Việt Hùng Diễn Nghĩa

Chương 109: Đấu với trời 17

Tiểu Lão Nhân

11/07/2022

“Vụt!”

“Hí íííííí!”

Tiếng ngựa trúng tên rít vang đêm lạnh như muốn chấn vỡ nhưng bông tuyết trắng nhỏ đầu đông.

Đổng Trác ngước nhìn phương Đông xa xa, một đường lửa đỏ đã xẻ đôi đất trời.

Khóe miệng vẽ nên một đường cong nham hiểm trên khuôn mặt dữ tợn.

“Ááá!”

“Đuổi theo!”

Nghe tiếng hô của kẻ địch phía sau, biểu lộ của Đổng Trác nhanh chóng chuyển lại sang vẻ hốt hoảng thất thần:

“Mau! Rút lui! Rút lui!”

Nơi gò đồi xa xa, một toán quân đang phục sẵn, không nhiều người nhưng ai nấy đều lưng hùm tay gấu, khoác giáp đeo thương sáng loáng, trông không thua kém bao nhiêu so với trang bị của quân Tây Viên.

Mà bên cạnh họ thì lại là một bầy ngựa lớn Tây Lương hùng dũng cao lớn hơn xa đám ngựa Đông Hồ mà Lưu Hoành ủy nhiệm nhà họ Hoàng mua cho quân đội triều đình.

Càng quan trọng là số ngựa thế mà nhiều gấp 3 số người.

1 người 3 ngựa!

Đãi ngộ như vậy cũng chỉ từng xuất hiện ở thời Tây Hán Vũ Đế Lưu Triệt, kẻ thừa kế gia nghiệp kếch xù của Văn-Cảnh để lại.

Không phải nói Đông Hán không phối cho kỵ binh nhiều ngựa.

Đông Hán cũng có, nhưng đều là ngựa Đông Hồ để thay phiên khiêng vác, gia tăng tốc độ hành quân chứ không phải để kéo ra chiến trường làm sản phẩm tiêu hao.

Có thể nói kỵ binh thời Đông Hán có vai trò chủ yếu là phụ trợ và cắn lén thay vì phá trận, tiên phong chính diện như những năm huy hoàng của Vệ-Hoắc.

Đó là bởi năng lực kiểm soát của Đông Hán đối với nhưng khu vực nuôi dưỡng ngựa khỏe là thảo nguyên và Tây Lương yếu hơn hẵn so với Tây Hán,

Đồng thời, chính quyền Đông Hán ưa chuộng chính sách hòa thân và các chiêu bài chính trị thay vì hoạt động quân sự nên phần nào hạn chế năng lực chỉ huy kỵ binh của tướng lĩnh.

Nhưng Đổng Trác lại không nằm trong số những tướng lĩnh này.

Làm một người Tây Lương bản địa, lớn lên trong cái nồi lẫu trộn lẫn tặc phỉ, loạn đảng, Khương Vương,

Hắn hiểu rõ sức mạnh thực sự của kỵ binh!

Hiển nhiên không phải khuân vác và đâm lén,

Nhưng cũng không phải sức sát thương, sức sát thương của kỵ binh kỳ thực yếu hơn bộ binh nếu tính theo tỷ số đầu tư.

(P/s: trước khi có bàn đạp và yên ngựa thì kỵ binh rất yếu vì không thể dùng thuần thục vũ khí nặng, tác dụng chủ yếu là quấy rối đội hình địch)

Sức mạnh thực sự của kỵ binh đến từ uy thế của chiến mã!

Cứ hễ kỵ binh ra trận là phần thắng lập tức sẽ nghiêng.

Ấy là vì hình thể và tốc độ của kỵ binh có tính uy hiếp mạnh mẽ đối với bộ binh, nhất làn những bộ binh hạng nhẹ không chuyên nghiệp hoặc trận hình lõng lẽo.

Người cũng là động vật, cũng di truyền những bản năng nguyên thủy của động vật ghi khắc rất nhiều nổi sợ thuần túy như sợ lửa, sợ bóng tối, sợ nước sâu, và …

Sợ những sinh vật nhanh mạnh và to lớn hơn mình.

Chỉ cần đảm bảo tính cơ động và lực uy hiếp ấy thì kỵ binh đi đến đâu là bộ binh sẽ dạt ra đến đó, thế là có thể dễ dàng thọc xuyên qua trận hình quân địch, đánh thẳng tới bộ chỉ huy của đối phương, chém tướng soái, đoạt chiến kỳ, kết thúc trận chiến một cách nhanh chóng.

Nhưng muốn bảo toàn tính cơ động, không để kỵ binh bị bộ binh vây quanh đánh phế, thì cần ngựa phải đủ khỏe và đủ nhiều.

Huấn luyện kỵ sĩ lại rất khó khăn, kỹ thuật cưỡi ngựa xông trận mất thời gian hơn nhiều kỹ thuật sử dụng vũ khí đánh bộ.

Mà kỵ sĩ kém cỏi thì sẽ kéo đổ cả trận hình, làm lệch mũi tiên phong, thậm chí khiến cho đoàn kỵ binh bị chia tách vây nhốt.

Vậy nên mới sinh ra chiến thuật 1 người nhiều ngựa, tức đem 2 hoặc 3 con ngựa ngang sức buộc vào nhau do một kỵ sĩ điều khiển, chỉ chú trọng đến sức đẩy của ngựa, không quan trọng công kích của kỵ sĩ.

Thế nhưng ngựa không phải chiến xa, càng không phải xe tăng, thời đại này cũng không có ai mặc giáp cho ngựa.

Cho nên tiêu hao của chiến thuật này cực lớn, mỗi lần xông trận đều sẽ xuất hiện số lượng lớn ngựa bị tử thương, thậm chí còn có một cơ số đi lạc sau khi kỵ sĩ ngã xuống hoặc đứt dây cương.

Túm cái váy lại thì đây là một chiến thuật mang hình thức [lấy tiền nện người]!

Vì để trận thua lần này không quá nhục nhã, Đổng Trác đành cắn răn chịu chi.

Hắn lệnh cho mãnh tướng Hoa Hùng chỉ huy quân tiếp viện vào vị trí ẩn nấp mai phục, hẹn khi tản sáng, hắn dẫn đám tướng lĩnh Khăn Vàng đi qua thì Hoa Hùng xổ ra bắt giết.

Chỉ cần có được mấy cái đầu nổi danh gửi đến Lạc Dương thì Đổng Trác tin chắc rằng Lưu Hoành sẽ cho mình chút mặt mũi.

Ban đầu hắn cũng không định làm thế, chủ yếu vì tiếc ngựa.

Nhưng ai bảo hắn chơi lớn đâu!

Tối qua khi chuẫn bị lao đầu vào ổ mai phục của Khăn Vàng thì Đổng Trác còn thầm học theo thằn lằn, tặc lưỡi không thôi,

Nhưng rồi trong lúc vô tình, hắn chơi quá tay, lừa chết thật nhiều người, nhiều đến độ Đổng Trác có ảo tưởng rằng sau trận hôm nay có lẽ trong doanh chỉ còn mỗi vây cánh của hắn, còn đâu chết hết.

Tình cảnh lúc ấy quá mức hỗn loạn, tiếng la ó vang vọng đêm tối lạnh lẽo kết hợp với ánh lửa đuốc chập trùng trong gió tuyết, Đổng Trác chính mắt thấy một vài tướng lãnh không thuộc phe cánh của mình ‘chìm xuống’ trong vòng vây của biển quân Khăn Vàng.

Xưa có Triệu Quát bày binh trên giấy, 1 tướng chơi ngu, cả bầy chôn sống!

Nay có Đổng Trác máu lạnh độc ác, 1 tướng chơi gian, nửa bầy chìm nghỉm!

“Trá! Trá! Trá!”

Đổng Trác vừa ra roi quất ngựa vừa thầm hô may mắn vì sự cơ trí của mình:

“Thật là thảm, thật là sảng!

Hahaha!

Cũng may cẩn thận tính trước, nếu không thì núi vàng núi bạc cũng chưa chắc bảo vệ nổi đầu ta!

Chỉ tiếc bầy ngựa yêu của ta nha!

Haizz!

Thôi được rồi!

Văn Ưu nói đúng, về Tây Lương thiếu gì ngựa tốt!”



Không biết vì mặt đen còn thích lẫm bà lẫm bẫm hay vì oán linh của chiến sĩ trận vong trù ếm, ngay lúc lính trinh sát chạy lại báo tin cho Hoa Hùng chuẫn bị thì …

Cờ lộc! cờ lộc! cờ lộc!

Tiếng ngựa phi nhanh vang lên từ hướng đông, bằng đôi tai lão luyện của một kỵ tướng lâu năm thì Đổng Trác có thể nhận ra đó là ngựa Đông Hồ.

Một nhánh quân nhỏ chỉ vài trăm người hiện ra mờ ảo trong ánh bình minh, chiến thuật quen thuộc của Bạch Mã Nghĩa Tòng, lợi dụng ánh mặt trời để hạn chế tầm nhìn và năng lực phản ứng của kẻ địch.

Nhưng người dẫn đầu không phải con ngựa trắng Công Tôn Toản của đất U Yến mà là một danh nhân mới nổi của vùng Tư Lệ, con cháu ‘tự nhận’ của Trung Sơn Tĩnh Vương, học trò ‘hiếu kính’ của Đại Nho Lư Thực.

“Tam đệ!

Người cao lớn, bụng béo, mặt đen, râu quai nón kia là Đổng Trung Lang!

Mau cứu Đổng Trung Lang!”

- Lưu Bị chỉ kiếm về phía Đổng Trác quát lớn.

Trương Phí phá lên cười:

“Hahahaha!

Tên lợn rừng bị Khăn Vàng đuổi chạy kia chính là Đổng Trác sao?

Thật không ngờ triều đình dùng loại người này để thay thế cho Lư công.

Quả nhiên không có đại ca trong doanh thì tất sẽ sinh chuyện.

Đúng là lũ ăn hại!”

Nghe lời này của Trương Phi, một thanh niên hơn 20 tuổi cưỡi ngựa trắng gần đó nhiếu mày, tỏ vẻ không thích liếc sang.

Hắn là Công Tôn Việt, em trai Công Tôn Toản cử đến giám sát quân lính cho Lưu Bị mượn.

Lưu Bị tinh ý bắt được ánh mắt này, quát lớn:

“Tam đệ!”

Trương Phi nhìn thanh niên kia hừ một tiếng rồi thúc ngựa phi nhanh:

"Đến ngay đây!

Hắn đừng bị dọa té ngựa là được!”

Lưu Bị lúc này mới quay sang thanh niên Công Tôn Việt cười làm lành:

“Việt hiền đệ chớ để ý.

Dực Đức lỗ mãng buông thả đã quen, hắn không có ý gì đâu”

Công Tôn Việt nghe thế chỉ cười lạnh không đáp, chiêu lấy ánh mắt hình lưỡi đao từ Quan Vũ.

Lưu Bị gặp đây lại thay hắn giải vây:

“Nhị đệ, nhìn xem tướng Khăn Vàng kia có phải là Trình Viễn Chí!”

Dời mắt theo mũi kiếm của Lưu Bị, hiện lên trong tầm nhìn của Quan Vũ là một tướng lĩnh Khăn Vàng cao lớn mang giáp mũ uy nghi như quân tướng triều đình, tay cầm cây thương thô to như bắp tay.

“Hừ!

Bại tướng dưới tay.

Đại ca chờ lát, đệ đi chém hắn!”

- Quan Vũ lập tức học theo Trương Phi, một mình phi ngựa rời khỏi đội hình để lại tiếng hô lớn của Lưu Bị sau lưng:

“Địch đông, ta ít.

Nhị đệ cẩn thận!”

“Một đám công khai treo giá bán đầu mà thôi!!!”

Đúng là một đám công khai treo giá bán đầu, nhưng không phải bán cho Lưu Bị mà là bán cho Đổng Trác.

Nhìn thấy Lưu Bị đột ngột nhảy ra cướp hàng, Đổng Trác vội vàng thúc ngựa về phía phục binh của Hoa Hùng, hy vọng có thể vãn hồi thế cục.

Trương Phi thấy vậy lại cười to châm chọc một phen, khiến Đổng Trác tức sôi máu đầu.

Đến khi Đổng Trác dẫn theo Hoa Hùng quay lại thì cao tầng Khăn Vàng đã chạy hết ráo, phần vì ngỡ rằng có phục binh, phần vì chổ dựa tinh thần là con hổ Trình Viễn Chí bị Quan Vũ chém rơi đầu.

Kết quả là ‘một nồi thịt kho tàu’ trong dự tính của Đổng Trác bị thằng cướp canh Lưu Bị lật úp mất ráo.

Lưu Bị lúc này lại hồn nhiên vô tư xuống ngựa đi bộ lại gần cười hiền hòa, chuẫn bị tay bắt mặt mừng làm quen với ‘thủ trưởng mới’.

Nhưng hắn còn chưa kịp tự giới thiệu thì Đổng Trác đã quát lớn:

“Ngươi là ai? Chức vị gì?

Vì sao chỉ huy binh mã xuất hiện ở chiến trường?

Có phải là cấu kết với loạn tặc mang ý đồ xấu hay không?”

Lưu Bị gặp đây nhíu mày không biết nói gì, Trương Phi thì hai mắt nổi lửa quát lớn:

“Heo mập sao dám càn rỡ!

Nếu không có chúng ta cứu trợ, ngươi đã sớm bị Khăn Vàng xiên que quay nướng rồi!”

Đổng Trác nổi đóa muốn giơ kiếm lên nhưng Lý Nho lập tức can ngăn bởi hắn nhận ra Lưu Bị.

Mặc dù họ rời đi theo Lư Thực rồi sau đó lặn mất tăm đến giờ nhưng ai bảo Lý Nho là chủ quản tình báo dưới trướng Đổng Trác đâu,

Sau sự kiện Lư Thực bị bắt giam thì Lưu Bị cũng xem như một danh nhân, được khá nhiều học giả Nho môn và phe quân võ bảo hoàng trong vùng Tư Lệ ca ngợi.

Vả lại nhìn đám kỵ binh thuần một màu trắng phía sau lưng Lưu Bị thì Lý Nho cũng đoán ra được thời gian qua Lưu Bị đi đâu, cũng tự não bổ ra vai trò hắc thủ sau màn của ai đó.

“Đông Bắc Công Tôn Toản!

Nghe nói Bạch Mã nghĩa tòng đã có 4, 5 ngàn kỵ, đánh khắp Liêu địa vô địch thủ, dọa Ô Hoàn khiếp vía hãi hùng.

Nhạc phụ còn chưa về Tây Lương mà hắn đã bắt đầu duỗi tay vào Ký Châu rồi sao?

Thật là đối thủ đáng gờm!”



Xa ngoài ngàn dặm, thân thể tráng kiện, võ nghệ cao cường, ăn quen gió lạnh Công Tôn Toản đột nhiên hắt xì.

- -----------

Hoàng Thành Lạc Dương, hoàng cung, thư phòng hoàng đế.

“Thần may mắn được bệ hạ tin tưởng giao phó trọng trách bình dẹp loạn đảng, bảo vệ xã tắc, ngày đêm mất ăn mất ngủ hòng nghĩ kế phá tặc, sớm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tiếc rằng thế địch lớn mà năng lực của thần lại có hạn, hổ thẹn lâu ngày vẫn phụ hoàng ân của bệ hạ, chưa thể kiến công.

Vừa rồi, thần được tin tặc tử Trương Giác bệnh chết,

Mặc dù lo sợ có lừa dối nhưng vì nóng lòng cứu khốn phò nguy, nhớ đến trăm họ lầm than, lo sợ loạn đảng không có kẻ dẫn đầu, tứ tán khắp nơi rồi lẫn vào rừng núi tiếp tục quấy nhiễu liên miên thì đúng là họa của muôn dân, ảnh hưởng đến tín dự của triều đình và uy nghiêm của bệ hạ.

Vậy nên thần không dám chậm trễ, liều mình quả quyết phát động tổng tiến công, hy vọng có thể sớm ngày dẹp yên loạn tượng, chấm dứt chiến tranh, khôi phục an bình cho xã tắc.

Nào ngờ tặc nhân dối trá âm hiểm, lại khinh thường tiết hạnh, tự tổn hại âm đức, dùng cái chết của kẻ thủ lĩnh để làm mồi dẫn dụ thần vào mai phục.

Cũng may thần nhớ đến trách nhiệm mà bệ hạ giao phó, sớm có chuẫn bị sẵn, chém được Khăn Vàng cừ soái Trình Viễn Chí khiến sĩ khí quân địch giảm mạnh, vãn hồi thế cục.

Nhưng tiếc vì trong lúc chiến trận nóng lòng sơ xẩy không thể quán xuyến toàn cục, khiến cho biết bao dũng sĩ trung thần phải bị trận vong nơi sa trường.

Đây là tội của thần vậy.

Thần tự nhận không xứng với tín nhiệm của bệ hạ!

Nay xin giao lên cờ Tiết Chế, cam nguyện chiệu phạt!

Đông Trung Lang tướng ấn! Đã kiểm tra!”

Tả Phong đọc xong tấu chương của Đổng Trác thì Hạ Huy cũng tự mình tiếp lấy hộp gỗ hình vuông từ tay lính hầu.

Mặc dù có chuẫn bị tinh thần sẵn nhưng khi mở ra kiểm tra thì nét mặt hắn cũng bổng chốc chuyển xanh xám, nhanh tay lấy lá cờ tiết chế ra rồi đóng hộp lại dâng cả 2 lên cho Lưu Hoành:

“Bệ hạ!

Quả nhiên là đầu người!”

Lăn lộn chính trường nhiều năm, Hạ Huy cũng biết lý do Đổng Trác đem cờ Tiết Chế bỏ chung trong hộp đựng đầu Trình Viễn Chí là để kể công bù tội, thế nhưng hắn vẫn buồn nôn với cách làm này.

Buồn nôn theo nghĩa đen!

Lưu Hoành cũng ngại ăn cơm mất ngon nên không mở hộp ra xem, chỉ chăm chú nhìn lá cờ tiết chế trước mặt, lát sau mở miệng:

“Thông báo chư quan, sớm mai mở triều!”

Đám người Thập Thường Thị sớm ăn tiền hối lộ, chuẫn bị tùy thời mở miệng nói giúp Đổng Trác nhưng vừa nghe Lưu Hoành nói vậy thì im ru cả, Triệu Trung lập tức xung phong lĩnh mệnh rời đi sắp xếp thông báo.

Triều hội mới mở sáng hôm qua, theo lệ thì phải 4 ngày nữa mới mở triều, Lưu Hoành không kéo dài thời gian thì thôi, đằng này còn hối thúc mở triều sớm hơn lệ thường,

Tất có chuyện lớn!

Thập Thường Thị hiểu sâu đạo giữ mình, cho rằng Đổng Trác sắp xong đời, thành ra không dám hó hé xin xỏ giùm nữa.

Thế mà suy đoán ấy của Thập Thường Thị lại sai.

Lưu Hoành cũng không muốn làm thịt Đổng Trác, chí ít là cho đến khi tin tức Trương Giác còn sống đến được tai hắn.

Nhưng đó lại là chuyện của mùa xuân sang năm, bây giờ Lưu Hoành muốn mở triều hội là vì hắn muốn nghị hòa.

Chuyện Trương Ninh Nhi giả dạng Trương Giác không nhiều người biết nhưng chuyện Trương Giác bị bệnh nặng cũng không phải kín kẽ không lọt.

Mặc dù đó chỉ là những nghi ngờ đến từ một số thông tin mập mờ rãi rác như biểu hiện khác thường của Trương Giác, điều động thảo dược quý để nấu thuốc cho một nhân vật thần bí, vân vân.

Nhưng nếu Đổng Trác có thể toàn mạng, hơn nữa phản mai phục, chém ngược Trình Viễn Chí, thì có thể tạm khẳng định là Khăn Vàng không có thống nhất chỉ huy, tức Trương Giác đã ít nhất là lực bất tòng tâm, hấp hối sắp ngõm rồi.

Đương nhiên, Lưu Hoành muốn nghị hòa không phải vì để kế thừa và phát huy truyền thống hòa thân của cha ông,

Hắn chỉ biết sơ sơ về sự tồn tại của Trương Ninh Nhi, vả lại một con yêu nữ bần hèn cũng không xứng với 2 đứa hoàng tử của hắn.

Lưu Hoành cũng chẵng đau xót cho số phận của trăm họ như trong những lời văn hay ý đẹp trong tấu chương của Đổng Trác.

Hắn muốn nghị hòa là vì mục tiêu thu phục tàn dư Khăn Vàng đút vào túi riêng, không để cho bọn họ bị thế gia sử dụng làm công cụ khôi phục.

Thế gia cũng biết điều này, nhưng ngặt vì thế của bảo hoàng lớn hơn nên chỉ có thể lùi xuống cầu việc khác.

Thay vì phản đối nghị hòa, thế gia đồng loạt cho rằng có thể triệu Hoàng Phủ Tung lên thế chổ Đổng Trác, tạm thời ổn định quân tâm, đề phòng nghị hòa thất bại.

Ngoài ra, đám người anh em họ Viên, Tào Tháo cũng được đề cử đi theo, lấy lí do là giải quyết chủ lực của Khăn Vàng ở Hà Bắc quan trọng hơn giải quyết tàn dư của Khăn Vàng ở Hà Nam.

Lưu Hoành biết đám thế gia này không an phận, muốn mượn tay đám anh em họ Viên để giở trò phá hoại, ví dụ như đang bàn nghị hòa đột nhiên xua quân khiêu khích khiến Khăn Vàng nổi giận giết sứ giả chẵng hạn.

Nhưng Lưu Hoành đối với chuyện này lại cười gằn trong bụng:

“Xem ra Tào Mạnh Đức phải lộ rồi.

Cũng được!

Tình thế hiện giờ còn gì phải lo nghĩ nữa đâu.

Giữ mãi một quân đen cũng vô dụng, chẵng bằng thêm một quân trắng, lấy thế hù người”

Từ khi thời thế đổi thay, không chỉ suy nghĩ mà cả hành động của Lưu Hoành cũng trở nên ngang tàng hơn.

Nếu như lúc trước hắn phải đắn đo hồi lâu, hết hỏi thăm Tả đạo nhân lại trưng cầu ý kiến của Hoàng Hùng, hy vọng có thể lừa thế gia xoay vòng,

Thì nay Lưu Hoành lại thẳng thừng đồng ý kiện nghị của thế gia ngay tắp lự, không hề ngại sợ việc thế gia đoán được ý nghĩ của mình.

Ý nghĩ của hắn cũng khá đơn giãn.

Thứ nhất, ăn không bỏ xót.

Chủ lực của Khăn Vàng ở Hà Bắc là thịt, thì tàn dư Khăn Vàng ở Hà Nam cũng là canh, quyết húp tới giọt cuối cùng, không chia cho thế gia.

Lưu Hoành phát lệnh đến Uyển Thành, yêu cầu Trương Ôn lập tức xuất quân đến hội hợp với Hoàng Hùng, tiếp nhận công việc chiêu an và sắp xếp hàng quân.

Về phần Hoàng Hùng thì đó là ý nghĩ thứ 2, nuốt trọng.

Đến bát canh rã nát ở Hà Nam mà Lưu Hoành còn không muốn thế gia le lưỡi liếm thì nói chi đến tảng thịt to đùng ở Hà Bắc.

Hoàng Hùng trở thành đặc sứ nghị hòa, cũng bí mật nhận được tử lệnh nửa khuyến khích nửa đe dọa, vừa nói thưởng vừa nói phạt, ép hắn phải thuyết phục cho bằng được Khăn Vàng Hà Bắc đầu hàng triều đình, điều kiện có thể tùy tiện mở.

Trong thư Lưu Hoành thậm chí còn nói ‘người chết bỏ qua, có thể dùng đạo tước truy phong Trương Giác là thượng tiên, nếu Trương Lương và Trương Bảo quy hàng cũng có thể đặc xá, chiêu vào Huyền Kính Ty’.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Việt Hùng Diễn Nghĩa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook