Nghìn Kế Tương Tư

Chương 1: Kế mưu chồng chất

Trang Trang

18/04/2015

Đông qua xuân đến hạ về thu sang, chẳng phải em cố tình khó dễ, là trái tim em tha thiết muốn tìm chàng.

Tháng bảy, sen mùa hạ đẹp lung linh.

Sau cơn mưa sớm mai, thảm sen trên sông Cừ Phù ngoài kinh thành tốt tươi mơn mởn. Những giọt sương đêm còn sót lại lăn tròn trên phiến lá sen, nhìn đám sen trắng sen hồng mơn mởn tươi xanh thật khiến ngườỉ ta hận mình không được đắm chìm trong đó để quên đi oi nóng ngày hè.

Văng vẳng xa xa vọng lại câu hát:

“Cừ Phù giang mênh mang sen ngát

Vội vàng thuyền nhỏ hái sen tươi

Ta chọn gạo sen ủ hũ rượu

Mến tặng ca ca uống thử chơi

Muội muội…”.

Tiếng hát như luồn trong hoa lá, sau đó từ đầm sen vọng ra tiếng cười đùa lảnh lót, hình như những cô gái hái sen đang trêu chọc cô nương vừa hát khúc tình ca.

Đỗ Hân Ngôn hẹn Đinh Thiển Hà bên bờ sông Cừ Phù.

Chàng đến sớm nửa canh giờ, một mình dạo bước giữa thoang thoảng hương sen, lắng nghe khúc hát văng vẳng xa xa, nghĩ đến nụ cười của Đinh Thiển Hà mà lòng ngây ngất.

Không lâu sau, con thuyền nhỏ rẽ lá sen tiến lại phía bờ. Ba cô nương vẫn vừa cười đùa vừa chống con thuyền đầy ắp hoa lá sen cập bờ. Cả ba cô gái đều đội nón trúc che nắng, vải xanh che kín nhìn không rõ mặt. Ba cô cùng mặc áo nền xanh hoa trắng, loại áo các cô gái hái hoa vẫn hay mặc, một chiếc tạp dề hoa thắt ngang eo thon, mang vẻ phong tình làm mê đắm lòng người rất riêng.

Vào tới bờ, ba cô vẫn chưa rời đi ngay. Một cô lấy ra ba cái bát to bằng gốm thô, bắc cái nồi đất trên bếp lửa, đổ ra bát cháo vừa nấu cùng lá sen tươi, rồi bày ra một đĩa đậu phụ nhự, ba người nói cười chuẩn bị ăn sáng.

Cháo lá sen thơm nức khiến Đỗ Hân Ngôn bất giác ứa nước miếng. Ham thích khí trời thanh tân sau cơn mưa buổi sớm, Đỗ Hân Ngôn vội cưỡi ngựa đến sông Cừ Phù, chưa kịp ăn sáng, giờ bụng đói cồn cào. Thấy ba cô nương hái sen hoạt bát, cháo lá sen ngát hương, Đỗ công tử không ngăn nổi lòng mình bước đến cười hỏi: “Các cô nương nấu cháo thơm quá, tại hạ không thể cầm lòng, không biết có thể mua một bát không?”.

Không trung lại lanh lảnh tiếng cười con gái, các cô thẹn thùng đùn đẩy nhau. Cuối cùng cô nương bạo dạn nhất đứng dậy, cầm theo mấy chiếc lá sen và một cành sen hồng đặt bên bờ sông, đổ một bát cháo để lên trên, rồi vẫn cúi đầu vội vã lên thuyền. Chiếc thuyền nhỏ lại mất hút giữa đầm sen, lúc này cô gái mới lên tiếng: “Mời công tử!”.

Tiếng cười rộ lên, Đỗ Hân Ngôn loáng thoáng nghe được một câu: “Công tử tuấn tú quá…”, chàng cũng bật cười.

Cầm cành sen hồng lên, bên trên vẫn đọng vài giọt sương buổi sớm, chàng đưa lên mũi ngửi, tận hưởng không khí tươi đẹp vô ngần của buổi sớm mai. Đợi đến khi Đỗ Hân Ngôn đưa bát cháo lá sen lên miệng thổi, thử một ngụm xong, mặt chàng đổi sắc, phì vội ngụm cháo ra, bước chân còn suýt chút nữa hụt cả xuống đầm sen, tiếng cười cũng đã mất hút giữa đám sen.

Đỗ Hân Ngôn cười vang, đáp: “Cháo sen ba đậu[1] của các cô nương hương vị đặc biệt, tại hạ xin lĩnh tấm lòng”.

[1] Theo tài liệu cổ, ba đậu vị cay, tính nóng, rất độc, là loại thuốc xổ mạnh. Ăn nhầm ba đậu có thể dẫn đến tử vong.

Tiéng nói chứa đầy nội lực, vang vọng trên sông Cừ Phù hồi lâu không dứt. Lá sen lay động như những bàn tay bé xíu của trẻ con. Đỗ Hân Ngôn nhìn mãi mà chẳng thấy bóng dáng con thuyền nhỏ, cứ như là mấy cô gái hái sen chưa từng xuất hiện ở đây.

Đỗ Hân Ngôn mặt đầy nghi hoặc quay lại bờ, sau lưng vang lên tiếng vó ngựa vội vã, một bóng đỏ ào tới. Đinh Thiển Hà váy áo đỏ tươi nhảy xuống từ lưng con ngựa tía, vẻ mặt xấu hổ: “Tiểu Đỗ, ta ngủ quên mất”.

Đưa nàng cành sen hồng, Đỗ Hân Ngôn mỉm cười: “Không sớm không muộn, vừa đúng lúc”.

Đinh Thiển Hà hít thật sâu hương sen thơm, không đoán nổi vẻ mặt của Đỗ Hân Ngôn, không rõ người này không giận hay là giận mà không muốn cho nàng biết, trong lòng thầm mắng cái kiểu nho nhã rởm, phong độ thối nghìn năm không đổi của Đỗ Hân Ngôn, nhưng vẫn cười híp cả mắt, cảm thấy nói một câu dễ nghe vẫn hơn: “Cảnh ở đây thật đẹp, sáng sớm lại ít người. Tiểu Đỗ chọn địa điểm lần nào cũng tuyệt!”.

Mặt sông lại rộ tiếng cười. Đỗ Hân Ngôn khẽ chau mày nhìn về phía đó, chiếc thuyền nhỏ đã cập bờ bên kia, ba cô nương hái sen đã lên bờ. Một cô còn nhìn về phía bên này, cố ý giơ nồi cháo ban nãy lên cao để Hân Ngôn nhìn cho rõ, sau đó ném thẳng nồi xuống sông, phủi tay rồi mới dương dương tự đắc bỏ đi.

Đỗ Hân Ngôn bỗng trợn mắt, cách cả con sông Cừ Phù chàng vẫn nhìn thấy cánh tay trắng nõn nà của cô gái hái sen, rõ ràng không phải tay của người lam lũ. Vì khúc tình ca hay vì tâm trạng đợi chờ mà chàng đã sơ hở bỏ qua điều này? Chàng bình thản nói với Đinh Thiển Hà: “Mặt trời đã cao quá đầu rồi, chúng ta đi chỗ khác thôi”.

Tháng mười, lá phong như lửa.

Phía tây kinh thành có một ngọn núi tên Lạc Phong, là điểm đến ngắm lá phong mỗi độ thu về. Nhà họ Đỗ có một tòa biệt viện ở ngay chân núi này.

Đỗ Hân Ngôn thích nhất là cảnh thu nơi biệt viện, lại đúng lúc có mấy ngày phép không phải đi ứng mão[2] bèn dẫn theo thư đồng đến đây ở.

[2] Thời xưa, ở chốn công quyền cứ đến giờ Mão phải điểm danh nên gọi là ứng mão.

Nắng thu ấm áp, chim chóc véo von, lá phong đỏ rực khẽ rơi trong gió, gác lại những việc bận rộn chốn quan trường, chỉ có ở đây, Đỗ Hân Ngôn mới cảm thấy lòng dạ rối bời toan tính thường ngày có được chút ít thảnh thơi.

Chàng lấy ống tiêu ra thổi khúc Cổ sát u cảnh. Tiếng tiêu thanh nhã, ẩn hiện giữa rừng. Đang lúc thả hồn vào khúc nhạc, từ phía rừng trúc bên ngoài biệt viện bỗng vang lên tiếng đàn phụ họa.

Tiếng đàn bay trong không trung, âm trầm khoáng đạt mà kỳ ảo. Tinh thần Đỗ Hân Ngôn phấn chấn hẳn lên khi gặp được tri âm, tiếng đàn và tiếng tiêu hòa quyện cực kỳ ăn ý.

Đỗ Hân Ngôn thấy mình như đang bay giữa bạt ngàn rừng núi, ngẩng lên thấy bầu trời cao rộng, cúi xuống là sơn thủy hữu tình, vạn vật trong tầm mắt trở nên nhỏ bé, trong lòng rộng mở. Tiếng tiêu vừa dứt, tiếng đàn cũng ngưng. Chàng vội vã ra khỏi rừng phong để gặp gỡ người vừa hòa điệu với mình.

Trong rừng trúc, một chiếc trướng quây bằng sa trắng không biết được dựng từ lúc nào, bên trong thấp thoáng bóng một người con gái áo trắng, giống như một nàng tiên ẩn hiện giữa sương mù, không nhìn rõ mặt, chỉ có cảm giác siêu phàm, thoát tục.

Đỗ Hân Ngôn đi đến bên trướng, chắp tay cười nói: “Tài đàn của cô nương thật là tuyệt kỹ, Đỗ Hân Ngôn xin đáp lễ”.

Trong màn vọng ra một giọng nói lạnh như băng, khiến người khác không dám tiếp lời: “Mạo muội hòa khúc, mong công tử lượng thứ. Tiểu nữ không gặp người lạ, xin công tử hãy về cho”.

Nói xong thì tự pha trà cho mình.

Đỗ Hân Ngôn giật mình, khuôn mặt thoáng một nụ cười hứng thú.

Chàng là cháu ruột của Đức phi, là em họ của Đại hoàng tử, phụ thân Đỗ Thành Phong là chỉ huy sứ. Mười bảy tuổi thi đỗ bảng nhãn, được hoàng thượng coi trọng, hai mươi tuổi đã trở thành tri sự lục phẩm trẻ nhất Giám Sát Viện. Lại thêm tướng mạo thanh tú, phong lưu lắm của.

Chàng đối xử với nữ nhi cực kỳ dịu dàng, cho dù với a hoàn phẩm cấp thấp nhất cũng không quên thể hiện phong độ của mình.

Vì thế Tiểu Đỗ Kinh Thành đi đến đâu cũng đều nhận dược sự yêu thích của các cô nương, những cô nương muốn dò la hành tung của chàng để được “tình cờ” gặp chàng nhiều không kể xiết. Hôm nay bị người xua đuổi, Đỗ Hân Ngôn bất giác nghĩ tới hai chiêu giả vờ từ chốivà thả để bắt. Nhưng tiếng đàn khi nãy đã khiến chàng mê mẩn, chỉ muốn nhìn thấy khuôn mặt của cô nương gảy đàn, thế nên vẫn mặt dày không chịu đi.

“Hương trà thanh nhẹ, chắc là trà Thanh Sơn Lục Thủy của Thục Trung. Lại thoang thoảng mùi hương của trúc, búp trúc vừa hái buổi sớm cho vào đun nước, được bảy phần thì vớt ra bỏ đi, rồi lấy nước đó hãm trà. Non xanh nước biếc hương trúc thơm, cô nương thật có nhã hứng”.

Nghe những lời ấy, động tác của cô gái trong màn có chậm đi, nhưng vẫn không nói gì thêm.

Đỗ Hân Ngôn cũng không thấy giận, khẽ cười đáp: “Ngửi hương biết mỹ nhân, vẻ đẹp này giống như hoa lan nơi đáy cốc, thật khiến người ta quên đi thế tục. Kiêu ngạo cự tuyệt từ ngàn dặm, lạnh lùng xa cách lại càng hay”.

Cô nương hừ một tiếng, quay người vén rèm sau lưng bỏ đi, cao ngạo nói vọng ra từ sau những lớp màn: “Nghe nói Tiểu Đỗ Kinh Thành phong nhã, đối đãi với nữ nhi dịu dàng lễ độ, hà tất phải lằng nhằng ở đây đánh mất phong độ của mình? Trà của ta đắng lắm, Đỗ công tử không uống nổi đâu!”.

Đỗ Hân Ngôn nghe thế liền dừng bước, nhưng ánh mắt vẫn lộ rõ vẻ hiếu kỳ. Đúng là cô nương này không có ý với chàng, cái kiểu thấy người mà muốn tránh cho thật xa của cô gái khiến Đỗ Hân Ngôn bất giác xoa cằm, không ngờ chàng lại không thể lọt vào mắt cô nàng? Nhưng mà, giai nhân đã vô ý, đương nhiên chàng cũng không cố ép cho mất hứng.

Cách một tấm màn che, cái bóng trắng mảnh mai đó càng lúc càng xa rồi mất hút giữa rừng trúc. Đỗ Hân Ngôn mỉm cười, lẩm bẩm: “Đắng thật sao?”.

Chàng bước tới vén tấm màn trắng, bên trong có một chiếc bàn, trên bàn có một chiếc đàn, nhìn qua đã biết chỉ là một chiếc đàn bình thường. Có thể dùng chiếc đàn này gảy ra những thanh âm cao minh như vừa rồi, chứng tỏ rằng tài nghệ của cô gái này không hề tầm thường.

Trong màn còn đặt một chiếc bếp lò, trên bếp là ấm nước đang sôi, bàn trà có mấy chiếc bát uống trà bằng sứ mỏng màu trắng vẽ thêm vài lá trúc, vô cùng tinh tế.

Những vật dụng của cô nương này đều không hề bình thường. Đỗ Hân Ngôn thảnh thơi ngồi xuống, lấy nước pha trà, rót trà ra bát, hương thơm bay khắp. Chàng đưa lên ngửi, hương thơm của trúc lẫn với hương đắng của trà Thanh Sơn Lục Thủy quẩn quanh đầu mũi, nước trà màu vàng tươi trong vắt.

Đỗ Hân Ngôn nhớ lại tiếng đàn, càng không nhẫn nại được thêm, uống cạn bát trà. Nước trà vừa vào miệng, chàng đã phì vội ra, muốn tìm nước súc miệng thì chỉ có mỗi ấm nước đang sôi sùng sục trên bếp.

“Hoàng liên?!”[3]. Vẻ mặt Đỗ Hân Ngôn khổ sở như sắp khóc đến nơi, miệng vẫn há hốc vì đắng, vội vã thi triển khinh công bát bộ truy thiền, thân thủ nhanh như chớp, thoáng cái đã mất hút, đúng là không thể uống nổi.

[3] Hoàng liên tính hàn, vị rất đắng, Đông y chủ yếu dùng để chữa bệnh đường ruột.

Mãi đến khi nhét đầy miệng đường, ngọt đến muốn đau răng, Đỗ Hân Ngôn bỗng nhớ đến bát cháo ba đậu của cô gái hái sen.

Tháng sáu ăn cháo ba đậu, tháng mười uống trà hoàng liên. Rốt cuộc những cô nương này là ai?

Đỗ Hân Ngôn tha hồ dùng mật thám của Giám Sát Viện, tin tức nhận được khiến chàng vô cùng kinh ngạc.

“Ngày hai mươi sáu tháng mười, thiên kim của Thẩm tướng dẫn theo đày tớ đến núi Lạc Phong ngắm lá phong, ngày mồng một tháng mười một mới trở về”.

Lẽ nào người chơi khăm chàng chính là thiên kim của Thẩm tướng?

Ngày gảy đàn hòa khúc chính là hôm Thẩm tiểu thư rời đi? Vậy thì trước đó không chỉ một lần nàng ta đã nghe tiếng tiêu của chàng. Đợi đến ngày về mới gảy đàn, có phải vì chơi khăm chàng nên mới rời đi? Nhưng chàng không quen biết tiểu thư của Thẩm tướng, tại sao nàng ta lại làm như vậy với chàng?

Đỗ Hân Ngôn suy nghĩ một hồi, cuối cùng cũng nghĩ ra một việc.

Hội thơ kinh thành, tiết đạp thanh[4] tháng ba. Tài tử giai nhân tụ hội hồ Mạc Sầu bên ngoài kinh thành.

[4] Tiết đạp thanh: Là tục dạo bộ và du ngoạn ngoại thành vào mùa xuân ở Trung Quốc thời cổ. Lúc này vạn vật tươi mới, mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy nở, khiến tinh thần con người phấn chấn, vui tươi phấn khởi.

Trong hội thơ, nhân lúc cao hứng Đỗ Hân Ngôn đã đề một câu thơ: “Phương phi xuân rơi lệ/ Thiển hà hạ khoe hương”. Thế là thành câu chuyện để những người rỗi việc thêm thắt thành Tiểu Đỗ Kinh Thành nhận định, Đinh Thiển Hà, ái nữ của Võ Uy tướng quân còn hơn cả Thẩm Tiếu Phi, ái nữ của tể tướng đương triều.

Tiểu thư Thiển Hà của nhà họ Đinh thường cưỡi con ngựa tía, phong độ oai nghiêm, dung mạo xinh đẹp, ai gặp cũng say mê. Thẩm Tiếu Phi lớn lên chốn khuê phòng kín đáo, không gặp gỡ ai. Vì nhã nhặn hiền dịu nên được hoàng hậu và hoàng quý phi vô cùng yêu mến. Một câu: “Tiểu thư khuê các phải như tiểu thư nhà họ Thẩm!”, liền nổi danh hơn Đinh Thiển Hà.



Đinh Thiển Hà chưa từng gặp mặt Thẩm Tiếu Phi đã bị phê xuống xếp sau tất nhiên không phục. Thiển Hà tính tình thẳng thắn, không quen với kiểu e thẹn của các quý cô. Nàng cưỡi ngựa ra ngoài, xuất đầu lộ diện nên thường bị phụ thân giáo huấn, nhìn Thẩm Tiếu Phi mà học. Đinh Thiển Hà càng thêm tức giận liền kể khổ với bạn thanh mai trúc mã Đỗ Hân Ngôn.

Tất nhiên là Đỗ Hân Ngôn cũng đã tìm đủ lời hay ý đẹp để khuyên can, trong lúc cao hứng đề thơ cũng là để lấy lòng Đinh Thiển Hà, vô tình đắc tội với Thẩm Tiếu Phi.

Nghĩ lại việc này, biết sai là do mình, Đỗ Hân Ngôn cũng chỉ biết cười trừ.

Hai tháng nữa trôi qua, những bông tuyết mùa đông đã phủ kín cả kinh thành. Đúng là tiết trời thích hợp để hâm rượu ngắm tuyết.

Đỗ Hân Ngôn dẫn theo thư đồng Tín Nhi đến thẳng Tích Thúy Viên. Giang hồ đệ nhất kiếm khách Vệ Tử Hạo gửi thư nói rằng Tích Thúy Viên xuất hiện một cầm sư có ngón đàn tuyệt kỹ.

Nghe thấy hai tiếng cầm sư, Đỗ Hân Ngôn không thể ngồi yên. Hôm đó hòa khúc nơi biệt viện, giai điệu đẹp đẽ của bản hòa khúc đàn tiêu vẫn du dương mãi trong lòng, chàng chỉ mong lại tìm được cao thủ có thể kết hợp với tiếng tiêu của mình nên đã nhờ Vệ Tử Hạo kiếm tìm cao thủ gảy đàn.

Đỗ Hân Ngôn cũng thường mượn cớ công vụ đến thăm hỏi Thẩm tướng. Vừa mới nói một câu tán thưởng vẻ đẹp của hoa viên tướng phủ, Thẩm tướng đã nghiêm mặt nói: “Hậu hoa viên của tướng phủ ngoài lão phu ra không cho phép bất cứ nam nhân nào bước vào, không biết Đỗ đại nhân làm thế nào mà biết được vẻ đẹp của hoa viên?”.

Tất nhiên là Đỗ Hân Ngôn không thể nói rằng mình trèo tường nhìn trộm Tú Lâu, nên chỉ có thể làm ra vẻ mặt sùng kính nhất có thể, ưỡn lưng nịnh nọt: “Hạ quan thường đi qua bên ngoài hậu hoa viên tướng phủ, thấy hoa thơm bướm lượn, ẩn hiện bóng trúc xanh, dây leo lan rộng trên tường, trong lòng thầm đoán, tướng gia phẩm chất cao thượng, bố trí hậu hoa viên hẳn cũng thanh nhã không ai sánh bằng”.

Thẩm tướng hừ một tiếng, rồi không truy hỏi gì thêm.

Đến khi Đỗ Hân Ngôn đi qua tường bao của hậu hoa viên lần nữa, tường bao đã bị xây thêm ba thước ngói xanh, bịt kín những hoa tươi trúc xanh và cả dây leo ở bên trong. Đỗ Hân Ngôn hừ mũi một tiếng, cảm thấy Thẩm tướng thật nhỏ nhen, lại không nhịn được cười, xây tường cao lên ba thước thì có thể chặn được chàng sao?

Tường cao không ngăn được Đỗ Hân Ngôn, nhưng cũng từ đó trở đi, chàng không còn được nghe tiếng đàn réo rắt du dương như tiếng nhạc trời nữa. Đỗ Hân Ngôn thất vọng vô cùng.

Từ hôm đó trở đi, Đỗ Hân Ngôn chú tâm tìm cao thủ gảy đàn. Hôm nay dẫn theo Tín Nhi vui vẻ đến Tích Thúy Viên để nghe cầm sư mới đến gảy đàn, yêu cầu chính khúc Cổ sát u cảnh. Tiểu Đỗ Kinh Thành đến, cầm sư tất nhiên phải nể mặt. chẳng bao lâu, có thị nữ dẫn chàng vào một hoa viên nhỏ.

Tuyết trắng bay đầy trời, hoa mai đỏ nở trên cành. Trong mái đình giữa vườn đốt một bếp lửa, đặt ghế gấm, bốn bên quây lụa chắn gió. Một tấm bình phong tứ quân tử mai lan cúc trúc đặt ở ghế sau, che đúng tầm nhìn.

Không lâu sau, chàng nhìn thấy hai bóng người mờ mờ ảo ảo hiện ra phía sau tấm bình phong.

Trong lòng Đỗ Hân Ngôn trào dâng một cảm giác rất đặc biệt, chàng thoáng mong bóng cầm sư kia chính là Thẩm Tiếu Phi, chỉ muốn đá bay tấm bình phong đang chắn mất tầm nhìn kia để nhìn cho rõ, nhưng ngoài mặt vẫn giữ vẻ thờ ơ uể oải ngồi bên bếp lửa, ra vẻ không quá hứng thú.

Tiếng đàn vừa cất lên, cảm giác quen thuộc ùa về. Trống ngực Đỗ Hân Ngôn đập thình thịch, chàng nhìn chằm chằm vào trong đình, cuối cùng thì đứng lên.

Một giọng nói thoáng giống giọng nói nơi rừng trúc, mang vẻ lạnh lùng xa cách nghìn trùng cất lên: “Công tử xin dừng bước, tiểu nữ không gặp người lạ”.

“Nếu ta muốn gặp thì sao?”.

Một thoáng yên lặng phía sau tấm bình phong, giọng nói uyển chuyển như nước chảy: “Trà của tiểu nữ đắng lắm đấy”.

Đỗ Hân Ngôn khẽ nhướn mày, chàng lại không muốn vào nữa, cười to đáp: “Vào miệng thì đắng, nhưng càng lâu càng cảm thấy ngọt”. Chàng lại ngồi xuống, bảo Tín Nhi đem ra một bình rượu. “Lần trước tiểu thư đi vội quá, tại hạ đã uống của tiểu thư một bát trà, muốn mời lại tiểu thư chung rượu, không biết ý tiểu thư thế nào?”.

Chàng mở nắp đậy, hương rượu ngào ngạt, ánh mắt vẫn nhìn chằm chằm vào sau tấm bình phong.

Quả nhiên, người con gái đó từ tốn đáp: “Rượu phần lá trúc xanh, phải uống bằng bát ngọc trắng. Vô Song, đem bát ngọc trắng ra đây”.

“Ha ha, tiểu thư quả nhiên hiểu nhiều biết rộng, đúng là rượu phần lá trúc xanh, phải uống bằng bát ngọc trắng”. Đỗ Hân Ngôn vốn định thử đối phương, nay thấy nàng ta cũng có hiểu biết về rượu, thì ánh mắt càng tăng phần hứng thú.

Một người ăn mặc như thị nữ bước ra từ sau bức bình phong, dung nhan kiều diễm vô cùng, bước đi dịu dàng uyển chuyển, chỉ là thần thái có đôi chút lạnh lùng, khuôn mặt như được tạc từ tảng băng. Đỗ Hân Ngôn ngây ra, thị tỳ đã đẹp đến nhường này, chủ nhân còn quốc sắc thiên hương đến chừng nào?

Vô Song đem ra hai cái bát ngọc trắng, rót rượu vào. Sắc rượu xanh nhạt càng làm nổi bật màu ngọc trắng, thanh tân, mãn nhãn. Vô Song lạnh lùng nhìn Đỗ Hân Ngôn, để chàng chọn trước. Đỗ Hân Ngôn tươi cười, bê một bát rượu lên.

Phía sau tấm bình phong, cô gái cầm bát rượu Vô Song đưa đến, chậm rãi nói: “Sao công tử lại biết ta đang ở Tích Thúy Viên?”.

“Chứ không phải là đại tiểu thư của Thẩm gia biết là tại hạ sẽ đến Tích Thúy Viên sao?”.

“Tiểu Đỗ Kinh Thành quả nhiên cơ trí hơn người, vừa đoán đã trúng ngay”. Thẩm Tiếu Phi lạnh lùng đáp lời, “Bên ngoài đồn đại tiểu thư nhà họ Thẩm nhã nhặn hiền dịu, là tiểu thư khuê các không bước chân ra đến ngoài, những điều đó đều là giả. Thực ra ta rất nhỏ nhen, kẻ nào đắc tội ta, ta quyết đáp trả cho bằng được”. Nói xong, Thẩm Tiếu Phi uống hết bát rượu: “Rượu này hơi lạnh, không hợp với tiết trời này!”.

Đỗ Hân Ngôn nghe nàng thẳng thắn thừa nhận như thế, thấy nàng thật quang minh lỗi lạc. Được mỹ nhân đối đãi như vậy, có ăn chút ba đậu, uống chút hoàng liên cũng không hề gì. Tự mình đề thơ vô lễ trước nên giờ chàng không giận Thẩm Tiếu Phi. Chàng uống cạn bát rượu, đứng dậy chắp tay: “Đỗ Hân Ngôn vô ý đắc tội tiểu thư, tại hạ xin nhận lỗi ở đây”.

Vừa dứt lời, bụng chàng bỗng đau quặn. Đỗ Hân Ngôn thầm mắng mình lại mắc mưu, nén đau phi thân vụt qua, chân đá tấm bình phong, chỉ nhìn thấy bóng Thẩm Tiếu Phi mặc áo lông chồn màu trắng vén tấm lụa rời đi, chàng giơ tay ra chộp lấy, tức thì trước mắt ánh kiếm sáng lóa, là Vô Song ra chiêu không hề nể tình. Đỗ Hân Ngôn bụng đang đau quặn, đành phải lùi về phía sau.

Vô Song cũng chẳng dây dưa, hừ một tiếng rồi quay đầu bỏ đi, lạnh lùng ném lại một câu: “Thấy tiểu thư nhà chúng ta cũng uống nên tưởng rượu không có độc sao? Tiểu thư nhà chúng ta đã uống thuốc giải trước rồi. Ngốc”.

Đỗ Hân Ngôn ngậm nguyên cục tức, trừng trừng nhìn theo ba cái bóng mỹ miều dần dần biến mất khòi tầm mắt. Chàng ôm bụng ngồi xuống, cố đẩy một hơi xuống đan điền ép độc ra ngoài, mất khoảng thời gian một tuần trà, mới nhổ ra được một ngụm máu đen. Đợi đến khi Vệ Tử Hạo cười hi hi bước vào, Đỗ Hàn Ngôn đã chẳng còn lòng dạ nào mà uống rượu thưởng tuyết nữa.

Trở về phủ, Đỗ Hân Ngôn lệnh cho chú Quý quản gia chuẩn bị lễ vật quý giá đưa đến tướng phủ, ngôn từ khẩn thiểt muốn chuộc lỗi với Thẩm Tiếu Phi. Nhưng khi trở về, chú Quý mặt đầy xấu hổ chuyển lời của tướng phủ: “Nam nữ khác biệt, tự ý nhận quà của người khác là vi phạm lễ giáo. Tiểu thư nhà ta hiểu biết phép tắc, quyết không quen với hạng người phong lưu như Đỗ đại nhân, hà cớ gì lại đến đây nói lời xin lỗi”.

Đỗ Hân Ngôn không hề tức giận mà lại bật cười, cảm thấy đại tiểu thư nhà họ Thẩm thật là thú vị.

Trong ngoài bất nhất, lời nói hành động bất nhất, mà vẫn có thể cao giọng hùng hồn?!

“Chú Quý không vừa ý với ta sao?”. Đỗ Hân Ngôn nhìn số lễ vật bị trả về.

Chú Quý nghiêm mặt đáp: “Người ta là thiên kim tiểu thư của tướng phủ chứ đâu phải mấy cô gái ở Liễu Cảng. Thiếu gia hồ đồ làm thơ hủy hoại thanh danh của người ta, người ta cay nghiệt thế cũng phải”.

Đỗ Hân Ngôn lim dim mắt, chú Quý trước nay vốn luôn bênh vực chàng, từng này tuổi đây là lần đầu tiên chàng thấy chú nói những lời không khách khí. Việc này không thể nhẫn nhịn được. Chàng đã chắp tay xin lỗi mà Thẩm Tiếu Phi lại dám cự tuyệt thế này!

Đỗ Hân Ngôn cảm thấy như có lửa đốt trong lòng, nhưng ngoài mặt vẫn tươi cười.

Hai ngày sau, tư liệu về Thẩm Tiếu Phi đã đặt trên bàn trong thư phòng của Đỗ Hân Ngôn, chàng xem đi xem lại từng chữ từng câu trong đó.

Đêm đó, đèn trong thư phòng của Đỗ Hân Ngôn sáng đến tận sớm mai.

Hoa tuyết rơi khắp vườn, loang lổ con đường nhỏ.

Trong vườn, gần chỗ tường bao có một chiếc xích đu, trên mặt gỗ tuyết dày cả tấc. Thẩm Tiếu Phi ôm lò sưởi cuộn mình trong chiếc áo khoác lông chồn bạc dày sụ, khuôn măt mất hút sau chiếc khăn quàng cổ tuyết nhung, chỉ hở ra đôi mắt phượng. Đôi mắt rất có thần, con ngươi đen láy, khiến cho lòng trắng cũng ánh sắc xanh, giống như thứ rượu trong vắt đựng trong loại đồ sứ thượng hạng nhất, lại như bầu trời xanh trong vắt không một gợn mây trên nền tuyết trắng không vương bụi bẩn.

“Tiểu thư, bên ngoài lạnh, cẩn thận nhiễm lạnh!”. Rõ ràng là lời nói quan tâm nhưng từ miệng Vô Song thì chẳng hề có chút ấm áp. Vô Song mặc một chiếc áo bó không tay màu xanh nhạt càng làm nổi bật thân hình mảnh mai, tay cầm một thanh kiếm dài, hai má đỏ ửng vì lạnh, giống như một đóa u lan lặng lẽ tỏa hương.

“Ngươi vào trước đi, trong phòng hơi than, ta ở đây cho thoáng”. Tiếu Phi vẫn đứng im, giọng nói vọng ra từ trong chiếc khăn quàng cổ mềm như nước chứ không lạnh lùng như lúc nói chuyện với Đỗ Hân Ngôn.

Vô Song hơi sững ra, lồng ngực khẽ phập phồng, ánh mắt thoáng tia bất lực. Cô không khuyên nhủ gì thêm, cụp mắt xuống, đứng yên bên cạnh Tiếu Phi.

Ánh mắt Tiếu Phi lộ nụ cười giảo hoạt. Nàng chậm rãi đi tới chỗ xích đu đưa tay gạt tuyết, ngoài móng tay còn hơi hồng, hai bàn tay trắng như tuyết. Tiếu Phi ngồi lên xích đu, hai chân khẽ đạp, xích đu đưa đi đưa lại. Gió thổi lông trên áo khoác và khăn quàng bay bay, nàng hắt hơi rồi cười hỏi: “Vô Song, ta lại hại ngươi bị phạt, chắc ngươi hận ta lắm nhỉ?”.

Vô Song tỏ vẻ lãnh đạm, mím môi không nói, như thể Tiếu Phi đang nói những chuyện không liên quan gì đến mình.

Tiếu Phi bỗng thấy chán, nàng xuống khỏi xích đu, chẳng thèm nhìn Vô Song mà đi thẳng vào Tú Lâu.

Vô Song lặng lẽ theo sau Tiếu Phi, đến tận chân lầu, Tiếu Phi đột nhiên quay lại nói: “Vô Song, bảo vệ một người ngươi ghét, có đáng không?”.

Vô Song ngẩng lên, bình tĩnh nhìn Tiếu Phi, chậm rãi nhả ra một từ: “Đáng!”.

“Chỉ vì đã cứu mạng ngươi nên ngươi cứ như một đứa ngốc mà nghe theo lời của hắn, chẳng lẽ ngươi không oán hận một chút nào sao?”.

“Nhận ơn một lần trả ơn cả đời”.

“Ngươi có bảo hắn cứu ngươi đâu? Hắn tự ra tay thì liên quan gì đến ngươi? Cùng lắm là sau này ngươi cũng cứu hắn một mạng, chứ ngày ngày ở đây bị ta giày vò như thế này sao?!”.

Vô Song nhìn Tiếu Phi, cuối cùng thở dài nói: “Tiểu thư ích kỷ bạc bẽo, tất không hiểu được đâu”.

Tiếu Phi bực bội đáp lời: “Người không vì mình trời chu đất diệt! Vô Song, đừng nói với ta những chuyện nhân nghĩa đạo đức đó. Ta chỉ muốn xem xem rốt cuộc hắn có thể chiều lòng ta đến mức nào, mang ngươi ra làm dao thử, cũng là do ngươi tự chuốc lấy”.

Tiếu Phi nhấc váy rảo bước lên lầu, đi tới cửa khuê phòng ở gác hai thì nghe thấy giọng nói lãnh đạm của Vô Song: “Ngoài bản thân mình, chẳng lẽ tiểu thư chưa từng vương vấn ai sao?”.

Bước chân Tiếu Phi bỗng nặng như đeo chì, thẫn thờ dừng lại. Tuyết đã ngừng rơi, ánh nắng ấm áp chiếu khắp hậu hoa viên, không còn cả tiếng gió, tĩnh lặng khác thường.

Nàng chưa từng vương vấn ai sao? Những ngày này nàng lúc nào nàng cũng nhớ nhung một người.

Sông Cừ Phù, bóng dáng chàng chắp tay sau lưng thấp thoáng qua kẽ lá sen, tà áo xanh bay bay trong gió sớm, khuôn mặt ánh mắt tươi cười.

Núi Lạc Phong, tiếng tiêu du dương khắp không trung, đêm đêm vang vọng bên tai.

Nàng khẽ rung mình, bàn tay luồn trong tay áo cầm lò sưởi tay mà vẫn cảm thấy lạnh. Tiếu Phi nhìn Vô Song, bĩu môi nghĩ, thà phụ hết người trong thiên hạ, cũng không thể có lỗi với bản thân.

Tết Nguyên Tiêu.

Đêm đẹp nhất năm ở chốn Kinh Thành.

Tiếu Phi thấy thị tỳ Yên Nhiên đã thay áo mới, khuôn mặt không giấu nổi niềm vui. Nhưng, nàng không muốn đi, nàng rất muốn biết, nàng không đi, Tam hoàng tử Duệ sẽ làm gì nàng.



Hai năm trước bên cạnh nàng chỉ có mình Yên Nhiên hầu hạ. Hai người hứng khởi đi chơi Tết đèn, mải mê xem đèn, quay lại mới biết lạc nhau. Nàng đứng dưới một chiếc đèn hoa sen, cũng chẳng lo lắng gì, định bụng xem xong sẽ tự đi về phủ. Ngay sau đó Tam hoàng tử Duệ anh tuấn lịch lãm đã diễn vở gặp gỡ tình cờ hộ tống mỹ nhân. Rồi sau đó luôn tỏ vẻ có tình cảm sâu đậm với nàng, còn đưa cả Vô Song võ nghệ cao cường, xinh đẹp mỹ miều đến mức khiến nàng hổ thẹn tới bảo vệ nàng.

Tiếu Phi không thể tin vào tình cảm của Tam hoàng tử Duệ, dù ngay cả nàng cũng không biết tại sao. Hai năm nay, Cao Duệ hoàn toàn kín kẽ, lúc nào cũng làm ra vẻ si tình sau này sẽ cùng nàng chia sẻ giang sơn. Vì phụ thân của nàng là tể tướng đương triều Thẩm Nghi kiên quyết không can dự vào cuộc chiến tranh giành ngôi thái tử, Tiếu Phi không muốn người ngoài biết mình có quen biết với Tam hoàng tử, nên Cao Duệ làm ra vẻ không biết nàng, không làm gì tổn hại đến danh tiếng của nàng. Chàng chỉ nói, đợi chàng trở thành thái tử, Thẩm tướng hết mối lo thì sẽ xin Minh đế ban hôn.

Nàng không tin, lại thấy nghi ngờ, chỉ còn cách giày vò Vô Song. Chỉ cần nàng có chuyện gì, Vô Song sẽ bị Cao Duệ phạt. Đầu tiên là vì Tiếu Phi muốn thử Cao Duệ, sau đó thì là hiếu kỳ với Vô Song. Nàng ta theo nàng hai năm nay, nàng đã chán cái vẻ băng lạnh kia lắm rồi, nên không thể kìm được muốn giày vò nàng ta, chỉ để xem khi nào thì Vô Song không thể chịu đựng thêm mà phản ứng ra ngoài.

“Hai ngươi tự đi xem đèn đi. Trời lạnh, ta không muốn ra ngoài!”. Tiếu Phi nhìn Vô Song, đôi mắt đầy hứng thú, nếu nàng không đi hội đèn, Cao Duệ không gặp được nàng thì sẽ xử phạt Vô Song thế nào?

Yên Nhiên từ nhỏ đã theo hầu Tiếu Phi, là người thật thà, buồn vui đều thể hiện ra ngoài. Hai năm nay, Yên Nhiên không biết lai lịch của Vô Song. Lúc này lại càng không hiểu ý tứ của Tiếu Phi, nghe nói nàng không đi xem đèn thì mặt xị xuống, nhìn Tiếu Phi vẻ khẩn thiết, giận dỗi nói: “Tiểu thư không đi, em cũng không đi”.

Khuôn mặt của Vô Song không một cảm xúc.

Tiếu Phi vẫn tươi cười: “Thôi được rồi, một năm có một lần. Đi thôi, chúng ta đi xem đèn”.

Khuôn mặt Yên Nhiên rạng rỡ hẳn lên, ánh mắt đầy háo hức.

Tiếu Phi liếc nhìn Vô Song, vẫn một khuôn mặt vô cảm. Tiếu Phi bước qua Vô Song, nói: “Ngươi đoán xem lần này hắn sẽ phạt ngươi thế nào?”, rồi cười khẩy, mặc áo choàng, thong thả bước đi.

Trong đầu Vô Song thoáng qua ánh mắt tức giận mà như không của Cao Duệ. Hình như cả Cao Duệ và Thẩm Tiếu Phi đều coi nàng là quân cờ để thăm dò đối phương. Hai năm nay, Tiếu Phi khòng ngừng gây chuyện và giày vò khiến nàng đôi lúc cũng mất kiên nhẫn. Đúng là nàng rất ghét thiên kim tiểu thư của tướng phủ, nhưng cứ nghĩ đến tình cảnh Cao Duệ cứu mình, trái tim Vô Song lại bình tĩnh lại, giống như ném một viên đá xuống giếng cổ sâu hun hút, mặt giếng chỉ lăn tăn gợn sóng rồi lại phẳng lặng êm đềm.

Dòng người đông đúc, phố xá lấp lánh ánh đèn.

Ba người chủ tớ nhà Tiếu Phi đeo mặt nạ cười đứng đoán câu đố bên ngọn đèn hoa sen. Bỗng Tiếu Phi nghe thấy một giọng lảnh lót: “Tiểu Đỗ! Chàng giúp ta thắng lấy cây trâm kia đi”.

Nàng nhìn về phía tiếng nói, trước mắt như sáng lên. Ánh đèn soi dáng một người con gái kiều diễm, dung mạo như hoa, mặc một chiếc áo hoa màu hồng nhạt, váy màu xanh đá, khoác áo choàng màu đỏ, trên cổ quấn một chiếc khăn choàng lông cáo trắng làm nổi bật khuôn mặt như vầng mây bạc ôm trăng. Người con gái đó đứng dưới ngọn đèn hoa, giơ tay nắm lấy câu đố lụa, như sợ ai tranh mất.

Cùng lúc đó, một bóng áo xanh bước vào tầm mắt của Tiếu Phi, Đỗ Hân Ngôn theo sau tươi cười đến bên người con gái, ngẩng lên nhìn câu đối đèn. Vì tập trung, khuôn mặt hơi ngẩng lên, lộ rõ vầng trán thông minh mịn màng và những đường nét nhìn nghiêng thanh tú. Cái dáng đứng chắp tay sau lưng ấy, lại một lần nữa gợi lên ký ức của Tiếu Phi.

Tiếng cười vang vọng bên tai nàng. Đỗ Hân Ngôn giành được cây trâm cài vào mái tóc người con gái. Nụ cười xinh đẹp của cô gái và vẻ dịu dàng của chàng trai bỗng khiến Tiếu Phi thầm cảm thấy hâm mộ.

Nàng ngẩn người nhìn chiếc đèn hoa sen trước mắt, xuyên qua ánh đèn mờ ảo, dừng lại ở hai người họ. Tiếng cười như vọng lại từ một nơi nào xa lắm, còn nàng, chỉ nghe thấy tiếng đập của trái tim mình. Cảm giác cô đơn khiến Tiếu Phi sợ hãi, nàng cố ép mình thu lại ánh nhìn, tập trung vào câu đố đèn, nhưng hàng chữ trên đó bỗng trở nên mơ hồ, nhòe nhoẹt trong ánh sáng không sao nhìn rõ được.

Nàng cũng không biết họ đi từ lúc nào, cho đến khi người đi đường kháo nhau: “Đỗ công tử và Đinh tiểu thư thanh mai trúc mã, đúng là trai tài gái sắc”.

“Phương phi xuân rơi lệ; Thiển hà hạ khoe hương”. Nghĩ đến câu thơ ấy, hai con mắt phượng bỗng trở nên lạnh lẽo.

“Câu đố nào mà có thể làm khó nàng? Nàng nhìn gì mà lâu thế?”. Một giọng nói trầm trầm vang lên ngay bên cạnh.

Tiếu Phi hơi giật mình, ngước mắt nhìn thấy một khuôn mặt đang khóc, thì cười nói: “Ai cũng mua mặt nạ cười, sao chàng lại khác người thế?”.

“Ta thấy nàng đang cười, nàng thấy ta đang khóc. Thật là hợp người hợp cảnh, không phải sao?”. Người mang mặt nạ khóc dáng hình cao to, mặc chiếc áo dài gấm hoa nền thêu chữ phúc, lưng thắt đai ngọc, đeo túi hương và hầu bao nặng trĩu, nhìn qua cũng biết là thiếu gia nhà quyền quý.

Không đợi Tiếu Phi trả lời, người đó đã dẫn nàng đi thẳng về phía trước, thêm mấy lần quẹo là đến bờ sông, rồi dẫn nàng lên thuyền. Vô Song dẫn theo Yên Nhiên và vài thị vệ mặc quần áo thường dân cùng lên thuyền.

Vào trong khoang thuyền, người đó mới bỏ mặt nạ ra. Khuôn mặt tuấn tú, tươi cười, đúng là Tam hoàng tử Cao Duệ.

“Gạo cống nộp của Giang Nam xảy ra chuyện rồi. Hôm nay hoàng thượng biết tin, lệnh cho bộ Hộ và đạo[5] Giang Nam điều tra”. Tiếu Phi không gỡ mặt nạ, cũng không hàn huyên dài dòng, chuyển tin ngay.

[5] Đạo: Tên khu hành chính đời Đường.

Thời điểm cuối năm, mấy chục binh sĩ trong quân đội đồn trú ở biên cương bỗng nhiên nổi loạn.

Biên cương giá lạnh, phải canh chừng tám bộ tộc Khiết Đan vượt qua biên giới cướp bóc, binh sĩ chẳng ai dám lơ là, với họ được ăn một bữa cơm nóng sốt cũng đủ gọi là ăn Tết. Đúng lúc đó, ty Lương Khố[6] vận chuyển quân lương ra đến biên giới, bếp ăn mở liền ra một lúc mười bao gạo nhưng toàn là gạo mốc, kiểm tra kỹ thì đợt quân lương lần này đã có bảy phần gạo mốc, nhưng bếp ăn cũng không bỏ đi, mà trộn gạo cũ gạo mới mang đi nấu. Tối ba mươi Tết, binh sĩ uống rượu ăn cơm gạo mốc nên phát khùng, có mười mấy người cởi bỏ quân phục ngay tại trận, không làm lính nữa.

[6] Nơi trông coi, quản lý lương thực.

Võ Uy tướng quân Đinh Phụng Niên ngay lập tức chặt đầu những binh sĩ gây chuyện để trấn áp lòng quân, rồi cử tâm phúc hỏa tốc về kinh chúc Tết. Ông ta gửi lễ vật lớn đến các quan của ty Lương Khố, ám chỉ quân lương có vấn đề.

Đinh Phụng Niên bao năm trấn giữ biên cương, quân lương quân hưởng[7] là việc đại sự hàng đầu để yên lòng quân. Ông tự cho rằng ty Lương Khố có điều gì bất mãn với mình nên cố ý phát gạo cũ trong kho cho quân đội. Ông gửi lễ vật không làm to chuyện này là để lấy lòng người, lại có thể “bắt thóp” ty Lương Khố. Đinh Phụng Niên tự cảm thấy mình xử lý chuyện này rất chu đáo.

[7] Thực phẩm nuôi quân và lương bổng của quân sĩ.

Ai ngờ ty Lương Khố nhận được tin của ông thì vô cùng sửng sốt. Vì Đinh Phụng Niên khéo léo nên ty Lương Khố cũng đặc biệt chuyển cho ông số gạo mới vụ thu vừa rồi của đạo Giang Nam chuyển đến kinh thành. Ty Lương Khố cũng kiểm tra tất cả nhà kho gạo cống của Giang Nam, thì có hơn nghìn bao gạo cũ đã bị mốc. Lấy gạo cũ đổi gạo mới là tội chém đầu, các quan quản lý lương khố vô cùng sợ hãi.

Ty Lương Khố là nơi trọng yếu, nếu nói mấy nghìn bao gạo mốc kia bị đổi ngay trong kho thì thật là vô lý. Nhưng Sổ sách vẫn còn đó, thủ tục nhập kho đầy đủ, ty vận chuyển lương thực của Giang Nam hoàn toàn có thể đùn đẩy trách nhiệm, trong tình thế cấp bách, đã có hai quan viên của ty Lương Khố tự tử, vụ việc mới được trình lên hoàng thượng.

“Ta biết, ngay từ khi biết được tin ta đã nghĩ rằng, nhất định Phi Nhi sẽ đến hội đèn để báo với ta”. Giọng nói Cao Duệ vô cùng dịu dàng pha lẫn chút vui mừng và chút cảm động. Bất cứ người con gái nào nghe thấy câu nói ấy đều sẽ bị mê hoặc.

“Tất nhiên rồi, Tiếu Phi sợ Tam điện hạ thiệt thòi, không đấu được với Đại hoàng tử thì tương lai vinh hoa phú quý của Tiếu Phi biết gửi gắm vào ai?”. Tiếu Phi yêu kiều trả lời, khuôn mặt vẫn mang mặt nạ và nàng cũng không hề có ý định bỏ nó ra.

Cao Duệ cầm tay Tiếu Phi, chăm chú nhìn nàng.

Đại hoàng tử Hy có đôi mắt giống hệt Minh đế hồi trẻ, ánh mắt hiền hòa dịu dàng, trong veo thấy đáy. Mắt của Cao Duệ giống mắt hoàng quý phi, mênh mang như khói sóng, lãng đãng như sương sớm sông nước Giang Nam, khiến người ta không nhìn thấu được thần sắc thật sự trong đôi mắt ấy. Sâu thẳm bên trong là hai vì sao lấp lánh, lôi cuốn người ta chìm sâu vào đó nhìn cho rõ.

Lúc này dưới ánh đèn, trong ánh mắt ấy chỉ có tình cảm sâu đậm với Tiếu Phi, tràn đầy niềm vui khi gặp được nàng. Cao Duệ dịu dàng nhìn Tiếu Phi, không nhắc gì đến vụ án Giang Nam nữa: “Sao không bỏ mặt nạ ra? Mặt nàng làm sao thế?”.

“Hôm nay ham cảnh tuyết mà dãi nắng dầm gió trong hậu hoa viên nên bị dị ứng, sợ làm Tam điện hạ kinh sợ”. Tiếu Phi tức giận rút tay về, đỡ chiếc mặt nạ.

“Vô Song!”. Cao Duệ sa sầm nét mặt.

Cửa mở, Vô Song bước vào, ánh mắt bình tĩnh nhìn xuống sàn thuyền, cũng chẳng buồn để ý đến hai người họ.

“Vô Song không ngăn nổi Tiếu Phi. Không liên quan gì đến Vô Song”. Tiếu Phi uể oải bổ sung, hai con mắt phía sau mặt nạ sáng trưng, như thể kịch hay giờ mới bắt đầu.

“Bảo nàng ta đến bên nàng là để bảo vệ nàng không bị tổn thương dù là chân tơ kẽ tóc”. Cao Duệ nhìn Tiếu Phi trách cứ, cho dù là trách cứ thì cũng chứa đầy sự dịu dàng yêu chiều bất lực. Khi quay sang phía Vô Song, ánh mắt ấy lại lạnh như băng. “Đây không phải là lần đầu tiên, Phi Nhi, nàng nói xem nên xử phạt thế nào đây?”.

Tiếu Phi cười trả lời: “Vô Song là người của điện hạ, điện hạ muốn chém muốn giết gì cũng chẳng liên quan đến Tiếu Phi”.

Tuy nói như vậy, nhưng ánh mắt nàng lại đầy vẻ thách thức và hưng phấn, nhìn Cao Duệ vẻ không tin là chàng ta sẽ giết Vô Song.

“Vô Song, tự vẫn đi”. Cao Duệ nhướng mày, nói nhẹ như không.

Vô Song ngay lập tức tuốt kiếm, xoẹt một tiếng, thanh kiếm sáng loáng vút ra khỏi bao, kề ngay vào cổ.

“Ngày mai ta khởi hành đến Giang Nam dưỡng bệnh”. Tiếu Phi rất thất vọng, nhìn thấy thanh kiếm đã kề vào cổ Vô Song mà Cao Duệ vẫn không có phản ứng gì thì vội nói.

Cao Duệ búng lưỡi kiếm ra khỏi cổ Vô Song, thanh kiếm dài rung lên, cũng đủ làm rơi một lọn tóc của Vô Song. Cao Duệ lạnh lùng nói: “Quỳ ở đây một đêm mà ăn năn hối lỗi, trong chuyến đi Giang Nam không được quên chức trách của mình”.

“Tạ ơn điện hạ!”. Vô Song quỳ hai gối xuống đất, lưng thẳng đứng. Không xa trên sàn thuyền, một con nhện đang chậm сhạp bò qua, nàng đếm bước chân của nó, như thể trên thuyền chỉ có mình nàng.

Tiếu Phi không nói gì thêm, quay ra ngoài, cũng không nhìn Vô Song. Một câu của nàng, Cao Duệ có thể không do dự gì mà giết ngay Vô Song. Xem ra có vẻ đúng là tình sâu nghĩa nặng, nhưng điều đó càng khiến Tiếu Phi lo lắng không yên.

Nàng giúp Cao Duệ đoạt giang sơn, Cao Duệ cho nàng quyền thế phú quý. Đối với Tiếu Phi, đây là một giao dịch liên quan đến tiền đồ, liên quan đến tương lai của nàng, Cao Duệ cũng không nên lẫn lộn với tình cảm như thế. Tiếu Phi vẫn luôn cho rằng, có thể khiến Minh đế do dự bao lâu giữa Đại hoàng tử Hy và Tam hoàng tử Duệ, chứng tỏ rằng cả hai hoàng tử đều không phải là những kẻ tầm thường. Nàng thà tin rằng chàng chọn nàng vì vị trí thiên kim tướng phủ, vì cơ trí của nàng còn hơn là tin rằng chàng đã yêu mình.

Cao Duệ mỉm cười đáp: “Thời tiết Giang Nam mát mẻ rất tốt cho việc dưỡng da, Phi Nhi đến đó vài ngày cũng tốt. Phụ hoàng lệnh cho Tiểu Đỗ nhận chức ngự sử đốc sát ty Giang Nam điều tra vụ án vừa rồi, nếu nàng còn chưa hả giận, thì đây cũng là một cơ hộỉ tốt”.

Tiếu Phi không trả lời, dẫn theo Yên Nhiên bước lên bờ trở về tướng phủ. Nàng ném ánh mắt về phía Vô Song, những ý nghĩ hay ho nối tiếp nhau hiện ra trong đầu. Tiếu Phi cảm thấy chuyến đi Giang Nam chắc sẽ rất thú vị. Sắc mặt Vô Song vẫn không mảy may thay đổi, cũng khiến nàng hứng thú không kém.

Vô Song vẫn im lặng quỳ trên khoang thuyền đếm bước chân con nhện.

Cao Duệ chắp tay đi đến phía sau Vô Song, lặng lẽ nhìn vào chiếc gáy trắng ngần. Cao Duệ đứng đó đúng một khắc, Vô Song vẫn như một bức tượng tạc, hoàn toàn bất động. Cuối cùng Cao Duệ phải thốt lên: “Nếu ta không búng lưỡi kiếm ra, ngươi đã mất mạng rồi”.

Vô Song vẫn không nghe thấy gì. Nàng chọn cách ngốc nhất để đối diện với tất cả những điều này. Nàng giống như thu mình vào vỏ ốc, như thế, nàng mới có thể chịu đựng sự giày vò hết lần này đến lần khác của cả Tiếu Phi và Cao Duệ.

Cao Duệ đã quen với Vô Song như thế này, nhưng là chuyện sống chết, Cao Duệ thực sự hiếu kỳ về lòng trung thành của Vô Song đối với mình. “Vô Song, trả lời ta, có biết là lúc nãy suýt chút nữa ngươi đã tự cắt đứt cổ mình”.

“Biết”. Ánh mắt Vô Song rời khỏi con nhện, chuyển sang sàn thuyền.

Bóng áo gấm màu trắng bạc xuất hiện trước mặt nàng, cằm nàng bị Cao Duệ nâng lên, nàng nhìn thấy sự hiếu kỳ sâu sắc trong đôi mắt ấy. Vô Song cảm thấy thật buồn cười, nàng bình tĩnh nói: “Vô Song là quân cờ của điện hạ, không chết được”.

“Ha ha, biết ngay là ngươi không ngốc, chỉ là không chịu nói ra thôi”, Cao Duệ cười thành tiếng, đứng dậy, “Vụ án Giang Nam rất quan trọng, ngày mai khởi hành, tạm thời ghi nhớ đó, trở về lại chịu phạt”.

Vô Song đứng dậy nói: “Điện hạ yên tâm, Vô Song không chết, tiểu thư sẽ không chết”.

“Ngươi sai rồi, cho dù ngươi chết, cũng phải bảo vệ cho nàng ta chu toàn”. Cao Duệ nhìn chằm chằm vào Vô Song, nghiêm giọng.

“Vâng”.

Sau khi Vô Song rời đi, Cao Duệ cúi xuống nhặt lọn tóc vương trên đất, quấn vào ngón tay, cảm giác mềm mượt dịu dàng, khóe miệng Cao Duệ hơi giật giật, rồi tiện tay cho vào túi thơm giắt ở thắt lưng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
Vạn Cổ Thần Đế

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nghìn Kế Tương Tư

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook