống, Thiệu Hạc liền lập tức đầu một nơi mình một nẻo.

Ba nhà sư không nói nửa lời, nhặt mấy cái xác lên, vội vàng đi về phía chùa. Trương Vô Kỵ toan đuổi theo xem ra thế nào, bỗng nghe trong đám cỏ cao ở phía bên phải đằng trước có tiếng thở nhè nhẹ, nghĩ thầm: "Nguy hiểm thực, hóa ra có người ẩn núp nơi đây". Chàng liền nằm yên không động đậy, qua khoảng nửa giờ sau, mới nghe trong bụi cỏ có hai tiếng vỗ tay, đằng xa cũng có người vỗ tay đáp lại, trước sau trên dưới có sáu nhà sư trồi lên, kẻ cầm thiền trượng, người mang đao kiếm, chia ra thành hình nan quạt quay trở về chùa.

Trương Vô Kỵ đợi cho sáu tăng nhân đó đi xa rồi mới quay về nhà bếp, những người ngủ chung vẫn đang ngon giấc chưa ai thức dậy. Chàng trong bụng than thầm: "Nếu như không phải chính mắt ta trông thấy thì có ai ngờ đâu chỉ trong giây lát, ba hảo hán kia đã bị giết chết không kịp trối trăng". Từ đó trở đi, chàng biết rằng chùa Thiếu Lâm phòng bị rất là nghiêm nhặt không phải bình thường nên lại càng cẩn thận hơn nữa.

Lại thêm vài ngày nữa đã đến giữa tháng tám, mỗi ngày lại gần tiết Trùng Dương thêm một chút. Chàng tự nhủ: "Ta ở trong hương tích trù làm những việc cực nhọc này, vậy mà cũng không sao dò hỏi được nghĩa phụ đang ở nơi đâu, tối nay phải mạo hiểm đi các nơi tra xét mới được".

Đêm hôm đó chàng ngủ đến canh ba liền len lén trở dậy, tung mình nhảy lên mái nhà, nấp sau nóc chùa, đợi tới khi vừa yên ổn đã thấy hai bóng người nhẹ nhàng lướt từ phía nam chạy về hướng bắc, tăng bào phần phật, giới đao sáng loáng chính là những nhà sư trong chùa đi tuần ngang qua.

Đợi cho hai nhà sư đó qua khỏi rồi, chàng tiến lên vài trượng lại nghe trên mái ngói có tiếng chân người, hai tăng nhân khác nhảy qua, người này vừa qua thì người khác tới, đan chéo vào nhau tuần tra thật là sít sao, e rằng đến hoàng cung nội điện cũng chưa bằng được.

Chàng thấy tình hình như thế, liệu rằng nếu tiếp tục tiến lên thể nào cũng bị phát giác, đành phải bỏ cuộc quay về.

Lại thêm ba ngày nữa, tối hôm đó sấm chớp ầm ầm, trời đổ một trận mưa rào. Trương Vô Kỵ mừng lắm, nghĩ thầm: "Thật là trời giúp ta". Mưa mỗi lúc một to, bốn bề tối đen như mực, chàng liền lẻn ra chạy về phía tiền điện, trong bụng nghĩ: "La Hán Đường, Đạt Ma Đường, Bát Nhã Viện, Phương Trượng tinh xá bốn nơi là yếu địa của chùa Thiếu Lâm, mình phải đến đó thám thính mới được". Thế nhưng chùa Thiếu Lâm phòng ốc san sát, thật không sao biết được đâu là La Hán Đường, đâu là Bát Nhã Viện. Chàng lấp ló từ từ tiến lên, đến một khu rừng tre, thấy đằng trước có một căn nhà nhỏ, song cửa chiếu ra ánh đèn. Khi đó người Trương Vô Kỵ đã ướt đẫm, những hạt mưa to bằng hạt đậu rơi đập lên người lên mặt, từng giọt từng giọt văng trở lại. Chàng rón rén đến gần căn nhà kia, nghe thấy trong nhà có người nói chuyện, chính là tiếng của Không Văn đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm.

Ông ta nói:

- Vì cái gã Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn kia mà trong tháng vừa qua phái Thiếu Lâm đã giết chết hai mươi ba người, tạo nhiều sát nghiệp, thực trái với đức từ bi của nhà Phật. Quang Minh tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu, hữu sứ là Phạm Dao, Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính, Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu, trước sau đều sai người đến chùa Thiếu Lâm xin chúng ta thả Tạ Tốn ra…

Trương Vô Kỵ nghe nói thế, trong dạ vui mừng: "Thì ra ông ngoại ta cùng bọn Dương tả sứ cũng đã hay được tin tức và cũng đã cử người đến rồi". Lại nghe Không Văn nói tiếp:

- Bản tự tuy đã thoái thác nhưng Minh Giáo lẽ nào lại chịu bỏ qua? Trương giáo chủ võ công xuất thần nhập hóa, tới nay vẫn chưa thấy ra mặt, e rẳng có tính toán âm mưu gì bên trong. Ta và Không Trí sư đệ được y ra tay cứu cho, còn nợ người ta một món ân tình, nếu như đích thân đến đây xin thì chúng ta biết ăn nói ra làm sao? Chuyện này quả thật là khó. Sư đệ, sư điệt, hai vị có cao kiến gì không?

Một giọng già nua lạnh lùng khẽ đằng hắng một tiếng, Trương Vô Kỵ nghe thấy giật bắn người, biết ngay đó là giọng của Thành Côn, kẻ cải danh Viên Chân. Người đó Trương Vô Kỵ chưa từng đối diện nói chuyện nhưng khi trước trên Quang Minh Đỉnh nằm ở trong cái túi nghe y kể lại chuyện cũ, rồi lại nghe y quát tháo ở sau tảng đá nên khẩu âm nghe đã quen thuộc. Trong chớp mắt chàng chợt nhớ đến khi còn ở chung một chỗ với Tiểu Chiêu, trong lòng cảm thấy bùi ngùi, vừa êm đềm, vừa chua xót.

Chàng nghe Viên Chân nói:

- Tạ Tốn có ba vị thái sư thúc canh gác, ắt không thể nào sơ sẩy điều gì được. Cái Anh Hùng Đại Hội kỳ này có quan hệ đến uy danh, hưng suy vinh nhục của phái Thiếu Lâm chúng ta trong hàng nghìn, hàng trăm năm nay, cái ơn nhỏ của ma giáo kia, phương trượng sư thúc chẳng cần phải khắc khoải làm chi. Huống chi việc xảy ra tại chùa Vạn An chính là do ma giáo ngầm cấu kết với triều đình để gây khó khăn cho lục đại môn phái, chẳng lẽ phương trượng sư thúc lại không hay biết gì sao?

Không Văn ngạc nhiên hỏi:

- Minh giáo cấu kết với triều đình là thế nào?



Viên Chân nói:

- Trương giáo chủ của Minh Giáo vốn dĩ kết thân với Chu cô nương chưởng môn phái Nga Mi, ngay ngày làm lễ cưới, quận chúa nương nương của Nhữ Dương Vương bỗng dưng dắt tay tên tiểu tử họ Trương hai người bỏ trốn, chuyện này dấy động giang hồ, phương trượng sư thúc chắc cũng đã nghe tới rồi.

Không Văn đáp:

- Quả đúng thế, ta có nghe chuyện đó rồi.

Không Trí trầm ngâm rồi nói:

- Nếu quả là như thế, Trương Vô Kỵ và quận chúa kia quả có ngầm cấu kết với nhau, đưa cô ta ra bắt giữ các thủ lãnh của lục đại môn phái rồi do Trương Vô Kỵ giả vờ cứu để lấy lòng.

Viên Chân nói:

- Chuyện đó mười phần thì đến tám chín là như thế.

Không Văn nói:

- Ta xem Trương giáo chủ trung hậu hiệp nghĩa, dường như không phải là hạng người làm vậy, mình không nên trách lầm người tốt.

Viên Chân nói:

- Phương trượng sư thúc minh giám, người đời có nói rằng: "Biết người biết mặt chứ sao biết được lòng". Gã Tạ Tốn kia là nghĩa phụ của Trương Vô Kỵ, lại là một trong tứ đại hộ giáo pháp vương của ma giáo, ma giáo thể nào cũng hết sức cứu y cho bằng được, đến kỳ đại hội Đồ Sư này mọi chuyện sẽ rõ ràng.

Sau đó ba người bàn tính sẽ tiếp đãi khách khứa thế nào, làm sao chống giữ kẻ địch đến cướp Tạ Tốn, rồi xem các môn phái có những ai là cao thủ. Viên Chân thì muốn khích cho các phái đánh lẫn nhau, đợi đến khi tất cả mọi bên đều bại cả, lúc đó phái Thiếu Lâm sẽ ra mặt thu lợi, trấn áp thu phục các môn phái, chưởng quản thanh đao Đồ Long một cách danh chính ngôn thuận rồi giết Tạ Tốn tế Không Kiến thần tăng.

Không Văn vẫn hết sức e dè, không muốn làm tổn thương thêm nhân mạng để đắc tội với đồng đạo võ lâm, lại dường như có phần không muốn làm mất lòng Minh Giáo.

Còn Không Trí thì nước đôi, nói:

- Nói đi nói lại, chuyện quan trọng hơn hết là làm sao ép cho Tạ Tốn nói ra thanh đao Đồ Long nay đang ở đâu, nếu không chuyến này đại hội Đồ Sư xôi hỏng bỏng không, ngược lại hóa ra làm tổn thương uy vọng của bản phái.

Không Văn nói:

- Sư đệ nói phải lắm. Chúng ta phải làm sao trong đại hội này dương đao lập uy, nói cho mọi người biết thanh đao Đồ Long võ lâm chí tôn kia đã thuộc về bản phái chưởng quản, khi đó bản phái hiệu lệnh thiên hạ thì còn ai là kẻ không tuân theo.

Không Trí nói:

- Hay lắm, cứ thế mà làm. Viên Chân, ngươi tìm cách nào nói chuyện với Tạ Tốn thêm một lần nữa, bảo y giao bảo đao ra, chúng ta sẽ tha mạng cho y.

Viên Chân đáp:

- Vâng! Cẩn tuân lời sai bảo của hai vị sư thúc.

Có tiếng chân người nhẹ nhàng, Viên Chân đã đi ra. Trương Vô Kỵ trong bụng mừng thầm, biết ba nhà sư Thiếu Lâm này võ công cực kỳ cao cường, chỉ cần hơi có tiếng động, lập tức sẽ bị phát giác ngay, nếu như cả ba cùng ra tay một lượt, một mình e rằng khó mà thủ thắng, giỏi lắm thì chỉ thoát thân được thôi, còn việc cứu nghĩa phụ thì quả là khó khăn vô cùng. Nghĩ thế chàng bèn nín thở bất động.

Chỉ thấy thân hình gầy cao của Viên Chân đi về hướng bắc, tay cầm một cái dù phất bằng giấy dầu, mưa nặng hột đập lên chiếc ô kêu lộp bộp. Trương Vô Kỵ đợi y đi ra khoảng chừng hơn chục trượng rồi lúc ấy mới nhẹ nhàng cất bước, đi theo sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook