Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 43

Kim Dung

27/06/2014

Từ sau cuộc nói chuyện này, Tạ Tốn không đề cập gì đến việc đó nữa, nhưng càng thúc ép Vô Kỵ luyện công, trở nên nghiêm nhặt dị thường. Vô Kỵ lúc này bất quá mới chín tuổi đầu, tuy thông minh, nhưng trong một thời gian ngắn làm sao lãnh hội được võ công trên đời hiếm có của Tạ Tốn được? Tạ Tốn lại dạy cho nó cách chuyển hoán huyệt đạo, giải trừ các huyệt đạo bị đóng, là công phu rất cao thâm trong võ học. Vô Kỵ đến huyệt đạo còn chưa nhận ra được, lại không có căn cơ nội công, sao học cho nổi? Tạ Tốn vừa đánh vừa la mắng, không cho thằng bé được nghỉ ngơi giây phút nào.

Ân Tố Tố thấy trên người con chỗ thì xanh, chỗ thì tím, thương thằng bé vô hạn, nói với Tạ Tốn:

- Đại ca, thần công của đại ca cái thế, trong vòng vài ba năm, làm sao Vô Kỵ luyện thành cho được? Trên hoang đảo này thời giờ vô hạn, sao đại ca không từ từ dạy cho cháu?

Tạ Tốn nói:

- Hừ, từng chiêu từng thức một mà luyện thì biết bao giờ cho kịp? Ta chỉ cần nó nhớ, sao nhớ kỹ được trong đầu là đủ.

Ân Tố Tố không hiểu nguyên do, nhưng biết vị đại ca này hành sự khác người, mọi sự tùy mình mà làm. Thế nhưng khi thấy trên mình thằng bé lằn ngang lằn dọc, chỉ còn nước ôm con vỗ về một hồi. Thế nhưng Vô Kỵ hiểu rõ nguyên do, nói:

- Mẹ ơi, nghĩa phụ muốn con giỏi, càng đánh nhiều thì càng nhớ kỹ đó.

Cứ như thế độ già nửa năm. Một buổi sáng sớm, Tạ Tốn bỗng nói:

- Ngũ đệ, ngũ muội, chỉ còn bốn tháng nữa gió sẽ chuyển sang hướng nam, bây giờ mình chuẩn bị đóng bè là vừa.

Trương Thúy Sơn vừa mừng vừa sợ, hỏi lại:

- Đại ca nói là đóng bè để về Trung Thổ đấy ư?

Tạ Tốn lạnh lùng đáp:

- Cái đó cũng còn để xem lão thiên có tốt bụng không, vì "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Thành công thì về được, còn không thì vùi thây nơi biển cả.

Cứ như bản tâm Ân Tố Tố, ba người cứ ở trên cái hoang đảo này, tiêu dao tự tại, việc gì phải mạo hiểm quay về làm gì, thế nhưng khi nghĩ đến Vô Kỵ lớn lên làm sao lấy vợ sinh con, một đời mai một, nàng lại vui vẻ khởi công làm bè. Trên đảo không thiếu gì cây cao cổ thụ, vì ở chốn lạnh lẽo, sinh trưởng chậm rãi, thớ gỗ thật bền chắc, cứng như sắt đá. Tạ Tốn và Trương Thúy Sơn hì hục chặt cây, còn Ân Tố Tố thì tết dây, dùng da thú may buồm, còn Vô Kỵ chạy qua chạy lại đưa tin.

Cũng may Tạ Tốn và Trương Thúy Sơn võ công tinh thâm, Ân Tố Tố cũng không phải là loại phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng có điều thiếu dụng cụ đầy đủ, thành thử việc làm bè mất nhiều công lao mà thành tựu không được mấy.

Đến khi làm bè gần xong, Tạ Tốn bắt Vô Kỵ ở bên cạnh mình, tra hỏi sở học võ công. Bấy giờ Trương Ân không còn tị hiềm mà phải tránh ra chỗ khác nữa, nghe nghĩa phụ, nghĩa tử hai người một hỏi một đáp, toàn là khẩu quyết mà thôi. Tạ Tốn thậm chí còn dạy cả đao pháp, kiếm pháp, nhưng cũng toàn bắt Vô Kỵ nhớ thuộc lòng như kiểu đọc sách. Cái phương pháp "dạy võ mà như học văn" này thật là lạ kỳ, không nửa lời giải thích, chẳng khác gì một ông thầy đồ dở mùa dạy trẻ, bắt trẻ con đọc tụng "thi vân, tử viết" như cháo chảy. Ân Tố Tố đứng bên nghe thấy, không khỏi thương thằng bé, nghĩ bụng không cứ gì trẻ con, dù cho người lớn tinh thông võ học, cũng chưa chắc đã nhớ nổi biết bao nhiêu chiêu thức, khẩu quyết, lại không thi diễn, chỉ nhớ xuông trong đầu thì có ích lợi gì? Chẳng lẽ chỉ đọc vài câu khẩu quyết đã có thể thắng địch hay sao? Huống chi Vô Kỵ chỉ đọc sai một chữ, lập tức Tạ Tốn giáng cho một bạt tai ngay. Tuy y không sử nội kình, nhưng cũng đủ cho thằng bé sưng một bên má cả nửa ngày trời.

Cái bè đó làm mất hơn hai tháng mới xong, dựng thêm cột buồm lớn, cột buồm nhỏ lại mất thêm hơn nửa tháng nữa. Tiếp theo đi săn bắn, muối thịt, may bao da chứa nước uống. Đến khi mọi việc đầy đủ thì ngày đã thật ngắn, đêm lại thật dài, vậy mà gió vẫn chưa chuyển hướng.

Ba người làm một cái lều tranh ngay bên cạnh bờ bể để che cho cái bè, đợi gió thổi về nam, là cho bè xuống nước. Lúc đó Tạ Tốn không rời Vô Kỵ một bước, đến đêm ngủ, cũng bắt thằng bé ngủ với mình. Vợ chồng Trương Thúy Sơn thấy đối với con mình vừa nghiêm khắc vừa thân thiết như thế, chỉ còn cách nhìn nhau cười gượng.

Một đêm khuya, Trương Thúy Sơn đang ngủ, nghe thấy tiếng gió có chiều khác lạ. Chàng tỉnh giấc ngồi dậy, thấy quả nhiên gió đã từ phương bắc thổi xuống, vội lay Ân Tố Tố dậy, vui mừng nói:

- Nàng nghe kìa!

Ân Tố Tố còn đang nửa tỉnh nửa mê chưa kịp trả lời, đã nghe tiếng Tạ Tốn từ ngoài động nói vọng vào:

- Chuyển sang gió bắc rồi, chuyển sang gió bắc rồi.

Trong giọng nói dường như có tiếng nghẹn ngào, thổn thức, trong đêm khuya nghe thật thê lương, sầu khổ. Sáng hôm sau, vợ chồng Trương Thúy Sơn vui vẻ không biết chừng nào, thu thập hành trang. Thế nhưng đã ở trên đảo này mười năm trời, nay phải ra đi, lòng không khỏi bùi ngùi quyến luyến. Cho đến khi mọi thứ đều chuyển lên trên bè xong thì đã chính ngọ, ba người hợp lực đẩy bè xuống nước. Vô Kỵ là người nhảy lên bè trước tiên, kế đó là Ân Tố Tố.

Trương Thúy Sơn nắm tay Tạ Tốn, nói:

- Đại ca, cái bè cách đây sáu thước, hai người mình cùng nhảy lên nào.

Tạ Tốn nói:

- Ngũ đệ, huynh đệ mình từ nay vĩnh biệt, mong các đệ bảo trọng lấy thân.

Trương Thúy Sơn bất giác giật mình, chẳng khác gì bị ai đánh một quyền trúng ngực, kêu lên:

- Đại ca… huynh…

Tạ Tốn nói:

- Ngũ đệ tâm địa nhân hậu, mong rằng phúc trạch thật dày, có điều trái phải, thiện ác hơi cố chấp, nên cẩn thận. Vô Kỵ bụng dạ rộng rãi, xem ra sau này hành sự xử thế, so với đệ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ngũ muội tuy là phận nữ nhi, nhưng không chịu kém ai. Người mà ta lo hơn cả, chính là hiền đệ đó.



Trương Thúy Sơn càng nghe càng kinh hoảng không tin nổi, run run nói:

- Đại ca nói sao? Đại ca không cùng… không cùng đi với gia đình tiểu đệ ư?

Tạ Tốn nói:

- Mấy năm trước đây, ta đã từng nói với hiền đệ rồi, không lẽ đệ quên rồi ư?

Mấy câu đó lọt vào tai Trương Thúy Sơn chẳng khác gì tiếng sấm, bấy giờ mới nhớ lại, hồi đó Tạ Tốn đã từng nói sẽ không rời hòn đảo này, nhưng về sau không đề cập đến, Trương Ân hai người vì thế không để tâm. Ngay cả khi đóng bè, Tạ Tốn cũng không hề lộ ra một tí gì dự định sẽ một mình ở lại, nào ngờ đến phút khởi hành, bấy giờ mới nói ra. Trương Thúy Sơn vội nói:

- Đại ca, một mình đại ca ở đây tịch mịch thê lương có gì là vui thú, mau nhảy xuống bè đi.

Nói rồi tay sử kình, dùng sức lôi y lên. Nhưng thân hình Tạ Tốn chẳng khác gì một cây đại thụ mọc rễ xuống đất, không hề lay chuyển. Trương Thúy Sơn kêu lên:

- Tố Tố, Vô Kỵ, mau lên trở lại đi. Đại ca nói là không đi với mình đâu.

Ân Tố Tố và Vô Kỵ nghe nói thế đều giật mình kinh hãi, cùng nhảy lên bờ. Vô Kỵ nói:

- Nghĩa phụ, sao cha không đi? Cha không đi con cũng không đi.

Tuy trong lòng Tạ Tốn không muốn rời ba người chút nào, vì đã ra đi là quyết không bao giờ có dịp gặp lại, còn y sẽ lênh đênh cô khổ trên hoang đảo, thực là sống mà như chết. Thế nhưng y với Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố ba người kết nghĩa kim lan, y lo lắng cho hai người còn hơn đối với bản thân nữa. Đối với đứa con nuôi Vô Kỵ, y yêu nó còn hơn con ruột. Tạ Tốn suy nghĩ lâu nay, biết mình có nợ máu với nhiều người, trên giang hồ bất luận là danh môn chính phái hay lục lâm hắc đạo, không biết bao nhiêu người muốn giết y, huống chi thanh đao Đồ Long lại ở trong tay, việc đó khó mà không tiết lộ ra ngoài. Giá như ngày xưa, y hiên ngang nào có sợ gì ai, nhưng bây giờ hai mắt đã mù, quyết không sao chống đỡ nổi một số đông kẻ thù cùng vi công, mà cả nhà Trương Thúy Sơn ắt chẳng thể thõng tay không can thiệp, cho nên nếu như tranh chấp xảy ra, dù mình chết đi thì cả bọn cũng không một ai sống sót. Nếu như trở về đại lục, e rằng bốn người không sống được quá nửa năm, một năm. Thế nhưng những suy nghĩ đó y không thể nói trước cho hai người biết, nên đành đợi đến phút cuối cùng mới nói ra cái ý định sẽ ở lại.

Y nghe Vô Kỵ nói mấy lời thật chân tình, nên bồng nó lên, dịu dàng nói:

- Vô Kỵ, con ơi, con nghe nghĩa phụ nói. Nghĩa phụ năm nay tuổi đã cao rồi, mắt lại mù, ở đây thật là sung sướng, về lại Trung Nguyên e rằng mọi nơi mọi chốn đều không quen, hóa ra lại không khoái hoạt.

Vô Kỵ nói:

- Về đến Trung Nguyên rồi, hài nhi ngày ngày hầu hạ cha, không rời cha nửa bước. Cha muốn ăn gì uống gì, con đem tới ngay, thì cũng chẳng khác gì ở đây sao?

Tạ Tốn lắc đầu đáp:

- Không được đâu. Ta thích ở đây hơn.

Vô Kỵ nói:

- Con cũng thích ở đây nữa. Cha, mẹ, hay tất cả đừng đi nữa, ở đây tốt hơn.

Ân Tố Tố nói:

- Đại ca có điều gì lo lắng, xin nói rõ ra. Tất cả bọn mình cùng thương lượng tính toán. Còn để đại ca một mình ở đây thì không thể được.

Tạ Tốn nghĩ thầm: "Ba người này đối với ta tình sâu nghĩa nặng, nếu nói họ bỏ ta mà đi thì e có nói đến rã lưỡi, cũng không xong. Nhưng mình phải tìm cách nào bắt họ phải đi bây giờ?". Trương Thúy Sơn bỗng nói:

- Đại ca, đại ca sợ kẻ thù quá nhiều, làm liên lụy đến chúng tôi, phải không? Bốn người mình về đến Trung Nguyên rồi, kiếm chỗ hoang vắng nào đó mà sống, không để cho người ngoài lai vãng, như thế không còn lo gì nữa. Tốt nhất là tất cả mình lên núi Võ Đang ở, ai mà nghĩ rằng Kim Mao Sư Vương lại ở trên đó.

Tạ Tốn kiêu ngạo đáp:

- Hứ, đại ca của ngươi tuy chẳng bằng, nhưng cũng đâu đến nỗi phải dưới mái của tôn sư Trương chân nhân che chở.

Trương Thúy Sơn hối hận mình đã lỡ lời, vội nói:

- Võ công đại ca cũng đâu kém gì sư phụ của đệ, nào có cần phải che chở. Hồi Cương, Tây Tạng, hay miền sa mạc cực bắc, nơi đâu mà chẳng có chỗ cho bốn người mình tự tại tiêu dao?

Tạ Tốn lắc đầu:

- Nếu tìm nơi hoang tích để ở, trên thiên hạ còn có chỗ nào hơn chính nơi đây? Các ngươi có đi hay không thì bảo?

Trương Thúy Sơn nói:

- Đại ca không đi, ba người chúng tôi cũng nhất quyết không đi.

Ân Tố Tố và Vô Kỵ cùng nói:



- Nếu ông không đi, mọi người chúng ta đều ở lại.

Tạ Tốn thở dài:

- Được rồi, tất cả đều ở lại. Đợi khi nào ta chết rồi, các ngươi hãy đi cũng chưa muộn.

Trương Thúy Sơn nói:

- Đúng thế, mình đã ở đây mười năm rồi, đâu có gấp gáp gì.

Tạ Tốn lớn tiếng quát:

- Sau khi ta chết đi, các ngươi chắc không còn gì lưu luyến, phải không?

Ba người còn đang ngạc nhiên, thấy y đưa tay ra, soạt một tiếng, rút phắt thanh đao Đồ Long, đưa lên cổ cắt ngang. Trương Thúy Sơn kinh hãi, kêu lên:

- Đừng cắt trúng Vô Kỵ.

Chàng biết với võ công của mình, không thể nào cản trở nghĩa huynh hoành đao tự tận, trong cơn nguy cấp kêu y đừng cắt trúng Vô Kỵ. Tạ Tốn quả nhiên khựng lại, thu đao, quát:

- Cái gì?

Trương Thúy Sơn thấy y cương quyết như thế, nghẹn ngào nói:

- Đại ca nếu quyết ý như thế, tiểu đệ đành phải bái biệt.

Nói rồi quỳ xuống lạy mấy lạy. Vô Kỵ lớn tiếng nói:

- Nghĩa phụ không đi, con cũng không đi. Nghĩa phụ tự tận, con cũng tự tận. Đại trượng phu nói sao làm vậy, cha vung đao cứa cổ, con cũng vung đao cứa cổ.

Tạ Tốn quát lên: Nguồn tại http://truyenyy[.c]om

- Trẻ con chỉ nói bậy nói bạ.

Nói rồi nắm cổ thằng bé, cầm nó ném lên trên bè, liền theo hai tay chụp Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố vứt theo, lớn tiếng nói:

- Ngũ đệ, ngũ muội, Vô Kỵ, lên đường thuận gió, mong các người bình an, sớm về Trung Thổ.

Lại nói:

- Vô Kỵ, khi con về đến Trung Thổ rồi, nên tự xưng là Trương Vô Kỵ, ba chữ Tạ Vô Kỵ chỉ nên để trong bụng, tuyệt đối đừng có nói ra.

Vô Kỵ kêu lên:

- Nghĩa phụ, nghĩa phụ.

Kêu được vài tiếng thì khóc lớn. Tạ Tốn vung đao lên dọa:

- Các ngươi mà còn lên bờ, thì tình nghĩa từ đây đoạn tuyệt.

Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố thấy nghĩa huynh tâm ý kiên quyết, không thể nào đổi được, chỉ còn nước gạt lệ giơ tay từ biệt. Bấy giờ hải lưu lay động bè gỗ, từ từ trôi ra, thấy hình bóng Tạ Tốn mờ dần, từ từ nhỏ lại. Một lúc thật lâu sau, mãi đến khi không còn thấy thân hình y, ba người mới quay đầu lại. Vô Kỵ nằm phục trong lòng mẹ, khóc đến khi hết hơi, rồi ngủ thiếp đi.

Chiếc bè trôi trên biển, quả nhiên từ đó đều là gió bắc, thổi chiếc bè về phương nam. Trong biển cả mênh mông, không nhận biết phương hướng, nhưng thấy mỗi ngày mặt trời mọc ở phía bên trái, lặn ở phía bên phải, còn đến đêm vì sao Bắc Đẩu lấp lánh phía sau, và chiếc bè vẫn không ngừng di động, nên biết rằng họ mỗi ngày một gần Trung Nguyên.

Trong hai mươi ngày đầu, Trương Thúy Sơn còn sợ chiếc bè va phải băng sơn, nên chỉ giương nửa chiếc buồm nhỏ ở cột buồm phụ, đi tuy có chậm thật nhưng an toàn, dù có đụng phải băng sơn, cũng chỉ chao đảo, rồi lại dạt ra. Đến khi đã ra khỏi vùng băng sơn rồi, họ mới giương tất cả buồm lên.

Gió bắc ngày đêm không chuyển hướng, chiếc bè trôi mỗi lúc một nhanh, cũng may đang mùa xuân trên đường không gặp gió bão, xem ra việc về được cố hương hi vọng có đến bảy, tám phần. Suốt thời gian đó, Trương Ân hai người sợ Vô Kỵ thương tâm, nên không nói đến Tạ Tốn. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: "Võ công đại ca truyền cho Vô Kỵ, có dùng được hay không, cũng khó mà nói. Vô Kỵ về đến Trung Thổ rồi, thể nào cũng gia nhập phái Võ Đang của ta". Ở trên chiếc bè, ngày dài không biết làm gì, chàng bèn truyền lại cho con các công phu nhập môn về quyền pháp, chưởng pháp. Phương pháp chàng dạy so với Tạ Tốn cao minh hơn nhiều, căn bản phái Võ Đang lại không khó, chỉ cần giảng vài lần, chỉ điểm thêm một chút, Vô Kỵ liền học được ngay. Hai cha con ở trên chiếc bè sách chiêu tập dượt.

Hôm đó Ân Tố Tố thấy mặt biển sóng êm, chiếc bè căng gió xuôi nam, không nhịn nổi nói:

- Đại ca không những võ công tinh thâm, lại tính toán thiên thời địa lợi đều chính xác, quả là kỳ tài.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook