Sao Đen

Quyển 5 - Chương 5: ĐÁM TANG MẸ TÔI

Triệu Huấn

22/04/2014

Ông Đức đã từ Hà Nội bay vào Thành phố Hồ Chí Minh khi nghe tin tôi về nước. Hai Bền đưa tôi đến nhà riêng tiếp kiến ông.

- Cậu! Cậu vẫn khoẻ mạnh chứ ạ?

- Nghĩa! Nghe tin cháu về cậu vội thu xếp bay vào ngay. Mọi chuyện đều tốt đẹp chứ?

- Dạ chúng cháu vẫn bình thường. Thưa cậu tình hình mẹ cháu, anh chị cháu ngoài Hà Nội ra sao ạ?

Cậu Đức trầm ngâm giây lát rồi nói.

- Mẹ cháu mất cách đây một năm rồi! Cậu bảo Huệ viết thư báo tin ngay cho cháu. Nhưng đám tang có sự cố đáng buồn nên Huệ bảo chờ cháu về sẽ nói riêng. Viết thư sang sợ gia đình bên ấy biết chuyện cũng không hay.

- Trời ơi mẹ cháu đã qua đời mà lại còn xảy ra chuyện không hay nữa? Đầu đuôi ra sao xin cậu cho cháu biết với?

- Bình tĩnh đi cháu. Câu chuyện dài dòng để lúc khác cậu kể tỉ mỉ cho nghe sau. Bây giờ ta bàn chương trình những ngày cháu trở về nước đã.

- Dạ. Cháu sẽ vâng lời cậu.

Hai Bền biết có chuyện riêng tư trong gia đình nên ý tứ cáo lui. Ông Đức hẹn anh trưa đến ăn cơm để còn trao đổi việc công nữa. Hai Bền nhận lời và phóng xe đi luôn.

Lúc chỉ còn hai cậu cháu tôi mới quay lại chuyện cũ.

- Cháu hy vọng lần này về nước được gặp mẹ không ngờ chuyện đó không bao giờ còn có nữa. Cháu thật là đứa con bất hiếu.

- Mấy lần trước cậu về Hà Nội bao giờ cũng đến thăm mẹ cháu và gia đình Huệ. Tuy ngoài tám mươi nhưng mẹ cháu không có bệnh nên đi lại ăn uống, tắm giặt vẫn chưa phải nhờ đến ai. Ngoài ra bà còn giúp con cháu được khá nhiều việc vặt. Vợ chồng Huệ cứ tự hào được nhờ phúc đức của bà. Bà ra đi cũng nhanh chóng nhẹ nhàng. Chỉ mệt qua mấy ngày nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, nói năng mạch lạc, không có biểu hiện gì là lú lẫn. Trước phút lâm chung bà ứa nước mắt nhắc đến con trai, con dâu cháu đích tôn và cả vợ chồng ông Ân nữa...

Tôi ôm mặt khóc thương mẹ trước mặt cậu Đức ông im lặng không khuyên giải đưa con mất mẹ một lời nào. Chẳng gì có thể biện minh cho nhưng thiếu sót của tôi đối với bà. Hoàn cảnh công tác a? Quả là có xa xôi cách trở nhưng nếu muốn tôi vẫn có thể chủ động đề đạt cấp trên tạo hoàn cảnh cho mình. Nhưng tôi quá vô tâm về chữ hiếu. Tôi được giáo dục trung với nước hiếu với dân nhưng quên mất mẹ mình! Bây giờ có ân hận tiếc thương thì cũng đã muộn rồi!

Trước đó khá lâu chị Huệ tôi đã tiên liệu đến chuyện trăm năm của mẹ. Ý nguyện của bà là khi chết được đưa về quê chôn cạnh mộ chồng. Bà không muốn về Văn Điển vì sợ sau này phải cải táng đi Bất Bạt xa xôi, con cháu không dễ bề thăm viếng. Khi thăm hỏi mấy người cùng làng thì họ nói rằng nghĩa trang ở quê nhà được xây dựng gọn gàng đẹp đẽ lắm. Nhiều người tha hương xin sẵn phần đất để xây dựng sinh phần. Khi qua đời chỉ việt đưa về an táng vĩnh viễn. Con cháu không phải lo chuyện cải táng sang cát nữa. Có người mách mối là ông chủ khách sạn Thanh Mai đã xây sinh phần cho bố đẹp nhất làng. Nhưng nay lại mua được đất trong khuôn viên chùa Linh Diệu ngay ngoại thành nên cụ không có ý định về quê nữa. Ông con đang muốn nhượng lại ngôi sinh phần đã xây ở nghĩa trang làng. Thế là chị Huệ tôi lân la đến hỏi mua cho mẹ .

"- Sau này cụ bà về với cụ ông thì đẹp quá?!" - Ông chủ khách sạn tán tụng.

"- Gia đình chúng tôi cũng muốn thế nên sang thưa với ông xin mua lại ngôi sinh phần của cụ ông bên nhà ta".

"- Bà đã về vãng cảnh, tham quan chưa? Sinh phần chúng tôi xây đẹp nhất làng Khang Trung đấy. Tiền lệ phí an táng nộp rồi. Quỹ hội thọ ở quê góp đủ. Nếu bà thích trọn gói thì đúng giá hai cây?".

Chị Huệ tôi giật mình.

"- Ối những hai cây kia ạ? Sao đắt thế?".

"- Việc báo hiếu là tuỳ ở lòng người đâu có tính đắt rẻ được. Muốn đỡ tốn thì chỉ cần trăm gạch xây bao là đủ, cần gì phải sinh phần?".

"- Thưa ông mua vải bán áo, xin ông tính hạ bớt đi cho".

"- Tôi tính sơ cho bà nghe nhé. Xây trước nên tôi được phép chọn. Tôi mời thày địa lí đi về vài lần. Lần nào cũng cúng bái cỗ bàn mời ông cha bà chú, mời chức dịch trong làng mới kiếm được vị thế đẹp. Sau đó lại thuê thiết kế, kén thợ lành nghề, mua vật tư hảo hạng, cúng thổ địa thần linh, chọn ngày tốt làm lễ độn g thổ... Bao nhiêu công sức chi phí mới có được ngôi sinh phần khang trang lộng lẫy như thế chứ. Bốn mét vuông xây dựng, dưới là mộ phần, trên lầu bát giác, mái cong, đao đầu rồng, đỉnh tượng Phật Bà, cột ốp đá, bệ gra-ni-tô... bán hai cây cho bà là tôi lỗ đứt một cây đấy! Bà đòi hạ hơn thì bán sao được!".

Chị tôi về bàn với chồng nhưng giấu mẹ. Ông anh rể tấm tắc khen rẻ và thúc vợ đi trả tiền làm giấy tờ ngay kẻo người khác nẫng tay trên mất!

Khi mẹ tôi mất gia cảnh lúng túng chị tôi phải cho thằng cháu thứ hai lai xe máy con ông Thanh Mai mang trà thuốc, trầu cau... về trình báo với ông quản trang và các cụ Hội Thọ trong làng.

Mười giờ xe tang khởi hành từ Phùng Hưng đưa mẹ tôi về quê.

Tin bà vợ bé ông huyện Phan Thế Vinh chết lan ra khắp làng Khang Thượng. Ông trưởng thôn đang ngồi tán chuyện với cô thư kí và anh tổ trưởng thuỷ lợi nghe tin thì cau mặt.

"- Mấy chục năm sống không thấy mặt, chết mới đem xác về chôn cho bẩn làng. Đứa chết đã đành, đứa sống cũng ngu? Đưa ma về quê mà chẳng thèm xin phép ai? Hãy chờ đấy?".

"- Có hai thằng thau tháu hỏi thăm nhà ông quản trang rồi đến gặp cụ trưởng Hội Thọ".

"- Quản Trang, Hội Thọ cao hơn chính quyền a?".

"- Nhà này làm ông to bà lớn gì mà hách thế? Dám qua mặt trưởng thôn?!' - Cô thư kí nói khích.

" Vợ bé huyện Vinh! Thằng con lớn là đại Việt gian, thằng thứ hai đi bộ đội cũng đảo ngũ đầu hàng theo giặc. Hồi cải cách quy địa chủ phải theo đứa con gái bỏ làng ra tỉnh không dám nhìn mặt ai. Thời đế quốc phong kiến là ông to bà lớn chứ bây giờ thì chẳng là cái đinh! Thế mà còn không biết thân phận. Đừng ai giải quyết chuyện này nhé! Cứ để đó cho tôi!".

Nói rồi trưởng thôn ra gặp mấy tay gác đường thu tiền ô-tô qua làng rỉ tai dặn nhỏ.

"Cứ hỏi giấy tờ, chứng chỉ kiểm dịch, giấy phép chôn cất, thủ tục ký táng, thiếu một thứ cũng không cho vào. Rõ chưa?".

"Rõ! Anh chưa cho phép thì bọn em đâu chịu mở ba-ri-e! Cứ phạt thật nặng vào cho chừa?".

Mười hai giờ trưa đoàn xe tang về đến đầu làng thì dừng lại vì bị chắn đường. Hai người gác đứng dạng háng mặt lạnh như tiền cất tiếng hỏi lớn.

"- Đám ma nhà nào mà đi đường này?".

Chị Huệ vội tiến lên trước.

"- Thưa các anh đây là đám tang bà Vinh, mẹ tôi người làng Khang Thượng. Mẹ tôi đã có sinh phần ở nghĩa trang làng. Gia đình cũng đã cho người về trình trước với ông quản trang và Hội Thọ sáng nay rồi".

"- Giấy tờ đâu?".

Chị Huệ ngớ người hỏi lại.

"- Giấy tờ gì ạ?".

"- Chứng chỉ kiểm dịch, giấy phép chôn cất, biên lai nộp lệ phí kí táng".

"- Mẹ tôi tám mươi sáu tuổi chết già chứ có bệnh tật gì đâu mà phải lấy chứng nhận kiểm dịch. Tôi đã mua ngôi sinh phần của ông Thanh Mai, trong đó tính trọn gói các khoản phí cùng tiền góp Hội Thọ rồi. Đây là giấy chuyển nhượng. Còn mẹ tôi là người làng thì đâu phải nộp tiền kí táng? Tuy vậy nếu thấy khoản nào hết bao nhiêu lệ phí tôi cũng xin đóng ngay bây giờ để khỏi cần biên lai".

Người gác nhìn tờ giấy nhượng sinh phần liếc qua rồi trả lại.

"- Giấy viết tay, không có dấu uỷ ban, không công chứng, vô giá trị. Còn bà nói người chết là dân làng Khang Thượng thì tôi đâu có biết. Từ bé đến giờ tôi chưa thấy mặt mẹ con bà về đây lần nào."

Chị Huệ đang không biết phân trần ra sao thì người đàn bà ngoài năm chục tuổi đứng gần bước tới.

"- Chị Huệ ơi, em là Vai, con bà Viên, em biết chị và cụ, còn cháu Mưa đây là con ông Dột, ngoài ba chục tuổi nó không biết chị là ai. Để em đứng ra làm chứng bảo đảm cụ nhà là người làng Khang Thượng".

"- Chào dì Vai, tôi cũng vẫn nhớ dì mà. Còn ông Dột cùng đội du kích chiến đấu bảo vệ làng với tôi một thời. Nói thế chắc cậu Mưa không nghi ngờ nữa. Cậu cho tôi đưa bà cụ vào nghĩa trang chứ?".

"- Tôi ít tuổi nhưng chẳng phải không biết người trong quan tài là ai. Đó là vợ bé ông huyện Vinh người tỉnh khác. Ông Vinh là quan lại phong kiến, địa chủ duy nhất ở làng này. Con trai lớn là Việt Nam Quốc dân Đảng phản động Việt gian làm tay sai cho Pháp rồi theo Mỹ chống lại nhân dân ta. Con trai thứ hai cũng đảo ngũ theo giặc vào Nam. Hai mẹ con bà Huệ không kịp theo đành ở lại miền Bắc, nhưng bỏ làng ra thành thị. Gần bốn chục năm biệt tăm, bao lần hội làng có thấy mặt lần nào? Hộ khẩu ở đâu thì ăn theo nơi đó. Muốn quay đầu lại với quê hương thì phải được phép của chính quyền thôn xã. Bỗng dưng nhắm mắt xuôi tay, mang xác về chôn đâu có được".

Nghe tay Mưa nói lí cũng cứng rắn lắm. Chị Huệ đành sai con trai lớn đèo xe máy vào làng gặp Uỷ ban trình bày nguyện vọng xin giải quyết. Vào đến trụ sở thì thấy cửa đóng im ỉm. Có lẽ buổi trưa không nghỉ. Hỏi thăm đến ông Phó chủ tịch thì chỉ gặp con gái làm thư kí Uỷ ban. Cô nói sáng mai mới tiếp khách! Việc này muốn giải quyết nhanh phải đến gặp Trưởng thôn Lê Văn Giàn giải quyết. Hai mẹ con lại hỏi thăm vòng vèo đến nhà Giàn. Nhưng vợ anh ta nói chồng đi đâu từ sáng chưa thấy về. Hai mẹ con đành quay về chỗ xe tang. Cuộc tranh chấp kéo dài đã hơn tiếng đồng hồ giữa trời nắng chang chang. Những bà con gần đấy cũng ra tham quan bàn tán. Chị Huệ gọi mấy người thân đến bàn.

"- Số kiếp mẹ long đong. Chuyện chôn cất cũng không trót lọt. Cụ đi nhanh quá, gia đình không có kinh nghiệm nên chưa kịp làm việc với chính quyền địa phương. Nắng nóng thế này bắt người đưa tiễn chờ đợi mãi sao được. Hay ta quay lại xin chôn ở Văn Điển vậy".

"- Không được đâu. Văn Điển cũng phải đăng kí trước để lên kế hoạch gọi phu đào huyệt chứ. Đến đột xuất họ cũng bắt chờ, phiền hà chẳng kém ở đây đâu"

"- Thì xin điện táng luôn. Chẳng lẽ chôn không xong, đốt cũng chẳng được sao?".

"- Điện táng thì còn phải dự trù lâu hơn nữa!"

Ông chồng chị Huệ lúc này mới lên tiếng.

"- Dâu là con, rể là khách, nhưng tôi được thay con trai phụng dưỡng cụ gần bốn chục năm tôi xin được đề xuất ý kiến. Nguyện vọng mẹ tôi muốn địa táng để được nằm gần chồng ở quê hương. Vì thế mà chúng tôi đã chắt chiu mua ngôi sinh phần những tưởng được vừa lòng mẹ. Nay thì địa táng không xong, hoả táng cũng lỡ. Tôi xin đề xuất một phương án khác. Hồi ở Hải quân chúng tôi có truyền thống thuỷ táng. Bất cứ binh lính sĩ quan hễ tử nạn trên biển là được thả xác xuống nước! Mẹ đã sống tám mươi sáu tuổi trên mặt đất, khi chết không chỗ chôn thì gửi xác xuống dòng sông cho mát mẻ. Đất không thương thì biển cả nhận người có sao đâu. Quê hương lại nằm sát bên con sông Hồng vĩ đại. Tôi đề nghị thuỷ táng cho mẹ!".

Bọn trẻ thấy ý kiến mới lạ vỗ tay hoan hô. Mấy người lớn tuổi trù trừ chưa quyết. Song trong tình thế quẫn bách cũng đành im lặng cho bọn trẻ xử trí. Hai thằng cháu ngoại là hăng nhất. Chúng mở cửa hậu đưa linh cữu ra ngoài rồi hò nhau khiêng ra sông. Dân làng thấy vậy vô cùng sửng sốt. Chị Vai đứng dang tay ngăn mọi người lại.

"- Xin mọi người nghe tôi nói đây! Bà huyện Vinh người làng mình, con cái có công hay tội thì thuộc ai nấy chịu. Nếu trưởng thôn không mở ba-ri-e cho đi trên đường thì chúng tôi khiêng cụ qua cánh đồng vào nghĩa trang chứ không để quăng xác xuống sông! Các vị làm thế thì tai tiếng làng Khang Thượng sẽ truyền đi khắp nước, dòng sông Hồng cũng không rửa hết vết nhục. Mọi người hãy nghe tôi bắt tay đưa cụ vào nghĩa trang!".

Chị Huệ ra bắt tay cảm ơn chị Vai. Dân làng xúm lại. Đám thanh niên thành phố cũng bỏ giày da, giày thể thao, guốc cao gót trên xe, xắn quần xông vào hò nhau khiêng áo quan. Xác cụ cũng nhẹ, gỗ áo quan lại mỏng nên đi tênh tênh. Hai tay gác đường sượng sùng đứng trơ bên chiếc ba-ri-e vô cảm.

Chỉ qua hai trăm mét là đến nghĩa địa. Mọi người rửa chân tay, trang chỉnh lại quần áo giày dép rồi chuẩn bị làm lễ hạ huyệt. Các cụ Hội Thọ đã cho gánh hai nồi nước chè ra cho mọi người uống. Gia chủ cũng mang theo nước tinh khiết đóng chai, thuốc lá trầu cau mời mọc mọi người. Sau mấy lời của cụ trưởng Hội Thọ chị Huệ đứng lên cảm ơn bà con xóm làng đã hết lòng giúp đỡ để đưa mẹ đến cõi vĩnh hằng. Cửa mộ phần đã mở. Lễ hạ huyệt tiến hành nhanh chóng gọn gàng.

Chuyện đám tang "vượt rào" đã gây dư luận xôn xao trong làng Khang Thượng. Người trách gia đình tôi đã vụng đường thu xếp. Sinh phần khang trang, mồ mả to đẹp mà chẳng nghĩ đến tình làng xóm từ lúc sinh thời. Để xảy ra sự cố mới hàn gàn thì khó mà toàn vẹn. Nhưng số đông trách viên trưởng thôn, đại diện cho dân mà lại cư xử hẹp hòi thô bạo. Chắc là muốn chút chè thuốc phong bì mới lên mặt hống hách, nhũng nhiễu phiền hà. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Gia chủ có khuyết điểm đến mấy thì chính quyền cũng phải mở lòng nhân ái giải quyết tang điếu cho êm thuận rồi bắt đóng góp hay xừ phạt sau. Để phơi xác chết giữa trưa hè, đầy đoạ nhưng người đưa tiễn ngoài đường nắng nôi thế mà đang tâm được! Mấy ông trong họ còn cay cú đe doạ. Nó đối xử với dâu họ Phan như thế là bỉ mặt chúng tôi. Đến lượt họ Đặng nhà nó có thiếu sót gì chúng tôi sẽ không tha cho đâu!

Đến dịp bốn mươi chín ngày, anh chị tôi đã đưa các cháu về quê nhờ nhà trưởng họ làm cỗ cúng phục hồn và đưa bà lên chùa. Chị đã mời mọc họ hàng, bà con làng xóm đến dự. Có mời cả ông trưởng thôn, nhưng có lẽ ngượng nên ông ta cáo bận không đến. Cũng nhân dịp này chị muốn cáo lỗi với mọi người là lâu lắm không về thăm quê, hương khói mồ mả tổ tiên. Chị phân trần là mỗi lần về mọi người thường hỏi thăm Phan Quang Nghĩa khiến chị thêm buồn và không biết nói thế nào. Chị đã nhiều lần làm đơn hỏi tin nhưng trên cũng chưa trả lời dứt khoát chết hay sống, mất tích hay đầu hàng, theo ta hay đi với địch? Có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ hiện vẫn chưa có lời giải đáp.

Bây giờ đã đưa mẹ về quê thì chị sẽ đi lại thăm viếng luôn. Chị cũng muốn làm lành với những người thâm thù căm ghét kì thị gia đình tôi. Chị không muốn cho tôi biết nhưng chuyện không vui này. Đã nhiều lần viết thư định nhờ ông Đức gửi giúp. Nhưng viết xong đọc lại chị lại không vừa lòng liền xé đi. Chị chờ khi nào thần kinh ổn định hẳn mới liên lạc với tôi...

Nghe cậu Đức kể lại chuyện nhà mà trái tim tôi ứa máu. Tôi thương mẹ, thương chị Huệ vô cùng. Để bảo đảm cho bí mật công tác của tôi, ngay cả lúc đau thương, khó khăn, bế tắc nhục nhã nhất, gia đình cũng vẫn cam chịu để bảo vệ tôi, cũng là để tôi làm tròn trách nhiệm với dân với nước. Họ hàng làng xóm không thông cảm đã đành lại còn gây ra những chuyện rắc rối phiền hà, khiến người chết cũng không được yên phận. Muốn gửi nắm xương tàn bên mộ chồng trong lòng đất quê hương mà vẫn gian nan trắc trở.

Sau cơn xúc động tôi thưa với cậu Đức.

- Thưa cậu, lần này về nước nghe tin cậu đã có quyết định nghỉ hưu cháu thấy bơ vơ và rất buồn. Cháu được cậu đào tạo, tổ chức chỉ huy lãnh đạo suốt từ ngày trứng nước đến lúc trưởng thành. Nay cậu nghỉ, cháu phải "thay thày đổi chủ". Không biết công việc bước tới sẽ ra sao! Nay lại nghe tin mẹ qua đời thế là cháu mồ côi hoàn toàn rồi! Cháu là đứa con vô dụng. Suốt đời chưa một ngày cháu được phụng dưỡng mẹ già. Đã thế công việc của cháu lại đem đến cho mẹ cháu biết bao tai hoạ. Dưới con mắt họ hàng làng xóm thân thích, cháu chỉ là một tên đầu hàng đầu thú, anh cháu chỉ là một tên Việt gian phản động. Thế nên mẹ cháu đến chết cũng không được thanh thản. Về lần này cháu xin phép cậu được công khai mọi chuyện trước mọi người. Cháu không muốn người đời nhìn mẹ cháu với cặp mắt khinh miệt căng thù mãi được!

Cậu Đức ái ngại đặt tay lên vai tôi điềm đạm nói.

- Cậu đến tuổi về hưu từ lâu rồi. Nhưng vì làm công tác này nên cấp trên cứ nấn ná kéo dài tuổi công tác thêm một thời gian. Nay thì không thể cưỡng được nữa. Dĩ nhiên còn một số việc cậu vẫn phải giúp tổ chức thực hiện nốt. "Chủ mới" của cháu là những cán bộ trẻ nhưng cũng rất có bản lĩnh và tài năng. Đừng vì thiếu vắng cậu mà cảm thấy bơ vơ, buồn bã thiếu tin tưởng. Sẽ có nhưng buổi họp mặt tay ba để cháu làm quen và hiểu nhau hơn. Còn chuyện mẹ cháu mất thì cậu cũng đột ngột bàng hoàng. Nhưng ở tuổi tám mươi sáu thì cũng đã nằm trong tầm dự báo. Khi chôn cất gặp phiền hà trục trặc một phần cũng do mình sơ xuất. Gặp phải tên sâu mọt nắm quyền là nó tận dụng sơ hở để hành nghề ngay. Kền kền, diều, quạ thính mũi với mùi xác chết. Bọn tham nhũng mẫn cảm với chuyện hiếu hỉ, sĩ diện với quyền hành. Gia đình nhà cháu mà sơ xuất thì nó càng dễ bề tác yêu tác quái. Nhưng mà may vẫn có dân thương. Chính bà con đã xắn tay áo vào cuộc để giúp mẹ cháu mồ yên mả đẹp đấy chứ ai khác! Nếu được cả chính quyền và dân chúng quý trọng thì vẫn hơn. Nhưng nếu chỉ có kẻ quyền thế quý mà dân ghét thì không bằng kẻ quyền thế ghét thà dân quý! Cậu nói vậy cháu có đồng ý không? Vì cháu quá xúc động nên muốn kỳ này về sẽ nói toẹt ra mọi chuyện cho chúng biết tay! Đúng là chuyện bí mật công tác đã làm mẹ cháu phải cắn răng chịu nhục, làm khổ lây cả gia đình Huệ. Cậu rất thông cảm, nhưng phanh phui tất cả lọi chuyện cho mọi người biết lúc này chưa phải khôn ngoan đâu! Nhưng để cậu tìm cách công khai đến một mức độ nào, bằng một hình thức nào để mọi người xoay chuyển hẳn tình cảm nhận thức về cháu và gia đình.

- Vâng thưa cậu. Tuy đã muộn, nhưng phải làm thế thì linh hồn mẹ cháu mới được siêu tịnh.



- Nhân chuyến về nước lần này cậu cháu mình sẽ về quê viếng mộ mẹ cháu. Cậu cháu mình sẽ ăn mặc quân phục, cấp hàm, phù hiệu đàng hoàng. Chị cháu sẽ giới thiệu em mình với bà con thân tộc.

- Còn lý do biệt tích mất tích bốn chục năm thì biết nói thế nào?

- Cứ nói là mẹ chuyển ra thành phố không biết địa chỉ gia đình chị Huệ. Hai lần viết thư về quê bị trả lại vì không có người nhận. Thêm nữa tên xã tên huyện đến tên tỉnh cũng tách ra nhập vào nhiều lần nên thư bị thất lạc... Nói qua thôi chứ ai căn vặn khảo cung mà ngại.

- Vâng, cậu thu xếp cho cháu như thế là tạm ổn. Trước khi về nhà cháu muốn làm nốt những công việc ở đây xong đã. Cháu sẽ qua Huế trước khi đi Hà Nội.

- Cháu cứ đặt chương trình đi để cậu xem xét và phối hợp thời gian.

Câu chuyện đến đây thì mặt trời cũng đứng bóng. Cậu công vụ mang thức ăn về đặt trong tủ lạnh rồi quay về cơ quan vì không được phép tham dự công việc. Tôi và ông Đức phải vào bếp chuẩn bị cơm nước. Bữa trưa nay hẹn Hai Bền đến ăn cơm nên nấu nướng cũng phải tươm tất.

- Cậu thích món gì để cháu làm cho. Trung tướng đâu có quen vào bếp!

- Cháu hiểu sai cậu rồi. Cậu luôn luôn phải sống độc thân. Có công vụ nhưng mấy cậu lính trẻ vụng về nấu nướng kém mình không nuốt nổi. Vì thế cậu chỉ nhờ chúng mua các thứ về để tự làm lấy. Ngay như về nhà cậu cũng hay vào bếp. Mợ cháu nghèo khó vất vả suốt đời chỉ quen chém to kho mặn. Mình vào bếp vừa làm vừa huấn luyện. Lần sau về phép lại chứng nào tật ấy. Khi cậu đi rồi có gì đun nấu đâu mà chẳng quên!

- Cháu không ngờ cậu vất vả như thế. Sao cấp trên không điều cho một cô có bằng nấu ăn đến giúp?

Cậu cười.

- Sống một mình lại bố trí một cô gái trẻ đến đây giúp thì thủ trưởng chỉ chui vào bếp suốt ngày làm ăn gì được!

Hai cậu cháu cùng bật cười vui vẻ.

Có tiếng xe ô tô đỗ ngoài cửa. Ông Đức ra mở. Hai Bền xách đồ uống về, chúng tôi vào bàn được ngay.

Trong bữa ăn tôi kể lại cuộc tiếp kiến nhà văn Huyền Trang cho hai người nghe. Cậu Đức hỏi.

- Dư luận bên ngoài người ta đánh giá nhà văn nữ này thế nào?

- Thực ra văn học hiện đại trong nước chưa có tiếng vang trong công chúng ngoại quốc. Ta chưa dịch để phát hành, còn họ cũng chưa dịch của ta. Những người Việt tinh thông ngoại ngữ đủ trình độ dịch thuật văn chương cũng không nhiều, và họ lại không muốn dịch văn chương cách mạng. Những người nước ngoài giỏi tiếng Việt thì rất hiếm. Vì thế văn học thi ca nước mình chưa hoà nhập được với cộng đồng nhân loại. Chỉ có một số ít tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ ca trong nước được cộng đồng người Việt biết đến do những nhà xuất bản Việt ngữ in ấn. Họ lựa những tác phẩm hoặc tác giả hợp khẩu vị chính trị của họ, hoặc có xu hướng vượt ra ngoài định hướng tư tưởng của ta. Họ viết những bài giới thiệu có khi còn dài hơn tác phẩm. Có thể họ muốn xuyên tạc, nhưng có khi muốn thanh minh cho lập trường của họ khi dám mạnh dạn giới thiệu văn học chính quốc. Xuất bản sách của các tác giả trong nước cũng là việc làm mạo hiểm hệt như các nhà xuất bản trong nước xuất bản tác phẩm của những cây bút lưu vong. Không bị tịch thu sách nhưng họ có thể bị đám thù hận cực đoan đốt nhà, quăng mìn hoặc nổ súng vào cửa hàng, cư xá hoặc vào gia chủ cùng con cái họ. Riêng nhà văn Huyền Trang thì còn là chủ đề tranh luận. Họ tận dụng những tình tiết trong tác phẩm của bà ta để tiến công chế độ Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng cũng chê bai sự ngu dốt và giọng điệu báng bổ mạnh mẽ của bà ta vào lũ tay sai và bọn thực dân đế quốc.

- Trong cuộc tiếp kiến cháu có móc nối, lôi kéo, mua bán của bà ta cái gì không?

- Cuộc tiếp xúc quá ngắn ngủi nên cháu chưa thể kết luận. Có thể bà ta còn sợ bị giương bẫy mồi chài, sợ liên luỵ tù đầy bắt bớ... nên không thể vội vàng bộc lộ chính kiến. Nhưng bà ta khẳng định là không có tham vọng chính trị, không muốn "nối mạng" với Liên Minh và phản đối những hành động bạo loạn đặc biệt hai vụ Nghiêm Bửu Châu và vận chuyển vũ khí Tàu vào khôn giấu ở Minh Hải. Bà ví tác phẩm của mình giống như con dao giải phẫu sắc bén muốn cắt đi những ung nhọt của xã hội. Vào tay thày thuốc nó là vật cứu nhân độ thế. Vào tay kẻ cướp có thể thành hung khí sát nhân. Vào tay kẻ ngu ngốc vụng dại thì có thể dùng thái rau, băm thịt. Nhưng đôi khi cũng thành vật ngộ thương nguy hiểm. Ai kết tội sao thì tuỳ, nhưng bà sẽ trung thành với thiện chí của mình. Sản xuất ra con dao cùn thì ít nguy hại hơn nhưng cũng vô tích sự hơn?

Ông Đức gật gù không bình luận gì, còn anh Hai Bền thì nhận định luôn.

- Trong nước đánh giá nhưng tác phẩm của Huyền Trang là bi quan, tiêu cực, non kém về tư tưởng, dao động về chính trị. Bà ta đã đánh mất phẩm giá người chiến sĩ cách mạng nên cũng tàn lụi luôn về tài năng. Không ai ngăn cấm bà ta sáng tác và in ấn. Chỉ có điều những tác phẩm gần đây không đủ tiêu chuẩn xuất bản thì bà ta đổ cho chủ trương kì thị. Bà ta đã vượt ra ngoài định hướng chung thì nhất định bị bọn phản động nước ngoài lợi dụng. Bom đạn không phá nổi chúng ta thì giờ đây chúng chuyển sang đô la, sang diễn biến hoà bình. Dĩ nhiên một nhân vật như thế sẽ phải là mục tiêu lôi kéo chiêu dụ của chúng. Ta cần cảnh giác.

Ông Đức nói.

- Văn chương nghệ thuật là những lĩnh vực siêu chính trị, không nằm trong lĩnh vực xét đoán và giải quyết của chúng ta. Ta chỉ chú mục vào khía cạnh Huyền Trang có ý đồ móc nối với bọn phản động lưu vong hay không. Nếu có thì ta phải can thiệp bằng mọi phương tiện bí mật cũng như công khai. Nếu coi bà ta là mục tiêu tranh thủ của địch thì tại sao không tính chuyện giữ đồng chí mình cho cách mạng, thay vì nghi kị thành kiến võ đoán đẩy họ sang bên kia giới tuyến!

Hai Bền cười lớn.

- Làm công tác tư tưởng với mấy mẹ này đâu có dễ! Hơn nữa nó nằm ngoài tầm tay của ta. Chúng mình chỉ có việc theo dõi, khám phá,ngăn chặn, bắt bớ thẩm vấn, tra cứu rồi quăng sang kiểm sát truy tố theo luật thôi.

- Nếu ta cung cấp thông tin chính xác thì nhất định cấp trên có đối sách chính xác. Cùng lắm phải bắt cũng cần có lí có tình. Đừng để công chúng cho là ta tạo dựng hiện trường, hư cấu chứng cớ! Ta hành động quang minh chính đại cũng là niềm tự tin cần thiết để mở cửa hoà nhập với cộng đồng nhân loại.

Hai Bền mềm lòng.

- Thực ra trước lúc Nghĩa đến tiếp kiến Huyền Trang tôi cũng nói đúng những tư tưởng cốt lõi anh Đức vừa nhắc đến. Song nghe anh Nghĩa kể lại thì bà ta không theo địch cũng chẳng theo ta. Bà ta kênh kiệu tuyên bố mình đứng giữa hai làn đạn. Làm gì có cái khoảng giữa chung chung đó! Đi ra khỏi làn ranh định hướng là phải huýt còi cảnh báo rồi! Tôi không thể chấp nhận một lập trường lơ mơ thiển cận như thế. Đợi đến lúc bị địch lôi kéo thì chỉ còn nước còng tay thôi.

Chiều hôm đó cậu Đức kêu anh Hai Bền ở lại bàn một số công việc cho chuyến đi của tôi. Chương trình là sau khi làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh chừng hai tuần tôi sẽ ra Bắc ba tuần kết hợp "đi phép" một thể. Ông yêu cầu Hai Bền lo cho tôi một khoản công tác phí như đối với các cán bộ khác. Tôi từ chối nhưng cậu khuyên.

- Vấn đề không phải cháu không thể tự lo được Đây là lần đầu tiên trong suốt mấy thục năm công tác, tổ chức chi kinh phí cho cháu. Nó chẳng đáng là bao nhưng về mặt tinh thần có một ý nghĩa sâu sắc.

Hai Bền hứa là anh sẽ nhận trách nhiệm thu xếp chuyện đó thật đầy đủ. Muốn gì tôi cũng cần một số tiền Việt Nam để tiêu pha dọc đường hay về nghỉ ở nhà.

Hai người khuyên tôi nên về ở với ông Đức trong thời gian sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai cậu cháu có cơ hội tâm sự chuyện riêng tư. Ngay như khi tôi tiến hành công tác chung cũng có nhiều thuận lợi. Tuy nghỉ hưu nhưng cậu vẫn còn nắm nhiều vấn đề, không những ở hải ngoại mà còn cả trong nước. Tôi nhận lời ngay và thưa với cậu sáng mai thanh toán với khách sạn xong tôi sẽ vào sớm.

Tôi vừa về đến khách sạn thì đã thấy Rosanna gọi điện đến.

- Alô! Anh Hoài Việt đấy a? Anh đi đâu suốt ngày mà em gọi điện không thấy?

- Tôi đi công. việc thôi. Cô không làm gì hay sao mà suốt ngày gọi điện cho tôi?

- Em cũng đi một số nơi, thấy đâu có máy là em lại gọi - Nàng cười vui vẻ - Em nhớ anh mà!

- Cảm ơn!

- Cảm ơn là chưa đủ đâu! Phải mời em đi ăn tối chứ?

- Tôi rất vui được đi cùng Rosanna! Hẹn tám giờ ở phòng tiếp tân nhé!

- Cùng đi với Hồng Ân chứ? - Nàng tươi cười chữa lại.

Tôi phân vân không biết nên cắt cái đuôi này thế nào đây? Rosanna có vẻ muốn bám tôi. Còn tôi thì cũng chưa muốn nhả. Tôi có hơi nghi ngờ cô gái này nhưng chuyến đi đến nhà Huyền Trang cô ta cũng là bạn đồng hành hữu ích cho tôi. Tuy nhiên những cuộc gặp sau thì vai trò cô ta chẳng có gì cần thiết nữa. Tôi có thể ăn bữa cơm chia tay tối nay với cô. Tôi nói vài lời mùi mẫm lâm li như những tay đàn ông trăng hoa phù phiếm rồi biến mất tích vào đất nước rộng lớn này.

Thế là cô ta chẳng bao giờ còn lẵng nhẵng theo tôi nữa. Tôi tắm rửa thay bộ đồ thật đỏm dáng. Chừ đồng hồ chỉ tám giờ kém hai phút thì tôi bước ra thang máy. Xuống đến tầng bốn thang dừng lại cửa mở thì Rosanna bước vào. Trong khoang chỉ có hai đứa nên nàng tươi cười ôm lấy tôi. Chúng tôi hôn nhau một mạch tới khi thang dừng ở tầng trệt.

Chúng tôi gởi thìa khoá rồi ra đường kiếm chiếc taxi.

Chúng tôi thuê một phòng trên lầu có ban công trong một quán ăn nhìn ra sông Sài Gòn.

Tôi nhường nàng chọn món ăn Việt Nam chung cho cả hai. Chỉ có đồ uống là tôi gọi li rượu pha Cocktails còn nàng lại cần cả một chai Martini ướp lạnh.

Chúng tôi nâng li.

- Chúc cho cuộc hạnh ngộ bất ngờ của anh em mình!

- Chúc cho công việc và mục đích của mỗi chúng ta đều thành đạt?

Nàng uống cạn rồi cười vang.

- Thực ra chúng ta cũng chưa ai biết công việc của nhau. Anh là nhà báo nhưng lại thấy đi chuyển tiền, đi vận động chính trị!

- Còn cô thì cũng chỉ loăng quăng chứ có thấy kinh doanh buôn bán gì đâu? Buôn bán là việc của song thân. Em đi thăm thú dong chơi là chính. Hay anh cho em đi theo luôn. Em cũng tập làm nghề của anh, ngoài ra em còn giúp vui cho anh suốt chuyến đi. Được chứ?

Tôi ngần ngại.

- Nghề của tôi nặng nhọc và nguy hiểm nữa. Hôm nay còn ở thành phố, mai tôi về vùng thôn quê rừng núi, la cà gặp gỡ đủ mọi tầng lớp xã hội. Có khi phải ba lô trên vai đi bộ cả ngày. Đàn bà con gái theo sao được. Sợ lúc đó cô chẳng đủ sức cười chứ đừng nói giúp vui cho tôi nữa?

- Sợ phải bao em nên anh từ chối khéo chứ gì? Anh yên tâm là em rất nhiều tiền. Chúng ta góp vào chi phí chung. Nếu anh thiếu em có thể giúp anh. Hết lo chưa?

- Không phải vấn đề tiền bạc đâu. Ta có thể thoả thuận với nhau. Khi nào ở thành phố tôi sẽ thuê chung khách sạn với Rosanna. Lúc tôi đi những miền hẻo lánh thì cô ở lại làm việc của mình, nếu có thể thì chờ tôi về đi tiếp! Cuộc hành trình của chúng ta không trùng hợp nhưng khăng khít!

- Ý tưởng đó cũng hay đấy! Thế thì anh phải cho em biết chương trình của anh để điều chỉnh chương trình của em cho phù hợp.

- Tôi sẽ ở miền Nam hai tuần. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh chỉ lưu lại bốn ngày. Sau đó tôi đi Nha Trang rồi ra Huế độ năm ngày. Xong việc nơi đây thì đi xe hoả ra Hà Nội. Tôi sống ở thủ đô vài ngày rồi đi các tỉnh khác. Tổng số thời gian ở liền Bắc chừng ba tuần, Tôi bay về Sài gòn và kết thúc chuyến đi. Thời gian tổng cộng trên dưới một tháng. Liệu cô có thể điều chỉnh chương trình của thình cho phù hợp được không?

- Em nghĩ là được. Là người tự do, em không bị thời gian câu thúc như anh!

- Vấn đề là trong suốt thời gian đó chúng ta phải giữ được liên lạc với nhau. Cô sẽ lấy địa chỉ và số điện thoại cố định của khách sạn làm điểm tựa. Đi đâu xa cứ hai ba ngày tôi gọi về một lần. Như thế là không bao giờ lạc nhau.

- Ngày nào anh cũng phải gọi. Ít nhất ba ngày phải về với em một lần. Bỏ mặc em cô đơn trong phòng trọ, em buồn em tự sát đấy!

- Trời ơi! Một anh chàng như tôi lại có người phải tự tử vì đi quá ba ngày thì kì quá đấy! Có khi tôi sướng điên lên mà chết trước em chưa chừng!

Ăn uống đến mười giờ chúng tôi mới quay về khách sạn. Nàng lên thẳng buồng tôi.

- Mai anh đi xa rồi. Em phải nằm lại đây đêm nay để chia tay nhau thôi!

- Em quá say rồi đấy. Anh lại ngáy to. Nằm đây em sẽ bị anh quấy rầy suốt đêm nay mất thôi!

Một chai Martini mùi mẽ gì đâu. Vào ngâm nước nóng trong bồn vài phút là em tỉnh táo ngay thôi. Em mong được anh quấy phá suốt đêm đấy. Hai ông chồng cũ của em cũng ngáy như sấn. Nhưng em li dị vì lý do không đủ sức quấy rầy chứ chẳng phải vì tiếng ngáy!

Và nàng đã ở lại cùng tôi săn đuổi suốt đêm một niềm vui cuồng nhiệt.

Sớm hôm sau tôi rời khách sạn dọn về nhà cậu Đức Cậu đã chuẩn bị cho tôi một căn phòng đầy đủ tiện nghi chẳng thua kém gì khách sạn. Ngoài ra cậu còn để trong đó một giá đầy sách báo tạp chí trong nước. Những thứ này ở nước ngoài rất thiếu. Phải đến những thư viện lớn như Thư viện Quốc hội Mỹ ở điện Capitol thì mới kiếm được đầy đủ Về đây tôi tha hồ đọc.

Tôi nói với cậu.

- Mai cháu phải đến thăm cha Vũ Xuân Trinh. Có người gởi quà cho ông ấy.

- Chắc là kinh thánh! - Cậu Đức cười châm biếm.

- Chỉ có mấy bó tài liệu chiến tranh tâm lí kích động kiểu "Chuyển lửa về quê hương thôi".

- Mấy thứ đó bên này thiếu gì mà cháu phải mất công tha về cho cha! Ông ấy cần tiền bạc kia.



- Tiền thì không có. Cháu chẳng mang xu nào về cho ai đâu. Liên Minh cũng đi ăn mày chứ có tiền đâu mà làm phúc! Họ chỉ có tài liệu thôi.

- Họ lo ở nhà không chiến hữu nào viết nổi thứ văn chương đao to búa lớn đó nên mới gửi về làm món quà tinh thần. Tưởng quý giá lắm đấy! Hàng ngày có hàng tấn tài liệu "nặc danh" từ ngoại quốc gửi về cho các địa chỉ cơ quan, hội đoàn, cá nhân vu vơ nằm đầy cả cửa khẩu. Hải quan và bảo vệ phải thu đốt dọn vệ sinh khá mệt. Cháu cứ đem đến cho cha xem ông ta có hoan nghinh không!

- Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã họ cần tìm mặt gởi vàng mà cậu. Mai cháu xin tiếp kiến xem thái độ chính trị của ông ta ra sao.

Buổi lễ chầu ở nhà thờ Đồng Thiện ngày thường cũng vắng vẻ. Chỉ có một số ông già bà cả, dắt mấy đứa con nít đến đọc kinh. Tám giờ sáng thì chẳng còn ai. Ông bõ vào quét dọn thì thấy mình tôi ngồi lại. Ông cũng không hỏi han gì. Đôi khi có những con chiên bất hạnh trong đường đời như ốm đau, kiện cáo, tai nạn, hỏng thi, thất tình, buôn thua bán lỗ, sa cơ thất thế... thường muốn cô đơn thổ lộ nỗi đau với Chúa để cầu xin Người ban phúc lành để giúp họ vượt qua thực trạng, tìm lại sự bình yên. Có khi chỉ muốn giãi bày minh oan để chia sẻ với bề trên cho vơi đi nỗi đau khổ trong lòng. Đôi lần có kẻ đến cầu xin một ước vọng, một mưu toan ngông cuồng phi lí thậm chí vô đạo đức nữa. Họ năn nỉ xin Người ban cho một ngoại lệ để họ vượt lên nấc thang hiện hữu và xin hứa không bao giờ còn làm phiền ngài nữa. Cũng có người muốn chúa trời bênh vực. ra tay trừng phạt kẻ thù của họ... Tóm lại không chi cầu xin tự tội mà có khi con chiên ghẻ còn xui Người đồng loã với họ trong những "phi vụ" mà riêng họ không đủ sức thực hiện.

Tôi là kẻ vô thần, tôi không hy vọng có nhiều người có thiện cảm với tôi nên chẳng dám cầu. Tôi muốn gặp cha Trinh nhưng hôm nay ông vắng mặt trong buổi hành lễ. Đợi ông bõ đến gần tôi mới hỏi.

- Ông ơi, tôi là một Việt kiều sống bên Mỹ. Tôi về thăm quê tiện thể mang giúp tín hữu bên đó về dâng cha ít sách báo thư từ. Làm thế nào tiếp kiến được cha Vũ Xuân Trinh ạ?

- Ông chờ tôi vào trình cha. Tôi nghĩ cha cũng chẳng nỡ từ chối một người con xa xứ ván hướng về cội nguồn đâu.

Nói rồi ông bõ đi vào phía trong. Tôi không phải chờ lâu. Chỉ vài phút sau đã thấy ông quay lại ra hiệu cho tôi đi theo.

Nhà thờ Đồng Thiện cũng nhỏ bé. Giáo phận nơi đây phần đông là khu lao động, xóm nghèo ở ngoại vi. Có lẽ vì vậy mà trong khi các nhà thờ khác được tái cấu trúc, tân trang đồ sộ, hiện đại thì nơi đây vẫn cổ lỗ sơ sài. Nhà ở của cha nằm sâu trong khuôn viên cũng lụp xụp, cũ kĩ. Tôi ngạc nhiên thấy một vị cha trẻ trung, thậm chí còn kém tuổi tôi Không phải con chiên nên cách xưng hô cũng có phần thiếu thiện cảm.

- Xin chào cha!

- Chào con! Mời con ngồi.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ bạc màu. Cha xứ thời nước rồi ân cần hỏi.

- Nghe tin con mới về thăm quê hương. Trên đoạn đường dài nửa vòng trái đất chắc con cũng niệt mỏi lắm?

- Thưa cha cũng bình thường thôi ạ. Mười chín giờ bay được ăn ngủ tốt nên tiếp đất là có thể làm việc bình thường ngay. Phương tiện hiện đại đã giúp con người tiết kiệm thời gian, rút ngắn khoảng cách. Quan hệ Việt-Mỹ bình thường hi vọng ngày càng có nhiều kiều bào về thăm quê hương để thông hiểu được cuộc sống cùng cực của đồng bào và giáo dân trong nước.

- Dạ tôi thấy quang cảnh dân tình chung cũng không đến nỗi nào!

Ông cười nhạt.

- Con giàu có, sống trong khách sạn, chi tiêu thấy rẻ hơn bên Mỹ thì tưởng dân chúng khá lắm. Thực ra đấy chỉ là cái vỏ loè loẹt bên ngoài thôi. Mức thu nhập bình quân ba trăm đô la một năm là dưới mấy lần mức nghèo khó cùng cực của thế giới đấy con ạ. Tình hình chính trị xã hội còn tràn đầy những mâu thuẫn, căng thẳng bất ổn. Tình hình đạo hữu chúng ta còn khốn khó hơn nhiều.

- Thưa cha, xin tự giới thiệu tôi là Hoài Việt phóng viên báo Chim Việt, cơ quan ngôn luận của Liên Minh Việt kiều Hải ngoại. Muốn thay đổi thực trạng đất nước như cha nói thì phải do chính bàn tay nhân dân mình đấu tranh và thực hiện. Tình hình thế giới hiện tại là một cơ may cho chúng ta thành đạt những kì vọng tự do. Liên Minh chúng tôi đã viết ra cương lĩnh Arlington làm ngọn đuốc soi đường cho cả dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Cần tận dụng cơ hội bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ, để thúc đẩy quá trình "cách mạng nhung" trong nước. Nếu ta biết phối hợp hành động, trong đánh ra, ngoài đánh vào thì nhất định sẽ dẫn đến hội chứng Đông Âu ngay trên đất nước này. Do đó hôm nay tôi về đây cũng để trình bày với cha, vị chăn chiên của giáo hội Đồng Thiện hãy bắt tay liên kết với chúng tôi, những người Việt yêu nước trên khắp năm châu lục!

Vị cha xứ nhìn tôi chăm chú từ đầu đến chân.

- Thì ra Liên Minh các ông cử người đi chiêu dụ quần thần!? Nhưng cha chỉ là kẻ chăn chiên bầy tôi của Chúa. Cha chỉ được phép rao giảng giáo lý chứ không thể cổ suý cho cương lĩnh Arlington!

- Thưa cha, dĩ nhiên là điều đó không thể công khai thuyết giảng trong buổi lễ chầu. Song cha là người có uy tín trong giáo phận, quen biết nhiều người có thế lực. Cha có thể tận dụng mọi cơ hội để truyền bá tư tưởng tự do nhân quyền, cho phương thức đấu tranh của cương lĩnh.

Cha Trinh suy nghĩ rồi thăm dò.

- Con là người trực tiếp đi chiêu dụ hay có lá thư nào của các chức phẩm bề trên gửi cho cha không.

- Dạ thưa cha, Liên Minh chỉ là một tổ chức thế tục. Nhưng có mục tiêu chung với nhiều giới tôn giáo tín ngưỡng. Rất nhiều chức phẩm thiên chúa giáo, các tăng ni hoà thượng Phật Giáo, các pháp chủ Hồi Giáo... tham gia nhưng không đặt ra các uỷ viên chuyên trách cho từng tôn giáo.

- Thế thì cha không thể vâng lời những người ngoại đạo chỉ vẽ cho mình được. Ngay cộng sản cầm quyền uy lực là thế mà cũng chưa bao giờ dám chỉ thị trực tiếp cho ta.

- Đây là công cuộc vận động cách mạng chứ không phải mệnh lệnh chỉ thị. Cha cứ đọc các tài liệu này thì sẽ rõ.

Tôi giao cho cha Vũ Xuân Trinh tất cả bó tài liệu "quý" mà tôi công phu khuân từ Mỹ về.

Cha tiếp nhận với vẻ mặt lạnh tanh. ông mở qua liếc nhìn từng cuốn rồi cười nhạt.

- Chỉ có thế thôi a? Chẳng có tập nào nói về quyền lợi của nhưng người công giáo được hưởng khi a tòng với quý vị?

- Dạ chỉ có thế thôi, nhưng đó là phép màu lật đổ bàn cờ chánh trị đấy thưa cha!

Cha Trinh cười ha hả.

- Chẳng thấy vị nào về nước thực hiện phép màu. Chỉ thấy xui dại con đen lao đầu vào lửa? Thôi tôi xin trả lại ông đống bảo bối này để ông đi tìm kiếm vinh quang quyền lực. Đám thày tu chúng tôi chỉ biết cầu mong vào sự an bài của Chúa thôi.

- Lúc đầu tôi cũng nghe cha nói chính trị. Sao cha thay đổi nhanh thế?

- Lúc đầu tôi tưởng anh là một giáo dân hải ngoại về đóng góp cho quỹ tôn tạo thánh đường. Hoá ra anh chỉ là kẻ đi tuyển mộ lâu la, suýt chó bụi rậm!

- Xin cha đừng hiểu lầm đại nghĩa của chúng ta.

- E rằng đại nghĩa của con chẳng trùng hợp với chính đạo của ta. Cha không muốn nhận đống tài liệu cao quý này của con đâu. Một là kẻ gởi cũng nặc danh, mà người nhận cũng không có một dòng chữ giới thiệu.

- Thì ra cha đã không đủ can đảm để tiếp nhận chân lý. Cha nghi ngờ cả tôi, kẻ trực tiếp thông điệp đến cha. Đây là cương lĩnh của cả một tổ chức rộng lớn có quy mô toàn cầu, gửi đến cha, sao gọi là nặc danh được?

Cha Trinh nghiêm mặt.

- Trông con có cốt cách của một gã vô thần, một tên mật vụ cộng sản, một kẻ khiêu khích hơn là phong thái một chiên lành của Chúa Cứu Thế Hãy mang mấy thứ rác rưởi này ra khỏi nhà thờ?

Tôi nghĩ ông ta đang lo bị gài bẫy. Có thể ông ta cũng khoái thứ này nhưng còn làm bộ để đề phòng có âm mưu phản trắc nào không. Tôi nài nỉ.

- Cha coi đây là thứ rác rưởi mà không sợ mang tội với Chúa sao? Tôi đã phải vượt nửa vòng trái đất, giấu giếm, chui lủi vượt qua màng lưới sắt của Việt Cộng đem đến đây trình Cha mà lại nỡ từ chối. Cha cứ đọc đi đã. Nếu thấy có gì trái với kinh bổn, chống lại đức tin thì xin Cha đốt đi, chẳng cần quảng bá với đạo hữu làm gì. Nhưng nếu thấy nó là ngọn đuốc soi đường cho chính nghĩa tự do thì xin Cha hãy cổ vũ giáo dân hành động theo cương lĩnh. Chúa sẽ che chở cho Cha!

Nói rồi tôi đứng dậy vái chào cáo lui.

Tôi ra ngoài phố đứng chờ gọi taxi thì bỗng nhiên thấy cha Vũ Xuân Trinh mặc áo choàng đen từ trong nhà thờ ôm bó tài liệu chạy theo. Nhìn thấy mặt tôi ông la lối.

- Này ông kia! Ông quên thứ này trong nhà thờ! Ông mang ngay đi cho tôi nhờ!

Cha níu tay áo tôi, ấn vào tay tôi vội vã làm cho những văn kiện tuyên truyền rơi lung tung trên hè đường.

- Thưa cha... - Tôi hoàn toàn bị động lúng túng trong chuyện này. Không ngờ ông thày tu dị ứng với những thứ tâm lí chiến này đến thế!

Khách qua đường hiếu kỳ dừng cả lại quan sát sự vụ làm nghẽn cả giao thông.

- Ông hãy đưa những thứ độc hại chết người này đi. Ông định quăng vào nhà thờ làm ô danh Chúa hòng vu vạ cho kẻ tu hành này hay sao? Công an cử ông đến đây khiêu khích để tạo cớ bắt tôi chứ gì? Tôi lạ gì mưu mẹo của mấy vị!

Thấy công chúng xúm đông, người công an gạt đám đông tiến vào phân xử.

- Có việc gì mà túm tụm lại đông thế! Giải tán!

- Ông này đưa tài liệu kích động đến ép tôi phân phát cho giáo dân trong các dịp thánh lễ. Tôi không nhận ông ta cứ quăng lại làm tổn thương uy tín giáo đường. Tôi đề nghị cảnh sát thu hồi và lập biên bản vụ này.

Tôi trở thành phạm pháp quả tang nên không biết thanh minh ra sao đành theo người công an vào đồn cách đấy chừng một cây số. Tôi buộc phải trình hộ chiếu khai báo chỗ ở và ký vào biên bản vi phạm điều luật an ninh của Nhà nước sở tại và phải chấp hành lệnh tạm giam. Cha xứ cũng kí vào biên bản, với tư cách vừa là chủ thể bị hại, vừa là nhân chứng cho sự kiện.

Người công an giải thích cho tôi.

- Anh mang quốc tịch Mỹ nhưng có hành động phân phát tài liệu độc hại nhằm kích động quần chúng gây bạo loạn làm mất ổn định chính trị trong một nhà nước độc lập. Theo luật của nước chúng tôi anh có thể bị phạt vạ, tống xuất đến ngồi tù tuỳ theo kết quả nặng nhẹ của sự vụ. Trước mắt anh bị tạm giam trong hai mươi tư giờ để chờ xử lý Anh có đề đạt gì không.

- Thưa ông tôi chỉ mang thuê để bù đắp cho tiền vé chuyến bay thôi. Khi vào cửa khẩu tôi không thấy nước sở tại thông báo đây là sách cấm nên cứ chuyển đến cho cha Trinh. Không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến thế. Tôi xin nộp phạt vì cảnh và cho tiếp tục chuyến du lịch.

- Tôi sẽ ghi lại để phản ánh lên trên.

Đến tối không thấy tôi quay về, ông Đức không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Ông vội điện thoại cho Hai Bền. Anh liền cử hai trinh sát đến nhà thờ Đồng Thiện điều tra. Một tiếng sau họ đã báo cáo sơ bộ sự kiện trên về sở chỉ huy. Hai Bền liền nhân danh người nhà, thân đến gặp tôi trong phòng giam.

- Không ngờ cha Trinh lại "cách mạng" đến thế. Ông ta khéo léo tìm cách ném tôi vào đồn công an mới chịu trở về.

- Ha ha ha! - Hai Bền cười lớn - "Chuyển lửa về quê hương" đâu có dễ! Không khéo là chết bỏng đấy! Nhưng bọn mình không bênh ông ra mặt đâu. Cứ nộp phạt để được tại ngoại rồi trên sẽ thanh toán cho. Chịu khó nằm trong buồng giam một đêm nhé!

- Có anh đến thăm là tôi yên tâm rồi. Cứ để mặc tôi thu xếp, các anh đừng can thiệp thêm lộ chuyện. Anh về đi!

Chúng tôi bắt chặt tay nhau. Mười giờ hôm sau thì tôi nhận được quyết định phải chấp nhận hình phạt tống xuất! Đương sự được dẫn độ ra sân bay để rời Việt Nam trong vòng hai mươi tư tiếng!

Trời ơi! Thế này thì hỏng hết việc mất rồi. Tình thế buộc tôi phải cầu cứu đến Hai Bền vậy.

Tôi nói với vị trưởng đồn cảnh sát.

- Xin cho phép tôi gọi điện đến vài người quen biết đem giúp tôi đồ đạc đến đây trước khi bị các ông dẫn độ ra phi trường. Cũng được. Nhưng ông chỉ có thể dùng máy công ở ngay trong đồn chứ không được phép ra bưu điện.

- Dạ được.

Tôi quay số điện của Hai Bền.

- Alô! Anh Hai đấy à? Hoài Việt đây! Tôi bị bắt vì tội chuyển tài liệu cho cha Trinh. Không bì phạt tiền nhưng bị dẫn độ tống xuất khỏi Việt Nam trong vòng hai mươi tư tiếng!

- Nặng thế kia à! Thôi cứ yên tâm để mình thu xếp mọi thứ cho. Hai mươi tư giờ là kể từ lúc cầm lệnh chứ?... Thế thì còn nhiều thời gian. Chiều nhớ gọi lại cho ninh nhé.

- Vâng, nhưng nếu không thấy thì anh quá bộ lại chỗ tôi nhé.

Hai Bền vội cấp báo và đề xuất với thượng cấp làm một công văn đến thẳng Sở Công an Thành phố đề nghị huỷ bỏ lệnh trục xuất. Lí do là tên gián điệp này đã được đánh dấu và theo dõi đạo trình. Tên nhà báo Hoài Việt còn phải móc nối với nhiều cơ sở bí mật và cá nhân phản động khác mà ta cần quan sát. Trục xuất sớm là bất lợi cho nghiệp vụ. Hai Bền trực tiếp mang công văn đến làm việc với Sở Công an Thành phố. Sau khi nắm được quyết định huỷ lệnh dẫn độ anh mới an tâm ra về. Ngay chiều hôm đó tôi được thông báo là cơ quan an ninh đã khinh giảm khung hình từ tống xuất xuống phạt vạ. Tôi vui vẻ chấp hành án lệnh, nộp tiền và ra khỏi nhà tạm giam.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Sao Đen

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook