Mẹ Thơm Một Cái

Chương 33: 18/4/2005

Cửu Bả Đao

29/01/2015

Tôi là người cực kỳ thích xem phim.

Trong thời đại này, rất hay nghe thấy ai đó khi miêu tả bản thân lại xen thêm những cụm “thích xem phim”, hoặc “cực kỳ thích xem phim”, hoặc “gặm phim mà sống”, cho nên “thích xem phim” không còn khả năng thể hiện chính xác đặc điểm của một người nữa, và trở thành một tiêu chí thiếu chính xác về tính cách.

Nhưng tôi vẫn cứ muốn mô tả mình như thế, một kẻ rất thích phim. Thích xem, thích bàn luận, thích bàn đi luận lại nhiều lần, thậm chí thích tới mức muốn dấn thân vào.

Điện ảnh là một trải nghiệm hình ảnh rất kỳ diệu.

Có những lúc tôi cực đoan đến độ cho rằng chỉ xem phim trong rạp mới có cái gọi là cảm giác xem phim. Rạp có màn ảnh cực lớn (bạn cứ việc dùng máy chiếu hoặc LCD 42 inches đi, tôi vẫn sẽ không công nhận cái rạp hát tại nhà của bạn to hơn màn ảnh tại rạp!), âm thanh tuyệt vời (Thế nào! Nhà bạn có dàn âm thanh surround trị giá hàng trăm ngàn tệ? Tôi không nghe tôi không nghe!), quan trọng hơn nữa, rạp hát là không gian công cộng – nơi không có cái điều khiển từ xa của riêng ai, không ai bấm nút pause thô lỗ khi không thể nhịn tiểu hay đặc biệt ưa thích cảnh đó, hoặc tua nhanh, nhảy cóc qua những đoạn nhạt nhẽo, hoặc tua ngược để xem lại nữ nhân vật chính đã “lộ hàng” chưa.

Tóm lại, bạn phải ngoan ngoãn ngồi tại ghế, ngoan ngoãn đi theo một công trình hình ảnh mà đạo diễn thiết kế ra, xem lần lượt từng tình tiết. Nếu bạn buồn tẻ, xin lỗi nhé, bạn sẽ phải hy sinh một vài hình ảnh có thể là rất hấp dẫn. Nếu không thì phải chấp nhận tè ra quần.

Đó chính là phim, hấp dẫn chưa!

Đừng có nói với tôi là cái rạp hát tại gia của bạn chứa được ba trăm con người nhé, thế nên rạp hát siêu sang của nhà bạn thiếu đi tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng xuýt xoa và cả nước mắt của ba trăm con người. Hiệu quả của điện ảnh chỉ thực sự có được khi nó trở thành một cảm thụ tập thể, chứ không phải ở những lý giải quá mức cá nhân (những ngẫm ngợi cá nhân dĩ nhiên rất quan trọng, nhưng chúng hoàn toàn có thể được lưu giữ đồng thời với những cảm thụ tập thể). Ví dụ phim Mười cách gặp ma của anh em nhà họ Bành[1], nếu bạn xem một mình trên xô pha phòng khách, tôi cam đoan bạn không nặn ra nổi nửa nụ cười vì run không ngớt. Nhưng nếu vào rạp cùng xem với năm trăm khán giả, bạn sẽ cười từ đầu đến cuối, cảm nhận được tính “đa nguyên tố” vừa kinh dị vừa hài hước của bộ phim này.

[1] Chỉ hai anh em sinh đôi Bành Phát và Bành Thuận, là biên kịch và đạo diễn nổi tiếng Hong Kong.

Ngoài một số phim cần đến kỹ xảo âm thanh ánh sáng, như Lord of the Rings, Star Wars, Matrix..., xem ở rạp mới được hỗ trợ công nghệ tối ưu, những bộ phim nghệ thuật có tiết tấu chậm hay những phim truyện không đậm không nhạt cũng rất phù hợp thưởng thức ngoài rạp. Nói thế nào nhỉ? Có những phim nghệ thuật nếu biến thành một cái đĩa quang chạy trong ổ đĩa máy tính sẽ làm tôi mất khả năng tập trung tinh thần, hay nói chính xác hơn là mất mong muốn được chăm chú thưởng thức nó. Tôi sẽ không tránh khỏi cắt ngang nó vì còn bận những việc khác như đi ăn cơm, mở tủ lạnh kiếm đồ ăn, chơi game, hoặc phải đi chơi bóng chày vv... Nhưng trên thực tế bộ phim đó có thể rất hay, chỉ cần tôi ngoan ngoãn dán mông vào ghế, xem một mạch từ đầu đến cuối. Xem một mạch từ đầu đến cuối mới là thái độ ứng xử đúng đắn với một bộ phim. Và chỉ có rạp chiếu phim mới có sức hấp dẫn đó.

Về trải nghiệm thú vị của tôi đối với chuyện xem phim, chắc phải mất một cuốn sách để trình bày tỉ mỉ (đùa thôi). Bây giờ tôi nhớ lại một ví dụ, bởi vì tôi không nhịn được nữa rồi.

Mấy năm trước, tôi và Xù xem phim Seabiscuit ở rạp “đợt hai” Tân Phục Trân thì xảy ra một việc làm tôi cười đau cả bụng. Để nói qua nội dung phim đã. Seabiscuit do Tobey Maguire và một con ngựa cùng diễn, kể về hai câu chuyện cảm động có thật của cậu nài ngựa chột mắt và con ngựa gầy nhỏ từng bị gãy chân, đã liên tục chiến thắng các cuộc đua, làm nức lòng vô số người Mỹ trong những năm đại suy thoái kinh tế. (Về sau nài chột bị nhện đột biến gien của phòng thí nghiệm cắn một phát, sang ngày hôm sau liền biến thành người nhện, chuyện này chúng ta không cần nói kỹ...)

Lúc đang xem, toàn rạp dĩ nhiên đều tập trung vào bộ phim, nhưng cũng có những tay lang thang ngồi rạp hưởng điều hòa ngủ ngon lành, mày xem của mày, tao ngủ của tao, không ai phiền ai. Xem được khoảng hai phần ba phim, tôi bỗng nghe thấy tiếng hát léo xéo rất to từ radio. Thoạt đầu tôi ngỡ là nhạc chuông điện thoại đặc biệt, nhưng tiếng radio đó không có dấu hiệu chấm dứt. Quay ra tìm kiếm một hồi, phát hiện một bác lang thang ngồi giữa các khán giả có cái radio đang kêu chói lói;

“Có điên rồ quá không?” Tôi ngớ người, bởi vì thực sự quá điên rồ, không còn kịp nổi cáu.

Cả rạp cố gắng không bận tâm đến tiếng nhạc rất to cùng tiếng quảng cáo dịch vụ từ radio, nhưng âm thanh đó mãi không có dấu hiệu tắt. Bởi vì bác lang thang đã ngủ khoèo (có phải đang ngủ lỡ tay bật đài không thì không ai biết). Tôi không thể tập trung vào bộ phim nữa, nhưng chuyện này quả tình rất mới mẻ, nên tâm trạng cứ tiến triển theo hướng vui vẻ.



Song không phải ai cũng khùng. Nhạc đài kéo dài chừng mười mấy phút, thì có khán giả hết chịu nổi, quay đầu lại quát bác lang thang: “Ông tôn trọng người khác một tí được không!” Rất nhiều khán giản đều dồn sự chú ý sang cuộc đối đầu giữa bác lang thang với vị khán giả đang cáu.

Nhưng bác lang thang cũng không vừa, đời còn có thể tùy tiện sống qua ngày, thì giấc ngủ này đương nhiên cũng không dễ bị đánh thức. Bác ta tiếp tục ngủ say (cho thấy điều hòa và ghế ngồi trong rạp cực kỳ dễ chịu, xin nhiệt liệt giới thiệu rạp chiếu phim đợt hai: Tân Phục Trân). Vị khán giả kia vẫn chưa bỏ cuộc, thấy bác lang thang không động cựa, bèn gầm lên tức giận: “Này! Ông có thể ra ngoài nghe đài được không!”

Tôi chịu hết nổi, câu thoại này quá hài hước, nên tôi phì ra cười nghiêng ngả, đến mức Chó Xù mắng: “Thần kinh, cười gì mà cười.” Nhưng buồn cười thật mà, nhất là thấy cảnh vị khán giả kia nổi khùng đứng bật dậy, giống đứa trẻ giậm chân bình bịch, giận dữ trợn mắt nhìn bác lang thang, sau đó tức tối bỏ ra khỏi rạp, tôi không kìm được cười lăn ra ghế.

Vị khán giả không địch nổi tuyến phòng ngự ngủ say của bác lang thang, đành bại trận rút lui, tiếng radio léo nhéo vang vọng trong rạp chiếu phim. Rất lâu sau, bác lang thang mới lơ mơ tỉnh dậy, sửng sốt tắt đài, rồi lừ đừ rời khỏi rạp, dường như cũng chẳng biết vừa xong xảy ra chuyện gì. “Ôi! Ông anh ơi! Tôi hoàn toàn thấu hiểu! Đời là vậy mà!” Chỉ muốn nói với bác ta như vậy.

Nguồn ebooks:

Viết một đống “tạp đàm” về điện ảnh, giờ đến phần trọng tâm.

Ngành điện ảnh ở Chương Hóa rất đặc biệt, hoàn toàn phụ thuộc vào tác động của phiếu giảm giá xem phim.

Trước đây, hai rạp chiếu phim của Chương Hóa đều rơi vào tình trạng bỏ không, bởi vì kết cấu ngành nghề của Chương Hóa không nhiều viên chức cổ cồn trắng (chắc là có thể nói như vậy), khán giả xem phim tiềm năng chủ yếu là học trò, học trò lại phân thành học sinh trung học và sinh viên đại học. Chương Hóa chỉ có một trường đại học, lại nằm tít núi Bát Quái, do đó về mặt kết cấu thì học sinh trung học chiếm đa số. Nhưng học sinh trung học lại là nhóm người ít tiền nhất, giá vé học sinh cho một suất chiếu ít ra phải hai trăm hai mươi tệ, không phải không đủ tiền thì cũng là không nỡ tiêu tiền. Thêm vào đó Đài Trung rất gần Chương Hóa, ở đó rất nhiều rạp chiếu phim, có các loại rạp từ chiếu phim rẻ tám chục đồng hai bộ đến rạp chiếu phim đợt hai, đến rạp sang trọng êm ái chuyên phim đợt đầu, đều đang trong tình trạng bão hòa. Vì thế những người muốn ra rạp xem phim đều bị Đài Trung thu hút mất. Dần dà, Chương Hóa phải “treo rạp”.

Không biết vị cao nhân đắc đạo nào hiến kế, nhờ phiếu giảm giá xuất hiện, rạp phim ở Chương Hóa mới được cải tử hoàn sinh. Phiếu giảm giá là một loại voucher gồm 6 tấm giá trị một trăm tệ có thể xé rời, dùng được ở cả hai rạp. Một bộ phim giá vé ban đầu hai trăm hai mươi tệ, nếu kết hợp với phiếu giảm giá chỉ cần một trăm hai mươi tệ. Chú ý! Phim công chiếu đợt đầu, một trăm hai mươi tệ! Xứng đáng là chiến lược kinh doanh bá đạo vô địch thiên hạ! Mặc dù thiết bị cũ kỹ, nhưng màn ảnh dù sao vẫn rất rộng, âm thanh cũng rất lớn, số ghế ngồi rất nhiều, và quan trọng hơn cả là phim mới toanh khỏi bàn cãi. Cứ đến cuối tuần, lễ tết, thậm chí các buổi tối bình thường, các rạp ở Chương Hóa lại đầy bóng dáng lũ quỷ nhỏ, khiến fan cuồng điện ảnh là tôi rất xúc động.

Còn việc phải lấy phiếu giảm giá ở đâu, chỉ cần mở mắt to ra là được. Quầy thu ngân trong các cửa hàng gần rạp phim, văn phòng các trung tâm học thêm, ngăn kéo lớp học ở trường, trong cặp sách của bạn bè v.v... đều là những chỗ cần đặc biệt lưu ý (ở Chương Cơ thì ngay bên bàn thanh toán của tiệm tạp hóa cũng có một đống ai thích thì cầm).

Thành ra nói mãi vẫn chưa vào trọng tâm. Thói quen tệ hại vô cùng. Từ Gambia về đến nay vẫn chưa sửa được thói này.

Trong thời gian mẹ bị bệnh, ngoài thời gian vào bệnh viện chăm mẹ, tôi vẫn trăm phương nghìn kế tìm cách ra rạp xem phim giải sầu. Một mình cũng chẳng sao, có lúc tốt nhất là một mình. Xem phim một mình không cần bàn bạc về thời gian, càng không cần thương lượng nên chọn phim nào. Thích đi là đi, xem gì thì xem.

Chiều hôm qua đến lượt thằng út vào bệnh viện, tôi bèn hào hứng lên kế hoạch ra rạp xem bộ phim Em sẽ đến cùng cơn mưa, chắc chắn rất tốn nước mắt. Tôi không muốn tìm người xem cùng, vì đã biết sẽ khóc thì cứ khóc một trận cho nguôi ngoai tâm sự (mặc dù tôi luôn thanh toán đời mình một cách hài hước, nhưng cục tâm sự thì vẫn phải quét dọn đàng hoàng), nếu có người quen biết ngồi bên cạnh, tôi e sẽ phải ngượng ngùng đè nén cảm xúc. Đối với tôi, đây sẽ là một cảm thụ riêng tư. Mặc dù có rất nhiều người cùng khóc trong một không gian, nhưng liên can gì đến tôi.

Tiếc rằng kế hoạch thất bại. Thằng Hòa gọi điện cho tôi, hỏi có thích đi xem phim không.



“Mày thích xem gì? Em sẽ đến cùng cơn mưa nhé?” Tôi hỏi. Dù Hòa muốn xem phim này tôi cũng sẽ không đi với nó.

“Còn lâu. Chuyện không bao giờ xảy ra tao xem làm gì.” Thằng Hòa nói. Đúng như tôi đoán.

Người yêu bảy năm của thằng Hòa đã chết do tai nạn giao thông từ hai năm trước. Vì thế tình tiết ngọt ngào kiểu chết đi sống lại đối với Hòa là thứ vớ vẩn.

“Thế mày định xem gì? Sát linh à?” Tôi hỏi.

“Có phải tập hai của Bảy đêm kinh hoàng phiên bản Tây không?” Hòa hỏi.

“Ừa.” Tôi nói.

“Thế thì tao không xem, mày thích xem Boogeyman không?” Hòa hỏi lại.

Quyết luôn. Chiều hôm đó tôi và thằng Hòa xem Boogeyman, tiết tấu chậm chạp nhưng vẫn hết sức rùng rợn. Đến tối, tôi vẫn rất muốn xem bộ phim tốn nước mắt Em sẽ đến cùng cơn mưa, nhưng mắt mỏi quá, đành đau khổ từ bỏ kế hoạch xem suất đêm.

Ngày hôm sau, rốt cuộc tôi đã đi xem một mình.

Một mình ra rạp xem phim, luôn phải hứng chịu rất nhiều cái nhìn khó hiểu, đánh giá người này thuộc loại tự kỷ, nhưng kệ, thà chịu đựng những ánh mắt thương hại còn hơn không được khóc thoải mái.

Đại khái cốt chuyện như sau (chuẩn bị chép tóm tắt nội dung phim). Nàng Mio xinh đẹp, cậu con trai Yuji sáu tuổi thông minh đáng yêu, và người tự nhận chẳng được việc gì, nhưng rất cố gắng làm sao để vợ con cảm thấy hạnh phúc là chàng Takumi, ba người vốn là một gia đình hoàn mỹ. Nhưng khi Yuji năm tuổi, Mio không may mắc bệnh lìa đời. Lúc lâm chung nói rằng vào mùa mưa năm sau sẽ quay trở lại, và ở cho đến khi mùa mưa kết thúc. Một năm sau, vào mùa mưa phùn, Mio trở lại thật. Một Mio mất trí nhớ, lại chung sống với chồng và con. Nhưng tất cả những đẹp đẽ hạnh phúc đã định sẵn sẽ đặt dấu chấm hết sau sáu tuần nữa khi mùa mưa phùn kết thúc...

Kế thừa mô hình thành công của phim tình cảm Nhật Bản, Em sẽ đến cùng cơn mưa có cốt truyện có thể nói là không hề mới, nhưng chẳng hề gì. Trọng tâm không nằm ở việc trở về từ cõi chết hay những phát kiến về liên lạc xuyên không gian thời gian, mà nằm ở những tình cảm đời thường rất tinh tế. Bộ phim giống như một cái nồi đầy nước ấm, người xem giống con ếch nhảy vảo nước ấm, lửa dưới đáy nồi đun từ từ, con ếch mơ màng ngẩn ra trong làn nước nóng dần lên mà không biết, cho đến khi bị luộc chín. Suốt quá trình không một chút giãy giụa, hoàn toàn mất hết sức đề kháng.

Thật ra chỉ mới chiếu ba phút tôi đã bắt đầu khóc, quả là một thằng yếu đuối. Tại sao, là vì bộ phim khơi gợi trực tiếp những trải nghiệm tình cảm và hình ảnh chôn giấu trong lòng khán giả, trong khi tôi vốn thích xem phim và thích nghĩ ngợi lung tung. Trong quá trình xem, để tránh bị phát hiện rằng đang khóc, tôi lựa một chỗ ngồi bên cạnh không có ai, rồi co rụt người xuống thật thấp. Nhưng vì quá yếu đuối, không những tự nuốt khá nhiều mũi dãi, còn thu hút nửa gói giấy từ hàng ghế sau chuyển xuống, của bốn cô gái đi xem cùng nhau bố thí cho tôi. Không hề lãng mạn, rất mất mặt.

Hết phim, tôi dùng “thuật ẩn thân” mau chóng chuồn ra khỏi rạp.

Thực sự rất muốn cùng Xù đẻ ra một đứa nào đó xem sao.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Mẹ Thơm Một Cái

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook