Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Chương 109: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Đức Thái Thượng Lão Quân- Dịch-Giảng Lão Pháp Sư Tịnh Không

26/07/2021

Các vị đồng học xin chào mọi người. Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 97:

“Chỉ thiên địa dĩ chứng bỉ hoài, dẫn thần minh nhi giám ổi sự.” (Chỉ trời đất thề thốt làm chứng cho lòng dạ xấu xa. Viện dẫn thần minh hòng chứng giám chuyện tồi tệ). Hai câu này vẫn là thuộc về “việc ác không kiêng dè” phía trước.

Hai câu tiếp theo là: “Thí dữ hậu hối. Giả tá bất hoàn.” (Cho rồi lại hối tiếc, vay mượn không trả), từ phần này về sau thuộc về “việc ác do thiếu lòng nhân”.

Ý nghĩa hai câu phía trước rất dễ hiểu, chính là người thế tục chúng ta thường hay nói là phát thệ, thề thốt cầu thần linh làm chứng giám. Tự mình làm ác đa đoan mà vẫn cho rằng điều mình làm đều là chánh pháp, có thể đối chất với thiên địa thần linh, cái ác này rất lớn. Trong phần tiểu chú nói rất hay: “Trời đất vô tư, thần minh chánh trực, thuận theo sẽ tốt lành, trái nghịch sẽ hung hiểm”, bốn câu nói này chúng ta phải ghi nhớ cho thật kỹ. Phía trước chúng ta đã đọc qua “thông minh chánh trực thì gọi là thần”. Sau khi bạn chân chánh hiểu rõ thì mới biết chúng ta làm người phải nên dùng tâm thái như thế nào để đối diện với thiên địa thần minh. Việc dạy học của nhà Phật, trong lúc giảng giải chúng tôi đã nói rất nhiều lần rồi, nội dung mà chư Phật Bồ-tát dạy học không nằm ngoài ba sự việc. Việc thứ nhất là dạy chúng ta mối quan hệ giữa người với người, chúng ta phải nên xử sự đối người tiếp vật như thế nào. Học vấn trong chữ “thuận” này rất lớn, thế pháp là “Đạo Đức Nhân Nghĩa Lễ”, tương ưng với những điều này thì là “thuận”, bạn được phước, trái ngược với điều này thì cái bạn được là hung tai.

Việc này các vị có thể nhìn thấy từ trong lịch sử, nếu đầu óc chúng ta sáng suốt một chút, trong xã hội hiện thực thì nó đặc biệt rõ ràng. Thế nhưng cũng có người làm ác mà hiện tại họ được hưởng phước, người hành thiện mà hiện tại lại đang chịu khổ chịu nạn, việc này rốt cuộc là như thế nào? Thế là chúng ta liền sanh thái độ hoài nghi đối với thiện ác báo ứng. Ở trong kinh Phật đã nói cho chúng ta rất rõ ràng, người làm ác hiện tại vẫn được hưởng phước là bởi vì đời trước họ tu được phước lớn, dư phước của họ vẫn chưa hưởng hết, nguyên nhân là như vậy. Người tu thiện mà hiện tại vẫn chịu khổ chịu nạn là do dư ương bất thiện của đời trước vẫn chưa hết, nhân quả thông ba đời, phải hiểu đạo lý này. Cho nên ở trong kinh Phật nói: “Muốn biết nhân đời trước, xem thọ nhận đời này”. Những gì thọ nhận của đời này là do đời trước tu mà có được. “Muốn biết quả đời sau, xem tạo tác đời này”, một đời này của chúng ta khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác, hiện tại là đang tạo nhân, quả báo sẽ ở đời sau. Nếu cái nhân này có sức mạnh lớn thì trong đời này cũng có thể có quả báo, bạn nỗ lực để tu thì sẽ được, vận mệnh của bạn sẽ thay đổi.

Mọi người đọc Liễu Phàm Tứ Huấn thì thấy có những thí dụ vô cùng rõ ràng. Tiên sinh Liễu Phàm đời trước tu thiện không nhiều, sau khi hiểu rõ được đạo lý này thì nỗ lực tu học, cuộc đời này của ông liền thay đổi. Trong nhà Phật thường nói là gặp hung hóa cát, gặp nạn thành may, cuộc đời của ông liền thay đổi. Cuộc đời này thay đổi thì nhà Phật gọi là hoa báo, hoa báo mà tốt, hoa báo mà thù thắng thì quả báo trong đời sau của chúng ta cũng có thể suy ra được, phước báo trong đời sau nhất định là thù thắng hơn phước báo trong đời này rất nhiều lần. Nếu cuộc đời này làm ác mà không sửa đổi, cho dù vẫn còn dư phước trong đời quá khứ, vẫn có thể duy trì được đủ ăn đủ mặc, thế nhưng sau khi thọ mạng đời này hết rồi thì khổ báo trong đời sau sẽ không thể tưởng tượng nổi. Người thế gian mấy ai nghĩ đến vấn đề này chứ? Người không học Phật pháp thì không biết, bạn có nói với họ thì họ cũng không tin, họ cũng không tiếp nhận. Kỳ thật người chân thật học Phật được mấy người có tâm cảnh giác cao độ đến như vậy? Vì sao không đề khởi được tâm cảnh giác? Vì đã mê trong hoàn cảnh hiện thực rồi, việc này rất đáng sợ, cho nên vì sao ngày ngày cần phải đọc kinh, ngày ngày cần phải giảng đạo, nguyên nhân không gì khác là để thức tỉnh chúng ta giác ngộ mà thôi. Tự mình làm sai lại không thừa nhận, còn có thể phát thệ thề thốt để chư Phật Bồ-tát thần minh đến làm ngụy chứng cho chúng ta, làm gì có đạo lý như vậy? Loại tâm hạnh như vậy là đại cực ác, thiên địa quỷ thần đến làm chứng minh cho bạn, chứng minh điều gì? Chứng minh bạn tạo ác đa đoan, chứng minh cho bạn làm ác không biết hối cải.

Mấy ngày trước có một số đồng tu đến gặp tôi, họ hỏi một vấn đề, Phật pháp ở khu vực Phố Lý-Nam Đầu rất hưng thịnh, chùa chiền san sát, là một khu vực thù thắng nhất của Phật giáo Đài Loan, vậy vì sao ở nơi đó lại xảy ra động đất rất lớn, thế là mọi người sinh ra hoài nghi đối với Phật pháp, nói là Phật pháp không linh. Đây vẫn là do đọc kinh quá ít, nghe pháp vẫn chưa đủ, bạn không hiểu được nhân duyên quả báo trong đó. Tuyệt đối không phải là xây lên một ngôi chùa, dựng lên mấy bức tượng Phật Bồ-tát thì nơi này liền linh thiêng, không có sự việc như vậy. Ngạn ngữ thường nói: “Tượng Bồ-tát qua sông, thân mình còn khó giữ” thì làm gì có đạo lý như vậy. Phật Pháp có hưng thịnh hay không là ở nhân tâm, nhân tâm hướng đạo thì Phật pháp hưng vượng. Người xưa cũng thường nói: “Có chùa mà không có đạo, không thể nào hưng giáo”, trong ngôi chùa đó có đạo hay không? Có một người chân thật tu đạo hay không? Bạn nói trong ngôi chùa đó nhiều người như vậy, ai ai cũng tu đạo. Khó! Việc đó không dễ gì, cho dù có một hoặc hai người chân thật tu đạo thì nơi này cũng là có phước rồi. Nếu một người chân thật tu đạo cũng không có, vậy thì tai họa không thể nào tránh khỏi, cho nên vấn đề là có người tu đạo chân thật hay không? Các vị cứ từ chỗ này mà quan sát thì bạn sẽ hiểu rõ nghiệp nhân quả báo.

Tôi cũng nêu ra một thí dụ cho mọi người. Pháp sư Sám Vân sống tại Nam Đầu, cũng sống tại khu vực này, vì sao đạo tràng của ông không việc gì, sao các vị không suy nghĩ thử xem? Cũng vào tháng trước, ông chủ nhà in Thế Hoa đã đến đây gặp tôi, cũng nói với tôi chuyện mấy năm trước, họ có nhà kho ở Tam Trọng, nhà hàng xóm bị cháy, nhà cửa xung quanh toàn bộ đều cháy hết, nhưng nhà kho của ông thì không sao, nhà kho của ông nằm trong khu vực bị cháy, xung quanh đều bị lửa cháy hết, duy nhất chỉ có nhà kho của ông là không cháy, thật là không thể nghĩ bàn. Trong kho của ông đang có Đại Tạng Kinh, trước đó chúng tôi và Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội cùng in 1.000 bộ Đại Tạng Kinh, đều đang để ở nơi đó. Nơi có chánh pháp thì long thiên hộ trì, cho nên ông tin, ông in kinh Phật cho chúng tôi thì giá thành luôn tính thấp nhất, ông hiểu được làm việc tốt thì sẽ có quả báo tốt. Làm gì mà không có chuyện cảm ứng chứ, chuyện cảm ứng rất nhiều, đặc biệt là từ bên Trung Quốc truyền qua đây. Các đồng tu Trung Quốc cũng thường qua bên đây, đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều sự việc cảm ứng không thể nghĩ bàn, vấn đề là bạn có chân thật tu hành hay không? Xuất gia mặc bộ đồ này cũng không có tác dụng gì, bạn mặc bộ đồ này lên thì có thể thành Phật hay sao? Ngạn ngữ nói không phải là không có đạo lý, “Trước cửa địa ngục có nhiều tăng đạo”. Ý nghĩa của câu nói này chúng ta phải nên hiểu, là người nào đọa địa ngục vậy? Người xuất gia đọa địa ngục, trong địa ngục người xuất gia nhiều nhất, cho nên tôi không khuyên người khác xuất gia. Hà tất gì khuyên bạn đọa địa ngục chứ.

Người xuất gia vì sao lại đọa địa ngục? Mấy ngày qua chúng tôi cũng giảng qua vài lần, người xuất gia là hình tượng của Phật Bồ-tát, là đại biểu của Phật Bồ-tát, nếu có thể khiến cho hết thảy đại chúng trong xã hội nhìn thấy bạn mà cung kính tán thán thì bạn đang dát vàng cho tượng Phật, là hình tượng tốt, bạn có công đức vô lượng. Còn nếu khiến cho xã hội đại chúng nhìn thấy bạn mà phê bình bạn, chỉ trích bạn, đó chính là khiến cho xã hội đại chúng vì bạn mà sỉ nhục Tam Bảo, tội này là đọa A-tỳ địa ngục. Không phải nói là bạn phá hoại Phật Pháp như thế nào, mà là hình tượng của bạn đã hư hoại rồi, bảng hiệu đã hư rồi. Người xuất gia là tấm bảng hiệu của Phật Bồ-tát, từ đây mà thấy hình tượng người xuất gia rất là quan trọng. Trước quảng đại quần chúng, chúng ta giữ gìn tốt hình tượng, khi ở nơi không có người cũng phải giữ gìn tốt hình tượng. Vì sao vậy? Vì có quỷ thần giám sát, nếu quỷ thần xem thường bạn, nếu quỷ thần sỉ nhục bạn thì bạn vẫn là phá hoại hình tượng của Tam Bảo, không phải chỗ nào không có người thì có thể tùy tiện một chút, vẫn là phải đọa địa ngục.

Phật giáo hóa chúng sanh không phải là một khu vực, không phải là một phạm vi nhỏ, chúng ta thường hay đọc được ở trong kinh luận, Phật là vĩ đại “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, Phật là “phổ độ chúng sanh”. Chúng ta quy nạp lại mà nói, chúng sanh mười pháp giới, Phật đều phổ độ. Chúng sanh mười pháp giới đều tôn kính đệ tử của Phật, nên khi họ nhìn thấy hình tượng của bạn thì có đáng để cho họ tôn kính hay không? Trì giới tu định, y giáo tu hành, chúng ta thường nghe Tổ sư nói, người như vậy được chư Phật hộ niệm, long thiên quỷ thần ủng hộ tôn kính bạn, bạn là đệ tử Phật, bạn thành tựu vô lượng công đức. Nếu bạn phóng dật, bạn tùy tiện, không giữ quy củ, giới luật, tùy thuận theo phiền não tập khí của chính mình thì bạn đang phá hoại hình tượng của Phật pháp, tương lai bị đọa vào A-tỳ địa ngục mà vẫn không biết nguyên nhân vì sao mình bị đọa, bạn nói xem bạn có đáng thương hay không? Ngày nay những người xuất gia, bao gồm cả chúng tôi trong đó, bình tâm mà phản tỉnh lời giáo huấn của Phật, chúng ta đã làm được mấy câu rồi? Chúng ta niệm niệm vẫn cho rằng chính mình rất giỏi, trong xã hội đại chúng vẫn cho rằng chính mình là đại biểu của Phật pháp, cống cao ngã mạn, xem nhẹ tín đồ, nhưng trên thực tế sự hành trì của chúng ta thua xa người tại gia rất nhiều. Ngày trước lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ từng nói, thế giới hiện tại đã điên đảo rồi, ngày xưa học Phật tu hành luận về thành tựu thì nam chúng xuất gia là đứng đầu, xếp ở hàng thứ nhất, thành tựu nhiều nhất, kế đến là nữ chúng xuất gia, kế đến nữa là nam chúng tại gia, sau cùng mới đến nữ chúng tại gia. Đây là ngày xưa, bất luận là nói về chất hay luận về lượng đều như vậy. Thời buổi hiện nay thì đảo ngược rồi, lời của ông nói không sai, chúng tôi tỉ mỉ quan sát, lấy việc vãng sanh mà nói, nữ chúng tại gia nhiều nhất, kế đến là nam chúng tại gia, kế đến nữa là nữ chúng xuất gia, sau cùng mới là nam chúng xuất gia, thế giới hiện tại đã điên đảo mất rồi! Những lời này sâu sắc, đáng để cho chúng ta phản tỉnh kiểm điểm. Chúng ta tương lai rốt cuộc muốn đi về đâu? Nếu vẫn muốn đến địa ngục, muốn đến ngạ quỷ, súc sanh, vậy thì được, bạn cứ việc tùy thuận tập khí của chính mình, tùy thuận phiền não. Nếu bạn muốn không đọa ba đường ác, siêu vượt tam giới, nếu không giữ quy củ thì bạn nhất định là không đạt được rồi.

Ấn Quang Đại sư đại từ đại bi, dạy chúng ta học tập Liễu Phàm Tứ Huấn, dạy chúng ta học tập Cảm Ứng Thiên. Mục đích của việc học Liễu Phàm Tứ Huấn là gì? Biết rõ nhân quả, mục đích là ở chỗ này. Mục đích của việc học Cảm Ứng Thiên là gì? Không đọa ba đường ác. Cho nên chúng ta hãy xem những giáo huấn trong Cảm Ứng Thiên, điều thiện chúng ta đã làm được chưa? Chúng ta đã làm được mấy điều rồi? Điều ác thì chúng ta đã phạm bao nhiêu? Lấy Cảm Ứng Thiên mà tỉ mỉ đối chiếu với khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của chúng ta thì chúng ta sẽ hiểu rõ sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu. Ấn Tổ thị hiện trong thời mạt pháp đại từ đại bi, dùng hai quyển sách này để giúp chúng ta phản tỉnh kiểm điểm. Nếu chúng ta vẫn thờ ơ không để ý, không đem những giáo huấn này làm thành một việc lớn, vậy thì chúng tôi có thể nói một câu “chúng ta chắc chắn đọa ba đường ác”. Hiện tại vẫn là dáng vẻ một con người, chớp mắt một cái là đi vào ba đường ác rồi.

Trong hai câu chú giải, “thuận theo sẽ tốt lành, trái nghịch sẽ hung hiểm, báo ứng như tiếng vang”, đây là nói đến báo ứng. Chúng tôi căn cứ vào kinh giáo mà biên soạn ra Tịnh Tông Tu Hành Thủ Tắc, các vị nếu có thể đem 100 điều này, mỗi ngày phản tỉnh thấy mình đều làm được thì bạn nhất định được sanh Tịnh Độ. Phân lượng cũng không nhiều, chúng ta hãy chăm chỉ mà làm. Nếu làm không được thì cả đời này cho dù mỗi ngày niệm 10 vạn câu Phật hiệu cũng không thể vãng sanh, Cổ Đức nói “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”. Niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, không phải ở việc bạn niệm Phật được bao nhiêu, mà tâm địa của bạn phải thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật Độ tịnh, là ở tại sự tương ưng. Giáo huấn của Thế Tôn, của A Di Đà Phật, chúng ta đã làm được bao nhiêu rồi, là từ chỗ này mà luận, không phải nói tôi mỗi ngày lạy Phật được bao nhiêu lạy, hay là niệm Phật được bao nhiêu câu Phật hiệu, không phải ở chỗ này. Bạn xem Ngẫu Ích Đại sư đã nói với chúng ta, vãng sanh phẩm vị cao hay thấp là do niệm Phật công phu sâu hay cạn. Công phu là gì? Công phu là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, đây là công phu, chúng ta phải quan sát ở chỗ này, vạn lần không nên hiểu lầm, không nên lướt qua.



***********

Các vị đồng học, xin mời xem tiếp hai câu phía sau của đoạn 97 trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên:

“Thí dữ hậu hối. Giả tá bất hoàn” (Cho rồi lại hối, vay mượn không trả). Từ phần này về sau thuộc về “điều ác do bất nhân”.

Ttrước tiên chúng ta đọc qua chú giải một lần, chú giải nói rất hay: “Kẻ đã thí xả rồi sau đó hối hận, xét đến thuở đầu, rốt cuộc là chẳng do chân tâm thích làm lành; bất quá là nhất thời cao hứng cầu danh, mong được phước đó thôi. Chỗ khởi nguồn đã trật, sao không hối hận về sau cho được? Nếu là chân tâm thí xả, ta và người đều không, chắc chắn sẽ chẳng đến nỗi này. Do vậy, người làm lành chẳng thể không dốc sức biện định nơi một niệm vừa mới chớm nảy”. Phía sau còn đưa ra một số công án nhân duyên, chúng ta hãy tỉ mỉ xem xét phần chú giải này. Việc bố thí rồi mà hối hận thì hiện tượng này rất phổ biến, thậm chí là bản thân chúng tôi cũng có, đích thực là giống như trong sách đã nói, việc bố thí này không phải là thật lòng, không có thành ý, không phải là hoan hỉ bố thí, mà do miễn cưỡng, đa số là do muốn giữ thể diện, hoặc là do người khác thỉnh mời, nhất thời không thể nào không làm. Sau khi bố thí rồi thì hối hận, vậy có được quả báo hay không? Phật ở trong kinh nói với chúng ta, phàm là việc bố thí thì nhất định có quả báo, cho dù đó là miễn cưỡng, dù sau khi bố thí mà hối hận thì vẫn có quả báo. Nếu bố thí tài, bạn vẫn được tài phú. Bạn xem thế gian chúng ta có một số người phát tài, một số người thì tiền tài đến một cách vui sướng, không phải lo nghĩ mà họ kiếm được rất nhiều tiền, không cần phải bận tâm. Thế nhưng vẫn có một số người kiếm tiền rất vất vả, đây là nguyên nhân gì? Trong kinh Phật đã nói với chúng ta, khi họ bố thí, nếu bố thí một cách vui sướng, hoan hỉ thì tương lai họ được tài phú cũng được một cách vui sướng, không phải tốn công tốn sức. Nếu khi bố thí, là do người khác mời thỉnh, họ bố thí một cách miễn cưỡng, sau khi bố thí lại còn hối hận, vậy khi họ được tài phú thì cũng có được một cách vất vả, gian nan, không được dễ dàng, nhưng họ vẫn có được. Từ đây có thể thấy, việc bố thí phước nhất định là không uổng công, chúng ta hiểu rõ đạo lý này, Phật nói với chúng ta là lời chân thật.

Chúng sanh trong lục đạo niệm niệm mong cầu không gì ngoài tài phú, thông minh trí huệ, khỏe mạnh sống lâu, đều không nằm ngoài ba điều này. Ba điều này là dục vọng căn bản, hết thảy chúng sanh đều có, có cách nào để được mãn nguyện hay không? Ngạn ngữ thường nói “việc không như ý thường đến tám, chín phần”. Từ đây có thể thấy, trong mười người thì có đến tám, chín người không thể được mãn nguyện. Chân thực mà nói, một phần mười có thể được mãn nguyện thì đã rất nhiều rồi, trên thực tế thì không chỉ tám, chín phần mười, e rằng là trong 100 người, trong 1000 người, khó có một người được xứng tâm vừa ý. Đây là do nguyên nhân gì? Người thế gian không biết, họ không hiểu được nguyên nhân. Hiểu được nguyên nhân thì sự việc đã dễ dàng rồi, là do không biết nguyên nhân, nhìn thấy người khác được, tự mình cũng muốn được, người khác dùng phương pháp gì để có được thì họ cũng muốn dùng phương pháp đó, nhưng người khác có được thành công còn họ thì thất bại. Từ đây mà biết, hết thảy những cách thức phương pháp trong nhà Phật nói đó chỉ là tăng thượng duyên mà thôi. Nếu trong mạng của bạn không có tài phú, bất luận là dùng phương thức gì, bất luận là dùng thủ đoạn gì thì cũng uổng công vô ích, bạn sẽ không đạt được. Nếu trong mạng có, bất luận là bạn dùng phương thức gì, bất luận dùng cách thức nào thì cũng sẽ dễ dàng có được. Cho nên có câu nói “trong mạng có thì sẽ có, trong mạng không có thì đừng nên cưỡng cầu”, huống hồ là quả báo tự có thời tiết nhân duyên của nó. Có người từ thời thiếu niên đã đạt được phước báo rồi, cha mẹ chính là tăng thượng duyên của họ, họ được hưởng phước. Đến khi trung niên, đến khi họ tự mình phải chủ trì gia đình thì thất bại thảm hại, nhếch nhác thảm thương. Loại người như vậy trong xã hội chúng ta nhìn thấy rất nhiều. Đây là do phước báo của họ đã hưởng hết khi còn trẻ, không còn dư phước, đã hưởng hết rồi. Loại người này rất đáng thương, cảnh già thê lương, khi trẻ chỉ hưởng phước mà không biết vun bồi phước. Một số người đến tuổi trung niên thì phước lớn, họ vẫn còn một chút dư phước, vẫn có thể duy trì đến những năm cuối đời, nếu không minh bạch những đại đạo lý này, khi phát đạt không biết tu phước, xem rẻ phước báo của chính mình, vui chơi trụy lạc, bỏ bê nhiệm vụ thì phước báo sẽ rất nhanh mà tiêu tan hết, cuối đời vẫn phải chịu khổ. Loại người như vậy trong xã hội ngày nay cũng rất nhiều, chúng ta đều nhìn thấy rồi. Khi họ 40-50 tuổi thì hoàn cảnh rất tốt, nhưng đến khi 60-70 thì vô cùng thê lương. Từ đó cho thấy, phước báo đến vào thời điểm nào thì đáng để mọi người tán thán nhất? Những năm cuối đời. Những người xem tướng đoán mạng của thế gian thường hay nói: “Anh có hậu vận tốt”. Có hậu vận là tốt rồi, vì sao vậy? Khi còn trẻ tuổi chịu khổ một chút thì có là bao, có thể lực, có thể nhẫn chịu được, những năm cuối đời có hậu vận tốt, có những người trẻ chăm lo thì đây mới thật sự là phước báo. Cho nên còn trẻ mà hưởng phước báo thì không phải là phước báo chân thật, tuổi trung niên hưởng phước cũng không phải là phước báo chân thật, phải xem người đó cuối đời có phước hay không? Đây là thời tiết nhân duyên, người chân thực hiểu được đạo lý này thì sẽ đem phước báo của chính mình để dành đến cuối đời mới hưởng. Đương nhiên thời trẻ bạn không biết, không hiểu chuyện, đến tuổi trung niên thì hiểu chuyện rồi, phước báo của chính mình hiện tiền thì không hưởng thụ nữa, đem giúp đỡ xã hội, giúp đỡ những người khổ nạn của thế gian, tự mình có phước đều đem cho họ hưởng thì phước báo như vậy sẽ được lưu lại đến cuối đời. Người thông minh thì mới hiểu, người có trí huệ thì mới hiểu đạo lý này, cuối đời sẽ có phước báo hưởng không hết. Cho nên khi bố thí nhất định là không hối hận, khi bố thí thì hoan hỷ vui sướng mà bố thí, tương lai đến khi bạn thọ nhận phước thì hết thảy đều thuận lợi, hết thảy không chướng ngại, cho nên phải thật tâm mà bố thí.

Thực sự mà nói cuộc đời này của tôi vô cùng may mắn. Trong đời quá khứ tôi không có tu phước, có tu được một chút huệ, trong kinh Phật nói “tu huệ không tu phước, La-hán ôm bình bát không”. Nửa đời trước của tôi đời sống vật chất vô cùng gian khổ, thời thiếu niên không có phước báo, thời thanh niên, trung niên cũng không có phước báo. Một chút phước báo cuối đời này của tôi không phải là tu được trong đời trước, đời trước đích thực là không tu phước, cuối đời có được chút phước báo này là do sau khi học Phật biết được đạo lý mới tu. Sau khi tu thì thật sự có hiệu quả, phương pháp này là Chương Gia Đại sư dạy cho tôi. Bố thí, lúc bắt đầu bố thí cảm thấy đau khổ, cũng không dễ chịu lắm, dần dần đã tập thành một thói quen, đại khái cũng hết 20 năm thì việc bố thí mới sanh tâm hoan hỉ, mới không còn một chút miễn cưỡng nào nữa, thật là không dễ dàng. Tập khí keo kiệt tham lam từ vô thủy kiếp đến nay thật là khó để trừ bỏ, khó mà diệt trừ, việc này đắc lực cũng là nhờ Hàn Quán Trưởng. Hàn Quán Trưởng nhìn thấy người ta cúng dường cho tôi, bà liền hỏi xin tôi rồi lập tức lấy đi hết, ép tôi không thể nào không buông xả, không thể nào không bố thí, đây là một tăng thượng duyên tốt. Nếu bà thấy tôi có tiền mà bà không hỏi xin tôi thì tiền của tôi càng ngày càng nhiều, vậy thì tâm tham của tôi sẽ tăng trưởng. Cho nên lúc bạn gặp phải nghịch thượng duyên thì vẫn là một việc tốt, không phải là việc xấu. Lúc đó tôi không hài lòng đối với bà nhưng hiện tại thì lại vô cùng cảm ơn, biết được bà đã thay tôi làm một việc tốt, tham sân si mạn cũng từ đây mà nhổ trừ.

Bố thí nếu không so tính suy nghĩ đến sự hồi báo thì phước báo này càng lớn hơn, nếu mong cầu quả báo thì phước báo sẽ nhỏ lại. Việc bố thí của bạn, đến khi bạn nhận được thì cho và nhận là bằng nhau, nếu khi bố thí mà hoàn toàn không có ý niệm mong cầu quả báo thì quả báo có được sẽ vượt hơn những gì bạn đã bố thí rất nhiều. Đây là đạo lý gì? Hữu tâm bố thí thì quả báo của bạn là có phạm vi, ý niệm của bạn chính là giới hạn, cho nên phước báo cũng có hạn. Vô tâm, tức là không có ý niệm bố thí, tâm lượng của bạn bằng với hư không pháp giới thì phước đức không thể đo lường. Phật ở trong kinh Đại Thừa, đặc biệt là Kinh Bát Nhã đã nói rất nhiều về điều này.

Câu thứ hai là “vay mượn không trả”. Đây là nói chúng ta mượn đồ của người khác, sau khi mượn xong thì sao? Sau khi mượn rồi thì không trả, đây là thuộc về hành vi trộm cắp, chưa được sự đồng ý của người khác mà chiếm làm của riêng thì đều thuộc về trộm cắp. Quả báo của trộm cắp là gì? Nghèo khổ, bạn trộm cắp tài vật của người, tương lai quả báo là bạn thiếu thốn tài vật, đời sống vật chất của bạn sẽ trải qua rất vất vả. Bạn trộm cắp pháp thì bị quả báo ngu si. Nghiệp nhân quả báo tơ hào chẳng sai, chúng ta phải nên biết, cho nên trong hết thảy hành vi chính mình phải lập tức nghĩ đến đạo lý và cảm ứng của nhân quả thì chúng ta sẽ biết được làm thế nào xử sự đối người tiếp vật. Ở trên nhân mà bạn làm được thật viên mãn thì quả báo của bạn làm gì mà không thiện. Trồng thiện nhân được thiện quả. Thế Tôn vì chúng ta giảng Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, bạn xem trong kinh đã nói, bạn tu thiện thì bạn được quả báo như thế nào, bạn tạo tác bất thiện thì quả báo tương phản vừa vặn ra sao. Bạn dùng thiện tâm đối đãi với người thì người khác cũng dùng thiện hạnh để hồi báo chúng ta, chúng ta dùng ác ngữ với người, người ta cũng dùng ác ngữ để hồi báo lại chúng ta. Từ đó có thể biết, ác ý với người thì trên thực tế là ác ý với chính mình, thiện ý đối với người thì đó chân thật là thiện ý đối với chính mình, chúng ta thường nói “ta và người không hai”. Ở chỗ này cần phải sâu sắc ngộ nhập, hết thảy chúng sanh hư không pháp giới là chính mình, tốt với người là chân thật tốt với chính mình.

Trong phần tiểu chú có mấy câu, chúng ta phải nên ghi nhớ: “Phàm mượn vật dụng của người, phải nên chú ý quý tiếc, giữ gìn. Mượn vật dụng của người khác, nếu chẳng phải là bất đắc dĩ, đừng nên mượn. Mượn rồi dùng xong, hãy ngay lập tức trả lại”. Mấy câu nói này là chân lý, chúng ta phải ghi khắc trong tâm, nhất định không thể nào vi phạm. Ta mượn đồ của người khác, thực sự là bất đắc dĩ mới đi mượn, nếu có thể không mượn thì tốt nhất là đừng mượn. Thực bất đắc dĩ lắm thì mới đi mượn của người ta, những vật dụng mượn được thì phải yêu quý, nhất định không được làm hư hại, sau khi dùng xong thì nhanh chóng trả lại. Thế nhưng người có phẩm đức như vậy không nhiều. Khi tôi còn trẻ, đời sống của tôi vô cùng khốn khổ, tôi không có gì cả, tôi rất thích đọc sách, để có được một chút vật chất nhỏ bé đó tôi thật sự đã phải giảm ăn giảm mặc. Vì tôi ưa thích mua sách, yêu thích đọc sách, sách của tôi tôi không cho người khác mượn. Vì sao không cho mượn? Lúc trước đã cho mượn vài lần, lúc được trả lại thì không nhận ra sách của mình nữa, cho nên về sau sách của tôi không cho người khác mượn nữa. Vào lúc đó thì tình hình là như vậy. Sau khi tiếp nhận giáo huấn của Chương Gia Đại sư, biết được phải tu bố thí, người ta mượn sách của tôi, tôi liền cho họ mượn, nếu có hư hỏng thì khi trả lại tôi sẽ tự sửa chữa. Đặc biệt là sách đóng gáy bằng chỉ, không giống với cách đóng sách của ngày nay, sách đóng bằng chỉ là loại 2 trang, nếu bị bung đứt thì tôi tự mình sửa lại. Sau khi xem xong mà lập tức trả lại thì trong quá khứ chỉ có một người là Pháp sư Thánh Nghiêm. Ở Pháp Cổ Sơn-Đài Loan, Pháp sư đã cùng thọ giới với tôi. Ông rất đáng tin, hơn nữa khi mượn sách của tôi ông giữ gìn rất tốt, ông có phẩm đức này. Những Pháp sư khác thì không thể tin tưởng, có không ít sách sau khi họ mượn rồi thì không thấy nữa. Bạn đi hỏi họ thì họ không thừa nhận, “tôi đâu có mượn của ông”, bạn nói xem thật sự là hết cách, có ai đi ghi biên nhận đâu chứ. Cũng có một số người thừa nhận, “tôi tìm không thấy nữa, không biết là nó đi đâu rồi”, thật là không biết phải làm sao, đây đều là không có trách nhiệm. Thực tại mà nói đều có mối quan hệ nhân quả.

Chúng ta thường ngày phải nên nuôi dưỡng đức hạnh tốt đẹp, chúng ta chịu giúp đỡ người khác thì người khác cũng chịu giúp đỡ chúng ta, chúng ta có thể yêu quý đồ vật của người khác, người khác cũng sẽ yêu quý đồ của chúng ta, nghiệp nhân quả báo tơ hào chẳng sai. Tuy đây là việc nhỏ trong đời sống thường ngày, nhưng có liên quan đến đức hạnh của chúng ta, có liên quan đến quả báo trong tương lai của chúng ta, đây đều là đang tạo nhân.

Được rồi, hôm nay thời gian đã đến, tôi xin giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook