Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây

Chương 6

Sơn Táp

20/01/2016

Sáng nay khi tôi thức dậy, mặt trời đã lên cao trên ngọn cây đào. Các túm lá xùm xuê trên từng cành một trông giống như những lọn hoa nở

Tôi cảm thấy hạnh phúc. Niềm vui sướng này không phải bắt nguồn từ sự bình tâm lại mà từ những tình cảm trái ngược. Ve như thấu hiểu tâm trạng của tôi vui vẻ kêu ồn ĩ. Sắc trời nhàn nhạt lách vào tận giường tôi qua các tấm diềm màn. Tôi tưởng tượng thành phố chúng tôi dưới ánh sáng mặt trời như một người đàn bà khoả thân đang chờ sự ve vuốt của người tình.

Mẹ đi chợ với chị. Ba đóng cửa trong phòng đọc sách, nơi ông đang cật lực chiến đấu với tiếng Anh của Sêchxpia. Cả nhà bình yên và mát mẻ. Cửa sổ, cửa ra vào đều mở, mùi thơm của cành lá hoà trộn trong mùi hương hoa nhài lan tỏa các phòng. Chị người làm Vương Ma tay cầm chổi lông gà đang quét dọn.

Sáu tháng trước đây, người đàn bà tội nghiệp này bị mất đứa con vì bệnh lao phổi. Từ đó chị không ngừng nhắc đi nhắc lại những kỷ niệm về con và thằng bé đã chết lại trở nên sống động hơn bao giờ hết. Ba nghe chị mà lòng chỉ nghĩ đến sách của mình và an ủi chị bằng câu nói chẳng có ý nghĩa gì:

- Phải can đảm lên cháu ạ.

Mẹ và Nguyệt Châu cảm thông hơn được với những nỗi khổ của chị. Những chuyện kể lể dông dài của chị khiến họ thở dài hoặc đôi khi còn rơi nước mắt nữa.

Sớm nay, nỗi thương cảm của tôi biến thành sự khó chịu. Vì tôi đang ôm niềm hạnh phúc của mình như mẹ ôm con nên tôi không muốn lại mất vui vì những lời rên rỉ của Vương Ma. Chị ta chưa kịp mở mồm tôi đã lao ra ngoài đường:

- Em ra quảng trường Thiên Phong đây, tí nữa em về.

Người lạ mặt đã đến rồi. Khuôn mặt đeo kính như hoá trang nom cứng ngắc, y như toàn thân anh ta vậy. Anh ta ngồi thẳng người trên chiếc ghế chơi cờ, trông giống hệt những lính canh âm ty trong các đền thờ cổ.

Chúng tôi đặt quân vào các ô. Người lạ mặt đánh dấu đất của mình trên bàn cờ với sự chính xác và tiết kiệm khác thường. Cờ vây chính là người. Tâm hồn anh ta rất cẩn thận và lạnh lùng.

Việc tôi hào phóng cho anh ta đi trước tạo lợi thế cho anh ta. Anh ta vượt trước tôi trong việc chiếm các vị trí trọng yếu. Tôi bị chậm quân trong khi dành lại các vị trí đó. Tôi dựa vào căn cứ địa của mình ở khu đông bắc để tiến vào đánh khu trung tâm.

Trời nóng quá. Tôi ra sức quạt mà chẳng ăn thua gì. Đối thủ của tôi khiến tôi rất ấn tượng. Nắng chẳng làm anh ta khó chịu chút nào. Mặt đầm đìa mồ hôi, tay để lên đầu gối và xiết chặt chiếc quạt, người anh ta hoàn toàn bất động.

Mặt trời sắp đến đỉnh đầu, tôi xin phép nghỉ để ăn trưa và ghi lại các vị trí quân cờ trên một tờ giấy. Chúng tôi thoả thuận là sẽ gặp nhau sau giờ nghỉ.

52.

Cô gái về nhà ăn trưa, tôi chọn một tiệm ăn Triều Tiên ít khách để vào. Tôi gọi món mì nguội. Tôi chọn một góc có thể nhìn thấy cả gian phòng và để mắt tới những người phục vụ ra ra vào vào, tôi viết nháp một bức thư cho mẹ

Tôi báo cho mẹ biết những thứ tôi cần: xà phòng, khăn mặt, báo, sách, bánh nhân đậu đỏ. Nhiều năm học ở trường quân sự đã biến tôi thành một người đàn ông thực sự nhưng xa nhà lại làm tôi giống như một đứa trẻ nhõng nhẽo. Tôi đòi mẹ phải mua hàng hãng này hãng khác, tôi mô tả tỉ mỉ màu và mùi của các loại hàng. Tôi đọc lại danh sách đến hai chục lần và nỗi nhớ nhà nguôi ngoai dần.

Hoa trong vườn bây giờ ra sao? Em trai đăng vào lục quân có khỏe không? Nó có về nhà được một tháng một lần không? Mẹ có cho nó ăn uống bồi bổ và uống rượu sakê nóng không? Em gái không biết bây giờ đang làm gì? Thời tiết Tôkyô hiện nay ra sao?

Mọi người đều biết là thư từ có thể bị mở ra kiểm duyệt. Và cũng vì sợ để lộ những bí mật quân sự nên binh lính thường viết về nhà những bức thư tẻ nhạt vô cùng. Gia đình cũng trả lời cùng một giọng. Sau này, khi chúng tôi không còn nữa, liệu sự thiếu vắng những lời than thở và lo âu có khiến người ta coi chúng tôi là những anh hùng không?

Tôi săm soi từng lời từng chữ từ Nhật Bản tới trong khi gia đình tôi diễn giải lời lẽ của tôi theo kiểu của cả nhà. Mẹ sợ làm nhụt ý chí của tôi nên chẳng bao giờ viết lên nỗi nhớ của bà. Và để mẹ đừng khóc, tôi không bao giờ thổ lộ nỗi đau xa nhà của tôi.

Giữa mẹ và tôi, chỉ có ngôn từ của cái chết tồn tại.

Mẹ viết: “Đừng ngại ngần khi được chết vì danh dự của Thiên hoàng, số phận của con là vậy.”

Tôi trả lời: “Con rất vui khi được hy sinh vì Tổ quốc thân yêu.”

Tôi không nói rằng tôi hy sinh cũng vì vinh quang của mẹ. Mẹ chẳng bao giờ nhận rằng cái chết của tôi sẽ huỷ diệt mẹ.

Tôi kết thúc bức thư của mình thế này: “Khổng tử nói, một người có lòng nhân sẽ không bao giờ chấp nhận cuộc sống bất nhân. Câu nói này đã trở thành then chốt của cuộc đời con. Mẹ kính yêu, xin mẹ hãy cầu cho con sớm đạt được lý tưởng đó.”

53.

Bữa trưa ở nhà được dọn trong phòng lớn, cửa chớp đóng hết lại cho đỡ tan đi cái mát của sớm mai. Chị tôi đi chợ về đang kể những tin tức trong thành phố.

Chị bảo đêm hôm trước, quân đội Nhật đã bắt được các thành viên của Liên minh Kháng chiến đang chuẩn bị nổi dậy. Tiếng súng chúng tôi nghe thấy không phải từ một cuộc tập trận nào mà từ một cuộc tàn sát đẫm máu. Tôi lơ đễnh nghe chị kể. Các ván cờ vây như nhấn chìm tôi trong một cơn say dứt khỏi hẳn thế giới bên ngoài. Bóng tối mờ trong phòng khách khiến tôi liên tưởng đến căn buồng ngủ nhà Kinh, tối như một ngôi mộ vua chúa: đồ đạc sơn thếp toả mùi nặng nề, các vết nứt trên tường vẽ nên những hình bí ẩn. Giường phủ một tấm lụa đỏ sẫm thêu vàng đúng như một lò lửa vĩnh cửu.

- Một cuộc nổi dậy, cả nhà có tưởng tượng được không? Thật là ngớ ngẩn!

Rồi chị tiếp:

- Cả nhà có biết là quân nổi dậy bị bắt ở đâu không? Nghe nhé: chính là con trai ông thị trưởng họp chúng lại trong một dinh thự của nhà ông ta. Này, đừng nhìn con như thể con bịa ra thế. Hình như là còn tìm thấy rất nhiều súng, nhiều thùng đạn nữa cơ đấy. sao cơ ạ, à vâng tất nhiên là cậu ta bị bắt rồi.

Món gà trong miệng tôi trở nên nhạt thếch. Để nuốt trôi, tôi nhét đầy cơm vào mồm mà không thể nuốt nổi.

- Sáng sớm ngày hôm nay, chị bếp mách, người Nhật đã bắt bác sĩ Li, ông ấy cũng là quân phiến loạn đấy.

Ba chậm rãi nói:

- Ba biết rõ ông thị trưởng. Ông các con và bố ông ta cũng làm quan trong triều của Thái hậu. Hồi còn trẻ, ba và ông ấy đến chơi với nhau luôn. Ông ấy định du học bên Anh nhưng gia đình không đồng ý. Ông ấy vẫn tiếc mãi đấy. Hôm nọ ông ấy có đến chào ba lúc hết buổi nói chuyện của ba. Năm nay năm mươi lăm tuổi rồi, trông ông ấy giống ông cụ cố lắm, chỉ thiếu mỗi mũ lông công, vòng san hô và áo gấm nữa thôi. Lúc bắt tay ba ông ấy còn khoe anh ông ta là cận thần thân tín của Hoàng đế Mãn Châu, mới xin được cho ông ta một chức ở triều đình Tân Kinh. Nhưng thế này thì đường công danh của ông ta đứt hẳn rồi. Ba thấy lo cho tính mạng của ông ấy và tương lai gia đình nhà ấy đấy.

- Sao anh lại có thể thương cái tay ấy được nhỉ? Mẹ nói. Ông ta rất ghen tức với anh. Lúc còn là cố vấn thị trưởng, ông ta còn bày mưu tính kế để giảm giờ dạy của anh cơ mà. Em còn nghi rằng ông ta cũng muốn cấm không cho các bản dịch của anh được in. Em không quên đâu. Bây giờ em thấy nhà ấy có gặp tai hoạ cũng là chuyện bình thường.

Tôi thật không ngờ ba mẹ tôi lại quen biết bố Kinh. Chuyện trò của ba mẹ làm tôi tan nát cả lòng. Ngồi trong bóng tối quanh bàn ăn, mọi người bàn luận về sự kiện cứ như thể đang nói chuyện về việc bắt được một băng đảng trộm cắt vậy.

Đột nhiên chị tôi kêu lên:

- Sao em nhìn chị thế?

- Em đau bụng.

- Trông mặt con xanh lắm. Đi nằm ngay, mẹ ra lệnh, mẹ sẽ bảo mang nước trà cho con.

Tôi nằm dài trên giường, hai tay lạnh giá ôm bụng.

Kinh đâu nhỉ? Mẫn có ở chỗ anh không? Tôi như thấy lại từng vết nứt, từng chiếc bàn chiếc tủ, từng đồ đạc lặt vặt trong nhà họ. Tôi thấy các đồ đạc hiền lành và cũ kỹ, chẳng có vẻ gì là nổi loạn cả. Những lúc Mẫn ôm tôi và kéo tôi vào phòng ngủ, anh đã đi trên chiếc hầm bí mật. Khi Kinh nói chuyện với tôi trong vườn và ghen tức theo dõi Mẫn, họ gắn bó với nhau bằng một mối liên hệ mạnh hơn tình yêu. Tại sao họ giấu tôi sự thật? Tôi cũng muốn được chia xẻ lòng yêu nước của họ, đi tù cùng họ, chết bên họ. Tại sao họ quyến rũ tôi để rồi lại hất bỏ tôi ngay?

Nguyệt Châu bưng cho tôi một tách trà. Tôi quay mặt vào tường, giả vờ ngủ.

Tôi thấy lại buổi gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi. Ngoài chợ, quân kháng chiến đã phát lệnh tấn công toà thị chính. Tôi bị đám đông xô đẩy và ngã xuống. Một thanh niên có nước da ngăm chìa tay kéo tôi. Gương mặt anh vuông chữ điền mang nét quý tộc Mãn Châu. Rồi Kinh xuất hiện, lạnh lùng và kiêu ngạo. Hai người tổ chức của cuộc nổi dậy đã bước vào đời tôi như vậy.

Tôi trở mình. sau khi uống nhiều ngụm trà, tôi lấy lại bình tĩnh. Khi Mẫn nói với tôi về cách mạng, tôi tưởng chừng như anh đang mơ màng. Khi anh nói rằng đời anh đầy nguy hiểm, tôi chế nhạo anh về thói ưa mạo hiểm.

Tôi nhớ lại chị Đường, cô sinh viên được mời đến dự sinh nhật Kinh. Bây giờ tôi mới hiểu hết lời chị ta: là con của nông nô, chị ta tìm thấy trong lý tưởng cộng sản niềm tin và sức mạnh. Cuộc xâm lăng của quân Nhật đã bẻ gẫy những trật tự giai cấp ngàn đời và Đường đã truyền cho chàng địa chủ Mẫn trẻ tuổi giấc mơ về một xã hội mới, nơi mọi người đều bình đẳng. Chính Đường đã thúc đẩy Mẫn cầm vũ khí và gia nhập Liên minh Kháng chiến. Và Mẫn đã lôi kéo thêm Kinh. Cả ba người này chắc sẽ bị xử bắn!

Tôi lẻn ra ngoài. Bác xe tay chạy qua nhà Kinh. Cả phố đã bị lính canh chặn đường.

Quảng trường Thiên Phong, tôi bày quân theo sơ đồ đã dánh dấu. Tôi nhìn chăm chăm vào bàn cờ, đếm các ô cờ và chìm vào trong suy tư toán học.

54.

Sau bữa cơm trưa, sắc mặt của cô gái tái xanh. Nét mặt buồn rượi và khi cô cầm một quân cờ, tay cô run rẩy.

Cô im lặng nên tôi không dám an ủi cô. Tôi giả vờ dửng dưng để cô khỏi phật ý. Chắc cô không phải là người thích được thương hại.

Chỉ mới vài giờ mà thiếu nữ đã già đi nhiều tuổi. Gò má như cao hơn vì má hõm vào. Mặt dài hơn, cằm nhọn hơn.

Qua lần chớp mặt, tôi bắt gặp cái nhìn giận dữ của một đứa trẻ bị tổn thương. Cô ta giận một người anh chăng? Cãi nhau với một cô bạn chăng? Rồi sẽ qua thôi. Tôi lo lắng hộ cô là nhầm. Tính khí của các thiếu nữ thay đổi nhanh chóng và cô ta sẽ lại tìm thấy nụ cười.

Trong lần chơi trước, tôi có cảm tưởng cô là một kỳ thủ có nước đi nhanh và tự phát. Hôm nay cô suy nghĩ hàng giờ. Mắt cúi xuống, môi mím chặt, miệng như sắt lại, cô có thể ngồi làm mẫu cho hoạ sĩ vẽ mặt nạ kịch Nô của một vai hồn ma nữ.

Cô tỳ khuỷu tay lên cạnh bàn cờ và tựa đầu vào lòng bàn tay, nom mỏi mệt. Tôi tự hỏi không biết cô có thực sự nghĩ tới ván cờ không. Cờ thể hiện tâm hồn. Nếu cô dịch sang phía đông một ô, nước đi sẽ chắc chắn hơn.

Quân đen của tôi đi theo sát. Tôi muốn tỏ ra hiếu chiến để cô cảnh giác hơn. Cô ta ngẩng đầu lên, tôi tưởng cô sắp khóc nhưng cô lại mỉm cười:

- Đi hay lắm! Ngày mai chơi tiếp được không?

Tôi rất muốn chơi tiếp ngay bây giờ nhưng tôi đã tự quy định là không bao giờ tranh luận với phụ nữ.

Cô lại đánh dấu thế cờ trên tờ giấy. Bên Nhật, trong các trận đấu, mỗi khi phải ngừng chơi, chỉ trọng tài mới đánh dấu các vị trí quân cờ và công khai cất sơ đồ trận đánh trong một chiếc két sắt.

- Anh có muốn giữ không? - Cô hỏi.



- Không, xin cô cứ giữ dùm.

Cô nhìn tôi chằm chằm và xếp quân cờ.

55.

Ngoài đầu phố, bóng Mẫn nổi bật. Khi đến gần ngã tư nơi tôi đợi đã hàng giờ, chàng sinh viên trên chiếc xe đạp gật đầu chào tôi. Tôi nhìn anh như muốn nuốt. Nét mặt anh nhẵn và không dấu vết gì của sự đau đớn. Mồ hôi lấp lánh trên chán, anh mỉm cười với tôi trước khi đã đi xa dần.

Phải tìm lại Kinh bằng được. Tôi vượt qua hàng rào lính Nhật và vào được nhà Kinh. Bên trong các bức tường đổ, ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn. Trong vườn, chỉ còn hoa thược dược đỏ là không bị gãy nát. Kinh nằm trên một chiếc ghế đang chơi với chim.

- Em tưởng anh bị bắt.

Anh ngẩng đầu, ánh mắt vừa hằn học vừa khao khát.

- Em là nhà tù của anh.

Tôi thức giấc.

Từ sáng sớm, ngã tư đền đã đầy các nhà buôn, người đi dạo, các đạo sĩ. Tôi ngồi vào một quầy và buộc mình phải ăn một bát vằn thắn. Tôi nhìn qua màn hơi dày đặc bốc lên từ cái nồi và chờ sự xuất hiện của Mẫn.

Người qua đường lượn qua như trong mơ, phu xe kéo hồng hộc chạy. Họ đi đâu vậy? Họ có con trai hay anh em bị Nhật bắt không? Tôi thèm cái vẻ dửng dưng của các đạo sĩ, sự ngây thơ của các em bé trên tay mẹ, sự cùng khổ bình yên của người ăn mày. Mỗi khi có bóng một chiếc xe đạp nào từ xa là tôi khắc khoải đứng dậy. Lần đầu tiên tôi hiểu rõ câu ngạn ngữ: “Nhìn như muốn nổ con ngươi”.

Rồi mặt trời lên cao tới ba con sào. Tôi nấp vào một gốc liễu. Lính Nhật đi qua ngã tư, đầu lưỡi lê cắm cờ mặt trời mọc. Dưới các mũ sắt là những gương mặt trẻ và độc ác. Họ thấp đậm, mắt một mí, mũi tẹt và có ria, họ chính là giống người sống trên đảo mà theo truyền thuyết đã bắt nguồn từ dân tộc chúng tôi. Tôi ghét họ.

Đến mười một giờ, tôi quyết định đến trường. Hương mách rằng thầy dạy Văn biết tôi nghỉ và ghi tên tôi. “Sao đến muộn thế?” nó hỏi. Tôi báo cho nó biết tình hình.

Nó nghĩ ngợi:

- Chắc cậu phải trốn đi ít lâu. Cậu chơi với Mẫn và Kinh. Bọn Nhật có thể sẽ để ý đấy.

Nó làm tôi bật cười:

- Họ mà bắt tớ thì tớ càng thích. Tớ trốn đi đâu được? Nếu tớ trốn thì ba mẹ tớ lại phải bị đi tù thay. Cho họ bắt!

Hương xin tôi đừng làm điều ngớ ngẩn.

- Tớ có làm gì đâu. Tớ khôn ngoan và hèn như thế này cơ mà. Không bao giờ tớ lại đi đốt trại lính Nhật để cứu các bạn tớ. Họ mới là anh hùng thực sự Họ biết bắn súng, ném lựu đạn, đốt thuốc nổ. Tớ đã bao giờ sờ đến thứ vũ khí nào đâu. Tớ có biết nó nặng nhẹ ra sao, sử dụng như thế nào đâu. Tớ chẳng thể nào nhận ra một người kháng chiến với người thường. Tớ chỉ là một con bé tầm thường.

56.

Đại uý Nakamura nhìn đâu cũng thấy gián điệp, kể cả trong hàng ngũ của chúng tôi. Anh ngờ rằng các phiên dịch người Trung Hoa của chúng tôi không trung thực nên yêu cầu tôi tham dự vào việc thẩm vấn các tù nhân mới.

Nhà giam nằm ở trung tâm trại lính, trong một chiếc sân rợp bóng cây tiêu huyền. Vừa bước qua khỏi bậc cổng, tôi đã ngửi ngay thấy mùi hôi thối như ở bãi chiến trường vào hôm sau trận đánh.

Trung uý Ôka mà tôi quen qua lời giới thiệu của đại uý Nakamura trong một bữa cơm tối trên phố, thân mật đón tiếp tôi. Anh bận binh phục may đo theo sát người, râu ria chỉn chu, tỏ ra rất chăm chút hình thức bên ngoài.

Anh dẫn tôi vào một cái sân thứ hai: một người tù Trung Quốc đang bị treo ngược chân trên cành cây, thân thể trần truồng mang nhiều vết lằn đen. Khi chúng tôi đến gần một đám mây ruồi vù vù bay lên và để lộ thịt người tù tựa như bị cày xới.

- Sau khi quất nó, tôi cho nung sắt đỏ lên rồi áp vào người nó, trung uý bình luận.

Vào trong toà nhà, mùi thịt thối lại càng nồng nặc. Trung uý Ôka chẳng xúc động mảy may và tôi cố bắt chước anh ta. Anh ta dẫn tôi đi dọc theo một hành lang tăm tối, chỉ cho tôi xem từng xà lim với vẻ thoải mái của một bác sĩ đang tự hào về bệnh viện kiểu mẫu của mình. Qua các song sắt, tôi nhìn thấy nhiều thân người què cụt sứt sẹo chồng chất lên nhau. Trung uý giải thích cho tôi rằng ngay khi mới nhậm chức tại đây, anh ta đã cho hạ thấp trần của các xà lim để tù nhân không đứng thẳng được và giảm cả khẩu phần ăn nữa.

Mùi phân người lẫn lộn với mùi máu khiến tôi khó thở. Như cảm thấy nỗi khó chịu của tôi, trung uý tỏ ra là một công chức mẫn cán:

- Xin lỗi trung uý, khi ta quật bọn lợn này bằng gậy, chúng phọt cả phân ra đấy.

Đống người đang hấp hối này khiến tôi nổi da gà nhưng vẻ mặt trong sáng và chăm chú của trung uý đồng nghiệp buộc tôi phải che dấu sự ghê tởm. Tôi không được tỏ ra thiếu tôn trọng đối với công việc của anh. Tôi hơi ngại anh ta sẽ chế giễu sự yếu đuối của mình nên cố kìm cơn ợ chua buồn nôn đang trào dâng từ dạ dầy và bày tỏ vài lời khen ngợi. Anh ta hài lòng và khiêm tốn mỉm cười.

Các phòng cực hình nằm ở phía đầu hành lang nhưng trung uý đã chọn sao cho tiếng kêu la của các tội nhân sẽ vang được khắp trong nhà tù. Anh rất muốn cho tôi xem trình độ cao của mình và ra lệnh cho viên đội tiếp tục hỏi cung.

Tiếng rú của một người đàn bà khiến tôi dựng tóc gáy.

- Chúng tôi vừa xát muối vào vết thương của con bé cộng sản, trung uý giải thích.

Và thêm:

- Hồi còn ở trường, giảng viên thường bảo chúng tôi rằng: “Đàn bà chịu đựng cực hình giỏi hơn đàn ông.” Con này đặc biệt gan lì.

Anh đẩy một cánh cửa. Lửa đang cháy trên một chiếc chậu đồng ở giữa và các que cời than đỏ rực. Nóng một cách khủng khiếp. Hai người tra tấn tay lông lá đang đổ một xô nước lên người một phụ nữ trần truồng nằm dưới đất. Người phiên dịch Trung Quốc nghiêng người xuống:

- Nói đi, anh ta quát, nếu mày nói, quân đội Thiên hoàng sẽ tha mạng cho mày.

Tôi tưởng chừng như nghe thấy giữa tiếng rên rỉ:

- Đồ chó Nhật.

- Nó nói gì thế? - Trung uý Ôka hỏi.

- Nó chửi các ngài trong quân đội Thiên hoàng.

- Bảo nó là các bạn nó đã khai rồi. Chỉ còn mình nó chưa chịu hợp tác thôi. Chống lại thêm nữa có ích gì đâu?

Cô ta cong người lại. Tôi thấy tấm lưng đẫm máu của cô mà rùng mình. Tay cô bị trói quặt ra sau lưng.

Trung uý đá vào người cô ta. Cô ta bị lật người ra phía khác và để lộ một gương mặt tím bầm, sưng húp.

Anh ta dẫm chân lên đầu cô gái và mỉm cười:

- Bảo nó là nếu nó không khai, ta sẽ chọc sắt nung đỏ vào đít nó.

Người phiên dịch vội vã tuân lệnh. Tiếng rên ngừng bặt. Mọi người đều nhìn vào thân hình bất động của cô gái. Trung uý gật đầu ra hiệu cho phiên dịch và tay này vội vàng lấy giấy bút. Đột nhiên, như một hung thần cuồng nộ vọt lên từ âm phủ, người đàn bà bật dậy và gào lên:

- Giết tao đi! Giết tao đi! Tao nguyền rủa tất cả chúng mày…

Trung uý chẳng chờ phiên dịch mới hiểu được câu nói. Anh đưa mắt ra hiệu và hai tên tra tấn nhẩy vào giữ chặt vai người đàn bà. Trung uý cầm lấy ngọn thép đã nung đỏ.

Một làn khói khét lẹt kinh tởm bốc ra nồng nặc cùng lúc với tiếng rú của tội nhân. Tôi quay mặt đi. Trung uý lại đặt thanh sắt vào lò và nhìn tôi với một nụ cười bí hiểm:

- Nghỉ giải lao. Lát nữa tiếp tục.

Anh đưa tôi đi xem các phòng khác và bình luận về các móc sắt, các loại roi, gậy, kim, dầu sôi, nước ngâm ớt với các chi tiết của một nhà khoa học say nghề. Rồi anh mời tôi vào phòng làm việc của anh uống một ly sakê.

- Xin lỗi trung uý, tôi không bao giờ uống rượu trong ngày.

Anh ta cười phá lên:

- Nhà tù là một thế giới khác. Chúng tôi có luật lệ riêng. Rượu sakê làm đầu óc tỉnh táo. Không có nó thì mất hết trí tưởng tượng và chóng mệt lắm.

Tôi xin phép ra về, viện cớ sắp có một cuộc hẹn. Trung uý tiễn tôi ra cửa, còn hỏi:

- Anh sớm trở lại chứ?

Tôi lúc lắc đầu, chẳng ra có cũng chẳng ra không.

Về phòng, tôi soạn báo cáo lên đại uý Nakamura và hết lời khen ngợi trung uý Ôka:

“Đây là một người cẩn thận và tận tuỵ hết lòng với Thiên hoàng. Cần phải để anh ta toàn quyền hành động và phối hợp hoàn hảo với các trợ lý. Nếu có người từ bên ngoài vào sẽ làm hỏng tính chính xác của công việc và ảnh hưởng đến tiến trình các cuộc hỏi cung. Tôi xin đề nghị đại uý không nên cử tôi tới đó nữa. Chuyến thăm viếng này khiến tôi càng tưởng hơn bao giờ hết: Không bao giờ nên để quân thù bắt sống.”



Ba ngày sau, một người lính chuyển cho tôi thư của trung uý Ôka cho biết cần làm việc với tôi. Tôi đến ngay. Mặc dù trời rất nóng, viên sĩ quan mặc một bộ binh phục mới và mang đôi ủng bóng lộn dưới ánh mặt trời.

Anh ta mỉm cười đón tôi:

- Tôi có tin mừng báo với trung uý. Tù nhân mà anh thấy treo trong sân đã khai rồi. Trong đợt tuần tiễu cuối cùng, chúng tôi còn bắt được một thằng bé mười lăm tuổi. Tối nay hỏi cung nó đấy. Anh có muốn dự không?

Từ “hỏi cung” làm tôi lợm mửa. Tôi khen ngợi sự thành thạo của người phiên dịch và giải thích với trung uý rằng tôi chẳng cần có mặt làm gì.

Anh ta vẫn khăng khăng nèo kéo và nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Sao anh lại không muốn đến nhỉ? Thật tiếc đấy. Thằng bé ngon lắm và tôi đã chọn nhiều người thật rắn chắc khoẻ mạnh để bắt nó khai suốt đêm cơ mà. Tuyệt lắm.

Nhiệt độ lên tới ba mươi lăm độ trong bóng râm nhưng những lời của viên trung uý làm tôi rùng mình. Tôi lẩm bẩm rằng tôi không quan tâm tới cảnh đó.

Anh ta ngạc nhiên:

- Tôi tưởng là anh thích những thứ đó chứ.

- Trung uý ạ, anh có một nhiệm vụ khó khăn và quan trọng trong việc mở mang nước Nhật chúng ta và sự vinh quang của Thiên Hoàng. Tôi không muốn làm anh sao nhãng, xin phép được kiếu thôi.

Trunh uý Ôka thất vọng ra mặt. Anh ta buồn bã nhìn tôi. Mặt anh cạo nhẵn nhụi đến mức vệt ria mép bé xíu trên môi trên của anh ta nom như sắp bong ra khỏi da và bay đi mất.

- Thôi trung uý, tôi vỗ vai anh ta, đi làm việc đi. Vì vinh quang của Đế quốc chúng ta.

57.

Tôi đợi Mẫn nơi ngã tư cả tuần liền.

Các buổi chiều tôi xoải chân dọc theo đại lộ Viện Hàn lâm chạy dài trước cổng các trường đại học, lòng mong mỏi được nhìn thấy gương mặt quen thuộc.

Tôi tìm lại được địa chỉ của Đường. Trước cổng một ngôi nhà xẹo xọ trong khu phố công nhân, bọn trẻ con vừa chạy vừa la hét. Một bà già mệt mỏi đập chăn.

Một bà hàng xóm hiện ra.

- Cháu phải trả một quyển sách cho chị Đường.

- Nó bị bắt rồi.

Nỗi kinh hoàng ngự trị trong thành phố. Người Nhật quyết định bắt tất cả những ai không tán đồng việc đô hộhọ. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình vẫn còn được tự do. Đêm đêm tôi chờ được nghe tiếng chân giầy rầm rập của lính, tiếng chó sủa, tiếng đập trầm trầm của vật nặng vào cổng nhà. Sự yên lặng còn đáng sợ hơn cả nỗi ồn ào. Tôi nhìn lên trần, lên bàn phấn có chiếc gương bọc lụa xanh, bàn viết có bó hoa hồng nổi bật trong bóng tối. Các vật này có thể bị đập vỡ, bị chém xẻ ngang xẻ dọc, bị đốt cháy. Nhà cửa chúng tôi có thể sẽ bị như nhà của Kinh, sẽ trở thành một thứ khung xương cháy đen.

Tôi thấy lại Mẫn trong phố. Anh đã chạy một hơi, tóc tai bơ phờ và anh chưa biết mình sẽ phải vào tù. Anh nói: “Kinh yêu em. Nó vừa nói với anh xong… Em phải chọn giữa hai người bọn anh.” Tôi tức lắm. Kiểu ra lệnh như thế làm tổn thương lòng kiêu hãnh của tôi. “Anh đừng làm trò cười cho thiên hạ” là câu trả lời duy nhất của tôi và là những lời cuối cùng tôi nói với anh.

Tôi cũng nhớ Kinh nhiều như Mẫn. Giờ đây, tính cách khó gần của anh, dáng đi cứng nhắc của anh càng quyến rũ tôi. Làm sao cứu được họ đây? Làm sao liên lạc được với kháng chiến quân bây giờ? Làm cách nào để đến thăm họ trong tù được? Họ bất hạnh vì sinh ra trong giầu có. Sự khác biệt hẳn là khủng khiếp giữa phòng ngủ của họ và hầm giam ẩm ướt. Chắc họ sẽ bị ốm. Hình như là nếu cho cai ngục tiền, bọn cai ngục sẽ trở nên mềm tính hơn. Tôi sẵn sàng đem cho tất cả.

Có tiếng súng nổ trong phố. Một con chó hú lên rồi cả thành phố lại chìm trong yên lặng, như một viên sỏi ném vào chiếc giếng không đáy.

Tôi vừa nóng vừa lạnh. Nhưng căm thù tạo cho tôi sức mạnh. Tôi mở ngăn kéo tủ, lôi từ trong chiếc vỏ ra một chiếc kéo cán vàng mũi nhọn hoắt, quà sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi.

Vũ khí quí báu đó được đặt ngang trên mặt tôi, lạnh lẽo hơn băng.

Tôi chờ.

58.

Tôi là hai người khác nhau, tuỳ thuộc vào khi tôi mặc quân phục hay thường phục. Quân phục biến tôi thành người cai trị thành phố với niềm kiêu hãnh của kẻ chiến thắng. Thường phục làm tôi trở thành người bị chinh phục bởi vẻ đẹp của xứ sở này.

Người Hoa, chính là tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta lấy giọng địa phương, thay đổi dáng đi, tự bịa ra một hình ảnh. Khi cải trang, tôi mất đi những dấu hiệu của mình và dường như tự xa cách với chính mình. Tôi gần như đã trở thành một người tự do không còn biết tới các quy cũ quân sự.

Hồi còn bé tôi hay mơ cùng một giấc mơ: tôi mặc quần áo ninja và di chuyển trên các nóc nhà của một thành phố đang ngủ yên. Đêm ở dưới chân tôi, từng điểm sáng lấp lánh như đèn các con tầu trên đại dương tối tăm. Thành phố đó không phải là Tôkyô. Đó là một thành phố xa lạ và nỗi sợ hãi khắc khoải làm tôi kích động. Trong một con phố chật hẹp vắng tanh, các ngọn đèn lồng đu đưa thứ ánh sáng đầy đe doạ dưới các ôvăng cửa. Chân tôi rón rén bước đi trên từng viên ngói đến tận đầu mái nhà. và đột nhiên tôi l vào khoảng không.

Tôi giận đại uý Nakamura đã bắt tôi đóng một vai trò khó chịu. Tôi không có sự nhạy cảm lẫn sự trơ lì hoặc hoang tưởng của một gián điệp và tôi không có cái nhìn sành sỏi của người có nghiệp vụ để tìm ra một đốm đen trên một tờ giấy sẫm màu. Dù thời tiết tháng Sáu rất nóng, tôi vẫn mặc một bộ áo dài bằng vải lanh cho phép tôi giấu một khẩu súng lục bên sườn. Ngồi trước bàn cờ, tôi đặt thẳng tay lên đầu gối, khuỷu tay phải của tôi che đi khẩu súng nhô lên dưới nếp áo.

Mỗi khi tôi giơ tay phải lên để đi một nước cờ, tôi chạm vào cục thép. Khẩu súng vừa là sức mạnh, vừa là điểm yếu của tôi. Nếu tôi có thể bắn rất nhiều, tôi cũng rất có thể chết vì một phát đạn bắn vào lưng tôi từ tay một tên kháng chiến Trung Quốc.

Hồi còn ở Nhật, tôi đã học cách tuân thủ theo những luật chơi chặt chẽ của cờ vây. Tôi chơi trong yên lặng, trong thiên nhiên hồn hậu. Thân thể tôi thư giãn, những nước đi đột hứng truyền năng lượng xuống bụng, hơi thở điều hoà để hướng đạo cho tư duy, tâm hồn tôi chầm chậm đạt tới sự song hành với vũ trụ.

Còn ở đây, chơi cờ chẳng có tính trí thức gì cả. Mùa hè Mãn Châu cũng khắc nghiệt như mùa đông. Ai chưa biết thế nào là cháy bỏng, thế nào là lóa mắt thì chưa thể hiểu sức mạnh của mảnh đất đen này. Sau buổi tập luyện khắc khổ làm khô héo và bẻ gãy cả thân xác, một ván cờ vây với cô gái người Hoa là sự đào tẩu vào thế giới của quỉ dữ. Sức nóng tháng Sáu thấm vào các mạch máu thư giãn và mài giũa các giác quan của tôi. Chỉ một dấu hiệu nhỏ nhoi cũng khiến tôi nổi cơn đột hứng nhục dục: cánh tay trần của em, gấu váy em nhàu, mông em vồng lên dưới lớp lụa, một con ruồi bay qua.

Thật là một cực hình khi phải giữ gìn tư cách trước đối thủ. Từ một tuần lễ nay, mặt em rám nắng gầy đi như một hạt táo. Em mặc đồ không có ống tay. Các loại áo dài kiểu Mãn Châu này bó sát người khiến phụ nữ trông càng gợi tình hơn cả khi họ trần truồng. Đầu chúng tôi gần chạm nhau trên bàn cờ. Tôi cố chống cự lại những thèm khát bản năng, nhờ vào một ý chí sắt đá tôi luyện qua nhiều năm quân kỷ, nhưng đúng là cực hình trên bàn cờ.

Sang Trung Quốc giúp tôi hiểu rõ hơn vinh quang và khốn cùng của người lính. Anh ta đi theo mệnh lệnh mà không biết mình sẽ đi đâu, chân hướng về đâu. anh chỉ là một quân cờ trong nhiều quân cờ khác. Anh sống, anh chết, vô danh, vì chiến thắng của Tất cả. Cờ vây biến tôi thành bộ tổng tham mưa điều khiển đám quân trong lạnh lùng tính toán. Quân đi. Nhiều quân cờ bị hy sinh trong vây hãm để phục vụ cho một chiến lược.

Cái chết của quân cờ cũng giống như cái chết của đồng đội tôi.

59.

Hương xoay xở để có được thông tin. Tin tức ngày càng khủng khiếp. Khi nó báo cho tôi biết rằng cha của Kinh đã đề nghị nhà chức trách xử tử con trai ông ta để làm gương cho công chúng, tôi thấy ghét nó.

Sự thờ ơ của ba mẹ khiến tôi tuyệt vọng. Nguyệt Châu là tôi đang yêu và tìm mọi cách bắt tôi phải thú nhận.

Chị ngọt ngào hỏi tôi:

- Em đang buồn phải không?

- Không mà Nguyệt Châu, trời nóng quá nên em phát ốm đấy thôi.

Những lời than thở của Vương Ma khiến tôi tức giận và rốt cuộc tôi lại phá ra cười. Ba mẹ nhìn tôi. Thật là một chuyện vượt quá sức tưởng tượng của ba mẹ và họ không biết phạt tôi như thế nào. Vương Ma chạy vụt đi và khóc nức nở. Mẹ tát tôi. Đây là đầu tiên mẹ đánh. Má tôi nóng bỏng, đầu bùng nhùng. Mẹ đưa tay che mắt, nhìn tay run rẩy và bỏ về phòng. Ba dậm chân rồi cũng biến mất nốt.

Quảng trường Thiên Phong, tôi thư giãn trước một người xa lạ. Anh ta đến đúng giờ và không bao giờ phàn nàn về việc tôi đến chậm. Anh ta rất ít nói, mặt không thể hiện điều gì. Anh ta chịu đựng được sức nóng mặt trời, sức gió, chịu được cả những khiêu khích của tôi. Sức mạnh nội tâm này chắc giúp anh ta tránh được rất nhiều nỗi gian truân trần tục.

Tôi chơi để quên. Ở đây, không ai nói gì đến bắt bớ, đến quân Nhật chiếm đóng. Tin tức bên ngoài không dính dáng gì đến chúng tôi. Chỉ có nỗi đau là còn chạm được đến tôi. Một con chim, một con bướm, một người qua đường, một cử động bình thường, tất thảy đều nhắc tôi nhớ về Mẫn và Kinh. Tôi đứng dậy đi một vòng quanh quảng trường.

Những người chơi thấp thoáng dưới bóng cây, nom như những pho tượng đất mà Đấng Vĩnh hằng đã tình cờ tung xuống nơi đây. Tôi tuyệt vọng vô cùng. Chân tôi run lẩy bẩy, đầu óc quay cuồng. Dường như có một tấm màn xám xịt vừa rơi từ trên trời xuống.

Tôi ngưng ván cờ.

Đối thủ của tôi ngẩng đầu và quan sát tôi sau cặp kính. Anh ta không nói gì, không tức giận. Anh chơi mà không đặt câu hỏi. Khi tôi rời bàn cờ, tôi cảm thấy anh nhìn theo tôi tới khi khuất dạng. Những nỗi khổ của tôi nay mang một tầm cao đầy lãng mạn. Tôi đã biến thành một nghệ sĩ, một diễn viên. Với chỉ một khán giả duy nhất.

60.

Quảng trường Thiên Phong đã thấm vào tôi mùi hương của nó và tôi đã quen thuộc từng gốc cây, từng bàn cờ, từng vệt nắng.

Các cụ già là những kỳ thủ say sưa, chơi cả ngày tại quảng trường. Tay cầm quạt, tay cầm ấm trà, lồng chim treo trên một cành cây, họ đến từ sáng sớm và ra về lúc lưng chiều. Hộp quân cờ mở có nghĩa là họ đang chờ một đối thủ có hẹn trước, còn nếu đóng thì đó là họ đang chờ có ai đến thách đấu.

Tôi cứ sợ rằng lâu dần thì họ sẽ phân biệt được một người Hoa giả hiệu với một người Hoa thật. Nay tôi chẳng còn lo gì nữa. Nơi đây, lời nói không có uy lực gì và nhường chỗ cho quân cờ lên tiếng.

Người ta bịa sẵn cho tôi một tên giả. Cũng chẳng bao giờ dùng đến. Cô bé chơi cờ thậm chí chẳng bao giờ hỏi tên tôi, chi tiết này quá nhỏ bé trong một ván cờ vây.

Chắc em tin rằng cá đã cắn câu nên chẳng thèm làm duyên với tôi nữa. Nụ cười và những lời đùa nghịch em sẽ để dành cho người chơi ván sau, khi em bủa lưới được người ta.

Tôi không biết tại sao em dỗi.

Em không chào tôi nữa, chỉ gật đầu cộc lốc, và chỉ mở miệng khi chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào cuối giờ chơi.

Những ngày đầu, tôi như tìm thấy trong em hình ảnh của Minh. Còn bây giờ em không giống mảy may nào với nàng geisha, một người phụ nữ cầu kỳ và tinh tế. Các cử chỉ của em có vẻ mệt mỏi, tóc tết vội, đầu móng tay cáu ghét thành vòng đen. Sự buông thả của em thể hiện mối khinh miệt vô cùng đối với tôi. Trán em mọc mụn trứng cá và nét mặt em mất đi vẻ duyên dáng đã quyến rũ tôi lúc ban đầu. Lòng trắng mắt em đã mất đi ánh xanh mờ xinh đẹp và cái nhìn của em sầm xuống. Môi em nẻ, má hõm vào khiến em có vẻ khắc khổ. Cô gái người Hoa đang dần biến thành đàn ông!

Tôi trả thù cho nỗi thất vọng của mình bằng cách thắng trong trận chiến trực diện đầu tiên giữa hai đạo quân. Quân trắng bị xiết chặt hai gọng kìm ở phía nam và bị ép thánh một vệt mỏng dài.

Em dửng dưng trước việc thua này, ghi lại thế cờ và vội vàng ra về.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook