Bạc Hà Đồ My Lê Hoa Bạch

Quyển 1 - Chương 21: Nam Vân, Bắc Tuyết, Lũng trung Hoa

Điện Tuyến

19/03/2014

Thế cục này tất cả được chia làm năm quốc gia, lấy Tiêu Sơn và Kỳ Thủy làm ranh giới ngăn cách Nam bộ và Bắc bộ. Nam bộ có Hương Trạch Quốc ở phía đông nam (nổi tiếng với tuyến đường thủy chằng chịt) và Tây Lũng Quốc ở phía tây nam (có đặc thù là rất nhiều núi non đan xen vào nhau); Bắc bộ có ba quốc gia, từ tây sang đông lần lượt là Thần Tinh Quốc, Bắc Cánh Quốc và Tuyết Vực Quốc, phần lớn lãnh thổ của ba quốc gia này luôn có tuyết bao phủ

Năm Khang Thuận thứ mười hai, Bát hoàng tử của Tuyết Vực Quốc là Tử Hạ Phiêu Tuyết, năm ấy vừa tròn mười bốn tuổi, dấy binh tiến vào đại điện Vĩnh Đức, giết cha đăng cơ, đổi niên hiệu của Tuyết Vực Quốc thành “Thiên Khải”. Khắp Tuyết Vực Quốc đều rung động, triều đình và dân chúng dùng ngòi bút làm vũ khí phê phán tân vương, rằng: “Mất hết đạo đức và luân thường đạo lý, mất đi nhân tính, vì vương vị mà tự tay đâm chết phụ thân”, rồi khẳng định rằng: “đánh mất lòng dân, chắc chắn tại vị không quá một tháng.” Không ít cựu thần trung thành liên kết với nhau dâng tấu từ quan, Tử Hạ Phiêu Tuyết không phê chuẩn, họ liền cấu kết bỏ chức quan tập thể, rồi bỏ về quê. Tử Hạ Phiêu Tuyết cũng không quan tâm, mở rộng khoa cử, đặc cách dùng người, đề bạt không ít những người trẻ tuổi có triển vọng, coi trọng chí sĩ; lại khuyến khích nông dân trồng dâu nuôi tằm, phát triển kinh tế; biết người, khéo dùng; cho phép can gián, dần dần khiến Tuyết Vực Quốc lộ ra cảnh phồn vinh. Nhưng thế lực phản đối trong triều đình và dân chúng vẫn không ít, nhất là các vương tử còn lại, càng trừng mắt nhằm về hắn.

Lâm triều không lâu sau, trưởng huynh Ngọc Bằng Phiêu Tuyết khởi binh ở Cánh Châu, tự xưng là thượng tướng, dùng mười vạn binh mã thảo phạt, đánh thẳng vào Ngự Đô, bị Tử Hạ Phiêu Tuyết kiên cường, quả cảm trấn áp, đem Ngọc Bằng Phiêu Tuyết xử tử lăng trì. Lần khởi binh này mặc dù được bình định rất nhanh chóng, nhưng thế lực ngấm ngầm chống đối vẫn còn rất lớn. Những người này “Bí mật chung chí khí thảo phạt”, chuẩn bị thời điểm để lật đổ sự thống trị của Tử Hạ Phiêu Tuyết. Do bọn họ chưa khởi binh tạo phản nên không thể dùng đại quân chinh phạt, chỉ có thể dùng sự tàn nhẫn, khốc liệt, lạm dụng hình pháp để trừng phạt. Vì thế có người kiến nghị với tân vương rằng cần phải “Diệt tận gốc chư vương hoàng thất cùng công khanh thì sẽ không phụ chính mình.” Vậy nên Tử Hạ Phiêu Tuyết liền bắt đầu nâng đỡ quan lại tàn ác, mở rộng ngục thất, coi trọng hình phạt hà khắc. Lợi dụng ác quan để diệt trừ phe đối lập, tiêu diệt kẻ thù chính trị.

Các loại cực hình tàn nhẫn cực đoan, tấn công nghiêm trọng vào những người chống đối lại Tử Hạ Phiêu Tuyết, làm suy yếu thế lực của bọn họ, khiến Tử Hạ Phiêu Tuyết thay đổi triều đại, củng cố chính quyền, quét dọn mọi cản trở. Cũng bởi cách dùng ác quan rầm rộ cùng với việc giết cha, diệt huynh tàn độc nên dân gian gọi hắn là “Yêu vương”.

Phiêu Tuyết là vương họ của Tuyết Vực Quốc, họ đặt ở cuối, Tử Hạ Phiêu Tuyết sinh vào nửa đêm mùa hạ, vì thế mà thành tên. Có người nói khi mới sinh ra hắn đã có một đôi mắt màu tím, môi hồng răng trắng, xinh đẹp yêu mị như nữ tử, ngay lúc đó, quốc vương Sở Long Phiêu Tuyết cho là điềm xấu, từ nhỏ liền không yêu thương Tử Hạ Phiêu Tuyết, tất cả các huynh đệ cũng đều bài xích hắn. Thế nhưng ngay từ nhỏ, Tử Hạ Phiêu Tuyết đã lộ rõ sự thông minh hơn người, phàm bất cứ văn tự gì đã gặp qua đều không quên, sáu tuổi vì cốt cách đặc biệt nên được tôn sư thánh giáo Tương Trung ngoại lệ thu làm đồ đệ, mười tuổi luyện thành “Liên đằng thần công” trong truyền thuyết, lúc đó liền hồi cung, dần dần kết bè phái. Tới năm mười bốn tuổi thì tắm máu ngai vàng mà leo lên ngôi vị hoàng đế chí tôn, trờ thành hoàng đế trẻ tuổi nhất của Tuyết Vực Quốc.

Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu chứ chưa phải kết thúc, năm Khang Thuận thứ mười bốn, cũng chính là năm Thiên Khải thứ hai(2), Tử Hạ Phiêu Tuyết muốn mượn đường của quốc gia láng giềng là Bắc Cánh Quốc, đánh thẳng vào biên giới tây bắc của Thần Tinh Quốc. Điều kiện là khi thắng trận sẽ nhượng lại một nửa lãnh thổ của Thần Tinh Quốc cho Bắc Cánh Quốc. Các đại thần của Bắc Cánh Quốc cảm thấy không ổn, nói Bắc Cánh Quốc và Thần Tinh Quốc gắn bó với nhau như môi với răng, môi hở thì răng lạnh, dâng tấu kiến nghị quốc vương nên cự tuyệt đề nghị của Tử Hạ Phiêu Tuyết. Tiếc rằng quốc vương Bắc Cánh Quốc vốn thèm muốn lãnh thổ của Thần Tinh Quốc đã lâu, cảm thấy kế hoạch mà Tử Hạ Phiêu Tuyết đưa ra thật quá hấp dẫn, chẳng phải mất tên lính nào, chỉ cần cho mượn đường, liền dễ dàng có thêm một nửa lãnh thổ, thấy lợi tối mắt, không để ý đến phản đối của chúng thần, cố tình ký hiệp nghị cho Tử Hạ Phiêu Tuyết mượn đường.

Sau đó, Tử Hạ Phiêu Tuyết tự mình dẫn mười vạn tinh binh, chỉ trong thời gian nửa năm đã dễ dàng thôn tính được Thần Tinh Quốc. Chiếu theo hiệp nghị, Tử Hạ Phiêu Tuyết liền cắt một nửa lãnh thổ của Thần Tinh Quốc cho Bắc Cánh Quốc, nhưng nửa vương quốc mà Bắc Cánh Quốc nhận được lại bị ngăn cách bởi… một nửa vương quốc rộng mênh mông. Vì thế hắn lại đề nghị Bắc Cánh Quốc ký hiệp nghị mượn đường lâu dài. Quốc vương Bắc Cánh Quốc nhận được một nửa lãnh thổ, mừng đến nỗi thần trí mê muội, sảng khoái đáp ứng, lại không biết rằng mình mới là mục tiêu cuối cùng của Tử Hạ Phiêu Tuyết, cho mượn con đường chủ đạo từ đông sang tây chẳng khác gì ôm lấy một tai họa ngầm không thể vãn hồi. Từ đó, người của Tuyết Vực Quốc, từ hoàng tộc, quan lại, cho tới bình dân, đầy tớ đều tự do đi lại trên lãnh thổ của Bắc Cánh Quốc trên tuyến đường Ngân Hà, dần dần, Tử Hạ Phiêu Tuyết đã chủ động khống chế được tuyến đường giao thông quan trọng này.

Năm Khang Thuận thứ mười lăm (năm Thiên Khải thứ ba), tướng lĩnh Tuyết Vực Quốc lĩnh năm vạn binh tiến theo tuyến đường Ngân Hà như vào chỗ không người, gió cuốn mây tan, lúc tập kích vào trung tâm đầu não của Bắc Cánh Quốc, quốc vương Bắc Cánh Quốc vẫn còn chìm đắm trong giấc mộng đẹp không làm mà hưởng, ngây thơ không hiểu vì sao lại thành ra thế này.

Đến tháng mười năm Khang Nguyên thứ mười lăm, Tuyết Vực Quốc tiêu diệt Bắc Cánh Quốc, toàn thắng trở về. Từ đó, Tuyết Vực Quốc trở thành quốc gia có lãnh thổ lớn nhất, chiếm lĩnh toàn bộ khu vực bắc bộ gồm phía bắc Tiêu Sơn và Kỳ Thủy. Sau này, hiệp nghị mượn đường bị sử gia gọi là “Hiệp nghị câu cá”, tên gọi giống như ý nghĩa, ám chỉ quốc vương Bắc Cánh Quốc tầm nhìn hạn chế, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà trúng phải gian kế thả dây câu dài bắt con cá lớn của Tử Hạ Phiêu Tuyết.

Sau khi Hương Trạch Quốc và Tây Lũng Quốc nhận được tin chiến sự, e sợ Tử Hạ Phiêu Tuyết có dã tâm thống nhất giang sơn thiên hạ, liền bắt đầu khẩn cấp thao luyện binh tướng, tăng cường gấp đôi binh lực ở biên giới bắc bộ.

Tử Hạ Phiêu Tuyết trở thành một nhân vật có những luồng dư luận trái chiều, có người nói hắn tàn nhẫn khát máu, có người nói hắn trí dũng song toàn, đánh đâu thắng đó, bách chiến bách thắng, có người nói hắn thông minh sắc bén, lớn lên tư chất hơn người, có người lại nói hắn gian kế đầy bụng, tà ác hung bạo, giống như tam hoàng tử Ngọc Tĩnh Vương của Hương Trạch Quốc.

Dần dần, bắt đầu xuất hiện một câu nói lưu truyền tại ba quốc gia là: “Nam Vân, Bắc Tuyết, Lũng trung Hoa. Hương Trạch nhị long bận đoạt châu”. Câu nói nó chính là để cập đến năm người ở ba quốc gia này.

“Nam Vân” chỉ Vân Tư Nho, con nuôi của Vân tướng Hương Trạch Quốc, sinh ra trong một gia đình quan lại có truyền thống buôn bán, nhưng lại chẳng thích tranh giành gì với đời, chẳng làm thương nhân cũng chẳng làm chính trị, chỉ thích vẽ tranh, chím đắm trong đó, mà Vân tướng cũng không ngăn trở, mặc cho tự do phát triển, tranh của Vân Tư Nho rất đẹp, nhất là khi hắn vẽ cảnh non nước, hoa cỏ, chim muông lại càng tuyệt đẹp, con người hắn cũng phiêu diêu như tiên nhân, như thể hắn chính là người từ trong tranh thủy mặc bước ra. Người đời sau gọi là “Thánh họa”, mỗi bức tranh đều là ngàn vàng khó cầu. Người đến mai mối trước cửa như muốn san bằng cả cánh cổng Vân phủ, nhưng Vân Tư Nho chưa từng ưng thuận mối nào, Vân tướng cũng chẳng tỏ thái độ gì, mọi người đều bàn tán cho rằng có lẽ vì Vân Tư Nho có một muội muội quốc sắc thiên hương, mỹ nhân trong thiên hạ muốn lọt vào mắt hắn, trừ phi có người có dung mạo vượt qua muội muội của hắn. Nhưng bất luận thế nào cũng không thể ngăn được các thiếu nữ coi Vân Tư Nho là người trong mộng lý tưởng, cho rằng chỉ cần Vân Tư Nho một ngày chưa lấy vợ thì chính là vẫn còn hy vọng.

“Bắc Tuyết” thì không cần phải nói lại nữa, chính là người vừa sinh ra đã có đôi mắt màu tím, “Yêu vương” Tử Hạ Phiêu Tuyết.

“Lũng trung Hoa” chính là nói đến nam tử họ “Hoa” ở Tây Lũng Quốc. Có người nói người này ngọc thụ lâm phong, võ công chẳng có gì nổi bật, nhưng giỏi dùng độc, cũng giỏi y thuật, cứu người hay giết người tất cả đều do sở thích cá nhân, hành tung vô ảnh, chỗ ở bất định, song cũng được vô số nữ tử ái mộ, lưu tình khắp nơi, mắc nợ phong lưu không ít. Không ai biết lai lịch của hắn, thậm chí cả tên cũng không biết, chỉ biết người này họ “Hoa”, có người nói hắn là giáo chủ Ngũ Độc giáo, có người nói hắn là thần dược Tiêu Sơn, cho dù là cách nói nào thì cũng đều khoác cho hắn một tầng màu sắc thần bí.

“Hương Trạch Quốc nhị long” chính là thái tử và Tam hoàng tử, hai người tướng mạo gần giống nhau, tiêu chí đào hoa, mắt phượng hẹp dài đã trở thành tiêu chuẩn kén vợ, kén chồng ở Hương Trạch Quốc. Hai người thực lực tương đương, thiên hạ đều biết họ hoặc công khai, hoặc bí mật tranh giành ngôi vị hoàng đế. Mà câu chuyện tình yêu của thái tử và “Bạc hà phi tử” lại càng được lưu truyền khắp thiên hạ.

Nói tóm lại một câu, cả năm người bọn họ đều là những nhân vật trung tâm trong các đề tài nói chuyện ở khắp nơi, từ nhà quan lại thế gia cho đến chốn bình dân của bách tính, cả trong những câu chuyện phiếm ở nơi trà dư tửu hậu cũng đều thường xuyên nhắc tới năm nhân vật này.

Đương nhiên, việc thiên hạ nói chả liên quan gì đến tôi, chỉ cần không uy hiếp đến tôi, đến Vân gia, thì tôi nghe cũng như không nghe, không cùng người ta thảo luận về việc này.

Mùa đông ở Hương Trạch Quốc không quá dài, nhiệt độ không khí cũng không quá thấp, thế nhưng những năm gần đây tôi rất sợ lạnh, không biết có phải là một dấu hiệu chứng tỏ thân thể không khỏe hay không. Hơi nước mờ ảo, tôi ngâm mình trong suối nước nóng, ngẩn ngơ nhìn dấu hoa cúc nhàn nhạt trên cổ tay phải. Phương sư gia và cha dường như có chuyện gì giấu tôi, bông hoa cúc này tuyệt không đơn giản chỉ là vết bầm tím như Phương sư gia đã nói. Thế nhưng, thân thể tôi vốn dĩ không khỏe. Nhiều lần cho mời các thái ý ở thái y viện đến chẩn đoán bệnh, họ đều nói tôi chỉ mắc chứng dị ứng phấn hoa từ nhỏ, còn lại thân thể không có bệnh gì, lúc chẩn đoán sắc mặt họ cũng không có gì bất thường, không giống đang nói dối. Chẳng qua vẫn có gì đó rất kỳ lạ…

May mà trong Đông cung có một nơi là “Dạng bích trì” (Hồ nước ngọc bích sóng sánh), khiến tôi vượt qua được cái lạnh của mùa đông. Trong hoàng cung có xây dựng thủy đạo, dẫn nước từ bên ngoài vào, có tất cả hai đường dẫn nước vào trong cung. Nước sông Vị lạnh, nước sông Phiền ấm, mùa hạ dẫn nước sông Vị, mùa đông dẫn nước sông Phiền, chính là suối nước nóng, ngày đêm không nghỉ, ào ào đổ xuống.

Có người nói “Dạng bích trì” chính là hồ tắm lớn nhất trong cung, năm đó Thánh tổ vì yêu thích thái tử phi mà đặc biệt thiết kế, cải tạo cung hoàng hậu thuộc Đông cung thái tử sử dụng. Phòng tắm làm bằng đá cẩm thạch, kim thạch chạm khắc hình thù hoa cỏ phức tạp hiếm thấy đặt ở giữa, bên trên là hình chín con rồng màu tím lộng lẫy, bốn mặt là màn trướng từ gấm Tứ Xuyên, quây thành ba vòng xung quanh. Trên cầu kết gấm làm đình, tấm hoành phi ở giữa có gắn một cái chuông nhỏ, bên trái hoành phi có ráng mây, bên phải có bầu trời, ba tấm hoàng phi hình chim nhạn cùng bay về một hướng. Lại sắp đặt ngang cầu tiếp nối với ba đình nghỉ chân, qua lại thông suốt. Trong hồ còn bố trí ôn ngọc hình con nghê, hươu bạch tinh, ngựa hồng thạch làm thành thế “Nước nghênh đón điềm lành”.



Dựa theo cuốn “Thiên kim mộc phương” của Tôn Dật Lan tiền triều, cuốn thứ năm nói về phương pháp tắm thuốc: “Đinh hương, trầm hương, thanh mộc hương, ngọc trai, hoa đào mới nở, phấn hoa đu đủ, hoa lê, hoa hồng, hoa sen, hoa anh đào. Nghiền riêng từng loại hoa, hương, ngọc trai, cùng với bột đậu tương nghiền nhỏ, trộn đều. Dùng tắm rửa thường xuyên, kiên trì trong một trăm ngày, mặt sẽ đẹp như ngọc, sạch sẽ trơn bóng, loại bỏ được cả mùi khó chịu và da chết trên cơ thể.” Bên cạnh “Dạng bích trì” có một “Hương tuyền đàm”. Trong “Hương tuyền đàm” thả các hương liệu làm đẹp, tích nước chảy vào trong “Dạng bích trì”

Hết sức xa hoa, trước mắt toàn đồ vật quý hiếm, nhưng không để những thứ này làm mất đi ý nghĩa vốn có của việc tắm rửa là để thư gian thể xác lẫn tình thần. Vì thế, những khi đến đây tắm, tôi đều ngửa đầu tựa vào cạnh hồ tắm, nhắm mắt dưỡng thần, không nhìn tới những thứ đồ trang trí phiền phức rườm rà đó.

Tôi rất thích tắm, mỗi lần tắm tâm tình của tôi đều vô cùng thoải mái, tâm tình thoải mái thì sẽ thích hát, chỉ có điều “Dạng bích trì” lớn quá, hiệu quả của phản xạ âm thanh sẽ không thể bằng được buồng vệ sinh nhỏ nhắn của tôi ở thời hiện đại, giống như thuê phòng hát tại quán KTV(3). Đột nhiên nhớ tới bài hát Kẻ thủ ác, liền lẩm bẩm hát:

“Ta không phải Hoàng Dung, ta không có võ công

Ta chỉ có một mối tình duy nhất với Tĩnh ca ca

Ta không phải Hoàng Dung, ta cả ngày nằm mơ

Ban đêm hát tình ca thất tình cũng anh hùng

Ta không có công chúa Hương Hương mỹ lệ

Cũng không có quyền lợi của Kiến Ninh công chúa

Ta mong muốn tìm được Quách Tĩnh chân thành

Đối nhân thành khẩn, đối sự khôn khéo

Anh ta không được đa tình như Vi Tiểu Bảo

Cũng không được lạnh lùng như Dương Quá

Cho đến khi ta đầu bạc răng long

Tìm được mối tình thực sự”

“Ta không phải Hoàng Dung, ta không có võ công, Ta chỉ có một mối tình duy nhất với Tĩnh ca ca…” Đúng vào lúc hả hê, rung đùi đắc ý, đột nhiên cổ tay bị một lực rất mạnh nắm lấy, tôi hoảng sợ ngẩng lên nhìn, đối diện là đôi mắt âm trầm của con báo đang nheo lại, cái ánh mắt này… Nói lên rằng hắn đang rất tức giận– chỉ có điều, hắn tức giận cái gì mới được, phải là tôi tức giận mới đúng chứ, khi tắm lại bị người khác nhìn trộm. A! Đúng rồi, tôi đang tắm, cái gì cũng không mặc, bị nhìn thấy hết cả rồi, tôi sốt ruột muốn giật cánh tay lại để che, thế nhưng khí lực của con báo rất lớn, tôi không thoát ra được, không thể làm gì khác hơn, đành vòng cánh tay còn lại lên che trước ngực.

“Nói! Ai là Tĩnh ca ca!” Con báo nắm cổ tay tôi tăng thêm ba phần lực, chỉ cảm thấy cổ tay dường như sắp bị hắn nghiền nát, tôi đau đến nỗi đỏ cả mắt.

“Chàng buông ra!” Tôi giãy dụa…

“Nói mau! Ai là Tĩnh ca ca!” Vẻ mặt của con báo lúc này có thể khiến người khác chết cóng.

“Chàng thật vô vị! Tĩnh ca ca chính là Quách Tĩnh!” Không biết con báo vì sao lại lưu tâm đến Quách Tĩnh đến như vậy, lẽ nào trước đây hắn và một người có tên là Quách Tĩnh có thâm cừu đại hận gì chăng, nhưng dù thế thì cũng không thể trút giận lên tôi.

“Ta không muốn lặp lại lần thứ ba! Nói cho rõ Quách Tĩnh là ai!” Con báo ghé sát miệng vào tai tôi, hung hăng, âm trầm ra mệnh lệnh, chỉ thấy gió lạnh rin rít lướt qua vành tai.



“Quách Tĩnh chính là con rể của Đào Hoa đảo chủ Hoàng Dược Sự, trượng phu của Hoàng Dung, cha của Quách Tương, Quách Phù, anh em kết nghĩa với Dương Khang, đồ đệ của Giang Nam thất quái và bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công! Chàng đã thỏa mãn chưa?” Ngày hôm nay con báo không có hứng thú đối đáp, mà chỉ nhìn lén lúc tôi tắm để biết Quách Tĩnh là ai.

“Vân nhi đừng hòng lừa ta, hôm nay nếu nói không rõ thì đừng hy vọng rời khỏi đây!”

“Đồ con báo không chịu nói chuyện đạo lý! Quách Tĩnh là nhân vật trong tiểu thuyết “Anh Hùng xạ điêu” của Kim Dung, nhất thời làm sao thiếp nói rõ với chàng được. Muốn nghe chuyện xưa thì cũng phải đợi thiếp mặc xong quần áo rồi mới thong thả kể được chứ.” Tôi nổi giận.

“Con báo? Nàng gọi ta sao?” Con báo sửng sốt.

“A!” Vừa rồi quýnh lên, nói cái gì cũng không biết, lần này hối hận thật rồi, hận không thể cắn đứt đầu lưỡi mà nuốt xuống, đặt biệt danh cho thái tử sẽ có hậu quả gì, một “Quách Tĩnh” đã bị dày vò nửa ngày, giờ lại thêm một “Con báo” nữa, tôi có chút lúng túng, căng thẳng không biết phải làm sao.

Con báo chậm rãi đưa mặt kề sát vào tôi, môi mơn trớn vành tai tôi: “Vân nhi gọi vi phu là ‘Con báo’ phải không?” Con báo bắt đầu cười quỷ dị, “Hay lắm, ta thích. Vân nhi về sau cứ gọi như thế nhé.”

“Hử!” Tôi hít một ngụm khí lớn, trái tim vừa mới ngồi đây giờ như thế đã bay đến tận chân trời rồi. Con báo này sao hôm nay lại phối hợp vậy, đầu óc tôi có chút theo không kịp.

Nhưng con báo lại mặc kệ tôi sững sờ, cầm lấy chiếc khăn tắm từ tay Tuyết Bích: “Vân nhi chẳng phải muốn thay y phục sao? Sao vẫn chưa đứng dậy?”

Hắn định lau khô người cho tôi! Đồ sắc lang! Tôi nhướng mày: “Thiếp cần thay y phục, phi lễ chớ nhìn, mời điện hạ tránh mặt.”

Đôi mắt xấu xa của con báo lóe sáng, nhìn ta cười một tiếng đầy yêu mị: “Ta và nàng là phu thê thì sao có thể nói là ‘Phi lễ’ được?”

Tôi khẳng định lúc này từ đầu đến tận gót chân mình chắc chắn đã đỏ lựng như quả cà chua chín.

“Điện hạ, bệ hạ cho mời ngài đến Ngự thư phòng thảo luận chính sự” Vương Lão Cát đứng ở ngoài cửa, bị ngăn cách bởi bức bình phong gấp khúc bằng gốm sứ màu hồng nhạt, nơm nớp lo sợ thông báo.

“Đã biết, lui xuống dưới đi.” Con báo nói một câu, trên mặt lướt qua một nét tiếc nuối. “Vân nhi không nên tắm quá lâu, tránh bị cảm lạnh. Buổi tối, vi phu còn muốn nghe Vân nhi kể chuyện về Quách Tĩnh” Trước khi đi còn không quên giao nhiệm vụ, tôi phát hiện ra hắn càng ngày càng thích nói chuyện dông dài.

Nhìn hắn đi rồi, tôi mới thở phào một hơi nhẹ nhõm.

Sau khi tôi kể tóm tắt “Anh hùng xạ điêu” cho con báo nghe, nói đến là lao lực, con báo nghe xong chỉ dùng hai câu để đánh giá: “Quách Tĩnh này đúng là kẻ ngu si, Hoàng Dung gả cho hắn cũng là một kẻ ngu si.” Sau đó lại bồi thêm một câu: “Ờ mà chuyện xưa này thật ra để cho Vân nhi xem cũng rất hợp.” Dám nói tôi khờ, tôi hận đến nghiến răng. Con báo thấy tôi tức giận trái lại cười đến là vui vẻ.

”Chỉ có điều, Vân nhi không được học theo Hoàng Dung.” Nói xong nghiêm khắc đưa mắt nhìn tôi cảnh cáo. Tôi không hiểu ra sao, học Hoàng Dung cái gì? Lời này sao chỉ nói có một nửa, khiến người khác nghe xong mà cứ như lọt vào trong sương mù.

Thật lâu sau đó, tôi mới hiểu được là hắn muốn tôi không nên giống như Hoàng Dung yêu thích loại người như Quách Tĩnh.

Chú thích:

1- Nam vân bắc tuyết lũng trung hoa:

2- Năm Khang Thuận thứ 14, năm Thiên Khải thứ 2: cách tính đơn vị năm trong thời phong kiến là gọi năm đầu tiên mà vị vua đó lên ngôi là năm thứ nhất, năm tiếp theo là năm thứ hai, cứ như thế đến năm cuối cùng mà vị vua đó trị vì. Sau khi vị vua đó băng hà, vị vua kế nhiệm lên ngôi thì năm đầu tiên mà vị vua kế nhiệm trị vì lại bắt đầu được tính là năm thứ nhất. Để phân biệt giữa các triều vua, người ta để niên hiệu lên trước số thứ tự của năm. Ví dụ, phụ hoàng của con báo lấy niên hiệu là Khang Thuận, thì Khang Thuận sẽ được đặt lên trước số thứ tự của năm mà ông ta trị vì. Năm Khang Thuận thứ 14 nghĩa là từ khi ông ta trị vị đến nay đã là năm thứ 14. Do hoàng đế của các quốc gia cổ đại lên ngôi ở các thời điểm khác nhau nên mặc dù cùng một thời điểm nhưng tên gọi của năm ở các quốc gia cũng khác nhau.

3- KTV: Karaoke

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Bạc Hà Đồ My Lê Hoa Bạch

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook