Giam Cầm Nàng Dưới Màn Trướng

Chương 32:

Uyên Tú Tú

23/11/2024

Thi Yến Vi sợ đến kinh hồn bạt vía suốt mấy ngày, cả người nhìn đi nhìn lại đúng là đã hao gầy đi một lượt. Luyện Nhi nhìn rõ, không khỏi cảm thấy rầu rĩ.

Cho đến sáng ngày thứ sáu, Thi Yến Vi bị đánh thức bởi cơn đau truyền tới từ bụng dưới, nhận thấy giữa hai chân có chút ẩm ướt liền gọi Luyện Nhi mang đai nguyệt sự vào, phủ thêm áo khoác đến đông viện thay y phục.

Trừ việc lần này chậm mất mười ngày thì tình trạng đau bụng so với tháng trước cũng có phần trầm trọng hơn rất nhiều, Thi Yến Vi ngồi tựa trên tháp, sai người đưa ấm sưởi [1] và lò cầm tay đến.

[1] gốc là 汤媪, "Tangpozi", một ấm đun nước bằng đồng thiếc, hình trái bí ngô với nước nóng ở bên trong, cũng được sử dụng rộng rãi để giữ ấm. Nó có thể được đặt dưới chăn, sử dụng tương tự như túi nước nóng thời nay.

Luyện Nhi đưa ấm sưởi đến, nhét vào trong chăn làm ấm chân cho Thi Yến Vi, thấy nàng tựa vào gối đầu vẻ mặt có chút muộn phiền liền ngồi xuống mép giường, nói chuyện phiếm để nàng cảm thấy bớt nhàm chán.

Trong lúc nhất thời không nghĩ ra nên nói cái gì liền chuyển chủ đề sang ấm sưởi, cười hỏi nàng: "Nương tử có biết ấm sưởi này từ đâu mà được lưu truyền rộng rãi không?"

Thi Yến Vi lắc đầu, nàng chỉ biết trong tiểu thuyết thời Minh Thanh, đồ vật này được gọi là bình nước nóng, trong khi ở đây thì được gọi là ấm sưởi.

"Lúc nô tỳ còn ở Tống phủ từng nghe một lão mụ lớn tuổi nói, vật này là do công chúa Tuyên Thành làm ra năm mười sáu tuổi. Nàng đã sai thợ thủ công dựa theo bản vẽ mà nàng vẽ ra để chế thành, ban đêm vào mùa đông nếu sử dụng sẽ giúp làm ấm, hỗ trợ ngủ ngon. Những hộ gia đình bình thường trong dân gian thì thiết kế có phần kém một bậc, chỉ có những gia đình phú quý mới dùng đến ấm sưởi bằng đồng."

Vì là sinh viên khoa văn nên Thi Yến Vi hoàn toàn không có chút kiến thức vào về kỹ thuật rèn sắt, những vấn đề linh tinh như khi nào thì kỹ thuật được cải tiến, nồi sắt xào rau xuất hiện từ lúc nào hay bình nước nóng được phát minh từ đâu, nàng chưa từng chú tâm tìm hiểu.

Nàng chợt nhớ đến lúc vẫn còn ở khách điếm từng nghe thấy một vị thư sinh nhắc qua vị công chúa Tuyên Thành đã cải tiến kỹ thuật rèn sắt, hiện đang ẩn cư tu đạo ở đình sơn Vu Kính không màng thế sự, liền cảm khái nàng quả thật là bậc kỳ nữ, không tránh khỏi có chút tò mò bèn hỏi kỹ về tuổi tác lẫn cuộc đời thăng trầm của công chúa Tuyên Thành.

Những gì vừa kể là những điều duy nhất Luyện Nhi nghe ngóng được nên những chuyện bên lề Luyện Nhi đều lắc đầu nói không biết, chỉ biết trên núi Kính Đình trước kia cũng từng có một vị công chúa khác đến tu đạo, là hoàng muội của hoàng đế Huyền Tông, phong hào của nàng là Ngọc Chân, cả đời không gả. Xem ra vị công chúa Tuyên Thành này có lẽ cũng không có ý định gả chồng.

Thi Yến Vi nghe thấy điều này thì chợt nghĩ: Nếu như ngày đó nàng rời khỏi Tống Phủ đến đạo quan tu đạo, rời xa trần thế ồn ào huyên náo, cũng chưa từng quen biết Thôi Tam nương và những người khác thì liệu Tống Hành có vì mất đi lợi thế có thể uy hiếp được nàng mà bỏ qua cho nàng không?

Đáng tiếc, trên đời này không có hai chữ "nếu như".

Thi Yến Vi khẽ thở dài, cảm giác đau đớn ở vùng bụng dưới càng trở nên rõ ràng, khiến nàng không khỏi cau mày. Cho dù nàng ngốc nghếch đến mấy thì lúc này cũng không thể không nghĩ việc nguyệt sự bất ổn tháng này là do tác dụng phụ của thuốc tránh thai gây ra.

"Ta vừa nhóm lò xong, quay đi quay lại đã chẳng thấy em đâu, thì ra là đang ở chỗ này của nương tử trốn việc." Hương Hạnh mở tấm rèm châu, từ gian ngoài chậm rãi tiến vào, dùng cả hai tay nâng lò cầm tay đưa cho Thi Yến Vi, mỉm cười trêu chọc Luyện Nhi.



Luyện Nhi là người thật thà, còn tưởng nàng ấy đang thực sự trách cứ mình thì rối rít giải thích: "Em thấy nương tử rầu rĩ không vui nên ngồi xuống nói chuyện phiếm một lúc với nương tử, không phải em lười biếng đâu ạ."

Hương Hạnh che miệng cười khúc khích, đưa tay xoa vải áo trên vai nàng, dịu dàng nói: "Chỉ mới đùa với em hai câu thôi mà đã tưởng là thật. Nương tử dù không thấy thoải mái nhưng cũng không thể không dùng bữa sáng đúng không, còn không nhanh đến phòng bếp truyền thiện đi?"

Luyện Nhi gật đầu đáp ứng, đứng lên khỏi ghế thi lễ cáo lui, Thi Yến Vi đặt lò cầm tay lên bụng sưởi ấm, khóe môi cong lên yếu ớt nói: "Giờ ta thực sự không có khẩu vị, em đến phòng bếp bảo họ làm bát cháo ngọt cho ta là được."

Hương Hạnh nghe xong, đôi mày thanh tú hơi cau lại, cùng Luyện Nhi lui ra ngoài, đợi bước ra khỏi cửa viện mới nhỏ giọng lên tiếng trước: "Chỉ uống mỗi cháo ngọt thôi thì sao được, theo ta thấy vẫn nên dặn phòng bếp chuẩn bị thêm món thịt. Nương tử đã gầy đến mức đó rồi, nếu gia chủ về nhìn thấy, kiểu gì cũng sẽ trách tội xuống cho xem."

Luyện Nhi nghe xong cũng thấy có lý, nàng đi vào phòng bếp còn Hương Hạnh thì đi nấu trà gừng đường cát, mang đến cho Thi Yến Vi.

Chỉ mấy tháng trước, Thi Yến Vi thường chỉ cảm thấy đau đớn trong nửa ngày đầu tiên của kỳ nguyệt sự nhưng lần này cơn đau kéo dài trọn hai ngày, đến ngày thứ ba cũng chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí lúc đi tiểu còn cảm thấy ê buốt.

Chưa dừng lại ở đó, dạo gần đây Thi Yến Vi còn có những cơn đau dạ dày. Dù mỗi ngày đều có Luyện Nhi ở bên khuyên nhủ nàng nên ăn nhiều chút thì tình trạng sụt cân chẳng những không chững lại mà ngược lại, cũng không thấy dấu hiệu tăng cân.

Thời gian thấm thoát trôi qua, chẳng mấy chốc đã là trung tuần tháng chín, tính kỹ ra thì lần này Tống Hành đi đã hơn hai mươi ngày, từ đó đến nay chưa thấy hắn quay lại biệt viện.

Thi Yến Vi thông qua Phùng Quý thì nhận được tin hắn ra ngoài đánh giặc, sau đó còn thành khẩn khuyên nàng đừng nên nôn nóng, chỉ cần yên tâm ở đây kiên nhẫn chờ gia chủ về là được.

Lời này khiến Thi Yến Vi cảm thấy buồn cười. Khoảng thời gian Tống Hành không ở Thái Nguyên, nàng một mình ở đây ung dung tự tại, căn bản không hề nghĩ tới Tống Hành thì lẽ nào lại vì chuyện hắn không đến mà sốt ruột hay ưu phiền?

Những dù sao đi nữa hắn vẫn là cánh tay phải đắc lực của Tống Hành, không thể không diễn trò trước mặt hắn. Nàng bày ra dáng vẻ lo lắng cho Tống Hành đến nỗi cơm nước không vào, nói: "Làm phiền Phùng lang quân phải đích thân đến đây một chuyến, ta đương nhiên sẽ yên tâm đợi gia chủ khải hoàn trở về."

Phùng Quý thấy nàng hơi cau mày mím môi, nhớ đến lần cãi vã nảy lửa giữa nàng và gia chủ tháng trước, nhất thời không biết dáng vẻ của nàng hiện giờ liệu có phải là thật lòng, nhưng đúng là nhìn nàng hao gầy đi ít nhiều, một cơn gió nhỏ dường như cũng đủ sức cuốn nàng bay đi, bèn tạm thời tin rằng nàng thành ra thế này cũng chỉ bởi vì quá mức nhớ nhung gia chủ.

Hai ngày sau, có tin vui truyền tới từ Duyện Châu. Chiến sự sắp sửa giành được thắng lợi, khoảng tháng mười gia chủ sẽ hồi thành.

Tiết phu nhân nhận được tin này, trái tim đang treo lơ lửng cũng nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất.

Tới ngày hai mươi lăm tháng chín, ngày Lập Đông.



Hà Đông Quân đại thắng, Tống Hành dẫn đám thuộc hạ mượn đường Thiên Bình, Ngụy Bác quất roi thúc ngựa trở về Thái Nguyên, lúc đến được ngoài cổng thành đã là nửa đêm ngày hai mươi chín tháng chín.

Thời tiết đã vào cuối thu, gần đến đông chí, ban đêm trời lạnh, đàn ngựa ra sức phi nhanh rốt cuộc cũng có thể được nghỉ ngơi một lúc, hơi thở ấm nóng phả vào không khí lạnh hóa thành từng đợt sương trắng.

Trình Diễm thu lại dây cương, thẳng lưng ngồi ngay ngắn trên ngựa, giơ tay hô to với binh sĩ ở cổng thành: "Tiết soái về thành, mau mau mở cổng thành đi."

Một binh sĩ mặt tròn xoe dụi mạnh mí mắt nặng trĩu, cầm bó đuốc ở gần đó đi tới.

Trông xuống cổng thành liền lập tức bị ánh sáng vàng rực trên y giáp người dẫn đầu làm chói mắt, nhìn kỹ lại thì hóa ra là ngư phù bằng vàng. Hắn cuống cuồng chạy xuống đánh thức mấy binh sĩ đáng ra phải luân phiên nhau canh gác, vội vàng mở cổng nghênh đón người đi vào.

Đám binh sĩ đều chắp tay khom lưng hành quân lễ với Tống Hành, sĩ quan trưởng run rẩy nói: "Ti hạ không biết Tiết soái cùng Trình tư mã trở về nên đã không tiếp đón từ xa, vạn mong Tiết soái thứ lỗi."

Tống Hành nhàn nhạt liếc nhìn binh sĩ kia một cái, thản nhiên nói không sao rồi cáo từ cùng những người đi theo, ai về nhà nấy.

Tiếng vó ngựa vang lên trên ngã tư đường vắng lại, đi vào con hẻm không một bóng người. Chẳng hiểu vì lý do gì, Tống Hành chợt nhớ lại mấy chục ngày trước, hắn đứng giữa màn mưa nhìn cái bóng nữ lang hắt lên màn cửa sổ, ngẫm nghĩ một lúc thì quay đầu ngựa, hướng về biệt viện hành sơn.

Lúc đó đã vào đến canh ba, viện tử chìm sâu vào yên tĩnh, vầng trăng treo cao giữa nền trời tối đen như mực, tỏa ra thứ ánh sáng trong trẻo nhưng u uất, chạm vào cành lá rồi hóa thành những vệt xám nhuộm màu lên phiến đá xanh.

Tống Hành không để lão mụ đánh thức Thi Yến Vi mà phất tay hiệu đám người lui hết cả ra ngoài. Hắn đẩy cửa im lặng đi vào giữa phòng, dựa vào ánh trăng mờ ảo đứng bên giường nhìn ngắm dung nhan khi đang ngủ của nàng, sau đó lại cúi xuống vươn bàn tay phải thô to, nhẹ nhàng chạm vào gò má trắng nõn ửng hồng của Thi Yến Vi.

Thi Yến Vi như bị thứ gì đó nóng rực áp vào, khẽ cau mày lật người qua, tay phải thoát ra khỏi ổ chăn định gạt đi bàn tay đang chạm lên má nàng của Tống Hành. Bàn tay đang thuận thế định rút về của Tống Hành liền đảo ngược cầm lấy tay nàng, bỏ vào trong chăn.

Theo động tác của hắn, hơi lạnh trong không khí khẽ lọt vào chăn, Thi Yến Vi nhẹ nhàng thở ra một hơi, ngưng lại thành lớp sương trắng thật mỏng, trong thoáng chốc nàng hơi nhướng mi mắt thì chợt nhìn thấy bóng người mơ hồ, nhưng vì quá mức buồn ngủ nên cũng không cố sức mở mắt ra nhìn thử, chớp mắt một cái rồi nhắm mắt lại ngủ rất say.

Không sao cả, ngày mai vẫn còn thời gian.

Nghĩ đến đây, Tống Hành bèn đè xuống cảm giác khô nóng quanh quẩn trong lồng ngực, kiên nhẫn giúp nàng dịch lại chăn rồi rời biệt viện về lại Tống phủ.

Hắn cởi bỏ áo giáp nặng nề trên cơ thể, vào phòng tắm rửa một cách qua loa rồi khoác vội tẩm y quay lại phòng, vừa ngả người vào chăn thì chẳng mấy chốc đã ngủ thiếp đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Giam Cầm Nàng Dưới Màn Trướng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook