Người Đọc

Chương 35

Bernhard Schlink

04/04/2016

Mùa hè sau vụ án tôi chỉ ở trong phòng đọc của thư viện trường đại học. Tôi đến khi phòng đọc mở cửa và về khi đóng cửa. Cuối tuần tôi học ở nhà. Tôi học cắm cúi và mê muội, đến nỗi mọi tình cảm và ý nghĩ vốn đã bị phiên tòa làm tê liệt thì nay vẫn giữ nguyên trạng thái tê liệt. Tôi tránh tiếp xúc. Tôi chuyển ra khỏi nhà, thuê một phòng, cự tuyệt cả mấy mống quen mặt vẫn bắt chuyện tôi ở phòng đọc hay đôi khi ở rạp xem phim.

Trong học kỳ mùa đông hầu như tôi cũng không cư xử khác đi. Mặc dù vậy tôi vẫn được hỏi có đi trượt tuyết cùng một nhóm sinh viên trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Tôi ngạc nhiên nhận lời.

Tôi trượt tuyết không giỏi, nhưng ham, và ưa trượt nhanh, có thể sánh cùng những ai trượt giỏi. Nhiều khi tôi liều lĩnh bất chấp nguy cơ tai nạn khi trượt đổ dốc là môn mà thật ra tôi không đủ trình độ. Tôi cố tình làm thế. Một sự liều mạng khác mà tôi dấn vào và rốt cuộc cũng xảy ra thì tôi hoàn toàn không nhận ra.

Tôi không bao giờ biết lạnh. Trong khi mọi người mặc áo len và áo khoác đi trượt tuyết thì tôi mặc sơ mi. Bọn họ chỉ lắc đầu nhìn và trêu chọc tôi. Nhưng ngay cả những lời cảnh báo lo lắng của họ tôi cũng không quan tâm. Khi mới chớm ho, tôi cho rằng do hút loại thuốc lá của Áo. Lúc đã bắt đầu sốt, tôi lại thích tình trạng đó. Tôi thấy người yếu nhưng đồng thời nhẹ nhõm, mọi cảm quan nhẹ đi một cách dễ chịu, mềm như bông, ấm áp. Tôi bay lơ lửng.

Rồi tôi sốt cao, bị đưa đến bệnh viện. Khi xuất viện, cảm giác tê dại mất đi. Tất cả các vấn đề, sợ hãi, cáo buộc và tự trách cứ, mọi nỗi kinh hoàng và đau đớn bùng phát trong phiên tòa và lập tức bị tê liệt, bây giờ quay lại và trụ lại đó. Tôi không biết các bác sĩ chẩn đoán gì, nếu một người không rét khi đáng lẽ phải rét. Tôi tự chẩn đoán là cảm giác tê dại đã từng chế ngự cơ thể tôi, trước khi nó buông tôi ra, trước khi tôi thoát được nó.

Sau khi tốt nghiệp tôi bắt đầu giai đoạn tập sự, lúc đó là mùa hè của phong trào sinh viên. Tôi quan tâm đến lịch sử và xã hội học, và trong lúc thực tập vẫn còn dính nhiều đến trường đại học nên tiếp thụ được tất cả. Tiếp thụ không có nghĩa là tiếp tay - nói cho cùng thì tôi dửng dưng trước đại học và cải cách đại học chẳng khác gì trước Việt cộng và Hoa Kỳ. Chủ đề thứ ba, chủ đề chính của phong trào sinh viên, là sự xung đột với quá khứ Quốc xã. Trong lĩnh vực này tôi nhận thấy một khoảng cách giữa mình và các sinh viên khác, đến nỗi tôi không muốn cùng họ đi cổ động và biểu tình.



Thỉnh thoảng tôi nghĩ rằng sự xung động với quá khứ Đức Quốc xã không phải là lý do, mà là biểu hiện của mối xung khắc giữa các thế hệ, và người ta dễ nhận ta mối xung khắc đó là động lực của phong trào sinh viên. Những mong đợi của lớp cha mẹ mà thế hệ nào cũng phải vùng ra khỏi, chúng đơn giản đã bị hất bỏ, vì lớp cha mẹ trong Đế chế thứ ba hay chậm nhất là sau đó đã tỏ ra bất lực. Những người đã từng phạm tội ác phát xít, hoặc trơ mắt nhìn chúng phạn tội ác, hoặc sau 1945 dung túng cho phép hay thậm chí chấp nhận bọn tội phạm chung sống với mình - làm sao để những người ấy dạy bảo con cái được? Nhưng mặt khác thì quá khứ Đức Quốc xã cũng không muốn trách cha mẹ mình điều gì. Đối với họ xung đột với quá khứ Đức Quốc xã không phải là thể hiện của mối xung khắc thế hệ, mà chính là cốt lõi vấn đề.

Tội lỗi tập thể dù có bản chất gì về đạo lý hay pháp lý chăng nữa - đối với thế hệ sinh viên chúng tôi đó là một thực tế đang được trải nghiệm. Không chỉ trong quan hệ với những gì ngày xưa xảy ra trong Đế chế thứ ba. Chuyện bia mộ của người Do Thái bị bôi bẩn với hình chữ thập ngoặc, nhiều tên Nazi ngày xưa tiến thân ở tòa án, cơ quan công quyền và trường đại, CHLB Đức không công nhận nhà nước Israel, di cư và phản kháng ít được lưu truyền hơn là cuộc sống thích ứng - tất cả khiến chúng tôi phải hổ thẹn, kể cả khi chúng tôi vạch mặt những kẻ có tội. Vạch mặt những kẻ có tội nhưng không làm người ta trốn được hổ thẹn, nhưng nó cũng chế ngự được nỗi đau khi hổ thẹn, biến nỗi đau thụ động khi hổ thẹn thành năng lượng, hành động, vũ lực. Và cuộc xung đột với lớp cha mẹ tội lỗi hàm chứa đầy năng lượng.

Tôi không vạch mặt ai được. Với bố mẹ tôi đã đành là không, vì tôi chẳng có gì để buộc tội họ. Sự năng nổ khảo cứu trong thời kỳ theo lớp chuyên đề khiến tôi buộc bố tôi phải hổ thẹn, nay đã biến mất trong tôi, giày vò tôi. Và những tội trạng mà những người trong xã hội xung quanh tôi mắc phải đều ít hơn so với hành động của Hanna. Thật ra tôi phải vạch mặt Hanna mới đúng. Nhưng hóa ra tôi tự vạch mặt mình. Tôi đã yêu Hanna. Không những yêu cô, tôi còn chọn cô. Tôi cố tự nhủ rằng khi chọn Hanna tôi không biết gì về những việc cô đã từng làm. Qua đó tôi cố cãi cho mình vô tội, vô tội như trẻ con yêu cha mẹ vậy. Nhưng tình yêu dành cho cha mẹ là tình yêu duy nhất mà người ta không phải chịu trách nhiệm.

Và đôi khi người ta vẫn phải chịu trách nhiệm cho tình yêu dành cho cha mẹ. Hồi đó tôi ghen tị với các sinh viên khác khi họ đã tách khỏi được cha mẹ họ, như vậy là đã tách khỏi cả thế hệ của những thủ phạm, của những kẻ trơ mắt nhìn, quay mặt đi, dung túng và chấp nhận, qua đó nếu như không chế ngự được hổ thẹn thì cũng chế ngự được nỗi đau trong hổ thẹn. Nhưng từ đâu sinh ra sự tự mãn hãnh tiến mà tôi hay chứng kiến ở họ? Làm sao người ta có thể cảm nhận tội lỗi và hổ thẹn, đồng thời tự mãn hãnh tiến? Liệu tách khỏi cha mẹ chỉ là âm thanh hùng biện át đi mối liên đới bất khả phủ nhận với tội lỗi của cha mẹ khi ta vẫn dành tình yêu cho họ?

Những ý nghĩ ấy sau này mới có. Nhưng cả sau này chúng cũng không phải là niềm an ủi. Nỗi đau khổ của tôi khi yêu Hanna xét về khía cạnh nào đó là số phận của thế hệ tôi, số phận Đức, số phận mà tôi khó trốn tránh hơn, khó che đậy hơn những người khác. Làm sao nỗi đau ấy lại là niềm an ủi được? Mặc dù vậy, kể như nếu hồi đó tôi có thể hòa đồng hơn vào thế hệ của mình thì vẫn tốt cho tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Người Đọc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook