Giam Cầm Nàng Dưới Màn Trướng

Chương 35:

Uyên Tú Tú

23/11/2024

Tống Hành bước ra khỏi phòng, Phùng Quý đang đứng dưới mái hiên vội vàng tiến lên nghênh đón, thấy sắc mặt hắn lộ rõ vẻ không vui, ánh mắt như ngấm ngầm nhẫn nhịn thì hạ giọng dè dặt hỏi: "Giờ gia chủ muốn hồi phủ chuyện cơm canh xử trí thế nào ạ?"

Gió bắc thổi qua đại sảnh, cuốn theo những chiếc lá vàng khô rụng trên mặt đất.

Phùng Quý theo bản năng khép lại vạt áo, chợt thấy bầu không khí xung quanh lạnh đến rợn người.

Tống Hành dừng lại, mặc cho cơn gió đêm buốt giá kia thổi qua một lúc, ấy thế mà lửa giận trong lòng vẫn chẳng thể tiêu tán nổi. Hắn mượn ánh nến vàng cam tỏa ra từ đèn lồng treo dưới mái hiên, lạnh lùng liếc nhìn chiếc hộp thức ăn sơn mài màu đỏ được chạm khắc tinh xảo.

Rồi trầm giọng nói: "Đưa vào đi, sai người canh chừng nàng dùng bữa, nếu lần sau ta về nàng vẫn gầy thế nữa thì lôi phòng bếp và toàn bộ người trong viện ra, mỗi người chịu mười bản tử."

Dứt lời, bước xuống bậc thang sải bước ra ngoài.

Phùng Quý gật đầu tuân mệnh, nhìn theo bóng dáng hắn rời đi rồi gọi Lưu mụ tới, truyền đạt lại từng lời của Tống Hành sau đó mới đuổi theo chủ nhân.

Lưu mụ, Luyện Nhi và Hương Hạnh cùng nhau bước vào. Lưu mụ lệnh Luyện Nhi vào phòng dọn dẹp những mảnh vỡ của bình thuốc bị ném rơi trên sàn còn bà thì mang y phục mùa đông tới phủ thêm cho Thi Yến Vi, đỡ nàng xuống giường ra gian ngoài dùng bữa tối.

Lúc này đã là quá canh hai, sắc trời biến đổi kỳ lạ. Ban ngày trời quang mây tạnh nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, màn đêm vừa buông cũng là lúc mây đen kéo đến dày đặc, che đi vầng trăng giữa bầu trời, chỉ để lại một ít những vì tinh tú điểm xuyết giữa nền trời không còn rõ ranh giới.

Vì phải thừa sủng quá lâu nên lúc đi lại, hai chân Thi Yến Vi run rẩy đến kịch liệt, bụng dưới đau nhức cùng cảm giác tê buốt ở giữa khiến nàng nhăn mày mím chặt môi. Lưu mụ nhìn rõ, cảm thấy không đành lòng, liền cất lời khuyên nhủ một cách đầy thấm thía: "Nương tử hà tất phải tranh cãi tức giận với gia chủ khiến ngài ấy không vui, kết quả người chịu khổ vẫn sẽ là bản thân người thôi. Trên đời này có lang quân nhà ai lại không thích những cô gái nhỏ dịu dàng hiểu ý. Huống chi nương tử trời sinh đã có dung mạo hơn người, giờ chỉ cần đổi lại cười với ngài một cái, mềm giọng dỗ ngọt gia chủ một hai câu là đã có thể khiến ngài thương xót, chẳng những muốn gì được nấy mà hơn hết, còn giúp chính mình không phải chịu tội."

Tuy không đồng tình với những lời này của bà nhưng biết bà chỉ vì nghĩ cho mình, nên nàng vẫn khẽ gật đầu, để bà đỡ mình ngồi tựa vào đệm mềm lông dê phủ trên giường La Hán. Hương Hạnh bày thiện xong, mang theo tấm chăn mỏng đến, đắp lên đầu gối giúp Thi Yến Vi rồi gắp thêm đồ ăn vào bát cho nàng.

Hai tay Thi Yến Vi vẫn còn hơi run, cố gắng ăn được non nửa bát rồi sai người mang cơm canh xuống, lại nhẹ giọng dặn dò: "Sau này mỗi bữa chỉ cần hai món thôi là được. Ta cũng chẳng ăn được bao nhiêu nên không cần phải phô trương, khi không lại vô duyên vô cớ làm lãng phí lương thực."

Giọng nói nữ lang uể oải yếu ớt, Lưu mụ nhớ tới lời cảnh cáo của Phùng Quý, không khỏi cau mày nói: "Nương tử nghĩ nhiều rồi. Trong phủ không thiếu lương thực, chỉ cần nương tử chịu khó ăn nhiều hơn thì thêm hai ba món nữa cũng chẳng phải vấn đề. Lúc này sức khỏe của người mới là quan trọng nhất, chứ nhỡ lại để sụt cân thì..."

Lưu mụ cũng không muốn tạo ra quá nhiều áp lực cho Thi Yến Vi nên nửa vế "thì đám các nàng sẽ bị kéo xuống phạt bản tử" phía sau mắc lại ngay cổ họng, bị bà nuốt xuống.

Thi Yến Vi thấy bà có vẻ muốn nói lại thôi thì cũng nhận ra vấn đề, nàng hơi nhíu mày hỏi thẳng: "Nếu còn gầy đi thì hắn sẽ làm gì?"

Từ "hắn" kia còn có thể ám chỉ ai được nữa?

Lưu mụ bị những lời nói to gan này làm cho sửng sốt, bà mở to mắt nhìn nàng, thầm nghĩ vị Dương nương tử này thoạt nhìn có vẻ mềm yếu nhu nhược nhưng khi mở miệng thì lại có phần bất cẩn liều lĩnh.

Thi Yến Vi thấy bà mất một lúc lâu vẫn chưa đáp lại, liền hé môi hỏi thêm lần nữa: "Hắn sẽ làm gì?"

Lưu mụ thấy không thể lừa gạt nàng được nữa, lúc này mới nắm chặt khăn gấm trong tay, dáng vẻ bất an nói rõ: "Gia chủ có ý nếu lần sau ngài quay về lại thấy nương tử bị gầy đi thì sẽ lôi toàn bộ tôi tớ trong viện cùng đầu bếp ở phòng ăn xuống phạt bằng bản tử."

Trong mắt Tống Hành, muốn ép nàng đi vào khuôn khổ thực sự quá mức dễ dàng, cũng chẳng cần biện pháp nào cao siêu, chỉ cần dùng người khác uy hiếp nàng là được.

Nghĩ đến đây, gương mặt vốn đã trắng bệch của Thi Yến Vi càng mất đi huyết sắc, nhẹ nhàng nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, cố gắng kiềm chế cảm xúc để không mất đi lý trí. Mãi một lúc sau, nàng mới từ từ mở mắt, điềm đạm nói: "Lưu mụ cứ làm theo lời ta. Buổi sáng chỉ cần một chén mì, buổi trưa bữa tối thì mỗi bữa hai món, một mặn một chay, mỗi món cũng làm ít thôi, như vậy ta ăn vào cũng sẽ nhiều hơn bình thường."

Lưu mụ gật đầu đồng tình, nghe giọng nói khản đặc của nàng liền sai người mang mật ong pha nước ấm đến, dùng cả hai tay nâng chén đưa cho nàng: "Nương tử uống chút nước mật ong làm dịu cổ họng đi."

Thi Yến Vi vươn tay nhận lấy, cảm ơn bà rồi uống vài ngụm, cảm giác khó chịu ở cổ họng tuy có giảm bớt nhưng sự mệt mỏi lại bất giác dâng lên, mí mặt nặng như đeo chì nên đành làm phiền Lưu mụ đỡ nàng quay lại giường.



Dưới ánh nến mờ ảo, Thi Yến Vi hơi cau mày, hai tay vô thức ôm bụng dưới, vẻ mặt không hề dễ chịu. Lưu mụ khẽ thở dài, buông màn xuống, thổi tắt ngọn đèn cuối cùng trong phòng, nhẹ nhàng rút lui.

Đêm đó Thi Yến Vi ngủ một giấc rất say, mặt trời đã gần đến đỉnh thì mới mơ màng tỉnh lại, cảm giác đau xót trên người khiến nàng nhất thời không thể xuống giường, một lúc lâu sau mới chật vật ngồi dậy, gọi người đưa nước nóng tiến vào.

Luyện Nhi tay không đi vào, cúi đầu nói: "Trong phòng đã chuẩn bị sẵn nước nóng, nương tử vào ngâm nước ấm, tắm gội cho thoải mái."

Thi Yến Vi gật đầu đồng ý, để nàng ấy đỡ vào phòng tắm, gội rửa sạch sẽ xong liền lấy thuốc mỡ thoa vào vết thương, sau đó nằm vùi trên giường gần như nguyên ngày.

Cũng đã mấy ngày trôi qua nhưng không thấy Tống Hành quay lại biệt viện nữa.

Thi Yến Vi mỗi ngày thoa thuốc ba lần, nghỉ ngơi thêm dăm ba bữa mới bình phục hoàn toàn.

Hôm đó là ngày đoàn sứ do đích thứ tử Bùi Mậu Khiêm của tiết độ sứ Kính Nguyên dẫn đầu đến Thái Nguyên thương nghị chuyện quy phục.

Kính Nguyên nằm ở phía bắc Phượng Tường và phía tây Bân Ninh. Xưa nay tiết độ sứ Bùi Quang Nhân luôn ở giữa cân nhắc về việc nên quy thuận Tống Hành hay hàng phục thế lực Giang Tiều. Hiện giờ Bân Ninh nhờ có Hà Đông Quân gấp rút tiếp viện, đả bại Phượng Tường, Bùi Quang Nhân rốt cuộc hạ xuống quyết tâm, nhất định phải dựa vào phe cánh Tống Hành.

Ông ta vốn định phái trưởng tử ổn trọng thành thục đến Thái Nguyên bàn chuyện quy phục, nhưng không ngờ thứ tử Bùi Mậu Khiêm trước giờ ăn không ngồi rồi lại đột nhiên thay đổi, nhiều lần khẩn cầu xin được đến Thái Nguyên bái kiến Hà Đông tiết độ sứ Tống Hành. Bùi Quang Nhân thấy thái độ hắn chân thành, rõ ràng là đã có tiến bộ bèn đồng ý, còn đặc biệt phái hai viên thuộc hạ dày dặn kinh nghiệm phụ tá, cùng hắn khởi hành đến Thái Nguyên.

Đoàn người đông nườm nượp rời thành Kính Châu kéo đến Thái Nguyên. Tống Hành dù không thân chinh ra tận cổng thành nghênh đón nhưng cũng thiết yến ở Tống phủ, đích thân khoản đãi.

Vì Bùi Mậu Khiêm trong nhà xếp hàng thứ ba nên Tống Hành, Tiết phu nhân và những người khác đều thống nhất gọi hắn là Thẩm Tam lang.*

* Chi tiết này cũng thế, mình cũng không hiểu sao họ Bùi nhưng lại gọi là Thẩm Tam lang.

Đám người gặp nhau bên ngoài phủ rồi tiến vào chính sảnh giữa vòng vây của đám vú già tỳ nữ, sau khi ai nấy đều yên vị đúng chỗ, Tiết phu nhân nhìn về phía Bùi Mậu Khiêm, mỉm cười hỏi hắn: "Bùi công dạo gần đây vẫn khỏe chứ?"

Bùi Mậu Khiêm không nén nổi dán mắt vào Tống Thanh Hòa một lúc, thầm nghĩ vị tiểu nương tử này xinh đẹp như hoa, dù Kính Châu hắn đã từng gặp không ít nữ lang bề ngoài mạo mỹ nhưng quả nhiên trong số đó chẳng có lấy một ai là bì kịp được nàng, cõi lòng hắn rạo rực, nhấp nhổm không yên.

Chỉ đến khi dòng suy nghĩ của bị cắt ngang bởi câu hỏi của Tiết phu nhân, phải khó khăn lắm hắn mới kịp lấy lại tinh thần, cung kính đáp: "Đa tạ Thái phu nhân quan tâm, gia tôn hết thảy đều ổn."

Những người khác không chú ý tới ánh mắt của Bùi Mậu Khiêm nhưng trong số đó không bao gồm cả Tống Thanh Hòa. Sau khi uống xong một ly rượu, nàng vô tình bắt gặp con mắt đen láy có phần bỡn cợt soi xét mình, liền quay đầu sai người ôm Đạp Vân đến.

Không lâu sau, đồ ăn được bưng lên, Tống Thanh Hòa bị người đàn ông nhìn lén mấy lần bằng ánh mắt đê tiện, trong lòng hết sức căm tức, sau khi qua loa dùng được nửa bát liền lấy cớ rượu vào đầu óc liền có phần chếnh choáng, ôm Đạp Vân ra ngoài hít khí trời cho thoáng.

Ca vũ dừng lại, mọi người dùng bữa xong, Tống Hành lệnh hạ nhân thu dọn bát đĩa, mang rượu ngon trái cây tới.

Thấy giai nhân bỏ đi nên Bùi Mậu Khiêm liền có chút thất vọng, uống cạn rượu ngon trong chén kim bôi hoa văn kháp ti rồi khoanh chân ngồi xem tỳ bà kỹ gẩy đàn, trong lòng từ đầu chí cuối vẫn nhớ nhung vị tiểu nương tử vừa nãy.

Nhưng nàng là đường muội Tống Hành, hòn ngọc quý trên tay Tiết phu nhân, thân phận tôn quý, đã định trước chỉ có thể nhìn ngắm từ xa, há lại chịu đồng ý để làm thiếp cho người. Đổi lại nếu nàng là nữ lang ở Kính Nguyên thì chỉ cần bỏ sức, lùa gọn vào tay là được.

Bùi Mậu Khiêm nghĩ đến đây thì không khỏi cảm thấy tiếc hận, trầm ngâm lúc thì cười rộ lên, giọng điệu lấy lòng nói: "Mỗ vẫn thường nghe Thái Nguyên được Tống Công và tiết sử che chở gần hai mươi năm không nhiễm khói lửa chiến tranh, dân chúng an cư lạc nghiệp, trong thành dân phú binh cường, lại nói bên bờ sông Phần cảnh sắc như tranh, thuyền hoa qua lại nhiều như mắc cửi, nếu có may mắn được tận mắt chiêm ngưỡng thì quả là không uổng chuyến này."

Bùi Mậu Khiêm cũng giống như đám con cháu thế gia yêu thích uống rượu mua vui, Tống Hành tuy không thích nhưng cũng không phán xét, hơn nữa hắn là chủ nhà thì đương nhiên phải tận tình làm hết chức trách của chủ nhà, khẽ mở môi mỏng nói: "Nếu Bùi Tam lang có nhã hứng ngắm cảnh đẹp sông Phần thì cũng không hề khó. Nếu không ngại ngài hãy lưu lại thêm mấy ngày ở Thái Nguyên, hôm nào rảnh rỗi mỗ sẽ bày yến trên thuyền hoa, tiếp đón Thẩm tam lang cùng nhị vị lang quân."

"Làm phiền Tống tiết sử phí tâm, mỗ cám ơn Tống tiết sử đã thịnh tình khoản đãi trước." Bùi Mậu Khiêm cười nói xong thì bưng chén kim bôi, hướng Tống Hành mời rượu.

Từ năm mười bảy tuổi Bùi Mậu Khiêm đã đặt chân vào chốn phong nguyệt, những chuyện khúc khủy ẩn nấp bên trong hắn rõ hơn ai hết. Thuyền hoa bình thường nếu có tiền thì đều có thể lên, nhưng loại thuyền hoa chuyên cung cấp cho sĩ tộc quyền quý Thái Nguyên thì không phải cứ có tiền là được phép bén mảng. Kỹ nữ trên thuyền hoa bình thường cũng không thể đánh đồng với nhạc kỹ vũ kỹ do Giáo Phường Tư quản lý.



Muốn trải nghiệm ôn nhu hương cao cấp nhất ở thành Thái Nguyên thì cần đến Tống Hành đứng ra lo liệu.

Đến giữa giờ Tuất, bóng đêm càng lúc càng dày đặc, trên bầu trời là vầng trăng tròn trĩnh, treo cao ở tầng mây thứ chín, ánh trăng trong trẻo như nước, gió bấc thổi qua hàng trúc, phát ra tiếng vang loạt xoạt.

Kết thúc yến tiệc, Bùi Mậu Khiêm được tỳ nữ quý phủ đỡ vào sương phòng phía tây nghỉ ngơi.

Bất giác hai, ba ngày nữa tiếp tục trôi qua, Tống Hành mới có chút thời gian nghĩ đến Thi Yến Vi, trong lòng hắn dù mong nhớ nàng nhưng lại không thể hạ cái tôi xuống, ban đêm nếu tâm tư kia nổi lên thì thà chọn cách ngâm nước lạnh hoặc dùng tay giải quyết chứ nhất quyết không chịu đến tìm nàng một cách nhanh như vậy.

Chiều hôm ấy, còn chưa tới giờ Ngọ, Thi Yến Vi ngồi dưới cửa sổ đọc sách học chữ. Vì ở biệt viện hành sơn nàng cũng không có việc gì làm nên mỗi ngày nàng đều dùng đến cách này để giết thời gian, khi nào cảm thấy gần như đã học thuộc thì buông sách, cầm giấy và bút mực đến luyện chữ.

Lúc Tống Hành đến thì thấy nàng đang cúi đầu trước thư án viết thơ.

"Hà đương cộng tiễn tây song chúc/ Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì." [1]

[1] Hai câu trích trong bài: Dạ vũ ký bắc (Đêm mưa gửi người phương bắc) của Lý Thương Ẩn.

Bản dịch nghĩa: Bao giờ ở cửa sổ hướng tây, cùng nhau cắt ngọn hoa đèn/ Lại cùng kể nhau nghe chuyện về mưa đêm lạnh lẽo ở núi Ba.

Thi Yến Vi viết ra những dòng này thì không khỏi cảm thấy phiền muộn.

Lúc trước học được bài thơ này, nàng cũng chẳng có cảm xúc gì đặc biệt, nhưng giờ nhìn lại thì vô duyên vô cớ chợt nhớ tới Trần Nhượng, không biết anh ở thế giới hàng ngàn năm sau có tốt không, có còn nhớ đến nàng không.

Bàn tay cầm bút thoáng dừng lại, một giọt mực lớn bằng hạt đậu từ đầu bút rơi xuống, lan đều trên giấy Tuyên Thành hóa thành đóa hoa màu mực, vừa vặn nuốt trọn hai chữ "dạ vũ".

"Không biết Dương nương tử muốn cùng ai tiễn tây song chúc?" Tống Hành yên lặng đi đến bên cạnh Thi Yến Vi, nhìn chằm chằm vào dòng chữ màu đen trên giấy Tuyên Thành.

Giọng nam quen thuộc vang lên bên tai, Thi Yến Vi kinh hãi lập tức gác bút xoay người, động tác cứng nhắc đặt bút lông sói cầm trong tay xuống, chắp tay trước ngực thi lễ với hắn.

Tống Hành cũng không khác gì những nam tử từ khi sinh ra đã được hưởng đặc quyền về giới tính, là hạng người thích mềm không thích cứng. Bọn họ sẽ không quan tâm đến tư tưởng, nội tâm và ý chí của nữ tử mà áp đặt quan điểm nam tôn nữ ti, cả đời phải phụ thuộc nam tử lên nhận thức của nữ tử, buộc các nàng phải chấp nhận số nhận và phục tùng quy tắc này như một lẽ đương nhiên, sau đó phó mặc để nam tử trên thế gian tùy ý điều khiển.

Hắn đã hết kiên nhẫn với con chim hoàng yến mới bị nhốt vào lồng sắt. Hắn muốn nàng ngoan ngoãn nghe lời, muốn nàng không dám phạm thượng hay bày trò ngỗ nghịch trước mặt hắn, thế nên hắn mang chuyện giữa Ngân Chúc và Triệu Nhị lang ra là để cảnh cáo nàng: trên đất Thái Nguyên này, hay thậm chí là toàn bộ lãnh thổ phương bắc, nàng đừng mơ có thể thoát ra khỏi lòng bàn tay hắn.

Ở thời đại ăn thịt người này, nhân cách, tôn nghiêm hay nhận thức được hình thành nhờ nền giáo dục hiện đại trên người nàng sẽ không được quyền lực phong kiến ​​hay chế độ phụ hệ dung túng. Nàng muốn bảo vệ mình dưới cường quyền của Tống Hành xem ra chỉ còn cách lá mặt lá trái, trong ngoài bất nhất mà thôi.

Bị cầm tù ở đây tính ra đã được hai tháng, nhiều nhất chỉ cần nhẫn nại chịu đựng thêm hai năm mười một tháng nữa là thoát khỏi nanh vuốt hắn, đến lúc đó nàng tự mình tìm ra lối đi riêng, dù lối đi này đã định trước là gian nan trắc trở thì nàng tin nàng vẫn sẽ không sợ.

Thi Yến Vi hơi mím môi, tựa như đã hạ xuống quyết tâm cao độ, miễn cưỡng nặn ra nụ cười nịnh nọt, cụp mi vờ như nhu thuận, đáp: "Thiếp chỉ viết chơi thôi mà, gia chủ đừng nên nghĩ nhiều."

Giọng nói mang theo ý cười của nữ lang, nhẹ nhàng như tiếng nước chảy róc rách, khiến lòng người trở nên ngứa ngáy.

Hầu kết Tống Hành nhấp nhô lên xuống, chỉ nghĩ biện pháp mạnh mà hắn dùng đến đêm đó đã phát huy hiệu quả rõ rệt, chẳng những khiến con chim tước ngang ngạnh này thu lại móng vuốt sắc nhọn mà lúc đối diện với chủ nhân đứng bên ngoài chiếc lồng cũng nghe lời dễ bảo hơn rất nhiều.

Nghĩ đến đây, hắn đi thẳng đến giường La Hán ngồi xuống, tay phải lười biếng gác lên thành giường, cố nén nỗi nhớ khi mấy ngày liên tục gần đây không được đến gặp nàng, giọng điệu không rõ vui giận cất lên sai phái: "Giờ nàng rửa mặt chải đầu ăn vận thành tỳ nữ, ta sẽ đưa nàng ra bờ sông Phần dạo chơi cho thoáng."

Thi Yến Vi đại khái có thể đoán được mục đích của hắn khi làm như vậy, chỉ đơn giản là muốn nàng thuận theo, giống như những nữ tử đáng thương bình thường, xuất thân tiện tịch, vì lấy lòng người mà thân bất do kỷ, phải làm những chuyện trái với lương tâm.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Giam Cầm Nàng Dưới Màn Trướng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook